Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,753
  • Ngày đăng: 08/12/2021 15:27:38

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 3 Mùa Vọng, Năm C

 

 

Chúng ta đã bước qua quá nửa đường của Mùa Vọng. Theo truyền thống, Chúa nhật III Mùa Vọng được gọi là “Chúa nhật Laetare”, Chúa nhật của Niềm Vui, xuất phát từ câu đầu của ca nhập lễ tiếng Latinh: “Gaudete in Domino semper” (Anh em hãy vui luôn trong Chúa). Niềm vui của Chúa nhật này đến từ sứ điệp của các bài đọc cũng như từ sự cảm nhận rằng Giáng Sinh đang đến gần. Các bài đọc không chỉ mời gọi chúng ta vui mừng mà còn cho chúng ta biết tại sao và làm cách nào chúng ta cần phải thể hiện niềm vui. Việc nêu bật Gioan Tẩy Giả như một hình mẫu giúp chúng ta nhận ra giới hạn của bản thân để thực hành những bước hoán cải cần thiết, mà từ đó chúng ta có thể đón nhận niềm vui trọn vẹn.

 

BÀI ĐỌC 1: Sp 3,14-18

Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion!

Tiên tri Sôphônia báo trước rằng thành thánh Giêrusalem bị người Babylon cướp phá, sẽ được phục hồi. Đó sẽ là một ngày tràn ngập niềm vui, khi Chúa thực sự là vua cho dân tuyển chọn tại Giêrusalem. Sau cuộc lưu đày ở Babylon, người Do Thái trở về Giêrusalem, nhưng họ liên tục bị thống trị bởi hết nhà cầm quyền nước ngoài này đến thế lực nước ngoài khác, bị quăng ném từ hết nhan vật này đến lãnh tụ khác như một món đồ chơi của các nước láng giềng quyền lực xung quanh. Họ càng ngày càng khao khát được tự do; họ nôn nóng mong mỏi Chúa là đấng cai quản duy nhất của họ. Tuy nhiên khi Chúa Giêsu đến, Người thiết lập vương quyền của Thiên Chúa trên trái đất, nhưng dân tuyển chọn lại không nhận ra vương quyền của Chúa Giêsu qua lời loan báo và cách sống của Người. Người không phải là một vị anh hùng chinh phục mà họ mong đợi. Và những công dân mà Người thu nhận vào vương quốc của Người lại là những kẻ đói nghèo, người bị bách hại, người thiệt thòi, bị xa lánh, người bị hư mất, bị khinh thường, tàn tật và bệnh tật. Chính những đối tượng này đã đón niềm vui và sự hân hoan Người mang đến “như trong ngày lễ hội”. Nếu người ta không nhận ra Chúa hiện diện trong cuộc đời mình, thì đó là vì họ đã sai lầm khi đi tìm Chúa. Nếu chúng ta muốn chia sẻ niềm vui và niềm hi vọng của lễ Giáng Sinh cho thế giới, chúng ta phải tập trung vào đúng Vương quyền của Thiên Chúa.

 

ĐÁP CA: Is 12:2-3,4bcd, 5-6

Dân Sion hãy reo mừng

Bài thánh ca tạ ơn này phác họa những ân huệ sẽ được trao ban và được thừa hưởng trong tương lai. Vì vậy, người ta cũng có thể coi đó là một bài thánh ca của lòng tin tưởng. Thiên Chúa được công xưng là “Đấng Cứu Độ” và được củng cố bởi đặc tính này, tác giả không hề sợ hãi nhưng can đảm nói lên điều này. Hình ảnh nước xuất hiện ở đây giống như trong phần trước, nói đến biển Ai Cập và Sông Cả (11,15). Mặc dù mức độ khác nhau một chút, trong cả hai trường hợp, nước mang chức năng biến đổi. Trước đó nó biểu thị cho sự sáng tạo mới; đó là dòng nước của ơn cứu rỗi.

 

Chủ đề về làm chứng cũng xuất hiện ở đây (cc. 4-5). Tác giả kêu gọi cộng đoàn ca tụng danh Thiên Chúa vinh hiển, danh xưng biểu thị chính bản tính của Thiên Chúa. Họ phải xưng tụng những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện và công bố cho các quốc gia. Điều đáng mừng nhất trong số những công trình kỳ diệu này là sự biến đổi chính con người. Nói cách khác, đời sống được biến đổi của dân Chúa sẽ công bố cho các nước biết những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã hoàn thành.

 

Chủ đề thứ ba và cũng là chủ đề cuối cùng trong phần đáp ca này nêu bật tầm quan trọng của Giêrusalem (thành Sion). Thành này vừa là thủ đô của triều đại Đavít vừa là nơi xây dựng đền thờ. Khía cạnh thứ hai được lưu ý ở đây. Chính thành thánh cũng được kêu gọi để vui mừng. Lý do cho niềm hân hoan này là sự hiện diện của Chúa ở giữa thành. Mặc dù đền thờ là biểu hiện cụ thể của sự hiện diện thiêng liêng này, nhưng chính sự hiện diện của Thiên Chúa là quan trọng chứ không phải đền thờ (x. Gr 7, 3-4). Thần học của đoạn văn này đã đạt được ý nghĩa đầy đủ của nó: sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân là nền tảng cho lòng tin tưởng của tác giả về ơn giải thoát trong tương lai.

