Suy tư - Cảm nghiệm

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật I mùa Vọng năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,527
  • Ngày đăng: 26/11/2021 08:38:23

GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG, NĂM C

 

 

1/ THIẾU TÍN HIỆU

Vào thời của nó, Titanic là tàu viễn dương lớn nhất thế giới, nặng 46.328 tấn và được coi là không thể chìm. Tuy nhiên, vào đêm khuya ngày 14-15 tháng 4 năm 1912, điều không tưởng đã xảy ra với chiếc tàu huyền thoại đó. Gần nửa đêm, tàu Titanic vĩ đại va phải một tảng băng trôi, khoét một lỗ dài ba chục mét qua năm trong số mười sáu khoang kín. Nó bị chìm trong hai giờ rưỡi khiến 1513 người thiệt mạng. Trước khi tàu Titanic bị chìm, những tín hiệu cảnh báo liên tục đã được gửi đi để báo cho thủy thủ đoàn biết rằng họ đang chạy vào một vùng băng trôi, nhưng các thông điệp này đã bị bỏ ngoài tai. Quả thật, khi một con tàu gần đó gửi cảnh báo khẩn cấp, tàu Titanic đang liên lạc với nhà hàng nổi tiếng Cape Race về thời gian để các tài xế đón hành khách đến bến tàu ở New York và đặt sẵn các thực đơn cho bữa tối. Chỉ chú tâm đến những chuyện vặt vãnh, tàu Titanic đã đáp lại lời cảnh báo: “Câm miệng! Tôi đang nói chuyện với Cape Race. Bạn đang làm nhiễu tín hiệu của tôi!” Tại sao nhiều người chết trong đêm đó? Chắc chắn những người chịu trách nhiệm đã không để ý đến những lời cảnh báo; họ bận tâm đến những thứ khác!

* Đôi khi chúng ta tin rằng “con tàu” của chúng ta là không thể chìm, cuộc sống của chúng ta đã được lên kế hoạch chắc chắn, và điều bất ngờ không thể xảy ra với chúng ta. Chúa nhật I Mùa Vọng nhắc chúng ta luôn tỉnh thức, chờ đợi và sãn sàng.

 

2/ TRUNG THÀNH CHỜ ĐỢI

Một số người trong chúng ta còn nhớ bài sử thi cổ xưa của Homer tên là Odyssey. Đó là câu chuyện về Odysseus, người đã đi khắp thế gian, thực hiện nhiều cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Trong khi đó ở quê nhà, người vợ xinh đẹp Penelope của anh bị nhiều kẻ lợi dụng sự vắng mặt hai mươi năm của anh theo đuổi cầu hôn. Để xa tránh những người cầu hôn này, Penelope tuyên bố rằng khi dệt xong tấm vải liệm cho bố chồng, cô sẽ chọn một trong số những người cầu hôn dai dẳng này. Tuy nhiên, có một điều bí ẩn mà những người cầu hôn này không biết. Mỗi đêm Penelope tháo những vết khâu mà cô đã khâu vào ban ngày, và vì vậy cô vẫn trung thành với Odysseus cho đến khi anh trở về.

* Đó là một bài học sống động nói về lòng trung thành. Trong khi chờ đợi Chúa quang lâm, chúng ta được mời gọi ra sức thực hiện công việc của Chúa Cứu Thế trong trần gian mà chính Giáo Hội đã phục vụ trong trong hai nghìn năm qua.

