Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B

  • In trang này
  • Lượt xem: 6,380
  • Ngày đăng: 20/04/2021 22:34:09

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 3 Phục Sinh, Năm B

Chủ đề chung của các bài đọc hôm nay là thách đố điều chỉnh đời sống của chúng ta cho phù hợp với sự hiện diện sống động của Chúa Phục Sinh. Chúng ta ngày càng nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng Chúa Giêsu gửi đến cho tín hữu, hoạt động mạnh mẽ trong chúng ta, trong cộng đoàn Giáo hội và cả trong thế giới hôm nay. Nhận thức này sẽ củng cố niềm hi vọng của chúng ta nơi Người, thúc đẩy chúng ta hoán cải thật sự và đổi mới đời sống, giúp chúng ta nỗ lực làm chứng cho Chúa Phục Sinh bằng các việc bác ái yêu thương. 

BÀI ĐỌC 1: Cv 3,13-15,17-19

Ông Phêrô nói vời người Do Thái

Bài đọc này là phần cuối trong bài diễn từ của ông Phêrô nói với dân thành Giêrusalem sau ngày lễ Ngũ Tuần, khi ông giải thích cho đám đông về ý nghĩa của phép lạ đầu tiên do các tông đồ thực hiện nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Giống như tất cả các bài diễn từ trong sách Công vụ Tông đồ, đây không phải là một bản tường thuật được ghi lại từng chữ từng câu, được thu lại bằng máy ghi âm, mà là một mẫu lời giảng của ông Phêrô cho người Do Thái. Ông thẳng thắn nhắc lại lỗi lầm của họ là đã giao nộp và chối bỏ Chúa Giêsu; nhưng ông cũng cho thấy rằng điều đó xảy ra đúng như lời Kinh Thánh đã báo trước. Tất cả các bài diễn từ đều kết thúc với một lời mời gọi ăn năn sám hối. Việc này không chỉ là kể lại những lỗi lầm quá khứ (tôi đã phạm tội kinh khủng và xấu xa quá!) Nhưng nó còn  có nghĩa là những người nghe và tất cả chúng ta phải thay đổi cách sống, phải áp dụng cho mình hệ giá trị mới của Chúa Phục Sinh. Thực hiện thay đổi có nghĩa là tôi đã đi theo một hướng nào đó; bây giờ tôi quay vòng và đi theo một hướng khác. Và sau đó, cách tôi nhìn thế giới sẽ trở nên khác. Tôi sẽ nhìn mọi thứ theo một góc độ khác, theo cách nhìn của Thiên Chúa. Việc hoán cải này không phải là quay về quá khứ với sự hối tiếc chán nản mà nhìn về tương lai với lòng tin tưởng mạnh mẽ. Chính sự quyết tâm đổi mới này cho phép Thiên Chúa xóa sạch tội lỗi của chúng ta.

ĐÁP CA: Tv 4,2,4,7-9

An bình ở nơi Chúa

Thánh vịnh này được gán cho Đavít. Tác giả nói về lòng thương xót mà Chúa dành cho người trông cậy vào Chúa và tìm kiếm Ngài, nhất là khi cuộc sống của người đó gặp nhiều xáo trộn. Câu 9 gợi ý cho thấy người viết Thánh vịnh kêu cầu Chúa vào buổi chiều tối, khi ông bày tỏ lòng tin cậy nơi Chúa, Đấng vừa lắng nghe và bảo vệ ông khi ông kêu cầu Ngài. Tác giả nói Chúa là nguồn hạnh phúc duy nhất của ông (c. 8). Đỉnh cao của bài thơ ở câu 9 là niềm vui, sự bình an và cảm giác an toàn mà Chúa ban cho người trông cậy vào Chúa, khi người ấy gặp khó khăn ngặt nghèo. Trong những lúc đó, Chúa ban cho những ai kêu cầu Ngài sự bình an nội tâm sâu thẳm.

Thánh Têrêsa Avila cũng nêu quan điểm tương tự: “Hãy hướng mắt nhìn vào chính mình, như lời chép rằng: Ở đó bạn sẽ tìm thấy Thầy, Đấng sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn. Bạn càng cảm thấy mình nhận được ít sự an ủi từ ngoại giới, thì món quà mà Ngài ban cho bạn càng lớn. Mối quan tâm của Ngài đối với bạn thật sâu đậm; Ngài không bao giờ rời xa những người đau khổ, những người bị tổn thương và những người một mực tin tưởng nơi Ngài. Đó là điều Đavít đã nói: ‘Chúa gần gũi những tâm hồn sầu khổ.’ Bạn có thể tin như thế, hoặc bạn không. Nhưng nếu bạn đã tin, tại sao bạn còn đau khổ?” (Đường Trọn Lành, 29,2). Những câu cuối cùng 8& 9 là lời cầu nguyện trong phần Kinh Tối của Giáo hội.

