Suy niệm tin mừng chúa nhật

CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 3 PS NĂM A

  • In trang này
  • Lượt xem: 1,738
  • Ngày đăng: 17/04/2023 09:26:01

 

CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH – Năm A

Lời Chúa: Cv 2,14.22-33; 1Pr 1,17-21; Lc 24,13-35

MỤC LỤC

1.      Mời Ông ở lại với chúng tôi. 4

2.      Xin ở lại với chúng tôi 7

3.      Con tim đã vui trở lại 12

4.      Chậm hiểu và chậm tin. 15

5.      Chiều Chúa Nhật buồn. 18

6.      Tìm gặp Chúa. 20

7.      Emmaus. 22

8.      Đức tin của chúng ta. 24

9.      Trên đường Emmau. 27

10.   Trên đường Emmaus. 31

11.   Chỉ xin Chúa hiện diện. 34

12.   Đường Emmaus – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt 36

13.   Đường hy vọng – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt. 39

14.   Đổi đời 43

15.   Đức Giêsu Kitô- Niềm hy vọng. 45

16.   Quay đầu – Lm. Giuse Trần Việt Hùng. 48

17.   Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau. 53

18.   Một Thiên Chúa đồng hành với con người 55

19.   Thánh lễ tại Emmaus – Pm. Cao Huy Hoàng. 56

20.   Đón nhận hay khước từ lời Chúa?. 61

21.   Gặp gỡ Chúa Phục Sinh. 64

22.   Đồng hành với nhau và với Chúa. 71

23.   Lời Chúa và Thánh Thể. 74

24.   Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con. 78

25.   Con đường. 82

26.   Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Thể Hiện. 86

27.   Niềm vui bừng sáng. 93

28.   Ánh Sáng: Ơn Ban của Chúa Kitô Phục Sinh. 95

29.   Từ tuyệt vọng đến chia sẻ – Achille Degeest. 98

30.   Họ nhận ra Người 101

31.   Người bạn đồng hành – R. Veritas. 105

32.   Suy niệm của Lm. Phêrô Hà Đức Ngọc. 108

33.   Hai môn đệ trên đường Emmau. 112

34.   Suy niệm của Lm. Thomas Trần Ngọc Túy. 116

35.   Những người khách lạ – Lm Nguyễn Khoa Toàn. 123

36.   Đừng tiếc nuối – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền. 127

37.   Trên đường Emmau – R. Veritas. 130

38.   “Lạy Chúa xin hãy ở lại với chúng con”. 133

39.   Trên đường Emmau – R. Gutzwiller. 137

40.   Trên đường Emmau. 140

41.   Niềm tin và hy vọng. 142

42.   Nhận ra Chúa hiện diện trong cuộc sống gia đình. 146

43.   Hành trình Emmau - Đamas. 151

44.   Chuyện kể trên đường Emause. 157

45.   Chúa Giêsu đồng hành – Lm Đan Quang Tâm.. 161

46.   Dừng chân. 168

47.   Chúa Nhật 3 Phục Sinh. 171

48.   Nồng cháy. 174

49.   Emmau. 177

50.   Đau khổ. 179

51.   Đam mê. 182

52.   Người lữ khách. 184

53.   Người lữ khách. 186

54.   Chúa sống lại. 190

55.   Chúa là nguồn an ủi 193

56.   Sau mộng mơ đến than khóc. 196

57.   Sao lại thất vọng?. 200

58.   Sợi chỉ đỏ Chúa nhật 3 Phục Sinh. 202

59.   Đường đức tin. 209

60.   Suy Niệm của JNK. 213

61.   Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ Emmau. 218

62.   Sao các bạn buồn. 231

63.   Chúa Đã Sống Lại 233

64.   Chú giải mục vụ của Hugues Cousin. 235

65.   Chú giải của Fiches Dominicales. 242

66.   Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt. 248

67.   Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh. 259

68.   Nhận ra Chúa là điều quan trọng. 267

69.   Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Đức Trí 272

70.   Đồng hành với Chúa trong cuộc đời 278

71.   Hai môn đệ đi làng Emmaus. 288

72.   Chúng tôi xin làm chứng. 291

73.   Tỉnh ngộ. 294

74.   Bắt gặp Chúa trên mọi nẻo đường. 297

 

 

1.Mời Ông ở lại với chúng tôi.

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Dưới dáng dấp một người khách lạ, Chúa Giêsu phục sinh đến với hai môn đệ Emmau. Ngài đến đúng lúc, đúng lúc họ đang bỏ cuộc, quay quắt và ray rứt vì chuyện đã qua. Ngài đi cùng với họ, đi gần bên họ, khiêm tốn trở thành một người bạn đồng hành. Ngài gợi chuyện, hay đúng hơn, Ngài muốn tham dự vào câu chuyện dở dang của họ.

Chúa Giêsu không nản lòng trước câu trả lời lạnh nhạt: "Chắc chỉ có ông mới không biết chuyện vừa xảy ra...". Ngài không cắt đứt cuộc đối thoại: "Chuyện gì vậy?" Ngài giả vờ không biết để họ nói cho vơi nỗi buồn. Chúa Giêsu kiên nhẫn lắng nghe lời họ tâm sự. "Trước đây, chúng tôi hy vọng rằng..." Như thế niềm hy vọng này chỉ còn là chuyện quá khứ. Cả niềm tin cũng trở nên chai lì, họ đâu có tin vào lời của các bà ra thăm mộ.

Khi lắng nghe, Chúa Giêsu nhận ra cái gút của vấn đề, những câu hỏi mà họ không tìm ra lời giải đáp. Tại sao một người của Chúa, người mà họ tin là Đức Kitô lại bị đóng đinh như một kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ?

Chúa Giêsu vén mở ý nghĩa của mầu nhiệm đau khổ. Đau khổ là nhịp cầu mà Đức Kitô phải vượt qua để sang bờ bên kia là vinh quang bất diệt. Đau khổ không phải là chuyện xui xẻo, rủi ro, nhưng nó có chỗ đứng trong chương trình cứu độ.

Lời của Chúa Giêsu là Tin Mừng ngọt ngào, khiến nỗi đau của họ dịu đi, lòng họ như ấm lại.

Họ cố nài ép Ngài ở lại dùng bữa chiều. Và chính lúc Ngài cầm bánh bẻ ra trao cho họ thì họ nhận ra vị khách lạ chính là Thầy Giêsu.

Kinh nghiệm của hai môn đệ Emmau cũng là của chúng ta. Lúc ta tưởng Ngài vắng mặt, thì Ngài lại đang ở gần bên. Lúc ta nhận ra Ngài ở gần bên, thì Ngài lại biến mất rồi. Nhưng chính lúc Ngài biến mất, ta lại cảm nghiệm sâu hơn sự hiện diện của Ngài.

Ngài đến lúc ta không ngờ. Ngài đi mà ta không giữ lại được. Ngài ở lại với ta cả khi ta không thấy Ngài nữa.

Đấng Phục Sinh vẫn đến với ta hôm nay qua một người bạn hay một người lạ ta gặp tình cờ. Qua họ, Ngài thổi vào lòng ta niềm hy vọng tin yêu.

Ngài vẫn đến với ta qua từng thánh lễ. Ngài đích thân giảng Tin Mừng và bẻ bánh trao cho ta.

Sống như Chúa phục sinh là tập đến với tha nhân, tập đồng hành, tập gợi ý, tập lắng nghe, tập soi sáng...

Hôm nay vẫn có nhiều người bạn đang lê gót về Emmau.

Gợi Ý Chia Sẻ

1. Chán nản, bỏ cuộc, bỏ cộng đoàn, mất niềm tin và hy vọng vào Chúa, vào con người. Bạn có gặp ai sống trong tình trạng như vậy không? Bạn đã lãm gì để giúp họ?

2. Khi ngắm nhìn Chúa Giêsu đến với hai môn đệ Emmau, bạn tâm đắc với cử chỉ hay lời nói nào của Chúa? Tại sao?

Cầu Nguyện

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần có Chúa hiện diện để con khỏi quên Chúa. Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con yếu đuối, con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ. Không có Chúa, con đâu còn nồng nhiệt hăng say.

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn, cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến. Con cần được thêm sức mạnh để khỏi ngừng lại dọc đường.

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời. Con không dám xin những ơn siêu phàm, chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.

Xin ở lại với con vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa và không đòi phần thưởng nào khác ngoài việc được yêu Chúa hơn.

 

2.Xin ở lại với chúng tôi

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu)

SUY NIỆM

Nhiều khi chúng ta hay quên chuyện này,

Đức Giêsu phục sinh là người tràn đầy niềm vui.

Ngài vui vì Ngài được Cha phục sinh.

Ngài vui vì Cha đã đóng ấn trên toàn bộ cuộc đời Ngài,

chứng nhận mọi việc Ngài làm, mọi lời Ngài nói.

Cha cho cả thế giới biết rằng Đấng không xuống khỏi thập giá

không phải là người bị Thiên Chúa nguyền rủa hay bỏ rơi,

nhưng là Chiên Thiên Chúa, Đấng mang cho trần gian bao tội lụy.

Đức Giêsu đã trải qua đức tin tăm tối như chúng ta.

Ngài vẫn luôn tin rằng Cha sẽ cứu Ngài, cứu theo cách của Cha.

Ngài đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện lên Cha.

Rốt cuộc, Ngài đã được Cha nhậm lời (Hr 5,7).

Cha không cứu Con khỏi thập giá và cái chết,

nhưng Cha cứu Con khỏi nấm mộ và âm phủ.

Phục sinh là món quà quý Cha tặng cho Chúa Giêsu,

Người Con Một đã vâng lời Cha cho đến chết trên thập giá (Pl 2,8).

Chúa phục sinh vui thật là vui, và Ngài muốn đem niềm vui cho môn đệ.

Khi hai môn đệ bỏ cuộc, bỏ cộng đoàn để về quê ở Emmau,

Ngài không muốn mất họ và muốn hiện ra gặp họ.

Ngài muốn dựng lên một “kịch bản” đáng nhớ cho cuộc gặp gỡ này.

Trước hết Ngài cùng đi với họ như một người tình cờ đi chung đường.

Ngài thấy rõ vẻ buồn bã trên khuôn mặt của họ,

Và cũng biết rõ họ đang đắng lòng về chuyện của thầy Giêsu.

Vậy mà Ngài vẫn làm như không biết,

và khiêm tốn xin được tham dự vào câu chuyện của hai người:

“Hai anh đang trao đổi chuyện gì vậy?”

Ngài chỉ nhận được câu trả lời thiếu thiện cảm của Clêôpát:

“Chắc ông là người duy nhất không biết chuyện mới xảy ra.”

Chúa Giêsu kiên nhẫn, không vội cắt đứt câu chuyện.

Ngài hỏi: “Chuyện gì vậy?”

Dĩ nhiên Chúa quá biết chuyện mới xảy ra về cái chết của Ngài,

nhưng Ngài vẫn làm như không biết.

Ngài làm bộ hỏi để cho họ có cơ hội trải lòng.

Hai môn đệ đã tha hồ kể về niềm hy vọng đã vỡ tan, về nỗi đau.

Họ không nuốt trôi được chuyện Thầy của họ là người công chính,

mà phải chết như một tên tội phạm, bị Thiên Chúa ruồng rẫy.

Chỉ sau khi đã lắng nghe hết mọi chuyện,

Chúa mới dùng Kinh Thánh để giúp họ hiểu được biến cố vừa qua.

Thầy của họ phải đi ngang qua cây cầu khổ đau và cái chết

để qua bên kia cầu là sự sống vinh quang.

Khi biết sắp đến lúc phải chia tay, để hai ông vào làng của họ,

Chúa Giêsu làm ra vẻ mình phải đi xa hơn.

Ngài làm thế để cho họ được tùy ý mời Ngài vào nhà.

Đây cũng là cách Ngài xem họ đã đón nhận đến mức nào

những soi sáng của Ngài dựa trên Kinh Thánh.

Quả thật hai ông đã mê người khách lạ đi chung với mình rồi.

vì lời của ông này làm ấm lại trái tim lạnh giá của họ.

Hai ông đã ép người khách lạ vào nhà để nghỉ ngơi qua đêm.

Dĩ nhiên Chúa Giêsu đồng ý ngay.

Chính trong lúc Ngài bẻ bánh trao cho họ, thì họ nhận ra Ngài.

Hai ông chắc đã bỏ dở bữa ăn để về ngay Giêrusalem.

Đi lại mười một cây số nữa trong đêm, nhưng lòng rất vui.

Họ huyên thuyên với nhau suốt đường dài,

ôn lại những chi tiết về những gì đã xảy ra dọc đường,

nhất là lúc mắt họ mở ra để thấy Chúa khi bẻ bánh.

Không phải Chúa phục sinh chỉ đi với hai môn đệ này một lần.

Ngài đi với từng người chúng ta nhiều lần trong đời,

khi chúng ta bỏ cuộc, chán chường, buồn sầu và thất vọng.

Ngài biết những thử thách chúng ta phải chịu trên đường đời.

Ngài mong đưa chúng ta về với đức tin, về với cộng đoàn.

Mỗi lần đến, Ngài lại theo một “kịch bản” riêng.

Chúng ta có nhận ra Ngài không?

LỜI NGUYỆN

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

vì con cần có Chúa hiện diện

để con khỏi quên Chúa.

Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

vì con yếu đuối,

con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.

Không có Chúa,

con đâu còn nồng nhiệt hăng say.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn,

cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.

Con cần được thêm sức mạnh

để khỏi ngừng lại dọc đường.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.

Con không dám xin những ơn siêu phàm,

chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.

Xin ở lại với con,

vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa

và không đòi phần thưởng nào khác

ngoài việc được yêu Chúa hơn.

(Cha thánh Piô Năm Dấu)

 

3.Con tim đã vui trở lại

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)

Thánh Luca là tác giả duy nhất kể lại câu chuyện hai môn đệ trên đường từ Giêrusalem trở về Emmaus. Bố cục văn chương cũng như nội dung hàm chứa những nội dung rất sâu sắc. Tác giả muốn khẳng định với chúng ta:

* Khi chúng ta thất vọng, có Chúa đồng hành để nâng đỡ, mặc dù chúng ta không cảm nhận được sự hiện diện của Người.

* Khi chúng ta đã nhận ra Chúa và đã tìm được niềm vui, thì Người lại ẩn mình đi. Ẩn mình không có nghĩa là vắng bóng, mà chỉ là sự hiện diện huyền nhiệm mà thôi.

Trong hành trình cuộc đời, Đấng Phục sinh vẫn hiện diện bên chúng ta. Nhờ sự đồng hành và nâng đỡ của Người, mà chúng được bình an và thấy con tim vui trở lại. Phụng vụ mùa Phục sinh muốn khẳng định với chúng ta điều ấy.

Chúa Giêsu đã bị một số người Do Thái lên án tử bằng hình thức đóng đinh vào thập giá. Bản án đã được thi hành theo ý muốn của thày Thượng tế, các luật sĩ và biệt phái. Công chúng ở Giêrusalem đều biết rõ vụ việc và nhiều người đã trực tiếp chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu. Tuy vào thời chưa có hệ thống thông tin hiện đại như ngày nay, nhưng “vụ án Giêsu” là một sự kiện nổi bật, không ai mà không biết. Vì vậy, hai môn đệ ngạc nhiên thấy vị khách đi cùng đường với mình, cũng từ hướng Giêsusalem về ngoại ô, mà không biết sự kiện này. Tuy vậy, hai ông này cũng giống như đại đa số những người đã chứng kiến vụ án, đều chỉ nhìn nhận sự kiện với cái nhìn hoàn toàn thế tục. Kinh Thánh kể các ông đã có một thời theo Chúa Giêsu làm môn đệ Người, các ông cũng hoàn toàn thất vọng, như các ông đã thú nhận: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng, chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israen”. Cùng với lời thú nhận này, là tâm trạng buồn bã, chán nản thất vọng. Các ông cũng có nghe mấy người phụ nữ nói về ngôi mồ trống và lời đồn Chúa đã sống lại, nhưng các ông cho đó là chuyện tầm phào, chẳng đáng tin.

Tâm trạng và lý luận của hai môn đệ, cũng là tâm trạng và lý luận của nhiều người trong thời đại của chúng ta. Đối với họ, Chúa Giêsu đã chết. Việc Chúa sống lại chỉ như câu chuyện tầm phảo, viển vông. Chính quan niệm này làm cho người vô tín chìm đắm trong bi quan, chán nản và thất vọng, khi họ đối diện với những khó khăn trên đường đời.

“Người khách lạ” đã gợi ý để hai môn đệ nhìn nhận sự kiện dưới cái nhìn khác. Là người Do Thái, hai ông dễ dàng hiểu vấn đề khi nghe người khách lạ liên hệ và trích dẫn lời các ngôn sứ, cộng với việc hồi tưởng những gì Chúa Giêsu đã làm và đã giảng dạy. Từ những chia sẻ của vị khách đi đường, niềm vui và hy vọng đã trở lại với các ông. Cử chỉ bẻ bánh là điểm mấu chốt giúp hai ông khẳng định, người khách đồng hành chính là Thày mình, Đấng đã sống lại từ cõi chết. Chính lúc các ông nhận ra Người, thì Người biến mất. Hai ông đã thoát ra khỏi tâm trạng bi quan thất vọng. Sự thao thức kể lại cho anh em tin vui này đã khiến các ông trở về Giêrusalem ngay trong đêm. Trở về Giêrusalem là trở về với nơi đã làm các ông thất vọng. Các ông đã trở về Giêrusalem với tâm trạng mới mẻ, đầy tràn niềm vui và nghị lực.

Đức Giêsu không phải là một nhân vật huyền thoại. Cuộc khổ nạn và phục sinh của Người đã được tiên báo qua các ngôn sứ. Trong bài giảng ngài lễ Ngũ Tuần, Thánh Phêrô can đảm làm chứng về sự kiện phục sinh. Ông lược qua những gì đã được ghi chép trong Kinh Thánh Cựu ước, để khẳng định với thính giả rằng: “Theo kế hoạch của Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại”. Vị Tông đồ còn quả quyết: “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng”. Niềm xác tín của thánh Phêrô vừa dựa trên sự kiện, vừa căn cứ vào truyền thống Thánh Kinh.

Lễ Phục sinh và tuần Bát nhật đã kết thúc. Chúng ta đang từng bước trở về với những sinh hoạt đời thường. Phụng vụ lưu ý chúng ta: Đấng Phục sinh đang hiện diện và đồng hành với chúng ta, dù chúng ta không nhìn thấy người bằng con mắt thể lý. Lễ Phục sinh nhắc người tín hữu phải sống phù hợp với mầu nhiệm họ cử hành. Thánh Phêrô viết cho các tín hữu: “Nếu anh em gọi Thiên Chúa là Cha, thì anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này” (Bài đọc II).

Giữa những lo âu của cuộc sống hôm nay, nhất là giữa đại hoạ của bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), mầu nhiệm Phục sinh chiếu toả ánh sáng của niềm hy vọng. Cuộc sống dù đau buồn đến đâu, đừng quên Chúa đang đồng hành với chúng ta. Hãy nhận ra sự hiện diện của Người để cảm nhận sự ngọt ngào Chúa ban.

 

4.Chậm hiểu và chậm tin

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)

Thánh Lu-ca là tác giả duy nhất thuật lại câu chuyện trên đường Emmaus. Câu chuyện này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều suy tư và giáo huấn, như điển mẫu cho một hình thái mục vụ hiện nay, đó là sự đồng hành của Giáo hội với mọi người thời đại. Như Chúa Giê-su đã đồng hành và lắng nghe hai môn đệ đang thất vọng ê chề và giúp họ khơi lên niềm hy vọng, Giáo hội của Chúa hôm nay cũng phải đồng hành với nhân loại đang đắm chìm trong thất vọng, giúp mọi người tìm thấy niềm vui.

“Chậm hiểu và chậm tin”, đó là hai điều được nhắc tới trong lời khiển trách của vị khách lạ trên đường Emmaus, sau khi đã ân cần lắng nghe hai ông giãi bày nỗi lòng. Các ông không phải là những người không hiểu biết, vì trong lời tâm sự, các ông cho biết các ông theo Chúa Giê-su vì “vẫn hy vọng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel”. Các ông vẫn sống niềm hy vọng của Israel từ nhiều thế hệ. Tuy nhiên, niềm kỳ vọng của các ông lại mang tính trần tục. Theo các ông, Đấng Messia phải chiến thắng lẫy lừng, chinh đông dẹp bắc. Đàng này, Người lại bị giết như một kẻ gian phi. Dưới quan niệm của các ông, Đức Giê-su thành Na-gia-rét, tuy là người có uy thế trong việc làm cũng như lời nói, nhưng đã thất bại thảm hại. Chính các ông cũng đang thất vọng ê chề.

Tâm trạng của hai môn đệ trên đường Emmaus cũng là tâm trạng của nhiều người trong xã hội hôm nay, trong số đó có một số tín hữu Ki-tô. Trước những vấn nạn lớn như chiến tranh, xung đột, dịch bệnh, đau khổ, thiên tai, những dấu hỏi lớn được đặt ra mà không có câu trả lời. Nhiều người còn đặt lại vấn đề về ngay sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ngài có hiện hữu thật không? Nếu Ngài là Thiên Chúa giàu lòng thương xót, sao nhân loại phải khổ đau như vậy?

Giữa một chuỗi những vấn nạn của thời đại, hôm nay Chúa Giê-su Phục sinh trả lời cho chúng ta. Trước hết, Chúa viện dẫn chính trường hợp cái chết của Người, để giải thích ý nghĩa của đau khổ: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!” (Lc 24, 25). Chúa Giê-su đã mở trí cho hai ông hiểu Kinh Thánh, để thấy ở đó những điều đã tiên báo về cuộc khổ nạn của Người. Người cũng soi sáng cho các ông có một cái nhìn mới về đau khổ và thập giá. Việc hai ông nhận ra Chúa Giê-su khi Người bẻ bánh ở cuối trình thuật như đỉnh cao của mặc khải. Chúa cho các ông thấy Người vẫn sống và sự chết không thể giam hãm Người trong nấm mộ tối tăm. Vào lúc Chúa tỏ mình ra với hai ông, cũng là lúc hai ông thay đổi não trạng, không còn buồn rầu ủ dột.

Cuộc sống trần gian giống như một cuộc lữ hành. Chúa Giê-su vẫn hiện diện giữa chúng ta, mà đôi khi chúng ta không nhận ra Người. Có nhiều người không muốn gặp gỡ Chúa vì cuộc gặp gỡ với Chúa khiến họ phải đảo lộn những dự tính, phải thay đổi cách nhìn và nhất là phải từ bỏ những đam mê không phù hợp với đời sống mới của con cái Thiên Chúa.

Như Chúa Giê-su đã khai lòng mở trí cho hai môn đệ, hôm nay Chúa cũng đang giúp chúng ta hiểu Kinh Thánh. Ông Phê-rô nhờ được gặp gỡ với Chúa Phục sinh, mà từ một người dân chài chất phác ít học, đã trở nên nhà giảng thuyết hùng hồn. Bài đọc I ghi lại bài giảng đầu tiên của ông trong ngày lễ Ngũ Tuần. Với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, ông đã lược lại lịch sử dân tộc thánh trong một bài giảng, đồng thời chứng minh những gì các ngôn sứ loan báo nay đã được hoàn thành nơi Đức Giê-su thành Na-gia-rét, Đấng đã chết và đã sống lại.

Lễ Phục sinh là lễ của niềm hy vọng. Thánh Phao-lô khuyên chúng ta như vậy. Nhờ Đức Ki-tô phục sinh mà chúng ta được sinh ra làm con cái Thiên Chúa. Tin vào sự Phục sinh của Chúa, cùng với niềm xác tín Người đang hiện diện giữa cuộc đời, sẽ giúp người tín hữu tìm thấy niềm hy vọng và bình an.

“Sao các anh chậm hiểu và chậm tin?”. Đó là câu hỏi Chúa đặt ra cho chúng ta hôm nay, vào những lúc đức tin của chúng ta bị chao đảo trước phong ba cuộc đời.

Trình thuật Emmaus kết thúc với việc Chúa bẻ bánh và trao cho các môn đệ. Trình thuật này dùng các từ vựng giống như việc Chúa lập Bí tích Thánh Thể. Chúng ta đang cử hành Thánh lễ. Tại nơi đây, vào lúc này, Chúa Giê-su vẫn đang bẻ bánh và trao cho chúng ta. Chúng ta hãy nhận ra Người.

 

5.Chiều Chúa Nhật buồn

Hôm ấy là ngày đầu tuần, vào buổi chiều, có hai người bạn đồng hành cùng đi về hướng Emmaus, trong tâm trạng buồn rầu chán nản. Họ vừa bừng tỉnh sau một giấc mộng không thành. Họ bước theo một người Nadarét với hy vọng sẽ được tham gia cuộc giải phóng dân tộc, nhưng người Nadarét ấy không còn nữa. Ông đã bị đóng đinh vào thập giá. Nhưng quên làm sao được khuôn mặt của một người thầy, một người bạn, một người mà các ông coi như là một tiên tri, một người mà Phêrô đã tuyên xưng là Đức Kitô. Vì thế các ông vừa đi vừa kể lại cho nhau những kỷ niệm khó quên.

Đang lúc các ông lê bước, buồn sầu, hoang mang như vậy thì bỗng có một người thứ ba cùng đi theo một hướng. Người lạ này có vẻ như muốn nhập bọn đồng hành với hai ông. Các ông đi chậm lại và người bạn đồng hành mới đuổi kịp các ông. Ông bạn mới này có vẻ tò mò, ông không ngần ngại lên tiếng hỏi: Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? Các ông đáp: Ông không biết chuyện gì vừa mới xảy ra tại Giêrusalem ư? Chuyện ông Giêsu người Nadarét đó. Thế là các ông thuật lại đầu đuôi câu chuyện cho ông bạn mới. Không ngờ vừa nghe xong, ông bạn mới bèn buông lời trách móc: Người đâu mà tôi tăm ngu muội thế. Chưa kịp chống đỡ, thì người bạn đồng hành với đã thao thao bất tuyệt đem lời Kinh Thánh ra để chứng minh rằng: Đức Kitô phải chịu đau khổ rồi mới được vinh quang.

Câu chuyện còn đang tiếp tục thì hai ông đã đến nơi mình định đến. Với tinh thần hiếu khách, các ông mời người bạn mới vào quán trọ. Và thế là các ông nhận ra Ngài lúc bẻ bánh. Các ông vội quay trở lại Giêrusalem để đem tin mừng cho các anh em khác. Các ông chưa kịp kể hết, thì đã được các anh em khẳng định rằng Chúa đã sống lại và hiện ra với Phêrô.

Niềm tin đã trở nên vững chắc, mọi đau buồn đã tan biến, mọi ngờ vực đều đã được giải toả. Chiều thứ nhất u buồn đã được đổi thành chiều Chúa nhật vui tươi. Cũng như hai môn đệ trên đường Emmaus, một số tín hữu hôm nay cũng đang rời bỏ Giêrusalem, nghĩa là rời bỏ đức tin, rời bỏ Giáo Hội. Đối với một số người nào đó, chiều Chúa nhật đã trở thành chiều Chúa nhật buồn. và có những người tuy rời bỏ Giáo Hội, hoang mang mất niềm tin nhưng vẫn chưa dứt ra được cái quá khứ Kitô giáo của mình. Nhất là đối với những người lớn tuổi. Theo những bản thăm dò bên Âu Mỹ, thì nhiều người bỏ đạo trong thời niên thiếu, nhưng sau 60 tuổi thì lại lục đục trở về. Tổng thống Mitterrand, trong những ngày cuối đời, đã dí dỏm trả lời người phỏng vấn ông về cái chết: Nếu có Chúa, thì tôi tin rằng Ngài sẽ nói với tôi: Cuối cùng thì ông đã đã đến. Thôi, vào đi.

Thái độ hoài nghi của nhiều người thời nay cuối cùng vẫn không hoàn toàn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi lương tâm mình bởi vì dù sao thì Người vẫn hiện diện một cách nào đó trong cuộc đời chúng ta như Người đã xác quyết: Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. Và hình bóng của Người có lẽ dễ cảm nhận hơn khi mà đường đời chúng ta sắp chấm dứt.

 

6.Tìm gặp Chúa

Có hai chàng thanh niên là anh em ruột với nhau, nhưng sống rất khô khan nguội lạnh. Vào một buổi sáng, hai cậu lái xe xuống một dốc núi giữa lúc trời mưa tầm tã. Bỗng hai cậu gặp một cụ già, người ướt sũng đang khập khiễng bước đi. Hai cậu bèn dừng xe mời cụ lên. Thì ra ông cụ đang trên đường đi dự lễ tại một nhà thờ cách đó chừng 5 cây số. Vì trời còn mưa, nên hai cậu quyết định chờ để chở cụ về nhà. Một phần vì tò mò, hai cậu đã bước vào trong nhà thờ, thay vì ngồi ở ngoài xe. Và rồi một sự biến đổi đã xảy ra. Hai cậu quyết định làm lại cuộc đời và trở nên những con người đạo đức sốt sắng. Cụ già đã nói với hai cậu không phải bằng lời nhưng bằng một hành vi gương mẫu. Nhìn thấy cụ đi lễ trong buổi sáng mưa bão, tâm hồn các cậu đã bừng cháy lên. Và rồi trong lúc bẻ bánh nơi nhà thờ, hai cậu đã khám phá ra Chúa Giêsu mà hai cậu đã đánh mất.

Từ câu chuyện này chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng vừa nghe. Hai môn đệ trên đường Emmaus, đã từng có một thời bước theo Chúa. Các ông tin rằng Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến để thiết lập vương quốc. Thế nhưng, những giờ phút bão táp đã xảy đến. Mọi hy vọng, mọi mơ ước đã tan theo mây khói. Sau cái chết trên thập giá vào chiều ngày thứ Sáu tuần thánh, các ông đã bỏ mặc Ngài nơi nấm mồ cô quạnh và trở về với nếp sống trước kia. Chính trong bối cảnh này, các ông đã gặp người khách lạ trên đường đi Emmau. Các ông lắng nghe vị khách ấy, chăm chú nhìn vị khách ấy bẻ bánh và rồi một điều gì đó đã xảy ra khiến các ông xúc động: Vị khách ấy chính là Chúa Giêsu đang sống động trước mặt các ông.

Câu chuyện hai môn đệ đi Emmaus và câu chuyện hai chàng thanh niên trong buổi sáng đầy mưa bão phải chăng cũng là câu chuyện của mỗi người chúng ta, bởi vì trong cuộc sống, chúng ta cũng đã từng gặp phải những giờ phút bão táp, khủng hoảng về đức tin. Thế rồi một ngày nào đó, chúng ta đã gặp được một người, có thể là một vĩ khách lạ, nhưng qua người này, chúng ta tìm lại được Chúa giữa lòng Giáo Hội trong nghi thức bẻ bánh. Để kết luận, chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa hãy cùng đi với chúng con trên vạn nẻo đường đời, như xưa Chúa đã cùng đi với hai môn đệ trên đường Emmaus, nhờ đó đức tin của chúng con sẽ được nâng đỡ và bản thân chúng con sẽ trở thành chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa.

 

7.Emmaus.

Nhờ vào đâu mà hai môn đệ trên đường Emmaus đã nhận ra Chúa? Đã tới ngày thứ ba, mà không thu lượm được một nguồn tin nào chắc chắn. Hai môn đệ này, có lẽ đã thất vọng, không còn tin tưởng, bèn quay trở về với những người thân yêu nơi quê hương bổn quán. Vừa đi họ vừa nói về Ngài. Mặc dù Chúa Giêsu đã hiện ra, nhưng nỗi cay đắng như một bức màn che phủ cặp mắt để họ không còn nhìn thấy. Ngài vừa đi vừa cắt nghĩa Kinh Thánh cho các ông, thế nhưng lúc bấy giờ đối với các ông, Ngài vẫn còn là một kẻ xa lạ. Rồi khi chiều xuống họ đã mời Ngài ở lại với họ, và họ đã nhận ra Ngài trong lúc bẻ bánh.

Từ đó chúng ta đi tới một ghi nhận cụ thể như sau: Các ông đã được soi sáng và nhận biết Chúa không phải do sự nghe cắt nghĩa Kinh Thánh, nhưng do việc làm, nhất là những việc làm mang tính cách yêu thương. Chính vì thế mà thánh Phaolô đã viết: Không phải những kẻ nghe lề luật mà là những kẻ tuân giữ lề luật thì mới trở nên công chính. Bởi đó, khi nghe lời Chúa, chúng ta phải có cái quyết tâm đem ra thực hành, thì lúc bấy giờ lời Chúa mới thực sự đem lại lợi ích cho chúng ta.

Các ông đã không nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài cắt nghĩa Kinh Thánh, nhưng các ông đã nhận ra Ngài khi mời Ngài lưu lại với mình nơi quán trọ. Chính vì thế, mỗi người chúng ta cần phải chăm sóc cho tình thương và cần phải cố gắng thực hiện những hành động bác ái. Thánh Phaolô đã khuyên nhủ chúng ta: Hãy kiên trì trong đức ái. Thánh Phêrô thì nói với chúng ta: Hãy rộng lượng đón nhận người khác chứ đừng lẩm bẩm kêu trách. Còn Chúa Giêsu trong hoạt cảnh phán xét, cũng đã phán: Vì khi Ta đói các con đã cho Ta ăn, khi, Ta khát các con đã cho Ta uống, khi Ta mình trần các con đã cho Ta mặc, khi Ta đau yếu và bị tù đày, các con đã viếng thăm, khi Ta là khách, các con đã cho Ta ở trọ.

Có một câu chuyện kể lại rằng: Một người cha trong gia đình có lòng hiếu khách. Ông thường mời những người xa lạ, nhất là những người nghèo đói túng thiếu đến nhà dùng cơm. Ngày kia ông múc nước rửa tay cho một vị khách lạ và đang lúc dẫn vị khách lạ ấy vào bàn ăn thì vị khách lạ ấy biến mất, khiến ông vô cùng ngạc nhiên. Thế nhưng ban đêm, Chúa Giêsu hiện ra với ông trong giấc mơ và phán: Những ngày khác con đã đón nhận những chi thể của Ta, còn hôm nay, con đã đón nhận chính Ta.

Đúng thế, đến ngày phán xét, chúng ta sẽ được nghe lời phán quyết của Chúa: Những gì các con làm cho một kẻ hèn mọn nhất, chính là các con đã làm cho Ta. Chúa Giêsu luôn hiện diện nơi những người anh em bất hạnh và khổ đau, thế nhưng chúng ta có nhận biết và giúp đỡ Ngài hay không?

 

8.Đức tin của chúng ta

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

ĐỨC TIN CỦA CHÚNG TA CÓ THEO KỊP HÀNH TRÌNH CỦA NHÂN LOẠI KHÔNG?

Sự việc Chúa hiện ra với các môn đệ thành Emau, chỉ có thánh Luca mới thuật. Các thánh chép sử khác không nói đến. Tuy nhiên trong Phúc Âm theo thánh Maccô, chương 16, câu 12, có một sự kiện “hiển nhiên” (theo nhận xét của cha Lagrange) đó là biến cố Emmau, và có thể đó là tóm lược ký sự của thánh Luca. Tất nhiên có những lần hiện ra khác mà các thánh chép sử không ghi lại. Mỗi vị chọn lọc trong những nguồn tài liệu truyền khẩu hoặc thành văn, và ưu tiên chọn những sự kiện nào cùng hướng với những mối quan tâm của mình.

Với những lần Chúa hiện ra, chúng ta ra ngoài phạm vi lịch sử thuần túy nhân loại để bước vào lĩnh vực làm chứng cho một hành động của tc. Thực tại mà người ta kiểm soát được trong điểm này là: có những vị đã đứng lên làm chứng rằng các vị đó đã tận mắt nhìn thấy Chúa Giêsu sống sau khi xảy ra một sự kiện được người đương thời kiểm nhận, đó là sự việc Chúa chết trên thập giá. Tất cả những chứng từ các vị nêu ra khiến cho trên bình diện lịch sử, chúng ta có những lý do cực kỳ vững mạnh để tin các vị. Sở dĩ những lý do ấy, nhìn bằng mắt khoa học, thì không có tính cách ép buộc phải tin – là bởi vì Chúa đã muốn dành một chỗ đứng cho ân sủng đức tin. Điều trực tiếp thu hút sự chú tâm của chúng ta ở đây, trong nội giới đức tin chúng ta, chính là nội dụng của chứng từ.

1) Trước kia, các môn đệ tưởng mình hiểu rõ Chúa. Này đây một nỗi thất vọng mênh mang đã phá tan niềm trông cậy họ có được nhờ vì hiểu Chúa. Thật ra, họ không thật sự hiểu Người. Thế mà xảy ra một biến cố tuyệt đối bất ngờ. Chúa hiện ra với họ. Lúc đó, xuyên qua sự nhận ra Thày, họ thấy nổi lên trong lòng một cung cách mới để hiểu Chúa. Để tiện so sánh chúng ta có thể gợi lại lần sinh ra và lần tái sinh của chúng ta. Sau lần sinh ra, kế tiếp là thực nghiệm về cái chết –sự sống lại của chúng ta sẽ là lần tái sinh để sống sự sống viên mãn. Cũng vậy các môn đệ sau lần “hiểu biết” đầu tiên và thiếu sót về Chúa, tiếp đến thực nghiệm về thất vọng, họ “tái hiểu biết” Chúa Giêsu trong một lần gặp gỡ sâu sắc hơn. Họ bắt đầu thực sự hiểu biết Chúa.

Có một điều gì nổi lên trong họ những dịp tiếp xúc đầu tiên với Thày, những tháng ngày Người sống trong thể xác. Điều họ tưởng là bị tiêu hủy rồi, giờ đây lại nổi dạy, được khuếch đại và thanh lọc trong cuộc gặp gỡ sâu sắc với Chúa sống lại. Câu chuyện Emmau dĩ nhiên là phi thường. Tuy nhiên một câu chuyện khác ở cấp độ thấp hơn thế chẳng đã thôi thúc chúng ta dùng đức tin để thực nghiệm những khoảnh khắc mà sự khuất bóng người thân yêu làm cho ta thất vọng, sau đó, trong một vài trường hợp, là sự sống lại làm ta lóa mắt?

2) Về những ký sự thuật việc Chúa Phục Sinh, chúng ta trích dẫn sau đây một đoàn giáo huấn của hàng giáo phẩm hữu quyền, vì nó hợp thời:

“Nhờ những đoạn Phúc Âm đó, tôi có thể ngày nay trở nên giống các môn đệ Emmau, để hiệp thông với Chúa bằng lời nói và lương thực. Chúa Giêsu trên thập giá là hình ảnh “tình yêu bị đóng đinh” Chúa dạy tôi hãy nhận ra Người trong anh em đang đau khổ, xấu số, bị bách hại bởi công lý người đời. Chúa dạy tôi phấn đấu để tăng tình thương và công lý trong thế gian mà Chúa đã đến để cứu rỗi bằng thập giá và Phục Sinh của Người” (Đức Cha Weber, tập san “Tài liệu tham khảo Công giáo” số ngày 19/12/1971).

Sống hiệp thông với Chúa Giêsu chết và sống lại trong ta, chúng ta có thể đồng hành xứng đáng với nhân loại trong hành trình đi tìm hy vọng, và đem đến cho nhân loại Tin Mừng: Chúa Giêsu sống và làm cho chúng ta sống.

 

9.Trên đường Emmau

Phúc Âm hôm nay nói cho chúng ta một về một biến cố rất nổi tiếng, đó là sự xuất hiện của Chúa Giêsu với các môn đệ trên đường Emmau. Luca viết trong năm 80 cho cộng đoàn người Hy Lạp mà phần lớn họ được hình thành từ những người cải đạo. Những năm 60 và 70 là giai đoạn khó khăn nhất. Đã có những cuộc bắt bớ lớn của Vua Nê-rô vào năm 64. Sáu năm sau, vào năm 70, Giêrusalem bị phá huỷ hoàn toàn bởi người La Mã. Trong năm 72, ở Masada, trong sa mạc Giuđa, đã có vụ thảm sát những người Do Thái nổi loạn cuối cùng. Vào những năm đó, các Tông Đồ, những chứng nhân của sự Phục Sinh, biến mất dần dần. Người dân bắt đầu cảm thấy rã rời trên hành trình. Từ đâu mà họ có thể rút ra lòng dũng cảm như thế để không bị nhát đảm? Làm sao để khám phá sự hiện diện của Chúa Giêsu trong hoàn cảnh khó khăn như này? Câu chuyện về sự xuất hiện của Chúa Giêsu với các môn đệ trên đường Emmau cố gắng đưa ra một câu trả lời cho tất cả câu hỏi nhức nhối này. Luca muốn dạy cho cộng đoàn cách giải nghĩa Kinh Thánh để có thể tái khám phá sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống.

Lc 24, 13-24. Bước 1: thoát ra khỏi thực tại. Chúa Giêsu gặp hai người bạn trong tình trạng sợ hãi và kém đức tin. Sức mạnh của sự chết, thập giá, đã giết chết niềm hy vọng trong họ. Đây là tình trạng của nhiều người ở thời của Luca, và cũng là tình trạng của nhiều người ngày nay. Chúa Giêsu tiến đến gần họ và đi cùng đi với họ; Ngài lắng nghe trao đổi của họ và hỏi: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" Hệ tư tưởng thống trị, đó là, sự tuyên truyền của chính quyền và tôn giáo chính thức thời đó, đã ngăn họ nhìn thấy. "Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng cứu chuộc Israen". Đâu là những cuộc trò chuyện của những người đau khổ ngày nay?

Bước đầu tiên là bước này: tiến gần đến họ, lắng nghe thực tại của họ, cảm nhận vấn đề của họ: có khả năng đặt những câu hỏi giúp cho những người này nhìn thực tại với cái nhìn hiểu biết hơn.

Lc 24, 25-27. Bước 2: sử dụng Thánh Kinh để thắp sáng cuộc sống. Chúa Giêsu dùng Thánh Kinh và lịch sử loài người để thắp sáng lên vấn đề mà khiến cho hai người bạn này sầu khổ, và công bố tình trạng mà họ đang sống. Ngài cũng sử dụng nó để đặt họ vào toàn thể công trình của Thiên Chúa đến từ Mô-sê và các ngôn sứ. Vì thế, Ngài chỉ ra rằng lịch sử không thoát khỏi bàn tay của Thiên Chúa. Chúa Giêsu dùng Thánh Kinh không phải như một vị bác sĩ biết mọi sự, nhưng như một người bạn đồng hành đến để giúp những người bạn và gợi nhớ họ những điều họ đã lãng quên. Chúa Giêsu không đặt ra cho các môn đệ sự phức tạp của sự ngu tối, nhưng cố để thức tỉnh lòng trí của họ: "Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?"

Đấy là bước thứ hai: Bằng Thánh Kinh, giúp người ta khám phá ra sự khôn ngoan sẵn có trong họ, và biến đổi thập giá, từ một dấu hiệu của sự chết, thành một dấu hiện của sự sống và của hy vọng. Điều đã ngăn cản họ tiến bước, thì nay trở thành động lực và ánh sáng trên hành trình. Làm cách nào chúng ta có thể thực hiện điều này ngày nay?

Lc 24, 28-32. Bước 3: chia sẻ trong cộng đoàn. Thánh Kinh, tự thân, không làm mở đôi mắt. Nó chỉ làm cho trái tim họ bị thiêu đốt, điều khiến cho đôi mắt mở ra và làm cho nó thấy được, là sự bẻ bánh, hành động chia sẻ trong cộng đoàn, và việc cử hành Bữa Tiệc Ly. Trong khoảnh khắc đó cả hai nhận ra Chúa Giêsu, họ được tái sinh và Chúa Giêsu biến mất. Chúa Giêsu không chiếm hữu con đường của các bạn Ngài. Ngài không phải là người gia trưởng. Trỗi dậy, các môn đệ có thể tự thân bước đi một mình.

Bước ba là: để biết làm cách nào tạo ra một môi trường huynh đệ trong đức tin, của việc cử hành và chia sẻ, nơi mà Chúa Thánh Thần có thể hoạt động. Chính Ngài khiến chúng ta khám phá và trải nghiệm Lời Chúa trong cuộc sống và hướng dẫn chúng ta hiểu ý nghĩa của những lời của Chúa Giêsu (Ga 14, 26; 16, 13)

Lc 24, 33-35. Bước 4: Kết quả: phục sinh nghĩa là trở về Giêrusalem. Cả hai người họ, cách can đảm, trở lại con đường về Giêrusalem, nơi mà lực lượng của sự chết, đã giết Chúa Giêsu và, đã giết hy vọng của họ, sẽ tiếp tục hoạt động. Nhưng, giờ đây tất cả đã thay đổi. Nếu Chúa Giêsu còn sống, thì trong Ngài và cùng với Ngài có một năng quyền mạnh hơn cả điều đã giết Ngài. Kinh nghiệm này giúp họ phục sinh! Thật vậy, tất cả đều thay đổi. Đó là sự trở về chứ không phải sự trốn chạy! Tin tưởng chứ không phải kém tin! Hy vọng chứ không phải thất vọng! Ý thức hiểu biết chứ không phải thuyết định mệnh trong sự đối mặt với quyền lực! Tự do chứ không phải sự áp bức! Tóm lại một lời: sự sống chứ không phải cái chết! Thay vì tin buồn về sự chết của Chúa Giêsu, thì Tin Mừng của Sự Phục Sinh của Ngài! Cả hai kinh nghiệm sự sống và sống dồi dào! (Ga 10,10). Đây là dấu chỉ cho thấy Thần Khí của Chúa Giêsu hoạt động trong họ!

Câu hỏi

* Cả hai người họ nói rằng: "Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng, nhưng...!" Bạn có bao giờ thấy một tình huống của sự nhát đảm khiến chúng ta thốt ra rằng: "Tôi đã hy vọng, nhưng...!"?

* Bạn đọc, sử dụng và giải nghĩa Kinh Thánh như thế nào? Có bao giờ bạn cảm thấy con tim mình thiêu đốt khi đọc và suy niệm Lời Chúa chưa? Bạn có đọc Kinh Thánh một minh hay là thành phần của nhóm Kinh Thánh?

Lời Nguyện (Tv 105,1-2)

Hãy tạ ơn Chúa, cầu khẩn danh Người,

vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân.

Hát lên đi, đàn ca mừng Chúa,

và suy gẫm mọi kỳ công của Người.

 

10.Trên đường Emmaus

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Tin Mừng hôm nay ghi lại cảm nghiệm về Đấng Phục Sinh của hai người môn đệ đang trên đường đi về lành Emmaus. Cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Kitô Phục Sinh đã diễn ra trong lúc họ đang trên đường trở về làng cũ trong tâm trạng chán nản, buồn bã. Chúa Giêsu đã xuất hiện, không phải để mang lại giải đáp cho những câu hỏi được đặt ra, mà trái lại, Người gây nên thắc mắc và dẫn họ đi cho đến cùng sự tìm kiếm của mình.

Cảm nghiệm về Đấng Phục Sinh của hai người môn đệ đang trên đường đi về làng Emmaus cũng có thể diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người tín hữu Kitô. Đấng Phục Sinh luôn là người đồng hành với chúng ta. Trên mọi nẻo đường của cuộc sống chúng ta, Ngài luôn đi bên cạnh kể chuyện, hỏi han, tra vấn và tham dự vào mọi sinh hoạt của chúng ta. Cuộc sống của mỗi ngày chính là nơi Ngài đến để gặp gỡ con người. Cuộc sống mỗi ngày mới là nơi hẹn hò của Đấng Phục Sinh với con người, là bởi vì cuộc sống ấy không bao giờ có thể làm cho con người thỏa mãn. Bên kia niềm vui và nỗi khổ, bên kia thành công và thất bại, con người vẫn nhận ra sự vong thân và thân phận nghèo hèn của mình. Nỗi khao khát về tuyệt đối con người không thể thỏa mãn được trong cuộc sống này, hoặc nếu có tìm cách xoa dịu thì lại tuyệt đối hóa những giá trị chóng qua của cuộc sống, để rồi cuối cùng vẫn thấy mình bị vong thân và bất lực. Bất lực trước cảnh khốn cùng, bất lực trước chiến tranh nghèo khổ, bệnh tật, bất lực trước hận thù, ích kỷ và nhất là bất lực trước cái chết. Sống trong thân phận ấy, con người không khỏi nêu lên câu hỏi: "Đâu là ý nghĩa của tất cả những điều đó? Đâu là ý nghĩa của thân phận con người?"

Chính lúc ấy, Chúa Kitô Phục Sinh xuất hiện, Ngài đến không phải để mang lại câu giải đáp, mà trước hết, như một con người giữa chúng ta, một con người cũng từng nêu lên những câu hỏi ấy, và cũng đã từng nổi loạn trước những nghiệt ngã của thân phận con người. Ngài đã từng mơ ước về một nhân loại tốt đẹp hơn. Ngài đã nói tất cả và đã làm hết sức có thể để xây dựng nhân loại ấy. Và cuối cùng, với cái chết đau thương trên thập giá, xem ra Ngài cũng đành bó tay bỏ cuộc. Nhưng chính lúc ấy, vì đã vâng phục Chúa Cha một cách tuyệt đối để sống tận kiếp người và sống trọn vẹn cho con người, Ngài đã mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.

Đây chính là kinh nghiệm mà người bạn đồng hành, Chúa Giêsu Phục Sinh, đã chia sẻ cho hai người môn đệ trên đường Emmaus. Tâm hồn họ nóng bừng lên khi Ngài chia sẻ kinh nghiệm của Ngài, và nhất là khi Ngài nói lên ý nghĩa về cái chết của Ngài qua cử chỉ bẻ bánh và trao ban. Mắt của hai người môn đệ đã mở ra để nhận biết Ngài, hiểu được các biến cố vừa xảy ra, và dĩ nhiên thấy được ý nghĩa của chính cuộc sống của họ.

Ngày nay, trong từng biến cố của cuộc sống chúng ta, Chúa Kitô Phục Sinh cũng đang đến và đồng hành với chúng ta trong từng sinh hoạt và gặp gỡ của chúng ta. Ngài có mặt trong từng niềm vui và nỗi khổ của chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận Ngài như người bạn đồng hành, chuyện vãn và chia sẻ với chúng ta, đôi mắt đức tin của chúng ta sẽ mở ra, và lúc đó, trong ánh sáng Phục Sinh của Ngài, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.

Ước gì sự hiện diện của Đấng Phục Sinh và hai người môn đệ trên đường Emmaus cảm nhận được lấp đầy tâm hồn chúng ta, để trong mọi cảnh huống của cuộc sống, chúng ta không lẫm lũi bước đi trong đơn độc mà trái lại, hân hoan tiến bước với Ngài.

 

11.Chỉ xin Chúa hiện diện

(Trích “Như Thầy Đã Yêu” của Thiên Phúc)

Thầy đồ viết một chữ “nhất” dạy học trò. Hôm sau, thầy cầm cái khăn ướt tự tay lau bàn, thấy trò đứng bên, bèn dùng cái khăn ướt viết một chữ “nhất” thật lớn trên mặt bàn rồi hỏi trò đó là chữ gì. Trò không thuộc mặt chữ, đứng thộn ra, thầy nói:

- Hôm qua chẳng phải thầy đã dạy con chữ “nhất” hay sao?

Trò tròn xoe mắt, ú ớ:

- Sao mới cách có một đêm mà chữ đã lớn đến như thế!

* ***

Hai môn đệ Emau cũng chẳng khác chi cậu học trò trong câu chuyện trên đây.Tuy đã được thầy Giêsu dạy dỗ ba năm ròng rã. Người cũng đã tiên báo về sứ mạng thiên sai của mình, rằng Người phải vượt qua đau khổ mới tới vinh quang. Các ông tưởng mình đã hiểu, đã thuộc bài, nhưng thực ra các ông còn rất mù mờ. Chính khi đụng chuyện, khi mà người ta “đóng đinh Người vào thập giá” các ông mới chưng hửng. Hóa ra các ông chẳng hiểu gì! Thế là như rắn không đầu, các ông chạy tứ tán mỗi người một phương.

Đức Giêsu không chịu bỏ cuộc, Người đồng hành với các ông, trên đường Emmau Người đã giải thích Kinh Thánh cho các ông, rằng: “Đức Kitô chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26). Chính lúc nghe Lời Chúa, lòng họ đã bừng cháy lên (c.32), nhất là khi “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (c.30) thì họ mới thực sự nhận ra Người, không chỉ bằng con mắt xác thịt mà bằng cả con mắt đức tin.

Vâng, giờ đây họ đã hoàn toàn xác tín rằng cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu là một đêm dài tăm tối mà Người phải vượt qua để bước vào buổi bình minh vinh quang bất diệt. Đau khổ mà Đức Giêsu phải chịu không phải là một tai nạn bất ngờ nhưng là một chương trình cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa.

Người Kitô hữu chúng ta đã nghe nói về Chúa và cũng được Chúa nói với chúng ta rất nhiều. Nhưng khi cơn gian nan thử thách tới, phong ba bão táp nổi lên, chúng ta mới thấy mình hiểu Chúa quá ít, yêu Chúa chẳng được bao nhiêu. Và niềm tin bắt đầu chao đảo theo con sóng cuộc đời. Như hai môn đệ Emmau, lúc này chúng ta cần phải bám lấy Lời Chúa, như đuốc sáng soi đường, như hải đăng định hướng, giúp chúng ta vượt qua các cơn giông tố.

Cũng đừng quên rằng, chính khi “bẻ bánh” mà hai môn đệ Emmau mới bừng sáng con mắt mà nhận ra Người. Chỉ có bí tích Thánh Thể mới giúp người tín hữu hồi phục sau những cơn giông tố. Chỉ có Bí tích Thánh Thể mới bổ sức cho người tín hữu sau những lần vấp ngã đắng cay. Chỉ có bí tích Thánh Thể mới dẫn đưa chúng ta từ nơi tối tăm sự chết đến miền ánh sáng Phục sinh.

Lạy Chúa, “xin ở lại với chúng con”, vì chúng con rất cần Chúa trong các cơn giông tố cuộc đời. Chúng con không xin Chúa những ơn cao cả, nhưng chỉ xin Chúa luôn hiện diện. Có Chúa, đời chúng con không phải chẳng còn sóng gió, nhưng chắc chắn chúng con sẽ tới bến bình an. Amen.

 

12.Đường Emmaus – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Đường Emmaus thật lạ kỳ. Cùng một con đường, cùng một buổi chiều mà hai môn đệ đi lại hai lần, mỗi lần lại mỗi dáng vẻ hoàn toàn khác nhau. Khi đi thì đường xa vời vợi, mãi không thấy đến. Lúc về thì sao chóng vánh, chưa đi đã đến. Khi đi thì ảo não u sầu. Lúc về lại phấn khởi hân hoan. Khi đi trời còn sáng mà tưởng như đi trong đêm đen. Lúc về trời đã tối mịt mà tưởng đi giữa ban ngày. Khi đi tuyệt vọng chán chường. Lúc về tràn đầy hi vọng. Chắc hẳn ai cũng hiểu, lúc về có kết quả tốt đẹp như thế là vì hai môn đệ đã gặp được Chúa Kitô Phục Sinh. Chính Chúa Kitô Phục Sinh làm nên khác biệt. Gặp Chúa Kitô Phục Sinh là bí quyết giúp thay đổi cuộc đời, giúp cuộc đời có ý nghĩa, có niềm vui, có hi vọng và có lẽ sống.

Nhưng làm thế nào để gặp được Chúa Kitô Phục Sinh? Thực ra sau khi phục sinh, Chúa không còn bị giới hạn trong không gian. Chúa ở khắp mọi nơi. Chúa ở ngay bên ta. Nhưng ta không thấy được Ngài và có khi thấy nhưng không nhận ra Ngài. Muốn gặp Ngài và nhận ra Ngài, ta hãy học hỏi bí quyết của hai môn đệ Emmaus: bí quyết đó là xây dựng những cộng đoàn chia sẻ.

Trước hết là chia sẻ Lời Chúa. Hai môn đệ không đi một mình nhưng lúc nào cũng bên nhau. Hai môn đệ không nói chuyện vu vơ, nhưng cùng nhau nhớ đến Chúa, nói chuyện về Chúa, chia sẻ tâm tư về Chúa. Các ngài đã thực hành Lời Chúa: “Ở đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Thày thì Thày ở giữa họ”. Chúa đã thực hiện lời hứa nên đã đến đồng hành với các môn đệ. Hơn nữa, Chúa còn chia sẻ Lời Chúa giúp các ngài hiểu biết và yêu mến Lời Chúa.

Tiếp đến là chia sẻ bác ái. Chúa giả vờ muốn đi xa hơn. Nhưng các môn đệ van nài: “Xin ở lại với chúng tôi vì trời đã chiều và ngày sắp tàn”. Thật cảm động khi lỡ đường mà được mời chia sẻ một mái nhà, dù chỉ là quán trọ. Và chia sẻ một bữa ăn dù đơn sơ đạm bạc. Nếu các môn đệ không có lòng bác ái chia sẻ như thế, có lẽ Chúa đã bỏ đi. Cảm động trước tấm lòng chia sẻ chân thành nên Chúa đã ở lại. Các môn đệ đã thực hành Lời Chúa: “Mỗi lần các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Nhờ chia sẻ bác ái, các ngài đã được gặp Chúa. Và chính Chúa đã ở lại để chia sẻ tâm tình với các ngài.

Sau cùng là chia sẻ Thánh Thể. Ngồi vào bàn, Chúa Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”. Đúng như cử chỉ Chúa làm khi lập phép bí tích Thánh Thể. Mắt các môn đệ mở ra và nhận ra Chúa. Phép Thánh Thể cho các ngài bảo chứng về sự hiện diện của Chúa. Phép Thánh Thể ban cho các ngài niềm vui được gặp gỡ Chúa. Phép Thánh Thể ban cho các ngài sức sống mới để tiếp tục xây dựng các cộng đoàn chia sẻ rộng lớn hơn. Từ đó nhân lên các cộng đoàn chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ bác ái và chia sẻ Thánh Thể đi khắp thế giới.

Tôi rất vui mừng vì giáo xứ nhà thờ chính tòa chúng ta đang phấn đấu xây dựng thành một cộng đoàn theo gương các môn đệ. Cha Xứ và Anh chị em đang tích cực khuyến khích nhau học hỏi, chia sẻ và thực hành Lời Chúa, khuyến khích tổ chức các nhóm họat động từ thiện bác ái, và khuyến khích mọi người đến tham dự thánh lễ ngày càng đông đảo. Đó là dấu hiệu Chúa đang ở giữa chúng ta. Có Chúa hiện diện tôi tin chắc cộng đoàn giáo xứ chúng ta sẽ được ơn biến đổi, sẽ tràn đầy niềm vui, niềm bình an, sẽ ngày càng thêm đoàn kết yêu thương và sẽ hăng hái đi loan Tin Mừng. Xin Chúa cho con đường cộng đoàn chúng ta đang đi trở nên con đường Emmaus, khi đi dù có khó khăn vất vả, nhưng với sự phấn đấu ta sẽ gặp Chúa và đường về sẽ tràn ngập niềm vui.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh xin cho chúng con được sống lại thật về phần linh hồn. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Có những cuộc gặp gỡ đốt nóng lên ngọn lửa yêu mến, hăng hái nhiệt tình trong tâm hồn. Bạn có kinh nghiệm này bao giờ chưa?

2) Gặp Chúa Giêsu đã biến các môn đệ thành những con người khác hẳn. Bạn có mong ước được gặp Chúa để thay đổi cuộc đời không?

3) Để sống tinh thần chia sẻ, bạn phải làm gì?

 

13.Đường hy vọng – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.

Bài Tin Mừng hôm nay thật đẹp. Đẹp vì lời văn óng ả. Đẹp vì tình tiết ly kỳ. Đẹp vì tình nghĩa đậm đà. Đẹp vì những tư tưởng thần học thâm sâu. Nhưng đẹp nhất là vì bài tin Mừng chất chứa một niềm hy vọng trong sáng, xua tan mọi bóng tối thất vọng não nề.

Hai môn đệ rời Giêrusalem trở về làng cũ. Giêrusalem là trung tâm tôn giáo. Rời Giêrusalem là dấu hiệu của sa sút niềm tin. Giêrusalem là trung tâm hoạt động. Rời Giêrusalem là dấu hiệu của chán nản buông xuôi. Trước kia hia ông đã bỏ nhà cửa, gia đình để đi theo Chúa Giêsu. Nay hai ông trở về như hai kẻ thua cuộc. Ngày ra đi ôm ấp giấc mộng thành đạt. Ngày trở về ôm nặng một mối sầu. Sầu vì đã mất Người Thầy yêu quí. Sầu vì giấc mộng không thành. Hai linh hồn sầu não, thất vọng lê bước trong ánh mặt trời chiều.

Những giữa lúc buồn tủi, thất vọng ấy, Chúa Giêsu đã xuất hiện. Lập tức ánh sáng rực lên giữa màn đêm đen. Niềm vui rộn rã xoá tan u sầu. Ngọn lửa bừng lên sưởi ấm những trái tim lạnh giá. Vì Chúa Giêsu đã đem đến cả một trời hy vọng.

Đọc trong bài Tin Mừng, ta thấy Chúa Giêsu đã nhen nhúm niềm hy vọng trong tâm hồn các môn đệ Emmau bằng ba loại ánh sáng.

1) Ánh sáng đức tin thắp lên niềm hy vọng.

Hai môn đệ đã chứng kiến cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu từ đầu cho đến cuối. Các ông đã thấy biết bao nhiêu phép lạ Người làm. Các ông đã nghe biết bao lời hay ý đẹp từ miệng Người phán ra. Các ông đã công nhận Người là một “Ngôn sứ đầy uy thế xét về việc làm cũng như lời nói”. Các ông đã hy vọng Người là Đấng giải thoát Israel. Nhưng cuộc thương khó và cái chết của Đức giêsu khiến các ông chán nản và thất vọng. Đến nỗi khi các phụ nữ ra mộ, gặp Thiên Thần báo tin Chúa đã phục sinh, về kể lại cho các ông vẫn không tin.

Bấy giờ Chúa Giêsu bảo các ông “Lòng trí các anh sao mà chậm tin lời các ngôn sứ vậy”. Chúa Giêsu kêu gọi đức tin trở về. Chúa Giêsu khơi dậy đức tin đã lụi tàn bằng cặp mắt phàm trần và các ông không hiểu gì. Khi có đức tin, các ông sẽ hiểu tất cả. Đức tin là nguồn ánh sáng giúp ta nhìn ra ý nghĩa của các biến cố trong cuộc đời. Đức tin là đốm lửa thắp lên niềm hy vọng giữa đêm đen tuyệt vọng.

2) Ánh sáng lời Chúa gieo mầm hy vọng.

Hai môn đệ đã đọc Kinh Thánh. Các ông thuộc vanh vách sách Lề Luật Môsê, các Ngôn sứ và Thánh vịnh. Thế nhưng các ông vẫn thất vọng. Vì các ông đọc Kinh Thánh mà không hiểu Kinh Thánh. Các ông học Kinh Thánh như học một bài thuộc lòng. Các ông đọc Kinh Thánh như đọc một bản văn cổ, chỉ có những con chữ vô hồn.

Chúa Giêsu phải giải thích Kinh Thánh cho các ông. Bắt đầu từ sách Lề Luật, rồi lời các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh. Khi nghe Chúa nói, tim các ông rộn ràng niềm vui, trí các ông bừng sáng như thể một ngọn lửa nhen nhúm trong lòng. Chúa Giêsu đã dạy các ông một cách đọc Kinh Thánh mới mẻ. Phải đọc giữa những hàng chữ để thấy rõ những ý nghĩa nhiệm mầu. Phải tìm sau những hàng chữ để thấy được ý định kỳ diệu của Thiên Chúa. Phải đọc Kinh Thánh dưới sự hiện diện của Thiên Chúa. Phải thấy bóng dáng Thiên Chúa thấp thoáng suốt những trang sách. Và phải đọc Kinh Thánh với một trái tim yêu mến tha thiết.

Khi trái tim mở rộng đón nhận, lời Chúa sẽ gieo vào hồn ta những mầm mống hy vọng. Và cuộc đời sẽ thấy lại ý nghĩa, tìm được niềm vui.

3) Ánh sáng Thánh Thể nuôi dưỡng niềm hy vọng

Niềm hy vọng trở thành hiện thực khi Chúa Giêsu bẻ bánh. Chính qua cử chỉ bẻ bánh mà các môn đệ nhận ra ChúaGiêsu Phục Sinh. Niềm hy vọng không còn là hy vọng nữa, nhưng đã trở thành hiện thực. Hết còn những bàn tin bán nghi. Hết còn những hoang lo lắng. Hết còn những thấp thỏm lo âu. Vì các ông đã gặp được chính niềm hy vọng.

Cuộc gặp gỡ chỉ thoáng qua, nhưng các ông đã mãn nguyện. Chúa Giêsu bẻ bánh là nhắc lại cử chỉ khi lập phép Thánh Thể. Nhờ phép Thánh Thể toàn bộ con người các ông đổi mới. Dường như một linh hồn mới vừa nhập vào những xác thân mệt mỏi rã rời. Dường như dòng máu đã trở nên đỏ thắm. Dường như những tế bào đã trở nên tươi trẻ. Dường như trái tim đã trở nên rộn rã nhịp yêu đời. Lập tức các ông trở lại Giêrusalem. Đường đi khi trời còn sáng mà thấy xa xôi ngại ngùng. Đường đi về lúc trời đã tối đen mà sao thấy tươi vui gần gũi. Lúc đi có Chúa ở bên mà vì con mắt đức tin mù tối nên vẫn thấy buồn sầu. Lúc về tuy vắng bóng Chúa vẫn an tâm vì con mắt đức tin đã mở ra, vì vẫn biết có Chúa ở bên. Thánh Thể Chúa chính là lương thực nuôi dưỡng niềm hy vọng.

Nhờ có Thánh Thể, đường xa trở nên gần. Nhờ có Thánh Thể, đường buồn trở nên vui. Vì nhờ có Thánh Thể, ta luôn được ở bên Chúa.

Đời sống ta không thiếu những giờ phút khó khăn. Cuộc đời đầy thử thách nhiều lúc đẩy ta vào hố thẳm tuyệt vọng. Ta hãy học bài học Chúa dạy các môn đệ trên đường Emmau: Hãy biết nhìn các biến cố trong cuộc đời bằng con mắt đức tin. Dưới ánh sáng đức tin, mị đau khổ sẽ xuất hiện với một ý nghĩa tốt đẹp cho cuộc đời. Ánh sáng đức tin sẽ thắp sáng niềm hy vọng. Hãy biết nghe, đọc và suy gẫm Lời Chúa. Đừng đọc Kinh Thánh như đọc tiểu thuyết. Đừng học hỏi Kinh Thánh như học một lý thuyết. Hãy đọc với tình yêu. Hãy tìm bóng dáng Chúa xuyên qua các hàng chữ. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Chúa. Lời Chúa sẽ như một hạt giống gieo vào lòng ta mầm hy vọng xanh tươi. Và sau cùng hãy đến với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.

Hãy kết hiệp với Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Thánh Thể sẽ là lương thực nuôi dưỡng niềm hy vọng của ta.

Đường đời chúng ta cũng như quãng đường từ Giêrusalem đi Emmau. Khi ta không có niềm hy vọng thì con đường ta đi thật dài, thật xa, thật buồn, thật tối dù ta đi giữa ban ngày. Nhưng khi ta có niềm hy vọng, con đường sẽ trở nên gần gũi, vui tươi, và sáng sủa dù ta đi trong bóng đêm.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh là niềm hy vọng của con. Xin cho đường con đi trở thành đường hy vọng vì luôn có Chúa ở bên con.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Chúa Giêsu đã chiếu soi các môn đệ Emmaus bằng những ánh sáng nào?

2) Có khi nào đang buồn, bạn cảm nhận được niềm vui vì gặp Chúa không?

3) Bạn đọc Kinh Thánh thế nào? Tìm kiến thức hay tìm Chúa?

4) Khi tham dự Thánh Lễ, bạn có cảm nhận mãnh liệt sự hiện diện của Chúa trong phép Mình Thánh không?

 

14.Đổi đời

(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.)

Chúng ta đang ở trong mùa Phục Sinh của năm 1999, tức năm A của chu kỳ phụng vụ. Chúa nhật tuần II vừa qua, chúng ta đã đọc đoạn Tin Mừng Ga.20, 19-29. Đoạn Tin Mừng này cho thấy các tông đồ chỉ tin Chúa phục sinh khi chính các Ngài thấy tận mắt Đấng Phục Sinh!

Tin Đức Yêsu phục sinh, quả là điều khó

Không phải chỉ có Thomas không tin Chúa phục sinh (Ga.20, 24-29), nhưng mười tông đồ khác cũng không tin Chúa phục sinh (Mc.16, 9-14).

Tôi có thực sự tin Chúa phục sinh không? Tại sao tôi tin Chúa đã phục sinh?

Không ai có thể tuyên xưng Yêsu là Chúa, mà lại không nhờ ơn Thánh Thần (1Cor.12, 3). Phúc cho những ai không thấy mà tin (Ga.20, 29)!

Tạ ơn Chúa đã cho chúng ta tin Ngài đã phục sinh!

Biến cố Đức Yêsu phục sinh ích gì cho tôi?

Tôi được gì qua mùa chay và mùa phục sinh này?

Mùa chay vừa qua và mùa phục sinh này giúp gì cho tôi?

Yếu tố biến đổi các tông đồ

Tại sao hai môn đệ Emmau thất vọng bỏ về quê (Lc.24, 13-35)?

Họ không tin Chúa đã phục sinh! Họ không tin vào lời chứng của các chị phụ nữ (Ga.20, 18)!

Đi theo Đức Yêsu với nhiều tham vọng, nên khi thấy Đức Yêsu chết, họ tuyệt vọng! Cái chết của Đức Yêsu đã hủy diệt niềm hy vọng của họ!

Chúa Yêsu Phục Sinh đã vực dậy hai môn đệ tuyệt vọng trên đường Emmau, bằng lời giảng, bằng "bí tích Thánh Thể". Hai môn đệ đã lập tức trở thành chứng nhân loan báo tin mừng Chúa đã phục sinh không một chút chậm trễ (Lc.24, 33.35).

