Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa Chúa nhật 31 Thường niên năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 2,283
  • Ngày đăng: 25/10/2022 16:46:27

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 31 Thường Niên, Năm C

 

 

Từ tuần này cho đến cuối năm Phụng vụ, các bài đọc có một sự thay đổi rõ ràng về chủ đề. Nội dung chuyển từ tập trung vào ơn gọi làm môn đệ sang hoạt động cứu độ của Thiên Chúa. Hôm nay các bài đọc cho chúng ta thấy một Thiên Chúa từ bi, yêu thương và nhẫn nại, Ngài rộng ban phúc lành của ơn cứu độ. Thánh vịnh bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta qua việc ngợi khen và cảm tạ.

 

BÀI ĐỌC 1: Kn 11,22-12,2

Thiên Chúa yêu thương muôn loài

Nhân câu chuyện ông Dakêu hoán cải, được đọc trong bài Tin Mừng hôm nay, Giáo hội cũng trình bày cho chúng ta bài đọc này từ sách Khôn Ngoan, là một trong những lời tuyên bố mạnh mẽ nhất trong Cựu Ước về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tất cả mọi loài và mong muốn cho nó được cứu độ, vì “nếu Chúa ghét loài nào thì Ngài đã chẳng dựng nên”. Sách Khôn Ngoan lặp đi lặp lại nhiều lần về sự nhẫn nại của Thiên Chúa, rằng tội nhân có thể có mọi cơ hội để sám hối. Tác giả nói về sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa đối với mọi loài thụ tạo, cũng được thể hiện trong Giáo lý của Hội Thánh Công giáo: “Sau khi tạo dựng, Thiên Chúa không bỏ mặc thụ tạo của Ngài. Không những Thiên Chúa cho chúng hữu thể và hiện hữu, nhưng Ngài còn luôn luôn giữ gìn chúng “hiện hữu”, cho chúng có thể hoạt động và dẫn đưa chúng đến cùng đích của chúng. Nhận biết sự lệ thuộc tuyệt đối như vậy vào Đấng Tạo Hóa là nguồn mạch của sự khôn ngoan và tự do, của niềm vui và sự tin tưởng” (GLHTCG 301). Thiên Chúa chờ đợi tội nhân sám hối và không bao giờ đánh mất sự kiên nhẫn của Ngài (12,1-2). Khi Thiên Chúa quở trách loài người tội lỗi, Ngài làm như vậy với ý định cứu chuộc với hy vọng rằng sự sám hối sẽ dẫn đến hoán cải, điều này sẽ dẫn đến việc họ trở lại đón nhận tình yêu thương và lòng thương xót của Thiên Chúa. Thánh Tôma Aquinô đã viết: “Tình yêu Thiên Chúa sáng tạo và đổ tràn đầy sự tốt lành cho muôn loài” (Summa Theologiae, 1.20.2).

 

ĐÁP CA: Tv 145:1-2, 8-11, 13b-14

Chúa từ bi và nhân hậu

Tựa đề của Thánh vịnh này là: “Ngợi khen. Của vua Đavít”, nghĩa là được gán cho Đavít, vua Israel. Đavít là vị vua được xức dầu, nhưng ông nhìn nhận còn có một quyền năng cao trọng hơn ông, là Thiên Chúa Vua muôn vua. Trong cc. 1-2, tác giả muốn tán dương và chúc tụng Chúa “mọi ngày” và “đến muôn thuở muôn đời”. Lòng sùng mộ và biết ơn của vua là không giới hạn. Thánh Gioan Kim Khẩu viết: “Ước muốn tán dương Chúa là một chỉ dấu của một tâm hồn con thảo đích thực. Ai tán dương Chúa mọi ngày thì sẽ được ca tụng Ngài miên viễn” (Expositio in Psalmos, 144.2).

