Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa Chúa nhật 34 TN năm B

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,356
  • Ngày đăng: 17/11/2021 10:28:05

TÌM HIỂU LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN, NĂM B

CHÚA GIÊSU KITÔ, VUA VŨ TRỤ

 

 

Trong ngày Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội chiêm ngắm và suy tôn Chúa Giêsu là Vua. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay đều nói về vương quyền của Chúa Kitô. Vương quyền của Người bao trùm toàn thể vũ trụ. Vương quyền đó được xác định qua câu Chúa trả lời cho quan Philatô: “Nước tôi không thuộc thế gian này…Tôi đến để làm chứng cho sự thật”. Là con dân trong nước Chúa chúng ta sống mối tương giao dựa trên sự thật- với Chúa, với tha nhân, và với chính mình- để hoàn thành ơn gọi Kitô hữu.

 

BÀI ĐỌC 1: Đn 7,13-14

Ai đó như một Con Người

Lời tiên tri này của Đaniel được viết trong những ngày đen tối về những người Do Thái bị Syria bách hại vào thế kỷ thứ hai trước Chúa Giêsu giáng sinh. Đầu tiên, những đế chế độc ác đàn áp Do Thái giáo được mô tả dưới hình ảnh của những con thú chuyên ăn thịt, xé xác con mồi thành từng mảnh. Tiếp theo đó, xuất hiện hình ảnh hoàn toàn khác về một con người cao quý, người được Thiên Chúa ban cho mọi uy quyền và quyền thống trị trái đất. Thị kiến về con người này lúc đầu chỉ người Do Thái, “dân tộc thánh của Đấng Tối Cao”, những người sẽ được giải thoát khỏi cuộc bách hại và được tôn lên đài vinh quang. Trong Tân Ước, lời tiên tri này được áp dụng cho Chúa Giêsu. Người dùng kiểu nói bí ẩn “Con Người” để mô tả thẩm quyền của mình trên trái đất là tha thứ tội lỗi và ấn định các quy tắc cho việc tuân giữ ngày Sabát. Người cũng sử dụng nó để làm dịu những lời tiên tri về cuộc đau khổ và cái chết mà qua đó Người sẽ đạt đến sự Phục sinh cuối cùng. Trong lệnh truyền cho các môn đệ trước khi về trời trong Tin Mừng Mátthêu, Chúa Giêsu đã nói: Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất (Mt 28,18). Và với quyền năng này, Người sai các tông đồ ra đi loan báo Tin Mừng, hứa với họ rằng Người sẽ ở cùng họ luôn mãi.

 

ĐÁP CA: Tv 93

Đức Chúa là Vua vũ trụ

Thánh vịnh mở đầu bằng những gì có thể được coi là một lời tung hô: “CHÚA là vua hiển trị!” —và không thể là ai khác! Cả những tiếng ngợi khen chúc tụng và khung cảnh được mô tả đều bắt nguồn từ một câu chuyện thần thoại về trận chiến hỗn loạn nguyên thủy (x. Tv 89,10-12). Sau chiến thắng này, một cung điện và một ngai vàng được thiết lập trên thiên đàng dành cho kẻ chinh phục. Từ đó, vị vua chiến thắng thống trị tất cả. Các vùng nước hoang vu đã được thuần hóa trong trận chiến, để nó không còn là mối đe dọa cho trật tự của vũ trụ. Quyền cai trị của Đức Chúa cũng mở rộng đến toàn cõi đất. Đấng truyền lệnh cho các tầng trời cũng thiết lập các quy luật để trái đất tuân theo. Hơn nữa, chốn cư ngụ trên trời của Đức Chúa được phản chiếu qua đền thánh của Ngài trên mặt đất.

 

“Ngôi đền vàng” trong câu 5 ám chỉ Đền thờ Giêrusalem, nơi biểu thị sự hiện diện thiêng liêng của Đức Chúa ở giữa dân theo giao ước Ngài đã kí kết. Đọc Thánh vịnh này trong bối cảnh của Giáo hội là Giao ước mới, giáo phụ Eusebiô ở Caesarea đã viết: “Ngôi nhà này là Hội thánh. Để nó có thể tồn tại mãi mãi, điều mà ngôi nhà cần trên hết là sự thánh thiện. Vì chân lí là trọng tâm của lời chứng của Chúa Kitô, nên sự thánh thiện là trọng tâm ngôi nhà của Ngài” (Commentaria in Psalmos, 92 ).

