Lời chúa mỗi ngày

Thứ Bảy 12/06/2021 – Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Lễ nhớ. – Mẫu mực trong đời sống đức tin.

  • In trang này
  • Lượt xem: 12,175
  • Ngày đăng: 11/06/2021 11:00:00

Mẫu mực trong đời sống đức tin.

12/06 – Thứ Bảy tuần 10 thường niên – Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Lễ nhớ.

"Cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con".

 

Lời Chúa: Lc 2, 41-52

Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrsalem để tìm Người.

Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: "Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con".

Người thưa với hai ông bà rằng: "Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?" Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ tất cả những việc đó trong lòng.

Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

SUY NIỆM 1: Trái tim người Mẹ.

(Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)

Suy niệm:

Nếu ai hỏi Mẹ Maria điều gì quý nhất trong đời Mẹ,

hẳn Mẹ sẽ trả lời đó là Giêsu, con của Mẹ.

Người con này Mẹ đã cưu mang, dưỡng dục, và bảo vệ giữ gìn.

Người con này đã đem lại cho Mẹ biết bao niềm vui và hãnh diện.

Nhưng Mẹ cũng chịu nhiều đau khổ vì người con ấy.

Bài Tin Mừng hôm nay vén mở một chút nỗi đau của Mẹ,

cho thấy một chút trái tim của Mẹ khi sống bên Giêsu.

Cậu Giêsu, mười hai tuổi, cùng với cha mẹ lên Đền thờ mừng lễ Vượt qua.

Kể cũng lạ khi cậu ở lại Giêrusalem mà không báo cho cha mẹ biết.

Hai ông bà đi một ngày đường mới nhận ra mình mất con,

vội vã đi tìm trong đám bà con thân thuộc,

nhưng không thấy, nên trở lại Giêrusalem mà tìm.

Phải qua ba ngày đầy lo âu và nước mắt mới tìm thấy con trong Đền thờ.

Kinh nghiệm mất- tìm kiếm- tìm thấy này thật đau đớn đối với người mẹ.

Mẹ Maria sợ mất con, mất điều rất quý đã được Thiên Chúa trao cho mình.

Nhưng khi thấy con mình ngồi giữa các vị thầy, rất bình an trò chuyện với họ,

thì Mẹ lại sửng sốt, ngỡ ngàng, thay vì vui sướng.

Như vậy là con không bị lạc, nhưng đã cố ý ở lại Đền thờ mà không báo.

Mẹ không nén được một lời trách móc: “Tại sao con làm thế với cha mẹ?

Cha con và mẹ đã khắc khoải tìm con” (c. 48).

Chuyện không ngờ là cậu Giêsu đã đáp lại câu hỏi của Mẹ bằng hai câu hỏi,

đầy vẻ sửng sốt và cũng là một lời trách: “Tại sao cha mẹ lại tìm con?

Cha mẹ không biết là con phải ở nhà của Cha con sao ?” (c.49).

Cũng có thể hiểu là: cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con sao?

Đức Giêsu, khi lên mười hai tuổi, đã bắt đầu có ý thức mình thuộc về Cha.

Người Cha trên trời này khác với người cha mà Ngài đang chung sống.

Ngài phải ở với và lo việc cho người Cha này, lẽ ra cha mẹ phải biết chuyện đó.

Dĩ nhiên hai ông bà chưng hửng, không hiểu được câu nói của cậu Giêsu (c.50).

Riêng Mẹ Maria có thói quen nghiền ngẫm về các biến cố khó hiểu.

Mẹ giữ kỹ trong trái tim mình những chuyện xảy ra (Lc 2, 19. 51b).

Chúng ta tưởng Mẹ Maria luôn luôn hiểu Con mình, hiểu ngay, hiểu trọn vẹn.

Chúng ta tưởng ai sống thánh thiện thì lúc nào cũng vui, chẳng bao giờ lo sợ.

Nhìn Mẹ Maria, chúng ta hiểu theo Chúa là bước vào một cuộc hành trình.

Có những lúc như đang chơi ú tim với Chúa, mất rồi lại tìm, tìm thấy rồi lại mất.

Chúng ta chẳng bao giờ nắm được Chúa, giữ chặt Chúa trong tay.

Chúa vẫn là Đấng không thể thấu hiểu được, và vẫn làm chúng ta sững sờ.

Mẹ Maria đã chứng kiến Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt (Lc 2, 40),

từ khi sinh ra đến khi mười hai tuổi,

và từ mười hai tuổi đến lúc trưởng thành (Lc 2, 52).

Ngài càng lúc càng ý thức mình thuộc về Cha và ý thức về sứ mạng.

Con của Mẹ là một mầu nhiệm khôn dò mà Mẹ phải tìm hiểu mỗi ngày.

Mẹ để cho Con tự do sống theo Ý Cha, dù điều đó đem lại nhiều đau khổ.

Chuyện mất Con hôm nay chuẩn bị cho việc Con sẽ chia tay Mẹ đi sứ vụ,

và chuẩn bị cho cuộc chia tay kinh hoàng trên thập giá.

Chúng ta cầu cho các bà mẹ đang đau khổ vì con.

Mong sự vâng phục của con cái làm tươi trái tim người mẹ.

 

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria,

khi đọc Phúc Âm,

lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.

Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.

Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.

Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.

Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.

Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi

âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,

từ con người hay từ Thiên Chúa.

Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu

trong mọi bước đường của cuộc sống.

Chẳng phải con đường nào cũng là thảm họa.

Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con

đừng sợ lên đường mỗi ngày,

đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa

dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu

để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ

đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

 

SUY NIỆM 2: Lễ kính Trái Tim vẹn sạch Đức Maria

(Lm HKT)

Hôm nay Giáo Hội mừng kính Trái tim vẹn sạch Đức Trinh nữ Maria. Lễ này được Giáo Hội mừng kính ngay sau lễ tôn kính Thánh tâm Chúa Giêsu. Điều đó giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa ngày lễ của Mẹ Maria hôm nay.

Thật vậy, nếu như Thánh tâm Chúa Giêsu là dấu chỉ tình thương vô hạn mà Thiên Chúa dành cho con người, thì Trái tim vẹn sạch Đức Trinh nữ Maria cũng thế, cũng là dấu chỉ của tình yêu, nhưng là tình yêu của Mẹ đối với Thiên Chúa và đối với Đức Giêsu Kitô, con yêu dấu của Mẹ. Tuy nhiên, một cách đặc biệt, khi tôn kính Trái tim vẹn sạch Đức Trinh nữ Maria, Giáo Hội cũng tôn kính tình yêu hiền mẫu của Mẹ đối với toàn thể nhân loại.

