Thứ Hai 27/05/2024 – Thứ Hai tuần 8 thường niên. – Điều kiện theo Chúa.
- In trang này
- Lượt xem: 4,031
- Ngày đăng: 26/05/2024 10:00:00
Điều kiện theo Chúa.
27/05 – Thứ Hai tuần 8 thường niên.
"Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta".
Lời Chúa: Mc 10, 17-27
Khi ấy, Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại, quỳ gối xuống trước Người và hỏi: "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?" Chúa Giêsu trả lời: "Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt, hãy thảo kính cha mẹ". Người ấy thưa: "Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ".
Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: "Ngươi chỉ còn thiếu một điều là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta".
Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh, và bảo các môn đệ rằng: "Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao". Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó.
Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: "Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa".
Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: "Như vậy thì ai có thể được cứu độ?" Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: "Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy Niệm 1: Tôi phải làm gì?
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
“Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”
Một anh thanh niên vội vã chạy đến, quỳ trước mặt Đức Giêsu
và hỏi Ngài như thế khi Ngài vừa lên đường.
Rõ ràng anh đang háo hức và thao thức
tìm kiếm một lối sống phù hợp ở đời này,
để nhờ đó được hưởng hạnh phúc vững bền mãi mãi.
Anh đã đến với Thầy Giêsu tốt lành để hỏi câu hỏi này,
và anh thực sự chờ nơi Thầy câu trả lời.
Thầy nhắc anh về những giới răn liên quan đến tha nhân.
Đây là những điều anh đã biết, và hơn nữa,
anh thú nhận mình đã giữ chúng từ khi còn nhỏ (c. 20).
Thầy Giêsu như bị cuốn hút bởi con người đạo đức của anh.
Đưa mắt nhìn anh, Thầy đem lòng yêu mến (c. 21).
Đúng là anh đã không làm hại gì đến tha nhân.
Nhưng anh còn thiếu một điều quan trọng, đó là:
Đi. Bán những gì mình có. Cho người nghèo.
Rồi đến. Và theo Thầy Giêsu.
Thầy mời anh đi một vòng, rồi trở lại.
Lúc trở lại với Thầy, anh sẽ nhẹ hơn nhiều,
vì mọi của cải đã được phân phát cho người nghèo khó.
Thầy Giêsu muốn anh trở nên môn đệ của mình,
sau khi đã trở nên tay trắng, không còn gì để nương tựa.
Anh thanh niên sẽ có kho tàng trên trời,
khi anh được giải phóng khỏi kho tàng của anh dưới đất.
Tiếc thay anh đã từ chối lời mời của vị Thầy có lòng mến anh,
và đã chỉ cho anh điều phải làm.
Lúc nãy anh chạy đến với Thầy, bây giờ anh lại bỏ đi (c. 22).
Lúc nãy anh háo hức, vui tươi, bây giờ anh sa sầm nét mặt.
Anh không ngờ Thầy lại đòi hỏi tận căn đến thế.
Anh mong sự sống vĩnh cửu, anh thích làm môn đệ Thầy Giêsu,
nhưng anh lại không muốn bỏ chỗ dựa là của cải đời này.
Lòng gắn bó với của cải đã là một trở ngại khiến anh mất tự do.
Không phải vì anh chiếm hữu nhiều của cải,
nhưng thực ra, vì của cải đã chiếm hữu anh.
Thầy Giêsu chắc còn buồn hơn anh thanh niên,
vì Thầy bị mất một người mà Thầy ưng gọi làm môn đệ.
Đến bao giờ anh thanh niên mới nguôi ngoai nỗi buồn?
Lời mời của Thầy tốt lành vẫn đeo đuổi tâm trí anh.
Anh vẫn suốt đời thiếu một điều.
Khi về nhà, khi tiếp xúc với của cải dư dật,
có khi nào anh lại thao thức đặt câu hỏi:
Tôi phải làm gì để được thừa hưởng sự sống đời đời?
Có khi nào anh nghĩ đến chuyện chia sẻ cho người nghèo?
Có khi nào anh lại muốn đến với Thầy Giêsu?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
Suy Niệm 2: Thanh luyện
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Lời Chúa hôm nay nói về thanh luyện. Trong vũ trụ hiếm có vật gì nguyên tuyền. Vạn vật trong vũ trụ sống bên nhau. Ảnh hưởng lẫn nhau. Xâm nhập vào nhau. Muốn có nguyên tố tinh tuyền. Cần phải thanh luyện.
Thánh Phê-rô cho biết vàng tuy là vật chất ở trần gian. Cũng đòi có cuộc thanh luyện. Huống hồ chúng ta có gia tài cao quí hơn gấp bội trên trời. Có thứ vàng vĩnh cửu. Có gia tài không bao giờ vẩn đục tàn phai. “Chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em”. Để đạt tới gia tài lớn lao cao quí ấy ta cũng phải được thanh luyện bằng những đau khổ lớn lao. “Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội” (năm chẵn).
