Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa Chúa nhật Chúa lễ Mân Côi

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,042
  • Ngày đăng: 29/09/2021 09:12:45

Tìm Hiểu Lời Chúa Lễ Mân Côi

 

 

Chúng ta vẫn thường đọc kinh Mân Côi, nhưng các vị chủ chăn không ngừng nhắc nhở chúng ta rằng: “Với kinh Mân Côi, dân Kitô giáo theo học tại ngôi trường của Đức Maria, để học sống các nhân đức của Mẹ”. Các bài đọc trong lễ Mân Côi hôm nay trình bày cho chúng ta mẫu gương Đức Maria sống trọn vẹn niềm tin của mình vào Thiên Chúa. Và đó là bài học cho mỗi người chúng ta trong cuộc lữ hành này.

 

BÀI ĐỌC 1: Ml 3,13-20a

Niềm hi vọng mới

Bài đọc này trích từ sách tiên tri Malakhi, cuốn sách cuối cùng của Cựu Ước; và phần chúng ta đọc hôm nay cũng là những dòng cuối cùng của cuốn sách này. Nội dung bài đọc cho thấy một kết thúc ảm đạm  của Giao Ước cũ, nhưng đồng thời cũng đưa ra niềm hi vọng là Đức Chúa không từ bỏ kế hoạch yêu thương của Ngài. Sau hàng nghìn năm được Chúa tuyển chọn và yêu thương dìu dắt, Israel vẫn là một dân nghi ngờ với tâm hồn cứng cỏi chai đá. Họ nói những lời chống lại Đức Chúa, Đấng đã nhiều lần ngỏ với họ “Ta yêu thương ngươi” thì giờ đây phải đau lòng trước những lời cáo buộc “cứng cỏi” của dân. Giống như lời tác giả Thánh vịnh 73,13, họ nghi ngờ việc mình phụng thờ Đức Chúa, coi đó là chuyện viển vông; họ cho rằng thực hành các lệnh truyền của Đức Chúa là điều vô ích (c. 14). Họ tôn vinh những người kiêu ngạo và những người làm điều ác (c. 15) và ghen tị với những người này vì thấy họ được thịnh đạt. Bài đọc này chuẩn bị chúng ta lắng nghe Lời Chúa trong Tin Mừng để chiêm ngắm Đức Maria, nữ tỳ khiêm hạ thành Nazareth. Lời Chúa đã dùng những hình ảnh tương phản này, giữa một dân Israel ngờ vực, cứng đầu và hình ảnh Đức Maria mau mắn tuân theo lời Thiên Chúa. Một Đức Maria hoàn toàn phó mặc cho tình yêu Thiên Chúa dẫn dắt. Một Đức Maria hết lòng phục vụ kế hoạch của Đấng Cứu Thế. Vì thế, Mẹ là mẫu gương cho mỗi người chúng ta là con Mẹ trong hành trình đức tin

 

ĐÁP CA: Lc 1,46-50, 53-54

Vui mừng trong Đấng Cứu Chuộc

 Thánh vịnh đáp ca hôm nay trích từ lời kinh ca ngợi tuyệt đẹp của Đức Trinh Nữ Maria, mà chúng ta gọi là “Kinh Magnificat.” Bài thánh ca này đáp lại lời cảm thán của bà Elizabeth là người chị họ, về niềm tin của Mẹ vào Thiên Chúa và sự tôn vinh mà Ngài đã thể hiện với Mẹ là “thân mẫu của Chúa tôi”, trong Luca 1,43.

 

Bài thánh ca ngợi khen của Đức Maria được chia thành ba phần, hai phần được sử dụng trong đáp ca hôm nay:

  • Mẹ ca ngợi Thiên Chúa vì những gì Ngài đã làm cho Mẹ (cc. 46b-49).
  • Mẹ ca khen lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những người nghèo khó và khiêm nhường (cc. 50-53).
  • Mẹ ca ngợi lòng thành tín của Thiên Chúa đối với dòng dõi Ápraham, dân tộc Israel (cc. 54-55).