Niềm vui và sự bình an nội tâm xuất phát từ Chúa Phục Sinh, cũng là những hoa trái của Chúa Thánh Thần. Đó là những ơn ban của Chúa Kitô mà thế gian không thể ban tặng, và người ta cũng không thể cố gắng theo sức riêng mà có thể đạt được (x. GLHTCG 736, 2657, 2717-2718).

BÀI ĐỌC 2: 1 Ga 2,1-5

Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha

Bài đọc thứ hai này tiến xa hơn một bước so với bài đọc thứ nhất. Trước tiên là về việc hoán cải, sau đó về việc đền bù những tội lỗi quá khứ. Chúa Giêsu Kitô là Đấng Bảo trợ của chúng ta trước mặt Đức Chúa Cha, Người “ngự bên hữu Đức Chúa Cha”, vì thế Người có thể cất sạch mọi tội lỗi của chúng ta. Người thực hiện công trình này như thế nào? Thưa bằng hành động vâng lời trên Thánh giá, Chúa Giêsu xóa sạch sự bất tuân của Ađam, tức là của toàn thể nhân loại. Ađam (có nghĩa là “con người”) là hình ảnh của toàn thể nhân loại, và tội lỗi của Ađam là biểu tượng của tất cả tội lỗi của loài người, là tội ‘tổ tông’ của mọi tội lỗi khác; đó là hành động quay lưng lại với Thiên Chúa, một hành động thể hiện sự độc lập và bất tuân phục. Trên Thánh giá, Chúa Giêsu đã giao hòa trọn vẹn với Chúa Cha, trong một hành động hoàn toàn vâng phục trong tình yêu, mà Chúa Cha cũng đáp lại Người  bằng tình yêu mãn nguyện. Từ nguồn tình yêu sung mãn này Chúa Giêsu thực hiện công trình đổi mới toàn thể nhân loại trong tình yêu. Đối với chúng ta cũng vậy, đúng là nếu chúng ta đã nhận biết Chúa, nếu chúng ta cảm tạ Chúa và muốn sống kết hợp với Ngài, chúng ta không thể không thể không tuân giữ các điều răn của Ngài. Các điều răn của Chúa không phải để hạn chế cuộc sống của chúng ta, mà là cách thế giúp chúng ta kết hợp với Ngài. Qua Luật mới là tình yêu, Thiên Chúa mặc khải chính mình và mời gọi chúng ta nên giống Ngài. 

TIN MỪNG: Lc 24,35-48

Làm chứng cho Chúa Phục Sinh

Phần giới thiệu ngắn gọn về sự kiện Emmau (24,13-32) đặt bối cảnh cho tất cả bài đọc. Bài đọc trình bày hai chủ đề chính nổi bật trong hầu hết các bài tường thuật hậu phục sinh: kinh nghiệm về Chúa Phục Sinh, và tiệc bẻ bánh của cộng đoàn. Trình thuật nói rất ngắn gọn rằng họ đã nhận ra Chúa Phục Sinh khi cùng nhau bẻ bánh. Tuy các chi tiết có khác nhau chút ít nhưng diễn tiến của bài đọc này cũng đi theo một khung cảnh chung như vậy.

Bản văn không xác định rõ ai là người có mặt trong kinh nghiệm về Chúa Phục Sinh này, nhưng người ta cho rằng đó là một nhóm tương đối lớn gồm cả phụ nữ và nam giới (x. 24,33). Chúa Giêsu nói với họ bằng câu chào thông thường của người Do Thái: “Bình an cho anh em”. Phản ứng của họ cho thấy họ sợ hãi, vì nghĩ rằng họ đang nhìn thấy một con ma. Tại sao họ lại nghĩ như vậy? Có phải họ đã nhận ra Người, nhưng không biết phải làm gì trước biến cố bất ngờ này vì họ biết rằng Người đã bị giết? Điều này không giống như câu chuyện hành trình Emmau, nơi hai môn đệ đồng hành với Chúa, lắng nghe Người giải thích Kinh Thánh, nhưng không nhận ra Người cho đến khi Người bẻ bánh.