Hôm nay Chúa Giê-su cho biết cuộc thanh luyện đó thật khốc liệt. Vì rốt ráo. Muốn vào Nước Trời phải thanh luyện tâm hồn khỏi những dính bén trần tục. Kho tàng trần tục đối lập với kho tàng Nước Trời. Giá trị khác nhau. Chất liệu khác nhau. Và cách thức thủ đắc cũng khác nhau. Kho tàng trần gian là vật chất. Kho tàng Nước Trời là ân sủng. Kho tàng trần gian mau qua. Kho tàng Nước Trời vĩnh cửu. Kho tàng trần gian có được nhờ thu góp. Kho tàng Nước Trời thành hình nhờ phân tán. Kho tàng trần gian qui về bản thân. Kho tàng Nước Trời dành cho tha nhân. Như Chúa dạy chàng thanh niên: “Hãy về bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời”. Hai kho tàng này mâu thuẫn nhau. Chỉ được một trong hai. Muốn được kho tàng Nước Trời phải bán hết kho tàng trần gian. “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào Nước Thiên Chúa”.
Gắn bó với của cải trở thành chướng ngại. Chọn trần gian là tội lỗi. Vì quay lưng lại Nước Trời. Vì thế cần sám hối. Cần trở về với Chúa. Xa lánh trần gian. “Hãy trở về với Đức Chúa và từ bỏ tội lỗi, hãy cầu khẩn trước nhan Người, và giảm bớt dịp tội. Hãy đoạn tuyệt với gian ác, trở về cùng Đấng Tối Cao, và cực lực gớm ghét mọi điều ghê tởm”. Không ai ngờ chàng thanh niên kia là tội lỗi. Nhưng anh thực sự chạy theo tội lỗi. Vì trước lựa chọn. Anh từ bỏ Chúa mà chạy theo tiền tài. Mà Chúa đã nói công khai: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của được”(Mt 6, 24) (năm lẻ).
Xin cho con luôn biết sám hối. Thanh luyện tâm hồn khỏi bụi bặm trần gia. Để chọn lựa Chúa. Và sống cho Chúa.
Suy Niệm 3: Khôn ngoan đích thực
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Trong truyền thống Kinh Thánh, Vua Salômôn vẫn được coi như mẫu người biết sống khôn ngoan, bởi vì nhà vua hiểu rằng ai có được khôn ngoan là chiếm hữu được bí mật, là chiếm hữu được ý nghĩa cuộc sống, và đó mới là kho tàng quý báu nhất. Người khôn ngoan như thế là người biết đặt vấn đề về ý nghĩa của đời mình, bởi vì có nhiều tiền bạc, danh vọng, quyền bính để làm gì, nếu sống mà không có lý tưởng và mục đích tuyệt đối để đeo đuổi, và bởi vì chỉ có cái đức mới theo con người sau cái chết và thực sự lợi ích cho con người.
Ðây cũng là ý nghĩa của trình thuật kể lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người thanh niên giàu có, như được ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay.
Trong truyền thống Do Thái, của cải giàu sang là bằng chứng sự hiện diện và chúc lành của Thiên Chúa, còn nghèo khổ là dấu chỉ xa cách Thiên Chúa và bị Ngài chúc dữ. Chúa Giêsu sửa sai quan niệm duy vật đó của người Do Thái, bằng cách đảo lộn bậc thang giá trị của tâm thức trần gian. Thánh Matthêu và Luca trình bày điều đó qua Hiến Chương Tám Mối Phúc Thật, còn thánh Marcô thì lồng khung nó trong con đường của Chúa Giêsu tiến về thập giá và Núi Sọ, trên con đường ấy thái độ sống đúng đắn nhất, đó là tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa và Lời Ngài.
Qua cuộc đối thoại với người thanh niên giàu có, Chúa Giêsu cho thấy việc tuân giữ lề luật mà thôi không bảo đảm cho ơn cứu rỗi của con người. Muốn được cứu rỗi, phải chia sẻ của cải cho người nghèo khó để được phần trên trời và bước theo Chúa Giêsu. Nói khác đi, đối với Chúa Giêsu, việc tuân giữ luật lệ không đủ để được ơn cứu rỗi; muốn được ơn cứu rỗi, cần phải sống tin yêu, phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, nghĩa là có được kho tàng trên trời, và yêu thương tha nhân bằng cách cho đi những gì mình có, dù đó là của cải vật chất hay tinh thần.
Chúa Giêsu không dạy chúng ta khinh thường của cải trần gian, nhưng Ngài chỉ khuyến cáo chúng ta rằng của cải trần gian có thể là một chướng ngại trầm trọng cho ơn cứu rỗi. Khi nó không được dùng để phục vụ tha nhân, thì của cải có thể trở thành dụng cụ của ích kỷ, nguồn gốc của bất chính hoặc phô trương lừa gạt. Của cải có thể trở thành sự dữ, khi nó khép kín con tim và tâm trí chúng ta trong ngục tù của ích kỷ và hưởng thụ, khi nó ngăn cản chúng ta sống yêu thương và quảng đại, khi nó không cho chúng ta sống hoàn toàn tự do khỏi mọi tù ngục trói buộc con người.