 

Bài thánh ca ngợi của Đức Maria biểu tỏ lòng khiêm nhường và đức tin của Mẹ; đó là cách thức Chúa hoạt động nơi Mẹ. Trích dẫn sách GLHTCG số 722, Giáo hội dạy: “Chúa Thánh Thần đã dùng ân sủng của Ngài mà chuẩn bị Đức Maria. Mẹ của Đấng ‘nơi Người tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể’ (Cl 2,9), tất phải ‘đầy ơn phúc’. Đức Maria đã được thụ thai, trong ân sủng thuần túy, không hề có tội, với tư cách là người khiêm tốn nhất trong các thụ tạo, xứng đáng nhất trong mọi người để đón nhận hồng ân khôn tả của Đấng Toàn Năng. Thiên thần Gabriel chào Mẹ cách chính xác là ‘con gái Sion’: ‘Kinh mừng’- ‘Mừng vui lên’. Chính Mẹ, trong bài thánh ca của mình, đã làm cho lời tạ ơn của toàn dân Thiên Chúa và của Hội Thánh lên tới Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, khi Mẹ cưu mang nơi mình Chúa Con vĩnh cửu”.

 

BÀI ĐỌC 2: Cv 1,12-14

Chờ đợi trong cầu nguyện

Quang cảnh của bài đọc này, mặc dù bản văn không nói rõ, nhưng một truyền thống lâu đời xác định căn phòng trên là nơi Chúa Giêsu cử hành bữa Tiệc ly với các môn đệ (x. Lc 22,12), là nhà của mẹ của Gioan Marcô (x. Cv 12,12). Căn phòng đã được trang bị như thế nào không được nêu rõ. Điểm quan trọng của tường thuật là việc các môn đệ tụ họp lại với nhau để cầu nguyện. Chúa Giêsu đã lên trời. Những người đi lên núi với Chúa Giêsu trở về thành, đến nơi họ đang ở, và dành hết tâm trí để cầu nguyện. Một chương trong lịch sử cũ đã khép lại và một chương mới vẫn chưa mở ra. Những người môn đệ của Chúa được mô tả là không hoang mang hay thất vọng. Họ cũng không chờ đợi trong sự nóng ruột hay lo lắng. Đoạn văn chỉ đơn giản nói rằng họ dành hết tâm trí cho việc cầu nguyện. Danh sách các tông đồ tương ứng với danh sách thấy trong các trình thuật phúc âm (x. Lc 6,14-16), ngoại trừ Giuđa Iscariot. Simôn được xác định là một thành viên của phong trào Zealot, một tổ chức chiến binh đòi độc lập cho người Do Thái. Những người phụ nữ đi cùng những người đàn ông này có thể là vợ của họ hoặc những phụ nữ đã đi theo Chúa Giêsu từ Galilê và tham dự vào cuộc mai táng Người (x. Lc 23,55). Một cách đặc biệt, hiện diện giữa nhóm này có thân mẫu Chúa Giêsu cùng với những người anh em của Người. Những người này không còn đặt vấn đề về tính xác thực của sứ vụ của Chúa Giêsu nữa (x. Ga 7,5). Giờ đây, họ cùng kết nối với các môn đệ của Người để cầu nguyện và mở rộng tâm hồn đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa đang diễn ra.

 

TIN MỪNG: Lc 1,26-38

Truyền tin cho Đức Maria

Trình thuật về việc truyền tin cho Đức Maria được kết dệt theo một khuôn mẫu truyền thống về những lời loan báo về sự sinh nở có sự can thiệp của sứ thần (x. cho Haga, St 16, 7-16; cho mẹ của Samsôn, Tl  13,2-7). Những câu chuyện như vậy nhắc nhớ người đọc về ý nghĩa thiêng liêng của các dữ kiện tương lai trong cuộc đời của những đứa trẻ sẽ được sinh ra. Đoạn văn hôm nay mở ra với những chi tiết đặt biến cố trong một bức tranh rộng hơn về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Sự kiện này xảy ra trong tháng thứ sáu khi bà chị họ Đức Maria mang thai người con của mình. Cặp vợ chồng này xuất thân từ hai gia đình đều thuộc dòng tộc tư tế (1,5). Biến cố truyền tin này, mặc dù xảy ra với hậu duệ của vua Đavít vĩ đại, nó lại chỉ xuất hiện ở một nơi xa khuất của miền Galilê.

