Thứ Bảy 31/07/2021 – Thứ Bảy tuần 17 thường niên – Thánh Phêrô Đoàn Công Quý và thánh Emmanuel Lê Văn Phụng. – Tinh thần đồng trách nhiệm.
- In trang này
- Lượt xem: 38,688
- Ngày đăng: 30/07/2021 11:00:00
Tinh thần đồng trách nhiệm.
31/07 – Thứ Bảy tuần 17 thường niên – Thánh Phêrô Đoàn Công Quý và thánh Emmanuel Lê Văn Phụng.
"Ai mất mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống".
Lời Chúa: Lc 9, 23-26
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng mọi người rằng: "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày và theo Ta. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất nó; còn ai mất mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian mà phải thua thiệt và mất mạng sống mình, thì được ích gì? Bởi lẽ kẻ nào hổ thẹn vì Ta và vì lời Ta, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn khi họ đến trước tôn nhan Ngài, tôn nhan Chúa Cha và các Thiên Thần".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Thánh Phêrô Đoàn Công Quý và Emmanuel Lê Văn Phụng
(Giáo Phận Long Xuyên được mừng trọng thể)
- Thánh Phêrô Đoàn Công Quý sinh năm 1826 tại họ Búng, hạt Thủ Dầu Một, dưới triều Minh Mạng. Cha ngài là ông Antôn Đoàn Công Miêng và mẹ là bà Anrê Nguyễn Thị Trường, vốn dòng quyền quý, nguyên quán ở Đàng Ngoài; nhưng vào cuối đời Gia Long (1802-1820), cả gia đình đã di cư vào Nam và đến lập nghiệp tại họ Búng.
Năm 1847, ngài nhập Chủng Viện thánh Giuse tại Thị Nghè. Sang năm 1848, ngài được gửi học bên Pénang (Mã Lai). Sau bảy năm học tập và tu luyện, ngài trở về quê hương vào năm 1855, giữa lúc vua Tự Đức cấm đạo gắt gao. Ngài lần lượt lãnh nhận các chức, và đến tháng 9/1858, được phong chức linh mục tại nhà thờ Thủ Dầu Một. Sau một thời gian phục vụ tại các họ Lái Thiêu, Gia Định, Kiến Hòa, ngài được cử làm phó sở Cái Mơn (Vĩnh Long). Cuối tháng 12/1858, ngài đổi về họ Đầu Nước, Cù Lao Giêng, họ chính thuộc tỉnh An Giang.
Ngày 07/01/1859, trong một cuộc lùng xét "Tây Dương đạo trưởng", ngài bị bắt cùng với ông Emmanuel Phụng, câu phủ họ Đầu Nước, và 32 giáo hữu khác. Tất cả bị xiềng xích giải về Châu Đốc.
- Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng sinh năm 1796. Lúc cha Phêrô Đoàn Công Quý được cử tới họ Đầu Nước, ngài đang làm câu phủ, rất nhiệt thành việc đạo và quý mến các linh mục. Ngày 07/01/1859, ngài cùng 32 giáo hữu khác cùng bị bắt với cha Phêrô Quý, và bị điệu về giam ở Châu Đốc.
Trong tù hai đấng đã chịu nhiều cực hình với một đức tin sắt đá. Ngày 30/7/1859, án tử hình của các ngài được gửi từ kinh về tới Châu Đốc. Hai ngài đã hiên ngang đổ máu đào để nên chứng nhân nước Trời vào ngày 31/7/1859.
Đức Thánh Cha Piô X đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 02/5/1909. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.
Suy Niệm 1: Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng: chứng nhân đời thường của Đức Kitô
Lúc sinh thời, thánh Emmanuel Lê Văn Phụng giữ chức Lý trưởng, là chức thứ nhì trong làng. Vì thế, ngài được gọi là ông Lý Phụng. Đồng thời, ngài coi sóc việc đạo cho cả phủ nội tỉnh An Giang (Châu Đốc), gọi là Câu Phủ; cho nên, người đương thời cũng quen gọi ngài là Ông Câu Phụng. Với những chức vụ đạo, đời khá quan trọng như thế, ngài đã làm việc hết mình để đem lại hạnh phúc cho mọi người. Cuộc đời của thánh nhân có những nét đặc biệt sau đây.
Trước hết, là một tín hữu ngoan đạo, ngài luôn luôn tỏ ra là một gia trưởng gương mẫu. Dù rất bận chuyện làng-xã và họ đạo, thế nhưng, cùng với người vợ rất đảm đang là bà Anna Của, ngài đã nỗ lực sinh dưỡng, dạy dỗ một cách tốt đẹp tất cả 9 người con, năm trai, bốn gái, ngoài ra còn có hai người con nuôi cũng được ngài đùm bọc, cưu mang, giáo dục đầy đủ. Ngài quan tâm đặc biệt đến vấn đề giáo lý, đạo đức, học hành của con cái. Ngài lưu ý chỉ dạy cách ăn nết ở theo luân thường, đạo lý từ ngàn xưa. Thật là gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Điều đó đã được các linh mục lưu trú trong nhà khẳng định và ca ngợi.
Thứ đến, ngài có một tinh thần tông đồ rất nhiệt thành, hăng hái. Với tư cách là người đứng đầu trong họ đạo, ngài luôn luôn sống hết mình với Thiên Chúa, với Hội Thánh và với bà con bổn đạo, ngài rất hăng say trong việc mở mang Nước Chúa, cho dù phải gặp nhiều khó khăn, gian nan, thử thách.
Trong thời gian cấm đạo gắt gao nhất, ngài vẫn âm thầm dâng hiến đất đai, xây dựng nhà thờ, nhà xứ và nhà các nữ tu. Mái ấm của ngài là nơi lưu trú thường xuyên của các linh mục, kể cả các vị thừa sai nước ngoài.. sinh hoạt đạo đức của họ đạo, với các lễ nghi phụng vụ, với các bí tích được trao ban đều đặn, hầu như luôn luôn được diễn biến bình thường, là nhờ ở sự khôn khéo và tài đức của ngài.
