Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa Chúa nhật 32 TN năm B

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,407
  • Ngày đăng: 02/11/2021 14:35:17

TÌM HIỂU LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN, NĂM B

 

 

Chúa nhật tuần trước Chúa mời gọi chúng ta yêu mến Chúa trọn vẹn con người mình. Chủ đề hôm nay là thái độ sẵn sàng dâng cho Chúa tất cả những gì sở hữu. Như thế Lời Chúa đưa ra cho chúng ta mô hình dâng hiến mà chính Chúa Kitô đã thực hiện trên hi tế thập giá. Đó là đòi hỏi của đời người môn đệ, nó mời gọi chúng ta nhìn lại để xác định bản thân trong những tuần cuối năm phụng vụ này.

 

BÀI ĐỌC 1: 1 V 17,10-16

Ngôn sứ Êlia và bà góa thành Sarépta

Câu chuyện về ngôn sứ Êlia và bà góa của Sarépta này được chọn để ghép với câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay về lòng quảng đại của một bà góa nghèo. Nói về lòng rộng lượng của một góa phụ, nhưng chủ yếu nhấn mạnh đến lòng tin tưởng và sự mau mắn tuân theo mệnh lệnh của vị ngôn sứ hơn. Một cách nào đó, sự tin cậy nơi Chúa là điều kiện cho lòng quảng đại. Chúng ta tin rằng tình cảnh chúng ta túng thiếu khó khăn có khi do Chúa gửi đến, và chúng ta tin tưởng cậy trông Ngài giúp đỡ. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa, Cha của chúng ta, biết rõ những gì Ngài đang thực hiện. Ngài nhận ra rằng chúng ta chính là những người quản lý điều tốt lành của Ngài, và chúng ta trình ra cho Ngài những gì chúng ta cần. Câu chuyện này cũng có một điểm đặc biệt, vì bà góa Sarépta người dân ngoại này được đề cập đến trong bài diễn ngôn của Chúa Giêsu tại hội đường Nazareth trong Tin Mừng Luca: sứ vụ của Người không chỉ giới hạn ở Israel, như sứ mệnh của các tiên tri. Các thành phần dân ngoại này cũng là con cái của Thiên Chúa, và là đối tượng được Ngài yêu thương chăm sóc, vì thế họ cũng được cứu độ không kém gì người Do Thái. Trong sứ vụ của Chúa Giêsu, các dân ngoại cũng là một thành phần của Đoàn Dân Thiên Chúa.

 

Đáp ca: Tv 146,5-10

Chúa là niềm trông cậy

Thánh vịnh này lặp lại chủ đề khôi phục của ngôn sứ Isaia, tập trung đặc biệt vào nền công lý Chúa thiết lập. Cùng với các Thánh vịnh 147-150, đây là những thánh ca Halleluia, bởi vì nó bắt đầu bằng lời tung hô Halleluia. Với lời tung hô này, các Thánh vịnh kết thúc tập Thánh vịnh. Mỗi Thánh vịnh này bao gồm một lời mời gọi thờ phượng, một câu nêu lên mục đích của việc ca ngợi Chúa, và kết thúc bằng lời tán tụng ngợi khen Halleluia.

 

Khác với những người cai trị phàm nhân, họ thường gây ra biết bao thất vọng (c. 3-4): triều đại của Chúa đặt trên đức công chính. Những người tin vào Thiên Chúa, Đấng tạo thành (c. 6) thì luôn sống hạnh phúc và hi vọng. Bởi vì Ngài trung thành với muôn muôn thế hệ. Các câu 7-9 kể lại đức công minh của Chúa trong việc bảo vệ người bị áp bức, những người đói khổ nghèo hèn, những người tù tội, những kẻ mù lòa, những người yếu thế, bị nhục mạ, những khách ngoại kiều, những cô nhi quả phụ…Những ơn phúc này nhắc nhớ đến lòng Chúa yêu thương mà Israel đã cảm nghiệm trong những hoàn cảnh đen tối khác nhau. Nó cũng phản ánh những mảng tối khác nhau của xã hội Israel. Tất cả những điều này loan báo về triều đại Chúa sẽ khai mở, và Ngài đáng được chúc tụng. Halleluia!

Chúa Giêsu đã hoàn tất lời Thánh vịnh này. Trong sứ vụ của Người nơi dương thế, Người đã thực hiện những việc:

*Làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi sống hằng ngàn người (Mt 14,14-2115,32-38Mc 6,34-448,1-9Ga 6,9-14).

*Công bố ơn giải thoát cho những người bị nô lệ tội lỗi (x. Lc 4,18-21, Chúa trích dẫn Is 61,1-2; xem thêm 1 Pr 3,19-204,6).

*Mở mắt người mù (Mt 9,27-30).

*Nâng đỡ những người nghèo hèn, bách hại vì bất công (x. Lc 6,20-23).

*Chúa Giêsu Kitô hiển trị muôn đời trên núi thánh Sion mới, là Hội Thánh Người lập cho mọi thế hệ.

