Suy tư - Cảm nghiệm

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 34 TN năm B

  • In trang này
  • Lượt xem: 6,699
  • Ngày đăng: 19/11/2021 06:02:02

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua

 

 

1/ CHÚA LÀ VUA HIỂN TRỊ

Ở giữa quảng trường thánh Phêrô ở Rôma, có một đài tháp lớn (obelisk). Có niên đại khoảng bốn nghìn năm tuổi, ban đầu nó nằm trong ngôi đền mặt trời ở thành phố Heliopolis của Ai Cập. Nó được Hoàng đế Caligula mua, mang về Rôma và đặt ngay giữa Hí trường Nêrô, trên đồi Vatican. Chính tại Hí trường đó, thánh Phêrô đã chịu tử đạo, và tháp tưởng niệm đó có thể là hình ảnh cuối cùng trên trái đất này ngài nhìn thấy. Trên đỉnh tháp có một cây thánh giá. Tất nhiên vào thời cổ đại, đó là một quả cầu vàng, tiêu biểu cho mặt trời. Và bây giờ được thay một cây thánh giá, thánh giá của Chúa Kitô, và trên bệ của đài tháp có khắc hai dòng chữ. Hàng chữ đầu bằng tiếng Latinh “Christus vincitChristus regnatChristus imperat”, được dịch là: Chúa Kitô chiến thắng, Chúa Kitô hiển trị, Chúa Kitô vinh quang. Dòng chữ khác là: “Sư tử của Giuđa đã chiến thắng.” Vì vậy, hôm nay chúng ta nhắc đến ngôn ngữ của chiến thắng. Kitô giáo đã chiến thắng bằng sức mạnh của thập giá, và chinh phục cả sức mạnh vĩ đại nhất mà thế giới cổ đại từng biết đến, Đế chế La Mã. Ngày nay ở giữa quảng trường thánh Phêrô là đài tưởng niệm mang những dòng chữ chiến thắng đó. (Mark Coleridge, Tổng giám mục Brisbane) (Cha Tony)

 

2/ CÂU CHUYỆN MỘT VỊ VUA

Đây là câu chuyện cảm động về một vị vua xứ Ailen. Ông không có con nối ngôi, vì vậy ông quyết định chọn người kế vị trong dân chúng. Điều kiện duy nhất được đặt ra, như đã được thông báo trên toàn vương quốc, là ứng viên phải có lòng kính mến Chúa sâu xa và yêu thương người lân cận. Tại một ngôi làng hẻo lánh của vương quốc, có một thanh niên nghèo nhưng hiền lành; anh được ghi nhận là có lòng tốt và hay giúp đỡ những người hàng xóm của mình. Dân làng khuyến khích anh đi thi để làm vua. Họ đã gom góp tiền nong cho anh để anh có thể thực hiện chuyến hành trình dài đến cung điện nhà vua. Sau khi trang bị cho anh lương thực cần dùng và một chiếc áo khoác tốt, họ gửi anh lên đường. Khi người thanh niên đến gần lâu đài, anh để ý thấy một người ăn xin đang ngồi trên một chiếc ghế dài trong công viên hoàng gia, mặc bộ quần áo rách rưới. Người này đang run rẩy vì lạnh vì phải ngồi ăn xin ngoài trời. Xúc động và trắc ẩn, người thanh niên đã mặc cho người ăn xin chiếc áo khoác mới mình đang mặc và trao phần thức ăn mà anh muốn để dành cho chuyến hành trình trở về. Sau khi đến cung điện và chờ đợi một lúc khá lâu trong phòng khách của hoàng gia, người thanh niên được nhận vào để phỏng vấn với nhà vua. Khi ngước mắt lên và sau khi cúi lạy trước mặt nhà vua, anh vô cùng kinh ngạc khi thấy nhà vua đang mặc chiếc áo khoác mà anh đã đưa cho người ăn xin ở công viên, đồng thời chào anh với tư cách là vị vua mới của đất nước.

* Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)

 

3/ CHÚA KITÔ VUA MUÔN NĂM

Trong những năm 1920, một chế độ toàn trị đã giành được quyền kiểm soát tại đất nước Mexicô và nó ra sức đàn áp Giáo hội Công giáo. Để chống lại chế độ, nhiều Kitô hữu đã hô vang khẩu hiệu: “Viva Cristo Rey!” (“Chúa Kitô Vua muôn năm!”) Họ tự gọi mình là “Cristeros.” Cristero từng rất nổi tiếng, ngài là một linh mục dòng Tên trẻ tên thật là Padre Miguel Pro. Bằng cách sử dụng nhiều hình thức ngụy trang khác nhau, Padre Pro đã tận tụy phục vụ người dân nghèo thành phố Mexicô. Cuối cùng, chính quyền bắt ngài và kết án hành quyết công khai vào ngày 23 tháng 11 năm 1927. Tổng thống Mexicô (Plutarco Calles) nghĩ rằng Padre Pro sẽ cầu xin lòng thương xót nên đã mời báo chí đến chứng kiến cuộc hành hình. Padre Pro đã không cầu xin mạng sống cho mình, nhưng thay vào đó, ngài quỳ xuống cầm một cây thánh giá. Khi cầu nguyện xong, ngài hôn cây thánh giá và đứng thẳng dậy. Giữ chặt cây thánh giá trong tay phải, ngài mở rộng vòng tay và hô lên: “Viva Cristo Rey!” (“Chúa Kitô Vua muôn năm!”) Vào chính lúc đó những người lính đã nổ súng vào ngài. Các nhà báo đã chụp ảnh; nếu bạn tìm kiếm “Padre Pro” hoặc “Saint Miguel Pro” trên Internet, bạn có thể thấy hình ảnh đó. (Cha Phil Bloom).

 

4/ TRUNG THẦN PHỤC VỤ NHỊ QUÂN

Thánh Thomas More là một trong các vị thánh bảo trợ các luật sư và chính trị gia. Ngài là một luật sư và nhà ngoại giao lỗi lạc ở Anh thế kỷ 16. Lòng yêu nước và lòng trung thành của ngài với quân vương đã thu hút sự chú ý của vua Henry VIII, người đã phong ngài làm Chủ tịch Nghị viện Anh. Điều mà Henry VIII không hay biết là lòng trung thành tuyệt đối của Thomas More đối với Chúa Kitô, Vua của các vua. Khi Henry VIII quyết định ly hôn với người vợ Catherine thành Aragon, để kết hôn với Anne Boleyn và tự phong cho mình là người đứng đầu Giáo hội Anh, thì More cho rằng điều này là hoàn toàn sai trái. Thay vì thuận theo những gì ngài thấy là trái với ý muốn của Thiên Chúa, Thomas More đã từ bỏ vị trí Chủ tịch danh giá, giàu có của mình và sống một cuộc sống nghèo khổ. Vì không ủng hộ nhà vua, Thomas More bị bắt, bị kết tội phản quốc, bị giam ở Tháp Luân Đôn năm 1534 và bị chặt đầu vào tháng 7 năm sau. Trên đường đi hành quyết công khai, More khuyến khích mọi người kiên định với Đức tin vào Chúa Kitô. Những lời cuối cùng được ghi lại của ngài là: “Tôi vì trung nghĩa với vua mà chịu chết, nhưng trước hết tôi là tôi tớ của Đức Chúa Trời.” Đối với Thomas More, việc tuyên xưng Chúa Kitô một cách riêng tư trong sự an toàn của cõi lòng và tại riêng gia đình mình là không đủ. Ngài tin rằng mỗi người còn phải tuyên xưng Chúa Kitô trong cuộc sống nghề nghiệp cũng như trong các luật lệ và chính sách chi phối xã hội. (Cha Munacci).

 

5/ PHỤC VỤ ĐỨC VUA

Thánh Polycarpô, giám mục của Smyrna thế kỷ thứ hai, đã bị điệu ra trước nhà chức trách La Mã và được yêu cầu nguyền rủa Chúa Kitô thì sẽ được thả. Ngài trả lời: “Tôi đã phục vụ Người tám mươi sáu năm, Người không làm gì sai trái cả; vậy thì làm sao tôi có thể phạm thượng chống lại Đức Vua của tôi, Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã cứu tôi?” Viên sĩ quan La Mã trả lời: “Nếu ông không đổi ý, tôi sẽ thiêu sống ông.” Nhưng Polycarpô nói: “Ngài chỉ đe dọa tôi bằng một ngọn lửa cháy trong một giờ, và sau đó thì nó sẽ tắt; nhưng các người không biết gì về sự phán xét sẽ đến và sự trừng phạt đời đời dành cho những kẻ vô đạo. Vậy thì cứ làm những gì các ngươi muốn.” (Cha Tony)

