Lời chúa mỗi ngày

Thứ Bảy 21/09/2024 – Thứ Bảy tuần 24 thường niên – THÁNH MÁT-THÊU TÔNG ĐỒ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính. – Đứng dậy, đi theo Chúa.

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,643
  • Ngày đăng: 20/09/2024 10:00:00

Đứng dậy, đi theo Chúa.

21/09 – Thứ Bảy tuần 24 thường niên – THÁNH MÁTTHÊU TÔNG ĐỒ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính.

"Hãy theo Ta". - Và ông ấy đứng dậy đi theo Người.

 

* Thánh nhân là một nhân vật quen thuộc trong số các Tông Đồ. Câu chuyện người thu thuế ở Ca-phác-na-um là một trong những đoạn văn quen thuộc nhất trong phần nói về sứ vụ của Đức Giêsu ở Galilê. Người đã biên soạn sách Tin Mừng bằng tiếng Híp-ri.

Sách Tin Mừng hiện nay mang tên thánh nhân cho thấy sự liên tục giữa Cựu và Tân Ước. Tương truyền người đã đi giảng ở Đông Phương.

 

Lời Chúa: Mt 9, 9-13

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông ấy đứng dậy đi theo Người.

Và xảy ra khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?"

Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: "Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải hy lễ. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

MỤC LỤC

1.         Đứng dậy đi theo--Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

2.         Chúa Giêsu tìm kiếm và kêu gọi--TGM Giuse Nguyễn Năng

3.         Thánh Mátthêu tông đồ--Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

4.         Đức Kitô, vị thầy thuốc đến cứu chữa--Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

5.         Chúa Giêsu kêu gọi chính Mátthêu--Lm Carôlô Hồ Bạc Xái

6.         Mátthêu người thu thuế--Lm Giuse Đinh Tất Quý

7.         Vị Thánh Là Ai?--‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’

8.         Để làm tông đồ của Đức Kitô--Lm Giuse Đinh Quang Thịnh

9.         Kêu gọi người tội lỗi

10.      Hãy theo Ta: Thánh Matthêu Tông Đồ--J.M

11.      Thánh Matthêu tông đồ, thánh sử--Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

12.      Thánh Matthêu tông đồ, thánh sử--Lm. Phaolô Phạm Quốc Tuý

13.      Thánh Matthêu tông đồ--ditimchanly.org

14.      Thánh Matthêu tông đồ--Enzo Lodi

15.      Người môn đệ Đức Ki-tô--Lm. Gio-an Trần Văn Viện

16.      Thánh sử Matthêu--Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long

17.      Thánh Matthêu Tông Đồ--tinmung.net

18.      Thánh Matthêu Tông Đồ--tinmung.net

19.      Thánh Matthêu Tông Đồ--Nhóm Châu Kiên Long

20.      Thánh Matthêu Tông Đồ--Phó Tế JB Huỳnh Mai Trác

21.      Thánh Matthêu Tông Đồ--“Theo Vết Chân Người”

22.      Mátthêu--dongten.net

23.      Chân dung Thánh Mát-thêu Tông Đồ--Phêrô Phạm Văn Trung

24.      Thánh Mátthêo Tông đồ, tác giả Tin Mừng--Lm Giacôbê Tạ Chúc

25.      Thánh Mátthêu tông đồ--Lm. Anthony Trung Thành

26.      Thánh Mátthêô Tông đồ--Giuse Trần Văn Lịch SDB

27.      Không Vô Tích Sự--Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

28.      Tông Đồ Matthêu--ĐGH Benedict XVI

29.      Với tới tầm cao của ân sủng--Lm. Minh Anh

30.      Ơn Gọi của Thánh Matthêu--Nhóm suy niệm BC

31.      Nhìn người lầm lỡ bằng ánh mắt của Chúa--Lm. Hiền Lâm

32.      Hãy theo Ta--Lm. Võ Thành Nhân

 

 

1.Đứng dậy đi theo--Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ

Suy niệm:

Thầy Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên khi họ đang làm việc.

Người thì đang quăng lưới ngoài khơi,

kẻ thì đang vá lưới trong thuyền (Mt 4, 18-22).

Khi Thầy gọi Matthêô, anh cũng đang làm việc ở trạm thu thuế.

Anh đang ngồi, vững vàng trong nghề nghiệp của mình,

dù nghề của anh thường bị coi là nghề rất xấu.

Thầy Giêsu như tình cờ đi ngang qua bàn làm việc của anh.

Ngài chỉ nói một câu rất ngắn: “Anh hãy theo tôi!”

Matthêô không đáp lại, nhưng anh trả lời bằng hành động.

Từ vị thế đang ngồi, anh bỏ dở công việc để đứng lên và theo Thầy.

Từ vị thế vững vàng, anh bắt đầu bước vào cuộc phiêu lưu bấp bênh.

Từ vị thế của tội nhân, anh trở thành người môn đệ thân thiết.

Matthêô nằm trong danh sách nhóm Mười Hai (Mt 10, 3).

Thầy Giêsu không sợ mất tiếng khi nhận anh vào nhóm.

Nhóm của Thầy không chỉ gồm những người thánh thiện,

nhưng có cả những tội nhân giàu lòng hoán cải.

Matthêô có đóng góp gì cho nhóm Mười Hai không?

Nghề thu thuế với giấy bút có giúp gì cho các ngư phủ ít học không?

Hôm nay chúng ta mừng lễ Tông đồ Matthêô,

người thu thuế trở nên Tác giả sách Tin Mừng.

Matthêô làm nghề bị đồng bào của ông khinh miệt,

vì nghề này dễ dẫn người ta đến chỗ lạm thu, bỏ tiền vào túi riêng.

Nghề này còn là một sỉ nhục vì cộng tác với ngoại bang bóc lột dân,

đụng chạm đến đồng tiền ô uế và tiếp xúc với dân ngoại.

Khi trở nên môn đệ của Thầy, Matthêô đã trở nên người phục vụ đồng bào.

Ông dùng khả năng của mình mà viết sách Tin Mừng.

Đây là Tin Mừng lớn mà ông loan báo: Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia.

Không phải chờ gì nữa, Đấng Mêsia đã đến rồi!

Ngài làm trọn những lời đã được loan báo trong Cựu Ước.

Matthêô đã tìm ra ngôn ngữ để nói với Dân Chúa, sao cho họ hiểu được.

Ông đã trình bày dung mạo Đức Giêsu cho người cùng thời với ông.

Chúng ta cũng phải có khả năng giới thiệu Đức Giêsu cho người thời nay,

nghĩa là biết, hiểu và nói được ngôn ngữ của thế giới,

để thế giới nghe và hiểu được.

Chúng ta vẫn phải tiếp tục viết các sách Tin Mừng cho thời đại hôm nay,

phù hợp với não trạng và tâm thức của họ, với nền văn hóa đương đại.

Đâu là khuôn mặt Đấng Cứu độ mà con người hôm nay ngóng chờ?

Con người thời nay khỏe mạnh về nhiều mặt,

nhưng vẫn là người đau ốm cần đến thầy thuốc (c. 12).

Họ mong mình được giải phóng khỏi điều gì?

Đức Giêsu Kitô có thể đáp ứng được những khao khát đó không?

Lời rao giảng và cuộc sống của chúng ta phải cho thấy

Đức Giêsu có thể chữa lành và đem lại một thế giới hạnh phúc.

Ước gì chúng ta có lòng nhân và sự bao dung như Đức Giêsu,

dám đồng bàn với con người hôm nay để dẫn họ đến bàn tiệc thiên quốc.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin sai chúng con lên đường

nhẹ nhàng và thanh thoát,

không chút cậy dựa vào khả năng bản thân

hay vào những phương tiện trần thế.

Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm:

rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,

chữa lành những người ốm đau.

Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng

với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,

biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.

Xin ban cho chúng con khả năng

đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.

Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ

của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu,

thế giới thật bao la

mà vòng tay chúng con quá nhỏ.

Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau

mà tin tưởng lên đường,

nhẹ nhàng và thanh thoát. Amen.

 

2.Chúa Giêsu tìm kiếm và kêu gọi--TGM Giuse Nguyễn Năng

Sứ điệp: Chúa Giêsu đang trên đường tìm kiếm và kêu gọi từng người sống đời thánh thiện đạo đức. Ta hãy có thái độ sẵn sàng và mau mắn đáp lại lời kêu mời ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, ơn gọi của thánh Mát-Thêu là một ơn gọi riêng tư. Giữa cảnh chợ đời, giữa bao huyên náo của xã hội, Chúa đã kêu mời chỉ mình ngài mà thôi. Chúa đã nhìn thấy và quý trọng tâm hồn Thánh Mát-Thêu, cho dù bề ngoài, Ngài chỉ là một kẻ bị xã hội loại trừ. Ơn gọi của thánh Mát-thêu cũng là ơn gọi của con hôm nay. Chúa đang kêu mời con đi theo Chúa, sống với Chúa, thực hiện những điều Chúa truyền dạy.

Lạy Chúa, khi được Chúa kêu mời, thánh Mát-thêu đã lập tức đứng dậy đi theo Chúa. Ngài đã bỏ lại sau lưng một quá khứ không mấy tốt đẹp để khởi đầu một cuộc đời mới với Chúa. Ngài không mặc cảm tội lỗi, nhưng một niềm tin tưởng vào lòng Chúa yêu thương. Xin Chúa giúp con biết can đảm dứt khoát với những thói hư tật xấu của con. Xin giúp con dứt khoát sống tốt hơn bằng cách làm những việc lành, bằng cách siêng năng gặp gỡ Chúa trong những giờ kinh nguyện, và đến với Chúa nơi mọi người anh em.

Và dù cuộc đời quá khứ của con vương mầu đen tối, Chúa cũng sẽ làm cho tâm hồn con trong sáng và mới vẻ hoàn toàn. Con chỉ xin được sẵn sàng và mau mắn đứng dậy bước theo Chúa. Xin Chúa thương ban ơn để con không mặc cảm tội lỗi, nhưng luôn tin tưởng vào lòng Chúa xót thương.

Lạy Chúa, vì yêu thương con, Chúa đã lên đường đến với con. Chúa đang đi tìm và kêu gọi con đi theo Chúa. Xin cho con trung thành bước theo Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Hãy theo Ta”. - Và ông ấy đứng dậy đi theo Người.

 

3.Thánh Mátthêu tông đồ--Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

Các kinh nguyện thánh lễ lấy từ sách lễ Paris năm 1738.

Lời nguyện trong ngày ca tụng lòng “Nhân từ sâu thẳm” của Chúa đã chọn “Mátthêu người thu thuế đã làm thành tông đồ Chúa”. Trong phụng vụ bài đọc, thánh Bêđa khả kính nhận định rằng Chúa nhìn thấy Mátthêu ngồi bàn thu thuế “Không phải bằng con mắt phần xác cho bằng cái nhìn nội tâm của lòng thương xót”. Giải thích ơn gọi dành cho Lêvi, thánh nhân khẳng định ý nghĩa và bản chất lời gọi của Đức Kitô: “Khi yêu cầu ông theo Chúa, Chúa không kêu gọi ông đi theo Người cho bằng sống như Người”.

Lời nguyện trên lễ vật nhấn mạnh đề tài chính theo Phúc âm theo Mátthêu là Giáo hội: “Lạy Chúa xin yêu thương nhìn đến Giáo hội Chúa, vì Giáo hội đã được chính Chúa nuôi dưỡng đức tin bằng lời giảng dạy của các tông đồ”. Từ Giáo hội (Ekklèsia) được sử dụng từ một trăm lần trong Tân ước, đặc biệt là trong các thư thánh Phaolô, nhưng trong các Phúc âm chỉ ba lần, chỉ có trong Phúc âm Mátthêu (16,18; 18,17). Trong 16,18: “Con là Phêrô, trên đá này Thầy sẽ xây Hội thánh Thầy”. Từ Hội thánh ở đây chỉ cộng đồng Chúa sắp thành lập xây dựng trên Phêrô. Trong 18,18: “Nếu kẻ ấy chối không chịu nghe họ, hãy nói với Giáo hội”, ở đây từ Giáo hội chỉ nghị viện của các tín hữu tức là đoàn tông đồ. Giáo hội cũng là cộng đoàn mới do Chúa Giêsu thiết lập, được xây dựng quanh Phêrô và các tông đồ, được mời gọi rao giảng Phúc âm khắp thế giới (24,14; 26,13) và mọi dân tộc (28,19).

Nước trời (thành ngữ xuất hiện có tới năm mươi lần trong Mátthêu) là điều mới lạ do Chúa Giêsu lập nên. Đây là nước Thiên Chúa hiện hữu “Trên trời”, nhưng thực hiện ở trần gian bằng hình ảnh và việc tham dự, và sẽ kết thúc “Trên trời” vào ngày thế mạt. Hiến chương của Nước trời là “Bài giảng trên núi” (5,3-11).

Thánh Mátthêu vui mừng được đón Chúa vào nhà (lời nguyện tạ lễ) không ngần ngại mời nhiều bạn hữu, thu thuế, người tội lỗi cùng đến dự tiệc với Chúa Giêsu và các đồ đệ của Chúa (9,10). Trong thế giới Palestine, bữa ăn là giây phút cao điểm của lễ hội và gặp gỡ. Đức Giêsu khi nhận lời mời đến nhà một người “không sạch” muốn nhấn mạnh lời mời gọi nhân từ của Thiên Chúa đang mở cửa Vương Quốc của Chúa cho người tội lỗi.

Sau hết chúng ta hãy nhớ lời thánh Bêđa khả kính trong một bài giảng về thánh Mátthêu: “Đấng sau này sẽ là Tông đồ và thầy dạy lương dân, lúc cải hối, đã kéo theo mình, cả một đám đông những người tội lỗi trên đường cứu rỗi” (Phụng vụ bài đọc).

 

4.Đức Kitô, vị thầy thuốc đến cứu chữa--Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

Câu chuyện

Nhà điêu khắc Donattello, một hôm từ chối không sử dụng khối đá cẩm thạch cho việc điêu khắc vì nó rạn nứt. Người ta mang khối đá này cho điêu khắc gia nổi tiếng Michel-Ange. Xem xét khối đá, Michel Ange cũng thấy những vết rạn nứt đó. Nhưng ông lại coi đó là một thách thức cho tay nghề của mình. Ông nhận khối đá và ra công đẽo gọt. Nhờ đó mà thế giới mới có được bức tượng vua Đavít, một công trình nghệ thuật sáng giá nhất từ trước tới nay.

Suy niệm

Người thuế vụ trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu bị anh em đồng bào mình khinh miệt do các anh ăn chặn của dân, hơn nữa thuế vụ trong xã hội Do Thái là tay sai cho đế quốc Rôma để bóc lột dân mình. Họ là hình ảnh của những gì là xấu xa nhất, tội lỗi nhất, đáng khinh miệt nhất mà dân chúng coi đồng hạng với các kẻ cắp và các phụ nữ ngoại tình. Hơn nữa, những người Pharisiêu cho rằng: Một người Do Thái ngoan đạo, không được giao du với những người bị coi là tội lỗi. Vì thế chúng ta hiểu thêm tại sao người biệt phái cầu nguyện tách biệt và khinh chê người thu thuế, còn người thuế vụ thì không dám đến gần bàn thờ nơi Thiên Chúa ngự, vì sự bất xứng của mình, anh ta ở dưới cúi đầu, đấm ngực ăn năn (x. Lc 18,9-14).

Đã không nên ở gần, lại càng không bao giờ ăn uống cùng bàn với họ để khỏi bị lây nhiễm hoặc bị ô uế. Hôm nay, Chúa Giêsu lại gọi người thu thuế Matthêu theo Ngài để trở thành môn đệ, một hành động khiến người Do Thái không thể hiểu được. Thật lạ, một người xấu xa, dơ bẩn đó được đặt làm môn đệ, rồi chính Đức Giêsu lại đồng bàn với những kẻ thu thuế như là những người đồng hội, đồng thuyền với kẻ tội lỗi...: “Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế”. Theo phong tục Do Thái, khi cùng ăn uống với ai, đó là dấu hiệu một sự hiệp thông, một sự chia sẻ tư tưởng, tình cảm và là một cử chỉ thân thiết và quan tâm của mình đối với người được. Mời ai ăn cơm, là một vinh dự, tỏ ra muốn hòa bình, thân thiện, tin tưởng và tha thứ (2V 25,27-29). Cùng đồng bàn với người thu thuế, Đức Giêsu đã hòa mình với tội nhân để gắn bó sẻ chia... Ngài đã trở nên như tội nhân để đưa tội nhân vào sự cứu chuộc. Vâng, chính Ngài đã chết treo trên thập giá với thân phận của một tội nhân, đồng hạng với tội nhân để cứu chuộc tội nhân. Sứ mạng của Ngài là để cứu độ tất cả, chữa những người bất hạnh trong đó có cả những tội nhân. Tội nhân biết nhìn nhận tình trạng thiếu thốn, tình trạng tội lỗi, để Đức Kitô, vị thầy thuốc đến cứu chữa (x. Mt 9,12-13) như Ngài tuyên bố: “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Chúng ta nhớ lại sắc màu tái tím cõi lòng của người thu thuế tại đền thờ, đã được Thiên Chúa cứu chữa và ông trở nên người công chính (x. Lc 18,9-14).

Chúng ta với thời gian bao nhiêu vết thương lòng, bao nhiêu khiếm khuyết bất toàn, bao nhiêu những yếu đuối tội lỗi, hãy chỉ cho Đức Kitô, để Ngài, vị thầy thuốc băng bó, chữa lành và làm cho công chính, lúc đó chúng ta cảm nghiệm được tại sao thánh Phaolô chia sẻ: ”Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10). Nếu không có Ngài, vị thầy thuốc đến từ Thiên Chúa, chúng ta sẽ chết trong bệnh tật là tội lỗi, trong vết thương yếu đuối và khiếm khuyết của chính chúng ta như người Pharisiêu tự phụ tự cho mình là công chính không cần ân sủng nên vẫn sống trong sự tội lỗi (x. Ga 9,41).

Xin cho con học được nơi Chúa cái nhìn cảm thông, nâng đỡ đối với người anh em... Và xin cho nơi chính con biết nhìn nhận sự thật về mình, xin Đức Kitô đến cứu chữa...

Ý lực sống

“Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà đến để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13).

 

5.Chúa Giêsu kêu gọi chính Mátthêu--Lm Carôlô Hồ Bạc Xái

A. Phân tích (Hạt giống...)

Thánh Matthêu tường thuật về việc Chúa Giêsu kêu gọi chính ông:

- Ông là một người thu thuế tội lỗi.

- Chính Chúa Giêsu là người đi bước trước tới với ông: “Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy… Ngài phán bảo ông…”

- Bởi thế ông rất mừng và nhanh chóng đáp lời: “Ông đứng dậy và đi theo”.

- Ông mừng đến nỗi ngay sau đó mở tiệc khoản đãi Chúa Giêsu và các bạn thu thuế của mình.

- Qua kinh nghiệm này, Matthêu hiểu Chúa Giêsu là thầy thuộc của những kẻ tội lỗi bệnh tật linh hồn: “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính nhưng để kêu gọi người tội lỗi”.

B. (...nẩy mầm)

1. Bản thân tôi cũng là một người tội lỗi đã được Chúa thương kêu gọi đi theo Ngài. Lẽ ra tôi phải luôn nhớ mãi hồng ân ấy và cũng quảng đại với những người tội lỗi như tôi. Thế nhưng hình như khi tôi được Chúa gọi rồi thì tôi liền quên ngay chuyện đó. Tôi tự coi mình là công chính và lên mặt khó chịu với những kẻ tội lỗi. Tôi không muốn Chúa kêu gọi thêm người tội lỗi nào nữa cả.

2. Trước lúc Chúa gọi, Matthêu “ngồi” (tư thế không muốn thay đổi) tại “bàn thu thuế” (môi trường sống tội lỗi). Nhưng ngay khi được Chúa gọi, ông đã nhanh chóng “đứng dậy” và “đi theo”. Thái độ này biểu lộ một sự dứt khoát thay đổi, một hành trình mới.

3. Chúa Giêsu là Thầy thuốc chữa trị những nỗi đau của con người. Ngài đến là nhằm kêu gọi những kẻ tội lỗi. Ngài bảo “Ta muốn lòng nhân”. Bây giờ tôi là đại diện của Chúa. Tôi phải sống và cư xử thế nào để người ta hiểu Chúa của tôi là như thế? Tôi thấy có cần sửa đổi hay điều chỉnh gì không trong cách sống và cư xử của tôi?

4. Đồ phế thải và người phế thải: Abbé Pierre chuyên giúp những người nghèo và vô gia cư để họ tự lực cánh sinh từ những vật dụng phế thải. Cha kể lại câu chuyện sau đây: Có một cựu tù nhân sống lang thang không nhà không cửa nên thất vọng dùng dao cắt mạch máu của mình. Có người gọi điện thoại cho cha. Cha lập tức đến nơi. Cha không một lời an ủi nhưng nói với ông như ra lệnh: “Anh đừng tự vẫn. Còn quá nhiều người kém may mắn đang cần đến sự giúp đỡ của tôi. Tôi cũng đang bệnh và cần sự giúp đỡ của anh”. Nghe những lời đó, đôi mắt lờ đờ của người đàn ông sáng lên, và từ đó ông trở thành một trong những cộng sự viên đắc lực nhất của cha. (Chờ đợi Chúa)

5. ”Đức Giêsu bảo Mát-thêu: “Anh hãy theo tôi”. Ông đứng dậy đi theo Ngài” (Mt 9,9)

Hai người bạn ngồi nói chuyện. Một người nói:

- Tôi không thể kể hết cho anh những gì mà Chúa đã làm cho tôi, những điều Ngài nói với tôi… Anh đi theo Ngài nhé.

Anh kia đáp:

- Anh ơi, theo Ngài thì anh tính toán. Vậy anh có tính toán việc anh không đi theo Ngài không?

Tôi cũng vậy. đã bao lần Chúa mời gọi “Hãy theo Ta”, vậy mà tôi vẫn cứ chần chừ: “để con tính lại đã”.

Thánh Mát-thêu đã không ngần ngại, không chút do dự bước đi theo Chúa khi được gọi “Hãy theo Ta”

Lạy Chúa, xin cho con sức mạnh và lòng can đảm, để con thắng được vật cất, thắng được chính thân xác của con, để con bước đi theo Ngài luôn mãi. (Hosanna)

6. Mầm khác:

CẢM THÔNG VÀ THA THỨ

Trong các giai thoại về những Thiên sử nổi tiếng ở Nhật Bản, người ta có kể câu chuyện như sau:

Một buổi tối nọ, Thiền sư Shecchery đang ngồi thiền thì có một tên cướp xông vào nhà, hắn dí gương vào cổ nhà tu hành và doạ sẽ giết nếu không trao hết tiền bạc cho hắn. Vị Thiên sư không để lộ một chút sợ hãi nào, ông chỉ vào cái hộp rồi nói với tên cướp:

- Tiền đựng trong cái hộp kia, ngươi hãy để cho Ta yên,

Nói xong ông tiếp tục tụng niệm.

Sau một lúc, ông nhìn lại và nói với tên cướp:

- Đừng lấy hết tiền của Ta, để lại cho ta một ít vì ngày mai ta còn phải đóng thuế.