Lời mời gọi của Chúa Giêsu: hãy bán của cải, chia cho người nghèo, rồi đi theo Ngài, là một lời mời gọi cách mạng, có sức biến đổi tấm lòng và cuộc đời cũng như có sức biến đổi thế giới. Theo Chúa Giêsu là có can đảm từ bỏ tất cả: từ bỏ tội lỗi, từ bỏ kiểu cách sống trái với Tin Mừng yêu thương, từ bỏ tâm thức hẹp hòi ích kỷ, từ bỏ những người thân thương và từ bỏ chính mạng sống của mình nữa. Nhưng tất cả những từ bỏ ấy chỉ có ý nghĩa khi chúng ta chọn Chúa Giêsu và tiến bước theo Ngài. Và đó chính là sự khôn ngoan đích thực của chúng ta.
Suy Niệm 4: Đặt câu hỏi không đúng
Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm phần gia nghiệp?”
Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu một điều, là hãy đi bán hết những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mc. 10, 17. 21)
Người giầu có này đặt cho Chúa một câu hỏi kiểu người có óc kinh doanh: “Thưa Thầy, tôi phải đặt gía nào để được thừa hưởng sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Chúa Giêsu trả lời anh rằng Người không có tiền mặt trao đổi cho một vụ giao dịch như thế, và anh chàng “buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” đã hoàn toàn mất giá trong một cuộc trao đổi thuộc loại như thế. Cũng như thể ta đem bánh trao đổi với chủ lò bánh để mua nhà của ông ta vậy. Bánh không thể đổi lấy cái nhà tuy là vật sở hữu nhưng đã tham dự vào cuộc sống của chủ lò bánh. Sự sống đời đời không phải để bán. Chẳng thể dùng tiền mà mua được sự sống ấy; trái lại phải rũ bỏ hết mọi khế sở hữu của mình. Nếu lòng ta để hết cả vào cái sở hữu của ta, thì sự sống đời đời dù là đẹp đẽ đến đâu, cũng sẽ trở nên lê thê, buồn chán, bởi lẽ những khát vọng của ta sẽ chẳng được thỏa mãn. Xem ra ý nghĩa của câu truyện là như vậy.
Bạn để lòng ở đâu, thì ở đó có nguồn vui
Khi nói ta không thể dùng những việc lành, việc thực hành các giới răn mà mua được Sự Sống, thì hoàn toàn không có ý khinh chê những hành động này và nếu vì nghèo đói mà ta chỉ mải mê lo cho cuộc sống vật chất này thì thật bất hạnh! Một việc thiện vẫn là một việc thiện cho dù nó không đáng hưởng một Sự Sống mà không gì xứng đáng. Việc tuân thủ luật pháp vẫn là cần thiết để sinh hoạt của con người được trôi chảy, mặc dầu việc tuân thủ kia không thể cho quyền (theo luật) được hưởng Sự Sống đời đời.
Rất nhiều khi chúng ta thường trình bày Chúa Giêsu như một nhà cách mạng đả kích trật tự xã hội, đang khi Người lại làm hết sức mình để ta phải nhận rằng thái độ trên đây không phải là sứ mệnh của Người. Có những giá trị nhân loại, dầu sao vẫn là những giá trị lớn như công bình, ý thức chia sẻ, dù rằng nó không có một giá trị đời đời. Người tín hữu sẽ tự bôi lọ mình khi không quan tâm đến những giá trị trên đây, viện lẽ rằng mình chỉ phải lo cho những gíá trị đời đời. Dầu sao, trong chính bản thân ta, chúng ta có những cái phải quan tâm để đưa tới mức hoàn thiện. Chúng ta đã chẳng có Mầu nhiệm Nhập thể của Chúa Giêsu để dạy ta làm người hoàn toàn và tuyệt vời sao. Uy thác hoàn toàn cho Chúa sứ mệnh sửa lại một nhân loại đã suy đồi, thiết tưởng là làm hại cho công trình sáng tạo vậy.
Nếu chúng ta được Chúa mời gọi bán hết của cải mà cho người nghèo để đi theo Chúa Giêsu, chính là để ta chọn một con đường mà những của cải này, dù tốt và cần đến đâu để ta sống ở trần gian, thì đều không cần thiết ở nơi ấy, nơi “trời mới đất mới.”
Suy Niệm 5: Khôn ngoan và khôn dại
Trong một dịp nói chuyện với các tu sĩ, một linh mục lớn tuổi được đề nghị chia sẻ về kinh nghiệm cầu nguyện của chính ngài. Lúc đầu ngài không muốn vì e rằng rơi vào tình trạng khoe khoang, nhưng sau khi mọi người thuyết phục trong tinh thần đạo đức, ngài đã nhận lời. Ngài chia sẻ rất nhiều ý tưởng, nhưng điều đáng chú ý nhất, ngoài lời cầu nguyện cho mọi người, ngài dâng lời cầu nguyện cho chính mình. Ngài nói: “Tôi thường xin Chúa cho tôi được ơn khôn ngoan, yêu mến Lời Chúa, can đảm đón nhận đau khổ, trung thành với ơn gọi và được chết lành đang lúc có ơn nghĩa với Chúa”.
