Thứ Tư 22/06/2022 – Thứ Tư tuần 12 thường niên. – Cây tốt trái tốt, cây xấu trái xấu.
- In trang này
- Lượt xem: 6,592
- Ngày đăng: 21/06/2022 08:00:00
Cây tốt trái tốt, cây xấu trái xấu.
22/06 – Thứ Tư tuần 12 thường niên.
"Hãy xem quả thì các con sẽ biết chúng".
Lời Chúa: Mt 7, 15-20
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hãy coi chừng các tiên tri giả. Họ mặc lốt chiên đến cùng các con, nhưng bên trong, họ là sói dữ hay cắn xé.
Hãy xem quả thì các con sẽ biết được chúng. Nào ai hái được trái nho nơi bụi gai, hoặc trái vả nơi bụi găng sao?
Cũng thế, cây tốt thì sinh trái tốt, còn cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, và cây xấu không thể sinh trái tốt. Các cây không sinh trái tốt sẽ bị chặt đi và ném vào lửa. Vậy coi trái thì các con sẽ nhận biết được chúng".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy Niệm 1: Cứ xem quả thì biết họ
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Thời nào Hội Thánh cũng có những ngôn sứ giả.
Họ mang dáng dấp là người của Chúa, người nói lời Chúa.
Họ hấp dẫn quần chúng và có nhiều người chạy theo.
Đức Giêsu dạy ta phải coi chừng họ (c. 15).
Ngài dùng một hình ảnh quen thuộc để nói lên mối nguy cơ này.
Các ngôn sứ giả đội lốt chiên tốt lành mà đến với dân Chúa.
Nhưng thực chất họ là sói dữ tham mồi.
Cái khó là nhận ra bộ mặt thật của họ để không bị đánh lừa.
Không nhận ra họ là sói, chúng ta có thể dễ làm mồi cho họ.
Đức Giêsu dùng một hình ảnh khác
để chỉ cho ta cách phân biệt chiên với sói: hình ảnh quả và cây.
Cây nào sinh quả ấy: đó là một nguyên tắc bất biến.
“Có ai hái được nho ở bụi gai, hay hái vả trên cây găng không?” (c. 16).
Hẳn là không rồi.
Cây tốt ắt sinh quả tốt, cây bị sâu ắt sinh quả chẳng ra gì (c. 17).
Hơn nữa, Đức Giêsu còn mạnh mẽ khẳng định:
cây tốt không thể sinh quả xấu,
và cây xấu không thể sinh quả tốt được (c. 18).
Chính vì thế cứ nhìn quả thì biết cây.
Cứ nhìn những công việc do một người làm,
ta sẽ biết người ấy là ai (cc. 16. 20).
Những môn đệ đích thực của Đức Giêsu hẳn sẽ sinh quả tốt,
đó là sống công chính như giáo huấn của Bài Giảng trên núi.
Còn những ngôn sứ giả bị lộ mặt nạ qua đời sống bất chính của họ.
Chuyện ngôn sứ giả đã có từ xưa trong Cựu ước.
Ở Côrintô, thánh Phaolô đã phải vất vả đối đầu
với những kẻ mà ngài gọi là tông đồ giả, đội lốt tông đồ của Đức Kitô.
Ngài còn thêm: “Lạ gì đâu!
Vì chính Xatan cũng đội lốt thiên thần sáng láng!” (2 Cr 11, 13-14).
Như thế các tín hữu phải cảnh giác để phân biệt chân và giả,
đặc biệt trong thời Hội Thánh gặp khủng hoảng khó khăn.
Họ phải tỉnh táo để khỏi bị dáng vẻ bên ngoài hay lý luận mê hoặc.
Điều cần lưu tâm là đời sống công chính của vị ngôn sứ.
Trong thư gửi tín hữu Galata, thánh Phaolô cho chúng ta một tiêu chuẩn
để nhận ra hoa quả nào là bắt nguồn từ Thần Khí (5, 22).
Đó là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín…
Những điều ngược lại, ngài gọi là những hành động của xác thịt,
như hận thù, bất hòa, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái… (5, 20).
Sống trong một thế giới phẳng và đa nguyên, người Kitô hữu hôm nay
chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và nhanh chóng,
bởi nhiều nguồn thông tin, đến từ nhiều người.
Những tiêu chuẩn của Đức Giêsu hay của thánh Phaolô vẫn còn giá trị.
Nhưng chúng ta cần có thời gian để phân định quả xấu, quả tốt.
