Thứ Bảy 18/05/2024 – Thứ Bảy tuần 7 Phục Sinh.– Làm chứng cho Chúa.
- In trang này
- Lượt xem: 3,580
- Ngày đăng: 17/05/2024 10:00:00
Làm chứng cho Chúa.
18/05 – Thứ Bảy tuần 7 Phục Sinh.
"Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra".
Lời Chúa: Ga 21, 20-25
Khi ấy, Phêrô quay lại, thấy môn đệ Chúa Giêsu yêu mến theo sau, cũng là người nằm sát ngực Chúa trong bữa ăn tối và hỏi "Thưa Thầy, ai là người sẽ nộp Thầy?" Vậy khi thấy môn đệ đó, Phêrô hỏi Chúa Giêsu rằng: "Còn người này thì sao?" Chúa Giêsu đáp: "Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con? Phần con, cứ theo Thầy". Vì thế, có tiếng đồn trong anh em là môn đệ này sẽ không chết. Nhưng Chúa Giêsu không nói với Phêrô: "Nó sẽ không chết", mà Người chỉ nói: "Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con".
Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, và chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thật. Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy niệm 1: Lời chứng xác thực
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ngoài Đức Giêsu và Phêrô,
còn có người môn đệ được Đức Giêsu thương mến.
Anh đã có mặt trong bữa Tiệc Ly cùng với Phêrô, đã nằm gần Thầy,
và được Phêrô nhờ hỏi Thầy xem ai là kẻ phản bội (13,23-25).
Anh đã đưa Phêrô vào dinh thượng tế khi Đức Giêsu bị bắt (18,15-16).
Anh đã cùng với Phêrô chạy ra ngôi mộ trống lúc ban mai,
nhưng anh chạy nhanh hơn, và tin trước Phêrô (20,3-10).
Khi Phêrô chối Thầy ba lần và không lộ diện nữa (18,17-18.25-27),
thì anh là môn đệ duy nhất đứng gần thập giá Đức Giêsu,
và được Ngài trao Thân Mẫu của mình để làm Mẹ của anh (19:25-27).
Trong lần Đức Giêsu tỏ mình bên bờ hồ Galilê, sau mẻ cá lạ (21,4-7),
anh là người đầu tiên nhận ra Thầy, và nói với Phêrô: “Chúa đó!”
Có vẻ hình ảnh người môn đệ được Chúa thương nổi trội hơn Phêrô.
Dù sao Simon Phêrô đã ba lần tuyên xưng tình yêu trước Thầy,
và ba lần Thầy giao cho anh chăm sóc đoàn chiên như người mục tử.
Thầy còn tiên báo cái chết tử đạo của anh,
và mời anh một lần nữa: “Hãy theo Thầy” (21,19; x. 13,36-37).
Đó là đường đời của Phêrô, một môn đệ và một mục tử.
Nhưng đâu là con đường tương lai của người môn đệ kia?
Phêrô đi theo Đức Giêsu, quay lại, thấy anh này cũng đang đi theo.
“Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” (c. 21).
Đức Giêsu đã không bảo là anh này sẽ không chết,
hay anh còn sống mãi cho đến ngày Ngài quang lâm (c. 23).
Khi cuốn Tin Mừng Thứ Tư được viết xong vào cuối thế kỷ thứ nhất,
thì người môn đệ kia đã qua đời, nhưng không được phúc tử đạo.
Như thế tiếng đồn về câu nói của Đức Giêsu là sai sự thật (c. 22).
Những gì anh để lại cho thế giới là cuốn Tin Mừng Thứ Tư.
“Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra.
Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực” (c. 24).
Người môn đệ này cho chúng ta một lời chứng đáng tin,
vì anh là người đã sống bên Thầy Giêsu, thật gần gũi.
Anh đã mắt thấy tai nghe, và có kinh nghiệm thân thiết với Thầy.
Không hẳn anh đích thân cầm bút viết cuốn Tin Mừng này,
nhưng anh lại chính là tác giả của mọi điều được viết trong đó.
Tất cả là kinh nghiệm riêng tư anh đã trải qua với Thầy Giêsu,
và những Suy niệm lâu dài dưới ánh sáng Phục sinh và Thánh Thần.
Người môn đệ này còn là người sáng lập một cộng đoàn tín hữu.
Cộng đoàn ấy được ám chỉ qua đại từ “chúng tôi” (c. 24; x. 1,14.16).
Một người trong cộng đoàn đã viết chương cuối này (c. 25: “tôi”).
Ai là người môn đệ được Đức Giêsu thương mến?
Nhiều người nghĩ anh là Gioan, nhiều người lại nghĩ khác.
Dù sao anh thật là một môn đệ lý tưởng cho chúng ta.
Điều anh để lại cho đời trong cuốn Tin Mừng là điều anh xác tín.
Anh là nhân chứng đáng tin cậy của Đức Kitô, Con Thiên Chúa.
Đúng anh là người được Thầy yêu và là người đã hết lòng yêu Thầy.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa của đời con,
chỉ trong tình yêu con mới tìm thấy Chúa.
Trong tình yêu, các cánh cửa hồn con mở tung,
để con được thở không khí tự do tươi mới
và quên đi cái tôi nhỏ mọn của mình.
Trong tình yêu, toàn bộ con người con vươn ra khỏi
những ranh giới cứng nhắc của óc hẹp hòi
và của thái độ tự khẳng định đầy bất an
khiến con bị giam mình trong sự nghèo nàn và trống rỗng.
Trong tình yêu, mọi sức mạnh của hồn con tuôn chảy về Chúa,
chẳng bao giờ còn muốn quay trở lại,
nhưng chỉ muốn mất mình trọn vẹn trong Chúa,
vì qua tình yêu, Chúa là trung tâm sâu nhất của lòng con,
Chúa gần con hơn cả chính con gần con.
Nhưng khi con yêu Chúa,
khi con tìm cách phá vỡ vòng vây chật hẹp của cái tôi, và vứt bỏ sau lưng
nỗi khắc khoải không nguôi về những câu hỏi còn bỏ ngỏ,
khi đôi mắt mù lòa của con không còn chỉ nhìn từ xa và từ bên ngoài
ánh rạng ngời không thể lại gần được của Chúa,
và hơn nữa, lạy Chúa là Đấng vô phương thấu hiểu,
khi qua tình yêu, Chúa trở nên trung tâm sâu nhất của đời con,
khi ấy con mới có thể chôn mình hoàn toàn trong Chúa,
lạy Thiên Chúa nhiệm màu,
và chôn mọi câu hỏi của con cùng với con. Amen. (Karl Rahner, S.J.)