Đồng thời, nhờ lòng đạo đức sâu sắc và sự am hiểu giáo lý một cách vững vàng, ngài đã được Bề trên chọn làm giảng viên giáo lý của họ đạo Cù Lao Giêng, và sau đó, của cả tỉnh An Giang. Với vai trò đặc biệt này, ngài ra sức dạy giáo lý cho các thiếu nhi, thanh niên và cả những người lớn tuổi. Ngài thường xuyên thăm hỏi, khuyên nhủ, giải thích và giúp đỡ những người khô khan, nguội lạnh trở về với Chúa. Ngài nhiệt tình lo lắng cho những người hấp hối, nguy tử được lãnh nhận các bí tích sau cùng, chuẩn bị chu đáo trước khi ra trình diện với Chúa.
Ngoài ra, lòng bác ái của ngài cũng là một nhân đức nổi trội. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngài vẫn tỏ ra tâm hồn nhân ái đặc biệt. Gặp thời dịch bệnh hoành hành, ngài đã sắm ghe, mua thuốc, phân phát, cứu giúp những người bệnh, cách riêng là những người nghèo khổ… trong thời gian tù đày, ngài cũng sẵn lòng chia sẻ những gì mình có cho các bạn tù, cho lính canh và cai tù… Ngay cả với kẻ thù, ngài cũng tỏ ra tấm lòng quảng đại, bao dung. Sở dĩ ngài bị bắt và bị giam giữ, cùng với cha sở Phêrô Quí là do hai tên bất lương tố cáo, hãm hại. thế nhưng, khi hai tên này đến xin bà vợ của ngài giúp đỡ tiền bạc, từ trong tù, ngài đã khuyến khích và yêu cầu bà thực hiện… Nhìn vào cung cách sống đó, tất cả mọi người đều thán phục người tông đồ của Chúa.
Sau cùng, với sự khôn khéo, tế nhị đặc biệt, với tinh thần trách nhiệm cao độ của người đứng đầu với những phương tiện vật chất mà Chúa trao ban, ngài đã xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp với tất cả những người chung quanh, kể cả quan quyền lúc bấy giờ. Ngài sẵn sàng hy sinh, dâng hiến những gì mình có để làm sáng danh Chúa, để loan báo Tin Mừng cho mọi người. Nhờ đó, mà ngài đã giúp cho họ đạo được bình yên, ngay cả trong thời buổi khó khăn nhất.
Và như thế, với tình yêu son sắt với Chúa và anh em, với sự trung tín kiên vững của người môn đệ, với niềm xác tín vào ơn cứu độ của thiên chúa, ngài đã hiến dâng mạng sống, để xứng đáng là sứ giả của Chúa Kitô tại quê hương thân yêu của ngài. Ngài đã trở nên một mẫu gương chứng nhân tiêu biểu của Đấng Cứu Thế cho đồng bào của ngài.
Noi gương của Thánh nhân, chúng ta hãy nỗ lực sống tin Mừng mỗi ngày trong cuộc sống đời thường, một cách cụ thể, thiết thực và hiệu quả.
Hãy sống trọn vẹn ơn gọi mà Chúa trao ban trong gia đình. Hãy là những người cha có trách nhiệm, người mẹ đảm đang, người con hiếu thảo để tạo bầu khí yêu thương, hạnh phúc trong mái ấm. những lời nói, cử chỉ, việc làm thắm đượm tình bác ái sẽ giúp đem lại bình an, niềm vui và hy vọng. Sự quan tâm, chăm sóc cho nhau sẽ đan dệt nên những tâm tình yêu thương, liên đới, chia sẻ, hy sinh và phục vụ…
Nên nhớ rằng, qua bí tích rửa tội, mỗi người đã lãnh nhận sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ của Đức Ki-tô cho những anh em chung quanh. Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta có thể chu toàn sứ mạng đó bằng đời sống gương mẫu của chúng ta qua nhữn việc làm cụ thể. Chính nhờ đời sống đầy tình yêu thương bác ái của chúng ta mà người ta có thể nhận ra Chúa, yêu mến Chúa, tin Chúa và đến với Chúa.
Ngoài ra, tinh thần tông đồ cũng mời gọi chúng ta nhiệt tình cộng tác với Đức Giám Mục giáo phận, với các linh mục phụ trách giáo xứ, với các thành phần dân Chúa, để giúp mọi người thăng tiến về mọi mặt, nhất là trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến. Hãy dùng tất cả những phương tiện mà Chúa trao ban, hãy biết chia sẻ những gì mình có, như: tài năng, thời giờ, sức khỏe, công ăn việc làm, tiền của vật chất… để làm vơi nhẹ những khổ đau, đem lại niềm an ủi, nâng đỡ tinh thần, tạo nên sự phấn khởi, lạc quan… cho những người đang gặp khó khăn, thử thách. Không ai nghèo túng đến nỗi không có gì để chia sẻ cho người khác. Một nụ cười tươi tắn, một sự đón tiếp niềm nở, một lời nói động viên hay một lời khen ngợi chân thành, một cái bắt tay thân tình, một sự giúp đỡ nho nhỏ… tất cả đều có một giá trị vô cùng lớn lao và cao quí. Tất cả đều là dấu chỉ chắc chắn loan báo hạnh phúc đích thực, sung mãn và vĩnh viễn của Nước trời. Sống được như thế, chúng ta sẽ là những chứng nhân đời thường của Đức Kitô, theo gương của thánh Emmanuel Lê Văn Phụng, và sẽ được chung hưởng hạnh phúc viên mãn với ngài, trong vinh quang Thiên Chúa.
Suy Niệm 2: Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng & thánh Phêrô Đoàn Công Quí: Tinh thần đồng trách nhiệm trong sứ mạng của Hội Thánh
(Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu 31-07-2010)
Thật tự hào cho giáo phận Long Xuyên, khi mô hình Hội thánh tham gia và hiệp thông trong tinh thần đồng trách nhiệm đã được thực hiện trước công đồng Vaticanô II cả trên 100 năm tại họ Đầu Nước, nay là Cù Lao Giêng, một trong những họ đạo cổ kính và điển hình của giáo phận, do cha sở họ đạo là linh mục Phêrô Đoàn Công Quí, và đại diện giáo dân là ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng.
