Suy tư - Cảm nghiệm

Gia vị cho bài giảng lễ CN II mùa Vọng năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,262
  • Ngày đăng: 03/12/2021 09:17:38

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 2 Mùa Vọng, Năm C

 

 

1/ THAY ĐỔI TÂM TRÍ

Ngày xưa có một vị vua trị vì một đất nước thịnh vượng. Một ngày nọ ông đi kinh lí đến một vùng xa xôi hẻo lánh trong nước. Khi trở về dinh, ông phàn nàn rằng đôi bàn chân ông rất đau nhức vì đây là lần đầu tiên ông đi một chuyến dài như vậy, và con đường mà ông đã đi rất gồ ghề, đầy đá sỏi lại thêm những ổ gà chi chít. Sau đó, ông muốn truyền lệnh cho thần dân của mình phải bọc da mọi con đường trong nước. Chắc chắn điều này sẽ cần đến da của hàng triệu con vật, và sẽ tốn một số tiền rất lớn. Nhưng trước khi mệnh lệnh được ban ra, một vị bá quan khôn ngoan đã dám chất vấn vua: “Tại sao ngài phải tiêu số tiền không cần thiết đó? Tại sao ngài không cắt một miếng da nhỏ để bọc chân của ngài?” Nhà vua rất ngạc nhiên, và ngay sau đó đồng ý với lời đề nghị của viên quan để làm một chiếc “giày” cho chính mình.

* Chúng ta thường nói: “Tôi ước mọi thứ sẽ thay đổi hoặc người này người kia phải thay đổi.” Nhưng thay vào đó, hãy thực thi Lời Chúa mời gọi hôm nay: hãy sửa con đường nội tâm mình cho ngay thẳng thì mọi thứ sẽ đổi thay theo. (John Pichappilly trong Bàn tiệc Lời Chúa; trích dẫn theo Cha Botelho).

 

2/ DÕI TÌM THẦN LINH

Nơi một số nền văn hóa bản địa của lục địa Bắc và Nam Mỹ, nghi thức chứng nhận tuổi trưởng thành dành cho những người trẻ gồm một đòi hỏi được gọi là truy tìm thần linh. Bắt buộc đối với trẻ em trai và khuyến khích đối với các em gái, tục lệ này yêu cầu mỗi em phải một mình đi đến một nơi hẻo lánh, cách làng một khoảng thật xa. Đương sự phải nhịn ăn và tịnh tâm nhiều ngày. Người ta tin rằng một vị thần hộ mệnh sẽ ban cho người trẻ này một thị kiến, sẽ truyền cảm hứng và định hướng cho anh ấy/ cô ấy về bước đường tương lai của mình. Sau khi trở lại cộng đồng bộ tộc, thị kiến sẽ là nguồn sức mạnh và sự khích lệ cho anh ấy/ cô ấy, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn.

* Theo một nghĩa nào đó, thời gian Giáo hội sống Mùa Vọng hàng năm có thể được ví như một cuộc truy tìm thần linh của bộ lạc. ( Theo tài liệu của Sanchez ).

 

3/ XIN CHO BIẾT TÊN

Tại một nhà thờ lớn nọ ở châu Âu, nơi có một cây đàn phong cầm ống thật giá trị mà chỉ người chơi đàn của nhà thờ đã được chỉ định mới được phép chơi. Một ngày nọ, khi ông từ nhà thờ đang kiểm tra gác xép của ca đoàn trước khi đóng cửa nhà thờ, ông ta nghe thấy tiếng bước chân của một người lạ bước vào phòng gác xép. Người lạ cầu xin: “Thưa ông, tôi đã đi một chặng đường dài chỉ để muốn được ngồi và chơi cây đàn kỳ diệu này. Tôi có thể được phép để làm như vậy không?” Ông từ trả lời: “Không, nhạc cụ này chỉ có thể được duy nhất một người chơi. Nếu tôi cho phép bạn, tôi có thể bị mất việc làm”. Người lạ hiểu ra, và tỏ ra vô cùng thất vọng. “Nhưng,” anh ta vẫn tiếp tục, “tôi có thể chơi một vài hợp âm được không? Tôi hứa sẽ không lâu đâu. Một vài phút là tất cả những gì tôi mong muốn”. Ông từ động lòng trắc ẩn và cho phép người lạ đó chơi chiếc đàn phong cầm ống, với điều kiện ông phải dừng lại sau một vài ô nhịp. Di chuyển đến chỗ ngồi trước chiếc đàn uy nghi đó, người lạ nhắm mắt lại một lúc rồi bắt đầu. Ngón đàn của ông ta quá điêu luyện và những âm thanh thú vị phát ra đến nỗi ông từ như thể chết đứng tại đó. Ông không thể tin vào tai mình. Người lạ là một nhạc sĩ tài giỏi và một tay danh cầm organ nổi tiếng. Vài phút sau, kẻ lạ mặt dừng lại và nhấc bàn tay khỏi bàn phím. Ông cảm ơn người giữ cửa nhà thờ đã cho ông đặc ân hiếm có đó và chực bỏ đi. “Chờ đã,” ông từ cầu xin: “Tôi chưa bao giờ được nghe những dòng âm thanh như vậy trước đây từ cây đàn này. Xin vui lòng cho tôi biết quý danh của ông?” Người lạ trả lời: “Mendelssohn.”- “Gì?” Ông từ kinh ngạc thốt lên, “ông thực sự là nhà soạn nhạc và nhạc sĩ nổi tiếng, Felix Mendelssohn, phải không ạ?” “Vâng, thưa ông,” người lạ đáp và khiêm tốn bước đi.

