Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa Chúa nhật Chúa 14 TN năm B

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,495
  • Ngày đăng: 29/06/2021 16:02:55

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 14 Thường Niên, Năm B

 

Chúng ta tiếp tục chiêm ngắm và suy niệm về Chúa Giêsu. Trong tuần này đó là sứ vụ nặng nề của một ngôn sứ mà Người đảm nhận. Các bài đọc phác họa những nét khái quát về vai trò của vị sứ giả của Thiên Chúa. Nội dung mô tả số phận bị khước từ mà mỗi ngôn sứ phải chấp nhận. Bên cạnh đó, thư Phaolô nói về sức mạnh trong sự yếu đuối.

 

BÀI ĐỌC 1: Ed 2,2-5

Ơn gọi của một vị ngôn sứ

 Đây là câu chuyện về ơn gọi Êzêchiel trở thành một vị ngôn sứ. Có một sự song song rõ ràng giữa số phận Êzêchiel bị khước từ với tư cách là một ngôn sứ và việc chính dân làng Nazareth từ chối Chúa Giêsu. Một ngôn sứ không chỉ đơn giản là người báo trước tương lai. Trách nhiệm của một ngôn sứ là nói cho mọi người biết Thiên Chúa nhìn sự vật như thế nào, vì ngôn sứ phải mặc lấy cái nhìn của Thiên Chúa và truyền đạt cho dân. Việc hướng dẫn thế giới quan này không phải lúc nào cũng được chấp nhận, vì chúng ta thường không muốn được người khác cho biết sự thật về bản thân. Sự thật về con người chúng ta thường không dễ được đón nhận, nhất là khi nó liên quan đến những lời góp ý xây dựng và đòi hỏi thay đổi. Êzêchiel được sai đến với  dân Israel bị lưu đày ở Babylon, để động viên họ và nói với họ rằng, dù họ có phải chịu thiệt hại nặng nề, thì tất cả vẫn không bị mất mát. Hy vọng của Israel nằm ở chính họ, hơn là vào nhóm người còn lại ở Giêrusalem. Họ “ngoan cố và cứng đầu” đã không chịu nghe lời rao giảng. Chúng ta cần phải học lắng nghe những lời chỉ trích của người khác một cách bình tĩnh và đón nhận những góp ý hợp lý một cách chân thành. Tuy nhiên, lời Chúa thường đến với chúng ta theo những cách mà chúng ta không dễ nhận ra. Có những lời góp ý về chúng ta, có thể được nói ra trong lúc nóng giận, hoặc chỉ đúng 95%, nhưng không kém xác đáng cho một sự thay đổi.

 

ĐÁP CA: Tv 123,1-4

Cậy trong nơi Chúa

Thánh vịnh này là một ca khúc lên Đền. Đó là bài ca của những người hành hương lên Đền thánh Giêrusalem, hát khi bước vào cổng Nhà Đức Chúa. Tác giả ngước mắt nhìn lên Chúa trên trời để cầu xin sự giúp đỡ cá nhân (c. 1). Ông bày tỏ lòng tin cậy của một dân trung thành với Giao ước để cầu xin Chúa  thương xót vì họ đã phải chịu sự khinh miệt và nhạo báng của những người ngoại đạo (cc. 3-4).

 

Đối với các Kitô hữu, lời cầu nguyện này có một ý nghĩa sâu sắc hơn khi nói với Chúa Giêsu Kitô, Đấng sau khi phục sinh đã lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha (Cv 2,33; Hr 1,3). Người ngự trên trời (c. 1) có nghĩa là Người trổi vượt mọi loài thụ tạo và có quyền thống trị muôn dân nước, như ngôn sứ Đaniel đã thấy trong thị kiến của mình (Đn 7,13-14). Đối với các tín hữu ngày nay chúng ta cần luôn hướng nhìn về Chúa để Ngài phù giúp chúng ta trong hành trình đi về quê hương trên trời.

 

Chúa Giêsu nói mắt là “đèn của thân thể”: Nếu mắt sáng thì toàn thân sẽ sáng; còn nếu mắt xấu thì toàn thân sẽ tối (Mt 6,22-23). Còn theo truyền thống mắt là cửa sổ của tâm hồn: con mắt tỏ lộ tâm hồn người ta. Khi chúng ta chiêm ngắm Thiên Chúa qua con mắt của trí khôn và tâm hồn, thì chúng ta được tràn đầy ánh sáng của sự khôn ngoan và tình thương của Ngài (ĐGH Bênêđictô XVI, Tiếp kiến chung, ngày 15 tháng sáu, 2005).

