Lời chúa mỗi ngày

Thứ Tư 30/11/2022 – Thứ Tư tuần 1 mùa vọng – THÁNH ANRÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính. – Ngư phủ lưới người.

  • In trang này
  • Lượt xem: 10,704
  • Ngày đăng: 29/11/2022 10:00:00

Ngư phủ lưới người.

30/11 – Thứ Tư tuần 1 mùa vọng – THÁNH ANRÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.

"Các ông bỏ lưới mà đi theo Người".

 

* Thánh Anrê quê ở Bétsaiđa. Ban đầu người là môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả, sau đó theo Chúa Kitô. Người cũng đã dẫn em là thánh Phêrô đến gặp Chúa. Chính người cùng với thánh Philipphê đã giới thiệu những người ngoại giáo với Chúa Kitô và đã cho biết có một em bé mang theo bánh và cá khi những người nghe Chúa giảng không có gì ăn. Sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, người đã đi loan báo Tin Mừng ở nhiều nơi và đã bị đóng đinh thập giá ở A-khai-a.

 

LỜI CHÚA: Mt 4, 18-22

Khi ấy, nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: "Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta". Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người.

Ði xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

1. Thánh Anrê, Tông Đồ--Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Như một sự tình cờ, lúc đang đi dọc theo bờ hồ Galilê,

Đức Giêsu thấy bóng dáng các anh đánh cá quen thuộc.

Hẳn họ đã có lần nghe Ngài giảng và thấy Ngài chữa lành bệnh nhân.

Đức Giêsu yên lặng nhìn các anh làm việc.

Họ đang quăng lưới bắt cá hay ngồi trong khoang vá lưới với cha.

Cảnh tượng rất đời thường và ấm áp.

Đẹp biết mấy chuyện con người làm việc chung với nhau.

Sau này họ sẽ biết cách làm việc với nhau trên con thuyền Giáo Hội.

Chúa Giêsu hôm nay cũng thấy tôi.

Tôi thế nào, Ngài thấy tôi thế ấy.

Cái nhìn của Ngài không làm tôi bị tê liệt, nhưng cho tôi tự do.

Ngài chấp nhận trọn vẹn con người tôi, cả tội lỗi và yếu đuối.

Chẳng cần son phấn, tôi thu hút Ngài bằng cái mộc mạc của tôi.

Ngài gặp tôi hôm nay lúc tôi đang mải mê làm một việc gì đó.

Ngài gặp tôi giữa cái vất vả kiếm sống của đời thường.

Hạnh phúc cho người nào được thấy Thiên Chúa (Mt 5, 8),

và cũng thật hạnh phúc cho người nào được Thiên Chúa thấy.

“Các anh hãy theo tôi”: đây là một lời mời dành cho mọi Kitô hữu.

Ơn gọi Kitô hữu khởi đi từ tiếng gọi của Thầy Giêsu.

Người Do Thái thường tầm sư học đạo,

còn ở đây, chính Thầy Giêsu đi chọn môn đệ cho mình (Ga 15, 16).

Ngài mời ta đi theo chính con người của Ngài,

chứ không phải theo một lý tưởng cao đẹp hay một dự án hấp dẫn.

“Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới con người.”

Một cuộc đổi đời thực sự, từ lưới cá đến lưới con người.

Con người của mọi dân tộc là mối bận tâm của Thiên Chúa.

Theo Chúa Giêsu là chia sẻ nỗi thao thức của Ngài về nhân loại,

và đồng lao cộng khổ với Ngài trong sứ mạng cứu độ thế giới.

Simon và Anrê đã bỏ chài lưới, Giacôbê và Gioan bỏ thuyền và cha.

Sự từ bỏ nào cũng gây ít nhiều xót xa đau đớn.

Biển cả, sóng nước, thuyền bè, lưới cá, người cha, người vợ:

biết bao giá trị phải bỏ lại, những người tôi đã và vẫn còn yêu mến.

Từ bỏ chỉ khả thi nếu tôi gặp một giá trị cao hơn, một tình yêu lớn hơn.

Chúa không đòi mọi người phải sống đời tu, nhưng đòi phải từ bỏ mình.

Từ bỏ đơn giản là đặt Thiên Chúa lên trên mọi thụ tạo khác,

là chọn Giêsu trong giây phút hiện tại, là đón lấy cái bấp bênh.

Bốn anh ngư phủ đã lên bờ để đi theo một ông thợ mộc bỏ nghề.

Đời họ đã sang một trang mới.

Hôm nay Chúa vẫn đi ngang qua đời tôi như một sự tình cờ.

Ngài vẫn thấy, vẫn gọi, để tôi bỏ và đi theo.

Không thấy và gọi, thì cũng chẳng ai từ bỏ và đi theo.

Tiến trình này được lặp lại nhiều lần, làm nên hành trình Kitô hữu.

Hôm nay tôi mong theo Chúa hơn hôm qua, và ngày mai hơn hôm nay.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu thương mến,

xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa

đến mọi nơi chúng con đi.

Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con

bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.

Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con

để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.

Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,

để những người chúng con tiếp xúc

cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,

không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá,

và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. Amen.

(Chân phước Têrêxa Calcutta)

 

2. Thánh Anrê, Tông Đồ--TGM Giuse Nguyễn Năng

Sứ điệp: Chúa mời gọi: “Hãy theo Ta”. Các môn đệ đã đáp trả cách quảng đại và dứt khoát. Ta hãy lắng nghe và mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi cùng với Giáo Hội mừng lễ thánh An-rê, con xin tạ ơn Chúa, vì Chúa cho con được tiếp tục chương trình cứu thế của Chúa. Nhìn lại ơn gọi của các tông đồ ngày xưa, con nhớ lại ơn gọi Kitô hữu của chính mình hôm nay. Con tạ ơn Chúa đã gọi con và chọn con gia nhập vào đoàn dân của Chúa, dù rằng Chúa biết con rất bé nhỏ, tầm thường.

Lạy Chúa, được trở thành người Kitô hữu là niềm hạnh phúc lớn cho con. Và con biết rằng một khi đáp lại tiếng Chúa là chấp nhận bỏ lại sau lưng những gì ngăn trở con đến với Chúa và theo Chúa. Thế nhưng, có nhiều lúc con đã bất trung, không sống xứng với ơn gọi và sứ mạng Chúa trao. Thời gian đã làm nhạt nhòa tình yêu Chúa trong tim con. Và những vui thú, đam mê, cùng bao nỗi lo lắng, đã làm con quên mất sứ mạng Chúa trao. Lạy Chúa, xin Chúa thứ tha cho con. Xin Chúa luôn làm nóng lại tình yêu và lòng nhiệt thành trong con, để con luôn trung thành với tiếng Chúa gọi.

Con cũng cầu xin cho những người trẻ hôm nay, khi sống giữa bao quyến rũ của thế trần, họ biết lắng nghe và quảng đại đáp lại tiếng Chúa cách mau mắn, biết hiến dâng cuộc đời tươi đẹp của mình để phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em. Amen.

Ghi nhớ: “Các ông bỏ lưới mà đi theo Người”.

 

3. Thánh Anrê, Tông Đồ--Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là mạnh mẽ can đảm. Thánh ANRÊ được vinh dự làm một trong số 12 tông đồ của Chúa Giêsu. Con của Gioana. Như anh mình là Phêrô, Ngài làm thuyền đánh cá và không có gì khác ngoài chiếc thuyền. Như thế Ngài thuộc lớp người khiêm tốn được Chúa Giêsu yêu thương đặc biệt. Ngài vẫn sống tại làng Bethsaida nhỏ bé bên bờ biển Galilêa cũng gọi là hồ Giênezareth. Ngày ấy đang khi cùng với Phêrô đi thả lưới, Chúa Giêsu đã đi ngang qua và đưa lời gọi sẽ quyết định cuộc đời các Ngài:

 - Hãy theo tôi, tôi sẽ làm các anh thành các ngư phủ lưới người ta.

Đây không phải lần đầu ANRÊ đã gặp đấng cứu thế. Thỉnh thoảng Ngài có tới nghe Gioan Tẩy giả rao giảng trong sa mạc. Khi ấy Chúa Giêsu xuống Galilea và Gioan tẩy Giả đã nói:

- Đây là Chiên Thiên Chúa.

Và ANRÊ có mặt ở đó với Gioan, đã biết được Người là Đấng thiên sai mong chờ. Gioan và ANRÊ lên đường theo Người xa xa vì họ cảm động và không dám tới gần. Nhưng Chúa Giêsu quay lại và nói với họ: - Các anh tìm chi vậy?

Họ, những người chỉ tìm, chỉ muốn Chúa thôi đã thưa lại:

- Thưa Thầy, thày ở đâu?

Chúa Giêsu nói: - Hãy đến mà xem.

Và cả hai đã ở với Chúa hôm ấy.

Khi trở về nhà ANRÊ đã nói với anh mình: - Chúng tôi đã gặp được Đấng thiên sai.

Từ đó hai anh em đã bỏ chài lưới để tới gần Chúa Giêsu. Họ nghe Người và thần tính của Người dần dần rọi sáng tâm hồn họ. Họ đã tông thờ Đấng cứu thế ở trong lòng rồi.

Ở tiệc cưới Cana, ANRÊ đã thấy Chúa Giêsu biến nước thành rượu và lần đầu tiên thấy tỏ lộ vinh quang thần linh của Ngài. Thế là sau biến cố ấy Chúa Giêsu đã gọi hai anh em bên bờ biển Galilea và họ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa.

ANRÊ đã rạng rỡ trong lòng mà tham dự vào cuộc chữa lành các bệnh nhân gặp thấy trên đường đi, việc Phúc âm những kẻ chết, việc Chúa hóa bánh ra nhiều để nuôi đoàn người đói lả vây quanh Chúa Giêsu. Chính ANRÊ đã nói:

- Có một bé trai có năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng bằng ấy thì thấm vào đâu đối với ngần này người (Ga 6,8 -9) .

Và Ngài được thấy Chúa Giêsu tăng gấp số thực phẩm. Ở Gierusalem, Ngài còn cho Chúa biết rằng: lương dân đã xin với Philipphê cho được gặp Người. Ngài đã nghe loan báo các chân phúc, các dụ ngôn. Ngài đã có mặt trong bữa tiệc ly. Sau phục sinh, Ngài đã sung sướng gặp lại Thày chí thánh. Ngày lên trời, Ngài thấy Người tiến lên mây trời. Ngày hiện xuống, Ngài đón nhận Chúa Thánh Thần.

Sau những tường thuật trên của Phúc âm, người ta không biết gì chắc chắn nữa về ANRÊ. Các bản văn không có thẩm quyền nói rằng: Ngài đã góp phần Phúc âm hóa dân chúng miền Bithynia, Bontê và Galitia. Ngài bị bắt bên bờ Bắc hải và kết thúc cuộc đời tại Achaia. Lửa đức ái rực cháy trong lòng vị tông đồ. Người ta nói rằng: để cải hóa một tâm hồn, Ngài ăn chay 5 ngày. Đây là tục truyền kể lại cuộc tử đạo của thánh ANRÊ ở Taurida.

Egêa, tổng trấn tỉnh đó cho biết vị tông đồ có mặt ở Patras, thủ phủ của ông, ông liền vội vã tới nơi: kẻ ngoại lai này muốn phá hủy đền thờ các thần minh ư? Nhưng ANRÊ không sợ gì Egêa. Ngài đã nắm vững được chân lý. Ngài nói:

- Tôn thờ loài người chỉ là dị đoan điên khùng. Ong đã lãnh quyền xét xử người ta, trước hết ông phải biết đến vị thẩm phán xét xử mọi người chúng ta ở trên trời và ông phải tôn kính ca ngợi Người.

Egêa vặn lại: - Vị thẩm phán anh nói là Chúa Giêsu mà lời ông ta thường giảng dạy đã làm cho ông ta phải chết trên thập giá chứ gì? Vậy nếu anh không dâng hương tế thần, anh cũng sẽ phải chết trên thập giá như vậy.

Không hề sợ sệt, ANRÊ như rạng rỡ vì hạnh phúc: làm sao Ngài để mất danh dự được đóng đinh vào cùng một đau khổ giá như thày mình được? Khi bắt đầu những tra tấn đầu tiên, lòng dũng cảm còn tăng thêm, Ngài nói với Egêa:

- Cực hình cuối cùng ông đe dọa sẽ được tiếp liền bằng vinh quang bất diệt.

Khi thấy thập giá mình sẽ phải chết trên đó, thánh nhân hớn hở chào kính mà người ta thích lập lại lời chào ấy:

- Ôi thánh giá tốt lành, thánh giá bấy lâu mong chờ, thánh giá nhiệt tình yêu mến, hãy đưa ta tới thầy chí thánh là Đấng đã nhờ Người mà cứu chuộc Ta.

Dịu dàng ANRÊ giang tay ra. Ngài bị cột bằng giây để cái chết tới chậm hơn. Hình phạt sẽ kéo dài hai ngày và người ta còn nghe Ngài tiếp tục rao truyền đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Dân chúngvây quanh Ngài với niềm thán phục đã xin quan tổng trấn tháo giây cho Ngài. Họ nói: - Hãy trả con người thánh thiện cho chúng tôi. Đã hai ngày bị treo, Ngài không ngừng nói những lời tốt lành, đừng giết con người yêu quí của Thiên Chúa.

Nhưng ANRÊ không muốn được trả về cuộc sống khốn cực trần gian này. Ngài cầu nguyện: - Lạy Chúa Kitô hãy đón nhận con, ôi thầy con yêu, con biết con ước ao được gặp thầy, trong Thày mà con được thế này. Hãy nhận lấy hồn con, lạy Chúa Giêsu Kitô.

Và những người tham dự thấy linh hồn vị tông đồ trong hào quang đã bay về với Chúa tạo thành và cứu chuộc của mình.

Tương truyền thánh ANRÊ đã bị cột vào thánh giá đã có từ thế kỷ XII và chỉ vào thế kỷ XIV... người ta mới tưởng tượng thánh giá đó hình chữ X. Dụng cụ cực hình ấy được mệnh danh là thánh giá thánh ANRÊ.

 

4. Thánh Anrê Tông đồ--Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

Đức Giêsu bắt đầu chức vụ công khai bằng rao giảng Tin mừng về Nước Thiên Chúa. Tin mừng này rõ ràng ngày càng liên hệ đến bản thân và chức vụ của Ngài. Thời gian tại thế ngắn ngủi mà ý định mà mọi người khắp thế giới phải được nghe Tin mừng cứu độ. Vậy việc gọi và chọn môn đệ để huấn luyện và sai đi là cần thiết.Chúa gọi 4 môn đệ đầu tiên vào thời gian trước ngày rao giảng và làm phép lạ tại Capharnaum. Các ông này là những người bình thường chuyên nghề đánh cá, tính tình thì mộc mạc dễ thương, không có cao vọng.

Chúa gọi Phêrô và Anrê, Giacôbê và Gioan

Từ Giuđêa trở về, các ông lại tiếp tục công việc thường nhật của các ông là đánh cá. Chính trong lúc đang hành nghề mà Chúa đã kêu gọi các ông. Các ông sinh sống bằng nghề đánh cá ở Biển hồ: dài 21 cây số và rộng 12 cây số, mang nhiều tên khác nhau: Biển hồ, hồ Gênêsareth hoặc biển hồ Tiberiade. Gọi là Tiberiade, vì vua Antipas muốn lấy lòng vua Tibère nên khi xây một thành phố ở Biển hồ đã lấy tên Tibère mà đặt. Tại đây, khi nghe tiếng Chúa gọi, các ông đã bỏ tất cả mà đi theo Chúa.

Cách thức Chúa gọi

Chúa gọi các ông cách gọn gàng và đơn sơ: “Hãy theo Ta”. Vừa nghe, chúng ta thấy 4 ông này tưởng chừng bị thôi miên, vừa nghe một tiếng nói đã đứng lên theo ngay, không suy nghĩ, không tính toán.