Thật vậy, cha sở Phêrô và ông câu Phụng đã thể hiện tinh thần đồng trách nhiệm trong sự cộng tác với nhau để điều hành sinh họat của họ Đầu Nước - Cù Lao Giêng. Đặc biệt là ông câu Phụng đã dâng hiến tài sản của gia đình mình cho Giáo Hội, để xây cất cơ sở vật chất như chủng viện, nhà dòng. Hơn nữa, cha sở Phêrô và ông câu Phụng đã thể hiện tinh thần đồng trách nhiệm bằng sự đoàn kết với nhau trong chức linh mục của Chúa Kitô, để mỗi người theo sứ mạng của mình, phục vụ nhiệm thể Chúa Kitô. Riêng ông câu Phụng đã biến gia đình mình trở thành một Hội thánh tại gia, nơi mà trong thời bách hại, hàng giáo sĩ thường lui tới để trú ngụ, để ẩn náu và thi hành tác vụ linh mục, cụ thể là cử hành các bí tích cho giáo dân trong vùng. Nhất là cha sở Phêrô cùng với ông câu Phụng đã thể hiện tinh thần đồng trách nhiệm bằng sự hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trong cuộc tử đạo của mình. Máu của hai thánh đã hòa trộn với Máu Thánh của Chúa Kitô, cùng thấm đẫm tại phần đất của vùng Châu Đốc, An Giang. Như vậy, sự cộng tác, sự đoàn kết và hiệp thông là những bài học cho giáo phận Long Xuyên, cho hàng giáo sĩ cũng như giáo dân, về tinh thần đồng trách nhiệm được biểu hiện từ cuộc đời và cuộc khổ nạn của hai thánh Quí - Phụng.
Thực ra, không phải là do hai thánh Quí - Phụng, cũng không phải là do công đồng Vaticanô II đưa ra những bài học về tinh thần đồng trách nhiệm trong cộng đoàn Kitô hữu. Chính Chúa Kitô đã sống và đã dạy bài học này cho những người theo Chúa trong bầu khí của cộng đoàn các Tông đồ. Chúa đã muốn các ông cộng tác với nhau và với mọi người nên sai các ông đi từng hai người một. Chúa muốn các ông đoàn kết với nhau và với mọi người nên đề ra chương trình hành động chung là làm chứng và loan báo Tin mừng bình an. Và Chúa muốn các ông hiệp thông với nhau và với mọi người trong lý tưởng của Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa.
Chúa Kitô đã dạy bài học tinh thần đồng trách nhiệm. Công đồng Vaticanô II và Liên Hội đồng Giám mục Á Châu trở về nguồn với tinh thần tham gia và hiệp thông. Như vậy, giáo phận Long Xuyên không có con đường nào khác ngoài con đường trở về xây dựng giáo phận thành một Hội thánh tham gia và hiệp thông trong tinh thần đồng trách nhiệm.
Sẽ rất hài lòng cho hai thánh tử đạo nếu giữa anh chị em và cha sở đã có những hợp tác chặt chẽ trong mục vụ, và đã có những nỗ lực giải quyết những chia rẽ, những bất hòa, để tránh tình trạng kình chống nhau trong họ đạo. Và ước mơ rằng họ đạo Cù Lao Giêng sẽ là nơi hành hương cấp giáo phận để tinh thần đồng trách nhiệm của hai đấng Thánh được suy tư, chiêm ngưỡng và được tiếp tục học hỏi như bài học cho các cộng đoàn Kitô hữu trong và ngoài giáo phận.
Xin hai thánh tử đạo là cha sở Phêrô và ông câu Phụng chúc lành cho chúng con, và tiếp tục giúp chúng con biết học bài học xây dựng Nước Thiên Chúa bằng tinh thần đồng trách nhiệm. Amen.
**************************
Chết vì sứ vụ.
31/07 – Thứ Bảy tuần 17 thường niên. – Thánh I-nha-xi-ô Lôi-ô-la, linh mục. Lễ nhớ.
"Hêrôđê sai người đi chặt đầu Gioan, và các môn đệ của Gioan đi báo tin cho Chúa Giêsu".
* Sinh năm 1491 tại Lôiôla miền Can-ta-bơ-ri-a. Lúc còn thanh niên, Inhaxiô theo binh nghiệp, phục vụ trong triều đình. Khi đã trở lại, người học thần học ở Pari. Tại đây, cùng với mấy người bạn, người đã sáng lập dòng Chúa Giêsu, thường gọi tắt là Dòng Tên (1534). Nhưng chính tại Rôma, người nỗ lực làm cho dòng lan rộng khắp châu Âu và hăng hái truyền giáo, nêu gương phục vụ Hội Thánh, hết lòng tuân phục Đức Giáo Hoàng.
Phương pháp linh thao của người vạch ra một con đường cho ai muốn hiến thân để làm cho vinh quang Thiên Chúa ngày một sáng ngời hơn.
Người qua đời ở Rôma năm 1556.
Lời Chúa: Mt 14, 1-12
Khi ấy quận vương Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: "Người này là Gioan Tẩy Giả, ông từ cõi chết sống lại, nên mới làm được các phép lạ như vậy".
Tại vì Hêrôđia vợ của anh mình mà vua Hêrôđê đã bắt trói Gioan tống ngục, bởi Gioan đã nói với vua rằng: "Nhà vua không được lấy bà ấy làm vợ". Vua muốn giết Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi Gioan như một tiên tri. Nhân ngày sinh nhật của Hêrôđê, con gái Hêrôđia nhảy múa trước mặt mọi người, và đã làm cho Hêrôđê vui thích. Bởi đấy vua thề hứa sẽ ban cho nó bất cứ điều gì nó xin. Được mẹ nó dặn trước, nên nó nói: "Xin vua đặt đầu Gioan Tẩy Giả trên đĩa này cho con". Vua lo buồn, nhưng vì đã trót thề rồi, và vì các người đang dự tiệc, nên đã truyền làm như vậy.
