Thứ Hai 14/06/2021 – Thứ Hai tuần 11 thường niên. – Ðừng báo thù.
- In trang này
- Lượt xem: 11,638
- Ngày đăng: 13/06/2021 11:00:00
Ðừng báo thù.
14/06 – Thứ Hai tuần 11 thường niên.
"Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác".
Lời Chúa: Mt 5, 38-42
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe bảo: "Mắt đền mắt, răng đền răng".
Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy Niệm 1: Ai xin, hãy cho
(Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)
Đoạn Tin Mừng hôm nay dễ bị đem ra nhạo cười,
vì có vẻ nó dung túng sự ác và biểu lộ một tinh thần yếu hèn bạc nhược.
Người ta hay nghĩ rằng nếu cứ sống theo tinh thần của Chúa Kitô,
thì hẳn kẻ ác sẽ tha hồ tác oai tác quái trong thế giới này.
Tuy nhiên, chính vì con người muốn sống theo khuynh hướng tự nhiên,
nên thế giới hôm nay mới không ngớt chiến tranh và đau khổ.
Đánh phủ đầu là đánh trước khi người kia kịp đánh mình.
Trên thế giới mỗi ngày có biết bao vụ sát nhân chỉ vì một chút hờn oán.
“Mắt đền mắt, răng đền răng”,
câu này thường được dùng để cho thấy sự tàn nhẫn của Cựu Ước.
Thật ra, Cựu Ước chẳng bắt người ta phải móc mắt, nhổ răng kẻ thù.
Câu này chỉ nhằm giới hạn việc báo thù trong mức độ cân xứng.
Trong xã hội mang tính bộ tộc của Ítraen thuở ban đầu,
“mắt đền mắt” đã là một tiến bộ đáng kể.
Đức Giêsu đi xa hơn khi đòi hỏi đừng chống cự lại người ác,
nghĩa là đừng lấy ác báo ác, đừng sống theo luật báo phục (lex talionis).
“Nếu bị ai vả má bên phải, hãy đưa cả má kia ra nữa” (c. 39).
Bị vả má bên phải nghĩa là bị tát bằng mu bàn tay phải.
Không phải là đau hơn, nhưng là nhục nhã hơn nhiều.
Đức Giêsu đã từng có kinh nghiệm này trong cuộc Khổ Nạn (Mt 26, 67).
“Đưa má kia” đơn giản chỉ có nghĩa là
tránh trả thù, chịu mình ở thế yếu,
vì báo oán là chuyện của Thiên Chúa (Rm 12, 19-20).
“Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,21).
“Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong, hãy để cho hắn lấy cả áo ngoài nữa” (c. 40).
Ở Đông phương, áo ngoài là quan trọng để chống cái lạnh ban đêm,
nên nếu bị cầm cố, thì cũng phải trả lại cho người ta có cái mà đắp (Đnl 24, 13).
Đưa cả áo trong lẫn áo ngoài cho kẻ kiện cáo mình,
là chấp nhận bị trần trụi và xấu hổ, nếu ai đó chỉ có một bộ thôi.
Trong xã hội Paléttin bị đô hộ bởi đế quốc Rôma,
chuyện bị ép vác đồ dùm cho lính tráng vẫn hay xảy ra (x. Mt 27, 32).
“Người bắt anh đi một dặm, hãy đi với người ấy hai dặm” (c. 41).
Môn đệ Đức Giêsu, trước những ép buộc không mấy chính đáng,
chẳng những được mời ưng thuận, mà còn làm hơn cả điều bị ép buộc.
Câu cuối của bài Tin mừng cho thấy thái độ bác ái của Kitô hữu
trước những yêu cầu của có thật của tha nhân (c. 42).
Mở lòng ra trước người xin, người muốn vay mượn,
dù kẻ ấy là kẻ thù hay người không có khả năng hoàn trả.
Lời của Đức Giêsu hôm nay làm chúng ta choáng váng.
Lời này không đòi dẹp bỏ hệ thống pháp luật, cảnh sát hay nhà tù.
Nhưng nếu các Kitô hữu cứ để cho Lời này thấm vào lòng từ từ,
đời sống của họ sẽ được thay đổi một cách kỳ diệu, và bộ mặt thế giới sẽ đổi khác.
Hiền hậu, bao dung, quảng đại, đó là điều thế giới hôm nay thiếu trầm trọng.
Gandhi, người say mê những câu Lời Chúa hôm nay, đã than phiền:
“Tôi thích Đức Kitô của các anh,
nhưng tôi không thích các Kitô hữu.
Vì các Kitô hữu thì chẳng giống Đức Kitô mấy.”
Chỉ mong chúng ta có trái tim hiền hậu giống Đức Kitô hơn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa:
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường,
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn, để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở,
để có thể ôm cả những người thù ghét con.
Suy Niệm 2: Thừa tác viên của Chúa
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Người đời cư xử với nhau theo sức mạnh. Mạnh được yếu thua. Câu chuyện vườn nho Na-vốt là tiêu biểu. A-kháp đã có nhiều vườn tược. Nhưng vẫn còn ham muốn vườn nho của Na-vốt. Hoàng hậu I-de-ven đã dùng thủ đoạn gian dối. Vu cáo Na-vốt. Giết chết ông. Và chiếm vườn nho. Người có quyền thế có mọi sự. Sai bảo người khác làm điều dữ. Giết người. Cướp của. Nhưng lại dùng chiêu bài đạo đức. “Trong thư bà viết rằng: “Hãy công bố một thời kỳ chay tịnh và đặt Na-vốt ngồi ở hàng đầu dân chúng. Hãy đặt hai đứa vô lại ngồi đối diện với nó, để chúng tố cáo nó: ‘Ông đã nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua’. Và hãy đem nó ra ngoài ném đá cho chết”.Thật là ghê gớm (năm chẵn).