Suy niệm 2: Lời ban sự sống
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Câu kết thúc Phúc Âm thánh Gio-an khiến ta ngạc nhiên: “Còn có nhiều điều khác Chúa Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra”.
Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa. Ngôi Lời Thiên Chúa vốn toàn năng toàn tri toàn thiện và phổ quát. Nhưng Ngôi Lời Nhập Thể tự nhận những giới hạn của con người. Lời Thiên Chúa thì vô hạn. Ngôn ngữ con người thì hữu hạn. Lời hữu thanh chẳng diễn tả hết ý vô thanh. Thánh Gioan đã tựa đầu vào ngực Chúa. Đã nghe được nhịp đập của trái tim Chúa. Đã nghe được lời vô thanh của Thiên Chúa. Đã hiểu được lời vô hạn của Thiên Chúa. Đã ôm ấp Lời Thiên Chúa cao sâu muôn trùng, mênh mông vô biên, trời đất chứa chẳng nổi.
Thánh Phao-lô cũng là người nghe được lời vô hạn, vô thanh, vô ngôn của Thiên Chúa. Ngài đã được đưa lên tầng trời thứ ba. Đã được Thiên Chúa trực tiếp dậy dỗ. Và đã hình thành một Tin Mừng riêng biệt của mình. Tin Mừng đầy ắp trong tâm hồn khiến ngài bị thúc bách nói ra: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”(1Cr 9,16). Vì thế ngài rao giảng không ngừng. Chờ thụ án tử hình vẫn rao giảng. Rao giảng cho đến hơi thở cuối cùng.
Như thế Phúc Âm không phải là một quyển sách nhưng là một cuộc gặp gỡ. Có bao nhiêu cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su là có bấy nhiêu Phúc Âm.
Theo lời truyền khi thánh Gioan về già, không thể nói nhiều. Mỗi lần tín hữu tụ tập lại, người ta khiêng ngài ra. Ngài chỉ giảng một câu: “Anh em hãy yêu thương nhau”. Ngài giảng mãi câu ấy không biết chán. Giáo dân nghe câu ấy suốt đời không biết mệt. Vì lời hữu hạn của con người đã gặp Chúa, có sức chuyên chở nội dung sức sống vô biên của Lời Thiên Chúa.
Ở đây nữa ta thấy sự sâu xa của Lời Thiên Chúa vô hạn đối nghịch với lời hữu hạn của con người. Chỉ một Lời Thiên Chúa ngắn ngủi lại tràn đầy sức sống, tràn đầy ý nghĩa và làm say đắm lòng người hơn nhiều bài giảng dài dòng, huyên thiên, vô nghĩa trong lời hữu hạn của con người.
Suy niệm 3: Làm chứng cho Chúa.
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Trong kỳ nội chiến, Tổng thống Hoa kỳ là Abraham Lincoln có một sĩ quan trẻ làm thư ký. Viên sĩ quan này nổi tiếng là gan dạ, do đó công việc bàn giấy xem ra không thích hợp với anh. Anh chỉ mơ ước trở lại mặt trận và nếu cần sẵn sàng chết cho tổ quốc hơn là làm công việc đơn điệu nhàm chán trên bàn giấy. Một ngày nọ, sau khi nghe anh than phiền, Tổng thống Lincoln nhìn thẳng mắt anh và nói: “Hỡi anh bạn trẻ, như tôi nhận thấy thì quả thực anh luôn muốn xả thân chết cho tổ quốc, nhưng có lẽ anh không muốn sống cho tổ quốc”.
Tử đạo theo nguyên ngữ là “làm chứng cho đức tin”. Có người dùng cái chết để làm chứng, có người dùng cả cuộc sống. Tuy nhiên, chết đau thương nhục nhã hoặc chết âm thầm từng ngày, cả hai đều có giá trị như nhau. Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi được mời gọi bước theo Chúa Giêsu, nghĩa là chấp nhận những thử thách bách hại và cái chết trên thập giá để làm chứng cho Chúa. Còn Gioan, vị tông đồ được Chúa Giêsu yêu mến lại làm chứng cho Chúa bằng chính cuộc sống của mình. Gioan tuy không được phúc tử đạo như các Tông đồ khác, nhưng đã sống một thời gian rất dài, để củng cố niềm tin của các tín hữu tiên khởi nhất là để Suy niệm và viết cuốn Tin mừng thứ tư và ba lá thư. Tất cả đều là những cách thức làm chứng cho Đấng đã chết và sống lại là Chúa Giêsu Kitô.
Lịch sử Giáo Hội từ đầu cho đến nay là cả một cuốn sách về những chứng từ khác nhau: bằng lời nói, bằng đau khổ, bằng hy sinh, bằng công việc từ thiện… mỗi người một cách, mỗi thời đại một cách tuỳ ở Chúa Thánh Thần soi sáng, nhưng tất cả là để giới thiệu tình yêu Chúa cho mọi người để mọi người hưởng nhờ ơn cứu độ.
Chắc chắn, không phải tất cả chúng ta có thể làm chứng cho Chúa bằng cái chết vì đạo, nhưng chúng ta có thể làm chứng bằng chính cuộc sống của chúng ta. Ước gì chúng ta luôn ý thức phần đóng góp của chúng ta cho kho tàng phong phú của Giáo Hội qua những hy sinh âm thầm từng ngày, để làm cho mọi người nhận biết tình yêu Chúa và trở về cùng Chúa.
Suy niệm 4: Về thánh Gioan
Thánh Gio-an lúc bảy mươi tuổi bắt đầu viết Tin mừng làm chứng về Đức Giêsu. Hôm nay, Ngài ký vào lời chứng này.
Ngôn từ cuốn Tin mừng này đôi khi khó hiểu, bí ẩn, sâu kín, mang lại kinh nghiệm dày dạn sâu lắng của đời sống Kitô giáo, đời sống phục sinh. Ngài truyền lại cho chúng ta kiến thức về Đức Kitô sau khi đã cầu nguyện, Suy niệm lâu dài mãi tới già.
Mấy tuần mùa phục sinh Ngài loan báo cho chúng ta Tin mừng về: sự tái sinh bởi Thánh Thần, chia sẻ bánh hằng sống, niềm hy vọng phục sinh, tiếp nhận mục tử tốt lành, ban Thánh Thần, thánh Gio-an giới thiệu chúng ta vào hiệp thông với Chúa Cha. Hơn nữa, ngài còn xác định về những đòi hỏi phải theo Đức Kitô: Sự cần thiết phải tin, nhận lãnh những dấu chỉ, đức tin vào lời chứng về Đức Kitô, trông cậy vào Đấng Thiên Chúa sai đến.