Ông sai người đi chặt đầu Gioan trong ngục, và để đầu Gioan trên đĩa đem trao cho cô gái, và nó đem cho mẹ nó. Các môn đồ của Gioan đến lấy xác thầy và chôn cất, rồi đi báo tin cho Chúa Giêsu.
Suy Niệm 1: Vì đã trót thề
Suy niệm:
Theo các sách Tin Mừng, Gioan bị giết trong khung cảnh một bữa tiệc.
Đó là tiệc mừng sinh nhật Hêrôđê Antipas là tiểu vương vùng Galilê và Pêrê.
Nếu thế, bữa tiệc này hầu chắc diễn ra ở Tiberias,
một thành gần hồ Galilê, nơi Hêrôđê đặt trung tâm quyền lực của mình.
Gioan bị giết vì dám phản đối cuộc hôn nhân bất hợp pháp
giữa Hêrôđê với bà Hêrôđia là vợ của Philíp,
người anh cùng cha khác mẹ với mình.
Chuyện ngoại tình của Hêrôđê bị Gioan Tẩy giả kết án là có thể hiểu được.
“Ngài không được phép lấy bà ấy” (c. 4).
Lấy vợ của người anh em là phạm đến Luật Chúa (Lv 18, 16; 20, 21).
Gioan là một ngôn sứ không lùi bước trước sự bất công.
Ông đã sẵn sàng bênh vực sự thật, dù ông biết cái giá phải trả.
Hêrôđê đã dùng quyền lực để ép Gioan phải im miệng.
Ông bắt Gioan, xiềng lại và tống vào ngục.
Chỉ vì sợ phản ứng của dân chúng mà Hêrôđê chưa muốn giết Gioan.
Bữa tiệc sinh nhật của Hêrôđê hẳn có nhiều quan khách tham dự.
Chuyện cô công chúa như Salômê, con bà Hêrôđia, múa cho quan khách xem,
là một chuyện lạ, nhưng vẫn có thể đã xảy ra.
Không rõ vì cô xinh đẹp hay vì múa giỏi mà Hêrôđê ngây ngất (c. 6).
Từ đó Hêrôđê không còn đủ sáng suốt, tỉnh táo,
khi vội vã đưa ra một lời hứa kèm theo lời thề với cô.
Cô muốn xin gì, nhà vua cũng thề hứa ban cho (c. 7).
Chúng ta thấy Hêrôđê đã tự đưa mình vào thế kẹt dại dột và nguy hiểm.
Ông đã không lường được hậu quả của chuyện đó.
Hêrôđia chỉ chờ cơ hội này để thanh toán kẻ dám phá hạnh phúc của bà.
Bà đã xúi con gái xin ngay thủ cấp của Gioan, đặt trên mâm.
Hêrôđê hẳn đã lặng người khi nghe cô bé xin điều ấy.
Ông lấy làm đau buồn vì đây thật là chuyện không ngờ (c. 9).
Ông bị đặt trước một chọn lựa: giết hay không giết Gioan.
Đám đông quan khách tạo một áp lực vô hình trên ông.
Vì đã lỡ thề hứa trước mặt họ, nên ông không dám rút lại.
Ông sợ rút lại sẽ bị mang tiếng là nuốt lời, và sẽ bị mất uy tín.
Hêrôđê đã chọn mình, chọn danh dự và cái ghế của mình hơn.
Ông hy sinh Gioan để giữ được tiếng tăm và tình yêu với bà Hêrôđia.
Làm sao chúng ta có can đảm nhận ra mình sai lầm và dừng lại?
Làm sao chúng ta không bị cuốn từ tội này sang tội khác?
Rút lại một lời hứa có khi còn khó hơn giữ lời hứa ấy.
Hêrôđê là người bị nô lệ bởi nỗi sợ, sợ Gioan, sợ dân, sợ quan khách…
Đúng hơn là ông sợ mất chính mình, sợ người ta nghĩ xấu về mình.
Có những lúc chợt tỉnh ngộ, tôi vẫn ngần ngại không muốn nhận mình sai.
Tôi không dám nhận lỗi, vì tôi muốn mình vẫn đúng.
Xin Chúa đưa tôi ra khỏi cơn mê muội của tôi.
Cầu nguyện:
Như thánh Phaolô trên đường về Đamát,
xin cho con trở nên mù lòa
vì ánh sáng chói chang của Chúa,
để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.
Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,
ánh sáng phá tan bóng tối trong con
và đòi buộc con phải hoán cải.
Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối
chỉ vì chút tự ái cỏn con.
Xin cho con khiêm tốn
để đón nhận những tia sáng nhỏ
mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.
Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý
để Chân lý cho con được tự do.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy Niệm 2: Nhân từ và độc ác
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Thiên Chúa vô cùng nhân từ. Thiên Chúa nhân từ với ta. Người mong muốn ta cũng nhân từ với đồng loại. Vì thế Người ra luật cử hành Năm Toàn Xá. Năm Toàn Xá là năm thể hiện lòng nhân từ. Chúa truyền cho dân phải nhân từ với người nghèo khổ. Không được ỷ mạnh hiếp yếu. Nhưng phải tôn trọng những người bé nhỏ nghèo hèn. Vì thế trong Năm Toàn Xá phải trả người nô lệ về tự do. Phải trả ruộng đất cho người vì túng thiếu đã phải bán. Phải giữ luật Chúa chứ không theo luật rừng. PHải sống theo ý Chúa chứ không theo dục vọng: “Không ai trong các ngươi được làm thiệt hại người đồng bào, nhưng các ngươi phải kính sợ Thiên Chúa” (năm lẻ).
Con người ta thường theo thú tính. Ở đời mạnh được yếu thua. Vì thế Giê-rê-mi-a gặp nạn. Ông yếu thế hơn tư tế và các thủ lãnh. Nên họ muốn giết ông. “Bấy giờ, các tư tế và ngôn sứ nói với các thủ lãnh và toàn dân rằng: “Con người này đáng lãnh án tử, vì ông ta đã tuyên sấm chống lại thành này, như chính tai các ông đã nghe”. Họ tức giận vì Giê-rê-mi-a lên án lối sống sa đoạ của họ. Nếu họ chưa giết ông chỉ vì họ sợ Chúa phạt như lời Giê-rê-mi-a ngăm đe: “Nếu các người giết tôi, thì chính các người sẽ phải chuốc lấy máu vô tội cho mình, cho thành này và dân cư trong thành” (năm chẵn).