Ngược hẳn với thói cư xử của người đời, Chúa dạy ta điều răn mới. Kiện toàn Lề Luật. Đề ra một lối sống mới. Đó là tinh thần Nước Trời. Và sẽ canh tân trần gian. Không còn mạnh hiếp yếu. Quyền lực áp chế dân đen. Nhưng là hiền lành, khiêm nhường và bác ái. Không dùng bạo lực. Chỉ dùng bác ái. Quảng đại. Yêu thương. Phục vụ: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: … Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặn, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi”. Đó chính là tinh thần của Chúa. Chính Chúa Giê-su đã làm như thế. Quỳ xuống rửa chân cho các tông đồ. Chữa lành anh lính bị Phê-rô chém đứt tai. Tha thứ cho những kể giết mình. Xin Chúa tha tội cho những kẻ làm hại mình. Đó chính là tinh thần Nước Trời.
Thánh Phao-lô ý thức được cộng tác với Chúa trong công trình xây dựng Nước Trời. Ngài làm tròn vai trò thừa tác viên của Chúa. Sống tinh thần của Chúa. Làm chứng cho Nước Trời. “Trong mọi sự, chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa: gian nan, khốn quẩn, lo âu, đòn vọt, tù tội, loạn ly, nhọc nhằn, vất vả, mất ăn mất ngủ, chúng tôi đều rất mực kiên trì chịu đựng”. Về phương diện con người ngài bị coi như khốn khổ. Nhưng ngài cảm thấy đầy đủ, bình an, sung mãn trong Chúa: “Bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống; … coi như nghèo túng, nhưng kỳ thức chúng tôi làm cho bao người trở nên giầu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả”(năm lẻ).
Xin cho con sống tinh thần của Chúa. Và làm chứng cho Nước Trời ở giữa trần gian. Bằng chấp nhận mọi thiệt thòi ở đời này. Để được sung mãn trong Nước Trời.
Suy Niệm 3: Thay đổi những cử chỉ phản xạ tự nhiên
“Anh em nghe luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị vả mà bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.” (Mt. 5, 38-39)
Phản xạ tự nhiên
Trong các điều Chúa đòi hỏi ở đây, chẳng có điều nào là tự nhiên đối với ta cả. Giơ má bên trái khi người ta vả ta má bên phải, không chống cự lại khi người đánh ta, cho họ vay mượn mà không đòi những những bảo đảm cần thiết để người ta hoàn trả. Tất cả những cử chỉ đáp lại trên đây đều không phải là những cử chỉ bộc phát tự nhiên đối với ta. Ngay cả những người lương thiện và nhân từ cũng chẳng hành động theo cách đó.
Có lẽ tất cả chúng ta đều đồng ý rằng thi hành đúng như lòi Chúa dạy, trong nhiều trường hợp, thiết tưởng mình sẽ tỏ ra ngây ngô và hèn nhát. Chẳng khác nào như nối giáo thêm cho giặc và bỏ ngỏ cửa nhà cho trộm dễ vào vậy. Trong cuộc sống thường phải biết đứng thẳng hiên ngang và không được mềm như bún. Phải có khả năng tỏ ra cương quyết, khả năng đòi lại quyền lợi của mình.
Những cử chỉ phản xạ của người con cái Chúa
Thiết tưởng Chúa Giêsu cũng sẽ đồng ý với điều ta vừa nói. Chúa không mong muốn ta trở thành những con người hiền lành như cục đất, bạc nhược và mềm như bún. Vậy phải hiểu rõ Chúa chờ đợi gì ở nơi ta.
Điều Chúa mong đợi ở nơi ta chính la, khi phải đương đầu với mọi tình huống, thì cử chỉ phản xạ đầu tiên của ta luôn luôn phải là cử chỉ của lòng nhân ái, hiểu biết và đầy quảng đại. Chúa đồng ý là tiên vàn ta phải cố gắng lấy đức báo oán, lấy tình yêu thắng hận thù. Người cho rằng đấy là cách làm tốt nhất để tước khí giới kẻ tấn công ta hay có ý lợi dụng ta.
Chỉ có tình yêu và lòng đại độ mới thay đổi được lòng người xấu. Hãy giết chết bạo lực từ trong trứng nước bằng một phản ứng bất bạo lực. Hãy làm bẽ mặt đối phương bằng một tâm hồn vô cùng độ lượng. Hãy có những cử chỉ phản xạ của những người con cái Chúa chứ đừng trả miếng theo lối hoàn toàn phàm phu. Chúa mời gọi ta làm như vậy đó. Ai dám bảo Chúa lầm?
Tránh mắc vào guồng bạo động
Sau khi đọc đoạn Tin Mừng này, người ta tự hỏi phải tổ chức đời sống xã hội trên thể thức công bằng nào? Phải chăng là bật đèn xanh cho người hung ác và kẻ bất lương mà không bắt họ phải chịu thiệt thòi gì cả?