Các tông đồ! Điều gì đã làm cho các ngài biến đổi?

từ người nhút nhát thành người can đảm tuyên xưng Đức Yêsu phục sinh!

từ người ít học thành người dám đứng ra rao giảng!

từ những người đầy tham vọng (Mc.10, 37; Cv.1, 6) đến những người chỉ còn biết rao giảng tin mừng phục sinh!

Biết Đức Yêsu Phục Sinh là Thiên Chúa! Điều này làm các tông đồ biến đổi!

Làm sao để được biến đổi như các tông đồ?

Điều gì quan trọng nhất đối với tôi? Tôi khao khát gì?

Nếu mình không khao khát mong ước gì cả, đó thực là một tai họa!

Tự do và hạnh phúc! Tự do và hạnh phúc, là hậu qủa của cuộc sống, nó không là điều mình tìm như một đối tượng trực tiếp!

Thiên Chúa đã biến đổi các tông đồ, chính nhờ Thánh Thần mà các Ngài tin vào Chúa Phục Sinh! Chính Chúa đã làm các tông đồ được như các ngài là!

Còn tôi, tôi mong chờ gì nơi Thiên Chúa? Tôi có thực sự tin Đức Yêsu là Thiên Chúa như các tông đồ không?

Xin cho chúng ta ơn được biết mình, biết mình chưa cố gắng đủ, chưa tận dụng mọi hồng ân Chúa ban để làm lợi cho tha nhân và cho chính mình.

 

15.Đức Giêsu Kitô- Niềm hy vọng

(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.)

Trong cuộc sống, có lẽ ai cũng có những giây phút thất vọng chán chường. Hai môn đệ trên đường đi Emmau là một ví dụ điển hình. Tuy vậy, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người, Ngài luôn quan tâm đến từng người, để nâng đỡ ủi an và ban lại cho họ bình an và niềm vui. Đức Yêsu vẫn luôn đồng hành với các môn đệ của Ngài trong từng giây phút sống, ngay cả khi những môn đệ này đã mất niềm tin vào Ngài.

1. Đức Yêsu Phục Sinh củng cố niềm tin của các môn đệ

Biến cố xảy ra hôm thứ sáu là một biến cố kinh hoàng khủng khiếp đối với các môn đệ Đức Yêsu. Đức Yêsu không chỉ là thầy, là một tiên tri, nhưng còn là người mà các môn đệ đặt trọn niềm tin và hy vọng. Các ông tưởng rằng một ngày nào đó, thầy mình sẽ vinh quang và các ông sẽ được chia phần vinh quang. Biến cố Đức Yêsu bị bắt và bị giết, xảy ra quá nhanh (chưa đầy một ngày), làm các tông đồ bàng hoàng và tuyệt vọng.

Bao nhiêu ngày tháng theo thầy, giờ đây không còn giá trị và ý nghĩa. Bao nhiêu hy vọng và mơ ước, giờ đây chỉ là hư không; và hơn nữa, không chừng còn là mối họa nếu không mau trốn khỏi Yerusalem. Hai môn đệ trên đường Emmau là những người đã không còn chút hy vọng, cho dù đã được nghe các chị phụ nữ báo tin Đức Yêsu phục sinh, vì họ không tin người chết có thể sống lại. Hai môn đệ này bỏ Yêrusalem với tâm trạng buồn chán tuyệt vọng.

Đức Yêsu đã đến, đồng hành và chuyện vãn với họ; Ngài nâng đỡ đức tin yếu đuối, làm cho họ như bừng tỉnh và có lại niềm hy vọng. Họ đã hiểu Kinh Thánh hơn, đã hiểu về chương trình của Thiên Chúa hơn, và đã lại tin vào Đức Yêsu. Bình an và niềm vui, là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện và đang đồng hành với con người.

2. Qua đau khổ đến vinh quang

“Ví thử đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?” Những giây phút thất vọng và chán chường trong cuộc sống, là những giây phút giúp chúng ta biết mình là ai, biết lập trường và thái độ sống cùng niềm tin và hy vọng của chúng ta như thế nào.

Gian truân và thử thách cũng có những điểm tích cực, như giúp chúng ta nhận ra con người thực của mình, biết mình yếu nhược như thế nào, giúp mình biết phó thác trông cậy vào Thiên Chúa. “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?” Những khó khăn cũng thường giúp con người vững chãi và trưởng thành hơn.

Tuy vậy là người, ai cũng ngại khó khăn và không quen gian khổ, gặp gian nan thì chùn bước. Đức Yêsu đã đi trọn kiếp người, với tất cả gian nan khốn khổ của thân phận làm người. Cho dù gặp chống đối, Ngài vẫn sống yêu thương chan hoà với mọi người, vẫn tha thứ trong mọi hoàn cảnh. Qua trình thuật hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau, Ngài giúp hai môn đệ “bỏ cuộc” này nhìn lại cuộc đời, để nhận ra “phải qua gian khổ mới vào được vinh quang”. Chính Ngài cũng phải trải qua, và phần lớn ai là người cũng phải trải qua. Đường trần là nơi thử vàng “lửa thử vàng, gian nan thử đức”.

3. Chúng tôi là những chứng nhân

Kinh nghiệm với Đức Yêsu của các tông đồ là kho tàng vô cùng quý với những ai tin vào Đức Yêsu. Đức Yêsu chết và phục sinh, không là một triết thuyết hay suy luận, nhưng là thực tại mà các tông đồ đã sống với, đã tiếp xúc và kinh nghiệm. Các tông đồ không dựa vào bất cứ lý thuyết nào, nhưng dựa vào chính kinh nghiệm của các ngài.

Chúng tôi là những chứng nhân. Khi bị tra vấn tại sao các ngài giảng dậy như vậy, các ngài trả lời “chúng tôi không thể không nói điều đã thấy và đã nghe”. Các ngài chỉ nói lên sự thật, chỉ làm chứng những gì đã xảy ra, để cho người khác nhận ra sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử con người, để con người nhận ra tình yêu thương vô cùng của Thiên Chúa đối với con người.

Các tông đồ đã làm chứng, và cả cuộc đời của các ngài là đi làm chứng cho sự thật. Có thể nói, cuộc đời của các tông đồ là làm chứng Đức Yêsu đã chết và sống lại, là kể lại cho con người những gì Đức Yêsu đã sống và đã làm, để con người nhận ra sự thật thâm sâu ẩn tàng qua Đức Yêsu. Các tông đồ làm chứng, và các ngài làm chứng “về những điều đã thấy và đã nghe” với bất cứ giá nào, ngay cả khi bị tra tấn hay gông cùm, ngay cả khi bị ghen ghét và bị giết. Các ngài vẫn làm điều phải làm, chính cái “dại” làm chứng cho sự thật này, làm các ngài trở thành những người tuyệt vời, những người “khôn” đối với Thiên Chúa và những ai thuộc về Thiên Chúa.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1. Tại sao bạn tin Đức Yêsu phục sinh?

2. Bạn có gặp khó khăn nào mà qua đó giúp bạn trưởng thành hơn không? Xin chia sẻ.

3. Bạn có kinh nghiệm được Đức Yêsu an ủi hoặc Ngài là ánh sáng giúp bạn vượt qua khó khăn không? Xin bạn chia sẻ.

 

16.Quay đầu – Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Theo luật tự nhiên, con người có sinh và có tử. Khi nghe tin có người thân qua đời, chúng ta bàng hoàng thương tiếc và lòng buồn rười rượi vì sự thiếu vắng. Dù có sầu thương và nhớ nhung nhưng khi chôn táng người qúa cố xong, chúng ta cũng phải rời bỏ mộ phần để trở về. Ai trong chúng ta cũng có những trải nghiệm đau thương trong cuộc đời ô trọc này. Khi một người thân lìa đời, chúng ta thường tu họp cầu nguyện, khóc than, chia buồn và tiễn biệt. Sau khi đưa tiễn người qúa cố tới nơi an nghỉ cuối cùng, thì ai nấy lại trở về quê quán và tiếp tục cuộc sống bình thường như dòng sông tiếp tục chảy. Hai môn đệ trên đường Emmau về quê cũng không ngoại lệ. Khi Thầy Giêsu đã chịu tử hình thập giá, xác được hạ xuống xức dầu thơm rồi chôn trong mồ, thì kể như mọi việc đã hoàn tất. Chấm dứt một đời người. Hai môn đệ buồn bã trở về quê hương xứ sở để tiếp tục đời sống như xưa.

Phúc âm kể rằng hai môn đệ đang trên đường về quê, thì xuất hiện một vị khách lạ cùng muốn đồng hành: Đang khi họ nói truyện và trao đổi với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người (Lc 24, 15-16). Vị khách thông hiểu Kinh Thánh đã dẫn đường mở trí cho cả hai ông. Họ không nhận ra Thầy của mình. Họ đã chứng kiến mọi điều đau thương đã xảy ra cho Thầy mấy ngày qua. Còn gì mà hy vọng nữa chứ. Cho dù sau đó, họ có nghe mấy chị phụ nữ loan tin Chúa đã sống lại, nhưng tin này lại quá sức tưởng tượng. Họ không thể tin được những sự kiện lạ lùng là có kẻ chết tự mình sống lại. Thế là hai môn đệ bỏ ngoài tai tất cả. Chúng ta có thể tưởng tượng hoàn cảnh tại thành Giêrusalem của hai ngàn năm về trước, sự thông tin còn rất giới hạn và cuộc sống xô bồ đổi thay. Tuần trước đó, dân chúng đón Chúa vào thành, tung hô ca ngợi. Mấy ngày sau, cũng chính nhóm người đó, lại giơ tay xin tha cho Ba-ra-ba, tên trộm cướp và giết Giêsu. Làm sao có thể tin được những dư luận hay luận dư của người đời?

Câu truyện dài được thánh Luca kể, đi tới kết luận có hậu, là hai môn đệ đã được mở mắt nhìn xem và nhận ra Chúa. Với một cử chỉ rất thân quen và ý nghĩa: Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Đoạn Người biến mất (Lc 24, 30-31). Cùng là một vị khách lạ, lúc đầu, hai môn đệ không nhận ra Thầy, nhưng khi Thầy cầm bánh trao cho họ, môn đệ mới nhận ra Thầy mình. Như thế, sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu không còn bị giới hạn trong một dáng vẻ hay hình thể nào và không ai có thể nhận ra Chúa, nếu Chúa không ban ơn soi sáng. Dựa vào nghi thức bẻ bánh, các môn đệ đã nhận ra chính là Thầy của mình. Đây là khởi đầu của việc cử hành Bí Tích Thánh Thể.

Sự kiện bẻ bánh rất quan trọng đặt nền tảng cho niềm tin qua mọi thời đại. Giáo hội đã duy trì, sắp đặt và chính thức hóa nghi thức này qua việc cử hành Bí Tích Thánh Thể trong thánh lễ. Trung thành với lời truyền của Chúa Giêsu là các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy. Hai môn đệ đã nhận ra Thầy của mình qua một cử chỉ rất đơn sơ, nhưng chứa đựng một thông điệp vô cùng quan trọng. Chúng ta biết vào thời Giáo hội sơ khai, nghi thức bẻ bánh trở thành dấu chỉ và trung tâm của mọi cuộc tụ họp cầu nguyện của các tín hữu. Sau khi hai môn đệ nhận ra Chúa Giêsu đã đang hiện diện, họ đã mau mắn trở lại Giêrusalem để gặp gỡ các tông đồ. Quay đầu là bờ. Hai môn đệ đã trở về cùng qui tụ với các tông đồ để làm chứng nhân cho Chúa Kitô Phục Sinh.

Sách Tông Đồ Công Vụ đã tường thuật biến cố Chúa Giêsu chịu chết theo dự định của Thiên Chúa và có cả trách nhiệm của con người: Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu đã bị nộp và anh em đã dùng tay những kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi (Tđcv 2, 23). Tác giả sách Tông Đồ Công Vụ đã qui lỗi sự thông đồng của những người sát hại Chúa. Nhiều người đã đồng ý giơ tay xin tha kẻ cướp và giết đi Đấng Thánh của Thiên Chúa. Thái độ cần có để lãnh nhận ơn cứu độ là sự ăn năn sám hối. Chúa đã chịu mọi hình khổ để đền tội thay cho chúng ta. Giá máu châu báu của Chúa có uy quyền tẩy sạch mọi vết nhơ tội lỗi của cả nhân loại.

Sự sống lại của Chúa Kitô là một sự chiến thắng vinh quang. Thần dữ và sự chết không còn quyền hành gì đối với Người: Sau khi bẻ gẫy xiềng xích tử thần, Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết, mà cho Người phục sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó (Tđcv 2, 24). Người đã chiến thắng tử thần và mang lại sự tự do đích thực cho con người. Nhân loại không còn bị kìm hãm trong đau khổ, sự tội và sự chết. Chúa Kitô đã mở đường giải thoát và hy vọng vào một cuộc sống vĩnh cửu. Chúa Kitô là hoa qủa đầu mùa của những kẻ yên giấc. Chúng ta không còn sợ hãi trước cái chết. Vì ai cũng phải bước qua sự chết để vào cõi sống đời đời.

Sự sống lại của Chúa Kitô đã trả lời cho nhiều vấn nạn khó khăn mà chúng ta đang gặp phải. Khi chúng ta thường đối diện với những lo lắng khổ đau, như khi phải chăm lo cho những người con dị hình, bất toại, khuyết tật hoặc chạm trán với sự chết chóc của người thân yêu trong gia đình. Khi chúng ta rơi vào sự thất vọng vì buồn sầu, bệnh hoạn, thiên tai, động đất, sạt lở, sóng thần, bão tố, chiến tranh, loạn lạc và tai nạn giao thông xe cộ, tầu bè và máy bay... Những sự cố xảy ra trong những ngày qua, khi nghe tin những người thân thuộc trong gia đình bị mất tích trong chuyến máy bay (Malaysia Airlines MH 370) hay chiếc tầu Sewol bị chìm ở Nam Hàn kéo theo cả trăm học sinh chôn vùi dưới đáy biển. Ai có thể cầm được nước mắt. Ai có thể trả lời cho những sự mất mát qúa to lớn xảy ra cho cha mẹ, anh chị em, bạn bè, thân hữu và mọi người. Nếu chúng ta không có niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, sự khổ đau của chúng ta sẽ không có đáp án. Chúng ta sẽ buồn đau và chết lặng trong sự tuyệt vọng.

Thánh Phêrô đã mời gọi mọi người hãy tin tưởng vào Chúa Kitô sống lại. Giá máu châu báu của Người sẽ cứu thoát linh hồn chúng ta: Anh em đã được cứu chuộc bằng máu châu báu của Đức Kitô, Con Chiên tinh tuyền, không tì ố (1Petr 1, 19). Đây là niềm tin cao quí được các tông đồ truyền lại và Giáo Hội bảo toàn suốt 20 thế kỷ qua. Sự sống lại không phải là niềm tin phù phiếm, mơ hồ hay mê tín dị đoan. Một sự thật trong đời sống đức tin. Chúng ta bước đi trong niềm tin Kitô Giáo, chứ không phải là một sự kiện khoa học thực nghiệm cụ thể. Niềm tin của chúng ta vào Chúa Kitô sống lại được minh chứng bằng đời sống, bằng các chứng nhân và sự tốt lành thánh thiện của con người hôm nay: Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho Người sống lại từ cõi chết và ban vinh quang cho Người để anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa (1Petr 1, 21).

Truyện kể: Có một ông đã can đảm nhảy xuống dòng nước xoáy để cứu một cậu bé bị rớt xuống sông. Đây là một sự thách đố ghê gớm. Dòng sông nước chảy xiết, như nhờ có phép lạ, người đàn ông một tay đã với được cành cây và trong khi một tay chộp lấy tay của cậu bé. Thập tử nhất sinh, sau cùng ông đã cứu được cậu bé an toàn thoát chết. Ông đưa cậu bé về nhà và trao cho mẹ chăm sóc. Trước khi rời nhà, cậu bé nói: Cám ơn ông rất nhiều đã cứu sống cháu. Người đàn ông nhìn vào mắt cậu và nói: Rất tốt, nhưng bảo đảm đời sống của cháu đáng giá trị để được cứu sống. Đời sống của mỗi người chúng ta rất quí báu. Vì thân xác linh hồn của chúng ta được chính Con Một Thiên Chúa đã lấy máu đào để cứu độ.

Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con. Chúa phán: Phúc cho ai không thấy, mà tin. Chúng con xác tín niềm tin nơi Chúa Kitô Phục Sinh. Chúng con sẽ được bước đi trong ánh sáng và tiến tới sự sống đời đời.

 

17.Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau.

Suy niệm của ĐGM. Phêrô Nguyễn Khảm

Hôm nay chúng ta sẽ suy niệm về một lời cầu khẩn của hai môn đệ trên đường từ Giêrusalem về Emmau: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Đó là một thực tế về mặt thời gian, bởi vì lúc đó gần tối rồi. Đồng thời câu nói đó có lẽ nó cũng diễn tả một thái độ tâm hồn.

Trời đã về chiều, ngày sắp tàn, đêm tối sắp đến. Tâm hồn của hai ông bị chìm trong đêm tối, cái đêm tối của nghi ngờ, đêm tối của thất vọng. Bởi vì các ông đặt tất cả niềm tin vào Thầy Giêsu mà cuối cùng Thầy Giêsu bị bắt đánh đập, đóng đinh, giết chết trên Thập Giá. Tất cả niềm tin và hy vọng tan biến, chỉ còn lại nghi ngờ và tuyệt vọng. Đêm tối ấy đáng sợ hơn là đêm tôi về mặt không gian và thời gian tự nhiên.

Chính trong tâm trạng ấy các ông thưa với Chúa Giêsu: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Lời cầu khẩn ấy không phải là lời cầu khẩn của chính chúng ta hay sao? Những lúc cuộc đời của chúng ta có những thất bại, có những cay đắng, chán nản đến độ chúng ta đâm ra nghi ngờ Thiên Chúa, chúng ta cần bắt chước hai môn đệ thốt lên lời nguyện xin: "Lạy Chúa hãy ở lại với con”.

Hôm nay thánh Luca muốn nói với chúng ta: Ta không thấy Chúa Kitô về mặt thể lý tự nhiên, nhưng ta có thể gặp Chúa Kitô Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể. Thánh Luca tường thuật lại suốt trên con đường đi về Emmau có một người khách bộ hành đi cùng. Hai môn đệ không thể nhận ra Thầy yêu thương của mình. Mãi đến lúc ngồi vào bàn Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra trao cho thì hai ông mới nhận ra. Và khi nhận ra thì Chúa lại biến mất.

Về mặt tín lý chi tiết này rất hay, rất quan trọng để cho ta hiểu rõ về Bí Tích Thánh Thể. Khi ta cử hành Bí Tích Thánh Thể nghĩa là ta cùng với Hội Thánh cầm lấy tấm bánh bẻ ra và trao cho nhau. Lúc ấy anh chị em có thấy Chúa không? Thưa không. Trước mặt chúng ta hoàn toàn là một khoảng không. Ngày xưa hai môn đệ đi bên cạnh Chúa, suốt quãng đường dài mà họ không nhận ra Chúa, khi biết được Chúa biến mất trước mặt họ cũng là một khoảng không. Chúa Giêsu không hiện diện một cách gọi là thể lý theo nghĩa chúng ta thấy Ngài như chúng ta nhìn thấy nhau.

Thực sự, sự hiện diện của Ngài là một hiện diện bao trùm cuộc sống của chúng ta. Ta đón nhận sự hiện diện đó bằng lòng tin của chúng ta. Cho nên ta vẫn có thể gặp được Chúa Phục Sinh khi ta cử hành Bí Tích Thánh Thể: Cầm bánh, tạ ơn Chúa. bẻ ra và trao cho nhau. Điều quan trọng là chúng ta có cử hành Bí Tích Thánh Thể như một cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu không hay chỉ còn là một nghi thức?

Vì vậy câu chuyện Tin Mừng hôm nay nhắc cho chúng ta. Chúng ta vẫn gặp được Chúa Giêsu mỗi lần chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể. Ước gì chúng ta có đủ lòng tin và có một cảm thức nhạy bén trước màu nhiệm của Thiên Chúa để chúng ta có thể đón nhận sự hiện diện sống động của Ngài và đi vào cuộc gặp gỡ thực sự với Ngài.

 

18.Một Thiên Chúa đồng hành với con người

(Suy niệm của ĐGM. Cosma Hoàng Văn Đạt)

Trong hành trình cuộc sống, nhiều khi chúng ta tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu? Người tín hưũ đôi khi cũng bị người khác hỏi: Thiên Chúa bạn ở đâu? Bài Tin Mừng về Chúa Giêsu phục sinh đồng hành với 2 môn đệ đi Emmau giúp chúng ta trả lời được những thắc mắc như vậy.

Hai môn đệ ở trong hoàn cảnh "mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài" như cha Thành Tâm diễn tả. Lúc ấy hẳn là họ nghĩ Thiên Chúa ở nơi đâu hết sức cao xa. Nhưng thật ra Chúa Giêsu phục sinh đang đồng hành với họ mà họ chưa nhận ra ngay. Trên đường, Chúa cắt nghĩa Kinh Thánh cho họ, khiến lòng họ nóng lên. Lúc đồng bàn, Chúa bẻ bánh trao cho họ, khiến họ nhận ra Chúa. Từ chỗ hoang mang bỏ Giêrusalem ra đi, họ vui mừng quay trở lại Giêrusalem với anh em. Hôm nay Chúa Giêsu phục sinh vẫn đồng hành với chúng ta như vậy.

Và Chúa cũng muốn đồng hành với con người thời nay như vậy. Có người không biết tại sao mình có mặt trên đời để. Có người đau khổ vì bệnh tật hay vì ác tâm của người đời. Có người buồn sầu vì những mất mát... Chúa muốn đồng hành với họ, soi sáng họ, dẫn đưa họ vào con đường Chúa đã đi để đến nơi Chúa đã đến. Chúa thực hiện điều ấy qua các môn đệ của Chúa. Tôi phải đóng vai của Chúa Giêsu phục sinh đối với người này, bạn phải đóng vai Chúa Giêsu phục snh đối với người kia. Chúng ta trở thành Chúa Giêsu phục sinh cho nhau.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin Chúa ở lại với chúng con, để chúng con vượt qua những hoang mang trong cuộc sống, đạt gới niềm vui, nhờ đó chúng con cũng có thể giúp anh em như vậy trong cuộc sống của họ.

 

19.Thánh lễ tại Emmaus – Pm. Cao Huy Hoàng

Nối tiếp trình thuật việc Chúa Giêsu sống lại và hiện ra cho các Tông đồ - những người được truyền chức linh mục trong đêm trước ngày chịu nạn, hôm nay, Thánh Gioan gửi đến trình thuật Chúa Giêsu sống lại và hiện ra với hai giáo dân đầu tiên của Giáo Hội.

Hai người nầy từ Giêrusalem đi ra để về làng Emmaus cách Giêrusalem chừng mười một cây số. Không thấy Thánh Gioan nói đến chi tiết họ bỏ Giêrusalem, để đi tìm một chỗ an thân hơn giữa cơn bức bách điêu tàn, nhưng chỉ cho biết lòng họ buồn rầu vì cuộc thương khó kinh hoàng của Chúa Giêsu vừa xảy ra. Tai họ vẫn còn nghe tiếng búa đinh chát chúa. Mắt họ vẫn còn hình dung ra một thân xác con người Giêsu mê mếch máu từ mão gai trên đầu cho đến bàn chân. Tôi đồng cảm với hai giáo dân nầy khi nhớ lại biến cố Lm. JM Nguyễn Thế Thoại bị mời đi cải tạo ngày 15-6-1977. Giáo xứ Hòa Yên như rắn mất đầu. Các thầy ở trung tâm thần học Hòa Yên và cả ông Chủ Tịch Nghiêm không làm sao giải thích nỗi cho bà con giáo dân, vì chính các thầy, và hội đồng giáo xứ cũng không hiểu điều gì đang xảy ra. Chỉ biết Bố ra đi, rồi bặt vô âm tín, chỉ có ngày đi mà không biết ngày về. Hoang mang khiếp sợ từ Hòa Yên lan ra tới Hòa Nghĩa rồi khắp vùng Cam Ranh. Đâu đâu cũng bàn tán chuyện Bố Thoại bị bắt. Rồi sẽ đến Bố nào nữa? Nhớ lại tâm trạng của tôi và của giáo dân ngày ấy, giúp tôi hiểu ra phần nào nỗi buồn của hai giáo dân trên đường Emmaus. Họ còn đau thương hơn chúng tôi, vì họ không chỉ chứng kiến thầy mình bị bắt, bị tra tấn … mà còn mục kích tận mắt cái chết bi thương của Thầy trên Thánh Giá, và niềm tin vào việc Thầy mình sẽ sống lại quả là một thách đố lớn lao cho họ, vì họ là những người có thể nói là chưa thân thiết lắm với Chúa Giêsu, như các tông đồ.

Chúa Giêsu hiểu tâm trạng của họ và Ngài đã hiện ra với họ trong tư cách là một người đồng hành – không chỉ đồng hành trên quảng đường đi, mà đồng hành với họ trong từng suy tư, trong mỗi xúc cảm, và cả trong sự chao đảo của niềm tin ban đầu. Ngài đã hỏi han họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?". Rồi Ngài nhận lời trách cứ của họ: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay." Và Ngài lắng nghe họ chia sẻ: "Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đấy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Ðấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn còn sống. 24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy”.

Nghe hai giáo dân trình bày những thổn thức, những dao động trong hành trình đức tin, Linh Mục Giêsu Phục Sinh cũng cố niềm tin của họ ngay lập tức bằng một thánh lễ trên đường đi. Mở đầu là lời mời gọi họ nhìn nhận họ kém tin vào lời các ngôn sứ, nhìn nhận trí khôn giới hạn của mình trước chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Kitô. Phần Phụng Vụ Lời Chúa cử hành ngay trong lúc đi, Linh mục Giêsu đã trích dẫn lời Thánh Kinh qui chiếu về nhân vật Giêsu, Ngài đã giảng giải cặn kẻ cho họ và đã làm cho lòng họ bừng cháy lên niềm tin yêu vững vàng. Vì trời đã chiều, nên họ mời Chúa Giêsu ở lại với họ, và chính lúc nầy, Linh Mục Giêsu cử hành phần Phụng Vụ Thánh Thể, bằng việc “cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng” và khi “tấm bánh được bẻ ra, trao cho họ” thì mắt họ mở ra, và họ nhận ra Người nhưng Người đã biến đi. Vâng, Ngài đã biến đi theo lời kể của Thánh Gioan, nhưng thật ra, Ngài đang ở lại với họ, đang sống động trong lòng họ vì họ đã ăn Tấm Bánh Thân Xác Tử Nạn và Phục Sinh của Người.

Chính tấm bánh ấy, chính Thánh Thể Người đã phục sinh cõi lòng họ, phục sinh niềm tin, phục sinh niềm vui, niềm hy vọng và phục sinh đời sống Giáo Hội trong họ, đời sống chứng nhân phục sinh cho mọi người.

Kết thúc thánh lễ trên đường Emmaus là cuộc trở về Giêrusalem với Giáo Hội, với các Tông Đồ, để nghe các Linh Mục của Chúa loan tin Chúa đã sống lại, và họ, là giáo dân, cũng mạnh dạn trình bày chứng từ phục sinh mà họ đã nhận được từ Chúa Giêsu Phục sinh. Thánh Gioan kết thúc đoạn trình thuật sống lại và hiện ra với giáo dân bằng một cuộc sum họp duy nhất thánh thiện trong cùng một Đức Tin của cả Linh Mục và Giáo dân, của cả cộng đoàn dân Chúa. “Các tông đồ bảo hai ông: "Chúa chỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon." 35 Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh”.

Là những Kitô hữu giáo dân trong giáo hội, qua trang tin mừng hôm nay, thiết tưởng chúng ta được phép vui mừng, có thể theo cách vui mừng của trần thế, vì giáo dân cũng được vinh dự mục kích tận mắt Chúa Giêsu Phục Sinh: ít là một bà Madalena, hai người trên đường về Emmaus.

Chúng ta được vui mừng, vì chính Chúa Giêsu Phục Sinh qua các linh mục, đang đồng hành với chúng ta trong cuộc đời. Ngài thăm hỏi chúng ta, Ngài hiểu chúng ta, nhận lời trách cứ của chúng ta khi ta chưa hiểu Ngài. Ngài lắng nghe nỗi niềm của chúng ta. Ngài kêu gọi chúng ta nhìn nhận sự hèn kém của mình trước mầu nhiệm Thiên Chúa, để chấp nhận lắng nghe lời Ngài ân cần giải thích cho chúng ta. Và Ngài cử hành cho chúng ta hy tế chính Thánh Thể Ngài để niềm tin phục sinh của chúng ta thêm vững chắc. Chúa Giêsu đã chu toàn sứ vụ Linh Mục bằng chính sự phục sinh của mình để các linh hồn được phục sinh. Ngài giảng giải sống động và có sức làm cho lòng con người bừng cháy lên vì Ngài đã giảng giải bằng chính sự phục sinh của mình….Vì vậy, chúng ta có quyền tin tưởng rằng: Chúa không lầm khi ban tác vụ linh mục để các Linh Mục của Chúa sống-trước-đời-sống-phục-sinh ngay trong đời sống trần thế, để chính các Ngài là hiện thân của Chúa Giêsu Phục sinh từ việc mục vụ đến việc tế lễ, để chính các ngài thực là tấm gương tấm bánh bẻ ra cho nhiều người được sống. Chúng ta có quyền tin tưởng - không phải là ước ao hay khát vọng. Và nếu chúng ta có thấy bóng dáng của sự chưa-phục-sinh trong đời sống một vài linh mục, thì thiết tưởng, cũng không phải là cái cớ vô duyên dẫn chúng ta đến chổ mất niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh.

Mới đây, được đọc bài “Nghĩ gì về cao trào Giáo dân” của Linh Mục Anre Đỗ Xuân Quế, tôi bỗng dưng dị ứng với hai từ “cao trào”, vì thoạt đầu nghe như giáo dân đòi “nỗi dậy”; nhưng rồi tôi hiểu được ý ngài muốn trân trọng đóng góp của giáo dân cho Giáo Hội thời đại hôm nay trong mọi lĩnh vực, dưới mọi hình thức, để Tin Mừng Phục Sinh lan xa tới tận cùng bờ cõi trái đất. “Sự hợp tác giữa linh mục và giáo dân là cần thiết và bổ ích..Giáo dân đón nhận sự tín nhiệm và lời mời gọi của linh mục một cách chân thành và khiêm tốn. Linh mục coi trọng khả năng chuyên môn và lòng tận tâm của giáo dân. Cả hai cùng đồng lao cộng tác trong việc phụng thờ Chúa và muu ích cho các linh hồn” (Lm. Anre Đỗ Xuân Quế)

Vâng, đến muôn đời, đến muôn muôn đời, giáo dân cần có các linh mục là chừng nào, càng cần có những linh mục phục sinh là chừng nào… để họ được Chúa Giêsu phục sinh đồng hành, hỏi han, giảng giải, để họ có Thánh Thể như của ăn đàng trên đường về quê hương phục sinh vĩnh cữu, và để họ được hợp tác, như hai giáo dân Emmaus ngày ấy, trở về Giêrusalem hợp tác với các linh mục của mình, làm chứng cho Chúa Giêsu Phục sinh đến mọi hang cùng ngõ hẻm trần gian.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cử hành thánh lễ trên đường Emmaus để đức tin của các tín hữu được củng cố. Xin cho đức tin phục sinh của chúng con cũng được bồi dưỡng qua việc sốt sắng lắng nghe Lời Chúa và Dự Tiệc Thánh Thể trong thánh lễ hàng ngày, và để nhờ đó, chúng con trở nên nhân chứng phục sinh sống động giữa cuộc đời. Amen.

 

20.Đón nhận hay khước từ lời Chúa?

(Suy niệm của Lm. Inhaxiô Trần Ngà)

Xin cho chúng con biết dành thời giờ lắng nghe, học hỏi và đón nhận lương thực tinh thần Chúa ban để trở thành người có phẩm chất cao đẹp, thánh thiện, tốt lành.

Hôm xưa, Chúa Giê-su cất bước tìm đến với hai môn đệ sầu thảm đang lê bước trên đường về Em-mau. Ngài dùng lời Kinh thánh để soi lòng mở trí hai môn đệ về biến cố tử nạn và phục sinh của Đấng cứu thế. Lời giảng giải của Chúa Giê-su khiến cho “lòng họ bừng cháy lên.” Họ say mê và yêu thích nghe lời Chúa đến nỗi khi “trời đã xế chiều và ngày sắp tàn, họ nài ép Chúa Giê-su ở lại với họ” cho bằng được (Lc 24, 28-29).

Nếu hôm nay, Chúa Giê-su lại tìm đến với chúng ta và ngỏ lời với chúng ta qua các vị mục tử, qua sách báo lành mạnh, qua các phương tiện truyền thông của Hội thánh… tiếp tục dùng lời Kinh thánh soi lòng ta, mở trí ta, nuôi dưỡng đời sống tâm linh chúng ta, thì ta có hoan hỉ đón nhận hay là ngoảnh mặt quay lưng?

Lắm kẻ khước từ

Hôm ấy, có đông đảo giáo dân tập trung tại hội trường rộng lớn của Giáo xứ để mừng lễ bổn mạng. Linh mục quản xứ có nhã ý chiêu đãi giáo dân bữa tiệc tinh thần, ngài nói:

- Ai muốn xem sách báo đạo với nhiều đầu sách truyền đạt lời Chúa, tìm hiểu giáo lý, giáo dục nhân cách và nhiều sách khác rất bổ ích cho đời sống thiêng liêng… thì vui lòng đến phòng sách bên phải; Nếu ai muốn đọc truyện đời, những tiểu thuyết ngôn tình, kiếm hiệp, trinh thám và nhiều sách dạy làm ăn, buôn bán… thì qua phòng sách bên trái.

Thế là gần như 95% giáo dân chen chúc nhau vào phòng sách bên trái để tìm đọc những loại sách đời, nhiều người phải đứng chờ bên ngoài không vào được vì bên trong đã chật ních. Trong khi đó, phòng sách đạo bên phải chỉ có lác đác một ít người cao tuổi ghé thăm.

Nếu bạn là người hiện diện tại hội trường hôm ấy, bạn đi về phòng sách nào??

- Cha quản xứ kêu mời giáo dân, đặc biệt là giới trẻ, tham dự giờ tĩnh tâm quan trọng để chuẩn bị tâm hồn mừng đại lễ Phục sinh vào tối thứ Tư tuần thánh. Không ngờ vào giờ đó, nhà hàng ca nhạc bên cạnh cũng tổ chức sự kiện ca múa nhạc có sự tham gia trình diễn của các ngôi sao ca nhạc và danh hài từ thành phố về. Thế là giới trẻ giáo xứ đua chen nhau xem ca múa nhạc, chỉ còn một ít cụ ông, cụ bà tham dự tĩnh tâm!

Nếu bạn cũng thuộc thành phần giới trẻ của giáo xứ này, bạn sẽ tham dự sự kiện ca nhạc hay giờ tĩnh tâm?

Trong đời sống hằng ngày, người ta không tiếc thời giờ, công sức hay tiền bạc để đáp ứng nhu cầu ăn uống, nhậu nhẹt, vui chơi... Trong khi đó, chẳng mấy ai dành ít thời giờ trong ngày để học hỏi, lắng nghe lời Chúa và bồi bổ tâm hồn.

Nếu hôm nay Chúa Giê-su lại đến với mỗi người chúng ta và ngỏ lời với ta qua các vị mục tử, qua sách báo lành mạnh, qua các phương tiện truyền thông của Hội thánh… thì bạn sẽ từ khước, dửng dưng, hờ hững… hay hăm hở đón nghe lời Ngài như hai môn đệ Em-mau?

Ung thư tâm hồn

Theo tổ chức Y tế thế giới, chỉ riêng trong năm 2018, số ca mắc ung thư của Việt Nam đã tăng lên 165.000 ca. Ung thư là mối đe dọa đáng sợ nhất đối với người Việt trong thế kỷ này.

Một trong những nguyên nhân gây bệnh là do thực phẩm bẩn và môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Thường xuyên hít thở không khí bị ô nhiễm cũng như dung nạp vào cơ thể những thực phẩm bẩn là con đường dẫn đến ung thư. Trái lại, hít thở không khí trong lành cũng như dung nạp thực phẩm lành, sạch là cách ngăn ngừa ung thư hiệu quả.

Tương tự như thế, nếu chúng ta thường xuyên dung nạp lương thực tinh thần độc hại do văn hóa phẩm đồi trụy cung cấp mà không bổ sung những thực phẩm tinh thần lành mạnh, cao quý do lời Chúa và giáo huấn Hội thánh mang lại, thì nguy cơ ung thư tâm hồn, ung thư đời sống thiêng liêng không thể tránh được.

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa dạy chúng con biết rằng: “Người ta không chỉ sống bằng cơm bánh mà còn sống bằng lời Chúa nữa”, chính vì thế, Chúa đã mang Lời khôn ngoan từ trời của Thiên Chúa để làm lương thực hằng ngày nuôi dưỡng đời sống tâm linh của chúng con. Tiếc thay, chẳng những chúng con thờ ơ, hờ hững với quà tặng cao quý Chúa ban, lại còn ham mê những thứ lương thực tinh thần độc hại, có nguy cơ hủy diệt đời sống cao đẹp của tâm hồn.

Xin cho chúng con biết dành thời giờ để lắng nghe, học hỏi và đón nhận lương thực tinh thần Chúa ban, nhờ đó, chúng con sẽ trở thành người có phẩm chất cao đẹp, thánh thiện, tốt lành.

 

21.Gặp gỡ Chúa Phục Sinh

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

Trang Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dùng làm bản văn nền của Tông Huấn “Mane Nobiscum Domine”: Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con.

Từ nay, mỗi lần đọc đến câu chuyện “Hai môn đệ trên đường Emmau”, chúng ta thật xúc động và cầu nguyện với Thánh Gioan Phaolô II. Trong năm cuối cùng của triều đại Giáo hoàng, Ngài đã mở ra Năm Thánh Thể, mời gọi cộng đoàn Dân Chúa qui hướng về Thánh Thể, nơi Chúa Giêsu hiện diện thường trực và sống động.

Khi để lại cho Dân Chúa lòng sùng kính Bí Tích Thánh Thể, Thánh Gioan Phaolô II muốn công bố và nhắc nhớ về Đức Giêsu Phục Sinh. Bởi vì có phục sinh thật, Đức Giêsu mới đang thật sự hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, như thánh Phêrô công bố sự kiện Phục Sinh cho người Do thái sau khi Chúa sống lại (theo bài đọc 1). Ngài xác tín là, chúng ta sẽ gặp Đức Giêsu Phục Sinh khi mộ mến Bí Tích Thánh Thể. Ngài mời gọi, hãy nhớ đến Đấng đã cứu độ nhân loại, nhớ đến thân phận con người và diễm phúc là đã được cứu nhờ Đức Giêsu hy sinh mạng sống và đổ máu vì chúng ta; hay nói như thánh Phêrô trong bài đọc 2, được cứu khỏi nếp sống phù phiếm và sự chết đời đời, không phải nhờ vàng bạc hay hư nát mà nhờ Máu châu báu của Đức Giêsu.

Câu chuyện “Hai môn đệ trên đường Emmau” là một trong những câu chuyện Tin Mừng tuyệt tác và rất riêng của thánh sử Luca.

Kể từ khi tảng đá to đã niêm phong cửa mộ thì đối với các môn đệ, tất cả đã hết, không còn gì ngoài những kỷ niệm xót xa chua chát. Một thực tế phủ phàng trĩu nặng nổi âu lo sợ hãi. Niềm hy vọng lớn lao xưa đã bị chôn vùi với Giêsu Nazareth. Bởi đó họ ở lại Giêrusalem để làm gì khi người ta đã đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng giải thoát dân tộc.Thập giá được giương cao và vị cứu tinh được chờ đợi với biết bao kỳ vọng đã kết thúc sự nghiệp bằng cái chết đớn đau ô nhục. Hai môn đệ quyết định trở về quê nhà. Bước chân mỏi mệt chán chường, tuyệt vọng và cô đơn trên cuộc lữ hành. Nỗi buồn mất mát và nỗi đau tuyệt vọng đã làm cho họ không còn nhạy cảm với những thực tại xung quanh.

Các ông có biết đâu, trên hành trình thất vọng và cô đơn đó, có một người vẫn hằng dõi theo từng bước đi, chú ý từng tâm sự nhỏ to của các ông. Người ấy tiến về phía các ông, trò chuyện và đồng hành với các ông mà các ông nào hay biết. Các ông không nhận ra Người mặc dù Người vẫn có đó, vẫn hiện diện và chia sẻ với các ông. Các ông còn được vị khách này giải thích tường tận những gì đã nói về Đấng Messia mà Môisen và các Ngôn sứ, tức là toàn bộ Kinh thánh đã loan báo.

Cho đến khi được đồng bàn với Người, tận mắt chứng kiến Người cầm bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, bẻ ra và trao cho, mắt các ông mới bừng sáng. Các ông hân hoan vui mừng. Tâm hồn các ông được Đấng Phục Sinh chiếu dọi. Tâm trí các ông được Người khai mở. Đức Kitô, Thầy của các ông đã thực sự sống lại. Không nghi ngờ gì nữa, vị khách bộ hành, người đã giảng dạy Kinh Thánh và cùng với các ông chia sẻ nghi lễ Bẻ Bánh chính là Đức Kitô Phục Sinh.

Niềm vui vì được gặp Chúa Phục Sinh, được Người dạy dỗ và chia sẻ bàn tiệc Thánh, khiến cho hai môn đệ Emmau quên hết nhọc nhằn. Các ông lập tức lên đường với niềm vui trở về Giêrusalem. Hội ngộ với các môn đệ khác và công bố Tin Mừng Phục Sinh. Kể từ đó, Tin Mừng Phục Sinh theo dấu chân của các Tông Đồ lan rộng khắp hoàn cầu.

Đường Emmau thật kỳ lạ. Đường dẫn đưa những lữ khách từ Giêrusalem về Emmau sao xa xôi vạn lý, thế mà giờ đây lúc trở về lại hoá nên gần gũi thân quen. Cùng một con đường, cùng một buổi chiều mà hai môn đệ đi lại hai lần, mỗi lần lại mỗi dáng vẻ hoàn toàn khác nhau. Khi đi thì đường xa vời vợi, đi mãi không đến. Lúc về sao ngắn ngũi, chưa đi đã đến. Khi đi thì chán nản u sầu. Lúc về phấn khởi hân hoan. Khi đi chán chường chậm chạp. Lúc về nhanh nhẹn vui tươi. Điều kỳ diệu của đường về là hai môn đệ đã gặp được Chúa Kitô Phục Sinh. Chính Người làm nên khác biệt giữa hai lần đi về. Gặp Chúa Kitô Phục Sinh là bí quyết giúp thay đổi cuộc đời, giúp cuộc sống có ý nghĩa, có niềm vui, có hy vọng và có lẽ sống.

Sứ điệp Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay có thể được tóm kết trong ba chữ T: Thánh Kinh, Thánh Thể và Hội Thánh. Đó cũng là cũng chính là ba con đường chính yếu để chúng ta gặp gỡ Đấng Phục Sinh và thể hiện niềm tin của mình trong đời sống.

1. Gặp gỡ Chúa Phục Sinh nhờ Thánh Kinh

Chúa Giêsu Phục Sinh đến như người bạn đồng hành. Người chăm chú lắng nghe họ kể nỗi đau buồn. Người đốt lên ngọn lửa bừng cháy trong tim họ khi giải thích Thánh Kinh “Bắt đầu từ Môisen và duyệt qua hết các Tiên tri, chú giải cho họ những gì liên quan đến Người trong các bản văn Thánh Kinh”. Người đã giải thích cho các ông: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môisen, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24, 44).Vậy thì cả lịch sử cứu độ hướng về Người và chỉ có ý nghĩa vì Người. Lịch sử vũ trụ, lịch sử nhân loại, mọi lịch sử chỉ là lịch sử cứu độ, lịch sử của “Đức Kitô hôm qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là một”. Nghe Lời Chúa, lòng họ bừng lên, nội tâm được biến đổi. Chúa Phục Sinh cũng soi lòng mở trí cho các môn đệ đang quy tụ ở Giêrusalem. Người giúp các ông hiểu được những lời Kinh Thánh loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Người cũng giúp các ông hiểu những thành quả tinh thần của việc sám hối và ơn tha thứ tội lỗi mà Đấng Phục Sinh đem lại cho muôn dân nước. Bài đọc 1, sách Công vụ kể lại diễn từ thứ hai ngỏ lời với đám đông dân chúng Giêrusalem, thánh Phêrô lớn tiếng công bố sự Phục Sinh của Đấng Chịu Đóng Đinh và chứng minh rằng Kinh Thánh đã tiên báo những đau khổ của Đấng Mêsia.

Thánh Giêrônimô đã nói: Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô. Thánh Kinh là bức tâm thư Thiên Chúa gởi cho Dân được tuyển chọn.Cần có đức tin và lòng mến để tiếp nhận như giáo huấn của CĐVTC II đã dạy: “Trong các Sách Thánh,Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ.Vậy sức mạnh và quyền năng chứa đựng trong Lời Chúa lớn lao đến độ trở thành điểm tựa đầy năng lực cho Hội Thánh và là sức mạnh của đức tin,lương thực nuôi linh hồn,nguồn sống thiêng liêng,tinh tuyền và trường cửu cho con cái của Hội Thánh”(MK21).

Học hỏi Thánh Kinh để tìm được nguồn năng lực cho sức mạnh đức tin, lương thực thần thiêng nuôi linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu (MK 21), trau dồi và phát triển kiến thức thần học, nhưng điều căn bản vẫn là để giúp biết rõ hơn về mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, Đức Giêsu Kitô (MK 26); Đấng mà cả hai Giao ước đều nhắm đến: Cựu ước nhìn với tất cả lòng mong đợi, Tân ước nhìn Người như Đấng hoàn tất các lời hứa cứu độ, cả hai đều đặt Người như trung tâm. Việc đọc và suy niệm Lời Chúa mang lại nguồn sáng, soi dẫn cuộc đời và lương thực thần thiêng cho cuộc sống, sau nữa là để “khi phải truyền đạt kho tàng bao la của Lời Chúa, không ai trở thành kẻ huênh hoang rao giảng Lời Chúa ngoài môi miệng vì không lắng nghe Lời trong lòng” (MK 26).

2. Gặp gỡ Chúa Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể.

Trên đường Emmau, có một khách bộ hành đi cùng, hai môn đệ không nhận ra Thầy kính yêu của mình. Mãi đến lúc ngồi vào bàn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra trao ban, hai ông mới nhận ra. Chính qua cử chỉ bẻ bánh mà các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh. Chúa bẻ bánh, nhắc lại cử chỉ khi lập phép Thánh Thể. Nhờ phép Thánh Thể toàn bộ con người các ông được đổi mới.

Chúng ta không thấy Chúa Kitô về mặt thể lý tự nhiên, nhưng có thể gặp Chúa Kitô Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể.

Thánh Thể là trung tâm của cộng đoàn phụng vụ cử hành biến cố Vượt Qua của Chúa Giêsu. Thánh Thể quy tụ các tín hữu hiệp thông trong đức ái. Hội Thánh “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” biểu lộ căn tính của mình rõ nét nhất lúc cử hành Thánh Thể. Thánh Thể làm nên thân thể Chúa Kitô. Thánh Thể là thần lương nuôi dưỡng con cái Hội Thánh. Qua bí tích Thánh Thể, mọi tín hữu không những được hiệp nhất với Thiên Chúa mà còn được nên một với nhau trong Hội Thánh.Thánh Thể là bài học yêu thương tuyệt hảo nhất, yêu thương đến tột cùng, trao ban đến tận cùng. Nhờ tham dự việc cử hành Thánh Thể, cộng đoàn tín hữu trở thành một thực thể sống động, hiệp thông, liên kết trong đức ái, làm nên một thân thể mầu nhiệm. (x.Tông Huấn “Mane Nobiscum Domine", số 11-18, Đức Gioan Phaolô II, ban hành ngày 7.10.2004).

Chúng ta gặp Chúa Phục Sinh khi cử hành Bí Tích Thánh Thể: cầm bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho nhau. Điều quan trọng là chúng ta có cử hành Bí Tích Thánh Thể như một cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu không hay chỉ còn là một nghi thức.

Chúng ta vẫn gặp được Chúa Giêsu mỗi lần cùng nhau cử hành Bí Tích Thánh Thể. Miễn là có đủ lòng tin và có một cảm thức nhạy bén trước mầu nhiệm của Thiên Chúa để chúng ta có thể đón nhận sự hiện diện sống động của Người và đi vào cuộc gặp gỡ thực sự với Người.

3. Gặp gỡ Chúa Phục Sinh giữa lòng Hội Thánh

Hai môn đệ hân hoan trở về gặp các Tông đồ và kể lại cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Đấng Phục Sinh. Tin vui phải được loan đi. Tin Mừng Phục Sinh phải được công bố. Từ nay, các ông sẽ là những chứng nhân cho Đấng cùng đồng hành với các ông, chia sẻ vui buồn, dẫn dắt tâm hồn, thắp sáng niềm tin, đốt nóng niềm hăng say cũng như sẽ đồng bàn và trao sự sống mới trong cử chỉ thân quen. Từ nay các ông sẽ là người loan báo Đấng Phục Sinh cho anh chị em của mình bằng chứng từ của một đời sống dấn thân phục vụ. Không có rào cản nào chắn được bước chân của các ngài nữa vì Đấng Phục Sinh đang cùng đồng hành trên khắp mọi nẻo đường trần thế.

Chính Đức Kitô đã củng cố niềm tin Phục Sinh cho các Tông Đồ. Thành thánh Giêrusalem là nơi Chúa Giêsu hoàn tất sứ mạng và cũng là nơi Hội Thánh khởi sự thi hành sứ mạng của mình.

Tất cả những ai đã gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh giữa lòng Hội Thánh đều trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Tất cả các môn đệ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho lời rao giảng. Vì Chúa Kitô Phục Sinh là một Tin Mừng không thể không chia sẻ. Vì lệnh sai đi của Chúa Kitô là một lệnh truyền không thể chống cưỡng. Như Thánh Phaolô sau này đã nói: "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng".

Mỗi Thánh Lễ, chúng ta được diễm phúc cử hành cao điểm của niềm tin, mầu nhiệm cái chết thập giá và sự sống lại của Đức Kitô Giêsu. Người đang ban Lời chân lý (Thánh Kinh) và Bánh Trường Sinh (Thánh Thể), đang ủi an và chia sẻ tình yêu, đang động viên và soi sáng giúp chúng ta trở thành một cộng đoàn huynh đệ hiệp nhất (Hội Thánh).

Mỗi Thánh Lễ, chúng ta được đồng hành bên nhau trong tình hiệp nhất, được chia sẻ Lời Chúa và được rước Thánh Thể. Chúa Giêsu luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường loan báo Tin Mừng Phục Sinh.

 

22.Đồng hành với nhau và với Chúa

(Suy niệm của Lm Louis Hữu Độ)

Một bà già người Đức thuật lại câu truyện mà chính bà là người trong chuyện: Khoảng năm 1942, bà và một số người Đức bị đưa đi lưu đày xa quê hương. Tất cả là người Công Giáo và cùng lao động tại một nông trường, nơi ấy không có nhà thờ cũng không có linh mục. Nhưng mỗi chiều Chúa Nhật, họ được phép tụ họp trong một nghĩa trang để cầu nguyện với nhau. Khi biết cách đó một ngàn cây số, có linh mục thì họ quyết định hàng tháng đóng góp một số tiền để mua vé cho một bà già đi đến nơi đó mang Mình Thánh Chúa về cho họ chịu. Mỗi Chúa Nhật họ đều trung thành gặp gỡ nhau, sốt sắng cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, cuối tháng thì rước Mình Thánh Chúa. Trong suốt 20 năm dài, cộng đoàn Kitô hữu đó sống đùm bọc, yêu thương nhau cho đến năm 1962 được trả tự do. Bà già thuật lại câu chuyện trên chính là người điều khiển cộng đoàn cầu nguyện mỗi chiều Chúa Nhật. Sau khi kể lại câu chuyện này thì bà thêm: "Mặc dầu được thả về tự do, nhưng chúng tôi ra về với một niềm lưu luyến sâu đậm và nhớ nhung vô cùng những phút giây đoàn kết, yêu thương trong tình người và tình Chúa đó."

Câu chuyện cảm động ở trên một phần nào đã diễn tả được ý nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay. Hai môn đệ trên đường đi đến làng Emmau, một làng cách Giêrusalem 7 dặm, một môn đệ tên là Cleopha, còn môn đệ kia có thể là chính thánh Luca mà các nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng vì khiêm nhường nên thánh sử giấu tên.

Hai môn đệ cùng đi với nhau. "Hai người" chỉ về ý nghĩa cộng đoàn chứ không phải một người thì lẻ loi, đơn độc. Con người khi được gửi vào trần gian nầy là để sống cộng đoàn, tương trợ lẫn nhau, chứ không phải để sống đơn độc và ích kỷ. Xét về mặt xã hội thì sự tương trợ là một ích lợi cho thương mại, cho hội đoàn, cho pháp luật... Xét về mặt tôn giáo thì sự tương trợ là một điều đáng ca ngợi, chính Chúa Giêsu đã lên tiếng, "Nơi đâu có 2, 3 người họp nhau lại vì Danh Ta thì Ta ở giữa họ". Thiên Chúa đứng về phe những người đoàn kết, quan tâm nhau, chứ Ngài không về phe những ai chia rẽ, ích kỷ. Ngay từ thời Giáo hội sơ khai, sách Tông Đồ Công Vụ kể lại các tín hữu một trí một lòng, biết quan tâm đến nhau vì thế họ được toàn dân mến chuộng và càng ngày Chúa càng làm gia tăng số người vào Đạo.

Ngày nay khi nói đến từ ngữ "Emmau" người ta thường nhắm đến ý nghĩa "Đồng Hành" tức: cùng đi - cùng chia sẻ - cùng hưởng nhận - cùng khích lệ - cùng giúp đỡ - cùng lo cho nhau. Đời sống "đồng hành" căn bản đến từ đời sống gia đình, dòng tu, hội đoàn, giáo xứ, rồi Giáo Hội.

Tuy nhiên, nếu chỉ cậy vào sức con người thôi thì cho dù chúng ta có hợp nhau lại vẫn có nhiều vấn đề không thể giải quyết được, vì nó ở ngoài khả năng trí óc và bàn tay của chúng ta. Phúc âm nói rõ 2 môn đệ cùng đi với nhau lúc đầu thì họ buồn bã (có thể họ còn thất vọng và sợ sệt nữa), thế nhưng khi có Chúa Giêsu cùng đi với họ thì lòng họ ấm lên và hăng hái khác thường, đến nỗi ngay trong đêm đó họ quay trở lại Giêrusalem để báo tin cho 11 tông đồ. Chúng ta cũng cần có Thiên Chúa đồng hành với chúng ta để nhờ "bộ óc và bàn tay" của Ngài giải quyết các vấn đề cho chúng ta. Hơn nữa chính sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta hăng hái đi cho trọn con đường trên trần gian này.

Con đường Emmau là hình ảnh của con đường trên trần gian này. Kinh nghiệm lịch sử và chính cảm nghiệm cá nhân dạy chúng ta biết, con người không thể sống và phát triển ở môi trường lẻ loi, đơn độc được, trái lại con người cần tương trợ, đồng hành với nhau. Quan trọng hơn nữa là có Thiên Chúa đồng hành với chúng ta để dù đường có quanh co, hiểm trở cũng đừng lo, vì Chúa là "Đường" dẫn về đích dù trên đường có tối tăm, hang hóc cũng đừng lo vì chính Chúa là "Sự Sáng", dù cuối cùng tử thần có nhào tới bên chúng ta cũng đừng lo vì chính Chúa là "Sự Sống Lại."

 

23.Lời Chúa và Thánh Thể

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Sự kiện Chúa Giê-su phục sinh được các Thiên Thần loan báo cho các bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, bà Ma-ri-a, mẹ ông Gia-cô-bê và bà Sa-lô-mê (x. Lc 24, 1 – 12), các bà về thuật lại cho các Tông Đồ ở Ga-li-lê-a, hai môn đệ làng Emmaus trong nhóm các bà chẳng những chưa tin mà còn lo sợ (x. Lc 24). Chúa Giê-su Phục Sinh tiếp tục hiện ra dưới dáng dấp của một người lữ hành, tỏ ra không biết, rồi đồng cảm với hai ông, đã dùng Kinh Thánh để giải thích, bẻ bánh trước mặt hai ông, giúp lòng họ sốt sắng lên và làm cho mắt họ sáng ra để nhận ra Người (x. Lc 24, 13 – 35).

Trở lại Giê-ru-sa-lem, hai ông thuật lại cho các Tông đồ trong khung cảnh cửa đóng then cài. Đang lúc đứng bàn chuyện, Chúa Giê-su hiện đến với họ khiến họ kinh hoàng khiếp sợ “bối rối tưởng mình thấy ma” (Lc 24, 37).

“Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ” (Lc 24, 36). Đó là lời cầu chúc đầu tiên của Đức Ki-tô Phục sinh, kèm theo là những chứng tích ở tay chân với những vết thương, họ “vẫn còn chưa tin” (Lc 24, 41). Chúa phải nghĩ đến cách ăn cá nướng và mật ong, trích dẫn luật Môi-sen, lời các tiên tri và Thánh vịnh là những bằng chứng không thể sai lầm về sự phục sinh và cuộc sống mới của Chúa. Chính Chúa thực hiện những lời Sách Thánh đã chép, và tiếp theo bằng miệng: “Chính Thầy đây” (Lc 24, 39), đúng Thầy là sự thật và là sự sống. Đó là lý do tại sao các Tông đồ, những người ban đầu nghi ngờ, thậm chí khi nhìn thấy cơ thể sống của Chúa cũng chưa tin đã trở nên những chứng nhân rao giảng về sự sống lại của Chúa cách hùng hồn (x. Cv 4).

Lời Chúa sưởi ấm con tim

Giả bộ khách đồng hành, tham gia vào cuộc hành trình buồn bã của hai môn đệ, giữa bóng đêm của ngày đang qua và bóng tối đang phủ kín tâm trí họ, Chúa Giê-su Phục sinh bắt đầu gợi chuyện, nghe họ bộc bạch về đau khổ và thất vọng cũng như đắng cay của chính mình sau khi Thầy chết, các môn đệ tản mác mỗi người một ngả, đức tin của họ bị tan vỡ, mọi sự xem ra đã hết, các xác tín sụp đổ, niềm hy vọng tắt ngóm. Thấy họ buồn sầu như thế, Chúa nói chuyện với hai ông và “giải thích” Kinh Thánh, “bắt đầu từ Mô-sê và các tiên tri“, giúp họ hiểu rằng cuộc khổ nạn và cái chết của Ðấng Cứu Thế đã được thấy trước trong chương trình của Thiên chúa và được loan báo trước trong Thánh Kinh (x. Lc 24, 27). Như thế, Chúa đốt cháy lên trong con tim họ một ngọn lửa hy vọng. Khi đó hai mộn đệ cảm thấy một sức thu hút ngoại thường nơi con người bí mật ấy và mời Người ở lại với họ chiều hôm đó: “Mời ông ở lại với chúng tôi“, lý do “vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn” ( Lc 24, 29 ).

Thánh Thể mở mắt đức tin

“Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn” (Lc 24, 29 ). Đây là lời mời xin tha thiết của hai ông vào ngày thứ nhất trong tuần, lúc mà tâm hồn đang trĩu nặng vì buồn nản, đang trên đường trở về quê. Chúa Giê-su chấp nhận và cùng họ vào nhà và khi ngồi vào bàn Người làm phép và bẻ bánh, thì họ nhận ra Người, nhưng Người đã biến khỏi cái nhìn của họ, để họ lại đầy kinh ngạc. Họ không bao giờ nghĩ rằng người khách lạ ấy lại chính là Thầy mình mới sống lại. Hai ông đã nhận ra Người tại bàn ăn chỉ với một hành vi “bẻ bánh” đơn giản (Lc 24, 35). Khi trí khôn được chiếu sáng, con tim được đốt nóng, những dấu chỉ bắt đầu gợi lên lòng sốt mến và thôi thúc họ “Trỗi dậy trở về Giê-ru-sa-lem” (Lc 24, 33) để thuật lại tất cả những gì họ đã thấy và đã nghe cho “Mười một Tông đồ và các bạn khác đang tụ họp” (Lc 24, 33).

Lời Chúa và Thánh Thể trong đời sống người tín hữu

Lời Chúa giúp tâm hồn các ông nóng lại, mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Cử chỉ bẻ bánh giúp các môn đệ nhận ra Chúa Giê-su (x. Lc 24,35). Như thế, con đường về làng Emmaus trở thành con đường lòng tin của chúng ta: Thánh Kinh và Thánh Thể là hai yếu tố không thể thiếu được cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể luôn dọn sẵn cho chúng ta, chúng ta nghe Chúa nói, gặp gỡ và đón rước Chúa trong khi cử hành Thánh lễ và rước lễ. Hai môn đệ nhận ra Ðức Giê-su khi người bẻ bánh, liền về Giê-ru-sa-lem kể lại kinh nghiệm ngoại thường mà họ đã sống: đó là cuộc gặp gỡ với Ðấng Phục sinh.

Trong đời sống thường ngày của người tín hữu, có những lúc gặp khó khăn, thất vọng, dẫn đến buồn sầu trở về “làng Emmaus“, quay lưng lại với chương trình của Thiên Chúa, rời xa Thiên Chúa. Lời Chúa và Thánh Thể luôn luôn làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui như hai môn đệ làng Emmaus, sau khi đã “nhận ra” Chúa trong việc bẻ bánh, thì mau mắn trở lại Giê-ru-sa-lem lòng tràn đầy niềm vui, kể cho anh em mình tất cả những gì đã xảy ra. Niềm vui gặp gỡ Đấng Phục sinh, niềm vui phải lây sang người khác làm cho Giáo hội tăng trưởng và lớn mạnh nhờ những chứng tá nảy sinh từ niềm vui được đón nhận và được biến thành lời loan báo. Ðó là một niềm vui tông đồ, lan tỏa.

Thánh Phao-lô cũng bảo chúng ta: “Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền sự chết của Chúa cho tới khi Người đến“ (1 Cr 11, 26). Như thế, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu trở thành những chứng nhân, sẵn sàng loan báo cái chết và sự phục sinh của Ðức Ki-tô với lòng hăng say và niềm vui vì được gặp gỡ Chúa. Hãy để cho Lời Chúa sưởi ấm con tim và Thánh Thể Người mở đôi mắt đức tin của chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta bằng niềm hy vọng và tình bác ái, để chúng ta có thể đồng hành với các anh chị em buồn sầu và tuyệt vọng, sưởi ấm con tim họ với Tin Mừng, và bẻ bánh tình huynh đệ với họ.

Cùng với Mẹ Ma-ri-a, chúng ta nhìn lên Mẹ Ma-ri-a như gương mẫu để bắt chước. Xin Mẹ giúp chúng ta chiêm ngắm Chúa Giê-su Thánh Thể và nghe Lời Chúa, nhất là hăng say loan báo Tin Mừng Chúa sống lại để mọi người tin mà được cứu độ. Amen.

 

24.Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Ít ai biết đến "một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm" (Lc 24, 13), nếu không có một Người Bộ Hành mà hai môn đệ coi là "khách hành hương" cùng đi với họ thì ngôi làng Emmaus ấy đã bị lãng quên từ lầu rồi. Theo hai ông thì đây là khách hành hương duy nhất "không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay"(Lc 24, 18).

Chúng ta không biết tên của một trong hai môn đệ, chỉ biết một người tên là Clêophas, còn người kia thì không, có thể là mỗi người trong chúng ta, vào những giờ đen tối nhất của nghi ngờ, buồn thảm, mệt mỏi và chán nản, cuộc sống dường như thất bại, không thay đổi được quá trình của các sự kiện. Chúng ta không tiến bước, mà lại quay về với thực tại của quá khứ, trở thành gánh quá nặng, hoặc một mớ rối bòng bong, trốn chạy bằng con đường Emmaus. Hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh trong đời sống chúng ta.

Hai môn đệ trên đường Emmaus đã gắn bó với Đức Giêsu thành Nagiarét "với hy vọng Người sẽ cứu Israel" (Lc 24, 21). Rõ ràng, hai ông đã không "nghe" những lời cảnh báo lặp đi lặp lại của Thầy dành cho tất cả những ai muốn theo Người: "Phàm ai không vác khổ giá mình mà đi sau Ta, ắt không thể làm môn đồ của Ta" (Lc 14,27). Trong sự hào hứng của mình, họ đã "không ngồi mà trù liệu phí tổn, xem có đủ vốn đến lúc hoàn thành hay không?" (Lc 14, 28). Họ đã đặt nền móng, nhưng khi có thử thách về cuộc Khổ Nạn, họ bỏ dở: làm thế nào họ có thể tiếp tục mà không có một kế hoạch và không có người đứng đầu, tức là thợ cả? Bằng chứng lời Chúa chứng minh rằng họ thiếu cái gì đấy để tiếp tục và đi đến cùng việc xây dựng Nước Trời ở giữa họ.

Vì đã tham gia vào cuộc hành trình buồn bã của họ, giữa bóng đêm của ngày đang qua và bóng tối đang phủ kín tâm trí họ, Chúa Giêsu Phục Sinh bắt đầu gợi chuyện: "Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?" (Lc 24,17) Nghe hỏi thế, họ đã bộc bạch về sự đau khổ, thất vọng, đắng cay của chính mình sau khi Thầy chết, các môn đệ tản mác mỗi người một ngả, đức tin của họ bị tan vỡ, mọi sự xem ra đã hết, các xác tín sụp đổ, niềm hy vọng tắt ngúm. Chúa nói chuyện với hai ông và "giải thích" Kinh Thánh. Chúa chủ động trình bày cho họ, "bắt đầu từ Môsê và các tiên tri", mà tất cả Sách Thánh đều hướng về mầu nhiệm Con Người (x. Lc 24,27), làm cho tâm hồn họ “bừng cháy”. Chúa đã đem lại một tia sáng khơi lên niềm hy vọng, đưa họ ra khỏi bóng tối của phiền muộn và thất vọng, đánh thức nơi họ lòng khao khát muốn được ở gần Người, khiến họ nài ép: "Mời ông ở lại với chúng tôi", với lý do "vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn" (Lc 24,29).

"Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn" (Lc 24,29). Đây là lời mời xin tha thiết của hai ông vào ngày thứ nhất trong tuần, lúc mà tâm hồn đang trĩu nặng vì buồn nản, đang trên đường trở về quê. Họ không bao giờ nghĩ rằng người khách lạ ấy lại chính là Thầy mình mới sống lại. Hai ông đã nhận ra Người tại bàn ăn chỉ với một hành vi "bẻ bánh" đơn giản (Lc 24,35). Khi trí khôn được chiếu sáng, con tim được đốt nóng, những dấu chỉ bắt đầu gợi lên lòng sốt mến và thôi thúc họ "chỗi dậy trở về Giêrusalem" (Lc 24,33) để thuật lại tất cả những gì họ đã thấy và đã nghe cho "mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp" (Lc 24,33).

Hình ảnh hai môn đệ trên đường Emmaus có thể hình ảnh của mỗi gia đình chúng ta trong năm Phúc Âm Hóa Gia Đình này. Giữa biết bao vấn đề và khó khăn, ngay cả những thất vọng nặng nề, Người Bộ Hành Thần Linh vẫn tiếp tục đồng hành bên cạnh chúng ta, mở ra cho chúng ta những trang Kinh Thánh và hướng dẫn chúng ta hiểu sâu hơn những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chúng ta hãy van nài: Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con.

Chúa luôn ở với chúng ta, hãy năng đến gặp Người nơi Bí tích Thánh Thể và lắng nghe Lời Chúa. Chính Đấng Cứu Thế đã bảo đảm cho chúng ta về sự hiện diện hữu hình của Người ở giữa chúng ta, ngang qua Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể. Lời Chúa giúp tâm hồn các ông nóng lại, mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Cử chỉ bẻ bánh giúp các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu (x. Lc 24,35).

Chúng ta cũng vậy, bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể luôn dọn sẵn cho chúng ta, chúng ta nghe Chúa nói, gặp gỡ và đón rước Chúa trong khi cử hành Thánh lễ và rước lễ. Hai môn đệ nhận ra Đức Giêsu khi người bẻ bánh, liền về Giêrusalem kể lại kinh nghiệm ngoại thường mà họ đã sống: đó là cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh.

Thánh Phaolô cũng bảo chúng ta: "Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền sự chết của Chúa cho tới khi Người đến" (1Cr 11,26). Như thế, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu trở thành những chứng nhân, sẵn sàng loan báo cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô với lòng hăng say và niềm vui vì được gặp gỡ Chúa. Niềm vui ấy phải lây sang người khác làm cho Giáo Hội tăng trưởng. Giáo Hội lớn mạnh nhờ những chứng tá nảy sinh từ niềm vui được đón nhận và được biến thành lời loan báo. Đó là một niềm vui tông đồ, lan tỏa.

Cùng với Mẹ Maria trong tháng hoa này, chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria như gương mẫu để bắt chước. Xin Mẹ giúp chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể và nghe Lời Chúa, nhất là hăng say loan báo Tin Mừng Chúa sống lại để mọi người tin mà được cứu độ. Amen.

 

25.Con đường

Bài Phúc âm hôm nay (Lc 24, 13-35) kể lại câu chuyện hai môn đệ trên đường về Emmaus được gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh. Trong cuộc gặp gỡ này, chúng ta không thể không nhắc đến hai con đường. Con đường đó là con đường của con người và con đường của Thiên Chúa.