Thật vậy, người khôn ngoan theo lối hiểu của Kinh Thánh chính là khám phá ra ý nghĩa của cuộc đời, biết đặt cuộc đời mình trong thánh ý của Thiên Chúa chứ không phải tiền bạc, danh vọng và lợi thú... Biết tìm đến với kho tàng vĩnh cửu, chứ không bám víu và phụ thuộc vào những thứ mau qua, chóng hết ở đời.
Hôm nay, có một chàng thanh niên tốt lành đến để gặp Đức Giêsu nhằm xin Ngài chỉ cho con đường dẫn đến hạnh phúc. Thấy thế, Đức Giêsu đã đem lòng yêu mến và mời gọi anh đi theo mình trên con đường mà chính Ngài đang đi. Tuy nhiên, khi buộc phải để lại mọi sự cho người nghèo thì anh đã không dám và từ từ rút lui!
Như vậy, ơn cứu độ đã đến được với anh thanh niên này, nhưng anh đã để mất bởi sự tham lam, ích kỷ của mình. Anh ta đã coi tiền bạc, của cải là số một trong cuộc đời của anh, nên chính Chúa cũng không còn chỗ đứng nơi tâm hồn người thanh niên đáng thương này thì làm sao ơn cứu độ có thể đến được!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đặt bậc thang giá trị, và biết lựa chọn đúng để được hạnh phúc đời đời. Hãy cẩn trọng với vấn đề tiền bạc vì tiền bạc có thể sẽ là rào cản lớn chắn đường về trời nếu nó trở thành ông chủ.
Nếu bao lâu chúng ta vẫn còn chạy đua với đồng tiền, bất chấp mọi thủ đoạn để chiếm lĩnh, hay sống ích kỷ, dửng dưng với người nghèo khổ, thì bấy lâu lời mời gọi đánh đổi kho báu Nước Trời sẽ là lời mời gọi xa lạ với chúng ta.
Như thế, lẽ đương nhiên, chúng ta đánh mất kho tàng đích thực và trở thành người dại trước mặt Thiên Chúa vì: “Lợi lãi cả thế giới mà mất linh hồn thì còn ích gì?”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tìm đến với Chúa, vâng nghe và thực hành Lời Chúa, bởi Chúa chính là nguồn mạch khôn ngoan. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 6: Tinh thần từ bỏ
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Muốn được cứu độ, cần phải có ơn Chúa. Nếu chỉ cậy dựa vào sức tự nhiên và tiền của, ắt không thể được cứu rỗi. Chúa quả quyết: “Không có Ta, các con chẳng làm gì được”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay cho con thấy, vào Nước Trời là một việc khó. Cái khó ấy chính là lòng tham sân si. Người giàu cũng như kẻ nghèo, nam cũng như nữ, ai cũng có thể mắc vào cái khó này. Người giàu thì cứ muốn giữ của mãi, người nghèo thì cứ muốn mơ ước mãi, ít ai có tấm lòng từ bỏ.
Lạy Chúa, con nhớ lại hình ảnh vẽ một người đang hấp hối chết dữ. Kẻ lâm chung được thiên thần và các thánh bay đến bên cạnh tấp nập khuyên lơn van xin. Nhưng ông ta cứ quay mặt nhìn vào bị tiền. Giây phút cuối cùng ấy, thiên thần bản mệnh của ông phải che mặt khóc. Ông ta đã quá gắn bó với tiền của.
Chúa đòi hỏi mỗi người chúng con một cách. Chúa ban cho mỗi người một phương tiện để sống. Xin cho con luôn nhớ rằng sự đời này chóng qua. Quê hương thật của con là Nước Trời. Quê hương thật của con sẽ trường tồn mãi mãi. Và để con được vào quê hương này, xin cho con biết sẵn sàng từ bỏ mọi sự để theo Thánh Ý Chúa. Ngày con sinh ra, con trần truồng, không một đồng bạc dính thân. Trong cả cuộc sống, Chúa trao cho con hành trang tiền của và các tài sản. Nhưng ngày con giã từ trần thế, Chúa gọi con về với cả thân xác linh hồn con, mọi sự đời này được để lại cho trần gian, con sẽ ra đi tay không.
Lạy Chúa, còn ngày nào sống trên đời, xin Chúa cho con luôn sống trong tinh thần từ bỏ. Xin đừng để con vì của cải mà mất quê Trời. Chỉ có Chúa là gia nghiệp muôn đời của con. Amen.
Ghi nhớ: “Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta”.
Suy Niệm 7: Theo Chúa phải khó nghèo
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Đức Giêsu nhấn mạnh đến sự chọn lựa của một người đi theo Chúa: chọn của cải trần thế hay kho tàng Nước Trời? Người thanh niên trong bài Tin Mừng là một người giầu có và giữ đạo đức từ thuở nhỏ. Nhưng khi Đức Giêsu đưa ra một điều kiện cao hơn là chia sẻ của cải cho người nghèo, thì anh ta chán nản bỏ đi. Đức Giêsu cho thấy: để được vào Nước Trời, không chỉ giữ đúng, giữ đủ lề luật, không làm gì hại đến ai như anh nhà giầu kia, mà còn phải thực thi bác ái. Vì chỉ ai sẵn sàng trở nên nghèo khó để mưu ích cho anh em, mới xứng đáng đón nhận ơn cứu độ.