Thật ra, những lời Chúa Giêsu nói không nhằm đến nền luân lý trong xã hội. Luật báo thù, xét về phương diện xã hội học, đã là một bước tiến quan trọng so với những tập tục xa xưa, khi mà sự trả đũa diễn ra trong hỗn loạn. Nhưng ở đây Chúa Giêsu tuyên bố: luật báo thù phải được bãi bỏ. Luật lệ xã hội không bao giờ đủ để làm cho công bằng và hòa bình chân chính ngự trị. Chúa Giêsu kêu mời đừng trả đũa khi bị lầm lỗi và thiệt hại. Điều này không có nghĩa là xã hội được miễn khỏi việc tái lập công bằng, nhưng người Kitô hữu không được trả thù, nghĩa là gây thiệt hại lại khi bị thiệt hại. Có một khác biệt sâu xa giữa việc đền bù một bất công thuộc thẩm quyền tư pháp và gây thiệt hại lại khi bị thiệt hại.
Đàng khác phải nhớ rằng Chúa Giêsu dùng thứ ngôn ngữ rất thực tế, hợp với dân chúng. Chúa lấy những ví dụ đập mạnh vào sự chú ý của dân chúng nhờ tính cách rắn rỏi và có vẻ nghịch lý. Nếu hiểu theo nghĩa đen thí dụ cái vả má, người ta sẽ tự hỏi tại sao Chúa Giêsu, khi bị tên đầy tớ vả má trước mặt Caipha, lại quả quyết mình vô tội, thay vì giơ má bên kia nữa. Vậy điều hệ trọng là tìm xem điều Chúa Giêsu muốn dạy qua những thí dụ về áo choàng, cái vả má… Lời giải thích được tìm thấy trong câu ngắn ngủi này: Ta bảo các ngươi đừng cự lại người ác. Điều này có nghĩa: chớ cãi vã, đánh đập, trả thù, chớ đi vào tinh thần kiện tụng (là thứ tinh thần quen thuộc trong xã hội Do thái thời Chúa Giêsu). Bình an là hoa quả của công bằng, nhưng không ai có bình an bằng phương tiện bạo động tự xử cho mình.
Một điểm nhỏ cần lưu ý: nếu ai cậy nhờ ngươi… Trong đời sống thường nhật chúng ta đã chẳng bị ‘nhờ vả’ bởi đủ thứ việc sao? Đừng tìm cách tránh né, nghĩa là chúng ta đừng lẩn trốn, nhưng hãy đáp lại với lòng quảng đại và nhân ái.
Suy Niệm 4: Khoan dung với kẻ ác
Lorobel khi còn làm quan toàn quyền ở Ấn Độ, vào một ngày kia ông đáp tàu trở về Trung Quốc, cùng trên chuyến tàu có một phu nhân mang theo đứa nhỏ, bà chẳng ngó ngàng gì đến đứa bé khiến nó cứ khóc thét suốt ngày đêm. Hành khách ai cũng bực mình, có người thô lỗ còn hăm dọa sẽ ném đứa bé xuống biển. Lorobel đã quyết định một việc mà ít ai ngờ tới: Ông ẵm đứa bé lên, đặt nó ngồi trên đùi của ông và từ giờ này qua giờ khác, ông nói chuyện đùa giỡn và làm trò đùa hoặc làm bất cứ điều gì đứa bé thích. Đầu tiên đứa bé ngạc nhiên quên đi chuyện khóc lóc, và sau khi quen rồi nó lại thích thú quấn quýt bên Lorobel. Hành khách trên tàu cảm thấy dễ chịu, ít bực mình và đôi khi còn vui lây niềm vui của đứa bé. Đứa bé không còn làm phiền ai nữa, nhưng nó đã trở nên tâm điểm truyền đạt niềm vui cho hành khách.
Nếu có mặt trên chuyến tàu cùng với Lorobel hôm đó, chúng ta cũng được chứng kiến một cảnh khôi hài, đó là một vị quan toàn quyền đầy uy quyền như thế mà lại nhận lãnh vai trò vú em. Ông không sử dụng uy quyền của mình để ra lệnh cho người đàn bà, nhưng đã dùng tình thương để đối xử với sự thiếu sót của bà. Đây quả thực là một phản chiếu lời dạy của Chúa Giêsu được thánh sử Matthêu gởi đến cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.
Thật vậy, đền ơn trả oán là một áp dụng cụ thể trong công bằng giao hoán. Từ khi có ý niệm về luật pháp thì việc báo oán cũng được quy định. Luật của người Babylon viết: “Nếu kẻ nào làm cho một người nào đó trong giai cấp bị mất mắt hoặc gẫy tay chân thì phải chịu mất mắt hoặc gẫy tay chân để đền bù. Nếu đối tượng là kẻ bần dân thì chỉ cần đền bù bằng một lạng bạc”. Người Do thái cũng áp dụng luật này, nhưng không phân biệt giai cấp: mắt đền mắt, răng thế răng, mọi người đều có quyền được đền bù xứng đáng.
Thật ra ý niệm về công bằng này không hoàn toàn chia khỏi luật lệ người Do thái. Sách Lêvi viết: “Ngươi sẽ không báo oán, không tư thù với con cái dân ngươi”. Hoặc sách Cách Ngôn có viết: “Nếu kẻ thù ngươi đói hãy cho nó bánh ăn, nếu nó khát hãy cho nó nước uống”. Như vậy, dân tộc Israel vẫn còn chút gì là dân riêng của Chúa. Họ không buộc phải tuân giữ những điều này, họ vẫn có thể được đòi hỏi mắt đền mắt, răng thế răng. Chỉ khi Chúa Giêsu đến, Ngài mới kéo con người ra khỏi cái vòng oán thù lẩn quẩn này. Có thể xem cái vả vào má là một cái đụng chạm đến danh dự, một xúc phạm về tinh thần, và kiện tụng để đoạt áo là một đụng chạm đến của cải, một xúc phạm về vật chất.
