Suy tư - Cảm nghiệm

Gia vị cho bài giảng lễ CN 4 mùa Vọng năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,700
  • Ngày đăng: 17/12/2021 06:23:08

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 4 Mùa Vọng, Năm C

 

 

1/ CHÚA GIÊSU TRONG TU VIỆN

Đây là một câu chuyện nói về sự khác biệt triệt để có thể tạo ra khi người ta ý thức về sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống, với mỗi cá nhân cũng như cộng đoàn. Một tu viện Do Thái ở Palestine vào thế kỷ đầu, bỗng nhận ra rằng họ đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Một số tu sĩ đã bỏ đi mà lại không có thêm ứng viên mới gia nhập, và người ta cũng không còn đến để cầu nguyện và tìm linh hướng như trước nữa. Một vài tu sĩ còn ở lại đã trở nên già nua, chán nản và hay gắt gỏng trong mối quan hệ của họ với nhau. Vị tu viện trưởng nghe nói về một vị thánh, một ẩn sĩ sống đơn lặng trong rừng sâu; và ông quyết định đi tham vấn vị ẩn sĩ. Ông trình bày với vị ẩn sĩ về tình trạng tu viện của ông đã bị thu giảm và èo uột như thế nào, và bây giờ nó trông giống như một bộ xương khô. Chỉ còn lại bảy tu sĩ già nua. Vị ẩn sĩ nói với tu viện trưởng rằng ông có một bí quyết có thể đóng góp: một trong những tu sĩ hiện đang sống trong tu viện thực sự là Chúa Giêsu đang cải trang, sống theo cách mà không ai có thể nhận ra Người. Với sự tiết lộ này, vị tu viện trưởng quay trở lại tu viện của mình, triệu tập một công nghị và kể lại những gì vị ẩn sĩ thánh thiện đã nói với ông. Các tu sĩ già nhìn nhau với vẻ thăm dò, cố gắng phân định ai trong số họ có thể là Chúa Giêsu. Có thể là anh Mark, người luôn cầu nguyện mọi nơi mọi lúc chăng? Nhưng anh ta lại tỏ thái độ thánh thiện hơn người đối với anh em. Có thể là anh Joseph, người luôn sẵn sàng giúp đỡ chăng? Nhưng anh ta lại ăn uống luôn miệng và không thể nhịn ăn. Vị trụ trì nhắc nhở họ rằng Chúa Giêsu đã ăn vận y phục thông thường như một cách ngụy trang danh tính thực sự của Người. Điều này chỉ khiến họ thêm bối rối và họ không thể tìm ra ai là Chúa Giêsu giữa họ. Vào cuối buổi họp, điều mà mỗi tu sĩ biết chắc chắn là bất kỳ tu sĩ nào, ngoại trừ chính mình, đều có thể là Chúa Giêsu. Và vì vậy tất cả họ đều yêu mến và phục vụ Người trong mỗi người, và tu viện đã trở lại Sức Sống ban đầu. (Fr. Munacci)

 

2/ ÂM THANH NHỎ

Có một đoạn văn kỳ diệu trong Cựu Ước, mà một cách nào đó, minh họa cho một điều xảy ra trong bài đọc Lời Chúa hôm  nay. Đó là cảnh vị tiên tri nổi tiếng Êlia, bị kẻ thù truy đuổi, ẩn náu trong một hang động và chờ đợi Chúa cho biết phải làm gì. Ông được nhắc bảo phải đi đến miệng của một cái hang động. Một cơn gió lớn quét qua thung lũng, làm gãy đổ các cây cối, nó thật là mạnh mẽ. Nhưng Kinh Thánh nói, Chúa không ở trong gió. Sau đó, một trận động đất khủng khiếp xảy ra và những ngọn núi đổ nhào. Nhưng một lần nữa chúng ta lại được thông báo, Chúa không ở trong trận động đất. Sau đó là một đám cháy lớn; nhưng ở đó, Kinh thánh lại tuyên bố: Chúa vắng mặt. Cuối cùng, Êlia nghe thấy một âm thanh nhỏ xíu, thì thầm, và ông nhanh chóng lấy áo che mặt vì tôn kính sự hiện diện thánh thiện của Đức Chúa. Một âm thanh nhỏ nhẹ, thì thầm! Chúa nói Ngài không ở trong gió, động đất hay lửa đỏ, nhưng trong âm thanh thì thầm nhỏ bé.