Đến lượt, chúng ta cần cảm nghiệm sâu sắc về đời sống của Đức Kitô. Nhờ thế, chúng ta là nhân chứng về những sự kiện cao cả của Thiên Chúa trong lịch sử lúc này. Lời chứng của chúng ta rất cần cho thế gian. Mỗi người trong chúng ta, tùy theo cách thức và đặc sủng của mình, phải loan báo Tin mừng đã sống thực trong đáy lòng con tim chúng ta.
Mỗi người chúng ta phải lớn tiếng rao giảng lời chứng của mình về Đức Kitô hàng ngày. Lời rao giảng Tin mừng trong phụng vụ được các tông đồ truyền lại cho chúng ta, giúp chúng ta làm sống lại lời Tin mừng đến tận các bàn giấy, các nhà máy, và các gia đình.
Chúng ta không nên đợi những người khác bắt đầu sống theo Đức Kitô, rồi chúng ta mới bắt đầu thi hành ý Người. Hãy nhờ chính lời của Người nói với Phê-rô: “Dù Thầy muốn cho người ấy cái gì, dù Thầy định cho những người khác thế nào, thì việc gì đến anh? Phần anh, anh hãy theo Tôi”.
CG.
Suy niệm 5: Làm chứng tá cho tình yêu
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Hôm nay chúng ta lắng nghe phần đoạn kết trong sách Phúc Âm của thánh Gioan tông đồ, chỉ có ba nhân vật được kể đến trong phần cuối của Phúc Âm này là Chúa Giêsu, Phêrô và Gioan.
Qua những lời đối thoại với Phêrô, Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu rằng Ngài đã chọn mười hai vị tông đồ và trao phó cho mỗi người một sứ mạng khác nhau. Phêrô và Gioan vì thế cũng có sứ mạng khác biệt nhau. Nếu như Phêrô được chọn để chăn dắt đàn chiên của Chúa và trung thành với các sứ vụ bằng cái chết tử đạo, thì vai trò của Gioan là làm chứng tá cho Chúa Giêsu bằng Phúc Âm.
Gioan được ơn sống lâu để chiêm niệm một cách sâu xa hơn về mầu nhiệm nhập thể làm người và phục sinh của Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa. Vì thế mà Gioan kết thúc Phúc Âm của mình bằng sự xác quyết: "Còn có nhiều điều khác Chúa Giêsu đã làm, nếu viết lại từng điều một thì tôi thiết nghĩ cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra". Qua lời kết thúc này Gioan cho thế gian hiểu rằng quyền năng của Chúa Giêsu không bao giờ cạn, hồng ân của Ngài thì vô cùng, sự khôn ngoan của Ngài thì không ai có thể đối chọi lại được, và tình yêu của Ngài thì vô biên.
Trong lịch sử Giáo Hội suốt hai mươi thế kỷ nay, Thiên Chúa cũng vẫn liên tục kêu gọi nhiều người và ban cho họ những ân sủng đặc biệt để tiếp tục sống mãn đời trên trần thế. Họ là các thánh nam nữ đã được Thiên Chúa lựa chọn và trao cho các sứ mệnh đặc biệt ở những thời kỳ và hoàn cảnh khác biệt nhau. Có vị được gọi để trở thành các giáo phụ và tiến sĩ Hội Thánh. Các ngài dùng ngòi bút và trí thông minh để rao giảng Phúc Âm và đem ánh sáng Lời Chúa đến cho mọi người. Những vị khác thì được ơn gọi sáng lập các dòng tu với tinh thần tông đồ và hoạt động truyền giáo trong nhiều lãnh vực khác biệt nhau. Các sứ vụ tuy có khác biệt nhưng đều mang ý nghĩa và tầm mức quan trọng như nhau. Tất cả đều qui tụ vào cùng một mục đích duy nhất là làm chứng tá cho chân lý và tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con sức mạnh của đức tin và ngọn lửa của tình yêu, để chúng con can đảm và hăng say làm chứng tá cho tình yêu và chân lý của Chúa giữa thế gian. Xin Chúa cũng luôn hiện diện để giúp chúng con trung thành với ơn gọi và sứ mạng do Chúa giao phó, nhất là trong những lúc đứng trước các cơn bão táp của cuộc sống.
Suy niệm 6: Cảm nghiệm và làm chứng
Trên các trang báo điện tử thời gian gần đây đăng tin:
Một nữ tu “cháy hết mình” trên sân khấu The Voice của Ý.
Nữ tu đó chính là Cristina Scuccia, 25 tuổi, thành viên của Dòng các chị em Ursuline Thánh Gia. Chị đã xuất hiện trên sân khấu của chương trình The Voice tại Ý. Khi sơ xuất hiện, các giám khảo và mọi người thật sự ngỡ ngàng khi thấy trang phục của thí sinh đặc biệt này.
Khi các giám khảo quay lại nhìn sơ Cristina, họ đã không tin vào mắt mình khi thấy một nữ tu trẻ đang hát “No One”, bài hát ruột của Alicia Keys.
Sau khi nghe sơ Cristina hát, Carra là một trong 4 vị giám khảo đã hỏi sơ có thật là một nữ tu không và tại sao sơ chọn tham gia cuộc thi này?
“Vâng, tôi đích thực là một nữ tu,” sơ Cristina trả lời.
“Tôi đến đây bởi vì tôi có một món quà và tôi muốn chia sẻ món quà đó. Tôi đến đây để loan báo Tin Mừng”.
Thánh Gioan hôm nay hiện lên trên trang Tin Mừng như một người chứng về tất cả những gì ngài đã viết trong Tin Mừng của mình về Đức Giêsu. Ngài đã trở nên chứng nhân cho tất cả những gì đã viết là bởi vì ngài đã được ở với Đức Giêsu, được nghe lời dạy, và cảm nghiệm được tình yêu đặc biệt mà Thầy đã dành cho mình. Như vậy, muốn hiểu phải yêu, và khi đã yêu thì phải làm chứng và lời chứng của người đó mới thật.
Như vậy, phụng vụ hôm nay muốn mời gọi chúng ta rằng: hãy yêu mến Chúa tha thiết, lắng nghe lời Ngài và hãy trở nên chứng nhân cho Đức Giêsu đến tận cùng trái đất.