 

Đây cũng là một bài thánh ca kể lại những lần Thiên Chúa can thiệp để hướng dẫn, che chở và bảo vệ dân Ngài trải qua suốt dòng lịch sử. Chương trình của Chúa cho các dân tộc là thiết lập một vương quốc của ân sủng, tình thương, công lí, và lòng mến hơn là biểu dương quyền lực và sự thống trị. Bởi  đó, Đức Bênêđictô XVI khi nhắc đến Thánh vịnh này đã nhấn mạnh đến những cụm từ diễn tả sự toàn thiện của Thiên Chúa, như: “Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu đối với muôn loài Chúa đã dựng nên” (c.9). Công trình sáng tạo của Ngài thật hiển hách, tuy nhiên phẩm tính trổi vượt của Ngài lại chính là tình thương vô bờ bến đối với chúng ta.

Chúa gần gũi…kẻ thành tâm cầu khẩn Ngài”. Phần thứ hai của Thánh vịnh chứa đựng một tư tưởng đầy an ủi: nếu chúng ta sẵn lòng thực thi ý Chúa thì chúng ta luôn xác tín rằng Ngài sẽ đáp lời cầu khẩn của chúng ta. (x. Bênêđictô XVI, Tiếp kiến chung, ngày 1 và 8 tháng Hai, 2006).

 

BÀI ĐỌC 2: 2 Tx 1,112,2

Ngày Chúa quang lâm

Những Kitô hữu đầu tiên đã bối rối về ngày quang lâm của Chúa. Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng Vương quyền của Thiên Chúa sắp đến. Điều này có nghĩa là thế giới này đang nhanh chóng kết thúc? Nó diễn ra nhanh chóng như thế nào? Bức thư thứ hai của thánh Phaolô gửi cho tín hữu Thêsalônica khích lệ người Thêsalônica kiên trì trong đức tin Kitô giáo, luôn tôn vinh Thiên Chúa mà không thụ động chờ đợi Chúa “tái lâm” trong cuộc đời họ. Bức thư này nhằm sửa chữa một số hiểu lầm đã nảy sinh trong cộng đoàn. Ai đó đã mang đến cho các tín hữu tại Thêsalônica một sứ điệp hoặc một bức thư được cho là của Phaolô. Bức thư khẳng định rằng Ngày của Chúa, tức là cuộc tái lâm của Chúa Giêsu sắp xảy ra. Một số người trong cộng đoàn đối phó với nỗi sợ hãi, trong khi những người khác bỏ công ăn việc làm và cảm thấy dao động hoang mang khi họ chờ đợi tác động của ngày Chúa đến (The Collegeville Bible Commentary). Bức thư khuyến khích người Thêsalônica, và cả chúng ta, hãy tôn vinh Danh Chúa Giêsu và hành xử theo cách để trở nên xứng đáng với ơn kêu gọi của Thiên Chúa bằng cách “dựa vào quyền năng của Ngài, Đấng đã gọi chúng ta trở nên thánh thiện, và cứu chúng ta không phải theo công việc của chúng ta mà theo mục đích và ân sủng của chính Ngài.” Mỗi năm, khi chu kỳ của các bài đọc sắp kết thúc, Giáo hội nhắc nhở chúng ta về biến cố quang lâm cuối cùng này của Chúa. Khi nào nó sẽ đến? Tất cả những gì chúng ta có thể biết là ngày đó sẽ xảy ra, theo nghĩa là chúng ta phải luôn sống trong thái độ sẵn sàng chờ đợi; còn ý định và ngày giờ của Thiên Chúa thì chúng ta “không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt” (Cv 1,7).