 

3/ NGƯỜI BẢO VỆ

Có một câu chuyện cổ của người Hasidic kể về giáo sĩ Naftali. Theo phong tục ở thành phố của ông, những người giàu là những người có nhà ở ngoại ô, sống biệt lập, và thuê riêng người bảo vệ trông coi tài sản của họ vào ban đêm. Vào một buổi tối muộn, theo thói quen của mình, giáo sĩ Naftali ra ngoài đi dạo và gặp một người bảo vệ đang đi tới đi lui. Rabbi hỏi: “Bạn làm việc cho ai?” Người bảo vệ nói cho giáo sĩ Do Thái biết người đã thuê anh ta, và sau đó hỏi lại vị giáo sĩ: “Còn ông làm việc cho ai?” Những lời của người bảo vệ đập vào trái tim vị giáo sĩ Do Thái, khiến ông trả lời: “Tôi không chắc liệu tôi có làm việc cho ai hay không.” Vị giáo sĩ Do Thái đi cùng với người bảo vệ một lúc trong im lặng. Sau đó, ông ta hỏi: “Bạn hãy đến và làm việc cho tôi nhé?” Người bảo vệ nói: “Ôi Rabbi, tôi rất vinh dự được làm người hầu của ngài, nhưng nhiệm vụ của tôi là gì?” Giáo sĩ Naftali trả lời một cách êm nhẹ: “Để tiếp tục nhắc nhở tôi câu hỏi đó.”

* Giống như giáo sĩ Do Thái đó, chúng ta luôn cần được nhắc nhớ đến việc chúng ta làm việc và sống cho ai. Mùa Vọng giúp chúng ta đặt ra câu hỏi này cho chính mình. (Ẩn danh; do cha Botelho trích dẫn).

 

4/ QUAN SÁT ĐƯỜNG ĐI

Có một giai thoại đẹp được một giáo lí viên kể lại làm sáng tỏ sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay. Vài năm trước, một tài xế xe buýt ở Tp. HCM đã đạt được một kỷ lục hoàn hảo. Trong vòng 30 năm, ông đã lái một chiếc xe buýt với chiều dài hơn 1 triệu kilômét mà không gặp một tai nạn nào. Khi được hỏi anh ấy đã làm thế nào, anh trả lời đơn giản như sau: “Hãy quan sát đường đi”. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đưa ra lời khuyên tương tự theo nhiều kiểu nói: “Hãy luôn tỉnh thức”, “Hãy đứng thẳng”, “Hãy ngẩng đầu lên”, “Hãy coi chừng đừng để tâm hồn ra nặng nề.” Đây không chỉ là một lời khuyên thiêng liêng cho mùa Vọng mà còn là một quy tắc an toàn cho cuộc sống hàng ngày. Một cầu thủ bóng đá hay một vận động viên giỏi phải luôn tập trung sự chú ý của mình vào quả bóng và các cầu thủ. Một học sinh giỏi phải tỉnh táo, chăm chú, quan sát giáo viên và lắng nghe lời thầy hướng dẫn. Một người Công giáo tốt phải tích cực tham gia vào các sinh hoạt của cộng đoàn… Giống như vị thần La Mã Janus, người có hai khuôn mặt: một khuôn mặt nhìn vào năm đã qua và mặt kia nhìn về tương lai, thì các tín hữu trong Mùa Vọng, cũng nhìn về quá khứ để tưởng niệm Chúa Giêsu đến thế giới và hướng lòng mong đợi Người tái lâm trong vinh quang. (Cha Tony)

 

5/ TRỰC ĐIỆN THOẠI

Lord Reith là người sáng lập BBC, nói rằng hầu như ông đã dành toàn bộ thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai để trực điện thoại, chờ Winston Churchill gọi cho mình. Nhưng rốt cuộc vị thủ tướng này không bao giờ gọi cho ông. Và chúng ta hãy nghĩ đến tất cả những người bình thường hôm nay đang đợi ở sân bay, ở bến xe buýt, ở bệnh viện, ở công viên giải trí, ở bưu điện, phòng bán vé, phòng thất nghiệp, phòng an sinh xã hội. Xã hội đã trở thành một phòng chờ rộng lớn ”.