Thật ra, bốn ông này không xa lạ gì với Chúa Giêsu. Ít ra, hai người đã biết Chúa Giêsu lúc ông Gioan Tẩy giả giới thiệu cho Anrê và Gioan khi Chúa Giêsu đi ngang qua “Đây là Con chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”. Hai ông nghe xong liền đi theo Chúa Giêsu, đàm đạo với Ngài từ 4 giờ chiều tới tối. Sau đó, ông Anrê lại giới thiệu Simon cho Chúa Giêsu và Chúa đã nói với Simon: “Ngươi sẽ được gọi là Kê-pha” nghĩa là Đá.

Ta có cảm giác như Đức Giêsu có cái nhìn hết sức lôi cuốn. Ngài không nói: “Ta có một hệ thống thần học muốn đầu tư vào các ngươi, Ta có một số triết thuyết muốn các ngươi suy nghĩ, Ta muốn được thảo luận với các ngươi”. Nhưng Ngài chỉ phán: “Hãy theo Ta”. Tất cả đều bắt đầu bằng một xúc động từ thâm tâm, làm nảy sinh lòng trung thành không gì lay chuyển nổi.

Nói thế không có nghĩa là một khi đã theo Chúa Giêsu chẳng có ai suy nghĩ gì cả, nhưng phần đông chúng ta, theo Chúa Cứu thế như là “phải lòng”, là bắt đầu yêu vậy.

 

5. Thánh Anrê, Tông Đồ--Lm. Giuse Đinh Tất Quý

I. GƯƠNG THÁNH NHÂN

Thánh An-rê, em thánh Phê-rô, là người đầu tiên trong Mười Hai Tông đồ đã biết Chúa Giê-su, ngay sau khi Người chịu phép rửa ở sông Gio-đăng, lúc ngài còn là môn đệ của Gioan Tẩy giả.

* Phúc âm kể như sau: “Hôm đó, ông Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông, thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: - Đây là Chiên Thiên Chúa.

Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình thì hỏi: - Các anh tìm gì thế?

Họ đáp: - Thưa Ráp-bi (nghĩa là Thưa Thầy) Thầy ở đâu?

Người bảo họ: - Đến mà xem.

Họ dã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng 4 giờ chiều (Ga 1,35-39).

Và sau khi ở lại với Chúa Giê-su, ngài đã giới thiệu Chúa cho anh mình trước tiên:

- Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a (nghĩa là đấng Ki-tô). Rồi ông dẫn anh mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Gê-su nhìn ông Si-mon, và nói:

- Anh là Si-mon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kê-pha (tức là Phê-rô) “ (Ga 1,40-43).

* Trong phép lạ Chúa Giê-su hóa bánh ra nhiều, thánh nhân là người lên tiếng thưa với Chúa: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với bằng ấy người thì thấm vào đâu!” (Ga 6,9).

* Và ở Giê-ru-sa-lem, khi những người Hy-lạp xin gặp Chúa Giê-su, ông là người đãgiới thiệu họ với Chúa (Ga 12,22).

Tương truyền sau khi Chúa về trời, thánh nhân đã loan báo Tin mừng ở Giê-ru-sa-lem, Giu-đê và Ga-li-lê. Sau đó ngài đến giảng đạo ở vùng Biển Đen và Hy-lạp và chịu tử đạo tại đây.

Khi bi điệu ra nơi hành hình, vị Thẩm phán ôû Pa-tra đe dọa: - Nếu ngươi không dâng hương tế thần, ngươi cũng sẽ phải chết treo trên khổ giá như thế.

Thánh nhân chẳng những không sợ mà còn vui mừng nói: - Chết treo trên khổ giá, đó là hạnh phúc lớn nhất của tôi vì được chết giống Thầy chí Thánh của tôi.

Viên tổng trấn nổi giận, truyền đem treo ngài lên thập giá cho chết. Khi nhìn thấy thập giá mà ngài sẽ bị treo lên, Ngài chào mừng và nói: - Ôi Thánh giá là nơi Chúa chịu chết chuộc tội loài người, tôi đã quý mến ngươi từ lâu. Ngươi hãy giúp tôi đến gặp Chúa Giê-su là Thầy Chí Thánh của tôi.

 Lý hình cột treo ngài lên thập giá. Từ trên cao, ngài kêu gọi mọi người hãy tin thờ Chúa rồi gục đầu tắt thở.

II. BÀI HỌC

* Chúng ta học được bài học gì qua cuộc đời của Thánh An-rê? Có nhiều bài học nhưng có lẽ bài học thực tế nhất đó là bài học biết quan tâm đến người khác.

Gặp được Chúa Giêsu, An-rê đã nghĩ ngay đến anh mình.

Trong hoang địa khi Chúa Giêsu ra lệnh cho các môn đệ tìm của ăn cho dân chúng ăn, một mình An-rê đã nhanh chóng thấy được một em bé có 5 chiếc bánh và hai con cá.

Tại Giêrusalem, những người Hy Lạp đang băn khoăn không biết làm sao để có thể gặp được Chúa, An-rê đã có mặt để dẫn họ đến với Chúa.

Tin mừng chỉ ghi lại có ba lần như thế nhưng với ba lần đó chúng ta cũng có thể thấy được An-rê là con người tốt như thế nào.

* An-rê đã sống như thế, còn chúng ta thì sao? Không biết ngày nay chúng ta có sống được như thế hay không? Hình như là ngày nay con người nghĩ đến mình nhiều hơn nghĩ đến người khác. Việc biết quan tâm đến những người khác người đã trở thành hiếm hoi. Thế giới ngày nay với cuộc sống hướng nhiều về hưởng thụ đang làm cho con người chỉ muốn vun quén cho mình mà không biết đến người khác.

Có một ông Vua nọ bị dân gán cho một căn bệnh hiểm nghèo, đó là “Tứ chứng nan y” gồm: Mù, què, câm, điếc.

Một hôm, một người vào cung Vua, yết kiến. Vua hỏi:

- Nhà ngươi vào gặp Ta chắc có chuyện gì?

- Tâu Bệ Hạ -người đó thưa lại- hạ thần nghe rằng Bệ Hạ đang mang một căn bệnh rất hiểm nghèo là “Tứ chứng nan y” nên hạ thần vào thăm Bệ Ha.

Nghe thế, Nhà vua liền nổi giận quát: - Kẻ nào dám bịa đặt bảo ta bị bệnh? Chân tay mắt mũi ta lành lặn thế này mà bảo ta mù, què, câm, điếc sao?

Người kia liền tâu: - Thần nghe thiên hạ đồn như vậy, nay gặp Vua mới biết sự thực. Nhưng xét lại, thì tin đồn ấy cũng chẳng sai.

Nhà vua chặn lời và nói: - Vậy ngươi hãy chỉ cho ta xem nào!

- Tâu Bệ Hạ, thứ nhất dân kêu kiện nhiều mà Bệ Hạ không thèm trả lời, không giải quyết, nên bọn họ tưởng Bệ Hạ bị câm.

Thứ hai, giặc ngoại bang tràn lan muốn xâm chiếm đất nước, nhân dân hoang mang lo sợ, kêu cầu nhà Vua mà vua không lo gì hết, nên họ tưởng là nhà Vua họ bị điếc.

Thứ ba, cuộc sống của Bệ Hạ thì quá sung sướng, trên nhung lụa, còn ngược lại, dân chúng sống trong cùng cực, đói khổ. Họ không hề thấy Bệ Hạ dòm ngó gì đến họ, cũng chẳng thèm quan tâm lo lắng đến đời sống của họ, nên họ tưởng Bệ Hạ bị đui.

Và cuối cùng, vì họ không bao giờ thấy Bệ Hạ ra khỏi cung điện, mà ngày đêm chỉ biết ăn chơi với các cung phi, nên họ tưởng là Bệ Hạ bị què!

Chúng ta hãy xin với thánh An-rê điều chỉnh lại cuộc sống của chúng ta.

Diễn giả Leo Buscaglia lần nọ có kể về một cuộc thi mà ông là giám khảo. Mục đích của cuộc thi là tìm ra đứa trẻ biết quan tâm nhất. Người thắng cuộc là một em bé 4 tuổi.

 Người hàng xóm của em là một ông lão vừa mất vợ. Nhìn thấy ông khóc, cậu bé đến sân nhà ông, lại gần, rồi leo lên ngồi vào lòng ông và cứ ngồi mãi như thế. Khi mẹ em hỏi em đã trò chuyện những gì với ông ấy, cậu bé trả lời: “Không có gì đâu ạ. Con chỉ để ông khóc!”

 

6. Thánh Anrê, Tông Đồ--Lm. Giuse Đinh Tất Quý

I. GƯƠNG THÁNH NHÂN

Thánh An-rê, em thánh Phêrô, là người đầu tiên trong Mười Hai Tông đồ đã biết Chúa Giêsu, ngay sau khi người chịu Phép rửa ở sông Giođan, lúc ngài còn là môn đệ của Gioan Tẩy giả.

Phúc âm kể như sau: "Hôm đó, ông Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói:

 - Đây là Chiên Thiên Chúa.

Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình thì hỏi:  - Các anh tìm gì thế?

Họ đáp:  Thưa Rápbi (nghĩa là Thưa Thầy) Thầy ở đâu?

Người bảo họ: - Đến mà xem.

Họ dã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng 4 giờ chiều (Ga 1,35-39).

Và sau khi ở lại với Chúa Giêsu, ngài đã giới thiệu Chúa cho anh mình trước tiên:

 Chúng tôi đã gặp Đấng Messia (nghĩa là đấng Kitô). Rồi ông dẫn anh mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simon, và nói:

 - Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha (tức là Phêrô) " (Ga 1,40-43) .

Nhưng thánh nhân chỉ được Chúa chính thức gọi theo Người lúc đang thả lưới với anh là Phêrô, ở biển hồ Tibêria. Người gọi các ông trong hoàn cảnh sau đây:

Người đang đi dọc biển hồ Galilê thì thấy hai anh em kia, là ông Simon cũng gọi là Phêrô, và người em là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển. Vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông:

 - Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.

Lập tức các ông bỏ chài lưới mà đi theo Người" (Mt. 4,18-20).

Trong phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều, thánh nhân là người lên tiếng thưa với Chúa: "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với bằng ấy người thì thấm vào đâu!" (Ga 6,9).

Và ở Giêrusalem, khi những người Hy Lạp xin gặp Chúa Giêsu, ông là người đã giới thiệu họ với Chúa (Ga.12,22).

Tương truyền sau khi Chúa về trời, thánh nhân đã loan báo Tin mừng ở Giêrusalem, Giuđê và Galilê. Sau đó ngài đến giảng đạo ở vùng Biển Đen và Hy Lạp và chịu tử đạo tại đây.

Người ta bắt ngài đem nộp cho quan tổng trấn ở Patra. Viên nầy bảo ngài tế thần thì ngài nói:  - Thần của các ông là ma quỷ xấu xa không nên thờ. Chỉ phải thờ Thiên Chúa là Vị Thẩm phán có quyền xét xử mọi người.

Tổng trấn hỏi lại:

 - Vị Thẩm phán anh nói là Giêsu bị đóng đinh treo trên khổ giá đó phải không? Nếu anh không dâng hương tế thần, anh cũng sẽ phải chết treo trên khổ giá như thế.

Thánh nhân chẳng những không sợ mà còn vui mừng nói:

 - Chết treo trên khổ giá, đó là hạnh phúc lớn nhất của tôi vì được chết giống Thầy chí Thánh của tôi.

Viên tổng trấn nổi giận, truyền đem treo ngài lên thập giá cho chết. Khi nhìn thấy thập giá mà ngài sẽ phải bị treo lên, Ngài chào mừng và nói:

- Ôi Thánh giá là nơi Chúa chịu chết chuộc tội loài người, tôi đã quý mến ngươi từ lâu. Ngươi hãy giúp tôi đến gặp Chúa Giêsu là Thầy Chí Thánh của tôi.

 Lý hình cột treo ngài lên thập giá. Từ trên cao, ngài kêu gọi mọi người hãy tin thờ Chúa rồi gục đầu tắt thở.

Thánh Gioan Kim Khẩu đã khen ngợi thánh An-rê tông đồ, ngài nói: "Sau khi ở lại với Đức Giêsu và học cùng Người được nhiều rồi, An-rê đã không giấu kho tàng quý báu nơi mình, nhưng vội vàng chạy đến anh mình và chia sẻ với anh…

Những điều ông đã học trong thời gian rất vắn kia, ta có thấy ông đã nói lên thế nào không? Ông vừa tuyên xưng uy thế của Thầy, một uy thế hấp dẫn các môn đệ, vừa nói lên sự siêng năng chăm chỉ của môn đệ đã chuyên chú ngay từ đầu. Đó là tiếng nói của một tâm hồn hết sức ao ước Đấng Messia đến, và của linh hồn mong đợi. Người tự trời đến, rồi nhảy mừng khi thấy Người hiện ra, và vội vàng đi báo tin đặc biệt đó cho kẻ khác. Đặc điểm của tình anh em, của nghĩa bạn bè và của tấm lòng chân thật là thông đạt cho nhau những điều thiêng liêng"

II. BÀI HỌC

* Chúng ta học được bài học gì qua cuộc đời của Thánh Anrê? Có nhiều bài học nhưng có lẽ bài học thực tế nhất đó là bài học biết quan tâm đến người khác.

Gặp được Chúa Giêsu, An-rê đã nghĩ ngay đến anh mình.

Trong hoang địa khi Chúa Giêsu ra lệnh cho các môn đệ tìm của ăn cho dân chúng ăn, một mình An-rê đã nhanh chóng thấy được một em bé có 5 chiếc bánh và hai con cá.

Tại Giêrusalem, những người Hy Lạp đang băn khoăn không biết làm sao để có thể gặp được Chúa, Anrê đã có mặt để dẫn họ đến với Chúa.

Tin mừng chỉ ghi lại có ba lần như thế nhưng với ba lần đó chúng ta cũng có thể thấy được An-rê là con người tốt như thế nào.

* An-rê đã sống như thế, còn chúng ta thì sao? Không biết ngày nay chúng ta có sống được như thế hay không? Hình như là ngày nay con người thường nghĩ đến mình nhiều hơn nghĩ đến người khác. Việc biết quan tâm đến những người khác người đã trở thành hiếm hoi. Thế giới ngày nay với cuộc sống hướng nhiều về hưởng thụ đang làm cho con người chỉ muốn vun quén cho mình mà không biết đến người khác.

Chúng ta hãy xin với thánh An-rê điều chỉnh lại cuộc sống của chúng ta.

Đây là câu chuyện của một sinh viên được loan đi trên mạng Internet:

“Vào tháng thứ hai của một khóa học tại trường đào tạo nghiệp vụ y tá, giảng viên cho chúng tôi làm một bài kiểm tra về kiến thức phổ thông.

Tôi vốn là một sinh viên chăm chỉ nên dễ dàng trả lời mọi câu hỏi trong bài kiểm tra, trừ câu hỏi cuối: "Chị tạp vụ ở trường tên là gì?". Tôi nghĩ đó chỉ là một câu hỏi cho vui. Tôi đã trông thấy chị ta vài lần. Chị có dáng người cao, mái tóc nâu sâm và khoảng 50 tuổi, nhưng làm thế nào mà tôi có thể biết tên chị được kia chứ? Tôi nộp bài và bỏ trống không trả lời câu hỏi đó.

Trước khi tan học, một sinh viên đứng lên hỏi giảng viên về cách tính điểm câu hỏi cuối trong bài kiểm tra vừa làm. Giáo sư bộ môn trả lời:

Tất nhiên là có tính điểm. Trong mọi ngành nghề, các anh chị luôn phải gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người. Tất cả những con người đó đều có ý nghĩa. Họ đáng được các anh chị quan tâm chú ý đến, cho dù tất cả những gì ta có thể làm cho họ chỉ là một lời chào hỏi và một nụ cười.

Tôi đã không quên bài nọc đó trong suốt cuộc đời mình. Tôi cũng đã biết được tên của chị tạp vụ trong trường. Chị ta tên là Dorothy.