Hê-rô-đê hoàn toàn cư xử theo thú tính. Ông ỷ quyền thế cướp vợ của anh mình. Ông cậy mạnh nên bắt giam Gio-an Tẩy giả. Vì Gio-an dám lên án tội lỗi của vua. Ông nhẹ dạ vì điệu múa của cô gái nên hứa liều. Vì sĩ diện nên ông không dám rút lại lời hứa liều, dù ông biết làm thế là sai. Vì dục vọng ông phải giết thánh Gio-an Tẩy giả, dù biết ngài vô tội: “Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã tró ththeef, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gio-an”.
Các môn đệ của Chúa như Gio-an được sai đến để xây dựng xã hội công bằng. Không còn mạnh hiếp yếu. Và xã hội bác ái. Phải nghĩ đến người bé nhỏ nghèo hèn. Mua bán gì đến Năm Toàn Xá phải trả lại chủ cũ. Xã hội sống theo Lời Chúa sẽ tạo hạnh phúc. Con người kính sợ Thiên Chúa sẽ biết kính trọng và yêu thương đồng loại. Xã hội chống lại Thiên Chúa sẽ sống theo dục vọng và thú tính. Xã hội ấy sẽ tràn đầy bất công và bất hạnh.
Suy Niệm 3: Tương Quan Giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu
Trong Tin Mừng hôm nay, tác giả hai lần nhắc đến Gioan Tẩy giả trong tương quan với Chúa Giêsu.
Ở khởi đầu trình thuật, vua Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì ông cho đó chính là Gioan Tẩy giả, người mà ông đã cho chém đầu nay sống lại. Ơn gọi của Gioan Tẩy giả như chính miệng ông Zacaria loan báo trong ngày lễ đặt tên cho con mình: "Con là tiên tri của Ðấng tối cao, con sẽ đi trước dọn đường cho Ngài". Ơn gọi đó Gioan đã chu toàn một cách tốt đẹp. Gioan chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến, không những bằng việc rao giảng thống hối, mà còn bằng chính cái chết vì trung thành với sự thật. Dung mạo của Gioan Tẩy giả loan báo dung mạo của Chúa Giêsu một cách tốt đẹp, đến nỗi khi Chúa Giêsu xuất hiện, vua Hêrôđê tưởng Ngài là hiện thân của Gioan Tẩy giả sống lại.
"Các con sẽ làm chứng về Thầy", đó là mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho các Tông đồ, cho mỗi môn đệ của Chúa. Chúng ta cần trở nên một Chúa Kitô cho anh em mình, vận mệnh của Chúa sẽ là vận mệnh của chúng ta.
Một chi tiết nữa, đó là các môn đệ Gioan Tẩy giả, sau khi chôn cất ông xong, thì đến báo tin cho Chúa Giêsu. Chi tiết này nói lên mối liên hệ thân tình giữa Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Gioan Tẩy giả là hướng về Chúa Giêsu. Gioan Tẩy giả không phải là Chúa Giêsu, nhưng là người giúp anh em mình đến với Chúa. Chính Gioan Tẩy giả đã tuyên bố: "Tôi không phải là ánh sáng, nhưng tôi đến để làm chứng cho ánh sáng".
Người Kitô hữu được mời gọi sống hướng về Chúa, kết hợp với Chúa, trở thành một Chúa Kitô thứ hai cho anh em. Nhưng đó là để giúp anh em đến với Chúa, chứ không dừng lại nơi mình. Người Kitô hữu không được chiếm chỗ của Chúa trong tâm hồn anh em: Chúa Kitô phải lớn lên trong tâm hồn anh em, còn tôi chỉ là phương thế, tôi không được cản trở anh em đến với Chúa.
Xin Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm và trung thành với sự thật, dù phải hy sinh chính mạng sống mình, để giúp người khác đến với Chúa và tin nhận Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Chết Cho Sự Thật (Mt 14,1-12)
Lịch sử nhân loại lúc nào cũng có chiến tranh, lúc nào cũng có hận thù. Khi thánh Gioan Tẩy Giả bị chém đầu cách đây hai ngàn năm, người ta cũng xôn xao bàn tán về cái chết của ngài. Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Mátthêu đã ghi lại hoàn cảnh cái chết của vị tiền hô. Ngài chết vì đã nói lên sự thật. Ngài chết cho sự thật. Tín hữu Kitô là những người đã đi theo Ðấng đã từng tuyên bố: "Ta là sự thật". Họ phải là những người sẵn sàng chết cho sự thật ấy.
Trong một cuộc thăm dò do viện Galup thực hiện, sáu mươi chín phần trăm người dân Mỹ cho biết họ tin là không có những chuẩn mực luân lý tuyệt đối. Trong một cuộc thăm dò khác, bảy mươi mốt phần trăm nói rằng không hề có một chân lý tuyệt đối. Không có chân lý tuyệt đối, cho nên theo họ chỉ có chân lý của số đông. Tiêu chuẩn của chân lý là số đông. Ðiều gì đám đông nghĩ, đám đông tin, đám đông bỏ phiếu, đám đông tán thành, là đúng. Chính vì tiêu chuẩn của chân lý là đám đông, nên có biết bao nhiêu hành động tội ác được hợp pháp hóa bởi vì đám đông đã tán thành. Còn gì độc ác dã man cho bằng hành động phá thai, nhưng nó đã được hợp pháp hóa bởi vì đám đông đã đồng tình.