 

BÀI ĐỌC 2: Hr 9,24-28

Chúa Kitô chỉ dâng lễ một lần

Được ngỏ với các tư tế Do Thái cải đạo sang Kitô giáo, thư gửi tín hữu Hipri này muốn cho họ thấy rằng những hy lễ mà họ từng coi trọng trước đây chỉ là hình bóng về một thực tại nơi Chúa Kitô. Nó không còn giá trị trên trời cao! Những hy lễ đó về bản chất là tạm thời và không đầy đủ; còn hiến lễ của Chúa Kitô là vĩnh cửu và trọn vẹn. Chúa Kitô tiến dâng hiến lễ bằng máu của Người lên trước ngai Thiên Chúa, có giá trị vĩnh viễn. Nó biểu thị sự kết hợp không thể phá vỡ của nhân loại với Thiên Chúa, được liên kết trong sự vâng phục của Chúa Giêsu trên Thánh giá. Mặc dù ngôn ngữ diễn tả việc dâng lễ có vẻ giống nhau, các hy lễ trong Kinh Thánh không được nghĩ giống với các cuộc lễ của người ngoại giáo. Nó không phải là để xoa dịu một vị thần hay nổi giận và hay thất thường, nhưng cử hành trong sự kết hợp với Thiên Chúa. Đó chỉ là những bữa ăn chung, nhất là trong cuộc lễ lớn hàng năm vào Ngày Hòa giải, còn có nghi thức máu được rảy lên người và bàn thờ để biểu thị sự kết hợp được đổi mới với Thiên Chúa. Lễ hi sinh phải có máu, vì máu huyết là biểu tượng của sự sống. Máu của Chúa Kitô được trao ban cho chúng ta, là dấu chỉ và bí tích của ơn ban sự sống thần linh, chỉ cần chúng ta mở lòng đón nhận.

 

TIN MỪNG: Mc 12,38-44

Hai loại hình đạo đức

Chúng ta cần phải sống tuân phục đức tin, một đức tin được thể hiện qua bác ái và từ bỏ (Gl 5,6). Hai câu chuyện về hai bà góa có những bối cảnh khác nhau chính là bài học về loại hình đức tin này. Việc Chúa Giêsu lên án các kinh sư thường dẫn đến tình cảm chống người Do Thái trong các thế hệ kế tiếp. Ở đây không có dấu hiệu nào cho thấy Chúa Giêsu đang lên án tất cả các kinh sư. Có lẽ, một cách chung Người chỉ muốn nêu ra những người cố ý che đậy sự bóc lột tinh vi đối với những góa phụ có nhiều tài sản, qua lòng sùng đạo phô trương của họ.

 

Khi cầu nguyện trong các hội đường, đàn ông mặc bộ áo dài bên ngoài gọi là tallith. Một số kinh sư có thể đã tiếp tục mặc những chiếc áo choàng này ở nơi công cộng, với hy vọng rằng mọi người sẽ coi họ là những người luôn cầu nguyện và ngưỡng mộ họ vì điều đó. Ngoài sự phô trương bề ngoài này, họ còn tìm những mánh khóe khác để được đối xử tôn trọng và được hưởng những ưu tiên. Cộng đoàn phụng vụ Do Thái ngồi trên những chiếc ghế dài đối diện với chiếc rương đựng các cuộn sách thánh. Những chỗ ngồi quan trọng nhất trong hội đường là băng ghế trước. Còn trong các bữa tiệc, những vị khách danh dự ngồi bên cạnh chủ nhà, người được tôn vinh nhất ngồi phía bên phải, người được tôn vinh thứ hai ở bên trái. Những vị trí danh dự này, cùng với những lời chào tôn kính, đã được các kinh sư săn đón. Đối với họ,  những lời mà công chúng tán dương là rất quan trọng.

 

Ước muốn được tôn vinh như vậy có thể là phù phiếm, nhưng nó không phải là trái đạo đức. Tuy nhiên, lời trách cứ Chúa Giêsu đưa ra, nhằm tố cáo những kinh sư này bóc lột các bà góa. Mô tả về cách họ lừa đảo tinh vi như vậy cho thấy bằng cách nào đó, họ đã chiếm đoạt tài sản của các góa phụ, có lẽ đánh đổi bằng những lời cầu nguyện. Trong xã hội Do Thái các kinh sư không nhận được mức lương cố định, vì vậy họ phải  có một nghề tay trái khác, hoặc dựa vào các khoản bố thí và quà tặng. Những gì được mô tả ở đây có lẽ là một trường hợp diễn tả cách sống sượng về các khoản dâng tặng này. Không phải họ bị lên án nghiêm trọng vì đã chiếm đoạt tài sản của phụ nữ, nhưng bởi vì họ đã bóc lột phụ nữ nhân danh tôn giáo.