 

BÀI ĐỌC 2: Kh 1,5-8

Đấng là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian

Sách Khải huyền mở ra với thị kiến về Chúa Kitô Phục Sinh là Chúa. Đoạn văn này rất giàu các trích dẫn Cựu Ước, những quy chiếu về nhiều đoạn Kinh Thánh để mô tả phẩm giá, quyền năng và quyền thống trị thuộc về Chúa Kitô. Thậm chí Người còn được mô tả bằng những thuật ngữ thần thoại, những chữ cái đầu tiên và cuối cùng của bảng chữ cái biểu thị rằng Người là khởi đầu và kết thúc của vạn vật, là căn nguyên của tạo thành và mục tiêu của nó. Người trải dài toàn bộ chiều dài thời gian, quá khứ, hiện tại và tương lai, cho đến khi Người trở lại. Đặc biệt hơn nữa, trong nhân tính được tôn vinh của mình, Chúa Kitô là Chúa của Giáo hội, vì Người đã giành lấy Giáo hội về cho mình, đã thanh tẩy nó, và biến nó thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người. Đây cũng là một cách diễn đạt theo Kinh Thánh, vì Israel được mô tả như một hàng tư tế hoàng gia; nó sẽ tìm thấy sự hoàn thành của nó nơi Giáo hội. Giống như lời tiên tri của Đaniel, sách Khải huyền được viết trong thời kỳ bắt bớ, để trấn an các tín hữu bị ngược đãi rằng họ được an toàn trong sự bảo vệ của Thiên Chúa, Đấng quyền năng cuối cùng sẽ chiến thắng mọi quyền lực thế gian để giải cứu họ và đưa họ đến chiến thắng và bình an trọn vẹn.

 

TIN MỪNG: 18,33b-37

Vương quốc của Chúa Giêsu

Vương quyền của Chúa Giêsu là chủ đề trong cuộc thẩm vấn của Philatô. Danh hiệu “Vua dân Do Thái” mang một ý nghĩa riêng đối với các nhà lãnh đạo Do Thái, những người đã giao nộp Chúa Giêsu cho Philatô; nhưng nó là một danh hiệu hoàn toàn khác đối với quan chức La Mã xét xử Người. Danh hiệu “Vua dân Do Thái” là một sự chỉ định mang ý nghĩa thiên sai, xác định người mang tước hiệu ấy là hậu duệ của vua Đavít, vị sẽ khai mạc triều đại Thiên Chúa. Còn dưới con mắt của các nhà lãnh đạo Do Thái, tước hiệu ấy nơi Chúa Giêsu chỉ biểu thị sự mạo nhận vai trò thiên sai và do đó là báng bổ. Nó cũng là một yêu sách chính trị thách thức quyền cai trị tuyệt đối của La Mã. Từ quan điểm của những người chiếm đóng La Mã, những cuộc đấu tranh cách mạng như vậy là rất nguy hiểm.

 

Chúa Giêsu được hỏi: “Ông có phải là Vua dân Do Thái không?” Và Người trả lời vừa có và không. Các câu hỏi của Philatô rất thẳng thắn, và câu trả lời của Chúa Giêsu cũng vậy, mặc dù chúng có vẻ mơ hồ. Người La Mã hỏi về một thực tại chính trị có thể mang một chiều hướng tôn giáo, trong khi Chúa Giêsu nói về một sự thật tôn giáo chắc chắn có hàm ý chính trị. Vì Philatô nghĩ rằng Chúa Giêsu đã trả lời không thỏa đáng, nên ông đã chất vấn Người ba lần (cc. 33, 35, 37), con số mà luật La Mã yêu cầu trước khi bị cáo có thể được trắng án. Mỗi lần Chúa Giêsu đều đáp lại rõ ràng.