 

7. Thánh Anrê, Tông Đồ

Anrê tiếng Hy lạp có nghĩa là mạnh mẽ can đảm. Thánh Anrê được vinh dự làm một trong số 12 tông đồ của Chúa Giêsu. Con của Gioana. Như anh mình là Phêrô, Ngài làm thuyền đánh cá và không có gì khác ngoài chiếc thuyền. Như thế Ngài thuộc lớp người khiêm tốn được Chúa Giêsu yêu thương đặc biệt. Ngài vẫn sống tại làng Bethsaida nhỏ bé bên bờ biển Galilêa cũng gọi là hồ Giênezareth. Ngày ấy đang khi cùng với Phêrô đi thả lưới, Chúa Giêsu đã đi ngang qua và đưa lời gọi sẽ quyết định cuộc đời các Ngài:

- Hãy theo tôi, tôi sẽ làm các anh thành các ngư phủ lưới người ta.

Đây không phải lần đầu Anrê đã gặp Đấng Cứu Thế. Thỉnh thoảng Ngài có tới nghe Gioan Tẩy giả rao giảng trong sa mạc. Khi ấy Chúa Giêsu xuống Galilea và Gioan tẩy Giả đã nói:

- Đây là Chiên Thiên Chúa.

Và Anrê có mặt ở đó với Gioan, đã biết được Người là Đấng Thiên Sai mà nhân loại mong chờ. Gioan và Anrê lên đường theo Người xa xa vì họ cảm động và không dám tới gần. Nhưng Chúa Giêsu quay lại và nói với họ:

- Các anh tìm chi vậy?

Họ, những người chỉ tìm, chỉ muốn Chúa thôi đã thưa lại:

- Thưa Thầy, thày ở đâu?

Chúa Giêsu nói:

- Hãy đến mà xem.

Và cả hai đã ở với Chúa hôm ấy.

Khi trở về nhà Anrê đã nói với anh mình:

- Chúng tôi đã gặp được Đấng Thiên Sai.

Từ đó hai anh em đã bỏ chài lưới để tới gần Chúa Giêsu. Họ nghe Người và thần tính của Người dần dần rọi sáng tâm hồn họ. Họ đã tôn thờ Đấng Cứu Thế ở trong lòng rồi.

Ở tiệc cưới Cana, Anrê đã thấy Chúa Giêsu biến nước thành rượu và lần đầu tiên thấy tỏ lộ vinh quang thần linh của Ngài. Thế là sau biến cố ấy Chúa Giêsu đã gọi hai anh em bên bờ biển Galilea và họ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa.

Anrê đã rạng rỡ trong lòng mà tham dự vào cuộc chữa lành các bệnh nhân gặp thấy trên đường đi, việc phục sinh những kẻ chết, việc Chúa hóa bánh ra nhiều để nuôi đoàn người đói lả vây quanh Chúa Giêsu. Chính Anrê đã nói:

- Có một bé trai có năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng bằng ấy thì thấm vào đâu đối với ngần này người (Ga 6,8-9).

Và Ngài được thấy Chúa Giêsu tăng gấp số thực phẩm. Ở Giêrusalem, Ngài còn cho Chúa biết rằng: lương dân đã xin với Philipphê cho được gặp Người. Ngài đã nghe loan báo các chân phúc, các dụ ngôn. Ngài đã có mặt trong bữa tiệc ly. Sau phục sinh, Ngài đã sung sướng gặp lại Thày Chí Thánh. Ngày lên trời, Ngài thấy Người tiến lên mây trời. Ngày hiện xuống, Ngài đón nhận Chúa Thánh Thần.

Sau những tường thuật trên của Phúc Âm, người ta không biết gì chắc chắn nữa về Anrê. Các bản văn không có thẩm quyền nói rằng: Ngài đã góp phần Phúc Âm hóa dân chúng miền Bithynia, Bontê và Galitia. Ngài bị bắt bên bờ Bắc Hải và kết thúc cuộc đời tại Achaia. Lửa đức ái rực cháy trong lòng vị tông đồ. Người ta nói rằng: để cải hóa một tâm hồn, Ngài ăn chay 5 ngày.

Đây là tục truyền kể lại cuộc tử đạo của thánh Anrê ở Taurida: Egêa, tổng trấn tỉnh đó cho biết vị tông đồ có mặt ở Patras, thủ phủ của ông, ông liền vội vã tới nơi: kẻ ngoại lai này muốn phá hủy đền thờ các thần minh ư? Nhưng Anrê không sợ gì Egêa. Ngài đã nắm vững được chân lý. Ngài nói:

- Tôn thờ loài người chỉ là dị đoan điên khùng. Ông đã lãnh quyền xét xử người ta, trước hết ông phải biết đến vị thẩm phán xét xử mọi người chúng ta ở trên trời và ông phải tôn kính ca ngợi Người.

Egêa vặn lại:

- Vị thẩm phán anh nói là Chúa Giêsu mà lời ông ta thường giảng dạy đã làm cho ông ta phải chết trên thập giá chứ gì? Vậy nếu anh không dâng hương tế thần, anh cũng sẽ phải chết trên thập giá như vậy.

Không hề sợ sệt, Anrê như rạng rỡ vì hạnh phúc: làm sao Ngài để mất danh dự được đóng đinh vào cùng một khổ giá như thày mình được? Khi bắt đầu những tra tấn đầu tiên, lòng dũng cảm còn tăng thêm, Ngài nói với Egêa:

- Cực hình cuối cùng ông đe dọa sẽ được tiếp liền bằng vinh quang bất diệt.

Khi thấy thập giá mình sẽ phải chết trên đó, thánh nhân hớn hở chào kính mà người ta thích lập lại lời chào ấy:

- Ôi thánh giá tốt lành, thánh giá bấy lâu mong chờ, thánh giá nhiệt tình yêu mến, hãy đưa ta tới Thầy Chí Thánh là Đấng đã nhờ ngươi mà cứu chuộc ta.

Dịu dàng Anrê giang tay ra. Ngài bị cột bằng giây để cái chết tới chậm hơn. Hình phạt sẽ kéo dài hai ngày và người ta còn nghe Ngài tiếp tục rao truyền đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Dân chúng vây quanh Ngài với niềm thán phục đã xin quan tổng trấn tháo giây cho Ngài. Họ nói:

- Hãy trả con người thánh thiện cho chúng tôi. Đã hai ngày bị treo, Ngài không ngừng nói những lời tốt lành, đừng giết con người yêu quí của Thiên Chúa.

Nhưng Anrê không muốn được trả về cuộc sống khốn cực trần gian này. Ngài cầu nguyện:

- Lạy Chúa Kitô hãy đón nhận con, ôi thầy con yêu, con biết con ước ao được gặp thầy, trong Thày mà con được thế này. Hãy nhận lấy hồn con, lạy Chúa Giêsu Kitô.

Và những người tham dự thấy linh hồn vị tông đồ trong hào quang đã bay về với Chúa tạo thành và cứu chuộc của mình.

Tương truyền thánh Anrê đã bị cột vào thánh giá đã có từ thế kỷ XII và chỉ vào thế kỷ XIV  người ta mới tưởng tượng thánh giá đó hình chữ X. Dụng cụ cực hình ấy được mệnh danh là thánh giá thánh Anrê.

 

8. Thánh Anrê--Lm. Nguyễn Hưng Lợi

Chúa đã chọn các tông đồ để tiếp nối sứ mạng rao giảng Tin Mừng và góp tay vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúa tuyển chọn các tông đồ thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội. Chúa chọn các tông đồ với ơn huệ nhưng không của Ngài. Chúa muốn chọn ai tùy ý Chúa.

Thánh Anrê

Theo tiếng Hy Lạp, Anrê có nghĩa là trượng phu và thanh nhã. Thánh Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Anrê và một tông đồ khác với Chúa Giêsu. Thánh nhân đã đáp trả lại lời mời gọi của Chúa Giêsu: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành ngư phủ lưới người ta". Anrê và Phêrô đã bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu. Thánh Anrê đã được nhắc nhớ nhiều lần trong các sách Tin Mừng của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã nói tiên tri về thành thánh Giêrusalem, Anrê đã thắc mắc hỏi Chúa Giêsu khi nào thì sẽ xẩy ra như lời Chúa nói. Sau khi Chúa sống lại, các tông đồ nghe lời Chúa ở lại Giêrusalem để lãnh nhận Chúa Thánh Thần và sau đó ra đi loan báo Tin Mừng. Sử liệu ít ghi lại về công cuộc truyền giáo của các ngài nơi nhiều vùng đất, nơi nhiều nước trên thế giới. Nhưng có đoạn viết đã tường thuật về cuộc tử đạo của thánh Anrê tông đồ. Thánh nhân đã dứt khoát không chịu để cho người ta thương ngài xin quan tha chết cho ngài. Ngài đã dứt khoát chịu chết để được nên giống Chúa Giêsu. Chúa đã chấp nhận lời ngài kêu xin, Ngài đã không chịu khuất phục quan lãnh sự Akai và chấp nhận cái chết như lời Chúa Giêsu đã nói: "Khi nào Ta được giương cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta". Thánh nhân đã được Chúa cho đội mũ triều thiên công chính. Giáo chủ thành Alexandrie năm 357 đã đem hài cốt Ngài về Constantinople.

Lời cầu nguyện

Vì muốn nên giống Chúa Giêsu, thánh nhân đã liều mình, hy sinh chịu chết: "Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng vì người mình yêu" (Ga 15,13). Thánh nhân đã cảm nghiệm sâu xa lời: "vì Người mà tôi chịu đau khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi" (2Tm 2,9). Và như thế, Ngài cảm nghiệm: Ðức Giêsu, Ðấng"chúng ta sẽ cùng hiển trị với Người, nếu Ta kiên tâm chịu đựng" (2Tm 2,12).

Lạy Chúa, hôm nay chúng con mừng kính thánh Anrê, người ngư phủ đã tin Ðức Giêsu là Ðấng Mêsia và mau mắn giới thiệu cho em mình. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà củng cố niềm tin của chúng con để chúng con cũng chia sẻ niềm tin của mình cho những người chúng con gặp gỡ. (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Anrê, tông đồ).

 

9. Tông đồ trước nhất, Anrê-- J.M.

Lễ Thánh Anrê là lễ trước nhất trong lịch sử phụng vụ chư thánh, Ngài là người trước nhất đi theo Đức Giêsu và là người trước nhất tuyên bố Đức Giêsu là Đấng Messia. Thánh Gioan kể nhiiều chi tiết về Thánh Anrê hơn Thánh Matthêu cho chúng ta biết thái độ của Thánh Anrê.

Anrê là anh của Simon. Ngài đã thuộc nhóm đạo đức của Thánh Gioan tiền hô. Ngài cùng với Thánh Gioan đi tháp tùng Thánh Gioan Tiền Hô. Khi Thày thấy Đức Giêsu đi ngang qua, thày đã nói: “Đây Chiên Thiên Chúa”. Anrê đã bỏ thày lại và đi theo Đức Giêsu, đến nơi ở của Người và họ đã ở lại với Người từ ngày đó!”

Ngày hôm sau, khi em mình là Simon, Ngài nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia, rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu”. (Ga 1, 41-42)

Theo truyền khẩu Ngài chết ở Patras Hy Lạp, bị đóng đinh vào thập giá hình chữ X.

Ngày nay, ta luôn luôn có cảm tưởng rằng để noi gương các thánh, chúng ta phải thực hành nhân đức đặc sác của Ngài. Đúng thế! Nhưng suy nghĩ về các Thánh mà chúng ta biết điều thúc dục chúng ta là luôn cầu nguyện theo gương các Ngài, như phụng vụ khêu gợi cho chúng ta. Tờ kê khai các nhân đức của các Ngài thì dài vô tận và chúng ta sẽ như chim chích vào rừng, nói thế không phải chuyện dỡn!

Nhưng thay vì lạc vào rừng, tiên vàn ta hãy theo Thánh Anrê, cũng như các thánh, muốn dạy chúng ta bài học độc nhất là: gặp gỡ Đức Ki-tô và yêu mến Người. Đó là đúng nhất. Không còn bài học nào khác, cũng không phải tìm ai nữa, Ngài đã tìm được Đấng giải thích cho lý trí của Ngài: “Tôi đã gặp được Đấng tôi yêu và yêu tôi”. “Tôi yêu Người trọn vẹn vì lý do đó”.

Anrê nghĩa là dâng hiến, là trung tín, là tất cả trong tình yêu, tình bạn khiêm tốn.

 

10. Thánh Anrê tông đồ--Phó Tế Huỳnh Mai Trác

Thánh Anrê quê ở Bethsaida, xứ Galilê, cùng với em là Phêrô, làm nghề đánh cá bên bờ hồ Tiberia. Anrê là người khát vọng Thiên Chúa. Khi được nghe thánh Gioan Tẩy giả rao giảng và làm phép rửa thì Anrê biết rằng Đấng Cứu Thế đã đến. Và khi nghe Gioan giới thiệu về Ðấng Cứu Thế: “Hãy nhìn Đức Giêsu đang đi đến, đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.” Anrê nghe Gioan nói như vậy liền đi theo Chúa Giêsu và từ đó không hề rời Chúa nữa bước. Anrê vội vã tìm em mình là Simon Phêrô và nói: “Chúng tôi đã tìm thấy Đấng Messia, có nghĩa là Đấng Kitô!.” và đem Phêrô giới thiệu cùng Chúa Giêsu. Từ giờ phút này Anrê là một người Tông đồ thật sự của Chúa.

Chúa Giêsu đã không hứa gì với Anrê và Phêrô. Nhưng khi được gọi thì hai ngài đã bỏ tất cả để theo Chúa. Các ngài từ bỏ những gì các ngài sở hữu, từ vật chất đến tinh thần một lòng quyết theo Chúa. Không giữ gì riêng cho mình cho đến cả mạng sống.

Anrê là người biết cách móc nối với người khác. Chính Anrê đã đem cậu bé có năm chiếc bánh và hai con cá đến với Chúa để Chúa làm phép hóa bánh và cá ra nhiều đủ nuôi năm ngàn người và còn dư thừa. Khi những người Hy lạp muốn được gặp Chúa Giêsu thì cũng chính Anrê đứng ra dàn xếp.

Các nguồn tài liệu cho biết thánh Anrê đã bị hành quyết tại Patras xứ Hy lạp. Vào thế kỷ thứ bốn, hài cốt của ngài được di chuyển về Constantinople. Đến thế kỷ 15 một số di tích quan trọng được đem về đặt để tại Vatican, đến năm 1966 thì được giao chuyển lại cho Giáo Hội Đông Phương như một thiện chí hiệp thông giữa Giáo Hội La mã với các giáo phụ Đông Phương. Xứ Ukrainia tôn kính thánh Anrê như đấng đầu tiên mang Tin Mừng đến Kiev và xứ Scotland thì chọn ngài làm đấng phù trì quốc gia của họ.

 

11. Thánh Anrê tông đồ

Anrê tiếng Hy Lạp có nghĩa là mạnh mẽ, can đảm. Thánh Anrê được vinh dự làm 1 trong số 12 tông đồ của Chúa Giêsu. Thân phụ là Gioana. Như anh mình là Phêrô, ngài làm nghề đánh cá và không có gì khác ngoài chiếc thuyền.

Như thế, ngài thuộc lớp người nghèo được Chúa Giêsu yêu thương đặc biệt. Ngài vẫn sống tại làng Bethsaida nhỏ bé bên bờ biển Galilêa cũng gọi là hồ Giênêzareth. Thánh Anrê là một trong 4 người môn đệ đầu tiên đã được Chúa Giêsu gọi ngay sau khi Người chịu phép rửa ở sông Giođan, lúc ấy Anrê đang là môn đệ của Gioan Tẩy giả.

Phúc âm kể như sau: “Hôm đó, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu, Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?”

Họ đáp: “Thưa Rabbi (nghĩa là “Thưa Thầy”), Thầy ở đâu?”

Người bảo họ: “Hãy đến mà xem”.

Họ đã đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người. Lúc đó vào khoảng 4 giờ chiều (Ga 1, 35-39). Và sau khi ở lại với Chúa Giêsu, Anrê đã giới thiệu Chúa cho anh mình trước tiên: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (Ga 1, 41-42).

Rồi ông dẫn anh mình đến gặp Đức Giêsu, Đức Giêsu nhìn ông Simon và nói: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha (tức là Phêrô)” (Ga 1, 40-43).