Và cũng cần có thời gian để nhận ra đâu là sói, đâu là chiên.
Cầu nguyện:
Như thánh Phaolô trên đường về Đamát,
xin cho con trở nên mù lòa
vì ánh sáng chói chang của Chúa,
để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.
Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,
ánh sáng phá tan bóng tối trong con
và đòi buộc con phải hoán cải.
Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối
chỉ vì chút tự ái cỏn con.
Xin cho con khiêm tốn
để đón nhận những tia sáng nhỏ
mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.
Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý
để Chân lý cho con được tự do.
Suy Niệm 2: Cây tốt sinh quả tốt
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Cây tốt sinh quả tốt đòi hỏi thời gian. Khi cây chưa ra quả chưa phân biệt được tốt xấu. Có những cây cành lá um tùm nhưng lại không có quả như cây vả bị Chúa chúc dữ. Có những cây khẳng khiu nhưng lại sinh hoa thơm trái ngọt. Vì thế phải kiên nhẫn. Kiên nhẫn chờ đợi và kiên nhẫn vun trồng. Khi ta xét đoán người hãy biết chờ đợi cho đến thời đến buổi, đừng sớm xét đoán. Khi ta xét mình ta hãy biết kiên nhẫn để không nản lòng nhưng vẫn luôn vươn lên dù những yếu đuối khiếm khuyết. Sẽ có ngày Chúa cho sinh hoa quả tốt lành.
Cây tốt sinh quả tốt đòi hỏi đức tin kiên vững như tổ phụ Áp-ra-ham. Ra đi khi tuổi đã cao nhưng vẫn tin lời Chúa hứa. Chưa thấy đất chẩy sữa và mật nhưng vẫn tiến bước trong sa mạc. Chưa thấy con cháu nối dõi, đã phải chọn gia nhân làm người thừa kế theo thói thế gian nhưng vẫn tin vào lời Chúa hứa. Và quả thật Chúa đã giữ lời hứa cho Áp-ra-ham thành tổ phụ những người tin ngày càng đông đúc và kéo dài cho đến tận thế. Đức tin kiên vững là một cây tốt sinh hoa trái xum xuê, như cây trồng bên bờ suối, cho hoa trái quanh năm và cây không bao giờ tàn úa (năm lẻ).
Cây tốt sinh quả tốt đòi hỏi sự trung thành với giao ước. Đã ký kết giao ước rồi Chúa luôn trung thành. Lời Chúa hứa là một thân cây có khi gai góc, có khi khẳng khiu, có khi èo uột tưởng chừng tàn lụi trong mùa đông lạnh giá. Đó là những thử thách từ hoàn cảnh khó khăn, từ những vấp ngã của con người, từ những thế lực trần gian luôn nhũng nhiễu quấy phá. Nhưng rồi đến thời điểm Chúa định, một mùa xuân bừng dậy, cây lời hứa đơm hoa kết trái phúc lộc man vàn. Chỉ cần con người kiên tâm, trung thành vượt qua mùa đông lạnh giá, Chúa trung thành chờ đón tôi trung vào mùa xuân vĩnh cửu.
Cây tốt sinh quả tốt đòi hỏi can đảm dấn thân ký kết giao ước như vua Khít-ki-gia. Biết Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống và sức mạnh. Biết tổ tiên đã sai lỗi khi phế bỏ giao ước nên đã đi vào tiêu vong. Vua thống hối và lập tức ký kết giao ước với Thiên Chúa. Đó chính là vun trồng cây tốt. Đó chính là trồng cây trên đất tốt. Đó chính là chọn mặt gửi vàng (năm chẵn).
Xin cho con biết phân biệt cây tốt với cây xấu. Xin cho con đừng trở thành cây xấu sống giả dối. Chỉ có hình thức bề ngoài đẹp đẽ nhưng linh hồn xấu xa. Chỉ có lời nói đẹp đẽ nhưng ý hướng đen tối. Xin cho con trở thành cây tốt. Sống chân thật. Nói lời chân thật. Để sẽ có hoa trái là hạnh phúc đích thật.
Suy Niệm 3: Xem quả biết cây
Nhà tu đức học nổi tiếng người Ấn Ðộ là cha Anthony de Mello có kể câu truyện ngụ ngôn:
Một vị giáo sĩ nọ đến gặp một tiên tri và xin ngài cầu nguyện cho một đôi vợ chồng trẻ: họ là những người rất mực đạo đức, nhưng không có con. Nghe thế vị tiên tri trả lời: "Ta rất lấy làm tiếc, Chúa không muốn cho họ có con".