Tuy nhiên, không có một mẫu số chung nào cho mọi người, vì thế, mỗi người mỗi cách, miễn sao cho Tin Mừng được loan báo và hợp với tinh thần của Giáo Hội.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu Chúa hết lòng, để từ đó cũng sẵn sàng trở nên những chứng nhân cho Tin Mừng cách sống động trong cuộc sống hiện tại của chúng con. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 7: Ơn gọi theo Chúa
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Đời mỗi người Kitô hữu là một ơn gọi theo Chúa. Ta hãy đáp lại ơn gọi yêu thương đó tùy theo bậc sống trong hoàn cảnh riêng của mình, với niềm phó thác cậy trông vào Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, tất cả mọi người được kêu gọi để theo Chúa. Có những bậc sống khác nhau. Trong mỗi bậc sống đó lại có từng hoàn cảnh khác nhau. Mỗi người là mỗi phận. Chúa như đang cầm tay từng phận người mà dắt đi theo Chúa. Chúa đang nói với mỗi người chúng con: “Phần con hãy cứ theo Thầy”. Chúa đang dẫn con đi theo Chúa bằng lối đi Chúa dành riêng cho con.
Khi Thánh Phêrô hỏi Chúa về số phận của Thánh Gioan, Chúa đã nói với Thánh Phêrô: “Việc đó liên quan gì đến con, phần con hãy cứ theo Thầy”. Chúa không bảo con đừng quan tâm đến anh chị em quanh con. Khi thấy anh em cần nâng đỡ đức tin, Chúa muốn con chạy tới đóng vai bàn tay của Chúa để đỡ nâng họ. Con sẽ đỡ nâng bằng gương sáng, bằng một lời động viên, bằng một lời nhắc nhở, và nhất là bằng những lời cầu nguyện. Rồi khi con gặp thử thách, con tin Chúa sẽ lại dùng anh chị em quanh con thay mặt Chúa mà ủi an, động viên con.
Tuy nhiên, Chúa muốn nói với riêng con: “Phần con hãy cứ theo Thầy”. Chúa dạy con đừng phân bì ghen tỵ. Xin Chúa đừng để con so sánh phận mình với phận người mà chùn bước chân theo Chúa. Con biết mỗi đời người là một mầu nhiệm trong tình yêu quan phòng của Chúa. Mỗi đời người là một cuộc tình riêng với Chúa. Mỗi đời người đều có đủ thánh giá để vác theo Chúa. Đồng thời mỗi đời người đều được Chúa ban đủ niềm vui và ân sủng để theo Chúa cho nên: “Ơn Ta đủ cho con”.
Xin cho con vui với phận mình và tin tưởng bước theo Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra”.
Suy niệm 8: Được mời gọi trở nên chứng nhân
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Ngày kia, Voltaire nói với một người bạn: “Để lập Kitô giáo, chỉ cần mười hai tên ngư phủ quê mùa, dốt nát. Tôi sẽ cho thế giới thấy rằng chỉ cần một người Pháp cũng đủ tiêu diệt tôn giáo đó”.
Với ý đồ đó, ông phản bác cả Isaac Newton. Newton dựa vào sách Daniel 12,4 và Nahum 2,4 tiên đoán rằng: Một mai, con người có thể di chuyển với tốc độ kỳ diệu là 40 dặm trong một giờ. Voltaire bảo: “Hãy xem Kitô giáo điên rồ đã đầu độc một người thông thái như Newton đến cỡ nào! Ông không biết rằng một người chạy 40 dặm 1 giờ sẽ nghẹt thở, vỡ tim mà chết hay sao?”.
25 năm sau khi Voltaire qua đời, căn nhà của ông được bán cho Hội Thánh Kinh Geneva và trở thành kho lưu trữ Thánh Kinh. Còn chiếc máy in của ông cũng được dùng để in Thánh Kinh!
Suy niệm
Tông đồ Gioan là “môn đệ Chúa Giêsu thương mến” (Ga 13,23; 19,26; 20,2; 21,7), người đã ngả đầu vào ngực Chúa trong bữa Tiệc ly (x. Ga 13,23.25) như là biểu tượng của tình yêu gắn bó với Thầy.
Được gắn bó sâu sắc với Thầy, Gioan có được đức tin mạnh mẽ cho con đường đặc biệt mà Thầy chuẩn bị và muốn ông đi: Không đổ máu làm chứng cho Chúa dù đã kề cận bên cái chết tử đạo: Người bị cầm tù ở Rôma, còn bị ném vào trong một vạc dầu sôi, nhưng Thiên Chúa gìn giữ ông được bình an vô sự. Sau đó, Gioan bị kết án đi làm hầm mỏ tại trại tù ở đảo Patmos. Tại đây, Ngài đã viết cuốn sách Khải huyền chứa đầy những lời tiên tri.
Theo ý muốn của Chúa Giêsu, Gioan đã đi trên con đường khác với các anh em tông đồ: rao giảng Tin Mừng ở các giáo đoàn bên Tiểu Á, tận dụng hết mọi khả năng, mọi điều kiện Chúa cho để đào sâu Lời Chúa. Khi đã 99 tuổi, thánh Gioan mới viết sách Tin Mừng thứ tư với đức tin thật vững chắc được chuẩn bị và nuôi dưỡng bằng tình yêu. Gioan đã loan báo Tin Mừng cả tâm hồn đầy xác tín, như ông đã nói: “Điều chúng tôi đã được tai nghe, điều chúng tôi đã nhìn tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời hằng sống” (1Ga 1,1) như ông đã xác định cuộc đời của mình: “Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, và chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thật…” (Ga 21,24-25).
Ngoài Tin Mừng thứ tư và sách Khải huyền, Gioan còn là tác giả của ba thư. Tư tưởng của ông trình bày cho chúng ta thấy Thiên Chúa chính là tình yêu và chúng ta chỉ thực sự trở nên Kitô hữu nếu chúng ta biết thương yêu nhau. Tông đồ Gioan đã trao cho nhân loại bài học lớn lao về tình yêu, nhờ đó chúng ta cảm thấy được Chúa Kitô yêu thương “cho đến cùng” (Ga 13,1) và sống cuộc đời vì Người.
Trong mỗi thời đại, ở mỗi xã hội khác nhau luôn cần có những chứng nhân, trách nhiệm khác nhau. Thiên Chúa luôn cần đôi tay, trái tim, khả năng của chúng ta để tiếp tục sự hiện diện và hành động của Ngài. Có người làm chứng bằng máu, có người bằng sự dấn thân đổ mồ hôi, có người chứng nhân bằng nghĩa cử hy sinh phục vụ, có những chứng nhân trong âm thầm cầu nguyện…
Mỗi chúng ta được mời gọi trở nên một trong số chứng nhân đó. Chúa đang cần sự đóng góp của chúng ta.