2. Nhìn lại cuộc sống của người thanh niên trong Tin Mừng hôm nay, xem ra anh ta quả là một người đạo hạnh, vì tuân giữ các giới luật của Thiên Chúa từ lúc còn nhỏ. Thái độ sống của anh khiến chúng ta phải kính nể. Do đó, ước muốn trở nên hoàn thiện của anh là một điều chính đáng.
Tuy nhiên, khát vọng trở nên hoàn thiện không chỉ là những điều phải tuân giữ như anh ta nghĩ, mà còn phải thể hiện một cách mạnh mẽ hơn và triệt để hơn, đó là dám đánh đổi tất cả để được sự hoàn thiện ấy. Đức Giêsu đã “đánh” vào điểm yếu của người thanh niên, khi Ngài đưa ra một cuộc “trao đổi” cho anh: bán tất cả tài sản để có một kho tàng khác; đổi cả một gia tài cả đời dành dụm để được một sự hoàn thiện, và đổi cái có trong tay lấy cái không thấy được. Kết quả, anh ta không dám đánh đổi. Anh đành rút lui. Vâng, tiền bạc có thể mua được nhiều thứ nhưng không thể mua được sự thánh thiện.
3. Trong truyền thống Do thái, của cải giầu sang là bằng chứng sự hiện diện và chúc lành của Thiên Chúa, còn nghèo khổ là dấu chỉ xa cách Thiên Chúa và bị Ngài chúc dữ. Đức Giêsu sửa sai quan niệm duy vật đó của người Do thái, bằng cách đảo lộn bậc thang giá trị của tâm thức trần gian. Thánh Matthêu và Luca trình bầy điều đó trong Hiến chương Nước Trời hay Tám mối phúc thật, còn thánh Marcô thì lồng khung nó trong con đường của Đức Giêsu tiến về thập giá và Núi Sọ, trên con đường ấy thái độ sống đúng đắn nhất, đó là tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa và Lời Ngài.
4. Đức Giêsu không dạy chúng ta khinh thường của cải trần gian, nhưng Ngài chỉ khuyến cáo chúng ta rằng của cải trần gian có thể là một chướng ngại trầm trọng cho ơn cứu rỗi. Khi nó không được dùng để phục vụ tha nhân, thì của cải có thể trở thành dụng cụ ích kỷ, nguồn gốc của bất chính hoặc phô trương lừa gạt. Của cải có thể trở thành sự dữ, khi nó khép kín con tim và tâm trí chúng ta trong ngục tù của ích kỷ và hưởng thụ, khi nó ngăn cản chúng ta sống yêu thương và quảng đại, khi nó không cho chúng ta sống hoàn toàn tự do khỏi mọi tù ngục trói buộc con người.
5. Thực ra, Đức Giêsu không lên án người giầu có, cũng không chúc lành cho người nghèo. Bằng chứng: những người đàn bà thánh thiện đi theo Chúa, họ là những người giầu có, đem tiền của trợ giúp Ngài và các môn đệ trong công việc truyền giáo, họ đâu bị kết án? Cũng như khi Maria, em của Marta và chị của Lazarô, đem bình thuốc thơm mà Giuđa đánh giá đến 300 đồng (công nhật một người thợ thời ấy là một đồng). Ngài đi dự những bữa ăn sang trọng của người biệt phái giầu có (Lc 7,36-38) hay những người thu thuế có tiền (Lc19,1-10).
Vậy Chúa lên án những gì?
Ngài lên án những người không biết dùng tiền của, làm nô lệ cho tiền của.
Thật khó cho người giầu có thể trở nên một Kitô hữu chân thật khi họ coi đồng tiền là chúa tể. Điển hình là người thanh niên hôm nay, anh không dám hay không đành dấn thân theo chân Chúa, như Phêrô và các bạn ông đã làm.
Truyện: Đứng trên của cải.
Có một người giầu có kia thường xuyên đến xưng tội với thánh Philipphê Nêri. Ông có nhiều tiền của, có thiện chí, nhưng ông vẫn cảm thấy mình không đạt được sự tiến bộ nào trên đường thiêng liêng. Từ chán nản đến thất vọng, cuối cùng ông bỏ cuộc và không trở lại xưng tội với thánh nhân nữa. Thấy ông đã lâu không đến xưng tội, thánh nhân tìm đến nhà ông để gặp ông. Sau một hồi trò truyện, ngài nhìn lên cây Thánh giá trên tường, ngài cân nhắc độ cao của Thánh giá rồi đề nghị với người đàn ông giầu có: “Ông là người cao lớn, ông thử với coi có tới Thánh giá không”. Ông đứng dậy giơ cánh tay lên cố với nhưng không thể nào chạm tới Chúa Giêsu trên Thánh giá. Bấy giờ thánh Philipphê dùng hết sức đẩy cái hòm tiền của người giầu đến bên cạnh ông và bảo ông hãy đứng lên trên cái hòm tiền để với tới cây Thánh giá. Ông làm theo ý thánh nhân và sờ được Chúa Giêsu trên Thánh giá. Sau đó ngài nói với ông: “Để có thể nắm lấy được Chúa Giêsu, để có thể tiến bộ trên đường thiêng liêng, chúng ta cần phải đứng trên tiền bạc của cải”.