 

Trong cảnh thứ hai, Chúa Giêsu đang ngồi trong đền thờ, trong dinh toà dành cho phụ nữ, ngay đối diện với các thùng tiền. Mười ba thùng đựng tiền hình chiếc kèn đã được thiết đặt trong khu vực này để thu gom của bố thí cho việc duy tu đền thờ Giêrusalem. Tiếng đồng tiền lăn lanh canh dưới đáy thùng có lẽ vang cả một khoảng không gian, nói cho biết tấm lòng hảo tâm của người quyên góp. Những khoản tiền lớn và đồng tiền giá trị cao đã tạo ra một tiếng chạm mạnh dễ nhận ra hơn. Người đàn bà góa nghèo chỉ có khả năng dâng cúng những đồng tiền nhỏ nhất đang lưu hành vào thời điểm đó. Số tiền này bằng khoảng một phần tư một đồng denarius, tức là mức lương bình thường hàng ngày của một người lao động phổ thông.

 

Lời chỉ trích của Chúa Giêsu về hành vi của các kinh sư được đưa ra một cách công khai. Người tuyên bố điều đó với đám đông đang tụ tập xung quanh Người. Sự so sánh của Chúa về lòng quảng đại của những người giàu có và của người phụ nữ này đã được ngỏ riêng với các môn đệ. Người không đánh giá chính sự dâng cúng. Đúng hơn, Người nói về nguồn gốc của vật dâng tặng. Những người giàu có đóng góp từ tài sản dư dật của họ; họ có thể trao tặng những gì họ không cần đến. Còn người phụ nữ đã dâng cúng số tiền ít ỏi mà bà có được; bà đã cho những gì là thiết yếu đối với bà. Sự dâng hiến hoàn toàn như thế ngụ ý bà tin tưởng tuyệt đối vào Chúa. Đoạn văn mở đầu bằng lời lên án lòng đạo đức giả dối của những kẻ vô lương tâm kết thúc bằng lời ca ngợi lòng đạo đức chân chính của một người đơn sơ nghèo hèn. 

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 2544-2547 : Khó nghèo trong tâm hồn

+ GLHTCG 1434, 1438, 1753, 1969, 2447 : Việc bố thí

+ GLHTCG 2581-2584 : Ông Êlia và việc hoán cải tâm hồn

+ GLHTCG 1021-1022 : Cuộc phán xét riêng

 

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 34 Thường niên– Năm B - 2024 (21/11/2024 08:35:00 - Xem: 29)

Kinh Tiền Tụng của lễ Kitô Vua có nói đến những nét của Nước Thiên Chúa vào ngày quang lâm: Nước đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn tình thương, công lý và bình an. Bạn thích nét nào hơn cả?

Học Hỏi Phúc Âm CN lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam - 2024 (13/11/2024 05:52:05 - Xem: 112)

Ở Việt Nam, đức tính nào của người Công giáo có sức thu hút mạnh mẽ những người chưa biết Chúa?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 32 Thường niên– Năm A- 2024 (04/11/2024 14:34:58 - Xem: 118)

Bạn nghĩ gì về cách đánh giá của mình về người khác? Bạn có hay đánh giá theo cái nhìn bên ngoài không? Bạn học được gì nơi cách đánh giá của Thiên Chúa?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 31 thường niên Năm B - 2024 (28/10/2024 07:31:06 - Xem: 153)

Đức Giêsu tóm mọi điều răn trong một động từ “yêu mến”. Bạn có thấy tình yêu chi phối đời sống đạo của bạn không? Theo bạn, kẻ thù nguy hiểm nhất của tình yêu là gì?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 30 thường niên Năm B - 2024 (24/10/2024 10:27:00 - Xem: 177)

Nếu hôm nay Chúa Giêsu hỏi tôi: “Con muốn Ta làm gì cho con?” tôi sẽ trả lời ra sao? Tôi có thấy mình cần được sáng mắt về tâm linh không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 29 Thường niên– Năm B - 2024 (14/10/2024 07:27:21 - Xem: 284)

Bạn nghĩ gì về cám dỗ của quyền lực, ở trong cũng như ngoài Giáo hội? Bạn thường theo kiểu lãnh đạo nào?

Bài 89: Con lạc đà chui qua lỗ kim… (11/10/2024 07:58:26 - Xem: 181)

Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao !” (10,23), khó đến mức mà “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (10,25).

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 28 Thường niên– Năm B - 2024 (07/10/2024 07:23:43 - Xem: 240)

Nếu Chúa Giêsu gặp tôi hôm nay, Ngài sẽ nói tôi còn thiếu một hay nhiều điều? Điều gì vậy? Tôi sẽ đáp lại ra sao?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 27 Thường niên– Năm B - 2024 (30/09/2024 08:01:00 - Xem: 270)

Đời sống hôn nhân ngày nay gặp nhiều khủng hoảng. Đâu là những lý do dẫn đến ly dị hay ngoại tình nơi các đôi vợ chồng hôm nay?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 26 Thường niên– Năm B - 2024 (23/09/2024 07:58:29 - Xem: 348)

Đọc Mc 9,43.48. Theo bạn, hỏa ngục là hình phạt như thế nào? Bạn tin có hỏa ngục không? Tại sao?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7