Suy tư - Cảm nghiệm

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 16 TN năm A

  • In trang này
  • Lượt xem: 930
  • Ngày đăng: 19/07/2023 09:34:30

BAO DUNG VÀ CHỜ ĐỢI

Chúa Nhật 16 Thường Niên Năm A : Mt 13, 24-30

 

Thiên Chúa để cho cỏ lùng mọc chung với lúa, kẻ xấu sống chung với người tốt. Chúa chấp nhận tình trạng vàng thau lẫn lộn. 

 

 

Suy niệm

Thế giới con người ngay từ đầu đến giờ vẫn là sự đối đầu không ngừng giữa sự thiện và sự ác. Tuy nhiên, đứng trước thực tế của cuộc sống hằng ngày, người ta vẫn đặt ra vấn nạn: nếu Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài toàn năng và thánh thiện, thì tại sao Ngài không tiêu diệt sự ác mà để nó lây lan, khiến cho cuộc đời đầy họa tai và khổ ải? Tại sao người lành vẫn phải chuốc lấy những oan trái và nghiệt ngã như vậy? Đó cũng là điều mà dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay đặt ra.

 

Đứng trước tình trạng cỏ lùng ở giữa lúa, những người đầy tớ cũng đã ngạc nhiên và hỏi chủ mình rằng: không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng tự đâu mà có?”. Chủ trả lời là do kẻ thù đã làm điều đó, nghĩa là do quỉ dữ đã gieo vào. Nhưng sao chủ lại không cho đầy tớ diệt cỏ lùng? Vì chủ sợ làm như vậy có thể làm bật luôn rễ lúa. Thật vậy, vì cỏ lùng rất giống với cây lúa mì, nên khó phân biệt hai thứ, nhưng đến khi đơm bông thì có thể nhận ra dễ dàng.

 

Thiên Chúa để cho cỏ lùng mọc chung với lúa, kẻ xấu sống chung với người tốt. Chúa chấp nhận tình trạng vàng thau lẫn lộn. Ngài nhẫn nại với tội nhân, không muốn kẻ gian ác phải chết nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống (Ed 18, 23). Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa được, nhưng người xấu có thể hoán cải nên người tốt, tội nhân có thể thành thánh nhân. Sự thánh thiện của Thiên Chúa ở chỗ bao dung và chờ đợi. Dù sao, sự dữ vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Thiên Chúa, Đấng có thể biến sự dữ thành sự lành (x. St 37-50), Đấng chấp nhận cho cỏ lùng và lúa cùng lớn lên đến mùa gặt (Mt 13, 29-30), Đấng “cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương”. (Mt 5, 45).

 

Thật ra, cỏ lùng và lúa nằm ở nơi con tim mỗi người, luôn đong đưa giữa thiện và ác, giữa cao thượng và thấp hèn, giữa thiên thần và satan. Vì thế, chúng ta không có quyền tiêu diệt người ác, nhưng có bổn phận tiêu diệt sự ác trong con người, trước tiên nơi chính mình. Tự bản chất, cuộc sống đòi hỏi phải thanh tẩy sự ác không ngừng nơi bản thân, vì chính mình là mầm mống trước tiên gây đau khổ cho bản thân và đồng loại. Nếu Thiên Chúa thẳng tay diệt trừ theo lẽ công bình thì mỗi người chúng ta chắc không ai thoát được (x. Ga 8, 3-11). Trước mặt Chúa chẳng ai là người công chính (Rm 3, 10). Ngay trong những hành vi tốt đẹp nhất của tôi vẫn thấy có chút vị kỷ, chiếm đoạt. Vì thế, kẻ thù lớn nhất của đời mình là chính mình, là “cái tôi đáng ghét”.