Ðấng là sự thật đã chết trơ trụi một mình trên thập giá. Tuyên xưng mình là sự thật, sống cho sự thật, thường cũng đòi hỏi người tín hữu Kitô phải lội ngược dòng. Sự thật không có tính vụ lợi. Sự thật không được đánh giá bằng những lợi lộc hay đổi chác. Sự thật đòi hỏi con người phải hy sinh tất cả để nói lên sự thật và trung thành với sự thật. Sống chết cho sự thật, không có phần thưởng nào khác hơn là chính sự thật, bởi lẽ vì sống cho sự thật có thể mất hết mọi sự nhưng không đánh mất chính mình.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 5: Chân Lý
Thời ấy tiểu vương Hê-rô-đê nghe danh tiếng Đức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó chính là ông Gio-an Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết chỗi dậy, nên quyền làm phép lạ mới tác động nơi ông.” (Mt. 14, 1-2)
Đoạn này kề về cuối đời của thánh Gio-an Tiền Hô, một con người bảo vệ chân lý. Ngài đã trung thành sống với Lời Ngài giảng. Đó chính là đức tính của vị ngôn sứ.
Ngôn sứ là ai?
Ngày nay quá nhiều kẻ tuyên bố sự thật. Họ rêu rao sự thật đến rát cổ mỏi miệng.
Có kẻ tách khỏi Giáo Hội và xỉ nhục điều này điều kia của Giáo Hội, phỉ nhổ vị này vị kia. Kẻ đó không phải là kẻ chân chính.
Gio-an Tiền Hô thành chướng ngại vật, là lời khiển trách sống động đới với Hê-rô-đê và với chúng ta nữa. Ngài không nói: “Hãy làm như tôi!” nhưng Ngài nói: “Đó là huấn lệnh của Chúa!” Thính giả nghe Ngài, nhưng còn phải nhìn kỹ Ngài sống thế nào! cần phải chiêm ngắm chân lý của sứ ngôn và đời sống của Ngài, thì họ sẽ không còn dám sống ích kỷ nữa.
Ngày nay thì sao?
Ngày nay có nhiều ngôn sứ không?
Ngôn sứ là người loan báo Đức Giêsu Kitô. Ông phải làm chứng về Đức Kitô.
Đức Giêsu là ai? Ngôn sứ phải nói về Người như thế nào cho thế hệ hiện tại: trước hết chúng ta phải nói đến quá khứ, kể lại Tin Mừng: nói về sự sống lại của Người, về con người mới mà Người đã làm chúng ta trở lên con người mới đó.
Ngôn sứ không được vì mình, nhưng phải là chứng nhân cho thế hệ hiện tại.
J.M
Suy Niệm 6: CHỨNG NHÂN CHO SỰ THẬT (Mt 14, 1-12)
Khi xem các chương trình nhạc kịch, khán giả thường có những nhận xét đúng – sai cũng như đặc điểm của vai diễn qua các nhân vật. Ngoài ra, độc giả còn nhận thấy hình ảnh của mình thông qua con người và diễn xuất của các nghệ sĩ…
Hôm nay, trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy xuất hiện 4 nhân vật, mỗi nhân vật mang một nét đặc trưng riêng cả về nhân thân và lối sống. Các nhân vật đó là: Gioan Tẩy Giả; vua Hêrôđê; bà Hêrôđia; và, con gái bà Hêrôđia. 4 nhân vật đó như thế nào? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu.
Thứ nhất là Gioan Tẩy giả:
Gioan Tẩy giả là ngôn sứ vĩ đại, đến để loan báo về Đấng Cứu Thế và chuẩn bị lòng dân đón nhận Ngài. Vì thế, ông đã biểu lộ vai trò ngôn sứ bằng một thái độ sống hết sức khiêm tốn, hy sinh, can đảm, mạnh mẽ và bất khuất trước bạo lực, cho dù phải chịu tù đày và chết tróc.
Thứ hai là vua Hêrôđê:
Ông được biết đến như một kẻ ác nhân. Ông đã lộng hành khi dùng quyền. Coi thường đạo lý và buông theo sắc dục mà bất chấp đúng - sai. Ông đã làm trái với lương tâm khi truyền lấy đầu ông Gioan để thỏa mãn điều thề hứa bất chính của mình.
Thứ ba là Bà Hêrôdia:
Vì ưa thích điều bất chính, nên đã không chấp nhận sự thật mà Gioan loan báo. Vì thế, lòng thù ghét nổi lên như nước thủy triều. Thay vì dạy dỗ con mình làm điều tốt, bà lại xúi con mình làm điều bất chính khi xin vua lấy đầu Gioan Tẩy Giả. Sự ác tâm này là con đẻ của hận thù và ghen ghét vì mối lợi trước mắt.
Thứ tư là con gái bà Hêrôdia:
Cô gái trẻ này được biết đến như một nhân vật có tài mà không có đức. Vì thế, thay vì sử dụng tài của mình để làm việc thiện, cô ta đã dùng nó như là một thứ mua vui thuần túy và phá hoại. Tệ hơn nữa là cô không hề áy náy khi biết rõ rằng việc mình làm chỉ là để thỏa nãm sắc dục của vua quan và phục vụ sự hận thù của mẹ cô với Gioan Tẩy giả.
Trong cuộc sống hôm nay, không thiếu gì những hình ảnh của Hêrôđê đang hiện ra qua những hành động của những người chỉ thích ham mê sắc dục, bất chấp sự thật để làm những điều lỗi lầm ghê tởm.
Cũng vẫn còn đó nơi ta hình ảnh của bà Hêrôdia. Nhiều lúc, thay vì dạy con làm điều tốt, thì lại chỉ vẽ cho trẻ những điều sai trái, miễn sao đạt được điều bất chính nơi ta mà thôi. Và cũng không thiếu những sự ngộ nhận nơi ta như con gái bà Hêrôdia…
Thế nhưng, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mang trong mình hình ảnh và đặc tính của Gioan Tẩy Giả. Luôn tìm mọi cách để Lời Chúa được loan báo mọi nơi, mọi lúc. Sẵn sàng chấp nhận hy sinh và ngay cả cái chết để làm chứng cho Thiên Chúa và sự thật về Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được yêu mến Lời Chúa và sẵn sàng rao giảng Lời ấy cho mọi người, dù có phải hy sinh. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 7: Sự thiện và sự ác đấu tranh
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Hoa trái của Xa-tan là tội lỗi. Hoa trái của Thánh Thần là công chính và tình yêu mến. Tư tưởng, lời nói, việc làm của ta phải do Chúa Thánh Thần thúc đẩy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Tin Mừng hôm nay cho con thấy hai hạng người. Hạng người thứ nhất suy nghĩ và hành động theo tinh thần xác thịt. Bà Hê-rô-đi-a vì ham danh, ham quyền, ham lợi lộc, đã bỏ chồng đuổi theo vua Hê-rô-đê. Hơn nữa, vì nuôi lòng hận thù, bà đã dạy con gái mình phạm tội ác là xin được đầu thánh Gio-an đặt trên đĩa. Còn vua Hê-rô-đê vì ham sắc dục đã cướp vợ của anh mình. Hơn nữa, vì sợ mất mặt, vua Hê-rô-đê đã liều giết thánh Gio-an Tẩy Giả cách bất công. Tội ác kéo theo tội ác.