* Và cũng giống như cách Ngài nói lại, lần cuối cùng và trọn vẹn, khi Ngài phán Lời cuối cùng của Ngài cho loài người trong mọi thời đại: Lần này, Ngài nói trong tiếng khóc nhè nhẹ của một em nhỏ ở Bethlehem.

 

3/ CẦN CÁI BẮT TAY

Nhà soạn nhạc và biểu diễn Bradley James đã chuyển những lời dạy và lời cầu nguyện của Mẹ Têrêsa Calcutta thành âm nhạc trong bản thu âm được quốc tế hoan nghênh, Gift of Love: Music to the Words and Prayers of Mother Teresa (Quà tặng tình yêu: giáo huấn và kinh nguyện của Mẹ Têrêsa trong ca nhạc). Bradley nhớ lại lời khuyên của bà: “Mẹ nói rằng chúng ta không cần phải đến Calcutta để giúp đỡ người nghèo; đúng hơn, chúng ta phải giúp họ ngay trước mặt chúng ta.” Anh đã áp dụng bài học này khi anh gặp một người ăn xin vô gia cư trên đường phố San Francisco. Bradley đặt một số tiền vào cái bát kim loại của anh, sau đó đưa tay ra và bắt tay người đàn ông. Người nhận trao cho anh ta một nụ cười thật tươi, và hai người trao đổi tên và trò chuyện thân mật với nhau. Bradley nhớ lại: “Sau đó, anh ấy kéo tôi lại gần hơn một chút và nói: “Tôi cảm ơn ông vì số tiền đã nhận được, nhưng điều tôi thực sự cần là một cái bắt tay” [x. Susan Conroy, Our Sunday Visitor (ngày 19 tháng 10 năm 2003), tr. 17.] Thật vậy, điều đáng chú ý trong sự việc này không phải là đồng tiền nhỏ, mà là món quà của phẩm giá con người và tình yêu của Chúa mà Bradley James đã mang đến cho người ăn xin qua cái bắt tay và sự hiện diện của tình huynh đệ của anh ta.

* Quả thật, Bradley đã tái hiện nơi cuộc đời mình và trải nghiệm, mầu nhiệm vui về cuộc viếng thăm của Chúa (x. Lc 1,39-45) được mô tả trong bài Tin Mừng hôm nay.

 

4/ QỦY MÙA VỌNG

Maula Powers là một người kể chuyện tài giỏi. Trong một số của tạp chí Catholic Digest cách đây vài năm, bà Powers đã kể về một sinh vật được gọi là “Advent Teufel” (Quỷ Mùa Vọng). Teufel là một từ tiếng Đức để chỉ ma quỷ. Theo một câu chuyện dân gian cổ của Đức, Quỷ Mùa Vọng đã cố gắng trong suốt Mùa Vọng cám dỗ mọi người bận rộn với những công việc bề ngoài đến nỗi họ quên mất ý nghĩa thực sự của lễ Giáng Sinh. Ác quỷ Mùa vọng không muốn mọi người có thời gian để trải nghiệm sự tái sinh của Chúa Kitô trong chính họ. Những lời dụ dỗ của Quỷ Mùa Vọng thật khôn ngoan. Nó lôi kéo chúng ta dễ dàng hòa mình vào dòng chảy của các lễ hội theo mùa. Mưu đồ của Quỷ Mùa Vọng là khiến chúng ta bận rộn với các kế hoạch trong kỳ nghỉ đến nỗi chúng ta bỏ qua việc cầu nguyện, đọc Lời Chúa hàng ngày và tham gia các công tác nhà thờ. Một số người trong chúng ta đã chiến đấu với Ác quỷ Mùa Vọng trong năm nay. Hy vọng rằng chúng ta khống chế  được nó ít nhất là trong tuần tới! Tôi hy vọng bạn có thể sử dụng chút thời gian còn lại để tập trung vào ý nghĩa đích thực của lễ Giáng Sinh.