* Mọi hành động tốt làm cho người nghèo khổ thực sự là làm cho Chúa, Đấng mà giống như Felix Mendelssohn, ẩn mình trong một con người khiêm cung. (James Valladares trong Lời Ngài là Thần Khí và là Sự Sống; cha Botelho trích dẫn).

 

4/ TẠO NÊN SỰ KHÁC BIỆT

Một nữ giáo viên nọ ở New York đã quyết định tôn vinh từng học sinh lớp 12 của mình trong trường trung học phổ thông bằng cách nói cho họ biết mỗi người trong họ là một con người đặc biệt. Đầu tiên, cô nói với từng người trong số họ rằng họ đã tạo ra sự khác biệt như thế nào đối với cô và cả lớp. Sau đó, cô tặng cho mỗi người một dải ruy băng màu xanh có in dòng chữ vàng với nội dung: “Tôi là người tạo nên sự khác biệt”. Cô cũng trao cho mỗi học sinh thêm ba dải ruy băng và hướng dẫn các em đi ra ngoài và truyền bá cách thức thừa nhận này. Cuối ngày hôm đó, một trợ tá điều hành cấp dưới đến gặp ông chủ của anh ta, người được cho là một gã cục cằn thô bạo; anh mời ông chủ của mình ngồi xuống và nói với ông rằng, anh vô cùng ngưỡng mộ ông vì ông là một thiên tài sáng tạo. Ông chủ tỏ ra rất ngạc nhiên. Người trợ tá hỏi ông liệu ông có muốn nhận món quà là dải ruy băng màu xanh lam hay không, và anh lấy ngay dải băng đặt nó vào trên áo khoác của sếp phía trên trái tim của ông. Khi rời đi, anh ấy nói: “Ông có lấy thêm dải băng này và chuyển nó để tôn vinh người khác không?” Tối hôm đó ông chủ về nhà, gặp đứa con trai 14 tuổi của mình và bảo cậu ta ngồi xuống. Ông nói với cậu: “Điều ngạc nhất đã xảy ra với cha ngày hôm nay. Khi cha đang ở trong văn phòng của mình thì một trợ lí điều hành cấp dưới bước vào và nói với cha rằng anh ngưỡng mộ cha và tặng cha một dải ruy băng xanh vì cha là một thiên tài sáng tạo. Anh ấy đưa thêm cho cha một dải ruy băng khác và nhờ cha tìm một người khác để tôn vinh. Khi lái xe về nhà tối nay, cha bắt đầu nghĩ về người mà cha sẽ vinh danh với dải băng này và bỗng cha nghĩ về con. Cha muốn tôn vinh con. Những ngày của cha thực sự rất bận rộn và mỗi khi trở về nhà, cha không có thời giờ quan tâm đến con. Tối nay, cha chỉ muốn cho con biết rằng con đã tạo ra sự khác biệt đối với cha như thế nào. Ngoài mẹ con ra, con là người quan trọng nhất trong cuộc đời của cha. Con là một đứa trẻ tuyệt vời và cha yêu con!” Cậu bé cảm thấy thổn thức, bắt đầu khóc nức nở và không thể ngừng khóc. Cậu ngước nhìn cha mình và nói trong nước mắt: “Con đã định ngày mai tự tử, bố ạ, vì con không nghĩ rằng bố yêu con. Bây giờ con biết bố quan tâm đến con. Đây là ngày hạnh phúc nhất mà con từng biết đến.” Ông chủ đi làm trở lại, nhưng đã trở nên một người được biến đổi. Ông không còn là một kẻ cục cằn nữa mà dịu dàng với tất cả nhân viên của mình. Đến lượt mỗi công nhân cũng tạo ra sự khác biệt bằng cách sống hài hòa với người khác. Và cậu bé cảm nhận được tình thương của cha cũng đã sống hết mực hiếu thảo với cha mẹ mình.