* Trong Mùa Vọng, chúng ta nghĩ đến ý nghĩa thiêng liêng cho sự chờ đợi: hướng lòng về biến cố quang lâm của Chúa Kitô, Đấng Messia. Phần lớn Tân Ước dành cho biến cố cánh chung này. [Sherwood Wirt, trong Freshness in the Spirit (San Francisco: Harper & Row, 1978).]

 

6/ NIỀM VUI CHO THẾ GIỚI

“Joy to the World” là một bài thánh ca không thể thiếu trong mùa Giáng Sinh. Chúng ta hãy theo dõi câu chuyện về một thanh niên. Khi còn nhỏ anh ấy thường xuyên bị đau ốm. Anh có vóc dáng nhỏ bé đến nỗi một số người coi là kỳ dị. Khi lớn thêm, thể trạng anh luôn yếu đuối và mỏng manh. Anh không thể chơi thể thao với những thiếu niên khác cùng tuổi. Tuy nhiên cuối cùng anh lại chọn trở thành mục sư. Nhưng sức khỏe của ông quá yếu, ông không thể phục vụ hội thánh đang phát triển của mình. Thật đáng ngạc nhiên, ông không để tâm vào những rắc rối thể lí của mình. Lời phàn nàn duy nhất của ông là các bài thánh ca vào thời của ông quá kém chất lượng. Ông nhận thấy chúng không truyền được niềm hy vọng và niềm vui. Ai đó đã thách thức ông viết những bài hay hơn. Và ông đã làm. Ông đã viết hơn 600 bài thánh ca, hầu hết là thánh ca ngợi khen Thiên Chúa. Khi sức khỏe của ông hoàn toàn suy sụp vào năm 1748, ông đã để lại một trong những bộ sưu tập thánh ca đáng chú ý nhất mà thế giới từng biết đến. Ông tên là Isaac Watts.

* Trong vài tuần nữa, chúng ta sẽ hát một trong những bài thánh ca nổi tiếng nhất của ông, “Joy to the World!” Isaac Watts đã khám phá ra niềm vui trong cuộc sống của mình vì ông biết rằng Chúa không bao giờ bỏ rơi ông. Ông đã sống trọn cuộc sống của mình trong niềm tin tưởng vì cảm thấy gần Chúa trong sâu thẳm trái tim mình.

 

7/ ÁNH SÁNG ƠN HUỆ

Vua Alexander Đại đế của Macedonia, người đã chinh phục hết miền đất này sang miền đất khác, vẫn luôn áp dụng một quy tắc nhất định sau đây. Bất cứ khi nào quân đội của ông đóng quân bên ngoài một thành trì kiên cố hoặc pháo đài có tường lũy bao quanh, ông sẽ treo một ngọn đèn sáng lên nơi cao nhất để mọi người có thể nhìn thấy cả đêm lẫn ngày. Sau đó, ông sẽ cho những cư dân bị bao vây biết rằng, cho tới khi chiếc đèn còn cháy sáng, họ sẽ có cơ hội thay đổi ý định để quy hàng. Nhưng nếu chiếc đèn bị đập vỡ và ánh sáng của nó bị dập tắt, thì thành phố và tất cả những gì nó chứa đựng sẽ bị hủy diệt không thương tiếc. Và ông đã giữ đúng lời hứa của mình. Nếu chiếc đèn bị đập tan từng mảnh, thì không còn hy vọng gì nữa. Quân đội của vua sẽ xông vào thành phố, giết bất kỳ người nào mang vũ khí, sau đó lục soát và phá hủy thành phố. Thời ơn huệ đã qua.

* Ngọn đèn vẫn cháy cho chúng ta; đây là thời gian ân sủng – nhưng chẳng bao lâu nữa nó sẽ kết thúc. Vậy hãy ra sức tận dụng. [Willi Hoffsuemmer; trích dẫn bởi cha Botelho.]