 

6/ TÔI LÀ NGƯỜI VĨ ĐẠI NHẤT

Chúa Giêsu không phải là một vị vua như vua Ai Cập cổ đại, Ramses, người có thái độ kiêu ngạo đã khắc vào các ngôi đền vẫn còn sừng sững: “Ta là người vĩ đại nhất”. Chúa Giêsu cũng không phải là một vị vua như các vua Trung Hoa, những bạo chúa man rợ đã sử dụng hàng triệu nô lệ để xây dựng Vạn Lý Trường Thành, một bức tường khổng lồ đến nỗi người ta có thể nhìn thấy từ mặt trăng. Người cũng không phải là một vị vua như Louis XIV, kẻ đã sống xa hoa quá mức trong cung điện Versailles gồm có cả 1000 phòng ốc. Chúa Giêsu khác biệt ở chỗ Người không được sinh ra từ một vị vua để trị vì, mặc dù Người thuộc hoàng gia Đavít. Đúng hơn, như Kinh Thánh nói với chúng ta, Chúa Giêsu là Đấng mà Thiên Chúa “sẽ chọn để làm vua…và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Không có vị vua nào khác như Vua Giêsu, vì Người là một vị Vua thiêng liêng. Không như bất cứ ai khác Người chính là Con Thiên Chúa, Đấng Messia. Tiên tri Giêrêmia gọi Người là “Chúa Cứu Thế của chúng ta”. Thánh Phaolô chiêm ngắm Chúa Giêsu là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” và, Người là “tất cả sự trọn vẹn của Thiên Chúa.” Chính Chúa Giêsu biết Người là ai, và thuộc về ai, vì Người nói: “Cha và Tôi là một… ai thấy Tôi là thấy Chúa Cha.” (Cha Tony) 

 

7/TÌM THẤY HẠNH PHÚC ĐÍCH THẬT

Phanxicô Assisi thời trẻ giàu có, cao sang và học thức, nhưng anh không cảm thấy hạnh phúc. Anh luôn nhận thấy cuộc sống của mình không trọn vẹn. Rồi một ngày nọ, khi đang cưỡi ngựa rong chơi trên đường phố, anh gặp một người bệnh phong, thật xấu xí và đáng ghê tởm vì căn bệnh ngặt nghèo làm biến dạng khuôn mặt. Có điều gì đó thôi thúc Phanxicô phải xuống ngựa và vòng tay qua người đau khổ bất hạnh này. Và trong vòng tay của anh, Phanxicô sửng sốt nhận thấy khuôn mặt của người bệnh phong đã đổi thành khuôn mặt của Chúa Kitô. (Cha Tony)

 

8/ CHUYỆN NGƯỜI THỢ ĐÓNG GIÀY

Văn hào Leo Tolstoy kể câu chuyện về một người thợ đóng giày tên là “Martinô cô đơn”, anh được Chúa hứa đến thăm vào ngày hôm đó. Cả ngày anh háo hức chờ đợi Ngài xuất hiện. Nhưng tất cả những gì xảy đến là một người đàn ông cần gấp một đôi giày; một người mẹ trẻ cần thức ăn và nơi ở cho con; và một đứa trẻ cần một người bạn. Tất cả đều được người thợ cô đơn nhiệt tình vui vẻ giúp đỡ. Martinô kết thúc một ngày với suy nghĩ: “Có lẽ ngày mai Ngài sẽ đến chăng,” chỉ để nghe thấy một giọng nói trả lời: “Hôm nay Ta đã đến gặp con, Martinô, không phải một lần mà là ba lần”. (Cha Tony)

 