 

TIN MỪNG: Lc 19,1-10

Thực hiện hoán cải

Câu chuyện ông Giakêu một lần nữa trình bày sứ mệnh của Chúa Giêsu là tìm kiếm và cứu những gì đã mất. Nó cũng cho thấy vào thời đó sự thù hận của dân Do Thái đối với những kẻ thông đồng với người La Mã đang chiếm đóng, là những người thu thuế. Chúng ta phải nhớ rằng người Do Thái tự hào là dân tộc được Chúa cứu thoát khỏi cảnh nô lệ. Vì vậy, bất kỳ loại nô lệ nào đối với họ cũng đều đáng ghét. Ông Giakêu không chỉ thuộc về hạng người thu thuế bị ghét bỏ, mà ông còn là thủ lĩnh trong số họ. Điều này có nghĩa là ông ta có thể được hưởng lợi cả từ các khoản thuế đã nộp và từ các khoản phí mà chính những người thu thuế thu của người dân. Ông tiến hành công việc của mình tại Giêrikhô, một thành phố nổi bật trên tuyến đường thương mại đông tây. Thành phố có lẽ đặt một trạm kiểm soát hải quan, vì vậy việc thu thuế hẳn là một công việc làm ăn phát đạt, từ đó Giakêu đã thu lợi rất nhiều.

 

Mặc dù bị khinh miệt rõ ràng, nhưng Giakêu được mô tả là có một số phẩm chất rất đáng kính trọng. Sự chú tâm của ông đối với Chúa Giêsu đã thúc đẩy ông bỏ qua bất kỳ sự tai tiếng nào mà ông có thể bị chê trách khi ông trèo lên cây sung. Hành vi này đã khiến một số người coi ông là một tên hề. Điều này thật đáng tiếc vì tính cách cởi mở của ông với ân sủng có thể bị giảm thiểu. Ông đã đáp lại Chúa Giêsu ngay như đã được chỉ dẫn, và ông  mở rộng đón tiếp Người với tất cả sự hiếu khách theo phong tục. Sự chân thành của việc ông biến đổi được nhìn thấy trong mức độ ông đền trả. Luật quy định việc trả lại số tiền bị chiếm đoạt là hai mươi phần trăm số tiền đó (Lv 6,5). Giakêu rất rộng rãi trong việc đền bù, ông hoàn trả gấp bốn lần số tiền mình chiếm đoạt, và ông làm điều này cùng với việc chia một nửa tài sản của mình cho người nghèo. Sự hào phóng như vậy là thái độ đáp trả của ông khi được Chúa kêu gọi và được hãnh diện về sự hiện diện của Người.

 

Trình thuật này vẽ ra những nét tương phản sâu đậm giữa thái độ của Chúa Giêsu đối với người đàn ông này và thái độ của những người đã chứng kiến cuộc gặp gỡ. Trước tiên, Chúa Giêsu tách ông ta ra khỏi đám đông và sau đó ân cần tiếp nhận lòng hiếu khách của ông. Những người khác, khinh thường Giakêu, đã xầm xì chống lại Chúa Giêsu và kết án Người đã vào ở nhà tội nhân. Họ tin rằng chỉ có tội nhân mới kết bạn với những tội nhân khác. Họ cũng cho rằng chia sẻ một bữa ăn nói lên một mối quan hệ rất thân thiết. Cả hai xác tín này đã khiến họ kết luận rằng chính Chúa Giêsu phải là một tội nhân.

 

Có thể thấy ý định của Chúa Giêsu đối với ông Giakêu trong những từ ngữ mà Người sử dụng. “Tôi phải!” (c. 5). Có một cái gì đó bắt buộc ở đây. Chúa Giêsu không xin phép đến nhà ông, và ông Giakêu cũng không mở lời mời. Nó gần như thể là kế hoạch cứu rỗi đòi hỏi Chúa Giêsu phải vào nhà và cuộc sống của con người này. Từ “hôm nay” cũng có tính cấp bách (cc. 5,9). Chúa Giêsu phải đến với ông Giakêu hôm nay để chính hôm nay ơn cứu độ đến với nhà ông. Người chỉ đi qua thành Giêrikhô, và nếu người ta không nắm bắt thời điểm, cơ hội có thể bị mất. Tính cấp bách của thời điểm này đòi hỏi các hoạt động tôn giáo và xã hội phải được gạt sang một bên. Ông Giakêu cũng có thể là một tội nhân. Quyết định đền trả của ông ngụ ý rằng ông nhận biết mình như vậy. Phản ứng của Chúa Giêsu đối với đám đông chỉ trích Người giao du với tội nhân cũng nói lên điều này. Người chẳng bao giờ thách thức những lời chỉ trích của họ. Thay vào đó, Người nhấn mạnh rằng chỉ những ai bị mất mới cần được tìm; chỉ những người đang chết mới cần được cứu. Những người tự tôn mình là công chính hiếm khi hiểu điều này, và kết quả là họ bỏ lỡ cơ hội cứu rỗi cho chính họ.