 

8/ ĐÃ ĐẾN HAY ĐANG ĐI

Một người đàn ông vội vã chạy xuống bến tàu, hướng tới chiếc phà, sợ rằng mình sẽ không kịp chuyến. Đây là một người đàn ông có địa vị, một người đàn ông luôn quan tâm đến phẩm giá của mình. Ông ta mặc một chiếc quần dài sọc ghim, một chiếc áo khoác buổi sáng màu đen, một tay cầm dù và tay kia đội mũ hình quả dưa màu nâu. Ông vẫy tay với chiếc phà và hét to lên rằng chiếc thuyền dừng lại để ông có thể bước vào trong đó. Ông chạy một mạch đến cuối bến tàu, tức giận nhảy xuống và đáp xuống boong thuyền an toàn. Rất tự hào về bản thân, ông kéo thẳng cà vạt và nếp áo, sửa lại tư thế cho đúng với tư cách của mình. Chính lúc đó ông mới phát hiện ra rằng con thuyền không ra khơi; nó đã đến rồi!

 * Hôm nay là Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Vọng. Có khi chúng ta cũng nhầm lẫn về Mùa Vọng và Lễ Giáng Sinh. Chúng ta đang đến hay đi? Giáng sinh là lễ kỷ niệm Chúa Cứu Thế đã đến. Còn Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh. (Cha Tony)

 

9/ MÙA VỌNG, MÙA CHỜ ĐỢI

Một người mù và tôi đứng giữa một đám rất đông du khách tại sân bay Port Mores. Tôi bảo anh ấy: “Bạn chỉ cần đứng ở đây thôi.” Tôi không muốn anh ấy bị mọi người chen lấn, vì vậy tôi để anh ở một góc khuất. Sau đó, tôi đi mua vé, gửi thư, và kiểm tra các chuyến bay đến và đi. Được một lúc, tôi quay lại và quan sát anh. Anh chỉ đứng đó. Mọi người đi lại xung quanh anh; một đứa trẻ nhìn anh chằm chằm; một người khuân vác đã đẩy hành lý sát cạnh anh; một cậu bé bán báo ngạc nhiên tại sao anh không nhìn vào sập báo. Người mù chỉ yên lặng đứng đó. Những bước chân rần rật lộn xộn xung quanh anh, những giọng nói lấn át nhau và tất cả những tiếng ồn ào khác của mọi con người đi và đến đều không có ý nghĩa gì đối với anh. Anh ấy chỉ đứng và đợi tôi quay lại. Anh kiên nhẫn chờ đợi, hoàn toàn bằng lòng chờ đợi tôi sẽ trở lại với anh. Không một chút nghi ngờ nào trên khuôn mặt anh. Trái lại đó là một nét mặt tràn đầy niềm mong đợi: Tôi sẽ trở lại và nắm tay anh và chúng tôi sẽ đi tiếp.

* Cái nhìn của người mù với đôi mắt nhắm nghiền đứng đó chờ đợi làm tôi liên tưởng đến khuôn mặt của một Kitô hữu trong Mùa Vọng. (Willi Hoffsuemmer; do Cha Botelho trích dẫn).

 

            Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm

 

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 254)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 173)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 577)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 663)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 245)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 502)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Gia vị cho bài giảng lễ CN 2 Phục sinh năm B - 2024 (02/04/2024 07:16:18 - Xem: 318)

Chúa Nhật Thứ Hai của Mùa Phục Sinh mời gọi chúng ta suy ngẫm về tình yêu thương và lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa dành cho chúng ta

Sự thật là gì? (30/03/2024 10:41:24 - Xem: 298)

Sự thật của Thiên Chúa đi kèm với chống đối và bách hại. Ai muốn sống sự thật này, hãy tự đóng cho mình cây thập giá và lê lết vác nó đi cả kiếp người.

THÁNH GIÁ, nguồn mạch của Lòng Thương Xót (28/03/2024 07:44:50 - Xem: 442)

Yêu với thiện chí vượt trên mọi cản trở, mọi căng thẳng đang có, Để chữ yêu tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn của nó trong mái ấm gia đình.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7