Kinh thánh - Giáo lý

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa nhật 1 mùa Chay Năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,348
  • Ngày đăng: 02/03/2022 08:55:35

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 1 Mùa Chay, Năm C

 

 

Mùa Chay là thời gian của Chúa. Chúng ta thấy điều này trong các bài đọc hôm nay. Đó là thời điểm mà chúng ta được nhắc nhở rằng chúng ta chỉ là bụi đất và chúng ta không thể làm gì để giành được sự cứu rỗi cho mình. Đó hoàn toàn là một hồng ân của Chúa. Mùa Chay cũng nhắc bảo chúng ta đừng thách thức Thiên Chúa. Giống như Chúa Giêsu trong hoang địa, chúng ta hãy để cho kế hoạch của Chúa khai mở trong và qua chúng ta. Cuối cùng, Mùa Chay là thời gian để chúng ta tích cực bước vào các mầu nhiệm về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu và từ đó chúng ta sẽ kinh ngạc trước những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta.

 

BÀI ĐỌC 1: Đnl 26,4-10

Dân được tuyển chọn

Các bài đọc đầu tiên trong Mùa Chay mỗi năm được sắp xếp một cách tuyệt vời để dẫn chúng ta ngay từ đầu đi vào sự chuẩn bị lập tức cho Chúa Kitô, để mỗi Chúa nhật, chúng ta tiến xa hơn vào trong lịch sử những lời Thiên Chúa hứa đối với dân Ngài. Năm nay bắt đầu với lời tuyên xưng đức tin về việc Đức Chúa chăm sóc dân Ngài, điều mà các thầy tư tế phải thực hiện khi dâng lễ vật của họ. Đáng ngạc nhiên, Lời tuyên xưng này không bắt đầu bằng những lời hứa với Abraham mà với những cuộc lang thang của các bộ lạc du mục đến Ai Cập. Lần đầu tiên ở Ai Cập, Thiên Chúa đã chọn họ là dân tộc của Ngài, giải cứu họ khỏi ách nô lệ. Trong đoạn văn về lịch sử Israel này, thời điểm quyết định không phải là ơn gọi của Abraham mà là cuộc xuất hành khỏi Ai Cập. Nhưng trong các Chúa nhật tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm lời kêu gọi Abraham, ơn gọi của Môisen, lễ Vượt Qua đầu tiên ở Canaan và lời hứa về một Giao Ước Mới khi dân trở về sau cuộc Lưu đày ở Babylon. Nó là một bản ghi chép về sự chăm sóc liên tục của Thiên Chúa khi Ngài chuẩn bị cho Dân sự xuất hiện của Con Ngài lúc nhập thể, và sự mặc khải trọn vẹn nơi Thánh giá và Sự sống lại của lễ Phục sinh.

 

ĐÁP CA: Tv 91,1-2,10-15

Tuyên xưng niềm tin cậy nơi Chúa

Thánh vịnh 91 cho chúng ta cơ hội để suy gẫm sâu xa về mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, qua lời tuyên xưng tuyệt đẹp về đức tin và sự tin cậy nơi Chúa, đặc biệt là vào Chúa nhật Thứ nhất Mùa Chay này. Chúng ta xướng Đáp ca bằng cách trích dẫn cc. 15-16. Bài đáp ca của chúng ta mở đầu Thánh vịnh, nơi tác giả tuyên bố Chúa là nơi ẩn náu và là đồn lũy bảo vệ ông, nơi ông đặt trọn niềm tin cậy (cc. 1-2). Ông tin chắc rằng sẽ không có điều ác hay hoạn nạn nào chạm đến ông vì ông đã cầu xin Chúa của ông, Đấng sẽ gửi sự giúp đỡ để ông có thể đương đầu với bất kỳ khó khăn nào từ rắn đến thú dữ, theo nghĩa đen và nghĩa bóng (cc. 10-13). Để đáp lại đức tin của ông, Chúa hứa với tác giả rằng khi ông kêu cứu, Chúa sẽ nghe lời ông và sẽ cứu ông. Tuy nhiên, ơn giải thoát không hẳn chỉ có nghĩa là sự cứu thoát tạm thời.