 

BÀI ĐỌC 2: 2 Cr 12,7-10

Sự yếu đuối và sức mạnh của Phaolô

Trong phần cuối của lá thư, Phaolô bảo vệ sứ vụ tông đồ của mình trước một nhóm đối thủ gồm những người rao giảng mà ngài chế báng là “siêu tông đồ”. Nhóm này cho rằng họ có quyền hành lớn hơn ngài. Phaolô trả lời bằng cách tuyên bố rằng ngài đích thực là người tôi tớ của Chúa Giêsu. Phần lớn tuyên bố của ngài là một bản phác thảo tự thuật quý giá. Ngài đưa ra tuyên bố của mình dựa trên ba yếu tố. Trước tiên, ngài trình bày những đau khổ và những lần bị bắt bớ mà ngài đã trải qua trong việc phục vụ Chúa. Cũng như Chúa Giêsu coi mình là Người Tôi Trung của Thiên Chúa, thì qua những đau khổ của mình, Phaolô cũng coi mình là tôi tớ của Chúa Giêsu. Thứ hai, Phaolô nói về thị kiến trên trời mình nhận được, về kinh nghiệm hoặc ơn mặc khải về “những lời không thể được bất kỳ con người nào nói tới”, rõ ràng đó là nguồn cảm hứng cốt lõi của cuộc đời của ngài. Thứ ba, trong đoạn văn này, ngài nhấn mạnh đến sự yếu đuối của bản thân, điều này khiến ngài chỉ trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Sự yếu đuối mà ngài tự hào là gì chúng ta không biết chính xác. Sự thật đó cũng không đáng kể. Vấn đề là điều đó đã ngăn ngừa  Phaolô có thái độ tự cao tự đại, khiến ngài chỉ dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa để thoát khỏi những yếu đuối. Có lẽ mỗi người chúng ta đều cần đến một vấp ngã hoặc thất bại để kiềm chế lòng kiêu hãnh của mình.

 

TIN MỪNG: MC 6,1-6

Dân khước từ Chúa Giêsu

Trình thuật mô tả sự xung đột và từ chối của dân làng Nazareth đối với Chúa Giêsu đã khiến nhiều nhà chú giải bối rối trong nhiều thế kỷ. Trước tiên, Chúa Giêsu trở về quê hương của Người (nghĩa đen là nhà của cha, patria), và Người được xác định là con của bà Maria. Chính vì xuất thân từ những con người khiêm tốn nơi đây nên Người đã bị khước từ. Có một truyền thống lâu đời rằng Maria vẫn là một trinh nữ, tuy nhiên trình thuật lại nhắc đến anh chị em của Chúa Giêsu.

 

Sự hiện diện của các môn đệ Chúa Giêsu cho thấy rằng chuyến thăm này mang tính chính thức hơn là vì tình cảm gia đình, quê hương. Chúa Giêsu đến với tư cách là một người thầy. Những người đàn ông Do Thái trưởng thành thay phiên nhau giải thích Kinh Thánh trong hội đường. Vì thế, việc Chúa Giêsu giảng dạy  như vậy không phải là một điều phi thường. Điều khiến đám đông khó chịu là nội dung giảng dạy của Người. Họ không biểu lộ sự kinh ngạc phát sinh từ niềm tin. Nhưng là thái độ thể hiện sự hoài nghi và dẫn đến sự từ chối.

 

Những người này đã không biết gì về hành trình rao giảng của Chúa Giêsu cũng như những việc kỳ diệu mà Người đã thực hiện. Họ không thắc mắc về những điều này. Những gì họ chất vấn là nguồn gốc của những điều kỳ diệu đó. Những câu hỏi của họ không phát xuất từ sự kinh ngạc mà từ sự tức tối: ông ta nghĩ mình là ai? Gia cảnh của ông có gì đặc biệt? Khi không nhận rõ được điều căn bản này họ đã nêu câu hỏi đúng nhưng với ý đồ sai. Nếu họ thực tâm muốn biết, điều này có thể đã được tỏ lộ cho họ.

 

Chúa Giêsu được xác định là con của bà Maria chứ không phải là con của ông Giuse, điều này chỉ xảy ra trong Tin Mừng Marcô. Người Do Thái thường nhắc đến người con trong liên hệ với người cha (Mt 16,17; Mc 10,35). Một số người đọc điều này nghĩ rằng ông Giuse thực sự không phải là cha của Chúa Giêsu. Hai kết luận rất khác nhau có thể được rút ra từ cách hiểu này. Thứ nhất, rằng Maria là một trinh nữ, nghĩa là Ngài chịu thai bởi Chúa Thánh Thần, một truyền thống lâu đời trong cộng đồng Kitô hữu. Thứ hai, rằng Chúa Giêsu là con không hợp pháp, một lập trường đôi khi cũng được đưa ra. Không có dấu hiệu nào trong các sách Tin Mừng cho thấy dân làng thắc mắc về vai trò làm cha của ông Giuse. Nếu họ nghĩ rằng Chúa Giêsu là người con bất hợp pháp, thì chắc chắn họ đã đặt cả Maria và Chúa Giêsu ra ngoài lề xã hội. Nếu họ nghĩ rằng Maria là một trinh nữ, họ phải nhận ra sự độc nhất của Chúa Giêsu và không bị bất ngờ trước quyền năng của Người. Điều này có thể giải thích là lúc đó ông Giuse đã chết.