 

BÀI ĐỌC 2: Pl 4,4-7

Chúng ta hãy vui luôn trong Chúa!

Lời khích lệ mở đầu cho bài đọc này: “Anh em hãy vui lên”, đã mang lại cho Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng, đã qua nửa chặng đường chuẩn bị lễ Giáng Sinh, tên truyền thống của nó là Chúa nhật Gaudete. Tuy nhiên, Phaolô đích thực muốn nói với chúng ta rằng đừng lo lắng mà hãy đặt mọi ước muốn của mình trước mặt Thiên Chúa. Tương tự như vậy, thánh Giacôbê cũng nói với chúng ta rằng lời cầu nguyện phải được thực hiện với đức tin trọn vẹn, không một chút nghi ngờ. Tuy nhiên, những lời cầu nguyện của chúng ta có luôn được đáp lại không? Làm thế nào những ý nguyện có thể được đáp ứng, nếu một người cầu mưa trong khi tôi cầu nắng? Lời cầu xin đích thực là lời cầu nguyện mang tâm tình của chính Chúa Giêsu, là đón nhận Chúa Cha trong tình yêu thương phó thác, tin tưởng rằng ngài là Cha nhân từ yêu thương chúng ta, và chỉ là như thế. Chúng ta có thể nghĩ rằng mình biết được điều gì sẽ đem đến cho chúng ta hạnh phúc, nhưng cách đón nhận hạnh phúc thực sự duy nhất là phó mặc nó cho Chúa, với thái độ khiêm tốn nhìn nhận rằng nhận thức của con người chúng ta là giới hạn và không đầy đủ. Do đó bất kỳ lời cầu nguyện nào thêm nữa chỉ mang ý nghĩa như là tạm thời. Nó gần như là một mặc định: chúng ta nghĩ rằng chúng ta biết điều gì sẽ khiến chúng ta hạnh phúc, nhưng ở một cấp độ khác, chúng ta chân nhận rằng mình không biết tất cả, chỉ có Chúa mới biết rõ nhất. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là trút bỏ những lo lắng, những gánh nặng của mình cho Chúa và để cho Ngài sắp đặt cho chúng ta.

 

TIN MỪNG: Lc 3,10-18

Chúng tôi phải làm gì?

Bài Tin Mừng thuật lại những lời chỉ dạy Gioan Tẩy Giả nói cho những ai đến để nghe ông giảng và chịu phép rửa. Bài đọc có thể được chia thành hai phần: câu trả lời của Gioan  cho những vấn nạn của những người trong nhóm đặt ra; và việc Gioan nhìn nhận sự vượt trội của Chúa Kitô, Đấng sẽ đến.

 

Ba lần Gioan được hỏi: Chúng tôi phải làm gì? Mặc dù bản thân Gioan sống một cuộc sống khắc khổ, từ bỏ ham muốn những giá trị vật chất mà người ta thường theo đuổi, thì ông không yêu cầu những người hỏi ông phải tách mình ra khỏi cuộc sống hoặc nghề nghiệp của họ. Thay vào đó, ông thách thức họ tiếp tục ở vị trí hiện tại nhưng thực hiện trách nhiệm hàng ngày là quan tâm đến người khác, sống trung thực và hoàn thiện. Những hướng dẫn đạo đức thực tiễn mà ông đưa ra có tính chất liên đới cộng đồng.

 

Những người đặt câu hỏi đầu tiên thường được xác định là “đám đông, dân chúng”. Gioan khuyến khích họ chia sẻ phần dư thừa của mình với những người thiếu thốn đang ở gần mình. Từ tiếng Hy Lạp được dịch là “áo trong” (chitōn, câu 11) là áo mặc bên trong sát với da thịt, không phải áo choàng bên ngoài thường được dùng để che đắp trên thân người vào ban đêm. Không chỉ quần áo mà cả thức ăn cũng cần phải được chia sẻ. Rõ ràng từ lời dạy của Gioan rằng, không phải mọi người đều được khuyên phải thoát ra khỏi thế giới như ông đã sống, nhưng tất cả đều được chỉ dạy phải quan tâm đến nhu cầu của người khác.

 

Trong đám đông có những người thu thuế và binh lính, hai nhóm này bị khinh miệt gấp đôi vì họ làm việc cho lực lượng La Mã đang chiếm đóng và thường xuyên nhũng nhiễu dân chúng Do Thái. Các nhân viên thu thuế kiếm sống thỏa thuê từ số tiền họ thu được trong dân chúng. Họ thường gia tăng nhiều mức thuế hơn nhà chức trách yêu cầu, do đó, tích lũy tài sản cho riêng mình với sự đóng góp nặng gánh  của người dân. Gioan không yêu cầu họ từ bỏ chức vụ mà cần phải chấm dứt các hoạt động bóc lột. Những người lính được nhắc đến ở đây có thể không phải là thành viên của các đơn vị đồn trú La Mã nhưng có thể là một dạng cảnh sát được chỉ định để bảo vệ những người thu thuế, vì họ cũng được khuyến cáo không được tống tiền. Những người thu thuế gọi Gioan là “Thầy”, là người dạy dỗ sự công chính cho người ta. Những lời chỉ dẫn của ông đều mang tính chất liên đới: chia sẻ với những người khốn khó; không khai thác những người dễ bị tổn thương.

