Kinh thánh - Giáo lý

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa nhật 2 mùa Chay Năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,508
  • Ngày đăng: 09/03/2022 05:56:41

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 2 Mùa Chay, Năm C

 

 

Chúa nhật thứ hai Mùa Chay cử hành các cách thức hiển linh của Thiên Chúa, qua đó sự hiện diện của Ngài được bày tỏ. Nếu Mùa Chay là thời gian để chúng ta mở lòng trước những dấu chỉ mà Thiên Chúa có thể đưa chúng ta đến ơn cứu rỗi, thì chúng ta phải có khả năng nhận ra những cách thức này khi nó xuất hiện. Mùa chay là thời gian đặc biệt cho sự nhìn nhận này.

 

BÀI ĐỌC 1: St 15,5-12.17-18

Lập giao ước với Abraham

Có những câu chuyện khác nhau về cách thức Thiên Chúa thực hiện một cách chính xác giao ước với Abraham (hoặc Abram). Chắc chắn, đó là một lời hứa bảo vệ lâu dài cho Abraham và dòng dõi của ông. Trình thuật này mang hình thức của một giao ước thánh thiêng thời cổ đại, một kiểu loại được biết đến từ các nguồn cổ xưa khác của vùng Cận Đông. Các lễ vật được xẻ làm đôi, và các bên thực hiện hiệp ước bằng cách chuyển giao các nửa, như một biểu tượng rằng họ sẽ trung thành tuân thủ hiệp ước cho đến khi hai nửa của con vật kết lại với nhau. Những giao ước như vậy diễn ra thường xuyên giữa những người bình đẳng, hoặc giữa lãnh chúa và chư hầu, nhưng người ta không thấy có giao ước nào như vậy giữa một vị thần và một con người. Nó có lẽ ghi dấu sự bất bình đẳng mà chỉ những biểu tượng đáng sợ của Thiên Chúa ở đây mới được chuyển giao giữa hai nửa của lễ vật: Abraham không thể áp đặt các điều kiện cho Thiên Chúa! Abraham cũng không thể làm bất cứ điều gì để kiếm được hoặc biện minh cho lời hứa này: ông chỉ có thể tin cậy nơi Thiên Chúa, vì bản thân ông vẫn là một kẻ du mục không có lãnh thổ định cư để gọi là của riêng mình. Chỉ con cháu của ông mới được thừa hưởng đất đai và trở thành những vì sao trên trời. Mầu nhiệm đáng sợ của khung cảnh được tăng lên bởi giấc ngủ mê (giống như giấc ngủ của Ađam khi Thiên Chúa tạo ra Evà) và bởi nỗi kinh hoàng của Abram.

 

ĐÁP CA: Tv 27,1.7-9,13-14

Tin tưởng và cậy trông nơi Chúa

Chủ đề của Thánh vịnh này, vốn chỉ được đọc một phần trong phụng vụ, là lòng tin tưởng cậy trông vào Chúa (27,1-3). Ánh sáng là hình ảnh thường được Sách Thánh dùng để chỉ sự sống và hạnh phúc: “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào?” (c. 1)

 

1b-3 Tin tưởng vào Chúa

Lòng tin tưởng của tác giả Thánh vịnh được biểu tỏ qua những hình ảnh dùng để diễn tả Thiên Chúa. Chúa là ánh sáng xua tan những bóng tối lo âu. Chúa là ơn cứu độ và sự che chở an toàn khỏi mọi gian nguy; và Chúa là nơi che chở vững chắc duy nhất. Đó là lí do không còn phải sợ hãi. Kẻ thù thật là hung hãn: chúng muốn ăn sống nuốt tươi tác giả; chúng vây quanh tác giả như một đạo quân sẵn sàng gây chiến. Tuy nhiên, chúng không thể tạo ra được sự sợ hãi trong lòng tác giả, bởi vì Chúa là sự che chở tuyệt đối.

 

4-6 Bước vào nhà Chúa

Ngoài việc cầu xin sự giải thoát khỏi quân thù và sự nguy hiểm chúng gây ra, tác giả còn cầu nguyện để có thể luôn bước vào nhà Chúa, là nơi người ta có thể gặp gỡ Ngài. Chính trong đền thờ mà những lời cầu nguyện được lắng nghe, lễ hi sinh được dâng tiến, và sự che chở được bảo đảm. Được che chở an toàn trong nơi đền thánh, tác giả hứa sẽ tiếp tục thờ phượng Chúa.