Nhưng tên cướp đã không màng gì đến lời yêu cầu của vị thiền sư, lấy hết tiền trong cái hộp và nhét đầy túi, hắn vừa ra đến cửa nhà sư nói vọng ra:

- Ngươi không biết nói một tiếng cám ơn khi nhận được một món quà sao?

Không quá tiếc lời với khổ chủ tên cướp đành nói tiếng cám ơn và bỏ đi.

Vài ngày sau, vị thiền sư được tin là kẻ gian ác bị sa lưới pháp luật. Hắn nêu đích danh vị tiền sư là người đã bị hắn uy hiếp. Thiền sư Secchery được mời ra toà để làm chứng. Trước mặt mọi người ông đã tuyên bố như sau:

- Đối với riêng cá nhân tôi thì người này không phải là một tên cướp. Tôi đã cho anh ta tiền và anh ta đã mở niệng cám ơn tôi.

Vì có quá nhiều tiền án cho nên tên cướp đã bị tống giam. Sau khi mãn hạn tù, anh đã tìm đến với thiền sư và xin làm đệ tử của ông.

Quý vị các bạn thân mến

Câu chuyện của Thiền sư Secchery trên đây gợi lên cho chúng ta lòng cảm thông và tha thứ của Thiên Chúa được thể hiện qua không biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ của Ngài với các tội nhân cũng như những bài dụ ngôn của Ngài. Tha thứ thiết yếu có nghĩa là tạo ra một cơ may cho người khác. Với người thu thuế tên là Lêvi, Chúa Giêsu đã kết nạp vào hàng ngũ các môn đệ của Ngài. Với Gia kêu, thủ lãnh của những người thu thuế, Ngài đã đến tận nhà viếng thăm. Với người đàn bà phạm tội ngoại tình, Ngài đã nói với tất cả trìu mến: Chị hãy về, và đừng phạm tội nữa. Với Phêrô, người môn đệ thân tín phản bội, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn với tất cả cảm thông và thương mến.

* Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một quả tim rộng lớn, một tấm lòng quảng đại, để chúng con luôn biết noi gương Chúa, luôn biết tha thứ và cảm thông với những người chung quang chúng con Amen.

KHÔNG AI LÀ VÔ DỤNG

Truyện cổ Trung Hoa ghi lại về danh họa Aliêu như sau:

Aliêu xuất thân là một tiểu đồng được một người tên là Chu Nguyên Tố đem về nuôi. Cậu tiểu đồng này vốn rất ngây ngô, không làm được việc gì cả, vậy mà ông Chu Nguyên Tố vẫn nuôi cậu suốt đời. Lúc ông bảo nó quét nhà, nó cầm chổi quanh quẩn suốt buổi mà không sạch nổi một cái buồng con, ông giận mắng nó thì nó quăng chổi lẩm bẩm: Ong quét giỏi thì phiền đến tôi làm gì.

Khi đi vắng, Chu Nguyên Tố sai nó giữ nhà và đón khách, nhưng dù cho khách có quen thuộc tới đâu nó cũng không nhớ được tên người đó là ai. Có hỏi thì nó nói: “Người ấy lùn mà béo, người ấy gầy mà lắm râu, người ấy xinh đẹp, người ấy tuổi cao. Đến lúc nó liệu chừng không nhớ xuể thì nó đóng cửa lại không cho ai vào nữa. Trong nhà có chứa ít đồ cổ như chén, lọ, đỉnh, khách đến chơi nó bày ra cho xem, lúc khách về nó lẻn đến gõ các thứ ấy mà nói: Những thứ này bằng đồng mà sao nó đen xì như thế, rồi nó đi lấy cát, lấy nước để đánh bóng. Nhà có cái ghế gãy chân, ông Chu Nguyên Tố sai nó chặt cây có chạc để sửa lại, nó cầm búa cưa đi khắp vườn, sau một ngày lặn lội tìm kiếm trở về, nó chìa hai ngón tay làm hiệu rồi nói: Cành cây có chạc đều chỉa lên cả, không có cành nào chúc xuống đất. Cả nhà đều cười. Trước nhà có vài cây liễu, chủ nhà sợ trẻ con láng giềng đến nghịch phá, sai nó trông nom dùm, đến lúc vào ăn cơm, nó nhổ cả cây đem cất vào một chỗ. Công việc nó làm nhiều chuyện đáng buồn cười như thế.

Ông Chu Nguyên Tố là người có tài hội họa, một hôm ông hòa phấn với mực để vẽ, thấy Aliêu ông hỏi đùa:

- Mày có vẽ được không?

- Aliêu đáp: “Khó gì mà không được”.

 Ông bảo nó vẽ, thế là Aliêu cầm cọ vẽ, nét đậm, nét nhạt, nét xa nét gần, như người xưa nay vốn đã biết vẽ, ông thử luôn mấy lần, lần nào Aliêu cũng vẽ được như ý. Từ bấy giờ ông dùng đến Aliêu luôn không lúc nào rời. Về sau Aliêu nổi tiếng là một danh họa.

Quý vị và các bạn thân mến,

Câu chuyện trên đây dường như cố nêu lên những cái ngây ngô đờ đẫn, để rồi cuối cùng đưa ra một nhận xét bất ngờ: Ở đời không có ai là vô giá trị và là đồ bỏ cả. Cho đến ngày nay xã hội loài người, vẫn còn bị chi phối bởi luật cạnh tranh và đào thải, người tài ba được trọng dụng, kẻ bị xem là vô ích lợi bị loại bỏ, hay bị đẩy ra bên lề xã hội. Nói chung, xã hội vẫn còn đánh giá con người dựa trên sự thành đạt, hơn là giá trị của con người. Trong cách thẩm định ấy, thì con người dễ bị giản lược vào một thứ vốn để khai thác, một phương tiện đê sử dụng. Bao lâu còn hữu dụng thì còn giá trị, bấy lâu mất sức lao động thì trở thành vô dụng, bị vứt bỏ, chẳng khác nào trái chanh đã bị vắt hết nước và vất đi.

Mạc khải Kitô giáo mang lại cho chúng ta một cái nhìn hoàn toàn khác hẳn. Trong cái nhìn của Thiên Chúa, tất cả mọi người đều có một phẩm giá cao trọng. Cái phẩm giá ấy lại tuyệt đối, bất khả di nhượng và bất khả xâm phạm, nghĩa là không một quyền lực nào trên trần gian này có thể tước đoạt, hay sử dụng như một cái vốn hoặc như một phương tiện. Cái phẩm giá ấy cũng độc nhất vô nhị trên mặt đất này.

Mỗi một con người sinh ra trên đời này, dù đần độn bệnh hoạn và thấp hèn đến đâu cũng đều là một nhân vị không ai có thể thay thế được, và dĩ nhiên trong cái nhìn của Thiên Chúa, vì không là một phương tiện hay một cái vốn, cho nên mỗi một nhân vị đều có một chỗ đứng ưu biệt độc nhất trong chương trình của Ngài. Qua cách cư xử của Ngài, Chúa Giêsu đã muốn cho chúng ta nhìn thấy cái phẩm giá cao cả ấy của mỗi một con người, bé nhỏ như các em bé cũng được Ngài đón tiếp với tất cả trân trọng. Bị khinh khi miệt thị như các cô gái điếm cũng được Ngài tiếp cận bằng tất cả tôn trọng và cảm thông. Bị xem là hạng người đốn hèn trong xã hội như những người thu thuế cũng được Ngài kết thân bằng tất cả thân tình. Chúa Giêsu không nhìn con người qua hào quang của những thành tựu, ngay cả những thành tựu về đạo đức, mà xuyên qua những giá trị tự thân mỗi người.

Đó là cái nhìn mà hằng ngày trong giao tế với tha nhân, Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta mặc lấy, nhân cách của chúng ta lớn lên, hẳn không do những thành đạt của chúng ta cho bằng chính cái nhìn ấy đối với tha nhân.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết luôn mặc lấy tâm tình của Chúa, để trong mọi gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày, chúng con luôn biết nhận ra hình ảnh của Chúa trong mỗi người. Amen.

 

6.Mátthêu người thu thuế--Lm Giuse Đinh Tất Quý

Đọc trong Tin Mừng tôi thấy có hai câu truyện kể lại về người thu thuế mà tôi nhớ tới nhiều nhất. Đó là câu truyện về người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện cùng với người Biệt Phái, và truyện người thu thuế có tên là Levi. Người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện run rẩy như một tội nhân ra trước tòa, cảm thấy xấu hổ, đứng xa xa, đầu cúi xuống chẳng dám ngước lên, ông âm thầm khẩn khoản nài xin: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).

Người thu thuế thứ hai tên là Lêvi. Ông đang ngồi bên bàn thu thuế nơi phố chợ. Trong lúc ông đang làm việc thì Đức Giêsu đi ngang qua. Ngài đến bên cạnh ông. Ông nhìn Ngài. Ngài nhìn lại và gọi ông và ông đứng dậy bước đi theo Ngài (Lc.5,28). Đây chính là người đã ghi chép lại cuộc sống và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu qua cái tên mới là Mát-thêu do chính thầy mình đặt cho. Người thu thuế này đã được Giáo Hội mừng kính vào ngày 21 tháng 9 mỗi năm.

Chúng ta hãy lần theo dấu vết của ông trong Kinh Thánh để biết thêm về ông, biết thêm về những năm tháng ông đi theo làm môn đệ của Chúa. 

Mát-thêu sinh quán tại Capharnaum, là con của ông An-phê (Mc 2,14). Khi ông khôn lớn, ông đã bỏ tiền mua quyền được thu thuế. Một ngày kia, ngày “Hồng phúc” đã đến trong cuộc đời ông, đã chuyển hướng cuộc đời ông sang một ngã rẽ khác. Ngày đó Đức Giêsu trên đường đi từ một thành phố cảng nằm giáp miền đất Pê-ri-a, Ngài đi ngang qua chỗ ông đang làm việc, Ngài đến gần bàn làm việc của ông, Ngài nói với ông: “Hãy theo ta”. Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Ngài (Lc 5,28). Có lẽ chỉ một mình Đức Giêsu biết tại sao Ngài lại tuyển chọn Mát-thêu trong số đám đông có mặt tại đó, và cũng chỉ một mình Mát-thêu mới có thể cho chúng ta biết là ông đã nhận thấy điểm gì sáng ngời nơi Đức Giêsu đến nỗi ông đã lập tức rời bàn thu thuế để đi theo Chúa ngay.

Khi đứng dậy bước theo Chúa, lòng ông tràn ngập niềm vui. Để ghi nhớ và tạ ơn vì ngày ông được đổi đời, ông đã tổ chức một bữa tiệc tại nhà riêng và mời Đức Giêsu cùng bạn hữu đến tham dự (Lc 5,29), để cho mọi người được biết về ơn gọi, về niềm vui mới và nhất là về Thầy Giêsu, người Thầy mới mà ông đã bỏ công việc thu thuế béo bở, bỏ cuộc sống êm ấm giàu sang để đi theo Ngài (Mt 9,10-13).

Quả thật! Ơn gọi thật nhiệm mầu… Ơn gọi là tình yêu… Có lẽ Đức Giêsu gọi và chọn một người không phải vì người đó thánh thiện xứng đáng, nhưng Ngài gọi và chọn vì Ngài muốn bày tỏ tình yêu thương của Ngài đối với người đó.

Hồi còn sống Mẹ Têrêsa đã nhận được rất nhiều bức thư do các bạn trẻ gửi đến cho mẹ trong đó có một bức tâm thư của một thiếu nữ, nhà rất giàu có. Xin được trích một đoạn:

“Thưa Mẹ, đã nhiều lần con nghe thấy tiếng Chúa kêu gọi con tận hiến trót đời sống con cho Ngài qua đời sống tu trì. Con đã cầu nguyện nhiều, đã suy nghĩ kỹ và đã bàn hỏi với nhiều vị linh hướng xem Chúa muốn con vào dòng nào. Con thấy tại nhiều Tu Hội trong đời tu, họ không thiếu thốn gì những thứ mà con đã có và đang có trong gia đình và trong nếp sống trưởng giả của con. Con thầm nhủ: nếu con gia nhập những hội tu đó, thì con cũng chỉ tiếp tục nếp sống gia đình của con thôi, con đâu có phải từ bỏ gì nữa... Con muốn chọn tu hội của Mẹ để được dịp từ bỏ mọi sự giàu sang trần gian và ôm ấp một đời sống thật nghèo khó và hy sinh...”

* Mát-thêu đã cùng với Nhóm Mười Hai sống bên Đức Giêsu trong 3 năm khi Ngài đi rao giảng. Ông đã cùng ăn uống cùng nghỉ ngơi bên Chúa. Trong ba năm đó, ông đã được Ngài dạy dỗ biến đổi thành một người mới, ông được chứng kiến sự chết và sự phục sinh của Thầy chí thánh. Ngày lễ Ngũ Tuần, ông cùng với các bạn hữu trong nhóm được lãnh nhận sức mạnh từ Thánh Thần Thiên Chúa. Một lần nữa ông đứng dậy, một mình lên đường rao giảng và làm chứng về Đức Giêsu Kitô.

Truyền thống tin rằng Mát-thêu đã viết Phúc Âm thứ nhất, nguyên bản bằng tiếng Aramaic, nhưng sau đó đã được dịch sang tiếng Hy lạp. Chắc hẳn khi Mát-thêu ngồi viết, ông đã bồi hồi nhớ lại buổi đầu tiên gặp gỡ Đức Giêsu, nhớ lại những kỷ niệm sống bên cạnh thầy mình, những cử chỉ thân thương, những chân lý trong lời dạy dỗ chí tình của thầy mình…

Phần thưởng cho người môn đệ Đức Giêsu khi đi rao giảng và làm chứng cho thầy mình là được mất đi mạng sống của chính mình… Mát-thêu cũng không đi ra ngòai quy luật đó. Truyền thống đã kể lại rằng Mát-thêu đã chịu tử đạo trên đường đi rao giảng tại xứ Ba Tư.

Lạy Chúa, cuộc sống hằng ngày với biết bao ồn ào và bận rộn, với biết bao lời kêu mời réo gọi vang vọng bên tai con. Làm sao con có thể nghe được tiếng của Chúa? Làm sao con có thể nhận ra lời mời gọi của Ngài đây?

Lạy Chúa! Xin giúp con, xin cho con biết lắng nghe, biết phân biệt và nhận ra lời mời gọi của Ngài. Xin cho con biết noi gương bắt chước thánh Mát-thêu, biết đáp trả lời mời gọi của Chúa, biết đứng dậy và bước đi theo Ngài. Amen.

 

7.Vị Thánh Là Ai?--‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’

Ngày kia một em bé được theo mẹ đi chợ. Từ nhà đến chợ, hai người phải đi qua một thánh đường nguy nga, to lớn. Em bé ngước mắt nhìn thánh đường, chợt em giơ tay chỉ cho mẹ và nói: "Mẹ xem kìa, những cửa kiếng màu bị đóng đầy bụi, xem thật dơ bẩn và không đẹp tí nào".

Bà mẹ không nói không rằng về nhận xét của con, nhưng tiếp tục nắm lấy tay dẫn em tiến vào bên trong nhà thờ. Tại đây, những cửa kiếng bên ngoài xem ra dơ bẩn, xấu xí lại trở nên sáng chói và rực rỡ nhiều màu sắc lộng lẫy.

Em bé ngạc nhiên mở to đôi mắt nhìn những cửa kiếng màu diễn tả nhiều hình ảnh đẹp mắt. Bỗng mắt em dừng lại ở cửa kiếng sau bàn thờ diễn tả hình của bốn thánh sử viết Phúc Âm trong lúc ánh mặt trời đang chiếu rọi qua. Em bé hỏi mẹ đó là những thánh nào và được mẹ giải thích vắn tắt về từng vị thánh.

Vài ngày sau, trong một lớp giáo lý, tình cờ giáo lý viên hỏi các em: "Này, trong các em có ai trả lời được: một vị thánh là ai?" Trước một câu hỏi có vẻ không có ý nghĩa, cả lớp giáo lý thinh lặng, chỉ có em bé được mẹ dẫn vào bên trong nhà thờ để nhìn ngắm các cửa kiếng giơ tay xin trả lời. Em nói: "Vị thánh là một người để cho ánh sáng mặt trời chiếu thấu qua".

Kinh nghiệm và câu trả lời của em bé trên có lẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn phần nào về cuộc đời của thánh Matthêu, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay, trước và sau khi được Ðức Giêsu kêu gọi, như được chính thánh nhân vắn tắt thuật lại như sau: Ði khỏi đấy, Ðức Giêsu thấy một người ngồiở bàn thâu thuế, tên là Matthêu. Chúa bảo ông rằng: "Hãy theo Ta". Ông Matthêu liền đứng dậy và đi theo Chúa.

Một tiếng gọi và một hành động đáp trả được diễn tả vắn gọn trong những dòng trên đây có thể nói được chỉ là bề mặt của trận chiến nội tâm diễn ra từ lâu nơi ông Matthêu. Một trận chiến giằng co để suy tính thiệt hơn, để cân nhắc cái lợi và cái bất lợi, để đắn đo nhưng cái mình phải mất với những cái mình sẽ đạt được, khi ông bỏ mọi sự để theo Chúa:

- Ông phải mất một nghề hái ra bạc nhưng tìm được một số mệnh và sứ mệnh thật sự có giá trị vĩnh viễn.

- Ông phải mất một gia tài to lớn nhưng tìm lại được danh dự.

- Ông phải mất sự bảo đảm xây dựng trên của cải vật chất để đi theo Ðức Giêsu trong một cuộc hành trình dẫn đến sự sống mà trước đó ông chưa bao giờ mơ ước.

Về phần Ðức Giêsu, khi chọn lựa và kêu gọi ông Matthêu, một người hành nghề thâu thuế, bị các người đồng hương thời đó coi như là người phản quốc, nối giáo cho giặc, bóc lột đồng bào để làm lợi cho dân ngoại xâm, cũng như bị lên án là kẻ tội lỗi, biển thủ, gian lận và bị nhóm biệt phái kết án là kẻ tội lỗi, Ðức Giêsu không nhìn những lỗi lầm, những vết nhơ bên ngoài, nhưng Ngài nhìn sâu thẳm tận tâm hồn, nhìn tận bên trong và nhất là Ngài đã lấy ánh sáng của tình yêu thương, lòng nhân hậu, quảng đại và tha thứ của Thiên Chúa để chiếu sáng và chiếu thấu, biến ông Matthêu từ một người thâu thuế thành một tông đồ và một thánh sử viết Phúc Âm.

 

8.Để làm tông đồ của Đức Kitô--Lm Giuse Đinh Quang Thịnh

Đức Giêsu không chỉ muốn chọn 12 người Do Thái làm Tông Đồ để xây dựng Hội Thánh, mà Ngài còn muốn chọn muôn dân cùng chung tay góp sức làm cho ơn cứu độ bao trùm cả thế giới (x Mt 28,10-20).

Để trở thành Tông Đồ của Đức Kitô, hôm nay Hội Thánh mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng và học hỏi ơn gọi làm Tông Đồ của ông Matthêu:

- Ý thức về tội của mình.

- Năng hiệp dâng Thánh Lễ.

- Chọn việc tốt nhất.

I. Ý THỨC VỀ TỘI CỦA MÌNH.

Càng ý thức mình là kẻ tội lỗi mà đi theo Chúa Giêsu thì càng làm vinh danh ngài. Đó là lý do Đức Giêsu nói: "Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà là những kẻ tội lỗi." (Mt 9,13b: Tin Mừng).

Chúa không kêu gọi người công chính là Ngài không kêu gọi người tự mãn vào việc tuân giữ Lề Luật Môsê mà khinh dể người khác (x Lc 18,9), đến nỗi trở nên quyết liệt chống đối Đức Giêsu, và không muốn cho ai theo Ngài (x Ga 7,47-48).

Trước mặt Thiên Chúa không ai được kể là người công chính (x Tv 143/142,2). Đó là lý do thánh Phaolô nhắc lại Lời Kinh Thánh: “Không có ai công chính, một người cũng không. Hết thảy đều lầm lạc hư đốn cả lũ. Hành thiện không còn có ai, một người cũng không” ( Tv 14/13,1-3 =  Rm 3,10-12). Vì lẽ đó mà “Luật lập ra cho loài người vô luân, chứ không phải cho người được công chính trong Chúa Kitô” (1Tm 1,9). Nhưng “ai đã được công chính trong Chúa Kitô, thì phải là người ngao ngán cực phiền trước thói phóng đãng của lũ người phi pháp” (2 Pr 2,7).

 “Vi trùng phi pháp” xâm nhập linh hồn người ta, duy chỉ có “Lương Y Giêsu” mới chữa lành (x Cv 4,12). Bởi thế Giêsu trả lời cho kẻ chê trách Ngài đã dùng bữa với bọn thu thuế và quân tội lỗi: “Có cần đến lương, hẳn không phải là người lành  mạnh mà là kẻ đau ốm. đi mà học lời này là gì: Ta chuộng nhân nghĩa chứ không phải là lễ tế.” (Mt 9,12-13a: Tin Mừng).

Sở dĩ người ta kết án ông Lêvi (Matthêu) làm nghề thu thuế là kẻ có tội vì hai lý do:

1- Người thu thuế dễ lạm dụng quyền do đế quốc Roma cho: Thời ấy Roma không trực tiếp đứng ra thu thuế người Do Thái, mà họ trao cho người địa phương thầu. Người thu thuế chỉ cần nộp đủ số tiền thuế Roma đã quy định, nên họ dễ dựa vào kẽ hở của Luật để tìm cách thu cao hơn mức thuế đã ấn định mà người dân phải nộp. Đó là cách gian lận để làm giàu. Chính ông Giakêu cũng đã thú nhận tội này với Đức Giêsu, qua việc ông xin đền gấp bốn đối với những ai ông đã làm thiệt hại (x Lc 19,8b).

2- Người thu thuế dưới cái nhìn của dân Do Thái còn phạm thêm hai loại tội:

·Phản quốc: Lấy thuế của dân tộc nộp cho ngoại xâm, là củng cố ách thống trị của đế quốc đang đè nặng trên dân tộc ! Đó là hành động “rước voi về giày mồ”.

·Phản đạo: Vì người Do Thái vẫn hằng tin tưởng vào Thiên Chúa mà cầu nguyện rằng: “Người ta cậy vào chiến xa pháo mã, còn dân chúng tôi chỉ trông chờ vào danh Chúa mà thôi” (Tv 20/19,8). Thế mà bọn thu thuế đã lấy thuế của người đồng chủng mà nộp cho ngoại bang, là một cách trông cậy vào thế lực của kẻ ngoại hơn là trông cậy vào Thiên Chúa. Nói cách khác: đặt uy danh Chúa dưới quyền lực của đế quốc Roma !

Nhưng ai biết ăn năn sám hối tội mình, thì đều đáng được Đức Giêsu kêu gọi để nên chứng nhân cho Ngài, một khi họ cảm  nghiệm được “ở đâu tội lỗi nhiều, ở đó ân sủng Chúa ban càng chan chứa” (Rm 5,20).