Chúa Giêsu bảo chúng ta: hãy dùng tiền của và cư xử cách nào để đem lại ích lợi cho cuộc sống hôm nay, và đồng thời cũng đầu tư cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau nữa.
Suy Niệm 8: Người khôn ngoan thật sự
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Trong truyền thống Kinh Thánh, vua Salomon vẫn được coi như mẫu người biết sống khôn ngoan, bởi vì nhà vua hiểu rằng ai có được khôn ngoan là chiếm hữu được bí mật, là chiếm hữu được ý nghĩa cuộc sống, và đó mới là kho tàng quý báu nhất. Người khôn ngoan như thế là người biết đặt vấn đề về ý nghĩa của đời mình, bởi vì có nhiều tiền bạc, danh vọng, quyền bính để làm gì, nếu sống mà không có lý tưởng và mục đích tuyệt đối để đeo đuổi, và bởi vì chỉ có cái đức mới theo con người sau cái chết và thực sự lợi ích cho con người.
Đây cũng là ý nghĩa của trình thuật kể lại cuộc đối thoại giữa Chúa và người thanh niên giàu có, như được ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay.
Trong truyền thống Do Thái, của cải giàu sang là bằng chứng sự hiện diện và chúc lành của Thiên Chúa, còn nghèo khổ là dấu chỉ xa cách Thiên Chúa và bị Ngài chúc dữ. Chúa Giêsu sửa sai quan niệm duy vật đó của người Do Thái, bằng cách đảo lộn bậc thang giá trị của tâm thức trần gian. Thánh Matthêu và Luca trình bày điều đó qua Hiến chương Tám Mối Phúc Thật, còn thánh Máccô thì lồng khung nó trong con đường của Chúa Giêsu tiến về Thập Giá và Núi Sọ, trên con đường ấy thái độ sống đúng đắn nhất, đó là tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa và Lời Ngài.
Qua cuộc đối thoại với người thanh niên giàu có, Chúa Giêsu cho thấy việc tuân giữ lề luật mà thôi không bảo đảm cho ơn cứu rỗi của con người. Muốn được ơn cứu rỗi, phải chia sẻ của cải cho người nghèo khó để được phần trên trời và bước theo Chúa Giêsu. Nói khác đi, đối với Chúa Giêsu, việc tuân giữ luật lệ không đủ để được ơn cứu rỗi, cần phải sống tin yêu, phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, nghĩa là có được kho tàng trên trời, và yêu thương tha nhân bằng cách cho đi những gì mình có, dù đó là của cải vật chất hay tinh thần.
Chúa Giêsu không dạy chúng ta khinh thường của cải trần gian, nhưng Ngài chỉ khuyến cáo chúng ta rằng của cải trần gian, có thể là một chướng ngại trầm trọng cho ơn cứu rỗi, khi nó không được dùng để phục vụ tha nhân, thì của cải có thể trở thành dụng cụ của ích kỷ, nguồn gốc của bất chính hoặc phô trương lừa gạt. Của cải có thể trở thành sự dữ, khi nó khép kín con tim và tâm trí chúng ta trong ngục tù của ích kỷ và hưởng thụ, khi nó ngăn cản chúng ta sống yêu thương và quảng đại, khi nó không cho chúng ta sống hoàn toàn tự do khỏi mọi tù ngục trói buộc con người.
Lời mời gọi của Chúa Giêsu: Hãy bán của cải, chia cho người nghèo, rồi đi theo Ngài, là một lời mời gọi cách mạng, có sức biến đổi thế giới. Theo Chúa Giêsu là có can đảm từ bỏ tất cả: từ bỏ tội lỗi, từ bỏ kiểu cách sống trái với Tin Mừng yêu thương, từ bỏ tâm thức hẹp hòi ích kỷ, từ bỏ những người thân thương và từ bỏ chính mạng sống của mình nữa. Nhưng tất cả những từ bỏ ấy chỉ có ý nghĩa khi chúng ta chọn Chúa Giêsu và tiến bước theo Ngài. Và đó chính là sự khôn ngoan đích thực của chúng ta.
Suy Niệm 9: Lý tưởng sống của người theo Chúa
(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)
1. Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay là một trong những câu chuyện gây nhiều ấn tượng trong toàn bộ Tin Mừng.
Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có lần lấy bài Tin Mừng này làm đề tài để chia sẻ với các người trẻ trên thế giới về lý tưởng sống của một người theo Chúa.
Rõ ràng Tin Mừng hôm nay đặt người thanh niên này cũng như chúng ta vào tư thế phải chọn lựa: Theo Chúa hay là theo của cải.
Câu chuyện ban đầu thật tốt đẹp. Anh ta đã chạy đến với Chúa, rồi quì dưới chân Chúa. Một chàng thanh niên giàu có, quí phái quì xuống trước mặt nhà tiên tri người Nazareth không một xu dính túi. Anh ta hỏi Chúa về những việc phải làm để có được sự sống đời đời.