 

7-14 Kêu cầu Chúa che chở

Thánh vịnh chuyển từ những cảm xúc của lòng tin tưởng nơi quyền năng và và sự thấu suốt của Chúa đến những lời cầu xin ơn trợ giúp trong những lúc gian nguy. Lòng cậy trông trước đó giờ đây cũng được vận dụng. Dầu cha mẹ có bịt tai trước những lời nỉ non của con cái thì Chúa vẫn lắng nghe và đáp lời. Đường của Chúa, con đường mà tác giả muốn dõi theo, vừa là sự khôn ngoan vừa là đường ngay nẻo chính. Bước đi trên con đường ấy, tác giả sẽ tránh xa được nanh vuốt của kẻ thù, và hướng về miền đất của sự sống, nơi mà những người tín trung sẽ luôn nhận được phúc lành của Chúa.

 

BÀI ĐỌC 2: Pl 3,17-4,1

Công dân Nước Trời

Bài đọc thứ hai của Chúa nhật tuần trước đã tiến lên một bước cao hơn so với bài đọc thứ nhất, từ lời tuyên xưng đức tin của người Israel vào Thiên Chúa đến lời tuyên xưng đức tin của Kitô hữu nơi Chúa Kitô là Chúa Phục Sinh. Vì vậy, Chúa nhật này, quyền sở hữu đất đai được hứa cho Abram được đẩy lên thành quyền công dân Nước Trời của Kitô hữu. Trong thế giới này, chúng ta chỉ là người ngoài cuộc hơn là công dân, ở chỗ giá trị cuối cùng của chúng ta không phải thuộc thế giới này. Chúng ta không thể thoải mái, mãn nguyện ngoại trừ mong đợi Chúa Phục Sinh khải hoàn đến để nắm quyền thống trị vạn vật. Điều này, chứ không phải sự hưởng dùng bất kỳ của cải vật chất nào, phải là cơ sở của toàn bộ hệ thống giá trị của chúng ta. Đối với các lời khuyên ở đây, việc Phaolô thường khuyến khích chúng ta  sống theo quy tắc hoặc bắt chước ngài, thì có vẻ khoe khoang và tự mãn. Quả thực, Ngài coi mình như tôi tớ của Chúa Kitô, chịu đau khổ vì Chúa Kitô, cũng như Chúa Giêsu chịu đau khổ trong tư cách người Tôi Trung của Thiên Chúa. Những đau khổ của Phaolô là dấu hiệu của tinh thần tông đồ. Tuy nhiên, trong những chỗ khác, ngài cho thấy rằng ngài cũng nhận thức được như bất kỳ ai trong chúng ta, về những yếu đuối của bản thân và về việc ngài không có khả năng sống theo lý tưởng của mình.

 

TIN MỪNG: Lc 9,28b-36

Cuộc hiển dung của Chúa Giêsu

Có hai đoạn tường thuật về cuộc biến hình của Chúa Giêsu. Trước tiên là sự biến hình thực sự và cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và hai nhân vật từ trời. Đây là một kinh nghiệm riêng của Chúa Giêsu; trong lúc đó các môn đệ đã ngủ. Trong phần thứ hai, các môn đệ tỉnh thức, và họ tham gia vào biến cố. Bản tường thuật giàu tính biểu tượng, cho thấy nhiều ý nghĩa thần học hơn ý nghĩa lịch sử.

 

Chúa Giêsu lên núi để cầu nguyện. Tên của ngọn núi không được đưa ra. Chúng ta biết rằng núi có tầm quan trọng về việc thần hiển. Cả ông Môisen và ông Êlia, những nhân vật rạng ngời tham gia cùng Chúa Giêsu, đã được gặp gỡ Thiên Chúa trên núi. Chính trong lúc cầu nguyện, Chúa Giêsu đã được biến hình cả từ bên trong (khuôn mặt thay đổi) và bên ngoài (y phục chói lòa). Ông Môisen và ông Êlia xuất hiện trong vinh quang, có lẽ do từ Thiên Chúa chứ không từ chính họ, như trường hợp của Chúa Giêsu. Hai người này lần lượt đại diện cho Lề luật và các Tiên tri, những nhân vật đáng kính trong kế hoạch của Thiên Chúa như được nhìn nhận trong truyền thống tôn giáo của người Israel. Chính trong tình trạng được tôn vinh này, hai nhân vật nói về cuộc xuất hành sắp xảy ra của Chúa Giêsu.

