Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa Chúa nhật Chúa 30 TN năm B

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,743
  • Ngày đăng: 20/10/2021 05:42:22

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 30 Thường Niên, Năm B

 

 

Khi bước vào chặng đường kết thúc Năm Phụng vụ, chúng ta được mời gọi tạm dừng để nhìn lại chúng ta đã đi được bao xa. Đây là thời gian để kiểm tra xem chúng ta đã trưởng thành như thế nào trong cuộc đời làm môn đệ Chúa Giêsu. Chúng ta đã được Chúa dẫn ra khỏi nơi giam cầm là ngục tù tội lỗi, đã được chữa lành khỏi thương tật do nguyên tội gây ra, nhưng chúng ta đã thật sự bỏ lại tất cả để bước theo Người?

 

BÀI ĐỌC 1: Gr 31,7-9

Con trưởng của Chúa

Trong lời sấm của tiên tri Giêrêmia ông đã tiên báo chắc chắn rằng Giêrusalem sẽ bị hủy diệt. Thành đô sẽ sụp đổ và cư dân ở đó sẽ bị bắt làm nô lệ, bị kéo đến nơi đất khách quê người ở Babylon (2 V 25,8-12). Quả thật vua Nabuchôđônôsor đã vây hãm Giêrusalem năm 586 tr. CN và chiếm thành sau mười tám tháng. Tuy nhiên, cũng chính Giêrêmia tuyên bố rằng Chúa sẽ cứu dân ông! Giêrêmia nói điều này ở thì hoàn thành, nghĩa là biến cố dường như đã xảy ra rồi. Ở giữa thảm họa, ông tuyên bố rằng Chúa là cha của Israel, và Israel là con đầu lòng yêu quý của Ngài! Ngay cả những người mù, người què, kẻ mang thai, người ở cữ…sẽ được tập hợp lại để hồi hương. Tất nhiên họ phải chờ đợi sự ứng nghiệm đó, nhưng lời Chúa hứa đã là một ngọn hải đăng của niềm hy vọng. Còn chúng ta hôm nay, có những thời khắc mọi thứ đều trở nên trục trặc, những thảm họa và tai ương liên tục ập đến. Trong những khoảnh khắc đen tối đó, chúng ta đón nhận cùng một lời hứa như đã được ngỏ với Israel. Chúng ta còn được ban Thần Khí để có thể kêu lên “Abba, Cha ơi”. Chúng ta được liên kết với Thiên Chúa trong tình cha con và trong liên đới với tha nhân như một gia đình. Gia đình của Chúa là một cộng đoàn gồm toàn các con đầu lòng. Theo Luật Israel chỉ có con trai đầu lòng mới có quyền thừa kế, vì vậy ngay cả các con gái của Hội thánh cũng được gọi là con đầu lòng!

 

ĐÁP CA: Tv 126

Thiên Chúa giải cứu Israel

1-3 Sự giải thoát trong quá khứ

Người dân kể lại rằng trong quá khứ, Chúa khôi phục thành đã bị tàn phá như thế nào. Nếu đây là ám chỉ đến việc trở về Giêrusalem từ thời lưu đày ở Babylon, thì Thánh vịnh này có thể được ghi lại vào thời kỳ hậu lưu đày. Sự phục hồi này thật đáng kinh ngạc. Nó làm cho chính những người đã được giải thoát phải ngỡ ngàng và cũng được toàn thế giới biết đến. Các quốc gia khác ngạc nhiên trước những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm cho dân tộc này.

 

4-6 Mong ước hiện tại

Dựa vào những ân huệ quá khứ mà Chúa ban tặng, dân chúng lại cầu nguyện cho việc thay đổi số phận. Một số nhà bình giải cho rằng điều này cũng là nói đến những ơn lành như đã nói tới ở trên. Tuy nhiên, ở đây người dân không yêu cầu giải phóng, mà kiến tạo lại quê hương của họ. Hình ảnh thiên nhiên thật sống động. Sa mạc Negeb vốn hoang vu khô cằn bỗng tràn đầy nguồn nước bởi những trận mưa mùa đông đổ xuống. Chính dân chúng cầu nguyện cho sự đảo ngược bất ngờ này. Những hình ảnh về nông nghiệp ở đây không dễ hiểu. Nó có thể bắt nguồn từ tín ngưỡng phồn thực của người Canaan trước đó. Trong nghi thức này, người dân bật khóc khi gieo hạt giống trên những luống đất dường như không có sự sống, nhưng họ vui mừng trong mùa thu hoạch vì nhìn thấy sự sống đã trở lại. Ở đây nghi thức cổ xưa tiêu biểu cho cái chết mà người bị lưu đày chịu đựng, và sự sống mới mở ra khi người dân trở về quê hương. Thánh vịnh dường như kết thúc đột ngột.

Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại!” Câu này làm gợi nhớ đến lời kinh Magnificat, bài ca của Đức Maria ngợi khen và tung hô Chúa trong biến cố Viếng thăm (x. Lc 1,49). X. GLHTCG 2097, 2619

 

BÀI ĐỌC 2: Hr 5,1-6

Thượng tế theo phẩm trật Melchisêđê

“Người có thể cảm thông với những người thiếu hiểu biết và những kẻ lầm lạc.” Đưa ra hai đối tượng tiêu biểu này chỉ muốn xác quyết về nhân tính trọn vẹn của Chúa Giêsu. Quả thật, sự ngu dốt và do đó đòi phải học hỏi là một hoàn cảnh nhân sinh: đứa trẻ Giêsu phải học sống những kinh nghiệm ở đời: tương giao, thất bại, ứng phó trước những tình huống khác nhau…và chắc chắn như lúc đầu cũng mắc phải những vấp váp, và phải điều chỉnh. Tương tự, tình trạng lầm lạc cũng là điều kiện của con người, và nó mời gọi chúng ta phải cởi mở và khiêm tốn để học hỏi và điều chỉnh bản thân. Khi trình bày chức thượng tế của Chúa Giêsu, tác giả đưa ra những phẩm chất khái quát mà một con người phải đáp ứng để có thể đảm nhận sứ vụ được Thiên Chúa trao phó. Mô phỏng theo hình mẫu tư tế Aaron, vị thượng tế được đón đợi phải biết thấu cảm những yếu đuối của những con người ngài phục vụ. Và ngài cũng phải được Chúa chính thức kêu gọi, ngài không thể tự lãnh lấy chức vụ tư tế cho mình. Chính Aaron đã được Chúa gọi cách minh thị (Xh 28,1; Ds 3,10). Như vậy hai yếu tố thiết yếu của chức tư tế được hoàn thành nơi Chúa Kitô. Người hòan toàn cảm thông với chúng ta là tội nhân và làm trung gian nối kết chúng ta với Chúa Cha. Người thực hiện sứ vụ ấy một cách hoàn hảo trên hi tế thập giá, tại đó người dâng mình làm của lễ cho Thiên Chúa và liên đới với tất cả mọi người trong hành vi tự hạ thẳm sâu.

 

TIN MỪNG: 10,46-52

Mẫu gương đời môn đệ

Trình thuật về việc chữa lành một người mù, một cách nào đó cũng là một câu chuyện về ơn gọi. Mặc dù những lời của Chúa Giêsu không thực sự mời gọi người này đi theo mình, nhưng người mù cho thấy hành động của anh là như vậy. Thật bất thường khi tên của người được chữa lành được nêu ra. Nếu người mù này chỉ là một trong số nhiều người ăn xin trên đường, sẽ không có cách nào để biết anh ta là ai. Trong đoạn văn này, Chúa Giêsu được bao quanh bởi một đám đông lớn, cho thấy rằng người đàn ông đang ngồi trên chiếc áo choàng không thể dễ dàng nhìn thấy hoặc nhận ra được. Như vậy, dường như anh ta được tác giả của câu chuyện này biết đến. Việc anh ta đi theo Chúa Giêsu sau khi được chữa lành có thể cho thấy rằng anh đã thực sự trở thành một môn đệ quen thuộc.

 

Trình thuật có chứa hai từ tiếng Aram. Một, đó là một từ tố của tên người mù; từ kia là danh hiệu mà anh ta trực tiếp thưa với Chúa Giêsu. Từ Do Thái thường được dùng để chỉ con trai là ben. Còn ở đây từ Aram bar được sử dụng. Danh hiệu Rabboni, có nghĩa là “chủ của tôi” hoặc “thầy”, là một cách xưng hô tôn kính hơn tước hiệu thông thường Rabbi.

 

Đức tin của người mù này vừa được thể hiện bằng hành động của anh vừa được Chúa Giêsu công nhận một cách rõ ràng. Khi nghe tin Chúa Giêsu người Nazareth đang đi ngang qua mình, anh ta kêu lên với Người bằng một danh hiệu có âm hưởng thiên sai nổi bật. “Con vua Đavít” xác định Chúa Giêsu không chỉ là hậu duệ của nhân vật hoàng gia này (x. Mt 1,20) mà còn là Đấng được mong đợi từ lâu, Đấng đã đáp ứng được cả kỳ vọng tôn giáo và chính trị của người dân (x. 2 Sm 7,12-16; 1 Sbn 17,11-15; Tv 89,21-38; Gr 23,5-6). Đây là lần đầu tiên trong Tin Mừng Marcô danh hiệu này được ngỏ với Chúa Giêsu. Bartimae biết rằng Chúa Giêsu có quyền năng chữa lành tật bệnh cho mình, nhưng anh cũng tin rằng Người là Đấng được xức dầu của Thiên Chúa, Đấng đến để khai mạc triều đại của Thiên Chúa. Anh cũng là người duy nhất trong Marcô gọi đích danh Chúa, Giêsu.