Ở tiệc cưới Cana, Anrê đã thấy Chúa Giêsu biến nước thành rượu và lần đầu tiên thấy tỏ lộ vinh quang thần linh của Ngài. Thế là sau biến cố ấy, Chúa Giêsu đã gọi hai anh em bên bờ biển Galilea và họ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa.

Thánh nhân được Chúa chính thức gọi theo Người lúc đang thả lưới với anh là Phêrô, ở biển hồ Tibêria. Người gọi các ông trong hoàn cảnh sau đây: “Người đang đi dọc biển hồ Galile thì thấy hai anh em kia, là ông Simon cũng gọi là Phêrô, và người em là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển. Vì các ông làm nghề đánh cá, Người bảo các ông: “Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức, các ông bỏ chài lưới đi theo Người (Mt 4, 18-20).

Anrê đã rạng rỡ trong lòng mà tham dự vào cuộc chữa lành các bệnh nhân gặp thấy trên đường đi, việc Chúa phục sinh những kẻ chết. Trong phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều, chính Anrê là người lên tiếng thưa với Chúa: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với bằng ấy người thì thấm vào đâu!” (Ga 12, 22).

Ở Giêrusalem, Anrê còn cho Chúa biết rằng: lương dân đã xin với Philipphê cho được gặp Người (Ga 12, 23). Anrê đã được nghe loan báo về các chân phúc, các dụ ngôn, ngài cũng có mặt trong bữa tiệc ly. Sau Phục sinh, ngài đã sung sướng gặp lại Thầy Chí thánh. Ngày lên trời, Anrê thấy Thầy khuất vào đám mây. Ngày hiện xuống, Anrê cùng các tông đồ hân hoan đón nhận Chúa Thánh Thần.

Sau những tường thuật trên của Phúc Âm, người ta không biết gì chắc chắn nữa về Anrê. Tương truyền sau khi Chúa về trời, thánh nhân đã loan báo Tin Mừng ở Giêrusalem, Giuđê và Galilê. Sau đó, ngài đến giảng đạo ở vùng Biển Đen và Hy Lạp rồi chịu tử đạo tại đây.

Các bản văn không có thẩm quyền nói rằng: Ngài đã góp phần Phúc Âm hóa dân chúng miền Bithynia, Bontê và Galitia. Ngài bị bắt bên bờ Bắc Hải và kết thúc cuộc đời tại Achaia. Lửa đức ái rực cháy trong lòng vị tông đồ. Người ta nói rằng: để cải hóa một tâm hồn, ngài ăn chay 5 ngày.

Đây là tục truyền kể lại cuộc tử đạo của thánh Anrê ở Taurida: Êgêa, tổng trấn tỉnh đó cho biết vị tông đồ có mặt ở Patras, thủ phủ của ông, ông liền vội vã tới nơi: “Kẻ ngoại lai” này muốn phá hủy đền thờ các thần minh ư?

Nhưng Anrê không sợ gì Êgêa. Ngài đã nắm vững được chân lý, ngài nói: Tôn thờ loài người chỉ là dị đoan điên khùng. Ông đã lãnh quyền xét xử người ta, trước hết, ông phải biết đến Vị Thẩm phán xét xử mọi người ở trên trời và ông phải tôn kính ca ngợi Người.”

Êgêa vặn lại: “Vị Thẩm phán anh nói là Chúa Giêsu mà lời ông ta thường giảng dạy đã làm cho ông ta phải chết trên thập giá chứ gì? Vậy nếu anh không dâng hương tế thần, anh cũng sẽ phải chết trên thập giá như vậy.” Không hề sợ sệt, Anrê như rạng rỡ vì hạnh phúc, làm sao ngài để mất danh dự được đóng đinh và cùng một đau khổ giá như Thầy mình được? Khi bắt đầu những tra tấn đầu tiên, lòng dũng cảm còn tăng thêm, ngài nói với Êgêa: “Cực hình cuối cùng ông đe dọa sẽ được tiếp liền bằng vinh quang bất diệt.”

Thánh nhân chẳng những không sợ mà còn vui mừng nói: “Chết treo trên khổ giá, đó là hạnh phúc lớn nhất của tôi, vì được chết giống Thầy Chí thánh của tôi”. Viên tổng trấn nổi giận truyền đem treo ngài lên thập giá cho chết.

Khi thấy thập giá mình sẽ phải chết trên đó, thánh nhân hớn hở chào kính và nói: “Ôi thánh giá tốt lành, thánh giá bấy lâu ta mong chờ, thánh giá nhiệt tình yêu mến, hãy đưa ta tới Thầy Chí thánh là Đấng đã nhờ ngươi mà cứu chuộc ta.” Dịu dàng, Anrê giang tay ra, ngài bị cột bằng dây để cái chết tới chậm hơn. Hình phạt sẽ kéo dài hai ngày và người ta còn nghe ngài tiếp tục rao truyền đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Dân chúng vây quanh ngài với niềm thán phục đã xin quan tổng trấn tháo dây cho ngài. Họ nói: “Hãy trả con người thánh thiện cho chúng tôi. Đã hai ngày bị treo, ngài không ngừng nói những lời tốt lành, đừng giết con người yêu quý của Thiên Chúa.”

Nhưng Anrê không muốn được trả về cuộc sống khốn cực trần gian này, ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa Kitô hãy đón nhận con, ôi Thầy con yêu, con biết con ước ao được gặp Thầy, trong Thầy mà con được thế này. Hãy nhận lấy hồn con, lạy Chúa Giêsu Kitô.” Và những người tham dự thấy linh hồn vị tông đồ trong hào quang đã bay về với Chúa tạo thành và cứu chuộc của mình.

Tương truyền rằng việc thánh Anrê đã bị cột vào thánh giá đã có từ thế kỷ XII và chỉ vào thế kỷ XIV, người ta mới tưởng tượng thánh giá đó hình chữ X. Dụng cụ cực hình ấy được mệnh danh là thánh giá thánh Anrê.

Lý hình cột treo ngài lên thập giá. Từ trên cao, ngài kêu gọi mọi người hãy tin thờ Chúa rồi gục đầu tắt thở.

Thánh Gioan Kim Khẩu đã khen ngợi thánh Anrê tông đồ: “Sau khi ở lại với Đức Giêsu và học cùng Người được nhiều rồi, Anrê đã không giấu kho tàng quý báu nơi mình, nhưng vội vàng chạy đến anh mình và chia sẻ với họ…

“Những điều ông đã học trong thời gian rất vắn kia, ta có thấy ông đã nói lên thế nào? Ông vừa tuyên xưng uy thế của Thầy, một uy thế hấp dẫn các môn đệ, vừa nói lên sự siêng năng chăm chỉ của môn đệ đã chuyên chú ngay từ đầu. Đó là tiếng nói của một tâm hồn hết sức ao ước Đấng Mêsia đến, và của linh hồn mong đợi Người tự trời đến, họ nhảy mừng khi thấy Người hiện ra, rồi vội vàng đi báo tin đặc biệt đó cho kẻ khác. Đặc điểm của tình anh em, của nghĩa bạn bè và của tấm lòng chân thật là thông đạt cho nhau những điều thiêng liêng.”

Thánh Anrê là mẫu gương người công chính mới này. Quả vậy, Anrê nghe theo lời giới thiệu của Thầy mình là thánh Gioan Tẩy giả đến gặp Chúa Giêsu (Ga 1, 29-35). Trong cuộc gặp gỡ này, ngài đã tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế. Nhờ niềm tin này mà ngài đã bỏ mọi sự để đi theo Chúa và làm tông đồ của Chúa trong nhóm Mười Hai (Ga 1, 35-42).

Trong lễ kính thánh Anrê, bài Tin Mừng (Mt 4, 18-22) thuật lại ơn gọi như sau: Chúa Giêsu “thấy” những người này: Người kêu gọi, họ bỏ tất cả và đi theo Người. Họ cũng không tìm lý do và cũng không sợ khó khăn. Thực ra, họ cảm nghiệm bằng tình yêu nhanh hơn lý trí: Đức Giêsu là ai và đi theo Người có nghĩa là gì.

Đặt bài Tin Mừng này trong ngày lễ mừng kính thánh Anrê tông đồ, phụng vụ muốn chúng ta nhận thức rằng: “Thánh Anrê là một trong nhóm Mười Hai tông đồ của Chúa. ngài đã nghe nói, được giới thiệu về Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế, nên ngài đã hoàn toàn dấn thân và dâng trọn cuộc đời cho Chúa trong đời sống và sứ vụ Tông đồ.”

Thánh Anrê quả là vị Tông đồ giàu tình bạn và ngài đã quảng đại và vị tha chia sẻ Chúa Giêsu cho người khác, chứng tỏ Anrê là người khiêm nhường, người làm công cho kẻ khác, là người ẩn mình để kẻ khác lớn lên, là người giữ vai phụ cho người khác và ông sẵn sàng bị quên lãng. Trong cánh đồng Tông đồ truyền giáo để mở rộng Nước Chúa, Chúa Giêsu cần những người như Anrê. Bạn có sẵn lòng làm công việc như Anrê để rao giảng Tin Mừng không?

Qua con người và công việc của thánh Anrê, chúng ta cảm nhận rằng Chúa cần những người giàu tình bạn chân thành. Những người tuy tài năng chỉ “một nén” nhưng sống làm chứng và ra đi kể lại câu chuyện “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”.

Những cuộc gặp gỡ nhau để chia sẻ kinh nghiệm sống Lời Chúa, những hoạt động Tông đồ truyền giáo khắp nơi đang diễn ra trên thế giới… phải chăng là những công việc của thánh Anrê mà chúng ta mừng kính hôm nay?

Ước gì lời chúng ta tung hô trong mỗi thánh lễ: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến” được thực hiện nơi cuộc sống của mỗi người chúng ta theo tinh thần của thánh Anrê: vị Tông đồ giàu tình bạn.

 

12. Thánh Anrê tông đồ--giaophanvinhlong.net

Andreas mà tiếng Việt Nam phiên âm là Anrê là một danh từ ít dùng trong tiếng Hy lạp. Tuy nhiên nó mang một ý nghĩa rất thi vị: Anrê nghĩa là trượng phu, thanh nhã.

Đọc Tân ước, chúng ta chỉ thấy một ít đoạn sau đây nói về thánh Anrê, hoặc nói đến tên ngài.

Lần trước hết: hôm ấy thánh Gioan Tẩy giả đứng với hai môn đệ tại Bêthania, bên kia sông Giođanô. Nhìn thấy Chúa Giêsu đi qua, ngài nói với hai môn đệ: “Kìa Con Chiên Thiên Chúa”. Nghe nói như thế, hai môn đệ vội rảo theo Chúa Giêsu, Chúa Giêsu bảo họ: - Các người tìm ai?

- Thưa Thầy, Thầy đi đâu bây giờ?

- Cứ đến mà xem.

Lúc đó là bốn giờ chiều và hai môn đệ đi theo Chúa suốt buổi hôm ấy. Hai môn đệ đó là Anrê; em ông Simon Phêrô, và một người khác có lẽ là Gioan. Lúc về nhà gặp Phêrô, Anrê kể lại cho em nghe: “Ồ, chúng tôi đã tìm thấy Đấng Mesia, rồi Anrê dẫn em đến gặp Chúa Giêsu. Hôm sau, Chúa Giêsu trẩy đi Galilêa còn Anrê và Phêrô ở lại Bétsaiđa mạn bắc hồ Tibêria.

Nhưng lần khác, đi trên bờ hồ Chúa Giêsu thấy Anrê và Phêrô đang thả lưới vì các ông là những dân chài, Chúa liền bảo họ: - Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi nên kẻ đánh lưới người!

Lập tức họ bỏ lưới và theo Chúa. Lại một lần sau khi giảng ở nhà hội Caphanaum ra, Chúa vào nhà ông Phêrô và Anrê chữa khỏi bệnh cho bà mẹ vợ ông Phêrô.

Còn lần trên núi, bên kia biển Galilêa, dân chúng vây quanh Chúa Giêsu. Thấy họ đói, Chúa Giêsu lại hỏi: - Làm sao kiếm của ăn cho họ được?

Thánh Anrê thưa: - Đằng kia có đứa trẻ mang năm chiếc bánh mạch nha và hai con cá nhỏ, nhưng bấy nhiêu thấm vào đâu với số người đông đảo này!

Chúa Giêsu nói: - Cứ bảo họ ngồi xuống. Rồi Người làm phép lạ nhân bánh ra nhiều và phân phát cho mỗi người được ăn no nê. Cũng chính Anrê lúc ở Giêrusalem vì thánh Philipphê xúi giục đã trình bày cho Chúa biết có một số dân ngoại nói tiếng Hy lạp muốn xin gặp Chúa. Lần nữa, khi Chúa Giêsu ở đền thờ đi ra và nói cho các môn đệ biết ngày “tàn” của đền thánh, thì thánh Anrê cùng với thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan, đã lợi dụng lúc Chúa ngồi trên núi cây dầu nhìn về thánh đường đến hỏi riêng Chúa: - Xin Thầy hãy nói cho chúng con biêt khi nào việc ấy xảy đến, và có dấu hiệu gì báo trước!

Sau cùng thánh Anrê là một trong lớp mười hai tông đồ được Chúa sai đi giảng đạo. Trong số mười hai tông đồ, thánh Matthêu và thánh Luca kể thánh Anrê sau thánh Phêrô, thánh Máccô lại kể ngài sau ba thánh Phêrô; Giacôbê và Gioan. Tuy nhiên các sách Hy lạp vẫn chủ trương thánh Anrê được Chúa gọi đầu tiên.

Tài liệu Phúc âm chỉ cho chúng ta biết như vậy về thánh Anrê. Còn riêng về quãng đời truyền giáo của thánh nhân, chúng ta không có một văn liệu nào xác đáng. Trừ một đoạn văn rất đẹp ghi lại rất vắn tắt cuộc tử đạo của ngài như sau:

Quan lãnh sự xứ Akhaia truyền trói thánh Anrê vào cây thập giá để ngài chết dần mòn. Dân chúng nhất định không chịu, họ bảo: người này là đấng công chính, là bạn của Thiên Chúa, và là bậc thầy nhân hậu mà phải điệu đi giết à! Nhưng đứng trước thánh giá, thánh nhân kêu lên:

“Ôi! Thánh giá! Ôi sự rỗi từ lâu bạn đã mệt mỏi chờ tôi! Tôi tin tưởng rằng bạn sẵn sàng đón nhận người đầy tớ của Đấng đã chịu treo trên bạn, và tôi sung sướng bước đi theo bạn. Tại sao bạn được dựng lên ở đây, tôi đã nhận biết tất cả bí nhiệm của bạn rồi. Xin bạn hãy nhận lấy kẻ bạn mong chờ, để chính tôi, kẻ ngày đêm thầm ước vẻ đẹp của bạn cũng tìm thấy bạn. Nơi bạn tôi tìm được phần thưởng Thiên Chúa hứa cho tôi. Ôi Thánh giá dịu hiền! Hãy đưa kẻ hèn này về với Thiên Chúa Đấng Cứu chuộc tôi”.

Dân chúng lặp lại những lời ấy cho quan phó lãnh sự nghe và kêu nài:

“Xin ông hãy trả lại cho chúng tôi người công chính, người thánh của Thiên Chúa. Xin đừng đang tâm giết người đẹp lòng Thiên Chúa. Đừng động đến con người hiền lành và đạo đức dường ấy. Đã hai ngày chịu treo nhưng ông ấy vẫn còn sống và luôn thốt ra những lời thánh thiện. Xin quan hãy trả lại chúng tôi con người thánh này để chúng tôi được sống với ông. Xin quan cởi trói người trinh khiết này để mọi gia đình được an hòa, hãy buông tha người hiền nhân này để khắp xứ Akhaia được hưởng nguồn cứu độ. Còn thánh Anrê ngài kêu cả tiếng:

“Lạy Chúa Kitô, xin đừng để đầy tớ Chúa đã được treo lên cây gỗ này vì danh Chúa bị tháo gỡ xuống. Xin chớ để kẻ được diễm phúc thấu hiểu huyền nhiệm thánh giá bị rơi vào mưu gian loài người... Nhưng lạy Chúa Giêsu, Đấng con yêu mến, tin nhận và ao ước được hưởng kiến, xin hãy đón nhận con, vì linh hồn con sắp được giải thoát. Amen”.

