Kinh thánh - Giáo lý

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 25 Thường niên– Năm B -2024

  • In trang này
  • Lượt xem: 204
  • Ngày đăng: 16/09/2024 07:55:16

 

Lời Chúa: Mc 9,30-37

30Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, 31vì Người đang dạy các môn đệ rằng : “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” 32Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.

 

33Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” 34Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. 35Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. 36Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói:  37“Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”.

 

CÂU HỎI

1. Đọc ba đoạn sau đây: Mc 8,31-38; 9,30-50; 10,32-45. Hãy cho biết ba đoạn này có gì giống nhau về hình thức (cấu trúc).

2. Trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu ba lần loan báo cuộc khổ nạn và phục sinh cho ai ? Vì sao Ngài loan báo cho họ như vậy?

3. Ai là người đã nộp Đức Giêsu? Đọc Mc 9,31; 14,18; 15,1; 15,15; Cv 2,23; Rm 8,32.

4. Tại sao các môn đệ không hiểu lời loan báo trên của Đức Giêsu? Đọc Mc 4,13; 7,18; 8,18.21.

5. Khi các môn đệ cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm, Đức Giêsu đã làm gì để dạy các ông? Đối với văn hóa của người Do Thái thời Đức Giêsu, các em nhỏ tượng trưng cho điều gì?

6. Đọc Mc 9,36-37. Đức Giêsu đã đón tiếp một em nhỏ như thế nào?

7. Đọc Mc 9,35. Đức Giêsu mời các môn đệ phục vụ mọi người, nhưng cụ thể là ai?

8. Đọc chậm Mc 9,33-37. Bạn học được gì về khoa sư phạm của Thầy Giêsu trong đoạn văn này?

 

CÂU HỎI SUY NIỆM:

Tại sao ở đời người ta thích làm người lớn nhất, người đứng đầu, người lãnh đạo? Theo ý bạn, giá trị đích thật của một người nằm ở chỗ nào?

 

Bạn có thích làm người đứng đầu không, nếu người đứng đầu phải là người phục vụ mọi người?

 

PHẦN TRẢ LỜI

1. Cả ba đoạn văn này đều có hình thức (cấu trúc hay dàn bài) như nhau: A. Đức Giêsu báo cho các môn đệ về cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài (8,31-32a; 9,30-32; 10,32-34). B. Thái độ của các môn đệ (8,32b-33; 9,33-37; 10,35-41). C. Lời giáo huấn của Đức Giêsu (8,34-38; 9,38-50; 10,42-45).

 

2. Trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu ba lần loan báo cuộc khổ nạn và phục sinh cho các môn đệ (8,27.31; 9,33; 10,32). Các môn đệ ở đây là Nhóm Mười Hai (9,35; 10,35.41). Ngài loan báo cho họ để chuẩn bị họ đón nhận những biến cố kinh hoàng sắp xảy đến cho Thầy mình.

 

3. Người đầu tiên ta nghĩ đến là Giuđa (Mc 3,19; 14,10.18.21.42.44). Kế đến các nhà lãnh đạo Do Thái giáo đã nộp Đức Giêsu cho Philatô (Mc 15,1.10) và Philatô cuối cùng đã nộp Ngài cho người ta đóng đinh (Mc 15,15). Tuy nhiên, vì việc trao nộp này nằm trong kế hoạch cứu độ từ trước của Thiên Chúa (Cv2,23), nên thánh Phaolô dám nói rằng Thiên Chúa đã trao nộp chính Con của mình vì chúng ta (Rm 8,32).

 

4. Các môn đệ không hiểu lời loan báo cuộc khổ nạn và phục sinh của Thầy Giêsu (Mc 9, 32) vì họ không hiểu tại sao Đấng Kitô, Đấng mạnh mẽ oai hùng giải phóng dân Ítraen, lại phải chịu đau khổ và chịu chết. Họ cũng không hiểu được chuyện Thầy báo sẽ sống lại sau ba ngày, vì đối với Do Thái giáo, người ta chỉ sống lại vào ngày tận thế. Trong Tin Mừng Máccô, các môn đệ vẫn thường không hiểu lời Thầy dạy (Mc 4,13; 7,18; 8,18.21).

 

5. Khi các môn đệ tranh cãi xem ai là người lớn nhất, thì Đức Giêsu đã dùng một em nhỏ để nhắc nhở họ. Trong văn hóa thời Đức Giêsu, một em nhỏ không tượng trưng cho sự ngây thơ, trong sáng, nhưng tượng trưng cho sự lệ thuộc: em không có chỗ đứng trong xã hội và phải luôn tùy thuộc vào người lớn.

 

6. Đức Giêsu đã đem một em nhỏ, đặt em vào giữa các môn đệ, và ôm em ấy trong cánh tay. Cử chỉ này cho thấy Ngài quý em, dù trong văn hóa Do Thái thời đó, em không được người ta coi trọng. Hơn nữa, Đức Giêsu còn tuyên bố em có giá trị cao quý, vì đón tiếp em là đón tiếp chính Đức Giêsu, cũng là đón tiếp chính Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài (c.37).

 

7. Khi các môn đệ tranh nhau làm người đứng đầu, Đức Giêsu mời gọi họ làm người đứng cuối mọi người, và làm người phục vụ mọi người. Ngoài trẻ em bị coi thường, trong cộng đoàn luôn có những người bị bỏ rơi vì yếu kém mặt này mặt khác. Đức Giêsu đòi các môn đệ phải quan tâm đến những người không được ai quan tâm.