 

Satan đã trích dẫn các câu 11-12 khi hắn cám dỗ Chúa quăng mình ra khỏi nóc Đền thờ để chứng tỏ Người là Con Thiên Chúa (Mt 4, 5-6; Lc 4, 9-11). Chúa Giêsu đã chống lại cách hiểu sai của Satan dùng để thách thức Chúa Giêsu và kiểm tra lòng trung thành của Người. Chúa Giêsu nói với Satan rằng: “Lại có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4, 7). Sau đó, Chúa Giêsu đảm bảo với các môn đệ rằng không gì có thể làm hại họ bằng cách dùng những lời tương tự như câu 13: “Này, Thầy đã ban cho anh em  quyền năng đạp lên rắn rết, bò cạp, và mọi thế lực Kẻ Thù; mà chẳng có gì làm hại được anh em.” (Lc 10,19). Chúng ta cũng nhận được sự đảm bảo như thế. Kẻ thù của những người thuộc về Chúa Kitô có thể làm hại thân thể họ, nhưng nó không thể làm hại linh hồn họ vì linh hồn bất tử của họ thuộc về Thiên Chúa.

 

BÀI ĐỌC 2: Rm 10,8-13

Tuyên xưng đức tin

Trong những chương này của thư gửi tín hữu Rôma, Phaolô đang suy tư về vấn đề ơn cứu độ của người Do Thái: tại sao Dân tộc được nuôi dưỡng cẩn thận bao lâu nay lại từ chối nhìn nhận rằng Chúa Giêsu là Đấng hoàn tất kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa? Đối với Phaolô, bản thân là một người Do Thái nhiệt thành, ông thật đau khổ khi có quá nhiều người dân của ông từ chối nhìn nhận Chúa Giêsu. Nhưng ông thấy rằng sự từ chối của họ đã mở ra cánh cửa cho các dân ngoại. Cộng đồng Kitô giáo tại Rôma bao gồm cả người Do Thái và dân ngoại. Điều quan trọng đối với Phaolô là phải chứng tỏ rằng ngay cả Kinh Thánh cũng tuyên bố rằng cánh cửa mở ra cho tất cả những ai tuyên xưng đức tin của họ vào Chúa Kitô, chứ không phải bên này loại trừ bên kia: vì vậy, không có sự phân biệt giữa người Do Thái và người Hy Lạp. Tuy nhiên, đây là một lời tuyên xưng đức tin rất khác với lời tuyên xưng trong bài đọc thứ nhất hôm nay, đó là niềm tin vào Đức Chúa, Đấng đã giải cứu khỏi Ai Cập. Còn đây là niềm tin rằng Thiên Chúa là Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, và đặt Người lên địa vị là Chúa. Phaolô không bao giờ dùng từ “Thiên Chúa” của Chúa Giêsu, nhưng gọi Ngài bằng tên riêng đặc biệt thiêng liêng đến nỗi nó không bao giờ được phát âm trong tiếng Hipri. Từ được sử dụng lúc đó và bây giờ là “Đức Chúa”.

 

TIN MỪNG: Lc 4,1-13

Chúa Giêsu chịu cám dỗ

Trình thuật về những cám dỗ của Chúa Giêsu trong hoang địa, mặc dù mang ý nghĩa Kitô học, nhưng chứa đựng nhiều đặc điểm kết nối Chúa Giêsu với dân Israel xưa. Vùng hoang địa không phải là một nơi lãng mạn. Nó chất chứa đầy nguy hiểm. Là nơi sinh sống của các loài động vật hoang dã, nó cũng là nơi ẩn náu của những tên cướp và những người bị xã hội loại bỏ. Nó được người ta tin là nơi ở của ma quỷ. Đáng kể hơn, nó từng là nơi Israel bị thử thách (x. Đnl 8, 2). Bài tường thuật này cho thấy rằng Chúa Giêsu không giống như những người dân xa xưa đó, Người đã không thất bại trong thử thách của mình. Thời gian nhịn ăn của Chúa Giêsu cũng mang ý nghĩa về người Israel xưa. Hai vị đại diện cho lề luật và các tiên tri của Israel, Môisen và Êlia, đã chay tịnh bốn mươi ngày bốn mươi đêm. Môisen nhịn ăn khi ông viết Mười Điều Răn trên bảng đá (x. Xh 34,28). Êlia đã kiêng ăn cùng một khoảng thời gian đó khi ông đi đến núi Khôrếp (x. 1 V 19,8). Chính trong truyền thống này, Chúa Giêsu đã nhịn ăn.

 

Trình thuật nói rằng Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần. Người được đầy Thánh Thần khi trở về từ sông Giođan. Hơn nữa, chính Thánh Thần, chứ không phải ma quỷ, đã dẫn Người vào hoang địa. Sự kiện trong vùng hoang dã này không phải là một cuộc gặp gỡ tình cờ. Bản thân những cơn cám dỗ đã xảy ra ở ba nơi khác nhau: đồng vắng, trên cao, trên nóc Đền Thờ Giêrusalem. Trong mỗi trường hợp, Chúa Giêsu được thử thách để chứng minh Người là Con Thiên Chúa. Trong mỗi trường hợp, Người trả lời kẻ cám dỗ với việc tham chiếu đến một đoạn trong sách Đệ Nhị Luật. Chúa Giêsu không bao giờ trực tiếp nói đến vấn đề về quyền làm con Thiên Chúa của Người, tuy nhiên Người luôn tỏ ra trung thành như Israel đã không trung thành.