 

5/ TÔI THỰC SỰ QUAN TRỌNG

Một người đàn ông trong bệnh viện đang điều trị bệnh ung thư. Ông ta bị cộng đoàn giáo xứ ghẻ lạnh. Ông có một danh sách dài những thứ ông muốn lên án, có thể được nêu ra cho chúng ta: không phục tùng Giáo hội trong hình thức thể chế hiện tại; không thiện cảm với các giáo sĩ, không tham dự các nghi lễ rườm rà v.v…và v.v…. Nhưng một linh mục tuyên úy bệnh viện bước vào – không được mời, ngài chỉ đi thăm các bệnh nhân. Vị linh mục hỏi người đàn ông: “Ông có muốn được xức dầu không?” Người đàn ông nói: “Có.” Sau khi ông chịu các bí tích, người ta thấy ông viết những dòng này trong cuốn sổ của mình: “Nằm trên chiếc giường bệnh chật hẹp của mình, tôi cảm nhận được niềm vui và ơn chữa lành, tôi biết mình chỉ còn rất ít thời gian. Tuy nhiên, quan trọng hơn, tôi cảm thấy bởi một ân sủng lạ lùng rằng, đây là lần đầu tiên trong ký ức của tôi, Giáo hội chú ý đến tôi, một cách cá nhân, gọi tên, xướng tên thánh, và cầu nguyện cho tôi đối phó với hoàn cảnh đau đớn hoang mang và tuyệt vọng của tôi. Bỗng nhiên tôi nhận ra, tôi thấy mình quan trọng thế nào: tôi thực sự quan trọng. Tôi vẫn không hết cảm nhận được năng lực thấy mình quan trọng, thấy mình là một ​cá nhân không thể thay thế.”

​* Trong hoạt cảnh thăm viếng được mô tả trong Tin Mừng hôm nay, hai người phụ nữ tầm thường nhận ra họ quan trọng như thế nào khi họ được chọn làm mẹ Đấng Messia và mẹ vị tiền hô của Chúa Cứu Thế. (Cha Tony)

 

6/ LỊCH SỬ LỄ THĂM VIẾNG

Lễ này có nguồn gốc từ thời trung cổ. Nó được các tu sĩ  dòng Phanxicô lưu giữ từ trước năm 1263 khi thánh Bônaventura khuyến khích và phân hội dòng Phanxicô đã đón nhận. Dòng Phanxicô Breviary sau đó tiếp tục truyền bá lễ này đến nhiều cộng đoàn. Năm 1389, Đức Giáo hoàng Urbanô VI đã đưa vào Lịch Phụng vụ Rôma, để cử hành vào ngày 2 tháng 7, với hy vọng qua đó chấm dứt giai đoạn Đại Ly giáo (x. Great Western Schism). Theo Lịch Tridentinô, lễ này được đặt là bậc Lễ Trọng. Khi Sách Lễ của Đức Giáo hoàng Piô V được thay thế bằng Sách Lễ của Đức Giáo hoàng Clementê VIII vào năm 1604, lễ Thăm Viếng trở thành Lễ Trọng Bậc Hai. Bậc lễ này vẫn tiếp tục như vậy cho đến khi Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII phân loại lại và đặt là Lễ Bậc Hai vào năm 1962. Lễ tiếp tục được ấn định vào ngày 2 tháng 7, là ngày sau khi kết thúc tuần bát nhật mừng kính sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, vị vẫn còn ở trong lòng mẹ vào thời điểm Đức Maria thăm viếng. Tuy nhiên, vào năm 1969, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã dời lễ này sang ngày 31 tháng 5, “giữa Lễ Truyền Tin (25 tháng 3) và Lễ Sinh Nhật thánh Gioan Tẩy Giả (24 tháng 6), để nó phù hợp hơn với câu chuyện trong  Tin Mừng.”