Con đường của con người

Lúc đầu, khi rời Emmaus lên đường theo Chúa Giêsu, hai môn đệ mang nhiều hoài bão và mơ ước về tương lai. Theo Thầy Giêsu, giống như những môn đệ khác, hai môn đệ này đã trao vào tay Chúa Giêsu tương lai của mình, trong đó đặt hết hy vọng nơi Thầy Giêsu. Một mai khi Chúa thành công, thì họ sẽ được ngồi bên tả và bên hữu Chúa, họ sẽ được nắm giữ những vai trò, những chức vụ quan trọng trong triều đình, trong vương quốc của Chúa. Tưởng chừng thành công nắm trong tầm tay. Thế nhưng Đấng Messia mình đặt hết hy vọng giờ đây đã chết. Thầy chết, trò tản mất. Thua to, mất trắng. Mộng đẹp không thành. Một tương lai tưởng chừng như huy hoàng sáng lạng giờ là một màu xám đen... Bây giờ trở về quê, tâm hồn của họ chất đầy buồn phiền, chán nản và thất vọng. Cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu trên thập gía làm tiêu tan niềm hy vọng của họ. Trở về quê đồng nghĩa bắt đầu lại cuộc đời từ vạch xuất phát, bắt đầu từ điềm số 0. Thật ngán ngẫm lắm chứ!

Có thể nói đoạn đường thăng trầm này biểu tượng cho đời sống đức tin của người Kitô hữu, những người lữ khách đang tiến bước về quê trời. Chúng ta cũng từng gặp những giai đoạn bão táp trong đời khi đi theo Chúa, khi mà đức tin chúng ta bị dao động do những tác động ngoại tại và cả trong nội tâm thiêng liêng của mình. Trong những giai đoạn giông bão này, rất có thể do ảnh hưởng đời sống vật chất: cơm áo gạo tiền...rất có thể do ảnh hưởng do sự thiếu trưởng thành trong đời sống đức tin của chúng ta, chẳng hạn chúng ta nghĩ lại: đi Lễ hoài mà thấy có được gì đâu? Theo Chúa thì thiệt thòi, thua lỗ, bỏ dở công việc làm ăn, không thể gian lận, không thể lường gạt,....Từ những suy nghĩ đó, chúng ta bị lôi kéo theo những trào lưu thế tục hiện đại, tưởng chừng tích cực, tưởng chừng nó có thể giúp chúng ta bước lên vinh quang...Tệ hại hơn chúng ta bị cám dỗ và phạm tội thất vọng đối với Giáo Hội, chống lại Giáo Hội, thậm chí còn đã từ bỏ Giáo Hội, không còn nhiệt tình và hăng say theo Chúa và nghe lời Giáo Hội nữa. Kết quả chúng ta nhận được là con số 0. Con đường con người là như thế đó. Nếu chỉ dừng lại tại đó, coi chừng có thể chúng ta sẽ chết trong suy nghĩ ấu trĩ của chính mình.

Con đường của Thiên Chúa.

Thiên Chúa có đường lối của Ngài. Thiên Chúa quyền năng và yêu thương. Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng trên nẻo đường cong. Trong phần sau câu chuyện trên đường Emmaus cho thấy điều đó. Các môn đệ muốn theo Chúa trên đường vinh quang nhưng Thiên Chúa thì đi con đường khác với suy nghĩ của các môn đệ. Chúa Giêsu phải chết rồi mới sống lại vinh quang. Thầy Giêsu đang hiện diện thật sự ngay bên cạnh họ. Thầy Giêsu đã giúp họ nhận ra Ngài. Thầy Giêsu đàm đạo, giải thích Thánh Kinh cho họ hiểu ý nghĩa của khổ nạn: "Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?" cái chết mang một ý nghĩa mới, mất mát trở thành điểm khởi đầu của những lợi lộc, thất bại trở thành khởi điểm của thành công, đau buồn giờ đã nhuốm mầm niềm vui hạnh phúc. Thầy Giêsu ăn uống với họ: "Người cần bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông" (Mt 24,30). Họ đã nhận ra Người. Sự hiện diện của Ngài đã làm cho cuộc đời trở nên có ý nghĩa, đêm tối trở thành ánh sáng. Nhờ Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể, hai môn đệ đã tìm thấy ý nghĩa của biến cố. Họ đã quay trở lại Giêrusalem nơi cuộc khổ nạn và cái chết bi đát đã xẩy ra và can đảm đối diện với nó bằng đức tin và niềm hy vọng. Phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể "làm thành một hành vi phụng tự duy nhất" của Giáo Hội (Sacrosanctum Concilium, 56). Người hướng dẫn ta qua Lời Chúa được ghi chép trong Kinh Thánh (Dei Verbum, đoạn 21, 25), và trở nên nguồn sức mạnh nuôi dưỡng linh hồn ta trong Bí tích Thánh Thể.

Hai môn đệ về lại Giêrusalem với một trách nhiệm cần phải chia sẻ những gì họ đã có được. Điều mà họ phải loan báo chính là con đường của Thiên Chúa, con đường của niềm vui, hy vọng, niềm tin và tình yêu. Trong đêm tối người ta khó tin có mặt trời nhưng sự thực mặt trời vẫn luôn có đó. Trong đau khổ, người ta khó tin có Thiên Chúa, nhưng thực sự Thiên Chúa vẫn có đó. Vì Đức Kitô đã sống lại và đang đồng hành với chúng ta. Thiếu tình yêu của Đấng phục sinh khiến chúng ta có thể khó thấy con đường của Thiên Chúa, làm cho chúng ta dễ dàng ham vinh quang và địa vị xã hội, mặc dù có phải chà đạp lên kẻ khác. Thiếu tình yêu của Đấng phục sinh khiến chúng ta khó có thể thấy con đường của Thiên Chúa, sẽ làm chúng ta có thể ham tiền tài. Khi đó, chúng ta vật lộn, nai lưng ra để tìm tiền kiếm bạc, cho dù có phải vùi dập bản thân, gia đình và hành động bất công với những người chung quanh. Thiếu tình yêu của Đấng phục sinh khiến chúng ta có thể ham thích những vui thú phần xác. Chúng ta không còn ham thích sống đời đạo đức, dễ dàng bỏ Chúa, sẵn sàng bỏ Hội Thánh. Vì chúng ta không nhận ra con đường của Thiên Chúa.

Từ kinh nghiệm của hai môn đệ ấy, xem lại bản thân chúng ta. Chúng ta nhìn nhận rằng: Chúa hiện diện trong cuộc đời chúng ta, Chúa có con đường riêng dành cho chúng ta nhưng chúng ta vẫn không ra Ngài. Ngài ngự trong lòng chúng ta qua Bí tích Thánh Thể, ý muốn của Ngài trong lương tâm ngay chính; Ngài cùng bước đi với chúng ta nơi tha nhân, nơi những anh em nghèo đói, bệnh tật, Ngài thật sự hiện diện nơi những người thiếu ánh sáng Tin mừng niềm tin và hy vọng. Con đường của Thiên Chúa thật bình thường và cũng thật kỳ diệu biết bao. Hãy mở lòng ra thì chúng ta sẽ nhận ra Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, giữa những nghịch cảnh phong ba cuộc đời này, xin cho chúng con luôn xác tín Chúa luôn hiện diện và quan phòng chăm sóc chúng con, để chúng con sống bình an, tin tưởng và vui tươi theo Chúa. Cho chúng con dễ dàng nhận ra Chúa đang hiện diện và mời gọi chúng con tiếp đón Chúa nơi tha nhân. Amen.

 

26.Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Thể Hiện

CHÚA GIÊSU PHỤC SINH VÀ

HAI MÔN ĐỆ TRÊN ĐƯỜNG EMMAU

Bài Tin Mừng hôm nay (Lc 24,13-35) kể cho chúng ta một câu chuyện rất cảm động về sự hiện diện và về vai trò của Chúa Phục Sinh trong cuộc sống của các đồ đệ Chúa Kitô.

“Hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra [tức là về biến cố Đức Giêsu bị đóng đinh và về sự kiện ngôi mộ trống]. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa tranh luận với nhau về chuyện gì vậy?" Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. Một trong hai người tên là Clêôpas trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay" (cc.13-18).

“Đức Giêsu hỏi: "Chuyện gì vậy?" (c.19a). Câu hỏi này của Đức Giêsu dẫn trình thuật vào một câu trả lời rõ ràng mang tính chất một lời rao giảng của Hội Thánh tiên khởi, nhưng còn thiếu lời công bố mầu nhiệm phục sinh và thiếu quy chiếu Thánh Kinh: “Họ thưa: "Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng tôi đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy" (cc.19b-24).

Sự thất vọng do bởi cái chết của Đức Giêsu đã không hề khiến các đồ đệ đưa ra những phán đoán tiêu cực về Ngài. Các ông đã không hề coi Ngài là một ngôn sứ giả chẳng hạn. Cuộc khổ nạn đã không làm cho cuộc sống thế tạm của Đức Giêsu, vốn đầy uy thế trước mặt Thiên Chúa và toàn dân, trở nên không còn giá trị. Ngài vẫn là một ngôn sứ vĩ đại “trong việc làm cũng như trong lời nói”. Cái chết của Đức Giêsu, mặc dù là cái chết thập giá, không hề bị coi là dấu hiệu của sự chúc dữ của Thiên Chúa như cách hiểu sai lầm của “các thượng tế và thủ lãnh của chúng tôi”. Nhưng cái chết ấy quả thực đã đặt dấu chấm hết cho sự kỳ vọng của các đồ đệ, sự kỳ vọng về một cuộc giải phóng theo nghĩa phục hưng dân tộc Israel. Những dấu hiệu của sự phục sinh cũng được nhắc đến, nhưng chính Đấng Phục Sinh thì họ chưa được gặp. Và vì thế, họ chán nản và thất vọng.

“Bấy giờ Đức Giêsu nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!” (c.25). Chúa Phục Sinh, vốn từ đầu câu chuyện chỉ là người lắng nghe, bây giờ trở thành chủ thể hành động và dẫn dắt sự tình. Trước tiên, Người khiển trách các ông chậm tin vào lời các ngôn sứ. Đoạn Ngài nói tiếp: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (c.26).

“Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (c.27). Ở đây, chúng ta gặp một chủ đề quan trọng trong Lc: việc giải thích Sách Thánh trong Hội Thánh. Tác giả khẳng định rằng: chính Chúa Giêsu Phục Sinh là Đấng giải thích “những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh”. Ngài mở ra cho các đồ đệ sự hiểu biết đích thật về Sách Thánh, và như thế, Ngài chính là nguồn mạch của những suy niệm Kitô giáo về Sách Thánh. Tác giả Tin Mừng không đề cập đến một đoạn Sách Thánh cụ thể nào, nhưng nghĩ tới Sách Thánh trong tính cách toàn thể của Sách Thánh. Chính Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện ở ngọn nguồn của việc giải thích mang tính Kitô luận về Sách Thánh Cựu Ước. Việc đọc Sách Thánh của các Kitô hữu và lời rao giảng của Hội Thánh tìm thấy nơi chính Chúa Phục Sinh những đảm bảo chắc chắn cho tính chính thực của mình.

“Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất” (cc.28-31). Có lẽ Chúa Giêsu đã bẻ bánh như là một hành động mang tính nghi lễ trong bữa ăn bình thường của người Do Thái. Nhưng đối với những người đọc là Kitô hữu, các hạn từ được tác giả Lc lựa chọn để miêu tả hành động này lại rất có ý nghĩa: chúng rõ ràng là những cách nói về việc cử hành Thánh Thể; và thực chất, đối với Lc cách riêng, “bẻ bánh” là thuật ngữ chuyên dùng để chỉ bữa tiệc Thánh Thể (x. Cv 2,42.46; 20,7). Đàng khác, ngữ cảnh cũng hướng đến cách đọc theo nghĩa Tiệc Thánh Thể, và do đó, nhấn mạnh đến ý nghĩa giáo lý hơn là giá trị sử học của hành động bẻ bánh mà Chúa Giêsu thực hiện ở câu 30.

Chính trong Tiệc Thánh Thể, cuộc gặp gỡ trong lòng tin của các đồ đệ với Đức Chúa Phục Sinh đã được thực hiện. Họ chợt nhận ra rằng Ngài vẫn hiện diện gần gũi với họ từ trước, trong cuộc hành trình cuộc đời họ. “Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?" (c.32).

“Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó” (c.33). Bất chấp đêm tối, trong ánh sáng của lòng tin và của kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Phục Sinh, các đồ đệ quay trở về nơi đã xảy ra biến cố Phục Sinh, điểm xuất phát của lời rao giảng của các Tông Đồ. Đó là cuộc trở về hiệp thông với Nhóm Mười Một và các anh em khác, tức là với hạt nhân của Hội Thánh vừa được khai sinh.

Nhưng trước khi hai đồ đệ Emmau có thể kể lại trải nghiệm của chính họ, thì họ được nghe Nhóm Mười Một công bố tin mừng phục sinh. “Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn" (c.34). Rõ ràng tác giả Tin Mừng muốn nói: lòng tin của các chứng nhân chính thức (Nhóm Mười Một) và của cộng đoàn tiên khởi không dựa trên lời chứng của các nhân vật nào khác nếu không phải trước hết là kinh nghiệm thiết thân của chính ông Phêrô, người đứng đầu tập thể các Tông Đồ. Chính kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh của Nhóm Mười Một mà ông Phêrô đứng đầu đó sẽ xác định giá trị của chứng từ mà hai đồ đệ Emmau công bố, chứ không phải là những câu chuyện của các phụ nữ về ngôi mộ trống.

Bấy giờ, “hai ông thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (c.35). Hai đồ đệ Emmau đã kể lại cho Nhóm Mười Một và các anh em đang quây quần bên Nhóm Mười Một những trải nghiệm của họ. Tuy nhiên, chứng từ của họ lúc này sẽ chỉ là chứng từ thêm vào và xác nhận chứng từ của các Tông Đồ mà thôi. Đáng chú ý là tác giả Tin Mừng đã cố ý nhấn mạnh hai điểm quan trọng trong kinh nghiệm Emmau: (1) “những gì đã xảy ra dọc đường” tức là việc Đức Giêsu đồng hành và giải thích Sách Thánh cho các đồ đệ; (2) việc các ông “nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh”. Rõ ràng là đối với cộng đoàn Kitô hữu, Thánh Kinh và Thánh Thể chính là nơi gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh.

Gợi ý suy niệm và chia sẻ

1. Chúa Giêsu Phục Sinh là Đấng hiệp nhất cộng đoàn các đồ đệ của Ngài.

Trong phần thứ nhất của bài Tin Mừng (cc. 13-24), một trong những yếu tố nổi bật là sự chia tách. Hai đồ đệ rời khỏi Giêrusalem, nơi xảy ra biến cố Phục Sinh, và rời xa nhóm các đồ đệ (c.13); giữa hai ông hình như cũng xảy ra những sự bất đồng (c.17: động từ antiballein có thể được hiểu là tranh luận) và nhất là khoảng cách lớn lao giữa hai ông với Chúa Phục Sinh mà các ông tưởng là một người xa lạ, và giữa hai ông với những biến cố cứu độ mà các ông chưa hiểu thấu. Vì thế, các ông buồn bã (c.17), nói cách khác, các ông đang ở trong một tình trạng bi đát và thất vọng ê chề. Chúa Giêsu đến trong tình cảnh bi đát ấy. Ngài đi vào tận điểm trung tâm của tình cảnh chia ly và xa cách đó. Và từ câu 25 của trình thuật, tất cả đã thay đổi. Chúa Giêsu Phục Sinh đảm nhận vai trò là chủ thể hành động và chính Ngài làm chủ tình hình. Ngài giải thích cho hai đồ đệ những biến cố xảy ra dưới ánh sáng Thánh Kinh, rồi chính Ngài “bẻ bánh”. Lập tức, những khoảng cách được xoá bỏ. Chúa Phục Sinh được các đồ đệ nhận biết, tâm hồn các đồ đệ “bừng cháy lên”, họ quay trở lại Giêrusalem, trở về trong cộng đoàn các chứng nhân.

Rất nhiều khi, trong cuộc sống thực tế của cộng đoàn Hội Thánh, xảy đến những tình trạng chia rẽ và xa cách… Chính Chúa Phục Sinh, trong Lời và Thánh Thể của Ngài, là nguyên lý thiết yếu và tối hậu kiến tạo sự hiệp nhất của cộng đoàn Hội Thánh. Sự gặp gỡ thiết thân của mỗi người chúng ta với Chúa Phục Sinh chính là yếu tố quyết định đưa chúng ta đến sự hiệp thông và hiệp nhất đích thực trong lòng Hội Thánh.

2. Thánh Thể, dấu chỉ tuyệt hảo về sự hiện diện của Chúa Phục Sinh giữa những kẻ thuộc về Ngài, chính là đỉnh điểm và là xuất phát điểm của đời sống Kitô hữu.

Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay cho thấy: Kinh Thánh chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Đức Chúa Phục Sinh, và Đức Chúa Phục Sinh được các đồ đệ nhận biết trong Thánh Thể. Để vượt thắng những chướng ngại vật đang ngăn cản các đồ đệ nhận ra Chúa Giêsu, rõ ràng phải có sự lắng nghe lời Kinh Thánh được giải thích trong Chúa Kitô và bởi Chúa Kitô; và một khi tâm hồn của các ông đã “bừng cháy lên” nhờ lời Kinh Thánh đó, thì chính trong hành động “bẻ bánh” nhiệm mầu của Chúa Giêsu, các ông nhận ra Người. Rồi từ cuộc gặp gỡ thiết thân trong Thánh Thể ấy, lòng tin bừng sáng. Chính trong Thánh Thể, các tín hữu được mời gọi tham dự bàn tiệc do Chúa Kitô Phục Sinh chủ toạ. Ở đó, họ sẽ được trải nghiệm sự hiện diện mầu nhiệm và rất thực của chính Ngài.

3. Chúa Phục Sinh luôn đồng hành với chúng ta.

Một trong những sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài Tin Mừng hôm nay là chủ đề “hành trình”, vốn là một chủ đề quan trọng trong Lc. Trình thuật Emmau hôm nay khai triển chủ đề này cách đặc biệt. Trong cuộc hành trình của mình, người đồ đệ không cô độc. Theo một cách thức vô hình nhưng rất thực, Chúa Giêsu Phục Sinh đồng hành với người đồ đệ trên những nẻo đường cuộc sống, và đưa họ đến chỗ gặp gỡ chính Ngài. Chính Ngài giúp đỡ người đồ đệ nhận ra Ngài trong lòng tin đã được soi sáng bởi Kinh Thánh và trong ân huệ Thánh Thể. Nhưng một khi người đồ đệ đã được trải nghiệm sự hiện diện gần gũi và rất thực của Ngài, thì Chúa Phục Sinh liền thoát khỏi sự chiếm hữu của anh ta, để lại mời gọi anh ta lên đường làm chứng cho sự hiện diện thực sự của Ngài. Đó cũng là thực tại vẫn đang diễn ra trong cuộc sống hiện tại của chúng ta hôm nay vậy.

 

27.Niềm vui bừng sáng

(Suy niệm của Lm. Vũ Đình Tường)

Con tim rực sáng hay con tim vui trở lại khi con tim đó tìm được nguồn vui. Đây chính là cảm nghiệm của hai người đi trên đường làng Emau. Khởi hành chuyến đi là cuộc hành trình buồn thảm, kéo dài những ngày đen tối. Dọc đường hai người đã trò chuyện cùng kẻ đồng hành và họ đã mở bầu tâm sự cùng người đó. Người đó là ai mãi đến cuối ngày họ mới nhận ra và nhờ thế mà con tim của họ bừng lên niềm vui rộn rã.

Hai người đồng hành trên đường Emau không thuộc nhóm 12 tông đồ vì câu 33 ghi lại các ông thuật lại mọi sự cho nhóm 11 tông đồ. Một trong hai ông cũng đã nghe thuật lại chuyện mồ trống trong câu 24 khi họ nói trong số bạn bè chúng tôi ra thăm mộ thì thấy mộ trống đúng như các bà thuật lại còn xác Ngài thì không ai thấy.

Đức Kitô sống lại và đã hiện ra với các môn đệ, các bà yêu mến Chúa và hiện ra ở nhiều thời điểm khác nhau nhưng không ai nhận ra Ngài. Điều này cho biết Đức Kitô Phục Sinh mang hình ảnh giống chúng ta, giọng nói giống chúng ta nên dù có gặp gỡ cũng lầm tưởng là một người bình thường nào đó. Người ta chỉ nhận ra khi Ngài cho phép. Hai người trên đường làng Emau đi cùng đường, sánh vai, sánh bước, đàm thoại, lắng nghe nhưng không nhận ra. Cuộc đối thoại về tôn giáo kéo dài, khởi đầu từ tổ phụ Môsê cho đến hết các tiên tri rồi Kinh Thánh nói về Đức Kitô. Dù nói, dù lắng nghe, dù đồng hành nhưng không nhận ra Đức Kitô. Đến chiều tối Ngài định tiếp tục nhưng hai người đưa lòng mến, ngưỡng mộ mời lại dùng bữa tối. Chính việc bác ái này dẫn đến bàn ăn tối. Tại bàn ăn Đức Kitô đã lập lại việc Ngài làm trong bữa Tiệc Li. Hành động bẻ bánh, dâng lời tạ ơn đã sưởi ấm con tim sầu thảm, mang lại niềm vui nồng nàn. Chính trong lúc vui mừng này Ngài biến mất trước mắt các ông. Hai người vội vã bước đi trong màn đêm báo tin vui. Tại bàn ăn người đi đường lập lại chính xác những gì xảy ra trong bữa Tiệc Li và các ông đã tự thú: phải chăng con tim của chúng ta không bừng cháy khi Ngài giải thích về Kinh Thánh cho chúng ta trên đường đi.

Câu chuyện trên đường Emau cho biết biết yêu mến Đức Kitô và có kiến thức về Ngài là hai việc khác nhau. Yêu ai không có nghĩa là biết rõ về người đó. Để yêu thì cần biết ít nhiều về người đó và từ từ khám phá thêm về người đó. Để yêu mến Đức Kitô điều cần biết là tình yêu và giáo lí Ngài giảng dậy rồi từ đó học biết thêm về tình yêu Ngài. Để làm được điều này cần có tấm lòng chân thành, cởi mở đón nhận Thánh Thần Chúa hướng dẫn.

Có kiến thức về Đức Kitô không có nghĩa là yêu mến Ngài. Để yêu mến cần con tim. Kiến thức về Đức Kitô là điều cần có nhưng không phải là yếu tố quyết định tin theo. Biết bao người có kiến thức về Đức Kitô và coi chúng như là những chứng tích lịch sử hơn là chứng tích niềm tin của tiền nhân. Nhìn sự việc như chứng tích lịch sử dẫn đến việc nhận biết Đức Kitô trong lịch sử. Nhìn nhận những chứng tích lịch sử như là dấu tích niềm tin của tiền nhân dẫn đến việc tin vào Đức Kitô Phục Sinh. Ngài đã chết, sống lại, cùng đồng hành với tiền nhân và hiện còn đang đồng hành với những ai tin vào Ngài. Để làm được điều này cần có ơn Chúa, cần có linh ứng của Thánh Thần Chúa và cần sẵn lòng bước theo với con tim nồng cháy.

 

28.Ánh Sáng: Ơn Ban của Chúa Kitô Phục Sinh

(Suy niệm của Phan Tiến Dũng)

Ánh Sáng là ơn ban của Chúa Kitô Phục Sinh, luôn chiếu tỏa trên các môn đệ Chúa và tất cả những người tin vào Ngài. Chính ánh sáng này đem lại sự bình an cho những ai được chiếu tỏa, để một khi họ tin nhận được, ánh sáng sẽ đi vào trong cuộc đời thường ngày, giúp họ vượt qua được những khó khăn và thăng trầm trong cuộc sống; đặc biệt ánh sáng của Chúa Giêsu giúp cho chúng ta ngày càng ý thức và nhận rõ ràng hơn về chính Đức Kitô là Thiên Chúa và sứ vụ cứu độ của Ngài.

Bài CVTĐ nói cho chúng ta biết, Phêrô con người bình thường như bao môn đệ khác, và ngay cả nhiều yếu đuối, tội lỗi; nhưng giờ đây Ngài lại rao giảng về Đức Giêsu Nazareth, Đấng đã vì nhân loại tội lỗi mà chịu khổ hình và chết trên thập giá. Tại sao Phêrô và các môn đệ lại được ơn như vậy, bởi vì chính ánh sáng của ơn cứu độ, từ thập giá và sự phục sinh của Chúa đã chiếu tỏa, ánh sáng này giúp cho các Ngài chấp nhận và vững tin vào Chúa Giêsu. Nhờ đó, các Ngài nhận được ơn can đảm và sức mạnh hầu giúp các Ngài luôn hân hoan trong Chúa, nơi sứ vụ của mình.

Từ thư thứ 1 của Phêrô, Ngài đã rao giảng và làm chứng cho chúng ta biết, ánh sáng được ban cho chúng ta là đến từ Đức Kitô, Đấng đã phục sinh, Đức Giêsu là “Con Chiên Tinh Tuyền”, qua sự hy sinh của Ngài, và với giá máu châu báu mà Ngài đã đổ ra từ thương tích của thập giá, ban cho chúng ta thần lương sự sống. Thần lương này trao ban cho mọi người, nhưng chỉ những ai tin và đón nhận thì được ơn thánh.

Tin mừng của Luca nói cho chúng ta biết, Chúa Giêsu Phục Sinh đã đồng hành và cùng đi vào trong cuộc sống của con người, cụ thể là với hai môn đệ trên đường về làng Emaus. Các ông ra về trong tâm trạng buồn chán, muốn rút lui, vì các ông đã không còn gì để bám víu và tin nữa. Vì người mà họ đã tin và từ bỏ mọi sự mà theo, giờ đã chết, và xác của Ngài cũng không còn. Chính trong hoàn cảnh bi thương như vậy, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với các ông. Chúa Giêsu đã can thiệp bằng ánh sáng của Ngài. Ánh sáng này soi dẫn khi Chúa chia sẽ Lời Chúa và mở trí cho các ông hiểu về Kinh thánh và về sứ vụ của Chúa Giêsu. Ánh sáng của Chúa cũng chiếu tỏa trên các ông, khi Ngài cùng ngồi bàn và “Bẻ Bánh” trao cho các ông, và nhờ đó mà họ nhận ra Ngài. Nhờ Ánh sáng của Kinh Thánh và Ánh sáng từ “bàn tiệc bẻ bánh” giúp cho hai môn đệ mở lòng, mở con mắt đức tin. Họ đã nhận ra Người, lòng họ sáng ra, hân hoan, mau chóng trở lại Giêrusalem. Ánh sáng đó đã giúp họ có lại đức tin vào Chúa Giêsu, đức tin mà trước đây họ tin còn rất mơ hồ, thì giờ đây đức tin đạt được là chân thật và kiên vững; nhờ đó mà các ông quay trở lại với Chúa và sứ vụ mà Ngài trao cho họ.

Ngày nay Thiên Chúa qua nhiều cách thế cũng đang đồng hành và cũng đang can thiệp vào chính cuộc sống của mỗi người chúng ta. Cách chiếu tỏa ánh sáng và can thiệp đó hữu hiệu nhất là bí tích tình yêu Thánh Thể. Đọc lại tin mừng hôm nay chúng ta thấy phần nào tương tự tiến trình của Thánh lễ, với Bàn tiệc Phụng vụ Lời Chúa và Bàn tiệc Phụng vụ Thánh Thể. Đây chính là “ánh sáng tình yêu” của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua chính Lời Hằng Sống và qua Hiến Tế Hy Sinh của Đức Kitô. Khi chúng ta tham dự, và để cho Chúa hiện diện ban ơn chiếu tỏa ánh sáng ơn sủng của Ngài, chúng ta sẽ được ơn biến đổi, ơn thánh hóa và tha thứ.

Anh chị em thân mến, trong những hoàn cảnh khó khăn của chúng ta hiện nay khi dịch bệnh và nền kinh tế đang làm nhiều người phải đau khổ, tuyệt vọng, và không còn chỗ nào hay còn ai để bám víu vào. Vậy chúng ta hãy bám víu vào Chúa Phục Sinh, bằng cách xin Ngài cũng đến với chúng ta, đồng hành và chia vui sẻ buồn với chúng ta. Xin cho ánh sáng của Lời Chúa và Thánh Thể luôn chiếu tỏa ơn thánh Chúa trên chúng con. Nhờ đó, giúp chúng con tái khám phá ơn Chúa từ hai bàn tiệc này, để chúng con có được niềm hy vọng, niềm tin và sức mạnh hầu chu toàn thánh ý Chúa trong sứ vụ và ơn gọi của chúng con. Amen.

 

29.Từ tuyệt vọng đến chia sẻ – Achille Degeest.

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Đoạn độc nhất đầy đủ chi tiết mà chúng ta có được của một giai đoạn liên quan đến sự sống lại, là bài tường thuật kỳ diệu kể việc Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ trên đường Emmau. Nó tạo nên một trường hợp điển hình về tính cách bất ngờ đột ngột của những lần Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, điều này có vẻ củng cố giả thuyết về ảo giác thỉnh thoảng được đưa ra; tuy nhiên ảo giác là một hiện tượng thường xảy ra khi người ta chờ đợi, mong ước mãnh liệt một điều gì. Sự đồng hoá làng Emmau gây ra những khó khăn; nhưng các nhà chuyên môn nghĩ rằng đó là nơi hiện nay gọi là El-Kubebe, ở cách Giêrusalem chừng mười ba cây số. Dõi theo bài tường thuật, chúng ta nêu lên một vài nhận xét.

1) Mắt họ bị ngăn che không nhận ra được Ngài.

Người ta có thể tự hỏi tại sao và như thế nào? Nên nhớ rằng lối hiện hữu thể xác của Chúa Giêsu sống lại khác với lối hiện hữu trước khi chết. Chúa Giêsu có được một sự tự do tuyệt đối trong việc lựa chọn dáng vẻ bề ngoài, cũng như trong cách thế di chuyển… Một cách loại suy, chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa Giêsu đôi khi gần bên chúng ta và vì một lý do nào đó chúng ta không nhận ra Ngài. Chẳng hạn có thể xảy ra trường hợp trong cơn bị thử thách cùng cực, chúng ta không thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa; và lắm lúc sau đó chúng ta mới nhận ra sự can thiệp của Thiên Chúa.

2) Chúng tôi đã hy vọng rằng chính Ngài là Đấng sẽ giải thoát Israel.

Câu nói ngắn ngủi này che dấu thảm kịch sâu xa bên trong của các môn đệ và tông đồ. Niềm hy vọng của họ nơi Chúa Giêsu diễn tiến trên bình diện trần thế. Trong những tháng dài, cố gắng sư phạm của Chúa Giêsu là đưa niềm hy vọng của họ lên một bình diện cao hơn, bình diện Nước vĩnh cửu. Phải đợi đến lễ Hiện Xuống, để có thể đạt được mức độ niềm tin thật nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Trong lúc chờ đợi, niềm tin này bị thử thách một cách ghê gớm.

3) Những trí lòng chậm tin vào mọi điều các tiên tri đã nói.

Khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu cho họ một bài học bằng sự vật. Ngài dẫn đưa tâm trí họ đến một sự khám phá: Ngài thật là ánh sáng làm cho người ta hiểu Kinh Thánh. Ngày nay cũng đừng quên rằng, Chúa Kitô là chìa khoá mở sách Kinh Thánh. Ngài là lời của Thiên Chúa, lời mang lại sức sống cho các đoạn sách, cho các lời nói trong Kinh Thánh.

4) Lòng chúng ta lại đã không cháy bừng bừng.

Từ câu này ta hãy giữ lại vài bài học thiêng liêng. Trước hết Chúa Giêsu không mang cho các môn đệ một lời giải thích Kinh Thánh trên bình diện thuần tuý tri thức; nhưng Ngài đánh động vào chiều sâu. Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta đừng bằng lòng với việc tìm kiếm tri thức, nhưng hãy đặt trong tinh thần cầu nguyện. Tiếp đến, trong cách thức đồng hành với con người thời đại, trong ước muốn mặc khải Chúa Kitô, hãy nhớ rằng chúng ta chỉ có thể đánh động tâm hồn họ theo mức độ Chúa Giêsu Phục Sinh sống và chiếu toả trong chúng ta.

5) Hãy lưu lại với chúng tôi… Và xảy ra là khi vào bàn với họ Ngài cầm lấy bánh…

Chúng ta hãy để mình chiều theo sức gợi cảm kỳ diệu chứa đựng ở đoạn cuối câu chuyện các môn đệ thành Emmau. Đặc biệt chúng ta tự hỏi: với người xa lạ nào chúng ta nói: “Hãy lưu lại với chúng tôi”, ‘hãy chia sẻ cơm bánh của chúng tôi’? Trong đời sống, chúng ta có biết thật sự tiếp đón và chia sẻ đáp lại lời nói của Đức Phaolô VI, chúng ta có thể nói rằng: “Giáo Hội hôm nay phải chia sẻ nhiều hơn để Chúa Kitô được biết đến nhiều hơn. Mà ‘Giáo Hội’ tức là mỗi một người trong chúng ta.

 

30.Họ nhận ra Người

(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)

Trang sử này của thánh Luca đã được các nhà chú giải chú ý đến rất nhiều và đã khai thác từng chữ, từng câu. Nhưng ở đây, chúng ta chỉ muốn tìm xem Chúa hành động như thế nào đối với chúng ta và muốn gì nơi chúng ta.

Ngày thứ nhất trong tuần, đối với các tông đồ, ngày này là ngày bận rộn nhất, đầy những biến cố vui buồn lẫn lộn và đầy ý nghĩa nhất vì chứa đựng nhiều sự kiện có tầm quan trọng không thể tưởng được đối với những người liên hệ, trong đó có chúng ta.

Sáng tinh sương, Maria Macđala đã tìm thấy ngôi mộ trống, Phêrô và người môn đệ Chúa thương nhìn thấy những băng vải, mọi sự đang còn mập mờ chưa rõ, Hai môn đệ thành Emmau rời nhóm môn đệ về quê vì “không thấy Thầy”. Trên đường họ trò chuyện với nhau và có người thứ ba cùng đi một hướng với họ nhập vào nhóm cho có bạn.

Người bạn đường nhận thấy dáng vẻ buồn sầu của họ, đã lên tiếng hỏi thăm. Một trong hai người là Cơlêôpat mới thố lộ tâm tình: “Chuyện ông Giêsu Nadaret…”

Và ông đã ngắn gọn tóm lại cả thân thế Chúa Giêsu, cả những biến cố của việc phục sinh. Và ông kết luận: “Chính Người thì chúng tôi không thấy”. Họ buồn khổ vì họ đã vỡ mộng. Theo ông Giêsu, “một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân”. Họ buồn nản chỉ vì mộng của họ quá to. Thầy của họ là một ngôn sứ, là một người có thế giá trước mặt Thiên Chúa và cả toàn dân, thì sau này, họ sẽ được một chỗ đứng quan trọng. Nhưng mọi sự không như họ tưởng, tất cả hy vọng kia đã bị chôn vùi dưới ngôi mộ. Thấy uy thế của họ đã thất bại thảm thương. Họ không còn gì để bám víu nữa. Người ta nói rằng Ngài đã sống lại nhưng họ vẫn không thấy Ngài. Họ nghe mà không thấy. Cũng như Tôma, nghe mà không thấy.

Người bạn đồng hành trách họ bằng một câu nặng nề nhưng đầy thân mật: “Ồ, các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Đấng Kitô lại chẳng phải chịu cực hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” Rồi bắt đầu từ ông Môsê và qua tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. Những trang sử cũ xưa hôm nay sống lại qua lời nói của người bạn đường không quen biết. Tất cả sống lại trong tâm hồn đang bị dày vò bởi những nỗi thất vọng não nề. Họ chăm chú nghe và từ từ họ thấy sáng lên những tia hy vọng đã phụt tắt. Nhưng họ chưa nhận ra người bạn đồng hành đó là ai. Thánh Gioan nói: “Mắt họ bị che phủ” bởi những tham vọng quá to của họ.

Chúng ta cũng thế. Thờ Chúa, nhưng chúng ta cứ mơ tưởng những gì không phải là Chúa. Chúng ta tìm Chúa nơi không có Chúa thì làm sao nhận ra Ngài? Hay chúng ta chỉ trông chờ những hồng ân vật chất mà không nhìn thấy những gì Chúa mang đến cho chúng ta. Mắt chúng ta cũng bị che mờ vì những tham vọng trần thế mà lãng quên điều chính yếu, điều chính yếu là Ngài. Tiên tri Isaia đã nói: “Hãy tìm Chúa khi còn tìm được”.

Đoạn đường dài hơn mười hai cây số sắp kết thúc và trời đã về chiều. Lúc ấy họ còn muốn nghe, vì họ đã sống lại những giờ phút thật thú vị. Tất cả lịch sử về Đấng Cứu Độ đã được sống lại trong tâm trí họ. Họ mới hiểu rằng sự thống khổ, thập giá mới là con đường vững chắc nhất đưa đến vinh quang. Hai ông nài xin Ngài ở lại vì người bạn đường kia muốn đi xa hơn, muốn rời bỏ họ: “Xin mời anh ở lại với chúng tôi vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn”. Ngài vào nhà và ở lại với họ”. Ngài không từ chối lời mời gọi khẩn thiết của họ. Trong sách Khải Huyền, Chúa nói: “Ta đứng ngoài và gõ cửa. Ai mở cho Ta, Ta sẽ vào và ăn tối với người ấy”. Ở đây chính các môn đệ mời Ngài và Ngài chấp nhận.

Chúng ta có mời gọi Ngài ở lại với chúng ta không? Khi tâm hồn chúng ta chỉ còn là trời chiều buồn tẻ, cô đơn? Ngài lắng nghe những tiếng nói sầu muộn của chúng ta như đã nghe những lời tâm sự thất vọng của ông Cơlêôpat. Phúc cho chúng ta vì chúng ta có một Thiên Chúa thật nhân từ, nhẫn nại, luôn lắng nghe tất cả, thông cảm tất cả những nỗi niềm đau khổ của chúng ta. Chúng ta tìm an ủi ở nơi đâu mà không đến với Chúa là Đấng đã yêu thương chúng ta đến nỗi không từ chối chúng ta điều gì?

Đây là một quán trọ. Người ta dọn bánh và thức ăn. Các khách lữ hành đã thấm mệt. Họ cần ăn, và Chúa đã cho họ ăn một thứ của ăn họ không ngờ: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và nhận ra Người”. Ngài đã mở mắt họ bằng lời Kinh Thánh suốt con đường dài, giờ đây, Ngài mở mắt họ ra bằng một cử chỉ thân tình quen thuộc: khi bẻ bánh. Phải sống thân mật với Ngài mới có thể nhận ra khuôn mặt của Ngài dưới những hình thức khác. Họ đi đường với Ngài suốt một ngày dài, họ không nhận ra Ngài, giờ đây khi nhận ra Ngài thì Ngài đã lẫn khuất. Dù Ngài có biến đi, họ đã nhận ra Ngài, họ đã tin rằng Ngài đã sống lại thật.

Đó là sứ điệp Ngài gởi cho họ trong lúc buồn nản thất vọng.

Giáo hội hôm nay vẫn lặp lại những việc làm của Chúa: hằng ngày bẻ bánh Lời Chúa và Mình Chúa cho chúng ta. Chúng ta có thấy tâm hồn sốt nóng lên khi nghe lời Chúa nói với chúng ta không? Chúng ta có nhận ra Chúa trong tấm Bánh Tình Yêu mà Giáo hội luôn bẻ ra để nuôi chúng ta trong cuộc hành hương dài về Đất Hứa không?

Thật kỳ diệu khi chúng ta luôn có một Thiên Chúa thân cận yêu thương, luôn lắng nghe và đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc đời. Chỉ cần nhận ra Chúa trong những thể cách hiện diện của Ngài. Ngài có thể hiện diện trong những giờ phút tăm tối nhất cũng như trong những ngày huy hoàng chiến thắng, tràn trề niềm vui. Chúng ta hãy xin Ngài luôn ở lại với chúng ta nhất là trong những giờ phút chúng ta không biết phải làm gì, khi chúng ta lạc loài trong một thế giới đầy tội ác, hận thù, khi con người không còn trái tim. Xin cho chúng ta có một quả tim biết rung cảm với mọi người, để có thể đồng hành với những người anh em khốn khổ, giúp họ khám phá ra khuôn mặt khả ái của Chúa.

Chúng ta sẽ loan báo cho mọi người như các môn đệ Emmau: “Chúng tôi đã nhận thấy Thầy khi Thầy bẻ bánh cho chúng tôi”.

 

31.Người bạn đồng hành – R. Veritas.

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Nói đến những người không nhà không cửa, người ta thường nhắc đến cha Henri Groués quen được gọi tắt là cha Pierre, người đã sáng lập cộng đoàn Emmaus giúp những người bần cùng tự tay xây dựng cuộc sống của họ.

Phong trào Cộng đoàn Emmaus khởi sự bằng một căn nhà đổ nát ở vòng đai của thành phố Paris vào hồi Đệ Nhị Thế Chiến. Những người khách đầu tiên của tổ ấm này là các thanh thiếu niên bụi đời, những người không nhà không cửa, hoặc các tù nhân vừa được phóng thích.

Câu nói đầu tiên của cha Pierre với những người mới đặt chân đến cộng đoàn là: “Bạn không được may mắn, nhưng tôi cần bạn để giúp đỡ những người khác…”. Dù khổ sở đến đâu, ai cũng muốn người khác nhìn nhận giá trị của mình, ai cũng muốn trở thành hữu ích cho người khác. Đó là niềm tin mà cha Pierre luôn khơi dậy nơi những người đã mất tất cả hy vọng.

Cha Pierre đặt tên Emmaus cho cộng đoàn của cha là để nhớ lại câu chuyện hai môn đệ của Chúa Giêsu trong buổi chiều Phục Sinh. Cũng như hai môn đệ này, giữa lúc họ tưởng như mất tất cả, Chúa Giêsu đã hiện đến mang lại niềm tin cho họ. Cũng thế, cha Pierre và những người bạn đầu tiên của ngài đã tìm gặp được hứng khởi, niềm tin yêu giữa những mất mát ê chề của cuộc sống.

“Tạo lại niềm hy vọng vào cuộc sống”, đó là khẩu lệnh của cha Pierre, và xây dựng lại niềm hy vọng đó từ những đổ nát, mất mát. Chính vì thế mà cộng đoàn Emmaus chủ trương đi thu nhặt lại các đồ phế thải, các vật dụng cũ kỹ, giấy rác, ve chai, bao bì nylon, lon hộp… để chế biến và bán lại như một sản phẩm do chính tay mình làm nên.

Hiện nay phong trào Emmaus đã có mặt tại 50 quốc gia trên thế giới với khoảng 290 cộng đoàn. Tất cả những người trong cộng đoàn đều sống với niềm hy vọng từ những đổ nát và mất mát trong cuộc sống.

Anh chị em thân mến,

Tin Mừng của Thánh Luca hôm nay thuật lại rằng, buổi chiều hôm đó có hai môn đệ của Chúa Giêsu lên đường đi Emmaus trở về làng cũ của họ. Cái chết của Chúa Giêsu là một chấm hết đối với họ: hết mong “công hầu khanh tướng”, hết giấc mơ của một nước Israel thịnh vượng, hết mong hy vọng. Trở về làng cũ tức là trở về với thất vọng ê chề. Nhưng cũng chính lúc đó, Chúa Giêsu đã hiện ra với họ, cái chết mang một ý nghĩa mới, mất mát đã trở thành khởi đầu của lợi lộc, thất bại đã trở thành khởi điểm của thành công, buồn phiền đã biến thành vui mừng hân hoan. Ánh sáng Phục Sinh của Chúa Giêsu đã mặc cho mọi biến cố của cuộc sống một ý nghĩa mới. Tin tưởng lạc quan đã trở thành nhân đức cơ bản của đời Kitô.

Ở bất cứ nơi đâu và ở bất kỳ thời đại nào, sau một lần đổ nát, người ta thường hát lên điệp khúc: “Hãy xây dựng lại từ đổ nát!”. Đó là niềm tin mà hơn bất cứ lúc nào chúng ta cần phải bám lấy… Bạn đang sầu khổ vì những mất mát ê chề trong cuộc sống ư? Bạn đang cảm thấy mình ở dưới vực thẳm của tội lỗi ư? Chúa Giêsu của làng Emmaus đang nói với bạn: Đừng thất vọng! Ngài đang đồng hành với bạn, và với Ngài, bạn có thể xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thưa anh chị em,

Nếu ngày xưa, hai môn đệ Emmaus đã nhận ra Chúa khi Ngài ngồi vào bàn ăn bẻ bánh trao lại cho hai ông, thì hôm nay nơi Bàn Tiệc Thánh này, Ngài cũng làm lại cử chỉ đó để chúng ta nhận ra Ngài đang sống và hiện diện giữa chúng ta, với chúng ta, trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Và sau khi vui mừng nhận ra Chúa đã sống lại, hai ông đã vội vã ra đi gặp anh em để thông đạt niềm vui và niềm tin yêu nơi họ. Cũng vậy, sau khi hiệp lễ, chúng ta được sai phái ra đi đem Tin Mừng Chúa sống lại, đem niềm vui Phục Sinh đến các anh em đang đau khổ, buồn sầu, chán nản, thất vọng, để mọi người cùng chia sẻ niềm tin. Thiên Chúa vẫn là người bạn đồng hành của con người, Ngài vẫn cảm thông với những ưu tư, đau khổ của con người, Ngài đang hoạt động với con người. Chỉ có con người không nhận ra Ngài, không biết lắng nghe Lời Ngài và không giữ Ngài ở lại với mình khi ngày đã xế bóng và màn đêm tăm tối đang bao phủ mặt đất, che khuất ánh mặt trời. Vì trong đêm tối, người ta khó tin có mặt trời, nhưng sự thực mặt trời vẫn luôn có đó. Trong đau khổ, người ta khó tin có Thiên Chúa, nhưng sự thực Thiên Chúa vẫn luôn có đó, vì Chúa Kitô đã sống lại và đang sống bên cạnh chúng ta giữa những đêm tối, giữa những khổ đau, mặc dầu chúng ta không trông thấy Ngài.

Anh chị em thân mến,

Hãy nhận ra sự gần gũi thân thương của Chúa Giêsu trong Lời Chúa và Thánh Thể chúng ta chia sẻ cho nhau mỗi lần họp mặt mừng Chúa sống lại. Và cùng với Ngài, chúng ta ra đi đem Tin Mừng Phục Sinh, niềm vui và hy vọng làm nền tảng cho cả cuộc đời của mọi người Kitô hữu.

 

32.Suy niệm của Lm. Phêrô Hà Đức Ngọc

Có một vị tu sĩ Phật giáo nọ đang hấp hối gần chết xin một linh mục Công giáo chỉ dạy những chân lý đức tin công giáo. Vị linh mục tận lực tận tình để đáp lại ước muốn của vị tu sĩ này. Sau đó, vị tu sĩ Phật giáo cám ơn cha và nói thêm: “Thưa cha, cha đã đổ vào trí óc tôi đầy những tư tưởng hay ho đẹp đẽ nhưng cha đã để con tim tôi cô lạnh trống vắng”. Tâm hồn vị tu sĩ sắp chết này thiếu vắng cái gì vậy? Ông ta thực sự mong muốn điều gì? Tình yêu. Vâng, vì chỉ tình yêu mới mang lại an ủi và bảo đảm cho ông mà thôi. Những tư tưởng cao siêu đẹp đẽ mới chỉ nuôi dưỡng trí óc chứ chưa hâm nóng con tim được. Chỉ có kinh nghiệm tình yêu mới đốt nóng tâm hồn. Mà nói đến tình yêu thì nói đến một ai đó, một tương giao thân mật ấm áp, sẻ chia (không ai nói tình yêu với một đồ vật hay một con vật). Và Ai đó ở đây chính là Chúa Kitô phục sinh! Gặp gỡ chính Đấng Phục Sinh. Nỗi cô lạnh trống vắng của vị tu sĩ Phật giáo kia cũng chính là sự thiếu vắng nơi hai môn đệ trở về làng Emmau hôm nay. Câu chuyện về cuộc hành trình Emmau chính là câu chuyện của những con tim rã rời thất vọng vì giấc mộng “nam kha” huy hoàng đã sụp đổ! Câu chuyện của những tâm hồn thoi thóp mòn mỏi vì lý tưởng mình theo đuổi đã tiêu tan! Dù thương nhớ tiếc xót con người Giêsu nhưng hai môn đệ giờ đây chỉ còn biết lê gót trở về làng xưa chốn cũ.

Chúng ta thấy đó, hai môn đệ dù đã theo và sống với Chúa mấy năm nhưng vẫn chưa đủ. Hai ông thế nào mà chẳng được nghe những lời hay ý đẹp mà Chúa Giêsu đã nói, những tư tưởng cao siêu mà chỉ có Chúa Giêsu, Đấng tự trời xuống mới nói được những sự trên trời. Hai ông cũng hiểu biết kinh thánh chứ. Nhưng những tư tưởng hay, những kiến thức về kinh thánh mới còn nằm trên đầu chứ chưa thấm xuống con tim, cõi lòng của hai ông. Vì vậy mà hai ông càng đơn lạnh hơn sau khi Chúa Giêsu chết. Thế rồi, hai ông cũng được nghe nói Chúa Giêsu sống lại. Các bà ra mộ Chúa về kể lại là đã gặp Thiên Thần bảo Chúa đã sống lại. Những môn đệ khác ra mộ cũng thấy như vậy và kể lại nhưng các ông vẫn không tin, vẫn thất vọng.

Kính thưa Cộng đoàn thân mến, Cứ nghe nói về Chúa Giêsu thì không đi đến đâu cả. Đạo chúng ta không nằm ở chỗ những lời hay ý đẹp, những tư tưởng cao sâu. Sống đạo không chỉ nằm ở cái đầu với một số hiểu biết về giáo lý, về kinh thánh… và giữ đạo lại càng không phải là nghe người này người khác nói về đạo, về Chúa hay chúng ta nghe biết về Chúa và cũng không phải xưa bày nay làm, vì cha mẹ đã rửa tội đâu! Hai môn đệ Emmau hôm nay có đủ hết các yếu tố đó nhưng các ông vẫn thất vọng, vẫn bỏ cộng đoàn các môn đệ…Đạo chúng ta, trước hết và trên hết là sự gặp gỡ - gặp gỡ chính Đấng Phục Sinh. Mỗi người chúng ta phải cảm nghiệm chính Ngài. Tư tưởng hay về Thiên Chúa, những hiểu biết về Thiên Chúa, nghe nói về Thiên Chúa… vẫn chưa đủ! Người ta nói mỉa mai rằng Có ai phải lòng và yêu một phụ nữ nào nếu chỉ nghe nói thật hay về người đó mà chưa hề gặp gỡ đâu? Nhiều khi nghe nói hay mà đến khi gặp gỡ lại càng thất vọng! Vâng, trăm nghe không bằng một thấy.Và cái thấy trong Đạo chúng ta không chỉ là cái thấy của đôi mắt trần đâu. Chúa Phục Sinh đến với hai môn đệ đấy, hai ông thấy đấy chứ nhưng có tin đâu? Cái thấy ở đây là thấy trong đức tin, là gặp gỡ, là đối thoại, là trao đổi, là tương giao thân mật giữa cá nhân chúng ta và Chúa Phục Sinh. Chúa Phục Sinh đã giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Ngài trong kinh thánh. Ngài nói rõ rằng: Đức Kitô phải chịu khổ hình rồi mới vào vinh quang. Nhưng vẫn chưa đủ. Đợi cho đến khi đồng bàn, cầm bánh bẻ ra trao cho các ông như buổi chiều Tiệc Ly thì mắt các ông mới mở ra và các ông nhận ra Đấng Phục Sinh. “Trăm cái lý không bằng tí cái tình” Vâng, bằng một cử chỉ thân thương, cử chỉ trao ban chính mình cho nhau mà những con người yêu thương nhau cảm nhận ra ngay. Cuộc gặp gỡ Đấng Phục Sinh đã khơi bùng ngọn lửa trong lòng hai ông, biến đổi họ, khiến họ tức tốc quay lại Giêrusalem để báo tin Chúa đã phục sinh. Dù Chúa Giêsu đã biến mất, dù trời đã tối mịt nhưng tâm hồn hai ông vẫn sáng. Dù đã mệt mỏi sau một ngày đi đường nhưng đôi chân họ, tâm hồn họ lúc này nhẹ lãnh rồi. Bất chấp những hiểm nguy, lúc này, không gì cản lối của những con người đã gặp Đấng Phục Sinh. Không màn sương, không đêm tối nào có thể bao trùm ngọn lửa rực sáng từ cuộc gặp gỡ Đấng Phục Sinh được. Mọi băng giá của khó khăn, thử thách, chán nản thất vọng đều tan chảy nơi tâm hồn rực nóng của những con tim đã gặp Đấng Phục Sinh. Nếu hai môn đệ Emmau đã được biến đổi, được đốt nóng vì gặp Đấng Phục Sinh nhờ Kinh thánh và Thánh Thể thì chúng ta phải tự hỏi lại chính mình. Trong mọi thánh lễ, nhất là lễ Chúa Nhật, Chúa Phục Sinh lại chẳng trao cho chúng ta Lời Chúa trong các bài đọc, Ngài chẳng bẻ bánh trao Mình Máu Ngài cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể nhưng chúng ta có được biến đổi không? Chúng ta có ý thức tầm quan trọng của thánh lễ và sốt sắng tham dự thánh lễ không? Chúa Giêsu Phục Sinh hiện diện ở đó mà chúng ta có đến gặp gỡ Ngài Không? Nhiều người đi lễ để giữ luật buộc. Nhiều người xem thường và bỏ lễ vì cho rằng giữ đạo tại tâm! Nếu chúng ta không gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, chắc chắn chúng ta sẽ thất vọng và bỏ cuộc rồi bỏ Chúa , bỏ đạo. Người ta kể rằng cả bầy chó sói đi săn và đuổi một con mồi. Rút cục, Có nhiều con bỏ cuộc vì chúng chỉ sủa và chạy hùa theo thôi, còn chính nó thì chưa thấy con mồi. Chỉ những con đã thấy con mồi rồi thì nó nhất định rượt đến cùng. Vâng, nếu chính mỗi cá nhân chúng ta gặp Chúa Giêsu Phục Sinh trong Lời Chúa, trong Thánh Thể, chắc chắn chúng ta sẽ được biến đổi. Giống như hai môn đệ Emmau xưa, chúng ta sẽ đi theo Chúa đến cùng và loan báo Tin Mừng, bất chấp chán nản thất vọng, mệt mỏi lo toan. Không đêm tối nào làm chùn bước chúng ta.

 

33.Hai môn đệ trên đường Emmau

(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy)

Lc 24: 13-35 Hai môn đệ trên đường Emmau không phải là lương dân, tức là những người không hề nghe nói về Chúa Giêsu hoặc chẳng hề nhận được sứ điệp của Ngài.

Hai môn đệ trên đường Emmau không phải là lương dân, tức là những người không hề nghe nói về Chúa Giêsu hoặc chẳng hề nhận được sứ điệp của Ngài. Họ là những tín hữu, những người có niềm tin. Họ đã nhận Ngài "như một vị tiên tri, quyền năng trong việc làm và lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân". Hơn nữa, họ còn hiểu rằng: "chính Ngài là Đấng sẽ giải thoát Israel". Nhưng cuộc khổ nạn của Ngài làm cho lòng tin của họ bị lung lạc. Họ không thể hiểu nổi một vị cứu thế lại phải chịu khổ nạn như vậy.

Nói cho cùng, họ không tin vào biến cố phục sinh. Họ đã nghe các bà loan tin về biến cố ấy, nhưng họ vẫn lưỡng lự, hồ nghi. Thực tại thập giá đã khiến họ phải tháo chạy, họ đã rời bỏ Giêrusalem, và vì thất vọng họ đã để mất lòng trông cậy.

Khổ đau vẫn luôn là chướng ngại vật, là cớ vấp phạm lớn lao, khiến những ai đã tin tưởng cũng dễ lung lay. Người ta khó có thể dung hoà đau khổ với lòng tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Lòng tin từ thời ấu thơ của họ dường như trở thành ảo tưởng, hão huyền bởi sự khổ đau ấy, gắn liền với những chán chường nên họ đã đi đến chỗ mất niềm tin.

Con đường hai môn đệ đi về Emmau xa cách Giêrusalem, cũng chính là con đường mà bao người đang gặp phải, nhưng chính trên con đường này mà hai môn đệ đã gặp Chúa. Trước khi các môn đệ thành Emmau nhận ra Ngài, thì Ngài đã ở giữa họ và đã có ảnh hưởng nơi họ rồi: “Lòng chúng ta lại đã không cháy bừng bừng lúc dọc đàng Ngài ngỏ lời với ta, và giải nghĩa Kinh Thánh cho chúng ta đó sao?” Tâm hồn họ ngầm cháy.

Sự kết hợp với Chúa Kitô nung nấu các linh hồn mà nếu không có Ngài, các tâm hồn đó sẽ lạnh ngắt và chết mất. Khi nhận ra Chúa Giêsu họ liền “chỗi dậy trở về Giêrusalem”. Đó là một kết quả thấy được tận mắt, một biến đổi tận gốc rễ đã xảy ra: sầu tan vui đến họ đổi buồn thành vui, tuyệt vọng biến thành hy vọng, nhát sợ kinh hoàng thành tin tưởng sướng vui. Trình thuật hai môn đệ trên đường Emmau cho thấy khi có Chúa, mọi sự đều thay đổi.

Các trình thuật phục sinh khác nhau đều quả quyết sự kiện không thể chối cãi được: Chúa đã sống lại thật. Sau kinh ngạc trước ngôi mộ trống, sau sững sờ trước sứ điệp các thiên thần, giờ đây thực sự đã hoàn tất: Chúa đã sống lại thật.[1]

Coi chừng kẻo chính chúng ta cũng không nhận ra Đức Giêsu nơi những người chung quanh chúng ta

Chúng ta sống với những người chung quanh, mà không bao giờ hoặc rất ít khi ta nhận ra Thiên Chúa hay Đức Giêsu ở nơi họ. Dường như đối với ta, Thiên Chúa hay Đức Giêsu là người ở đâu đâu, ở trên trời, ở trong nhà tạm của nhà thờ, hoặc ở khắp nơi một cách thiêng liêng. Ngài có vẻ là một thực tại rất trừu tượng, nếu có cụ thể thì chỉ là những ảnh vẽ, những bức tượng bất động, vô hồn. Và tình yêu của chúng ta đối với Ngài cũng rất trừu tượng, rất bí tích, chỉ được thể hiện bằng sự hướng thiện, bằng việc năng cầu nguyện, năng tham dự và lãnh nhận các bí tích.Nhưng bài Tin Mừng hôm nay nhắc lại cho chúng ta một chân lý hết sức quan trọng. Thiên Chúa hay Đức Giêsu có thể chính là người bộ hành mà mình ngỡ là rất xa lạ.

Nghĩa là Ngài có thể mặc lấy những bộ mặt khác nhau, hình dáng khác nhau, với những tính tình khác nhau, tư cách điệu bộ khác nhau nơi những người ta gặp trên đời, nơi những người sống chung quanh ta. Và tình yêu của chúng ta - nếu có - đối với Ngài thì phải được thể hiện cụ thể nơi những con người cụ thể ấy, chứ không phải một cách trừu tượng.

Có thể nói: muốn yêu Đức Giêsu, thì cách tốt nhất, cụ thể nhất và chắc chắn nhất là yêu những người chung quanh ta, và bất kỳ người nào ta gặp trong cuộc đời. Và cũng có thể nói một cách chắc chắn: nếu ta không yêu những người ấy, thì ta không thật sự yêu Đức Giêsu hay yêu Thiên Chúa. Nếu ta tưởng rằng mình yêu Thiên Chúa, yêu Đức Giêsu bằng cách này hay cách khác, nhưng ta không hề yêu Ngài nơi những con người cụ thể chung quanh ta, thì tình yêu ấy chắc chắn chỉ là một ảo tưởng.

Rất có thể ta đang yêu chính bản thân mình một cách ích kỷ, nhưng sự ích kỷ ấy lại mặc lấy một hình thức khôn khéo là yêu Thiên Chúa hay Đức Giêsu một cách trừu tượng. Thánh Gioan viết: "Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (1Ga 4,20). Vì thế, thánh Phaolô viết: "Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật" (Rm 13,8.10),

Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta chân lý quan trọng này: tha nhân chính là hình ảnh, hay một cách nào đó, là hiện thân của Thiên Chúa hay Đức Giêsu. Vì thế, chúng ta hãy tập nhìn họ là "Em-ma-nu-el" (Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta). Thiên Chúa hay Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta, ở với chúng ta qua những người chung quanh chúng ta.

Lạy Chúa, bài Tin Mừng hôm nay thật là tuyệt vời, nó cho con thấy và nhắc lại cho con một chân lý kỳ diệu: Những người gần gũi với con, sống chung quanh con một cách nào đó là hiện thân của Chúa, nếu con yêu mến Chúa tất nhiên phải yêu những người ấy. Và chỉ khi con yêu họ, con mới chứng tỏ được rằng con thật sự yêu mến Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con tâm niệm và thực hiện điều Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay. Amen.

 

34.Suy niệm của Lm. Thomas Trần Ngọc Túy

(Tổng hợp từ: Flor McCarthy – Sicilianô, OP).

CHÚA KITÔ, THÁNH THỂ VÀ HÀNH TRÌNH EMMAU CỦA CHÚNG TA

Thưa quí vị.

Mỗi con ngừơi đều có một câu truyện đời mình để mà kể. Nhưng kể được rành rẽ, chúng ta phải làm chủ về mọi mặt: sáng tối, vui buồn, tốt xấu, ngọt ngào, đắng cay. Tuy nhiên về mặt tích cực dễ kể hơn, còn mặt tiêu cực thật khó nói, trừ phi có những người biết lắng nghe và thông cảm. Nhiều trường hợp quá đau xót khiến đương sự phát triển bệnh tâm lý. Những ai giầu kinh nghiệm về cuộc sống biết rõ điều này. Câu truyện sau đây có thể minh họa chút ít.

Một người đàn ông trung niên phỏng 35 tuổi, ăn vận lịch sự, tay sách một chiếc vali còn tương đối mới, bước vào một khách sạn ở Luân Đôn. Ông hỏi thuê một căn phòng nhỏ, nói là trú ngụ vài ngày. Cô tiếp viên hỏi tên tuổi để ghi vào sổ. Lạ lùng người đàn ông đỏ mặt bối rối. Cô thơ ký ngạc nhiên hỏi lại: “Xin cho cháu biết quí danh?” Người khách ngơ ngác: “Cô thông cảm, tôi không nhớ rõ?” Cô gái trẻ càng sửng sốt hơn: “Vậy làm sao cháu ghi số phòng cho ông?” Người đàn ông ấp úng: “Cô làm ơn thông cảm, ghi là Jeanne Brown được không?”. - “Nhưng thưa ông, đó là tên phụ nữ”. Rồi cô gái giúp đỡ người khách lục lọi các túi áo, mở cả vali nữa, nhưng chẳng tìm thấy chi hết. Ông ta không nhớ tên mình là gì, từ thành phố nào tới, quá khứ của ông hoàn toàn bị xóa bỏ. Ông đang mặc bệnh mất trí nhớ (amnesia).

Người ta đưa người khách lạ vào nhà thương. Một bác sĩ tâm lý cố gắng chữa trị cho ông. Sau những tuần lễ kiên nhẫn và với kỹ thuật tinh tế, người bác sĩ đã thành công mở lại quá khứ cho người đàn ông. Ông là một đứa trẻ mồ côi, được một gia đình tốt bụng đưa về nuôi. Lớn lên ông kết hôn với một thiếu nữ xinh đẹp, con nhà thượng lưu giầu có. Cô ta chẳng cần đến đồng lương còm cõi của người chồng làm nghề ống nước. Dân hàng xóm láng giềng giầu có khinh thường vợ chồng ông. Dần dà người vợ cũng chán anh chồng thuộc tầng lớp hạ lưu. Ông ta phát triển căn bệnh tự ti mặc cảm, cố quên đi những bất hạnh của mình. Cuối cùng hai vợ chồng lâm vào khủng hỏang. Cô ta có nhân tình mới, và người đàn ông cũng kiếm được nhân ngãi trẻ đẹp hơn, tuy thuộc tầng lớp tiện dân. Vừa khi hai vợ chồng bàn tính ly dị thì người vợ ngã bệnh nặng. Người chồng âu lo, cố quên đi tất cả. Đó là con đường duy nhất ông ta có thể làm để đối phó với hoàn cảnh. Hậu quả bi thảm là ông mất trí nhớ.

Câu truyện điển hình này là của mỗi người chúng ta. Có những linh hồn chịu đựng quá nhiều buồn đau hoặc lo lắng và cảm thấy hòan tòan bị bỏ rơi, thất vọng nếu không có người khác biết tới. Nghe chuyện của chúng ta là nghe cuộc đời chúng ta đã trải qua. Từ chối nghe là từ chối chính chúng ta. Lắng nghe là người ta đã chia sớt nỗi khổ tâm của kẻ khác và chữa lành về phần tâm lý. Mỗi người đều có một câu truyện để nói, nếu không gặp tri âm thì kể như chúng ta đã chôn quá khứ vào nấm mồ.

Hai môn đệ đi làng Emmaus của Phúc âm hôm nay cũng rơi vào trường hợp này. Họ đang bị dầy vò vì cuộc vỡ mộng quá lớn. Biến cố thày chết làm cho họ hòan tòan thất vọng. Chính miệng họ đã thố lộ điều đó:“Chúng tôi đã những hy vọng, người sẽ cứu vớt Israel”. Hy vọng của họ là dân tộc được giải phóng, tôn giáo được tự do và bản thân được vinh hoa phú quí với địa vị cao. Nhưng lúc này thì tan nát tất cả. Thày đã chết và mọi hy vọng được chôn chặt trong mồ cùng với thày. Chẳng còn chi để mà tin tưởng. Vỡ mộng và hổ thẹn đầy ắp với tâm trí họ, họ thầm thì to nhỏ về biến cố trên đường trở về làng cũ Emmaus, bây giờ là El Qubeiba, chừng 10 cây số đông bắc Giêrusalem.

Đúng là Phúc âm có câu truyện để kể, hai môn đệ vỡ mộng có câu chuyện để nói và câu truyện làm cho họ rối lòng. Một khách lạ tế nhị áp sát họ lắng nghe. Tâm lý thường tình cho hay dốc bầu tâm sự cho người lạ dễ dàng biết bao! Bạn chẳng cần ý tứ, dè dặt. Kiểu như người ta đi xa về tha hồ mà khoác lác, chẳng ai có khả năng kiểm chứng thật hay bịa. Phần người lạ cũng rất tế nhị, ông lắng nghe, đi sâu vào chi tiết câu truyện và giải thích ý nghĩa Kinh thánh cho họ. Ông tạo cho họ bầu khí thuận lợi để họ bộc bạch tâm can, những đau buồn, những thất vọng.

Rồi người khách lạ làm chi? Ông cũng kể câu truyện đời ông cho họ nghe. Đời của ông chứ không phải của người khác. Đối với hai môn đệ thập tự là một thất bại hòan tòan, một cản trở không thể vượt qua. Nhưng đối khách lạ không nhất thiết phải như vậy, rồi ông giải thích cho họ, bắt đầu từ Môsê và các ngôn sứ, những nội dung mà họ đã từng học tập, nhưng không hiểu: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào vinh quang của Người sao?”. Vị khách lạ chỉ dẫn cho họ hay khổ giá không hẳn là kết thúc của một giấc mơ, nhưng là khởi điểm của một thực tại mới. Ông giúp đỡ hai môn đệ tìm ra ý nghĩa trong câu truyện của họ bằng cách cho họ biết ý nghĩa câu truyện của riêng ông. Nhờ đó họ có khả năng xem lại sự thật mà họ vừa trải qua ở Giêrusalem. Phúc âm kể: “Họ bảo nhau: Dọc đường khi Người nói chuyện và giải thích Kinh thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”. Lòng họ sốt sắng vì đó là câu truyện của chính họ chứ không phải của người khác.

Sở dĩ người đàn ông mất trí nhớ có thể trở lại trạng thái bình thường là vì vị bác sĩ lắng nghe câu truyện của ông ta. Những rắc rối, những tối tăm, đau khổ của ông ta được tự do giãi bày. Nhờ đó cơn bệnh biến mất. Bệnh tật thiêng liêng của chúng ta cũng được chữa trị tương tự. Xin đừng kiêu căng cho mình chẳng hề mắc bệnh. Thực tế, chúng ta nhiều bệnh lắm, và còn nặng hơn ông khách thuê khách sạn: Bệnh điếc, bệnh mù, bệnh giả hình, thôi thì đủ cả, thậm chí cả những bệnh đưa đến cái chết. Vậy mà vẫn cứ nhởn nhơ coi mình là thánh thiện, lại còn sẵn sàng lên lớp cho thêin hạ. Mỗi người có một câu truyện cần phải được bộc bạch. Nếu như không gặp khách lạ thì chẳng bao giờ nói ra. Nếu khiêm tốn nhận ra vấn đề của mình, thì chẳng bao giờ còn tâm lý tự cao tự đại, ăn vận diêm dúa, trang hòang lãng phí để đánh bóng danh tiếng mình, tổ chức mình. Chúng ta sẽ sẵn sàng chấp nhận phần tối tăm của linh hồn mình mà nhận ra thiếu thốn ơn Chúa soi sáng. Thực ra, xét cho cùng, thì chỉ câu truyện của Đức Kitô qua khổ nạn và cái chết rồi mới được vinh quang, chúng ta mới hiểu ra ý nghĩa trọn vẹn của cuộc sống mình. Mọi sự khác đều không thỏa đáng. Hai môn đệ chỉ nhận Chúa Phục sinh khi dùng bữa tối với Ngài. Lý do nằm ở chỗ, theo tục lệ Do thái, giai đọan cúôi cùng của tế lễ hy sinh là một bữa tiệc thánh thiện. Sách Lêvi ký thuật lại rất nhiều lần kết thúc của các hy lễ là chia sẻ bữa ăn với Đức Chúa tại bàn tiệc hy tếtsúc vật mà thày tư tế vừa thực hiện. Chắc chắn những tín hữu đầu tiên (đa số là Do thái) nghỉ rằng họ sẽ mất gốc nế không biết liên hệ với truyền thống này. Vì thế lễ bẻ bánh của họ là sau bữa ăn để tưởng niệm Đức Kitô. Truyền thống này còn mãi đến ngày hôm nay. Những ai không nhận ra ý nghĩa của nó, thì quả thật không phải là tín hữu chân chính.