 

Bầu khí mong đợi tràn ngập tâm hồn mọi người mang ý nghĩa cánh chung; họ đang tìm kiếm Đấng Kitô, “Đấng được xức dầu”. Vì sợ dân chúng nhầm ông với Đấng Kitô này, Gioan tự đối chiếu mình với Đấng sắp đến. Ông khẳng định rằng bản thân ông không xứng đáng để cởi quai dép cho Đấng đã đươc chờ đợi từ lâu. Cởi dép là một công việc hạ đẳng thậm chí còn thấp hơn cả phẩm giá của một nô lệ người Do Thái. Phép rửa bằng nước của Gioan chỉ là một nghi thức thống hối và thanh tẩy bình thường. Còn bí tích Rửa tội của Chúa Kitô trong Thánh Thần có hiệu năng thánh hóa và biến đổi toàn diện. Biến cố quang lâm của Chúa Kitô cũng là thời điểm xét xử, khi kẻ ác sẽ bị tách ra như trấu khỏi thóc mẩy để bị bị ném vào lửa. Và vụ thu hoạch đã xảy ra rồi; thời điểm xét xử là hiện tại.

 

Có vẻ như sứ vụ của Gioan xuất hiện trước cuộc khủng hoảng cánh chung này, do đó những đòi hỏi cấp bách và nghiêm khắc trong lời chỉ dạy của ông hướng người ta vào việc thay đổi tận cõi lòng để  được cứu khỏi sự tàn phá của nó.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 30, 163, 301, 736, 1829, 1832, 2015, 2362 : Niềm vui

+ GLHTCG 523-524, 535 : Ông Gioan dọn đường cho Chúa

+ GLHTCG 430-435 : Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 34 Thường niên– Năm B - 2024 (21/11/2024 08:35:00 - Xem: 29)

Kinh Tiền Tụng của lễ Kitô Vua có nói đến những nét của Nước Thiên Chúa vào ngày quang lâm: Nước đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn tình thương, công lý và bình an. Bạn thích nét nào hơn cả?

Học Hỏi Phúc Âm CN lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam - 2024 (13/11/2024 05:52:05 - Xem: 112)

Ở Việt Nam, đức tính nào của người Công giáo có sức thu hút mạnh mẽ những người chưa biết Chúa?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 32 Thường niên– Năm A- 2024 (04/11/2024 14:34:58 - Xem: 118)

Bạn nghĩ gì về cách đánh giá của mình về người khác? Bạn có hay đánh giá theo cái nhìn bên ngoài không? Bạn học được gì nơi cách đánh giá của Thiên Chúa?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 31 thường niên Năm B - 2024 (28/10/2024 07:31:06 - Xem: 153)

Đức Giêsu tóm mọi điều răn trong một động từ “yêu mến”. Bạn có thấy tình yêu chi phối đời sống đạo của bạn không? Theo bạn, kẻ thù nguy hiểm nhất của tình yêu là gì?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 30 thường niên Năm B - 2024 (24/10/2024 10:27:00 - Xem: 177)

Nếu hôm nay Chúa Giêsu hỏi tôi: “Con muốn Ta làm gì cho con?” tôi sẽ trả lời ra sao? Tôi có thấy mình cần được sáng mắt về tâm linh không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 29 Thường niên– Năm B - 2024 (14/10/2024 07:27:21 - Xem: 284)

Bạn nghĩ gì về cám dỗ của quyền lực, ở trong cũng như ngoài Giáo hội? Bạn thường theo kiểu lãnh đạo nào?

Bài 89: Con lạc đà chui qua lỗ kim… (11/10/2024 07:58:26 - Xem: 181)

Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao !” (10,23), khó đến mức mà “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (10,25).

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 28 Thường niên– Năm B - 2024 (07/10/2024 07:23:43 - Xem: 239)

Nếu Chúa Giêsu gặp tôi hôm nay, Ngài sẽ nói tôi còn thiếu một hay nhiều điều? Điều gì vậy? Tôi sẽ đáp lại ra sao?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 27 Thường niên– Năm B - 2024 (30/09/2024 08:01:00 - Xem: 269)

Đời sống hôn nhân ngày nay gặp nhiều khủng hoảng. Đâu là những lý do dẫn đến ly dị hay ngoại tình nơi các đôi vợ chồng hôm nay?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 26 Thường niên– Năm B - 2024 (23/09/2024 07:58:29 - Xem: 348)

Đọc Mc 9,43.48. Theo bạn, hỏa ngục là hình phạt như thế nào? Bạn tin có hỏa ngục không? Tại sao?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7