Thế nhưng, 5 năm sau, vị giáo sĩ trở lại thăm đôi vợ chồng trẻ, lần này ông nghe thấy tiếng trẻ con cười đùa trong nhà. Người chồng giải thích rằng cách đây 5 năm, có một người hành khất lang thang trước nhà họ, người chồng mời người hành khất vào nhà, cho ăn uống và mặc quần áo mới cho. Trước khi từ giã, người hành khất đã chúc lành cho đôi vợ chồng trẻ và Chúa đã ban cho họ được hai đứa con.
Vị giáo sĩ trở lại gặp vị tiên tri để xin một lời giải thích. Vị tiên tri mỉm cười trả lời: "Ta chỉ có thể nói rằng có một vị thánh đã đến thăm đôi vợ chồng trẻ này, và nhờ lời chúc phúc của ngài, họ đã có được hai đứa con; các thánh có cách thay đổi chương trình của Thiên Chúa".
Một cuộc sống thánh thiện lúc nào cũng có âm hưởng trên người khác, một chứng tá đức tin luôn có sức đánh động người khác. Ðó có thể là ý tưởng nổi bật trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói đến trái tốt từ cây tốt. Qua kiểu nói này, hẳn Chúa Giêsu muốn nói đến những thể hiện đích thực của lòng tin: một đức tin chân thật luôn đi đôi với việc làm cụ thể. Chính Ngài đã nói: "Không phải những ai đã nói: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời, mà chỉ những ai thực hành ý Chúa mới được vào mà thôi". Thánh Giacôbê đã lấy lại giáo huấn này khi ngài viết: "Ðức tin không có việc làm là đức tin chết tận gốc rễ".
Chúa Giêsu tỏ lòng cảm thông và tha thứ cho những yếu hèn và vấp ngã của con người, nhưng Ngài không hề dung chấp cho thái độ giả hình của những người Biệt phái. Ngài gọi họ là những tiên tri giả, những người đội lốt chiên mà bên trong là lòng dạ của sói dữ. Họ trưng bày một bộ mặt đạo đức, nhưng cuộc sống của họ gồm toàn những hành động xấu xa.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đề cao cảnh giác trước thói giả hình. Bao lâu giữa niềm tin và cuộc sống còn có khoảng cách, thì bấy lâu chúng ta vẫn còn là những kẻ giả hình; trên cây đức tin của chúng ta chỉ có những quả xấu; cuộc sống chỉ còn là những phản từ, hay nói theo ngôn ngữ quen thuộc: chúng ta làm ố danh sự đạo. Thánh Phaolô đã nhắn nhủ tín hữu Côrintô: Những người rước Mình Thánh Chúa mà vẫn tiếp tục sống trong chia rẽ và kỳ thị, là những người sống trong mâu thuẫn không thể chấp nhận được, và họ rước Mình Thánh Chúa một cách bất xứng. Bí tích Thánh Thể không thể tách rời khỏi giới răn yêu thương: người ta không thể rước Mình Thánh Chúa mà đồng thời lại sống xa lạ với anh em đang bị đói khát, đau yếu, tù đày. Từ việc rước lễ phải nẩy sinh trong chúng ta sức mạnh của niềm tin yêu khiến chúng ta cởi mở với tha nhân, có lòng từ bi đối với những người sống trong túng thiếu và quẫn bách.
Ước gì chúng ta luôn biết thể hiện đức tin của chúng ta bằng những hành động cụ thể. Ước gì hoa trái của đức tin chúng ta trở thành của ăn có sức nuôi dưỡng bồi bổ đối với những người xung quanh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Biết tin vào ai?
“Anh em hãy coi chừng những ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt, thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu.” (Mt. 7, 15-17)
Những tiếng chào mời khắp nơi
Thời nay càng không thiếu những người nói hay nói khéo. Người ta gặp họ nhan nhản ở trong các nhà thờ. Nhưng họ cũng có mặt đông đảo ở những nơi công cộng, trên vô tuyến, trên truyền hình. Những kẻ ba hoa này thích được người ta coi mình là những thày dạy đời, những nhà tiên tri. Mỗi người đều có những ngón nghề riêng để nói hay về hạnh phúc. Vấn đề là họ không nói chung cùng một tiếng nói. Kẻ nói trắng, người nói đen.