 

8. Sau khi Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn lần thứ hai, trên đường về Caphácnaum, các môn đệ đã cãi nhau xem ai là người lớn nhất. Điều này cho thấy tim họ không đập cùng một nhịp với Thầy của mình trong những ngày cuối đời. Nhưng Đức Giêsu đã không mắng họ ngoài đường. Chỉ khi về đến nhà, Ngài mới hỏi chuyện gì, dù Ngài đã biết rồi. Đức Giêsu đã không ép các ông phải trả lời câu hỏi (c.33), Ngài chấp nhận các ông làm thinh. Sau đó Ngài mới ngồi xuống dạy các ông một bài học rất sống động.

Bài cùng chuyên mục:

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 27 Thường niên– Năm B - 2024 (30/09/2024 08:01:00 - Xem: 98)

Đời sống hôn nhân ngày nay gặp nhiều khủng hoảng. Đâu là những lý do dẫn đến ly dị hay ngoại tình nơi các đôi vợ chồng hôm nay?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 26 Thường niên– Năm B - 2024 (23/09/2024 07:58:29 - Xem: 213)

Đọc Mc 9,43.48. Theo bạn, hỏa ngục là hình phạt như thế nào? Bạn tin có hỏa ngục không? Tại sao?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 24 Thường niên– Năm B - 2024 (09/09/2024 08:51:54 - Xem: 228)

Bạn hiểu thế nào là “từ bỏ chính mình và vác thập giá của mình”? Bạn có kinh nghiệm về “cứu” rồi lại “mất,” hay “mất” rồi lại “cứu” được không?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 23 Thường niên– Năm B -2024 (02/09/2024 08:35:15 - Xem: 291)

Có khi nào tôi thấy mình bị điếc về mặt tâm linh không, nghĩa là mất khả năng nghe tiếng Chúa và tha nhân? Điều gì thường khiến tôi bị điếc?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 22 Thường niên– Năm B -2024 (26/08/2024 08:32:24 - Xem: 253)

Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu nhắc nhở những nhà lãnh đạo Do Thái về đâu là cái chính phải giữ.

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 21 Thường niên– Năm B - 2024 (19/08/2024 08:29:29 - Xem: 224)

Thi thoảng bạn vẫn gặp những câu Lời Chúa thật chướng tai, không thể chấp nhận được. Bạn có thể ghi lại những câu đó để tìm hiểu sâu hơn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 20 TN – Năm B - 2024 (13/08/2024 05:30:42 - Xem: 220)

Bạn có thấy mình được thêm sức mạnh để chu toàn bổn phận hàng ngày, nhờ rước Chúa thường xuyên không? Bạn có dành giờ để tâm sự với Chúa sau khi rước lễ không?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 19 TN– Năm B - 2024 (05/08/2024 07:24:20 - Xem: 221)

Bạn có kinh nghiệm thấy mình bị mất đức tin, rồi tìm lại được đức tin không? Bạn có thấy niềm tin vào Chúa Giêsu đem lại sức sống cho cuộc đời của bạn không?

Học Hỏi Phúc Âm CN 18 Thường Niên – Năm B - 2024 (29/07/2024 07:04:12 - Xem: 297)

Lời Chúa: (Ga 6,24-35) 24 Vậy khi dân chúng thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Caphácnaum tìm Người. 25 Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy? ” 26 Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. 27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”. 28 Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” 29 Đức Giêsu trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến”. 30 Họ lại hỏi: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? 31 Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời”. 32 Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, 33 vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” 34 Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” 35 Đức Giêsu bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”. CÂU HỎI 1. Đọc Ga 6,1-25. Hãy tóm tắt diễn tiến của câu chuyện. 2. Trong bài Phúc âm này, Đức Giêsu nói mấy lần câu: “Thật, tôi bảo thật các ông”. 3. Đám đông đi tìm Đức Giêsu và gặp lại Ngài ở Ca-phác-na-um. Đức Giê-su nghĩ họ tìm Ngài vì lý do gì? Đọc Ga 6,26. “Thấy những dấu lạ” nghĩa là gì? 4. Đọc Ga 6,27-29. Đức Giêsu mời đám đông làm việc gì để được lương thực thường tồn? 5. Còn đám đông đã đòi hỏi Ngài phải làm gì? Đọc Ga 6, 30-31. 6. Bánh bởi trời vào thời ông Môsê là bánh gì? Đọc Xuất hành 16,4-5.13-27; Thánh vịnh 78,24. 7. Đâu là sự giống nhau và khác nhau giữa bánh bởi trời vào thời ông Môsê và bánh bởi trời vào thời Đức Giêsu? Đọc Ga 6,32-33. 8. Khi Đức Giêsu nói đến bánh thật, bánh ban sự sống cho thế gian (Ga 6,32-33), đám đông có hiểu đó là thứ bánh gì không? Họ có hiểu lầm không? Đọc Ga 4,14-15. 9. Đọc Ga 6,35. Cuối cùng Tấm Bánh Đức Giêsu hứa ban là gì? CÂU HỎI SUY NIỆM: Theo bạn, con người hôm nay đói khát điều gì? Người giàu và người nghèo có cùng một đói khát không?

Học Hỏi Phúc Âm CN 17 Thường Niên – Năm B - 2024 (22/07/2024 09:49:34 - Xem: 264)

Chỉ một chút đóng góp nhỏ bé cũng có thể đưa đến một phép lạ lớn lao? Bạn có kinh nghiệm về điều này không?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7