Dù bị xúc phạm đến vật chất hoặc tinh thần thì người môn đệ của Chúa Giêsu không được vịn vào đó để báo oán, nhưng phải đưa má bên kia cho họ vả nữa. Hành động như vậy xem ra như một nhu nhược, cúi đầu khuất phục, nhưng chính hành động ấy diễn tả một thái độ quả cảm sẵn sàng cho đi tất cả để phục vụ người khác. Con người càng trở nên cao cả qua việc cho đi mà không giữ lại cho mình điều gì, dù điều đó là niềm hạnh phúc chính đáng, dù đó là một chút quyền lợi hợp với quyền sống con người. Càng cho đi, người môn đệ càng gần gũi với Thầy của mình là Đức Giêsu, Đấng đã cho đi hoàn toàn, cho đi cả mạng sống của mình.
Đồng thời, khi cho đi như vậy con người lại càng gần gũi với nhau hơn. Khi trao ban cho người khác điều gì là mở ngỏ cho họ sự cảm thông, và khi thực hành điều Chúa dạy: “Ai xin thì con hãy cho, ai muốn vay mượn con đừng khước từ”, cũng có nghĩa là đã thêm được một lần nối kết và nhiều nối kết sẽ tạo nên sự bền chặt và sức mạnh. Sợi tơ nhện mỏng manh, nhưng nhiều sợi tơ sẽ giữ được con ruồi. Một sự cho đi của con người xét ra thì chẳng đáng gì, thế nhưng nếu cả một thế giới cho đi thì cũng đủ khả năng để cầm giữ sự ác, để chống lại quyền lực của sự dữ.
Lạy Chúa, thế giới vẫn còn nhiều bóng dáng của sự ác, vẫn còn nhiều chiến tranh, vì mỗi người chúng con chỉ biết thu góp quyền lợi về cho mình mà chưa biết cho đi. Xin Chúa cho chúng con biết sẵn sàng cho đi, để rồi trong trao ban chúng con sẽ được nhận lãnh, chúng con sẽ gặp được Chúa là chính nguồn bình an, đồng thời cũng làm người em bên cạnh cũng nếm được mùi hạnh phúc thật của Chúa. Amen.
Suy Niệm 5: Ðừng báo thù
"Mắt đền mắt, răng đền răng", đó là công thức của luật báo thù. Người ta xúc phạm đến tôi bao nhiêu, tôi phải làm lại cho người đó bấy nhiêu. Kẻ lý luận như thế là dựa trên sự công bằng, nhưng đây là sự công bằng theo mức độ của loài người. Luật trả thù này đã được ghi chép thành văn trong bộ luật của vua xứ Babylon năm 1750 TCN. Trong Bộ Ngũ Kinh, người ta cũng có thể đọc thấy vài công thức của luật trả thù này, và đó là sự bất toàn của Luật Môsê thời Cựu Ước.
Nhưng luật trả thù này không những có trong những bộ luật lâu đời, mà còn nằm trong tâm hồn con người mọi thời. Chúa Giêsu muốn nhắc cho các môn đệ Ngài xưa cũng như nay, là cần phải sẵn sàng dập tắt ngay nơi bản thân mầm mống của bạo động: "Ðừng chống cự người ác". Ngài nhấn mạnh đến tinh thần mà người môn đệ phải có, đó là tinh thần tha thứ, vượt qua điều anh em xúc phạm đến mình. Ðây là hình thức cao cả của tình yêu Kitô: yêu thương một cách nhưng không, không đòi lại điều gì, cũng không chờ đợi điều gì. Như vậy câu nói của Chúa Giêsu: "Ai muốn lấy áo trong của con, thì hãy cho nó cả áo ngoài" không phải là thái độ thụ động, mà là thái độ tích cực sống yêu thương tha thứ như Chúa đã nêu gương từ trên Thập giá khi Ngài cầu nguyện: "Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm". Chúa Giêsu đã yêu thương và tha thứ đến cùng, và Ngài dạy chúng ta sống theo gương Ngài, nếu chúng ta muốn trở nên môn đệ đích thực của Ngài.
Chúng ta hãy cầu xin bằng chính lời kinh hòa bình của thánh Phanxicô Assisiô: Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn u sầu.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 6: YÊU VÀ SỐNG (Mt 5, 38-42)
Xem lại CN 7 TN A, CN 7 TN C, thứ Năm tuần 23 TN
Khi đạo Công Giáo mới được loan báo trên quê hương Nước Việt, cha ông chúng ta đã mau mắn đón nhận Tin Mừng và sống những giá trị Tin Mừng ấy rất sống động. Một trong những điểm sáng mà tổ tiên chúng ta đã sống đó là “tình yêu thương”. Khi sống như thế, nhiều người không phải là Kitô hữu, họ đã không hiểu được các ngài theo đạo gì, vì thế, họ không ngần ngại đặt cho tôn giáo mới này là: “Đạo Yêu Nhau”.