Ngược lại thánh Gio-an Tẩy Giả đã để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Ngài đã can đảm nói lên sự thật, đã chấp nhận chết cho sự thật, chết cho công lý.
Lạy Chúa, con hiểu rằng cuộc đời là một cuộc chiến. Sự thiện và sự ác đấu tranh nơi con, giành giật từng tư tưởng, từng lời nói và từng việc làm của con. Chúa dạy con nghĩ điều thiện, nói những lời tốt đẹp và làm việc lành. Chúa ban ơn để đời con sinh ra hoa trái thánh thiện. Chúa động viên con và hé mở cho con thấy phần thưởng thiêng liêng nếu con biết sống theo Thánh Ý Chúa.
Xin Chúa đừng để con chạy theo lợi lộc, danh vọng, sắc dục, hận thù, để rồi gây ra tội ác. Xin Chúa chớ để con sa chước cám dỗ. Amen.
Ghi nhớ: “Hêrôđê sai người đi chặt đầu Gioan, và các môn đệ của Gioan đi báo tin cho Chúa Giêsu”.
Suy Niệm 8: Rao giảng bằng lời nói và cuộc sống.
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Bà Eva sinh được hai con trai, là Cain và Aben. Lớn lên, Cain làm nghề trồng trọt, còn Aben chuyên nuôi chiên cừu. Aben dâng lên Chúa những con cừu đầu lứa béo tốt. Chúa nhận của lễ của Aben, mà không nhìn đến lễ vật của Cain. Cain tức giận, sầm mặt xuống...
Thấy vậy, Chúa hỏi ông: “Sao ngươi tức giận? Nếu ngươi làm điều tốt việc phải, sao chẳng ngửa mặt lên?”...
Cain đã chẳng biết nhận lỗi, đã chẳng nghe Lời Chúa dạy mà sửa mình, lại còn thêm tức giận, ghen ghét Aben và giết hại em, lại chối và dối gạt Thiên Chúa là không biết em đâu khi Chúa hỏi: “Em ngươi đâu?”.
Cain bị phạt phải lang thang lưu lạc trên mặt đất, cực khổ cày cấy, nhưng đất sẽ chẳng sinh hoa màu, phải đói khổ...
Suy niệm
Chúa Giêsu với lời giảng uy quyền và làm được những việc vĩ đại như chữa lành bệnh, cho kẻ chết sống lại... nên danh tiếng Ngài lừng lẫy khắp nơi, vang đến tai vua Hêrôđê. Ông cho rằng Ðức Giêsu là Gioan Tẩy giả mà ông đã giết chết nay sống lại. Ông nghĩ thế vì bị lương tâm cắn rứt khiến ông sống bất an...
Thật thế, Gioan, vị ngôn sứ bộc trực, thẳng thắn thi hành sứ vụ lên tiếng phê phán những quyền lực tôn giáo sống không đúng với chức danh (Mt 3,7), ông phê phán, đương đầu và đối mặt với cả vương quyền khi họ thực hiện những điều bất nghĩa: Ông đã ngăn cản vua Hêrôđê cướp vợ của anh trai vua khi người anh trai này vẫn còn sống, chính vì thế mà ông bị tống ngục và Hêrôđia, người tình của vua đã tìm cách ám hại ông (Mc 6,17-29). Chính vì ích kỷ, tự ái, ghen ghét... Hêrôđia tìm dịp ám hại Gioan Tẩy giả và Hêrôđê đã thực hiện điều ấy.
Người quân tử Gioan chính trực không sợ trước bất kỳ quyền lực nào, chỉ luôn biết sống trung tín và loan báo những gì Thiên Chúa muốn ông nói và làm, ngay cả khi phải trả giá bằng cái chết.
Gioan minh chứng cho sự trung thực, thẳng thắn, là triều thiên tử đạo đổ máu đào cản ngăn những điều bất nghĩa bất nhân.
Gioan luôn mãi là tấm gương cho chúng ta học tập và noi theo. Ông không chỉ rao giảng bằng lời nói mà bằng cả hy sinh cuộc sống.
Ý lực sống:
« Nếu thế gian đã ghét Thầy, thì thế gian sẽ ghét các con vì các con sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian” (Ga 15,18-19)
Suy Niệm 9: Cái chết của Gioan Tẩy Giả
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Vua Hêrôđê nghe danh Chúa Giêsu thì tưởng là Gioan Tẩy Giả đã chết mà nay đã sống lại. Chính Gioan là người trước kia đã cấm không cho vua cướp vợ của anh là Hêrôđia. Bà này bực tức nên xúi giục nhà vua tống Gioan vào ngục... Và ngày nọ nhân dịp nhà vua ăn tiệc mừng ngày sinh nhật, con gái bà ta nhảy múa làm cho nhà vua vui thích, nên vua hứa ban cho nó bất cứ điều gì nó muốn. Nghe tin đó, bà Hêrôđia muốn trả thù, nên xúi nó xin cái đầu của Gioan. Nhà vua nghe lời xin đó rất lấy làm buồn, vì ông kính nể Gioan, nhưng đã trót hứa nên phải sai người đi chém đầu ông mà giao cho con bé.