Theo sử gia Êusêbiô, thánh Anrê giảng đạo tại Scythia, nhưng theo nhiều tác giả khác, thánh tông đồ lại giảng đạo tại Êthiôpia, mấy xứ về phía nam Hắc hải và Patras thuộc Akhaia.

Nhưng điều phức tạp hơn cả có lẽ là nơi để thi hài thánh nhân. Thánh Gioan Kim khẩu nói rõ rằng không biết. Trái lại, sách tử đạo thư dòng thánh Giêrônimô lại chép ngài làm Giám mục tại Patras và chết ngày 30 tháng 11 mà không rõ thánh nhân chết năm nào. Nhưng năm 357, giáo chủ thành Alexanđria đem hài cốt ngài về Constantinôpôli. Ngoài ra còn rất nhiều nơi tự xưng là giữ được hài cốt thánh Anrê, như miền Fênicia, miền Basilicate, miền Concordia và đảo Chyprô. Vì thế, ngay từ mấy thế kỷ đầu tiên, rất nhiều nhà thờ mang tên thánh Anrê. Ngay ở Rôma năm 475, Đức Giáo Hoàng Simpliciô đã xây và thánh hiến một thánh đường kính thánh Anrê gần đại giáo đường Đức Bà Cả. Và cho đến thời Trung cổ, tại Rôma có hơn 30 nhà thờ dâng kính thánh Anrê. Phá kỷ lục hơn hết là tại nước Anh có hơn 700 thánh đường hay nguyện đường nhận thánh Anrê làm bổn mạng. Riêng tại nước Pháp, cũng như tại Việt Nam, sau thánh Phêrô, thánh Anrê rất được giáo dân tôn sùng và nhận làm bổn mạng.

Giáo hội kính lễ thánh Anrê vào ngày 30 tháng 11 hằng năm.

 

13. Chân dung Thánh Anrê Tông đồ--Trầm Thiên Thu

Ngày 30 tháng Mười Một, Giáo hội Công giáo mừng lễ kính Thánh Anrê Tông Đồ. Ngài là một trong bốn môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu, nhưng ngài ít xuất hiện và cũng ít được nhắc tới.

Thánh Anrê là anh của Thánh Phêrô, gọi là Simon, con ông Giôna. Hai anh em làm nghề đánh cá ở vùng biển Galilê. Trong danh sách các tông đồ, Thánh Anrê thường được nhắc tới ngay sau Thánh Phêrô.

Theo Hy ngữ, tên Anrê có nghĩa là “can đảm” hoặc cái gì đó “nam tính”, diễn tả ý cha mẹ mong muốn nơi con trai của mình. ĐGH Benedicto XVI nói: “Điều ấn tượng là tên Anrê không là tiếng Do Thái, mà là tiếng Hy Lạp, cho thấy sự cởi mở về văn hóa trong gia đình ngài. Ở Galilê có văn hóa và ngôn ngữ Hy Lạp” (Buổi Tiếp Kiến Chung, 14-6-2006).

Cha mẹ đã đặt tên cho con trai lớn là Anrê, tên theo tiếng Hy Lạp, nhưng lại đặt tên con trai thứ là Simôn, tên theo tiếng Aram. Điều đó phản ánh môi trường văn hóa phan trộn giữa Do Thái và dân ngoại tại Galilê.

Khi Chúa Giêsu đi dọc theo biển hồ Galilê thì thấy hai anh em Anrê và Simon (Phêrô) đang quăng chài xuống biển, Ngài nói: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người (Mt 4:18-20).

Trong các Phúc Âm nhất lãm và sách Công Vụ, danh sách 12 Tông đồ luôn được liệt kê thành ba nhóm, mỗi nhóm bốn người. Nhóm thứ nhất nói tên những người gần gũi Chúa Giêsu nhất, trong đó có hai cặp anh em: [1] Phêrô và Anrê, các con của ông Giôna, [2] Giacôbê và Gioan, các con của ông Dêbêđê.

Như vậy, Thánh Anrê là một trong bốn Tông đồ gần gũi với Chúa Giêsu nhất, nhưng Thánh Anrê có vẻ ít gần gũi nhất trong bốn người. Thật vậy, đã vài lần Phêrô, Giacôbê và Gioan được ưu tiên đi với Chúa Giêsu, nhưng không có Anrê. Chẳng hạn khi Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor, có mặt Phêrô, Giacôbê và Gioan, nhưng không có Anrê. Kinh Thánh cho biết rằng Thánh Anrê là một trong các Tông đồ đầu tiên của Chúa Giêsu. Ông thấy Chúa Giêsu trước Phêrô. Vì là người theo Chúa Giêsu trước, ông mệnh danh là Protoklete – Tông đồ được gọi đầu tiên.

Thánh Anrê thực sự là con người của niềm tin và hy vọng. Khi nghe Gioan Tẩy Giả gọi Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” (Ga 1:36), Anrê ngạc nhiên, lúc đó có một môn đệ khác: “Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình thì hỏi: ‘Các anh tìm gì thế?’. Họ đáp: ‘Thưa Thầy, Thầy ở đâu?’. Người bảo họ: ‘Đến mà xem’. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1:37-39).

Như vậy, Anrê đã được tận hưởng giây phút thân mật với Chúa Giêsu. Kinh Thánh cho biết: “Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simôn và nói: ‘Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia’ (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simôn và nói: ‘Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha’ (tức là Phêrô). Hôm sau, Đức Giêsu quyết định đi tới miền Galilê. Người gặp ông Philípphê và nói: ‘Anh hãy theo tôi’. Ông Philípphê là người Bếtxaiđa, cùng quê với các ông Anrê và Phêrô” (Ga 1:40-44). Thánh Anrê có tinh thần tông đồ khác thường.

Khi chạnh lòng thương dân chúng và muốn cho họ ăn uống, vì lúc đó chiều tối rồi, Chúa Giêsu bảo các môn đệ lo cho họ ăn, ông Philípphê nói: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút” (Ga 6:7). Lúc đó, ông Anrê thưa với Chúa Giêsu: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” (Ga 6:9). Và hôm đó, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho khoảng 5.000 người ăn no nê, không kể phụ nữ và trẻ em.

Thánh Anrê rất nhạy bén khi thấy ngay một đứa bé có “năm chiếc bánh và hai con cá”, nhưng ngài cũng rất thực tế khi nhận thấy “bấy nhiêu chẳng thấm vào đâu” so với đám đông người như vậy. Tuy nhiên, Chúa Giêsu biết mình sắp làm gì nên bảo đem số thực phẩm ít ỏi đó cho Ngài.

Một lần khác, một trong các môn đệ thân tín (có thể là Anrê) đã chỉ đền thờ và trầm trồ khen công trình đồ sộ, nhưng Chúa Giêsu bảo: “Anh nhìn ngắm công trình vĩ đại đó ư? Tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ” (Mc 13:2).

Sau đó, lúc Đức Giêsu ngồi trên núi Ô-liu, đối diện với Đền Thờ, các ông Phêrô, Giacôbê, Gioan và Anrê hỏi nhỏ: “Xin Thầy nói cho chúng con biết bao giờ các sự việc ấy sẽ xảy ra, và khi tất cả sắp đến hồi chung cục thì có điềm gì báo trước” (Mc 13:4). Chúa Giêsu bắt đầu nói với các ông: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị người ta lừa gạt. Sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói ‘Chính Ta đây!’, và họ sẽ lừa gạt được nhiều người. Khi anh em nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã, thì đừng khiếp sợ. Những việc đó phải xảy ra, nhưng chưa phải là chung cục. Quả thế, dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có động đất ở nhiều nơi, sẽ có những cơn đói kém. Những sự việc ấy là khởi đầu các cơn đau đớn” (Mc 13:5-8).

Qua đó, chúng ta có thể suy diễn rằng chúng ta không nên ngại hỏi Chúa Giêsu điều gì, dù hỏi nhiều, nhưng chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận giáo huấn của Ngài dành cho chúng ta, chắc chắn có thể có những điều không hợp ý riêng của chúng ta, nhưng đó mới là cách “xin vâng” đẹp Ý Thiên Chúa.

Thánh Anrê còn là nhịp cầu” nối kết những người Do Thái và dân ngoại đi theo Chúa Giêsu. Anrê và Philipphê là người trung gian giữa Chúa Giêsu và người Hy lạp. Khi có những người muốn gặp Chúa Giêsu, ông Anrê và ông Philípphê đến thưa với Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu trả lời: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12:23-25).

Chúa Giêsu muốn nói rằng Ngài sẽ gặp nhóm người Hy Lạp, nhưng không đơn giản, vì họ chỉ hiếu kỳ mà thôi. Giờ vinh quang của Ngài sẽ đến bằng cái chết, như hạt lúa mì được gieo vào lòng đất. Cái chết trên Thập Giá của Ngài sẽ đơm hoa kết trái: Hạt lúa mì chết đi là biểu tượng cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá, hạt lúa mì chết đi mới trổ sinh bông hạt là biểu tượng sự phục sinh. Chúa Giêsu là Bánh Trường Sinh và là Ánh Sáng cho mọi dân tộc. Nói cách khác, Chúa Giêsu đã tiên tri về Giáo hội, hóa trái phát sinh từ Cuộc Vượt Qua của Ngài.

ĐGH Benedicto XVI cho biết: “Một số truyền thống cổ coi Thánh Anrê là người trung gian của người Hy Lạp khi gặp Chúa Giêsu, là Tông đồ của người hy Lạp trong những năm sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Họ cho chúng ta biết rằng Thánh Anrê dành phần đời còn lại để rao giảng và làm trung gian cho Chúa Giêsu đối với người Hy Lạp”.

Thánh Phêrô, em trai của Thánh Anrê, đã đi từ Giêrusalem tới Antiôkia và Rôma để thực hiện sứ vụ. Còn Thánh Anrê lại đi rao giảng cho người Hy Lạp. Họ là huynh đệ về huyết thống và cả về mối tương quan giữa Tòa Thánh và Constantinople. Hai Giáo hội vẫn là “chị em” với nhau. Năm 1964, Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI đã trao thánh tích Thánh Anrê cho Tổng giám mục Chính Thống giáo của GP Patras ở Hy Lạp, nơi Thánh Anrê đã chịu tử đạo. Trước đó thánh tích Thánh Anrê được lưu giữ tại Vatican. Năm 2006, Giáo hội Công giáo, qua ĐHY Roger Etchegaray, đã trao phần thánh tích khác của Thánh Anrê cho Giáo hội Chính thống Hy Lạp.

Đức Thượng Phụ của Giáo hội Constantinople là Bartholomew I đã thăm ĐGH Phanxicô sau khi được bầu làm giáo hoàng. Là người kế vị Thánh Phêrô, ĐGH Phanxicô đã lưu ý vai trò quan trọng của Đức Thượng Phụ Bartholomew I là người kế vị Thánh Anrê và gọi là “người anh em Anrê”. ĐGH Phanxicô vui mừng nói: “Trước mặt mọi người, tôi hết lòng cảm ơn về những điều Đức Thượng Phụ Bartholomaios I đã nói với chúng ta. Xin cảm ơn nhiều! Xin cảm ơn nhiều!”.

Truyền thống cho biết rằng Thánh Anrê tử đạo tại Patras (Patræ), Hy Lạp, thuộc vùng Achaea, phía Bắc duyên hải Peloponnese. Ngài tử đạo bằng cách chịu đóng đinh trên thập giá hình chữ X, quen gọi là “Thập Giá Thánh Anrê”. Còn người em là Thánh Phêrô thì xin được đóng đinh ngược vì cảm thấy không xứng đáng được đóng đinh như Thầy Giêsu. Thánh Anrê là bổn mạng của nước Tô Cách Lan, Nga và Hy Lạp. Quốc kỳ của nước Tô Cách Lan là hình Thập Giá của Thánh Anrê.

Như chúng ta thấy, ở đây là tinh thần Kitô giáo rất sâu sắc, không coi Thập Giá là cực hình nhục nhã mà là phương tiện đến với Đấng Cứu Độ, để hạt lúa mì nảy sinh. Bài học quan trọng: Thập giá của cuộc đời chúng ta sẽ đạt được giá trị nếu chúng ta vui vẻ chấp nhận đó là một phần của Thập Giá Đức Kitô, và coi đó là Ánh Sáng Đức Kitô chiếu tỏa trên chúng ta.

Lạy Thánh Anrê, xin nguyện giúp cầu thay. Xin thúc giục lòng chúng con mau mắn nghe tiếng Chúa và bước theo Chúa ngay. Amen.

 

14. Ơn gọi và sứ mạng--Nt. Anna Nguyễn Thị Nguyện

Thánh Matthêu thuật lại việc Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên, đang khi các  ông đang hành nghề chài lưới, trong số đó có thánh Anrê. Đáp lại lời mời gọi của Chúa: “Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành lưới người như lưới cá”. Anrê bỏ lại tất cả theo Chúa, Anrê đã tin nhận Đức Giêsu là Đấng Messia và  đem anh là Simon Phêrô giới thiệu với Chúa và cả hai trở nên môn đệ của Chúa. Khi được Chúa gọi và trao cho sứ mạng, từ nay cuộc đời của Anrê thay đổi hoàn toàn. Anrê đã dành trọn cuộc đời cho ơn gọi theo Chúa. Từ một dân chài lưới trở thành người rao giảng Tin Mừng của Chúa cho muôn dân. Thánh Anrê  đã trung thành với sứ mạng ấy bằng cả cái chết, nhờ đó Tin Mừng  cứu độ của Chúa được đến với muôn dân muôn nước. Thánh Anrê rao giảng Tin Mừng tại các nước HyLạp, Nga và Ba Lan. Ngài bị đóng đinh vào thập giá như Thầy của mình, nhưng là thập giá hình chữ x.

Phải chăng mỗi người chúng ta cũng được Chúa mời gọi và trao cho một sứ mạng. Ơn gọi làm linh mục được găn liền với sứ mạng mục tử của Chúa Kitô; Ơn gọi thánh hiến trong bậc tu trì là sống theo mẫu gương của Chúa và làm chứng cho Nước Trời mai sau. Ơn gọi hôn nhân gắn liền với sứ mạng sinh sản và giáo dục con cái…Và mỗi người chỉ có hạnh phúc thật sự khi sống đúng với ơn gọi và sứ mạng của mình. Một người gia trưởng trong gia đình sẽ tìm  thấy niềm vui khi chu toàn bổn phận một người chồng, người cha trong gia đình. Người mẹ cũng gặp được hạnh phúc khi thể hiện sứ mạng làm mẹ trong việc sinh thành dưỡng dục con cái của mình trở nên những đứa con ngoan. Một Linh Mục cũng sẽ tìm được hạnh phúc khi là người mục tử hy sinh cho đoàn chiên, khi thấy những vất vả của mình đem lại hạnh phúc cho tha nhân. Những người sống đời thánh hiến cũng chỉ tìm được bình an đích thực khi bước theo Chúa Kitô một cách trọn vẹn và chu toàn sứ mạng Chúa trao phó .

Mọi thụ tạo được dựng nên đều tốt lành và hoàn hảo theo tính chất riêng của mỗi loài. Sự trật tự lạ lùng trên trái đất chỉ tồn tại khi muôn loài muôn vật thi hành đúng chức năng của nó: mặt trời chiếu sáng, hoa tỏa hương, muối ướp mặn, biển gợn sóng… Tất cả đang biểu lộ nét đặc thù của mình đồng thời tô điểm cho trái đất sinh tươi hài hòa. Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu, được Chúa mời gọi tham dự  vào sứ mạng của Chúa là đem Tin Mừng  đến cho muôn dân. Sứ mạng ấy được thể hiện ngay trong bổn phận gắn liền với ơn gọi bậc sống mà Chúa đã an bài cho mỗi người và tìm thấy hạnh phúc ngay trong ơn gọi và sứ mạng riêng biệt của mình.. Tuy nhiên, cuộc sống hôm nay còn nhiều bất trắc và đau khổ, thiên tai, bệnh tật, nghèo đói con người rơi vào bất hạnh và thất vọng. Phải chăng con người đã không sống đúng với phẩm giá cao quí ấy: vì là kiệt tác trong các loài thụ tạo của đấng tạo thành, con người có khả năng nhận biết và yêu mến. Nhờ đó con người có khả năng đáp trả tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Vì thế con người chỉ sống đúng phẩm giá của mình là yêu thương và chỉ tìm thấy hạnh phúc khi biết sống yêu thương .