Thế nhưng, tình thương của Mẹ Maria đối với con người không ngừng bị xúc phạm. Hình ảnh trái tim của Mẹ bị lưỡi gươm đâm thấu mà cụ già Simêon đã cho thấy điều đó. Và trong sứ điệp Fatima, Mẹ Maria đã tỏ cho chúng ta thấy tình yêu của Mẹ đã bị tội lỗi của thế gian gây nên biết bao thương tích. Bởi đó, một trong ba mệnh lệnh Fatima là “Hãy đền tạ trái tim vô nhiễm nguyên tội của Mẹ Maria”.

Cũng như tình yêu của Thiên Chúa, con người cũng không thể hiểu thấu được tình yêu của Mẹ Maria đối với chúng ta. Thật thế, khi trao ban thánh Gioan cho Mẹ Maria, Đức Giêsu cũng trao ban mỗi người chúng ta cho Mẹ Maria. Bởi đó, dù thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, thông minh hay đần độn, khoẻ mạnh hay bệnh tật, mỗi người chúng ta đều được Mẹ Maria đón nhận như người con trọn vẹn của Mẹ. Mỗi người chúng ta đều được Mẹ Maria dành cho tất cả tâm tình và tình thương mà Mẹ đã dành cho Đức Giêsu. Mỗi người chúng ta đều được Mẹ Ma-ri-a dành cho một chỗ đặc biệt trong trái tim Mẹ.

Là con cái của Mẹ Maria, chúng ta hãy siêng năng chạy đến với Mẹ để được Mẹ ủi an nâng đỡ và nhất là chúng ta hãy thi hành những lời căn dặn của Mẹ:

- Cải thiện đời sống,

- Siêng năng lần hạt mân côi,

- Tôn sùng Trái tim Mẹ – Amen.

           

SUY NIỆM 3: Mẫu mực trong đời sống đức tin

Một người đàn bà Nigiêria bị tòa án Hồi Giáo kết án tử hình bằng cách ném đá về tội ngoại hôn đã được hoãn hành quyết hai năm để bà có thể cai sữa cho đứa con.

Hôm thứ Hai ngày 17/6/2002, tòa phá án thành phố Pontuar ở miền tây bắc Nigiêria vẫn duy trì cuộc hành quyết này sau khi xét đơn kháng cáo của bà Amila Nawanrami. Người phụ nữ này bị kết án tử hình hồi tháng 3/2002, sau khi bị tố cáo có thai với một người đàn ông không chính thức là chồng của chị. Kurami là người đàn bà thứ hai bị kết án tử hình vì có con ngoại hôn tại Nigiêria. Án tử hình của chị sẽ được thi hành vào năm 2004 sau khi đứa con của chị dứt sữa mẹ. Bản án thật bất công, nó ngược lại với mọi chuẩn mực văn minh của loài người. Tuy nhiên, vẫn còn thấy ở đây một giá trị mà cho dù có độc ác tới đâu loài người vẫn còn trân quí, đó là tình mẫu tử. Người mẹ Nawanrami sẽ chết đi nhưng ít ra đứa con của chị vẫn còn có được những giọt sữa mẹ nuôi dưỡng cho đến khi thôi bú.

Cho con bú mớm, đó là hình ảnh đẹp nhất mà người ta có thể nhìn thấy nơi bất cứ người mẹ nào. Hôm nay Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, có lẽ chúng ta cũng được mời gọi để suy niệm về tình mẫu tử của Mẹ. Mẹ đã sinh dưỡng Chúa Giêsu, Mẹ đã từng cho Ngài bú mớm. Một hôm, vào giữa lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy, có một người trong đám đông đã lên tiếng ca ngợi Mẹ: "Phúc cho kẻ đã cho Ngài bú mớm". Quả thật, cũng như bất cứ bà mẹ nào, Mẹ đã cho Chúa Giêsu bú mớm, Mẹ đã nhìn Ngài lớn lên từng ngày, Mẹ theo dõi và hân hoan với từng bước chân chập chững của Ngài, Mẹ vui với sự khôn lớn của Ngài, Mẹ buồn lo vì sự bất chấp xảy ra cho Ngài.

Câu chuyện Chúa Giêsu lạc mất trong đền thờ được thánh sử Luca ghi lại trong Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy được trái tim hiền mẫu của Mẹ: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con?" Lời trách móc này bộc lộ tất cả trái tim con người của Mẹ. Mẹ đối xử với Chúa Giêsu với tất cả tình cảm của một con người và chính vì là một con người cho nên Mẹ trở thành mẫu mực cho chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin. Nơi Mẹ, chúng ta nhận ra được một người tín hữu tiến bước trong mò mẫm, trong chiến đấu, trong tin yêu và vâng phục. Nhưng Mẹ không chỉ là mẫu mực cho chúng ta trong đời sống đức tin. Mẹ là Mẹ của chúng ta. Mẹ đã yêu thương Chúa Giêsu với tất cả trái tim nhân loại của Mẹ. Ngày nay, Mẹ cũng tiếp tục dõi theo mỗi người chúng ta với trái tim hiền mẫu ấy. Mẹ đã trải qua thử thách, Mẹ hiểu được thế nào là khổ đau. Hơn ai hết, Mẹ đồng cảm với bao nỗi lo lắng và khổ đau của chúng ta. Mẹ hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Mẹ đã từng dõi theo từng bước trong tiến trình trưởng thành của Chúa Giêsu Con Mẹ. Mẹ suy niệm từng biến cố của cuộc sống.

Ngày nay cũng thế, không có giây phút nào trong cuộc sống của mỗi người chúng ta mà không được Mẹ ôm ấp trong lòng. Với niềm tin tưởng ấy, chúng ta phó thác cuộc sống cho Mẹ.

 

SUY NIỆM 4: Lễ Trái Tim Đức Mẹ

Có thứ nghệ thuật cho rằng đặt trái tim bốc lửa ra ngoài ngực của Đức Giê-su và Đức Ma-ri-a là một gương mù. Thế mà chiêm ngưỡng lối cách mạng này là trình bày cho chúng ta thấy hai Đấng thương yêu chúng ta đậm đà nồng ấm biết chừng nào, và chúng ta thấy hai Đấng đáng mến vô cùng. Người ta cho đó là thứ đạo đức thời trang; lấy lý do đạo đức trong sáng, người ta chê thiếu sự liêm chính tri thức và tinh thần thối thiểu trong đức tin; Nhưng người ta không thấy chướng tai gai mắt của lối thương mại in đúc những trái tim to bự bằng nhiều kiểu để trao tặng cho nhau trong ngày lễ Va-lăng-tin;

Như thế người ta nghĩ sao?

