Kinh thánh - Giáo lý

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 24 Thường niên– Năm B - 2024

  • In trang này
  • Lượt xem: 147
  • Ngày đăng: 09/09/2024 08:51:54

Lời Chúa: (Mc 8, 27-35)

27 Đức Giêsu và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xêdarê Philípphê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” 28 Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”. 29 Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? “Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô” 30 Đức Giêsu liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.

31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. 32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. 33 Nhưng khi Đức Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phêrô: “Xatan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

34 Rồi Đức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.

CÂU HỎI

1. Thành phố Xêdarê Philípphê nằm ở đâu? Tại sao nó lại có tên như thế?

2. Trước câu hỏi “Đức Giêsu là ai?” (Mc 4,41), hãy đọc những câu trả lời trong các câu sau Mc 1,1; 1,24; 3,11; 5,6-7; 6,14-16; 8,28.

3. Đọc Mc 6,14-16; 8,28. Nhìn chung, người ta nghĩ Đức Giêsu là ai? Tại sao có người nghĩ Đức Giêsu là Êlia? Đọc 2 Vua 2,11; Huấn ca 48,1-14.

4. Đọc Mc 8,29. Câu trả lời của ông Phêrô có gì đặc biệt so với các câu trả lời trước? Đối với người Do Thái thời Đức Giêsu, Đấng Kitô là người như thế nào? Đọc 1 Sm 24,7 và 2 Sm 7,11-16.

5. Đọc Mc 8,29-30. Đức Giêsu có nhận mình là Đấng Kitô không? Tại sao Đức Giêsu nghiêm cấm các ông không được nói với ai điều đó?

6. Trong Tin Mừng Máccô, Ngài còn cấm nhiều lần khác. Đọc Mc 1,25.34; 3,11-12; 1,44; 5,43; 7,36; 8,26. Đến khi nào thì Ngài cho phép nói? Đọc Mc 14,61-62.

7. Đọc Mc 8,31. Sau khi Phêrô tuyên tín, Đức Giêsu tiên báo điều gì? Tại sao Ngài lại “phải” chịu nhiều đau khổ?

8. Tại sao Phêrô trách Đức Giêsu? Tại sao Đức Giêsu trách Phêrô nặng lời và gọi ông là Satan? Satan có thực không? Đọc Mc 1,13; 3,23. 26; 4,15.

 

CÂU HỎI SUY NIỆM:

Đọc Mc 8,34-35. Số phận của môn đệ có khác với số phận của Thầy không? Bạn hiểu thế nào là “từ bỏ chính mình và vác thập giá của mình”? Bạn có kinh nghiệm về “cứu” rồi lại “mất,” hay “mất” rồi lại “cứu” được không?

PHẦN TRẢ LỜI

1. Thành phố Xêdarê Philípphê nằm ở phía bắc nước Ít-ra en, thuộc vùng đất của tiểu vương Philípphê (x. Lc 3,1). Sau khi lên chức tiểu vương (năm 4 trước công nguyên), Philípphê đã nới rộng thành phố, và vào năm 14 sau công nguyên, ông đã đặt tên nó là Xêdarê để kính nhớ Xêdarê Augúttô, hoàng đế Rôma.

2. Đức Giêsu là Kitô, Con Thiên Chúa (Mc 1,1; 3,11), là Đấng Thánh của Thiên Chúa (1,24), là Con Thiên Chúa Tối Cao (5,7), là Gioan Tẩy Giả sống lại, là Êlia, hay một trong các ngôn sứ (6,14-16; 8,28).

3. Dựa trên Mc 6,14-16; 8,28, ta thấy nhìn chung dân chúng coi Đức Giêsu là một vị ngôn sứ. Vua Hêrôđê và một số người coi Đức Giêsu là ngôn sứ Gioan Tẩy Giả bị chém đầu nay sống lại (Mc 6,16). Một số khác dựa trên các sách Cựu Ước như 2 Vua 2,11, Malakia 4,5-6 và Huấn ca 48,9 nên tin ngôn sứ Êlia sẽ trở lại, và họ cho rằng Đức Giêsu chính là Êlia đó. Cũng có một số coi Đức Giêsu là một ngôn sứ giống các ngôn sứ thời xưa (6,15).

4. Câu trả lời của Phêrô ở Mc 8,29 có nét đặc biệt ở chỗ ông tuyên xưng Đức Giêsu, không chỉ là một ngôn sứ, mà còn là Đấng Kitô, nghĩa là Đấng Mêsia mà dân Do Thái đang mong đợi. Đấng Kitô hay Mêsia có nghĩa là người được Thiên Chúa xức dầu. Vua là người được xức dầu (1 Sm 24,7). Vào thời Đức Giêsu, nói chung người Do Thái mong chờ một vị vua, được xức dầu, thuộc dòng dõi Đavít. Vị này sẽ giải phóng Ítraen khỏi tay quân thù, và sẽ xây dựng một vương quốc công minh chính trực tại Giêrusalem (x. 2 Sm 7,11-16).

5. Đức Giêsu nhận mình là Đấng Kitô, nhưng Ngài là một Đấng Kitô khác với quan niệm của số đông người Do Thái đương thời. Đức Giêsu cấm không được nói Ngài là Đấng Kitô, vì Ngài sợ người ta hiểu lầm: Ngài không phải là một vị vua chính trị, đến để giải phóng dân tộc Do-thái khỏi ách đô hộ của đế quốc Rôma, nhưng Ngài là Đấng Kitô chịu đau khổ như người Tôi Trung, để giải phóng cả nhân loại khỏi ách nô lệ cho tội lỗi.

6. Trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu còn cấm nhiều lần. Ngài chỉ công khai nhận mình là Đấng Kitô khi phải trả lời câu hỏi của vị thượng tế (Mc 14,61-62). Lúc đó, Ngài không sợ gây hiểu lầm nữa.

7. Sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin, Đức Giêsu liền báo cho các môn đệ về số phận tương lai của mình. Dù nhiều người chịu trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu, nhưng qua việc dùng từ “phải” trong Mc 8,31, Ngài cho thấy mọi sự xảy ra đều nằm trong ý định của Thiên Chúa.

8. Phêrô trách Đức Giêsu vì ông không muốn Thầy mình phải chịu chết như thế (c.32). Đức Giêsu trách lại ông và gọi ông là Satan vì ông cám dỗ Thầy giống Satan. Satan là có thực.

Bài cùng chuyên mục:

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 25 Thường niên– Năm B -2024 (16/09/2024 07:55:16 - Xem: 63)

Tại sao ở đời người ta thích làm người lớn nhất, người đứng đầu, người lãnh đạo? Theo ý bạn, giá trị đích thật của một người nằm ở chỗ nào?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 23 Thường niên– Năm B -2024 (02/09/2024 08:35:15 - Xem: 209)

Có khi nào tôi thấy mình bị điếc về mặt tâm linh không, nghĩa là mất khả năng nghe tiếng Chúa và tha nhân? Điều gì thường khiến tôi bị điếc?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 22 Thường niên– Năm B -2024 (26/08/2024 08:32:24 - Xem: 183)

Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu nhắc nhở những nhà lãnh đạo Do Thái về đâu là cái chính phải giữ.

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 21 Thường niên– Năm B - 2024 (19/08/2024 08:29:29 - Xem: 174)

Thi thoảng bạn vẫn gặp những câu Lời Chúa thật chướng tai, không thể chấp nhận được. Bạn có thể ghi lại những câu đó để tìm hiểu sâu hơn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 20 TN – Năm B - 2024 (13/08/2024 05:30:42 - Xem: 173)

Bạn có thấy mình được thêm sức mạnh để chu toàn bổn phận hàng ngày, nhờ rước Chúa thường xuyên không? Bạn có dành giờ để tâm sự với Chúa sau khi rước lễ không?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 19 TN– Năm B - 2024 (05/08/2024 07:24:20 - Xem: 184)

Bạn có kinh nghiệm thấy mình bị mất đức tin, rồi tìm lại được đức tin không? Bạn có thấy niềm tin vào Chúa Giêsu đem lại sức sống cho cuộc đời của bạn không?

Học Hỏi Phúc Âm CN 18 Thường Niên – Năm B - 2024 (29/07/2024 07:04:12 - Xem: 256)

Lời Chúa: (Ga 6,24-35) 24 Vậy khi dân chúng thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Caphácnaum tìm Người. 25 Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy? ” 26 Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. 27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”. 28 Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” 29 Đức Giêsu trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến”. 30 Họ lại hỏi: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? 31 Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời”. 32 Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, 33 vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” 34 Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” 35 Đức Giêsu bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”. CÂU HỎI 1. Đọc Ga 6,1-25. Hãy tóm tắt diễn tiến của câu chuyện. 2. Trong bài Phúc âm này, Đức Giêsu nói mấy lần câu: “Thật, tôi bảo thật các ông”. 3. Đám đông đi tìm Đức Giêsu và gặp lại Ngài ở Ca-phác-na-um. Đức Giê-su nghĩ họ tìm Ngài vì lý do gì? Đọc Ga 6,26. “Thấy những dấu lạ” nghĩa là gì? 4. Đọc Ga 6,27-29. Đức Giêsu mời đám đông làm việc gì để được lương thực thường tồn? 5. Còn đám đông đã đòi hỏi Ngài phải làm gì? Đọc Ga 6, 30-31. 6. Bánh bởi trời vào thời ông Môsê là bánh gì? Đọc Xuất hành 16,4-5.13-27; Thánh vịnh 78,24. 7. Đâu là sự giống nhau và khác nhau giữa bánh bởi trời vào thời ông Môsê và bánh bởi trời vào thời Đức Giêsu? Đọc Ga 6,32-33. 8. Khi Đức Giêsu nói đến bánh thật, bánh ban sự sống cho thế gian (Ga 6,32-33), đám đông có hiểu đó là thứ bánh gì không? Họ có hiểu lầm không? Đọc Ga 4,14-15. 9. Đọc Ga 6,35. Cuối cùng Tấm Bánh Đức Giêsu hứa ban là gì? CÂU HỎI SUY NIỆM: Theo bạn, con người hôm nay đói khát điều gì? Người giàu và người nghèo có cùng một đói khát không?

Học Hỏi Phúc Âm CN 17 Thường Niên – Năm B - 2024 (22/07/2024 09:49:34 - Xem: 239)

Chỉ một chút đóng góp nhỏ bé cũng có thể đưa đến một phép lạ lớn lao? Bạn có kinh nghiệm về điều này không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 16 thường niên – Năm B (15/07/2024 07:30:23 - Xem: 0)

Bạn có phải là người nghiện việc không? Khi mệt mỏi vì gánh nặng công việc, bạn nghỉ ngơi giải trí bằng cách nào ? Đâu là nơi hoang vắng bạn hay đến khi mệt mỏi?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 15 TN – Năm B - 2024 (08/07/2024 08:56:20 - Xem: 322)

Nếu Đức Giêsu sống ở Việt Nam vào lúc này, Ngài sẽ mời chúng ta làm những việc gì cho đồng bào của mình?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7