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con làm người, làm kitô hữu, Chúa đã mời gọi và trao cho chúng con một sứ mạng. Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Anrê tông đồ xin cho chúng con biết sống xứng đáng với ơn Thiên Chúa đã kêu gọi và chu toàn sứ mạng Chúa trao phó, nhờ đó chúng con tìm được hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống hôm nay và mai sau cũng được thừa hưởng vinh quang Nước Trời.

 

15. Thánh Anrê con người khiêm tốn

Khi một chiếc tầu hỏa xuyên châu lục chạy vèo qua khung cửa, một giám mục đã già đang nói với một linh mục trẻ vừa mới ra khỏi chủng viện về đời sống đầy những biến cố của ông. Rồi ông quay lại linh mục trẻ và yêu cầu ông này kể lại ơn gọi của mình.

Linh mục kiểu cách đáp lại:

 ”Ồ, nói ra thì rất đơn giản, tất cả những gì con muốn nói là vì Chúa đã cần đến con.”

 Giám mục nhận xét:  ”Này anh bạn trẻ, đây là sự trùng khớp thật thú vị: Nếu như tôi còn nhớ, trong Tin Mừng chỉ có một lần Chúa nói Người cần một cái gì đó. Trong Lu-ca 19:34 nhân dịp Người sắp sửa vào Giê-ru-sa-lem một cách vinh quang, Người nói Người cần một con lừa.”

Thánh Kinh có câu: "Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi” (Tv 130, 1). Ai sống khiêm tốn thì sẽ được Thiên Chúa yêu thương và được mọi người quý mến.

"Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1Pr 5,5). Điều Chúa cần nơi chúng ta chính là tấm lòng khiêm tốn thực thi thánh ý Người.

Thánh Anre là một con người như thế. Đầy khiêm tốn và nhiệt huyết. Theo Thánh Kinh Anrê là môn đệ đầu tiên được thánh Gioan giới thiệu đến với Chúa Giêsu. Anre đã không nghĩ cho mình mà ông đã nghĩ đến anh.

Ông đã gặp anh và nói: "Chúng tôi đã gặp Đấng Messia. rồi ông đưa Simon Phêrô đến gặp Đức Giêsu. (Ga l,41-42).

Lần thứ hai chúng ta gặp lại An rê trong Kinh Thánh vài tháng sau.

Một đám đông nghe Chúa giảng suốt ngày. Trời đã xế và Người phải trở về. Đối với một số người. đường đi xa xăm lắm.

Những người đàn bà đã thấm mệt, những đứa trẻ đã lả người.

Họ không còn lương thực. Tông đồ của Chúa Giêsu nghĩ ngợi hoang mang.

Rồi Anrê bước tới, Phúc âm lại bảo "Anrê, em của Phêrô"  lại một lần nữa đã giới thiệu một người đến với Chúa Giê-su khi ông nói:

"Đây có một em bé với 5 chiếc bánh và 2 con cá..." (Ga 6,9).

Và rỗi lần thứ ba ta gặp lại nhằm vào ngày lễ cuối cùng của cuộc đời Đấng Cứu Thế.

Đức Giêsu vào Yêrusalem vinh dự tràn đầy. Vài người gốc Hy Lạp đến Yêrusalem (Ga 12,20). Họ đến dự lễ Vượt Qua. Họ nghe nói về Giêsu Nazareth. Họ muốn gặp Người.

Và thế là Anrê, không một giây do dự, cùng Philíp đã dẫn những  người gốc Hy Lạp đến gặp Chúa Giêsu, và chắc hẳn đó là điều làm Chúa hài lòng.

'Và người ta sẽ từ Phương Đông. Phương Tây, từ Phương Bắc, Phương Nam mà đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa" (Lc 13,29).

“Còn Thầy, một khi Thầy được giương lên khỏi mặt đất. Thấy sẽ kéo mọi người  lên với Thầy" (Ga 12,32).

Ngoài ba lần ấy, ta không côn gặp lại An rê nữa.

Qua đây ta thấy, Anrê luôn là người giới thiệu kẻ khác cho Chúa Giêsu.

Nhưng nhờ Anre mà Chúa có một người thừa kế di sản của Chúa. Nhờ Anre mà Chúa có thể nhân rộng bánh ra nhiều cho hàng ngàn người ăn. Nhờ Anre mà Chúa đã mang tin mừng tới cho dân ngoại.

Xin cho chúng ta biết noi gương thánh Anre luôn sống quảng đại nhưng đầy khiêm tốn. Không khoe trương đánh bóng chính mình nhưng hết mình mang người khác đến với Chúa để nhờ những nỗ lực của chúng ta, Giáo hội có thêm nhiều người làm tông đồ sáng danh Chúa. Amen.

 

16. Thánh Anrê, tông đồ--Minh An

Mỗi sự việc là một bài toán mà đáp số là sứ điệp Chúa muốn chúng ta đón nhận để làm cho nên trọn. Vì thế, ta cần phải tỉnh thức để nhận ra ý Chúa và sứ điệp của Ngài muốn nơi chúng ta.

Khi nói đến ơn gọi, người ta thường hay nghĩ đến một điều đặc biệt, khác thường của người được gọi. Mà quả thực, không ai có thể tự ban cho mình vinh dự này nhưng là do Chúa, nhờ ơn Chúa như trường hợp của Mosê, Aharon, các tiên tri, các ngôn sứ trong Cựu Ước và các Tông đồ, các môn đệ trong Tân Ước rồi những người kế tiếp cho đến tận hôm nay. Ai ai cũng được kêu gọi để thuộc về đòan chiên của Đức Kitô.

Mỗi thành phần trong dân Chúa đều được kêu gọi, nhưng mỗi người theo cách của mình, tùy ơn riêng nhận được để thực hiện mọi điều bao hàm trong ơn gọi kitô hữu như sự thánh thiện ở đời này hay sự tham dự vào Phúc Âm hóa của Hội Thánh và đạt được vinh phúc ở đời sau. Chính thánh Tôma Aquinô đã quả quyết rằng: “Ơn gọi đi tu không khác với ơn gọi làm kitô hữu bao nhiêu, vì đó không phải là ơn gọi mới đối với ơn gọi làm kitô hữu mà chỉ là sống ơn gọi này một cách triệt đệ hơn, thành ra quyết định đi tu là người ta có thể tự mình quyết định được, vì đó là quyết định kéo dài theo Chúa Kitô, một quyết định chủ động trong đời sống kitô hữu”.

Đọc bài Tin Mừng của thánh Mtthêu 4, 18-22, ta thấy ơn gọi của tông đồ Anrê cũng hơi đặc biệt hơn những anh em Tông đồ khác. Chúa gọi Anrê lúc ông đang là ngư phủ trên biển hồ Galilêa bằng lời tài khéo của Người “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Điều này có nghĩa là tác giả Matthêu đặt lời tiên tri vào Chúa Giêsu để loan báo một sự lạc quan về việc quy tụ lại các dân Do thái đang rải rác khắp nơi và kêu gọi sự trở lại của dân ngoại để nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Như thế, ta thấy rằng sứ vụ của thánh Anrê và các tông đồ khác theo thánh Matthêu là sẵn lòng tham gia vào công cuộc truyền giáo theo gương Chúa Giêsu mà không phân biệt Do thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, có đạo hay ngoại giáo…( x. Gl 3, 26- 28), nhưng tất cả đều được đón nhận Tin Mừng và hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa, qua lòng nhiệt thành, trách nhiệm và sứ vụ của các môn đệ.

Còn theo Tin Mừng của thánh Gioan, thì Anrê được Chúa Giêsu gọi vào giờ thứ 10, qua lời giới thiệu của sư phụ Gioan tẩy giả: “ Đây là Chiên Thiên Chúa” lập tức Anrê và một người bạn đã đi theo Đức Giêsu ( x Ga 1, 35- 42). Chính Anrê cũng là người đã giới thiệu Chúa Giêsu cho em mình là Phêrô và được Chúa đón nhận Phêrô vào hàng ngũ các tông đồ. Có thể nói được rằng, theo Tin Mừng Gioan thì thánh Anrê là người đầu tiên loan báo Tin Mừng về Đấng Messia: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia”. Ông đã loan báo Đấng Messia cho em mình là Phêrô và cũng có lẽ nhờ lời loan báo này mà Anrê đã đưa được Phêrô đến với Chúa, đưa được Phêrô từ một ngư phủ nghèo nàn, quanh quẩn bên biển hồ Galilê, thành Giáo hòang tiên khởi của Giáo Hội Công Giáo Rôma.

Sau ngày Chúa Phục Sinh và Thăng Thiên, người ta tương truyền rằng thánh Anrê đã loan báo Tin Mừng ở Giêrusalem, Giuđêa và Galilê. Sau đó, ngài đến giảng đạo ở vùng Biển Đen và Hy Lạp rồi chịu tử đạo tại nơi đây. Thánh nhân đã dứt khoát không chịu để cho người ta thương ngài xin quan tha chết cho ngài. Ngài đã dứt khoát chịu chết để được nên giống Chúa Giêsu. Chúa đã chấp nhận lời ngài kêu xin, Ngài đã không chịu khuất phục quan lãnh sự Akai và chấp nhận cái chết như lời Chúa Giêsu đã nói:"Khi nào Ta được giương cao khỏi đất,Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta".Thánh nhân đã được phúc tử đạo và Thiên Chúa đã đội mũ triều thiên công chính cho Ngài.

Sơ qua mấy dòng ơn gọi và sứ vụ của thánh Anrê tông đồ trong ngày lễ hôm nay, để ta thấy rằng, ơn gọi đến với thánh nhân thật đơn giản nhưng đầy phức tạp và cam go. Đồng thời, đem ra so sánh với ơn gọi làm kitô hữu, hay làm tu sĩ của mỗi cá nhân chúng ta xem có gì là khác biệt, là thành quả. Thực vậy, có nhiều người đã nghe được tiếng Chúa, một thứ tiếng vọng lên từ bên trong, tuy âm thầm nhưng rất rõ ràng, mời gọi nhưng không kém phần thúc bách. Khi đáp lại tiếng Chúa là chúng ta bước vào một khúc quanh mới của cuộc đời và từ đó bản thân được đổi khác. Khi lắng nghe và tìm biết ý Chúa qua các biến cố, qua các sự kiện nhưng điều quan trọng là ta có dám đáp trả lời mời gọi của Ngài hay không? Nhiều khi chúng ta bịt tai, ngoảnh mặt làm ngơ như không hề nghe thấy tiếng Chúa, để khỏi phải đáp trả, khỏi phải từ bỏ, vì có lẽ chúng ta còn quá nhiều những sợi dây vấn vương quấn chặt lấy cuộc đời, khiến chúng ta không dễ gì tháo gỡ, không dễ gì để hy sinh từ bỏ mà đáp lại lời mời gọi của Chúa. Thực ra, ngày hôm nay, Chúa không hiện ra trực tiếp để kêu gọi chúng ta hay truyền dạy chúng ta phải làm điều nọ, điều kia, nhưng tiếng Chúa vẫn âm thầm gởi đến với chúng ta qua các sự kiện, qua các biến cố của cuộc đời. Mà những biến cố, những sự kiện đó chính là một dấu chỉ của thánh ý Chúa. Mỗi sự việc là một bài toán mà đáp số là sứ điệp Chúa muốn chúng ta đón nhận để làm cho nên trọn. Vì thế, ta cần phải tỉnh thức để nhận ra ý Chúa và sứ điệp của Ngài muốn nơi chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thực thi sứ vụ tông đồ theo thánh ý Chúa như tinh thần của thánh Anrê, vị tông đồ giàu tình bạn của chúng con. Amen.

 

17. Thánh Anrê, tông đồ--tinvuixuanloc.vn

Hôm nay Giáo Hội cử hành Lễ kính Thánh Anrê tông đồ, chúng ta cùng suy niệm về ơn gọi của người tông đồ, và áp dụng vào sứ mạng tông đồ của chúng ta.

1. Ơn gọi tông đồ:

Trong bài Tin Mừng hôm nay thuật lại: bốn môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu kêu gọi làm tông đồ đang khi các ông làm nghề chài lưới, tại bờ biển Galilêa, đó là hai anh em ông Simon Phêrô và Anrê, và hai anh em ông Giacôbê và Gioan.

Trước hết, là được Chúa kêu gọi: Ơn gọi làm tông đồ là một ơn gọi đặc biệt đến từ Thiên Chúa. Thật vậy, chính Chúa Giêsu đã chọn gọi những kẻ người muốn (Mc 3,13). Chúa Giêsu yêu thương họ, yêu thương mãnh liệt, yêu thương đến độ gọi họ được trở thành bạn hữu của Chúa (x.Ga 15,15), sống gần gũi với Chúa, chia sẻ công việc của Chúa.

Kế đến, là phài đi theo Chúa và được Chúa huấn luyện. 12 tông đồ đi theo Chúa Giêsu và làm môn đệ của Ngài. Các ông đến và ở với Chúa (Mc 3,14). Các ông được Chúa huấn luyện để trở thành người tông đồ, nghĩa là trở thành những sứ giả phổ biến Tin Mừng cứu độ của Chúa cho muôn dân.

Đồng thời, là sự từ bỏ: Bài Tin Mừng thuật lại rằng: "Các ông bỏ lưới mà đi theo Người" (Mt 4,22). Cũng vậy, những ai muốn đi theo Chúa Giêsu và làm môn đệ của Ngài, đều phải sẵn sàng từ bỏ tất cả: bản thân, gia đình, của cải vật chất và những quyến rũ của thế gian thì mới xứng đáng làm môn đệ của Chúa. Hơn nữa, các tông đồ còn phải chấp nhận những thử thách trong vai trò người tông đồ, chấp nhận sự khinh chế, ruồng rẫy của người đời, chấp nhận vác thập giá, chấp nhận chịu chết để làm chứng cho Chúa. Có biết từ bỏ mới trở nên giống như Thầy mình. Điều này là một thách đố cho những ai đang trên con đường theo Chúa.

Cuối cùng, những ai làm tông đồ của Chúa Giêsu đều được Chúa tín nhiệm trao phó công việc của Chúa, sẵn sàng được Chúa sai đi Loan báo Tin Mừng (Mc 3,14). Các tông đồ luôn mang nơi bản thân mình sứ điệp quan trọng, đó là “làm cho muôn dân trở nên “môn đệ” của Người” (Mt 28,19).

Thánh Anrê tông đồ là môn đệ của Chúa Giêsu, hăng say nhiệt tâm truyền giáo, và sẵn sàng chết tử vì đạo để làm chứng cho Tin Mừng. Gương của Thánh Anrê tông đồ tỏa sáng trong Giáo Hội hôm nay. Cụ thế, việc phục vụ cho công cuộc Loan báo Tin Mừng vẫn tiếp tục trong Giáo Hội của Đức Kitô và trở thành “bản chất” của Giáo Hội. Giáo Hội luôn là Giáo Hội truyền giáo.

2. Áp dụng ‘sứ mạng tông đồ’ của người tín hữu hôm nay:

Tất cả mọi kitô hữu đều được Chúa và Giáo Hội mời gọi làm việc tông đồ cho Chúa. Chúng ta hãy áp dụng sứ mạng tông đồ vào đời sống của mỗi người, mỗi gia đình Công Giáo.

2.1. Mỗi người tín hữu Loan báo Tin Mừng

Mỗi người tín hữu Kitô, qua Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức cũng đều được mời gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu và có bổn phận phải Loan báo Tin Mừng. Mục tiêu của việc tông đồ chính là đưa con người tới chỗ nhận biết và yêu mến Đức Kitô, và nhờ việc tuân giữ giáo huấn của Người, giúp con người đạt tới cuộc sống vĩnh cửu.