9/ CHÚA KITÔ VUA MUÔN NĂM

Chúng ta luôn được mời gọi cầu nguyện cho Giáo hội thầm lặng, Giáo hội bị bách hại cách này hay cách khác. Một ngày nọ mọi người trên thế giới đều tỏ lòng thương tiếc khi biết tin Đức Hồng y Inhaxiô Kung Phần Mai của Giáo hội Trung Quốc qua đời ở tuổi 98. Ngài đã giữ vững xác tín của mình và chịu sự đàn áp khủng khiếp vì đức tin vào Chúa Kitô và Giáo hội. Ngài được thánh hiến làm giám mục Thượng Hải năm 1949, ngay sau khi Cộng sản chiếm Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã gây áp lực buộc ngài phải trung thành với “Hiệp hội Yêu nước Công giáo Trung Quốc”. Nhưng ngài cương quyết từ chối, ngài chọn trung thành với đường lối của Tòa thánh. Năm 1955, chính quyền đưa ngài và 200 linh mục đến một sân vận động ở Thượng Hải. Họ ra lệnh cho các ngài phải công khai “thú nhận tội ác của mình.” Trái với mệnh lệnh đó, ĐHY Kung hét lên: “Chúa Kitô Vua muôn năm! Đức Giáo hoàng muôn năm!” Ngay sau đó, ngài phải nhận bản án chung thân, và phải ngồi tù 30 năm dài dẵng, phần lớn thời gian bị biệt giam. Khi được trả tự do vào năm 1987, ngài đến Hoa Kỳ và định cư tại Stamford, Connecticut. Ngài được nhận phần thưởng vĩnh cửu của mình vào ngày 12 tháng 3 năm 2000. (Cha Tony)

 

10/ NGƯỜI GALILÊ ĐÃ CHIẾN THẮNG

Trong số ba mươi hoàng đế La Mã, các tổng trấn và những quan chức cao cấp nhất, những nhân vật nổi tiếng cuồng tín và nhiệt thành khi bách hại những Kitô hữu đầu tiên, thì một người đã trở nên loạn trí; một người khác bị chính con trai mình giết. Rồi một trong số họ bị mù; một người khác bị chết đuối. Một người bị bóp cổ; một người khác chết trong cảnh bị giam cầm khốn khổ. Một trong số họ đã chết vì căn bệnh ghê tởm, đến nỗi các thầy thuốc của hắn đã bị xử tử vì không thể chịu được mùi hôi thối bao trùm căn phòng của y. Hai người tự tử; một người khác đã cố ý tự kết liễu nhưng phải nhờ sự trợ giúp để hoàn thành ý định. Năm người bị ám sát bởi chính người dân hoặc người hầu của họ; năm người khác chết trong những cái chết đau khổ và dã man nhất; và tám người bị giết trong các trận chiến, hoặc sau khi bị bắt làm tù binh. Trong số những người chết trong trận chiến có Julianô Kẻ Bội giáo. Trong những ngày huy hoàng của đời mình, ông được biết là đã chĩa con dao găm lên trời, thách thức Con Thiên Chúa mà ông thường gọi là người Galilê. Nhưng khi bị thương trong một trận chiến và thấy rằng tất cả đã kết thúc với mình, ông gom các cục máu đông lại và tung nó lên trời và kêu lên: “Hỡi người Galilê, ngươi đã chiến thắng!” (Theo cha Boise)

 

11/ TRUNG THÀNH VỚI ĐỨC VUA

Trong khi chiến đấu với quân Philitinh, Đavít đã đóng quân tại một nơi gọi là hang Adullam. Vua mệt mỏi vì phải chiến đấu không ngừng nên ông ước muốn được nếm mùi vị của quê hương xứ sở. Đavít nói lớn ước ao của mình: “Phải chi ai đó có thể đem cho tôi nước uống từ giếng Bêlem bên cổng thành yêu dấu!” Lập tức ba trong số những người lính trung thành và mạnh mẽ nhất của ông đã nghe thấy vua than thở, và tự mình đi lấy nước từ giếng đó cho ông. Điều đó có nghĩa là họ phải liều mạng vì phải đột nhập vào trại quân Philitinh để hành động. Tuy nhiên, khi họ mang nước về cho Đavít, ông không chịu uống. Ông biết việc lấy nước nguy hiểm như thế nào, và ông nhận ra rằng hành động này cho thấy họ yêu mến ông hết mực. Thay vì uống, ông đã đổ xuống đất như một lễ rưới nước dâng lên cho Đức Chúa. Đavít đã sống niềm tin của mình đối với thuộc hạ, và cả ba người này cũng đã đáp trả bằng lòng tin và tình yêu dành cho đức vua của họ. (x. 1 Sbn 11,15-19).