 

7/ BỨC TRANH ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG

Họa sĩ người Hà Lan thế kỷ 17 Rembrandt Van Rijn đã vẽ cho chúng ta một bức tranh rất khác về khung cảnh trong Kinh Thánh. Maria, Mẹ của Chúa chúng ta và bà Êlisabeth không ăn mặc như những mệnh phụ hoàng tộc. Thay vì mặc áo choàng sặc sỡ và trang phục hoàng gia, họ mặc những chiếc áo choàng đơn giản. Họ gặp nhau bên ngoài một ngôi nhà ở vùng đồi núi, trong một thị trấn miền Giuđa. Họ không được các cherubs và seraphim vây quanh- không có thiên thần. Zacaria, chồng của Êlisabeth, lúc đó đã già yếu, phải dựa vào vai một cậu bé để giúp ông bước đi. Chuyến viếng thăm này trông giống như một cảnh khá bình thường. Trong bức tranh này, một con chó nhà đang đi dạo bên Maria và Êlisabeth, không để tâm đến họ. Rembrandt vẽ một chùm tia màu vàng lên hai người phụ nữ để chiếu sáng khi họ gặp nhau. Êlisabeth, trong nháy mắt đã nhận biết, vui mừng nắm lấy vai Đức Mẹ để ôm bà và kêu lên: “Maria, em thật là diễm phúc! Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” Với Êlisabeth – nét mặt, ngôn ngữ cơ thể và ánh nhìn chăm chú vào mắt Maria, gợi lên nơi họ nhận thức rằng họ đang ở giai đoạn đầu của một thế giới mới – khi Chúa Giêsu nằm trong lòng Đức Maria trẻ tuổi. Maria đứng thẳng, đầu hơi cúi xuống trước người chị họ của mình, để cho một người hầu cởi chiếc áo choàng của bà. Một người đàn ông phía sau dắt một con la có dây cương, cho thấy quãng đường Maria đã di chuyển. Êlisabeth đầy cảm xúc vui mừng đến nỗi hét lên trong kinh ngạc: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”

* Lời cầu xin đơn giản này của Êlisabeth là một hành động thờ phượng, một bài thánh ca thiêng liêng: “Con là ai, lạy Chúa! Chúng con là ai mà Chúa phải đến với chúng con?” (Để xem hình ảnh lớn hơn, hãy truy cập: http://james-a watkins.hubpages.com/hub/Rembrandt-is-my-favorite-artist (Fr. Tony)

 

8/ ÔNG ẤY ĐẾN GIỮA CHÚNG TA

Người Nga trong nhiều thế kỷ đã kể một truyền thuyết về một hoàng tử trẻ thời Trung cổ, Alexis, sống trong một cung điện xa hoa, trong khi xung quanh, hàng trăm nông dân nghèo sống trong những căn nhà tồi tàn bẩn thỉu. Hoàng tử đã cảm động với lòng trắc ẩn đối với những người dân nghèo này và ông quyết tâm cải thiện cuộc sống của họ. Vì vậy, trước hết ông bắt đầu đến thăm họ. Nhưng khi đến cũng như lúc ra về, ông cảm thấy buồn vì hoàn toàn không liên lạc được với họ. Họ tỏ ra vô cùng kính cẩn, gần như tôn thờ ông; tuy nhiên ông không bao giờ có thể thu phục được lòng yêu mến của họ. Họ vẫn còn thể hiện sự xa lánh, và ông trở về cung điện với một trải nghiệm thất bại và thất vọng. Rồi một ngày nọ, một người đàn ông rất khác đến với dân chúng. Ông ta là một bác sĩ trẻ nhiệt thành và tận tâm, ông muốn cống hiến cuộc đời mình để phục vụ người nghèo. Ông ta bắt đầu thuê một cái lán bẩn thỉu đầy chuột nhắt để ở, cạnh  một con đường nhỏ. Ông không hề tỏ ra mình là người bề trên – quần áo của ông, cũng giống như của họ, cũ sờn và rách tươm- và ông sống đơn giản bằng những thức ăn đạm bạc mà không biết bữa tiếp theo sẽ thế nào. Ông không thu tiền từ nghề của mình vì ông chữa bệnh miễn phí cho hết mọi người và cho không thuốc của mình. Chẳng bao lâu sau, vị bác sĩ trẻ tuổi này đã giành được sự kính trọng và yêu mến của tất cả người dân, điều mà hoàng tử Alexis chưa từng làm được. Rồi từng bước một, ông đã biến đổi toàn bộ cả đời sống tinh thần nơi đây: giải quyết các cuộc cãi vã, hòa giải những mối thù hằn, giúp mọi người có cuộc sống ổn định. Không ai có thể đoán được rằng vị bác sĩ trẻ tuổi này lại chính là hoàng tử, người đã từ bỏ cung điện của mình và đến ở giữa những người dân của mình để trở thành một trong số họ.