Khi Chúa vào dùng bữa với họ và Ngài vừa cầm bánh bẻ thì họ nhận ra Ngài. Chúng ta cũng chỉ nhận được ân huệ ấy sau khi đã đồng lao cộng khổ với Chúa. Đức Giáo Hòang Phaolô VI đã mô tả thánh lẽ bằng ba chữ: “Một hy lễ, một tưởng niệm và một bữa tiệc” là ở trong ý nghĩa ấy. Đức tin chúng ta sẽ không nhận ra Chúa trong thánh lễ nếu trước hết không suy niệm về khổ nạn, cái chết và phục sinh của Ngài. Đây là tư tưởng của thánh Augustinô và nhiều vị khác trong Gíao Hội. Làm ngược là chúng ta thất bại không nhận ra Chúa.

Nhiều người nói rằng việc sống lại của Chúa, chỉ là suy nghĩ viển vông của các tín hữu. Họ không muốn chấp nhận thày mình đã chết, sự nghiệp đã tiêu tan. Họ ước ao mãnh liệt Ngài vẫn sống với họ, cho nên tạo ra những ảo ảnh rằng Ngài hiện ra đó đây nhiều lần. Họ “trông” thấy ngài đúng như lòng mong ước và đặt tên là Đức Kitô Phục sinh. Kỳ thật chẳng có chi là thực tế cả. Dân chúng chẳng bao giờ được chứng kiến “nội dung” họ từng kể lại. Đúng là đám môn đệ đã ở tận cùng hất vọng. Câu chuyện của các ông tỏ lộ một sự mất mát tòan diện và các ông đang làm chuyện mà ngày nay các người thất bại thường làm: Co cụm lại để băng bó vết thương, trở về công việc cũ, xây dựng lại tương lai. Một vài người trong bọn trở lại nấm mồ, như người ta thường làm, thăm viếng chỗ chôn cất và đau đớn khóc than. Có vậy thôi.

Hai môn đệ đi làng Emmaus nói là gặp khách lạ thì chỉ là sản phẩm của óc tưởng tượng quá mạnh mẽ và ký ức còn quá sống động. Họ kể lại cho ông khách “ảo” điều mà các phụ nữ đồn thổi về thày đã trỗi dậy, thì chính họ cũng không tin. Đúng là câu truyện hoang đường mà ngày nay vẫn thừơng nghe thấy. Về phần Giáo hội tiên khởi cũng cùng một ruộc âm mưu lừa dối thiên hạ. Nhưng làm sao lừa được cả thiên hạ, cấp lãnh đạo Do thái, cho tới nay, có tin đâu? Xét trong tư tưởng của hai ông, thì họ đã kết thúc một quãng đời mộng mơ và trở về cuộc sống đời thường.

“Chúng tôi những tưởng người sẽ cứu Israel”. Câu nói rất phổ thông giữa chúng ta ngày nay: Chúng tôi những tưởng công trình này rất thành công. Những tưởng cuộc hôn nhân này hạnh phúc, con cái rất ngoan ngõan, dịch vụ này mang lại nhiều lợi ích, viên thuốc này rất hiệu nghiệm, ông nọ ba kia rất tốt bụng….ai dè! Hy vọng và mơ ước của chúng ta thường gặp thất bại. Thất bại này kế tiếp thất bại khác, khiến chúng ta nhát đảm, rụt rè, chột dạ, nghi nan không tin tưởng vào mình nữa, nản chí trong bất cứ công việc nào, kể cả đàng thiêng liêng. Nhưng có một thực tại không thể chối cãi được, là hai môn đệ ngay đêm hôm ấy trở về Giêrussalem để gặp các tông đồ, thuật lại cho họ ngay kinh nghiệm xem thấy thày của mình. Các ông cũng ngỡ ngàng nghe kể lại cùng một câu truyện: Họ cũng nói với hai ông:“Chúa trỗi dậy thật rồi và đã hiện ra với Simon”. Simon là tên cũ của Phêrô, đứng làm biểu tưởng cho đạo cũ. Tức Kinh Thánh đã được ứng nghiệm mà Kinh thánh thì không thể sai lầm. Cho nên lương tri ngay chính buộc phải công nhận sự Phục sinh của Chúa là chân lý. Và khi nhận lãnh chân lý thì không thể giấu kín. Cleopha và bạn đồng hành trở về Giêrusalem báo tin cho các tông đồ và những môn đệ khác đang tụ họp.

Câu truyện Emmaus là câu truyện của mỗi tín hữu. Nó thường xẩy ra với chúng ta mỗi khi rước lễ. Nếu thực sự chúng ta gặp gỡ Chúa trong thánh thể, chúng ta chẳng thể giữ Tin Mừng ấy cho riêng mình. Nó phải được loan ra bằng hành động, lời nói, trừ phi chẳng gặp Ngài mà chỉ giả đò gặp mà thôi. Cùng với Giáo Hội, chúng ta làm những cuộc hành trình giữa trần gian, cuộc hành trình súôt cả cuộc đời. Chúa Giêsu luôn đi sát bên mỗi người, giải thích, hướng dẫn mỗi linh hồn về quê Trời ngay cả khi không nhận ra Ngài. Chúng ta là thành phần của Dân Thiên Chúa, cần sống xứng đáng với những chi mình tin tưởng. Vì mỗi người đều phải kể lại câu chuyện đời mình. Câu chuyện đó có ý nghĩa hay không tùy thuộc vào thái độ sống của chúng ta. Amen, Alleluia.

 

35.Những người khách lạ – Lm Nguyễn Khoa Toàn

“Trên đường Emmau, hai người lữ khách bước đi bên nhau. Mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đuờng dài.” Giả sử như bạn là một trong hai môn đệ đang trên đường đến Emmau, bạn đã nghĩ gì? Chắc chắn bạn đã phải suy nghĩ những gì họ đã miên man suy nghĩ…

Tâm hồn họ cơ hồ như nát tan thành trăm ngàn mãnh nhỏ. Mới hôm qua đây, họ đã chôn chặt niềm tin vào Thầy Giêsu. Và đã hy vọng rằng chẳng những Thầy sẽ giải phóng họ khỏi xích xiềng tôi lỗi mà còn uơm cho họ một tương lai thoát ách gông cùm của đế quốc La Mã. Giờ Thầy đã chết. Chết thật nhục nhã, tức tưởi! Chết quá đau thương! Thôi hết rồi! Hết thật rồi! Chẳng còn gì nữa để ước mơ. Chẳng còn Thầy cạnh bên để xây mộng lớn…Và đang khi lòng trí rối bời, một người khách lạ nhập cuộc đồng hành- một cuộc đồng hành đã xoáy đổi họ tận gốc rể cuộc đời. Rồi cả ba cùng nhau bàn bạc xoay quanh đề tài thời sự hàng đầu: cái chết của Giêsu. Rồi lân la, họ trò chuyện trao đổi về Môisen, đến các tiên tri và cả đến …Giêsu.

Vừa đến đầu làng, người khách lạ “giả vờ” muốn đi xa hơn nữa nhưng hai môn đệ cố “nài ép” ông trọ qua đêm. Và “mắt họ sáng ra và nhận ra Người” khi “Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông”. Bữa ăn vội vã xế chiều gợi lại buổi Tiệc Ly chỉ mấy hôm trước đó. Họ đã không thể nhận ra Nguời khi cùng trò chuyện bàn bạc Thánh Kinh, nhưng phải chờ đến khi Người “cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra”, họ mới có thể nhận ra người khách lạ kia là chính Thầy mình.

Đường Emmau hai môn đệ đã bước cũng chính là đường Emmau chúng ta đang bước. Như họ đã chẳng có thể nhận ra chính Thầy họ khi bàn bạc trao đổi về Thánh Kinh, chúng ta cũng không thể nào nhận ra Người khi xem nhẹ hoăc thậm chí coi thường phần Phụng Vụ Lời Chúa. Có thể nào nhận ra đuợc Chúa Phục Sinh khi chúng ta đi dâng lễ trễ? Hoặc khi các bài đọc và Phúc Am không đuợc truyền đạt cung kính, nghiêm trang và rõ ràng từng chữ từng câu?

Và chỉ mãi đến khi “bẻ bánh”, hai môn đệ mới có thể nhận ra Người. Họ nhận ra Nguời vì họ liên tưởng đến Buổi Tiệc Ly. Cử chỉ tượng hình kia là một nhắc nhở kín đáo nhưng rất hùng hồn là Lời Chúa chỉ có thể được thấm nhập sâu thẳm hơn khi liên kết với đời sống hằng ngày. Càng hoa sáo bao nhiêu, càng xa rời thực tế bấy nhiêu! Chúa đã dùng dụ ngôn để cải hoán tâm hồn nhân loại: khi Lời Chúa không thể diễn đạt đuợc một cách rõ ràng bình dị, thì thật không dễ dàng hình dung đuợc khuôn mặt Chúa trong những tâm hồn thơ ngây chất phác đang ngày đêm ngóng trông Tin Mừng Cứu Rỗi.

Một chi tiết khác không thể đọc vội và thoáng qua. Khi vừa đến đầu làng, người khách lạ “giả vờ” tiếp tục cuộc hành trình nhưng hai môn đệ cố “nài ép” tạm trú qua đêm. Hai cụm chữ “giả vờ” và “nài ép” biểu hiện thật cụ thể hồng ân của Thiên Chúa tác động trong thế giới và trong mỗi từng nguời chúng ta. Hồng ân: món quà cao qúy vô giá mà Thiên Chúa rộng rãi trao ban nhưng chúng ta phải truớc tiên “nài ép” vì Người sẽ “giả vờ”. Và vì thế, mỗi một Chúa Nhật, hoặc mỗi một ngày, hoặc nếu có thể, mỗi một phút giây, hãy nài ép Chúa ngụ trọ trong tâm hồn mình.

“Chúa ở lai thôi! Chúa con ơi! Bóng chiều đã tắt, đêm xuống rồi! Hai môn đệ đã cố nài ép và Người đã nhận lời. Manna đã không tự nhiên rơi xuống nếu Môisen và đoàn dân Do Thái lưu vong không qùy gối xuống và giang tay khấn xin. Cũng thế, sau khi chia sẻ Lời Chúa, hãy xin nán lại chia sẻ Máu Thịt Con Nguời. Và chính trong khi ăn cùng mâm và uống cùng chén này, chúng ta mới có thể nhận ra khuôn mặt Chúa Kitô ẩn hiện trong những nguời hàng xóm láng giềng chung quanh. Trong những kẻ khốn cùng: “họ không trông ra, nguời lữ khách đó chính là Ngài!”.

Và sau khi bẻ bánh, Người liền biến mất. Nhưng Nguời chẳng thực sự biến mất mà hiện hữu - thực sự hiện hữu hơn qua Máu Thịt Người. Vấn đề là chúng ta phải luôn luôn nhạy bén nhận thức đuợc sự hiện hữu đó: “Có những lúc chúng ta đi trong cuộc sống mọi ngày, đã găp Người, nhưng chẳng biết Người!”

Nhưng ngay sau khi Người biến mất, thái độ của hai môn đệ kia thay đổi một cách đến lạ kỳ. Chỉ truớc đó ít lâu, mộng họ đã tan và cuộc đời gần như đã vô phuơng mất huớng. Và mệt mõi lê từng bước chân, họ thất thểu bước trên chặng đuờng dài. Giờ họ “chỗi dậy” háo hức hân hoan tung tăng chân sáo quay về lại Giêrusalem báo tin Chúa Phục Sinh cho những môn đệ còn lại.

Sáng sớm nay, họ ngỡ đã muôn đời vĩnh biệt thành Thánh nơi họ cùng Thầy Giêsu chôn nhiều dấu ấn buồn vui kỷ niệm. Nhưng chỉ khi mặt trời vừa xế bóng, họ đã quyết định quay về.

Quay về: cuộc sống thuờng thực sự bắt đầu từ những buớc ngoặt lịch sử quay về. Họ quay về như nguời con hoang đàng đã quay về. Và dệt mộng tương lai, họ thầm tự trách lòng đã không thể nhận biết Người sớm hơn khi Người đang truyền rao Lời Chúa.

Nhưng thà muộn còn hơn không. Đoạn đuờng từ Emmau về lại Giêrusalem đã không còn dài nữa vì mắt họ đã sáng, lòng họ đã kiên, miệng họ đã vui cười.

Đây chính là dấu hiệu cuộc đời họ đã thay đổi đến tận cùng gốc rể. Và chúng ta cũng phải gắng tìm dấu hiệu này trong chính cuộc sống mình. Đã có những lúc thuyền đời chúng ta đã trôi vô phương hướng, sống cạnh đáy bờ tuyệt vọng. Và đã có những lúc chúng ta không thể nhìn khuôn mặt Chúa với chính những người thân đang sống chung quanh.Nhưng Chúa vẫn ở cùng đấy. Vẫn sống cạnh bên. Vẫn hiện hữu như muôn đời vẫn hằng hiện hữu. Vấn đề là chúng ta dám xin Người nán lại. Và dám quay bước chân về.

Con đuờng Emmau có thể chỉ là con đuờng từ ngôi nhà chúng ta đến nhà thờ mỗi Chúa Nhật đầu tuần. Hãy chuẩn bị từ sớm. Và trên đường, hãy đừng ngại sẻ chia những thao thức dằn vặt, những ưu tư đau đớn cho nhau.Và rồi hãy tập chú lắng nghe Lời Chúa. Và hãy gắng truyền dạy Lời Chúa trao ban. Rồi hãy cùng nhau bẻ bánh. Và khi nhận lời chúc ra về bình an chúc tụng Chúa, hãy quay về -mạnh dạn quay về trở thành khí cụ bình an để muôn đời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa.

Sẽ có nhiều nguời khách lạ muốn cùng chúng ta sánh buớc trên con đuờng dương thế, hãy đừng ngại ngùng để họ nhập cuộc hành trình. Vì có thể những người khách lạ kia sẽ thay đổi chúng ta, như người khách lạ Giêsu đã đổi thay hai môn đệ nhiều ngàn năm trước.

 

36.Đừng tiếc nuối – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

Có những lúc trong cuộc đời trước những bất hạnh, rủi ro hay lầm lỡ, chúng ta thường thốt lên một lời thật xót xa: "giá mà!". Giá mà tôi đừng như vậy thì đời tôi đâu đến nông nỗi này! Giá mà tôi không đầu tư vào việc đó thì tôi đâu thất bại ê chề như thế này! Giá mà tôi chịu nghe lời cha mẹ, giá mà tôi đừng gặp người đó, đừng bằng lòng lấy người ấy thì đời tôi đâu khổ sầu như ngày hôm nay! Giá mà tôi đừng trèo cao danh vọng hay "vung tay quá trán" thì đời tôi đâu khốn khó như ngày hôm nay!

Có lẽ, vẫn còn nhiều câu nói xót xa tương tự như thế trong cuộc đời chúng ta. Nhất là trong những quyết định sai lầm để rồi "sẩy một ly đi một dặm", đã khiến cuộc đời mình trở nên khánh tận tột cùng. Lúc đó hai tiếng "giá mà" lại càng đau đớn xót xa hơn!

Ngược với sự xót xa tiếc nuối, người ta có thể đặt bản lề cho vận mạng mới của mình bằng hai tiếng "tuy nhiên". Tuy nhiên tôi có thể làm lại từ đầu. Tôi có thể đứng lên từ trong biến cố đau thương này. Trong hoạ vẫn có phúc. Trong đau khổ vẫn có mầm hy vọng. Trong thất bại vẫn có con đường để tiến lên, miễn là biết kiên nhẫn và chờ đợi sẽ có ngày gặt hái thành công.

Hai môn đệ đi làng Emmau hôm nay lòng cũng tơi bời, nát tan trong tuyệt vọng và tiếc nuối. Giá mà ngày nào họ đừng gặp Thầy Giêsu, đừng đi theo Người, đừng lặn lội sương gió phò tá Người thì hôm nay đâu phải trắng tay và trốn chạy như thế này! Giá mà Đức Giêsu, người từng làm cho sóng gió biển cả phải im lặng, cho ma quỷ phải khiếp sợ, đừng chấp nhận một định mệnh quá cay nghiệt là cái chết ô nhục trên thập giá, thì mộng ước bấy lâu nay của họ đã thành hiện thực. Tuy nhiên, giữa lúc họ đang đặt ra biết bao giả thuyết đầy nuối tiếc, bi quan, tưởng chừng như cuộc đời họ đã chấm dứt như "dã tràng xe cát biển đông", Chúa đã đến với họ như một người khách lạ cùng nhịp bước với họ, nhưng lại nhìn những biến cố đang diễn ra khác họ. Người khách lạ đã giúp các ông nhìn biến cố này từ Thánh Kinh. Gợi lại cho các ông những dòng Kinh Thánh từ thời Abraham, Mô-sê và các tiên tri để các ông hiểu được con đường của Thầy Chí Thánh Giêsu: là Đức Giêsu phải đi qua đau khổ mới tới vinh quang. Đức Ky-tô là Đấng Messia. Ngài phải thực hiện toàn bộ các lời kinh thánh đã nói về Ngài.

Nghe người khách lạ nói, lòng trí các ông bừng sáng một niềm tin lạ thường. Niềm tin giúp các ông chấp nhận sự thật trong an bình, trong thánh ý của Thiên Chúa. Lòng họ tràn ngập niềm hân hoan. Họ muốn mời người khác lạ ở lại với họ. Họ muốn tri ân. Họ muốn bầy tỏ lòng biết ơn đối với người khách lạ. Vì nhờ người khách lạ giải thích Kinh Thánh mà họ hiểu được ý nghĩa của biến cố đang xảy ra. Bao lâu nay họ học Kinh Thánh, bao lâu nay họ nghe giảng Kinh Thánh nhưng họ lại không biết nhìn sự kiện dưới cái nhìn của Kinh Thánh. Họ muốn Thiên Chúa hành xử theo ý mình. Họ muốn Đức Giêsu đáp lại nguyện vọng của họ mà họ đâu biết rằng Người đến trần gian là để thực thi ý Chúa Cha. Họ thất vọng vì những điều xảy ra không theo ý họ. Chúa đã chết thay vì làm vua. Cái chết của Chúa đã làm tan biến mọi mơ ước trong lòng họ. Tuy nhiên, hôm nay họ đã hiểu, dù có muộn màng nhưng mặc cho trời còn tối. Bóng tối của trời đất chẳng là gì với ánh sáng của tâm hồn. Tâm hồn họ bừng sáng lên niềm hy vọng. Tâm hồn họ tràn ngập ánh sáng hân hoan. Họ đứng dạy trở về Giêrusalem, trở về với các tông đồ trong sự hiệp thông với Chúa và với nhau.

Câu chuyện hai môn đệ đi làng Emmau, thánh sử Luca chỉ giới thiệu cho chúng ta một nhân vật có là Lê-o-pha, và một người khuyết danh. Người khuyết danh đó phải chăng là mỗi tín hữu chúng ta? Có thể là chính chúng ta cũng có lúc đang đi trên đường Emmau. Đoạn đường có quá nhiều chán chường. Đoạn đường dài đầy bất trắc dồn dập xảy đến trong cuộc đời. Ốm đau, bệnh tật, làm ăn thua lỗ luôn làm chúng ta chưa hết cái lo này đến cái lo khác. Khiến chúng ta thất vọng. Muốn buông xuôi. Mặc cho dòng đời đưa đẩy. Thánh Luca muốn ghi lại biến cố này để mời gọi những ai sầu khổ tư bề hãy biết nhìn biến cố trong đời bằng ánh sáng tin mừng. "Sau đêm dài là ánh bình minh". "Sau cơn mưa trời lại sáng". Hãy tin tưởng vào Chúa. Thiên Chúa luôn làm những điều tốt đẹp nhất cho cuộc đời chúng ta. Vì Chúa là người Cha hiền sẽ không bao giờ bỏ rơi con cái của mình.

Ước gì trong thánh lễ hôm nay, chúng ta được nghe Lời Chúa, được hiểu Lời Chúa, được hiệp thông với Chúa và với nhau qua bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cũng được sự bình an và niềm vui có Chúa ở cùng như hai môn đệ đi làng Emmau năm xưa. Amen.

 

37.Trên đường Emmau – R. Veritas.

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Qua các báo chí, đài truyền thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác, có lẽ ngày nào chúng ta cũng thấy tận mắt hình ảnh vô cùng thảm thương của những người tị nạn Kosovo, đã có trên nữa triệu người gốc Albani bị bắt buộc phải rời bỏ quê hương mang theo không biết bao nhiêu câu chuyện, hay những hành động ngược đãi, hãm hiếp, tàn sát dã man mà Tổng thống Nam Tư đã trút xuống trên họ. Những hành động tội ác xuất phát từ chủ trương thanh lọc chủng tộc này không thể không gợi lại cho chúng ta các trại tập trung, những lò hơi ngạt mà Hitler đã từng dựng nên để sát tế trên sáu triệu người Do thái. Chúng ta cũng không thể quên được các quần đảo Gu-lắc của Stalin tại Liên Xô, những nhà tù của Mao Trạch Đông tại Trung Quốc, những cánh đồng giết người của Pôn-Pốt tại Campuchia. Dĩ nhiên, làm sao chúng ta không liên tưởng đến không biết bao nhiêu người vì chủng tộc, vì niềm tin tôn giáo, vì lương tâm, vì quan điểm chính trị mà đã phải bị kỳ thị, bị ngược đãi, bị bách hại trong các chế độ độc tài xây dựng trên các ý thức hệ độc đoán.

Ở vào thời điểm của xu thế toàn cầu hóa ngày càng mở rộng để tạo ra về các giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, tôn giáo thì chủ trương loại trừ, bách hại và tiêu diệt người khác chỉ vì chủng tộc, chỉ vì niềm tin tôn giáo, vì quan điểm chính trị, quả là một hành động lạc hậu dã man. Thế giới đã nhìn về tội ác của Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, Pôn-Pốt như những cơn ác mộng nhất của lịch sử nhân loại và sẽ mãi mãi lên án bất cứ chủ nghĩa nào tước đi quyền cơ bản của con người. Giờ đây nhân loại càng ý thức rằng, gặp gỡ, chia sẻ, tôn trọng những khác biệt mà điều kiện tối cần cho sự sống còn là nền hoà bình đích thực của thế giới.

Riêng các tín hữu Kitô chúng ta, ánh sáng đức tin soi dẫn chúng ta biết rằng, nền tảng những sự tôn trọng, những khác biêt nơi người khác là phẩm giá con người. Chúng ta tin rằng, một con người sinh ra trên cõi đời này đều mang lấy hình ảnh Thiên Chúa. Trong ánh sáng của việc cử hành mầu nhiệm Phục Sinh, các tín hữu Kitô chúng ta còn biết rằng, con người có một phẩm giá cao trọng là bởi vì chính Chúa Kitô Phục Sinh đã tự đồng hóa với mọi người, nhất là với những người nghèo hèn nhất trong xã hội. Từ nay trong ánh sáng Phục Sinh, chúng ta biết rằng, con người là con đường gặp gỡ ưu việt với Chúa Kitô Phục Sinh. Đây là chân lý Giáo Hội muốn nhắc nhở với chúng ta trong Tin Mừng chúng ta lắng nghe trong Chúa Nhật hôm nay.

Chúa Giêsu đã đến với hai môn đệ đi về làng Emmau như người khách đồng hành, đồng hành nhưng xa lạ, đây chính là cách thể hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh trong cuộc sống của chúng ta, Ngài đến với chúng ta như một người đồng hành, Ngài luôn đi bên cạnh chúng ta, thế nhưng người đi bên cạnh ấy lại là một người xa lạ, rõ ràng là Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta nhận diện Ngài trong tất cả mọi người và từng người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày. Có biết bao nhiêu người sống bên cạnh chúng ta mà vẫn là người xa lạ hay vô danh, có biết bao nhiêu người đồng hành với chúng ta mà vẫn như vô hình vì sự dửng dưng của chúng ta, nhất là biết bao nhiêu người đau khổ bên cạnh chúng ta mà trái tim của chúng ta vẫn khô cứng chai lì.

Hai người môn đệ không nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh khi Ngài đồng hành với họ và chuyện vãn với họ, thế nhưng khi Chúa Giêsu ngồi vào bàn ăn, lấy bánh bẻ ra trao cho hai ông thì mắt của hai ông bỗng mở ra để nhận biết Ngài. Bẻ bánh trao ban vốn là cử chỉ đặc thù và cá biêt trong dung mạo của Chúa Giêsu, cử chỉ ấy thể hiện nhân cách và sứ mệnh của Ngài, Ngài chính là tấm bánh được bẻ ra để chia sẻ cho mọi người. Hai người môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu và tâm hồn của họ tràn ngập niềm vui.

Khi thông hiệp vào sự trao ban ấy của Chúa Giêsu, cử chỉ bẻ bánh trao ban của Chúa Giêsu đã trở thành trọng tâm của đời sống Giáo Hội. Giáo Hội được qui tụ để không ngừng lập lại cử chỉ ấy của Chúa Giêsu, đồng thời cũng được mời gọi để trở thành tấm bánh được bẻ ra trao ban cho tất cả mọi người. Thế nhưng cử chỉ ấy của Chúa Giêsu chỉ có ý nghĩa và trở thành hiện thực qua chính sự bẻ bánh và trao ban của các tín hữu Kitô chúng ta mà thôi. Sự bẻ bánh hay Thánh Lễ mà Giáo Hội cử hành mỗi ngày sẽ trống rỗng và vô nghĩa nếu không được thực hiện bằng cuộc sống bẻ ra và trao ban của chính các tín hữu Kitô chúng ta.

Có được bẻ ra, có được vỡ ra, chúng ta mới có thể ra khỏi vỏ ốc ích kỷ, hận thù, dửng dưng của chúng ta. Có được bẻ ra mới mở ra để nhận diện được ngày đang đến trong mỗi một người anh chị em chúng ta.

Cũng chính lúc đó cùng với cử chỉ trao ban ấy, sự hiện diện của Đấng Phục Sinh mà chúng ta nhận ra nơi tha nhân để mang lại cho chúng ta niềm vui đích thực.

Nguyện cho niềm vui đích thực của trao ban ấy làm tràn ngập tâm hồn chúng ta. Amen.

 

38.“Lạy Chúa xin hãy ở lại với chúng con”

(Suy niệm của Lm. Phaolô Hoàng Mạnh Huy)

Lc 24: 13-35 Trong câu chuyện đàm thoại giữa hai môn đệ và người lữ hành xa lạ trên đường Emmau hôm nay.

Kính thưa anh chị em,

Đức tin của chúng ta luôn luôn có một đối tượng để tin, và đối tượng đó chính là Đức Giêsu Kitô. Nhờ Đức Giêsu Kitô mà đức tin của chúng ta được nuôi dưỡng và sống động. Đối với các tông đồ ngày xưa cũng như thế. Họ đã tin vào một Giêsu Nazareth là cứu Chúa của họ. Thế nhưng Giêsu Nazareth đó bị giết chết khiến cho họ trở nên mất niềm hy vọng.

Trong câu chuyện đàm thoại giữa hai môn đệ và người lữ hành xa lạ trên đường Emmau hôm nay, thánh Luca đã kể rằng một trong hai môn đệ đã nói: “Lúc đó chúng tôi đã hy vọng rằng….” (Luca 24: 21). Như vậy có nghĩa là lúc đó chúng tôi ĐÃ TIN, chúng tôi ĐÃ THEO, chúng tôi ĐÃ HY VỌNG….thế nhưng bây giờ, hiện nay thì những hy vọng, những hành động đã tin, đã theo đó đã qua đi rồi, không còn nữa. Cái chết của Chúa Giêsu là một chấm hết đối với họ: hết mong "công hầu khanh tướng", hết giấc mơ của một nước Israel thịnh vượng và họ trở về làng cũ tức là trở về với nỗi thất vọng ê chề.

Giữa lúc u tối đó, Chúa hiện đến đồng hành với các ông như một người lữ khách, nhưng các ông không nhận ra và chỉ xem như là một hành khách lạ. Để rồi chính vị lữ khách ấy đã tìm cách giải thích kinh thánh cho các ông hiểu và trao cho các ông niềm hy vọng mới, để cho các ông có thể thốt lên: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Đây là một lời mời thật lòng của các môn đệ. Bởi vì, lúc đó trời đã tối rồi. Tuy nhiên, câu nói đó ta cũng có thể hiểu nó không chỉ diễn tả màn đêm buông xuống của vũ trụ vạn vật khi về đêm, nhưng có lẽ nó cũng diễn tả MỘT TÌNH TRẠNG TÂM HỒN. Đó là tình trạng tâm hồn u sầu, buồn bã của 2 môn đệ trên đường Emmau, tâm trạng của sự thiếu vắng niềm tin, tâm trạng của sự thất vọng ê chề.

Tâm trạng đó, có lẽ không phải chỉ là ở nơi 2 môn đệ Emmau, mà đó cũng chính là tâm trạng của toàn thể các môn đệ và cũng là tâm trạng của chúng ta ngày hôm nay khi chúng ta đánh mất niềm hy vọng trong cuộc sống.

Chính trong tâm trạng ấy các ông cần một niềm hy vọng, cần một người để chia sẻ và an ủi. Thật may mắn, giữa lúc lạc lối như vậy, các ông đã gặp được người có khả năng đáp ứng những khát vọng đó. Vì thế, như vỡ oà trong niềm vui sướng, các ông đã thưa với người “lữ khách” rằng: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”.

Lời mời ấy có thể rất cần thiết cho chính chúng ta ngày hôm nay, khi chúng ta đang gặp phải thử thách, thất vọng. Những lúc cuộc đời của chúng ta gặp thất bại, có những cay đắng, chán nản đến độ chúng ta đâm ra nghi ngờ Thiên Chúa, không cần Thiên Chúa nữa, chúng ta cần bắt chước hai môn đệ thốt lên lời nguyện xin, để củng cố tâm hồn mình: "Lạy Chúa hãy ở lại với con”. Tuy nhiên, đôi khi thực tế lại ngược hoàn toàn, khi cuộc đời chúng ta gặp trắc trở, cầu xin hoài mà Chúa không thay đổi trắc trở ấy cho chúng ta, nên chúng ta thường đẩy Chúa ra xa khỏi tâm hồn c húng ta. Cầu nguyện là để Chúa ban ơn mà sao Chúa vẫn cứ im lặng trước nỗi đau của mình, thế nên, ở nơi Chúa chẳng thấy niềm hy vọng gì hết. Tâm trạng của chúng ta trong những giờ phút như vậy giống như là Chúa đã chết rồi, và tâm trạng đó cũng giống như là tâm trạng của các môn đệ cho rằng Chúa đã chết và không còn hy vọng gì nữa nơi vị thầy từng được họ coi là thần thánh, là cứu cánh của cuộc đời. Chính vì thế nên, hiếm khi chúng ta mời Chúa ở lại khi chúng ta buồn phiền, thất vọng. Đó là điều thường xảy ra nơi mỗi con người chúng ta.

Điểm mấu chốt khiến cho 2 môn đệ trên đường Emmau có lại niềm hy vọng, là cho dẫu họ đi về với tâm trạng buồn phiền, thất vọng ê chề, nhưng may mắn cho họ là họ vẫn còn mở rộng tâm hồn ra để đón chào người Lữ Khách, chính nhờ điều đó nên người lữ khách mới có cơ hội để giải thích kinh thánh, cũng như dùng hành động bẻ bánh để mở con mắt đức tin cho họ tin vào sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong từng hoàn cảnh, từng giây phút và trong mọi biến cố buồn vui của họ. Chúa sống lại, giờ đây không phải mang tính chất hữu hình nữa, nhưng đi xâu hơn, xa hơn, đó là Chúa phục sinh hiện hữu trong tâm hồn của họ. Nhờ đó họ bừng tỉnh với niềm hy vọng và sống niềm hy vọng đó trong tương quan với các tông đồ khác với hành động: chạy về báo tin cho các môn đệ khác biết là mình đã gặp Chúa phục sinh.

Chúng ta cũng vậy, trong những lúc thất vọng ê chề, chúng ta không nên oán trách Chúa, nhưng chúng ta hãy mở lòng ra để Chúa đi vào tận cõi sâu nhất của tâm hồn, để Chúa dẫn dắt chúng ta qua các mối tương quan cần thiết, chính nơi đó Chúa sẽ bắt đầu giải thích cho chúng ta hiểu những hoàn cảnh tâm hồn của chúng ta. Kinh nghiệm bản thân mỗi người chúng ta đều đã từng trải qua, có những lúc chúng ta tưởng như Chúa không quan tâm đến chúng ta, không đón nhận lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng thời gian trôi qua, khi nỗi đau đã nguôi ngoai và sau đó chúng ta nhìn lại tất cả mọi sự việc, bấy giờ chúng ta mới thốt lên rằng: Cám ơn Chúa vì Chúa đã không theo ý con mà theo sự khôn ngoan và yêu thương của Chúa mà giờ đây con đã cảm nhận được rằng, nếu lúc bấy giờ Chúa theo ý con thì giờ này chắc con đã thất bại ê chề rồi. Đó là kinh nghiệm của tôi, nhưng cũng có thể là kinh nghiệm của anh chị em và đó cũng là lúc Chúa đang giải thích các vấn nạn đã xảy ra cho chúng ta giống như 2 môn đệ Emmau.

Anh chị em thân mến, Thiên Chúa vẫn ở bên cạnh chúng ta đó thôi, nhưng bởi vì chúng ta đã đóng cửa tâm hồn mình lại với những oán trách, những thất vọng, những lý lẽ của con người, đó là chúng ta thường đi tìm những lý do để giải thích cho những thất bại, những đau khổ, những lỗi lầm của mình. Chính vì có quá nhiều những cản trở đó nên cửa tâm hồn chúng ta không còn chỗ cho Chúa có thể đi vào và ở lại với chúng ta. Thật vậy, chỉ khi chúng ta mở rộng lòng mình ra mời Chúa ở lại bằng những mối tương quan, sự bao dung, sự tự hối, sư khiêm nhường và lòng vị tha, thì lúc bấy giờ chúng ta mới có khả năng đương đầu được với những thất vọng và đau khổ trên bước đường đời.

Ngạn ngữ trung hoa có câu: “Nhật Nguyệt tuy minh, nan chiếu phúc bồn chi hạ” (Mặt trời mặt trăng tuy có sáng nhưng khó mà chiếu vào chiếc chậu úp). Ánh sáng của mặt trời cũng như ánh sáng Giêsu, tuy sáng và có đó, nhưng nếu người ta không chịu tiếp nhận thì cũng vô ích, nó cũng giống như ánh sáng chiếu vào một chiếc chậu úp thôi.

Để có thể mời Chúa ở lại trong tâm hồn, trước tiên, chúng ta hãy mở rộng lòng mình ra để đón nhận những hạn chế của mình, những khiếm khuyết của mình, nhờ đó chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận những người xung quanh, và Chúa thì đang hiện diện trong các mối tương quan với anh chị em.

Xin Chúa cho chúng con luôn biết mời Chúa ở lại trong tâm hồn, để rồi đoạn đường Emmau của chúng con trở thành niềm hy vọng và động lực cho cuộc sống của chúng con. Lạy Chúa xin hãy ở lại với chúng con. Amen.

 

39.Trên đường Emmau – R. Gutzwiller.

Theo trình thuật của thánh Luca, Chúa hiện ra lần đầu tiên với các môn đệ trên đường đi Emmau, tác giả trình bày nhiều chi tiết hơn mọi lần và nêu rõ đoạn văn diễn tả nỗi buồn phiền được chuyển thành niềm vui nơi những người tưởng rằng mình bị bỏ rơi, một đoạn văn cho thấy việc Chúa phục sinh là một sự kiện tỏ tường không chỉ đối với các môn đệ trên đường Emmau mà còn với mọi Kitô hữu nữa.

1) Nếu không có Chúa.

Các môn đệ không phải là những người không tin tưởng, tức là những người không hề nghe nói về Chúa Giêsu hoặc chẳng hề nhận được sứ điệp của Ngài. Họ là những tín hữu, những người có niềm tin. Họ đã nhận Ngài ‘như một vị tiên tri, quyền năng trong việc làm và lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân’. Hơn nữa, họ còn hiểu rằng: ‘chính Ngài là Đấng sẽ giải thoát Israel’. Nhưng cuộc khổ nạn của Ngài làm cho lòng tin của họ bị lung lạc. Họ không thể hiểu nổi một vị cứu thế lại phải chịu khổ nạn. Nói cho cùng, họ chối không nhận sự kiện. Họ không hề tin vào biến cố phục sinh. Họ đã nghe các bà loan tin về biến cố ấy, nhưng họ vẫn lưỡng lự, hồ nghi. Thực tại thập giá đã khiến họ phải tháo chạy, hơn nữa họ đã phải rời bỏ Giêrusalem, và vì thất vọng họ đã để mất lòng cậy trông.

Khổ đau vẫn luôn là chướng ngại vật, là cớ vấp phạm lớn lao, khiến những người đã tin tưởng cũng dễ lung lay. Người ta khó có thể dung hoà đau khổ với lòng tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa, lòng tin từ thời ấu thơ của họ dường như trở thành ảo tưởng, hão huyền bởi sự khổ đau ấy, vì gắn bó với những chán chường do cuộc sống khắt khe gây ra nên đi đến chỗ cứng tin, chán ngán. Con đường các môn đệ đi về Emmau xa cách Giêrusalem, cũng chính là con đường mà biết bao người đang gặp phải.

2) Chúa Giêsu hiện ra

Ngài giải thích Kinh Thánh cho họ, và qua Kinh Thánh, Ngài giải thích ý nghĩa của đau khổ như điều Chúa dùng để thực hiện chương trình cứu độ. “Hỡi những kẻ ngu độn và trí lòng chậm tin vào mọi điều các tiên tri đã nói! Thế thì Đức Kitô không phải chịu khổ nạn như thế đã, rồi mới vào vinh quang của Ngài sao?” Cuộc khổ nạn và thập giá của Đấng Thiên Chúa Xức Dầu đáp lại kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa. Và suốt cả Kinh Thánh đều tỏ rõ kế hoạch ấy. “Và khởi từ Môsê và hết thảy các tiên tri, Ngài dẫn giải cho họ những điều đã viết về Ngài trong toàn bộ Kinh Thánh”. Chắc chắn rằng, lối chú giải đích thực phải nhắm đến Đức Kitô. Ngài nhấn mạnh rõ rằng chính Môsê cũng như mọi tiên tri và ‘toàn bộ Kinh Thánh’ đều nói về Đấng Thiên Sai. Ai giải thích Cựu Ước theo nhãn quan lấy Đức Kitô làm trung tâm ắt không phải là gò áp bản văn, trái lại giải thích bản văn theo cách thức của nhà chú giải đích thực. Lối giải thích dựa trên Đức Kitô, lối chú giải Cựu Ước lấy Ngài làm trung tâm bắt nguồn từ chính Đức Kitô, và chính Ngài đã biện minh cho lối chú giải ấy. Chỉ dưới cái nhìn ấy mới hiểu được ý nghĩa đích xác của Kinh Thánh, bất cứ lối giải thích nào chỉ căn cứ vào nghĩa chữ bề ngoài, thì không hiểu được sâu xa mầu nhiệm và tinh thần sâu đậm nhất của Kinh Thánh.

Hơn nữa, Đức Giêsu mặc khải chính mình qua việc bẻ bánh “Khi ấy mắt họ mở ra và nhận biết Ngài” thêm vào những lời giải thích Kinh Thánh là mầu nhiệm bẻ bánh, cả hai sự việc ấy đều là một sự hy sinh mà nhờ đó Chúa tỏ mình ra. Con người có thể tìm hiểu, suy nghĩ, kiếm tìm và cầu nguyện để nhận ra Chúa. Nhưng dù sao, con người cũng cần được Chúa ban ơn cách riêng mới nhận ra Chúa Kitô. Nếu Chúa chẳng ban cho đặc ân ấy, con mắt ta vẫn khép kín. Và chỉ khi nào Chúa tỏ mình ra cho biết thì mới được, cũng như đã xảy ra cho các môn đệ trên đường Emmau: “mắt họ mở ra và nhận biết Ngài”. Bẻ bánh chính là dự phần vào bàn tiệc của Chúa. Chỉ ai được Chúa mời tham dự yến tiệc mới nhận ra Ngài cách đích thực.

3) Với Chúa Giêsu.

Trước khi các môn đệ thành Emmau nhận ra Ngài, thì Ngài đã ở giữa họ và đã có ảnh hưởng nơi họ rồi: “Lòng chúng ta lại đã không cháy bừng bừng lúc dọc đàng Ngài ngỏ lời với ta, và giải nghĩa Kinh Thánh cho chúng ta đó sao?” Tâm hồn họ ngầm cháy. Theo nguỵ thư ghi lại: “Ta là lửa cháy, Ngài nói, ai gần Ta là gần lửa cháy”. Sự kết hợp với Chúa Kitô nung nấu các linh hồn mà nếu không có Ngài, các tâm hồn đó sẽ lạnh ngắt và chết mất.

Khi nhận ra Chúa Giêsu họ liền “chỗi dậy trở về Giêrusalem”. Đó là một kết quả trước mắt, một biến đổi tận gốc rễ đã xảy ra: họ đổi buồn thành vui, sầu tan vui đến, tuyệt vọng biến thành hy vọng, tản lạc quy tụ về, nhát sợ kinh hoàng thành tin tưởng sướng vui. Khi họ gặp được nhóm Mười Một trong phòng hội, họ hiểu rằng Chúa đã hiện ra với ông Simon. Các trình thuật khác nhau đều quả quyết sự kiện không thể chối cãi được: Chúa đã sống lại thật. Trình thuật về các môn đệ đi làng Emmau cho thấy cuộc sống khi không có Chúa, sự can thiệp của Ngài, và sức biến đổi trọn vẹn cuộc đời. Sau kinh ngạc trước ngôi mộ trống, sau sững sờ trước sứ điệp các thiên thần, giờ đây thực sự đã hoàn tất: Chúa đã sống lại thật và còn hiện ra cho những kẻ thân cận: trước nhất và đặc biệt nhất là hiện ra với ông Simon rồi với hai môn đệ thành Emmau và sau với toàn thể các môn đệ đang hội họp.

 

40.Trên đường Emmau.

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau, biến đổi con người từ thái độ ngờ vực đến thái độ tin nhận một cách xác tín và làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh.

Chúa Giêsu tiến đến gặp hai môn đệ đang phân vân về ơn gọi và sứ mệnh theo Chúa. Sau biến cố Chúa bị đóng đinh và chết trên Thập giá, hy vọng về tương lai mà họ muốn xây dựng xem ra bị tiêu tan. Không còn gì giữ họ lại Giêrusalem, nơi Chúa đã dẫn họ đến và cũng là nơi sẽ khởi đầu sứ mệnh làm chứng cho Chúa, nên hai môn đệ quay trở lại Emmau với tâm hồn thất vọng và niềm tin bị thử thách nặng nề. Mô tả về cuộc gặp gỡ này, tác giả Luca đã chú ý đến ba yếu tố: Kinh Thánh, Bí Tích Thánh Thể, Cộng Đoàn Tuyên Xưng Đức Tin. Hai môn đệ nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh sau khi nghe Chúa trong dung mạo người khách đồng hành giải thích Kinh Thánh và bẻ bánh, rồi hai môn đệ trở về Giêrusalem và cũng được củng cố thêm bởi lời tuyên xưng của cộng đoàn: “Chúa sống lại thật rồi, và đã hiện ra với Simon”.

Để làm sống động lại đức tin đã bị lung lay, người môn đệ cần có ba yếu tố: Kinh Thánh, Bí Tích Thánh Thể, Cộng Đoàn Sống Đức Tin. Lời Chúa là của ăn nuôi sống đức tin. Toàn bộ Kinh thánh đều qui về Chúa Giêsu Kitô. Khi bị thử thách, người môn đệ không nên cắt đứt với Lời Chúa, nhưng hãy kiên trì đọc, suy niệm và khiêm tốn xin Chúa giải thích lời Chúa cho mình hiểu. Tâm hồn hai môn đệ Emmau đã bừng cháy lên khi nghe Chúa giải thích Kinh Thánh mới chỉ là khởi đầu của một cuộc trở về; một cuộc phục hồi đức tin còn được thể hiện khi hai môn đệ nhận ra Chúa Giêsu lúc Ngài bẻ bánh. Từ ngữ “bẻ bánh” trong cộng đoàn Kitô tiên khởi có nghĩa là cử hành Bí tích Thánh Thể: Bí tích Thánh Thể hoàn tất điều mà Lời Chúa khơi dậy trong tâm hồn con người. Cuối cùng, đích điểm của cuộc trở lại là cộng đoàn đức tin: đức tin được nuôi dưỡng bởi lời Chúa và Mình Chúa không thể chỉ dừng lại hoặc giới hạn nơi cá nhân, mỗi môn đệ là thành phần của cộng đoàn đang tuyên xưng đức tin; đức tin không bao giờ chỉ là đức tin riêng rẽ, nhưng là đức tin trong một cộng đoàn: “Tôi tin”, đồng thời cũng là “Chúng tôi tin”.

Khi đức tin của chúng ta bị lung lay, bị thử thách, chúng ta cần kiểm điểm xem chúng ta có thái độ nào đối với lời Chúa? Chúng ta sống Bí tích Thánh Thể thế nào? Chúng ta hiệp nhất với cộng đoàn tuyên xưng đức tin thế nào?

Xin Chúa giúp chúng ta lớn lên trong đức tin để có thể làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh.

 

41.Niềm tin và hy vọng

(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)

Có người hỏi tôi rằng thưa cha, chúng ta có được phép bỏ tro người chết xuống hồ, sông hay biển? Tôi mới trả lời rằng: việc chôn xác kẻ chết là một việc đạo đức được khuyến khích và tôn trọng từ xưa đến nay trong Giáo Hội. Hơn nữa Giáo Hội coi việc đạo đức này được đặc biệt tôn trọng vì niềm tin và hy vọng của chúng ta là “xác loài người ngày sau sống lại” (Kinh Tin Kính), cho nên phải được chôn cất cho xứng đáng với niềm tin này. Và từ Công Đông Vaticanô II (1962-65) đến nay, Giáo Hội lại cho phép đốt xác nhưng phải tin rằng dù xác chết tan trong lòng đất hay tan thành tro bụi khi đem thiêu, thì vẫn được quyền năng của Thiên Chúa cho sống lại hiệp cùng linh hồn để vào Nước Trời hưởng hạnh phúc Thiên Đàng hay bị phạt trong hỏa ngục trong ngày cánh chung (Mt 25, 31-46). Vì vậy, theo Giáo luật và Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy rằng nếu hỏa táng người chết, thì việc này không được làm trái với niềm tin của Giáo Hội về sự sống lại của kẻ chết (GL, số 1176; SGLGHCG số 1684- 1690), nghĩa là phải tin rằng dù xác kẻ chết đã ra tro bụi, thì vẫn được sống lại cùng với linh hồn trong ngay sau hết như đã nói ở trên. Vì thế, tro của người hỏa táng cũng phải được tôn kính như xác chôn ngoài nghĩa địa. Nghĩa là phải cất giữ tro này ở nơi xứng đáng, hoặc ở tư gia hay trong nhà thờ nào có nhận cất giữ tro của người hỏa táng. Nghĩa là không được phép mang tro này ra rải ngoài sông, ao hồ hay biển cả, như những người không có niềm tin vào sự sống lại của kẻ chết. Vì không tin, nên họ đã rải tro của thân nhân họ ra sông, hồ hay biển cả, vì cho rằng con người là hư không, chết là hết không hy vọng gì cả, nên thả tro ra sông, biển để nói lên sự hư không này của thân phận con người. Ngược lại, vì người Công Giáo tin xác loài người sẽ sống lại, nên xác chết phải được giữ gìn trong nghĩa trang hay trong các hộp tro để cho con cháu, thân nhân viếng thăm và cầu nguyện. Vậy nếu đem tro của người chết rải ra ngoài sông, biển thì lấy đâu ra nơi cụ thể để viếng thăm đặc biệt trong tháng cầu cho các linh hồn. Nghiêm trọng hơn nữa là nếu đem rải tro người chết ra sông, hay biển thì vô tình cũng giống như những người không tin và hy vọng có sự sống lại của thân xác.

Sinh ra đời, ai ai cũng có niềm tin và hy vọng. Nếu không có niềm tin thì sẽ như chiếc tàu không có bánh lái. Con tàu không có bánh lái thì biết đi về đâu. Niềm hy vọng cũng vậy, nếu tôi không có hy vọng thì tôi sẽ là con người đau khổ và tội nhất. Vì có hy vọng mới có vươn lên, đi tới và chiến thắng được mọi khó khăn, đau khổ. Cho nên, cựu Tổng thống Mỹ Obama đã nói rằng: “Khi còn thở, nghĩa là ta còn hy vọng”; “Cách tốt nhất để không cảm thấy vô vọng là đứng dậy và làm gì đó. Đừng đợi chuyện tốt đẹp xảy ra với mình. Nếu bạn ra ngoài và khiến điều gì đó tốt đẹp xảy ra, bạn sẽ khiến thế giới tràn đầy sự hy vọng, bản thân của bạn tràn đầy hy vọng”.

Hai môn đệ trong Tin Mừng hôm nay, một người tên là Cơ-lê-ô-pát, người kia không có tên, người không có tên ấy cũng có thể là mỗi người chúng ta. Hai ông ngay từ đầu có niềm tin vào Chúa Giêsu nhưng niềm tin của các ông quá ơ hờ, niềm tin vào một Chúa sẽ đánh tan quân thù bằng vũ lực. Cho nên, Chúa chết thê thảm mà không có một uy quyền nào cả nên mất niềm tin, dẫn đến mất hy vọng. Vì vậy, các ông bỏ Chúa không tiếc sót. Những giữa lúc buồn tủi, thất vọng ấy, Chúa Giêsu phục sinh xuất hiện. Lập tức ánh sáng rực lên giữa màn đêm đen. Niềm vui rộn rã xoá tan u sầu. Ngọn lửa bừng lên sưởi ấm những trái tim lạnh giá vì Chúa Giêsu đã đem đến cả một trời hy vọng. Chúng ta thấy Chúa Giêsu đã nhen nhúm niềm hy vọng trong tâm hồn hai ông qua lời chứng của những người bạn, các ông không tin, rồi qua Thánh Kinh tâm hồn các ông rộn ràng niềm vui, trí các ông bừng sáng nhưng các ông vẫn chưa nhận ra Chúa phục sinh. Cuối cùng, Chúa Giêsu bẻ bánh, chính qua cử chỉ bẻ bánh mà các ông nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh. Niềm hy vọng không còn là hy vọng nữa, nhưng đã trở thành hiện thực. Niềm tin không còn bán nghi, không còn hoang mang lo lắng và thấp thỏm nữa vì các ông đã gặp được chính niềm hy vọng là Chúa đã sống lại thật rồi.

Chúa Giêsu bẻ bánh là nhắc lại cử chỉ khi lập phép Thánh Thể. Nhờ phép Thánh Thể toàn bộ con người các ông đổi mới. Từ nay u buồn sẽ không còn, lo âu sợ sệt tan biết mất, hy vọng đã vươn lên và và các quay trở lại Giêrusalem tiếp tục làm môn đệ Chúa phục sinh. Cho nên, Thánh Thể Chúa chính là lương thực nuôi dưỡng niềm hy vọng. Nhờ có Thánh Thể, đường xa trở nên gần. Nhờ có Thánh Thể, nỗi buồn trở niềm vui. Vì nhờ có Thánh Thể, ta luôn được ở bên Chúa.

Đời sống ta không thiếu những giờ phút khó khăn. Cuộc đời đầy thử thách nhiều lúc đẩy ta vào hố thẳm tuyệt vọng. Ta hãy học bài học Chúa dạy các môn đệ trên đường Emmau: Hãy biết nhìn các biến cố trong cuộc đời bằng con mắt đức tin. Dưới ánh sáng đức tin, mọi đau khổ sẽ xuất hiện với một ý nghĩa tốt đẹp cho cuộc đời. Ánh sáng đức tin sẽ thắp sáng niềm hy vọng. Hãy biết nghe, đọc và suy gẫm Lời Chúa và hãy đến với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể để nhìn thấy Chúa phục sinh luôn ở trong đời ta. Đặc biệt hãy kết hiệp với Chúa Giêsu trong Thánh Thể vì Thánh Thể sẽ là lương thực nuôi dưỡng niềm hy vọng của ta và cảm nếm trước hạnh phúc trên thiên đàng. Đường đời chúng ta cũng như quãng đường từ Giêrusalem đi Emmau. Khi ta tin vào Chúa phục sinh luôn đồng hành với ta trong cuộc sống qua Lời Chúa và Thánh Thể của Ngài, con đường là cuộc đời ta sẽ trở nên gần gũi, bằng phẳng, vui tươi, hạnh phúc và sáng sủa dù ta đi trong bóng đêm. Và khi ta tin vào Chúa phục sinh thì niềm hy vọng của ta nơi Chúa phục sinh cũng sẽ trở thành hiện thực trong ngày sau hết như Lời Chúa nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ”.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh là niềm tin yêu và hy vọng của chúng con. Xin cho đường đời chúng con đang trải qua luôn là con đường tin yêu và hy vọng vì luôn có Chúa phục sinh luôn ở bên hôm qua hôm nay và mãi mãi. All.

 

42.Nhận ra Chúa hiện diện trong cuộc sống gia đình

(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)

Mỗi người trong chúng ta khi bước vào cuộc sống, ai ai cũng đã, đang và sẽ gặp biết bao nhiều chuyện buồn phiền và thất vọng. Buồn phiền vì không được đi học hay có đi học, học không bằng bạn bè, buồn vì không có việc làm, buồn vì bạn bè phản bội, buồn vì bà con chơi xấu mượn tiền không trả, buồn vì làm ăn không thành công, thui lỗ, buồn vì bệnh tật… Rồi trong chuyện tình yêu hôn nhân gia đình cũng vậy, chưa có người yêu cũng buồn nên mới có chuyện: “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không duyên. Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành. Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng dở dang. Yêu ai cũng lở làng dù rằng tôi chẳng lỗi chi”. Nhưng, khi có người yêu rồi buồn vì người yêu nay đã là vợ hay chồng người ta, nên mới có chuyện: “Đời tôi cô đơn nên yêu em chẳng bao lâu. Ngày mai đây em lên xe hoa bước theo chồng. Đời tôi quen cô đơn nên tôi chẳng trách em. Tôi quen rồi những chuyện dang dở từ khi mới yêu”. Rồi trớ trêu thay, khi đã lấy vợ lấy chồng rồi đó, cũng gặp chuyện buồn phiền vì vợ chồng chia tay, ly dị nhau cho nên mới có chuyện: “Thôi rồi ta đã xa nhau kể từ đêm pháo đỏ rượu hồng. Anh đường anh, anh em đường em yêu thương xưa chỉ còn âm thầm. Em đành quên cả sao em kỷ niệm xưa sánh như biển lớn. Ân tình cao tựa bằng non chỉ đổi bằng nhung lụa sao người?”. Đó vì tiền bạc mà tình yêu vợ chồng, cha mẹ không còn sắt son nữa, không còn chung thủy với nhau nữa nên từ bỏ nhau đường ai nấy đi, bỏ mặt con cái bơ vơ, lang thang côi cút, làm cho con cái phải buồn sầu đắng cay vì cha mẹ bỏ rơi nên mới có chuyện: “Cha ơi, cha là ai? Mẹ ơi, mẹ là ai? Mưa rơi con lạnh quá, gió buốt từng cơn đêm dài bơ vơ, nằm mơ một mái nhà có mẹ và có cha. Tại sao sinh em trong cuộc đời mà sao không cho em tình người. Tuổi thơ em lang thang lạc loài em nào có tội gì đâu. Tuổi thơ em không một mái nhà, tuổi thơ em không được đến trường, tuổi thơ em bơ vơ đầu đường xin từng hạt cơm rơi, xin từng hạt cơm rơi”. Rõ ràng người chưa có gia đình cũng buồn, có gia đình cũng buồn, đi tu theo Chúa có buồn phiền và thất vọng không? Có buồn chứ, cụ thể hai môn đệ trong Tin Mừng mà chúng ta vừa mới nghe.

Rõ ràng hai môn đệ đã từng theo Chúa, nghe Chúa giảng và thấy làm những việc kỳ điệu, ấy thế mà hôm nay Chúa chết, buồn sầu và thất vọng nên quyết định bỏ Chúa lên đường về quê, làm ăn kiếm sống, không theo Chúa nữa. Tại sao các ông buồn và thất vọng? Vì trước đây họ theo Chúa với hy vọng rằng Chúa sẽ giải phóng Ít-ra-en, khi ấy Chúa sẽ được vinh dự vui mừng, mình cũng “vui lây”. Giờ đây, Chúa mình theo chết thảm quá nên cái chết của Chúa Giêsu là một chấm hết đối với họ: hết mong “công hầu khanh tướng”, hết hy vọng. Cho nên, hôm nay, trên đường từ Giê-ru- sa-lem về Em-mau là đi về phía tây, phía mặt trời lặn, phía đêm tối. Tâm trạng hai môn đệ lúc ấy buồn sầu thảm thiết và ruột gan rối bời như đêm đen. Thế rồi, Đức Giêsu xuất hiện như người lữ hành cùng đi với họ, trò chuyện, giải thích Thánh Kinh cho họ. Chính lúc nghe Lời Chúa, lòng họ đã bừng cháy lên, nhất là khi "Người cấm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ" thì họ mới thực sự nhận ra Người, không chỉ bằng con mắt xác thịt mà bằng cả con mắt đức tin. Giờ đây, thật sự họ đã nhận ra Chúa đã phục sinh và từ đó ý nghĩa của cuộc đời trở nên trong sáng, tối tăm trở nên sáng như ban ngày. Cho nên, sau khi Ngài biến mất, họ phải đứng dậy ngay, quay trở lại Giê-ru- sa-lem, đi về phía đông, phía mặt trời mọc, phía ánh sáng. Và chính Đức Giêsu đã đưa họ từ tâm trạng buồn phiền thất vọng, chán nản sang niềm vui phục sinh và hạnh phúc vì có Chúa trong đời.

Sống giữa cuộc đời, chúng ta gặp nhiều biến cố xảy ra cho mình và gia đình chúng ta và nó làm cho ta phải buồn phiền và thất vọng. Vì vậy, mọi ngày chúng ta từ giữa cuộc đời đến Nhà thờ mang trong mình những tâm tư của cuộc sống. Khi vào nhà thờ mình kể cho Chúa Giêsu nghe tất cả, lúc đó Chúa Giêsu qua Giáo hội lấy Thánh kinh chia sẻ với anh chị em. Lấy Thánh kinh để dọi một ánh sáng vui mừng và hy vọng biến cố buồn phiền và thất vọng mà anh chị em gặp trong cuộc sống để chúng ta gặp Chúa trong những biến cố ấy, Ngài luôn hiện diện đỡ nâng ta, ban bình an và nói với ta những lời an ủi để ta khỏi tuyệt vọng trong đời để rồi đời không phải là vạn ngày sầu mà mỗi ngày có một niềm vui, như lời Chúa nói: “Thầy đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 1-10). Vì thế, đỉnh cao của Thánh lễ là việc Chúa Giêsu cầm lấy bánh, bẻ ra và trao cho chúng ta, và khi chúng ta rước Mình Thánh Chúa vào trong cung lòng ta, lúc ấy chúng ta sẽ được kết hiệp mật thiết với Chúa, Chúa sẽ làm cho chúng ta bình an khi gặp những đau khổ, buồn phiền trong cuộc sống hôn nhân và gia đình. Qủa vậy, chính khi "bẻ bánh" mà hai môn đệ Emmau mới bừng sáng con mắt mà nhận ra Người. Thì chỉ có Bí tích Thánh Thể mới giúp chúng ta hồi phục sau những cơn giông tố cuộc đời. Chỉ có Bí tích Thánh Thể mới bổ sức cho chúng ta những người cha, mẹ, và con cái sau những lần vấp ngã đắng cay để trỗi dậy làm cho mái ấm gia đình nở hoa chứ không bế tắc. Chỉ có Bí Tích Thánh Thể mới dẫn đưa chúng ta từ nơi tối tăm sự chết đến miền ánh sáng Phục Sinh bằng việc gia đình hòa thuận thương yêu nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gia nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe và khi vui cũng lúc sầu buồn. Vì vậy, chỉ trong Đức Giêsu, chúng ta mới nhận ra được ý nghĩa của cuộc đời. Có Ngài hiện diện, ngay cả trong những ngày tháng buồn phiền, chúng ta vẫn có thể thấy ánh sáng cho hành trình cuộc đời, được Ngài lưu lại trong tâm hồn, chúng ta nhận ra thiên đàng đã bắt đầu ngay trên trần thế này đó là bình an và hạnh phúc, vì chưng: “Hồng ân Chúa như mưa, như mưa, rơi xuống đời con miên man, miên man, nâng đỡ tình con trong tay, trong tay vòng tay thương mến. Đời có Chúa êm trôi êm trôi Chúa dắt dìu con luôn luôn không thôi, có Chúa cùng đi con không đơn côi. Ôi tình tuyệt vời”.

Cho nên, trong Tâm thư gửi cho các gia đình Công giáo năm nay, các Đức giám mục Việt nam mời gọi Gia đình hãy là ngôi nhà thờ phượng khi gia đình tràn ngập sự hiện diện của Chúa. Ngài sẽ bước vào ngôi nhà của anh chị em khi mọi người trong nhà cầu nguyện chung, lắng nghe Lời Chúa. Những giờ cầu nguyện chung ấy sẽ liên kết mọi người trong Chúa, giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố vui buồn của gia đình, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và trở nên chứng nhân của Chúa giữa lòng đời. Vì vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng: “Cầu nguyện trong gia đình là một phương thế ưu việt để diễn tả và củng cố đức tin phục sinh. Gia đình có thể dành ít phút mỗi ngày để quy tụ với nhau trước nhan Thiên Chúa hằng sống, nói với Ngài về những lo lắng bận tâm, cầu xin với Ngài cho những nhu cầu của gia đình, cầu nguyện cho ai đang gặp khó khăn, xin Chúa giúp ta biết sống yêu thương, tạ ơn Ngài về sự sống và về bao ơn lành khác. Với ít lời lẽ đơn sơ thôi, nhưng những phút giây cầu nguyện đó có thể mang lại điều tốt lành lớn lao cho gia đình” (Niềm vui của tình yêu, 318). Và trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng Đức giáo hoàng đương kim đã khẳng định rằng: “Những ai gặp Chúa Giê-su và chấp nhận đề nghị cứu độ của Ngài thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn”.

Nếu ngày xưa, hai môn đệ Emmaus đã nhận ra Chúa khi Ngài ngồi vào bàn ăn bẻ bánh trao lại cho hai ông, thì hôm nay nơi Bàn Tiệc Thánh này, Ngài cũng làm lại cử chỉ đó để chúng ta nhận ra Ngài đang sống và hiện diện giữa chúng ta và với chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Và sau khi vui mừng nhận ra Chúa đã sống lại, hai ông đã vội vã ra đi gặp anh em để thông đạt niềm vui và niềm tin yêu nơi họ. Cũng vậy, sau khi hiệp lễ, chúng ta được sai phái ra đi đem Tin Mừng Chúa sống lại, đem niềm vui Phục Sinh đến cho mọi người, nhất là những người trong gia đình chúng ta để mọi thành viên trong gia đình thương yêu nhau, vợ chồng chung thủy với nhau, cha mẹ yêu thương chăm sóc và giáo dục con cái nên người, nhất là con cái phải thảo kính với ông bà cha mẹ, quan tâm và chăm sóc ông bà cho mẹ bằng tinh thần cũng như vật chất. Và như thế, gia đình chúng ta quả thật là gia đình Công giáo thực sự và là mái ấm tình thương vì luôn có Chúa hiện diện.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, "xin ở lại với chúng con", vì chúng con rất cần Chúa trong các nỗi buồn của cuộc đời. Chúng con không xin Chúa những ơn cao cả, nhưng chỉ xin Chúa luôn hiện diện. Có Chúa, dù cuộc đời chúng con có còn nhiều buồn phiền nhưng chúng ta tin chắc chắn rầng Chúa ban bình an cho chúng con, làm chúng ta an tâm mà vui sống. Amen.

 

43.Hành trình Emmau - Đamas

(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)

Có thể nói đường đi Emmau nào có khác chi đường đi Đamas. Hai môn đệ chán chường về quê, Saolô hăng hái lên đường bắt bớ.Tiếc thương Đức Giêsu trên đường đi Emmau hay thù ghét Ngài trên đường đi Đamas, cả hai đều chỉ thấy Ngài trong cõi chết. Họ đều cần ơn “trở lại” để đổi mới cuộc đời.

Chính Chúa Giêsu Phục Sinh đã giúp họ trở lại bằng sự hiện diện đồng hành, bằng đòn quật ngã khỏi yên ngựa.

Dưới tác động của ân sủng, họ được biến đổi trở nên chứng nhân loan báo Tin mừng Phục sinh.

Hành trình Emmau:

Ai đã từng có một lần thất bại trong tình yêu hay trên đường sự nghiệp sẽ hiểu được tâm trạng buồn phiền chán nản, nặng trĩu ưu sầu của hai môn đệ trên đường Emmau. Mộng vàng tan bay, bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hy vọng bỗng dưng đổ vỡ tan tành. Những năm tháng theo Thầy đi rao giảng, họ luôn ôm ấp hoãi bảo lớn lao. Thầy sẽ lập quốc,đánh đuổi đế quốc La mã.Thầy sẽ là vua. Họ sẽ là các quan đại thần quyền thế. Khát vọng vinh quang trần thế này không đúng ý Chúa, nhưng là động lực thúc đẩy các môn đệ.

Kể từ khi tảng đá to đã niêm phong cửa mộ thì đối họ, tất cả đã hết, không còn gì ngoài những kỷ niệm xót xa chua chát. Một thực tế phủ phàng trĩu nặng nổi âu lo sợ hãi. Niềm hy vọng lớn lao xưa đã bị chôn vùi với Giêsu Nazareth. Bởi đó họ ở lại Giêrusalem để làm gì khi người ta đã đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng giải thoát dân tộc.Thập giá được giương cao và vị cứu tinh được chờ đợi với biết bao kỳ vọng đã kết thúc sự nghiệp bằng cái chết đớn đau ô nhục.

Nổi buồn mất mát và nổi đau tuyệt vọng đã làm cho họ không còn nhạy cảm với những thực tại xung quanh. Họ đã không nhận ra Đức Giêsu Phục Sinh đang cùng đi với họ. Ưu tư duy nhất là ưu tư về chính mình. Thái độ ấy đã bịt mắt, đã che đi nguồn sáng nên họ đã không nhận ra sự hiện diện đầy thân tình của Đấng Phục Sinh.

Đức Giêsu Phục Sinh đến như người bạn đồng hành. Ngài chăm chú lắng nghe họ kể nổi đau buồn. Ngài đốt lên ngọn lửa bừng cháy trong tim họ khi giải thích Thánh Kinh ”Bắt đầu từ Môisen và duyệt qua hết các tiên tri, chú giải cho họ những gì liên quan đến Người trong các bản văn thánh kinh”. Vậy thì cả lịch sử cứu độ hướng về Ngài và chỉ có ý nghĩa vì Ngài. Lịch sử vũ trụ, lịch sử nhân loại, mọi lịch sử chỉ là lịch sử cứu độ, lịch sử của Đức Kitô. Đức Kitô hôm qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là một. Nghe Lời Chúa, lòng họ bừng lên, nội tâm được biến đổi.

Trong quán trọ, họ nhận ra Ngài qua cử chỉ bẻ bánh. Mắt họ mở ra khi ”Đức Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng bẻ ra và trao cho họ”. Đó là cử chỉ của Chúa trong bữa tiệc ly, một dấu ấn đã in sâu vào tâm hồn các môn đệ. Cảm nhận bừng cháy trong tâm hồn khi Đức Giêsu ngõ lời, nhưng Ngài đã biến đi. Hai ông đã phục hồi niềm tin, đã tìm lại được Chúa, Đấng Hằng sống trên đường đời của họ. Từ nay, Chúa ở với họ,tỏ ra cho họ qua những dấu chỉ niềm tin, lôi kéo họ vào mầu nhiệm Phục sinh.

Con đường dẫn đưa những người lữ khách từ Giêrusalem đến quán trọ Emmau sao xa xôi vạn lý, thế mà giờ đây lúc trở về Giêrusalem lại hoá nên gần gũi thân quen, bởi vì Tin mừng đang cháy bỏng trong tim và trên môi của họ. Họ gặp các Tông đồ và kể lại cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Đấng Phục sinh.

Từ nay, các ông sẽ là những chứng nhân cho Đấng cùng đồng hành với các ông, chia sẽ vui buồn, dẫn dắt tâm hồn, thắp sáng niềm tin, đốt nóng niềm hăng say cũng như sẽ đồng bàn và trao sự sống mới trong cử chỉ thân quen.

Từ nay các ông sẽ là người loan báo Đấng Phục sinh cho anh chị em của mình bằng chứng từ của một đời sống dấn thân phục vụ. Không có rào cản nào chắn được bước chân của các Ngài nữa vì Đấng Phục sinh đang cùng họ đồng hành trên khắp mọi nẻo đường trần thế.

Hành trình Đamas:

Trước khi trở lại, đối với Phaolô, Tin mừng về Đức Kitô quả là một chuyện vô lý nhất chưa từng nghe nói bao giờ. Giêsu đã sống lại. Môn đệ của ông ta loan báo rằng ông ta đã chết và đã sống lại.

Nghe bài diễn văn của Simon-Phêrô, người dân chài rao truyền rằng: Giêsu Nazareth, người mà Thiên Chúa đã uỷ thác bằng các phép lạ tuyệt diệu, người mà các ông đã bắt và đã kết tội tử hình,đóng đinh vào thập giá, nhưng Thiên Chúa đã phục sinh Ngài. Phải, Thiên Chúa đã cho cho sống lại… chúng tôi đã chứng kiến, tất cả chúng tôi đã là nhân chứng tại chỗ.