* Còn Chúa Kitô? Người có truyền cảm hứng cho đức tin của bạn không? (Cha Tony)

 

12/ NGƯỜI NỔI TIẾNG NHẤT

(Chuyện vui)

 

Một ngày Chúa nhật, một nữ tu dạy một lớp giáo lí gồm những đứa trẻ khoảng 9 và 10 tuổi, nói với cả lớp: “Sơ sẽ tặng 20 ngàn đồng cho em nào trả lời đúng ai là người nổi tiếng nhất từng sống.” Một cậu bé người Ireland đưa tay lên và nói: “Đó là thánh Patrick. “Nữ tu nói: “Xin lỗi Sean, điều đó không chính xác.” Sau đó, một cô bé người Scotland đưa tay lên và nói: “Đó là thánh Anrê.” Nữ tu trả lời: “Xin lỗi, Catherine, điều đó cũng không đúng.” Tiếp theo một cô bé Việt Nam nói: “Đó là Mẹ Maria!” Nữ tu cũng lắc đầu từ chối. Cuối cùng, một cậu bé Do Thái giơ tay nói: “Đó là Chúa Giêsu.” Nữ tu rất hài lòng nói: “Đúng vậy, Marvin, lên đây sơ sẽ đưa cho con 20 ngàn.” Khi người nữ tu đưa tiền cho Marvin, chị ấy nói: “Con biết đấy Marvin, con là một người Do Thái, sơ rất ngạc nhiên khi con nói Chúa Giêsu.” Marvin trả lời: “Yeah, sơ! Trong thâm tâm, con biết đó là ông Môisen, nhưng chuyện làm ăn là phải làm ăn thôi!…”

            Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024 (21/11/2024 10:04:15 - Xem: 143)

Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024 (21/11/2024 07:57:59 - Xem: 126)

Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật, mà sự thật là điều gì có lợi cho tôi.

Đạo còn sống khi ta còn sống đạo (16/11/2024 11:20:12 - Xem: 824)

Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng việc học văn hóa và công ăn việc làm được đặt trên việc nuôi dưỡng đức tin ?

Gia vị cho bài giảng CN 33 & Các Thánh Tử đạo VN - 2024 (16/11/2024 05:36:01 - Xem: 359)

Đôi khi những người muốn dẫn dắt Người khác đến với Chúa Kitô cũng trở thành chướng ngại vật lớn nhất cho ơn cứu rỗi của họ.

Ngày tận thế: Bí ẩn chỉ có Chúa Cha biết (16/11/2024 05:28:22 - Xem: 177)

Chúng con luôn sẵn sàng đón nhận Ngài trong bình an và hân hoan, với trái tim tràn đầy hy vọng vào ngày vinh quang của Chúa.

“Có làm mưa làm gió” (11/11/2024 07:52:43 - Xem: 233)

Khi tôi chết đi, thế giới này cũng vẫn cứ vần xoay theo định luật đã được mặc định cho nó. Chẳng phải vì tôi chết đi mà vũ trụ này có rúng động hay biến đổi gì.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 32 TN năm B - 2024 (08/11/2024 07:28:19 - Xem: 544)

Chúng ta không xây dựng đời mình trên vật chất hay chiếm hữu, nhưng trên tình yêu, để sẵn sàng cho đi và dâng hiến.

Gia vị cho bài giảng CN 32 TN năm B - 2024 (08/11/2024 07:24:57 - Xem: 462)

Sứ điệp Tin Mừng Chúa nhật này là về sự cho đi. Mỗi người đều có khả năng chia sẻ dù họ nghèo khó hay túng thiếu đến đâu.

Suy ngẫm về Thiên đàng – Nơi an bình vĩnh cửu (05/11/2024 07:26:42 - Xem: 280)

Việc suy ngẫm và tưởng nghĩ về Thiên đàng rất có lợi cho tâm hồn chúng ta, chiêm nghiệm xem Thiên đàng sẽ như thế nào, xinh đẹp và hoàn hảo ra sao.

Gia vị cho bài giảng CN 31 TN năm B -2024 (01/11/2024 11:31:26 - Xem: 397)

Yêu người lân cận như chính mình cũng được hiểu theo chiều ngược lại: mở rộng tâm hồn đón nhận quà tặng tình yêu được trao ban.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7