Ý lực sống:
“Vì vui riêng, Người đã làm tôi bất tận.
Thân này thuyền nhỏ mong manh đã bao lần người tát cạn
rồi lại đổ đầy cuộc sống mát tươi mãi mãi” (Tagore, Lời Dâng #1).
Suy niệm 9: Gioan sẽ là chứng tá trong Hội thánh
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Kết thúc mùa Phục sinh, Phụng vụ cho chúng ta thấy Phêrô đã nhận chức vụ Mục Tử thay thế Chúa Kitô, Gioan là chứng tá thường trực trong Hội thánh.
Bài Tin Mừng hôm nay là bài kết thúc Tin Mừng thánh Gioan, trình bầy về Gioan sẽ là chứng tá thường trực trong Hội thánh Chúa cho đến tận thế qua sách Tin Mừng của ông.
2. “Thưa Thầy, còn anh này thì sao”?
Phải chăng khi Phêrô thắc mắc về Gioan như vậy là ông ngầm nói với Thầy mình rằng anh Gioan cũng mến Thầy và được Thầy yêu cách riêng, thì sao? Nghĩa là Thầy sẽ trao cho anh ta nhiệm vụ gì? Hay tại sao Thầy lại không trao trách nhiệm chăn dắt Hội thánh cho anh ta có phải hơn không? Đó cũng là thắc mắc của nhiều người khi đọc Tin Mừng Gioan, bởi vì xem ra Gioan xứng đáng hơn Phêrô, vì ông đã không chối Chúa.
Chúng ta thấy Chúa Giêsu không trả lời thẳng vào thắc mắc của Phêrô mà lại nói khó hiểu hơn đối với Phêrô cũng như các môn đệ khác: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến anh”, rồi Chúa nói ngay: “Phần anh, hãy theo Thầy”.
3. “Nếu Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho đến khi Thầy đến...”.
Câu này là câu vừa trả lời vừa là câu hỏi rất khó hiểu. Thực ra, ý Chúa Giêsu không nói là Gioan sẽ sống mãi không chết, nhưng Chúa muốn Gioan “ở lại”. Phải hiểu chữ “ở lại” này theo nghĩa của Tin Mừng thứ tư: ở lại là tồn tại mãi trong tình yêu mến, trong sự thân thiết. Dù sau này Gioan sẽ chết đi nhưng Chúa Giêsu muốn hình mẫu của Gioan như một môn đệ trung thành đi theo Thầy, như một môn đệ thường suy gẫm về Thầy tiếp tục tôn tại mãi trong Giáo hội (Lm Carôlô).
4. “Chính người môn đệ này làm chứng về những điều đó”.
Nghĩa là vì Chúa muốn hình mẫu của Gioan còn tồn tại mãi trong Giáo hội như một cách làm chứng, cho nên Gioan đã làm chứng bằng cách viết lại những cảm nghiệm, những suy gẫm của mình về Chúa Giêsu. Và Gioan còn cho biết: “Tôi thiết nghĩ cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các điều được viết ra”. Có lẽ không phải thế giới không đủ chỗ chứa những sách mà Gioan nếu muốn viết ra. Không đủ chỗ chứa là đối với những cảm nghiệm và những suy gẫm rất sâu sắc của Gioan về mầu nhiệm Chúa Giêsu và về những điều Chúa Giêsu dạy (Carôlô).
5. Trong lịch sử Giáo hội suốt hai mươi thế kỷ nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục kêu gọi nhiều người và ban cho họ những ân sủng đặc biệt để sống mãn đời trên trần thế. Họ là các thánh nam nữ đã được Thiên Chúa lựa chọn và trao cho các sứ mệnh đặc biệt ở những thời kỳ và hoàn cảnh khác biệt nhau. Có vị được gọi để trở thành các giáo phụ và tiến sĩ Hội thánh. Các ngài dùng ngòi bút và trí thông minh để rao giảng Phúc âm và đem ánh sáng lời Chúa đến cho mọi người. Những vị khác thì được ơn gọi sáng lập các dòng tu với tinh thần tông đồ và hoạt động truyền giáo trong nhiều lãnh vực khác biệt nhau. Các sứ vụ tuy có khác biệt nhưng đều mang ý nghĩa và tầm mức quan trọng như nhau. Tất cả đều qui tụ vào cùng một mục đích duy nhất là làm chứng tá cho chân lý và tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.
6. Như vậy, trong mỗi thời đại, ở mỗi xã hội khác nhau luôn cần có những chứng nhân, trách nhiệm khác nhau. Thiên Chúa luôn cần đôi tay, trái tim, khả năng của chúng ta để tiếp tục sự hiện diện và hành động của Ngài. Có người làm chứng bằng máu, có người bằng sự dấn thân đổ mồ hôi, có người làm chứng bằng nghĩa cử hy sinh phục vụ, có những chứng nhân trong âm thầm cầu nguyện.
Mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên một trong số chứng nhân đó. Chúa đang cần sự đóng góp của chúng ta.
7. Truyện: Làm chứng cho Chúa.
Trong kỳ nội chiến, Tổng thống Hoa kỳ là Abraham Lincoln có một sĩ quan trẻ làm thư ký. Viên sĩ quan này nổi tiếng là gan dạ, do đó công việc bàn giấy xem ra không thích hợp với anh. Anh chỉ mơ ước trở lại mặt trận và nếu cần sẵn sàng chết cho tổ quốc hơn là làm công việc đơn điệu nhàm chán trên bàn giấy. Một ngày nọ, sau khi nghe anh than phiền, Tổng thống Lincoln nhìn thẳng mắt anh và nói: “Hỡi anh bạn trẻ, như tôi nhận thấy thì quả thực anh muốn xả thân chết cho tổ quốc, nhưng có lẽ anh không muốn sống cho tổ quốc”.
Tử đạo theo nguyên ngữ là “làm chứng cho đức tin”. Có người dùng cái chết để làm chứng, có người dùng cả cuộc sống. Tuy nhiên, chết đau thương nhục nhã hoặc chết âm thầm từng ngày, cả hai đều có giá trị như nhau. Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi được mời gọi bước theo Chúa Giêsu, nghĩa là chấp nhận những thử thách bách hại và cái chết trên thập giá để làm chứng cho Chúa. Còn Gioan, vị Tông đồ được Chúa Giêsu yêu mến lại làm chứng cho Chúa bằng chính cuộc sống của mình. Gioan tuy không được phúc tử đạo như các Tông đồ khác, nhưng đã sống một thời gian rất dài, để củng cố niềm tin của các tín hữu tiên khởi, nhất là để Suy niệm và viết cuốn Tin Mừng thứ tư và ba lá thư... Tất cả đều là những cách thức làm chứng cho Đấng đã chết và sống lại là Chúa Giêsu Kitô (Mỗi ngày một tin vui).
