Suy tư - Cảm nghiệm

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 5 MC, Năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 2,277
  • Ngày đăng: 01/04/2022 05:20:32

GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG LỄ

CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY, NĂM C

 

 

1/ ĐỒNG HÌNH ĐỒNG DẠNG

Một mẫu gương giúp chúng ta suy niệm trong Mùa Chay là thánh Gemma Galgani. Chỉ trong vòng vài năm, nữ giáo dân người Ý này (1878-1903) đã nên giống Chúa Giêsu đau khổ thật đáng kể. Gemma là một nhà thần bí – một trong số ít những linh hồn được mời gọi kết hợp với Chúa ở mức độ cao đến nỗi những Kitô hữu bình thường chúng ta không thể hiểu hết được. Ơn gọi của chị là đồng cam cộng khổ với Chúa Kitô. Chị vừa phải chịu những thử thách thiêng liêng mà còn mang đau đớn thể xác là mắc bệnh lao cột sống. Trong nhiều năm, chị mang dấu tích về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô: không chỉ là những dấu đinh mà còn vết thương và mão gai của Người. Thậm chí chị còn trải qua sự đổ mồ hôi đẫm máu nữa. Việc suy ngẫm liên lỉ về cái chết của Chúa Giêsu đã giúp chị cảm nhận được sự hiện diện thường xuyên của Người; và khi ở trong những trạng thái ngây ngất này, chị đã có nhiều cuộc trò chuyện với Chúa bằng một giọng trầm lắng và ngọt ngào. Về những hiện tượng này, Giáo hội không có những phán quyết chính thức nào. Khi Đức Giáo Hoàng Piô XI tuyên bố Gemma Galgani là một vị thánh vào năm 1933, đó là vì chị đã tỏ lòng kiên nhẫn dịu dàng và đức tính anh hùng trong những năm tháng đau đớn. Dường như đôi khi Thiên Chúa ban cho thế giới chúng ta những người thánh thiện nào đó giống với Chúa Kitô hơn khi họ được mang dấu tích về sự đau đớn và sự đóng đinh của Người. Một số người nghĩ rằng thánh Phaolô có thể là người đầu tiên nhận được “dấu hiệu” trên trời này. Phaolô nói: Trong mọi việc, “Tôi ước…cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người.” (Trong bài đọc hai hôm nay)

* Tại sao như vậy? Bởi vì chỉ khi chúng ta kết hợp với Chúa Kitô trong sự chết của Người thì chúng ta mới có thể xứng đáng được kết hợp với Người trong sự phục sinh. Toàn bộ nghịch lý của Mùa Chay là “chết để sống”. Theo nghĩa đó, chúng ta có thể nói rằng thánh Gemma Galgani đã nêu gương sống động cho chúng ta trong Mùa Chay. (Cha Robert F. McNamara).

 

2/ BÍ TÍCH GIẢI TỘI

Trong khi Mẹ Têrêsa chắc chắn nổi tiếng về lòng bác ái vì Mẹ đã hết mình phục vụ những người đau khổ nghèo hèn, Mẹ cũng là “Thừa sai của Lòng Thương Xót” trong việc kêu gọi mọi người đón nhận tình yêu tha thứ của Chúa Giêsu trong Bí tích Giải tội, một Bí tích mà Mẹ đã lãnh nhận ít nhất một lần mỗi tuần. Mẹ đã khuyên những người khác: “Một điều cần thiết cho chúng ta là Xưng tội. Xưng tội không là gì khác ngoài thể hiện lòng khiêm tốn trong hành động. Chúng ta gọi đó là Sám hối, nhưng thực sự đó là Bí tích của Tình yêu, một Bí tích của sự tha thứ. Đó là nơi mà tôi để cho Chúa Giêsu lấy đi khỏi tôi mọi thứ chia rẽ và hủy diệt. Xưng tội là một hành động đẹp của tình yêu cao cả. Chỉ khi xưng tội, chúng ta mới có thể đi vào như một tội nhân, và đi ra như người không có tội. …Chúng ta không cần phải tuyệt vọng, không cần phải tự tử, không cần phải nản lòng, nếu chúng ta hiểu được sự dịu dàng của tình yêu thương của Thiên Chúa.”

* Mẹ nói ở nơi khác, rất đơn giản: “Xưng tội là chỉ có Chúa Giêsu và tôi, không ai khác.” Và sau đó Mẹ nói với chúng ta:  “Hãy ghi nhớ điều này trong cuộc đời.”