Chúa Giêsu khiển trách họ vì họ đã nghi ngờ. Sau đó, Người cố gắng xóa tan hai trong số những nghi ngờ này bằng cách cho thấy rằng đó thực sự là Người và Người hiện diện với một thân xác thật. Người mời gọi họ chú ý đến các dấu đinh ở bàn tay và bàn chân của Người. Vâng, đúng thực đó là một con người mà họ đã biết trước đây, đã bị đóng đinh và đã chết trên thập giá. Tiếp theo, Người mời họ chạm vào Người để nhận ra xác thân vật lí của Người. Người không phải là ma; thân thể của Người là thật. Họ vẫn không tin, nhưng bây giờ họ tràn ngập niềm vui và sự ngạc nhiên hơn là sợ hãi và kinh hoàng.

Minh chứng cuối cùng về thực thể vật lí của Người là Người ăn một khúc cá nướng trước mặt các môn đệ. Mặc dù đây không phải là bữa ăn nghi lễ chính thức của cộng đoàn, nhưng nó có thể mang âm hưởng về Thánh Thể (x. 9,16). Điểm mấu chốt của bữa ăn không phải là ăn thứ gì mà là chính việc Chúa Giêsu ăn. Bản văn không nói rằng những người có mặt đã chia sẻ bữa ăn với Chúa, chỉ đơn giản là Người ăn để thuyết phục họ về sự hiện diện của thân thể Người. Nếu họ tin chắc như vậy, thì họ có thể trở thành nhân chứng của Chúa Phục Sinh.

Sau khi chứng tỏ cho các môn đệ về thân xác sống lại của Người, Chúa Giêsu tiếp tục giải thích sự đau khổ và cái chết của Người bằng cách quy chiếu về Kinh Thánh. Một lần nữa Người khẳng định rằng Người chính là Chúa Giêsu, cũng là Đấng đã đồng hành với họ trong các nẻo đường sứ vụ trước khi bị đóng đinh.

Người làm điều này bằng cách nhắc nhở họ về những gì Người đã nói với họ trước đây. Người khẳng định rằng cả ba phần chính của Kinh Thánh: Lề Luật (Môisen), các sách Tiên Tri và các Thánh vịnh, đều chứa đựng những truyền thống mà Người hoàn tất. Mắt họ đã nhìn thấy Chúa Phục Sinh. Bây giờ tâm trí của họ được mở ra để hiểu ý nghĩa sâu sa của truyền thống tôn giáo của họ. Chúa Giêsu cho họ thấy câu chuyện của chính Người đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh như thế nào.

Mặc dù không có trích dẫn cụ thể nào được đưa ra, nhưng Chúa Giêsu quy chiếu về Kinh Thánh để cho thấy rằng tất cả đều đã nói một cách rõ ràng về cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Đấng Messia; về vai trò của Người trong việc hoán cải và xóa bỏ tội lỗi; về tính phổ quát của sứ điệp ơn cứu độ; và đặc ân mà Giêrusalem được hưởng, là nơi mà từ đó công trình rao giảng ơn cứu độ sẽ được khởi xướng và loan truyền. Sau đó, Chúa Giêsu truyền lệnh rằng những người có mặt phải là chứng nhân cho những điều kỳ diệu này.

 —

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 1346-1347 : Bí tích Thánh Thể và kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmau

GLHTCG 642-644, 857, 995-996 : Các Tông đồ và các môn đệ là chứng nhân của biến cố phục sinh

GLHTCG 102, 601, 426-429, 2763 : Đức Kitô, chìa khóa giải thích Kinh Thánh

GLHTCG 519, 662, 1137 : Đức Kitô, Đấng Bầu Cử của chúng ta trên Thiên Đàng

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 Phục sinh – Năm B (22/04/2024 08:56:10 - Xem: 70)

Bạn có thấy bị đau khi được cắt tỉa không? Sau đó bạn có thấy cành nho của bạn sinh nhiều trái hơn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 Phục sinh – Năm B (15/04/2024 07:31:04 - Xem: 157)

Trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 3 Phục sinh – Năm B (08/04/2024 08:59:30 - Xem: 199)

“Chính anh em là chứng nhân.” Theo bạn, ở Việt Nam, chúng ta có thể làm chứng nhân cho Chúa qua những công việc gì hay qua lối sống như thế nào?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 2 Phục sinh năm B (06/04/2024 08:05:54 - Xem: 157)

Theo bạn, thái độ đòi hỏi của ông Tôma trong Ga 20,25 có quá đáng không? Có khi nào bạn gặp một người giống Tôma ở trong nhóm hay họ đạo của bạn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 248)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 325)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 312)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 246)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 316)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B  (15/02/2024 05:34:16 - Xem: 247)

Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7