Suy niệm 10: Thánh Gioan tông đồ
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích
Tiếp bài nói chuyện bên bờ hồ về thân phận của Thánh Gioan “Người môn đệ mà Chúa Giêsu yêu mến… cũng là người nằm sát ngực Chúa… Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến… chính môn đệ này đã làm chứng…”
B. Suy gẫm
1. Thánh Gioan tông đồ có nhiều nét đáng nêu gương cho chúng ta:
“Khi ấy Phêrô quay lại nhìn thấy người môn đệ mà Chúa Giêsu yếu mến đi theo sau.” Trong ngôn ngữ Tin Mừng “đi theo” có nghĩa là làm môn đệ. Ngay từ đầu Gioan đã đi theo Chúa Giêsu. Gioan còn tiếp tục đi theo Chúa Giêsu trên tất cả mọi nẻo đường Ngài đi, kể cả đường Thập Giá. Rồi khi Chúa Giêsu đã đặt Phêrô thay thế mình. Gioan lại tiếp tục đi theo Phêrô. Thánh Gioan chính là hình mẫu của Môn đệ trung thành.
2. “Ông là người đã nghiêng mình vào ngực Chúa Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi.” Gioan chẳng những là người trung thành đi theo, mà còn là người hiểu biết Chúa Giêsu nhiều nhất và sâu nhất, vì Gioan “nghiêng mình vào ngực Chúa,” vì Gioan “hỏi” nghĩa là thường suy gẫm về Chúa.
3. “Nếu Thầy muốn, anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến…” Ý Chúa Giêsu không nói là Gioan sẽ sống mãi không chết, nhưng Chúa muốn nói Gioan “ở lại.” Phải hiểu chữ “ở lại” này theo ý nghĩa của Tin Mừng Thứ Tư: Ở lại là tồn tại mãi trong tình yêu mến, trong sự thân thiết. Dù sau này Gioan sẽ chết đi nhưng Chúa Giêsu muốn hình mẫu của Gioan như một môn đệ trung thành đi theo Thầy, như một môn đệ suy gẫm về Thầy tiếp tục tồn tại mãi trong Giáo Hội.
4. “Chính người môn đệ này làm chứng về những điều đó.” Nghĩa là vì Chúa muốn hình mẫu của Gioan còn tồn tại mãi trong Giáo Hội như một cách làm chứng, cho nên Gioan đã làm chứng bằng cách viết lại những cảm nghiệm, những suy gẫm của mình về Chúa Giêsu. Và Gioan còn cho biết “Tôi thiết nghĩ cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các điều được viết ra.” Có lẽ không phải cả thế giới không đủ chỗ chứa những sách mà Gioan nếu muốn sẽ viết ra. Không đủ chỗ chứa là đối với những cảm nghiệm và những suy gẫm sâu sắc của Gioan về mầu nhiệm Chúa Giêsu và về những điều Chúa Giêsu dạy.
Chúng ta hãy nói gương thánh Gioan trung thành “đi theo” Chúa Giêsu, biết “nghiêng mình vào ngực Chúa Giêsu,” biết “hỏi” Chúa Giêsu, để có như thế chúng ta mới có thể “làm chứng” về Ngài.
Suy niệm 11: Ơn gọi của Gioan
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
Tin Mừng hôm nay đề cập đến ơn gọi của Gioan.
1. Khi Chúa nói với Phêrô “Phần ngươi hãy cứ theo ta” (Ga 21,22)… rõ ràng Chúa đã muốn cho Phêrô có một ơn gọi riêng. Ơn gọi của Phêrô không giống những người khác. Mỗi người đều được Chúa dành cho một ơn gọi. Nhìn lại Lịch sử ơn cứu độ, chúng ta thường thấy Chúa làm như vậy. Ơn gọi của các Tổ phụ khác với ơn gọi của các tông đồ.
Với Abraham, Chúa gọi ông vào lúc tuổi đời ông đã già nua. Ông đã từ bỏ quê cha đất tổ, để theo Chúa (St 12,1-4). Abraham đã hoàn thành ơn gọi của mình.
Còn đối với Môisen, Chúa lại có cách hành xử khác. Chúa đã gọi ông từ giữa lòng sông Nil, rồi sau khi đã tôi luyện ông thành gang thép, Chúa đã trao cho ông một trọng trách phải thực hiện và Môisen đã hoàn thành sứ mạng đó.
Bây giờ, đến trường hợp của Phêrô. Phêrô đang sống yên hàn trong nghề chài lưới ở Capharnaum (Ga 1,44). Và Chúa gọi ông. Ông đã từ bỏ tất cả nghề nghiệp, gia đình chỉ vì tiếng gọi: “Hãy theo Ta” (Ga 11,35). Và Phêrô đã hoàn tất sứ mạng đó trên đỉnh đồi Vaticanô bằng một cái chết cũng đau đớn không kém gì Thầy mình. Và chính vì thế mà ông đã trở thành cột trụ của Giáo Hội.
2. Bây giờ đến lượt Gioan. Gioan cũng được gọi nhưng Chúa muốn Gioan sống ơn gọi của mình bằng con đường khác.
Trong nhóm 12, Gioan là một trong những người gần gũi Chúa nhất. Gioan đã đi theo Chúa trên tất cả mọi nẻo đường Ngài đi. Gioan là người đã nghiêng đầu mình vào ngực Chúa trong bữa ăn tối cuối cùng, điều đó chứng tỏ Gioan chẳng những là người trung thành đi theo, mà còn là người hiểu biết Chúa nhiều nhất và sâu xa nhất.
Khi Chúa nói “Nếu Thầy muốn, anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến…” (Ga 21,22) thì không có nghĩa Gioan sẽ sống mãi, nhưng Chúa muốn nói về cuộc sống của Gioan sau đó. Chúa muốn giữ Gioan ở lại lâu hơn các tông đồ khác để Gioan làm chứng. Đó là ơn gọi của Gioan. Gioan đã làm chứng không những bằng cuộc sống của mình mà còn bằng cả ngòi bút của mình nữa. Tin Mừng của Gioan đã giúp người ta hiểu về Chúa rõ hơn. Khi Gioan viết “Tôi thiết nghĩ cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các điều được viết ra” (Ga 21,25), điều đó không có nghĩa là cả thế giới không đủ chỗ chứa những sách mà Gioan nếu muốn sẽ viết ra, nhưng là không đủ chỗ cho những cảm nghiệm và những suy gẫm sâu sắc của Gioan về mầu nhiệm Chúa Giêsu và về những điều Chúa Giêsu dạy.