Chúng ta muốn là tông đồ, trước hết hãy là người có Chúa Giêsu, yêu mến Chúa Giêsu, tin vào Chúa Giêsu, sống thân mật với Chúa Giêsu, và luôn mang trong mình những tâm tư của Chúa Giêsu. Tâm tư và đời sống của Chúa Giêsu là yêu thương và cứu độ nhân loại. Chúng ta hãy là người tông đồ gieo rắc Tin Mừng tình thương và ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi người, mọi nơi.

Để Tin Mừng của Chúa được lan rộng và hiệu qủa, thì hãy nhớ: đây là công việc của Chúa Thánh Thần. Vì Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của công cuộc truyền giáo trong Giáo Hội. Vì thế, chúng ta hãy đặt mình dưới tác động của Thánh Thần Thiên Chúa. Hãy để Chúa Thánh Thần dẫn dắt và làm công việc Loan báo Tin Mừng. bản thân chúng ta cần phải sống theo Thần Khí, chứ đừng theo những đam mê của xác thịt (x. Gal. 5,16). Bước theo Thần Khí là noi gương Chúa Kitô, tôn vinh Chúa Cha và phục vụ mọi người (x. Mt. 20,27-28).

2.2. Các Gia đình Công Giáo Loan báo Tin Mừng

Việc Loan Báo Tin Mừng ngày nay trong Giáo Hội được nhắc nhiều đến vai trò của các gia đình. Năm 2014 sắp tới, đường hướng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dẫn các gia đình đến việc sống: “Phúc Âm Hóa đời sống gia đình”.

Thật vậy, môi trường đầu tiên cho việc tông đồ chính là gia đình. Người chồng Loan Báo Tin Mừng cho vợ, vợ cho chồng, cha mẹ cho con cái, anh chị em Loan Báo Tin Mừng cho nhau. Thánh Phaolô dạy rằng: “Chồng ngoài đạo được thánh hóa nhờ người vợ, và vợ ngoài đạo được thánh hóa nhờ người chồng có đạo” (1Cr 7,14). Nhiều cặp vợ chồng đã giúp nhau nên thánh và thánh hóa gia đình: như cha mẹ của Thánh trẻ Têrêsa, mẹ của thánh Don Bosco, mẹ của thánh Augustinô.…

Làm sao cho gia đình của chúng ta và yêu thương phục vụ nhau, cùng nhau thăng tiến đời sống gia đình theo gương sống của Thánh Gia Thất. Làm sao cho gia đình đình của chúng ta trở nên gia đình đức tin, gia đình thánh thiện và đạo đức. Muốn được như thế, gia đình chúng ta đừng quên việc đọc Lời Chúa, cầu nguyện tối sớm. Đó cũng là cách giáo dục con cái cầu nguyện, sống Tin Mừng của Chúa.

Các gia đình không chỉ nhắm đến việc nên thánh, đạo đức và yêu thương, mà còn phải làm chứng tá cho Tin Mừng bằng cuộc sống gia đình mình nữa. Là những gia đình đã được đón nhận đức tin trước hay có đức tin vững vàng hơn, mỗi gia đình Công giáo với tư cách là gia đình, hãy góp phần thánh hóa các gia đình khác, bằng việc chia sẻ, giúp đỡ và giới thiệu Chúa cho các gia đình xung quanh.

Lạy Chúa, hôm nay chúng con mừng kính thánh Anrê, người ngư phủ đã tin Ðức Giêsu là Ðấng Mêsia và mau mắn giới thiệu cho em mình. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà củng cố niềm tin của chúng con để chúng con cũng chia sẻ niềm tin của mình cho những người chúng con gặp gỡ. (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Anrê, tông đồ).

 

18. Ước mơ thăng tiến--giesu.net

“Tôi sẽ làm cho anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mt 4,19)

Suy niệm: Các học sinh miệt mài học tập, các công nhân, kỹ sư cặm cụi làm việc,… mọi người đều đang… ước mơ: ước mơ đạt tới một cái gì đó hơn cái đang có trong hiện tại này, theo đuổi nó, và biến nó thành hiện thực. Đó chính là ước mơ thăng tiến bản thân, động cơ cho mọi chọn lựa và nỗ lực trong cuộc sống. Hẳn An-rê và các bạn cũng mơ ước một cuộc sống nào đó hơn cuộc sống ngư phủ tầm thường. Lời mời gọi đi theo thầy Giê-su để trở thành những người thợ “lưới người như lưới cá” mở ra cho các ông một triển vọng thăng tiến mới mẻ, nhưng cũng đầy mạo hiểm. Chỉ vì say mê thầy Giê-su mà các ông dám bỏ thuyền bỏ lưới đi theo Ngài để thực hiện ước mơ.

Mời Bạn: Là Ki-tô hữu, bạn đang ước mơ cái gì? Phải chăng là một cuộc sống ấm êm với những thành đạt mà theo lẽ thường người ta vẫn hằng mơ ước? Điều đó không có gì sai. Thế nhưng phải chăng chỉ có bấy nhiêu? Lời Chúa nhắc bạn rằng dù sống giữa những sự đời thường, bạn vẫn có thể mơ ước một cái gì đó hơn nữa, đó là ước mơ nên thánh như “Cha chúng ta trên trời là Đấng Thánh”; đó là say mê Thầy Giê-su đến độ dám liều bỏ mọi sự để bước theo thật sát những bước chân của Ngài.

Sống Lời Chúa: Say mê Đức Ki-tô, tôi quyết tâm dù làm một việc nhỏ, không làm một cách tầm thường xoàng xĩnh mà làm với tất cả tận tâm và yêu mến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con ước mơ trở nên những tay thợ lành nghề cho cánh đồng truyền giáo Chúa, xin Chúa giúp con vượt qua tất cả những thách đố để đáp lại tiếng gọi trở nên tông đồ nhiệt thành của Chúa. Amen.

 

19. Thánh Anrê tông đồ--Giáo Phận Phú Cường

Trình thuật Tin Mừng chúng ta suy gẫm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên đi theo Người. Họ là: Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan. Khi gặp họ đang làm nghề chài lưới, Người bảo: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”(Mt 4, 19).

Lời kêu gọi của Chúa Giêsu cho thấy điều cốt lõi của người môn đệ là bước theo và ở lại với Người. Chính sự gắn kết mật thiết với Chúa, người môn đệ Đức Kitô sẽ cảm thấu được tình yêu và thông hiểu được giáo huấn của Người. Nhờ đó, họ mới có thể trở nên “những kẻ lưới người”, rao giảng Tin Mừng tình yêu và mang nhiều người đến với ơn cứu độ của Chúa.

Thánh Anrê mà Giáo Hội mừng kính hôm nay là một trong những môn đệ như thế. Sau khi ở lại với Chúa, nhận biết Người là Đấng Messia, học hỏi giáo huấn của Người, thánh nhân đã tín thác trọn vẹn cuộc đời mình cho Chúa và nhiệt thành cộng tác vào sứ vụ cứu độ của Người.

Là Kitô hữu, chúng ta cũng được mời gọi bước theo Chúa Giêsu. Nhưng tâm thế của người môn đệ đích thực không chỉ là bước theo Chúa như những người đồng hành, mà còn là gắn bó mật thiết và chung phần chia sẻ sứ vụ với Người. Mỗi người chúng ta đều là “ngư phủ” bằng cách trở nên là chứng tá, là người loan báo Tin Mừng, là người an ủi, chữa lành những tổn thương nơi tha nhân, là khí cụ mang tình yêu Chúa đến cho người khác, nhất là những anh chị em đang gặp đau khổ, bất hạnh.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã thương chọn gọi chúng con làm môn đệ Chúa. Xin cho chúng con biết tận dụng mọi cơ hội để được gần Chúa, để được Chúa yêu thương, hướng dẫn và biến đổi chúng con thành những khí cụ hữu dụng để loan báo tình yêu cứu độ của Chúa đến cho muôn người. Amen.

 

20. Thánh Anrê tông đồ--giaophanvinhlong.net

Andreas mà tiếng Việt Nam phiên âm là Anrê là một danh từ ít dùng trong tiếng Hy lạp. Tuy nhiên nó mang một ý nghĩa rất thi vị: Anrê nghĩa là trượng phu, thanh nhã.

Đọc Tân ước, chúng ta chỉ thấy một ít đoạn sau đây nói về thánh Anrê, hoặc nói đến tên ngài.

Lần trước hết: hôm ấy thánh Gioan Tẩy giả đứng với hai môn đệ tại Bêthania, bên kia sông Giođanô. Nhìn thấy Chúa Giêsu đi qua, ngài nói với hai môn đệ: "Kìa Con Chiên Thiên Chúa". Nghe nói như thế, hai môn đệ vội rảo theo Chúa Giêsu, Chúa Giêsu bảo họ:

- Các người tìm ai ?

- Thưa Thầy, Thầy đi đâu bây giờ ?

- Cứ đến mà xem.

Lúc đó là bốn giờ chiều và hai môn đệ đi theo Chúa suốt buổi hôm ấy. Hai môn đệ đó là Anrê; em ông Simon Phêrô, và một người khác có lẽ là Gioan. Lúc về nhà gặp Phêrô, Anrê kể lại cho em nghe: "Ồ, chúng tôi đã tìm thấy Đấng Mesia, rồi Anrê dẫn em đến gặp Chúa Giêsu. Hôm sau, Chúa Giêsu trẩy đi Galilêa còn Anrê và Phêrô ở lại Bétsaiđa mạn bắc hồ Tibêria.

Nhưng lần khác, đi trên bờ hồ Chúa Giêsu thấy Anrê và Phêrô đang thả lưới vì các ông là những dân chài, Chúa liền bảo họ:

- Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi nên kẻ đánh lưới người!

Lập tức họ bỏ lưới và theo Chúa. Lại một lần sau khi giảng ở nhà hội Caphanaum ra, Chúa vào nhà ông Phêrô và Anrê chữa khỏi bệnh cho bà mẹ vợ ông Phêrô.

Còn lần trên núi, bên kia biển Galilêa, dân chúng vây quanh Chúa Giêsu. Thấy họ đói, Chúa Giêsu lại hỏi:

- Làm sao kiếm của ăn cho họ được ?

Thánh Anrê thưa:

- Đằng kia có đứa trẻ mang năm chiếc bánh mạch nha và hai con cá nhỏ, nhưng bấy nhiêu thấm vào đâu với số người đông đảo này!

Chúa Giêsu nói:

- Cứ bảo họ ngồi xuống. Rồi Người làm phép lạ nhân bánh ra nhiều và phân phát cho mỗi người được ăn no nê. Cũng chính Anrê lúc ở Giêrusalem vì thánh Philipphê xúi giục đã trình bày cho Chúa biết có một số dân ngoại nói tiếng Hy lạp muốn xin gặp Chúa. Lần nữa, khi Chúa Giêsu ở đền thờ đi ra và nói cho các môn đệ biết ngày "tàn" của đền thánh, thì thánh Anrê cùng với thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan, đã lợi dụng lúc Chúa ngồi trên núi cây dầu nhìn về thánh đường đến hỏi riêng Chúa:

- Xin Thầy hãy nói cho chúng con biêt khi nào việc ấy xảy đến, và có dấu hiệu gì báo trước!

Sau cùng thánh Anrê là một trong lớp mười hai tông đồ được Chúa sai đi giảng đạo. Trong số mười hai tông đồ, thánh Matthêu và thánh Luca kể thánh Anrê sau thánh Phêrô, thánh Máccô lại kể ngài sau ba thánh Phêrô; Giacôbê và Gioan.

Tuy nhiên các sách Hy lạp vẫn chủ trương thánh Anrê được Chúa gọi đầu tiên.

Tài liệu Phúc âm chỉ cho chúng ta biết như vậy về thánh Anrê. Còn riêng về quãng đời truyền giáo của thánh nhân, chúng ta không có một văn liệu nào xác đáng. Trừ một đoạn văn rất đẹp ghi lại rất vắn tắt cuộc tử đạo của ngài như sau:

Quan lãnh sự xứ Akhaia truyền trói thánh Anrê vào cây thập giá để ngài chết dần mòn. Dân chúng nhất định không chịu, họ bảo: người này là đấng công chính, là bạn của Thiên Chúa, và là bậc thầy nhân hậu mà phải điệu đi giết à! Nhưng đứng trước thánh giá, thánh nhân kêu lên:

"Ôi! Thánh giá! Ôi sự rỗi từ lâu bạn đã mệt mỏi chờ tôi! Tôi tin tưởng rằng bạn sẵn sàng đón nhận người đầy tớ của Đấng đã chịu treo trên bạn, và tôi sung sướng bước đi theo bạn. Tại sao bạn được dựng lên ở đây, tôi đã nhận biết tất cả bí nhiệm của bạn rồi. Xin bạn hãy nhận lấy kẻ bạn mong chờ, để chính tôi, kẻ ngày đêm thầm ước vẻ đẹp của bạn cũng tìm thấy bạn. Nơi bạn tôi tìm được phần thưởng Thiên Chúa hứa cho tôi. Ôi Thánh giá dịu hiền! Hãy đưa kẻ hèn này về với Thiên Chúa Đấng Cứu chuộc tôi".

Dân chúng lặp lại những lời ấy cho quan phó lãnh sự nghe và kêu nài:

"Xin ông hãy trả lại cho chúng tôi người công chính, người thánh của Thiên Chúa. Xin đừng đang tâm giết người đẹp lòng Thiên Chúa. Đừng động đến con người hiền lành và đạo đức dường ấy. Đã hai ngày chịu treo nhưng ông ấy vẫn còn sống và luôn thốt ra những lời thánh thiện. Xin quan hãy trả lại chúng tôi con người thánh này để chúng tôi được sống với ông. Xin quan cởi trói người trinh khiết này để mọi gia đình được an hòa, hãy buông tha người hiền nhân này để khắp xứ Akhaia được hưởng nguồn cứu độ. Còn thánh Anrê ngài kêu cả tiếng:

"Lạy Chúa Kitô, xin đừng để đầy tớ Chúa đã được treo lên cây gỗ này vì danh Chúa bị tháo gỡ xuống. Xin chớ để kẻ được diễm phúc thấu hiểu huyền nhiệm thánh giá bị rơi vào mưu gian loài người... Nhưng lạy Chúa Giêsu, Đấng con yêu mến, tin nhận và ao ước được hưởng kiến, xin hãy đón nhận con, vì linh hồn con sắp được giải thoát. Amen". Theo sử gia Êusêbiô, thánh Anrê giảng đạo tại Scythia, nhưng theo nhiều tác giả khác, thánh tông đồ lại giảng đạo tại Êthiôpia, mấy xứ về phía nam Hắc hải và Patras thuộc Akhaia.

Nhưng điều phức tạp hơn cả có lẽ là nơi để thi hài thánh nhân. Thánh Gioan Kim khẩu nói rõ rằng không biết. Trái lại, sách tử đạo thư dòng thánh Giêrônimô lại chép ngài làm Giám mục tại Patras và chết ngày 30 tháng 11 mà không rõ thánh nhân chết năm nào. Nhưng năm 357, giáo chủ thành Alexanđria đem hài cốt ngài về Constantinôpôli. Ngoài ra còn rất nhiều nơi tự xưng là giữ được hài cốt thánh Anrê, như miền Fênicia, miền Basilicate, miền Concordia và đảo Chyprô. Vì thế, ngay từ mấy thế kỷ đầu tiên, rất nhiều nhà thờ mang tên thánh Anrê. Ngay ở Rôma năm 475, Đức Giáo Hoàng Simpliciô đã xây và thánh hiến một thánh đường kính thánh Anrê gần đại giáo đường Đức Bà Cả. Và cho đến thời Trung cổ, tại Rôma có hơn 30 nhà thờ dâng kính thánh Anrê. Phá kỷ lục hơn hết là tại nước Anh có hơn 700 thánh đường hay nguyện đường nhận thánh Anrê làm bổn mạng. Riêng tại nước Pháp, cũng như tại Việt Nam, sau thánh Phêrô, thánh Anrê rất được giáo dân tôn sùng và nhận làm bổn mạng.