* Đó chính là những gì Chúa đã làm vào ngày Giáng Sinh đầu tiên đó. Người đã đến ở với chúng ta- Đấng Emmanuel- để giúp chúng ta trở nên con Thiên Chúa. (John Williams; trích dẫn bởi cha Botelho)

 

            Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024 (21/11/2024 10:04:15 - Xem: 177)

Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024 (21/11/2024 07:57:59 - Xem: 166)

Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật, mà sự thật là điều gì có lợi cho tôi.

Đạo còn sống khi ta còn sống đạo (16/11/2024 11:20:12 - Xem: 839)

Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng việc học văn hóa và công ăn việc làm được đặt trên việc nuôi dưỡng đức tin ?

Gia vị cho bài giảng CN 33 & Các Thánh Tử đạo VN - 2024 (16/11/2024 05:36:01 - Xem: 364)

Đôi khi những người muốn dẫn dắt Người khác đến với Chúa Kitô cũng trở thành chướng ngại vật lớn nhất cho ơn cứu rỗi của họ.

Ngày tận thế: Bí ẩn chỉ có Chúa Cha biết (16/11/2024 05:28:22 - Xem: 178)

Chúng con luôn sẵn sàng đón nhận Ngài trong bình an và hân hoan, với trái tim tràn đầy hy vọng vào ngày vinh quang của Chúa.

“Có làm mưa làm gió” (11/11/2024 07:52:43 - Xem: 233)

Khi tôi chết đi, thế giới này cũng vẫn cứ vần xoay theo định luật đã được mặc định cho nó. Chẳng phải vì tôi chết đi mà vũ trụ này có rúng động hay biến đổi gì.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 32 TN năm B - 2024 (08/11/2024 07:28:19 - Xem: 545)

Chúng ta không xây dựng đời mình trên vật chất hay chiếm hữu, nhưng trên tình yêu, để sẵn sàng cho đi và dâng hiến.

Gia vị cho bài giảng CN 32 TN năm B - 2024 (08/11/2024 07:24:57 - Xem: 462)

Sứ điệp Tin Mừng Chúa nhật này là về sự cho đi. Mỗi người đều có khả năng chia sẻ dù họ nghèo khó hay túng thiếu đến đâu.

Suy ngẫm về Thiên đàng – Nơi an bình vĩnh cửu (05/11/2024 07:26:42 - Xem: 281)

Việc suy ngẫm và tưởng nghĩ về Thiên đàng rất có lợi cho tâm hồn chúng ta, chiêm nghiệm xem Thiên đàng sẽ như thế nào, xinh đẹp và hoàn hảo ra sao.

Gia vị cho bài giảng CN 31 TN năm B -2024 (01/11/2024 11:31:26 - Xem: 399)

Yêu người lân cận như chính mình cũng được hiểu theo chiều ngược lại: mở rộng tâm hồn đón nhận quà tặng tình yêu được trao ban.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7