3. Phần chúng ta, chúng ta hãy noi gương Gioan trung thành “đi theo” Chúa, biết “nghiêng mình vào ngực Chúa”, biết “hỏi” Chúa, có thật nhiều cảm nghiệm về Chúa, để rồi có thể “làm chứng” về Chúa như Gioan đã làm thuở xưa.
Trong kỳ nội chiến, Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln có một sĩ quan trẻ làm thư ký. Viên sĩ quan này nổi tiếng là gan dạ, do đó công việc bàn giấy xem ra không thích hợp với anh. Anh chỉ mơ ước được trở ra mặt trận và nếu cần sẵn sàng chết cho tổ quốc hơn là làm công việc đơn điệu, nhàm chán nơi bàn giấy. Một ngày kia, sau khi nghe anh than phiền, tổng thống Lincoln nhìn thẳng mắt anh và nói: “Hỡi anh bạn trẻ, như tôi nhận thấy thì quả thực anh luôn muốn xả thân chết cho tổ quốc, nhưng có lẽ anh không muốn sống cho tổ quốc”.
Tử đạo theo nguyên ngữ là “làm chứng cho đức tin”. Có người dùng cái chết để làm chứng, có người dùng cả cuộc sống. Chết đau thương nhục nhã hay chết âm thầm từng ngày, cả hai đều có giá trị như nhau. Các Tông đồ đều được phúc tử đạo, ngay cả Gioan - vị Tông đồ sống lâu nhất, tuy không trực tiếp chết như vị tử đạo, nhưng cũng đã bị cho vào vạc dầu sôi. Tất cả những cái chết ấy đều là lời chứng hùng hồn cho đức tin.
Lịch sử Giáo Hội sau thời các Tông đồ là những cuốn sách về những chứng từ như thế. Mỗi người một cách, người viết bằng máu, người bằng cuộc sống từ bỏ quên mình, người bằng những nghĩa cử hy sinh phục vụ, người bằng cuộc sống âm thầm trong đau khổ. Nói tóm lại, có hàng trăm nghìn những ngôn ngữ, trăm nghìn những thứ bút mực, đã được dùng để viết nên những chứng từ, nhiều đến nỗi, như lời tiên đoán của Gioan: “Tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách được viết ra” (Ga 21,25).
Còn hôm nay thì sao? Chúa Giêsu cũng vẫn cần những chứng nhân khác. Ngài cần đôi tay, bàn chân, môi miệng, trái tim chúng ta để tiếp tục hiện diện và hành động. Dòng thác Nirgara dù đổ xuống từng khối nếu không được ngăn lại sẽ không bao giờ biến thành nguồn thủy điện. Cả khối dầu hỏa Trung đông cũng không quay nổi một động cơ nếu không được con người khai thác sử dụng. Chúa Giêsu đang cần một chút đóng góp của chúng ta để sức nóng và ánh sáng Ngài được đạt tới mọi người.
Suy niệm 12: Chính thánh Gioan làm chứng và viết ra sự thật
(Lm. Micae Võ Thành Nhân)
Tương lai con người chúng ta thuộc về Chúa. Chúng ta chẳng biết sống chết của mình như thế nào? Chỉ có Chúa biết mà thôi. Phần chúng ta, chúng ta nói như thánh Phaolô: “Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống là sống cho Chúa, nếu chúng ta chết là chêt cho Chúa: (Rm 14, 7 – 8). Vậy thời gian chúng ta sống trên trần gian này được bao lâu và rồi sẽ chết là thuộc về Chúa. Chúng ta hãy an tâm phó thác cuộc đời chúng ta cho Chúa. Nếu chúng ta có quan tâm đến số phận của anh chị em chúng ta, sự sống, sự chết của các người anh chị em chúng ta, chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.
Thánh Phêrô được Chúa tạo điều kiện cho ngài bày tỏ lời tuyên xưng tình yêu của ngài với Chúa để chuộc lại lầm lỗi ba lần chối Chúa và sau đó là Chúa đã đón nhận tình yêu ấy, nên Chúa đã trao đàn chiên của Chúa là Giáo Hội cho ngài phục vụ, chăm sóc, và cuối cùng sau đó, Chúa bảo ngài hãy theo Chúa, vì vậy, ngài vui mừng, hạnh phúc, sung sướng vô cùng. Ngài được như thế rồi thì ngài lại nghĩ ngay đến các anh em tông đồ khác của ngài có được Chúa thương như ngài hay không? Ngài quan tâm đến số phận từng cá nhân người anh em tông đồ khác. Một cách cụ thể là ngài hỏi Chúa về tương lai của thánh Gioan, người tông đồ được Chúa yêu cách đặc biệt và rất gần gũi với ngài trong lúc Chúa đi vào cuộc khổ nạn: “Khi ấy, Phêrô quay lại, thấy môn đệ Chúa Giêsu yêu mến theo sau, cũng là người nằm sát ngực Chúa trong bữa ăn tối và hỏi: Thưa Thầy, ai là người sẽ nộp Thầy? Vậy khi thấy môn đệ đó, Phêrô hỏi Chúa Giêsu rằng: Còn người này thì sao?: (Ga 21, 20 – 21). Ngài hỏi Chúa như vậy chẳng phải ngài là người hay tò mò, nhiều chuyện của người khác đâu! Ngài chỉ ước mong điều tốt các tông đồ khác mà thôi.
Trước câu hỏi của ngài với Chúa, Chúa đã trả lời với ngài rằng: “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con? Phần con, cứ theo Thầy. Vì thế, có tiếng đồn trong anh em là môn đệ này sẽ không chết. Nhưng Chúa Giêsu không nói với Phêrô: Nó sẽ không chết, mà Người chỉ nói: Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con: (Ga 21, 22 – 23). Như vậy, số phận con người chúng ta là ở trong tay Chúa. Chúng ta cứ tin tưởng, cùng nhau, giúp nhau bước theo Chúa. Chúng ta quan tâm đến nhau thì chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, cầu xin Chúa luôn ban phát sự lành, sự thiện, sự tốt cho anh chị em của chúng ta.