 

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

GLHTCG 293-294, 299, 341, 353 : Vũ trụ được dựng nên để làm vinh danh Thiên Chúa

GLHTCG 1459, 2412, 2487 : Việc đền tội

Lm Giuse Ngô Quang Trung

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 34 Thường niên– Năm B - 2024 (21/11/2024 08:35:00 - Xem: 29)

Kinh Tiền Tụng của lễ Kitô Vua có nói đến những nét của Nước Thiên Chúa vào ngày quang lâm: Nước đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn tình thương, công lý và bình an. Bạn thích nét nào hơn cả?

Học Hỏi Phúc Âm CN lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam - 2024 (13/11/2024 05:52:05 - Xem: 112)

Ở Việt Nam, đức tính nào của người Công giáo có sức thu hút mạnh mẽ những người chưa biết Chúa?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 32 Thường niên– Năm A- 2024 (04/11/2024 14:34:58 - Xem: 118)

Bạn nghĩ gì về cách đánh giá của mình về người khác? Bạn có hay đánh giá theo cái nhìn bên ngoài không? Bạn học được gì nơi cách đánh giá của Thiên Chúa?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 31 thường niên Năm B - 2024 (28/10/2024 07:31:06 - Xem: 153)

Đức Giêsu tóm mọi điều răn trong một động từ “yêu mến”. Bạn có thấy tình yêu chi phối đời sống đạo của bạn không? Theo bạn, kẻ thù nguy hiểm nhất của tình yêu là gì?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 30 thường niên Năm B - 2024 (24/10/2024 10:27:00 - Xem: 177)

Nếu hôm nay Chúa Giêsu hỏi tôi: “Con muốn Ta làm gì cho con?” tôi sẽ trả lời ra sao? Tôi có thấy mình cần được sáng mắt về tâm linh không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 29 Thường niên– Năm B - 2024 (14/10/2024 07:27:21 - Xem: 284)

Bạn nghĩ gì về cám dỗ của quyền lực, ở trong cũng như ngoài Giáo hội? Bạn thường theo kiểu lãnh đạo nào?

Bài 89: Con lạc đà chui qua lỗ kim… (11/10/2024 07:58:26 - Xem: 181)

Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao !” (10,23), khó đến mức mà “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (10,25).

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 28 Thường niên– Năm B - 2024 (07/10/2024 07:23:43 - Xem: 240)

Nếu Chúa Giêsu gặp tôi hôm nay, Ngài sẽ nói tôi còn thiếu một hay nhiều điều? Điều gì vậy? Tôi sẽ đáp lại ra sao?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 27 Thường niên– Năm B - 2024 (30/09/2024 08:01:00 - Xem: 270)

Đời sống hôn nhân ngày nay gặp nhiều khủng hoảng. Đâu là những lý do dẫn đến ly dị hay ngoại tình nơi các đôi vợ chồng hôm nay?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 26 Thường niên– Năm B - 2024 (23/09/2024 07:58:29 - Xem: 348)

Đọc Mc 9,43.48. Theo bạn, hỏa ngục là hình phạt như thế nào? Bạn tin có hỏa ngục không? Tại sao?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7