Thói chỉ trích đó do thứ thông minh đáng nghi ngờ cho rằng  lối nghệ thuật cơ bắp đó chỉ lôi cuốn sự sùng kính cảm tình. Tuy nhiên, nghệ thuật tạo hình để bày tỏ sự thực của Thiên Chúa, nó nói lên tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Đừng cười chê quá lố; chúng ta thích biểu lộ tình yêu của chúng ta thế nào: bằng phá bỏ tưởng tượng này chăng? Phải, nếu muốn làm cho lòng yêu mến biến mất và không còn gì để kính tôn nữa. Cần phải đến những nhà thờ để chiêm ngưỡng; tôi đã đến và thấy rằng: “Những tượng ảnh xưa đầy gợi cảm đang sống động tốt”. Chúng có giá trị kích thích lòng đạo đức, chúng không thể là thứ danh từ tân thời như ngày nay.

Đức Ma-ri-a yêu thương chúng ta

Trái tim cực sạch Đức Ma-ri-a thế nào? Ngài yêu thương chúng ta. Trái tim cực sạch của Ngài đồng nghĩa với tình yêu chân thật, giống như tình yêu Con Ngài đối với chúng ta. Dù cho chúng ta tan tành cũ rách, và chẳng đáng để ý chút gì.

Thi hào Claudel nói:“Lạy Mẹ Đức Giê-su Ki-tô, con không đến cầu xin, con đến chỉ để nhìn ngắm Mẹ thôi. Nhìn ngắm Mẹ không chỉ để một lát, mà suốt mọi lúc...

Vì Mẹ là bà Mẹ sáng ngời vinh quang nguyên tuyền...chỉ vì mẹ là Ma-ri-a, Mẹ Đức Giê-su Ki-tô, Xin đoái thương chúng con”.

 

SUY NIỆM 5: Tôi biết chạy đến với ai?

(Trích sách ‘Lẽ Sống’)

Sau khi phản bội Chúa bằng một cái hôn, Giuda cảm thấy thất vọng đến độ không còn nghĩ rằng mình có thể được tha thứ nữa. Ông cầm 30 đồng bạc là giá của sự phản bội và đi vào Ðền thờ để trả lại cho các thượng tế và kỳ lão. Sau đó, ông ra ngoài lấy dây thắt cổ tự vận.

Câu chuyện ấy đã được xen vào vở tuồng thương khó nổi tiếng của dân làng Oberammergau bên Ðức. Cứ 10 năm một lần, theo một lời thề hứa mà ông cha đã để lại từ mấy trăm năm qua, người dân làng diễn ra cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Vở kịch thu hút khán giả từ khắp nơi trên thế giới.

Người ta kể lại rằng lần kia, một em bé gái 7 tuổi ngồi cạnh mẹ để xem vở tuồng. Người đóng vai Giuda, trong cơn thất vọng não nề đã thốt lên: "Tôi biết đi đến với ai bây giờ? Tôi đã phản bội Thầy tôi. Thế là hết; Tô không biết phải chạy đến với ai nữa".

Em bé ngồi bên cạnh mẹ cảm thông cho số phận của kẻ chìm đắm trong thất vọng. Em muốn tìm cách để cứu vớt con người khốn khổ ấy. Em bèn quay sang mẹ và nói lớn đến độ tất cả mọi khán thính giả có mặt trong hội trường đều nghe được: "Má ơi, sao ông ta không chạy đến với Mẹ Maria?".

Chúa Giêsu cũng có một người Mẹ như mọi người, và nhất là Ngài cũng trải qua một thời thơ ấu như mọi người. Kỷ niệm của những giây phút ngồi trên gối Mẹ, những lần sà vào lòng Mẹ, những lần mếu máo khi lạc mất Mẹ, hay những lần vòi vĩnh Mẹ... hẳn phải luôn đậm nét trong ký ức của Chúa Giêsu. Có lẽ chính kinh nghiệm của bản thân ấy đã trở thành bài học về hồn nhiên trong trắng, tin tưởng, phó thác của tuổi thơ mà Chúa Giêsu luôn đề ra cho chúng ta khi Ngài nói: "Nếu các ngươi không nên giống như trẻ nhỏ, các ngươi không được vào nước Trời".

Tuổi thơ thường gắn liền với mẹ. Còn âm thanh nào bộc phát, tự nhiên, quen thuộc và êm dịu trên môi của trẻ thơ cho bằng tiếng "Mẹ". Khi vui, trẻ thơ kêu mẹ, lúc đói, trẻ thơ cũng kêu mẹ. Khi tỉnh thức, trẻ thơ cũng kêu mẹ, lúc ngái ngủ, trẻ thơ cũng kêu mẹ... Mẹ là tất cả của trẻ thơ.

Mời gọi chúng ta mặc lấy tâm tình của trẻ thơ để được vào nước Trời, hẳn Chúa Giêsu cũng muốn nhắn gửi chúng ta cho Mẹ của Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời cũng có nghĩa là biết chạy đến với Mẹ Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời cũng có nghĩa là mặc lấy tâm tình của chính Mẹ Ngài, bởi vì còn ai trong trắng, tin tưởng, phó thác cho bằng Mẹ.

 

SUY NIỆM 6: Suy niệm trong lòng

(Trích trong ‘nguoitinhuu.com’)

Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. (Lc 2,51)

Suy niệm: Nhiều lần Chúa Giêsu đã gián tiếp ca ngợi Mẹ: “Mẹ tôi và anh em tôi là những ai nghe Lời tôi và đem ra thực hành” (Mc 3,35; Lc 8,21) và “Phúc thay ai lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa” (Lc 11,28). Các Phúc Âm đã thuật lại những biến cố trong cuộc đời của Người Con, nhất là những biến cố trong thời thơ ấu, đã đi vào cuộc đời của Mẹ và cho biết Mẹ “hằng ghi nhớ những kỷ niệm đó và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19.51). Hẳn đối với Mẹ, Lời Chúa không chỉ được nghe tại các hội đường mà còn vang lên nơi các biến cố đời thường và nhất là nhập thể nơi Người Con duy nhất mà Mẹ được diễm phúc sinh ra. Mẹ đã thường xuyên “đọc” Lời Chúa và suy niệm trong lòng như thế nên những phản ứng của Mẹ luôn biểu lộ thái độ của một người có lòng tin sâu xa, thấm nhuần Lời Chúa.