Trong lúc chúng ta sống ở gian trần này để chờ đợi Chúa đến, chúng ta hãy thực hiện sứ mạng Chúa trao phó cho thật tốt, cho thật đàng hoàng, cho thật tử tế, đó là sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho muôn dân (Mc 16, 15), để làm cho danh Chúa được rạng rỡ vinh quang giữa muôn tạo vật: “Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, và chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thật. Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra: (Ga 21, 24 – 25).
Lạy Chúa hằng sống, hằng có đời đời, Mùa Phục Sinh Chúa ban cho chúng con sắp hết rồi, xin Chúa cho chúng con luôn hoan hỷ sống trọn mùa hồng ân này, và xin Chúa ban ơn để chúng con ăn ở theo thánh ý Chúa hầu làm sáng danh Chúa nơi môi trường chúng con sống. Amen.
Bài cùng chuyên mục:
+ Chúa Nhật 06/10/2024 – CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN năm B. – Kính trọng thể ĐỨC MẸ MÂN CÔI. – Tôi tớ Chúa xin vâng. (05/10/2024 10:00:00 - Xem: 3,099)
CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN năm B. – Kính trọng thể ĐỨC MẸ MÂN CÔI.
Thứ Bảy 05/10/2024 – Thứ Bảy đầu tháng, tuần 26 thường niên. – Mừng vui đích thực. (04/10/2024 10:00:00 - Xem: 3,354)
Thứ Bảy đầu tháng, tuần 26 thường niên.
Thứ Sáu 04/10/2024 – Thứ Sáu đầu tháng, tuần 26 thường niên. – Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ. – Lắng nghe và sám hối. (03/10/2024 10:00:00 - Xem: 4,896)
Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ.
Thứ Năm 03/10/2024 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 26 thường niên. – Sai bảy mươi hai người rao giảng. (02/10/2024 10:00:00 - Xem: 4,158)
Thứ Năm đầu tháng, tuần 26 thường niên.
Thứ Tư 02/10/2024 – Thứ Tư tuần 26 thường niên. – Các thiên thần hộ thủ. Lễ nhớ. – Thiên thần bảo trợ. (01/10/2024 10:00:00 - Xem: 4,822)
Các thiên thần hộ thủ. Lễ nhớ.
Thứ Ba 01/10/2024 – Thánh TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ kính. Bổn mạng các xứ truyền giáo. – Con đường thơ ấu thiêng liêng. (30/09/2024 10:00:00 - Xem: 5,668)
Thánh TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU
Thứ Hai 30/09/2024 – Thứ Hai tuần 26 thường niên. – Thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Người cao trọng nhất. (29/09/2024 10:00:00 - Xem: 4,247)
Thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.
+ Chúa Nhật 29/09/2024 – CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN năm B. – Dứt khoát với tội lỗi. (28/09/2024 10:00:00 - Xem: 5,494)
CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN năm B.
Thứ Bảy 28/09/2024 – Thứ Bảy tuần 25 thường niên. – Chấp nhận khổ đau với tình yêu (27/09/2024 10:00:00 - Xem: 3,594)
Thứ Bảy tuần 25 thường niên.
Thứ Sáu 27/09/2024 – Thứ Sáu tuần 25 thường niên. – Thánh Vinh sơn Phaolô, linh mục. Lễ nhớ. – Đấng Kitô chịu nhiều đau khổ. (26/09/2024 10:00:00 - Xem: 4,196)
Thánh Vinh sơn Phaolô, linh mục. Lễ nhớ.
-
+ Chúa Nhật 06/10/2024 – CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN năm B. – Kính trọng thể ĐỨC MẸ MÂN CÔI. – Tôi tớ Chúa xin vâng.
CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN năm B. – Kính trọng thể ĐỨC MẸ MÂN CÔI.
- Thứ Bảy đầu tháng, tuần 26 thường...
- Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ.
-
Di sản của chúng ta: sinh lực chúng ta để lại
Nếu chúng ta sống trong cay đắng giận dữ, trong ghen tương và không sẵn lòng chấp nhận người khác, nếu cuộc sống chúng ta gieo hỗn loạn...
-
Đọc kinh Mân côi có thực sự cần thiết nữa chăng ?
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chia sẻ : “Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng và trong những giai đoạn rất khó...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN lễ Đức Mẹ Mân Côi - 2024
Đối với người trẻ hôm nay đang sống trong một thời đại tốc độ, nghĩ rằng đọc kinh như thế thật mất giờ. Đó là một suy nghĩ cạn cợt và hời...
-
Gia vị cho bài giảng lễ Chúa nhật lễ Đức Mẹ Mân Côi - 2024
Chúng ta hãy luôn sống trong niềm vui mừng và tạ ơn nhớ đến sự hiện diện của Đức Maria và Con của Mẹ là Chúa Giêsu đã biến đổi cái thế...
-
Hội chứng “Burn Out” – Người tông đồ nên làm gì ?
Burn out là hội chứng thường được nhắc tới trong đời sống xã hội hiện đại với dòng chảy quá nhanh và hối hả, với quá nhiều giao động cùng...
-
Chuỗi Mân Côi – Chuỗi ngày sống
Chuỗi Mân Côi như chuỗi ngày sống của một đời người. Chuỗi Mân Côi có thể dùng để gột bỏ những đam mê, gạn lọc những tình cảm, và kết nối...
-
Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục: Ô-tô con và Linh mục(1)
Anh em linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo như linh mục dòng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta muốn tiêu xài tiền bạc thế...
-
Thiên Chúa yêu thích sự bé nhỏ
Sự bé nhỏ không phải là yếu kém hay bất lực, mà là sự nhận ra rằng tất cả những gì chúng ta “có”, chúng ta “là”, đều phụ thuộc vào Thiên...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: bài 139 - Thủ dâm và hướng dẫn của Giáo hội
Nếu xét theo 10 điều răn thì lỗi luật, nhưng với con, và con nghĩ nếu là Chúa, với tình thương của Người, Người cũng không xét đoán và...
-
10 Ý tưởng giúp các mẹ nạp lại năng lượng
Làm mẹ không bao giờ dễ dàng. Dưới đây là những ý tưởng từ những người mẹ về cách họ nạp lại năng lượng về mặt thể lý, tâm lý và tinh thần.
-
Câu chuyện chiều thứ bảy: Sự cần thiết của việc lắng nghe
Lắng nghe đòi hỏi chúng ta phải chú tâm để nghe, hiểu và thấu cảm. Như vậy, lắng nghe cũng là yếu tố quyết định cuộc sống của mỗi người.
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất
- Câu chuyện truyền cảm hứng về...