Trong lịch sử cứu độ, người nào biết khiêm tốn thú nhận tội lỗi mình trước mặt Chúa, thì người ấy lại được Chúa làm việc lớn. Cụ thể như:

* Ông Phêrô được làm Giáo hoàng.

- Trong số 12 môn đệ Đức Giêsu chọn, chỉ ông Phêrô thú nhận với Thầy: “Xin Thầy xa con, vì con là kẻ có tội” (Lc 5,8), nên ông đã được Chúa đặt làm Giáo hoàng tiên khởi (x Mt 16,18), bởi đó trước khi Ngài chính thức trao quyền lãnh đạo Hội Thánh cho ông, Ngài đã khéo léo, tế nhị nhắc đến ba lần ông đã chối Thầy, bằng cách ba lần Ngài hỏi: “Con có yêu Thầy không ?”(x Ga 21,15t).

* Ông Phaolô được làm Tông Đồ muôn dân:

- Chính Phaolô đã thú nhận tội với nhiều người: “Tôi đã bắt bớ đạo Chúa đến chết chóc cũng không trừ, xiềng xích và tống giam đàn ông đàn bà” (Cv 22,4), và ông hạ mình đi học Giáo Lý nơi các môn đệ Đức Giêsu bị mang tiếng là “những kẻ vô học thức” (x Cv 4,13). Ông còn khiêm tốn thú nhận những tội trong lãnh vực luân lý đạo đức với các giáo đoàn:

·Chẳng có gì lành cư ngụ trong tôi, sự lành tôi muốn, tôi không làm, còn sự dữ, tôi không muốn, tôi lại cứ làm (Rm 7,18-19).

·Để mạc khải cao siêu khỏi làm tôi quá tự tôn, thì tôi đã được một cái dằm đâm vào thân xác, một thần sứ Satan, để nó vả mặt tôi. Về điều ấy, đã ba lần, tôi nài xin Chúa cho nó rời khỏi tôi. Nhưng Ngài đã phán bảo tôi: Ơn Ta đủ cho ngươi. Vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành (2Cr 12,7-9). Vì thế Chúa nhốt ông lại như lời ông nói: Tôi là tù nhân trong Chúa” (Ep 4,1: Bài đọc). Chúa đặt ông làm Tông Đồ muôn dân, còn 12 Tông Đồ kia chỉ lo cho dân Israel (x Gl 2,2.7), nên ông khoe với giáo đoàn Corintho: “Thiết tưởng nào tôi thua gì những Tông Đồ thượng đẳng” (2Cr 11,5). Ông được Chúa ban cho thành công hơn các Tông Đồ Đức Giêsu đã chọn trước Phục Sinh.

Vậy trong loài người không ai được mặc cảm mình là kẻ tội lỗi bất xứng, không đáng được Chúa kêu gọi làm Tông Đồ cho Ngài. Bởi vì cả đến tên trộm lành, suốt cuộc đời hắn chỉ làm khổ người ta. Khi bị đóng đinh trên thập giá hắn biết sám hối tội, xin Chúa thương xót, và xin được theo Ngài, hắn đã trở nên mẫu người động viên tất cả những kẻ tội lỗi biết sám hối tội mình mà đến với Chúa Giêsu, để được ơn hơn lòng mong ước (x Lc 23,43; Ep 3,20).

II. NĂNG HIỆP DÂNG THÁNH LỄ.

Hình ảnh bữa tiệc Đức Giêsu ngồi chung với những người tội lỗi tại nhà ông Mátthêu (x Mt 9,10: Tin Mừng), trở thành dấu chỉ bữa tiệc Thánh Thể Chúa mời gọi mọi người tham dự.

Ta biết ai được dự tiệc với Chúa Giêsu là dấu chỉ người đó được ơn giải phóng, được giao hòa với Thiên Chúa, được cứu độ. Chân lý này đã được diễn tả qua hình ảnh ông Gioakim, vua Do Thái thất trận đã bị tù ở bên Babylon. Ngày vua Babylon đăng quang, khi vua đã toàn thắng các nước chư hầu, vua đã phóng thích cho Gioakim khỏi cảnh tù đày, cho mặc áo vua và ngồi nơi ghế cao nhất trong bữa tiệc của vua tổ chức (x 2 V 25,27-29).

Thực vậy, Mạc Khải cho chúng ta biết ơn cứu độ được Chúa ban trọn vẹn cho con người luôn luôn được diễn tả trong bữa tiệc:

- Ông Matthêu dọn tiệc để mời những người tội lỗi đến đồng bàn với Đức Giêsu và các môn đệ (x Mt 9,10: Tin Mừng).

- Những cô trinh nữ khôn ngoan được vào dự tiệc cưới với chàng rể (x Mt 25,1-13).

- Người đầy tớ trung tín làm trọn những nhiệm vụ chủ trao phó, khi chủ về, ông đặt đầy tớ vào bàn tiệc để hầu hạ (x Lc 12,35-37).

- Đức Giêsu diễn tả những người được Ngài cứu độ là những khách được mời đến dự tiệc của vua, ai đến tham dự thì được sống, kẻ khước từ bị tru diệt (x Lc 14,15t).

- Đứa con hoang đường trở về cũng như người con cả muốn được hưởng hạnh phúc bên cha thì phải dự tiệc của cha đã dọn (x Lc 15,11t).

- Ngày cánh chung, khi Chúa cho mọi người từ cõi chết sống lại cả hồn lẫn xác, hạnh phúc nhất là những người công chính: người biết thương giúp đồng loại, nhằm quy tụ họ về với Chúa, trở thành những “kẻ bé nhỏ”, để tất cả được vào dự tiệc hoan lạc trong Nước Thiên Chúa  (x Mt 25,31-46).

III. CHỌN VIỆC TỐT NHẤT.

Một việc được gọi là tốt phải hội đủ ba yếu tố:

- Bản chất việc đó tốt.

- Thuộc bổn phận.

- Hoàn cảnh bắt buộc phải làm trước.

Nhưng việc tốt cũng có ba cấp độ:

1- Việc tốt thôi. Cụ thể như ông Mátthêu, nếu ông tôn trọng mọi người, sống công bằng, thì ông chỉ nên thu thuế đúng mức mà chính quyền đã ấn định, đó mới là một công chức lương thiện, góp phần điều hành tốt sinh hoạt xã hội. Việc này đơn thuần là tốt, vì nó nhằm mục đích phục vụ một số người đồng thời, trong một xã hội nhất định.

2- Việc tốt hơn. Hãy bắt chước ông Mátthêu đã biết dùng tiền của để quy tụ những kẻ tội lỗi đến đồng bàn với Đức Giêsu. Như thế là tốt hơn vì ông đã biết sử dụng thực tại trần thế để xung vào việc tập họp mọi thụ tạo, nhất là người tội lỗi được đồng bàn với Đức Kitô, chung lời tôn vinh Chúa Cha (x 1Cr 3, 22-23). Đó là ta đã đóng góp  vào chương trình cứu độ của Đức Kitô, trong một thời nhất định.

3- Việc tốt nhất. Ông Mátthêu dám tin tưởng vào lời mời gọi của Đức Giêsu: “Hãy theo Ta”, nên ông đã mau mắn bỏ ngay kế sinh nhai thu thuế là nghề béo bở đi theo Đức Giêsu để đi thu góp Lời Chúa, một kho tàng cứu độ vô giá, lưu lại cho muôn thế hệ. Cụ thể ta thấy vai trò ưu thắng của Tin Mừng Mátthêu trong Phụng vụ Hội Thánh hơn 20 thế kỷ nay, dù ông bị mang tiếng là kẻ tội lỗi tày trời, đang mải miết bận rộn việc trần thế, mà Đức Giêsu  không xa tránh ông, trái lại Ngài ân cần đến với ông như một y sĩ tận tình chăm sóc bệnh nhân, và như ông được tình yêu Đức Giêsu thôi thúc (x 2Cr 5,14) phải đi làm việc tốt nhất Ngài trao cho là loan Tin Mừng cứu độ. Căn cứ vào việc tốt nhất này, mà Công Đồng Vat.II trong Hiến Chế Hội Thánh số 35 có lý để nhắc nhở cho mọi Kitô hữu: “Giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao quý là truyền bá Tin Mừng cho thế giới, cả lúc họ bận tâm lo lắng việc trần thế !”

Áp dụng chọn công thức “Tốt Thôi – Tốt Hơn – Tốt Nhất” vào cuộc sống chúng ta hôm nay, ví dụ: Tôi định xây dựng một căn nhà tốn tiền tỷ, thì tốt thôi; nhưng tôi bớt ra 50 triệu đồng để giúp vốn cho người nghèo có công ăn việc làm, thì tốt hơn; và nếu tôi quyết định chỉ dành 900 triệu xây nhà, và dâng cho Hội Thánh 100 triệu để làm phát triển Tin Mừng, thì tốt nhất. Tưởng rằng nhà xây một tỷ, hoặc 900 triệu thì cũng tương đương nhau. Nhưng ở nhà 900 triệu chắc chắn được Chúa chúc phúc hơn; hoặc ta định ăn sáng tô phở 20.000$, thì tốt thôi; nhưng ta lại ăn bánh mì, bớt được 5.000$ để chia sẻ cho người đói, thì tốt hơn; nhưng nếu để 5.000$ đó đóng góp vào việc truyền giáo thì tốt nhất! Đó mới thực là người Tông Đồ giỏi của Chúa.

Như thế việc Tông Đồ không dành riêng cho hàng giáo sĩ, mà Chúa còn muốn mọi Kitô hữu cộng tác khi ý thức thực hành  lời thánh Tông Đồ dạy: “Tôi khuyên nhủ anh em phải sống xứng đáng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho: Phải ăn ở khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại, lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Vì chỉ có một Thân Thể, một Thần Khí, một niềm tin, một Phép Rửa, một Thiên Chúa là Cha của mọi người. Mỗi người đã nhận được ân sủng tùy theo mức độ Đức Kitô ban: người này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng Thân Mình Đức Kitô, đạt tới sự xứng hợp trong Đức Tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,1-7.11-13: Bài đọc).

Sống được như thế, ta mới hiệp cùng Hội Thánh dâng lời cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng, tuyên xưng Ngài là Đức Chúa. Lạy Chúa, bậc Tông Đồ đồng thanh ca ngợi Chúa” (Tung Hô Tin Mừng). Vì nhờ ơn Chúa trợ lực, các chứng nhân của Chúa đã làm cho muôn dân hô lên: “Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu” (Tv 19/18,5a: Đáp ca).

THUỘC LÒNG

Tôi là tù nhân trong Chúa để sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban (Ep 4,1).

 

9.Kêu gọi người tội lỗi

Người làm công lau kiếng mà chỉ nhận lau những tấm kiếng sạch thì quả là một người đãng trí, một cơ quan từ thiện bác ái mà chỉ đi giúp cho những người giàu có thì quả là một trò hề đáng trách; một nhà thương mà chỉ nhận săn sóc cho người mạnh khỏe thì quả thật là một nhà thương không thể nào chấp nhận được.

Bài Phúc Âm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu kêu gọi người thu thuế tội lỗi tên là Lêvi (sau này là tông đồ Mátthêu) theo Chúa nhắc chúng ta nhớ lại sự thật: Chúa Giêsu không còn là Chúa, là Ðấng cứu thế nữa, nếu Ngài chỉ muốn tiếp xúc với những con người tự phụ cho mình là công chính không cần đến Thiên Chúa.

Lời xác nhận của Chúa Giêsu không ngừng vang dội và mang lại hy vọng cho con người. Ai là kẻ công chính hoàn toàn vô tội trước nhan Thiên Chúa đến độ không cần tới ân sủng của Thiên Chúa, không cần đến Thiên Chúa. Thiên Chúa là Ðấng nhân từ hay thương xót, giàu lòng từ ái, chậm bất bình và hết sức khoan dung nhưng chúng ta đừng vì đó mà lạm dụng và ngồi lì trong tật xấu, trong những tội lỗi của mình.

Chúa Giêsu kêu gọi người tội lỗi để chữa lành, để đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ tội lỗi, được sống trong tự do thật của những con cái Thiên Chúa. Chỉ mình Chúa là Ðấng yêu thương vô cùng và quyền năng vô biên mới có thể đối xử đại lượng được như vậy với những tật xấu, những tội lỗi của con người.

Lạy Chúa,

Con cảm tạ Chúa vì đã thương con, đã cho con nhiều dịp canh tân đời sống. Xin cho con khiêm tốn mở rộng tâm hồn đón nhận sự tha thứ của Chúa và cũng đừng có thái độ giả hình hẹp hòi muốn Chúa trừng phạt thẳng tay những tội lỗi của anh chị em chung quanh, không phải vì con sốt sắng muốn bảo vệ Chúa nhưng có thể là vì con ganh tị muốn trả thù anh chị em, không muốn anh chị em được ơn ăn năn trở lại và nhận sự tha thứ của Chúa. Xin cho con có tâm hồn quảng đại như Chúa, biết vui mừng với Chúa vì người anh chị em đã xa lìa Chúa nay ăn năn trở về.

Lạy Chúa,

Xin tình thương đầy sức mạnh tha thứ của Chúa tác động nơi con và nơi mọi anh chị em.

 

10.Hãy theo Ta: Thánh Matthêu Tông Đồ--J.M

Matthêu người thâu thuế. Một nghề mang tiếng xấu, người bị coi là ô uế, không nên lui tới.

Hãy theo Ta.

Đức Giê-su đã cắt đứt quan niệm xấu về một người: “Hãy theo Ta”. Người không quan tâm đến hình ảnh xã hội của ông. “Ông đứng dậy và đi theo Người”. Thế là Matthêu đã bỏ cuộc sống ngày thường và lao vào cuộc phiêu lưu theo Tin Mừng. Mạo hiểm thế nào: Đức Giê-su ăn uống với người tội lỗi. Do cách làm đó, Đức Giê-su làm cho những kẻ sống thủ cựu vấp phạm nhưng Người tuyên bố do đó có ơn tha thứ của Chúa Cha. Đức Giê-su đã làm đảo lộn thế gian, Đức Giê-su đã lật ngược những vị thế truyền thống của chúng ta. Đức Giê-su đổi mới tận gốc.

Hãy theo Ta.

Không bắt ép làm những việc lớn, mà chỉ mời theo ơn gọi khác thường. Rất giản dị, hãy chia cơm bánh với người khác, đem một chút niềm vui của tôi, một nụ cười, giải trí cho bầu không khí nơi làm việc, giúp tập một nghề cách lương thiện.

Đối với mỗi người chúng ta, cần thực hiện tiếng gọi tại địa chỉ của mình, nơi chúng ta ở, trong tình trạng của những người tội lỗi. Ngày nay, từng bước từng bước theo Đức Ki-tô như người ta đồng hành với bạn thân, rất đơn giản.

Hãy theo Ta.

Như một bạn hữu! không nói sẽ đi đến đâu, chỉ đề nghị ta đồng hành, không nói tại sao mời gọi ta hơn là người khác. Vâng! không cần biết vì chúng ta yêu mến Người! không cần biết vì chúng ta tín nhiệm Người, để chúng ta theo Người, để chúng ta đặt trọn đời sống chúng ta vào đời sống của Người, theo ân huệ của Người, vì Người đã thương gọi chúng ta, với niềm tin vững chắc chắn rằng Người yêu thương chúng ta!

Một cách rất thật nào đó, chúng ta dám nói với Đức Ki-tô rằng, xin theo con! chúng ta xin Người đồng hành với chúng ta, làm cho chúng ta tin cậy vào chúng ta như Đức Ki-tô đã làm thế từ mãi mãi cho đến nay rồi.

Tình bạn tươi sáng đòi hỏi tất cả, cho tất cả, dâng tất cả và nhận tất cả. Không phải thế sao? để đồng hành, nhưng cũng để tiến lên phía trước.

 

11.Thánh Matthêu tông đồ, thánh sử--Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Lêvi là tên gọi của thánh Matthêu tông đồ, thánh sử. Tin Mừng thuật lại khi Chúa Giêsu đi ngang qua bàn thuế, Người gọi Lêvi. Lêvi không chần chừ, không do dự, ông đứng dậy khỏi bàn thu thuế mà đi theo Chúa Giêsu. Ơn gọi của Lêvi thật là huyền diệu! Chúa Giêsu không nói nhiều, Người chỉ nói một câu vỏn vẹn, ngắn ngủi: "Hãy theo Ta".

Ðường Chúa chọn khác với cách cất nhắc của người đời thường làm. Chúa chọn ai tùy ý Người. Chúa cất nhắc ai là do ơn huệ nhưng không của Chúa. Không ai có quyền đòi Chúa phải thế này thế kia. Không ai được phép buộc Chúa phải gọi người này, không được gọi và chọn người khác. Ðó là mầu nhiệm đức tin. Con người phải có đôi mắt đức tin, con tim hiến tế mới nhận ra sự lạ lùng, kỳ diệu đó, vì ơn gọi của mỗi người là một mầu nhiệm.

Như mọi tông đồ khác trong nhóm 12 mà Chúa đã kêu mời. Chúa chỉ gọi họ, sau khi Chúa đã kết hiệp thân thân tình lâu giờ với Chúa Cha bằng lời cầu nguyện và sau khi Chúa đã hỏi ý Chúa Cha. Thái độ, cử chỉ, hành động của Chúa trong mọi lần mời gọi tông đồ đều làm nổi bật ý nghĩa quan trọng của mầu nhiệm ơn gọi. Lêvi, người thu thuế, một hạng người được coi làm tay sai cho ngoại bang, làm tay sai cho Ðế Quốc La Mã thời đó, một hạng người mang tiếng ăn bẩn, tội lỗi và không tốt. Chúa lại nghĩ khác vì Chúa thấu suốt tâm can của con người. Biệt phái, Pharisiêu, tư tế, thông luật luôn nghĩ xấu cho người khác. Chúa nói với họ: "Ta đến không để gọi những người công chính mà là gọi những người tội lỗi" (Mt 9, 13) và "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần" (Mt 9, 12).

Chúa đã mời gọi các tông đồ. Chúa đã sai họ đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cứu độ. Các tông đồ của Chúa sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, đã trở thành những chứng nhân hiên ngang làm chứng cho Chúa. Tất cả các tông đồ đã nhất loạt giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người, dù rằng họ phải trả giá rất đắt bằng chính mạng sống của họ cho việc làm chứng Chúa Kitô phục sinh. Thánh Matthêu đã không ra khỏi con đường này. Ngài đã đi truyền giáo ở Êthiopi, Ba Tư, Parthes. Ngài đã nói lên sự thực này: "Chúa Giêsu chính là Ðấng cứu thế mà Cựu Ước hằng mong đợi. Lời chứng của thánh nhân được coi là đầy đủ nhất trong Tin Mừng của Ngài. Ngài đã được phúc tử đạo tại Tarium nước Êthiopi. Chúa đã trao cho Ngài triều thiên công chính.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn bắt chước gương của Thánh Tông đồ: đón tiếp mọi người với tất cả tình thương mến.

Xin cho chúng con biết nhìn nhận tội lỗi của mình mà sớm trở về với Chúa.

Xin cho chúng con đừng bao giờ loại trừ bất cứ một ai.

 

12.Thánh Matthêu tông đồ, thánh sử--Lm. Phaolô Phạm Quốc Tuý

Ít có ai chuộng người thu thuế. Vào thế kỷ thứ I tại Palestine điều này còn rõ hơn nữa, khi mà họ thủ lợi được nhờ dọa dẫm và gian dối. Nhưng dù có lương thiện đi nữa nhân viên thu thuế cũng không được cấp lãnh đạo Do thái chấp nhận vì họ làm việc cho lương dân. Họ là người nhơ uế theo luật pháp và bị loại khỏi xã hội. Khi nhận một người thu thuế vào môn đồ của Người, Chúa Giêsu quả đã khinh thường tiên kiến của dân chúng.

Điều cần ghi nhận là Matthêô không phải đi từ cửa nhà này tới cửa nhà khác để thu thuế. Ông có một văn phòng tại Capharnaum, thành phố quê hương của Phêrô và đại bản doanh của Chúa Giêsu khi thi hành sứ vụ tại Galilê.

Đi ngang qua, Ngài thấy Lêvi con của Alphê ngồi nơi sở thu thuế và Ngài nói: "Hãy theo Ta" và ông đứng dậy đi theo Ngài" ( Mc 2, 14).

Đó là lời mời gọi làm tông đồ, rất giống lời gọi dành cho Simon và Anrê (Mc 1, 16t). Dầu vậy Lêvi không có tên trong danh sách mười hai (Mc 3, 16; Mt 10, 3; Lc 6, 14t; Cv 113). Ơn gọi người thu thuế được ghi lại trong Tin Mừng thứ nhất, trong đó ông được gọi là Matthêô (Mt 9, 9t). Như vậy tông đồ đồng hoá mình với Matthêô có trong danh sách các tông đồ. Lời giải thích tự nhiên được tiếp nhận rộng rãi là Matthêo với Lêvi chỉ là một người với hai tên gọi khác nhau. (Chẳng hạn anh em Macabê, 1Mcb 2, 2-5). Cũng có thể chính Chúa Giêsu đã đặt tên cho Matthêô như đã đặt tên Phêrô cho Simon (Mát-tai theo tiếng Aramêô có nghĩa là ấn bản của Thiên Chúa).

Từ đó Matthêô bỏ sổ sách và học theo hoa đồng và chim trời, những thứ không thể tính toán cho đời sống mình (Mt 6, 25t). Chủ nhân của ông không còn là Antipas, con cáo gian xảo (Lc 13, 32) mà là một Đấng khác hẳn loài cáo, lại chẳng có lấy một căn nhà (Mt 8, 20). Sự thay đổi đã hủy diệt trọn tương lai trần gian của Matthêô. Simon và Andrê còn có thể trở lại với nghề chài lưới, còn Matthêô bị tống khứ khỏi nghề cũ và không thể trở lại được nữa. Trong cộng đoàn tông đồ không phải ông mà là Giuda giữ quĩ của nhóm (Ga 13, 29).

Sau khi được gọi, Matthêô biến dạng khỏi Tân ước và chỉ còn để lại tên trong danh sách các vị tông đồ. Ngài đã ra thế nào? Chúng ta có được một câu văn của Giám mục Papias trong cuốn giải thích Lời Chúa (khoảng năm 125):

"Matthêô viết một tường thuật có thứ tự về lời Chúa, theo năng khiếu của ngài" (Eusebiô lịch sử Giáo hội III, 39). Cuốn Tin Mừng Matthêô viết bằng tiếng Aramêô cho người Do thái trở lại. Khi thời thế đòi hỏi, con người Matthêô bị xã hội loại bỏ ấy đã cầm lấy viết để trước tác cuốn "Tin Mừng theo thánh Matthêô".

Theo bản văn tiếng Hy lạp còn lại, chúng ta thấy tính khí theo toán học với những con số rõ rệt: 7 dụ ngôn về nước trời, 7 lời nguyền rủa bọn biệt phái, 7 lời cầu trong kinh Lạy Cha và có lẽ 7 mối phúc thật. Cả con số 5 nữa: 5 cuộc tranh luận với biệt phái, 5 chiếc bánh, 5 lượng vàng, nhất là 5 phần của cuốn sách. Sau cùng như chúng ta mong đợi có dấu chỉ về sự hiểu biết tinh tường về phương diện tài chánh như đồng bạc nộp thuế thay vì đồng "denarius" trong Mc và Lc hay như thuế đền thờ, với những loại thuế gián thu, thuế phân...