 

Các nhà chú giải cho rằng cuộc xuất hành của Chúa Giêsu, đó là sự “ra đi” của Người, bao gồm cái chết, sự phục sinh và sự thăng thiên, tất cả các sự kiện quan trọng trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Những sự kiện này diễn ra tại thành Giêrusalem, nơi mà theo thần học của Luca, là trung tâm hoạt động của Thiên Chúa. Việc hai người này đang thảo luận về những sự kiện này cho thấy rằng cái chết của Chúa Giêsu không phải là một sai lầm bi thảm, điều mà Người không thể tránh khỏi. Đúng hơn, nó đã được biết trước bởi những người đại diện cho toàn bộ truyền thống tôn giáo của Israel.

 

Lúc đầu khi họ đi lên núi, những người đi cùng Chúa Giêsu được xác định là các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê — nhóm môn đệ thân tín của Người. Khi họ thức dậy sau giấc ngủ và nhìn thấy Chúa Giêsu vinh quang rạng ngời cùng với ông Môisen và ông Êlia, họ được nói tới là ông Phêrô và các đồng bạn của ông. Điều này có thể là do ông Phêrô đóng một vai trò tích cực, mặc dù sai lầm, trong phần còn lại của câu chuyện. Dù được tôn vinh, Chúa Giêsu vẫn được ông Phêrô nhận ra. Ông gọi Người là “Thầy” (epistátēs). Trong Luca, ngoại trừ mười người bệnh phong được Chúa Giêsu chữa khỏi (17,13), tước hiệu này chỉ được sử dụng bởi những môn đệ của Chúa Giêsu. Ông Phêrô không muốn cuộc hiện ra kết thúc. Ông đề nghị dựng ba cái lều làm nơi ở cho những vị được tôn vinh. (Những căn lều này có ý nghĩa về mặt cánh chung không? Chúng có giống như những túp lều được dựng lên trong dịp lễ Lều Tạm, gợi ý rằng thời kỳ cuối cùng của cuộc hoàn thành đã đến không?)

 

Điều gì sai trong nhận thức của ông Phêrô? Các nhà chú giải cho rằng đó là do ông đã đánh đồng Chúa Giêsu ngang hàng với ông Môisen và ông Êlia. Sự hiểu lầm của ông đã được sửa chữa bằng một trải nghiệm về cuộc thần hiện có ý nghĩa kitô học sâu sắc. Tất cả các ông đều được đưa vào trong một đám mây, một biểu tượng của sự hiện diện ẩn giấu của Thiên Chúa, và một giọng nói từ đám mây đó công bố thần tính của Chúa Giêsu bằng những lời gợi nhớ đến Isaia (42,1) cũng như những lời được nói trong phép rửa của Chúa Giêsu (Lc 3,22). Chúa Giêsu hoàn toàn không giống như ông Môisen và ông Êlia. Giọng nói không chỉ xác thực con người của Chúa Giêsu mà còn ra lệnh cho các môn đệ nghe theo lời Người, bất kể họ có thể gặp khó khăn hay bị thách đố như thế nào.

 

Đám mây và những vị khách được tôn vinh biến mất và chỉ còn lại Chúa Giêsu. Các môn đệ được cho biết là không kể lại kinh nghiệm này cho ai vào thời điểm đó. Khi các biến cố dần mở ra về cuộc “xuất hành” của Chúa Giêsu thì họ sẽ hiểu rõ ý nghĩa của nó. Và khi đó họ sẽ công bố Tin Mừng một cách không sợ hãi.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 554-556. 568 : Chúa Hiển Dung

+ GLHTCG 59, 145-146, 2570-2572 : sự vâng phục của ông Ápraham

+ GLHTCG 1000 : đức tin mở ra con đường để hiểu mầu nhiệm Phục Sinh

+ GLHTCG 645, 999-1001 : sự phục sinh thân xác

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 Phục sinh – Năm B (22/04/2024 08:56:10 - Xem: 67)

Bạn có thấy bị đau khi được cắt tỉa không? Sau đó bạn có thấy cành nho của bạn sinh nhiều trái hơn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 Phục sinh – Năm B (15/04/2024 07:31:04 - Xem: 156)

Trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 3 Phục sinh – Năm B (08/04/2024 08:59:30 - Xem: 197)

“Chính anh em là chứng nhân.” Theo bạn, ở Việt Nam, chúng ta có thể làm chứng nhân cho Chúa qua những công việc gì hay qua lối sống như thế nào?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 2 Phục sinh năm B (06/04/2024 08:05:54 - Xem: 155)

Theo bạn, thái độ đòi hỏi của ông Tôma trong Ga 20,25 có quá đáng không? Có khi nào bạn gặp một người giống Tôma ở trong nhóm hay họ đạo của bạn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 246)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 324)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 312)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 245)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 316)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B  (15/02/2024 05:34:16 - Xem: 247)

Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7