 

Không giống như rất nhiều câu chuyện chữa bệnh khác, theo đó người ta đưa bệnh nhân và đau khổ đến với Chúa Giêsu để được chữa lành. Còn trong trường hợp này, những người xung quanh người mù lại cố gắng bắt anh im lặng. Không có lý do nào được đưa ra cho hành động này. Có thể là họ không muốn anh ta làm phiền Chúa Giêsu chăng? Điều này có thể là kỳ lạ, vì chắc chắn họ đang háo hức muốn chứng kiến ​​một phương pháp chữa bệnh kỳ diệu. Hay là họ không muốn Chúa Giêsu được tung hô theo cách này? Dù trường hợp có thể là gì, Chúa Giêsu nghe thấy tiếng kêu của người mù và Người cho gọi anh ta đến với Người. Những người ăn xin thường trải rộng áo choàng để có thể thu tiền bố thí. Còn người ăn xin Bartimae này đã vất chiếc áo choàng của mình sang một bên, dường như bỏ lại cả số tiền bố thí đã thu được cũng như cuộc sống ăn xin của mình. Anh ấy đã bỏ lại những gì mình có để đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu. Kitô hữu cũng được mời gọi cởi bỏ con người cũ vào ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội và trong cả đời sống của mình (x. Rm 13,12; Ep 4,22; Cl 3,8-9; Hr 12,1).

 

Người mù đã có đôi mắt đức tin và anh hành động dựa trên đức tin đó, anh công khai rao truyền. Như một kết quả của việc anh tuyên xưng, Chúa Giêsu nói với anh ta rằng chính đức tin này đã cho anh ta thấy được. Trong sự nhiệt thành đáp lại lời Chúa gọi, anh đã bỏ lại mọi thứ. Được chữa lành, giờ đây anh ta đi theo Chúa Giêsu.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 547-550 : Chúa Giêsu tỏ lộ các dấu chỉ Nước Trời

+ GLHTCG 1814-1816 : Đức tin, ơn ban của Thiên Chúa

+ GLHTCG 2734-2737 : Lòng tin tưởng của người con hiếu thảo trong kinh nguyện

 Lm. Giuse Ngô Quang Trung

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 34 Thường niên– Năm B - 2024 (21/11/2024 08:35:00 - Xem: 29)

Kinh Tiền Tụng của lễ Kitô Vua có nói đến những nét của Nước Thiên Chúa vào ngày quang lâm: Nước đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn tình thương, công lý và bình an. Bạn thích nét nào hơn cả?

Học Hỏi Phúc Âm CN lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam - 2024 (13/11/2024 05:52:05 - Xem: 112)

Ở Việt Nam, đức tính nào của người Công giáo có sức thu hút mạnh mẽ những người chưa biết Chúa?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 32 Thường niên– Năm A- 2024 (04/11/2024 14:34:58 - Xem: 118)

Bạn nghĩ gì về cách đánh giá của mình về người khác? Bạn có hay đánh giá theo cái nhìn bên ngoài không? Bạn học được gì nơi cách đánh giá của Thiên Chúa?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 31 thường niên Năm B - 2024 (28/10/2024 07:31:06 - Xem: 153)

Đức Giêsu tóm mọi điều răn trong một động từ “yêu mến”. Bạn có thấy tình yêu chi phối đời sống đạo của bạn không? Theo bạn, kẻ thù nguy hiểm nhất của tình yêu là gì?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 30 thường niên Năm B - 2024 (24/10/2024 10:27:00 - Xem: 177)

Nếu hôm nay Chúa Giêsu hỏi tôi: “Con muốn Ta làm gì cho con?” tôi sẽ trả lời ra sao? Tôi có thấy mình cần được sáng mắt về tâm linh không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 29 Thường niên– Năm B - 2024 (14/10/2024 07:27:21 - Xem: 284)

Bạn nghĩ gì về cám dỗ của quyền lực, ở trong cũng như ngoài Giáo hội? Bạn thường theo kiểu lãnh đạo nào?

Bài 89: Con lạc đà chui qua lỗ kim… (11/10/2024 07:58:26 - Xem: 181)

Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao !” (10,23), khó đến mức mà “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (10,25).

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 28 Thường niên– Năm B - 2024 (07/10/2024 07:23:43 - Xem: 240)

Nếu Chúa Giêsu gặp tôi hôm nay, Ngài sẽ nói tôi còn thiếu một hay nhiều điều? Điều gì vậy? Tôi sẽ đáp lại ra sao?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 27 Thường niên– Năm B - 2024 (30/09/2024 08:01:00 - Xem: 270)

Đời sống hôn nhân ngày nay gặp nhiều khủng hoảng. Đâu là những lý do dẫn đến ly dị hay ngoại tình nơi các đôi vợ chồng hôm nay?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 26 Thường niên– Năm B - 2024 (23/09/2024 07:58:29 - Xem: 348)

Đọc Mc 9,43.48. Theo bạn, hỏa ngục là hình phạt như thế nào? Bạn tin có hỏa ngục không? Tại sao?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7