Như vậy Matthêô đã chuyển nghề nghiệp cũ vào một việc phụng sự mới, từ người kế toán thành người viết Tin Mừng. Thật không ngạc nhiên gì khi một mình ngài ghi lại lời này của Chúa:

"Phàm ký lục nào đã được thụ giáo về nước Trời thì cũng giống như gia chủ biết rút từ trong kho của ông ra điều mới và điều cũ" (Mt 13, 52).

Không có khí cụ hèn hạ nào của chúng ta mà lại không được dùng một cách hoàn hảo và xứng đáng vào việc phụng sự Chúa.

Cuốn Tin Mừng thứ nhất là một kỷ vật của thánh Matthêô được Giáo hội ưa chuộng. Nhưng công cuộc tông đồ sau này của Ngài lại bị mai một. Ngài đã rao giảng Tin Mừng cho người Do thái tại Palestina có lẽ trong 15 năm (Eusebiô, Lịch sử Giáo hội III, 24, 265) nhưng sự lầm lẫn giữa tên Ngài với thánh Matthias (Cv 1, 26) làm chúng ta luõng lự giữa những truyền thống khác nhau. Ethiopia, Parthia, Macedonia và cả những xứ của những kẻ ăn thịt người đều được ghi nhận là nơi thánh nhân đã làm việc tông đồ.

Thường người ta cho rằng: Ngài chịu tử đạo, nhưng ý kiến cũng không được đồng nhất. Điều chắc chắn là ngài đã sống đời của một vị tử đạo và thế là đủ.

Đối với chúng ta ngài luôn luôn là một người đã biết được tiền của là gì, lẫn việc không có tiền của là gì.

 

13.Thánh Matthêu tông đồ--ditimchanly.org

1) Lêvi là tên gọi của thánh Matthêu tông đồ, thánh sử. Tin Mừng thuật lại khi Chúa Giêsu đi ngang qua bàn thuế, Người gọi Lêvi. Lêvi không chần chừ, không do dự, ông đứng dậy khỏi bàn thu thuế mà đi theo Chúa Giêsu. Ơn gọi của Lêvi thật là huyền diệu! Chúa Giêsu không nói nhiều, Người chỉ nói một câu vỏn vẹn, ngắn ngủi: “ Hãy theo Ta ".

2) Ðường Chúa chọn khác với cách cất nhắc của người đời thường làm. Chúa chọn ai tùy ý Người. Chúa cất nhắc ai là do ơn huệ nhưng không của Chúa. Không ai có quyền đòi Chúa phải thế này thế kia. Không ai được phép buộc Chúa phải gọi người này, không được gọi và chọn người khác. Con người phải có đôi mắt đức tin, con tim hiến tế mới nhận ra sự lạ lùng, kỳ diệu đó, vì ơn gọi của mỗi người là một mầu nhiệm.

3) Như mọi tông đồ khác trong nhóm 12 mà Chúa đã kêu mời. Chúa chỉ gọi họ, sau khi Chúa đã kết hiệp thân thân tình lâu giờ với Chúa Cha bằng lời cầu nguyện và sau khi Chúa đã hỏi ý Chúa Cha.

4) Lêvi, người thu thuế, một hạng người được coi làm tay sai cho ngoại bang, làm tay sai cho Ðế Quốc La Mã thời đó, một hạng người mang tiếng ăn bẩn, tội lỗi và không tốt. Chúa lại nghĩ khác vì Chúa thấu suốt tâm can của con người. Biệt phái, Pharisiêu, tư tế, thông luật luôn nghĩ xấu cho người khác, nên Chúa nói với họ: “ Ta đến không để gọi những người công chính mà là gọi những người tội lỗi "(Mt 9, 13) và "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần " (Mt 9, 12).

5) Chúa đã mời gọi các tông đồ. Chúa đã sai họ đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cứu độ. Các tông đồ của Chúa sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, đã trở thành những chứng nhân hiên ngang làm chứng cho Chúa. Tất cả các tông đồ đã nhất loạt giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người, dù rằng họ phải trả giá rất đắt bằng chính mạng sống của họ cho việc làm chứng Chúa Kitô phục sinh.

6) Thánh Matthêu đã không ra khỏi con đường này. Ngài đã đi truyền giáo ở Êthiopi, Ba Tư, Parthes. Ngài đã nói lên sự thực này: “ Chúa Giêsu chính là Ðấng cứu thế mà Cựu Ước hằng mong đợi. Lời chứng của thánh nhân được coi là đầy đủ nhất trong Tin Mừng của Ngài. Ngài đã được phúc tử đạo tại Tarium nước Êthiopi. Chúa đã trao cho Ngài triều thiên công chính.

7) Thánh Matthêu sinh quán tại Capharnaum. Khi được Chúa gọi vào nhóm Mười Hai, ngài đang là một người thu thuế. Truyền thống tin rằng ngài đã viết Phúc Âm thứ nhất, nguyên bản tiếng Aramaic, nhưng sau đó đã được dịch sang tiếng Hy lạp. Thánh nhân đã chịu tử đạo tại Ba Tư.

8) Các thánh sử của Phúc Âm Nhất Lãm đều kể lại việc Chúa Giêsu kêu gọi thánh Matthêu xảy ra ngay sau khi Chúa chữa người bất toại tại Capharnaum. Khoảng một ngày sau phép lạ ấy, Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, có đám đông dân chúng đi theo Người. Chúa đến đó từ một thành phố cảng nhỏ nằm giáp miền đất Perea, trên bờ bên kia sông Giođan. Trên đường, Chúa đã đi ngang qua bàn thu thuế của Matthêu.

9) Matthêu khi ấy đang làm việc trong ngành thuế vụ của vua Hêrôđê. Mặc dù không phải là một quan chức chính thức, nhưng ngài đã mua quyền được thu thuế. Chức vụ thu thuế không được người Do Thái kính nể, thậm chí còn bị nhiều người khinh bỉ. Tuy nhiên, đó lại là một chức vụ rất hấp dẫn, vì đem lại của cải giàu sang. Người thu thuế dường như có địa vị cao trong xã hội, vì khi Matthêu khoản đãi Chúa Giêsu trong nhà, có rất đông người thu thuế và những người vị vọng khác đến đồng bàn.

10) Chúa kêu gọi Matthêu làm môn đệ khi Người đi ngang qua bàn thu thuế của ông. Matthêu đã chỗi dậy và đi theo Người. Sự đáp ứng của Matthêu rất mau mắn và quảng đại. Có lẽ ngài đã nhiều lần được gặp Thầy Chí Thánh, và chỉ chờ đợi cơ hội quan trọng này mà thôi. Ngài đã không chần chừ trong việc từ bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu. Chỉ một mình Thiên Chúa biết tại sao Người lại tuyển chọn Matthêu, và cũng chỉ một mình thánh nhân mới có thể cho chúng ta biết ngài đã nhận thấy điểm gì nơi Chúa Giêsu đến nỗi đã lập tức rời bàn thu thuế để đi theo Người.

11) Thánh Matthêu trở thành một chứng nhân đặc biệt cho đời sống và cuộc tử nạn của Chúa Kitô. Ngài được tuyển chọn vào nhóm Mười Hai để theo Chúa đi khắp nơi. Ngài lắng nghe lời Thầy Chí Thánh, dõi theo sứ mạng của Người, và được tham dự bữa Tiệc Ly. Thánh nhân hiện diện khi Chúa lập bí tích Thánh Thể, đích thân được nghe Chúa tuyên bố về giới luật yêu thương, và đồng hành đến vườn Cây Dầu với Người. Cùng các Tông Đồ khác, ngài cũng đau khổ vì đã bỏ rơi Chúa trong hồi Thương Khó. Tuy nhiên, chỉ sau đó ít lâu, ngài đã cảm được niềm vui Chúa Phục Sinh. Trước khi Chúa thăng thiên, thánh Matthêu là một trong những người được nhận lệnh truyền đem Tin Mừng cho khắp trần thế. Cùng với Đức Maria, thánh nhân đã được đón nhận linh ân Chúa Thánh Thần trong ngày hiện xuống.

12) Chúa Giêsu đã đến nhà Matthêu dự tiệc. Có lẽ Chúa vui mừng và nhân dịp ấy muốn thu phục cả những bè bạn của người môn đệ mới của Người. Chúa Giêsu đã đáp lại lời phê bình của những người biệt phái một cách khôn ngoan mà giản dị: “Không phải những người khỏe mạnh cần đến thầy thuốc, nhưng là những người yếu bệnh”. Nhiều thực khách hôm ấy đã cảm thấy được Chúa thân ái đón nhận. Sau đó, chắc chắn họ đã được chịu phép rửa và trở nên những tín hữu trung thành.

13) Trong khi viết Phúc Âm, chắc chắn thánh Matthêu đã bồi hồi nhớ lại nhiều kỷ niệm được sống gần gũi bên Chúa Giêsu, bởi vì cuộc sống bên cạnh Chúa thật là cao quí. Giả như ngài đã ngồi lại tại chiếc bàn thu thuế, có lẽ đời ngài đã khác xa biết bao. Chúng ta biết rằng cuộc đời sẽ trở nên giá trị nếu chúng ta sống hợp nhất với Chúa Kitô và hằng ngày trung thành đáp lại ơn Người. Chúng ta cũng sẽ trở nên những chứng nhân đắc lực cho Chúa nếu chúng ta biết vui mừng và mau mắn đáp lại tiếng Người

14) Chúa dùng những đồng nghiệp, những liên hệ gia đình, hoặc các liên lạc xã hội để tỏ ra mục đích của Người. Cùng với ơn soi sáng cho chúng ta nhìn thấy ơn gọi, Chúa còn ban ơn sức mạnh giúp chúng ta mau mắn đáp lại và trung thành cho đến cùng. Nếu linh hồn không đáp lại tiếng Chúa mời gọi, có thể họ sẽ không còn một cơ hội nào khác nữa. Hơn nữa, có thể Chúa sẽ không trở lại gõ cửa lần thứ hai. Mọi sự lơ là với ân sủng đều làm cho tâm hồn ta ra chai đá.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn bắt chước gương của Thánh Tông đồ: đón tiếp mọi người với tất cả tình thương mến. Xin cho chúng con biết nhìn nhận tội lỗi của mình mà sớm trở về với Chúa. Xin cho chúng con đừng bao giờ nghĩ xấu và loại trừ bất cứ một ai. Amen

 

14.Thánh Matthêu tông đồ--Enzo Lodi

1. Ghi nhận lịch sử - phụng vụ

Việc tôn kính thánh Matthêu ở Roma lên tới thế kỷ V. Hồi đó người ta mừng lễ Ngài trong nhà thờ lớn đường Merulana, và đến thế kỷ VIII lễ kính được thiết lập, có cả lễ vọng. Lễ ngày 21 tháng 9 như hiện nay là theo sổ tử đạo của thánh Jérôme, nhưng ở phương Đông mỗi nơi định mỗi khác tùy theo họ thuộc nghi lễ Byzance và Syrie (16 tháng 9) hay Coptes (9 tháng 9).

Các sách phúc âm trình bày thánh Matthêu như một nhân viên thuế vụ hay người thu thuế (Mt 9,9), con ông Alphée (Mc 2,14), có lẽ gốc người Capharnaum (Mc 27,14; Lc5,27) và là anh em với Giacôbê, vì ông này cũng là “Con ông Alphée”. Tên Matthêu (tiếng Hy lạp là Matthaios) có nguồn gốc Hébreu, có nghĩa là “Ơn của Chúa”. Ngài cũng được gọi là Lévi (Mc 2,14; Lc 5,27). Trong danh mục Nhóm Mười Hai, Ngài xếp thứ bảy hoặc thứ tám (Mc 3,18; Lc 6,15; Cv 1,13). Lời thú nhận của Mat-thêu trước khi được Đức Giêsu gọi, cho mình là một người “Không sạch”, bị phạt theo luật đạo Do Thái. Lời gọi của thầy, Đấng không đến kêu gọi người công chính, nhưng kêu mời người tội lỗi để họ cải hối (Lc 5,22) đã tạo nên nơi Lévi một câu trả lời tức thì và quảng đại: Bỏ tất cả, ông đứng dậy, đi theo thầy (Lc 5,28). Lòng quảng đại và lương thiện của người môn đồ mới được Luca đề cao:

Lévi dọn đại tiệc trong nhà để đãi Chúa Giêsu, tới dự có rất đông những người thuộc nhóm thuế vụ (5,29).

Đức giám mục Hiérapolis (ở Tiểu Á) tên là Papias, vào khoảng năm 125 kể lại rằng Matthêu đã xếp đặt các “ngôn từ” (Logia) của Chúa bằng thể ngữ Hébreu (tiếng Araméen) còn theo Eusêbe, Origène(+khoảng 254), xác nhận Matthêu là tác giả phúc âm thứ nhất, viết gửi đến những Kitô hữu gốc Do Thái. Thánh Irénée (tiền bán thế kỷ III) viết rằng Matthêu đã viết phúc âm nơi nhà những người Do Thái bằng ngôn ngữ của họ.

Theo một số truyền thuyết, thánh Matthêu đã rời Palestine sang truyền giáo nhiều miền khác nhau, ở Ba Tư, Syrie, Macédoine và Ethiopie, rồi tử đạo tại đây. Từ Éthiopie hài cốt Ngài được đưa về Paestum (Campanie), rồi Salerne, thế kỷ X, như Đức Giáo Hoàng Grégoire VII làm chứng, năm 1080. Theo một truyền thuyết khác, di hài Ngài được thánh nữ Hêlêna chuyển từ Jérusalem về Trèves (Đức) tại tu viện thánh Matthêu.

Ảnh tượng thường biểu diễn thánh Matthêu dưới dạng một thiên thần có cánh, tượng trưng cho phả hệ Đức Kitô ở đầu phúc âm Ngài. Các giai thoại về cuộc đời thánh Matthêu, ngoài những nơi khác, còn thấy nơi một loạt các bức họa của Caravage trong nhà thờ thánh Louis des Francais ở Roma.

2. Thông điệp và tính thời sự

Các kinh nguyện thánh lễ lấy từ sách lễ Paris năm 1738.

Lời nguyện trong ngày ca tụng lòng “Nhân từ sâu thẳm” của Chúa đã chọn “Matthêu người thu thuế đã làm thành tông đồ Chúa”. Trong phụng vụ bài đọc, thánh Bêđa khả kính nhận định rằng Chúa nhìn thấy Matthêu ngồi bàn thu thuế “Không phải bằng con mắt phần xác cho bằng cái nhìn nội tâm của lòng thương xót”. Giải thích ơn gọi dành cho Lévi, thánh nhân khẳng định ý nghĩa và bản chất lời gọi của Đức Kitô: “Khi yêu cầu ông theo Chúa, Chúa không kêu gọi ông đi theo Người cho bằng sống như Người”.

Lời nguyện trên lễ vật nhấn mạnh đề tài chính theo phúc âm Matthêu là Giáo hội: “Lạy Chúa xin yêu thương nhìn đến Giáo hội Chúa, vì Giáo hội đã được chính Chúa nuôi dưỡng đức tin bằng lời giảng dạy của các tông đồ”. Từ Giáo hội (Ekklèsia) được sử dụng từ một trăm lần trong Tân ước, đặc biệt là trong các thư thánh Phaolô, nhưng trong các phúc âm chỉ ba lần, chỉ có trong phúc âm Matthêu (16,18; 18,17). Trong 16,18: “Con là Phêrô, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh Thầy”. Từ Hội Thánh ở đây chỉ cộng đồng Chúa sắp thành lập xây dựng trên Phêrô. Trong 18,18: “Nếu kẻ ấy chối không chịu nghe họ, hãy nói với Giáo hội”, ở đây từ Giáo hội chỉ nghị viện của các tín hữu tức là đoàn tông đồ. Giáo hội cũng là cộng đoàn mới do Chúa Giêsu thiết lập, được xây dựng quanh Phêrô và các tông đồ, được mời gọi rao giảng phúc âm khắp thế giới (24,14; 26,13) và mọi dân tộc (28,19).

Nước Trời (thành ngữ xuất hiện có tới năm mươi lần trong Matthêu) là điều mới lạ do Chúa Giêsu lập nên. Đây là nước Thiên Chúa hiện hữu “Trên trời”, nhưng thực hiện ở trần gian bằng hình ảnh và việc tham dự, và sẽ kết thúc “Trên trời” vào ngày thế mạt. Hiến chương của Nước Trời là “Bài giảng trên núi” (5,3-11).

Thánh Matthêu vui mừng được đón Chúa vào nhà (lời nguyện tạ lễ) không ngần ngại mời nhiều bạn hữu, thu thuế, người tội lỗi cùng đến dự tiệc với Chúa Giêsu và các đồ đệ của Chúa (9,10). Trong thế giới Palestine, bữa ăn là giây phút cao điểm của lễ hội và gặp gỡ. Đức Giêsu khi nhận lời mời đến nhà một người “không sạch” muốn nhấn mạnh lời mời gọi nhân từ của Thiên Chúa đang mở cửa Vương Quốc của Chúa cho người tội lỗi.

Sau hết chúng ta hãy nhớ lời thánh Bêđa khả kính trong một bài giảng về thánh Matthêu: “Đấng sau này sẽ là Tông đồ và thầy dạy lương dân, lúc cải hối, đã kéo theo mình, cả một đám đông những người tội lỗi trên đường cứu rỗi” (Phụng vụ bài đọc).

 

15.Người môn đệ Đức Ki-tô--Lm. Gio-an Trần Văn Viện

Bài Phúc âm hôm nay thuật lại rằng: Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi đó và nói với ông “hãy theo tôi”. Như thế, trước khi mời gọi Mát-thêu trở thành môn đệ của mình, Đức Giê-su đã quan sát và nhìn ông với một ánh mắt trìu mến, đầy yêu thương. Ông Mát-thêu đang là một người thu thuế phục vụ cho nhà nước Rô-ma và trong con mắt của những người dân Do thái, thì ông cũng giống như kẻ tội lỗi, bị mọi người chê ghét và loại ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, điều này không quá quan trọng đối với Đức Giê-su. Người đã nhìn xuống thân phận thấp hèn của Mát-thêu và đã gọi ông. Chính Đức Giê-su đã làm thay đổi cuộc đời của ông: từ một người thu thuế trở thành môn đệ của Người. Gặp được Đức Giê-su ông đã được biến đổi và bằng chứng là ông đã đứng dậy để đi theo Người.

Anh chị em thân mến, ngày hôm nay, Chúa Giê-su vẫn đang đi qua cuộc đời của mỗi chúng ta. Chúa thấy rõ con người và hoàn cảnh của mỗi chúng ta. Chúng ta cũng được Chúa yêu thương nhìn đến và được mời gọi trở nên các môn đệ của Người. Chính bí tích Rửa Tội đã biến đổi chúng ta thành những con người mới, được xóa bỏ tội tổ tông và các tội khác. Chúng ta, từ những tội nhân và giờ đây đã trở thành con cái Thiên Chúa. Gặp được Chúa, con người chúng ta cũng được biến đổi và chúng ta cần có hành động thiết thực để thể hiện là người môn đệ đi theo Người. Xưa kia tông đồ Mát-thêu đã đứng dậy, từ bỏ công việc và địa vị của mình để chọn một đời sống mới, thì hôm nay chúng ta cũng cần có sự từ bỏ những cái xấu, tội lỗi của con người cũ và tuân theo giới răn của Chúa để mặc lấy những điều tốt đẹp của con người mới, người môn đệ Đức Ki-tô. Xin Chúa ban ơn thêm cho chúng ta. Amen.

 

16.Thánh sử Matthêu--Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Theo lịch Phụng vụ của Gíao Hội Công giáo, Tin mừng, còn gọi là Phúc âm Chúa Giêsu luân phiên theo thứ tự năm A, B và C được đọc công bố trong các Thánh lễ ngày Chúa nhật.

Tin Mừng Chúa Giêsu được viết theo Thánh sử Matthêu cho năm A.

Tin Mừng Chúa Giêsu được trước tác theo Thánh sử Marcô cho năm B.

Tin mừng Chúa Giêsu được soạn thảo theo Thánh sử Luca cho năm C.

Bắt đầu từ tuần lễ Chúa Nhật mùa Vọng, ngày 28.11.2010 đến hết tuần lễ Chúa nhật thứ 34, ngày 20.11.2011, Tin mừng Chúa Giêsu theo Thánh sử Mattheo cho năm phụng vụ A là phần giáo lý chính trong các Thánh lễ.

Thánh sử Mathêu là ai? Và Tin mừng Chúa Giêsu do thánh sử Mattheo viết thuật lại thế nào?

1. Matthêu, người thu thuế được kêu gọi

Không có sử sách nào ghi lại khai sinh căn cước của vị Thánh sử này. Nhưng theo Tin Mừng do Thánh sử Marcô và Thánh sử Luca thuật lại, Mathêu là một người Do Thái làm nghề thu thuế có tên là Lêvi, quê quán ở Carphanaum vùng miền gần bờ hồ Genezareth, và được Chúa Giêsu kêu gọi làm Môn đệ: “Hãy theo theo Ta!” ( Mc 2,13-14; Lc 5,27-28). Và chính Matthêu cũng viết thuật lại như thế trong Phúc âm do Ông viết ( Mt 9,9).

Theo truyền thuyết kể lại, sau khi Thánh nhân viết xong Tin mừng Chúa Giêsu, ông di chuyển đến miền Mesopotamien và Aethiopien rao giảng Tin mừng Chúa Giêsu. Nơi đó Thánh nhân đã xây dựng Thánh đường cùng Tu viện, thành công việc loan truyền tin mừng nước Thiên Chúa. Nhưng sau cùng Thánh nhân bị người nhà vua dùng gươm kiếm đâm chết ở chân bàn thờ trong thánh đường.

Nhưng cũng có tương truyền thuật lại Thánh nhân bị ném đá tới chết, hay bị đốt thiêu sống trong lò lửa.

Thi hài (xương tích) thánh Matthêu từ năm 954 còn lưu giữ ở nhà thờ chính tòa Salermo. Năm 1085 Đức giaó hoàng Gregoriô VII, đã làm phép thánh hiến. Và chẳng mấy chốc nơi đó đã trở thành địa điểm hành hương nổi tiếng trong khắp vùng.

Thánh Matthêu, theo Phúc âm thuật lại, là một trong 12 Môn đệ được Chúa trực tiếp tuyển chọn kêu gọi, và sai đi tiếp tục công việc làm chứng loan truyền cùng xây dựng Giáo Hội Chúa ở trần gian.

Nhưng Thánh nhân còn là người viết sử thuật lại cuộc đời và giáo lý của Chúa Giêsu.

2. Matthêu, người viết sử thánh 

Xưa nay trong các hình vẽ hay tượng tạc Thánh sử Matthêu ngồi bàn viết tay cầm bút lông và trên đầu phía sau có hình Thiên Thần. Hay cũng có hình vẽ tạc Thánh nhân là một người có đôi cánh như Thiên Thần.