 

Câu hỏi đầu tiên của Philatô cho chúng ta thấy ông thực sự muốn cáo buộc chống lại Chúa Giêsu. Việc Philatô từ chối câu hỏi của Chúa Giêsu về quan điểm riêng của ông về vương quyền của Chúa Giêsu cho thấy rằng chính lời tuyên bố thiên sai của mình mà Người bị xét xử. Trong câu trả lời thứ hai, Chúa Giêsu xác định vương quốc của Người khác với các nước trần gian: vương quốc của Người không thuộc thế gian này. Điều này vừa có nghĩa là nó không bắt nguồn từ thế giới này và nó không thuộc về thế giới ấy. Nhưng không có nghĩa là nó không hiện hữu trong thế giới. Không giống như các nước trần thế, nó không cần phải được bảo vệ bằng sự thúc ép các thần dân của mình. Đây chính là điều mà cả những nhà lãnh đạo người Do Thái và Philatô đang ra sức thực hiện, khi bảo vệ lãnh thổ của họ chống lại Chúa Giêsu.

 

Các sự kiện dẫn đến phiên tòa xét xử Chúa Giêsu được ám chỉ ở đây. Mặc dù đứng trước mặt Philatô, nhưng Chúa Giêsu đã bị các nhà lãnh đạo tôn giáo của dân tộc mình giao nộp cho ông. Nhưng chính một số người Do Thái đã giao nộp Người cho nhóm lãnh đạo tôn giáo.

 

Khi xác nhận vương quốc của mình bằng sự tương phản phủ định, Chúa Giêsu đã gián tiếp thừa nhận rằng Người là một vị vua. Câu hỏi thứ ba của Philatô tìm kiếm một khẳng định tích cực hơn về điều này. Theo một nghĩa nào đó, lời đáp trả của Chúa Giêsu cho câu hỏi cuối cùng này vừa là phủ nhận vừa là xác nhận. Trước đó Người chưa bao giờ thực sự nhận mình là một vị vua, nhưng Người đã thừa nhận rằng Người có một vương quốc. Ở đây, Người gián tiếp thừa nhận. Trong câu trả lời thứ hai, Người đã tuyên bố rằng vương quốc của Người không thuộc thế gian này. Ở đây Người nói rõ về vai trò mà Người đảm nhận trong thế giới này: Người đã đến thế gian này để làm chứng cho sự thật. Sự thật này là nền tảng của vương quốc của Người. Nó thiết lập mối tương giao của các tư cách thành viên trong đó.

 

Những câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy rằng cả giới lãnh đạo Do Thái và các quan chức La Mã đều có lý do để lo lắng về những tuyên bố của Người. Mặc dù không thuộc thế gian này, vương quốc của Người thực sự sẽ thách thức cả những kỳ vọng về Đấng thiên sai cũng như quyền lực của thế giới này.

 

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

 

+  GLHTCG  440, 446-451, 668-672, 783, 786, 908, 2105, 2628: Đức Kitô là Chúa và là Vua

+  GLHTCG  678-679, 1001, 1038-1041: Đức Kitô là Thẩm phán

+  GLHTCG  2816-2821: “Nước Cha trị đến”

 

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 84)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 161)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 188)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 174)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 237)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B  (15/02/2024 05:34:16 - Xem: 186)

Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 5 Thường niên– Năm B (29/01/2024 09:33:43 - Xem: 344)

Theo Phúc âm Máccô, những việc chính của Đức Giêsu mỗi ngày là những việc gì? Việc gì quan trọng hơn?

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 Thường niên năm B (22/01/2024 08:10:00 - Xem: 296)

Phép lạ này có đem lại cho bạn niềm hy vọng, khi bạn đứng trước cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối, trong thế giới hôm nay không ?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 Thường niên– Năm B (15/01/2024 08:06:21 - Xem: 297)

Ngày nay, để làm môn đệ bước theo Chúa Kitô, chúng ta thường phải trả những giá nào? Hãy nhớ lại một kinh nghiệm của bản thân.

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 2 TN – Năm B -2024 (10/01/2024 07:20:06 - Xem: 235)

Gioan Tẩy giả giới thiệu Đức Giêsu cho Anrê, rồi Anrê lại giới thiệu Đức Giêsu cho Simon. Theo ý bạn, để trở thành một người giới thiệu Đức Kitô, cần có những điều kiện gì?

Bài viết mới