 

3/ CÓ TỘI

Tiến sĩ Karl Menninger, bác sĩ tâm thần nổi tiếng, đã viết một cuốn sách cách đây vài năm có tựa đề Dù trở thành tội nhân. Trong cuốn sách đó, ông thuật lại việc một người đàn ông nghiêm nghị, ăn mặc giản dị đứng ở một góc sầm uất của Chicago’s Loop. Khi người ta đi ngang qua, ông nghiêm trang đưa cánh tay lên và chỉ vào một người qua đường và chỉ nói một từ: “Có tội!” Sau đó, không thay đổi biểu cảm, ông hạ cánh tay xuống. Sau một vài giây, ông lại giơ cánh tay lên chỉ vào một người khác buộc tội, lại thốt ra bản cáo trạng dài chỉ một từ: “Có tội!” Hiệu quả của hành động này đối với những người trên là khá bất ngờ. Một số nhìn chằm chằm vào ông ta, bắt đầu cười, sau đó dừng lại, do dự, nhìn xung quanh bằng những cái nhìn trộm, và vội vã bước nhanh hơn. Một người nọ qua đường quay sang một người bạn đồng hành và thốt lên: “Nhưng làm sao ông ta biết được?”

* Chúng ta không cần phải có một nhà thuyết giáo đường phố lập dị chỉ tay buộc tội để nhắc nhở chúng ta về tội. Chúng ta có nhiều thông tin xác thực hơn, mà chúng ta gọi đó là lương tâm hoặc tiếng Chúa nói trong chúng ta.

 

4/ LẬT LẠI

John R. Aurelio, trong cuốn sách Những mẩu chuyện về Nước Trời, mang đến cho chúng ta một bức chân dung tuyệt đẹp về bản tính của Thiên Chúa. Ông viết: Vào ngày thứ sáu, Thiên Chúa tạo ra Ađam và Evà. Vào ngày thứ bảy, khi Thiên Chúa đang nghỉ ngơi, họ hỏi Ngài rằng liệu Ngài có ban cho họ một điều gì đó đặc biệt để kỷ niệm ngày sinh của họ không. Vì vậy, Thiên Chúa thò tay vào trong kho báu của Ngài và lấy ra một đồng tiền thiêng liêng. Viết trên đồng tiền đó là từ “Tình Yêu.” Vào ngày thứ tám, Ađam và Evà phạm tội. Khi rời khỏi Vườn Địa Đàng, họ cầu xin Thiên Chúa bảo đảm rằng Ngài sẽ không bỏ rơi họ. Ngài nói với họ: “Các con đã có đồng tiền”. Họ trả lời: “Nhưng đồng tiền viết Tình Yêu, chúng con đã đánh mất tình yêu. Liệu chúng con có tìm lại được nó không?” Chúa nói: “Hãy lật nó lại. Trên mặt kia của đồng tiền được viết từ “Tha Thứ.”

* Có một sự thật tuyệt vời trong đó. Không có tình yêu mà không có sự tha thứ và không có sự tha thứ mà không có tình yêu. Đó là hai mặt của một đồng tiền. Và Tin Mừng là Chúa yêu chúng ta bất kể chúng ta đã làm gì hay đã mắc lỗi gì.

 

5/ TA KHÔNG NHỚ

Trong cuốn sách của mình, Chúa tha thứ trong một thế giới không khoan dung, Ron Lee Davis kể câu chuyện có thật về một linh mục ở Philippines, một người rất được Chúa yêu thương, nhưng đã mang gánh nặng về một tội giấu kín mà ngài đã phạm nhiều năm trước. Ngài đã ăn năn sám hối nhưng vẫn chưa an tâm về điều đó. Trong giáo xứ của ngài có một phụ nữ rất đạo đức, đã tuyên bố được nhìn thấy và nói chuyện với Chúa. Tuy nhiên, vị linh mục hoài nghi về điều đó. Để kiểm tra bà ấy, ngài nói: “Lần tới khi bà nói chuyện với Chúa, hãy hỏi Chúa xem tôi đã phạm tội gì khi còn học trung học.” Người phụ nữ đồng ý. Vài ngày sau, vị linh mục hỏi: “Này, Chúa Giêsu có đến thăm bà trong giấc mơ không?” Bà trả lời: “Có, Ngài có đến và nói chuyện với con.” “Và bà có hỏi Chúa tôi phạm tội gì không? – Bà ấy cười và trả lời: “Chúa nói: Ta không nhớ.”