Điều này nói lên Thánh nhân viết Phúc âm Chúa Giêsu được Thiên Chúa soi sáng hướng dẫn

Biểu tượng đó cũng nói lên nét đặc thù của vị Thánh sử này.

Ngay chương mở đầu của Phúc âm ( Mt 1,1-17) Mattheo đã viết thuật lại thứ tự dòng dõi nguồn gốc gia phả của Chúa Giêsu. Với chi tiết này Thánh sử Mathêu muốn nhấn mạnh đến nguồn gốc Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế từ trời cao xuống trần gian làm người. Chúa Giêsu là một con người có xuất xứ nguồn gốc trong xã hội loài người. Ngài là Con Thiên Chúa sinh xuống trần gian làm người có tổ tiên, dòng dõi họ hàng gia đình.

Chúa Giêsu là một người như mọi người trong xã hội. Nhưng con người đó mang trong mình bản tính cùng sứ mạng của Thiên Chúa.

Thánh sử Matthêu viết thuật lại duy nhất trong phúc âm (Mt 2,1-12) ba nhà chiêm tinh tìm đến thăm viếng thờ lạy Vua Hài nhi Giêsu ở hang chuồng súc vật Bethlehem, lúc Chúa sinh ra.

Trong dòng lịch sử, người ta đã tìm đặt tên cho ba nhà chiêm tinh đó là Caspar, Melchior và Balthasar. Nhưng không có gì chắc chắn tên của họ đúng như thế.

Rồi ba món tặng vật của ba nhà Chiêm tinh tặng hài nhi Giêsu là Vàng, Nhũ hương và Mộc dược, cũng được cắt nghĩa như vàng cho Vua, Nhũ hương cho Thiên Chúa và Mộc dược cho tẩm liệm xác sau này.

Lối cắt nghĩa này phù hợp theo tâm tình đạo đức thờ kính sâu thẳm nhiều hơn.

Nhưng có lẽ Thánh Matthêu qua tường thuật về ba nhà Chiêm tinh từ phương trời xa lạ vượt đường núi sa mạc tìm đến thờ lạy hài Nhi Giêsu, muốn nói lên ý nghĩa tòan dân thiên hạ dù ở nơi chốn xa xôi tuôn tìm đến Giáo Hội Chúa Giêsu. (Isaia 60, 1-6).

Phúc âm theo thánh sử Mattheo viết, theo khoa nghiên cứu, rất nhiều đoạn chương trùng hợp giống với Phúc âm theo các thánh sử Marcô và Luca cũng viết như vậy. Do đó các nhà nghiên cứu khoa Kinh Thánh gọi ba Phúc âm nay là Phúc âm nhất lãm (Synoptik).

Trong Phúc âm theo Thánh sử Matthêu vai trò đứng đầu Gíao hội Chúa Giêsu của Thánh Phêrô được nhấn mạnh nổi bật hơn hết.

Cũng như nơi phúc âm Theo Thánh sử Marcô ( 8,27-30) và theo Thánh sử Luca ( 9,18-21), Thánh Phêrô đại diện anh em Tông đồ tuyên xưng Chùa Giêsu là con Thiên Chúa hằng sống. Nhưng Thánh sử Matthêu còn thuật viết thêm: Chúa Giêsu trao quyền bính chìa khóa nước trời đứng đầu Giáo hội Chúa Giêsu ở trần gian cho Thánh Phêrô. (Mt 16, 18-19)

Cũng theo các nhà nghiên cứu Kinh Thánh bản Phúc âm theo thánh sử Matthêu viết để lại cho Giáo Hội được viết vào năm 70 thế kỷ thứ nhất sau Chúa Giáng sinh. Ông viết phúc âm giáo lý Chúa Giêsu Kitô muốn trình bày cho người Do Thái về Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế mà toàn dân trông đợi mong chờ đã đến giữa con người trong xã hội. Nơi chốn Thánh sử viết bản Phúc âm ở vùng Palästina và Syrien.

Phúc âm Chúa Giêsu do Thánh sử Mathêu viết gồm 28 chương, dài hơn Phúc âm theo các Thánh sử khác Marcô có 16 chương; Luca có 24 chương và Gioan có 21 chương.

3. Những đoạn quan trọng trong Phúc âm Mathêu

1. Bài giảng Tám Mối Phúc Thật ( Mt 5,1-12)

2.Kinh Lạy Cha ( Mt 6,9-13)

3. Nâng đỡ an ủi ( Mt 11,28-30)

4. Ngày phán xét chung ( Mt 25, 13-46)

5. Sai đi rao giảng và làm phép rửa ( 28,16-20).

 

17.Thánh Matthêu Tông Đồ--tinmung.net

Thánh Matthêu sinh quán tại Capharnaum. Khi được Chúa gọi vào nhóm Mười Hai, ngài đang là một người thu thuế. Truyền thống tin rằng ngài đã viết Phúc Âm thứ nhất, nguyên bản tiếng Aramaic, nhưng sau đó đã được dịch sang tiếng Hy lạp. Thánh nhân đã chịu tử đạo tại Ba Tư.

Thánh Matthêu đáp lại tiếng Chúa.

Các thánh sử của Phúc Âm Nhất Lãm đều kể lại việc Chúa Giêsu kêu gọi thánh Matthêu xảy ra ngay sau khi Chúa chữa người bất toại tại Capharnaum. Khoảng một ngày sau phép lạ ấy, Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, có đám đông dân chúng đi theo Người. Chúa đến đó từ một thành phố cảng nhỏ nằm giáp miền đất Perea, trên bờ bên kia sông Giođan. Trên đường, Chúa đi ngang qua bàn thu thuế của Matthêu.

Matthêu khi ấy đang làm việc trong ngành thuế vụ của vua Hêrôđê. Mặc dù không phải là một quan chức chính thức, nhưng ngài đã mua quyền được thu thuế. Chức vụ thu thuế không được người Do Thái kính nể, thậm chí còn bị nhiều người khinh bỉ. Tuy nhiên, đó lại là một chức vụ rất hấp dẫn, vì đem lại của cải giàu sang. Người thu thuế dường như có địa vị cao trong xã hội, vì khi Matthêu khoản đãi Chúa Giêsu trong nhà, có rất đông người thu thuế và những người khác đến đồng bàn.

Chúa kêu gọi Matthêu làm môn đệ khi Người đi ngang qua bàn thu thuế của ông. Matthêu đã chỗi dậy và đi theo Người. Sự đáp ứng của Matthêu rất mau mắn và quảng đại. Có lẽ ngài đã nhiều lần được gặp Thầy Chí Thánh, và chỉ chờ đợi cơ hội quan trọng này mà thôi. Ngài đã không chần chừ trong việc từ bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu. Chỉ một mình Thiên Chúa biết tại sao Người lại tuyển chọn Matthêu, và cũng chỉ một mình thánh nhân mới có thể cho chúng ta biết ngài đã nhận thấy điểm gì nơi Chúa Giêsu đến nỗi đã lập tức rời bàn thu thuế để đi theo Người. Thánh Gioan Kim Khẩu nói, Chúng ta thấy vì sự vâng phục mau mắn và trọn vẹn mà Matthêu đã tức khắc từ bỏ tất cả tài sản thế gian để đi theo Chúa khi được kêu mời đúng lúc.

Thời gian và địa điểm Chúa lên tiếng mời chúng ta hiến thân trọn vẹn đã được Người quan phòng từ đời đời, vì thế thời gian và địa điểm ấy rất quan trọng. Nhiều người được Chúa mời gọi khi còn niên thiếu. Đối với những người ấy, đó là lúc thuận tiện nhất để đáp lại tiếng Chúa. Một số người được Chúa tỏ cho biết ơn gọi khi đã lớn khôn. Chúa dùng những đồng nghiệp, những liên hệ gia đình, hoặc các liên lạc xã hội để tỏ ra mục đích của Người. Cùng với ơn soi sáng cho chúng ta nhìn thấy ơn gọi, Chúa còn ban ơn sức mạnh giúp chúng ta mau mắn đáp lại và trung thành cho đến cùng. Nếu linh hồn không đáp lại tiếng Chúa mời gọi, có thể họ sẽ không còn một cơ hội nào khác. Hơn nữa, có thể Chúa sẽ không trở lại gõ cửa lần thứ hai. Mọi sự phản kháng ân sủng đều làm cho tâm hồn ra chai đá. Thánh Augustine đã mô tả rất súc tích sự khẩn thiết phải đáp lại ơn Chúa, khi Người đi ngang qua cuộc đời của chúng ta: Timeo Jesus praetereuntem et non redeuntem, ‘Tôi sợ Chúa Giêsu có thể đi qua và không quay lại nữa.’

Chúa Giêsu Kitô đến bên từng người chúng ta – cho dù chúng ta đang sống trong độ tuổi hoặc hoàn cảnh nào – và ánh nhìn của Chúa tiếp xúc với ánh mắt chúng ta một cách cá biệt. Người mời gọi chúng ta bước theo. Trong hầu hết các trường hợp, Chúa để chúng ta lại giữa trần gian, công việc, và gia đình. Hãy suy nghĩ về điều Chúa Thánh Thần đã phán, và hãy để bạn biết sợ hãi và tri ân: ‘Elegit nos ante mundi constitutionem’ – Người đã tuyển chọn chúng ta trước khi tạo dựng thế gian, ‘ut essemus sancta, in conspectu eius!’ – để chúng ta nên thánh thiện trước mặt Người.

Nên thánh thiện không phải là điều dễ, nhưng cũng chẳng quá khó. Nên thánh là sống đúng Kitô hữu, là nên giống Chúa Kitô. Ai càng nên giống Chúa Kitô, họ càng là Kitô hữu; ai càng thuộc về Chúa Kitô, họ càng thánh thiện.

Chúng ta có những phương thế gì để nên thánh? Chúng ta có những phương thế như các tín hữu thời sơ khai, khi họ đích thân tiếp xúc Chúa Giêsu hoặc thoáng nhận ra Người trong các lời giảng của các thánh Tông Đồ và các thánh sử.

Niềm vui trong ơn gọi.

Để ghi nhớ và tạ ơn vì được ơn gọi, Matthêu đã tổ chức một bữa tiệc và mời bạn hữu đến dự. Nhiều người trong số đó bị coi là hạng tội lỗi. Thái độ của vị tân Tông Đồ nói lên tấm lòng biết ơn của ngài vì nhận được ơn gọi. Ơn gọi là một hồng ân lớn lao, chúng ta cần phải luôn luôn cám tạ.

Chúng ta phải biết coi trọng những thành quả tuyệt vời Thiên Chúa sẽ thực hiện qua ơn thiên triệu Người ban cho chúng ta. Nếu chỉ nhìn phương diện từ bỏ mà lời mời gọi nào cũng đòi buộc, chúng ta sẽ buồn sầu như trường hợp người thanh niên giàu có không dám từ bỏ những của cải. Anh ta chỉ nghĩ đến những gì phải từ bỏ. Anh ta không hiểu được niềm hạnh phúc tuyệt vời được sống với Chúa Giêsu và trở nên công cụ của Người để thực hiện những việc lớn lao trên thế gian. Có thể hôm qua bạn vẫn là một trong số những người có các ý tưởng lầm lạc, những người bị tham vọng nhân loại đánh lừa. Nhưng hôm nay, vì Thiên Chúa đã đi vào cuộc sống của bạn – lạy Chúa, xin cám tạ Chúa! – bạn vui tươi, ca hát, và bạn đem nụ cười, tình yêu, và hạnh phúc của mình đến bất cứ nơi nào bạn đi qua.

Cuộc sống của người được mời gọi theo Chúa Kitô, như tất cả chúng ta đều thấy, không thể giống như cuộc sống của người anh trong dụ ngôn người con hoang đàng. Anh ta trung thành sống bên cha, làm việc chăm chỉ, và không phung phí tài sản của cha. Tuy nhiên, anh ta thiếu niềm vui và đức ái đối với em trai mới sám hối trở về của anh. Anh ta là biểu tượng rõ nét của loại người công chính nhưng không hiểu được niềm vui được sống bên Chúa và tình thân với tha nhân. Phụng sự Chúa tự thân là một phần thưởng đúng nghĩa, bởi vì phụng sự Chúa là được cùng Người cai trị. Thiên Chúa muốn chúng ta phụng sự trong vui tươi, chứ không miễn cưỡng, bởi vì Thiên Chúa yêu thương người hiến dâng vui tươi. Lúc nào cũng có rất nhiều lý do để vui tươi, tạ ơn và hạnh phúc khi chúng ta được hiến thân cho Chúa và tích cực đáp lại tiếng gọi của Người.

Thánh Matthêu trở thành một chứng nhân đặc biệt cho đời sống và cuộc tử nạn của Chúa Kitô. Ngài được tuyển chọn vào nhóm Mười Hai để theo Chúa đi khắp nơi. Ngài lắng nghe lời Thầy Chí Thánh, dõi theo sứ mạng của Người, và được tham dự bữa Tiệc Ly. Thánh nhân hiện diện khi Chúa lập bí tích Thánh Thể, đích thân được nghe Chúa tuyên bố về giới luật yêu thương, và đồng hành đến vườn Cây Dầu với Người. Cùng các Tông Đồ khác, ngài cũng đau khổ vì đã bỏ rơi Chúa trong hồi Thương Khó. Tuy nhiên, chỉ sau đó ít lâu, ngài đã cảm được niềm vui Chúa Phục Sinh. Trước khi Chúa thăng thiên, thánh Matthêu là một trong những người được nhận lệnh truyền đem Tin Mừng cho khắp trần thế. Cùng với Đức Maria, thánh nhân đã được đón nhận linh ân Chúa Thánh Thần trong ngày hiện xuống.

Trong khi viết Phúc Âm, chắc chắn thánh Matthêu đã bồi hồi nhớ lại nhiều kỷ niệm được sống gần gũi bên Chúa Giêsu, bởi vì cuộc sống bên cạnh Chúa thật là cao quí. Giả như ngài đã ngồi lại tại chiếc bàn thu thuế, có lẽ đời ngài đã khác xa biết bao. Chúng ta biết rằng cuộc đời sẽ trở nên giá trị nếu chúng ta sống hợp nhất với Chúa Kitô và hằng ngày trung thành đáp lại ơn Người. Chúng ta cũng sẽ trở nên những chứng nhân đắc lực cho Chúa nếu chúng ta biết vui mừng và mau mắn đáp lại tiếng Người.

Ơn gọi tông đồ của chúng ta.

Nhiều thân nhân bè bạn đã đến tham dự bữa tiệc của thánh Matthêu tổ chức để mừng Chúa. Trong số đó có một số người thu thuế, nên các ký lục và biệt phái đã xầm xì với nhau và thắc mắc với các môn đệ Chúa: Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và tội lỗi như thế? Thánh Jerome đã dí dỏm chú thích rằng đó là một bữa tiệc quây quần của những người tội lỗi!

Chúa Giêsu đã đến nhà Matthêu dự tiệc. Có lẽ Chúa vui mừng và nhân dịp ấy để thu phục cả những bè bạn của môn đệ mới của Người. Chúa Giêsu đã đáp lại lời phê bình của những người biệt phái một cách khôn ngoan mà giản dị: Không phải những người khỏe mạnh cần đến thầy thuốc, nhưng là những người yếu bệnh. Nhiều thực khách hôm ấy đã cảm thấy được Chúa thân ái đón nhận. Sau đó, chắc chắn họ đã được chịu phép rửa và trở nên những tín hữu trung thành.

Qua tấm gương ấy, Chúa dạy chúng ta biết rộng mở với mọi linh hồn. Như thế, chúng ta mới có thể đem nhiều người về với đức tin. Cuộc đối thoại về ơn cứu độ không dựa trên những công trạng hay những thành quả cá nhân. Chúa dạy: ‘Không phải những người khỏe mạnh cần đến thầy thuốc…’ Cuộc đối thoại về ơn cứu độ mở rộng cho mọi người, không phân biệt một ai. Tương tự, những cuộc đối thoại của chúng ta cũng hãy mở rộng và bao trọn mọi người… Chúng ta đừng lạnh nhạt với một ai. Một người càng cùng khốn, nỗ lực tông đồ của chúng ta phải càng lớn hơn, càng phải dùng những phương thế tự nhiên và siêu nhiên hầu truyền bá cái nhìn của đức tin. Trong giờ cầu nguyện, chúng ta hãy xét lại tính cách những tương giao xã hội của chúng ta. Chúng ta có đối xử với tha nhân - kể cả với những người dường như đã xa rời đức tin - bằng sự nồng nhiệt và cảm tình hay không?

Bạn có lý. Bạn đã viết cho tôi, ‘Những đỉnh cao xa xăm che khuất cả bầu trời miền quê, tuy nhiên không một đỉnh nào mà ta không nhìn thấy được,’ hết ngọn núi này đến ngọn núi kia. Nhiều khi, quang cảnh dường như đã rõ ràng, nhưng rồi sương mờ tan đi và hiện ra một rặng núi khác trước đó đã bị che khuất.’

Bầu trời tông đồ của bạn cũng như thế, và đúng ra phải như thế. Ta phải đi qua thế giới này. Nhưng không có những con đường làm sẵn cho bạn. Chính bạn sẽ phải làm ra con đường băng qua những dãy núi, san bằng chúng bằng những bước chân của chính bạn.

 

18.Thánh Matthêu Tông Đồ--tinmung.net

Ðây là sách Phúc Âm xuất hiện trước nhất, được viết khoảng giữa năm 70 và 75 sau công lịch. Thánh Matthêu có ý viết cho những người Do Thái trở lại để củng cố đức tin họ. Người nhấn mạnh rằng:

- Chúa Giêsu thực hiện nơi bản thân Chúa mọi lời tiên tri đã chép trong sách Cựu Ước. Người Do Thái trở lại đạo Chúa Kitô không phải từ bỏ kho tàng thiêng liêng của dân được chọn, người ấy vẫn tìm được trong Phúc Âm những gì làm cho mình thêm vinh quang, trong sạch và hoàn hảo.

1. Thánh Matthêu là ai?

- Matthêu là một trong nhóm 12 tông đồ. Ngài là nhân viên thu thuế, được Chúa Giêsu gọi lúc ngồi ở bàn thu thuế. Theo Pa-pi-as (Giám Mục thành Hieropôlis khoảng năm 138) thì Matthêu cũng được gọi là Lêvi, đã soạn Phúc Âm bằng tiếng Aram, nhưng bản đó đã bị thất lạc. Hiện người ta chỉ tìm được những bản bằng tiếng Hy Lạp.

2. Thánh Matthêu nhắm mục đích gì và nhắm vào thành phần thính giả nào khi viết Phúc Âm?

- Thánh Matthêu trích dẫn Cựu Ước rất nhiều trong Phúc Âm của ngài, nhằm mục đích chứng minh Chúa Giêsu Nagiarét chính là Ðấng Messia Thiên Chúa đã hứa: và như thế ngài nhắm vào số thính giả người Do Thái.

3. Phúc Âm của ngài được viết khoảng năm nào?

- Khoảng năm 75 sau Chúa Giáng Sinh.

4. Thánh Matthêu viết Phúc Âm tại đâu?

- Theo truyền tụng thì thánh Matthêu đã rao giảng và làm việc tại Antioch, có lẽ tại đây ngài đã soạn Phúc Âm.

5. Thánh Matthêu đã dùng Cựu Ước để minh chứng Ðức Giêsu là Ðấng Messia như thế nào?

- Ngài chứng minh Chúa Giêsu là con vua Ða-vít, thuộc dòng dõi Abraham, đến để tái lập vương quốc Ða-vít mà thánh vịnh 72 đề cập tới việc các vua chúa trần gian tới bái lạy Chúa Hài Ðồng. Mãi sau này, vào thế kỷ thứ 8 tên ba vị đó mới được xác định là Gasparê, Melchior và Balthazar.

- Gia đình thánh gia trốn qua Ai Cập để ứng nghiệm lời tiên tri Hôsêa: "Từ Ai Cập ta đã gọi con Ta về."

- Việc Giuđa ném trả 30 đồng tiền bán Chúa vào đền thờ, các thượng tế và niên trưởng đã lấy bạc ấy mà tậu ruộng của người thợ gốm, là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia: “Họ đã lượm lấy ba mươi đồng bạc, tức là cái giá mà một số con cái Itraen đã đặt khi đánh giá Người. Và họ lấy số bạc đó mà mua “Thửa Ruộng Ông Thợ Gốm”, theo những điều Đức Chúa đã truyền cho tôi.”

6. Trình bày vắn tắt bố cục nội dung Phúc Âm Thánh Matthêu?

- Phúc Âm Thánh Matthêu co thể được chia ra thành 4 phần:

- Chương 1-2 nói về Tin Mừng thời niên thiếu của Chúa Giêsu.

- Chương 3-18 đề cập tới sứ vụ của Chúa Giêsu tại Galilê.

- Chương 19-25 nói về sứ vụ của Chúa Giêsu tại Giêrusalem.

- Chương 26-28 tường thuật về cuộc thương khó và phục sinh của Chúa Giêsu.

7. Thánh Matthêu nói gì về cuộc thương khó và sống lại của Chúa Giêsu?

- Trong ba chương 26-28 ngài đề cập tới một số điểm riêng biệt như:

- Cái chết của Giuđa, môn đồ bội phản.

- Sự kiện vợ của tổng trấn Philatô can gián chồng trong việc kết án Chúa Giêsu.

- Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, nhiều vị thánh đã an nghỉ sống lại vào thành...

- Việc mua chuộc lính canh mộ...

8. Phúc Âm theo Thánh Matthêu có những đặc điểm nào?

- Ngài trình bày giáo huấn qua năm bài diễn từ.

- Ngài trình bày theo cặp ba và cặp bảy.

- Minh chứng những gì Cựu Ước đã nói đều được thực hiện.

- Phúc Âm ngài mang nhiều chiều kích Hội Thánh.

9. Kể 5 bài diễn từ của Chúa Giêsu mà Thánh Matthêu đã ghi lại?

- Bài giảng trên núi (chương 5-7)

- Sứ vụ trao cho 12 tông đồ (chương 10)

- Các dụ ngôn về nước trời (chương 13)

- Ðịa vị cao nhất và sự tha thứ (chương 18)

- Diễn từ chung luận (chương 24-25)

10. Lễ Thánh Matthêu được Giáo Hội mừng kính vào ngày nào?

- Ngày 21-9 dưới tước hiệu tông đồ thánh sử.

 

19.Thánh Matthêu Tông Đồ--Nhóm Châu Kiên Long

Thánh Matthêu còn gọi là Lêvi, con ông Alphê. Một hôm đi qua sở quan thuế thành Capharnaum gần bờ hồ Tibêriat, Chúa Giêsu thấy Matthêu ngồi ở bàn thu thuế, Ngài liền bảo ông: "Hãy theo Ta". Không do dự, ông liền đứng lên, bỏ mọi sự mà theo Chúa. Và sau đó, ông thiết tiệc tại nhà để khoản đãi Chúa Giêsu, các môn đệ và các bạn hữu, trong số đó có cả những người biệt phái. Họ thắc mắc khi thấy Chúa hiện diện giữa những người mà họ cho là tội lỗi. Chúa Giêsu đã giải thích cho họ: "Ta không đến để gọi những người công chính nhưng để gọi người tội lỗi...".