Chúa đã nêu ra các điều răn vốn là nền tảng của một đời sống đạo đức, đáng kính trọng. Chàng thanh niên nọ đã không chút do dự đáp ngay rằng, mình đã giữ trọn tất cả từ thuở nhỏ.
Đối với cái nhìn của một con người thì được như thế quả đã là quá tốt rồi. Thế nhưng, đối với Chúa thì chưa đủ. Ngài muốn anh dấn thân một cách trọn vẹn hơn, bằng một đời sống biết chia sẻ những gì mình có cho những người nghèo khó. Nhưng người thanh niên đã không dám chấp nhận và rồi anh đã bỏ đi.
Và chính trong bối cảnh này mà Chúa đã nói: "Người giàu có khó vào Thiên Đàng biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Chúa" (Mc 10,24).
Vâng! Của cải vật chất như một con dao hai lưỡi. Cái nguy hiểm đầu tiên là nó làm cho con người muốn gắn chặt tấm lòng của mình vào đời tạm này, mà quên đi cuộc sống mai sau. Và nếu mối bận tâm chính yếu của con người chỉ là việc chiếm hữu của cải vật chất càng nhiều càng tốt, thì sớm muộn gì nó cũng khiến người ta nhìn mọi sự trên đời này bằng khuynh hướng lượng giá. Họ sẽ căn cứ vào sự giàu có sang trọng để đánh giá một con người, hơn là căn cứ vào những giá trị tốt đẹp để đánh giá con người đó.
Nếu mối bận tâm chính yếu của một người là của cải vật chất, thì người ấy sẽ chỉ biết có giá cả mà không biết đến giá trị. Người ấy chỉ biết nghĩ đến những gì người ta có thể mua bán bằng tiền bạc, chứ không biết rằng, có những giá trị ở đời người ta không thể nào mua bán bằng tiền bạc được.
George Horace Lorimer, chủ bút tờ Saturday Evening Post trong nhiều năm, có lần viết: "Có tiền và có những cái mua bằng tiền là tốt. Nhưng nếu biết dùng tiền và đừng để mất những thứ tiền không mua được còn tốt hơn ".
Có thể kể ra những thứ sau đây mà tiền không mua được:
Tiền không mua được tình bạn chân thực.
Tiền không mua được lương tâm trong sạch.
Tiền không mua được niềm vui mạnh khỏe.
2. Chúng ta hãy cố gắng sống siêu thoát để cho cuộc sống được thanh thản hơn.
Một chàng sinh viên vừa nhận được một phần thưởng. Lúc bước ra tới cổng thì gặp một người đàn bà với dáng vẻ tiều tụy.
- Chú ơi! Chúc mừng chú, thật vinh dự cho chú đã đạt được giải nhất trong cuộc thi khó khăn này. Tôi có một chuyện muốn nói với chú nhưng không biết có tiện không. Nếu chú có con nhỏ chú mới hiểu được điều tôi sắp nói. Con của tôi đang bị ung thư nặng nằm trong bệnh viện, nếu không có một khoản tiền để mổ, chắc em nó không qua khỏi được! Mà nhà tôi thì... không thể lo được một khoản tiền lớn đến như vậy...
- Thế bác cần bao nhiêu? - Anh sinh viên nhìn bà hỏi, lòng cảm thông thật sự.
Sau khi nghe người phụ nữ kể hết sự việc, anh liền rút phong bì đựng số tiền vừa được thưởng và trao hết cho bà.
- Cầu mong cho con bác qua được hiểm nguy. Bác về lo cho em ấy ngay đi.
- Cảm ơn chú, không biết tôi phải lấy gì mà đền ơn chú đây.
Nói rồi, người phụ nữ với vẻ xúc động bước ngay ra cổng.
Vài ngày sau anh có dịp quay lại trường. Một người trông thấy liền tiến tới hỏi:
- Có người kể với tôi, mấy hôm trước anh có gặp một người phụ nữ sau cuộc thi, và anh đã cho bà ấy tiền để chữa bệnh cho đứa con sắp chết của bà ấy, phải không?
Người thanh niên gật đầu xác nhận.
- Vậy thì tôi phải báo với anh tin này để anh biết, bà ta là một tay lừa đảo thật sự đấy. Bà ta chẳng có đứa con nào bị bệnh gần chết cả. Anh cả tin quá! Anh bị lừa rồi, anh bạn ạ!
Một thoáng im lặng, anh thanh niên hỏi lại:
- Có thật là không có đứa bé nào bị bệnh gần chết cả, đúng không?
- Đúng vậy. Tôi bảo đảm là như thế - người đàn ông quả quyết
- Ồ đó là tin tốt lành nhất trong ngày mà tôi được biết đấy - người thanh niên nói.
Đoạn anh nói thêm:
- Chúng ta nên ăn mừng vì không có đứa trẻ nào phải chết cả.
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Năm 10/10/2024 – Thứ Năm tuần 27 thường niên. – Hiệu Lực Của Lời Cầu Nguyện. (09/10/2024 10:00:00 - Xem: 536)
Thứ Năm tuần 27 thường niên.