Hôm nay, Đức Giêsu dạy cho các môn đệ bài học yêu thương. Yêu thương thì không oán hờn; không tính toán thiệt hơn; yêu thương thì không có khái niệm trả thù mà sẽ tha thứ không chỉ bẩy lần, mà bẩy mươi lần bẩy, tức là không có giới hạn.
Trong thực tế hôm nay, nhiều người Công Giáo không dám sống căn tính của mình là yêu thương. Bởi vì khi yêu thương như Chúa đòi hỏi, thì họ phải trả giá bằng chính sự thiệt thòi, ức hiếp, bóc lột, coi thường, khinh khi..., vì thế, không thiếu gì hình ảnh những người Công Giáo cũng “ga lăng” chẳng kém gì ai! Đây đó vẫn có những người Công Giáo sống kiểu “đàn anh đàn chị!”.
Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy trở nên “thánh thật” chứ không chỉ làm thánh “lâm thời”. Muốn trở nên “thánh thật” thì phải mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương nhau thật lòng, dầu có phải thiệt thòi đôi chút. Chấp nhận đau khổ, hiểu lầm vì mối lợi lớn hơn là được biết Chúa và được Chúa yêu thương. Sẵn sàng đi trên con đường tình yêu được chứng minh bằng việc đón nhận thập giá trong cuộc sống vì lòng yêu mến Chúa, để qua đó, chúng ta có sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa dạy khó quá đối với con người yếu đuối, ích kỷ của chúng con! Nhưng chúng con tin Lời Chúa có sức mạnh biến đổi. Xin Chúa thánh hóa chúng con, để mỗi ngày chúng con nên giống Chúa hơn khi biết quảng đại, bao dung và vô vị lợi như Chúa. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 7: Tha thứ
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Tha thứ là điều khó khăn nhất và cũng là điều cao cả nhất mà Chúa Giêsu đã cống hiến cho con người. Lòng tha thứ không báo thù chính là tuyệt đỉnh của yêu thương.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong thế giới hôm nay, con đọc qua báo chí, qua truyền thanh, qua truyền hình và cả thực tế vẫn xảy ra chung quanh con, bao nhiêu là chuyện gây thù báo oán. Người ta ăn miếng trả miếng, và càng ngày con người càng lạc sâu vào cái vòng luẩn quẩn của hận thù ghen ghét.
Lời Chúa hôm nay mở ra cho con một lối thoát, đó là lấy thiện thắng ác, dùng tình yêu đáp trả hận thù. Chính Chúa đã nêu gương cho con, khi trên thập giá, Chúa đã tha thứ cách tuyệt đối cho những kẻ đang reo hò đắc thắng vì đã giết được Chúa. Và ngày hôm nay, qua bí tích Hòa Giải, Chúa vẫn hằng tha thứ những lỗi lầm con đã phạm, cho dù đã bao lần con sa đi ngã lại. Chúa chỉ đòi con đền đáp ơn Chúa, bằng cách con cũng biết tha thứ cho anh em con, như Chúa đã tha thứ cho con.
Lạy Chúa, khi tha thứ không những con phải quên đi những lỗi lầm của anh em, mà còn phải xóa sạch những điều ấy trong tư tưởng, trong lời nói và nơi việc làm của con. Tha thứ là biết đối xử tử tế với họ như những người tốt.
Lạy Chúa, điều này không phải là dễ dàng, bởi vì trao ban tiền của, trao ban thời gian, trao ban chính mạng sống mình, xem ra còn dễ làm hơn là trao ban sự tha thứ. Xin Chúa dạy con biết thực hành bài học yêu thương của Chúa, để nơi đâu có hận thù, con loan báo tình yêu; nơi đâu có bất hòa, con trao ban lòng tha thứ. Xin Chúa biến đổi lòng con trở nên khí cụ bình an của Chúa. Amen.
Ghi nhớ : “Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác”.
Suy Niệm 8: Thể hiện tình yêu qua sự tha thứ, yêu thương
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Winifred Potenza sống ở Santa Rosa, California. Trong một đêm khuya con trai cả của bà là Jonathan 21 tuổi cùng bạn gái Lisa Rodriguez chết ngay tại chỗ sau khi bị một viên tài xế say xỉn tông trúng. Potenza gần như hóa dại và không thể gượng dậy trước nỗi đau. Bà thường lang thang trên phố mỗi đêm, khi thì thổn thức, khi thì la hét.
Viên chưởng lý cáo buộc người tài xế say xỉn mới 20 tuổi về tội giết người. Anh đã nhận tội và chờ đợi phán quyết của toà. Anh hiểu hành động của mình và dằn vặt muốn được chết.
Ngồi trong phòng xử án, khi quan tòa quyết định William chịu án 15 năm tù, Potenza mới thực sự nhìn thấy William lần đầu tiên. Trong chốc lát, bà hiểu rằng anh không phải là kẻ tàn ác như bà từng được nghe nói. Sau này bà kể rằng, khi ấy bà đã nghĩ: “Chúa ơi, đây là sai lầm”. Bà hiểu rằng, William cũng có cha mẹ và cha mẹ anh cũng xót xa lo lắng cho con trẻ. Bà nói: “William không cố tình giết người, đây chỉ là một tai nạn thảm kịch”, Potenza từ từ đứng lên và đi qua hàng người bảo vệ, nhẹ nhàng ôm lấy William. Bà tha thứ và trở thành người bạn, người bào chữa cho người đã cướp mất mạng sống con bà. Lòng vị tha giúp Potenza hàn gắn vết thương và cũng giúp William hàn gắn nỗi ăn năn hối hận, đưa anh trở lại với cuộc sống. Hàng tuần, Potenza tới thăm William, đầu tiên là nhà tù Corcoran rồi nhà tù Vacaville. Bà nói: “William là một người tốt, anh ấy có tài năng đặc biệt và xứng đáng được hưởng một cơ hội khác”.