Trước khi rời Giuđêa để đi giảng đạo, thánh Matthêu đã soạn thảo Phúc Âm đầu tiên bằng tiếng Do Thái vào khoảng năm 50. Vì viết cho người Do Thái nên ngài nhấn mạnh đến kiểu nói và quan niệm riêng họ. Ngài nhắc cho họ biết rằng: "Phúc Âm hoàn tất luật cũ". Ngài chứng minh Chúa Giêsu chính là Ðấng Cứu Thế mà Cựu Ước hằng mong đợi. Có thể nói Phúc Âm của ngài được coi là đầy đủ nhất.

Theo nhiều văn kiện lịch sử để lại thì thánh Matthêu đã đi truyền giáo ở Êthiopi, Ba Tư, Parthes và sau cùng ngài đã được lãnh phúc tử đạo tại Tarium thuộc Êthiopi.

Thánh Matthêu thường coi như vị thánh quan thầy của những nhà trí thức Công Giáo.

 

20.Thánh Matthêu Tông Đồ--Phó Tế JB Huỳnh Mai Trác

“Bỏ nơi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát Thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo thôi! Ông đứng dậy đi theo Người.”

Câu văn ngằn ngủi trên cho chúng ta biết về người môn đệ tên là Matthêu Thánh sử. Có phải thật Matthêu là người thu thuế như Thánh Marcô và Luca đã viềt trong Tin Mừng không? Nếu đúng như vậy thì Matthêu chắc chắn bị những người Do thái khinh bỉ và ghét bỏ vì là người cộng tác với quân La Mã. Những người thu thuế là kẻ thù của nhân dân và là người tội lỗi mà họ oán trách Chúa Giêsu đã đi lại và dùng bữa với họ.

Dù sao đi nữa thì Matthêu đã bỏ dĩ vãng lại trong quá khứ mà đi theo Chúa Giêsu. Nhiều học giả nghi ngờ là sách Tin Mừng Matthêu có thể là do một trong những môn đồ của Chúa Giêsu vào cuối thế kỷ đầu tiên vì dường như là sách Tin Mừng Matthêu đưọc viết bởi một Kitô hữu Do thái thông thạo tiếng Hy lạp và quả quyết Chúa Giêsu là Đấng Messiah, Đấng đã hoàn tất những tiên báo trong Cựu Ước mang đến một luật lệ và một kỷ nguyên mới.

Đường như thánh Matthêu viết sách Tin Mừng dành nhiều cho người Do Thái và người giàu có. Phúc Âm thánh Matthêu ca ngợi sự nghèo khó và thuyết phục người đọc là ơn cứu độ tùy thuộc nhiều vào lòng thương xót những kẻ nghèo khó. Điều này nói lên lòng ăn năn hối cải của người thu thuế. Matthêu kể lại những lời giảng dạy của Chúa Kitô và tóm tắt điều căn bản trong Bài giảng trên Núi về các Mối Phúc Thật.

Matthêu ghi lại dụ nguôn về cuộc Phán Xét Cuối Cùng khi “Đức Chúa Con trở lại trong vinh quang” để tách ra “chiên và dê”. Chúa phán với những người được Chúa ân thưởng: “Vì khi Ta đói các người đã cho ăn, Ta khát các ngươi đã cho uống, Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước, Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc, Ta đau ốm các ngươi dã thăm viếng, Ta ngồi tù các ngươi đã hỏi han.” Họ bèn hỏi: “Chúng tôi đã làm những việc ấy lúc nào? Chúa bèn phán: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”

Thánh Matthêu là dấng phù trợ các sứ vụ của Giáo Hội. Được ơn gọi đi theo Chúa Giêsu, thánh Matthêu kết thúc Tin Mừng lời thúc dục người theo Chúa như sau: “Vậy anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, “ và lời cuối cùng cho chúng ta và cho mọi thời đại: “Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

 

21.Thánh Matthêu Tông Đồ--“Theo Vết Chân Người” 

Ít có ai chuộng người thu thuế. Vào thế kỷ I tại Palestine điều này còn rõ hơn nữa, khi mà họ thủ lợi được nhờ doạ dẫm và gian dối. Nhưng dù có lương thiện đi nữa nhân viên thu thuế cũng không được cấp lãnh đạo Do Thái chấp nhận vì họ làm việc cho lương dân. Họ là người nhơ uế theo luật pháp và bị loại khỏi xã hội. Khi nhận một người thu thuế vào môn đồ của Người, Chúa Giêsu quả đã khinh thường tiên kiến của dân chúng.

Điều cần ghi nhận là Matthêu không phải đi từ cửa nhà này tới cửa nhà khác để thu thuế. Ông có một văn phòng tại Capharnaum, thành phố quê hương của Phêrô và đại bản doanh của Chúa Giêsu khi thi hành sứ vụ tại Galilê.

Đi ngang qua, Chúa Giêsu thấy Lêvi con của Alphê ngồi nơi sở thu thuế và Người nói: “Hãy theo Ta” và ông đứng dậy đi theo Người” (Mc 2,14).

Đó là lời mời gọi làm tông đồ, rất giống lời gọi dành cho Simon và Anrê (x. Mc 1,16t). Dầu vậy, Lêvi không có tên trong danh sách nhóm mười hai (x. Mc 3,16; Mt 10,3; Lc 6,14t; Cv 113). Ơn gọi người thu thuế được ghi lại trong Tin Mừng thứ nhất, trong đó ông được gọi là Matthêu (x. Mt 9,9tt). Như vậy, tông đồ đồng hoá mình với Mathêu có trong danh sách các tông đồ. Lời giải thích tự nhiên được tiếp nhận rộng rãi là Matthêu với Lêvi chỉ là một người với hai tên gọi khác nhau. (Chẳng hạn anh em Macabê, 1 Mcb 2,2-5). Cũng có thể chính Chúa Giêsu đã đặt tên cho Matthêu như đã đặt tên Phêrô cho Simon (Mattai theo tiếng Aramêô có nghĩa là ấn bản của Thiên Chúa).

Từ đó Matthêu bỏ sổ sách và học theo hoa đồng và chim trời, những thứ không thể tính toán cho đời sống mình (x. Mt 6,25tt). Chủ nhân của ông không còn là Antipas, con cáo gian xảo (x. Lc 13,32) mà là một Đấng khác hẳn loài cáo, lại chẳng có lấy một căn nhà (x. Mt 8,20). Sự thay đổi đã huỷ diệt trọn tương lai trần gian của Matthêu. Simon và Andrê còn có thể trở lại với nghề chài lưới, còn Matthêu bị tống khứ khỏi nghề cũ và không thể trở lại được nữa. Trong cộng đoàn tông đồ không phải ông mà là Giuda giữ quỹ của nhóm (x. Ga 13,29).

Sau khi được gọi, Matthêu biến dạng khỏi Tân ước và chỉ còn để lại tên trong danh sách các vị Tông đồ. Ngài đã ra thế nào? Chúng ta có được một câu văn của Giám mục Papias trong cuốn giải thích Lời Chúa (khoảng năm 125): “Matthêu viết một tường thuật có thứ tự về Lời Chúa, theo năng khiếu của ngài” (Eusebiô, Lịch sử Giáo Hội III, 39). Cuốn Tin Mừng Matthêu viết bằng tiếng Aramêô cho người Dothái trở lại. Khi thời thế đòi hỏi, con người Matthêu bị xã hội loại bỏ ấy đã cầm lấy viết để trước tác cuốn “Tin Mừng theo Thánh Matthêu”.

Theo bản văn tiếng Hy Lạp còn lại, chúng ta thấy tính khí theo toán học với những con số rõ rệt: 7 dụ ngôn về nước trời, 7 lời nguyền rủa bọn biệt phái, 7 lời cầu trong kinh Lạy Cha và có lẽ 7 mối phúc thật. Cả con số 5 nữa: 5 cuộc tranh luận với biệt phái, 5 chiếc bánh, 5 lượng vàng, nhất là 5 phần của cuốn sách. Sau cùng như chúng ta mong đợi có dấu chỉ về sự hiểu biết tinh tường về phương diện tài chính như đồng bạc nộp thuế thay vì đồng “denarius” trong Mc và Lc hay như thuế đền thờ, với những loại thuế gián thu, thuế phân…

Như vậy, Matthêu đã chuyển nghề nghiệp cũ vào một việc phụng sự mới, từ người kế toán thành người viết Tin Mừng. Thật không ngạc nhiên gì khi một mình ngài ghi lại lời này của Chúa: “Phàm ký lục nào đã được thụ giáo về Nước Trời thì cũng giống như gia chủ biết rút từ trong kho của ông ra điều mới và điều cũ” (Mt 13,52).

Không có khí cụ hèn hạ nào của chúng ta mà lại không được dùng một cách hoàn hảo và xứng đáng vào việc phụng sự Chúa.

Cuốn Tin Mừng thứ nhất là một kỷ vật của Thánh Matthêô được Giáo Hội ưa chuộng. Nhưng công cuộc tông đồ sau này của ngài lại bị mai một. Ngài đã rao giảng Tin Mừng cho người Dothái tại Palestina có lẽ trong 15 năm (Eusebiô, Lịch sử Giáo Hội III, 24,265) nhưng sự lầm lẫn giữa tên ngài với thánh Matthias (x. Cv 1,26) làm chúng ta luõng lự giữa những truyền thống khác nhau. Ethiopia, Parthia, Macedonia và cả những xứ của những kẻ ăn thịt người đều được ghi nhận là nơi thánh nhân đã làm việc tông đồ.

Thường người ta cho rằng: ngài chịu tử đạo, nhưng ý kiến cũng không được đồng nhất. Điều chắc chắn là ngài đã sống đời của một vị tử đạo và thế là đủ. Đối với chúng ta, ngài luôn luôn là một người đã biết được tiền của là gì, lẫn việc không có tiền của là gì.

 

22.Mátthêu--dongten.net

Mátthêu là người Do Thái làm việc cho đạo quân xâm lăng La Mã, thu thuế của những người đồng hương Do Thái. Mặc dù người La Mã có lẽ không cho phép moi tiền của người chịu thuế một cách quá đáng, nhưng điều họ quan tâm vẫn là hầu bao của mình nên họ thường làm ngơ về những hành động của “người thầu thuế”. Do đó sau này, những người thu thuế thường bị khinh miệt như người phản bội dân Do Thái. Người Pharisiêu coi họ là hạng “tội lỗi.” Bởi thế, thật bàng hoàng khi Ðức Kitô gọi một người như vậy để trở nên môn đệ của Ngài.

Mátthêu lại làm Ðức Kitô thêm khó khăn khi tổ chức một bữa tiệc tiễn biệt tại nhà của ông. Phúc âm kể cho chúng ta biết “nhiều người thu thuế” và “những người nổi tiếng tội lỗi” đã đến dự tiệc. Người Pharisiêu lại càng thêm khó chịu. Một người được cho là vị thầy vĩ đại lại có liên hệ gì với hạng người vô luân đó?

Câu trả lời của Ðức Kitô là “Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu. Hãy tìm hiểu ý nghĩa của câu, ‘Ta muốn lòng thương xót, chứ không phải của lễ.’ Tôi không đến để kêu gọi người công chính, nhưng là người tội lỗi” (Mt. 9:12b-13). Ðức Kitô không gạt vấn đề thờ phượng và nghi lễ sang một bên; Ngài chỉ nói rằng việc yêu thương tha nhân thì quan trọng hơn.

Trong Tân Ước không còn đoạn nào nói về Mátthêu. Sau khi Chúa lên trời, ông đi rao giảng tin mừng. Papias, Giám Mục Hiérapolis sinh năm 70 và vào năm 125 đã viết cuốn “Cắt nghĩa các Lời Chúa” đã nói đến thánh Mát-thêu và Hésèbe nói “Mát-thêu đã viết danh sách các phép lạ Chúa làm và mỗi lời Chúa nói được giải thích theo tài năng của Ông.” Người viết bằng tiếng Araméen và sau đó vào năm 80, bản ấy được dịch ra tiếng Hy Lạp và lưu lại cho đến nay. Tuy ra sau Phúc Âm thánh Marcô, Phúc Âm Mát-thêu mở đầu Tân Ước. Viết cho người Do Thái, Mát-thêu cho thấy những gì Cựu Ước tiên báo đã ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu.

Theo nhiều văn kiện lịch sử để lại thì thánh Mát-thêu đã giảng cho người Do Thái 15 năm sau ngày Chúa lên trời, rồi người đi rao giảng cho xứ Ethiopie, Ba Tư, Parthes và sau cùng người đã được lãnh phúc tử đạo tại Tarium thuộc xứ Ethiopi.

Thánh Mát-thêu thường được coi như là thánh quan thầy những nhà trí thức Công Giáo.

Lời Bàn

Trong hoàn cảnh bất thường, Ðức Kitô đã chọn một trong những người làm nền tảng cho Giáo Hội, mà qua công việc làm của ông, những người khác nghĩ rằng ông không đủ thánh thiện với chức vụ đó. Nhưng ông đã thành thật thú nhận mình là một người tội lỗi mà Ðức Kitô đã đến để kêu mời. Ông đã thật tình nhận biết chân lý khi ông nhìn thấy Ngài. “Và ông đã đứng dậy đi theo Ngài” (Mt. 9:9b).

Lời Trích

Chúng ta mường tượng ra Thánh Mátthêu, sau biến cố kinh khủng bao quanh cái chết của Ðức Kitô, cùng với các tông đồ đi đến nơi mà Ðức Kitô Phục Sinh đã triệu tập họ. “Khi họ trông thấy Ngài, họ đã thờ lạy, nhưng vẫn hồ nghi. Và Ðức Kitô đến gần và nói với họ [chúng ta nghĩ Ðức Kitô sẽ nhìn đến từng người, và Mátthêu lắng nghe một cách phấn khởi như các tông đồ khác], ‘Mọi quyền năng trên trời và dưới đất đã được ban cho Thầy. Bởi thế, hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, hãy dạy bảo họ tuân giữ những gì mà Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy sẽ luôn ở với anh em, cho đến tận thế” (Mt. 28:17-20).

Thánh Mátthêu không bao giờ quên được ngày ấy. Ngài đã loan truyền Tin Mừng trong suốt cuộc đời. Ðức tin của chúng ta dựa vào chứng tá của ngài và các tông đồ.

 

23.Chân dung Thánh Mát-thêu Tông Đồ--Phêrô Phạm Văn Trung

Mátthêu là con trai của Anphê, sinh ra tại Caphácnaum, một khu dân cư trên bờ Biển Galilêa, khoảng một năm sau khi Chúa Giêsu ra đời. Một hôm, Chúa Giêsu đang đi và thấy một người thu thuế tên là Mátthêu đang ngồi ở trạm thu thuế, bèn nói với người đó: “Hãy theo tôi”. Với lời kêu gọi đơn giản này, Mátthêu đứng dậy đi theo Ngài, và trở thành một trong mười hai tông đồ của Ngài. (Mátthêu 9: 9-13 = Máccô 2: 13-17 = Luca 5: 27-32)

Những người thu thuế trong những ngày đó là những người bị xã hội ruồng bỏ. Những người Do Thái sùng đạo xa tránh họ vì họ thường không trung thực. Công việc không có lương và họ được cho là kiếm lợi bằng cách lừa những người mà họ thu thuế. Những người Do Thái yêu nước và theo chủ nghĩa dân tộc ghét họ vì họ là tay sai của chính quyền La Mã, những kẻ chinh phạt, và căm thù họ với một lòng căm thù gấp bội nếu họ (giống như Mátthêu) là người Do Thái, vì họ đã đi theo kẻ thù, đã phản bội dân tộc của họ vì tiền. Vì vậy, trong các Tin Mừng, chúng ta thấy những người thu thuế (công chức) được đề cập đến như một thứ điển hình của những người tội lỗi và bị khinh miệt. Mátthêu đưa nhiều cộng sự cũ của mình đến gặp Chúa Giêsu, và những người bị xã hội ruồng bỏ nói chung đã cho thấy rằng tình yêu thương của Chúa Giêsu đã mở rộng đến cả họ.

Sau khi được kêu gọi, Thánh Mátthêu tổ chức tiệc chào mừng Chúa Kitô, các khách mời là những người bạn bè của ngài — bao gồm cả những người thu thuế và những người tội lỗi (Mátthêu 9: 10-13). Những người Pharisiêu phản đối việc Chúa Kitô dùng bữa với những người như vậy, và Chúa Kitô đã đáp lại, "Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà là những người tội lỗi," tóm lại đó sứ điệp cứu rỗi của Kitô hữu.

Tên "Mátthêu" có nghĩa là "món quà của CHÚA." Máccô và Luca, trong câu chuyện về ơn gọi của Mátthêu, đặt tên cho ngài là "Lêvi." Có lẽ đây là tên ban đầu của ngài, và ngài đã nhận được một cái tên mới từ Chúa Giêsu khi trở thành môn đồ. Người ta cũng cho rằng ngài đơn giản chỉ là một thành viên của chi tộc Lêvi.

Định nghĩa và ý nghĩa của các Vị Thánh Bảo trợ là gì và tại sao những vị này được chọn để trở thành thánh bảo trợ cho các lý tưởng sống, nghề nghiệp và quốc gia?

Thuật ngữ 'Đấng bảo trợ' được sử dụng trong các tôn giáo Kitô, bao gồm cả Công giáo La Mã, để mô tả những người đàn ông và phụ nữ thánh thiện và đạo đức, những vị này được coi là người bảo vệ một nhóm người cụ thể hoặc của một quốc gia. Hầu hết mọi lý tưởng sống, quốc gia, nghề nghiệp hoặc sở thích đặc biệt đều có một đấng thánh bảo trợ. Thánh Mátthêu là người bảo trợ cho ngành kế toán, chủ ngân hàng, nhân viên hải quan, quản lý tiền bạc, môi giới chứng khoán, thuế vụ.

Sau khi Chúa Kitô tử nạn, Phục sinh và Thăng thiên, Thánh Mátthêu được cho là đã rao giảng Phúc âm cho người Do Thái trong 15 năm, trong thời gian đó ngài đã viết Phúc âm bằng tiếng Aram, trước khi đi sang phía đông để tiếp tục nỗ lực truyền giáo. Trình thuật Sách Tin Mừng của thánh Mátthêu kể lại những câu chuyện tương tự như những câu chuyện được tìm thấy trong ba sách Tin Mừng khác, vì vậy các học giả chắc chắn về tính xác thực của nó. Sách của ngài là sách đầu tiên trong bốn sách Tin mừng trong Tân Ước. Theo truyền thống, người ta cho rằng ngài đã khởi hành đến các vùng đất khác để thoát khỏi sự bách hại vào khoảng sau năm 42 SCN. Theo nhiều truyền thuyết khác nhau, ngài đã đến Parthia và Ba Tư, hoặc Ethiopia. Giống như tất cả các tông đồ, ngoại trừ Thánh Gioan tác giả Tin Mừng, ngài đã tử đạo, nhưng các tường thuật về cuộc tử đạo của ngài rất khác nhau. Tất cả đều cho rằng việc tử đạo của ngài xảy ra ở một nơi nào đó ở phương Đông, nhưng, như Từ điển Bách khoa Công giáo ghi nhận, "người ta không biết liệu ngài có bị thiêu, bị ném đá hay bị chặt đầu hay không”.

Vì có bí ẩn xung quanh cuộc tử đạo của Thánh Mátthêu, cho nên ngày lễ của thánh nhân không được thống nhất trong các Giáo hội phương Tây và phương Đông. Ở phương Tây, lễ của ngài được tổ chức vào ngày 21 tháng 9; ở phương Đông, vào ngày 16 tháng 11. Nguồn gốc của Ngày Lễ: hầu hết các vị thánh đều có những ngày lễ được chỉ định đặc biệt và gắn liền với một ngày cụ thể trong năm và những ngày này được gọi là ngày lễ của các vị thánh. Các ngày lễ đầu tiên bắt nguồn từ tập tục rất sớm của Kitô giáo, đó là tưởng nhớ các vị tử đạo hàng năm, vào ngày các ngài qua đời, đồng thời kỷ niệm ngày sinh của các vị vào thiên đàng.

Sách Tin Mừng của Mátthêu được viết ra để chứng minh rằng Chúa Giêsu Kitô là Đấng Mêsia mà Thiên Chúa đã hứa, là Vua của cả trời đất, và để làm rõ Vương quốc của Thiên Chúa. Đó là mối liên kết giữa Cựu ước và Tân ước, tập trung vào sự ứng nghiệm lời tiên tri. Mátthêu không viết chỉ để ghi lại các sự kiện trong cuộc đời của Chúa Giêsu, mà là để trình bày bằng chứng không thể phủ nhận rằng Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ đã được hứa, là Đấng Mêsia, Vua các vua và Chúa các chúa.

Tin Mừng theo Mátthêu bắt đầu bằng gia phả của Chúa Giêsu, sau đó là ngày sinh, phép rửa và sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Các phép lạ của Chúa Kitô được ghi lại trong Mátthêu bộc lộ quyền năng và căn tính thật của Chúa Giêsu. Đó là một thông điệp quan trọng vào thời điểm mà hầu như mọi người đều mong đợi sự trở lại của một đấng cứu thế như một chiến binh vung kiếm. Các nhân vật chính trong phúc âm của Mátthêu: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse, Gioan Tẩy giả, 12 môn đồ, các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái, Caipha, Philatô, Maria Mađalêna.

Tin Mừng theo thánh Mátthêu thường được miêu tả với hình ảnh một sinh vật giống như sư tử, là một trong bốn sinh vật sống trong sách Khải Huyền 4:7, trong đó viết, "Sinh vật sống đầu tiên giống sư tử, sinh vật thứ hai giống bò đực, sinh vật sống thứ ba có khuôn mặt người, và sinh vật sống thứ tư sinh vật giống như một con đại bàng bay".

Thật là hữu ích nếu bạn có thể nhận ra thánh Mátthêu trong các bức tranh, cửa sổ kính màu được chiếu sáng, kiến ​​trúc và các hình thức nghệ thuật Kitô giáo khác. Các mô tả nghệ thuật phản ánh cuộc sống hoặc cái chết của thánh Mátthêu, hoặc một khía cạnh của cuộc sống mà ngài gắn bó mật thiết nhất. Thánh Mátthêu được thể hiện trong Nghệ thuật Kitô giáo với một chiếc ví hoặc túi đựng tiền. Thỉnh thoảng chúng ta thấy ngài ngồi ở bàn làm việc, trải tiền ra trước mặt. Với tư cách là tác giả Tin Mừng, ngài xuất hiện với cuốn sách, cây viết, bút mực, và nói chung là một thiên thần đang đứng đọc Tin Mừng cho ngài. Hình tượng truyền thống thường cho thấy Thánh Mátthêu với một bao tiền và sổ sách tài khoản, cho thấy cuộc sống trước kia của ngài như một người thu thuế, và một thiên thần ở trên hoặc phía sau ngài, cho thấy cuộc sống mới của ngài với tư cách là sứ giả của Chúa Kitô.