Giáo hội kính lễ thánh Anrê vào ngày 30 tháng 11 hằng năm.

 

21. Ơn gọi tuyệt vời--nhathothaiha.net

“Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. (Mt 4,18-22)

Ơn gọi là lời mời gọi làm đẹp lòng Chúa bằng chính con người của mình.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã kêu gọi những môn đệ đầu tiên phục vụ cho sứ mạng loan báo Tin mừng của Người. Đây là những môn đệ sẽ hiện diện trong biến cố quan trọng của cuộc đời Đức Giêsu. Bởi các ông có một sự đơn sơ, quyết đoán và phó thác vào tình yêu thương của Thiên Chúa.

Thánh Anrê đã lắng nghe tiếng Chúa và trở nên môn đệ của Người. Thánh nhân đã sống trọn vẹn ơn gọi được lãnh nhận. Và giờ đây, Ngài đang hưởng vinh phúc Nước Trời. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi nên thánh bằng chính ơn gọi của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận ra ơn gọi độc đáo của mỗi người. Nhờ đó, chúng con có thể làm đẹp lòng Chúa mỗi ngày một hơn bằng cách sống hết mình với ơn gọi mà Chúa đã ban cho mỗi người chúng con. Amen.

 

22. Noi gương thánh Anrê theo Chúa rao giảng Tin mừng--Đaminh Trần Văn Chính

Người bảo các ông: “ Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Lập tức các ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. (Mt 4, 19)

Suy niệm

Nhà Đại văn hào Voltaire (1694-1778) người nước Pháp, ông là một con người rất tài giỏi, có nhiều khả năng hơn người, nhưng thay vì dùng những tài năng Chúa ban cho đó để ca tụng, ngợi khen Thiên Chúa và làm sáng Danh Ngài thì ông lại chống đối, đả kích Giáo Hội và châm biếm báng bổ Thiên Chúa. Có một lần ông tuyên bố như sau: “Ông Giê-su phải cần đến ba mươi ba năm và Mười Hai người môn đệ mới hình thành được đạo Công Giáo, còn tôi, chỉ cần một mình trong vòng hai mươi năm tôi sẽ làm cho Chúa về hưu, vì không còn ai phục vụ Ngài nữa!”.

Đúng hai mươi năm sau lời lộng ngôn đó thì ông ta qua đời. Cơn hấp hối của ông diễn ra thật là khủng khiếp, ông tru tréo gào thét và dùng tay cào xé thân xác mình.

Chứng kiến cảnh tượng đó, người giúp việc của ông đã nói rằng:

Nếu quỷ Satan mà nó có thể chết được, thì nó cũng không chết cách dữ tợn như Voltaire.

Một người khác cùng chăm sóc cho Voltaire lúc lâm chung thì nói:

Nếu đánh đổi cho tôi tất cả sự giầu có của Châu Âu, thì tôi cũng không muốn phải chứng kiến một lần nữa cái chết của kẻ vô thần!

Bài Tin Mừng hôm nay thánh sử Matthêu tường thuật lại sự việc Đức Giê-su kêu gọi Bốn Môn Đệ đầu tiên; đó là các ông Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan đi theo Ngài để loan báo Tin Mừng. Chúng ta biết rằng với quyền năng vô cùng của Thiên Chúa thì Ngài chỉ cần phán một lời thôi nhân loại sẽ hoàn toàn được cứu rỗi hết. Thế nhưng Thiên Chúa không muốn như vậy, mà Ngài muốn trong công trình cứu độ của Ngài có sự cộng tác của mỗi người chúng ta. Khi xưa, khi bắt đầu hành trình rao giảng, Ngài đã tỏ bày ý muốn đó bằng cách chính thức mời gọi các Môn Đệ để họ cùng Ngài mà đi loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Cho đến lúc trước khi về trời Người còn truyền lệnh cho các môn đệ: “ Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20).

Điều đáng lưu ý và cảm phục ở đây là sau khi nghe tiếng Đức Giê-su kêu gọi thì bốn ông đã đáp lại bằng một thái độ dứt khoát, không do dự, không chần chừ: “Lập tức các ông bỏ mọi sự mà đi theo Người”. Các ông không đòi hỏi nơi Đức Giê-su một điều kiện nào hết, các ông chỉ một lòng nghe theo tiếng Chúa, dứt bỏ mọi sự và đi theo Ngài. Qua thái độ trên, chúng ta thấy lòng tin tưởng và phó thác nơi các ông mạnh mẽ dương nào, mặc dầu lúc đó có thể các ông chưa hiểu biết về Đức Giê-su nhiều. Điều này  đáng để cho chúng suy gẫm mà học đòi bắt chước.

Ngày chúng ta được rửa tội thì  chúng ta nghiễm nhiên trở thành con cái của Thiên Chúa và là một thành phần trong đại gia đình Giáo Hội. Lúc đó chúng ta có bổn phận và trách nhiệm “ đem Thiên Chúa đến cho mọi người và đem mọi người về với Chúa”, đó là căn tính của người Ky tô hữu.

Trong nghi thức Phép Thanh Tẩy, chúng ta nhận được cây nến cháy sáng. Điều đó nói lên rằng chúng ta đã nhận được ngọn lửa sáng từ Đức Giê-su ky tô, ngọn lửa sáng ấy sẽ soi sáng cho chúng ta tiến bước trên đường đời, đồng thời chúng ta cũng phải biết đem ngọn lửa cháy sáng đó để soi sáng cho mọi người chung quanh.

Qua Bí tích Thanh Tẩy, chúng ta đã trở thành môn đệ của Chúa và vì thế chúng ta có trách nhiệm loan báo Tin Mừng cho mọi người chung quanh bằng đời sống đạo đức gương mẫu, chu toàn các giới luật của Chúa và của Hội Thánh để từ cuộc sống tốt đẹp đó người ngoài nhìn vào mà nhận ra Thiên Chúa đang ngự trị trong tâm hồn của chúng ta. Ngoài ra, chúng ta còn phải siêng năng cầu nguyện, kết hợp với những hy sinh hãm mình dâng lên Thiên Chúa để cầu xin cho những người chưa biết Chúa sớm trở về cùng Ngài, đồng thời sẵn sàng đóng góp tiền của cho công việc truyền giáo của Giáo xứ cũng như Giáo Phận nơi mình đang sinh sống. Đó là phương cách tốt nhất để chúng ta cùng cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ của Ngài

Thánh Phao-lô trong thư gửi cho tín hữu Cô-rin-tô đã viết: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9, 16). Thiết nghĩ, câu nói này không phải chỉ dành riêng cho thánh nhân mà là câu nói tâm niệm của mỗi người tín hữu Công Giáo.

Hôm nay cũng là ngày Giáo Hội kính nhớ thánh Anrê Tông Đồ. Đây cũng là dịp để chúng ta noi gương bắt chước thánh nhân mà sẵn sàng từ bỏ mọi sự của thế gian mà mạnh mẽ, dứt khoát đi theo Chúa và trở nên môn đệ của Ngài.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa cho con được vinh dự cộng tác với Ngài trong công trình cứu chuộc nhân loại, xin cho đời sống của con trở nên khí cụ trong bàn tay của Chúa để mọi ngày trong suốt cuộc đời của con biết kính thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự, biết yêu thương và phục vụ anh em, biết cầu nguyện, hy sinh hãm mình với ước mong Danh Chúa được mọi người đón nhận khắp nơi. Con cầu xin nhờ Danh Đức Giê-su Ky-tô Chúa của con. Amen.

Sống Lời Chúa.

Luôn cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo được tiến triển và mỗi ngày cố gắng làm một việc tốt với ý nguyện cho mọi người nhận biết Chúa.

 

23. Từ bỏ để chọn lựa

Từ bỏ là một thái độ dứt khoát, đòi hỏi một ý chí kiên định, một sự chọn lựa khôn ngoan và sáng suốt.

Con người luôn luôn có hai chiều hướng tồn tại, đó là thiện và ác, phúc và tội, khôn ngoan và dại khờ, đúng và sai, lợi ích và thiệt thòi, sống và chết, thiên đàng và hoả ngục. Đứng trước một sự chọn lựa ta phải dứt khoát không thể lưỡng lự, hoặc chọn cái hay chọn cái khác, mà phải chọn dứt khoát. Vì khi lưỡng lự chính là lúc ta thiếu khôn ngoan sáng suốt nên không thể đưa ra quyết định dứt khoát để chọn lựa.

Chính vì tâm lý, ý chí con người luôn hay dao động nhất là về tình cảm và giàu sang, cho nên dẫn đến dùng dằng trong chọn lựa khó dứt khoát, và thời cơ sẽ mau qua. Khi thời cơ đã qua thì sự thiếu dứt khoát luôn trở nên một điều xấu, hoặc nuối tiếc. Có câu chuyện kể rằng:

Trên sân ga, một đôi tình nhân đang ngồi bên nhau để dành cho nhau những giây phút chia tay cuối cùng, vì cô ta phải dứt khoát từ bỏ anh, người cô yêu say đắm để vâng lời cha mẹ mà chuyển đi phương xa. Khi đoàn tàu đã hú còi báo chuẩn bị chuyển bánh, thì đôi uyên ương dùng dằng khó dứt khoát. Khi cô ta nghe tiếng mẹ gọi, cô đã vội vàng chạy lên tàu. Khi chạy đến nơi thì cửa tàu cũng đã khép. Buồn bã qua lại chỗ người yêu, thì người yêu cũng đã lên tàu về quê.

Lòng người luôn bị dao động bởi thiếu sức mạnh của tinh thần, vắng bóng sự khôn ngoan của Thánh Thần, khi trong tình huống cần phải quyết định dứt khoát thì không thể dứt khoát.

Tin Mừng hôm nay theo thánh Mát-thêu (4,18-22) tường thuật Chúa Giêsu đi tuyển các môn đệ để thực hiện công cuộc cứu chuộc trần gian. Chúa Giêsu đã gọi ông Phê-rô và ông Anre đi theo Chúa làm tông đồ của Chúa. Khi ông Anre nghe tiếng Chúa Giêsu gọi, thì ngay lập tức ông bỏ tất cả ở mà đi theo Chúa. Ông đã có một thái độ dứt khoát không một chút do dự hay hoài nghi.

Vì sao ông lại có thể dứt khoát trong chọn lựa như thế. Cũng như sự chọn lựa dứt khoát theo Chúa của mười hai tông. Phải chăng các ông đã nhìn thấy những phép Chúa Giêsu đã làm, hay các ông biết Chúa là Vua, hay Chúa rất giàu sang phú quý… Chúa Giêsu không phải như thế.

Vậy vì đâu mà các ông có chọn lựa dứt khoát như thế?

Có thể nói rằng, sau khi Chúa Giêsu ăn chay bốn mươi ngày đêm để cầu nguyện, Chúa Giêsu đã tràn đầy Thánh Thần hiện rõ trên con người đầy quyền uy của Thiên Chúa, nên khi nhìn thấy Chúa Giêsu và nghe tiếng Chúa gọi, thì trong lòng ông đã nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thánh. Và ông chọn lựa dứt khoát.

Làm sao ông Anre có thể nhận ra Chúa Giêsu?

Để nhận ra Chúa Giêsu là Đấng không thuộc về thế gian đang đứng trước mặt mình, chắc chắn ông đã có một đời sống thánh thiện, thuộc về Thiên Chúa. Đời sống của ông chính là luôn cầu nguyện kết hợp với những điều dạy bảo trong kinh thánh, khao khát sự trọn lành thánh thiện, và đặc biệt là ông luôn sống trong sự hướng dẫn của Thần Khí Chúa. Cho nên khi gặp Chúa Giêsu và nghe lời mời gọi, Thần Khí Chúa đã tác động mạnh mẽ trong ông, và ông đã biết từ bỏ để sẵn sàng chọn làm môn đệ của Chúa Giêsu.

Cũng như tông đồ Nathanael khi gặp Chúa Giêsu (Ga 1, 45-51), ông thốt lên: “Lậy Thầy, Thầy là con Thiên Chúa, là vua Israel”. Hoặc cuộc gặp gỡ của ông Gia kêu (Lc 19, 1-10), khi Chúa gọi ông từ trên cây sung, ông đã vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón tiếp Người. Ông Nathanael và ông Gia kêu chắc chắn là có một đời sống kết hợp với Thiên Chúa qua đời sống thường ngày, dù là vẫn ở trong tình trạng yếu đuối tội lỗi. Nhưng sau khi gặp Chúa, đã từ bỏ dứt khoát để chọn điều tốt đẹp nhất là Chúa Giêsu Kitô.

Trong cuộc sống của mỗi con người ngày nay, nhất là trong thời đại công nghệ hiện đại 4.0, mạng lưới thông tin tuyên truyền rất linh hoạt, thông minh, ảo diệu, thuật hoá khôn lường, làm cho cái tâm của mỗi con người đều bị ảnh hưởng, dẫn đến mù mờ lương tâm, không biết chọn lựa, dẫn đến dứt khoát từ bỏ những điều tốt lành mà tin theo phó thác những điều xấu xa, tội lỗi. Thậm chí chọn lựa sai lầm đến nỗi chống đối cả Giáo Hội, chống đối cả Thiên Chúa.

Từ Bỏ để Chấp Nhận, nếu cứ thuận theo con người thì không thể có một chọn lựa đúng, một chọn lựa thánh thiện hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, cần phải có một sự kết hợp với Chúa Thánh Thần, để mọi suy nghĩ và quyết định từ bỏ hay chọn lựa mới thật sự là đúng, là thánh thiện, là được sống muôn đời. Trong Mùa Vọng, hơn bao giờ hết là cần phải biết chuẩn bị để đón Chúa, khi Chúa Giêsu Hài Đồng đến trong lòng, ta sẽ có sự Từ Bỏ dứt khoát để chọn lựa sự Bình An của Chúa Hài Đồng Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn biết noi gương Thánh Anre sống đời sống kết hợp với Chúa trong cầu nguyện, trong bác ái, trong hy sinh và trong phục vụ, để con luôn có Chúa trong tâm hồn, trong trí khôn, cho con luôn sáng suốt và khôn ngoan để chọn điều tốt lành, thánh thiện, và chỉ chọn một mình Thiên Chúa. Amen.

 

24. Dám hy sinh chính mình

– Ghi nhớ: “Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.” (Mt 4,20)

– Suy niệm: Thái độ cần có của người môn đệ Chúa là tinh thần hy sinh, từ bỏ và mau mắn bước theo Thầy. Tinh thần ấy đã hội đủ nơi thánh tông đồ Anrê mà chúng ta mừng kính ngày hôm nay. Vừa nghe Đức Giêsu gọi, thánh Anrê và anh là Phêrô lập tức bỏ chài lưới và bỏ cả cha lại mà mau mắn bước theo Đức Giêsu.

Sứ mạng loan báo Tin mừng cho muôn dân luôn là việc cấp bách của mọi thời đại. Thái độ chần chừ, uể oải hay chùn bước trước những hy sinh, từ bỏ là không phù hợp với người loan Tin mừng. Ngày nay, Chúa và Giáo hội vẫn đang rất cần những người dám hy sinh chính mình dấn thân loan Tin mừng cứu độ cho mọi người. Noi gương thánh Anrê Tông Đồ chúng ta mau mắn đáp lại tiếng Chúa gọi và dám hy sinh tất cả vì Tin mừng và vì Danh Đức Giêsu, hầu mai ngày chúng ta được cùng thánh nhân hưởng hạnh phúc Nước Trời bên Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

– Sống Lời Chúa: Cộng tác làm những công việc chung cách tích cực và vui vẻ.

– Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn cứu độ hết mọi người. Xin ban cho Giáo hội Chúa có nhiều người dám hy sinh và dấn thân cho việc loan báo Tin mừng. Xin Chúa cũng rộng ban cho Giáo hội nhiều tay thợ gặt lành nghề và thiện chí để Giáo hội Chúa được lan rộng khắp nơi hầu mưu ích ơn cứu độ cho nhiều người. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 80)

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,078)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,156)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,725)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,406)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,808)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,802)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,906)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,178)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,573)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7