Saolô với tư cách là người có học, một biệt phái mộ đạo. Ông có thông biết thánh kinh bằng hay hơn kẻ chài lưới có bàn tay chai cứng? Phêrô, Gioan đã nhân danh Đức Giêsu đặt tay lên người bệnh và người bệnh được khoẻ mạnh. Phêrô và Gioan đã bị nhốt trong ngục tối, cửa sắt khoá chặt, quân đội súng ống canh gác ngày đêm trước dãy tường kiên cố. Thế nhưng, Phêrô, Gioan đã được thả tự do bởi một bàn tay kỳ diệu. Người lạ gặp thấy hai ông đang lên tiếng to trong hành lang của đồn là Đức Giêsu đã sống lại, hai ông đã chứng thực về những phép lạ các ông cử hành nhân danh Thầy Chí Thánh.

Saolô không thể chấp nhận như thế mãi được, phải ra tay tiêu diệt bọn tà đạo này. Nhận lệnh từ Giêrusalem, Saolô lên đường đi Đamas. Dưới ánh nắng mặt trời chói chang, bụi tung mịt mù, trời nóng như thiêu đốt. Không quan trọng! Saolô ra đi, điều cần thiết nhất là nhanh chóng bắt hết bọn tà đạo về Giêrusalem.

Và bỗng chốc, một luồng ánh sáng chói lọi bao phủ lấy Saolô làm ông ngã ngựa. Ong không còn thấy gì nữa. Ong nghe có tiếng gọi ông: ”Sa-un, Sa-un, sao ngươi lại bắt bớ Ta?”

Ông hỏi lại: ”Thưa Ngài, Ngài là ai?” Tiếng nói lại âm vang: ”Ta là Giêsu mà ngươi đang bách hại” (Cv 9,5) Saolô hoàn toàn bối rối. Ong nào có bắt bớ Chúa Giêsu, mà bắt bớ các môn đệ Ngài thôi! Thê rồi ông chợt hiểu ra, Chúa Giêsu và các môn đệ ngài là một, và Saolô đã khuất phục: ”Lạy Chúa,Chúa muốn con làm gì?”. Chúa truyền cho Saolô vào thành gặp Khanania (Cv 9,5-8). Saolô đứng dậy, ông chớp mắt mà không thấy gì. Ông được đưa về Đamas. Sau ba ngày,có một người Dothái thuộc cộng đoàn mới đã đến gõ cửa và bảo: ”Saolô,người anh em,hãy nhìn thấy lại”. Phép lạ đã xảy ra, Saolô lại thấy được. Saolô đã chịu phép rửa bởi tay Khanania. Ông cần thời gian để tĩnh tâm, học hỏi và cầu nguyện. Thế là ông rời bỏ Đamas để sang vùng Ảrập sống trong thanh vắng. Thầy của ông đã chuẩn bị 30 năm thì ông cũng phải chuẩn bị ba năm (Gal 1,17). Ba năm trời ông nghiền ngẫm thánh kinh, đối chiếu trực tiếp với Thần Khí Chúa để hiểu rõ Tin mừng. Ba năm trời đã cho ông tâm tình của Chúa Kitô,đã đồng hoá ông với Đức Kitô đến nổi ông phải tuyên bố: ”Không phải tôi sống, nhưng là chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Col 2,20).

Kể từ lúc sáng mắt, Saolô đã hoàn toàn đổi mới. Ong nhiệt thành loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa với tất cả thao thức ”Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cor 5,14). Với tên mới Phaolô, vị tông đồ được Chúa chữa sáng mắt đã ra đi khắp chân trời góc biển rao giảng Tin mừng và trở nên vị tông đồ dân ngoại lừng danh. Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài” tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi” (Gal 2,20).

Hành trình Đamas đã làm thay đổi cuộc đời Phaolô. Sống và chết cho Đức Kitô trong tiến trình của cuộc sống muôn màu của Phaolô mãi mãi vẫn thốt lên lời tuyên tín như một bài ca khải hoàn ”Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo?… Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta“ (Rm 8,35-39).

Đọc lại hành trình Emmau, hành trình Đamas để nhận thấy người Kitô hữu chỉ bắt đầu là Kitô hữu thực sự khi khởi đi từ niềm tin Chúa Kitô sống lại.

Trong hành trình theo Chúa, người tín hữu có lúc phải đối diện với vô vàn khó khăn phức tạp của đời sống muôn mặt. Có những thất bại, có những chống đối làm choáng váng, ngỡ ngàng hoang mang vì Đức Giêsu như không còn hiện diện và can thiệp. Ngài dường như bỏ mặc cho thế gian hoành hành.

Chính trong những lúc thất vọng hay bị bách hại thì Đức Kitô lại tỏ bày dấu chỉ để người tín hữu nhận ra Ngài đang hiện diện, đang đồng hành khơi lên niềm hy vọng tràn đầy.

Hãy biết nhận ra Ngài qua các dấu chỉ như hai môn đệ Emmau. Hãy biết nhận ra Ngài qua từng biến cố đau đớn như Phaolô té ngựa trên đường Đamas.

Với tất cả niềm tin và lòng yêu mến, nhất định người Kitô hữu sẽ trở nên chứng nhân của niềm hy vọng, chứng nhân của sự sống, chứng nhân của niềm vui.

 

44.Chuyện kể trên đường Emause

(Suy niệm của JB. Lê Ngọc Dũng)

Khi chúng ta u sầu, lúc buồn chán; hay khi gặp thất bại cay đắng của cuộc đời thì chúng ta hay làm gì? Đó là thích được chia sẻ. Ai trong chúng ta cũng thích được chia sẻ; chia sẻ vui buồn của cuộc đời.

Vì sao vậy?

Vì lẽ tự nhiên của tâm lý con người. Khi không chia sẻ, tìm cách giữ kín tâm tư tình cảm thì tự nhiên sinh ra một sự đè nén trong tâm hồn, có hại hơn là có lợi. Nỗi u buồn, chán nản mà giữ kín trong lòng chỉ càng thêm u buồn chán nản. Và một khi con người đi vào chỗ bế tắc thì hầu như không thấy được một con đường nào mới để đi tới. Sự vật sẽ trở nên đen tối và người đó sẽ chẳng thấy gì sáng sủa hơn. Câu chuyện Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường đi Emause giúp chúng ta nhận ra giá trị của việc chia sẻ.

Hai môn đệ đi theo Đức Giêsu với nhiều hy vọng to tát. Hai ông nói: “Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Ngài sẽ giải cứu Israel” (Lc 24,21). Nhưng hai ông đã thất vọng. Đang ở thủ đô Giêrusalem mấy ngày trước, chắc hẳn hai ông đã cùng với dân chúng tung hô Chúa Giêsu: “Vạn vạn tuế con vua Đavit”; “Vạn vạn tuế con vua Đavit”. Chắc hẳn là hai ông rất vui mừng, hãnh diện, và hy vọng khi mình và nhiều người khác cùng tung hô thầy mình như thế. Còn bây giờ, các ông thất vọng buồn sầu, rời bỏ kinh thành, đi về quê với tâm lòng nặng trĩu, như lời một bài thánh ca hát: "mộng vàng tan mây,… lê bước chân đường dài!".

Nhưng rồi, Chúa Giêsu phục sinh đã khéo léo hội nhập với họ như một khách đi đường, một kẻ xa lạ. Có được một kẻ xa lạ mà trút bầu tâm sự, trút gánh nặng của nỗi lòng thì còn gì bằng, nhất là người xa lạ lại tử tế, chăm chú lắng nghe. Chúa Giêsu đã tạo ra một bầu khí dễ chịu, khiến hai ông dễ dàng trút ra câu chuyện buồn của hai ông.

Thế rồi Chúa Giêsu phục sinh cũng bắt đầu kể câu chuyện của Ngài. Có điều là câu chuyện của Ngài cũng là câu chuyện của họ nhưng với cái nhìn khác. Đối với họ thập giá là một điều khủng khiếp đánh tan mọi hy vọng; cái chết của Ngài, như là mộtj thất bại cay đắng, đánh dấu cái một sự chấm dứt niềm tin và hy vọng. Nhưng bây giờ, Ngài lại cho họ thấy thập giá không phải là cái thất bại, cái cuối cùng, cái chấm dứt niềm hy vọng. Ngài nói: “Nào Đức Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26). Ngài đã giúp họ hiểu câu chuyện mà chính Ngài đã trãi qua. Ngài đã giúp họ thay đổi được cái nhìn, thay đổi được cuộc đời.

Họ đã vui sướng thú nhận: "Dọc đường khi Ngài nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên đó sao?” (Lc 24,32).

Cách đây ít lâu, một người đàn ông bước vào một khách sạn ở thành phố Luân Đôn. Anh nói là anh không còn nhớ mình có tên gì nữa. Thì ra anh bị một bệnh, là bệnh quên. Anh ta cũng không nhớ được là mình từ ở đâu tới, và đã làm chuyện gì. Anh ta lúng túng, sợ hãi và sau đó là thất vọng.

May mắn cho anh, khi đem anh tới bệnh viện. Bác sĩ tâm lý này đã cho thấy rằng, anh này sở dĩ bị bệnh quên là vì anh có những điều muốn quên mà quên chẳng được, bức xúc quá nên anh phát sinh bệnh quên và quên luôn, quên hết mọi sự.

Sau mới khám phá ra rằng, anh ta vốn là một kẻ mồ côi. Khi lớn lên anh yêu và lấy được một cô gái nhà giàu và ở rễ tại nhà cô gái ấy. Cô vợ nhà giàu này lại không cần tiền của anh ta, mặc dù anh đã làm thợ và kiếm tiền về giúp gia đình. Người trong nhà lại khinh dễ anh ta, đến nỗi anh cảm thấy mình trở nên dư thừa, vô dụng... Anh hối hận vì mình lấy phải một cô vợ giàu. Giả như lấy một cô vợ nghèo thì nay mình đã không bị rơi vào tình cảnh này. Càng suy nghĩ anh càng thấy buồn tủi, càng oán hận chính mình. Anh muốn quên đi mọi sự. Tâm trí anh căng thẳng đến độ anh phát sinh bệnh, đó là bệnh quên.

Câu chuyện có lẽ hiếm khi xảy ra. Nhưng thật sự cuộc đời con người luôn có nhiều trường hợp đau thương xảy ra tương tự. Nhưng nếu như những người như vậy, có được cơ hội để kể câu chuyện của họ, thì chắc hẳn có được những giải toả tâm tư và sẽ có những tia sáng chiếu soi vào cuộc đời bế tắc u buồn của họ. Cái hy vọng phấn khởi sẽ đến với họ. Ít nhất là khi được lắng nghe, họ cũng đã cảm thấy mình được tôn trọng, cảm thấy mình có giá trị, được đón nhận. Từ đó họ mới có đủ can đảm để chấp nhận cuộc đời mình, gánh vác cuộc đời mình.

Nhưng tiếc thay, nhiều người lại không có cơ hội để kể câu chuyện của mình, vì không gặp được người nghe để mà kể. Cũng có khi kể xong câu chuyện mà tâm tư họ chưa được giải toả, vì họ chưa được lắng nghe...

Nghe, đón nhận một câu chuyện có nghĩa là làm sao cho người tâm sự không còn thấy ghét mình nữa, không còn u sầu, không còn thất vọng về mình nữa. Điều đó đặt biệt chỉ có được khi từ chính những cái đen tối, từ những khía cạnh tiêu cực, ta lại thấy được tình yêu thương và ân sủng của Thiên Chúa đang hoạt động trong đó.

Câu chuyện nền tảng giúp tìm ra ý nghĩa của các câu chuyện đau buồn khác chính là câu chuyện thập giá của Đức Kitô và sự Phục Sinh của Ngài. Vì chính ý nghĩa về đau khổ và vinh quang của thập giá sáng soi mọi cái đau khổ của câu chuyện con người. Ý nghĩa đó là: chính tội lỗi của con người đã gây nên đau khổ và sự chết, chính sự tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa và sống yêu thương đưa con người chúng ta thoát khỏi đau khổ và sự chết, đưa đến phục sinh vinh quang.

Sự kiện hai môn đệ trên đường Emause cũng giúp chúng ta thấy rằng, hiệu quả của chia sẻ, sẽ tăng lên gấp bội, khi được nuôi dưỡng bởi Kinh Thánh và bởi Thánh Thể. Không gì tốt hơn để giúp nhận ra ý nghĩa của câu chuyện thập giá, câu chuyện của cuộc đời, cho bằng khi được dưỡng nuôi bằng Kinh Thánh và Thánh Thể.

 

45.Chúa Giêsu đồng hành – Lm Đan Quang Tâm

Tam Nhân Đồng Hành Tất Hữu Ngã Sư Yên

Ở đây người thày đó chính là Thày Chí Thánh của chúng ta. Còn hai người kia là ai? Ta hãy nghe Lu-ca thuật chuyện.

Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số (c. 13). Hôm ấy là Chủ Nhật Phục Sinh. Có hai người trong nhóm môn đệ Đức Giê-su đi từ Giê-ru-sa-lem về quê là làng Em-mau. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra (c. 14). Chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ (c. 15).

Cựu Ước viết: "Thiên Chúa cùng đi với họ" trong vườn địa đàng. Đức Giê-su, "Con Một Thiên Chúa, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật", một lần nữa cùng đi với con người. Ở đây Ngài đi cùng con người đang khi họ thất vọng não nề, lòng tin lung lay, mộng đẹp tan vỡ. Ngài đi cùng họ trong cuộc hành trình đức tin, trên con đường lữ thứ trần gian.

Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay." Đức Giê-su hỏi: "Chuyện gì vậy?" (c. 17-19a). Được lời như cởi tấm lòng, họ được dịp trút hết nỗi phiền muộn âu lo đang đè nặng tâm tư. Họ thưa: "Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân" (c. 19b).

Câu trả lời của Cơ-lê-ô-pát tóm tắt cuộc đời và sứ mạng của Đức Ki-tô. Ông kể lể về cuộc thương khó và cái chết của Ngài: "Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá" (c. 20). Ông bày tỏ nỗi thất vọng não nề của các môn đệ: "Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi" (c. 21).

Ông thuật lại sự việc vừa mới xảy ra buổi sớm mai còn tươi rói trong tâm trí của mình: "Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy" (c. 22 - 24).

Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh" (c. 25 - 27).

Trước đó, Đức Giê-su đã bảo người Do-thái: "Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi" (Ga 5, 39). Khi tuyên bố điều ấy, Ngài chỉ cho ta một phương thế chắc chắn để nhận biết Ngài. Đức Phao-lô IV dạy ta rằng ngày nay cũng vậy, việc chuyên cần đọc Sách Thánh và tôn kính Lời Chúa là một ơn linh hứng rõ rệt của Chúa Thánh Thần. "Các tiến bộ đạt được trong lĩnh vực nghiên cứu Kinh Thánh, việc phổ biến, phát hành Sách Thánh ngày càng gia tăng, và trên hết là gương mẫu của truyền thống và tác động từ bên trong của Đức Chúa Thánh Thần có chiều hướng giúp người Ki-tô hữu thời nay ngày càng sử dụng nhiều Kinh Thánh như cuốn sách kinh nguyện căn bản và kín múc, rút ra từ đấy nguồn linh hứng thực sự và các gương mẫu tuyệt vời vô song" (Đức Phao-lô VI, Marialis Cultus, 30).

QUA THẬP GIÁ BƯỚC VÀO VINH QUANG

Thấy các môn đệ sa sút, xuống tinh thần, Đức Giê-su kiên nhẫn mở lòng trí cho họ hiểu ý nghĩa các đoạn Kinh Thánh nói về Đấng Mê-si-a: "Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?" (c. 26). Với lời này, Ngài gột rửa khỏi tâm trí các ông hình ảnh về một đấng Mê-si-a trần tục nặng về tính chính trị và tỏ bày cho các ông thấy sứ mạng của Đức Ki-tô là một sứ mạng siêu nhiên: cứu chuộc cả nhân loại.

Kinh Thánh nói tiên tri về Thiên Chúa quyết ý ban ơn cứu độ cho nhân loại qua cuộc thương khó và cái chết của Đấng Mê-si-a. Thập Giá không phải là thất bại, mà là thắng lợi vĩ đại nhất, thắng lợi của sự sống trên sự chết, của ân sủng trên tội lỗi, tình yêu chiến thắng hận thù, ánh sáng chiếu soi trên bóng đêm u tối. Mác-cô thuật cho chúng ta vào chiều thứ sáu Tuần Thánh trên đồi Can-vê, "bóng tối bao phủ khắp mặt đất" (Mc 15, 33) nhưng vào buổi sáng Phục Sinh "mặt trời hé mọc" (Mc 16, 2).

Phao-lô quả quyết rằng thập giá chính là con đường Thiên Chúa đã chọn cho Đức Ki-tô qua đó chiến thắng tội lỗi và sự chết: "Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa" (1 Cr 1, 22-24).

Vinh quang Phục Sinh gắn liền với cây Thập Giá như hai mặt của cùng một tấm huy chương. Đúng như Chúa đã nói với hai môn đệ thành Em-mau: "Đức Ki-tô phải chịu khổ hình để bước vào vinh quang của Ngài" (Lc 24, 26).

Cho nên nhà thần học Burno Forte đã viết một cách chí lý: "Khuôn mặt của Chúa Ki-tô được tỏ bày cách đầy đủ trong sự nối kết cái chết nhục nhã của Ngài với sự phục sinh của Ngài: Không có sự phục sinh, cây thập giá sẽ là sự thú nhận sau cùng của bất lực của con người, nhưng được rực sáng bởi sự Phục Sinh, cây thập giá đã là Thập Giá của Con Thiên Chúa, chết thay cho ta và vì ta, vì Ngài liên đới với những đau khổ của nhân loại. Còn nếu không có thập giá, sự Phục Sinh sẽ là lời công bố một chiến thắng không có kẻ thù; trái lại, liên kết với cây thập giá, sự sống lại của Đấng bị đóng đinh trên Thập Giá sẽ là lời công bố cuộc chiến thắng của Thiên Chúa trên trái đất này, trái đất của những kẻ chết và những tên đao phủ. Không có Phục Sinh, Thập Giá sẽ như mù, không có tương lai, không có hy vọng; nhưng không có thập giá, phục sinh sẽ rỗng tuếch, không có quá khứ và không có gốc rễ. Khoa Ki-tô học phải luôn giữ cả hai, Thập Giá và Phục Sinh, nếu muốn tìm kiếm khuôn mặt của Chúa Giê-su, mà không làm sai lệch hoặc không bóp mép khuôn mặt đó theo mẫu mực những chân trời nhân loại". (The Navarre Bible St Luke, Nhà Xuất Bản Four Courts Press, Kill Lane, Blackrock, Co. Dublin, Ireland, 1997)

Có ai hiểu Kinh Thánh cho bằng Đức Ki-tô. Và sau Ngài, Hội Thánh được uỷ thác sứ mạng giữ gìn và giải thích kho tàng Lời Chúa: "Mọi điều liên hệ đến việc giải thích Kinh Thánh cuối cùng đều phải tuỳ thuộc vào phán quyết của Hội Thánh vì Hội Thánh được Thiên Chúa giao cho sứ mạng và chức vu giữ gìn và giải thích Lời Chúa" (Vatican II, Dei Verbum, 12).

GẶP GỠ ĐỨC KI-TÔ PHỤC SINH, NIỀM VUI VÀ BÌNH AN

Trong cuộc chuyện trò với Đức Ki-tô, hai môn đệ đang từ tâm trạng buồn chán, thất vọng chuyển sang mừng rỡ hân hoan. Họ cảm thấy an vui, phấn khởi, hy vọng trở lại. "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?" (c. 32)

Khi hai môn đệ bắt đầu cuộc hành trình, lòng các ông lạnh giá, ảo não nặng nề, chua chát. Họ đã chắc mẫm hai năm rõ mười rằng Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a mà lòng họ mong đợi. Thế nhưng cái chết của Ngài đã dập tan mọi hy vọng nhen nhúm. Một Đấng Mê-si-a chịu khổ hình thập giá nhục nhã! Thật chẳng tài nào xảy ra sự kiện đó được! Chẳng thể tưởng tượng được!

Thế nhưng khi có Đức Giê-su đồng hành và soi lòng mở trí cho họ hiểu về Đấng Thiên Sai chịu đau khổ. Lời Ngài sáng soi và sưởi ấm cõi lòng u tối và lạnh giá của họ. Khi được Ngài mạc khải qua việc bẻ bánh, họ được biến đổi. Họ được biến đổi sâu xa đến nỗi ngay lập tức họ quày quả hăm hở trở về chính nơi họ vừa mới bỏ mà ra đi. Dù trời nhá nhem chạng vạng, lòng họ sáng. Dù đôi chân nặng nề vì cuộc hành trình mới trải qua, tâm hồn họ nhẹ nhõm lâng lâng.

Điều gì đã thực sự xảy ra? Đức Giê-su đã mở trí cho họ. Hẳn nhiên rồi! Nhưng còn hơn thế nữa: Ngài đốt lửa trong lòng họ khiến tim họ bừng cháy. Thánh Âu-tinh mách ta một bí quyết để gặp Chúa: "Nếu bạn muốn có sự sống, hãy làm điều các môn đệ đã làm. Họ ban tặng Ngài lòng hiếu khách. Chúa làm như thể cương quyết tiếp tục cuộc hành trình nhưng họ cố nài ép, lưu Ngài lại. Kết thúc cuộc hành trình của mình, họ nói với Ngài: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn". Chúa tự mạc khải qua việc bẻ bánh. Lòng hiếu khách đã phục hồi điều mà sự thiếu lòng tin đã lấy đi. Vậy, nếu bạn muốn nhận ra Đấng Cứu Thế, hãy đón nhận người lạ. Hãy tìm kiếm Chúa trong việc chia cơm sẻ bánh".

KẾT LUẬN

Đức Ki-tô có thể đến với tôi như một người lạ tôi gặp trên đường đời, cho dù tôi chỉ gặp mỗi một lần. Lại còn phê bình tôi - mà rất đúng - "Ôi, chẳng hiểu gì cả! Lòng trí chậm tin!" Ngài còn có thể đến với tôi trong Kinh Thánh và qua tiệc Thánh Thể khi Linh Mục "bẻ bánh", nghĩa là Ngài đến với tôi trong Hội Thánh qua Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể. Sau cùng Ngài có thể đến với tôi khi tôi ân cần tiếp đãi người khác. Cử chỉ ấy có thể bù đắp cho sự "trì độn, chậm tin" của tôi, giúp tôi được ơn gặp Chúa.

Gần suốt cuộc đời rong ruổi, bôn ba, suy gẫm lại hoá ra cái đáng quý, "sự cần duy nhất" của đời tôi là chính Đấng Phục Sinh vẫn đồng hành cùng tôi trong cuộc sống. Và rồi khẩn khoản nài xin: "Mời Ngài ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn".

Xin được kết thúc bằng lời cầu nguyện của Cha Pi-ô:

"Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần có Chúa hiện diện để con khỏi quên Chúa.

Chúa thấy con dễ bỏ Chúa chừng nào.

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con yếu đuối, con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.

Không có Chúa, con đâu còn nồng nhiệt hăng say.

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn, cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.

Con cần thêm sức mạnh để khỏi dừng lại dọc đường.

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.

Con không dám xin những ơn siêu phàm, chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa và không đòi phần thưởng nào khác ngoài việc được yêu Chúa hơn."

 

46.Dừng chân.

Hôm nay chúng ta chú ý tới một sự kiện trong đoạn Tin mừng, đó là Chúa Giêsu Phục Sinh đã dừng chân ở lại quán trọ làng Emmau với hai môn đệ khi họ ngỏ ý mời Ngài.

Quả thực, đây không phải là lần đầu Chúa Giêsu dừng lại. Ngài luôn luôn dừng lại khi được yêu cầu và sẵn sàng ở lại với những ai cần đến Ngài. Các sách Tin mừng đã ghi lại cho chúng ta biết: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Chúa Giêsu luôn luôn dừng chân và ở lại với tất cả những ai cần đến Ngài, chẳng hạn: Ngài đã dừng chân và ở lại với người phụ nữ mắc bệnh băng huyết mười hai năm, đang theo Ngài trong đám đông. Ngài đã dừng chân lại nhà ông Giakêu trong khi ông chỉ mong muốn được nhìn thấy Ngài thôi cũng đủ mãn nguyện rồi. Ngài đã dừng chân lại với các trẻ em khi chúng đến với Ngài, mặc dù các môn đệ xua đuổi chúng. Ngài đã dừng chân và ngồi ăn uống với những người tội lỗi và thu thuế. Trên đường đi Giêrusalem nhận cái chết, Ngài cũng đã dừng chân để cứu giúp một người hành khất ngồi bên lề đường. Cuối cùng, trên thập giá, trong lúc hấp hối, Ngài còn dừng lại với một tử tội cũng đang hấp hối bên Ngài để ban ơn tha thứ và hứa cho anh được ở với Ngài trong nước trời… Tóm lại, Chúa luôn luôn ở lại với những ai cần đến Ngài. Chúa luôn luôn quan tâm và thương xót tất cả mọi người.

Tuy nhiên, những chuyện xảy ra trong khi Chúa Giêsu còn sống ở trần gian, thì cũng xảy ra như vậy sau khi Ngài đã sống lại, cho đến chúng ta hôm nay. Trong đời sống của chúng ta, đã biết bao lần chúng ta cảm thấy bản thân mình chẵng được ai để ý tới và cũng chẳng ai thèm nghe mình khiến chúng ta cô đơn lại càng cô đơn hơn, đã buồn chán lại càng buồn chán hơn. Nhưng có một điều chắc chắn là không có gì có thể ngăn cản được Chúa đến với chúng ta, và cũng chẳng có gì làm cho Ngài phải từ chối để rời xa chúng ta. Ngài sẽ ở lại với chúng ta như Ngài đã ở lại với hai môn đệ trên đường Emmau, nếu chúng ta biết đến với Ngài và nhìn lên Ngài.

Nói rõ hơn, tâm sự chán nản và sầu buồn của hai môn đệ ấy cũng là tâm sự sầu buồn, chán nản mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống. Bởi vì nỗi buồn cuộc đời nào ai thiếu: chúng ta buồn vì mục đích đời mình không đạt hay chưa đạt được như ý. Chúng ta buồn vì không ai hiểu tâm tư của mình, chúng ta buồn vì người khác nghi ngờ, ghen ghét, chơi xấu mình, chúng ta buồn vì không ai nâng đỡ mình, không ai về phe với mình để một mình cô đơn… Đó là chưa kể những chuyện không may, thất bại, thua lỗ, bất hòa, đắng cay… có khi lẻ tẻ, có khi dồn dập xảy đến trong gia đình hay bản thân chúng ta… vào những giờ phút đó, chúng ta rất dễ bị cám dỗ nghi ngờ về sự có mặt của Chúa và nghi ngờ về tình thương của Ngài.

Có lẽ chúng ta cho rằng Chúa biết thì biết vậy thôi, chứ bóng dáng Ngài chả thấy đâu cả, có thấy Ngài giúp đỡ được gì đâu… nhưng suy nghĩ và lý luận như thế là chúng ta đã mắc phải cái lỗi lầm thiếu lòng tin của hai môn đệ Emmau mất rồi. Đáng lẽ những lúc như thế, chúng ta phải vận dụng đức tin để đổi buồn thành vui, thì chúng ta đã không làm mà lại để tình cảm lấn át. Ai phản ứng theo tình cảm thì sẽ bị tình cảm chi phối, che khuất, quật đổ, vùi dập. Chúng ta hãy nhớ rằng: Chúa đến với hai môn đệ kia cách rất bình thường và nhẹ nhàng như một người bạn đường tự nhiên, thì Chúa cũng sẽ đến an ủi và ở bên chúng ta cách nhẹ nhàng như thế. Có thể là một lời Kinh thánh, một lời giáo huấn giảng dạy ở nhà thờ, một lời khuyên răn của cha mẹ, một lời an ủi, động viên của bè bạn, hay cũng có thể là một sự bình an êm dịu nào đó Chúa ban trong tâm hồn… chỉ cần chúng ta mở rộng tâm hồn sẵn sàng đón nhận… Cho nên, chúng ta cần phải bình tĩnh và tỉnh thức để nhận diện ra Chúa, và đừng bao giờ vì một nỗi buồn thường tình nào đó mà quên Chúa, bỏ Chúa hay xa cách Chúa. Trái lại, càng buồn càng cầu xin Chúa, càng buồn càng neo chặt lòng tin vào Chúa hơn.

 

47.Chúa Nhật 3 Phục Sinh

(Suy niệm của Lm. Antôn Hà Văn Minh)

Tin Mừng Lc 24: 13-35 Trên đương về quê nhà, hai môn đệ đã cảm nhận vị khách đang cùng đồng hành với mình có một điều gí đó làm họ được ấm lòng.

SUY NIỆM

Ngày 25-4-2017, tại buổi nói chuyện với sinh viên tại trường Harvard Kennedy, bang Massachusetts, ông Ban Ki-moon, nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo: "Thế giới đang tiến gần hơn đến sự hủy diệt hạt nhân. Điều này thực sự đáng sợ", Quả thật, những ngày qua cả thế giới đang trải qua những giờ phút căng thẳng vì sợ rằng, ngòi nổ chiến tranh thế giới sẽ xảy ra. Tại sao, con nguòi ngày càng sống trông bất an và đầy lo âu như thế? Câu trả lời có thể tìm thấy được ngày trong lối sống tục hoá của thế giói hôm nay. Quả thật, chính chủ trương sống thực dụng, ích kỷ và loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống con người đã rước lấy thảm hoạ cho mình. Kể từ khi Liên Minh Châu Âu loại trừ ảnh hưởng Kitô giáo ra khỏi bản hiến pháp cũng là lúc cả Châu Âu rơi vào khủng hoảng về đời sống luân lý, và cuộc sống đối diện với nhiều bất an. Mảnh đất được coi là vùng đất đáng sống nay đang ở trong tình trạng chất chứa đầy lo âu. Vâng, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời thì tất nhiên bóng tối sẽ tràn vào.

Sự bất an của cuộc sống còn chi phối đến cả đời sống gia đình. Thật vậy, chưa bao giờ con số ly dị ngày càng nhiều như hôm nay, và việc ly dị cứ ngỡ là điều không thể xảy ra nơi những người được gọi là Công giáo, thế nhưng thật trớ trêu, con số các vợ chồng công giáo đưa nhau ra toà ly dị không là ít. Đó là hậu quả của một cuộc sống quá chạy theo những giá trị của cải vật chất và xa dần đức tin. Không còn đặt Thiên Chúa làm trọng tâm của của cuộc sống gia đình, hậu quả đương nhiên là sự đổ vỡ.

Trên đương về quê nhà, hai môn đệ đã cảm nhận vị khách đang cùng đồng hành với mình có một điều gí đó làm họ được ấm lòng, được nghe những lời của người khách đó sao mà lòng cảm thấy an bình, và hy vọng, bởi họ đang ở trong một tâm trạng buồn phiền và thất vọng, Giêsu, vị Thầy mà họ bước theo, đã bị giết, chẳng còn gì để mà hy vọng, chẳng còn chi để trông mong, tất cả mọi dự tính đều sụp đổ. Khi được nghe vị khách đồng hành đang mở lòng mở dạ, lòng các ông cảm thấy hân hoan, niềm hy vọng được nhen nhóm và đang đẩy luy dần sự thất vọng. Sự bình an xuất hiện khi gặp được vị khách đặc biệt nầy. Và các ông đã nhiệt tình: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Lời mời được đáp trả, Chúa đã ở lại với các ông và đièu kỳ diệu đã xả ra, các ông đã gặp được chính Thầy, Thầy đã sống lại. Một niềm vui khôn xiết chiếm lấy các ông, xua tan mọi nỗi sợ hãi, sự muộn phiền.

Đó cũng là thái độ người thời đại hôm nay cần phải có nếu muốn có an bình: Mời Chúa đến và ở lại. Gia đình muốn có êm ấm và hạnh phúc hãy mời Chúa đến và van xin Chúa ở lại. Bởi Chúa là nguồn an bình. Bóng tối sự chết đã bị Người xoa bỏ và đạp tan. Chúa đã đi ra từ bóng đêm của hận thù, của tham lam ích kỷ, Chúa đã sống lại từ cõi chết, và sự dữ không còn chi để có thể đụng chạm tới Người. Vì thế sự hiện diện của Người là sự hiện diện của bình an, cuả niềm vui và hạnh phúc.

Mời Chúa đến và van xin Người ở lại để nghe lời Người, ví đó là lời của sự sống, lời có sức mạnh loại trừ lòng tham tính ích kỷ, sự háo danh, là những nguyên nhân đưa đến chiến tranh, đổ vỡ và bất hạnh. Mời Chúa đến và van xin Người ở lại để học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường, đó căn nguyên của hạnh phúc và loại khỏi mình mọi nỗi âu lo. Mời Chúa đến và van xin Người ở lại, chúng ta sẽ kiến tạo được sự bình an đích thật, bởi Người là Đường, là sự thật và là sự sống. Mời Chúa đến ngự trị chúng ta sẽ nhận sự sống đích thật bởi Người đã chiến thắng sự chết.

Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con vì trời đã xế chiều và ngày đã sắp tàn. Amen.

 

48.Nồng cháy.

Có một câu chuyện nhỏ về một nhà sư Phật giáo khi sắp chết, đã yêu cầu một vị linh mục Công giáo hướng dẫn ông về những chân lý đức tin. Vị linh mục này làm hết sức mình để thỏa mãn những mong ước đó của nhà sư.

Sau đó, nhà sư này cám ơn vị linh mục, nhưng ông còn nói thêm “Ông đã đem đến cho tâm trí tôi đầy những tư tưởng hay đẹp, nhưng ông vẫn để cho tâm hồn tôi còn trống rỗng” – Như vậy, tâm hồn nhà sư này vẫn còn trống rỗng – trống rỗng cái gì thế? Ông thực sự mong muốn điều gì? Tôi đặt giả thiết là ông bị trống rỗng niềm an ủi và sự an tâm. Nói tóm lại, ông bị trống rỗng tình yêu. Những tư tưởng đẹp có thể nuôi dưỡng tâm trí. Nhưng chúng không thể nuôi dưỡng tâm hồn. Chỉ có cảm nghiệm về tình yêu mới nuôi dưỡng được tâm hồn.

Câu chuyện về cuộc hành trình của hai môn đệ đi Emmau chủ yếu là một câu chuyện về tâm hồn. Trong khi hai môn đệ này lên đường trở về nhà, họ nói chuyện về Đức Giêsu. Tương tự như chúng ta không thể ngưng nói về một người mà chúng ta yêu dấu đã qua đời, cũng vậy, hai môn đệ này không thể không nói về Đức Giêsu. Người đã đem đến ý nghĩa, hy vọng và niềm vui cho cuộc sống của họ. Và bây giờ, Người đã chết, họ đã bị ám ảnh vì sự vắng mặt của Người.

Khi còn đang trên đường đi, tâm hồn họ lạnh lẽo và trống trải, nặng trĩu ưu phiền, bị thương tích vì nỗi thất vọng, và tê liệt do nỗi đau khổ. Họ tin tưởng chắc chắn rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia. Nhưng cái chết của Người, và đặc biệt là cách thức Người chết, đã làm cho niềm hy vọng nơi họ bị tan tành. Một Đấng Mêsia bị sỉ nhục, chịu đóng đinh! Đó là một điều không thể được, thật không thể hiểu nổi.

Nhưng Đức Giêsu đã cùng đi với họ, và Người mở tâm trí họ đến với ý tưởng về một Đấng Mêsia chịu đau khổ. Nhờ những lời của Đức Giêsu, ánh sáng và hơi ấm bắt đầu thấm nhập vào tinh thần tăm tối và lạnh lẽo của họ. Đến bữa ăn tối, ngay khi Người tự mặc khải chính Người, họ đã được biến đổi, và biến đổi quá nhiều, đến nỗi họ quay trở lại Giêrusalem ngay tức khắc. Ngay cả mặc dù bóng đêm tối tăm, nhưng trái tim của họ vẫn bừng sáng. Ngay cả cho dù đôi chân của họ còn nặng nề, nhưng trái tim của họ vẫn nhẹ nhỏm.

Điều gì xảy ra với họ? Đức Giêsu làm gì cho họ? Chắc chắn Người đã soi sáng tâm trí họ – không còn thắc mắc gì về điều đó nữa. Nhưng Người còn làm một điều gì đó tốt đẹp hơn nữa. Người nhóm lửa trong tâm hồn họ. “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh thánh cho chúng ta, phải chăng tâm hồn của chúng ta không bừng cháy lên sao?”.

Đức tin liên quan đến trí tuệ, đến nỗi tác động đến các chân lý, giáo điều, học thuyết, lòng tin, giáo lý. Nhưng đức tin thậm chí còn liên quan nhiều hơn đến tâm hồn. Đức tin cốt yếu hệ tại ở tương quan tình yêu với Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước. Nếu không có tình yêu, thì đức tin giống như một lò sưởi không có lửa.

“Chúng ta sẽ không bao giờ biết tin tưởng bằng một đức tin mạnh mẽ và không hề đặt vấn đề, trừ phi Thiên Chúa tác động vào trái tim của chúng ta. Tiếng gọi của Thiên Chúa xuất phát từ chính tâm hồn con người”.

Điều chính yếu đã đến với hai môn đệ trên đường Emmau là gì? Đó là niềm tin rằng Đức Giêsu yêu thương họ. Chính niềm tin này làm cho tâm hồn họ bùng cháy lên. Câu chuyện trên chứng tỏ lòng từ ái của Thiên Chúa Đấng làm cho những ước mơ sâu thẳm nhất nơi chúng ta trở thành hiện thực, bằng một cách thức đáng kinh ngạc nhất. Và câu chuyện trên cũng cho chúng ta biết tất cả sứ vụ của Đức Giêsu Người luôn song hành với con người, hiện diện bên cạnh họ, và lắng nghe họ – đây chính là những “công trình tốt đẹp” chủ yếu của thời đại ngày nay.

 

49.Emmau.

Tin Mừng hôm nay ghi lại cảm nghiệm về Đấng Phục Sinh của hai môn đệ đang trên đường tiến về làng Emmau. Cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Kitô Phục Sinh đã diễn ra trong lúc họ trên đường về làng cũ. Chúa Kitô đã xuất hiện không phải để chỉ mang lại giải đáp cho những câu hỏi được đặt ra, nhưng như một người nêu lên thắc mắc và giúp họ đi đến tận cùng sự tìm kiếm của mình.

Cảm nghiệm về Đấng Phục sinh của hai môn đệ cũng có thể diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người chúng ta. Chúa Kitô Phục Sinh luôn là người đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống; Ngài luôn đi bên cạnh để chuyện vãn, hỏi han, tra vấn và tham dự vào mọi sinh hoạt của chúng ta. Cuộc sống mỗi ngày chính là nơi Ngài đến gặp gỡ con người, là nơi hẹn hò của Đấng Phục Sinh với con người. Bên kia niềm vui là nỗi khổ, bên kia thành công là thất bại, con người vẫn nhận ra sự vong thân và thân phận nghèo hèn của mình, để rồi từ đó nêu lên câu hỏi đâu là ý nghĩa của thân phận con người.

Chúa Kitô Phục Sinh xuất hiện, nhưng không phải để mang lại câu giải đáp, mà trước hết như một người giữa chúng ta, một người cũng đã từng nêu lên câu hỏi ấy về thân phận con người. Ngài đã từng mơ ước về một nhân loại tốt đẹp hơn, Ngài đã nói với tất cả và đã làm hết sức có thể để xây dựng nhân loại ấy, và cuối cùng, với cái chết đau thương trên thập giá xem ra Ngài cũng đành bỏ cuộc. Thế nhưng, chính lúc ấy, vì đã vâng phục Chúa Cha một cách tuyệt đối để sống tận kiếp người và sống trọn vẹn cho con người, Ngài đã mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Ngài chính là kinh nghiệm mà người bạn đồng hành là Chúa Kitô Phục Sinh đã chia sẻ với hai môn đệ trên đường Emmau. Tâm hồn họ nóng bừng lên khi Ngài chia sẻ kinh nghiệm của Ngài, và nhất là khi Ngài nói lên ý nghĩa cái chết của Ngài qua cử chỉ bẻ bánh và trao ban. Mắt của hai môn đệ đã mở ra để nhận ra Ngài, hiểu được các biến cố vừa xảy ra, và dĩ nhiên thấy được ý nghĩa của chính cuộc sống của họ.

Ngày nay, trong từng biến cố cuộc sống của chúng ta, Chúa Kitô Phục Sinh cũng đang đến. Ngài đồng hành với chúng ta trong từng sinh hoạt và gặp gỡ, Ngài có mặt trong từng niềm vui và nỗi khổ của chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận Ngài như một người bạn đồng hành để chia sẻ và chuyện vãn, thì đôi mắt đức tin của chúng ta sẽ mở ra, và lúc đó trong ánh sáng Phục sinh của Ngài, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.

Ước gì sự hiện diện của Đấng Phục sinh mà hai môn đệ trên đường Emmau đã cảm nhận được cũng lấp đầy tâm hồn chúng ta, để trong mọi cảnh huống của cuộc sống, chúng ta không lầm lũi bước đi trong đơn độc, nhưng hân hoan tiến bước với Ngài.

 

50.Đau khổ.

Đức Kitô phải chịu nhiều đau khổ trước khi được bước vào chốn vinh quang. Chúng ta thường nghe nói:

- Đã là người thì ai cũng phải đau khổ, cũng như bông hồng nào mà chẳng có gai, cuộc đời nào mà chẳng có những đắng cay của nó.

Hơn thế nữa, những người đạo đức thánh thiện lại thường gặp phải nhiều gian nan và thử thách, như một câu danh ngôn đã bảo:

- Khi yêu thương ai chúng ta thường gởi tặng họ những bông hồng. Nhưng đối với Thiên Chúa thì khác, khi yêu thương ai, Ngài thường gửi tặng họ những gai nhọn.

Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện ông Gióp trong Cựu ước. Ông là một người đạo đức luôn trung thành với Chúa, nhưng rồi Chúa đã thử thách ông. Của cải thì bị mất mát. Con cái thì bị chết chóc, còn chính bản thân thì lại bị ghẻ chốc, đến nỗi ông đã phải thở than:

- Vô phúc thay cho cái ngày tôi được sinh ra.

Tiên tri Elia sau nhiều năm hăng hái bênh vực cho đường lối của Thiên Chúa nơi dân Do Thái, thế nhưng về cuối đời, ông đã bị hoàng hậu Giêdaben tìm giết, khiến ông nản chí và muốn tìm cái chết cho xong chuyện.

Tiên tri Giêrêmia cũng vậy, sau những tháng ngày chu toàn bổn phận chuyển đạt thánh ý Thiên Chúa cho dân chúng, để rồi cuối cùng ông đã bị dân chúng đánh đập, tống giam và tìm cách giết chết, khiến ông đã phải than thở:

- Tôi sinh ra mà làm gì để rồi phải chứng kiến những tang thương khổ cực và nhục nhã.

Bước sang Tân ước, chúng ta cũng sẽ ghi nhận được sự thật ấy: Ai là người thánh thiện tuyệt vời cho bằng Mẹ Maria, thế mà cuộc đời của Mẹ cũng chất đầy những hy sinh gian khổ. Nào là phải xuống Bêlem để đăng ký hộ khẩu giữa lúc đang mang thai và sắp đến ngày sinh nở. Nào là giữa đêm khuya phải lên đường chạy trốn sang Ai Cập để thoát khỏi sự lùng bắt của Hêrôđê. Nào là những hy sinh âm thầm dưới mái nhà Nagiaret. Nào là những khổ đau khi mẹ con phải chia lìa và nhất là những tê tái và tan nát khi Mẹ đứng dưới chân cây thập giá, chứng kiến cái chết ê chề của người con yêu dấu.

Ngay cả Chúa Giêsu cũng đả không miễn trừ cho mình cái định luật ấy: Phải đau khổ để được vào chốn vinh quang. Sinh ra trong nghèo túng. Lớn lên trong lao động cực nhọc. Rao giảng trong lang thang vất vưởng:

- Con cáo có hang, chim trời có tổ nhưng Con Người không có cả chỗ tựa đầu.

Và nhất là Ngài đã chết đi trong tủi nhục. Chúa chính là Đấng xuống thế để cứu chuộc nhân loại, chính là Đấng hiểu rõ giá trị của sự khổ đau hơn ai hết, thế mà đối diện với cái chết Ngài cũng đã lo sợ:

- Lạy Cha, xin cất chén đắng này cho con, nhưng không theo ý con, một théo ý Cha mà thôi.

Thế nhưng cùng với cái chết này, Ngài đã bước vào chốn vinh quang và hoàn tất công cuộc cứu độ mà Chúa Cha đã trao phó.

Một khi Chúa đã đi con đường thập giá, thì chúng ta, những người môn đệ của Ngài, cũng sẽ không có một con đường nào khác, ngoài con đường thập giá, như lời Ngài đã phán:

- Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta.

Thập giá cuộc đời chúng ta là những vất vả cực nhọc, những hy sinh gian khổ, những đớn đau buồn phiền. Thế nhưng, nếu chúng ta biết chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa, thì thập giá sẽ là con đường dẫn chúng ta vào vinh quang.

 

51.Đam mê.

Qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay chúng ta nhận thấy mặc dù Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường về Emmaus, nhưng các ông đã không nhận ra Ngài. Vậy tại sao các ông lại không nhận ra Ngài?

Nếu không lầm, thì chúng ta thấy hai môn đệ này cũng như phần đông các tông đồ và những người Do Thái khác có một quan niệm lệch lạc về Đức Kitô… Họ nghĩ rằng Đấng Thiên Chúa sai đến để cứu vớt dân tộc họ phải là một người hùng mạnh như Đavid, khôn ngoan như Salomon, với binh đội hùng hậu, giải thoát họ khỏi sự kìm kẹp của đế quốc La mã và dẫn đưa dân tộc họ tới một thời đại hoàng kim.

Trong khi bước theo Chúa, hai môn đệ này, cũng như phần đông các tông đồ khác, đều ươm mơ một giấc mộng phù phiếm, nặng mùi địa vị và xôi thịt. Một mai khi Chúa thành công, thì họ sẽ được ngồi bên tả và bên hữu Chúa, nghĩa là họ sẽ được nắm giữ những vai trò, những chức vụ quan trọng trong triều đình, trong vương quốc của Chúa.

Thế rồi Chúa đã bị bắt và bị giết trên thập giá, như một tên tội phạm, như một kẻ phản loạn. Giấc mơ mà họ đã vun xới từ bấy lâu nay, bỗng dưng sụp đổ và tan theo mây khói. Giữa lúc chán nản và tuyệt vọng ấy, họ đã tính đến chuyện rã ngũ, trở về quê cũ để làm ăn, với một giấc mộng bình thường mà thôi. Chính nỗi tuyệt vọng ấy đã che lấp cặp mắt của họ, và họ đã không nhận ra Chúa, mặc dù Ngài đang đồng hành, đang sóng bước, đang cùng đi với họ.

Từ kinh nghiệm của hai môn đệ ấy, chúng ta dọi chiếu vào cuộc đời, và chúng ta cũng nhận thấy, có nhiều lúc Chúa ở thật gần với chúng ta mà chúng ta vẫn không nhận biết Ngài. Ngài cùng bước đi với chúng ta mà cõi lòng chúng ta vẫn nguội lạnh băng giá. Sở dĩ như vậy là vì có những đam mê mù quáng đã che lấp cặp mắt chúng ta.

Đam mê ấy có thể là giấc mộng vinh quang về chức tước, về địa vị xã hội, như hai môn đệ Emmaus. Chúng ta muốn có một chỗ đứng ngoài xã hội với bất cứ giá nào, mặc dù có phải bỏ quên Chúa, mặc dù có phải chà đạp lên kẻ khác. Tuy nhiên chúng ta nên nhớ, danh vọng và chức tước như của đồng lần được chuyển từ người này sang người khác, như tục ngữ đã nói:

- Quan nhất thời, dân vạn đại.

Đam mê ấy có thể là giấc mộng về tiền tài. Chúng ta vật lộn, nai lưng ra để tìm tiền kiếm bạc, cho dù có phải vùi dập bản thân, gia đình và hành động bất công với những người chung quanh. Tuy nhiên chúng ta nên nhớ, chữ tiền thường đi đôi với chữ bạc. Khi còn là một tên đầy tớ, nó sẵn sàng phục vụ chúng ta. Nhưng một khi đã lên ngôi ông chủ, nó sẵn sàng bóp nghẹt con tim chúng ta, để rồi chúng ta quên lãng Thiên Chúa, và cư xử bất công với những người anh em.

Sau cùng đam mê ấy có thể là những vui thú phần xác. Vì nó mà đời sống đạo đức của chúng ta trở nên nhếch nhác, vì nó mà chúng ta sẵn sàng bỏ ngoài tai những dư luận, những lời nhắc bảo và cảnh cáo của người khác. Phần đông giới trẻ ngày nay mất đức tin, không phải vì thiếu hiểu biết, nhưng vì đã sống một đời sống bê bối và sa đọa về luân lý.

Tất cả những đam mê ấy đã bịt chặt đôi mắt tâm hồn, để chúng ta không còn nhận ra Chúa, và có nhận ra thì cũng chẳng có đủ can đảm bước theo Ngài.

 

52.Người lữ khách.

Thành phố Pleiku, đồi núi chập chùng, sương mù dầy đặc. Tác giả mượn khung cảnh đó để vẽ lên bối cảnh của cuộc đời. “Anh Khách Lạ”. Nếu ví đời là cuộc lữ hành, thì mỗi người sẽ là người lữ khách đang rảo bước trong cuộc hành trình đó. Cảnh “đi lên đi xuống” của một thành phố trên núi tượng trưng cho sự thăng trầm của cuộc đời. “May mà có em, đời còn dễ thương”. May mà có anh, có em, có cha, có mẹ, có bạn bè và nhất là Thiên Chúa cùng đồng hành với ta để chung niềm vui: “Niềm vui góp lại, niềm vui lớn”. Và nếu có âu lo: “Nỗi lo chia sẻ, nỗi lo vơi”. Được như vậy thì may mắn quá, dù cuộc đời có ra sao cũng vẫn đẹp như thường!

Bài Phúc âm hôm nay, diễn tả câu chuyện hai môn đệ trên đường về Emmau, với những tâm trạng giống như bài hát ở trên. Theo Luca, tất cả chúng ta là những người lữ khách trên cuộc hành trình về quê trời. Trong cuộc hành trình đức tin đó có Chúa Giêsu cùng đồng hành với chúng ta. Ngài nói với chúng ta qua Thánh Kinh và Bàn tiệc Thánh Thể.

Đoạn đường từ Giêrusalem về Emmau, có lúc đã đầy hân hoan phấn khởi. Khi rời Emmau lên đường theo Chúa Giêsu, hai môn đệ ra đi với bao nhiêu hoài bão và mơ ước về tương lai. Bây giờ trở về, tâm hồn của họ chất đầy buồn phiền, chán nản và thất vọng. Cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu trên thập giá làm tiêu tan niềm hy vọng của họ. Đoạn đường thăng trầm này biểu tượng cho đời sống đức tin của người Kitô hữu, người lữ khách đang tiến bước về quê trời.

Thời xưa, ở Hy Lạp có một trường phái triết học định nghĩa cuộc đời là sự chuyển động. Bất cứ sự gì trong trạng thái tĩnh, bất động đều không tồn tại. Cuộc sống nhân sinh gồm những hoạt động về thể lý, tâm lý, tình cảm, xã hội và tinh thần luôn thay đổi và chuyển tiếp.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong cuốn sách Tiến Về Ngàn Năm Thứ Ba cũng đã nói: “Đời sống trên trái đất là một cuộc lữ hành. Chúng ta ý thức rằng mình đang qua thế giới này. Đời sống con người chắc chắn có khởi đầu và có kết thúc. Nó bắt đầu khi ta sinh ra và kéo dài cho tới lúc chết. Con người là một hữu thể chuyển tiếp

Archimandrite Kallistos Ware kể lại: “Một trong những Giáo Phụ sống ở sa mạc Ai Cập vào thế kỷ thứ 4, thánh Sarapion the Sindonite xưa kia đã đi hành hương tới Rôma. Tại đây, người ta đã kể cho ngài nghe về một nữ ẩn tu, sống trong một căn phòng nhỏ, không bao giờ bước ra ngoài. Trong khi đó thánh Sarapion lại là một người lữ hành nổi tiếng đi lang thang khắp các nơi. Bi quan về cách sống của người nữ ẩn tu, thánh Sarapion đã đến viếng thăm bà và hỏi: “Tại sao chị lại ngồi ở đây?” Bà trả lời rằng: “Tôi không ngồi yên. Tôi đang đi trên cuộc hành trình cơ mà!”

“Tôi không ngồi yên. Tôi đang đi trên cuộc hành trình”". Mỗi người Kitô hữu có thể áp dụng những lời này cho chính mình. Là một người Kitô hữu có nghĩa là một người lữ khách. Tình trạng của chúng ta giống tình trạng của dân Do Thái bước đi trong sa mạc Sinai. Chúng ta đang hành trình đi qua khoảng không gian nội tâm của tâm hồn, một cuộc hành trình không được đo lường bởi giờ giấc của chiếc đồng hồ, hay ngày tháng của cuốn lịch, bởi vì nó là cuộc hành trình từ thời gian đi vào vĩnh cửu.

 

53.Người lữ khách.

“Sáng mai, ta sẽ mổ tim của cháu ra”, bác sĩ giải phẫu tim nói với em bé trai. Em trả lời, “Ông sẽ tìm thấy Chúa Giêsu ở đó”. Bác sĩ ngước mặt lên nhìn, buồn bã. “Tôi sẽ mổ tim của em ra”, ông nói tiếp, “để xem xem nó đã bị bệnh gì”. “Nhưng khi ông mở tim của cháu ra”, em bé nói, “ông sẽ tìm thấy Chúa Giêsu ở đó”. Bác sĩ giải phẫu lại nhìn vào cha mẹ của em đang ngồi im lặng bên cạnh giường bệnh và nói: “Khi tôi trông thấy trái tim bị bệnh như thế nào, tôi sẽ khâu trái tim và ngực cháu lại, rồi tôi sẽ dự định phải làm gì”. Nhưng ông sẽ tìm thấy Chúa Giêsu đang ở trong trái tim của cháu”, em bé cố nhấn mạnh. “Thánh Kinh nói rằng Người ở đó mà. Tất cả những bài ca Thánh Vịnh đều nói Người sống ở đó. Ông sẽ tìm thấy Người trong trái tim của cháu”. Bác sĩ cảm thấy đã đủ, bèn lạnh lùng nói: “Ta sẽ nói cho cháu biết ta sẽ tìm thấy cái gì trong trái tim của cháu. Ta sẽ tìm thấy cơ bắp nào bị hỏng, làm cho máu chảy chậm và những động mạch nào bị yếu. Và ta sẽ tìm ra cách để làm cho cháu khỏe lại”, “Ông sẽ thấy Chúa Giêsu ở đó”, đứa bé tiếp tục nói, “Người sống ở đó mà!” Bác sĩ giải phẫu bỏ phòng bệnh nhân bước ra đi.

Sau cùng, bác sĩ đã ngồi trong văn phòng làm việc, ghi lại những chi tiết về cuộc giải phẫu, “Van tim bị hỏng, động mạch phổi bị hỏng, sự suy thoái của cơ bắp thịt trong tim lan rộng. Thay tim không hy vọng gì, cũng không mong điều trị được. Phương pháp điều trị: thuốc giảm đau và nghỉ ngơi. Tiên đoán…” Viết tới đây, ông ngừng lại suy nghĩ, “chết trong vòng một năm”. Ông ngừng bản báo cáo, nhưng cảm thấy còn có điều gì nữa để nói. Ông hỏi lớn: “Tại sao?” Rõ ràng rằng ông đang nói chuyện với Thiên Chúa. “Tại sao Ngài đã làm như vậy? Ngài đã mang nó tới đây; Ngài đã đặt nó vào cơn đau đớn này; và chính Ngài đã chúc dữ cho nó chết sớm. Tại sao?” Những giọt nước mắt nóng hổi chảy xuống, nhưng cơn giận của ông còn nóng hơn nữa. “Ngài đã tạo dựng nên em bé, và Ngài đã làm nên trái tim đó. Nó sẽ chết trong vòng vài tháng nữa. Tại sao?”

Cuộc đối thoại giữa ông bác sĩ giải phẫu và Thiên Chúa đã bắt đầu. Trong cuộc đối thoại đó, ông bác sĩ tuyệt vọng này đã khám phá ra sự hiểu biết mới về tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Rồi ông khóc. Bây giờ ông đang ngồi bên cạnh giường bệnh của em bé trai; cha mẹ của em ngồi đối diện với ông. Bỗng chú bé thức dậy thì thầm, “Ông đã mổ trái tim của cháu ra chưa?” “Rồi”, Bác sĩ trả lời. “Ông đã tìm thấy cái gì?” em bé hỏi. “Tôi đã tìm thấy Chúa Giêsu ở đó”. Bác sĩ thành thật trả lời.

Trong cuộc hành trình trên trần gian, Thiên Chúa luôn hiện diện để đồng hành với con người, nhưng nhiều khi con người không nhận ra Ngài. Thánh Luca diễn tả “Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người”. Mắt họ bị ngăn cản bởi cái gì? Có lẽ bởi sự buồn rầu và tuyệt vọng vì cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu. “Trước đây chúng tôi vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel”.

Theo sự giải thích của Wiliam Barlay, Emmau ở hướng tây của Giêrusalem. Hai môn đệ đi về Emmau vào lúc trời chiều. Anh mặt trời chiếu chói lòa vào mắt họ nên họ đã không nhận ra Chúa Giêsu. Mang tính cách biểu tượng, người Kitô hữu luôn lên đường hướng về ánh bình minh với hy vọng, không bao giờ quay trở về phía hoàng hôn với bóng tối, buồn rầu, và thất vọng! Xưa kia, dân Israel đã du hành trong hoang địa đi về phía ánh bình minh để tiến vào đất hứa.

Điểm cốt yếu của câu chuyện là việc Chúa Giêsu đã làm họ nhận ra Ngài. Ngài đã cắt nghĩa cho họ hiểu ý nghĩa của khổ nạn: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” Và chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã được mạc khải trong Thánh Kinh: “Bắt đầu từ Môsê và các tiên tri, Người giải thích cho hai ông tất cả lời Thánh Kinh nói về Người”. Rồi họ ngồi vào bàn tiệc: “Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông”. Sau cùng họ đã nhận ra Người. Sự hiện diện của Ngài đã làm cho cuộc đời trở nên có ý nghĩa, đêm tối trở thành ánh sáng.

“Trong khi con người cố gắng tìm biết Thiên Chúa, nhìn thấy thánh nhan Ngài, và cảm nghiệm được Ngài hiện diện thì Thiên Chúa hướng tới con người và cho con người nhận biết sự sống của Ngài. Công đồng Vatican II bàn rất rộng rãi về tầm quan trọng của việc Thiên Chúa can thiệp vào thế giới. Công đồng giải thích rằng: “Qua mạc khải, Thiên Chúa muốn tỏ mình ra và thông ban chính Mình Ngài, cũng như những điều Ngài đã muốn ấn định từ muôn thuở về phần rỗi của con người”.

Qua lời Chúa và Bàn tiệc Thánh Thể, hai môn đệ đã tìm thấy ý nghĩa của biến cố. Họ đã quay trở lại Giêrusalem nơi cuộc khổ nạn và cái chết bi đát đã xảy ra và can đảm đối diện với nó bằng đức tin và niềm hy vọng.

Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể “làm thành một hành vi phụng tự duy nhất” của Giáo Hội. Người hướng dẫn ta qua lời Chúa được ghi chép trong Kinh Thánh, và trở nên nguồn sức mạnh nuôi dưỡng linh hồn ta trong Bí tích Thánh Thể.

Vì thế, thánh Giêrônimô đã nói: “Không hiểu biết Thánh Kinh là không hiểu biết Chúa Kitô”. Và Bí tích Thánh Thể làm cho mầu nhiệm của Chúa Kitô “trở nên hiện tại” cho chúng ta, để “đặt chúng ta trong niềm hiệp thông” với Thiên Chúa, hầu giúp chúng ta “sinh nhiều hoa trái”.

 

54.Chúa sống lại.

Đối với con mắt trần gian của chúng ta thì chết thật là buồn thảm, thật là chán nản, vì chết là hết, chết thì không còn gì nữa trong trần gian này. Sự nghiệp của một người thường chấm dứt khi người ấy nhắm mắt xuôi tay. Giả như sự nghiệp của người ấy có vĩ đại, công trình của người ấy có lớn lao và quan trọng, thì may ra còn để lại ảnh hưởng nào đó cho những người kế tiếp. Nhưng khi chết như một tên trộm cướp, một tên đại gian ác, vỏn vẹn chỉ có dăm ba người thân thích dám có mặt lúc bị hành hình, thì thực không còn gì mà tin tưởng nữa. Đó là trường hợp của Chúa Giêsu. Thập giá đã kết liễu cuộc đời đầy hứa hẹn của Chúa, thập giá đã chôn vùi mọi hy vọng và tin tưởng trong lòng những người theo Chúa, mọi sự đã sụp đổ và tiêu tan hoàn toàn.

Đối với các môn đệ của Chúa Giêsu, sau khi Chúa chết, tâm trạng của các ông là như thế. Nhưng thực sự chưa hẳn thế, biết đâu Chúa đã sống lại thật như Ngài đã nhiều lần tuyên bố trước đây? Nhất là sáng sớm hôm nay, ngày Chúa nhật đầu tiên sau khi Chúa chết, mấy người phụ nữ đến viếng mộ Chúa, họ không thấy xác Chúa, và họ quả quyết Chúa đã hiện ra với họ. Đó là những điều đang làm cho các môn đệ của Chúa băn khoăn suy nghĩ. Cụ thể là hai môn đệ mà bài Tin Mừng kể lại, hai ông không hiểu ra sao nữa, thôi đành tạm rời Giêrusalem về quê cũ, rồi sau sẽ hay, nhưng trên đường về làng Emmau, Chúa Giêsu hiện ra cùng đồng hành với hai ông và trò chuyện với hai ông.

Nhưng hai ông chưa nhận ra đó là Chúa Giêsu Phục Sinh mà chỉ tưởng là một người bộ hành nào đó tình cờ gặp trên đường, nên các ông mời ghé lại quán bên đường dùng cơm và tiếp tục câu chuyện. Vào quán, khi dùng bữa, Chúa Giêsu phải dùng đến những cử chỉ quen thuộc, cầm lấy bánh, nói lời chúc tụng Thiên Chúa, bẻ ra, trao cho hai ông, lúc ấy hai ông mới nhận ra Ngài. Vừa nhận ra thì Chúa Giêsu “tàng hình” đã biến mất. Các ông vui mừng quá, quay trở lại Giêrusalem để báo cho các bạn khác biết: Chúa Giêsu đã sống lại thật rồi.

Câu chuyện hai môn đệ đi về làng Emmau cũng là câu chuyện của hết thảy chúng ta, của mỗi người chúng ta. Chúng ta cũng đi theo Chúa Giêsu, cũng đã tin tưởng vào Ngài. Trong biết bao ngày tháng chúng ta đã nghe những lời Chúa giảng dạy, nhưng cũng như các môn đệ, nhiều khi chúng ta chán nản, vì điều chúng ta trông mong, điều chúng ta cầu xin, mặc dầu rất thiết thân, nhưng cầu mãi, trông hoài mà vẫn chưa được, có khi chúng ta cảm thấy thất vọng, Chúa Giêsu mà chúng ta tin tưởng, xem ra không thắng nổi cuộc thử thách: chúng ta đau, chúng ta chán, chúng ta buồn, chúng ta khổ, đủ thứ cả, thế mà nghe giảng, cầu nguyện cũng không làm cho chúng ta hy vọng gì hơn, giống như hai môn đệ nói: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel, nhưng việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi”, hai ông đợi đến ngày thứ ba thì đâm ra thất vọng. Cũng thế, chúng ta đợi, chúng ta chờ, có khi đã hơn ba ngày, ba tuần, ba tháng, ba năm mà vẫn không thấy gì, chúng ta đâm ra thất vọng, chán nản, phàn nàn, kêu trách Chúa, thậm chí có người còn ra điều kiện với Chúa hoặc bỏ Chúa.

Nhưng thế nào chăng nữa chúng ta cũng hãy bắt chước hai môn đệ này, hai ông đã thưa với Chúa: “Xin Ngài ở lại với chúng tôi”. Dù hoàn cảnh ra sao, chúng ta cũng hãy xin Chúa: Xin Chúa luôn ở lại với chúng con trên đường đời đầy chông gai và gian khổ này. Xin Chúa ở lại với chúng con trong cái thế giới nhiều hận thù và ghen ghét, còn muốn đóng đinh Chúa nữa này. Xin Chúa lưu lại đây với chúng con, để dạy chúng con biết sống như những Kitô hữu “hồi sinh” và “biết chết” như những kẻ thừa kế của nước trời.

Chúng ta cần phải biết nhạy cảm ngạc nhiên trước mỗi bất ngờ Chúa gửi đến, để trước hết chúng ta cất tiếng ngợi khen cảm tạ Chúa, cũng như khám phá được điều Chúa muốn và rồi đến lượt chúng ta cũng trở thành những bất ngờ cho anh em, trong mục đích hướng lòng họ về với Chúa là Thiên Chúa tình yêu. Và như vậy, trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, chúng ta không bao giờ chán nản, thất vọng, buồn phiền, vì biết rằng Chúa luôn có những bất ngờ cho chúng ta, vì Thiên Chúa là Đấng toàn năng và là Cha nhân từ thương yêu chúng ta vô cùng.

 

55.Chúa là nguồn an ủi

Khi đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta dễ dàng nhận ra những u buồn, thất vọng và chán nản của hai môn đệ đi về làng Emaus. Chắc chắn các ông không bao giờ nghĩ mình phải rơi vào tình trạng như ngày hôm nay. Xét cho cùng, chúng ta cũng không thể trách hai môn đệ này được, vì thất vọng cũng là một tâm lý rất thường có ở con người. Khi mà ta hy vọng quá cao về một điều gì, mà điều đó không được thực hiện như lòng mong muốn thì ta lại càng thất vọng. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy họ đặt hy vọng rất nhiều vào Chúa Giêsu. Đối với họ, Ngài là một vị tiên tri có quyền lực trong lời nói và việc làm trước mặt Thiên Chúa và trước mặt toàn dân. Điều lớn nhất nơi họ là đợi đến thời cơ "chín mùi" sẽ được cùng Ngài đứng lên giải phóng Israel, cùng được chia sẻ phần vinh hoa với Người. Nhưng lại không được như họ suy nghĩ và ước mơ. Không những thế, mà Thầy Giêsu còn bị người ta hành hạ và kết án như một tên tử tội. Rồi đã ba ngày trôi qua đang thất vọng thì có những người phụ nữ lại báo tin "người ta đã lấy mất xác Thầy rồi". Còn các môn đệ cũng chỉ thấy mồ trống mà cũng không thấy Thầy đâu. Thế là hết! Bao nhiêu hy vọng đã tiêu tan, họ phải lủi thủi về quê mà trong lòng tràn ngập bao nỗi u phiền và thất vọng.

Dù thế nào đi nữa, thì biến cố thương khó và tử nạn vẫn là mối bận tâm sâu đậm cho hai ông. Mặc dù hai ông thất vọng đến tột độ nhưng vẫn không thể nào không nghĩ tới, khi có cơ hội nhất là "dọc đường các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra" nhân cơ hội này Đức Giêsu đã tháp tùng đi với họ. Trong thời gian đi, tuy họ chưa nhận ra Chúa , nhưng Ngài hiểu tất cả, Ngài thấu suốt tâm can họ, biết họ suy nghĩ những gì và đang dự định làm gì. Có thể nói phương pháp sư phạm của Đức Giêsu rất tâm lý. Ngài chờ đợi con người bộc bạch hết những nỗi băn khoăn, lo âu, sau đó Ngài mới từng bước dẫn họ vào ánh sáng Phục Sinh.

Trước tiên Ngài lấy Kinh Thánh chứng minh, cho họ biết rằng họ không hiểu gì cả về Đấng Kitô. Ngài đã giải thích các biến cố chịu nạn cho họ hiểu. Và nhờ Kinh Thánh mà lòng họ đã được "bừng cháy lên". Nhưng những lời Đức Giêsu dẫn chứng vẫn không thể xoá đi được sự vô tri trong lòng họ, nhưng dù sao thì Lời Chúa cũng làm loé lên trong tâm hồn họ khiến họ nhận ra một ý nghĩa mới cho cuộc đời. Buồn sầu tan biến, tâm hồn họ được tràn đầy niềm hy vọng nhưng mắt họ vẫn chưa mở ra để nhìn "thấy Chúa Phục Sinh" mặc dù lòng họ lúc đó "bừng cháy lên".

Cuối cùng Đức Giêsu phải đưa họ đến cử chỉ quen thuộc thân thương mà khi còn sống Ngài đã từng làm, đó là "cử chỉ bẻ bánh". Khi Người cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ, mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người'.

Tâm trạng thất vọng của hai môn đệ đi làng Emaus hôm nào cũng là tâm trạng của chúng ta; thường hay than trách phàn nàn về số phận mà Thiên Chúa đặt để cho ta, phàn nàn tại sao mình bất hạnh quá, sao mà cực khổ quá. Chúng ta cũng hay ganh tỵ, so sánh đưa đến chán nản thất vọng tại sao người khác không theo Chúa lại giàu sang sung sướng, trong khi tôi ăn ở đàng hoàng tử tế, giữ những điều Giáo Hội dạy, thì lại mất mát thua thiệt, Thiên Chúa đâu sao Ngài không ban thưởng cho tôi? Từ đó đâm ra chán chường quay đầu lại với "Giêrusalem", quay đầu với Giáo Hội và với Chúa. Tương tự như hai môn đệ làng Emaus, chúng ta chỉ có thể hết chán chường khi biết nhìn Thập Giá Đức Giêsu là nguồn cứu độ" không còn đi theo Chúa với tư tưởng thực dụng và lợi ích trần gian nữa. Hơn thế, phải biết chạy đến nguồn an ủi Lời Chúa vì "Lời chúa là ngọn đèn soi con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi" (Tv 119,105), và cũng biết đón nhận Đức Giêsu Phục Sinh qua Bí Tích Thánh Thể, là dấu chỉ sự hiện diện của Người.