 

Lời chào mở đầu của sứ thần: “Kính chào bà đầy ơn phúc! Thiên Chúa ở cùng bà” (c. 28), rõ ràng nói lên phẩm giá phi thường của Đức Maria. Cách chào thông thường của người Hy Lạp: “Xin kính mừng!” mang hàm ý “vui mừng lên” và gợi lại những lời ngôn sứ về sự phục hồi, một chủ đề làm nền tảng cho toàn bộ trình thuật. Như điển hình cho mỗi lần hiện ra của các sứ thần, thì phản ứng ban đầu của Đức Maria là sợ hãi, nhưng còn một lý do khác khiến Ngài lo lắng. Đó là, trong quá khứ, một cái giá đắt, thậm chí có thể là chính mạng sống, đôi khi đi kèm theo những người được Thiên Chúa ban ơn (Vd: Nôe, St 6, 8; Môsê, Xh 33,12; Giđêôn, Tl 6,17; Samuen, 1 Sm 2,26). Đức Maria, một phụ nữ được Thiên Chúa ban ơn, ở đây là được mời làm máng chuyển ơn cứu rỗi cho dân Chúa. Điều này rất có thể sẽ đòi hỏi Mẹ phải chịu những khó khăn và thử thách lớn lao.

 

Phản ứng của sứ thần vừa giúp Đức Mẹ an tâm vừa khiến Ngài bối rối. Đầu tiên Mẹ được bảo là đừng sợ hãi, nhưng những gì Mẹ được cho biết sau đó thực sự gây kinh sợ. Mẹ, một trinh nữ (c. 27), sẽ sinh hạ một người con trai, tên của Người cho thấy vai trò Người nắm giữ trong kế hoạch của Thiên Chúa:  (“Giêsu” có nghĩa là “Chúa cứu chuộc”) Người sẽ là một Đấng Cứu Tinh; Người sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao; và Người sẽ là hậu duệ cuối cùng của Đavít. Lời đáp trả của Maria là không hỏi lại tất cả những điều này có thể xảy ra theo kế hoạch của Thiên Chúa hay không, nhưng Ngài tự hỏi nó sẽ xảy ra như thế nào, vì Ngài là một trinh nữ. Sứ thần Gáprien trả lời rằng Mẹ sẽ được Thần Khí và quyền năng của Chúa bao phủ. Ngôn ngữ tượng hình này gợi nhớ đến đám mây đọng lại trên lều hội ngộ, biểu thị sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài (Xh 40,35). Biến cố thụ thai Ngôi Hai trong lòng Mẹ là việc Thiên Chúa làm.

 

Thiên thần còn trấn an Maria về khả năng xảy ra tất cả những điều này bằng cách cho Ngài một dấu chỉ  cụ thể. Người bà con Elisabét của Mẹ cũng đã mang thai một người con trai, mặc dù hoàn cảnh này không thể xảy ra (c. 36). Tuyên bố rằng: “Không có gì mà Thiên Chúa không làm được” (c. 37) lặp lại lời Thiên Chúa nói với Abraham trong hoàn cảnh tương tự, bảo đảm với ông về sự ra đời của Isaác trong tương lai (St 18,14).