Mời Bạn: Mẹ Maria là người đã trải qua nhiều “đêm tối đức tin” hơn ai hết, nhưng nhờ Mẹ năng lắng nghe và suy niệm Lời Chúa nên Mẹ có sức mạnh nội tâm vượt qua tất cả. Làm sao Mẹ có thể tin nổi lời sứ thần Gabriel, làm sao Mẹ có thể can đảm đi theo Chúa trọn con đường Thập giá nếu Mẹ không nhận ra và tin vào Lời Chúa? Giờ đây Mẹ vẫn chuyển cầu và dẫn chúng ta đến với Chúa mỗi khi chúng ta gặp khó khăn thử thách: “Người bảo gì thì hãy làm theo” (Ga 2,3). Nhưng liệu tôi có nghe và làm theo không?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày chọn một câu Lời Chúa để suy đi gẫm lại như Mẹ.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, Chúa Giêsu đã vâng phục Mẹ vì Mẹ đã thấm nhuần Lời Chúa. Xin giúp con biết để Lời Chúa hướng dẫn bước đường con đi trong suốt cuộc lữ hành trần thế này.

 

SUY NIỆM 7: LỄ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ

(JM Lam Thy ĐVD)

Để nói lên vai trò quan trọng bậc nhất của người mẹ, tục ngữ Việt Nam có câu: “Mồ côi cha ăn cơm với cá; Mồ côi mẹ liếm lá đầu đình”. Ấy cũng bởi vì tình cảm mẹ con vô cùng thắm thiết. Ngôn ngữ loài người đã dùng 2 tiếng Mẹ và Con để tôn vinh tình cảm bất khả thay thế đó, đồng thời cũng dùng 2 tiếng ấy trong cách xưng hô giữa 2 ngôi vị đó trong gia đình. Đối chiếu tình cảm đó với Thánh Kinh, khi nhìn vào mầu nhiệm Cứu Chuộc thì Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa (Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể), khi nhìn vào mầu nhiệm Hội Thánh thì Đức Maria là Mẹ Giáo Hội (vì Người Con của Mẹ đã nhận Giáo Hội làm Hiền Thê và chính thức trao phó cho Mẹ trước khi sinh thì trên Thánh Giá). Quả thật tình Mẫu Tử giữa Mẹ Thiên Chúa và Người Con là cao vời tuyệt đỉnh, muôn vật thụ tạo khôn sánh bằng.

Tuy nhiên, khi suy niệm Thánh Kinh thì lại nảy sinh thắc mắc: Tại sao Người Con Chí Thánh Giê-su lại gọi Mẹ mình bằng tiếng Bà nghe có vẻ xa lạ như vậy (như trong tiệc cưới Ca-na, khi thấy thiếu rượu, Đức Maria nói với Đức Giê-su: “Họ hết rượu rồi.” Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” – Ga 2, 4); thậm chí cả khi trối trăng dưới chân thập tự: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ Gio-an: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.” – Ga 19, 26-27). Phải chăng vì Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, nên Người không muốn gọi người sinh ra mình nơi trần gian là Mẹ? Thắc mắc thật khó lý giải, đành phải nhờ vào việc tìm hiểu danh thánh Maria qua cách giải thích của các Giáo phụ, mới hiểu rõ được vấn đề:

Qua hàng bao thế kỷ, nhờ lòng tôn sùng tuyệt đối Đức Maria, các thánh Giáo phụ đã đề nghị nhiều cách giải thích khác nhau về ý nghĩa của danh xưng “Maria”. Tựu trung, người ta đã có được một giàn ý nghĩa kỳ thú sau đây: Maria nghĩa là “Người Soi Sáng” bởi vì Người đã đem Ánh Sáng (Đức Giê-su Thiên Chúa – Nguồn Ánh Sáng Cứu Độ) đến cho thế gian; Maria nghĩa là “Sao Biển” vì những người đi biển được Sao Biển hướng dẫn về bến bờ như thế nào, thì Ki-tô hữu trong biển đời giông tố cũng đạt đến vinh quang nhờ sự soi đường chỉ lối của Đức Từ Mẫu Maria như vậy; Maria còn có nghĩa là “Lệnh Bà” (là Đức Bà của nhân loại). Trước đây ở Việt Nam, trong các kinh nguyện về Đức Maria đều gọi là Đức Bà. Điều đó cho thấy khi Đức Giê-su gọi Đức Maria là Bà, là Người tôn vinh Người Mẹ chí ái của minh vậy.

Còn về ngày lễ “Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ”, thì Lịch sử Phụng Vụ của Giáo Hội cho biết: Năm 1787, Đức Giáo hoàng Pi-ô VI ban phép các nữ tu dòng Đức Mẹ Gabriel mừng lễ “Rất Thánh Trái Tim Mẹ Maria” vào ngày 22/8. Năm 1799, tất cả các nhà thờ giáo phận Palermô nước Ý được mừng lễ này. Năm 1805, tất cả các giáo phận và các dòng tu muốn mừng lễ này đều được Đức Pi-ô VII ban phép. Năm 1855, dưới triều đại Đức Pi-ô IX, giờ kinh và Thánh lễ đã được Thánh bộ Lễ nghi chấp thuận (1).

Từ sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại Fatima năm 1917 ban hành mệnh lệnh “Tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ”, vào ngày mồng 8/12/1942, Đức Thánh Cha Pi-ô XII long trọng dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ. Tới tháng 5/1943, Đức Thánh Cha khuyến khích tín hữu Công Giáo kêu cầu sự bầu cử của Đức Trinh Nữ Rất Thánh, nhất là bằng cách đọc kinh Mân Côi cầu cho thế giới được hoà bình đích thực. Ngài cũng kêu mời mọi người dâng mình cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Năm 1945, ngài chính thức thành lập lễ “Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ” vào ngày 22/8. Theo chiều hướng canh tân Phụng vụ, năm 1969, Đức Phao-lô VI đổi lễ này vào ngày thứ Bảy sau lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su (cuối tuần Chúa nhật II sau lễ Hiện Xuống) (2).

Thật vô cùng ý nghĩa khi ngày lễ kính Trái Tim Người Mẹ đi liền với ngày lễ kính Thánh Tâm Người Con. Ấy cũng bởi vì 2 Trái Tim ấy luôn gắn liền với nhau, ở trong nhau trong suốt thời Cứu Độ và mãi mãi cho đến vô cùng. Để được hòa chung Máu của Mẹ với Máu của Con làm của dưỡng nuôi những tín hữu, cùng đồng công cứu chuộc nhân loại thoát khỏi sự chết đời đời, hẳn nhiên Đức Mẹ phải có đầy đủ trong lòng (trong trái tim) nguồn ân sủng chan chứa làm nên những hình ảnh Trái Tim Từ Mẫu tuyệt vời: Trái Tim Tinh Tuyền, Trái Tim Tín Thác, Trái Tim Cay Đắng, Trái Tim Nhân Hậu.