 

Sự cám dỗ hóa ra bánh gợi lại sự đói khát của Israel trong hoang địa và lòng nhân từ của Thiên Chúa trong việc cung cấp manna cho dân chúng. Ở đây quỷ nói ám chỉ rằng nếu Chúa Giêsu có quyền năng là Con Thiên Chúa, Người có thể hóa ra thứ bánh mà cơ thể Người khao khát. Về điều này, Chúa Giêsu đáp lại rằng những lời của Thiên Chúa (các Giới răn) cũng cần thiết cho sự sống như bánh (Đnl 8,1-3). Cám dỗ thứ hai xảy ra trên một nơi cao mà từ đó Chúa Giêsu và quỷ có thể nhìn thấy toàn bộ thế giới có người ở (oikoumenēs). Dường như đã có một truyền thống cho rằng các thế lực tà ác thực hiện quyền thống trị trên thế giới. Điều này sẽ được thay đổi khi Đấng Messia xuất hiện và giành lại quyền kiểm soát thế giới. Chính từ khái niệm này mà quỷ muốn từ bỏ quyền lực cai trị để đổi lấy sự tôn kính của Chúa Giêsu đối với nó. Chúa Giêsu từ chối đề nghị này bằng một câu trích dẫn từ Kinh Thánh (Đnl 6,13).

 

Cám dỗ thứ ba xảy ra tại Giêrusalem, thành phố là trung tâm hoạt động của Thiên Chúa, theo thần học Luca. Nơi được nhắc đến có lẽ là góc cực nam của Đền Thờ, một nơi mà từ đó người ta có thể nhìn ra thung lũng Kidron và nhìn thấy được cả một vùng đất rộng lớn. Cám dỗ cuối cùng này là một nỗ lực để buộc Chúa phải hành động. Trích dẫn một đoạn trong Kinh Thánh (Tv 91,11-12), quỷ thách thức lời hứa bảo vệ của Thiên Chúa, gợi ý rằng Chúa Giêsu sẽ thấy liệu Thiên Chúa có thực sự bảo vệ Người khỏi bị tổn hại hay không. Chúa Giêsu chống lại sự lừa bẫy của quỷ bằng sự đáp trả qua một đoạn Kinh Thánh: Ngươi chớ thách thức Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi (Đnl 6,16). Ba lần quỷ cám dỗ Chúa Giêsu; ba lần Chúa Giêsu chứng tỏ lòng trung thành của mình với Thiên Chúa. Israel đã thất bại trong hoang địa, nhưng Chúa Giêsu vẫn trung thành. Giai đoạn cám dỗ này đã kết thúc, nhưng cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ma quỷ vẫn chưa kết thúc. Kẻ ác chỉ ra đi trong một thời gian.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

GLHTCG 394, 538-540, 2119 : Chúa Giêsu chịu cám dỗ

GLHTCG 2846-2949 : “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”

GLHTCG 1505 : Chúa Kitô giải phóng ta khỏi sự dữ

GLHTCG 142-143, 309 : Đức tin là sự quy phục Thiên Chúa, lời đáp trả thánh ý Thiên Chúa và là câu trả lời trước vấn đề sự dữ

GLHTCG 59-63 : Thiên Chúa thiết lập một dân tộc tư tế qua ông Ápraham và cuộc Xuất Hành

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 Phục sinh – Năm B (22/04/2024 08:56:10 - Xem: 75)

Bạn có thấy bị đau khi được cắt tỉa không? Sau đó bạn có thấy cành nho của bạn sinh nhiều trái hơn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 Phục sinh – Năm B (15/04/2024 07:31:04 - Xem: 158)

Trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 3 Phục sinh – Năm B (08/04/2024 08:59:30 - Xem: 200)

“Chính anh em là chứng nhân.” Theo bạn, ở Việt Nam, chúng ta có thể làm chứng nhân cho Chúa qua những công việc gì hay qua lối sống như thế nào?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 2 Phục sinh năm B (06/04/2024 08:05:54 - Xem: 158)

Theo bạn, thái độ đòi hỏi của ông Tôma trong Ga 20,25 có quá đáng không? Có khi nào bạn gặp một người giống Tôma ở trong nhóm hay họ đạo của bạn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 249)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 325)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 312)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 246)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 316)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B  (15/02/2024 05:34:16 - Xem: 247)

Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7