* Chúng ta tưởng tượng xã hội sẽ tốt đẹp biết bao khi mỗi người chúng ta tích cực sống sứ điệp Mùa Vọng “sửa con đường nội tâm cho thẳng” để có thể đến với mọi người (Ẩn danh; do cha Botelho trích dẫn).

 

5/ KHÁC BIỆT GIỮA THIÊN ĐÀNG VÀ HỎA NGỤC

Một câu chuyện kể về một người lính đã hỏi một nhà sư: “Hãy chỉ cho tôi biết sự khác biệt giữa thiên đàng và hỏa ngục.” Nhà sư nói: “Rõ ràng bạn là một kẻ hèn nhát, không phải là một chiến binh. Hơn nữa, tôi tin rằng bạn còn không biết cách sử dụng khẩu súng đó”. Người lính rất tức giận đến nỗi rút khẩu súng lục từ bao da định bắn nhà sư. Khi chuẩn bị bóp cò súng, nhà sư điềm tĩnh nói: “Đó là địa ngục.” Người lính bị xúc phạm đó lập tức tỉnh ngộ và đặt súng trở lại bao da. Và nhà sư khẽ nói: “Đó là thiên đàng.”

* Trong hơn hai mươi ngày nữa, chúng ta sẽ cử hành lễ của biến cố Thiên đàng ngự xuống Trái đất. Vậy chúng ta hãy chuẩn bị như thể mình sắp được vào Thiên đàng. (Cha James Gilhooley).

 

6/ KẺ NGỐC HƠN

Ngày xưa một vị vua của một đất nước nọ được triệu tập, phải thực hiện một cuộc hành trình đến một vương quốc khác. Cuộc hành trình đòi phải băng qua một khu rừng rộng lớn, vì vậy vua đã yêu cầu một số chúng dân đi cùng với mình. Ông giao cho một người đặc trách chuẩn bị mọi hành trang cần thiết cho tập thể trong chuyến đi, và họ sẽ sớm lên đường. Khi đoàn lữ hành đi qua khu rừng, họ bất ngờ gặp một con hổ. Nhà vua yêu cầu một khẩu súng từ người mà ông đặt phụ trách mọi công việc. Anh này nói với vua rằng anh ta không nghĩ đến việc mang theo súng. Nhà vua rất tức giận và nói với anh ta: “Anh thật là một thằng ngốc! Làm thế nào anh có thể quên chuẩn bị cho một tình huống như thế này trong cuộc hành trình của chúng ta?” Sau đó vua đưa cho anh ta một cây gậy và nói: “Đây, cầm lấy cây gậy này và dẫn chúng ta đến đích. Và sau đó hãy mang nó theo luôn bên mình cho đến khi anh tìm thấy kẻ ngu ngốc hơn mình; khi đó anh có thể chuyển nó cho người đó”. Người tôi hiền tiếp tục giữ cây gậy nhà vua trao cho mình trong nhiều năm. Thời gian trôi qua, nhà vua trở nên già yếu và suy kiệt sức khỏe. Những ngày cuối cùng của cuộc đời ông đã gần kề và vì vậy ông bắt đầu nhận được những cuộc thăm hỏi từ các thần dân bên giường bệnh của mình. Một ngày nọ, người đàn ông mà vua đã trao cây gậy vì “ngốc như vậy” cũng đến gặp nhà vua. Ông ta vẫn mang theo cây gậy. Ông đến gặp vua và nói với vua: “Thưa bệ hạ, nếu ngài cho phép, tôi có thể hỏi ngài một câu được không ạ?” Và sau khi được cho phép, ông nhẹ nhàng hỏi nhà vua: “Tâu đại vương, chẳng hay ngài đã chuẩn bị kỹ càng cho chuyến hành trình quan trọng mà ngài sắp thực hiện chưa?” Nhà vua nhìn ông ta với vẻ ngạc nhiên và sau đó nói: “Chuẩn bị cho cuộc hành trình này à? Tôi đau ốm và sắp chết; tôi phải chuẩn bị như thế nào cho một cuộc hành trình như vậy?” Lão thần đáp lại và nhẹ nhàng trao cây gậy cho vua: “Vậy ngài có cây gậy này và giữ nó bên mình.” Và rồi ông lặng lẽ bước đi. (Cha Albert Lakra).