Trái Tim Tinh Tuyền: Mẹ đã được tuyển chọn ngay từ khi Nguyên tổ phạm tội. Thiên Chúa đã tiền định một E-và Mới sẽ “đạp nát đầu con rắn (Xa-tan) đã cám dỗ E-và” (St 3, 1-15). E-và Mới đó chính là Đức Maria được hồng ân vô nhiễm nguyên tội ngay từ khi đầu thai trong lòng bà Anna. Đồng thời, trong suốt cuộc đời trần thế, Mẹ cộng tác mật thiết với Người Con (A-đam Mới) đồng công cứu chuộc loài người, gặp biết bao nghịch cảnh và cám dỗ của ba thù, Mẹ vẫn giữ nguyên tuyền vẻ đẹp trinh trong một Trái Tim Vẹn Sạch, không chút bợn nhơ trần thế.

Trái Tim Tín Thác: Sau khi nghe sứ thần truyền tin, Mẹ chẳng so đo ngần ngại, mà dứt khoát:“Xin Vâng”. Mẹ hoàn toàn vâng phục, phó thác vào Thiên Chúa Quan Phòng với tất cả tấm lòng tin, cậy, mến. Qua bài ca “Ngợi Khen” (Magnificat), Mẹ cảm tạ, ca ngợi và tri ân Thiên Chúa đã đoái thương đến Mẹ và dân Chúa chọn. Vì nay lời Giao ước đã được thưc hiện, Mẹ phó thác vào Thiên Chúa, tuân phục theo những dấu chỉ, những mệnh lệnh của Người cách trực tiếp, hay gián tiếp qua người bạn trăm năm là Thánh Cả Giu-se. Dù bụng mang dạ chửa nặng nề, Mẹ vẫn vui lòng lên đường trở về Bê Lem cùng với Thánh Cả Giu-se, theo lệnh kiểm tra dân số của hoàng đế Augusto. Sau khi sinh hạ Hài Nhi Giê-su nơi hang bò lừa Bê-lem lạnh lẽo, Mẹ lại tiếp tục vâng theo Thánh ý, đem Con sang Ai-cập lánh nạn Hê-rô-đê lung giết các hài nhi.

Trái Tim Cay Đắng: Ngày 13/6/1917, một trong ba thiếu nhi Fatima (Lucia, Jacinta và Francisco) là Lucia (được “Chúa Giê-su dùng để làm cho Mẹ được mọi người nhận biết và yêu mến”) đã trực tiếp nghe lời Đức Mẹ phán hứa: “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Chúa”. Thế rồi, trước khi biến đi, Đức Maria đã dùng tay phải chỉ vào ngực, cho 3 trẻ thấy một Trái Tim bị gai nhọn từ chung quanh đâm vào (3). Điều này cho thấy những gai nhọn, đinh sắc (tội lỗi loài người) không chỉ đâm vào Thánh Tâm Người Con mà còn đâm cả vào Trái Tim Mẹ. Trái Tim Mẹ khi còn tại thế đã đau đớn đúng như lời ngôn sứ Si-mê-on tiên báo (“Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” – Lc 2, 35). Thật không ngờ cho đến 20 thế kỷ sau, khi Đức Mẹ hiện ra tại Fatima (năm 1917), Trái Tim Mẹ vẫn tiếp tục bị gai nhọn, đinh sắc tội lỗi loài người đâm thâu. Danh thánh Maria với nghĩa là “Biển Đắng Cay” quả thật không sai.

Trái Tim Nhân Hậu: Nói về nhân hậu là nói về Đức Mến nền tảng của Ki-tô giáo. Đó chính là điều răn trọng nhất: “Mến Chúa yêu người”. Với Đức Maria thì Trái Tim Mẹ đã vượt trên tất cả phàm nhân về đức tính nhân hậu. Vì “yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”, Đức Maria đã dâng hiến toàn thân cho Thiên Chúa (khấn giữ đồng trinh). Cũng vì yêu Chúa, nên Mẹ đã “xin vâng như lời sứ thần truyền” dù cho Mẹ “không hề biết đến người nam”. Cũng vì yêu Chúa, nên Mẹ chấp nhận mọi gian nan vất vả khi sinh con tại hang bò lửa Bê-lem, khi mang Con lánh nạn sang Ai-cập. Từ khi hạ sinh Trưởng Tử Giê-su, Mẹ hết lòng yêu thương, chăm sóc Con, không những thế, Mẹ còn dạy mọi người đức mến yêu, vâng phục tuyệt đối Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo” (Ga 2, 5). Cho đến khi Con tử nạn trên Gôn-gô-tha thì Trái Tim tan nát của Mẹ vẫn mở ra đón nhận đàn con cái trần gian do Người Con trao phó. Trái Tim của Mẹ vì khiêm cung nhân hậu đã xin vâng nhận làm Mẹ Thiên Chúa, nay lại mở rộng lòng nhận hậu, nhận làm Mẹ Giáo Hội lữ hành.

Suy niệm về Trái Tim Từ Mẫu Maria thì vô cùng, không bút mực nào có thể diễn tả cho hết được về kỳ công Thiên Chúa đã ban cho nhân loại một Evà Mới Maria, hạ sinh một Trưởng Tử Ađam Mới, cùng hiệp thông thi hành sứ vụ Cứu Độ nhân loại. Người Ki-tô hữu hãy chạy đến với Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ, để được “Nhờ Mẹ, đến với Chúa – Ad Jesum per Mariam”, cầu xin Người ban cho một tâm hồn trong sạch, một trái tim tinh tuyền như Mẹ và như vua Đa-vit thủa xưa. Hãy tha thiết thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ” (Tv 51, 12). Ôi! “Lay Chúa, xin ban cho con trái tim tinh tuyền. Để con luôn luôn cao dâng tâm tình kính mến. Lay Chúa, xin ban cho con trái tim tinh tuyền. Để con luôn luôn trung kiên vững một niềm tin.” (TCCĐ “Trái Tim Tinh Tuyền”).

 

SUY NIỆM 8: ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM, VÌ ĐƯỢC CHÚA Ở CÙNG

(LM. Giuse Đinh Quang Thịnh)

Khi ta nhìn Đức Ma-ri-a trong mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, thì Đức Ma-ri-a là Mẹ của Thiên Chúa (Hội Thánh kính ngày 1.1)

Khi ta nhìn Đức Ma-ri-a trong mầu nhiệm Hội Thánh, thì Đức Ma-ri-a là đấng Vô Nhiễm, vì là Hiền Thê của Tân Lang Giêsu mà Hội Thánh kính hôm nay.

Chính Đức Giê-su đã gọi Mẹ mình bằng danh hiệu Bà lúc khởi đầu và lúc kết thúc cuộc đời công khai của Ngài.