Lạy Chúa! Chúng con sẽ không còn ưu buồn, thất vọng, cũng không còn bơ vơ lạc lõng khi chúng con biết nhận ra Chúa qua những người anh em xung quanh. Nhất là cho chúng con biết tìm nguồn an ủi nơi Lời Chúa và Mình Thánh Chúa. Amen.

 

56.Sau mộng mơ đến than khóc.

Các bạn sẽ làm gì khi một ước mơ bị tan vỡ? Con đường Emmau đã được khai mở và các khách hành hương đến Đất Thánh ngày nay đều có thể bước đi trên cũng con đường mà hai môn đệ xưa kia đã từng sải bước trên đó như trong bài Tin Mừng hôm nay thuật lại. Hầu hết chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được sự chia sẻ kinh nghiệm sống của các môn đệ xưa kia. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ sẵn sàng nói lên là chúng ta có được sự cảm nhận trong tinh thần và thể xác mà các môn đệ xưa đã có khi họ bước đi trên con đường với cõi lòng tan vỡ giấc mộng.

Họ là những người đã từng chia sẻ giấc mộng vinh quang với các người khác cho đến lúc này; họ đã ở với Chúa Giêsu và cảm nhận tâm hồn được ấm áp khi có Ngài hiện diện bên cạnh. Tai họ đã từng được nghe lời Ngài giảng dạy, và mắt họ đã từng mục kích những phép lạ Ngài làm. Họ đã từng tin rằng những lời tiên tri xưa nay đã sắp trở thành hiện thực. Tâm hồn họ đã cảm thấy được sự chiến thắng vinh quang khi cùng với Chúa Giêsu bước vào Thành Thánh trong ngày Lễ Lá; đó là lúc tâm hồn họ tràn ngập niềm hân hoan. Tôi thiết nghĩ rằng khi các môn đệ được nghe dân chúng ca khen Chúa Giêsu thì họ đã nghĩ rằng, "Chà chà, nếu Thầy hành động đúng đắn, đừng có đả động con tầu thì đây là lúc thành công vinh quang để giải phóng dân tộc". Tuy vậy dĩ nhiên Chúa Giêsu đã lay động con tầu và "thổi bay" nó đi mất theo như kiểu nói của đám thanh niên thời nay. Có câu nói: Tên những nhân vật quan trọng trong lịch sử xưa không làm "đắm tầu" có thể được in trên phía sau của con tem. Tôi không biết điều ấy đúng hay sai, nhưng tôi biết chắc một điều là Chúa Giêsu là một người làm rung động con tầu cách tuyệt hảo. Ngài vào Đền Thờ và lật đổ bàn ghế những kẻ đổi tiền. Ngài làm cho những người nắm giữ chính quyền và những vị tôn giáo Lập Pháp phải tức giận -- và như thế giấc mơ bắt đầu bị tan vỡ. Trước ngày thứ Sáu đến không những Ngài biết chắc Ngài phải chết, tuy vậy Ngài còn muốn cuộc tử nạn của Ngài thật đau đớn trong con đường Thánh giá, đến độ chịu lấy án của một kẻ tử tội ghê tởm nhất. Nỗi đau đớn ấy quá độ đến nỗi Ngài đã phải kêu lên lúc gần chết: "Lạy Chúa Tôi! Lạy Thiên Chúa của Tôi! Sao Ngài đã bỏ tôi?" Khi mọi sự đã chấm dứt thì các môn đệ rơi vào hố sâu thất vọng. Không còn câu nào trong Thánh Kinh có thể diễn tả nỗi chua cay, buồn chán hơn được nữa như câu mà người môn đệ đã nói trong bài Tin Mừng hôm nay: "Chúng tôi đã hy vọng Ngài là Đấng phải đến để giải phóng dân Israel!"

Sau giấc mơ đến than khóc. Chúng ta than khóc về những nỗi thất vọng, ngã thua, mặc cảm tội lỗi: "Chúng tôi hy vọng Ngài là Đấng giải thoát Israel"... "Chúng tôi hy vọng cuộc sống hôn nhân của chúng tôi sẽ mỹ mãn"... "Chúng tôi hy vọng là nó sẽ học xong"... "Chúng tôi hy vọng là kết quả của nội soi sẽ tốt"... vân vân và vân vân!!! Nhưng Các bạn sẽ làm gì khi các giấc mộng bị tan vỡ?

Thường thường chúng ta mang theo cái cảm tưởng như một chú bé được ông bố khuyến khích cậu đặt câu hỏi. Vào buổi đẹp trời nọ, hai bố con đang đi dạo với nhau thì cậu bé bất ngờ hỏi bố: "Ba à, ánh sáng đến từ đâu vậy ba?" Ông bố trả lời: "À, ba không biết. Ba cũng thường thắc mắc về vấn đề đó nữa". "Vậy rađa nó như thế nào hả ba?" "Ừ, ba cũng không biết nữa". Sau một hồi hỏi qua đáp lại, chú bé biết rằng ba nó cũng chẳng biết khoảng cách giữa trái đất và hỏa tinh cũng như chiều cao của Empire State Building là bao nhiêu, nên nó nói: "Con xin lỗi ba nhá. Con nghĩ là con không nên hỏi ba nhiều như vậy". Ông bố trả lời: "Ái dà, con có lỗi gì đâu; hơn nữa, nếu như con không hỏi thì làm sao con biết thêm các điều được". Nhiều lúc trong cuộc sống chúng ta cũng đặt nhiều câu hỏi nhưng chẳng có câu trả lời, và nó làm cho chúng ta phải nhào lộn trong những cái thất vọng khó chịu, chán chường và mặc cảm; nhưng nó không dừng ở đó. Chúng ta có thể tụ họp như là những phần tử trong một cộng đoàn thờ phượng và xem mình như những môn đệ của Chúa Giêsu xưa trên con đường vỡ mộng. Chúng ta sẽ thấy rằng Thiên Chúa đã dự bị sẵn cho họ những kinh nghiệm hữu ích cho cuộc đời họ ngay trong những mộng vàng tan nát đó. Họ sẽ cảm nghiệm sự Phục Sinh! Họ sẽ tiến tới sự hiểu biết rõ ràng hơn Thiên Chúa là ai, cách thức Ngài hành động, và Ngài đã làm gì cho thế giới trong Đức Giêsu Kitô. Bấy giờ họ chưa sẵn sàng, nhưng Thiên Chúa yêu họ đến nỗi Ngài đã dùng chính nỗi thất vọng và đắng cay của họ để sửa soạn cho họ có thể lãnh nhận sự cảm nghiệm của niềm vui Phục Sinh.

Hai môn đệ trên đường Emmau chân bước mà hồn họ như lạc mất bởi sự chán chường và đau xót đến nỗi họ đã không nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài đến bên họ. Suốt đoạn đường dài bảy cây số, Chúa Giêsu cùng đàm luận thế mà họ cũng chẳng biết là Ngài, chỉ thấy là một người xa lạ. Nếu họ là những người như thế sao có thể sẵn sàng hy hiến mạng sống mình vì Tin Mừng Phúc Âm? Ở đây có một điểm rất hay trong câu truyện này, đó là hai môn đệ kia còn lại trong họ sự quan tâm đến người khác để có thể thi hành phong tục xưa của người Trung Đông là lịch sự mời mọc người xa lạ. Khi họ đã đến Emmau và sắp sửa quẹo vào con đường về nhà mình thì tự động nói với Người Khách lạ rằng: "Xin ông hãy ngụ lại nhà chúng tôi vì trời sắp tối rồi" (Lk 24:29). Ngay khi họ vừa mới làm cử chỉ tự nhiên, mỏng manh của sự lịch sự đó thì tình trạng được thay đổi. Họ đã nhận ra Chúa Giêsu tựa như ánh sáng tỏa sáng cho họ vậy. Sự Phục Sinh đã đến nhưng chỉ có ban cho họ khi họ biết mở rộng tấm lòng của họ ra đối với nhu cầu của người khác; và từ đó họ đã chỗi dậy và chạy. Câu chuyện thuật lại cho chúng ta biết rằng họ đã chạy đi suốt con đường trở lại Giêrusalem để loan báo cho các môn đệ khác. Nhưng họ vẫn không ngừng ở đó, như theo Thánh Luca người đã viết Phúc Âm này cùng với sách Tông Đồ Công Vụ, họ đã ra đi loan báo khắp vùng Địa Trung Hải, Đamascô, Antiôkia, Tiểu Á, Rôma và khắp nơi mà họ có thể để thi hành sứ vụ Chúa Kitô giao phó cho họ. Tuy vậy như đã nói trước các công việc đó, họ cần phải bị làm cho "trống rỗng" để ơn Chúa có thể vào trong tâm hồn họ.

 

57.Sao lại thất vọng?

Thánh Luca thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu Phục Sinh với hai môn đệ trên đường đi về Emaus. Hai người lữ hành mang nặng tâm trạng chán chường thất vọng. Mọi chuyện bắt đầu từ biến cố Đức Giêsu Nazareth chịu án tử trên thập giá, rồi những lời đồn thổi xung quanh ngôi mộ trống của Ngài. Thất vọng và chán chường đã đưa hai ông đến chỗ hoài nghi: Có phải Thầy là Đức Kitô - Con Thiên Chúa không? Nếu thật thì tại sao Thầy lại chết treo trên thập giá cách ô trọc, nhục nhã như vậy? Chỉ trong đôi ba ngày ngắn ngủi, nhiều biến cố đã xảy ra vượt khỏi trí tưởng của hai ông: Thầy bị bắt, bị đánh đập dã man, bị đóng đinh, rồi xác biến mất... Các biến cố đã xảy ra nhanh quá, dồn dập và choáng ngợp quá, khiến các ông bị khủng hoảng nhiều về niềm tin và hy vọng.

Tâm trạng sầu não của hai môn đệ biểu lộ qua những lời trao đổi với "người khách đồng hành duy nhất": Bao năm vất vả theo Thầy, "nếm mật nằm gai" những mong ngày Thầy tái lập nước Israel, mình sẽ có một chỗ đứng trong xã hội: không là tể tướng thì chí ít cũng là quận công, tổng trấn... Nhưng giờ đây tất cả đã trở thành mây khói. Hai ông đâm ra hoang mang, hoảng sợ rồi vội vã ra khỏi thành, chạy trốn một sự thật quá phũ phàng.

Gặp người khách lạ, hai ông được dịp giãi bày nỗi lòng ngổn ngang của mình. Người khách lạ ân cần lắng nghe, đồng thời giải thích cho hai ông biết cái chết của Đức Giêsu không phải là sự nhục nhã nhưng là con đường để Ngài đi tới vinh quang. Người khách lạ ấy không ai khác hơn là chính Chúa Giêsu, Ngài hiện diện giữa các môn đệ để củng cố lòng tin của các ông. Chính buồn phiền chán nản đã che mờ đôi mắt và tâm hồn khiến họ không nhận ra được người đồng hành chính là Thầy chí thánh đã phục sinh.

Đời sống đạo của nhiều người trong chúng ta cũng như hai môn đệ nầy: chỉ gắn "mác" (mark) Kitô hữu để hưởng quyền lợi cá nhân hơn sống thật sự là một Kitô hữu. Nhiều người sốt sắng tham gia các sinh hoạt của họ đạo cốt chỉ để được tiếng tốt, hay để được hưởng lợi từ các chương trình phúc lợi của họ đạo. Nhưng khi gặp chuyện trái ý cũng dễ dàng quay lưng lại với cộng đoàn họ đạo. Sống đạo như thế chưa thật sự vững vàng. Người Kitô hữu đích thực, dù gặp phiền muộn hay khổ nhục nào đi nữa, vẫn luôn có thể và phải tỏ ra an vui và tin tưởng.

Hai môn đệ trên đường Emaus là người gần gũi với Chúa Giêsu khi Ngài còn sống. Hai ông thuộc rành rẽ những điều Chúa Giêsu đã báo trước. Nhưng hiểu biết chưa hẳn đã tin. Mắt hai ông chỉ mở ra khi được dự lễ bẻ bánh với Chúa. Chúng ta cũng sẽ chỉ hiểu biết về Chúa chứ không nhận ra được sự hiện diện của Ngài, nếu ta chỉ tìm kiếm những điều hợp với ý mình chứ chưa thật sự sống cùng cộng đoàn Phụng vụ.

Chúng ta còn gặp nhiều phiền muộn, chán nản trong đời sống đức tin là vì chúng ta chưa thật sự sống với những thăng trầm của cộng đoàn họ đạo. Chỉ khi ta gắn bó cuộc đời mình với sức sống của họ đạo, của Giáo Hội; ta mới nhận được đức tin và niềm hy vọng vững vàng. Chính khi đó, gương mặt Đức Kitô Phục Sinh mới chiếu toả cho chính chúng ta và cho mọi người như đã chiếu toả trong nhà trọ làng Emaus.

 

58.Sợi chỉ đỏ Chúa nhật 3 Phục Sinh

(Bài viết của Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Chủ đề: Cuộc sống mới của kẻ tin vào Ðức Giêsu Phục Sinh.

Sợi chỉ đỏ:

- Bài đọc I: Phêrô làm chứng về việc Đức Giêsu Phục Sinh.

- Đáp ca: Lạy Chúa, Chúa sẽ dạy con đường về cõi sống.

- Bài đọc II: Tín hữu đã được giải thoát khỏi lối sống phù phiếm của cuộc đời tạm gửi này.

- Bài Tin Mừng: Trên đường Emmau, Đức Giêsu đồng hành với tín hữu; tín hữu có thể cảm nghiệm được Ngài qua Lời Chúa và Thánh Thể.

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Ngày xưa trên đường Emmau có hai môn đệ hoang mang đã tìm lại được đức tin và niềm vui cho cuộc sống. Phải chăng nhiều lúc chúng ta cũng hoang mang như thế. Hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng hai môn đệ ấy dấn bước trên con đường Emmau để cũng tìm gặp những điều tốt lành như hai môn đệ ấy.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Chúng ta nhiều lần được nghe Lời Chúa nhưng tâm hồn vẫn nguội lạnh thờ ơ chứ không bừng cháy lên như hai môn đệ Emmau.

- Chúng ta nhiều lần tham dự lễ bẻ bánh nhưng cặp mắt đức tin vẫn khép kín không nhận ra Ðức Giêsu đang đồng hành với chúng ta.

- Chúng ta ít quan tâm tìm đến với Chúa qua việc đọc và cầu nguyện Thánh Kinh.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I: Cv 2,14.22-28

Ðoạn thư này của Thánh Phêrô gồm 2 ý chính:

- Ông nhắc lại cho dân Do Thái nhớ những nét chính về cuộc đời Ðức Giêsu: Ngài là người được Thiên Chúa sai đến với họ; Ngài đã làm “nhiều phép mầu, dấu lạ và những việc phi thường để chính minh sứ mạng của Ngài”; Ngài đã bị giết chết. Tất cả những điều này người Do Thái đều biết, nay chỉ cần nhắc lại là họ nhớ.

- Thiên Chúa đã làm cho Ðức Giêsu sống lại. Ðiều này làm ứng nghiệm Tv 15 và chứng minh Ðức Giêsu chính là Ðấng Messia.

2. Ðáp ca: Tv 15

Tác giả hát lên niềm vui vì đã dám đặt cược tất cả vào Chúa, và đã thắng cuộc. Chúng ta có thể dùng những lời Thánh vịnh này để biểu lộ niềm vui mừng và tin tưởng của chúng ta vì có Ðức Giêsu Phục Sinh đang ở bên chúng ta.

3. Bài đọc II: 1 Pr 1,17-21

Ðây là một lời kêu gọi hãy tin cậy vào Thiên Chúa và Ðức Giêsu Phục Sinh:

- Việc Ðức Giêsu chết và sống lại ấy đã giải thoát tín hữu khỏi lối sống phù phiếm xưa nay.

- Vậy từ nay tín hữu hãy đặt trọn niềm tin cậy phó thác vào Thiên Chúa và Ðức Giêsu Phục Sinh.

4. Bài Tin Mừng: Lc 24,13-35

Câu chuyện này diễn ra qua nhiều giai đoạn:

- Tâm trạng hoang mang chán chường của hai môn đệ trên đường Emmau.

- Ðức Giêsu Phục Sinh đã ban lại cho họ đức tin và niềm vui, bằng hai cách: giúp cho họ hiểu Lời Chúa, cử hành lễ Bẻ bánh. Ðây chính là 2 phương tiện giúp mọi tín hữu được gặp Ðức Giêsu Phục Sinh.

- Sau cảm nghiệm được gặp Ðức Giêsu, hai ông trở về Giêrusalem và loan báo Tin Mừng ấy cho các môn đệ khác.

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. Làm thế nào để có được cảm nghiệm của hai môn đệ Emmau

Mong sao độc giả Tin Mừng hiểu được rằng câu chuyện này nhắm đến họ. Ðến lượt mình, họ tự hỏi làm sao thấy được Ðấng Phục Sinh. Câu trả lời là: mắt trần hoàn toàn vô dụng. Sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh khác hẳn sự hiện diện của Ðức Giêsu Nadarét. Ðây là một sự hiện diện mới mẻ, chỉ tỏ hiện với con mắt đức tin được nuôi bằng Kinh Thánh và việc chia sẻ bữa ăn với Ðức Giêsu.

Nếu muốn thấy và sống sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh, các tín hữu phải trang bị cho mình hai điều kiện ấy vì họ luôn sẵn có trong tay Thánh Kinh và Thánh Lễ. (M. Sevin, trích dịch bởi Fiches dominicales, trang 135)

2. Ðể khỏi rơi vào sự đơn điệu của đời thường

Lễ Phục Sinh đã trôi qua 15 ngày. Chúng ta dễ buông mình rơi lại vào sự đơn điệu của đời thường, trở về với những lỗi phạm quen thuộc.

Nhưng đức tin không phải chỉ để dự lễ, mà là để sống cả đời. Ðức tin là một ơn gọi phải theo suốt đời.

Bởi thế, trong bài đọc 2 hôm nay, thánh Phêrô đưa ra rất nhiều chỉ dẫn để chúng ta luôn sống niềm tin vào Ðức Giêsu Phục Sinh:

- Ðừng tự ru ngủ bằng ý tưởng mình đã là con cái Thiên Chúa: “Thiên Chúa không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mà xét xử”. Phải biết “sợ” Cha mình, một nỗi sợ hiếu thảo và đầy tình yêu mến.

- Hãy luôn vui mừng vì mình là những con người tự do, tự do vì “được giải phóng khỏi lối sống phù phiếm do cha ông để lại”, để hướng tới sự thánh thiện. Nếu không hướng tới sự thánh thiện, chúng ta sẽ rơi lại nếp sống nô lệ cũ.

- Ý thức mình đã được cứu chuộc bằng giá máu của Ðức Giêsu. Ngài đã yêu thương ta đến thế, lẽ nào ta đành phụ bạc Ngài.

3. Một cách hiện diện mới

Cách viết của Luca chứa đựng một ngụ ý thần học sâu sắc: Khi hai môn đệ đang đi trên đường, mặc dù Ðức Giêsu đang ở bên cạnh họ nhưng họ không nhận ra “vì mắt họ còn bị ngăn cản” (câu 16). Ðến khi Ðức Giêsu bẻ bánh thì “mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Ngài” (câu 31). “Nhưng Ngài lại biến mất” (câu 31).

Ngụ ý thần học của cách viết này là: Ðức Giêsu Phục Sinh vẫn hiện diện ngay bên cạnh ta, nhưng theo một cách mới. Chúng ta không thể nhận ra cách hiện diện mới ấy vì cặp mắt thể xác của ta như “bị ngăn cản” bởi một bức màn. Chỉ khi nào Ngài muốn và cho những ai Ngài muốn thì Ngài mới cất bức màn ấy đi và khi đó mắt chúng ta mới “mở ra” và thấy được Ngài.

Vì thế, một mặt chúng ta hãy vững tin rằng Ðức Giêsu Phục Sinh lúc nào cũng ở sát bên cạnh chúng ta; mặt khác hãy sử dụng những phương tiện mà Ngài đã để lại hầu có thể nhận ra Ngài, đó là Lời Chúa và Thánh lễ.

4. Bức họa của Rembrandt

Trong các tác phẩm của danh họa Rembrandt, có một bức rất ấn tượng vẽ cảnh Ðức Giêsu đang ngồi cùng bàn với hai môn đệ Emmau. Ðiều gây ấn tượng là vẻ mặt sung sướng vô ngần của hai môn đệ lúc họ nhận ra Chúa. Bức họa nổi tiếng này được đặt trong một nhà bảo tàng, và có một chuyên viên phụ trách giải thích ý nghĩa của nó cho các khách tham quan.

Lần kia một cặp vợ chồng vừa có đứa con duy nhất bị chết vì tai nạn. Họ buồn quá không biết làm gì nên cùng nhau đến nhà bảo tàng ấy để giải khuây. Họ cũng được người hướng dẫn ấy dẫn đến bức họa này. Ban đầu, hai vợ chồng chẳng buồn để ý tới những lời giải thích. Nhưng dần dần họ bị cuốn hút vào. Và cuối cùng, khi người hướng dẫn dứt lời thì họ tâm sự với người hướng dẫn: “Chúng tôi đã nghe nói về bức họa này nhiều lần, nhưng chưa lần nào chúng tôi được nghe người nào trình bày một cách hấp dẫn như ông. Chúng tôi thực sự xúc động.”

Người hướng dẫn đáp: “Thực ra, không phải lần nào tôi cũng trình bày một cách xác tín như vậy đâu. Có lần tôi đã nói một cách rất hời hợt qua loa.” Rồi ông ta kể: “Ba năm trước, vợ tôi bị ung thư, sức khoẻ cạn kiệt dần, rồi nàng chết một cách hết sức đau đớn. Tôi không thể nào chấp nhận nổi các chết này, vì nàng là một người rất tốt, không đáng bị chết như thế. Tôi tưởng như cả thế giới sụp đổ. Tim tôi như vỡ tan. Nhưng vì bổn phận, tôi vẫn phải đến làm việc ở nhà bảo tàng này. Tôi giải thích ý nghĩa các bức họa một cách hết sức máy móc, vô hồn. Thế rồi một hôm, tôi chợt hiểu ra rằng bức họa này không chỉ liên can đến hai người môn đệ tuyệt vọng này, mà cả đến tôi nữa. Cũng như hai ông ấy, tôi đã tuyệt vọng và trở thành một người lữ hành cô đơn. Dù tôi là một người tín hữu, nhưng đối với tôi Ðức Giêsu chỉ là một nhân vật mờ mịt trong những trang sách Tin Mừng. Tuy nhiên hôm đó tôi cảm thấy Ngài đang hiện diện thực sự bên cạnh tôi, Ngài ở bên tôi như một người bạn hiểu rất rõ mọi nỗi khổ đau của loài người. Từ lúc đó “mắt tôi mở ra, lòng tôi cháy bừng lên” như hai môn đệ ấy. Tôi đã tìm lại được hy vọng và lẽ sống cho đời mình. Bởi vậy từ đó trở đi, mỗi khi tôi kể câu chuyện Emmau là tôi kể về chính cảm nghiệm của mình.”

Cặp vợ chồng không cầm được nước mắt: “Chúng tôi cũng thế. Chúng tôi đã ‘mở mắt ra và thấy lòng mình cháy bừng lên’. Hôm nay chúng tôi cũng tìm lại được hy vọng và lẽ sống cho đời mình, vì biết rằng Ðức Giêsu Phục Sinh đang thực sự ở bên cạnh chúng tôi”. (Flor McCarthy)

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

Chủ tế: Anh chị em thân mến,

Niềm tin của hai môn đệ đi làng Emmau được củng cố vững chắc, và niềm vui gặp Chúa tràn ngập tâm hồn hai ông. Trong niềm hân hoan mừng Chúa đã sống lại, chúng ta cùng dâng lời cầu xin.

1. Hội Thánh tôn kính Lời Chúa ngang với Mình Máu Thánh Chúa/ và không ngừng kêu gọi con cái mình siêng năng học hỏi Lời Chúa./ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho người Kitô hữu/ ý thức được tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống đức tin thường ngày.

2. Kinh Thánh là quyển sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất/ và được nhiều người đọc nhất trên thế giới./ Chúng ta hiệp lời cầu xin/ cho ngày càng có nhiều người mộ mến tìm đọc/ và nhận ra được giá trị thực sự của quyển sách quý báu này.

3. Trong đời sống hằng ngày/ có biết bao người chán nản và tuyệt vọng vì gặp quá nhiều đau khổ./ Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa/ ban cho những anh chị em đang gặp thử thách gian nan/ một niềm tin sắt đá/ và một niềm cậy trông vững bền vào tình thương/ và sự quan phòng của Người.

4. Rộng rãi giúp đỡ những người khốn khổ bất hạnh/ là một trong những bổn phận căn bản của đời sống đức tin./ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta/ biết thật tình chia sẻ cơm áo cho những ai thật sự đói nghèo.

Chủ tế: Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, Chúa luôn đồng hành cùng chúng con trong cuộc sống. Xin cho tất cả chúng con biết nhận ra Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống thường ngày của chúng con, để chúng con vẫn luôn vui sống giữa muôn phiền toái của cuộc đời. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. TRONG THÁNH LỄ

- Kinh tiền tụng: nên dùng Kinh tiền tụng Phục Sinh số 2, vì có nói tới cuộc sống mới.

- Trước kinh Lạy Cha: Làm con thì phải phó thác theo ý cha mình. Chúng ta hãy hợp ý với Ðức Giêsu dâng lên Chúa Cha tâm tình phó thác của chúng ta.

VII. GIẢI TÁN

Sau khi gặp được Ðức Giêsu Phục Sinh, hai môn đệ Emmau đã làm chứng cho những người khác tin Chúa. Anh chị em cũng thế, hãy đi làm chứng cho mọi người rằng Chúa đã sống lại.

 

59.Đường đức tin

Truyện kể rằng: Thánh giáo phụ Sarapio một lần hành hương đến Rôma, ngài đến thăm một nữ ẩn tu và hỏi chị: "Tại sao chị ngồi yên ở đây?" Chị trả lời: "Không, tôi đâu có ngồi yên, tôi đang đi trên đường cơ mà." Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca tường thuật Chúa Giêsu Phục Sinh đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus. Đường Emmaus là đường đức tin, đường thấy Chúa của hai môn đệ. Hai môn đệ có được đức tin và gặp được Chúa nhờ Lời Chúa và Thánh Thể Chúa.

Lời Chúa soi sáng lòng tin họ: Hai môn đệ đã không tin Chúa sống lại qua lời chứng của các Tông Đồ và các phụ nữ nên đã rời bỏ cộng đoàn các Tông Đồ, rời bỏ các Tông Đồ là rời bỏ đức tin. Hai người buồn rầu đi bên nhau nói về Thầy mình: "Một Người đầy uy thế trong lời nói, việc làm trước mặt Thiên Chúa và toàn dân" nhưng lại chết thê thảm, nhục nhã. Ước mơ công hầu khanh tướng - bên tả bên hữu của hai ông tan bi?n, giờ chỉ còn là thất vọng. Vì hai ông vẫn xem Chúa Giêsu là Vua chính trị sẽ giải phóng Israel. Chúa Giêsu tiến lên và xin được đồng hành với họ, chứng tỏ Chúa Giêsu đi phía sau hai ông, đang đi tìm hai ông, nhưng mắt hai ông "bị ngăn cản", lòng hai ông thì u tối nên không nhận ra Ngài. Ngay cả đến khi Chúa Giêsu giải thích Thánh Kinh: từ Môsê đến các ngôn sứ và nói: "Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang sao?", dù lúc đó lòng họ "đã bừng cháy lên" nhưng vẫn không thấy Chúa. Chính Lời Chúa Giêsu đã làm cho lòng họ bừng cháy lên, tại sao họ vẫn chưa nhận ra Ngài? Thưa: vì Chúa chưa cho họ thấy. Chúa Giêsu chưa mở trí, chưa mở mắt đức tin thì họ không thể thấy Chúa dù Ngài đang đi bên cạnh họ. Đường đức tin của hai môn đệ còn phải nhờ đến Thánh Thể.

Thánh Thể mở trí, mở mắt đức tin họ: Họ nài ép Chúa Giêsu ở lại, dùng bữa tối, ngủ lại để dưỡng sức đi tiếp cuộc hành trình. Tinh thần hiếu khách và lòng bác ái của hai môn đệ với Người Khách dường như xa lạ này là cơ hội cho Chúa ở lại với họ và Ngài đã mở trí, mở mắt đức tin và khơi niềm tin cho họ bằng cử chỉ quen thuộc mà khi còn sống Chúa Giêsu vẫn thường làm cho các môn đệ: "Cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, và trao cho họ". Tức thì hai ông nhận ngay ra Chúa Giêsu, nhưng Ngài lại biến mất. Vì khi Phục Sinh, Chúa Giêsu không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian. Như thế, chỉ khi Chúa Giêsu cho họ thấy họ mới có thể thấy. Gặp được Chúa Giêsu, niềm tin đã thôi thúc họ trở về đoàn tụ với các Tông Đồ. Chính Chúa Giêsu Phục Sinh hiện diện nơi Lời Chúa và Thánh Thể đã làm thay đổi cuộc đời họ: từ con người u tối thành con người đầy niềm tin, làm cho đường xa hoá gần, tối thành sáng, nghi an thành bình an, từ những con người tuyệt vọng thành tràn đầy hy vọng và có lẽ sống.

Tin mừng hôm nay mang ý nghĩa thâm sâu: Đường đức tin của hai môn đệ cũng là đường đức tin của mỗi người chúng ta. Tác giả chỉ tên một môn đệ là Clêôpát. Theo Cha Perrot, người không nêu tên đó chính là mỗi người trong chúng ta. Chúa cũng đang mời gọi ta hãy tin vào Thánh Kinh và Thánh Thể. Lời Chúa và Thánh Thể có chiếm chỗ quan trọng nhất của đời tôi không? Mỗi khi nghe Lời Chúa, lòng tôi có "bừng sáng lên", tôi có nghe được chính Chúa đang nói với tôi để rồi tôi biết yêu mến Lời Chúa bằng việc năng đọc và suy niệm Lời Chúa như Đức Maria xưa không? Bí tích Thánh Thể là sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu nhưng tôi có năng chuẩn bị tâm hồn mỗi khi đến tham dự Thánh Lễ để rước Ngài, và viếng Thánh Thể? Chúa còn mời gọi ta nh?n ra sự hiện diện của Ngài trong thế giới vật chất và con người. Người Kitô hữu là người có Chúa và phải thấy Chúa trong mọi biến cố, mọi sự của cuộc sống hằng ngày. Xin mượn lời bài hát của linh mục Thái Nguyên để nói lên khát khao gặp Chúa: "Chúa ơi cho con nhìn thấy, bước Ngài đang đến trong đời con, dưới ngàn hình dong dáng vẻ, Chúa vẫn hiện diện, lặng lẽ trong đời, như tấm bánh nơi nhà tạm đơn sơ, như nơi những kẻ đói nghèo bơ vơ. Chúa hẹn gặp con, Chúa chờ đợi con qua bao biến cố buồn vui, qua những lo toan đời thường, qua ngàn sầu thương vấn vương. Ước gì con trông thấy Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi, ước chi con không bỏ rơi cơ hội đến trong từng ngày để được gặp Chúa trên muôn nẻo đời". Đúng vậy, phải xin Chúa để ta mới có thể thấy được Chúa vì chỉ khi Chúa cho thấy ta mới có thể thấy. Khi ta thấy Chúa hiện diện trong những thử thách, nghịch cảnh để ta dễ dàng đón nhận trong vui tươi và bình an. Nhưng phải thực sự nhìn nhận rằng mỗi khi ta gặp sóng gió, khó khăn, khó khăn ta thường chán nản thất vọng, chán nản vì ta không thấy Chúa, nhưng Chúa vẫn đang đi sau ta, đi bên ta, đồng hành với ta vì mắt ta bị ngăn cản bởi sự yếu tin, lòng u tối. Khi ta gây bất hoà trong gia đình; mất lòng với khu xóm; chia rẽ trong cộng đoàn, giáo xứ, rời bỏ Giáo Hội, là ta đã bỏ đức tin, bỏ Chúa. Nếu khi đau yếu thể xác chúng ta biết tìm đến bác sĩ để được tư vấn, khám và chữa trị. Vậy tại sao khi tâm hồn và đức tin ta bị chao đảo sao ta không tìm đến Lời Chúa và Thánh Thể Chúa là linh dược để được chữa lành, nâng đỡ bổ dưỡng đức tin, chính nơi đây là điểm hẹn mà Chúa Giêsu đang chờ ta. Thánh lễ là cuộc gặp gỡ sinh động của Thiên Chúa với con người.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa đang quy tụ chúng con đến bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, để cảm nếm hồng ân là sự hiện diện của Ngài, để được huấn luyện trong trường học của Ngài và để không ngừng sống cách ý thức hơn mối hiệp nhất với Ngài trong đường đức tin. Amen.

 

60.Suy Niệm của JNK.

Câu hỏi gợi ý:

1. Có bao giờ bạn nghĩ: rất có thể mình cũng sẽ gặp trường hợp tương tự như hai môn đệ làng E-mau: một người nào đó nói chuyện với mình, yêu cầu mình giúp đỡ, lại chính là Đức Giêsu không? Có thể rút ra bài học gì từ bài Tin Mừng hôm nay về sự đồng hóa giữa Đức Giêsu và tha nhân (tha nhân là Đức Giêsu, Đức Giêsu là tha nhân của ta)?

2. Có người chủ trương: yêu người chính là yêu Thiên Chúa. Chủ trương ấy có nền tảng trong Kinh Thánh không? Hãy trưng dẫn một vài câu tiêu biểu.

Suy tư gợi ý:

1. Hai tông đồ ở E-mau không nhận ra Đức Giêsu nơi người bộ hành cùng đi với mình

Một điều khá kỳ thú trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là các tông đồ đã sống với Đức Giêsu suốt ba năm, đã từng nghe Ngài nói, giảng dạy, thế mà nay, khi Ngài sống lại, cùng đi với các ông, giảng dạy cho các ông, các ông lại không nhận ra Ngài. Có lẽ Ngài đã mang một bộ mặt xa lạ, đã đội lốt một người bộ hành như bao bộ hành khác. Điều các ông không ngờ được là người mà các ông tưởng là một bộ hành xa lạ ấy lại chính là Đức Giêsu, Thầy mình. Các ông chỉ nhận ra Ngài khi Ngài đồng bàn với họ, chính xác là khi Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Nghĩa là khi các ông thấy có sự giống nhau giữa người bộ hành này với Thầy mình. Rất may là các ông đã đối xử với người bộ hành ấy rất tốt: chăm chú nghe người ấy nói, mời ở lại dùng bữa… Nếu không thì thật đáng tiếc.

2. Coi chừng kẻo chính chúng ta cũng không nhận ra Đức Giêsu nơi những người chung quanh ta

Điều kỳ thú đó cũng xảy ra một cách tương tự biết bao lần trong đời sống chúng ta. Chúng ta sống với những người chung quanh mình, mà không bao giờ hoặc rất ít khi ta nhận ra Thiên Chúa hay Đức Giêsu ở nơi họ. Dường như đối với ta, Thiên Chúa hay Đức Giêsu là người ở đâu đâu, ở trên trời, ở trong nhà tạm của nhà thờ, hoặc ở khắp nơi một cách thiêng liêng. Ngài có vẻ là một thực tại rất trừu tượng, nếu có cụ thể thì chỉ là những ảnh vẽ, những bức tượng bất động, vô hồn. Và tình yêu của chúng ta đối với Ngài cũng rất trừu tượng, rất bí tích, chỉ được thể hiện bằng sự hướng thiện, bằng việc năng cầu nguyện, năng tham dự và lãnh nhận các bí tích.

Nhưng bài Tin Mừng hôm nay nhắc lại cho chúng ta một chân lý hết sức quan trọng. Thiên Chúa hay Đức Giêsu có thể chính là người bộ hành mà mình ngỡ là rất xa lạ. Nghĩa là Ngài có thể mặc lấy những bộ mặt khác nhau, hình dáng khác nhau, với những tính tình khác nhau, tư cách điệu bộ khác nhau nơi những người ta gặp trên đời, nơi những người sống chung quanh ta. Và tình yêu của chúng ta - nếu có - đối với Ngài thì phải được thể hiện cụ thể nơi những con người cụ thể ấy, chứ không phải một cách trừu tượng. Có thể nói: muốn yêu Đức Giêsu, thì cách tốt nhất, cụ thể nhất và chắc chắn nhất là yêu những người chung quanh ta, và bất kỳ người nào ta gặp trong cuộc đời. Và cũng có thể nói một cách chắc chắn: nếu ta không yêu những người ấy, thì ta không thật sự yêu Đức Giêsu hay yêu Thiên Chúa. Nếu ta tưởng rằng mình yêu Thiên Chúa, yêu Đức Giêsu bằng cách này hay cách khác, nhưng ta không hề yêu Ngài nơi những con người cụ thể chung quanh ta, thì tình yêu ấy chắc chắn chỉ là một ảo tưởng. Rất có thể ta đang yêu chính bản thân mình một cách ích kỷ, nhưng sự ích kỷ ấy lại mặc lấy một hình thức khôn khéo là yêu Thiên Chúa hay Đức Giêsu một cách trừu tượng.

3. Đức Giêsu đồng hóa chính Ngài với tha nhân của ta

Có thể nói những người chung quanh ta là những Đức Giêsu rất sống động, rất cụ thể. Hay nói một cách khác, trong một mức độ nào đó, họ chính là hiện thân của Thiên Chúa hay Đức Giêsu. Chân lý này có một nền tảng rất vững chắc trong Kinh Thánh.

a. Tha nhân là hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,26.27; 9,6): Chúng ta không thể yêu Thiên Chúa hay Đức Giêsu mà không yêu hình ảnh hay hiện thân của Ngài. Khi hai người yêu thương nhau, họ rất quí hình ảnh của nhau, và hình ảnh đó là một biểu trưng có tính đại diện cho chính người trong ảnh. Coi thường hay xúc phạm đến hình ảnh của một người luôn luôn được coi là xúc phạm đến chính con người ấy. Hai môn đệ làng E-mau nhận ra người bộ hành là Đức Giêsu khi người ấy bẻ bánh giống như Đức Giêsu. Con người được tạo dựng "giống như" Thiên Chúa (St 1,26; 5,1), điều ấy có làm ta nhận ra Ngài nơi họ không?

b. Tha nhân là con cái Thiên Chúa (x. Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,14.16.21; Gl 3,26; 1Ga 3,1.2.10;): Tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa, đều gọi Thiên Chúa là Cha, và cùng là anh em với nhau. Con cái một cách nào đó là hiện thân của cha mẹ. Kinh nghiệm đời sống cho ta thấy: ai yêu cha mẹ tất nhiên cũng yêu thương anh chị em mình. Và ai không yêu thương anh chị em mình, chắc chắn tình yêu đối với cha mẹ cũng rất nhạt nhẽo hoặc giả tạo.

c. Từ những căn bản trên, Đức Giêsu đồng hóa chính Ngài với tha nhân của ta (x. Mt 10.40; 18,5; 25,40.45; Lc 10,16): Ta làm gì cho tha nhân của ta, trước tiên là những người gần gũi ta nhất, rồi đến những người sống chung quanh ta, những người ta thường gặp, và tất cả mọi người, chính là làm cho Ngài. Ta yêu họ chính là ta yêu Ngài, ta ghét họ chính là ta ghét Ngài, hy sinh cho họ là hy sinh cho Ngài, làm hại họ là làm hại chính Ngài.

4. Yêu tha nhân là yêu Thiên Chúa, và là chu toàn luật Chúa

Trong Cựu Ước, khi trình độ con người còn thấp, có sự phân biệt rõ rệt giữa Thiên Chúa và tha nhân. Vì thế, có hai điều răn quan trọng nhất là: "Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em" (Đnl 6,5) và "hãy yêu người khác như chính mình" (Lv 19,18). Đức Giêsu đã nhắc lại hai điều răn ấy như hai điều luật căn bản của Lề Luật cũ. Nhưng qua thời Tân Ước, khi trình độ của con người cao hơn, hai điều răn ấy được tóm lại thành một: hễ yêu Chúa tất nhiên phải yêu tha nhân, và hễ yêu tha nhân thật tình tất nhiên là đã yêu Chúa rồi. Thánh Gio-an viết: "Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (1Ga 4,20). Vì thế, thánh Phao-lô viết: "Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật" (Rm 13,8.10), "Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Ki-tô" (Gl 6,2). Thánh Gia-cô-bê cũng nói: "Anh em làm điều tốt nếu anh em chu toàn luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (Gc 2,8).

Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta chân lý quan trọng này: tha nhân chính là hình ảnh, hay một cách nào đó, là hiện thân của Thiên Chúa hay Đức Giêsu. Vì thế, chúng ta hãy tập nhìn họ là "Em-ma-nu-el" (Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta). Thiên Chúa hay Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta, ở với chúng ta qua những người chung quanh ta.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, bài Tin Mừng hôm nay thật là tuyệt vời, nó cho con thấy và nhắc lại cho con một chân lý kỳ diệu: Những người gần gũi với con, sống chung quanh con một cách nào đó là hiện thân của Cha, của Đức Giêsu. Vì thế, yêu Cha, yêu Đức Giêsu tất nhiên phải yêu những người ấy. Và chỉ khi con yêu họ, con mới chứng tỏ được rằng con thật sự yêu Cha và yêu Đức Giêsu. Xin giúp con yêu họ thật sự bằng hành động cụ thể.

 

61.Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ Emmau

(Suy niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long)

1.- Ngữ cảnh

Sau khi các phụ nữ đã mang sứ điệp Phục Sinh đến cho cộng đoàn (23,55–24,12), tác giả Luca mô tả hai cuộc hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh: Đức Giêsu cùng đi đường với hai môn đệ Emmau (24,13-35) và hiện ra giữa cộng đoàn (24,36-53).

Riêng cho truyện Emmau, chúng ta không có đoạn văn Nhất Lãm song song nào cả. Bản văn có ngữ cảnh sau: Sau khi các phụ nữ đã viếng (cả Phêrô: 24,12) ngôi mộ mở và trống của Đức Giêsu (24,2t), ta biết rằng Đức Giêsu đã sống lại và đang sống, nên không thể gặp Người giữa kẻ chết. Nhưng ta không biết là có thể gặp Người ở đâu và gặp Người cách nào. Chính Đức Giêsu đã lấy sáng kiến và hiện ra trong những hoàn cảnh khác nhau.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành bốn phần:

1) Hai môn đệ đi về Emmau (24,13-14);

2) Đồng hành và đối thoại với Đức Giêsu (24,15-27);

3) Nhận ra Đức Giêsu khi Người bẻ bánh (24,28-32);

4) Trở lại Giêrusalem (24,33-35).

3.- Vài điểm chú giải

- Emmau (13): Bản văn cho biết Emmau cách Giêrusalem 60 dặm (stadious), tức 11,5 cây số (mộtdặm = 192m). Đến nay người ta vẫn chưa xác định được chắc chắn đây là làng nào: là làng Amwas = Nicôpôli (176 dặm = 32,5cs; 1 Mcb 3,40.57: Ammaous), hay là làng Kulonje (30 dặm = 5,5 cs; Phơlaviô Gioxép, Chiến tranh Do Thái VII 6,6 § 217: Ammaous), hoặc là làng Kubêbe (64 dặm = 12cs; vào thời các thập tự quân: Castellum Emmaus)?

- (Và) xảy ra là đang lúc (15): Trong chương 24, có bốn lần tác giả Luca dùng cụm từ “kai egeneto en tô…”, mà Bản dịch CGKPV không dịch, còn cha Thuấn thì dịch là “đang khi…”, “xảy ra là đang lúc…”, “và xảy ra là khi…”, “và xảy ra là đang khi…”. Tác giả dùng công thức này để dẫn vào những sự cố đặc biệt: hai chứng nhân xuất hiện (c. 4), Đức Giêsu đến cùng đi với hai môn đệ (c. 15), Đức Giêsu tỏ ra như là người chủ tọa bữa ăn (c. 30), và Đức Giêsu được đưa lên trời (c. 51).

- trò chuyện và bàn tán (15): Homilein, “trò chuyện”; syzêtein, “tìm với nhau, tranh luận, tranh cãi; bàn tán”; động từ syzêtein lại được dùng trong Cv 15,7.10, là nơi nhắc đến những tranh cãi kịch liệt trong Hội Thánh tiên khởi về vấn đề cắt bì. Như thế, câu chuyện tỏ ra sôi nổi và dường như các ông không hoàn toàn đồng ý với nhau.

- vẻ mặt buồn rầu (c. 17): Skythrôpos do skythros, “buồn rầu” và ôps, “gương mặt”.

- chẳng hiểu gì (25): Anoêtos có nghĩa là “thiếu khả năng suy nghĩ; không có đầu óc; kém thông minh; ngu xuẩn” (x. Gl 3,1: ô anoêtoi Galatai, “hỡi những người Galát ngu xuẩn”). Sau này, ở 24,45, tác giả cho biết Đức Giêsu “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”.

- lòng trí thật là chậm tin (25): dịch sát là “chậm (bradeis) về trái tim để tin”. “Trái tim” (kardia), trung tâm của ý chí, trí tuệ và tình cảm của con người (x. 24,25.32.38). Động từ pisteuein, “tin” (Mt 11x, Mc 14x, Lc 9x, Ga 98x) chỉ được Lc dùng ở đây (danh từ pistis, “đức tin”: Mt 8x, Mc 5x, Lc 11x, Ga 0x). Trong Lc, động từ này luôn quy về lời nói, ở đây là lời các ngôn sứ. “Tin” có nghĩa là cương quyết chấp nhận giá trị của lời nói.

- Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình (26): “Phải” đây là động từ dei ở thì vị hoàn (edei): động từ nay diễn tả mộtđiều cần thiết thuộc về kế hoạch của Thiên Chúa. Xem 9,22; 17,25; 22,37; 24,7.44.

- trong tất cả Sách Thánh, bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ (27): “Ông Môsê” là Bộ Ngũ Thư; “các ngôn sứ” là các sách sử và các sách ngôn sứ; “tất cả Sách Thánh” là những sách còn lại của Cựu Ước. Xem cách chia Kinh Thánh Do Thái thành ba phần ở 24,44.

- giải thích (27): Diermêneuein có nghĩa là “giải nghĩa, giải thích, chú giải”. Động từ này chỉ được Lc dùng ở đây; ở Cv 9,36, động từ này có nghĩa là “dịch”, và ở 1 Cr 14, 5.13.27, có nghĩa là “giải thích điều được nói bằng các tiếng lạ; giúp hiểu điều người ta không tự mình hiểu được; đưa đến chỗ hiểu biết”. Những công thức có nghĩa tương tự là: “giải thích (dianoigô tas graphas, “mở trọn vẹn, mở toang Kinh Thánh”) Kinh Thánh cho chúng ta” (24,32) và “Người mở trí (dianoigô ton noun, “mở rộng trí”) cho các ông hiểu Kinh Thánh” (24,45).

- Mắt họ liền mở ra (31): Dịch sát là “mắt họ đã được mở ra” (diênoichthêsan, aor. pass. của động từ dianoigô, “mở trọn vẹn”). Đây là thái bị động thay tên Thiên Chúa.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Hai môn đệ đi về Emmau (13-14)

Bản văn mở ra với “hai người trong nhóm môn đệ” đang bước đi và trò chuyện. Sau đó, ta được biết mộtngười tên là Cơlêôpát (c. 18). Họ không thuộc về Nhóm Mười Một, nhưng thuộc về nhóm những người khác đang cùng ở với Nhóm Mười Một (x. 24,11). Qua lời họ kể (24,22-24), họ chứng tỏ họ biết tất cả những gì đã được kể ở 24,1-12; họ biết những gì cộng đoàn biết và sẽ góp phần làm cho sự hiểu biết này gia tăng thêm.

Về thời gian, đây “cũng ngày hôm ấy”, tức ngày thứ nhất trong tuần (24,1). Họ cho biết là họ chỉ ra đi khi đã kiểm chứng tất cả các sự cố của 24,1-12. Bây giờ họ đang tiến về mộtlàng tên là Emmau, cách Giêrusalem khoảng mười mộtcây số.

Trong khi đi đường, họ trò chuyện sôi nổi với nhau. Đối tượng của cuộc bàn tán được mô tả tổng quát: “tất cả những sự việc mới xảy ra” (c. 14; x. c. 18) và ta hiểu nhờ những phần tường thuật trước đó của tác giả Tin Mừng.

* Đồng hành và đối thoại vớiĐức Giêsu (15-27)

Hai môn đệ cùng đi với nhau, họ chia sẻ các tâm tình với nhau, nhưng dường họ cũng không đồng quan điểm với nhau; có chuyện gì đó đã xảy ra khiến họ bị chao đảo và họ vẫn chưa có thể đồng ý với nhau về chuyện ấy hoặc tìm lại được bình an. Đức Giêsu tiến đến cùng đi với họ, rồi hỏi họ (cc. 15-19a). Họ kể lại các sự cố đã xảy ra cho Đức Giêsu theo quan điểm của họ (cc. 19b-24). Sau đó, Đức Giêsu đã trình bày cho thấy là tất cả những gì đã xảy ra đều phù hợp với Kinh Thánh (cc. 25-27).

Sau khi Đức Giêsu đã trở thành bạn đồng hành của họ, dù họ vẫn không biết Người là ai (cc. 15-16), hai bên đã trao đổi ba câu hỏi (cc. 17-19a), đưa đến chỗ họ kể chuyện rõ ràng hơn. Tác giả nhắc lại rằng con người đến gần hai môn đệ và bắt đầu bước đi với họ đúng là Đức Giêsu. Chính tác giả đã kể lại rằng hành vi cuối cùng Đức Giêsu đã làm sau khi kêu lên với Chúa Cha (23,46) là “tắt thở”. Bây giờ các hành động mới của Người là: đến gần, cùng đi, hỏi, cho thấy rằng Người thật sự đang sống (x. 24,5) và quan tâm trước tiên đến các môn đệ Người. Rõ ràng Đức Giêsu đến như mộtngười lữ khách bình thường, nhưng hai người môn đệ không nhận ra Người. Kế đó, Lc đưa vào ba câu hỏi (24,17.18.19). Câu thứ nhất là của Đức Giêsu, Người tham gia vào cuộc thảo luận của họ (c. 17).

Phản ứng đầu tiên của họ là dừng lại. Cho tới nay, chỉ toàn là chuyển động: đi đến (c. 13), cùng đi (c. 15), đi (c. 17). Việc dừng lại dường như là do sự ngạc nhiên được diễn tả trong câu hỏi tiếp sau (c. 18). Tác giả cho biết “vẻ mặt họ buồn rầu”. Phản ứng thứ hai là câu hỏi của mộtông tên là Cơlêôpát (Kleopas là dạng tắt của Kleopatros). Ông này cho biết là trong những ngày này, người ta chỉ có thể nói về một chuyện duy nhất, nên mộtngười lạ cũng phải biết; thế mà người bạn đồng hành này lại không biết! Tâm trí của Cơlêôpát còn đầy các biến cố vừa xảy ra. Đức Giêsu trả lời bằng một câu hỏi thứ hai, rất ngắn: “Poia? (Những chuyện gì vậy?)”. Là nhân vật chính trong các biến cố ấy, Người lại tỏ ra như không biết. Người chứng tỏ sẵn sàng lắng nghe và đã tạo cơ hội cho họ diễn tả các tư tưởng và các mối bận tâm.

Họ bắt đầu kể. Có thể nói phần tường thuật của họ là một bản tổng hợp hành trình của Đức Giêsu và của TM Lc. Phần tường thuật có chủ đề “Chuyện ông Giêsu Nadarét”, với mở đầu cô đọng nhưng càng lúc càng rõ hơn. Hoạt động công khai của Người (x. Lc 4–21) được tổng hợp trong câu nhận định: “Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân” (c. 19; x. Lc 7,16). Dân chúng đã nhận biết Người là mộtngôn sứ vĩ đại. Về cuộc Thương Khó của Người, hai ông nhắc đến các vị có trách nhiệm: “các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta” và diễn tả biến cố này bằng hai từ, “nộp” và “đóng đinh” (x. 24,7). Đến đây, họ ngưng phần kể truyện mà đưa vào mộtlời bình diễn tả nỗi thất vọng của họ: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en” (c. 21). Họ đã nghĩ đến mộtcuộc giải phóng dân tộc Do Thái mang tính chính trị. Ở c. 47, Đức Giêsu sẽ cho hiểu đây là cuộc giải phóng muôn dân khỏi tội lỗi.

Và cứ thế, họ đi đến giờ phút hiện tại: các sự việc xảy ra đã sang ngày thứ ba rồi (c. 21). Phải chăng họ đang gợi tới các lời tiên báo về Phục Sinh vào ngày thứ ba (9,22; 18,33; 24,7.46) và muốn ám chỉ rằng các lời ấy đã không thành sự? Phải chăng họ đang quy chiếu về niềm tin dân gian Do Thái cho rằng linh hồn vẫn ở gần thân xác cho đến ngày thứ ba, rồi mới vĩnh viễn tách ra? Dù thế nào, nhận xét ấy vẫn cho thấy nỗi thất vọng của họ.

Họ lại kể lại câu truyện và lần này kể rộng rãi hơn: đoạn 24,22-23 tương ứng với 24,2-11, còn đoạn 24,12 tương ứng với 24,24. Họ kể chi tiết kinh nghiệm của các phụ nữ: các bà này đến mộ từ sáng sớm, không thấy thi hài Đức Giêsu đâu cả, nhưng lại nói là đã thấy các thiên sứ hiện ra bảo rằng Người vẫn sống (x. 24,5t). Quả thật, các phụ nữ trở về, kể truyện, đã làm cho cộng đoàn sửng sốt. Họ kể lại sứ điệp của các phụ nữ (c. 24); rồi cũng cho biết có “mấy người trong nhóm chúng tôi” đã đến và thấy mộ trống, nghĩa là “thấy sự việc y như các bà ấy nói”. Để kết luận, họ nêu mộtnhận định cho đến nay chưa nói ra: “còn chính Người thì họ không thấy”. Trong khi họ nói ra điều này, họ nhìn Đức Giêsu mà không nhận ra Người (x. c. 16). Rồi họ sẽ là những người đầu tiên thấy Người (c. 31). Trong cuộc hiện ra với các môn đệ, chính Đức Giêsu cũng nhấn mạnh trên việc thấy: ở 24,39, hai lần động từ idete, “hãy nhìn xem”, được dùng (Có thể dịch lại 24,39 như sau: “Hãy nhìn xem (idete) tay chân Thầy đi, vì chính Thầy đây mà! Hãy rờ Thầy và nhìn xem (idete) đi, vì ma đâu có thịt có xương như anh em thấy (theôreite) Thầy có đây?”).

Kế đó, tác giả ghi lại giọng văn trực tiếp của Đức Giêsu, trước hết là một tiếng than và một câu hỏi mang tính hùng biện (cc. 25-26), rồi cách thức Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh cho hai ông (c. 27). Trong khi các ông đã tóm các biến cố, Đức Giêsu lại cho thấy liên hệ của các biến cố ấy với Kinh Thánh, là nơi tỏ bày ý muốn của Thiên Chúa.

Trong tiếng than, Đức Giêsu đã đánh giá hai ông là “chẳng hiểu gì và lòng trí thật là chậm tin”; đây là một lời trách: trí tuệ và trái tim của các ông không sao tin được tất cả những gì các ngôn sứ đã nói. Trong câu hỏi mang tính hùng biện, Đức Giêsu nhấn mạnh trên sự kiện là, thể theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa, nhất thiết Đức Kitô phải (dei) đi qua cuộc Thương Khó để vào vinh quang. Họ nói về Đức Giêsu như là vị ngôn sứ lớn (c. 19), Đức Giêsu lại nói về Đấng Kitô (cả 24,46): quả thật, trong cuộc xử cũng như khi chế giễu Đức Giêsu, người ta tập trung vào “Đấng Kitô” (22,67; 23,2; 23,35.39). Trong câu “chịu khổ hình, rồi mới vào trong vinh quang của Người”, cụm từ thứ hai đã thay thế động từ “trỗi dậy” trong những đoạn tương tự (x. 9,22;24,7.46): như thế, “trỗi dậy”, hay “sống lại”, có nghĩa là “đi vào trong vinh quang”, tức là đi vào sự hiện diện trực tiếp của Thiên Chúa và thông phần vào vinh quang của Người.

Sau đó, Đức Giêsu rảo qua toàn bộ Cựu Ước để giải thích cho hai môn đệ những điều liên quan đến Người: trong tư cách là “nhà chú giải” (diermêneuein, “giải thích, chú giải”), Đức Giêsu cho hai ông thấy Kinh Thánh đã nói về Người ở đâu và nói như thế nào. Câu 24,27 và 24,44 có cùng nội dung là “những gì liên quan đến Đức Giêsu”, nhưng câu đầu thì Đức Giêsu nói mà chưa được nhận ra, còn câu sau thì Người nói sau khi đã được nhận biết.

* Nhận ra Đức Giêsu khi Người bẻ bánh(28-32)

Trong phần đầu, hai môn đệ tha thiết thuyết phục Đức Giêsu ở lại với họ (24,28-29). Trong phần giữa, Đức Giêsu bẻ bánh, được nhận biết và biến mất (24,30-31). Cuối cùng là lời bình luận của hai môn đệ (24,32).

Ba người đã đến gần mục tiêu hai môn đệ nhắm tới (x. 24,13). Đức Giêsu làm bộ (“làm ra vẻ, giả bộ”) muốn đi tiếp, nghĩa là Người tiếp tục tỏ ra như là người bạn đồng hành ngẫu nhiên. Họ tha thiết xin (“ra sức, ép buộc”) Người ở lại với họ và Người đã thuận theo lời họ xin. Họ viện lý do là trời đã xế chiều, nhưng sự khẩn khoản của họ chứng tỏ họ hết sức quý trọng người bạn đồng hành này. Những chi tiết được lặp đi lặp lại trong cc. 29 và 30 cho thấy có nguyện vọng được ở lại với nhau (“Mời ông ở lại với chúng tôi”: 24,29; “Người vào và ở lại với họ”: 24,29; “Khi đồng bàn với họ”: 24,30). Sự hiệp thông giữa ba người trở thành mộtsự hiệp thông trong bàn ăn (c. 30).

Trong bữa ăn, Đức Giêsu đã xử sự như người chủ tọa; Người đã làm bốn hành động: Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho. Ta không thể không thấy Người xử sự y như trong Bữa Tối cuối cùng (Lc 22,19-20. So sánh 22,19 // 24,30), tuy ở đấy Đức Giêsu có nói mộtsố lời và cho phân phát mộtchén rượu. Ta cũng thấy Người xử sự như thế khi nhân bánh và cá ra nhiều (9,12-17), chỉ có điều là ở đấy, sau khi cầm lấy, Người lại ngườc mắt lên trời (9,16). Các môn đệ đã nhận ra Người. Khó có thể cho rằng các ông đã nhận ra Người vì nhớ lại Bữa Tiệc cuối cùng, bởi vì các ông không có mặt ở đấy. Hợp lý hơn, có thể nói là vì các ông đã có mặt khi Đức Giêsu nhân bánh ra nhiều hoặc đã thường thấy Đức Giêsu làm cử chỉ này. Còn mộtcâu hỏi khác: Phải chăng Đức Giêsu đã ban Mình Người cho hai môn đệ Emmau? Người ta thường trả lời là “không”, với các lý do: cử chỉ Đức Giêsu làm là mở đầu thông thường cho mộtbữa ăn Do Thái; Lc không ghi lại mộtlời giải thích nào của Đức Giêsu; thiếu việc trao mộtchén rượu; hai môn đệ này không có mặt trong Bữa Tiệc cuối cùng, vì chỉ dành cho các tông đồ (22,14). Tuy nhiên, ta cũng không thể phủ nhận là có tương quan chặt chẽ giữa 24,30 và 22,19. Thế rồi, hai môn đệ ấy đã nói đến “việc bẻ bánh” của Đức Giêsu (24,35). Cụm từ ấy chỉ xuất hiện ở đây và ở Cv 2,42. Vậy không thể chứng minh được là Đức Giêsu đã ban Mình Người cho hai ông, nhưng 22,30.35 là những câu nhắc các độc giả Lc nhớ tới Bữa Tối cuối cùng và những buổi cử hành Thánh Thể của họ. Và hẳn là khi nghe hai ông kể lại kinh nghiệm vừa trải qua, Nhóm Mười Một cũng nhớ lại Bữa Tối cuối cùng, trong đó quả thật Đức Giêsu đã ban Mình Người cho các ông (22,14.19). Như thế, Bữa Tối cuối cùng, với tất cả ý nghĩa của nó, lại trở nên sống động trong tâm khảm của cộng đoàn.

Kết quả mà hành vi của Đức Giêsu tạo ra là tương quan của hai môn đệ với Người được đảo ngược: Trước kia, ở 24,16, mắt của các ông còn bị ngăn cản, nay ở 24,31, mắt các ông đã mở ra để nhận biết Người, nhưng thật ra là Thiên Chúa mở mắt cho các ông (thái bị động thay tên Thiên Chúa). Người ta không thể nhìn thấy và nhận ra được Đức Giêsu Phục Sinh bằng cặp mắt nhân loại; nhận ra Đức Giêsu hiện diện và chân tính của Người là mộtơn Thiên Chúa ban. Hai ông đã hưởng nhờ ân huệ lớn lao từ cách xử sự của Đức Giêsu. Các ông đã kết thúc truyện kể ngược lại quá khứ với mộtnhận định buồn rầu: “còn chính Người thì họ không thấy” (24,24). Bây giờ họ là những người đầu tiên của cộng đoàn (nhưng x. 24,34) được ban cho ơn thấy Đức Giêsu Phục Sinh và đang sống. Và khi đã nhận biết Đức Giêsu đang sống, họ mới có thể nhận ra là Đức Giêsu đã làm gì cho họ, khi đi bên họ, giải thích Kinh Thánh và trao bánh cho họ. Nhưng cũng ngay khi đó, Đức Giêsu biến mất. Họ phải học biết rằng nay đã chấm dứt hình thái hiện diện của Người theo kiểu loài người và trần thế, mà họ đã quen.

Trong lời bình luận (24,32), hai ông đã nêu bật kinh nghiệm vừa trải qua với Đức Giêsu, khi Người giải thích Sách Thánh cho họ (24,25-27). Họ ghi nhận mộtsự thay đổi trong tim, vì bây giờ con tim họ bắt đầu nóng cháy lên.

* Trở lại Giêrusalem (33-35)

Trong phần kết luận này, tác giả kể lại chuyến quay trở lại Giêrusalem của hai môn đệ (24,33), tại đó họ được loan tin là Chúa đã sống lại và đã hiện ra với Simôn (24,34). Rồi các ông cũng nói đến kinh nghiệm trải qua với Đức Giêsu Phục Sinh (24,35).

Vì giờ đã muộn, hai môn đệ đã xin người bạn đồng hành ở lại. Nay chính họ lại lên đường quay trở lại Giêrusalem. Chuyến đi được kể chi tiết (24,13-27), còn chuyến về chỉ được nêu lên bằng sự kiện. Hai môn đệ hết sức ao ước được thông tin cho cộng đoàn, cho Nhóm Mười Một và những người khác đang cùng ở với các ông (x. 24,9), nhưng trước khi có thể nói ra, các ông đã nhận được một lời loan báo với hai thông tin: (1) “Chúa trỗi dậy thật rồi” (x. 24,6) (2) “và đã hiện ra với ông Simôn” (x. 1 Cr 15,5). Hành vi cuối cùng của Chúa (kyrios) mà Lc ghi lại là ở 22,51: “Chúa quay lại nhìn ông Phêrô; ông Phêrô sực nhớ lời Chúa đã nói với mình”. Sự thông cảm đầy yêu thương của Chúa đối với người tông đồ đầu tiên đã chịu thua sự yếu đuối, đã bắt đầu lại ngay sau khi ông chối Người (22,54-62) và được hoàn tất với cuộc hiện ra của Đức Chúa Phục Sinh (x. cả 5,8-l1; 22,31-32). Phêrô là chứng nhân đầu tiên thông tin cho cộng đoàn biết Đức Chúa đã sống lại và đang sống. Hai môn đệ Emmau có thể xác nhận. Hai ông có thể làm chứng về kinh nghiệm hai điểm của mình: (a) về những gì đã xảy ra cho họ trên đường (24,15-27); (b) về những gì họ đã trải nghiệm tại bàn ăn (24,28-32).

Sau khi hai môn đệ đã tường thuật, cộng đoàn có ba chứng từ về cuộc sống lại và về cuộc sống của Đức Giêsu.

+ Kết luận

Trong thời gian hoạt động công khai, Đức Giêsu không sao đưa các môn đệ đến chỗ hiểu Kinh Thánh được (18,31-34). Chỉ trong tư cách là Đấng Phục Sinh, Người mới mở được ý nghĩa của Kinh Thánh ra cho họ (x. 24,32.45). Như thế, người ta chỉ có thể hiểu Kinh Thánh khởi đi từ cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu. Chìa khóa giúp giải thích những gì Kinh Thánh nói về hành trình của Đức Giêsu chính là cuộc Phục Sinh của Người; Đấng giải thích là Đức Giêsu Phục Sinh.

Trong khi Đức Giêsu Phục Sinh giải thích Kinh Thánh, lòng các môn đệ đã nóng cháy (24,32), nhưng chỉ sau khi Người bẻ bánh, mắt họ mới mở ra (24,31). Hai hành vi này không đưa vào những yếu tố mới, nhưng nhắc lại những gì đã được ban cho các môn đệ, và bây giờ lại được ký thác cho họ theo cách mới. Từ nay, Đức Giêsu không ở trong những hoàn cảnh sống trần thế nữa. Do đó, họ phải đọc Kinh Thánh từ quan điểm của Đức Giêsu Phục Sinh. Khi đón nhận Mình và Máu Người, họ phải nhận ra tình yêu vô biên của Đức Giêsu đối với các môn đệ Người.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Qua những chia sẻ cho Đức Giêsu, hai môn đệ nói về “chúng tôi” bằng nhiều cách (“mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi”, “mấy người trong nhóm chúng tôi”): họ chứng tỏ là họ rất gắn bó với cộng đoàn. Cộng đoàn xuất hiện ra trong bài Tin Mừng này như là mộtđiểm quy chiếu vững chắc và như là nơi quy tụ tất cả các chứng từ và kinh nghiệm. Các thành viên của cộng đoàn chưa được tiếp xúc trực tiếp với Đức Chúa Phục Sinh, nhưng cộng đoàn là nơi chuẩn bị cho họ nhận biết chính Đấng Phục Sinh khi Người hiện ra giữa họ (24,36-53).

2. Lộ trình của hai môn đệ là “đi từ Giêrusalem về Giêrusalem”, hay “Giêrusalem-Emmau: chuyến đi khứ hồi”. Khi họ đi về Giêrusalem, họ đã rời bỏ cộng đoàn, Đức Giêsu đi bên họ mà họ không nhận ra Người. Khi họ quay trở lại Giêrusalem, họ muốn được liên kết trở lại với cộng đoàn, Đức Giêsu không còn đi với họ nữa, nhưng trái tim của họ chan hòa kinh nghiệm đã trải qua. Đã có mộttiến trình đào sâu trong đó Đức Giêsu nổi bật hoặc như là đối tượng hoặc như là chủ thể. Kết quả là từng cá nhân và cộng đoàn đạt được mộtsự hiểu biết ngày càng sâu hơn về hành trình của Đức Giêsu và mộtsự nhận biết ngày càng chắc chắn hơn về sự Phục Sinh của Người.

3. Đọc truyện này, tôi cũng nhận ra được bố cục của mộtcuộc cử hành Thánh Thể: phần thứ nhất là Phụng vụ Lời Chúa: lắng nghe Lời Chúa và tìm hiểu ý nghĩa (Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh), phần thứ hai là Phụng vụ Thánh Thể (Đức Giêsu bẻ bánh). Chính Thánh lễ cũng sẽ đưa người tín hữu đến chỗ gắn bó với cộng đoàn hơn, làm chứng cho nhau để củng cố niềm tin, rồi lên đường tiếp tục chứng từ ấy giữa muôn dân.

4. Đức Giêsu đã làm mộtsố hành vi: đến gần, cùng đi, hỏi, giải thích Kinh Thánh, bẻ bánh, mở mắt cho hai môn đệ, biến mất. Ba hành vi đầu có thể tóm lại bằng công thức “đi tìm con chiên lạc”. Hai môn đệ giống như con chiên trong bài dụ ngôn, đã bỏ đàn, và Đức Giêsu như người mục tử đi tìm con chiên lạc để đưa nó về đàn (x. 15,4-7). Trước khi tỏ mình ra cho toàn thể cộng đoàn (24,36-53), Đức Giêsu đã tìm lại được hai kẻ đã bỏ đi. Như thế, Đức Giêsu Phục Sinh cũng vẫn quan tâm đến những gì đã mất (đối với Phêrô cũng vậy: 22,61; 24,34).

5. Kinh Thánh như là Lời Thiên Chúa nói với dân Ngài là thẩm quyền cao nhất cho họ và là điểm quy chiếu mà mọi người đều biết. Khi cho thấy Sách Thánh nói về Người và về những biến cố chính của hành trình đời Người, Đức Giêsu giúp ta thấy rằng các biến cố ấy không phải là những biến cố xa lạ và phi lý, nhưng thuộc về tương quan và lịch sử của Thiên Chúa với dân Ngài. Khi đó ta mới vượt qua được chướng kỳ là Đức Kitô bị nộp và bị đóng đinh (23,35-39; 24,20-21).