2. Ông vua Hêrôđê này là người có tính thích của lạ và khoái nghe hùng biện. Vì thế, ông nghe đồn Gioan giảng dạy rất hay, nên ông cho mời Gioan đến thuyết trình trong triều, nhưng không phải để nghe diễn thuyết về chân lý mà là để thưởng thức tài hùng biện của Gioan. Thánh Gioan liền chộp lấy cơ hội này để thức tỉnh lương tâm tội lỗi của Hêrôđê và Hêrôđia. Ngài kịch liệt khuyến cáo nhà vua không được phép cưới vợ của anh mình, Hêrôđê giật mình và phản công bằng cách ra lệnh tống giam Gioan vào ngục. Phần Hêrôđia vẫn chưa hài lòng, vì Gioan luôn là mối cản trở hành động sai trái của bà, nên bà tìm mọi cách để giết được Gioan mới thôi (Phạm Văn Phượng).
3. Một ông vua Hêrôđê ham mê tửu sắc lại muốn giữ thể diện vì đã lỡ thề với cô gái trước mặt bá quan văn võ, một bà Hêrôđia lăng loàn đem lòng oán hận đối với người đã lên tiếng tố giác mối quan hệ bất chính của bà, những người này ngoan ngoãn vâng theo sự thúc đẩy đen tối của Satan mà dấn bước không chút đắn đo vào hành vi tội lỗi. Còn Gioan thực thi sứ mệnh Thiên Chúa trao ban, dọn đường cho Đấng Messia, dám một mình bênh vực lẽ phải, không khuất phục trước bạo quyền, ông mạnh mẽ lên án nhà vua: ngài không được phép lấy vợ của anh mình. Gioan đã sống và chết cho sứ mệnh. Ông làm tròn bổn phận Thiên Chúa giao phó (5 phút Lời Chúa).
4. Phải biết nghe tiếng nói của lương tâm, vì lương tâm là tiếng nói của Thiên Chúa. Bao lâu lương tâm chưa được thanh thản, con người sẽ chưa có bình an thực sự.
Có lẽ nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (ở tỉnh Bắc Giang) bị kết án oan ở tù 10 năm (từ tháng 8/2003 đến tháng 11/2013). Vụ án đi vào ngõ cụt khi công an bức cung dùng nhục hình ép buộc ông Chấn nhận tội giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp của. Thế rồi sau 10 năm, anh Lý Nguyên Chung đã ra đầu thú chính anh mới là thủ phạm giết người. Lý Nguyên Chung sau khi trốn vào Gia Lai, đã thay tên đổi họ và không còn ai biết gì về anh nữa, nhưng rồi bỗng dưng anh lại về đầu thú, chỉ vì lý do 10 năm trời anh không khi nào ăn ngon ngủ yên vì tội lỗi của mình ám ảnh. Thật đúng như dân gian có câu:
Hổ giết người hổ lăn ra ngủ
Người giết người thức đủ năm canh.
Cũng thế, vua Hêrôđê vì một chút sĩ diện và ham mê nhục dục đã ra tay giết hại thánh Gioan Tẩy Giả. Bây giờ khi nghe dân chúng đồn đoán Gioan đã sống lại nơi Đức Giêsu thì ông đã phân vân lo lắng vì hành động của mình.
5. Giáo hội tiếp tục sứ mệnh của các tiên tri, Giáo hội phải trở thành tiếng nói của Chúa Kitô. Như Gioan Tẩy giả đã dùng cái chết của mình để dọn đường cho Chúa, người Kitô hữu cũng có sứ mệnh làm chứng cho Chúa Kitô. Trong những dòng cuối cùng của thông điệp Hòa Bình dưới thế, Đức Gioan XXIII đã nói: “Mỗi Kitô hữu trong thế giới phải là một mảnh sao băng chiếu sáng, là một tụ điểm của tình yêu, là một thứ men sống động giữa anh em mình, và người Kitô hữu càng đóng trọn vai trò ấy khi càng sống kết hợp với Chúa”.
6. Truyện: Gương can đảm tuyệt vời.
Năm 1028, khi thấy mình gần đất xa trời, vua Constantin IX ở Rôma đã cho mời nhà quí tộc Romanus đến. Vua muốn cùng một lúc vừa truyền ngôi, vừa gả công chúa Theodora cho ông.
Nhưng Romanus tâu vua, mình hết lòng cảm ơn lòng thương của vua, song ông đã có vợ.
Không đếm xỉa gì đến lời tâu, vua truyền cho ông, nếu không lấy con vua thì sẽ bị khoét hai con mắt, muốn chọn đằng nào thì chọn. Rồi nhà vua cho ông một ngày để suy nghĩ.
Sau một ngày, ông Romanus vào chầu. Hoàng đế cho gọi công chúa đến, một công chúa tài sắc vẹn toàn. Nhưng Romanus can đảm tâu vua:
- Dây hôn phối ràng buộc hạ thần với vợ do Thiên Chúa ràng buộc. Thế gian không ai có quyền tháo cởi.
Vua ra sức ép nhưng vô ích.
Ông Romanus cam lòng chịu khoét mắt hơn là lỗi lề luật Thiên Chúa.
Đó là một con người đã hướng sự can đảm của mình vào những mục tiêu thật chính đáng.
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 1,278)
Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,243)
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,269)
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,755)
Thứ Tư tuần 33 thường niên.
Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,776)
Thứ Ba tuần 33 thường niên.
Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,866)
Thứ Hai tuần 33 thường niên.
+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,041)
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,552)
Thứ Bảy tuần 32 thường niên.
Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,942)
Thứ Sáu tuần 32 thường niên.
Thứ Năm 14/11/2024 – Thứ Năm tuần 32 thường niên. – Sống giây phút hiện tại. (13/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,696)
Thứ Năm tuần 32 thường niên.
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Đạo còn sống khi ta còn sống đạo
Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng...
-
Gia vị cho bài giảng CN 33 & Các Thánh Tử đạo VN - 2024
Đôi khi những người muốn dẫn dắt Người khác đến với Chúa Kitô cũng trở thành chướng ngại vật lớn nhất cho ơn cứu rỗi của họ.
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất