Suy tư - Cảm nghiệm

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa Nhật 3 MC năm B

  • In trang này
  • Lượt xem: 896
  • Ngày đăng: 27/02/2024 09:33:28

THANH TẨY ĐỀN THỜ

Chúa Nhật 3 Mùa Chay năm B. Ga 2, 13-25

 

 

Suy niệm

Nhìn quang cảnh chợ búa bát nháo, hỗn độn ở sân đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu không thể chịu nổi tình trạng buôn thần bán thánh của các tư tế. Họ đã lợi dụng đền thờ làm nơi kinh doanh thu nhập bổ béo cho mình. Ngài đã ra tay xua đuổi tất cả những người buôn bán ra khỏi Đền thờ, hất tung tiền bạc và lật nhào bàn ghế của họ. Thái độ mạnh bạo của Đức Giêsu ở đây là trường hợp duy nhất cho thấy Ngài muốn trong sạch hóa đền thờ, muốn hoàn thành ước vọng của Cha theo lời ngôn sứ Dacaria: “Ngày ấy sẽ không còn lái buôn trong Nhà Đức Chúa các đạo binh nữa” (14, 21)Đồng thời xác định lại lời của ngôn sứ Giêrêmia 7,1: “Đừng biến nhà Cha Ta thành cái chợ”.

 

Thực tế, tinh thần đạo giáo của Israel lúc đó đã suy thoái và bị tục hóa nặng nề. Chính giới thẩm quyền Do Thái giáo đã cho phép đám con buôn vào đây, và họ hưởng mối lợi khổng lồ từ những hoạt động thương vụ này. Việc buôn bán đó đã bóc lột những người nghèo. Họ phải đổi thành tiền của Đền thờ chỉ còn giá trị phân nửa, rồi phải mua lễ vật ở đó để dâng tiến Thiên Chúa với giá cao gấp mười lần. Chứng kiến những việc này nên lòng yêu mến công lý đã bốc cháy trong tim Đức Giêsu, khiến Ngài phải gây một cú sốc để mọi người thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của sự việc. Ngài biết rõ mối nguy hiểm khi dám làm như thế, nhưng điều đó lại ứng nghiệm câu Thánh vịnh:“Vì nhiệt tâm lo nhà Chúa mà con phải thiệt thân” (Tv 69, 10).

 

Người ta lấy làm lạ về thái độ của Chúa Giêsu, nhưng Ngài không làm như vậy mới lạ. Nếu Ngài chỉ nói nhỏ nhẹ thôi thì rõ ràng Ngài tỏ ra nhát đảm, vì sợ đụng chạm đến quyền lợi của thượng tế Khanan và nhóm tư tế trong Đền thờ. Nguy hiểm hơn nữa đó là sự khoan nhượng như dấu hiệu thỏa hiệp với sự dữ. Thái độ của Đức Giêsu ở đây là muốn khai trừ sự dữ hơn là giận dữ. Ngài không hành động theo cảm tính mà theo lẽ chân thật, và đó là điều mà ngôn sứ Isaia khẳng định: “Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho muôn dân.” (Is 56,7).

 

Đứng trước những hành động mạnh bạo của Đức Giêsu, các viên chức Do Thái đòi dấu lạ để chứng tỏ Ngài có quyền làm như thế. Đức Giêsu trả lời gần như thách thức họ:“Các ông cứ phá hủy Ðền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”. Thật sự họ đã phá hủy Đền thờ khi biến nơi đó thành hang trộm cướp, và bỏ mặc Đền thờ bị tàn phá như thời của ngôn sứ Giêrêmia, và sẽ ứng nghiệm một lần nữa vào năm 70. Tuy nhiên, khi tuyên bố điều trên, Đức Giêsu không nhằm nói đến Đền thờ bằng gạch đá, nhưng nói đến cái chết và sự phục sinh của Ngài. Thân thể được phục sinh của Ngài sẽ là Ðền Thờ mới, nơi nhân loại thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực.

 

Biến cố thanh tẩy đền thờ xảy ra gần ngày lễ Vượt qua của người Do Thái, nên đây cũng là hành động biểu trưng của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy: Ngài thay thế chỗ các tư tế Do thái, và xóa bỏ hình thức tế tự cũ để thay vào bằng một hiến lễ tinh tuyền là chính Ngài, mà Thiên Chúa đã loan báo qua ngôn sứ Malakia (1, 10-11). Nếu Đền thờ là nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau, thì từ đây sự gặp gỡ này được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô: Đấng cứu độ duy nhất.

 

Thái độ của Chúa Giêsu hôm nay là thái độ quyết liệt, không nhượng bộ: “Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây”. Phải chăng qua lời này, Chúa cũng nhắm vào mỗi người chúng ta, đòi ta phải triệt hạ cho bằng được mọi ngổn ngang và bừa bãi trong tâm hồn mình, đòi phải trong sạch hóa mọi tình trạng loang lỗ và tiêu cực nơi bản thân ta. Không thể là con cái Thiên Chúa khi chúng ta vẫn còn muốn làm nô lệ cho thế gian, hoặc trở thành kẻ hai lòng: vừa muốn dâng hiến cho Thiên Chúa lại vừa muốn sở hữu những vui thú lợi lộc ở đời.

 

Bài Phúc Âm hôm nay còn nhắc nhớ tâm hồn của mỗi người chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa, là nhà cầu nguyện, là cung thánh, nơi thâm sâu nhất để sống kết hiệp với Chúa. Thiếu kết hiệp với Chúa trong đời sống hằng ngày, lòng ta dễ trở thành sào huyệt của bọn cướp, là tính vị kỷ, kiêu căng, ghen ghét, thống trị, chiếm hữu… Thân xác ta cũng là đền thờ của Thánh Thần. Có những đền thờ thánh thiêng đã trở nên phàm tục. Những đam mê vô độ của thân xác đã vô hiệu hóa quyền năng của Thánh Thần, Đấng luôn đem lại sức sống mới cho đời ta.

 

Mùa Chay là mùa tu sửa lại đền thờ tâm hồn mình, là mùa làm mới lại thái độ thờ phượng Thiên Chúa cách nghiêm túc với cả lòng tin mến. Ước chi chúng ta dám sống theo sự đòi hỏi đầy yêu thương của Chúa.

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Đấng hiền lành và khiêm nhượng,
luôn hành động với tất cả tình thương,
nhưng rồi có lần Chúa nổi giận,
thấy đền thờ người gian lận bán buôn,
vô tâm biến Nhà Cha thành cái chợ,
không còn nơi thanh tịnh để tôn thờ.

 

Chúa thấy phải thanh tẩy đền thờ,
cho khỏi những ô uế và bợn nhơ,
khỏi tham lam và tráo trở lòng người,
đã biến nơi thánh thiêng thành phàm tục.

 

Hành động của Chúa cho con hiểu,
đã đến lúc đền thờ được thay thế,
bằng chính thân thể Chúa phục sinh,
để đem lại cho tất cả những ai tin,
dám dấn thân trên con đường ngay chính,
đạt tới Chúa là cuộc sống phúc vinh.

 

Qua Lời Chúa con cảm thấy chột dạ,
vì nhận ra tình trạng tâm hồn mình,
có những thứ ô nhơ và bất kính,
có bao nhiêu thói xấu đã thành hình,
những mưu mô và tính toan bất chính,
không xứng đáng đền thờ nơi Chúa ngự.

 

Xin thanh tẩy con khỏi điều ô uế,
cho con sống với tinh thần khổ chế,
để tâm con luôn chân thật sáng trong,
thờ phượng Chúa với tất cả tấm lòng.

 

Nhờ đó mà con sống trong ý thức:
tỏ lộ Chúa qua mọi việc,
biểu hiện Chúa ở mọi nơi,
nêu cao Chúa trong mọi lúc,
là an vui hạnh phúc của đời con
. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 25 TN năm B -2024 (19/09/2024 14:59:24 - Xem: 155)

Hình mẫu về sự cao cả trong Nước Chúa, được Chúa Giêsu trình bày trong Tin Mừng hôm nay, là đứa trẻ yếu đuối, bất lực, và cần nhờ sự trợ giúp.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 25 TN năm B - 2024 (19/09/2024 14:54:29 - Xem: 228)

Thực tế, việc ham muốn đứng đầu vẫn là một cám dỗ không ngừng đối với đời lẫn đạo. Rất ít người mong đứng đầu để phục vụ, mà để hưởng thụ và sống trên người khác.

Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 24 TN năm B -2024 (11/09/2024 15:01:17 - Xem: 441)

Đức tin của chúng ta không phải là vấn đề biết về Chúa Giêsu. Đó là một hành trình khám phá để biết Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 24 TN năm B - 2024 (11/09/2024 14:58:12 - Xem: 430)

Phêrô trả lời hoàn toàn đúng, nhưng hình ảnh của ông về Đức Kitô vẫn không khác với quan niệm của đám đông: là một Đức Kitô oai phong lẫm liệt, chỉ chiến thắng chứ không hề chiến bại.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 23 TN năm B - 2024 (04/09/2024 05:19:29 - Xem: 675)

Chỉ nghe bằng tai thôi thì không đủ, mà phải lắng nghe với cả trái tim. Chỉ có trái tim yêu thương, chân thành và quảng đại mới có thể hiểu đầy đủ, hiểu chính xác...

Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 23 TN năm B -2024 (04/09/2024 05:14:40 - Xem: 457)

Khi Chúa Giêsu đi vào thế giới này mọi tạo vật đã được biến đổi. Khi Người chạm vào một ai đó, người ấy sẽ được chữa lành.

Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 22 TN năm B -2024 (26/08/2024 15:04:21 - Xem: 560)

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết những người Pharisêu đã cảm thấy ức chế như thế nào khi chất vấn Chúa Giêsu về các môn đệ của Người bỏ qua nghi thức rửa tay trước khi dùng bữa.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 22 TN năm B - 2024 (26/08/2024 07:45:13 - Xem: 574)

Lời Đức Giêsu khiển trách người Do Thái cũng là lời khuyên chúng ta lo tu luyện lại bản thân từ bên trong, chứ đừng lo phê phán người khác.

Cần làm gì khi đối diện với các xung đột nội tâm? (24/08/2024 10:04:30 - Xem: 269)

Bạn hãy mạnh dạn thưa những lời đó với Đức Giê-su và tâm sự với Ngài về tất cả những cảm xúc đang có ở trong tâm hồn.

Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 21 TN năm B - 2024 (19/08/2024 15:01:39 - Xem: 565)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu thách thức các môn đệ tin vào Người và đón nhận lời hứa của Người về bánh trường sinh.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7