 

Việc nhắc đến các anh chị em của Chúa Giêsu có thách thức niềm tin vào sự đồng trinh của Đức Maria không? Theo ông Scott Hahn một học giả Kinh Thánh nổi tiếng, Đức Maria trọn đời đồng trinh không có người con nào khác ngoài Chúa Giêsu. Tin Mừng nói đến anh chị em của Chúa Giêsu thì cũng giống như thánh Phaolô nói đến những người Israel là anh chị em của ngài, đều là con cháu tổ phụ Abraham (x. Rm 9,3, 7). Đây cũng là điểm chính trong Tin Mừng: cũng giống như ngôn sứ Êzêchiel trong bài đọc thứ nhất, Chúa Giêsu được Thiên Chúa sai đến với nhà Israel nổi loạn, ở đó Người nhận thấy anh chị em của Người cứng lòng và biểu tỏ thái độ chống lại Thiên Chúa.

 

Điểm mấu chốt của câu chuyện là sự khước từ của những người biết rõ Chúa Giêsu nhất nhưng lại ít hiểu Người nhất. Truyền thống các ngôn sứ cho thấy điều đó. Những người trong câu chuyện này thiếu đức tin cần thiết để quyền năng của Thiên Chúa tạo ra hiệu quả ở giữa họ. Mặc dù ngạc nhiên trước Chúa Giêsu (c. 2), họ đã bị vấp ngã (c. 3), và Người lấy làm lạ về điều này (c. 6).

 

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 2581-2584 : Các ngôn sứ và việc hoán cải tâm hồn

+ GLHTCG 436 : Đức Kitô, Vị Ngôn Sứ

+ GLHTCG 162 : Sự kiên trì trong đức tin

+ GLHTCG 268, 273, 1508 : Sức mạnh được nên hòan hảo trong sự yếu đuối

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 34 Thường niên– Năm B - 2024 (21/11/2024 08:35:00 - Xem: 29)

Kinh Tiền Tụng của lễ Kitô Vua có nói đến những nét của Nước Thiên Chúa vào ngày quang lâm: Nước đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn tình thương, công lý và bình an. Bạn thích nét nào hơn cả?

Học Hỏi Phúc Âm CN lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam - 2024 (13/11/2024 05:52:05 - Xem: 112)

Ở Việt Nam, đức tính nào của người Công giáo có sức thu hút mạnh mẽ những người chưa biết Chúa?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 32 Thường niên– Năm A- 2024 (04/11/2024 14:34:58 - Xem: 118)

Bạn nghĩ gì về cách đánh giá của mình về người khác? Bạn có hay đánh giá theo cái nhìn bên ngoài không? Bạn học được gì nơi cách đánh giá của Thiên Chúa?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 31 thường niên Năm B - 2024 (28/10/2024 07:31:06 - Xem: 153)

Đức Giêsu tóm mọi điều răn trong một động từ “yêu mến”. Bạn có thấy tình yêu chi phối đời sống đạo của bạn không? Theo bạn, kẻ thù nguy hiểm nhất của tình yêu là gì?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 30 thường niên Năm B - 2024 (24/10/2024 10:27:00 - Xem: 177)

Nếu hôm nay Chúa Giêsu hỏi tôi: “Con muốn Ta làm gì cho con?” tôi sẽ trả lời ra sao? Tôi có thấy mình cần được sáng mắt về tâm linh không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 29 Thường niên– Năm B - 2024 (14/10/2024 07:27:21 - Xem: 284)

Bạn nghĩ gì về cám dỗ của quyền lực, ở trong cũng như ngoài Giáo hội? Bạn thường theo kiểu lãnh đạo nào?

Bài 89: Con lạc đà chui qua lỗ kim… (11/10/2024 07:58:26 - Xem: 181)

Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao !” (10,23), khó đến mức mà “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (10,25).

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 28 Thường niên– Năm B - 2024 (07/10/2024 07:23:43 - Xem: 239)

Nếu Chúa Giêsu gặp tôi hôm nay, Ngài sẽ nói tôi còn thiếu một hay nhiều điều? Điều gì vậy? Tôi sẽ đáp lại ra sao?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 27 Thường niên– Năm B - 2024 (30/09/2024 08:01:00 - Xem: 269)

Đời sống hôn nhân ngày nay gặp nhiều khủng hoảng. Đâu là những lý do dẫn đến ly dị hay ngoại tình nơi các đôi vợ chồng hôm nay?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 26 Thường niên– Năm B - 2024 (23/09/2024 07:58:29 - Xem: 348)

Đọc Mc 9,43.48. Theo bạn, hỏa ngục là hình phạt như thế nào? Bạn tin có hỏa ngục không? Tại sao?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7