5. Lời của hai môn đệ đúng là kêrygma: cho dù ở dạng không mấy minh nhiên (như ontôs êgerthê ho kyrios, “Chúa sống lại thật rồi”, Lc 24,34), kêrygma này có các yếu tố căn bản: ba ngày, các phụ nữ tại mộ, các thiên sứ, tin nói rằng Đức Giêsu vẫn sống. Nhưng ở đây kêrygma được kể ra như là mộtđiều không hiểu được, mộtđiều hẳn là không thể nào đã xảy ra và lại là mộtbi kịch cho tất cả những ai đã đặt tin tưởng vào Người. Các lời thì có đó, nhưng con tim thì không; phải nói là con tim chỉ đầy phiền muộn, thất vọng, khiến cho người nói cảm thấy cay đắng, và do đó không thuyết phục được người nghe. Cần phải nghe câu trả lời của Đức Giêsu, mộtcâu trả lời diễn tả kêrygma đích thật. Đức Giêsu hành động như người loan báo Tin Mừng và như vị tôn sư; Người sử dụng khả năng nhà chú giải và huấn giáo viên để cung cấp lời giải thích các môn đệ đang chờ.

 

62.Sao các bạn buồn

Cùng ngày hôm ấy hai môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc vừa mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. (Lc. 24, 13-16)

Hai môn đệ trở về Em-mau, con đường quê cũ, con đường đời thường đều đều. Nhưng hôm nay như đầy hố sâu, vắng lạnh, như kẻ đưa ma trở về, như gặp tai nạn, như cơn bệnh tái phát, lớp trẻ như thấy tương lai đen tối, như cảnh cô đơn hiu quạnh mất bạn chăn gối. “Các bạn có vẻ bi thảm, cái gì đã xảy ra vậy?”.

Đó chính là những cái chết tuyệt vọng. Người ta phải biết xây dựng lại cái đời sống chán đời và cái tương lai chôn chết đời mình để đừng sống trong những cái chết đó nữa.

Đó là điều không thể tha thứ được khi đánh mất hy vọng giải thoát như các môn đệ trên đường Em-mau: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng cứu thoát Ít-ra-en”. Chúng ta cũng nói đúng như thế khi chúng ta gặp thất bại: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng kế hoạch đó sẽ thành công, thì chúng tôi sung sướng biết mấy, nhưng nay đầy những trắc trở”. Ai đánh mất hy vọng, không còn ước muốn gì nữa, thì đã biến mình thành con vật rồi. Thật khốn khổ!

Bao nhiêu Kitô hữu trong chúng ta đang đi trên đường Em-mau như vậy? Con đường dẫn tới hố tuyệt vọng. Họ đã không bao giờ sống hy vọng được giải thoát, được cứu độ, được vinh quang. Họ đã quay lưng đi, đi trong buồn thảm như hai môn đệ.

Chính lúc này, người khách bộ hành trở nên quan trọng, ông đến đồng hành với họ, nói với họ, đàm đạo với họ và giải thích lời Chúa cho họ.

Chính lúc này cần đón nhận họ, làm cho họ thấy những dấu chỉ của lòng thương yêu, của sự chia sẻ bánh thánh cùng với cộng đoàn trong ngày Chúa nhật để ánh sáng phục sinh soi sáng cho họ qua các dấu chỉ được nghe lời Chúa và được bẻ bánh.

Được đón tiếp vào nơi bình an như vậy, đức tin và đức cậy sẽ nẩy sinh trong họ, nếu họ biết mở lòng, mở con tim, xả hết nỗi buồn sầu u ám ra, cho niềm vui phục sinh tràn vào.

 

63.Chúa Đã Sống Lại

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)

Trên đường về làng Emmau có hai kẻ song hành. Họ âm thầm bước đi bên nhau, mỗi người một suy nghĩ nhưng có cùng một mẫu số chung là tuyệt vọng. Và tuyệt vọng cũng là điều dễ hiểu vì Thầy họ, một người đầy uy quyền mà phải đầu hàng trước hội đường Do Thái, phải gục ngã trước uy quyền của thần chết.

Bởi thế, dù bước đi bên nhau mà tưởng chừng như độc hành. Cùng trên đoạn đường đi ấy, một người thứ ba xuất hiện đi cùng và đối thoại trao đổi cách thân tình. Vì thế, lòng họ ấm áp lại và rồi tâm hồn họ đã hồi sinh thực sự khi Ngài bẻ bánh trao cho họ. "Trao bánh" là ban một cử chỉ thông hiệp thân mật và là mối dây thông cảm thân tình giữa Thầy và Trò.

Thế giới hôm nay cũng không thiếu những tâm hồn cô độc tuyệt vọng. Tuyệt vọng vì mất niềm tin, vì không thấy ý nghĩa cuộc đời. Tuyệt vọng vì chiến tranh bạo lực, vì những cấu xé tranh giành giữa con người cùng chung một dòng máu. Tuyệt vọng vì nghèo đói, bị khinh bỉ, bị đặt ra ngoài lề xã hội.

Giữa những cảnh tuyệt vọng ấy, bổn phận người Kitô hữu là gì nếu không phải là đốt lên ngọn lửa yêu thương để sưởi ấm tâm hồn. Bổn phận này không đòi hỏi phải có những tổ chức rộng lớn, nhưng phương tiện tân kỳ hoặc những khả năng phi thường, nhưng chỉ cần những đối thoại trao đổi đơn sơ nhưng đầy tình Chúa và tình người cũng mang lại những giá trị của nó: "Phải chăng trong lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong khi Ngài đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?"

Một cử chỉ cầm tay và ngồi bên giường bệnh nhân hàng giờ của người nữ y tá chẳng là gì, nhưng nếu không có cử chỉ ấy thì giá trị của cuộc giải phẫu sẽ chẳng lường trước được.

Lạy Chúa, nếu cuộc sống đã làm cho con đau lòng tuyệt vọng thì xin Chúa cho con biết tìm về Lời Chúa và Mình Chúa để lấy lại sức mạnh cho tâm hồn. Vì Lời Chúa sẽ hâm nóng tâm hồn giá lạnh của con; và bàn tiệc Thánh Thể sẽ cho con được hồi sinh. Để như hai môn đệ trên đường Emmau, một khi đã được hồi sinh, con sẽ đến với người anh em để nói cho họ về niềm tin vui Phục Sinh, về tình thương của Chúa. Amen.

 

64.Chú giải mục vụ của Hugues Cousin.

CÁC MÔN ĐỆ EMMAUS (24,13-35)

Luca chỉ kể có hai lần Chúa Kitô hiện ra và nhắc một cách rất ngắn tới lần thứ ba (xc.34). Lần thứ nhất mà hai môn đệ được hưởng, hai vị này không có một vai trò nào khác trong Luca và Công vụ, lại được kể dài hơn lần thứ hai, dành cho những nhân chứng chính thức của sự Phục Sinh là nhóm Mười Một và những kẻ ở với họ. Cuối cùng đối với Phêrô, Luca chỉ nhắc đến cuộc hiện ra mà không mô tả gì…

Trình thuật các môn đệ trên đường Emmaus có mục đích chứng minh rằng, sau khi trò chuyện với Ngài trên đường đi (cc. 23-27), họ nhận ra Chúa Giêsu khi ăn bữa tối (cc. 28-35). Nếu Luca đã làm cho nó quan trọng đến thế là vì nó có liên hệ lớn với độc giả, do tính cách thời sự và giá trị lâu dài của nó. Đời sống Giáo Hội với các cuộc hội họp phụng tự trong đó có giải nghĩa Kinh Thánh và bẻ bánh, là nơi mà người tín hữu có thể nhận ra vào ngày hôm nay sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. “Người đồng hành không được nêu tên của Clêôpa, mang tên của từng người tín hữu” (Ch. Perrot), là tên của bất cứ Kitô hữu nam hay nữ nào sẽ đọc hay nghe trang Tin Mừng thời danh này.

Những gì xảy ra dọc đường (xc.35a) mở ra qua việc gặp gỡ của hai đệ tử đang đi dọc đường (cc.13-14) với một người lữ hành thứ ba mà họ không nhận ra và không ai khác hơn là Chúa Giêsu (cc. 15-16). Chính trong một cuộc lên đường nữa, nhưng trong miền xung quanh Giêrusalem, mà Chúa Giêsu sẽ dạy dỗ những kẻ thuộc về Ngài. Lý do của cuộc hành trình được khám phá ra một cách kín đáo qua cuộc đối thoại sắp diễn ra: hai người đã rời bỏ những kẻ đã quy tụ với nhóm Mười Một (xc.9), bỏ lại nơi mà Thầy họ đã bị hành hình và chính việc này đã là hồi chuông báo tử cho niềm hy vọng của họ. Họ trở về nhà trong một thôn xóm hẻo lánh, cách Giêrusalem sáu mươi dặm (mười một kilômét).

Lý lịch Chúa Giêsu lập tức được cung cấp cho độc giả, trong khi dưới cái nhìn của các môn đệ, Ngài chỉ là một khách hành hương như họ, đã đến Giêrusalem mừng lễ Vượt qua: mắt họ còn bị ngăn cản không nhận ra Ngài, chứ không phải là không thấy. Khi gợi lên hoạt động thần linh, động từ ở thể thụ động cách cho chúng ta biết rằng sự tối dạ chậm tin của hai người (xc. 25), không phải là những điều duy nhất được nói tới. Con mắt xác thịt không thể nhận ra Đấng Phục Sinh, bởi vì qua việc sống lại, Ngài đã đi vào một tình trạng hoàn toàn mới mẻ. Như trong vụ Biến hình, dung mạo Ngài hoàn toàn đổi khác (x. 9,29; Mc 16,12), Ngài đã vào trong vinh quang (xc. 26; 9,32). Ngay cả nhân tính của Chúa Giêsu từ nay đã thuộc về “thế giới” của Thiên Chúa, chỉ có thể được nhận biết bằng con mắt đức tin. Chính Chúa mở mắt (c.31), trí khôn (x. 24,45), tâm hồn (Cv 16,14); ở đây Ngài sẽ mở bức màn che phủ mắt họ bằng việc giải thích Kinh Thánh, rồi bằng việc bẻ bánh.

Do sáng kiến của Chúa Giêsu, đã có một cuộc trao đổi trên đường đi (c.17-27) mà từ vựng sẽ được gặp lại khá nhiều trong các diễn từ truyền giáo của Cv 2-13; như thế, chúng ta đã nghe nói rằng lời rao giảng của các Tông đồ đước nối kết trực tiếp với Chúa Giêsu Phục Sinh. Sau một cuộc trao đổi ngắn (c. 17-19a) trong đó Clêôpa nhấn mạnh đến tính cách công khai của việc hành quyết người Nagiaret, lời lẽ của các môn đệ (cc. 19b-24) cống hiến một bản tóm lược sứ vụ và cuộc hành quyết của Thầy họ (cc. 19b-21). Người ta thấy có một nét hài hước: sau khi hai người “mù tịt” này trách người bạn đồng hành vì chẳng hay biết gì, họ thông tin cho Chúa Giêsu như một ngôn sứ mạnh mẽ, đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân, chắc hẳn không làm một tuyên xưng đức tin Kitô cách rốt ráo, nhưng đây là một ngôn ngữ mà Chúa Giêsu (4,24; 13,3) và các Tông đồ sử dụng (Cv 2,22; 3,22-23; 10,38; cũng xem 7,22). Vấn đề là các nhà chức trách Do Thái, đặc biệt là tôn giáo, đã xử Ngài như xử một ngôn sứ giả hiệu: “Các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta (lưu ý tính từ sở hữu) đã nộp Ngài để bị kết án tử hình và đã đóng đinh Ngài vào thập giá” họ được giới thiệu như là chính họ đã thi hành án (23,25-26). Điều đó phải chăng không có nghĩa là Thiên Chúa đã chối từ Chúa Giêsu?

Một lời tóm lược như thế là một lời rao giảng… bị cắt cụt, có cuộc thụ nạn mà không có Phục Sinh. Sứ vụ và cái chết của Chúa Giêsu được trình bày theo quan điểm của các môn đệ thất vọng trong niềm mơ ước duy quốc gia của mình. Như các nhân vật được đưa vào hoạt cảnh trong các trình thuật thời thơ ấu (x. 1,68; 2,38) họ đã trông đợi sự giải thoát Israel và, đối với họ, đó phải là công trình của Chúa Giêsu – theo Luca, một niềm hy vọng như thế là hợp pháp, ít ra không được lầm lẫn về thời hạn hay cách thức thực hiện (x. Cv 1,6-7). Nhưng niềm hy vọng của hai môn đệ chưa đầy đủ; đó là những người thất vọng về một “vị Mêsia khiêm hạ và đau khổ” phù hợp với ý định của Thiên Chúa. Thái độ của họ gián tiếp cho hiểu được phần nào động cơ thúc đẩy Giuđa, mà trình thuật không nói tới (x. 22,3-4); phải chăng hai người môn đệ này không là biểu trưng cho những kẻ thất vọng về niềm tin Kitô giáo, những kẻ chối bỏ thập giá?

Rồi họ kể lại những biến cố đã xảy ra trong ngày (cc. 22-24) tóm tắt lại trình thuật thứ nhất của chương 24. Tất cả là ở đó: hai lần viếng mộ và hai lần nhận thấy thi hài biến mất (các phụ nữ, rồi một nhóm các ông: như vậy Phêrô không phải là người duy nhất), thiên thần hiện ra và sứ điệp từ trời. Cả lời công bố Phục Sinh nữa: các thiên thần nói rằng Chúa Giêsu đang sống. Nhưng nhóm các ông đã không thấy Ngài: trừ các phụ nữ ra, không ai tin vào lời công bố này. Rồi đã ngày thứ ba mà không thấy có lời công bố nào về sự sống lại, nhưng chỉ có tranh cãi về chứng từ của các phụ nữ!

Lúc đó, Chúa Giêsu lên tiếng (cc. 25-27), Ngài quở trách hai môn đệ, không phải vì họ không nhận ra Ngài, mà vì họ không nhận ra Ngài, mà vì họ chậm tin vào chương trình cứu độ của Chúa, (“phải”) đã được ghi chép trong sách các tiên tri. Vấn đề không phải là thấy Chúa Giêsu (xc.24) cho bằng hiểu và chấp nhận chương trình này. Hai môn đệ biết sứ vụ của Chúa Giêsu và cái chết của Ngài, nhưng họ không nhớ Kinh Thánh – viên thái giám Ethiop thì ở trong hoàn cảnh ngược lại, khi ông đọc Is 53, nhưng không biết đến biến cố ở Calvariô (Cv 8,30-34). Trong chính thức Đấng Phục Sinh tóm lược cuộc Vượt qua của Ngài (c.26), có hai điểm khác với những lời loan báo trước. Chính ở đây với tư cách là Đấng Kitô, chứ không là Con người (x.9,22) mà Chúa Giêsu đã thực hiện cuộc Vượt qua. Và thay từ ngữ “sống lại”, nó là Đấng Kitô đi vào vinh quang: ngoài một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ, Ngài thừa kế quyền lực và vinh quang của Thiên Chúa.

Để chứng minh làm thế nào sự chết và Phục Sinh của Ngài đi vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Chúa Giêsu buổi chiều một bài chú giải. Bài học này được nhắc đến một cách ngắn ngủi, trong thể văn gián tiếp; Luca không cho chúng ta được hưởng dụng bài học này và chúng ta phải đợi tác phẩm thứ hai của ông để nhận được giáo huấn này qua trung gian các kẻ phục vụ Lời (x. Phêrô ở Cv 2,22-36; Phaolô ở Cv 13,32-41). Ông chỉ gợi cho ta thấy là Chúa Kitô dùng kỹ thuật “xâu chuỗi” trong khoa chú giải Do Thái, liên kết với nhau những câu trích dẫn từ Lề Luật, các Ngôn sứ và Thánh vịnh (x. 24,44) để chứng tỏ sự tương hợp giữa chúng, và do đó cho thấy sự thống nhất và liên đới chặt chẽ của Kinh Thánh. Ở đây, sợi chỉ của xâu chuỗi là điều liên quan đến Chúa Giêsu Kitô; một cách xuyên suốt, Thánh Kinh làm chứng từ cho Đấng là trung tâm và cùng đích. Chắc hẳn không có một quy chiếu Kinh Thánh nào được cung cấp cho chúng ta, nhưng cái chính yếu đã được nói ra: “Sự giải thích, nói cách khác, sự nghiên cứu và trình bày về mối liên kết chặt chẽ, không phải là sáng kiến của các môn đệ, thẩm quyền của họ trong việc chú giải là một hồng ân, là hoa trái của một giáo huấn mà chính nó lại là một trong các hoa trái của sự Phục Sinh” (J.N. Aletti).

Điểm mở nút của hoạt cảnh (cc. 28-35) là buổi ăn tối ở Emmaus (cc. 28-32). Việc nhận biết Đấng Phục Sinh đã được khởi đầu một cách sâu sắc (x. lòng bừng bừng cháy ở câu 32) bằng việc giải thích Kinh Thánh cho thấy ý nghĩa cái chết của Chúa Kitô và bày tỏ mối tương quan của cái chết ấy với vinh quang, nhưng việc nhận biết đó chỉ hoàn tất khi bẻ bánh. Trong Giáo Hội, phải làm lại cử chỉ của bữa ăn tối cuối cùng, gắn liền với cái chết của Chúa Giêsu, để nhận ra Đấng Phục Sinh.

Khi làm như muốn từ giã họ, Chúa Giêsu hướng dẫn để hai môn đệ có sáng kiến; trong khi ngày bắt đầu tàn (x. 9,12), họ mời ở lại Đấng mà trước mặt họ vẫn là một người khách lạ. Nhưng khách mời lại giữ vai trò của người chủ nhà và chủ toạ bàn ăn. Điều Ngài làm được diễn tả bằng bốn động từ (c. 30bc), cũng những động từ này đã được dùng khi làm cho hoá bánh ra nhiều (9,16), và, với một dị biệt, trong bữa ăn đến cuối cùng (22,19); người ta cũng sẽ nói về việc bẻ bánh (c.35), một thuật ngữ riêng của Luca để chỉ Bí tích Thánh Thể (x. Cv 2,42; 20,7-11). Nhưng đồng thời, chủ toạ bữa ăn, làm phép bánh và bẻ bánh là những cử chỉ quen thuộc của Chúa Giêsu, chúng làm cho người ta nhận ra Ngài. Chúng nhắc nhớ đến những bữa ăn trước đây Ngài dùng với các đệ tử, tới bữa ăn cuối cùng trong đó tấm bánh được bẻ ra đã mang một nghĩa mới; chúng cũng báo trước những bữa ăn của các cộng đoàn, trong đó Chúa Giêsu tuy vô hình, nhưng vẫn hiện diện. Thế là xuất hiện một thế đảo ngược: mắt của hai đệ tử liền mở ra… và Chúa Giêsu cho đến lúc đó tuy được trông thấy nhưng lại không trông thấy được nữa! Mong các tín hữu phải biết điều này: “Dù ta không thấy được Ngài bằng con mắt thịt, Đấng Phục Sinh vẫn hiện diện: sự không thấy được không có nghĩa là vắng mặt”. Lúc ấy, các môn đệ có thể ý thức được sự biến đổi trong thâm tâm họ trước đó (c.32), trong câu chuyện trên đường đi và nhờ việc nghe giải thích Kinh Thánh. “Như vẫy lời, khi đi đường, đã giải thích Kinh Thánh” và “trong đó việc nối kết giữa sự sống của họ với sự sống của Chúa Giêsu… đươc công bố chỉ dứt khoát được thấu hiểu một khi việc nhận ra được thực hiện, một khi niềm hy vọng được thoả mãn” (J.N. Aletti).

Cuộc hành trình lại đảo ngược, hai người trở về Giêrusalem và thấy nhóm Mười Một và các bạn hữu đang ở cùng với họ (cc. 33-35). Điều đáng chú ý là việc nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh và việc sai đi truyền giáo sau đó cũng liên quan tới các môn đệ đang ở với nhóm Mười Một. Như vậy, Luca kéo dài những gì ông đã nói về sứ vụ của nhóm Bảy mươi hai (10,1tt) và nói trước về vai trò, trong Công vụ, của các vị truyền giáo không thuộc vào nhóm Mười Hai, đặc biệt là Phaolô. Một mở rộng như thế về kinh nghiệm vượt qua được đặt nền tảng trên các dữ kiện rất cổ (x. năm trăm anh em trong 1Cr 15,6). Tuy nhiên phần cuối của trình thuật cho thấy rằng chứng từ chỉ có thể bắt đầu với nhóm Mười Một (rồi nhóm Mười Hai ở Cv 1,12-26) và kinh nghiệm của Phêrô. Việc nhắc đến lần hiện ra này của Chúa Kitô (c.34) cho thấy rằng “kinh nghiệm vượt qua” này đã thuyết phục các môn đệ khác về sự thật trong chứng từ của các phụ nữ (“thật rồi”) và rằng Simon bắt đầu thực hiện sứ mạng củng cố anh em mà ông đã nhận lãnh từ Chúa (x. 22,32). Câu 34 cũng xác nhận rằng “Cộng đoàn hiện hữu và công bố Chúa mình ngay cả trước báo cáo của hai môn đệ Emmaus” (Ch. Perrot). Sau khi nhắc đến việc hiện ra với Phêrô, các môn đệ ấy có thể cung cấp bản tóm lược về kinh nghiệm riêng của họ, nó nói lên tầm quan trọng không kém của Con Chúa trên đường đi và của việc nhận ra Chúa gắn liền với việc bẻ bánh.

 

65.Chú giải của Fiches Dominicales.

TRÊN ĐƯỜNG EMMAU

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

1. Từ mối tương giao khép kín đến thái độ cởi mở với người khác.

Đoạn Tin Mừng về hai môn đệ trên đường Emmaus được kể là một trong những đoạn Tin Mừng đẹp nhất của thánh Luca. Một câu chuyện vừa sâu sắc về thần học, vừa diễm ảo về văn chương, chính cấu trúc câu chuyện chuyến đi khứ hồi Giêrusalem-Emmau-Giêrusalem là bức phóng biểu tượng cho "cuộc qui hồi" sắp thực hiện trong lòng hai môn đệ. Câu chuyện sẩy ra vào ngày "thứ ba sau khi Đức Giêsu lìa trần” ngày mà, thánh Luca, ngay những dòng mở đầu của Tin Mừng, đã coi như "ngày thứ nhất trong tuần" và các Kitô hữu đã sớm gọi là “ngày Chúa nhật", ngày của Chúa.

Hai môn đệ trở về Emmaus, làng xưa yêu dấu, các bậc thức giả còn tranh luận về địa điểm của làng này; nhưng có gì là quan trọng. Điều cốt thiết đối với chúng ta hôm nay chính là khám phá kinh nghiệm lữ hành mà hai môn đệ xưa đã trải "với những bước chân nặng nề” (Fiche A.124), một kinh nghiệm mà có lẽ vẫn còn tái hiện mọi nơi trong cuộc lữ thứ này. Tác giả Tin Mừng kể lại; “trò chuyện với nhau" nhưng chỉ quanh đi quẩn lại với một vắn nạn nan giải duy nhất: cái chết của Thầy họ đã dập tắt mọi hy vọng họ đã ấp ủ trong lòng và xóa sổ nhóm mười hai môn đệ. L.M. Chauvet chú thích: Họ trò chuyện với nhau, câu chuyện chỉ xoay quanh đời họ va lời giải đáp cho cái chết thất hại của thầy mình, mắt họ vẫn còn bị bưng bít" trí họ cũng bị phong tỏa như mắt họ, tất cả còn phong kín, họ tự phong tỏa chính mình, với các chết của Đức Giêsu trong âm phủ: cửa mộ đã bị một tảng đá lớn bít kín." ("Từ biểu tượng đến biểu tượng", Cerf, tr.89) Đang chuyện vãn với nhau trên đường chiều mòn mỏi, chợt một người bắt kịp họ và "cùng họ đồng hành”. Người cách lạ hỏi ngay đến vấn nạn của họ các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? Câu hỏi được gợi lên như một điểm dừng cho cuộc hành trình nổi trôi không mục đích của họ: "họ dừng lại vẻ mặt buồn"; câu hỏi ân cần ấy đã kết thúc câu chuyện riêng tư giữa hai người để có dịp thổ lộ với một người thứ ba về niềm hy vọng đã mất của họ: "chúng tôi cứ ngỡ...” Điều khiến Cléopas ngỡ ngàng vì người khách lạ hầu như chẳng biết tí gì, trùng hợp lạ lùng với lời rao giảng tông đồ trong bài diễn từ của thánh Phêrô tại nhà viên bách quản Corneille (x. Bài đọc 1 Chúa Nhật Phục Sinh) và trong bài diễn từ của thánh Phêrô ngày lễ Ngũ tuần. (x. Bài đọc 1 Chúa Nhật 3 Phục Sinh) Nắm trong tay mọi mã số của ô chữ, nhưng không có chìa khóa để giải mã ra để tìm ra ý nghĩa. "Toàn bộ nội dung đã được trao ban, đã được công thức hóa hoàn chỉnh, kinh Tin Kính được đọc đi đọc lại, Tin Mừng đã được tóm tắt;...chỉ còn thiếu một đốm lửa; người lữ khách đã ngân nga tất cả ngay dẫn lời báo trước diệu kì "Ngài hằng sống" với nét mặt buồn thẳm. Ông còn thiếu niềm tin, ơn đức tin, ánh sáng đức tin sẽ chiếu sáng, sẽ mang lại ý nghĩa cho câu chuyện. Tất cả đều đợi chờ lúc màn bí mật được vén lên” ("Những người hành hương về Emmaus”, tr. 61-62)

2. Từ ngõ cụt đến đường đi.

Người khách lạ chăm chú lắng nghe họ, giờ thì họ bắt đầu lắng nghe Ngài. Ngài duyệt lại cuộc sống và cái chết của Thầy họ, "mọi điều liên quan tới Ngài" dưới ánh sáng Thánh Kinh. "Và, khởi đi từ Môsê và các tiên tri" Ngài hé mở cho họ thấy thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa đã thể hiện giữa những biến cố mà họ cho là thê thảm ấy. Cái chết của Đức Giêsu, đối với họ dường như là một ngõ cụt, thực sự lại là đường "dẫn đến sự Sống”. Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao" L.M. Chauvet giải thích thêm: khi nghe nói về Đức Giêsu khi đón nhận chứng từ của Ngài về chương trình Thiên Chúa trong Kinh Thánh (Môsê và các tiên tri), lòng họ vẽ nên một hình ảnh khác về Đức Giêsu vị tiên tri; bắt đầu biến hình thành Đức Kitô! thành Đấng thiên sai phải chịu đau khổ và chịu chết để bước vào chốn vinh hiển. (SĐD, tr.90)

Họ được mời gọi đảo ngược tận căn niềm tin của mình: Làm sao mà Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa lại có thể phải trải qua cái chết như thế được? nhưng một điều gì đó đã nẩy mầm trong lòng họ; tảng đá nặng nề phong tỏa họ đã bắt đầu lung lay "Xin ở lại với chúng tôi" họ khẩn nài khi đến gần ông vì trời dã chiều và đêm đã xuống”.

3. Từ mê lầm đến tỉnh ngộ

Giờ thì cả ba đang ở trong quán trọ, người lữ khách đang "đồng bàn cùng họ”. Những cử chỉ Ngài thực hiện "Ngài cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ", chính là những cử chỉ của Chúa trong bữa tiệc ly.

Thánh Luca, nếu chẳng phải là qua các việc làm thì chí ít trong hướng cũng muốn nhắm đến các tín hữu hội nhau mỗi ngày thứ nhất trong tuần. Và thật bất ngờ, họ đã hiểu rõ ngọn ngành: khi ấy, mắt họ liền mở ra và họ nhận biết Ngài". "Người đã chết chính là Đấng hằng sống! vẫn Đấng ấy nay đã biến thành một người khác, chính họ cũng biến thành người khác. Vì mắt họ nay đã mở ra để thấy được mình cũng như thấy được Người. Việc duyệt lại đời Ngài giúp họ duyệt lại đời mình, nhận biết ngài phục sinh đánh dấu sự phục sinh của riêng họ. Lòng ta đã chẳng bừng cháy lên khi ngài cắt nghĩa Kinh thành cho ta trên đường chiều đó sao? Trong khi hồi tưởng, niềm tin nơi Đức Kitô phục sinh đã phục hồi quá khứ rã rời và mở ra cho họ một tương lai mới”.

Tháng ngày quá vãng dường như đã chết của họ nay bắt đầu hồi sinh, mắt đã được hàn gắn và uốn nắn lại: mô thức có tính “biểu trưng" của bí tích đã phác họa, nối kết và hình thành nên nó, bây giờ họ tìm thấy nơi nó một ý nghĩa chắc chắn...tương lai đã biến đổi: nếu thực sự thập giá là sống giây phút hiện tại với Thiên Chúa và với mình, thì còn có gì không thực làm được nữa đây " (LM. Chauvet, SĐD, tr. 91-92) Đức Giêsu có thể “biến mất khỏi tầm nhìn" của các môn đệ đã lấy lại được niềm tin. Họ đã tìm lại được người, hằng sống, trên đường đời của họ. Phục sinh, từ nay “Ngài ở với họ" và tỏ mình ra cho họ qua những dấu chỉ của niềm tin, lôi kéo họ vào mầu nhiệm phục sinh

4. Từ sự tan nát… đến chỗ tuyên xưng niềm tin của Hội Thánh.

Con đường dẫn đưa những người lữ khách từ Giêrusalem đến quán trọ Emmau sao mà xa xôi vạn lý. Ay vậy mà lúc trở về Giêrusalem lại chỉ trong phút giây vì Tin Mừng đang cháy bỏng trong tim là trên môi họ. Chính nhóm mười một và thân hữu lại tập họp nhau và thông báo với họ trước rằng "Chúa đã phục sinh: Ngài đã hiện ra với Simon Phêrô". Bấy giờ, họ cũng kể lại những diễn biến trên đường và nhờ đâu họ đã nhận ra được Ngài khi Ngài bẻ bánh”.

Cuộc trở về nguồn cội, nghĩa là trở về với cái nôi phát sinh Hội thánh, tức Giêrusalem, tượng trưng cho cuộc trở lại nỗi buồn sang niềm vui, từ sự lùi bước đến dấn thân, từ sự tan tác đến kết đoàn, nhóm những người theo Chúa đã tản mác ở đầu câu chuyện, nay đã tái hợp, nhưng khác hẳn ngày xưa, họ đã chết, nay họ "sống lại”. Ngày lễ Phục Sinh của Chúa Giêsu đã biến thành ngày Lễ Phục Sinh của riêng họ: là một nhóm nhỏ, họ cũng đã đi qua cái chết được phục sinh thành Hội Thánh". (LM Chauvet. SĐD.)

BÀI ĐỌC THÊM

1. Câu chuyện này là bản lược đồ hay khuôn mẫu chính xác của nền phụng vụ Công Giáo (H. Denis, "100 từ để tuyên xưng niềm tin", Desclie de Brouwer, tr. 145-146).

Câu chuyện sống động này chính là bản lược đồ hay khuôn mẫu xác thực của tất cả nền phụng vụ công giáo, đặc biệt là bí tích Thánh Thể. Hãy đọc lại sẽ thấy. Phụng vụ luôn bắt đầu bằng việc tập họp. Đây là điều không thể thiếu được Các bạn đang đồng hành trên con đường sự sống. Có lẽ đã quá quen nhau nên không nhận ra Đức Kitô, người bạn đồng hành vừa gia nhập vào nhóm của các bạn. Một cộng đoàn phụng vụ tự cơ bản là một cộng đoàn được hình thành, gắn bó với Đức Kitô, trở nên thân thể của Đức Kitô, Hội Thánh... Nhưng rồi, người ta xao lãng, người ta có những mối quan tâm khác, thế là bạn nói chuyện ngay ngoài cửa nhà thờ, bạn kể cho nhau vài tin tức trước khi bước vào hay khi đã ngồi vào ghế cho đến lúc bạn tự hỏi xem đời mình có thể nối kết với đời sống của Đức Kitô và đời sống của Đức Kitô có thể nối kết với đời mình không. "Sao, có lẽ ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay..." Cộng đoàn là một tập thể có khả năng lắng nghe Đức Giêsu. Đó chính là phụng vụ lời Chúa, trong đó, dù là ngày nào đi nữa thì cũng vẫn là Đức Giêsu cho biết mình đã kiện toàn lề luật và các tiên tri ra sao. Bây giờ, ta có thể bước vào trong thâm cung nhà Chúa. "Hãy ở trong Thầy là Thầy ở trong anh em" (Ga 15,4) nhà của những người đồng hành trên đường Emmaus đã biến thành nơi chia sẻ tấm bánh. Kỳ diệu thay chính trong việc bẻ ra, chia sẻ, việc Thiên Chúa tự hiến mà người ta nhận biết nhau. Những con mắt mở ra để khám phá, không phải sự trần trụi của thân xác hay chết như trong vườn Ê-đen xưa kia, mà là vẻ rực rỡ huy hoàng của Đấng Phục sinh đã tự nguyện mặc lấy thân xác mọn hèn phải chết của chúng ta. Sự nhận biết đầy kính tin cấm người ta chạm đến Đấng Phục sinh. Hiện diện trong xa vắng. Đức Giêsu đã xa khuất tầm nhìn của họ... Thế cũng đã đủ để họ ra đi, hợp nhất niềm tin với các tông đồ, hãy ra đi trong bình an của Đức Kitô. Hãy ra đi loan báo cho các anh em: Đức Kitô đã sống lại. Alleluia.

2. Câu chuyện diễm tuyệt và xác thực dành cho các tín hữu mọi thời. (M. Sevin, trong "Hồ sơ Kinh Thánh", số 41, tr. 22).

Mong sao độc giả Tin Mừng hiểu được rằng câu chuyện nào nhắm đến họ. Đến lượt họ, họ tự hỏi làm sao thấy được Đấng Phục sinh. Câu trả lời là: mắt trần hoàn toàn vô dụng, sự hiện diện của Đấng Phục sinh khác hẳn sự hiện diện của Đức Giêsu tại Nazarét. Đây là một sự hiện diện mới mẻ, chỉ tỏ hiện với con mắt đức tin được nuôi bằng Kinh thánh và việc chia sẻ bữa ăn với Đức Giêsu: Nếu muốn thấy và sống sự hiện diện của Đấng phục sinh các tín hữu phải trang bị cho mình hai điều kiện ấy vì họ luôn có sẵn trong tay Thánh Kinh và Thánh Thể.

Ở đây thánh Luca, đã viết nên một câu chuyện diễm tuyệt và xác thực cho các tín hưu mọi thời.

 

66.Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt.

HAI MÔN ĐỆ LÀNG EMMAU

CÂU HỎI GỢI Ý

1. Đâu là mục đích của thánh sử khi kể lại cách chi tiết cuộc hiện ra với hai môn đồ Emmau? Hay nói cách khác, đâu là ý nghĩa thần học của trình thuật này?

2. Có sự tương tự giữa trình thuật này với buổi hội họp Thánh Thể không?

3. Trình thuật này phải chăng chỉ là một sáng tác có tính cách thần học, một câu chuyện giả tưởng có ý nghĩa tượng trưng? Đâu là những lý chứng biện hộ tính cách lịch sử của nó?

CHÚ GIẢI

1. Đâu là mục đích thánh sử theo đuổi khi kể lại cách chi tiết cuộc hiện ra với hai môn đồ Emmau? Hình như không cùng mục đích với giai thoại kế tiếp (24, 36- 43) là cuộc hiện ra với nhóm mười một. Đoạn văn sau này nhấn mạnh nhiều đến thực tại thể lý của Đấng Phục sinh. Việc nó trưng ra nhiều dấu chỉ mà Chúa Kitô ban cho nhóm Mười một thật không có gì khó hiểu: các sứ đồ phải làm chứng việc Chúa Giêsu Kitô sống lại cho thế giới, nên người đã cho họ thấy mình vẫn sống, với nhiều tang chứng rành rành (tekmêris) ” (Cv 1, 3). Thật vậy, niềm xác tín làm cơ sở cho sứ mệnh của họ phải dựa trên nhiều chứng cứ không thể chối cãi được (đó là nghĩa chính xác của chữ tekmêrion). Các diễn từ của Phêrô và Phaolô trong Cv cũng nói lại điều ấy (Cv 10, 40- 41 ; 13, 30- 31).

Giai thoại hai môn đồ Emmau có mục tiêu khác. Ở đây Chúa Kitô không hiện ra với các chứng nhân chính thức của cuộc Phục sinh, nhưng với các môn đồ thường. Vì thế Người không mấy quan tâm đến việc làm cho họ xác tín về tính cách thể lý của Sự sống lại cho bằng là đoan chắc với họ rằng: cuộc Tử nạn chẳng làm họ vắng bóng Người đâu. Người cho thấy Người vẫn hiện diện với họ, đồng thời để cho họ hiểu trưng từ nay trở đi sự hiện diện đó sẽ thường có tính cách vô hình. Vì thế Cao điểm của trình thuật chính là giây phút họ nhận ra Chúa Kitô và giây phút Người biến mất khỏi họ, hai giây phút này liên hệ mật thiết với nhau.

Việc nhận ra Chúa Kitô lại được nối kết với cử chỉ Đấng Phục sinh bẻ bánh. Chẳng lẽ ở đấy không có điểm nào liên quan tới mầu nhiệm Thánh Thể sao? Khó mà nghi ngờ được. Nhưng trước nhất, ta hãy so sánh Lc 24, 13- 35 với giai thoại viên hoạn quan người Êthiopi, công chức của nữ hoàng Canđakê trong Cv 8, 26- 40. Cả hai cảnh đều diễn tiến theo một lược đồ giống nhau. Như hai môn đồ Emmau đang trao đổi về cuộc Tử nạn thì Chúa Giêsu đến, cũng thế, khi người Êthiopia đang đọc Is 53 thì phó tế Philipphê bắt kịp xe ông. Như Chúa Giêsu đi từ Kinh thánh để giải thích cái chết và Phục sinh của Người, thì Philipphê cũng giải thích Is 53. Sau khi bẻ bánh ở Emmau thì Chúa Gtêsu biến mất, cũng thế, sau khi rửa tội cho người êthiopia, Philipphê liền được Thánh Thần đem đi mất dạng. Một bên, việc giải thích mầu nhiệm con người Chúa Giêsu được nối kết với nhiệm tích rửa tội, bên khác, nó lại được nối kết với việc bẻ bánh, mà theo Cv 2,42, là bí tích Thánh Thể.

Vậy phải chăng có thể kết luận rằng việc bẻ bánh ở Emmau nói cho đúng ra cũng là bí tích Thánh Thể? Một ít tác giả cổ xưa (thánh Augustin, Hiêrônimô, Bêđa) và vài nhà chú giải hiện đại (Dupont, Grundmann …) cũng đã nghĩ thế. Nhưng đa số các nhà chú giải vẫn phản đối lối giải thích có tính cách thần túy Thánh Thể đó (prat, Lebrẹton, Lagrange, Plummer, Klostermann, Valensin-huby, Schlatter, man son, Schmid, Creed …) và các lý do họ đưa ra cũng khá vững. Như chúng ta, Luca cũng biết là các môn đồ Emmau chẳng hiện diện trong bữa Tiệc ly; như thế làm sao ông có thể giả thiết là Chúa Giêsu đã làm cho họ một cử chỉ mà họ không tài nào giải thích đúng được? Ngay trong Công vụ sứ đồ, việc bẻ bánh không phải đâu đâu cũng là bí tích Thánh Thể cả: ít nhất phải loại trừ 27,35 là trường hợp có các người ngoại đạo hiện diện và cùng ăn uống (trong hoàn cảnh này, không thể nghĩ rằng Phaolô ăn một mình thôi, vì theo tập tục Do thái, người ta bẻ bánh để rồi san sẻ cho các bạn thực khách). Chống lại mấy lý chúng trên, người ta cho rằng các độc giả Hy lạp đầu tiên đọc Tin Mừng thứ ba, chỉ có thể nghĩ đến bí tích Thánh Thể khi nghe nói về việc bẻ bánh ở chương 24, vì họ không hề biết nghi thức bẻ bánh của người Do-thái trước một bữa ăn thông thường. Nhưng người ta quên rằng họ đã biết, cũng nhờ chính tin Mừng, một cuộc bẻ bánh khác do Chúa Giêsu thực hiện như cuộc bẻ bánh ở chương 24 (các cuộc bẻ bánh trong Cv là sự kiện của Giáo Hội), và là chính hình bóng của phép Thánh Thể: việc bẻ bánh trước khi hóa bánh ra nhiều (Lc 9, 16).

Nhận xét sau cùng này đưa chúng ta đến ý nghĩa thần học đích thực của giai thoại. Như việc hóa bánh ra nhiều, cử chỉ của Chúa Giêsu ở Emmau, dù không là phép Thánh Thể đúng nghĩa, cũng phải được xem như là biểu tượng của Thánh Thể vậy. Ngay cả đối với hai môn đồ, cử chỉ này mang một tính chất huyền nhiệm: bẻ bánh là việc dành cho gia chủ; thế mà Chúa Giêsu, khách của hai vị, lại thi hành phận vụ đó, và do đấy xử sự đối với họ như gia chủ mời khách ngồi bàn; Người cũng đã xử sự giống hệt đối với các đám đông khi hóa bánh ra nhiều. Một cử chỉ như thế giúp các môn đồ nhận ra Cứu Chúa của mình: “họ đã nhận ra Người lúc bẻ bánh”; nhưng chỉ về sau, nhờ thực hành của Giáo Hội, họ mới có thể thấu triệt ý nghĩa biểu tượng bl tích gắn liền với việc bẻ bánh này.

Dưới con mắt thánh sử, chính ý nghĩa Thánh Thể vừa nói mới là điều thiết yếu, là điều ông muốn ta chú ý lưu tâm. Trong trình thuật này, Chúa Giêsu gợi ý cho các môn đồ đang muốn giữ Người lại (hãy lưu lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều) hiểu rằng Người không những hiện diện chắc chắn với họ cho dù từ này về sau sự hiện diện ấy sẽ thường mang tính cách vô hình (ý nghĩa thần học thứ nhất của trình thuật) mà còn hiện diện với họ từ đây trong chính bí tích Thánh Thể (ý nghĩa thần học thứ hai).

2. Nhưng cơ cấu cũng như ngữ vựng của trình thuật còn làm ta suy diễn thêm điều khác. Trước khi đến với phép Thánh Thể, con người phải tin vào Chúa Kitô. Hai môn đồ đang hoài nghi mà Chúa Giêsu theo kịp trên đường làm ta nghĩ tới các tâm hồn thiện chí đang tìm kiếm trong khắc khoải lo âu; Chúa Giêsu không vắng mặt trong nỗi khổ đau và sự kiếm tìm của họ. Trước tiên “bị ngăn ngừa không nhận diện được” Chúa Giêsu (c. 16), mắt các tông đồ cuối cùng đã mở ra” (cho) và họ nhận biết Người. Có mối liên hệ hiển nhiên giữa việc nhận biết này với ơn đức tin mà Lc thương thích diễn tả một cách tương tự: theo câu 45, Chúa Giêsu “mở trí” cho hai môn đồ hiểu Kinh Thánh; trong Cv 16,14, Thiên Chúa “mở lòng” Lyđia, cho bà chú ý vào các điều Phaolô giảng dạy và sau đó bà đã được rửa tội. Như thế, trình thuật hấp dẫn của Lc 24, 13- 35 phác họa chính tất cả tiến trình của những tâm hồn đi tắt trạng thái hoài nghi đến đức tin và từ đức tin đến các bí tích.

Ta có thể đi xa hơn nữa và thêm rằng các trình thuật như trên đã được nghĩ ra và biên soạn trong bầu khí của các cộng đoàn phụng vụ đầu tiên. Không những chi tiết của phần cuối mà cả toàn bộ trình thuật đều gợi lên một lược đồ phụng vụ: trước hết, có các bài đọc nhắc lại việc chuẩn bị Kinh Thánh và những gì Chúa Giêsu dã làm là Thánh thư và Tin Mừng đoạn người ta ngồi vào bàn và Chúa đến, rồi tâm cả ăn lấy Người. Như trong một phần tiền lễ, các môn đồ Emmau thảo luận, và Chúa Giêsu giải thích Kinh Thánh cho họ nghe; họ như những dự tòng lãnh nhận huấn dụ đầu tiên và mở rộng lòng đón lấy đức tin. Rồi khi tâm hồn đã được bài giáo lý đầu Thánh lễ ấy chuẩn bị, họ tham dự việc bẻ bánh, Chúa trở nên hiện diện và mắt họ mở ra. Họ rước lễ thiêng hứng, vì đã gặp được Người.

3. Tuy nhiên, dù có bận tâm nêu lên ý nghĩa giáo thuyết và biểu tượng của trình thuật Luca, ta cũng không nên đi đến chỗ xem trình thuật này như một sáng tác có tính cách thần học. Xét về phương diện thực tại lịch sử, đừng hễ thấy một trình thuật có nhiều điểm trùng hợp với các chủ đề văn chương chung, thì lập tức kết luận rằng nó hoàn toàn có tính cách văn chương chứ không có nền tảng thực tại; đấy là một sai lầm mà nhiều đầu óc phiêu lưu đã phạm phải và gieo rắc trong Giáo Hội hiện nay. Thế mà, như ta sẽ thấy ngay bây giờ, có nhiều suy đoán nghiêm chỉnh biện hộ cho lịch sử tính tổng quát của trình thuật này. Trước tiên hãy xem một lý do tổng quát và tiên thiên, rồi sau đó những lý do riêng biệt.

Cách chung, tác giả Tin Mừng thứ ba đã thu lượm được nhiều tài liệu bên lề truyền thống chính thức của Giáo Hội, tức truyền thống của nhóm 12 trong các cuộc hành trình riêng, Luca đã gặp nhiều môn đồ không thuộc nhóm 12 tí nào: toàn bộ sách Công vụ sứ đồ xác nhận điều đó. Ông đã tò mò chất vấn cả các phụ nữ Galilê như Maria, Gioanna, Suzanna chẳng hạn. Qua các cuộc đàm thoại ấy, ông cảm thấy hình như có một Tin Mừng nào đó khác với Tin Mừng của nhóm 12 (Mt và Lc): Tin Mừng của các môn đồ. Như ta biết, có nhiều môn đồ đã theo Chúa Giêsu đến Giêrusalem: họ làm thành một nhóm khác trong cộng đoàn, ở bên cạnh nhóm 12, nhóm anh em của Chúa và nhóm các phụ nữ. Ta hiểu rằng truyền thống chung, tức truyền thống nhóm 12, nhóm sứ đồ người Galilê, đã chẳng mấy quan tâm đến các môn đồ hạng hai này … Nhưng Lc không chia sẻ mối ngại ngùng của truyền thống chung, và đã biết thu thập tin tức, tài liệu. Vì ông tỏ ra xác thực, có thẩm quyền trong những nơì liên hệ tới truyền thống chung (truyền thống của nhóm 12), điều mà chúng ta có thể kiểm chứng, nên cũng phải kết luận tương tự đối với truyền thống của các môn đồ. Hầu như chắc là Lc không hề bịa đặt; ông đã tìm tài liệu từ các môn đồ Chúa Giêsu; và tại sao tài liệu này, vì khác với truyền thống của nhóm 12 và chứa đựng nhiều sự kiện hơn, lại bị khả nghi?

Riêng về trình thuật đang nghiên cứ đây, người ta có thể đưa ra một số lý lẽ khiến ta không được xem nó như một câu chuyện giả tương có tính cách biểu trưng. Các lý lẽ này giá trị không đều nhau:

a. Dĩ nhiên phải công nhận rằng Kitô giáo nguyên thủy rất thích lối biểu tượng. Nhưng làm sao cắt nghĩa được não trạng của Lc nếu cho rằng ông, người muốn viết với tư cách sử gia, lại chẳng đủ khả năng phân biệt một sự kiện có thực với một huyền thoại? Thường ta dễ chiều theo lối suy rộng về các phương pháp mà sử gia cổ vẫn dùng. Nhưng càng tiếp xúc các sử gia có, dù là vị khá hoặc dở, ta càng thấy mình không được nghĩ rằng, ngoại trừ việc ghi lại các diễn từ, phương pháp của họ hoàn toàn khác biệt phương pháp của các sử gia gần với ta hơn.

b. Trong các trình thuật liên hệ đến cuộc Phục sinh, các thánh sử hẳn cảm thấy trách nhiệm họ còn nặng nề hơn chỗ khác. Ở đây chứng từ cá nhân có một tầm quan trọng thật đặc biệt. Giáo Hội hẳn không thể chấp nhận các truyền thống có nguồn gốc mập mờ.

c. Sự kiện giai thoại Emmau liên hệ đến hai môn đồ ngoài nhóm 12 là một lý chứng bênh vực lịch sử tính của nó. Vì huyền thoại hẳn đã chọn các diễn viên quan trọng hơn. Thấy Chúa Kitô Phục sinh và cùng ăn với Người, chắc chắn không phải là một đặc ân tầm thường.

d. Rất hiếm khi các nhân vật thấp kém và các địa điểm ít tiếng tăm được Tin Mừng Nhất lãm nêu danh rõ ràng. Lúc xảy ra luật trừ, ta có thể tự hỏi phải chăng thánh sử muốn qua đó ngụ ý rằng ông đã được một chứng nhân tận mắt cung cấp cho tài liệu mà ông là người duy nhất trình bày lại cho ta.

e. Ngôn ngữ sêmita của một trình thuật chắc chắn không bảo đảm lịch sử tính. Nhưng ít nhất nó khiến ta không được nghĩ rằng trình thuật này chỉ là một sáng tác thi văn của thánh sử. Lúc viết ở c.18: duy chỉ có ông ngụ tại Giêrusalem thì lại đã không hay biết các việc xảy ra ở đó mấy ngày nay!”. Cú pháp lòng thòng này chẳng phải là không có trong Hy ngữ. Tuy nhiên, nếu không bị vướng ngôn ngữ Aram, thì có lẽ thánh sử đã viết: “ông là người duy nhất ở Giêrusalem không hay biết … “.

f. Tiếng kêu ở câu 25: “Hỡi những kẻ ngu độn và trí lòng chậm tin “, mà bề ngoài có vẻ cứng rắn nhưng kỳ thực đầy tình âu yếm, chắc tác giả đã không thể bịa đặt; vì ta nhận ra ở đó âm diệu không tài nào bắt chước của giọng nói Chúa Kitô.

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

"Một làng kia cách Giêrusalem sáu mươi dặm, tên là Emnmau": địa điểm này hãy còn được tranh luận. Người ta nghĩ đó là Amwas, cách Giêrusalem độ 30km về hướng Tây. "60 dặm" là cách đọc thông thường được chấp nhận (tương ứng với 12 km); nhưng nhiều chứng từ đáng tin cậy (như bản Sinaiticus, 5 trong các thủ sao khá nhất của bản Phổ thông và 3 thủ sao của bản syri-palestin) lại đọc 160, là điều phù hợp với địa danh Amwas.

"Ông là cư dân duy nhất ở Giêrusalem": Cách dịch này không đúng mấy vì làm ta tưởng các môn đồ xem Chúa Giêsu như là người thường trú tại Giêrusalem. Nhưng động từ Hy lạp được dùng ở đây, paroikéô, chắc hẳn có nghĩa thông thường như trong bản 70: "cư ngụ với tư cách ngoại kiều, lưu trú như người ngoại quốc". Các môn đồ coi Chúa Giêsu như khách hành hương đến Giêrusalem dịp Lễ Vượt Qua.

"Một ngôn sứ quyền năng trong việc làm": Các môn đồ cho tới bày giờ vẫn còn xem Chúa Giêsu như một ngôn sứ thôi.

"Nhưng với ngần ấy cơ sự, nay đã là ngày thứ ba rồi kể từ khi các việc ấy diễn ra": Các môn đồ đã thất vọng vì Chúa Giêsu bị nhà cầm quyền Israel tuyên án tử hình thập giá. Họ cũng thất vọng vì đã ba ngày sau vụ đóng đinh rồi mà Thiên Chúa chẳng hề can thiệp gì để cứu giúp vị ngôn sứ cả.

"Khởi từ Môisen và rảo qua hết thảm các ngôn sứ": Môisen, nghĩa là Lề luật, với các Ngôn sứ tạo thành chất liệu chủ yếu của Thánh Kinh (16, 16. 29- 31; 24, 44; Cv 24, 14; 28, 2) người ta đọc sánh các vị trong phụng tự ở Hội đường (Cv 13, 15).

"Người cầm lấy bánh, chúc tụng, đoạn bẻ ra trao cho họ”: Không chắc là bấy giờ Chúa Giêsu tái diễn bữa Tiệc ly. Nhưng Luca dùng ở đây một ngữ vựng có tính cách Thánh Thể (x 22, 19 và 9, 16) để cho độc giả cảm thấy rằng việc "bẻ bánh" (Cv 2, 42.46; 20,7.11) làm họ gặp gỡ Đấng Phục Sinh, như trường hợp các môn đồ Emmau.

"Người đã hiện ra cho Simon": Biến cố này được đề cập tới trong bản liệt kê cổ xưa của 1 Cr 15, 5, cũng như đã được loan báo ở 22, 31- 32, nơi người ta cũng gặp tên Simon.

“Lúc bẻ bánh": tiếng Hy lạp cho phép ta hiểu: lúc bẻ bánh hoặc nhờ việc bẻ bánh.

KẾT LUẬN

Sự hiện diện của Đấng Phục sinh thâm nhập vào tâm thức tôn giáo, vào trong đời sống đức tin, nhờ Thánh Kinh được giải thích theo ý nghĩa sứ điệp Vượt Qua, nhờ bữa ăn Thánh Thể nung đốt tâm hồn và giúp tâm hồn nhận ra Chúa.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1) Tâm trạng của các môn đồ Emmau mấy ngày sau cái chết của Chúa Giêsu không phải là đặc biệt lắm. Lúc ấy cũng như bấy giờ, có nhiều người đã đặt niềm hy vọng vào Chúa hay vào Giáo Hội và họ đã thất vọng vì diễn tiến các biến cố. Họ nghĩ Chúa Kitô phải ban cho họ niềm trông cậy và bình an, Giáo Hội phải đem đến cho họ những điều vững chắc và nhiều gương mẫu thật đáng phục; thế nhưng chẳng có gì được thực hiện. Chúa không được mọi người thành tâm thiện chí nhận ra, và Giáo Hội chẳng tai tiếng thì cũng làm nhiều kẻ nản lòng... Dĩ nhiên, sự việc không bao giờ xảy ra như đã hứa và niềm hy vọng của chúng ta đôi khi như bị dối lừa.

2) Các môn đồ Emmau và những ai đã trông cậy vào Chúa Giêsu mà thất vọng, là vì niềm hy vọng của họ quá trần tục, dựa trên cái nhìn nhân loại về các biến cố. Để thắng nỗi ô nhục, cớ vấp phạm gây ra do sự thất bại của Chúa Giêsu, niềm hy vọng đó phải biến thành niềm hy vọng đốt thần, đặt cơ sở trên cái nhìn của Thiên Chúa về lịch sử. Vì thế, trong cuộc đàm thoại với hai môn đồ Emmau, Chúa Giêsu đã sửa đổi nhãn giới của các vị bằng cách giúp họ hiểu rằng cái chết của Người có ý nghĩa xét về quan điểm của Thiên Chúa. Quan điềm này được diễn tả trong Thánh Kinh. “Bắt đầu từ Môisen và hết thảy các ngôn sứ, Người dẫn giải cho họ các điều đã viết về Người trong toàn bộ Thánh Kinh".

Chúng ta không rõ hai môn đồ nghe gì lúc ấy, chỉ biết vài ngày sau đó họ nói vắn tắt thế này: lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên khi Ngươi trò chuyện cùng ta trên đường đi đó sao? Có lẽ Chúa Giêsu đã nhắc lại cách vắn tắt và sống động toàn bộ lịch sử của tuyển dân, với bao biến cố thăng trầm, bao phen trung thành và bội phản của họ; nhắc lại những chuỗi can thiệp của Chúa mà, mỗi thế hệ, qua mọi mọi biến cố đau thương hay hạnh phúc, đã làm dấy lên nhiều ngôn sứ với nhiệm vụ khêu lại lòng trung thành nhạt phai, đã hứa ban Đấng cứu thế mà một ngày nào đó sẽ đến tai lập tất cả trong bình an và trật tự. Ta có thể nghĩ rằng người lữ khách vô danh này đã nhắc lại cho họ các thi ca về người Tôi tớ của Isaia và các Thánh vịnh, như Phêrô đã làm trong ngày lễ Ngũ tuần trước mặt người Do thái. Tắt một lời, khi gợi lại 12 thế kỷ lịch sử này, Người cho họ thấy “Đấng Messia phải chịu đau khổ đã rồi mới vào trong Vinh quang".

Cuối cuộc chiêm niệm này, sau khi đã dấn bước đi theo, các bậc tiền tổ trong đức tin, tức là các ngôn sứ, hiền nhân, thi sĩ của Thiên Chúa toàn năng, hai môn đồ mới bắt đầu khám phá ra rằng có lẽ tất cả không đến nỗi phải thất vọng, rằng mọi sự có lẽ nằm trong trật tự, cho dù trật tự ấy khác với trật tự mà tự nhiên họ đã mong chờ. Đức tin vào Giêsu Nadarét của họ. Niềm tin của họ có lẽ đã thoát ra khỏi một thứ lý luận trần tục nào đó, thì lý luận đã giam hãm họ và đẩy họ đến chỗ thất vọng ê chề; nhưng dầu sao niềm tin ấy xem ra không phi lý nữa, mà còn có thể phù hợp với cái nhìn của Thiên Chúa về thế gian, cái nhìn đã được loan báo dần dần bởi các hiền nhân và các ngôn sứ trong suốt 1200 năm lịch sử.

3) Nhờ lại Thiên Chúa được khám phá trong Thánh Kinh, các môn đồ Emmau đã có một não trạng khác; họ đã mở rộng quan điểm, hay đúng hơn đã loại bỏ quan điểm của mình dể đi vào quan điểm của Thiên Chúa. Chỉ sau đấy họ mới nhận ra Chúa Giêsu. Muốn tin vào Chúa Kitô tử nạn, chiến bại và Phục sinh, thì phải chấp nhận ra khỏi cái kiểu lý luận thế nhân, để đặt mình trong kế hoạch của Thiên Chúa, kế hoạch mà mọi phương hướng luôn luôn làm lý trí nhỏ bé của con người choáng ngợp, và để Ngài hướng dẫn. Bấy giờ mọi sự sẽ trở nên đơn giản, sẽ biện thành niềm vui. Như thánh Phêrô đã nói khi kết thúc một đoạn trong thư của ngài mà chúng ta vừa nghe lúc nãy: nhờ Chúa Kitô, anh em tin vào Thiên Chúa. Đấng đã cho Người sống lại từ cõi chết và đã ban vinh quang cho Người, ngõ hầu anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng của anh em nơi Thiên Chúa" (1Pr 1, 21).

 

67.Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh

(Suy niệm chú giải Lời Chúa ‘Lc 24, 13-35’ của Lm. Inhaxio Hồ Thông)

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật III Phục Sinh này đặt trọng tâm vào sự kiện Phục Sinh.

Cv 2: 14, 22-28, 33

Bài Đọc I trích từ diễn từ đầu tiên của thánh Phê-rô. Thánh nhân ngỏ lời với dân chúng ở thành đô, bảy tuần sau biến cố Phục Sinh. Vị lãnh tụ của các Tông Đồ lớn tiếng công bố Đấng chịu đóng đinh đã Phục sinh.

1Pr 1: 17-21

Thánh Phê-rô viết từ Rô-ma gửi các Ki-tô hữu miền Tiểu Á, trong đó thánh Phê-rô nhắc nhở rằng nền tảng Đức Tin và nguồn mạch Đức Cậy đặt trên hy tế và phục sinh của Đức Ki-tô.

Lc 24: 13-35

Tin Mừng hôm nay tường thuật cuộc gặp gỡ của hai môn đệ phiền muộn với Đấng Phục Sinh trên đường Em-mau. Ngài khai lòng mở trí cho họ hiểu cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài bằng Kinh Thánh; cuối cùng họ nhận ra Ngài khi Ngài bẻ bánh, ngay lúc đó Ngài biến mất trước mắt các ông.

BÀI ĐỌC I (Cv 2: 14, 22-28, 33)

Đoạn văn hôm nay được trích từ diễn từ đầu tiên của thánh Phê-rô, được công bố vào đúng ngày lễ Ngũ Tuần. Sau khi được tràn đầy Thánh Thần, thánh Phê-rô ngỏ lời với đám đông Do thái đến Giê-ru-sa-lem để tham dự lễ “Ngũ Tuần”.

Chúng ta chỉ còn biết thán phục trước sự dạn dĩ của vị lãnh tụ các Tông đồ, thánh nhân phục hồi danh dự cho Đấng chịu đóng đinh và lớn tiếng công bố việc Ngài sống lại trong chính thành mà Ngài chịu khổ nạn, chỉ vài tuần sau những biến cố bi thương như vậy.

1. Ngón đòn tâm lý

Thánh Phê-rô “đứng… và lớn tiếng nói”, nghĩa là thánh nhân lên tiếng trong tư thế của một người xác tín và vững tin. Việc các Tông đồ khác đồng hiện diện với thánh nhân chứng thực sự đồng thuận của Tông Đồ đoàn.

Bố cục của bài diễn từ thật rõ ràng: Đức Giê-su là người của Thiên Chúa, anh em đã kết án tử Ngài, Ngài đã sống lại. Trong phần khai triển, thánh Phê-rô sử dụng ngón đòn tâm lý. Để chứng minh rằng Đức Giê-su là người của Thiên Chúa, thánh nhân khởi đi từ một thực tại mà hầu hết các thính giả đều đã sống qua khi viện dẫn họ ra làm chứng: “Chính anh em đều biết những chuyện đó, vì mọi sự đã xảy ra giữa anh em”.

Thánh Phê-rô tránh nêu lên thần tính của Đức Ki-tô ngay từ đầu, nhưng nhấn mạnh nhân tính của Ngài trước tiên: “Đức Giê-su người Na-da-rét, người đã được Thiên Chúa chứng nhận… Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su đã bị nộp”. Tiếp đó, vị lãnh tụ các Tông Đồ nhắc lại cái chết của Đức Giê-su khi cẩn trọng phân phối trách nhiệm: trước hết, cái chết này phù hợp với kế hoạch Thiên Chúa đã định; tiếp đó, dân Do thái cũng chịu phần trách nhiệm: “Anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh vào Thập giá mà giết đi”; như vậy, người Rô-ma cũng bị quy trách nhiệm về cái chết của Ngài.

2. Biến cố Phục Sinh của Đức Kitô đã được Kinh Thánh loan báo

Lúc đó, thánh Phê-rô mới nêu lên biến cố Phục Sinh. Đối với cử toạ quen thuộc với Kinh Thánh, thánh nhân sẽ minh chứng rằng cuộc Phục Sinh này đã được Kinh Thánh loan báo rồi. Thánh nhân trích dẫn hai Thánh Vịnh.

Trước hết, Thánh Vịnh 18: “Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ do thần chết gây nên, mà cho Người sống lại. Vì lẽ thần chết không tài nào khống chế được Người mãi”, đây là bài thánh thi tạ ơn Đức Chúa cứu độ, chính Thiên Chúa đã ra tay cứu bạn Ngài khỏi lưới tử thần, tuy nhiên bản dịch Hy-lạp lại thay thế “lưới tử thần” của bản Híp-ri bằng “những đau khổ do thần chết gây nên”.

Tiếp đó, thánh Phê-rô trích dẫn Thánh Vịnh 16, được gán cho vua Đa-vít, theo đó người được Thiên Chúa tuyển chọn hân hoan vui mừng cho dù phải đối diện cái chết, “vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát”. Tv 16 này được người Do thái đương thời với Đức Giê-su chấp nhận là bài thánh vịnh mang chiều kích Mê-si-a. Thánh Phê-rô phát hiện ở nơi Thánh Vịnh này một luận chứng gây kinh ngạc.

3. Lời chứng của vua Đa-vít

Tác giả của lời sấm này là vua Đa-vít, vua “đã chết và đã được mai táng” (như Đức Giê-su), và ngôi mộ của vua hiện ở Giê-ru-sa-lem (như Đức Giê-su) ở đó người ta vẫn còn thấy ngôi mộ của vua. Thánh Phê-rô muốn lưu ý thính giả về sự tương phản giữa số phận của vua Đa-vít với số phận của Đức Ki-tô mà Thiên Chúa đã cho sống lại.

Nhờ ân ban ngôn sứ, vua Đa-vít biết rằng Đấng Mê-si-a sẽ thuộc dòng dõi của vua và Đấng ấy sẽ sống lại mà ra khỏi mồ. Vì thế, thánh Phê-rô công bố một lần nữa việc Đức Giê-su sống lại: “Về điều này tất cả chúng tôi đều làm chứng” (Cv 2: 32) và khẳng định việc Ngài được tôn vinh ở bên hữu Chúa Cha. Chúa Cha đã cho Ngài quyền ban Thánh Thần. Qua hành động cản đảm của mình, các Tông đồ cũng chứng thực họ được thụ hưởng ân ban Thánh Thần dư tràn này.

Như vậy, vị lãnh tụ các Tông Đồ dọi chiếu ánh sáng Kinh Thánh trên Đức Giê-su lịch sử mà mọi người đều đã biết, con người Giê-su này đích thật là Đấng Mê-si-a được Kinh Thánh loan báo. Đức Giê-su chết như một con người lịch sử và Ngài sống lại như một Thiên Chúa, Đấng đã chiến thắng sự chết.

BÀI ĐỌC II (1Pr 1: 17-21)

Chúng ta tiếp tục đọc Thư thứ nhất của thánh Phê-rô, viết từ Rô-ma gửi cho các cộng đoàn khác nhau tại miền Tiểu Á. Vào Chúa Nhật trước, chúng ta đã đọc lời khuyên bảo sống trong niềm hy vọng; đoạn trích thư của Chúa Nhật này là một lời mời gọi sống cuộc đời thánh thiện.

1. Dưới cái nhìn của Chúa Cha

Vị Tông Đồ ám chỉ rõ ràng đến “Kinh Lạy Cha”: “Nếu anh em gọi Ngài là Cha…”. Đó là danh xưng cao quý mà người Ki-tô hữu gọi Thiên Chúa của mình. Họ là con cái Thiên Chúa, vì thế, họ phải hành xử sao cho xứng hợp, vì cuộc sống của họ diễn ra dưới cái nhìn của Chúa Cha, “Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử”. Từ đó, họ phải xử sự như người lữ khách trên trần thế này mà sống trong tâm tình “kính sợ Thiên Chúa”. Phải hiểu kiểu nói này theo nghĩa Kinh Thánh, nó diễn tả một thái độ tôn kính, vâng phục và yêu mến chứ không sợ hãi. Chúng ta nên đọc lại sách Đệ Nhị Luật ở đó lòng mến dành cho Đức Chúa được trưng dẫn nhiều lần: “Ngươi hãy kính sợ, phụng sự… yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết dạ hết sức ngươi”.

2. Bửu huyết của Đức Kitô

Anh em có thể sống cuộc đời thánh thiện như vậy, vì xưa kia anh em vốn là dân ngoại, gắn bó với cách sống được thừa hưởng từ cha ông của anh em, còn hiện nay anh em đã được Đức Ki-tô giải phóng khỏi ách nô lệ tội lỗi.

Thời kỳ thờ ngẫu tượng và lối sống “phù phiếm”, vô định và vô vọng đã chấm dứt. Sự giải phóng này đã được trả bằng “giá máu quý giá của Đức Kitô,” như máu Con Chiên vẹn toàn, vô tì vết (đây là những phẩm chất tất yếu của con chiên vượt qua: Xh 12: 13). Thánh Tông Đồ chắc chắn nghĩ đến dung mạo của người Tôi Trung chịu đau khổ (dung mạo này hiện diện khắp bức thư này), người Công Chính này “bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông” (Is 53: 7).

3. Tình yêu Thiên Chúa

Trong các cộng đoàn tiên khởi, các Ki-tô hữu gốc lương dân cùng sống chung với các Ki-tô hữu gốc Do thái, liệu họ cảm thấy tự ti mặc cảm đối với những người vốn đã thuộc vào dân Chúa chọn? Có thể… Thánh Phê-rô trấn an họ. Từ cõi đời đời, Thiên Chúa đã nghĩ đến họ, và chính để họ từ nay dự phần vào dân Ngài, mà Thiên Chúa đã sai Con của Ngài: “Người là Đấng Thiên Chúa chọn và xuất hiện vì anh em”, như vậy mở ra một giai đoạn mới và chung cuộc trong lịch sử cứu độ.

4. Qua Chúa Con đến Chúa Cha

Thánh Phê-rô kết thúc khi mô tả chuyển động kép đời sống nội tâm của người Ki-tô hữu. Khởi đi từ ý tưởng về Thiên Chúa, Đấng vừa là Cha vừa Thẩm Phán, người Ki-tô hữu hướng mắt về Đức Ki-tô mà trở về với Chúa Cha, với niềm xác tín rằng Chúa Con lôi kéo họ cùng bước theo Ngài từ Khổ Nạn đến vinh quang bên cạnh Chúa Cha. Như vậy Đức Tin và Đức Cậy bất khả biệt phân.

TIN MỪNG (Lc 24 : 13-35)

Đoạn Tin Mừng hôm nay là một trong những hạt ngọc của sách Tin Mừng Lu-ca: nó toát ra một vẻ đẹp quyến rũ khôn sánh, cả về chiều kích tâm linh lẫn chiều kích phụng vụ.

Hai môn đệ (chỉ một người duy nhất được nêu tên: Cơ-lê-ô-pát) rời bỏ Giê-ru-sa-lem sau hai ngày tấn thảm kịch thập giá (quả thật, thánh Lu-ca định vị câu chuyện này vào cùng ngày Đức Giê-su Phục Sinh). Việc họ rời bỏ Thánh Đô làm chứng rằng cộng đoàn nhỏ bé của các môn đệ thân cận với Đức Giê-su, rã đám, phiền muộn và không còn hy vọng gì nữa. Mỗi người về quê nhà của mình, trở lại nghề nghiệp trước đây của mình.