 

7/ HÃY LÀ MỘT CÁI VỊNH

Có một câu chuyện được kể về một tu sĩ trẻ đến gặp một người đan sư giàu kinh nghiệm trong sa mạc. Anh ấy bày tỏ sự thất vọng của mình: “Con cảm thấy bản thân mình rất hạn chế. Con vẫn còn trì trệ như ở trong một cái ao hay một vũng nước”. Vị đan sư già đáp: “Vậy thì đừng làm cái ao. Hãy là một cái vịnh.” Một vịnh tất nhiên là hòa với đại dương bao la. Mỗi ngày nó được thay nước mới. Nó hiếm khi bị đình trệ. Thánh Gioan Tẩy Giả là như vậy. Ngài đang ở một nơi cực kỳ cô đơn vắng lặng, sa mạc Giuđê. Nhưng sa mạc là nơi mà người ta gặp gỡ Thiên Chúa. Và như vậy ngài không bị trì trệ, vì ngài luôn kết nối mình với đại dương lớn, là lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì vậy, trong Mùa Vọng này khi chuẩn bị cho biến cố Chúa quang lâm, chúng ta hãy kết nối với đại dương bao la là Thiên Chúa, vì tình thương đã đến với chúng ta, để rồi cuối cùng, “Mọi xác phàm sẽ được nhìn thấy sự cứu độ của Chúa!” (Cha Albert Lakra).

 

            Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024 (21/11/2024 10:04:15 - Xem: 147)

Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024 (21/11/2024 07:57:59 - Xem: 132)

Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật, mà sự thật là điều gì có lợi cho tôi.

Đạo còn sống khi ta còn sống đạo (16/11/2024 11:20:12 - Xem: 824)

Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng việc học văn hóa và công ăn việc làm được đặt trên việc nuôi dưỡng đức tin ?

Gia vị cho bài giảng CN 33 & Các Thánh Tử đạo VN - 2024 (16/11/2024 05:36:01 - Xem: 359)

Đôi khi những người muốn dẫn dắt Người khác đến với Chúa Kitô cũng trở thành chướng ngại vật lớn nhất cho ơn cứu rỗi của họ.

Ngày tận thế: Bí ẩn chỉ có Chúa Cha biết (16/11/2024 05:28:22 - Xem: 177)

Chúng con luôn sẵn sàng đón nhận Ngài trong bình an và hân hoan, với trái tim tràn đầy hy vọng vào ngày vinh quang của Chúa.

“Có làm mưa làm gió” (11/11/2024 07:52:43 - Xem: 233)

Khi tôi chết đi, thế giới này cũng vẫn cứ vần xoay theo định luật đã được mặc định cho nó. Chẳng phải vì tôi chết đi mà vũ trụ này có rúng động hay biến đổi gì.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 32 TN năm B - 2024 (08/11/2024 07:28:19 - Xem: 544)

Chúng ta không xây dựng đời mình trên vật chất hay chiếm hữu, nhưng trên tình yêu, để sẵn sàng cho đi và dâng hiến.

Gia vị cho bài giảng CN 32 TN năm B - 2024 (08/11/2024 07:24:57 - Xem: 462)

Sứ điệp Tin Mừng Chúa nhật này là về sự cho đi. Mỗi người đều có khả năng chia sẻ dù họ nghèo khó hay túng thiếu đến đâu.

Suy ngẫm về Thiên đàng – Nơi an bình vĩnh cửu (05/11/2024 07:26:42 - Xem: 280)

Việc suy ngẫm và tưởng nghĩ về Thiên đàng rất có lợi cho tâm hồn chúng ta, chiêm nghiệm xem Thiên đàng sẽ như thế nào, xinh đẹp và hoàn hảo ra sao.

Gia vị cho bài giảng CN 31 TN năm B -2024 (01/11/2024 11:31:26 - Xem: 397)

Yêu người lân cận như chính mình cũng được hiểu theo chiều ngược lại: mở rộng tâm hồn đón nhận quà tặng tình yêu được trao ban.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7