- Khởi đầu cuộc đời công khai của Đức Giê-su, Ngài “thai nghén” Hội Thánh qua tiệc cưới Cana là dấu chỉ. Nơi đây Đức Giê-su nói với Mẹ: “Này Bà, giữa tôi và Bà nào có việc gì” (Ga 2,4a). Đức Giê-su gọi Mẹ mình là Bà,Ngài có ý xác nhận Đức Ma-ri-a là Eva mới, sẽ làm ứng nghiệm lời hứa tiền Tin Mừng Thiên Chúa cứu độ loài người: “Người phụ nữ sẽ đạp nát đầu rắn” (St 3,15 – Theo bản dịch Phổ Thông). Bà Eva mới này mới làm ứng nghiệm lời ông Adam nói với vợ: “Bà là mẹ các sinh linh” (St 3,20), nghĩa là mẹ của những người được Thiên Chúa cứu độ.

- Kết thúc đời công khai của Đức Giê-su, khi Ngài bị treo trên thập giá là thời điểm Ngài sinh ra Hội Thánh, là con của Bà Maria, Eva mới,  như Lời Đức Giê-su nói về sự liên hệ giữa môn đệ của Ngài với Đức Ma-ri-a: “Hỡi Bà, này là con Bà”, đoạn Ngài nói với môn đệ: “Này là Mẹ con”, và từ giờ đó môn đệ đã lĩnh lấy bà về nhà mình” (Ga 19,26-27).

Như thế hai lần Đức Giê-su gọi Mẹ bằng danh hiệu Bà mở đầu và kết thúc cuộc đời công khai của Ngài, là Ngài có ý nhấn mạnh: Từ khởi sự cho đến hoàn tất, những công việc tôi đều có sự tham dự tích cực của bà Maria. Vì thế, thánh Phao-lô nói: “Cũng chỉ vì một người mà sự tội đã đột nhập vào thế gian, và vì tội, thì sự chết nữa và như vậy sự chết đã lan qua hết mọi người, một khi mọi người đều đã phạm tội… Ấy thế, mà sự chết đã ngự trị từ Adam cho đến ông Mô-sê, trên những kẻ không phạm tội (vì lúc đó chưa có Luật) bằng cách vi phạm giống như Adam phản ảnh của Đấng sẽ đến. Nhưng không phải sa ngã sao ơn huệ cũng vậy. Vì nếu bởi sự sa ngã của một người, nhiều người đã chết, thì còn dãy tràn hơn biết bao trên nhiều người, ơn của Thiên Chúa, lộc trong ơn của một người, Đức Giê-su Ki-tô”(Rm 5,12.14-15).

Bởi đó, Đức Ma-ri-a là tiền thân của các Ki-tô hữu, vì qua Bí tích Thánh Tẩy, người Ki-tô hữu cũng là một trinh nữ thanh khiết, như Maria, Mẹ của mình, được đính hôn với Tân Lang Giêsu, (x 2Cr 11,2). Chính vì vậy mà Hội Thánh tuyên xưng Đức Ma-ri-a là một Trinh Nữ Vô Nhiễm Chúa chọn từ muôn thuở, để cùng với Adam cuối cùng (x 1Cr 15,45b) sinh ra dòng giống nhân loại mới là Hội Thánh. Do đó giáo huấn của Công Đồng Vat.II, trong Hiến Chế Hội Thánh số 56: “Vì Eva không vâng Lời Chúa, nên đã sinh ra nhân loại phải chết ; nhưng nhờ Đức Ma-ri-a, Eva mới cùng với Adam cuối cùng, sinh ra dòng giống nhân loại mới được sống muôn đời hạnh phúc dồi dào”, và như thế Đức Ma-ri-a đã làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói về thời đại Thiên Chúa ra tay cứu độ: “Dòng giống chúng sẽ được biết đến trong các nước, và miêu duệ chúng lừng danh giữa muôn dân ; ai thấy chúng đều nhận biết đích thị là dòng giống được Thiên Chúa chúc lành” (Is 61,9: Bài đọc). Bởi đó, khi Đức Ma-ri-a vừa nghe bà Elizabeth người chị họ chúc tụng: “Trong nữ giới có người là diễm phúc ! Vì đáng chúc tụng thay quả lòng Bà! Và bởi đâu tôi được thế này là Mẹ Chúa đến với tôi” (Lc 1,42-43). Vừa nghe lời chúc tụng ấy, Đức Ma-ri-a cất tiếng ca ngợi Chúa: “Tâm hồn con nhảy mừng trong Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,47: Đáp ca). Tâm tình ca tụng Chúa của Đức Ma-ri-a đã nối dài lời chúc tụng của bà Anna, dù hiếm hoi mà được Chúa cho sinh con trong tuổi già: “Tâm hồn con hỷ hoan vì Chúa, nhờ Chúa con ngẩng đầu hiên ngang, con mở miệng nhạo báng quân thù. Vâng con vui sướng vì được Ngài cứu độ” (1Sm 2,1). Và như thế, lời tạ ơn trên của Đức Ma-ri-a lại làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói về thời Thiên Chúa ra tay cứu loài người khỏi án tử vì tội: “Tâm hồn con vui sướng trong Chúa, mạng con nhảy mừng trong Thiên Chúa con thờ, vì Người đã mặc cho con áo cứu độ. Chiến bào công chính, Người phủ lên con, như tân lang chỉnh tề đai mão và tân nương điểm trang phục sức” (Is 61,10: Bài đọc). Và  như thế Đức Ma-ri-a đã xác nhận mình là Tân Nương đã được Chúa điểm trang phục sức đứng kề bên Adam cuối cùng chỉnh tề đai mão, vì Ngài là Vua.

Ơn huệ quý báu Chúa ban cho Đức Ma-ri-a chỉ có thể tồn tại nhờ Mẹ đến Nhà Chúa gặp thấy Con đang giảng dạy giáo lý. Quả thật, mầu nhiệm này Đức Giê-su hữu ý bắt cha mẹ Ngài phải đến Nhà Thờ, mới được bình an. Đó là lý do Ngài trốn cha mẹ ở lại Nhà Thờ, để từ đó Con Thiên Chúa đồng hành với cha mẹ trở về quê Nazareth (x Lc 2, 41-51: Tin Mừng). Sau này từ Nazareth Đức Giê-su bắt đầu đời sống công khai, đem Tin Mừng cứu độ cho muôn dân (x Lc 4,14t).

Vậy ta hãy bắt chước “Đức Trinh Nữ Ma-ri-a ghi nhớ Lời Chúa và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19: Tung Hô Tin Mừng), để qua Phụng Vụ Thánh Lễ Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Ma-ri-a, Hội Thánh  muốn nhắc nhở con cái mình: Người Công Giáo đã được trở nên con cái Mẹ, thì phải nên giống Mẹ năng đến Nhà Thờ gặp Chúa, vì mỗi khi phạm tội là ta lạc mất Chúa, hãy trở lại Đền Thờ để tham dự Thánh Lễ, nhờ Chúa ta được thanh tẩy, và cho ta tham dự vào ơn Vô Nhiễm của Mẹ. Như lời thánh Gioan nói: “Mầm giống của Đức Ki-tô lưu lại trong kẻ ấy, và kẻ ấy không thể phạm tội, bởi chưng đã được sinh bởi Thiên Chúa” (1Ga 3,9). Đó là hiệu quả chính của Bí tích Thánh Thể mà sách Giáo Lý Roma đã xác quyết:

- Việc rước lễ giúp ta xa lánh tội lỗi, khi chúng ta rước Mình Chúa Ki-tô “đã phó nộp vì ta” và Máu “đã đổ ra cho mọi người được tha tội”. Vì thế Bí tích Thánh Thể không thể kết hợp chúng ta với Chúa Ki-tô, nếu Chúa Ki-tô không thanh tẩy chúng ta khỏi tội đã phạm và giúp chúng ta xa lánh tội lỗi (số 1393).

- Nhờ tình yêu mà Bí tích Thánh Thể khơi dậy trong tâm hồn, chúng ta được gìn giữ khỏi phạm tội trọng, càng tham dự vào sự sống Chúa Ki-tô, chúng ta càng sống mật thiết với Người ; nhờ đó giảm bớt nguy cơ phạm tội trọng lìa xa Chúa (số 1395).

- Nhờ tham dự Thánh Thể, ta được gắn bó với Chúa Giê-su Phục Sinh chặt chẽ hơn, vì Ngài đã tha các tội nhẹ của ta, và bảo vệ ta khỏi phạm tội trọng (số 1416).

THUỘC LÒNG: Tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Ki-tô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết (2Cr 11,2).

 

SUY NIỆM 8: LỄ TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ (Lc 2, 41 – 51)

(Lm. Giuse Nguyễn Đức Ngọc)

Xâm mình (xâm những hình ảnh trên thân thể) đang là mốt thời thượng của giới trẻ. Họ xâm trên mình nhiều hình ảnh hết sức lạ mắt và cho rằng xâm mình như vậy mới là “dân chơi”, mới là “sành điệu”. Có bạn trẻ xâm trên ngực hình trái tim bị một mũi tên xuyên qua đang rỉ máu với hàng chữ minh họa “hận tình đen bạc” hoặc “hận đời”…..

Khi nhìn trái tim rỉ máu ấy tôi liên tưởng đến 2 trái tim cũng bị đâm thâu: Một trái tim mà chúng ta mới mừng lễ hôm qua bị xé rách do lưỡi đòng của quân lính – Thánh Tâm CGS - và một trái tim bị đâm thâu do lưỡi gươm ác nghiệt mà Ông già Simêon đã tiên báo (Lc 2, 35b) – trái tim vô nhiễm Đức Mẹ mà chúng ta mừng lễ hôm nay.

Điểm khác biệt của 2 trái tim này với trái tim trên ở chỗ : 2 trái tim này bị đâm thâu và loang máu không phải vì “hận tình” và “hận đời” mà là vì “yêu Trời, yêu đời và yêu người”.

Sau khi Nguyên Tổ sa ngã, dù con người đã phạm tội chống lại Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương Ađam và Evà. Người muốn họ và tất cả loài người phát xuất từ hai ông bà được sống trong tình nghĩa với Người nên đã sai Đấng Cứu Chuộc đến để giao hòa con người với Thiên Chúa (St 3,15) và phục hồi tình trạng ơn thánh cho chúng ta (Sách GL của HTCG).

Thế là trái tim thứ I có sứ mạng tuân hành thánh ý Thiên Chúa Cha, nhập thể và nhập thế để trở nên của lễ đền tội cho nhân loại: “Này con đây, con đến để thực thi ý ngài” (Dt 10, 8-9). Nhưng để có thể xuất hiện trong cuộc đời này, trái tim thứ I rất cần có sự cộng tác của trái tim thứ II để cho thánh ý được nên trọn. Thiên Chúa không phải chờ lâu, trái tim thứ II đã mau mắn đáp lại tiếng mời gọi của Sứ Thần Gabriel: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền” (Lc 1, 38).

Và bắt đầu từ đó, hai trái tim hòa quyện với nhau, trở nên một tâm tình, một ý chí và một lòng mến: yêu Trời (Chúa Cha), yêu đời (chấp nhận và thực thi sứ mạng của mình) và yêu người (vì yêu thương nhân loại), đến nỗi ta không bao giờ có thể tách biệt 2 trái tim ấy ra.

Có lẽ chính vì ý thức như vậy nên liền sau lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, Giáo Hội mừng lễ trái tim vô nhiễm Mẹ Maria để muốn nói lên rằng Mẹ và Con Yêu Dấu của Mẹ đã liên kết với nhau chặt chẽ, đã đồng tâm nhất trí với nhau, đã một lòng một ý vâng lời Thánh ý Thiên Chúa Cha và hoàn toàn dâng hiến cho nhân loại. Có lẽ không có hình ảnh nào cao cả cho bằng hình ảnh Mẹ Maria đứng dưới chân Thánh Giá. Chính lúc lưỡi đòng đâm thâu trái tim Con của Mẹ thì cũng là lúc trái tim Mẹ nát tan. Có lẽ để chứng thực điều đó nên vào ngày 13/6/1929, khi hiện ra với Chị Lucia, Mẹ đã cho Chị nhìn thấy trái tim của Mẹ bốc lửa và bị vòng gai quấn chung quanh, bên cạnh là Thánh Giá Chúa Giêsu lơ lửng trên trần nhà nguyện.

Bạn thân mến, Mẹ Maria đang mời gọi mỗi người chúng ta cũng hãy gắn chặt và liên kết trái tim chúng ta với Thánh Tâm Chúa qua trung gian trái tim vẹn sạch của Mẹ. Điều kiện để được liên kết đó là hãy yêu như Chúa và Mẹ yêu, hãy sống như Chúa và Mẹ sống, hãy hy sinh, dâng hiến trọn vẹn cho tha nhân như Chúa và Mẹ đã làm. Amen.

 

SUY NIỆM 9: LỄ TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ

(Phêrô Dương Hải Văn SDB)

Trong các lễ nhớ dành riêng cho Mẹ Maria liên quan tới lễ Đức Mẹ Lộ Đức, có lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Kiểu nói ”trái tim vô nhiễm” mới có sau này, và trở thành thông dụng sau khi Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố tín lý Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội năm 1854. Trước đó có các kiểu nói thông dụng như ”trái tim rất thanh sạch”, hay ”trái tim rất vẹn tuyền”, hoặc ”trái tim rất thánh” Đức Mẹ Maria...

Việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ được dựa trên nền tảng Phúc Âm: “Maria ghi nhớ những điều này và suy niệm trong lòng” (Lc 2, 19), và “Còn Mẹ Ngài thì ghi nhớ những điều này trong lòng” (Lc 2, 51). Trong Cựu Ước, trái tim được xem là biểu tượng thẳm sâu trong tâm lòng con người, là trung tâm của mọi chọn lựa và cam kết. Còn đối với nhân loại thì đó là biểu tượng của tình yêu. Trong sách Đệ Nhị Luật ta đã nghe rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết tâm lòng, hết sức lực và trí khôn ngươi.” (Đnl 6,5).  Trong Tin Mừng theo thánh Máccô thì khi các biệt phái chất vấn Đức Kitô về giới răn nào là trọng nhất, Ngài đã nhắc lại đoạn Kinh Thánh này để trả lời cho họ (Mc 12, 29-33).

Chính Trái Tim Mẹ đã đáp trả bằng tiếng “Xin vâng” với Thiên Chúa khi được sứ thần Gabrien truyền tin. Do sự ưng thuận vì tình yêu, Mẹ Maria trước hết đã cưu mang Đức Giêsu trong trái tim mình và rồi cũng cưu mang trong cung lòng của Mẹ.

Theo lịch sử, việc tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ được tìm thấy đầu tiên vào thế kỷ 12 với nhiều sử gia như Thánh Anselm (1109) và Thánh Bernard thành Clairvaux (1153) là thánh viết rất tài tình về việc tôn sùng thánh thiện này. Thánh Bernadine thành Siena (1380-1444) đã được gọi là Tiến Sĩ về lòng sùng kính Trái Tim Mẹ vì những trước tác về Trái Tim Mẹ. Ngài viết, “từ trái tim Mẹ, như lò lửa của Tình Yêu Rất Thánh, Đức Trinh Nữ Maria đã nói lên ngôn ngữ tuyệt vời nhất của một tình yêu mãnh liệt.” Thánh John Eudes (1601-1680) qua các bài viết của Ngài đã giúp khơi lại lòng sùng kính này. Đức Thánh Cha Lêô XIII và Piô X gọi ngài là “cha, thầy dạy và là tông đồ phụng vụ lòng sùng mến Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria”. Thánh John Eudes và những người theo ngài đã dành ngày 8 tháng 2 trong khoảng năm 1643 để kính nhớ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Về sau, Đức Piô VII cho mở rộng ngày mừng kính này để các giáo xứ hoặc hội đoàn nào muốn tôn sùng thì cũng được phép.

Việc tôn sùng Trái Tim Mẹ Maria có một truyền thống đẹp đẽ hơn nữa qua tấm ảnh đeo của Thánh Catarina Laboure năm 1830 và việc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima từ ngày 13 tháng 5 đến 13 tháng 10 năm 1917. Mẹ đã hiện ra với 3 trẻ là Jacinta, Phanxicô và Luica tại Fatima, Bồ Đào Nha. Trong ngày 13 tháng 7, Mẹ đã cho các trẻ này biết rằng ''để cứu những người tôi lỗi, Thiên Chúa đã ước ao thiết lập việc sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ''. Toàn bộ lời nhắn nhủ của Mẹ là một lời cầu nguyện, thống hối và bằng những việc hy sinh, đền bù phạt tạ Thiên Chúa về những xúc phạm đến Ngài.

Vào năm 1942, kỷ niệm 25 năm biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, Đức Thánh Cha Piô XII đã dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Cũng vào năm ấy, ngài đã chọn mừng lễ này vào ngày 22 tháng 8, một tuần sau lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời. Ngày 4 tháng 5 năm 1944, ngài loan báo mở rộng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm cho Giáo Hội hoàn vũ. Với những cải cách về phụng vụ trong Công Đồng Vatican II, lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ được dời về một ngày ngay sau Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chính là ngày  thứ bảy sau chúa nhật thứ hai sau Lễ Hiện Xuống.

Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria để cưu mang Đấng Cứu Thế, để cộng tác cho công trình cứu chuộc của Người. Công trình này xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa. Đức Maria đã cộng tác với Thiên Chúa để mang tình yêu của Người cho nhân loại. Chúa cũng mời gọi sự cộng tác của mỗi người chúng ta. Mỗi người đều có một vai trò và vị trí đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Điều Thiên Chúa cần nơi mỗi người chúng ta là noi gương Mẹ Maria, luôn sẵn sàng vâng phục thánh ý của Chúa.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Sáu 19/04/2024 – Thứ Sáu tuần 3 Phục Sinh. – Con đường hiến thân. (18/04/2024 10:00:00 - Xem: 1,194)

Thứ Sáu tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Năm 18/04/2024 – Thứ Năm tuần 3 Phục Sinh. – Tin vào Lời Chúa – cử hành Thánh Thể. (17/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,299)

Thứ Năm tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Tư 17/04/2024 – Thứ Tư tuần 3 Phục Sinh. – Ý nghĩa của cuộc sống. (16/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,957)

Thứ Tư tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Ba 16/04/2024 – Thứ Ba tuần 3 Phục Sinh. – Bánh trường sinh. (15/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,901)

Thứ Ba tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Hai 15/04/2024 – Thứ Hai tuần 3 Phục Sinh. – Tin vào Đấng Thiên Sai. (14/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,763)

Thứ Hai tuần 3 Phục Sinh.

+ Chúa Nhật 14/04/2024 – CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH năm B. – Chứng nhân về Chúa Giêsu Phục sinh. (13/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,504)

CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH năm B.

Thứ Bảy 13/04/2024 – Thứ Bảy tuần 2 Phục Sinh. – Bến bờ bình an. (12/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,232)

Thứ Bảy tuần 2 Phục Sinh.

Thứ Sáu 12/04/2024 – Thứ Sáu tuần 2 Phục Sinh. – Năm chiếc bánh và hai con cá. (11/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,894)

Thứ Sáu tuần 2 Phục Sinh.

Thứ Năm 11/04/2024 – Thứ Năm tuần 2 Phục Sinh. - Thánh Ta-nít-la-ô, giám mục tử đạo. Lễ nhớ. – Tình yêu thương. (10/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,899)

Thánh Ta-nít-la-ô, giám mục tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Tư 10/04/2024 – Thứ Tư tuần 2 Phục Sinh. – Đi rao giảng Tin Mừng. (09/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,137)

Thứ Tư tuần 2 Phục Sinh.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7