Chúng con cảm tạ Cha trên trời về chứng tá của vị tông đồ và là tác giả Tin Mừng Mátthêu về Con của Cha, là Đấng Cứu Độ chúng con; và chúng con cầu xin, theo gương của ngài, chúng con có thể sẵn sàng vâng theo lời mời gọi đi theo Chúa. Xin ban cho chúng con ân sủng để nhận ra Chúa Giêsu đang sống trong Hội Thánh của Ngài và làm theo lời Ngài dạy trong cuộc sống của chúng con trên trần gian, để chúng con được sống mãi mãi với Ngài trên thiên đàng.

 

24.Thánh Mátthêo Tông đồ, tác giả Tin Mừng--Lm Giacôbê Tạ Chúc

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt nam, có nhiều vị vua chúa được gán cho nhãn hiệu: “ cõng rắn cắn gà nhà”, hay là: “nối giáo cho giặc” như Lê Chiêu Thống, hay Nguyễn Ánh… Người dân bao giờ cũng căm ghét họ, vì họ cộng tác với ngọai bang để làm khổ anh em đồng bào của mình. Có lẽ viên thu thuế Mátthêô cũng bị nằm trong tầm ngắm này. Là nhân viên thuế vụ, Mátthêô làm việc với ngọai bang là Đế quốc Rôma đang cai trị dân tộc Dothái, sưu cao thuế nặng, ức hiếp dân lành và làm giàu trên mồ hôi, nước mắt của nhân dân. Những người thu thuế đều bị dân Do thái liệt kê vào hạng: “phường tội lỗi”.

Cuộc đời của Mátthêô

Cả ba thánh sử trong tin mừng nhất lãm đều tường thuật lại việc Chúa Giêsu kêu gọi thánh nhân, khi Ngài đang còn là một nhân viên thu thuế. Mátthêô dùng đúng tên của mình:

“Bỏ nơi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mátthêô đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi! “Ông đứng dậy đi theo Người”(Mt 9, 9). Còn Márcô và Luca thì gọi tên là Lêvi(Mc 2,13-14; Lc 5,27-28). Như vậy, tin mừng nhất lãm cho chúng ta biết thánh nhân làm nghề thu thuế, gốc người Capharnaum, con của ông Alphée, và là anh em với ông Giacôbê. Theo sử gia Eusêbe thì thánh nhân đã chịu tử đạo ở Éthiopie.

Matthêô là một tội nhân

Thật vậy cứ nhìn vào thái độ của những người đi theo Chúa thì biết họ nghĩ gì về con người của ông. Đức Giêsu vào dùng bữa tại nhà Mátthêô, điều này làm cho đám đông kịch liệt lên án: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?”(Mt 9, 11). Theo cái nhìn của những người Do thái thì Mátthêô đúng là một tội nhân, một con người xấu cần phải tránh tiếp xúc, vì nếu giao tiếp với họ thì sẽ thành ô uế. Chúa Giêsu không phản kháng lại truyền thống về quan niệm: sạch – dơ, của những người Do thái, Ngài lại càng không biện minh cho những việc làm của mình. Trái lại, Chúa Giêsu còn mời gọi những người theo Chúa hãy có cái nhìn siêu việt, và độ lượng hơn đối với những người tội lỗi: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”(Mt 9, 12), rồi Ngài khẳng định: “Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9, 13).

Mátthêô là một thánh nhân

Sau cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu, Mátthêô đã bỏ nghề thu thuế, một nghề béo bở, dễ gặt hái ra tiền và đi theo Chúa. Từ kinh nghiệm sống với Chúa Giêsu, thánh nhân đã thu thập được những tài liệu quý báu cho quyển Tin mứng thứ nhất của Ngài. Đọc phúc âm của Ngài, mỗi người sẽ dễ dàng nhận ra một sự xuyên suốt của lịch sử cứu độ, từ cựu ước sang tân ước. Mátthêu trình bày Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Con vua Đavít, Con Người. Chúng ta dễ dàng nhận thấy điều này, bởi vì đa số độc giả của Mátthêô là người Do Thái, và là người Kitô hữu gốc Do thái. Phụng vụ ngày lễ kính nhớ Ngài, đã có từ thế kỷ thứ V, rồi đến thế kỷ thứ VIII, lễ kính được thiết lập.

Đi theo Chúa luôn là một thách đố của niềm tin và lòng yêu mến, con người trước khi trở thành thánh nhân luôn là một tội nhân. Là tội nhân để khiêm nhường và chạy đến với chúa, đón nhận lòng xót thương vô hạn của Ngài. Là một thánh nhân để chuyển cầu cho những ai chạy đến với mình, như cuộc đời của thánh Tông đồ Mátthêô.

 

25.Thánh Mátthêu tông đồ--Lm. Anthony Trung Thành

Tình thương biến đổi

Thánh Mathêu là một trong số 12 tông đồ. Trước khi theo Chúa Giêsu, ông có tên là Lêvi. Hoàn cảnh Chúa gọi ông làm tông đồ được tường thuật lại trong đoạn tin mừng chúng ta vừa nghe (Mt 9,9-13). Hôm ấy, ông đang ngồi ở bàn thu thuế. Chúa Giêsu đi ngang qua đó. Ngài gọi ông: “Hãy theo Ta”. Lập tức, ông đứng dậy và đi theo Ngài. Qua một sự kiện nhưng có hai thái độ khác nhau:

1. Thái độ đáp trả của Thánh Mathêu: Ông đang ngồi thu thuế. Ông đang hái ra tiền. Có được một nghề như vậy không phải dễ. Nếu không phải con cha cháu ông thì cũng phải mất một đống tiền mới có được. Bây giờ từ bỏ nó, đồng nghĩa với từ bỏ một mối lợi lớn. Rồi đây tương lai sẽ ra sao? Nếu là người làm kinh tế, chắc chắn phải so đo tính toán thiệt hơn. Nhưng ở đây ta thấy, Mathêu không chần chừ, không so đo tính toán. Nghe tiếng Chúa gọi. Ông “đứng dậy” và đi theo Người. Động từ “đứng dậy” nói lên tất cả. Ông dứt khoát từ bỏ cái quá khứ và hướng tới tương lai.

Quá khứ ở đây là một quá khứ đầy tội lỗi. Vì nghề thu thuế thời đó là làm việc cho quân ngoại bang, cọng rắn cắn gà nhà, nên được liệt kê vào phường tội lỗi. Tương lai ở đây là sự gắn kết với Thầy Giêsu và sứ mạng mà Thầy giao phó. Đúng vậy, từ đó Mathêu đã một lòng gắn bó với Thầy trên mọi nẻo đường truyền giáo. Đặc biệt, thánh nhân đã viết cuốn tin mừng mang tên Ngài. Tin mừng theo Thánh Mathêu. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, thánh nhân đã lấy chính máu mình để làm chứng cho lời mình rao giảng.

2. Thái độ của những người biệt phái: Khi thấy Chúa Giêsu gọi Mathêu, đến nhà ông dùng bữa, những người biệt phái thắc mắc với các môn đệ rằng: "Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?". Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu khẳng đinh sứ mạng của Ngài. "Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải hy lễ. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi".

Thật ra, mọi người đều có tội. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta”(1Ga 1,8). Như vậy, những người biệt phái tự cho mình là người công chính, tức là họ tự lừa dối mình. Họ tự đặt mình làm quan án để xét xử kẻ khác. Tệ hại hơn, họ không nhận ra thân phận của mình là kẻ tội lỗi để được Chúa cứu. Đó cũng là căn bệnh trầm kha của nhiều người qua mọi thời đại. Có tội nhưng không nhận mình là tội nhân. Thậm chí, còn cho mình là người công chính. Họ sống trong sự kiêu ngạo, nên không bao giờ được cứu độ.

3. Tình thương biến đối

Ơn gọi của Thánh Mathêu là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm Tình Thương. Tình thương quảng đại của Chúa Giêsu đã biến đổi con người của Mathêu. Đây không phải là lần duy nhất Chúa Giêsu kêu gọi người tội lỗi. Trong suốt ba năm rao giảng Tin mừng, Chúa kêu gọi, gặp gỡ, biến đổi biết bao nhiêu con người: Giakêu, Maria Mađalêna… Các dụ ngôn: người Cha nhân hậu, người đàn bà đánh mất đồng bạc, con chiên lạc… nói lên tình thương của một người mục tử luôn khắc khoải đi tìm kiếm “con chiên lạc”. Trước khi về trời, Chúa còn lập Bí tích Hoà giải và chức linh mục để thay mặt Chúa tha tội cho loài người. Từ đó tới nay, biết bao nhiêu tội nhân đã trở thành thánh nhân. Ôi, thật kỳ diệu !

Ước gì tất cả các mục tử trong Giáo Hội đều có tình thương như Chúa Giêsu. Tình thương quảng đại. Tình thương tha thứ. Tình thương kiếm tìm. Tình thương biến đổi. Biết quan tâm đến những người tội lỗi, tạo cơ hội để họ được trở về với Chúa. Ước gì mọi người chúng ta, nhất là những kẻ đang sống trong đam mê tội lỗi, biết “đứng dậy” từ bỏ quá khứ, thay đổi bản thân, trở thành những người có ích cho Chúa, cho Giáo Hội và xã hội.

“Lạy Chúa, Chúa đã mở lượng từ bi khôn tả chọn một người thâu thuế là Mát-thêu làm tông đồ rao giảng Tin Mừng. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà cho chúng con biết noi gương người, luôn hết tình gắn bó với Chúa Ki-tô là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen” (X. Lời nguyện lễ thánh Mathêu tông đồ)

 

26.Thánh Mátthêô Tông đồ--Giuse Trần Văn Lịch SDB

Tiếng gọi: “Anh hãy theo tôi!” của Đức Giêsu đã khiến cho Mát-thêu, người thu thuế, người bị xã hội coi thường, trở nên người bạn, người môn đệ của Ngài. Tiếng gọi ấy chắc hẳn phải trìu mến và tha thiết lắm thì người thu thuế kia mới bỏ lại mọi sự, đứng dậy mà đến với Đức Giêsu.

Cuộc sống thường ngày, mỗi người chúng ta cũng thốt lên không biết bao nhiêu lời. Có bao nhiêu lời chúng ta thốt lên với sự trìu mến? Có bao nhiêu lời mang lại lợi ích cho người khác? Có bao nhiêu lời chúng ta thốt lên giúp chúng ta xây dựng tình bạn chân thành? Có bao nhiêu lần chúng ta dành ra ít phút để nói chuyện với những người nghèo, những người yếu đuối, những người cô đơn, những người ngồi ở ven đường?

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta, những người Kitô hữu hành động như Thầy mình: quan tâm đến những người mà cách này hay cách khác họ không hay ít được người khác quan tâm. Cùng nhau giành sự quan tâm đến những người xung quanh để mỗi ngày chúng ta trở nên gần với Thầy Giêsu hơn và có nhiều bạn bè chân thành hơn. Với những cử chỉ nhỏ bé của lòng trìu mến, chúng ta sẽ tăng tình hiệp thông và bớt đi sự cô độc trong thế giới này.

 

27.Không Vô Tích Sự--Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Cả ba Tin Mừng Nhất lãm đều tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu gọi ông Matthêu (Lêvi) khi ông đang còn làm việc ở trạm thu thuế (x.Mt 9,9-13; Mc 2,13-17; Lc 5,27-32). Lúc bấy giờ ông mới đi theo Chúa Giêsu như nhiều môn đệ khác. Sau đó Chúa Giêsu mới chọn trong số các môn đệ lấy 12 vị đặt làm Tông Đồ, trong đó có Matthêu (x.Mt 10,1-4; Mc 3,13-19; Lc 6,12-16).

Chúa Giêsu đến nhà ông Matthêu dùng bữa và khi có nhiều người phái Pharisêu càm ràm thì Người đã nói rằng Người đến không để kêu gọi người công chính nhưng để kêu gọi người tội lỗi và rồi Người biểu họ hãy đi và học cho biết ý nghĩa câu Lời Chúa: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần tế lễ”. Như thế chúng ta có thể khẳng định rằng không một ai, kể cả các môn đệ và các tông đồ thực là người công chính đúng nghĩa.

Ngoại trừ Mẹ Maria được Chúa gìn giữ thì mọi người thảy đều “sinh ra trong tội” nghĩa là chịu ảnh hưởng bởi “nguyên tội” theo chiều kích xã hội. Tuy nhiên tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa vượt quá “tình trạng tội lỗi của con người” nên Giáo hội không ngần ngại cất lên lời ca trong đêm Vọng Phục Sinh: “Ôi tội hồng phúc”. Và sự kiện Chúa Giêsu kêu gọi một người mà theo nhãn quan của dân Do Thái thời bấy giờ là tội lỗi gấp đôi người thường khiến chúng ta thêm xác tín chân lý này.

Tuy nhiên khi chọn Matthêu vào hàng ngũ Tông đồ chúng ta lại nhận biết thêm một chân lý này đó là ân sủng và tình thương của Thiên Chúa không loại bỏ các điều kiện tự nhiên phần phía con người. Chúa muốn mỗi người chúng góp phần của mình để tình yêu của Người được hiển lộ cho chúng ta và cho tha nhân.

Trong tập thể nhóm Mười Hai thì hầu hết là thất học, không biết đọc, không biết viết. Dĩ nhiên Matthêu là trường hợp ngoại lệ. Với cái nghề thu thuế thì chắc chắn ngài phải biết đọc biết viết. Những trang Tin Mừng ngài để lại còn cho chúng ta biết cách nào đó tính cách của ngài. Xem ra ngài là người tính khí khá kỹ lưỡng vì viết có trước có sau, có tích có tuồng (trích dẫn Cựu Ước). Văn phong, cú pháp của ngài cũng cân đối nhịp nhàng, chẳng hạn như “tám mối phúc thật”... Như thế có thể phỏng đoán rằng Chúa Giêsu cũng cần một người biết chữ và cẩn thận để lo quản lý việc chung bằng giấy tờ. Ngày nay chúng ta có thể xem đó như là “ngành kế toán – tài chính”. Sự phỏng đoán thì có thể có phần trăm thiếu chính xác nhưng điều chắc chắn là Chúa Giêsu đã không để ngài giữ việc quản lý, giữ tiền bạc, vì đó là việc đã giao cho ông Giuđa Iscariô.

Mừng lễ kính thánh tông đồ Matthêu, Kitô hữu chúng ta vốn thường đề cao lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc Chúa Giêsu đã chọn gọi người tội lỗi gấp đôi người thường để đi rao giảng Tin Mừng. Tuy nhiên xin đừng quên rằng Thiên Chúa còn muốn mỗi người chúng ta góp phần riêng của mình. Không một ai là người vô tích sự. Ước gì chúng ta nhận biết nén bạc Chúa trao cho mình là gì qua các khả năng để rồi sử dụng nó cho hữu hiệu vào công trình cứu độ của Thiên Chúa hầu làm vinh Danh Chúa và mưu ích cho hạnh phúc vĩnh cửu của con người.

 

28.Tông Đồ Matthêu--ĐGH Benedict XVI

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh chuyển dịch theo Zenit ngày 30/8/2006)

Phải chân nhận rằng hầu như không thể mô tả trọn vẹn hình ảnh của thánh Matthêu, vì tín liệu về ngài hiếm có và không đầy đủ. Những gì chúng ta có thể làm đó là mô tả không nhiều lắm về tiểu sử của ngài nhưng những gì được Phúc Âm cống hiến cho chúng ta.

Ngài bao giờ cũng có tên trong danh sách 12 vị được Chúa Giêsu tuyển chọn (x Mt 10:3; Mk 3:18; Lk 6:15; Acts 1:13). Tên của ngài, theo tiếng Do Thái, có nghĩa là ‘tặng ân của Chúa’. Cuốn Phúc Âm đầu tiên trong sổ bộ thánh kinh là cuốn phúc âm mang tên của ngài, cho chúng ta thấy trong danh sách 12 Vị ngài có một tính chất rất đặc biệt, đó là ‘viên thu thế’ (Mt 10:3).

Đó là lý do ngài được đồng hóa với con người ngồi ở phòng thuế, kẻ được Chúa Giêsu kêu gọi theo Người. ‘Khi Chúa Giêsu đi ngang qua đó Người thấy một người tên là Mathêu đang ngồi ở phòng thuế, và Người nói cùng anh rằng: ‘Hãy theo Tôi’. Và ngài đã chỗi dạy theo Người’ (Mt 9:9).

Thánh Marcô (x 2:13-17) và Luca (x 5:27-30) trình thuật lời kêu gọi con người ngồi ở phòng thuế, nhưng các vị gọi ngài là ‘Levi’. Việc tưởng tượng ra cảnh được diễn tả trong Phúc Âm Thánh Mathêu 9:9 cũng đủ để nhớ đến bức họa vĩ đại của Carabaggio, được giữ ở Rôma đây, nơi Thánh Đường Thánh Louis của Pháp.

Một chi tiết mới về thân thế của ngài được các Phúc Âm nhắc tới, đó là, trong đoạn Phúc Âm, trước trình về về lời Chúa Giêsu kêu gọi ngài, có nói tới chi tiết về phép lạ Chúa Giêsu đã làm ở Capernaum (x Mt 9:1-8; Mk 2:1-12), liên quan tới Hồ Tibêria, gần Biển Galilêa (x. Mk 2:13-14).

Người ta có thể suy diễn là Thánh Mathêu đã thực hiện nhiệm vụ của một viên thu thuế ở Capernaum, ở ngay ‘bên biển’ (Mt 4:13), nơi Chúa Giêsu là một vị khách thường xuyên của gia đình Thánh Phêrô.

Căn cứ vào những nhận định sơ sài từ Phúc Âm này, chúng ta có thể thực hiện một số chia sẻ như sau. Trước hết là Chúa Giêsu đã đón nhận trong nhóm bạn hữu thân thiết của mình một con người, theo quan niệm ở Do Thái thời ấy, được coi là một tội nhân công khai.

Thật ra Mathêu chẳng những là nhân viên quản trị về tiền bạc, một việc được coi là không tinh sạch vì nó xuất phát từ con người xa lạ với thành phần dân Chúa, mà còn hợp tác với thẩm quyền ngoại bang, tham lam bẩn thỉu, có thể ấn định việc cống nộp một cách tùy tiện.

Vì những lý do đó, có vài lần các Phúc Âm đã đề cập chung ‘thành phần thu thuế và tội lỗi’ (Mt 9:10; Lk 15:1), ‘thành phần thu thuế và gái điếm’ (Mt 21:31). Ngoài ra, các Phúc Âm còn thấy nơi thành phần thu thuế một mẫu gương tham lam nữa (x Mt 5:46: họ chỉ yêu thương những ai thương yêu họ) và đã đề cập đến một người trong họ là Gia Kêu, như ‘người trưởng ban thu thuế, và giầu có’ (Lk 18:11).

Căn cứ vào những chi tiết ấy vấn đề cần phải chú ý là Chúa Giêsu không loại trừ một ai ra khỏi tình thân hữu của Người. Hơn thế nữa, chính lúc Người ngồi ở bàn ăn trong nhà viên Thu Thuế Mathêu, trả lời những ai cảm thấy ngứa mắt trước sự kiện qui tụ thường xuyên song bất xứng của Người, Người đã tuyên bố điều quan trọng này là ‘Những ai khỏe mạnh thì không cần đến thày thuốc, chỉ có những ai yếu bệnh mới cần; Tôi đến không phải để kêu gọi thành phần công chính mà là tội nhân’ (Mk 2:17).

Lời loan báo tốt đẹp này của Phúc Âm thực sự là ở chỗ đó, ở chỗ Thiên Chúa cống hiến ân sủng của Ngài cho thành phần tội nhân! Ở một đoàn khác, bằng một dụ ngôn nổi tiếng về người Pharisiêu và người thu thuế cùng lên đền thờ cầu nguyện, Chúa Giêsu thậm chí cho thấy một người thu thuế vô danh nêu gương khiêm nhượng tin tưởng vào tình thương thần linh: Trong khi người Pharisiêu ngạo nghễ về tình trạng trọn lành luân lý của mình, thì ‘người thu thuế, đứng ở đằng xa, không dám ngước mắt lên trời, chỉ biết đấm ngực mà rằng: Lạy Chúa, xin thương đến tôi là kẻ tội lỗi!’

Và Chúa Giêsu nhận định rằng: ‘Thày cho các con biết người này về nhà được công chính chứ không phải người kia; vì ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên’ (Lk 18:13-14).

Bởi thế, qua hình ảnh Mathêu, các Phúc Âm cho chúng ta thấy một cái ngược đời thực sự, đó là ai có vẻ xa vời nhất với thánh đức lại có thể trở thành một mô phạm trong việc chấp nhận lòng thương xót Chúa, giúp họ có thể thoáng thấy được những hiệu năng của lòng xót thương này nơi cuộc sống của họ.

Về vấn đề này, Thánh Gioan Chrysostom đã có một nhận định đáng kể. Ngài nhận định rằng nơi trình thuật về ơn gọi thì chỉ có một vài người được kêu gọi là có liên quan tới công việc họ đang hành sự. Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan đã được kêu gọi khi các vị đang đánh cá; Mathêu được kêu gọi khi anh đang thu thuế.

Chúng là những công việc có tầm vóc không quan trọng là bao, Thánh Chrysostom nhận định: ‘không còn gì đáng ghê tởm hơn là viên thu thuế và không gì tầm thường hơn là việc đánh cá’ (“In Matth. Hom”: PL 57, 363).

Bởi thế, lời kêu gọi của Chúa Giêsu cũng vươn tới cả thành phần ở tầm cấp thấp kém, thành phần làm những việc tầm thường của mình.

Một ý tưởng khác cũng xuất phát từ trình thuật Phúc Âm, đó là việc Mathêu tức khắc đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu: ‘Ông đã đứng lên đi theo Người’. Lời vắn gọn của câu này nhấn mạnh đến tính cách tức khắc nơi việc Mathêu đáp lại lời kêu gọi.

Đối với ông thì điều này có nghĩa là từ bỏ hết mọi sự, nhất là một nguồn lợi tức vững chắc, mặc dù thường bất chính và bất xứng. Hiển nhiên là Mathêu hiểu rằng mối thân tình với Chúa Giêsu không cho phép anh tiếp tục những hoạt động không đẹp lòng Chúa.

Người ta có thể dễ dàng trực giác thấy rằng vấn đề này cũng có thể được áp dụng cho hiện nay nữa, ở chỗ, ngày nay người ta cũng không thể chấp nhận việc gắn bó với những gì bất xứng hợp với việc theo Chúa Giêsu, như những thứ giầu sang gian dối. Có lần Người đã công khai phán rằng: ‘Nếu anh muốn nên trọn lành thì hãy về bán những gì mình có mà cho kẻ khó để có được nước trời; rồi hãy đến mà theo Tôi’ (Mt 19:21).

Đó chính là những gì Mathêu đã làm: Anh đã chỗi dậy đi theo Người! Nơi việc ‘đứng dậïy’ này người ta có thể thấy được việc ly thoát với tình trạng tội lỗi, đồng thời, thấy được cả việc ý thức gắn bó với một sự sống mới, chính trực, hiệp thông với Chúa Giêsu.