 

6/ NGƯỜI ÍCH KỶ

Câu chuyện của văn hào Oscar Wilde “Người khổng lồ ích kỷ” mang một thông điệp tuyệt vời. Mỗi buổi chiều, bọn trẻ thường đến chơi trong khu vườn của Người khổng lồ. Đó là một khu vườn rộng lớn xinh xắn với thảm cỏ xanh mềm. Đây đó, trên cỏ mọc lên những bông hoa đẹp như sao, và có mười hai cây đào vào mùa xuân nở ra những bông hoa hồng ngọc mỏng manh, đến mùa thu thì đơm hoa kết trái phong phú. Những con chim đậu trên cây và hót ngọt ngào đến nỗi lũ trẻ thường dừng trò chơi lại để lắng nghe. Chúng nói nhau: “Chúng ta ở đây thật là hạnh phúc!” Một ngày nọ, Người khổng lồ trở về; ông đã đi thăm người bạn của mình là Cornish Ogre, và đã ở lại đó bảy năm. Khi về đến nhà, ông thấy lũ trẻ đang chơi trong vườn. Người khổng lồ nói: “Khu vườn của tôi là của riêng tôi, tôi sẽ không cho phép ai chơi trong đó ngoài bản thân tôi.” Vì vậy, ông đã xây một bức tường cao xung quanh vườn, và đặt một bảng thông báo: Ai vi phạm sẽ bị phạt. Những đứa trẻ khốn khổ bây giờ không có nơi nào để chơi. Rồi mùa Xuân đến, khắp nơi trên đất nước này đều có hoa và chim chóc. Chỉ trong khu vườn của Người khổng lồ ích kỷ, trời vẫn còn mùa đông. Những con chim không còn màng đến hót trong đó vì không có trẻ em, và cây cối cũng quên mất việc nở hoa. “Tôi không thể hiểu tại sao mùa xuân đến muộn đến vậy”, Người khổng lồ ích kỷ nói, khi ông ta ngồi bên cửa sổ và nhìn ra khu vườn trắng toát lạnh lẽo của mình; “Tôi hy vọng sẽ có sự thay đổi về thời tiết.” Nhưng mùa Xuân cũng như mùa Hạ không bao giờ đến. Một buổi sáng nọ, ông nhìn thấy một cảnh tượng tuyệt vời nhất. Qua một lỗ nhỏ trên tường lũ trẻ chui vào, và chúng ngồi trên mỗi cành cây. Trong mỗi cái cây mà ông có thể nhìn thấy đều có một đứa trẻ. Và cây cối rất vui mừng khi có lũ trẻ trở lại, chúng đã phủ đầy mình bằng những bông hoa đẹp. Và trái tim của Người khổng lồ tan chảy khi ông nhìn ra ngoài. Ông ta nói: “Tôi đã ích kỷ biết bao!” Rồi ông lấy một chiếc rìu lớn và đánh sập bức tường.

 

* Câu chuyện của Oscar Wilde trình bày về một người đàn ông đã nhận ra những gì mình làm là sai và tự sửa chữa bằng cách phá bỏ những bức tường mà ông đã xây dựng. Tin Mừng hôm nay đưa ra trước chúng ta hình ảnh một người phụ nữ nhận thức rằng mình đã phạm tội và chị ấy sẵn sàng thay đổi đời sống của mình. Câu trả lời của Chúa Giêsu dành cho chị thật tuyệt vời: “Hãy đi và đừng phạm tội nữa.” (Cha Bobby).

 

7/ HƯỞNG LÒNG THƯƠNG XÓT

Câu chuyện kể về một người lính trẻ Pháp đã đào ngũ khỏi quân đội của Napoléon, nhưng người này đã bị bắt lại trong vòng vài giờ sau đó. Để ngăn chặn những người lính từ bỏ nhiệm vụ của mình, hình phạt cho tội đào ngũ là tử hình. Mẹ của người lính trẻ nghe thấy những gì đã xảy ra và đến cầu xin Napoléon tha mạng cho con trai bà. Tướng Napoléon lắng nghe lời cầu khẩn của bà nhưng nói rằng vì tính chất nghiêm trọng của tội trạng mà con trai bà đã phạm, rõ ràng nó không đáng được thương xót. Người mẹ trả lời: “Tôi biết nó không đáng được thương xót. Nhưng sẽ không có lòng thương xót nếu nó lại bị như vậy.”