Thứ Tư 09/10/2024 – Thứ Tư tuần 27 thường niên. – Chúa Giêsu dạy lời cầu nguyện. (08/10/2024 10:00:00 - Xem: 3,152)
Thứ Tư tuần 27 thường niên.
Thứ Ba 08/10/2024 – Thứ Ba tuần 27 thường niên. – Con đường yêu Chúa. (07/10/2024 10:00:00 - Xem: 3,836)
Thứ Ba tuần 27 thường niên.
Thứ Hai 07/10/2024 – Thứ Hai tuần 27 thường niên. – Đức Mẹ Mân Côi. Lễ nhớ. – Tôi tớ Chúa xin vâng. (06/10/2024 10:00:00 - Xem: 3,536)
Đức Mẹ Mân Côi. Lễ nhớ.
+ Chúa Nhật 06/10/2024 – CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN năm B. – Kính trọng thể ĐỨC MẸ MÂN CÔI. – Tôi tớ Chúa xin vâng. (05/10/2024 10:00:00 - Xem: 6,876)
CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN năm B. – Kính trọng thể ĐỨC MẸ MÂN CÔI.
Thứ Bảy 05/10/2024 – Thứ Bảy đầu tháng, tuần 26 thường niên. – Mừng vui đích thực. (04/10/2024 10:00:00 - Xem: 3,709)
Thứ Bảy đầu tháng, tuần 26 thường niên.
Thứ Sáu 04/10/2024 – Thứ Sáu đầu tháng, tuần 26 thường niên. – Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ. – Lắng nghe và sám hối. (03/10/2024 10:00:00 - Xem: 5,100)
Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ.
Thứ Năm 03/10/2024 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 26 thường niên. – Sai bảy mươi hai người rao giảng. (02/10/2024 10:00:00 - Xem: 4,252)
Thứ Năm đầu tháng, tuần 26 thường niên.
Thứ Tư 02/10/2024 – Thứ Tư tuần 26 thường niên. – Các thiên thần hộ thủ. Lễ nhớ. – Thiên thần bảo trợ. (01/10/2024 10:00:00 - Xem: 4,920)
Các thiên thần hộ thủ. Lễ nhớ.
Thứ Ba 01/10/2024 – Thánh TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ kính. Bổn mạng các xứ truyền giáo. – Con đường thơ ấu thiêng liêng. (30/09/2024 10:00:00 - Xem: 5,786)
Thánh TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 28 TN năm B - 2024
Không thể có chuyện lựa chọn mà lại không từ bỏ, muốn được mà lại không chịu mất. Không chịu mất điều chi thì cũng chẳng được điều gì.
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 142 - Tình yêu nam nữ
Thưa cha, con thấy tình yêu thì giống nhau. Trong khi đó, đạo Công giáo có vẻ đề cao tình yêu hơn, nghĩa là có cả một bí tích liên quan...
-
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng…
Chức tước, danh xưng trong Giáo hội VN vẫn là cơn cám dỗ rất lớn nơi người tu. Nó ít nhiều trở thành đặc ân ban phát, hay cơ cấu và thân...
-
Tại sao hôn nhân dễ tan vỡ? 10 nguyên nhân chính và cách ngăn ngừa
Dưới đây là cách đảm bảo cho cuộc hôn nhân của bạn có thể phát triển bất chấp mọi khó khăn mà nó có thể gặp phải.
-
Di sản của chúng ta: sinh lực chúng ta để lại
Nếu chúng ta sống trong cay đắng giận dữ, trong ghen tương và không sẵn lòng chấp nhận người khác, nếu cuộc sống chúng ta gieo hỗn loạn...
-
Đọc kinh Mân côi có thực sự cần thiết nữa chăng ?
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chia sẻ : “Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng và trong những giai đoạn rất khó...
-
Hội chứng “Burn Out” – Người tông đồ nên làm gì ?
Burn out là hội chứng thường được nhắc tới trong đời sống xã hội hiện đại với dòng chảy quá nhanh và hối hả, với quá nhiều giao động cùng...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN lễ Đức Mẹ Mân Côi - 2024
Đối với người trẻ hôm nay đang sống trong một thời đại tốc độ, nghĩ rằng đọc kinh như thế thật mất giờ. Đó là một suy nghĩ cạn cợt và hời...
-
Gia vị cho bài giảng lễ Chúa nhật lễ Đức Mẹ Mân Côi - 2024
Chúng ta hãy luôn sống trong niềm vui mừng và tạ ơn nhớ đến sự hiện diện của Đức Maria và Con của Mẹ là Chúa Giêsu đã biến đổi cái thế...
-
Chuỗi Mân Côi – Chuỗi ngày sống
Chuỗi Mân Côi như chuỗi ngày sống của một đời người. Chuỗi Mân Côi có thể dùng để gột bỏ những đam mê, gạn lọc những tình cảm, và kết nối...
-
Câu chuyện chiều thứ bảy: Sự cần thiết của việc lắng nghe
Lắng nghe đòi hỏi chúng ta phải chú tâm để nghe, hiểu và thấu cảm. Như vậy, lắng nghe cũng là yếu tố quyết định cuộc sống của mỗi người.
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất
- Câu chuyện truyền cảm hứng về...