Potenza đã không ngừng nỗ lực làm việc, thuyết phục tòa án giảm cáo buộc tội giết người xuống thành tội ngộ sát, đồng thời giảm án tù cho William. Nỗ lực của bà đã được đền đáp. Sau bảy năm thụ án, William được ân xá và ra tù trước thời hạn.
Còn với Potenza, cái chết của con trai và sự hóa giải đau thương cùng với tình yêu vị tha đánh dấu bước khởi đầu của một dự án nghệ thuật lớn. Bà đã hoàn thành dự án chuyển tải thông điệp xã hội trong suốt 30 năm. Bà tập trung vào dự án hòa bình, cả ở góc độ cá nhân và toàn cầu. Dự án mang tên “Những Trái Tim Của Thế Giới”. Đó là các bức sơn dầu khổ lớn, mỗi bức mô tả một trái tim được vẽ từ chính biểu tượng, màu cờ của mỗi quốc gia. Có 80 trong số 185 tác phẩm đã hoàn thành…
Suy niệm
Trong cuộc sống hàng ngày, theo tình cảm tự nhiên, trước người anh em làm khổ chúng ta, chúng ta đáp trả bằng sự giận hờn, căm thù: Lửa để chống lại lửa, dễ dàng theo luật trả thù mắt đền mắt, răng đền răng. Cách hành xử đó trở nên như là nguyên tắc báo thù: Phạm nhân phải bồi thường tương xứng với thiệt hại đã gây nên. Nguyên tắc này đã được áp dụng chung từ thời xa xưa cho đến nay trong thế giới văn minh của con người. Người ta đã tìm thấy nguyên tắc báo thù này trong bộ luật Hammourai 2000 năm trước Chúa Giêsu. Trong Cựu ước được quy định “Mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, phỏng đền phỏng, bầm đền bầm, sưng đền sưng” (Xh 21,24 và x. Đnl 19,21; Lv 24,20).
Ban đầu Thiên Chúa tìm cách làm cho dân riêng biết vâng phục Lề Luật, biết vâng lời và luật đã quy định một cách rất tự nhiên trong cách hành xử giữa người với người mình như luật quy định: “Mắt thế mắt, răng đền răng” (Xh 21,24). Trong Cựu ước người ta còn cầu nguyện “chống lại” các kẻ thù của mình “Lạy Chúa, ước chi Ngài tiêu diệt kẻ gian tà… Lạy Chúa, kẻ ghét Ngài, làm sao con không ghét ? Con ghét chúng, ghét cay, ghét đắng, chúng trở thành thù địch của chính con” (Tv 139,19-22) (và xem thêm các Thánh vịnh 17,13; 28,4; 69,23-29…). Thủ bản kinh Thánh ở Qumram có lệnh truyền này: “Ngươi sẽ ghét những đứa con của bóng tối”.
“Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Ngài tỏ lộ trên dân Ngài đặc tính tình yêu và giáo dục dân Chúa cách tiệm tiến để đạt tới tình yêu thương tuyệt hảo như Cha trên trời. Dân Chúa trưởng thành từ từ và vươn đến sự toàn thiện. Để sự thù hận nơi con người được hòa giải bằng tình yêu qua sự tha thứ, quảng đại, yêu thương. Nhờ vậy con người sẽ được bình an và vui sống trong sự hoàn thiện như Chúa Cha mà Chúa Giêsu đã mời gọi mọi người hãy trở nên như Ngài (x. Mt 5,48).
Xin cho chúng ta học theo tinh thần của Chúa dạy: Luôn quảng đại bao dung. Lấy ân báo oán, lấy yêu thương báo hận thù. Chúa muốn con cái Ngài trải rộng tình thương cho tất cả mọi người, kể cả thù địch. Phải biết yêu như Chúa đã yêu.
Ý lực sống:
Chúa Giêsu đã dạy tôi yêu thương tất cả mọi người, kể cả kẻ thù. Nếu không làm như thế, tôi sẽ không xứng đáng là Kitô hữu nữa. Thật là đẹp, nhưng khó hiểu quá. (ĐHY Fx. Nguyễn Văn Thuận, Chứng nhân Hy Vọng).
Suy Niệm 8: Đừng trả thù (Mt 5,38-42)
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Luật xưa dạy rằng: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Phạm nhân phải đền bù tương xứng với thiệt hại đã gây nên. Đó là luật công bằng. Còn Chúa Giêsu, Ngài dạy chúng ta phải quảng đại bao dung: lấy ân báo oán, lấy yêu thương đáp trả hận thù. Chúa muốn con cái mình phải biết yêu thương như Chúa đã yêu và trải rộng tình thương cho tất cả mọi người kể cả thù địch.
Bộ luật cổ nhất của nhân loại là bộ luật của Hammurabi vua cai trị Babylon khoảng gần 2.300 năm trước CN, qui định hễ ai gây thiệt hại hoặc thương tích cho người khác thế nào thì phải đền bù đúng như vậy. Luật ấy được lặp lại nhiều lần như nguyên tắc cơ bản cho luật Cựu ước: “Mắt đền mắt, răng đền răng” (x. Xh 21,23-25; Lv 14,19-20; Đnl 19,21).