1. Chiều kích Kinh Thánh:

Đức Giê-su động lòng thương những bạn hữu của Ngài. Họ khóc thương cái chết của Ngài và tiếc nuối giấc mơ bất thành của mình. Ngài đồng hành với họ. Đây không đơn giản là một “cuộc hành trình theo nghĩa vật lý”, nhưng còn là lộ trình tâm linh nữa. Sự hiện diện của Ngài, Đấng Phục Sinh, không còn như trước đây nữa: họ không nhận ra Ngài, cũng như bà Ma-ri-a Mác-đa-la, khi gặp gỡ Ngài bên ngôi mộ trống, bà cũng đã không nhận ra Ngài.

Theo từng bước một, Ngài dần dần soi lòng mở trí cho hai ông để hai ông “ngộ được” các biến cố. Ngài đích thân giải thích cuộc sống và cái chết của Ngài. Đối với những ai xưng tụng Ngài là “ngôn sứ”, Ngài minh chứng Ngài là Đấng Mê-si-a; đối với những ai chờ đợi cuộc giải phóng dân Ít-ra-en, Ngài giúp họ khám phá mầu nhiệm Vượt Qua. Ánh sáng dần dần ửng hồng trong tâm trí của họ, và một ngọn lửa nội tâm sưởi ấm lại tấm lòng họ, như sau này họ sẽ thốt lên : “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng thấy rạo rực đó sao ?”.

2. Chiều kích Thánh Thể

Đức Giê-su đã thắp sáng lại niềm tin của họ. Nhưng vẫn còn thiếu một chiều kích, chiều kích này rồi sẽ xuất hiện khi họ đích thân ngỏ lời với Ngài: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì ngày đã xế chiều, và trời gần tối”.

Đây là cử chỉ của tấm lòng, cử chỉ của việc dâng hiến và chia sẻ. Đức Giê-su giả vờ như tiếp tục cuộc hành trình của mình. Ngài không muốn áp đặt nhưng chờ đợi hai ông ngỏ lời mời và Ngài chấp nhận lời mời của họ. Với cử chỉ thân thiện và tình bạn của họ, Ngài sẽ đáp trả một cách tuyệt vời. Với những người bày tỏ tấm lòng hiếu khách với Ngài và mời Ngài một bữa ăn, đến lượt mình, Ngài đáp lại bằng việc bẻ bánh và mặc khải chân tính của Ngài.

Thánh Lu-ca dùng những từ ngữ mà Đức Giê-su đã dùng vào lúc Ngài thiết lập bàn tiệc Thánh Thể: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ” (Lc 22 : 19). Người ta nhận ra ngay đây là cử chỉ tái diễn bữa Tiệc Ly trong mối thâm tình cảm động. Vả lại, phụng vụ đã dựa trên sự kiện bẻ bánh này để biện minh việc rước lễ chỉ dưới hình bánh.

Tuy nhiên, từ xưa cho đến nay, các nhà chú giải không đồng nhất với nhau. Vài nhà chú giải bác bỏ chiều kích Thánh Thể ở nơi cử chỉ bẻ bánh của Đức Giê-su. Trước hết, hai môn đệ trên đường Em-mau không là các Tông Đồ, nên họ đã không tham dự bữa Tiệc ly với Đức Giê-su, làm thế nào hai người môn đệ này có thể nhận ra Thánh Thể ở nơi cử chỉ bẻ bánh của Đức Giê-su? Tuy nhiên, hướng đi của câu chuyện không thể nào chối cãi là Thánh Thể. Có một xác định đáng chú ý: vào buổi chiều Tiệc ly, Đức Giê-su đã tham dự trước cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài, vì thế, Ngài đã hiện diện hữu hình với các Tông Đồ, trong khi với hai môn đệ Em-mau “Ngài biến mất trước mặt các ông”. Kể từ đó, sự cần thiết của Thánh Thể là như vậy: chỉ duy bánh là sự hiện diện hữu hình của Đấng Phục Sinh. Từ đó, nơi mà các tín hữu gặp gỡ Đấng Phục Sinh vinh quang chính là bàn tiệc Thánh Thể: “Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thánh Thể Người đó sao ? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10: 16-17).

3. Chiều kích Phụng Vụ

Vả lại, thật ấn tượng biết bao khi chúng ta đọc thấy ở nơi câu chuyện này có đủ yếu tố phụng vụ Thánh Thể: đọc và suy niệm Lời Chúa, cử chỉ dâng hiến và chia sẻ qua việc bẻ bánh.

4. Chiều kích Giáo Hội

Thêm nữa, chúng ta cũng gặp thấy ở nơi câu chuyện này chiều kích Giáo Hội. Quả thật, hai môn đệ Em-mau ngay tức khắc trở về Giê-su-sa-lem. Họ gặp lại “các Tông Đồ và các bạn hữu đang tụ họp ở đó”. Cuộc gặp gỡ của hai người môn đệ này với Đấng Phục Sinh được cũng cố bởi kinh nghiệm của thánh Phê-rô: “Chúa đã sống lại thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon”.

Thánh Lu-ca là tác giả Tin Mừng duy nhất nêu lên việc Chúa Ki-tô hiện ra với một mình thánh Phê-rô, lãnh tụ các Tông Đồ. Thánh Phao-lô cũng nói điều này trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô. Như vậy, thánh Lu-ca kết thúc câu chuyện này với lời chú thích của Giáo Hội, dưới uy quyền tối thượng của thánh Phê-rô.

 

68.Nhận ra Chúa là điều quan trọng

(Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển)

Ở đời, người ta thường có câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Trong đời sống đức tin cũng vậy, nếu chỉ tin khi thuận buồm xuôi gió, hoặc có lợi cho mình thì thật là dễ. Tuy nhiên, tin cả khi mây mù dày đặc, tức là tin cả những lúc không thuận với ý ta thì đây mới là đức tin mang tính trưởng thành.

Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại sự kiện Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau khi các ông đang trên đường trở về quê vì sự thất vọng qua cái cái chết của Ngài. Họ chán chường, hoang mang vì đã tin vào một Đức Giêsu bị thất bại và kết cục cuộc đời lại bị treo trên thập giá như một tử tội. Tuy nhiên, Đức Giêsu phục sinh đã làm cho các ông bừng sáng lên niềm hy vọng và can đảm tuyên xưng cũng như loan truyền về Ngài cho anh chị em...

Vậy, đâu là điều mà các môn đệ nhận ra Ngài, tin theo và loan truyền?

Các ông đã nhận ra Đức Giêsu

Hai môn đệ đang trên đường trở về quê, các ông bước đi trên đôi chân rã rời vì mệt mỏi, cộng thêm tinh thần thất vọng vì đã đặt nhầm niềm tin vào Đức Giêsu! Thật vậy, các ông vừa đi vừa bàn chuyện, nhưng không phải là chuyện làm ăn, buôn bán, lao động, giao thương..., hay chuyện gia đình, mà bàn về chuyện một con người, con người đó là chính Đức Giêsu. Câu chuyện được khởi đi từ một tinh thần buồn bã của các ông. Thấu hiểu tâm can các môn đệ, Đức Giêsu đã hiện đến và hỏi: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" (Lc 24, 17), họ trả lời: "Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá” (Lc 24, 19-20). Đức Giêsu đã đi bước trước để đến với họ, nhưng họ vẫn không nhận ra Ngài. Tuy nhiên, Ngài vẫn trong vai trò là người chủ động, nên cùng bộ hành với họ, và bắt đầu giải thích cho họ hiểu về Đấng Mêsia, Ngài nói: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 25-27).

Đức Giêsu đã trao đổi về vai trò của người Tôi Trung đau khổ, đến để hoàn tất công trình cứu độ của Thiên Chúa Cha trong vai trò Thiên Sai, đồng thời, Ngài cũng giúp cho họ hiểu rằng con đường cứu độ là con đường đau khổ, phải qua đó thì mới bước vào vinh quang.

Đức Giêsu còn đang nói, thì trời đã về chiều, nhưng lòng các môn đệ đã ấm lên và vẫn muốn nghe lời Ngài giải thích. Tuy nhiên, dù muốn nghe nữa, các ông cũng không thể, vì ngày đã ngả bóng hoàng hôn và đêm đã về, nên họ mời Đức Giêsu ở lại với họ. Ngài đã đồng ý, và người bộ hành này đã ngồi vào bàn ăn, vẫn các cử chỉ quen thuộc là cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông. Chính vì vậy mà họ đã nhận ra Ngài. Nhưng cũng chính ngay lúc này, họ không còn được thấy Ngài cách thể lý nữa, vì Ngài đã biến mất. Điều này cho thấy, từ nay, Đức Giêsu sẽ hiện diện trong hành động Bí tích.

Đức Giêsu là Đấng giải phóng con người cách toàn diện trên bình diện ân sủng

Khi đọc lại bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy niềm hy vọng của các môn đệ, cũng như các Tông đồ và nhiều người Dothái thời bấy giờ là mong muốn một vị Cứu Tinh quyền uy lẫy lừng, đánh đông dẹp bắc, giải phóng dân tộc bằng quyền lực của sức mạnh, binh đao... Họ không thể tin được một vị Thiên Chúa mà lại bị thất bại ê chề trong tay người phàm qua cái chết tủi nhục đắng cay như vậy, nên các ông đã cảm thán khi được Đức Giêsu hỏi chuyện, trong tâm trạng vô vọng, họ đã thốt lên: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay" (Lc 24, 18). Ngài hỏi tiếp: “Chuyện gì vậy?” và họ đã cảm phiềm: “Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá” (Lc 24, 19-20). Thực ra lời nói này mang đầy tính thất vọng. Họ đã không hiểu nổi sứ vụ Thiên Sai của Ngài, nên trước đó, họ trách khéo người khách lạ này xem ra có vẻ vô tâm, vô tình nên không hay biết chuyện mới xảy ra..., nhưng giờ đây, Đức Giêsu đã khiển trách họ khờ dại và không hiểu biết gì...

Như vậy, Đức Giêsu đã giúp cho họ một lần nữa đi xa hơn về lộ trình cứu độ của Thiên Chúa. Ngài không giải thoát con người theo thiển ý của họ, mà Ngài giải phóng con người trên bình diện ân sủng, đó là: giải thoát con người khỏi tội lỗi, biết sống công bằng, chia sẻ bác ái và yêu thương hết mọi người, kể cả kẻ thù... để thế giới này chỉ có một Thiên Chúa là Cha và mọi người có nhau là anh em... Đây mới là sự giải phóng toàn diện của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Khi nhận ra cốt lõi của mầu nhiệm cứu chuộc nơi Đức Giêsu, ngay lập tức, các ông đã can đảm, hăng say trỗi dậy, trở lại Giêrusalem để loan tin vui mừng này cho các Tông đồ đang còn ở lại nơi đây.

Nguyên nhân để có một thái độ đặc biệt này là họ đã hiểu được Đức Giêsu qua việc Ngài giải thích Thánh Kinh và nhận ra Ngài lúc Ngài bẻ bánh.

Sống sứ điệp Lời Chúa

Bài Tin Mừng hôm nay được dàn trải cách tiệm tiến: bắt đầu là việc thông tri sự kiện; thứ đến là được Đức Giêsu giải thích; và, cuối cùng là họ nhận ra Ngài rồi lên đường loan truyền Tin Mừng Phục Sinh, Tin Mừng tình thương của Đức Giêsu cho mọi người...

Như vậy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắn gửi chúng ta rằng:

Trước tiên, muốn hiểu, tin và sống mầu nhiệm phục sinh của Đức Giêsu thì cần phải loại bỏ sự thất vọng. Hãy tin tưởng trong sự đơn sơ, không bám víu vào những triết lý cao siêu, nhưng sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa và để cho Lời của Ngài hướng dẫn, từ đó ta sẽ được biến đổi hầu trở nên chứng nhân của Ngài.

Thứ đến, hãy tin tưởng vào Chúa ngay trong những thất bại của cuộc đời, vì Ngài luôn có mặt và đồng hành với chúng ta như Ngài đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau. Hãy gắn bó với Giáo Hội của Đức Giêsu, mặc cho phong ba bão táp; mặc cho những phần tử trong Giáo Hội có những chuyện chẳng hay, thì Giáo Hội Chúa vẫn còn và không ngừng hướng tới sự thánh thiện cũng như là trung gian để thông chuyển ơn cứu độ của Chúa đến với muôn dân.

Tiếp theo, hãy yêu mến Thánh Kinh, vì đây chính là sự hiện diện của Chúa cách đặc biệt. Nếu các môn đệ không được Đức Giêsu hiện ra để giải thích Thánh Kinh cho họ, chắc họ đã không có cơ hội để nhận ra Chúa. Vì thế, chúng ta muốn trở nên nghĩa thiết với Chúa thì phải yêu mến, đọc, học và siêng năng suy gẫm Lời Ngài, vì đây là kho tàng mặc khải trọn vẹn và phong phú mà Thiên Chúa dành cho con người. Có thế, chúng ta mới hy vọng nhận ra Ngài và can đảm, hăng say lên đường loan báo Tin Mừng cho muôn dân.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đặt niềm hy vọng vào Ngài là Đấng đã Phục Sinh. Luôn yêu mến và gắn bó với Chúa. Sẵn sàng làm chứng cho Chúa khi đã nhận ra Chúa. Amen.

 

69.Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA PHỤC SINH LUÔN ĐỒNG HÀNH BÊN TA

Đêm nọ, có một người thấy một giấc mơ lạ. Anh ta thấy mình đang đi trên bãi biển với Chúa. Nhìn lên bầu trời, anh thấy những cảnh sống trong đời mình được chiếu lên. Trong mỗi cảnh sống trong đó, anh ta thấy có hai đôi dấu chân in trên cát, một đôi của anh, còn đôi kia của Chúa.

Khi cảnh cuối cùng trên đời anh chấm dứt, anh nhìn lại những dấu chân đã in trên cát và anh nhận thấy rằng, rất nhiều lần trong cuộc đời anh, anh thấy chỉ có một đôi dấu chân mà thôi. Anh cũng để ý và thấy rằng đó chính là những lúc cuộc đời anh xuống thấp nhất, với thời gian buồn chán đau khổ nhất. Anh hoang mang hỏi Chúa: - Thưa Chúa, Chúa đã nói rằng một khi con quyết định theo Chúa thì Chúa sẽ cùng bước đi với con suốt mọi chặng đường của đời con. Nhưng con nhận thấy rằng, trong những giai đoạn rối ren nhất của đời con, chỉ vẻn vẹn có đôi chân của con mà thôi. Con không hiểu tại sao những lúc con cần đến Chúa hơn cả, lại chính là lúc Chúa từ bỏ con.

Chúa ôn tồn trả lời: - Hỡi con yêu dấu, Ta yêu thương con và không bao giờ lìa bỏ con đâu. Trong những thời gian thử thách nhất, khi con thấy chỉ có một đôi dấu chân, đó chính là lúc Ta bồng ẵm con trên tay Ta. Dấu chân trên cát lúc ấy là của chính Ta chứ không phải của con đâu.

Thưa quý OBACE, Chúa vẫn luôn hiện diện và đồng hành bên chúng ta, có điều là chúng ta có nhận ra sự an ủi nâng đỡ và hướng dẫn của Người hay không mà thôi, đó cũng là điều qua câu chuyện hai môn đệ trên đường Emaus hôm nay Chúa muốn nói với chúng ta.

Hai ông này sau một thời gian theo Chúa, có lẽ các ông cũng nuôi biết bao hy vọng nơi Thầy Giêsu, các ông nghĩ rằng theo Chúa các ông sẽ được chia sẻ một ít vinh quang quyền lực, địa vị hay bổng lộc nào đó, thế nhưng cái chết của Chúa Giêsu đã làm tiêu tan tất cả hy vọng. Hai ông rơi vào chán nản thất vọng, họ buồn bã trở về quê. Không chỉ như thế, đức tin của các ông nơi Thầy Giêsu, lúc này, lại khiến các ông nghi ngờ và đặt lại vấn đề, các ông bàn tán với nhau về những chuyện vừa xảy ra. Trong lúc đi đường như thế, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra đồng hành với họ, nhưng vì chản nản thất vọng, vì đức tin bị thử thách nặng nề, khiến mắt các ông che mờ, không nhận ra vị khách đồng hành là Chúa Giêsu.

Các ông đã kể cho vị khách về Ông Giêsu là một vị ngôn sứ đầy uy thế,…Trước đây chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu chuộc Israel, nhưng nay, việc xảy ra đã đến ngày thứ ba rồi. Qua lời tâm sự đã cho thấy niềm tin của các ông vào Đức Giêsu chỉ còn là chuyện của quá khứ, một đức tin không còn chiều sâu, không còn sức sống, chính vì thế họ đã dễ dàng ngã gục buông xuôi khi gió bão của thử thách xảy đến. Vị Khách đã lắng nghe, an ủi, và dùng Kinh Thánh để minh chứng cho các ông thấy Đấng Kitô sẽ phải trỗi dậy từ cõi chết, đã làm nóng lại đức tin cho các ông và đem lại cho các ông sự phấn chấn. Các ông đã chia sẻ điều đó khi nói với nhau: dọc đường khi nghe Người nói lòng chúng ta đã bừng cháy lên đó sao?

Nhờ tâm hồn đã được hồi sinh, các ông đã nài ép Người khách lạ ghé vào nhà và dùng bữa với mình. Trong bữa tối đó, một cử chỉ hết sức quen thuộc đựơc Vị khách thực hiện, đó là Người cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông, mắt họ sáng ra và đã nhận ra Người, nhưng Người đã biến mất. Đây chính là cử chỉ Đức Giêsu đã thực hiện khi Người làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, và đặc biệt trong bữa Tiệc ly, chính Người đã cầm lấm bánh, tạ ơn, và trao cho các các môn đệ như thế. Dấu hiệu này chỉ có ở nơi một mình Chúa Giêsu mà thôi, không thể nhầm lẫn với ai được, nên hai môn đệ này đã nhận ra Vị khách đồng hành với họ trên suốt hành trình là chính Đức Giêsu, Người đã phục sinh.

Từ việc nhận ra Chúa khi ăn bánh của Người, tâm hồn và con người của các môn đệ này đã được biến đổi, các ông không còn chán nản buồn sầu nữa, không còn than thân trách phận hay tiếc nuối gì nữa, nhưng ngay tức khắc với một biềm vui hân hoan, các ông đã trỗi dậy để trở về Giêrusalem, để gặp lại các tông đồ và các bạn hữu đang tụ họp. Khi về đến nơi, thì chính anh em đã làm chứng cho hai ông về việc Chúa đã sống lại thật rồi và đã hiện ra với ông Simon. Còn hai ông thì kể cho mọi người về việc mình đã nhận ra Chúa.

Câu chuyện của hai môn đệ Emaus không phải là câu chuyện của quá khứ, mà là câu chuyện đức tin của mỗi người, mỗi gia đình hôm nay. Tin Chúa, theo Chúa không phải lúc nào chúng ta cũng gặp thành công, vì thực tế trong cuộc sống cho thấy không thiếu những lần chúng ta gặp thử thách trầm trọng trong cuộc sống. Đã có nhiều lần toan tính dự định của chúng ta không thành, hy vọng của chúng ta sụp đổ, nhiều người cũng đã chán nản buông xuôi, và nhiều người còn quay lại trách Chúa, và nghi ngờ cả sự hiện diện của Chúa: Tôi cầu nguyện mà chẳng thấy Chúa nhận lời, tôi vẫn đi nhà thờ đi lễ mà sao Chúa lại để gia đình tôi như thế này? Chẳng biết Chúa có hiện diện hay không, Chúa có giúp mình hay không? Đó chính là những thử thách và những cám dỗ trong đức tin của nhiều người.

Thế nhưng Lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta rằng: Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Người cũng không nỡ đứng nhìn khi chúng ta gặp thử thách hoặc gặp đau khổ, trái lại, Người vẫn đang hiện diện lắng nghe, và đang đồng hành với chúng ta, đang nâng đỡ an ủi chúng ta để giúp chúng ta vượt qua những khó khăn thử thách, Người dùng lời Kinh Thánh để an ủi và củng cố đức tin cho chúng ta, có điều là chúng ta có nhận ra sư hiện diện và đồng hành của Người hay không mà thôi.

Để nhận ra Người, chúng ta cần có thái độ như hai môn đệ Emaus, đó là mời và nài ép Người vào trong nhà mình. Khi có Chúa ở trong gia đình, Người sẽ giúp chúng ta giải gỡ những khó khăn, sẽ ban sức mạnh để chúng ta vượt thắng, và có Người trong gia đình, Người sẽ đem lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình. Đồng thời hãy tham dự bữa ăn tối với Chúa và đón nhận tấm bánh mà Người trao ban, mắt chúng ta cũng sẽ mở ra và chúng ta sẽ trở nên những con người can đảm mạnh dạn không còn sợ hãi nữa, giống như hai môn đệ Emaus đứng lên để trở về Giêrusalem gặp lại các tông đồ và các bạn trong tình hiệp thông.

Khi trở về gặp lại các tông đồ và các bạn, chúng ta sẽ gặp được lời chứng của các tông đồ: Chúa đã hiện ra với Simon. Một khẳng định ngắn như thế thôi, nhưng cho thấy, đức tin cá nhân của mỗi người cần phải được liên kết với Giáo Hội và cậy dựa vào sự bảo đảm của Giáo Hội, mà Simon Phêrô là thủ lãnh. Vai trò thủ lãnh của Phêrô không chỉ là điều khiển Giáo Hội mà còn là người dẫn dắt đức tin của Giáo hội. Sách Công Vụ cho thấy vai trò nổi bật của Simon Phêrô trong việc rao truyền tin Mừng Phục sinh, ông còn là người củng cố đức tin cho anh em mình.

Thưa quý OBACE, cấu trúc của câu chuyện hai môn đệ trên đường Emaus hôm nay chính là cấu trúc của Thánh Lễ mỗi ngày mà Giáo Hội đang cử hành để tuyên xưng Chúa đã chết và đã sống lại với hai phần Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể, trong đó vai trò không thể thiếu đó là thừa tác viên của Giáo Hội. Như thế Tin Mừng muốn cho chúng ta thấy rằng: Ngày hôm nay Chúa Phục sinh vẫn đang hiện diện và đồng hành với chúng ta mỗi ngày nơi Thánh Lễ được Giáo Hội cử hành. Chính nhờ việc tham dự Thánh Lễ thường xuyên, chúng ta sẽ được Lời Chúa an ủi và hướng dẫn, giúp chúng ta biết phải sống như thế nào, và nhờ lãnh nhận Thánh Thể Chúa chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, được bồi bổ và tăng cường thêm sức mạnh giúp chúng ta không còn sợ hãi, không chán nản hay thất vọng trước những cám dỗ và những khó khăn của cuộc sống.

Các bậc làm cha mẹ, hãy noi gương hai môn đệ Emaus, mời Chúa vào gia đình mình mỗi ngày qua các giờ kinh sớm tối, hãy mời Chúa hiện diện trong mỗi bữa ăn và trong cả ngày sống của gia đình, Chúa sẽ đem đến cho gia đình niềm vui và bình an, nhất là hãy siêng năng tham dự “bữa tối của Chúa” tức là Thánh Lễ mỗi ngày để đón rước Chúa vào tâm hồn và đem chúa về cho gia đình. Có Chúa trong tâm hồn và trong gia đình, thì không có thử thách nào có thể làm chúng ta chùn bước, và có Chúa trong tâm hồn, trong gia đình, thì ma quỷ và sự xấu sẽ không thể làm gì được chúng ta.

Nhiều bạn trẻ ngày hôm nay đang sống một cuộc sống buồn tẻ nhàm chán, nhiều người đang bị thử thách trầm trọng về đức tin, nhiều người đang bị nhồi nhét bởi quá nhiều tư tương sai lạc, cùng với sự tự mãn của óc khoa học khiến họ không nhận ra sự hiện diện của Chúa và có nguy cơ đi lạc đường và đánh mất đức tin. Lời Chúa hôm nay mời gọi các bạn hãy nhận ra sự đồng hành của Chúa trong cuộc đời, hãy khiêm nhường để lắng nghe lời chứng của Giáo Hội, và nhất là hãy siêng năng đến với bàn tiệc Thánh Thể, các bạn sẽ nhận ra gương mặt của Chúa, Chúa sẽ ban lại cho các bạn ơn đức tin và lòng hăng say nhiệt thành của tuổi trẻ, giúp các bạn sống một cuộc sống có ý nghĩa và có ích hơn cho chính mình và cho mọi người, đồng thời trở thành những người nói về Chúa cho anh em cho bạn bè của các bạn mà không còn gì phải ngại ngần sợ hãi nữa. Amen.

 

70.Đồng hành với Chúa trong cuộc đời

(Suy niệm của Lm. Đan Vinh)

I. HỌC LỜI CHÚA

Ý CHÍNH:

Chúa Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ làng Emmau:

Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su đã hướng dẫn hai môn đệ về đức tin để đang từ tâm trạng chán nản và vấp ngã trước mầu nhiệm thập giá (c 18 và c 21), các ông đã tìm lại được niềm tin và niềm hy vọng vào Chúa Phục Sinh qua việc nghe lời Người giải thích Kinh Thánh (cc 25-27.32), và được tham dự lễ nghi Bẻ Bánh do chính Người thực hiện (cc 30-31).

CHÚ THÍCH:

- C 13-16: + Cùng ngày hôm ấy: Tức là ngày Thứ Nhất trong tuần. + Có hai người trong nhóm môn đệ: Hai môn đệ này thuộc nhóm 72 (x. Lc 10,1), không thuộc nhóm 12. Tin Mừng nhắc đến tên một trong hai ông là Cơ-lê-ô-pát (18). + Làng Em-mau: Một nơi cách Giê-ru-sa-lem 60 dặm tương đương 11 km về phía Tây. Nhưng đến nay làng này đã không còn tồn tại và các nhà chú giải Kinh Thánh cũng không xác định được vị trí cụ thể của ngôi làng này. + Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra: Biến cố tử nạn của Đức Giê-su là mối bận tâm sâu đậm của các môn đệ, đến nỗi dù đang bị buồn chán thất vọng, các ông vẫn không ngừng bàn tán với nhau trong lúc đi đường xa. + Chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ: Đức Giê-su Phục Sinh luôn quan tâm đến các môn đệ và sẵn sàng đến giúp đỡ khi họ bị buồn phiền đau khổ. + Mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người: Bị ngăn cản có thể do tâm trạng buồn sầu thất vọng, nên không nghĩ người khách lạ kia là thầy Giê-su. Cũng có thể do khuôn mặt Đức Giê-su Phục Sinh đã biến đổi ra khác với lúc còn sống. Trước đó bà Ma-ri-a Mác-đa-la cũng không nhận ra Chúa Phục Sinh khi Người hiện ra gần mộ vào sáng sớm Ngày Thứ Nhất trong tuần.

- C 17-18: + “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?”: Chúa Phục Sinh chủ động bắt chuyện để các ông dễ dàng tâm sự những lo âu chất chứa trong lòng. + Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem…: Họ nghĩ đây là một khách hành hương đi lên Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua, và có thái độ lãnh đạm với một biến cố lớn lao mới xảy ra trong thành mấy ngày qua.

- C 19-21: + Chuyện ông Giê-su Na-da-rét…: Cho đến lúc này, hai môn đệ này mới chỉ công nhận Đức Giê-su là ngôn sứ có quyền lực trong lời rao giảng và các phép lạ đã làm. + Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình: Sự kiện mới xảy ra đã làm các ông chán nản thất vọng là: các nhà lãnh đạo Ít-ra-en đã nộp Ngưới để Phi-la-tô kết án đóng đinh thập giá. Còn Thiên Chúa thì không làm gì để cứu vị Ngôn sứ của Người. Sự việc xảy ra tới nay đã sang ngày thứ ba rồi!

- C 22-24: + Cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi…: Tâm trạng của các ông vẫn còn hoang mang, dù mấy phụ nữ và các tông đồ đã chứng kiến mồ trống, và thiên thần hiện ra bảo rằng “Người vẫn còn sống”, nhưng riêng các ông thì coi là chuyện hoang đường khó tin. Lời này cho thấy hai môn đệ này không phải loại người dễ tin. Do đó, một khi họ tin thì chắc đã phải có những bằng chứng xác đáng không thể phản bác được.

- C 25-27: + Ôi những kẻ tối dạ, những lòng chậm tin vào lời các ngôn sứ!: Lời Chúa quở trách đức tin yếu kém của hai ông có hơi nặng nề, nhưng thực ra vẫn hàm chứa một tình cảm âu yếm. + Nào Đức Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?: Chúa Phục Sinh nhắc lại lời Người đã từng báo trước về số phận của Người: “Con Người phải chịu đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22; 17,25). + Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ…: Luật Mô-sê và sấm ngôn của các ngôn sứ ám chỉ tòan bộ Thánh Kinh Cựu Ước đã làm chứng về con đường cứu thế Đức Giê-su đã chọn theo là: Qua đau khổ vào trong vinh quang (x. Lc 24,44 tt).

- C 28-31: + Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa: Giả vờ ở đây không phải là thái độ giả dối, nhưng là phương cách khôn ngoan để thử xem hai môn đệ này có thực lòng muốn nghe và muốn được Người ở lại với họ hay không. Một đức tin chỉ có giá trị khi người tin tự nguyện mở lòng đón nhận, chứ không bị ép buộc. + Họ nài ép Người: Đây là thái độ hiếu khách quen thuộc của Người Pa-lét-tin (x. Lc 14,23). Chính Lời Chúa giải thích Kinh Thánh đã đánh tan những lo lắng bất an trong lòng hai môn đệ, nên các ông đã xin Người ở lại trong nhà riêng cúa các ông để tiếp tục cuộc trò chuyện còn dang dở. + Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn: Hai môn đệ đã lên tiếng mời vị khách lạ kia ở lại một cách khéo léo tế nhị. Đây cũng là lời cầu nguyện tâm tình của các tín hữu khi ước ao kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su Thánh Thể.

- C 32-31: + Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ: Người ta khó có thể nghĩ rằng Đức Giê-su đã cử hành bí tích Thánh Thể như Người đã làm trong bữa Tiệc Ly với các môn đệ. Ở đây, Lu-ca cố ý dùng kiểu nói quen thuộc của phụng vụ Thánh Thể (x. Lc 22,19). Đây là cử chỉ Đức Giê-su đã làm khi nhân bánh ra nhiều (x. 9,16), và ám chỉ nghi lễ Bẻ Bánh (x. Cv 2,46; 20,7.11). Sau này mỗi khi tham dự thánh lễ, các tín hữu cũng được nghe lời Chúa giáo huấn và được tham dự bàn tiệc Thánh Thể giống như hai môn đệ làng Em-mau xưa. + Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người: Tiến trình đức tin của các tín hữu thường bắt đầu bằng việc lắng nghe Lời Chúa, rồi tuyên xưng đức tin và được ơn thánh hóa nhờ việc tham dự bàn tiệc Thánh Thể. + Nhưng Người lại biến mất: Từ đây Chúa Giê-su Phục Sinh sẽ hiện diện cách thiêng liêng khi các tín hữu đọc Thánh Kinh, nghe lời giảng dạy của Hội Thánh, cùng nhau tham dự tiệc Thánh Thể và ân cần thăm viếng bác ái chia sẻ gạo tiền cho những người nghèo đói bệnh tật…

- C 32-35: + Lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?: Nhờ được nghe giảng Thánh Kinh, các môn đệ đã thấy được ý nghĩa cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su như một chặng đường để hưởng vinh quang phục sinh. + Ngay lúc ấy, họ đứng dậy…: Việc nhận ra Chúa Phục Sinh và do lòng tin yêu Chúa thúc bách, hai môn đệ đang thất vọng trở thành những người phấn khởi vui tươi và hy vọng. Tâm trạng phấn khởi ấy khiến hai ông quên hết nhọc mệt để quay trở lại Giê-ru-sa-lem loan báo tin vui cho các anh em khác. + Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon: Sự kiện Si-mon Phê-rô được Chúa Phục Sinh hiện ra trước các Tông đồ khác đã được chính Chúa Giê-su tiên báo trước cuộc khổ nạn (x Lc 22,31-32) và sau này cũng được thánh Phao-lô nhắc đến trong thư Cô-rin-tô (x 1 Cr 15,5). + Thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường: Hai môn đệ cũng chia sẻ niềm vui Chúa Phục Sinh cho Nhóm Mười Một tông đồ và các môn đệ khác ở Giê-ru-sa-lem.

CÂU HỎI:

1) Hai môn đệ quê làng Em-mau nói trên thuộc nhóm 12 tông đồ hay nhóm 72 môn đệ? Tên của hai môn đề này là gì? 2) Tại sao hai môn đệ làng Em-mau và bà Ma-ri-a Mác-đa-la lại không nhận ra ngay người nói chuyện với mình chính là Chúa Phục Sinh? 3) Việc Chúa Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ làng Em-mau nói lên điều gì về tình yêu của Người đối với các tín hữu? 4) Câu trả lời của hai môn đệ cho thấy đức tin của các ông về sứ mạng của Đức Giê-su thế nào? Các ông đi theo Đức Giê-su nhằm mục đích gì? Tại sao giờ đây các ông lại tỏ ra chán nản tuyệt vọng? 5) Hai môn đệ này có phải là những người dễ tin vào mầu nhiệm sống lại của Chúa Giê-su hay không? Tại sao? 6) Người khách bộ hành đã làm gì để củng cố đức tin còn non yếu của hai ông? 7) Đức Giê-su giả vờ muốn đi xa hơn nhằm mục đích gì? 8) Câu nào của hai môn đệ là lời cầu nguyện mẫu mực về lòng tin yêu Chúa của các tín hữu hôm nay? 9) Hai môn đệ đã nhận ra người khách lạ chính là Thầy Giê-su Phục Sinh vào lúc nào? 10) Hai ông cho biết lòng mình bừng cháy lên ngọn lửa tin yêu Chúa khi nào? 11) Điều gì khiến hai môn đệ nhiệt tình loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh cho người khác?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. Lời Chúa:

Họ mới bảo nhau: “Dọc đường khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32)

2. Câu chuyện: Chúa đang ở đâu?

Một người tân tòng sau khi theo đạo đã gặp phải nhiều tai ương hoạn nạn: bệnh tật, rủi ro mất xe, thất thoát tiền bạc… Anh đã nhiều lần cầu xin Chúa cho tai qua nạn khỏi mà xem ra Chúa vẫn ngỏanh mặt làm ngơ khiến anh chán nản và không còn đến nhà thờ dự lễ cầu nguyện nữa. Thế rồi một đêm kia, anh nằm mơ thấy mình đang đi bách bộ với Chúa Giê-su trên một bãi biển. Anh quay nhìn ra sau thì thấy trên nền cát ướt có 4 dấu chân: hai dấu chân lớn của Chúa, và hai dấu chân nhỏ của anh. Khi gặp chỗ lởm chởm nhiều sỏi đá thì anh không thấy Chúa đi bên nữa. Quay lại nhìn thì anh chỉ thấy hai dấu chân trên cát của anh mà thôi. Anh chán nản ngồi nghỉ trên một tảng đá thì Chúa Giê-su lại hiện đến ngồi bên. Anh thắc mắc hỏi Người: “Lạy Chúa, vừa qua Chúa biến đi đâu mất để con phải một mình đương đầu với các khó khăn chồng chất như vậy?” Bấy giờ Chúa Giê-su mới âu yếm nhìn anh và nói: “Con hãy nhìn kỹ xem hai dấu chân in trên cát kia là của ai?” Lúc đó, anh ta mới nhìn kỹ và nhận ra đó hai dấu chân to lớn của Chúa. Anh lại hỏi: “Lạy Chúa, thế thì dấu chân của con biến đi đâu rồi? Bấy giờ Chúa mới trả lời: “Con ơi, hãy nhớ rằng: Ta luôn ở bên con trong mọi giây phút đời con. Những khi con gặp phải gian nan thử thách chính là lúc Ta đang bồng ẵm con trên cánh tay Ta đó!”

3. Suy niệm:

1. Về đức tin của hai môn đệ làng Em-mau:

a) Hai môn đệ làng Em-mau không sớm tin nhận Chúa Phục Sinh: Tại sao hai môn đệ Đức Giê-su đã từng gặp gỡ tiếp xúc, ăn uống với Thầy trong thời gian ba năm, đã từng nghe lời Thầy giảng dạy, từng chứng kiến nhiều phép lạ Thầy làm (x. Mt 11,5-6) thế mà sau khi Người sống lại, hiện ra đồng hành với họ suốt quãng đường dài 30 cây số, giảng dạy Kinh Thánh cho họ, nhưng họ lại không nhận ra Người? Có lẽ Chúa Phục Sinh đã hiện ra mang một khuôn mặt mới. Các ông chỉ nhận ra Người khi ngồi đồng bàn ăn và qua các cử chỉ đặc trưng của Người: “Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát”… (x. Ga 6,11; Mt 14,19), giống như Đức Giê-su đã làm trước đây.

b) Nguyên nhân khiến hai ông nhận biết khách kia là Chúa Giê-su?: Hai môn đệ làng Em-mau không phải là những người dễ tin như các ông đã thuật lại cho vị khách bộ hành: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một Ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá” (c 19-20). Qua đó cho thấy các ông này đã tin Đức Giê-su là một Ngôn sứ và hy vọng Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en (c 21). Các ông cũng có nghe mấy người đàn bà trong nhóm ra thăm mộ Đức Giê-su từ hồi sáng sớm mà không thấy xác Người trong mộ. Các bà này trở về nói đã gặp thiên thần hiện ra bảo rằng Thầy vẫn còn sống. Rồi các ông cũng nghe vài người trong nhóm môn đệ đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà kia nói. Nhưng chính Người thì họ lại không thấy” (c 22-24). Vậy nguyên nhân nào làm cho hai ông tin Thầy Giê-su thực sự từ cõi chết sống lại?

- Một là nhờ việc nghe lời Chúa trong Kinh Thánh liên quan đến cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Ki-tô: Các ông đã chia sẻ với nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (c 32).

- Hai là nhờ thấy những cử chỉ và lời đọc của Chúa Giê-su: “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất” (c 29-31). Như vậy nhờ dấu chỉ yêu thương của Chúa Giê-su cử hành khi lập bí tích Thánh Thể (x. Lc 22,19-20), mà hai ông đã nhận ra Người.

c) Đức tin thực sự phải thể hiện qua việc loan báo Tin mừng cho tha nhân: Tin Mừng cho thấy thái độ của hai ông sau khi đã tin Chúa Giê-su đã phục sinh như sau: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở về Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp lại đó. Những người này bảo hai ông: Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon. Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh (Lc 24,33-35). Chính nhờ sức mạnh của đức tin vào mầu nhiệm phục sinh mà hai ông đã hăng hái vượt quãng đường dài về Giê-ru-sa-lem ngay trong đêm để chia sẻ cho các anh em tin mừng mình mới cảm nghiệm.

2. Tin yêu và chu toàn sứ vụ làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hôm nay:

a) Lời Chúa và Thánh Thể: phương thế gia tăng đức tin: Ngày nay để có thể tin vào mầu nhiệm Chúa Giê-su phục sinh thì ngoài việc cầu xin Chúa trợ giúp như người cha của đứa bé bị quỷ ám trong Tin Mừng đã nêu gương: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi” (Mc 9,24), mỗi người chúng ta còn phải siêng năng đọc Lời Chúa trong giờ kinh tối gia đình hằng ngày, khi cùng học sống Lời Chúa trong sinh hoạt hội đoàn hằng tuần, và siêng năng tham dự thánh lễ để được nghe Lời Chúa và kết hiệp với Thánh Thể...

b) Chúa luôn đồng hành với chúng ta: Trong cuộc sống mỗi khi gặp phải cơn thử thách, chúng ta thường nghĩ rằng: Chúa đã bỏ rơi mình rồi… và từ đó sinh ra chán nản, bỏ bê việc đọc kinh cầu nguyện, lười biếng dự lễ Chúa Nhật và có khi còn tin vào bói tóan, đồng cốt, bùa ngải… Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta rằng: Chúa Phục Sinh vẫn luôn đồng hành với chúng ta. Người ở bên ta những lúc ta được bình an, mà ngay cả những khi ta gặp rủi ro trái ý, bị thất bại trong việc thi cử, làm ăn thua lỗ, hay khi bị những chứng bệnh nan y… Chúng ta cần ý thức rằng Chúa vẫn luôn sống trong chúng ta vì Người là “Em-ma-nu-en” nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Người luôn ở bên và sẵn sàng ban ơn trợ giúp khi ta kêu cầu Người như lời một bài hát quen thuộc: “Có Chúa đi với tôi, tôi sẽ không còn sợ chi. Có Chúa đi với tôi, tôi sẽ không còn thiếu gì…”

c) Tập nhìn thấy Chúa đang hiện thân nơi người bên cạnh: Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta sự thật này là: Chúa Giê-su đang hiện thân nơi người chung quanh, có thể là người khách không quen trong một chuyến đi xa. Người có thể mang những khuôn mặt, hình dáng, tính tình, điệu bộ khác nhau nơi những người cùng khu xóm, phố chợ hay ngoài đường phố... Tình yêu của chúng ta đối với Chúa cần phải thể hiện ra với những con người cụ thể nói trên, chứ không phải chúng ta chỉ yêu một Chúa Giê-su trong tâm trí mà đủ.

4. Thảo luận:

1) Khi gặp một người lỡ đường xin tá túc ban đêm, chúng ta nên làm gì để vừa bảo đảm an toàn cho gia đình, vừa thực hành bác ái “Cho khách đỗ nhà” như kinh Thương Người đã dạy? 2) Hãy dâng lên Chúa một lời cầu xin cho những ngừơi không cơm ăn áo mặc, không nhà cửa hay người thân ruột thịt… và quyết tâm đem Chúa là niềm vui và hạnh phúc đến cho họ.

5. Nguyện cầu:

- Lạy Chúa Giêsu. Xin ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn rồi, vì lòng chúng con đang khao khát được nghe lời Chúa. Xin ở lại với chúng con, vì đức tin chúng con mỏng dòn yếu đuối, rất cần được Chúa thương ban ơn trợ giúp để vượt qua giông tố cuộc đời. Xin ở lại với chúng con, vì chúng con dễ sa chân lạc bước, hay chạy đi tìm thỏa mãn những đam mê bất chính, dễ chán nản buông xuôi khi gặp nghịch cảnh. Xin ở với chúng con, để chúng con thấy Chúa đang hiện diện nơi những người đau khổ và chân thành phục vụ họ như phục vụ chính Chúa. Xin ở lại với chúng con, vì khi gặp được Chúa, chúng con sẽ được biến đổi cuộc đời. Xin ở lại với chúng con, vì tâm hồn chúng con vẫn còn xao xuyến mãi, cho tới khi nào được nghỉ yên trong Chúa.

- Lạy Chúa. Hai môn đệ làng Em-mau đã sẵn sàng đón tiếp một người khách lạ đang cần một bữa ăn tối và một chỗ nghỉ đêm. Chính nhờ lòng quảng đại ấy, mà hai ông đã nhận ra người khách là Chúa Phục Sinh, và đã trở nên vui tươi phấn khởi. Xin cho chúng con cũng biết quảng đại đi bước trước để làm quen với một người lạ đang bơ vơ lạc đường, đang gặp cơn bệnh nan y, cho chúng con biết lắng nghe những lời tâm sự của họ để ủi an nâng đỡ với hết khả năng của mình. Xin cho chúng con biết siêng năng lắng nghe Lời Chúa và đón nhận Chúa khi tham dự thánh lễ. Nhờ gặp gỡ Chúa, chắc chắn chúng con sẽ được ơn Chúa biến đổi nên mới và chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho tha nhân, như hai môn đệ làng Em-mau xưa.

X) Hiệp cùng Mẹ Maria.- Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.

 

71.Hai môn đệ đi làng Emmaus

Mộ trống và những lần hiện ra chớp nhoáng mà mục đích chính là để "sai đi" không đủ thuyết phục để cả các tông đồ tin chắc là Đức Giêsu sống lại thật. Tác động mạnh mẽ của Chúa Phục Sinh bằng Thần Khí qua công thức được công nhận là "Người đang (vẫn) sống, đang hiện diện và hoạt động bằng Thần Khí của Người" mới thật sự làm cho họ tin.. Câu chuyện hai môn đệ đi làng Emmaus là một công thức khác để nhận ra Chúa Phục Sinh đối với những người ở các thế hệ sau là" Kinh Thánh (Phúc Âm) và Thánh Thể ". Trước khi có Phúc Âm thì Kinh Thánh là Môsê và các tiên tri, khi có Phúc Âm thì Phúc Âm là chính Chúa Giêsu.

Các đoạn chính của bài Phúc Âm:

Đang khi họ trò chuyện và bàn tán thì Đức Giêsu tiến đến và cùng đi với họ, nhưng họ không nhận ra vì còn bị che khuất: về sau từ từ hình thành công thức Phục Sinh: Người vẫn sống, hiện diện và hoạt động bằng Thần Khí của Người.

Đấng Kitô chẳng phải chịu khổ hình rồi mới được vinh quang sao? Rồi Nguời bắt đầu giải thích Kính Thánh cho các ông nghe từ Môsê cho đến các tiên tri tất cả những gì liên quan đến Người: Trước Đức Giêsu thì Kinh Thánh là Môsê và các tiên tri. Đó là những lời tiên báo mà nay đã được thực hiện.

Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ: Công thức của Bí tích Thánh Thể. Bản văn nầy được viết khi việc cử hành Thánh Thể đã vào nề nếp.

Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người.....Đức Giêsu hiện diện với nhân tính trong bí tích Thánh Thể. Nhưng không phải là Đức Giêsu như khi còn sinh tiền giữa các môn đệ lúc ở Galilê mà thân xác Người đã được biến đổi trở thành siêu nghiệm nên không thể nhận ra bằng "thấy" mà chỉ có thể bằng "biết" qua nghe giải thích Kinh Thánh.

Lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó sao? Kinh Thánh và tác động của Thần Khí mới biến đổi làm cho lòng các bừng cháy.

Nhận ra Đức Giêsu mới hiểu việc Nguời làm và khi ấy họ mới tin. Tin thì hết mọi ngờ vực, lo âu, ưu phiền, thất vọng,chán nản. Họ phấn khởi đang đêm quây trở lại, không bỏ về quê nữa.

Các ông - chúng ta - đi dường, bàn tán, buồn sầu, thất vọng, chán nản... Người tiến lại đồng hành, tiếp xúc, trò chuyện... Người ở trong tha nhân, những người chúng ta gặp gở trong đời sống hằng ngày. "Người đang sống, hiện diện, hoạt động bằng Thần Khí của Người" mà chúng ta không nhận ra.

Không hiểu Kinh Thánh thì có rước lễ, ngay cả làm lễ hằng nghìn hằng triệu lần cũng vẫn không nhận ra Người vì cỏn bị che khuất.

Đức Giêsu hiện diện trong Phúc Âm. Đức Giêsu Galilê được Thần Khí mà Đức Giêsu Phục Sinh thở hơi ban cho khi Người hiện đến với các tông đồ. Thần Khí mà Đức Giêsu hứa sẽ "dẫn đưa các tông đồ dến sự thật trọn vẹn" đã từ từ trong bốn mươi ngày và mười ngày "nhắc các ông nhớ lại và hiểu thấu" những gì Đức Giêsu đã nói và đã làm. Đem Đức Giêsu Phục Sinh ráp lại với Đức Giêsu Galile thì các ông biết và gặp lại Đức Giêsu trọn vẹn. Nhớ lại việc Người đã làm "tối thứ năm trước khi Người chịu chết". Biết và nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh thì họ gặp Người và tin Người đã sống lại "đang sống, đang hiện diện và đang hoạt động" với họ và nhờ họ mà mọi người tin và trở thành tín hữu. Cộng đoàn tiên khởi được hình thành và lớn lên.

Những ngưới tin chịu phép rửa, hằng ngày nghe các tông đồ dạy dổ"học kinh thánh" và tham dự nghi lễ "bẻ bánh". Và họ trở thành Ki Tô hữu và chính họ làm cho người khác thấy Chúa Kitô.

Nhờ tác động của Thần Khí, các tông đồ đã lấy các dữ liệu từ ký ức của mình mà phục chế Đức Giêsu và họ đã hiểu và đã rao giảng và cuối cùng đã ghi lại thành các sách Phúc Âm. Phúc Âm là Đức Giêsu. Chỉ có thể biết Đức Giêsu trong Phúc Âm ( không có tài liệu nào khác) còn gặp Đức Giêsu thì phải trong Bí tích Thánh Thể. Sau công thức " Đức Giêsu đang sống, đang hiện diện, đang hoạt động nhờ Thần Khí" là công thức "biết Đức Giêsu nhờ Phúc Âm và gặp Đức Giêsu trong Bí tích Thánh Thề ".

Nhưng lại rất bí ẩn Phúc Âm khó hiểu quá. Cho tới ngày nay các vấn đề của các sách Phúc Âm cũng chưa ngả ngủ mặc dù đã có nhiều công khó để nghiên cứu và kết quả cũng khả quan nhưng vẩn còn phải tiếp tuc..

Ngày nay những nhóm học hỏi và chia xẻ Phúc Âm mọc lên rất nhiều ở khắp nơi và kết quả rất khích lệ , Nhưng nếu không có những nhà chuyên môn hướng dẩn thì có thể bị lệch lạc..

Đời sống Kitô hữu phải được nuôi dưởng bằng Phúc Âm và Thánh Thể (không phải chỉ Thánh Thể). Những người có trách nhiệm "mục tử" trước hết phải cố gắng cho con chiên ăn Lời Chúa như của ăn chính. Phụng vụ Lời Chúa dẩn người tín hữu tới Thánh Thể thì họ mới nhận ra Chúa Giêsu và mới có gặp gở với Người. Không biết thì không có gặp gở. Đại Hội dân Chúa tại Sài Gòn vừa qua cũng có lời cầu xin: "Xin cho chúng con Lời Chúa".

 

72.Chúng tôi xin làm chứng

Anh chị em thân mến,

Sau khi Chúa tử nạn, bị chôn vùi trong mồ ba ngày, các môn đệ rất thất vọng; họ muốn trở về với công việc của riêng mình. Đúng lúc đó, Chúa xuất hiện củng cố niềm tin cho họ, giúp họ hiểu Lời Chúạ Chính Chúa cặn kẻ giải thích Kinh Thánh cho họ và còn nhấn mạnh: Người phải thực hiện cho trọn Lời Kinh Thánh đã nói trong Cựu Ước… Đây chính là điều mà Hội Thánh mong muốn chúng ta suy niệm trong ngày Chúa nhật hôm nay

a/. Câu chuyện trên đường đi Emmau:

Câu chuyện này ít ai biết, chỉ một mình Luca thuật lạị Câu chuyện xảy ra vào chiều ngày chúa nhật phục sinh, trên quảng đường từ Giêrusalem tiến về Emmau, cách nhau lối 20 cs. Hai môn đệ cùng đi; một người tên Clêôphas, còn người kia không rõ tên... Họ đi một đổi đường rồi, Chúa Giêsu mới hiện ra và đi với họ, dù vậy họ chưa nhận ra là Chúạ Họ đang nói chuyện với nhau về biến cố Chúa tử nạn, họ đau buồn vì Chúa đã chết; họ chưa hiểu Người phải sống lạị Sau đó chính Chúa phải giải thích cặn kẻ cho họ Lời Kinh Thánh nói về Ngườị Lúc đó họ mới hiểu được; nhưng mãi cho tới khi Chúa cầm lấy bánh, chúc tụng, bẻ ra trao cho họ, mắt họ mới sáng lên và nhận ra là chính Chúa....

b/. Biến cố Chúa phục sinh đem lại hai điều cho các môn đệ của Chúa: Niềm vui vì Chúa phục sinh: câu chuyện hai môn đệ đi làng Emmau là một bằng chứng. Lúc họ bỏ Giêrusalem mà đi, họ buồn nản thất vọng bao nhiêu, thì khi hiểu được Chúa sẽ sống lại, nhất là khi nhận ra người lúc bẻ bánh, các ông vui mừng còn hơn thế nữạ Trong mấy lần hiện ra khác tại nhà Tiệc Ly, có đông đủ các tông đồ và môn đệ, khi Chúa hiện ra cho các ông thấy, họ vui mừng xiết bao vì, họ chưa hiểu rõ Lời Kinh thánh và những gì Chúa nói trước, nên họ nghỉ cái chết của Chúa là chấm hết những ước mong giải thoát Israel của họ "mộng vàng tan bay". Chính vì thế, Chúa phục sinh chính là niềm vui sướng hạnh phúc cho họ.... các môn đệ nhận ra: Chúa luôn sống và đồng hành với họ: Chúa đã sống lại, không giống như Ladarô được Chúa cho sống lại, vì Ladarô vẫn còn phải chết một lần nữạ Chúa sống lại với chính thân xác của Chúa ngày xưa, nhưng đã được thần hóa, không cần phải ăn phải uống, không lệ thuộc vào không gian và thời gian; và Chúa không phải chết nữạ Với thân xác đó, các môn đệ vẫn có thể sờ mó, đụng chạm được. Chính Chúa khi hiện ra trên bờ biển hồ Tibêriađê, Người vẫn ngồi ăn với các ông... Điều chúng tôi muốn nói ở đây chính là Chúa sống lại với thân xác đó, trong một cuộc sống khác, không dễ nhận ra, nhưng Người vẫn luôn đồng hành, hiện diện bên các ông, như chính lời Chúa nói: "Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế ". Trong mấy lần hiện ra khác, Chúa luôn ban bình an cho các môn đệ, an ủi khích lệ họ, để họ nhận ra người luôn đồng hành với họ...

Ai đã đọc cuốn sách: "Lửa thiêng Tây Nguyên", thuật lại cuộc hành trình truyền giáo cho dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên của các cha thừa sai Paris, dưới quyền lãnh đạo của Đức Cha Cuénot, Giám mục địa phận Đông Đàng Trong (miền Trung Việt Nam); ngày hôm nay, ta gọi là địa phận Kontum. Thiên hồi ký này ghi lại cuộc hành trình truyền giáo từ năm 1850 - 1885 do cha Dourisboure thuật lạị Chúng ta sẽ thấy vô cùng cảm phục: Các vị truyền giáo sống giữa rừng thiêng nước độc, chịu đựng đủ mọi thứ hiểm nguy: ăn uống thiếu thốn, dả thú, bệnh tật, rình rập bắt bớ của quan quân triêu đình, thái độ e dè của kẻ ngoại cuồng tín. Vậy mà các ngài vẫn vững vàng. Lý do các ngài bền chí như thế, chắc chắn vì các ngài đã tin vững vàng Chúa Kitô đã chết và đã sống lại, để cho mọi người được sống. Trong khi đó, các bạn của cha Dourisboure, khi đến đây đã không sống quá 10 vì hung thần kiết lỵ và sốt rét rừng; chỉ có một mình cha sống được 35 năm mà thôi....

c/. Gợi ý sống và chia sẻ: Biến cố Chúa Kitô đã sống lại, đem lại niềm vui to lớn cho các tông đồ, các môn đệ. Biến cố này có phải cũng là niềm vui thực sự cho mỗi người kitô hữu chúng ta không?

 

73.Tỉnh ngộ

Trong đời sống đức tin của người Kitô hữu, có rất nhiều việc chúng ta làm cách vô ý thức hay không chú tâm đủ. Rất nhiều lần, chúng ta làm những việc như đọc kinh, dự lễ, cầu nguyện... một cách máy móc, vô hồn và dĩ nhiên chẳng ích lợi gì cho chúng ta. Kết quả là chúng ta cảm thấy nhàm chán và mất đức tin với những công việc xem ra rất đạo đức ấy. Hoặc cũng có thể, chúng ta làm những việc xem ra rất đúng luật hay rất đúng với những Lời Chúa dạy, nhưng với mục đích khác: làm để được khen, để lấy uy tín, để nổi danh hay tìm một chỗ ẩn náu an toàn. Quả là đôi khi thân xác chúng ta ở bên Chúa mà lòng thì thật là xa Chúa: "Đồng sàng nhưng dị mộng". Và dĩ nhiên, kết cuộc của những gì là tính toán, là vụ lợi, là ích kỷ... sẽ dẫn đưa con người vào ngõ cụt và bóng tối. Giuđa tông đồ là một mẫu gương cho chúng ta nhìn ngắm.

Hãy tỉnh ngộ!

Câu chuyện 2 người môn đệ trên đường Emaus trong đoạn Tin mừng hôm nay cũng cho chúng ta nhiều điều để suy gẫm trong chiều hướng "tỉnh ngộ" trong đời sống đức tin và bước đi theo Chúa.

Chúng ta thử hỏi mục đích của 2 môn đệ này bước đi theo Chúa và làm môn đệ của Chúa Giêsu là gì; có đúng với ý muốn của Chúa Giêsu khi kêu gọi họ bước theo Ngài không? Tôi nghĩ là không. Vì chính miệng lưỡi của họ đã nói lên nỗi niềm của họ khi được dịp tâm sự và thổ lộ: "Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel ". Chữ "cứu" ở đây theo ý của họ là giải thoát Israel khỏi sự đô hộ của Đế quốc Rôma đang cai trị đất nước của họ bằng con đường làm chính trị. Họ quan niệm Đấng cứu thế theo kiểu thế gian: Một Đấng Messia làm chính trị và được dành riêng cho Israel. Vì mang hy vọng hão huyền như thế, nên họ đâu thấy được Chúa thực hiện điều gì theo như điều họ muốn và nghĩ tưởng. Đây cũng là hy vọng và suy nghĩ của một số đông các tông đồ được Chúa kêu gọi và tuyển chọn trong Nhóm 12. Rõ ràng là "đồng sàng nhưng dị mộng".

Không phải vì Chúa Giêsu không dạy hay không nói cho họ biết về sứ mạng của Ngài; cũng không phải Ngài không giáo dục họ về vai trò môn đệ của họ khi bước đi theo Ngài. Nhưng vì họ mải mê trong những dự tính riêng của mình nên không hiểu hay hiểu sai những lời Chúa dạy và những việc Chúa làm. Chẳng hạn, 2 anh em Giacôbê và Gioan luôn nuôi trong mình ước muốn là làm sao khi Đức Giêsu lập Quốc hay lên cai trị Israel , thì 2 anh em họ được một chỗ danh dự và cao trọng bên Chúa Giêsu. Chúng ta hãy nghe họ bày tỏ tâm sự của mình với Chúa Giêsu khi có dịp tâm sự. Họ nói: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang." (Mc 10,37). Những dự tính rất riêng, rất trần trục nhưng cũng là hy vọng và động lực của họ khi bước theo Chúa Giêsu. Và chính vì bước theo Chúa với những động lực và tính toán như thế, nên những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, những hành động minh chứng cho sứ mạng Messia đích thực của Ngài không được các môn đệ chú ý và hiểu cho đúng đắn. Nên khi Chúa Giêsu đi vào cuộc khổ nạn, thì các ông hoang mang, lo sợ và thất vọng.

Hãy tỉnh ngộ!

Vì tình yêu, Chúa Giêsu sau khi phục sinh từ cõi chết như lời Ngài đã tiên báo nhiều lần với các môn đệ không muốn để họ sống trong bóng đêm của sự chán chường và thất vọng, nên Ngài đã đến với họ và "mở mắt" tâm hồn cho họ. Ngài dùng chính Thánh kinh để dẫn đưa cho niềm tin của họ quay về. Ngài dùng tất cả những lời các ngôn sứ tiên báo về Ngài để soi lòng mở tr1i cho họ, nhưng họ vẫn chưa nhận ra Ngài. Vẫn còn là tối tăm. Chưa tỉnh ngộ! Rồi cũng chính vì tình yêu, Ngài dùng đến những cử chỉ thân ái nhất mà Ngài đã từng làm họ trong bữa Tiệc Ly "bẻ bánh trao cho các ông".

Với sức mạnh của Lời Chúa và Thánh Thể, họ đã tỉnh ngộ và nhận ra Chúa Giêsu Phục sinh đang sống và đang đồng hành với họ trên nẻo đường họ đang tiến bước. Chúa Giêsu Phục sinh đã hiện hiện luôn với con người và làm cho lòng con người được bừng sáng ngọn lửa tin yêu và hy vọng. Nhất là Ngài làm cho họ nhận ra được Ngài đang sống và đang hoạt động với họ. Ngài đang đồng hành với họ và không bao giờ để cho họ chìm trong cô đơn hay tuyệt vọng. Niềm tin Phục sinh đã bừng lên xoá tan bóng đêm của thất vọng, nghi nan và sợ hãi.

Đây là bài học rất tuyệt vời cho người Kitô hữu chúng ta. Nhiều lúc trên hành trình tiến bước theo Chúa Giêsu, làm môn đệ của Ngài, chúng ta đã đắm chìm trong bóng đêm của thất vọng, của chán chướng và sợ hãi. Những khi đó, ta hãy tìm đến với Lời Chúa và với Thánh Thể của Chúa. Hơn nữa, đức tin của người Kitô hữu chúng ta không thể lớn lên và vững mạnh nếu chúng ta không thường xuyên tiếp nhận Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể Ngài. Hãy làm cho lòng ta được bừng sáng nhờ kết hợp với Chúa Giêsu Phục sinh cũng như hãy tỉnh ngộ với những động lực theo Ngài của chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta can trường và vững bước theo Ngài vì Ngài là Thiên Chúa hằng sống, đã Phục sinh vinh hiển cho chúng ta và vì chúng ta.

 

74.Bắt gặp Chúa trên mọi nẻo đường

(Suy niệm của Huệ Minh)

Tin mừng Lc 24: 13-35: Trang Tin Mừng hôm nay ghi lại cảm nghiệm về Ðấng Phục Sinh của hai người môn đệ đang trên đường đi về lành Emmaus. Cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Kitô Phục Sinh đã diễn ra trong lúc họ đang trên đường trở về...

Sau khi các phụ nữ đã mang sứ điệp Phục Sinh đến cho cộng đoàn (23,55–24,12), tác giả Luca mô tả hai cuộc hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh: Đức Giêsu cùng đi đường với hai môn đệ Emmau (24,13-35) và hiện ra giữa cộng đoàn (24,36-53).

Riêng cho truyện Emmau, chúng ta không có đoạn văn Nhất Lãm song song nào cả. Bản văn có ngữ cảnh sau: Sau khi các phụ nữ đã viếng (cả Phêrô: 24,12) ngôi mộ mở và trống của Đức Giêsu (24,2t), ta biết rằng Đức Giêsu đã sống lại và đang sống, nên không thể gặp Người giữa kẻ chết.

Trang Tin Mừng hôm nay ghi lại cảm nghiệm về Ðấng Phục Sinh của hai người môn đệ đang trên đường đi về lành Emmaus. Cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Kitô Phục Sinh đã diễn ra trong lúc họ đang trên đường trở về làng cũ trong tâm trạng chán nản, buồn bã. Chúa Giêsu đã xuất hiện, không phải để mang lại giải đáp cho những câu hỏi được đặt ra, mà trái lại, Người gây nên thắc mắc và dẫn họ đi cho đến cùng sự tìm kiếm của mình.

Hai môn đệ cùng đi với nhau, họ chia sẻ các tâm tình với nhau, nhưng dường họ cũng không đồng quan điểm với nhau; có chuyện gì đó đã xảy ra khiến họ bị chao đảo và họ vẫn chưa có thể đồng ý với nhau về chuyện ấy hoặc tìm lại được bình an. Đức Giêsu tiến đến cùng đi với họ, rồi hỏi họ (cc. 15-19a). Họ kể lại các sự cố đã xảy ra cho Đức Giêsu theo quan điểm của họ (cc. 19b-24). Sau đó, Đức Giêsu đã trình bày cho thấy là tất cả những gì đã xảy ra đều phù hợp với Kinh Thánh (cc. 25-27).

Sau khi Đức Giêsu đã trở thành bạn đồng hành của họ, dù họ vẫn không biết Người là ai (cc. 15-16), hai bên đã trao đổi ba câu hỏi (cc. 17-19a), đưa đến chỗ họ kể chuyện rõ ràng hơn. Tác giả nhắc lại rằng con người đến gần hai môn đệ và bắt đầu bước đi với họ đúng là Đức Giêsu. Chính tác giả đã kể lại rằng hành vi cuối cùng Đức Giêsu đã làm sau khi kêu lên với Chúa Cha (23,46) là “tắt thở”. Bây giờ các hành động mới của Người là: đến gần, cùng đi, hỏi, cho thấy rằng Người thật sự đang sống (x. 24,5) và quan tâm trước tiên đến các môn đệ Người. Rõ ràng Đức Giêsu đến như mộtngười lữ khách bình thường, nhưng hai người môn đệ không nhận ra Người. Kế đó, Lc đưa vào ba câu hỏi (24,17.18.19). Câu thứ nhất là của Đức Giêsu, Người tham gia vào cuộc thảo luận của họ (c. 17).

Phản ứng đầu tiên của họ là dừng lại. Cho tới nay, chỉ toàn là chuyển động: đi đến (c. 13), cùng đi (c. 15), đi (c. 17). Việc dừng lại dường như là do sự ngạc nhiên được diễn tả trong câu hỏi tiếp sau (c. 18). Tác giả cho biết “vẻ mặt họ buồn rầu”. Phản ứng thứ hai là câu hỏi của một ông tên là Cơlêôpát. Ông này cho biết là trong những ngày này, người ta chỉ có thể nói về mộtchuyện duy nhất, nên mộtngười lạ cũng phải biết; thế mà người bạn đồng hành này lại không biết! Tâm trí của Cơlêôpát còn đầy các biến cố vừa xảy ra. Đức Giêsu trả lời bằng mộtcâu hỏi thứ hai, rất ngắn: Những chuyện gì vậy?”.

Là nhân vật chính trong các biến cố ấy, Người lại tỏ ra như không biết. Người chứng tỏ sẵn sàng lắng nghe và đã tạo cơ hội cho họ diễn tả các tư tưởng và các mối bận tâm.

Cảm nghiệm về Ðấng Phục Sinh của hai người môn đệ đang trên đường đi về làng Emmaus cũng có thể diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người tín hữu Kitô. Ðấng Phục Sinh luôn là người đồng hành với chúng ta. Trên mọi nẻo đường của cuộc sống chúng ta, Ngài luôn đi bên cạnh kể chuyện, hỏi han, tra vấn và tham dự vào mọi sinh hoạt của chúng ta. Cuộc sống của mỗi ngày chính là nơi Ngài đến để gặp gỡ con người.

Cuộc sống mỗi ngày mới là nơi hẹn hò của Ðấng Phục Sinh với con người, là bởi vì cuộc sống ấy không bao giờ có thể làm cho con người thỏa mãn. Bên kia niềm vui và nỗi khổ, bên kia thành công và thất bại, con người vẫn nhận ra sự vong thân và thân phận nghèo hèn của mình.

Ta thấy rằng nỗi khao khát về tuyệt đối con người không thể thỏa mãn được trong cuộc sống này, hoặc nếu có tìm cách xoa dịu thì lại tuyệt đối hóa những giá trị chóng qua của cuộc sống, để rồi cuối cùng vẫn thấy mình bị vong thân và bất lực. Bất lực trước cảnh khốn cùng, bất lực trước chiến tranh nghèo khổ, bệnh tật, bất lực trước hận thù, ích kỷ và nhất là bất lực trước cái chết. Sống trong thân phận ấy, con người không khỏi nêu lên câu hỏi: "Ðâu là ý nghĩa của tất cả những điều đó? Ðâu là ý nghĩa của thân phận con người?"

Chính lúc ấy, Chúa Kitô Phục Sinh xuất hiện, Ngài đến không phải để mang lại câu giải đáp, mà trước hết, như một con người giữa chúng ta, một con người cũng từng nêu lên những câu hỏi ấy, và cũng đã từng nổi loạn trước những nghiệt ngã của thân phận con người. Ngài đã từng mơ ước về một nhân loại tốt đẹp hơn. Ngài đã nói tất cả và đã làm hết sức có thể để xây dựng nhân loại ấy. Và cuối cùng, với cái chết đau thương trên thập giá, xem ra Ngài cũng đành bó tay bỏ cuộc. Nhưng chính lúc ấy, vì đã vâng phục Chúa Cha một cách tuyệt đối để sống tận kiếp người và sống trọn vẹn cho con người, Ngài đã mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.

Ðây chính là kinh nghiệm mà người bạn đồng hành, Chúa Giêsu Phục Sinh, đã chia sẻ cho hai người môn đệ trên đường Emmaus. Tâm hồn họ nóng bừng lên khi Ngài chia sẻ kinh nghiệm của Ngài, và nhất là khi Ngài nói lên ý nghĩa về cái chết của Ngài qua cử chỉ bẻ bánh và trao ban. Mắt của hai người môn đệ đã mở ra để nhận biết Ngài, hiểu được các biến cố vừa xảy ra, và dĩ nhiên thấy được ý nghĩa của chính cuộc sống của họ.

Qua trang Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện của Chúa trong Thánh Kinh và Thánh Thể. Ngài hiện diện cách vô hình chúng ta chỉ nhận ra Ngài bằng đức tin. Chúa Giêsu luôn hiện diện với chúng ta trong cuộc lữ hành về quê trời, chúng ta phải biết lắng nghe lời Chúa, học hỏi, suy niệm Kinh Thánh, để lòng chúng ta được sưởi ấm, mắt đức tin chúng ta mở ra để nhận ra Chúa Giêsu trong Thánh Thể, và thể hiện niềm tin bằng việc đi đến với anh chị em của mình. Chúng ta cần tin tưởng vào Chúa, cả lúc chúng ta thất vọng chán nản. Chúng ta cũng có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa để đón nhận giáo huấn của Ngài qua các dấu chỉ nơi những người cùng đồng hành với chúng ta trong cuộc sống. Chúng ta siêng năng học hỏi, đọc và suy niệm lời Chúa, để củng cố đức tin và sưởi ấm tâm hồn chúng ta thêm sốt sắng đạo đức, thêm lòng khao khát gặp gỡ Chúa trong các việc đạo đức, và chúng ta trở nên những tông đồ loan báo tin mừng phục sinh cho người khác.

Ngày nay, trong từng biến cố của cuộc sống chúng ta, Chúa Kitô Phục Sinh cũng đang đến và đồng hành với chúng ta trong từng sinh hoạt và gặp gỡ của chúng ta. Ngài có mặt trong từng niềm vui và nỗi khổ của chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận Ngài như người bạn đồng hành, chuyện vãn và chia sẻ với chúng ta, đôi mắt đức tin của chúng ta sẽ mở ra, và lúc đó, trong ánh sáng Phục Sinh của Ngài, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.

Bài cùng chuyên mục:

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7