 

Quang cảnh kết thúc với sự ưng thuận của Maria. Giống như những câu chuyện khác về sự hiện ra của sứ thần đối với phụ nữ trong thế giới phụ hệ, Maria ứng đối trực tiếp với vị sứ giả của Thiên Chúa mà không qua trung gian của người cha hoặc người chồng dự định (x. St 16, 7-16; Tl 13,2-5). Đức Mẹ không chỉ thoát khỏi những ràng buộc gia trưởng, nhưng lời đáp trả của Ngài còn cho thấy Ngài hoàn toàn tự do trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Mặc dù là một người tôi tá Chúa, Mẹ cũng là một hình mẫu của thái độ mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Thiên Chúa, bất kể những điều được coi là bất khả dưới con mắt loài người và viễn cảnh của những khó khăn tiếp theo đó. Bài đọc cho thấy rằng những niềm ước mong trong quá khứ đang được thực hiện; kế hoạch của Thiên Chúa sắp được hoàn tất.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

 GLHTCG  484-494: Biến cố Truyền Tin

 GLHTCG  439, 496, 559, 2616: Đức Giêsu là con vua Đavít

 GLHTCG  143-149, 494, 2087: Sự “vâng phục của đức tin”

     Linh mục Giuse Ngô Quang Trung

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 34 Thường niên– Năm B - 2024 (21/11/2024 08:35:00 - Xem: 29)

Kinh Tiền Tụng của lễ Kitô Vua có nói đến những nét của Nước Thiên Chúa vào ngày quang lâm: Nước đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn tình thương, công lý và bình an. Bạn thích nét nào hơn cả?

Học Hỏi Phúc Âm CN lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam - 2024 (13/11/2024 05:52:05 - Xem: 112)

Ở Việt Nam, đức tính nào của người Công giáo có sức thu hút mạnh mẽ những người chưa biết Chúa?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 32 Thường niên– Năm A- 2024 (04/11/2024 14:34:58 - Xem: 118)

Bạn nghĩ gì về cách đánh giá của mình về người khác? Bạn có hay đánh giá theo cái nhìn bên ngoài không? Bạn học được gì nơi cách đánh giá của Thiên Chúa?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 31 thường niên Năm B - 2024 (28/10/2024 07:31:06 - Xem: 153)

Đức Giêsu tóm mọi điều răn trong một động từ “yêu mến”. Bạn có thấy tình yêu chi phối đời sống đạo của bạn không? Theo bạn, kẻ thù nguy hiểm nhất của tình yêu là gì?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 30 thường niên Năm B - 2024 (24/10/2024 10:27:00 - Xem: 177)

Nếu hôm nay Chúa Giêsu hỏi tôi: “Con muốn Ta làm gì cho con?” tôi sẽ trả lời ra sao? Tôi có thấy mình cần được sáng mắt về tâm linh không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 29 Thường niên– Năm B - 2024 (14/10/2024 07:27:21 - Xem: 284)

Bạn nghĩ gì về cám dỗ của quyền lực, ở trong cũng như ngoài Giáo hội? Bạn thường theo kiểu lãnh đạo nào?

Bài 89: Con lạc đà chui qua lỗ kim… (11/10/2024 07:58:26 - Xem: 181)

Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao !” (10,23), khó đến mức mà “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (10,25).

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 28 Thường niên– Năm B - 2024 (07/10/2024 07:23:43 - Xem: 240)

Nếu Chúa Giêsu gặp tôi hôm nay, Ngài sẽ nói tôi còn thiếu một hay nhiều điều? Điều gì vậy? Tôi sẽ đáp lại ra sao?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 27 Thường niên– Năm B - 2024 (30/09/2024 08:01:00 - Xem: 270)

Đời sống hôn nhân ngày nay gặp nhiều khủng hoảng. Đâu là những lý do dẫn đến ly dị hay ngoại tình nơi các đôi vợ chồng hôm nay?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 26 Thường niên– Năm B - 2024 (23/09/2024 07:58:29 - Xem: 348)

Đọc Mc 9,43.48. Theo bạn, hỏa ngục là hình phạt như thế nào? Bạn tin có hỏa ngục không? Tại sao?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7