 

Mảnh ruộng nào cũng luôn có cỏ lùng và lúa. Trong môi trường nào cũng có đủ hai hạng người ấy: triều đình nào cũng có những trung thần và nịnh thần; xã hội nào cũng có những thanh quan và tham quan; tôn giáo nào cũng có những người thành tín và bất trung. Sự hiện diện của người xấu cũng là tiếng chuông cảnh báo về bản thân tôi. Satan vẫn lợi dụng thời cơ để lén lút gieo vào trong tôi những hạt giống cỏ lùng, và gây nên những hư hại cho những người xung quanh: một thái độ hững hờ, thiếu quan tâm cũng đủ gây nên buồn phiền cho bạn hữu; một hành vi thiếu tế nhị và tôn trọng cũng đủ gây thương tổn cho tha nhân; một chút nóng giận, khích bác, hay vênh vang tự đắc cũng đủ gây bất hòa trong cộng đoàn; một lời nói vô ý thức hay một hành động thiếu trách nhiệm cũng đủ gây ra tai hoạ cho người khác…

 

Dụ ngôn cho biết: “Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa”. Nếu tôi không cảnh giác, sẽ có nhiều điều xấu xa xâm nhập vào lòng trí mình. Nếu tôi không luôn đặt mình ở trước mặt Chúa trong mọi công việc, thì đời sống tôi dễ trở thành miếng mồi ngon cho sự dữ hoành hành. Do hậu quả của tội nguyên tổ, con người dễ bị cám dỗ và hướng chiều theo điều xấu, dễ tự mâu thuẫn và bất đồng ngay trong chính bản thân. Đó cũng là kinh nghiệm của thánh Phaolô về việc tốt muốn làm mà lại không làm, cũng là kinh nghiệm hằng ngày của mỗi người chúng ta khi đứng trước những lựa chọn.

 

Nhưng rồi tiến trình hoàn thiện vẫn đang ở phía trước, hướng mọi người chúng ta vươn tới sự thiện hảo là chính Đức Kitô. Chúng ta không dung túng sự dữ, nhưng cũng không bạo động để chống lại ác nhân; không che chắn cho những điều xấu xa, nhưng vẫn nhẫn nại biến đổi trái tim của kẻ thù thành bạn hữu, vì tin vào sức mạnh của tình yêu. Chúng ta cũng không hy sinh kẻ khác nhưng hy sinh chính mình, để xây dựng một thế giới hòa bình. Đó cũng chính là con người Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, mà chúng ta phải mặc lấy tâm tình của Ngài: tâm tình bao dung, đón nhận và chờ đợi trên hành trình về quê trời.   

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
khi để cỏ lùng mọc chung với lúa,
Chúa chấp nhận có vàng thau lẫn lộn,
cho dù nhiều hỗn độn và nhiễu nhương,
Ngài vẫn luôn yêu thương và nhẫn nại,
không cho làm hư hại cả đôi bên.

 

Qua đó Chúa dạy cho chúng con biết,
không tránh được kẻ thù gieo tai ác,
gây đau thương và chua chát phận người,
làm cho cuộc sống này mất đẹp tươi.

 

Qua đó Chúa đã mời gọi chúng con,
hãy kiên tâm đừng vội chấp sai lầm,
đừng nôn nóng mà loại trừ người xấu,
cần nhìn vào chiều sâu và cảm thấu,
càng không nên khinh thị hay đối đầu,
vì chưa chắc mọi sự như thế đâu.

 

Qua đó Chúa cũng cho chúng con hiểu,
cỏ lùng và lúa tốt ngay trong lòng,
vẫn đong đưa điều dữ với điều lành,
bất đồng và mâu thuẫn không thể tránh,
sự thiện và sự ác vẫn phân tranh,
cái tốt và cái xấu luôn hình thành.

 

Chính bản thân của con còn chưa tốt,
nên đừng vội thốt ra lời phê phán,
càng không được xét đoán hay lên án,
kẻo làm cho cuộc sống mãi bất an.

 

Xin cho con tìm cách thế nhẹ nhàng,
biết mở đường dẫn lối trong tình bạn,
luôn đồng hành và khuyến khích bảo ban,
giúp cho nhau vượt thoát những nguy nan,
cố gắng biến kẻ thù thành bạn hữu,
để chờ ngày viên mãn phúc thiên thu. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ CN 5 Phục sinh năm B - 2024 (25/04/2024 21:57:07 - Xem: 392)

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 383)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 219)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 418)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 275)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 616)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 700)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 259)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 519)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7