Dù nó cổ nhất thật, luật đó vẫn còn thể hiện ưu điểm của chế độ pháp trị là ngăn ngừa sự báo thù quá khích và tuỳ tiện. Chúa Giêsu dạy một nền giáo lý mới: Chẳng những Ngài loại bỏ hẳn sự báo thù theo kiểu “ăn miếng trả miếng” hay “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”, mà Ngài còn dạy phải vượt qua sự công bằng theo luật, bằng cách sống tinh thần quảng đại bao dung, không giận dữ, không báo thù (5 phút Lời Chúa).
“Ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra...”
Chúa Giêsu còn đi xa hơn các bậc tiền nhân Cựu ước khi đòi hỏi rằng phải yêu thương đáp lại hận thù, có như thế mới diệt được tận căn cái ác ở trong con người. Ngài chủ trương một thái độ rất cá biệt, tương phản hoàn toàn với thái độ bình thường: “Đừng chống cự với người ác”. Ngài đòi hỏi các môn đệ phải bẻ gãy vòng xích bạo lực, dù hợp pháp và được báo thù.
Nguyên tắc yêu thương của Chúa Giêsu làm đảo lộn cách xử sự theo qui ước của loài người. Sứ điệp Tin mừng vượt quá giới hạn công bằng giao hoán kiểu xử sự dân ngoại. Đức ái Kitô giáo chấp nhận cả các giới hạn và khiếm khuyết của con người và lòng nhân ái của Kitô hữu là thông dự vào tình yêu của chính Thiên Chúa.
Khi dạy đừng báo thù, Chúa Giêsu không có ý cổ võ sự nhu nhược, nhát đảm, nhưng là để nêu cao tinh thần khoan dung, hiền từ, quảng đại và tha thứ. Chỉ người nào rất mạnh mới chế ngự được khuynh hướng trả đũa vốn nằm sẵn trong lòng mình. Người đó còn mạnh về tình thương nữa, vì chỉ những ai có tình thương rất mạnh, mới có thể tiếp tục yêu thương và không trả đũa kẻ xúc phạm đến mình.
Ngày 4/4/1968, mục sư Luther King lãnh tụ da đen tranh đấu cho quyền bình đẳng của người Mỹ da đen bị bắn chết. Hàng triệu người da đen và những người da trắng hiểu biết đã thương tiếc ông. Martin Luther King đã hy sinh cả cuộc đời mình để “ôn hoà” đấu tranh, chống cảnh kỳ thị chủng tộc màu da. Cũng chính vì đã dám lên tiếng đòi cho mọi người được đối xử bình đẳng như nhau trong một đại gia đình của Thiên Chúa mà ông đã bị bắn gục.
Theo quan niệm dân gian thì người ta nghĩ thế nào ?
Người đời chia con người thành hai loại xung khắc nhau: hiền nhân quân tử và tiểu nhân. Trong xã hội chịu ảnh hưởng Nho giáo thì con người hiền nhân quân tử được đề cao, coi là bậc thầy, mẫu mực của mọi người. Còn tiểu nhân là những con người tầm thường, bê bối, và nếu hiểu trong tinh thần Kitô giáo, thì ta hiểu tiểu nhân là những kẻ tội lỗi. Những kẻ tiểu nhân, những kẻ vũ phu có những hành động vụt chạc, thiếu suy nghĩ, không cầm được mình, khi bị sỉ nhục là tuốt gươm xông đánh kẻ thù, giống như trường hợp anh chàng Tân Ti Tụ; còn người quân tử thì hiếu dũng không thèm chấp nhặt những sỉ nhục ấy, họ bình tĩnh đón nhận một cách vui vẻ như hiền triết Socrates.
Vì thế, người đời coi tha thứ là đặc tính của người trượng phu, anh dũng:
Đấng trượng phu đừng thù mới đáng,
Đấng anh hùng đừng oán mới hay.
Truyện: Trả thù làm chi ?
Văn hào Nga ông Leon Tolstoi có kể chuyện ngụ ngôn như sau: Có một người hành khất nọ đến trước cửa nhà người giàu có để xin bố thí một đồng xu nhỏ hay một miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi. Nhưng, mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Đến một lúc không chịu nổi những lời van xin, thay vì bố thí, người giàu đã lấy đá ném vào con người khốn khổ.
Người hành khất lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: “Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà ngươi sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi”.
Năm tháng qua đi. Lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả và bị tống giam vào ngục. Ngay hôm đó, người hành khất chứng kiến cảnh áp giải người giàu có vào tù. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng. Ông đi theo đoàn người áp tải. Tay không rời khỏi hòn đá mà người giàu có đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm.
Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch mối nhục đeo đẳng bên ông. Nhưng cuối cùng, nhìn thấy khuôn mặt tiều tuỵ đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: “Tại sao ta phải mang nặng hòn đá này từ bao nhiêu năm qua ? Con người này, giờ đây, cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta”.
Bài cùng chuyên mục:
+ Chúa Nhật 06/10/2024 – CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN năm B. – Kính trọng thể ĐỨC MẸ MÂN CÔI. – Tôi tớ Chúa xin vâng. (05/10/2024 10:00:00 - Xem: 3,385)
CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN năm B. – Kính trọng thể ĐỨC MẸ MÂN CÔI.