* Đó là đặc điểm về lòng thương xót: không ai xứng đáng được hưởng nó. Nó được trao ban một cách tự do! (Trích dẫn bởi Jude Botelho & Fr. Lakra)

 

8/ TẨY VẾT NHƠ

Báo Người tiêu dùng đã đưa ra một tập sách nhỏ có tựa đề, Cách làm sạch các vết bẩn hiệu quả. Cuốn sách cho bạn biết nên sử dụng dung môi nào đối với hầu hết các loại vết bẩn. Ở đây chỉ đưa ra một ít. Glycerin loại bỏ vết bẩn bằng bút bi. Nước sôi sẽ loại bỏ vết bẩn của trái trứng cá. Giấm tẩy vết bút chì màu. Để làm sạch vết rỉ sét trên quần áo bảo hộ lao động bằng vải cotton, hãy làm ẩm vết gỉ bằng một ít giấm đậm đặc, sau đó chà xát với một chút muối. Amoniac sẽ loại bỏ vết máu. Rượu sẽ tẩy các vết cỏ. Trộn một thìa nước oxy già 3% với một ít kem đánh răng, rồi dùng khăn mềm chà xát hỗn hợp lên vết bẩn; rửa sạch; vết bẩn dù là gì đi nữa cũng biến mất. Hãy dùng một ít chất làm mềm thịt để loại bỏ các vết bẩn thuộc về protein như sữa, sôcôla và máu trên quần áo. Dùng thuốc tẩy đối với nấm mốc. Nước chanh có tác dụng tốt đối với các vết rỉ sét, v.v…

* Nhưng bạn biết không? Cuốn sách hoàn toàn không nói gì về việc tẩy các vết nhơ tội lỗi. Và lý do nó không đề cập đến là vì chỉ có một Người có thể làm được điều đó. Chỉ có Chúa Giêsu Kitô, Hiện Thân của Lòng Thương Xót Chúa, như được mô tả trong Tin Mừng hôm nay, mới có thể tha thứ tội lỗi cho chúng ta khi chúng ta ăn năn, sám hối.

 

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm

 

 

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024 (21/11/2024 10:04:15 - Xem: 184)

Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024 (21/11/2024 07:57:59 - Xem: 171)

Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật, mà sự thật là điều gì có lợi cho tôi.

Đạo còn sống khi ta còn sống đạo (16/11/2024 11:20:12 - Xem: 841)

Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng việc học văn hóa và công ăn việc làm được đặt trên việc nuôi dưỡng đức tin ?

Gia vị cho bài giảng CN 33 & Các Thánh Tử đạo VN - 2024 (16/11/2024 05:36:01 - Xem: 365)

Đôi khi những người muốn dẫn dắt Người khác đến với Chúa Kitô cũng trở thành chướng ngại vật lớn nhất cho ơn cứu rỗi của họ.

Ngày tận thế: Bí ẩn chỉ có Chúa Cha biết (16/11/2024 05:28:22 - Xem: 178)

Chúng con luôn sẵn sàng đón nhận Ngài trong bình an và hân hoan, với trái tim tràn đầy hy vọng vào ngày vinh quang của Chúa.

“Có làm mưa làm gió” (11/11/2024 07:52:43 - Xem: 233)

Khi tôi chết đi, thế giới này cũng vẫn cứ vần xoay theo định luật đã được mặc định cho nó. Chẳng phải vì tôi chết đi mà vũ trụ này có rúng động hay biến đổi gì.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 32 TN năm B - 2024 (08/11/2024 07:28:19 - Xem: 545)

Chúng ta không xây dựng đời mình trên vật chất hay chiếm hữu, nhưng trên tình yêu, để sẵn sàng cho đi và dâng hiến.

Gia vị cho bài giảng CN 32 TN năm B - 2024 (08/11/2024 07:24:57 - Xem: 462)

Sứ điệp Tin Mừng Chúa nhật này là về sự cho đi. Mỗi người đều có khả năng chia sẻ dù họ nghèo khó hay túng thiếu đến đâu.

Suy ngẫm về Thiên đàng – Nơi an bình vĩnh cửu (05/11/2024 07:26:42 - Xem: 281)

Việc suy ngẫm và tưởng nghĩ về Thiên đàng rất có lợi cho tâm hồn chúng ta, chiêm nghiệm xem Thiên đàng sẽ như thế nào, xinh đẹp và hoàn hảo ra sao.

Gia vị cho bài giảng CN 31 TN năm B -2024 (01/11/2024 11:31:26 - Xem: 399)

Yêu người lân cận như chính mình cũng được hiểu theo chiều ngược lại: mở rộng tâm hồn đón nhận quà tặng tình yêu được trao ban.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7