Sau hết, chúng ta nhớ lại rằng truyền thống của Giáo Hội sơ khai đồng ý với việc gán tác giả quyền của cuốn Phúc Âm thứ nhất cho Mathêu. Việc này được bắt đầu với Papias, vị giám mục của Gerapolis ở Phrygia, vào khoảng năm 130.

Vị giám mục này viết rằng: ‘Mathêu đã viết những lời của Chúa Giêsu bằng tiếng Do Thái, và mỗi người giải thích những lời ấy tuỳ họ có thể’ (in Eusebius of Caesarea, “Hist. eccl.”, III, 39, 16). Sử gia Eusebius còn thêm chi tiết là: ‘Mathêu, vị trước đó đã giảng dạy cho người Do Thái, khi quyết định đi đến với cả các dân tộc khác nữa, thì đã viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình Phúc Âm ngài đã loan truyền: Nhờ đó ngài đã thay thế, bằng bản viết của mình, những gì họ, thành phần ngài lìa bỏ, bị mất mát đi bởi việc ra đi của ngài’ (Ibid., III, 24, 6).

Chúng ta không còn bản Phúc Âm được Thánh Mathêu viết bằng tiếng Do Thái hay Aramaic, mà là bản Phúc Âm bằng tiếng Hy Lạp là bản được lưu lại cho tới chúng ta, chúng ta vẫn tiếp tục nghe, ở một nghĩa nào đó, tiếng nói thuyết phục của người thu thuế Mathêu, vị mà khi trở thành tông đồ đã tiếp tục loan truyền cho chúng ta tình thương cứu độ của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy lắng nghe sứ điệp này của Thánh Mathêu, chúng ta hãy suy niệm sứ điệp ấy luôn mãi để chúng ta có thể cương quyết dứt khoát chỗi dạy theo Chúa Giêsu.

 

29.Với tới tầm cao của ân sủng--Lm. Minh Anh

 “Hãy theo tôi”.

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay là câu chuyện của một tầm cao ân sủng; Matthêu kể lại câu chuyện đời mình, câu chuyện của lòng thương xót, cũng là câu chuyện của một cuộc đời được trời cao đoái đến để có thể với tới tầm cao của ân sủng. Đang ngồi tại bàn thu thuế giữa sổ sách và tiền bạc, Matthêu sững sờ với ánh mắt và lời gọi “Hãy theo tôi” của một con người có tên Giêsu; ông đứng dậy, đi theo Ngài. Thật đơn giản, nhẹ nhàng.

Đó là một lời mời; đúng hơn, một mệnh lệnh. Một mệnh lệnh đến ngạt thở khiến bản thân Matthêu nằm mơ cũng chẳng dám nghĩ tới. Mệnh lệnh đó thật huyền nhiệm và mạnh mẽ đến độ có thể bứng ông ra khỏi sự an toàn giả tạo của một quá khứ mờ ám, một hiện tại bất an, đẩy ông tới một tương lai bất định; mở cho ông một chân trời mới mẻ, xa lạ mà chính bản thân Matthêu cũng không biết sẽ đi về đâu… về tận nơi vị Thầy Thuốc xót thương muốn ông trở thành; Ngài muốn ông với tới tầm cao của ân sủng.

Thánh Phaolô trong thư Êphêsô hôm nay cũng nói đến sự đa dạng của ân sủng: người làm tông đồ, kẻ làm tiên tri, người khác giảng dạy, “Mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Kitô ban cho”. Và như thế, Thánh Matthêu đã được ơn để với tới tầm cao của ân sủng khi ngài được sai đi trong tư cách tông đồ và là người viết sách Tin Mừng vốn đang lưu lại cho hậu thế muôn thu đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay khen ngợi, “Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu”.

Được gọi, Matthêu không cự nự, chẳng vùng vằng; ông không nói, ‘Thưa Thầy, tôi là người thu thuế’. Với Chúa Giêsu, thu thế thì đã sao? Với Ngài, người ấy là ai, không thành vấn đề; là thu thuế, là gian tham hay tội nhân. Từ đó, Matthêu rời bỏ sổ sách, rời luôn hòm tiền để theo Chúa, học những bài học của chim muông, của hoa đồng cỏ nội, những loài không hề tính toán cho đời sống mình; chủ của ông không còn là Hêrôđê xa hoa, con cáo gian giảo, nhưng là một con người từng bị coi là mất trí, không chỗ gối đầu và ví mình còn thua cả chim trời có tổ, con chồn có hang.

Có thể nói, sự mềm mỏng của Chúa Giêsu đã triệt tiêu trọn cả tương lai trần gian của Matthêu; đáp lại, Matthêu đã ký vào một tấm séc trống và đưa nó cho người gọi mình và dường như Chúa Giêsu đã viết vào đó mấy chữ ‘Trọn cả con người’; vì Ngài biết, phải như thế, Matthêu mới có thể với tới tầm cao của ân sủng. Chỉ bấy nhiêu, Matthêu đã chấp nhận. Sau đó, đi một bước xa hơn, có thể nói là quá đà, ông trải thảm đỏ cho Chúa Giêsu đi vào cuộc đời mình bằng cách mời Ngài về nhà dùng bữa. Người Do Thái thường chỉ mời những người thân thiết đến nhà dùng bữa; đó là dấu hiệu thắm thiết của một tình thân, tình bạn và tình yêu.

‘Trọn cả con người’ Matthêu được trao cho Chúa Giêsu. Phêrô, Anrê còn có thể trở lại nghề chài, đang khi Matthêu bị tước khỏi nghề nghiệp và không thể quay trở lại. Trong nhóm mười hai, ông không là thủ quỹ mà là Giuđa; như vậy, Matthêu đã chuyển nghề cũ vào một phụng sự mới, từ một kế toán thành một thánh sử. Tương truyền rằng, mỗi khi Matthêu viết Tin Mừng, Chúa sai thiên thần đến nhắc cho ông; vì thế, các tranh hoạ về Matthêu, thường có bóng dáng một thiên thần.

Nhờ ơn Chúa, Matthêu đã tra cứu để viết gia phả Chúa Giêsu và những con số rõ rệt: 7 dụ ngôn Nước Trời, 7 lời nguyền biệt phái, 7 lời cầu của kinh Lạy Cha, và có lẽ cả 7 mối phúc. Sẽ không ngạc nhiên khi chỉ mình Matthêu ghi lại lời này, “Phàm ký lục nào đã được thụ giáo về Nước Trời thì cũng giống gia chủ biết rút ra từ trong kho mình điều mới và điều cũ”; và cũng duy mình Matthêu ghi lại dụ ngôn kho báu và ngọc quý, người tìm thấy về bán hết của cải để mua cho được; phải chăng Matthêu ám chỉ về chính mình.

Khi nhìn bức hoạ “Ơn Gọi Của Thánh Matthêu” được tặng cho ngài, Đức Phanxicô nhớ lại ơn gọi của mình. Trong một cuộc phỏng vấn, ngài nói, “Ngón tay Chúa Giêsu chỉ vào Matthêu như thể ngón tay này chỉ vào tôi. Cử chỉ của Matthêu làm tôi xúc động, Matthêu chụp lại mấy đồng tiền, như muốn nói, “Không, không phải Ngài gọi tôi! Không, mấy đồng xu này là của tôi”. Đức Thánh Cha nói, “Và đó là tôi, một người tội lỗi được Chúa ghé mắt. Đó là điều tôi đã trả lời khi được hỏi, tôi có nhận việc được bầu chọn làm Giáo Hoàng không”. Chúng ta không ngạc nhiên khi khẩu hiệu của ngài từ lúc làm Giám Mục và nay Giáo Hoàng là “Miserando atque Eligendo”, “Thương Xót và Tuyển Chọn”. Đức Thánh Cha đã đáp trả lời mời gọi của Đấng Xót Thương bằng một đời sống khiêm hạ, khó nghèo và tín thác.

Ý thức được lòng thương xót của Chúa, Thánh Matthêu đã với tới tầm cao của ân sủng khi được uỷ thác sứ vụ tông đồ và thánh sử; cũng thế, Đức Phanxicô đã với tới tầm cao của ân sủng khi Thiên Chúa giao cho ngài trọng trách chăn dắt Giáo Hội; đến lượt chúng ta, Chúa Giêsu cũng đang cúi xuống và mời gọi, “Hãy theo tôi”, Ngài cũng ước mong chúng ta ký vào một tấm séc trống và trao cho người đã gọi mình, để Ngài cũng có thể viết vào đó mấy chữ “Trọn cả con người”. Chính Đấng Thương Xót sẽ giúp chúng ta với tới tầm cao của ân sủng, dù chúng ta ở đấng bậc nào và yếu hèn đến cỡ nào.

Chúng ta có thể cầu nguyện:

“Lạy Chúa, để có thể với tới tầm cao của ân sủng, xin cho con biết mềm mỏng với Thánh Thần; xin đừng để con quên rằng, con đang được đối xử với lòng Chúa xót thương”. Amen.

 

30.Ơn Gọi của Thánh Matthêu--Nhóm suy niệm BC

Thông thường, để xét tuyển nhân sự cho một tổ chức, công ty hay tập đoàn nào đó, người ta sẽ chọn những người vừa có kiến thức chuyên môn vừa phải có phẩm hạnh tốt. Ngoài ra người ta cũng cần một số kỹ năng mềm như giao tiếp, lãnh đạo, ngoại ngữ… Nhưng qua các trang Tin Mừng, chúng ta lại thấy, Chúa Giêsu lại có một cách tuyển chọn môn đệ rất khác. Ngài không đến các trường học, trung tâm đào tạo để tìm những sinh viên học cao hiểu rộng; nhưng Ngài đến làng chài Galiê để tìm những ngư phủ, chất phác quê mùa để làm tông đồ. Đặc biệt, bài Tin Mừng hôm nay còn cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu đến trạm thu thuế, là nơi bị người Do thái cho là tội lỗi, ô uế nhất, đáng kinh bỉ để tuyển chọn một người tên là Matthêu làm tông đồ.

Được chọn từ nơi thấp hèn, tội lỗi nhất, thánh Matthêu đúng là người thu thuế diễm phúc. Ông đươc Chúa dẫn từ trong bóng tối để đi tới ánh sáng và tự do. Trước khi Chúa gặp Matthêu, ông vẫn đang hành nghề thu thuế (x Mt 9,9), một nghề mà người Do thái xếp loại tội nhân công khai; vì làm tay sai cho ngoại bang để bóc lột dân chúng của mình bằng việc thu thuế. Cuộc đời của ông khi ấy vẫn đang bị sức nặng của tiền bạc, của dư luận xã hội giam hãm. Tự sức ông không thể nào đứng dậy và thoát ra được. Bức tranh cuộc đời ông là một màu đen bao phủ. Nhưng, khi được Chúa Giêsu đến; Ngài nhìn thấy rõ tình trạng của ông; Ngài thương ông và Ngài đã lên tiếng gọi ông “ anh hãy theo tôi” ( Mt 9,9). Ánh nhìn và lời mời gọi này Chúa Chúa Giêsu như ánh sáng chiếu vào trong bóng tối của cuộc đời Matthêu. Ông có lẽ rất ngạc nhiên vì không ngờ Chúa Giêsu không khinh thường ông như những người Dothái khác, lại còn can đảm kêu gọi ông làm môn đệ. Được Chúa kêu gọi, phản ứng của Mátthêu cũng rất can đảm. Ông lập tức đứng dậy đi theo Người. Hành động này cho thấy thái độ dứt khoát từ bỏ tình trạng của mình để đi theo Chúa. Cuộc đời của ông được giải thoát khỏi bóng tối để đi vào ánh sáng tự do là con cái và là tông đồ của Chúa.

Không chỉ kêu gọi Mathêu, Chúa Giêsu còn chấp nhận dùng bữa công khai tại nhà ông ấy, cùng với nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy Chúa Giêsu có cách hành xử khác với suy nghĩ của người Do thái đương thời, những người Pharisiêu thắc mắc hỏi các môn đệ "Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?" Đối với người Phari siêu, hành động cùng bàn ăn với người thu thuế trong nhà Matthêu là một gương mù gương xấu và là một việc làm ô uế. Thấy được thái độ xét đoán, kết án của họ, Chúa Giêsu nói với họ: hãy đi và học cho biết ý nghĩa của câu “ta muốn lòng thương xót, chứ không cần lễ tế.” Lòng thương xót của Thiên Chúa tìm đến với mọi người, tha thứ cho tất cả chứ không riêng gì những Matthêu và những người thu thuế. Chúa không cần đặt điều kiện gì ở nơi chúng ta. Ngài chỉ cần chúng ta sám hối và xin Ngài cứu giúp.

Tóm lại, qua việc chiêm ngắm lại hình ảnh ơn gọi của thánh Matthêu tông đồ, chúng ta cảm nghiệm được rằng, được trở thành môn đệ của Chúa là một diễm phúc xuất phát từ ánh nhìn đầy lòng thương xót của Chúa chứ không phải đến từ tiêu chỉ của con người. Hơn nữa, chúng ta hãy học với Chúa để nhìn tha nhân với ánh nhìn của lòng thương xót và hy vọng. Mỗi người đều có quá khứ và có tương lai, không ai là người hoàn hảo. Mỗi người cần biết nhìn vào mình và sám hối trước, đừng nhìn vào tha nhân để rồi so sánh xét đoán.

 

31.Nhìn người lầm lỡ bằng ánh mắt của Chúa--Lm. Hiền Lâm

Bài Tin Mừng hôm nay nhắc tới cách chọn gọi của Chúa Giêsu luôn xảy đến tại nơi người được gọi đang sinh sống và đồng bàn với những người tội lỗi để cứu độ họ. Chúa gọi các tông đồ nơi bờ biển, dưới cây vả… và hôm nay gọi Mátthêu khi ông còn ngồi nơi bàn giấy thu thuế, rồi sau đó về nhà tiệc tùng với “tân môn đệ”:

* Chúa gọi ta ngay nơi ta đang làm việc.

Một trong những tội bị ghét nhất từ cổ chí kim là “cõng rắn cắn gà nhà”, hay là “nối giáo cho giặc”, vì họ cộng tác với ngoại bang để làm khổ anh em đồng bào của mình. Là nhân viên thuế vụ, Mátthêu làm việc cho Rôma đang cai trị dân tộc Do-thái, sưu cao thuế nặng, ức hiếp dân lành và làm giàu trên mồ hôi, nước mắt của dân. Người Do-thái thời ấy coi kẻ thu thuế là vừa phản đạo vừa phản quốc và coi họ đứng hàng ngang với gái điếm, phải bị loại trừ bằng vạ tuyệt thông cách ly. Không ai thèm chơi với họ. Họ chỉ chơi với quân xâm lược La-mã và những tín đồ cặn bã của các hội đường. Mátthêu biết tất cả những điều ấy nhưng ông vẫn bất chấp, vì đổi lại ông được chức vụ rất hấp dẫn, đem lại của cải giàu sang.

Thế rồi, một ngày đẹp trời hôm nay, Chúa Giêsu đi ngang qua, Ngài nhìn ông, ông đang lo đếm tiền, ngước mặt lên ông định nhắc Ngài là “vô gia cư và lang thang không nghề nghiệp thì miễn thuế”… Nhưng không, Chúa Giêsu nhìn thẳng vào ông và gọi cách dứt khoát: “Anh hãy theo tôi”. Bất ngờ quá, bỏ lại tất cả, không kịp bàn giao sổ sách, ông mời luôn cả nhóm về nhà “làm tiệc tạ ơn”.

Câu chuyện ơn gọi của Matthêu lại một lần nữa khẳng định, Chúa Giêsu gọi ai thì Ngài không quan trọng đến thời điểm nào, lý lịch ra sao mà trên hết tất cả là Ngài nhìn thấy nơi họ có dám sẵn sàng bỏ hết tất cả để theo Chúa không?

Ngày hôm nay, nếu bạn đang ngồi nơi bàn giấy quyền cao lương hậu, đang vui thích với công việc đầy lợi nhuận… nếu Chúa gọi bạn bước theo ơn gọi tu trì, bạn có dám bỏ lại để theo Ngài không?

Khi phải lựa chọn giữa một bên là đức tin và lề luật Công Giáo và một bên là danh lợi vật chất, bạn có dám chọn Chúa không? Hay là đành “bỏ đạo” để không mất chức…?

Ngày hôm nay, Chúa cũng đang mời gọi bạn làm tông đồ cho Chúa. Thế nhưng, bạn có đáp lại lời mời gọi của Chúa cách thành tâm, thiện chí hay không, dám từ bỏ không, hay còn đang vướng víu bởi những của cải vật chất làm cho tâm hồn tôi trở nên nặng trĩu trước lời kêu gọi? 

Một số người được Chúa mời gọi khi còn niên thiếu, số khác được Chúa tỏ cho biết ơn gọi khi đã lớn khôn. Chúa dùng những đồng nghiệp, những liên hệ gia đình, hoặc các liên lạc xã hội để tỏ ra mục đích của Người. Chúa gọi thì không phân biệt quá khứ bạn là ai, nhưng chỉ thấy bạn từ lúc bạn bắt đầu bước theo. Cùng với ơn soi sáng cho bạn nhìn thấy ơn gọi, điều quan trọng là bạn không mặc cảm với quá khứ, mau mắn đáp trả, bỏ lại mọi sự và bước theo Chúa.

* Kêu gọi người tội lỗi.

Một bệnh viện mà chỉ nhận săn sóc cho người mạnh khỏe thì quả thật là một nhà thương không thể nào chấp nhận được; người khoẻ mạnh thì không cần đến bác sĩ… Cũng thế, Chúa Giêsu không còn là Ðấng Cứu Thế nữa, nếu Ngài chỉ muốn tiếp xúc với những con người tự phụ cho mình là công chính không cần đến Thiên Chúa.

Luật Do Thái coi ai tiếp xúc với kẻ thu thuế là đồng loã với tội lỗi và bị nhiễm uế, Chúa Giêsu vượt trên tất cả, Ngài đến đồng bàn trong bữa tiệc “tạ ơn”, “giải nghệ” và “chia tay đồng nghiệp” của Mátthêu.

Người Do Thái coi người thu thuế, một hạng người được coi là làm tay sai cho ngoại bang, làm tay sai cho Ðế Quốc La Mã thời đó, một hạng người mang tiếng ăn bẩn, tội lỗi và không tốt. Chúa lại nghĩ khác vì Chúa thấu suốt tâm can của con người.

Biệt phái, Pharisiêu, tư tế, thông luật luôn nghĩ xấu cho người khác. Chúa nói với họ:” Ta đến không để gọi những người công chính mà là gọi những người tội lỗi và “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần “. 

Đến với người thu thuế không có nghĩa là đồng loã với họ. Đến với họ, để mở cho họ con đường trở về. 

Còn bạn, bạn hãy học theo Chúa với cái nhìn bao dung và không thành kiến với mọi người. Để rồi bạn không ngần ngại đến với những người tội lỗi và đem họ về với Chúa…

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết nhìn người lầm lỡ bằng ánh mắt của Chúa. Để yêu thương và giúp nhau đến với Chúa và hòa nhập với cộng đồng. Amen.

 

32.Hãy theo Ta--Lm. Micae Võ Thành Nhân

Theo bài Tin Mừng được Giáo Hội tuyên đọc trong ngày lễ mừng kính thánh Mátthêô tông đồ hôm nay. Chúng ta nhận thấy:

-Trước khi thánh Mátthêô gặp Chúa:

+Thánh Matthêô có nghề nghiệp ổn định, đó là nghề thu thuế.

+Có tài sản của cải vật chất, có của ăn của để.

+Tội lỗi, tham ô, móc ngoặc, gian dối.

-Sau khi thánh Mátthêô gặp Chúa:

+ Ngài từ bỏ tất cả.

+Ngài tiếp đón Chúa vào nhà mình.

+Ngài giới thiệu Chúa cho những tội lỗi khác và dẫn họ đến gặp Chúa.

Như vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, với một câu nói xuất phát từ lòng từ bi, nhân hậu, thương xót của Chúa mà đã thay đổi vận mệnh của thánh Matthêô: “Hãy theo Ta” (Mt 9, 9b). Chẳng những ngài thay đổi cuộc sống, mà ngài còn giới thiệu Chúa cho những người tội lỗi khác để họ đến với Chúa, gặp gỡ Chúa, và rồi sau đó cũng thay đổi như ngài. Quả thật, câu nói từ trái tim của Chúa và thánh Mátthêô cũng đón nhân câu nói ấy nơi trái tim của ngài cho nên dẫn đến kết quả thật là quá tốt đẹp như vậy, và rồi từ trái tim ngài học được  ở Chúa, ngài cũng nói với những người tội lỗi khác bằng trái tim đó cho nên nhiều người tội lỗi đã trở về với Chúa.

Bởi thế, Chúa không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lội. Vì vậy, những người biệt phái ngày xưa và chúng ta ngày hôm nay, hãy học ở Chúa để chúng ta có một trái tim tình yêu mà cảm thông, thương xót những người tội lỗi, cầu nguyện cho họ, giúp đỡ họ để họ trở về với Chúa, và  đừng xua đuổi, xa lánh họ: “Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải là hy lễ” (Mt 9, 13).

Điều quan trọng nhất, thánh Mátthêô đã biết ơn Chúa, vì Chúa yêu thương ngài, giúp ngài đứng dậy từ vũng lầy nhơ nhớp tanh hôi tội lỗi, mà trước đó, có những đêm tối trên giường ngủ, ngài nằm gác tay trên trán, để suy nghĩ, nhìn lại cuộc đời của ngài, nghề nghiệp của ngài, với biết bao nhiêu tội lỗi ngài đã gây ra, ngài mong muốn thay đổi cuộc sống của mình, nhưng không một ai có thể giúp đỡ ngài được, chỉ có Chúa mới giúp được ngài mà thôi. Vì thế, khi ngài được gặp Chúa, Chúa tha thứ tội lỗi cho ngài, ngài quyết tâm từ bỏ con đường tội lỗi, thay đổi cuộc sống và quyết tâm theo Chúa, làm tông đồ của Chúa, sống chết vì Chúa. Cuối cùng ngài được phúc tử đạo trong khi thực hiện sứ mạng rao giảng Tin Mừng mà Chúa trao phó cho các tông đồ trước khi Chúa về trời.

Lạy Chúa, nhiều lúc chúng con trách móc Chúa, như là những lúc chúng con gặp gian nan, thử thách, khó khăn, bão giông, mưa nắng, nóng lạnh… trong cuộc sống, là vì chúng con chưa hiểu đường lối Chúa dành cho chúng con và những người anh chị em của chúng con. Xin Chúa soi lòng mở trí để chúng con hiểu và đi theo đường lối của Chúa, đừng bao giờ tỏ thái độ phản kháng, khó chịu với Chúa, nhờ đó mà chúng con bớt đi tội lỗi, bớt đi những tính hư tật xấu, đam mê xác thịt, tham sân si của chúng con và mỗi ngày chúng con sống tốt lành hơn. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 611)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 4,891)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,225)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,747)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,771)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,862)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,014)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,548)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,939)

Thứ Sáu tuần 32 thường niên.

Thứ Năm 14/11/2024 – Thứ Năm tuần 32 thường niên. – Sống giây phút hiện tại. (13/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,695)

Thứ Năm tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7