Thứ Bảy 05/10/2024 – Thứ Bảy đầu tháng, tuần 26 thường niên. – Mừng vui đích thực. (04/10/2024 10:00:00 - Xem: 3,378)
Thứ Bảy đầu tháng, tuần 26 thường niên.
Thứ Sáu 04/10/2024 – Thứ Sáu đầu tháng, tuần 26 thường niên. – Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ. – Lắng nghe và sám hối. (03/10/2024 10:00:00 - Xem: 4,905)
Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ.
Thứ Năm 03/10/2024 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 26 thường niên. – Sai bảy mươi hai người rao giảng. (02/10/2024 10:00:00 - Xem: 4,160)
Thứ Năm đầu tháng, tuần 26 thường niên.
Thứ Tư 02/10/2024 – Thứ Tư tuần 26 thường niên. – Các thiên thần hộ thủ. Lễ nhớ. – Thiên thần bảo trợ. (01/10/2024 10:00:00 - Xem: 4,822)
Các thiên thần hộ thủ. Lễ nhớ.
Thứ Ba 01/10/2024 – Thánh TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ kính. Bổn mạng các xứ truyền giáo. – Con đường thơ ấu thiêng liêng. (30/09/2024 10:00:00 - Xem: 5,672)
Thánh TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU
Thứ Hai 30/09/2024 – Thứ Hai tuần 26 thường niên. – Thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Người cao trọng nhất. (29/09/2024 10:00:00 - Xem: 4,248)
Thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.
+ Chúa Nhật 29/09/2024 – CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN năm B. – Dứt khoát với tội lỗi. (28/09/2024 10:00:00 - Xem: 5,495)
CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN năm B.
Thứ Bảy 28/09/2024 – Thứ Bảy tuần 25 thường niên. – Chấp nhận khổ đau với tình yêu (27/09/2024 10:00:00 - Xem: 3,594)
Thứ Bảy tuần 25 thường niên.
Thứ Sáu 27/09/2024 – Thứ Sáu tuần 25 thường niên. – Thánh Vinh sơn Phaolô, linh mục. Lễ nhớ. – Đấng Kitô chịu nhiều đau khổ. (26/09/2024 10:00:00 - Xem: 4,196)
Thánh Vinh sơn Phaolô, linh mục. Lễ nhớ.
-
+ Chúa Nhật 06/10/2024 – CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN năm B. – Kính trọng thể ĐỨC MẸ MÂN CÔI. – Tôi tớ Chúa xin vâng.
CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN năm B. – Kính trọng thể ĐỨC MẸ MÂN CÔI.
- Thứ Bảy đầu tháng, tuần 26 thường...
- Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ.
-
Di sản của chúng ta: sinh lực chúng ta để lại
Nếu chúng ta sống trong cay đắng giận dữ, trong ghen tương và không sẵn lòng chấp nhận người khác, nếu cuộc sống chúng ta gieo hỗn loạn...
-
Đọc kinh Mân côi có thực sự cần thiết nữa chăng ?
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chia sẻ : “Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng và trong những giai đoạn rất khó...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN lễ Đức Mẹ Mân Côi - 2024
Đối với người trẻ hôm nay đang sống trong một thời đại tốc độ, nghĩ rằng đọc kinh như thế thật mất giờ. Đó là một suy nghĩ cạn cợt và hời...
-
Gia vị cho bài giảng lễ Chúa nhật lễ Đức Mẹ Mân Côi - 2024
Chúng ta hãy luôn sống trong niềm vui mừng và tạ ơn nhớ đến sự hiện diện của Đức Maria và Con của Mẹ là Chúa Giêsu đã biến đổi cái thế...
-
Hội chứng “Burn Out” – Người tông đồ nên làm gì ?
Burn out là hội chứng thường được nhắc tới trong đời sống xã hội hiện đại với dòng chảy quá nhanh và hối hả, với quá nhiều giao động cùng...
-
Chuỗi Mân Côi – Chuỗi ngày sống
Chuỗi Mân Côi như chuỗi ngày sống của một đời người. Chuỗi Mân Côi có thể dùng để gột bỏ những đam mê, gạn lọc những tình cảm, và kết nối...
-
Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục: Ô-tô con và Linh mục(1)
Anh em linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo như linh mục dòng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta muốn tiêu xài tiền bạc thế...
-
Thiên Chúa yêu thích sự bé nhỏ
Sự bé nhỏ không phải là yếu kém hay bất lực, mà là sự nhận ra rằng tất cả những gì chúng ta “có”, chúng ta “là”, đều phụ thuộc vào Thiên...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: bài 139 - Thủ dâm và hướng dẫn của Giáo hội
Nếu xét theo 10 điều răn thì lỗi luật, nhưng với con, và con nghĩ nếu là Chúa, với tình thương của Người, Người cũng không xét đoán và...
-
10 Ý tưởng giúp các mẹ nạp lại năng lượng
Làm mẹ không bao giờ dễ dàng. Dưới đây là những ý tưởng từ những người mẹ về cách họ nạp lại năng lượng về mặt thể lý, tâm lý và tinh thần.
-
Câu chuyện chiều thứ bảy: Sự cần thiết của việc lắng nghe
Lắng nghe đòi hỏi chúng ta phải chú tâm để nghe, hiểu và thấu cảm. Như vậy, lắng nghe cũng là yếu tố quyết định cuộc sống của mỗi người.
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất
- Câu chuyện truyền cảm hứng về...