Mỗi ngày, những người công dân bình thường đều bị chới với vì những làn sóng thông tin, sứ điệp ùa tràn từ mọi phía. Những Kitô hữu cũng được người ta mời chào đón nhận những lý thuyết mới lạ và chạy theo những con đường rất trái ngược nhau. Phải tin ai đây? Phải coi chừng ai? Có cách nào để biết được ai là tiên tri thật, ai không phải?
Cây tốt, trái tốt
Có một cách rất đơn sơ mà không sợ sai lầm. Đó là đừng để cho những lời nói hay nói khéo kia mê hoặc mình và phải xét xem đâu là hậu ý. Đó là để mắt kỹ coi xem những nhà “giảng thuyết” ấy sống điều họ giảng như thế nào. Ta còn phải kiểm chứng cụ thể để biết những lý thuyết hay ho kia gây được những hiệu quả thực tiễn nào
Cây tốt thì sinh trái tốt. Ý tưởng tốt chỉ có thể dẫn tới những hành vi tốt. Tiên tri thật thì giúp con người sống hạnh phúc hơn, hiệp nhất hơn, phát triển hơn. Nếu thực hành điều họ dạy chỉ làm ta chia rẽ, dẫn đến hận thù thay vì yêu thương, gieo rắc bạo lực và ương ngạnh thay vì hiền từ và hiểu biết, thì rõ ràng là chúng ta phải xem xét lại những vị tiên tri giả này. Cứ xem hoa trái của họ thì biết được ai là tiên tri tốt, ai là tiên tri giả. Không có gì đơn giản hơn vậy.
Suy Niệm 5: Hãy trở nên “quả tốt”
Nhiều người tỏ ra bị sốc khi nghe câu tuyên bố của Đức Giêsu: “... cây tốt thì sinh trái tốt, còn cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, và cây xấu không thể sinh trái tốt”. Thật ra, trong thực tế, vẫn có nhiều người “gần mực mà không đen”, hay “gần đèn mà chẳng rạng”!
Tuy nhiên, điều mà Đức Giêsu nói ở đây đó là hãy biết cách nhận định khôn ngoan chứ không phải xét đoán hời hợt hay mang sẵn lòng hận thù hoặc tính kiêu ngạo. Nhận định tức là căn cứ vào kết quả để biết con người một cách khách quan. Tiêu chuẩn là: “Xem quả biết cây”.
“Cây” ở đây chính là mình, còn “hoa, lá, cành” chính là những việc đạo đức như: dâng lễ, kinh sách, cầu nguyện, tham gia các hội đoàn và những việc lành khác.... Còn “quả” ở đây chính là gương sáng, hy sinh, yêu thương, tha thứ..., tức là từ bi - bác ái, yêu Chúa hết lòng và thương yêu anh chị em cách chân thành.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người trong chúng ta lại có quá nhiều “hoa, lá, cành”, mà “quả” thì không có, hay có nhưng lại bị “sâu”. Tức là hăng say làm việc chỉ vì ham danh, huênh hoang, tự phụ, ích kỷ nên không thể sinh ra “quả” tốt được. Những người đó họ làm mọi việc vì thực dụng cá nhân, không vì yêu mến Chúa và tha nhân, nên họ chẳng khác gì chiếc phèng la kêu inh ỏi, nhưng bên trong thì rỗng tuếch.
Thánh Phaolô cũng khuyên dạy tín hữu thành Corintô như sau: "Giả như tôi nói được các thứ tiếng, giả như tôi được ơn tiên tri như tôi có đem hết tài sản mà bố thí mà không có đức mến thì cũng chẳng có ơn ích gì cho tôi" (x. 1 Cr 13,1-3). Vì thế: “Không phải những ai nói: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời, mà chỉ những ai thực hành ý Chúa mới được vào mà thôi”.
Muốn làm được điều đó, chúng ta phải trở nên những tiên tri thật của lòng mến, chứ đừng trở nên tiên tri giả của tham sân si. Hãy trở nên con chiên hiền lành của Chúa chứ đừng trở nên sói dữ. Không được mang danh và hình ảnh của chiên, nhưng thực ra chỉ là mặt chiên, mà là dạ sói!
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn gắn chặt cuộc đời của chúng con vào Chúa, để như một sự tác sinh, chúng con được trở nên giống Chúa, hầu trở nên những hoa trái tốt như lòng Chúa mong ước. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 6: Xem quả thì biết cây
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Xem quả thì biết cây. Định luật đó được Chúa Giêsu áp dụng cho hành vi của con người. Việc làm tốt cho thấy người tốt, việc làm xấu biểu lộ một con người xấu. Thưởng phạt sẽ tùy đó mà định đoạt.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trước mặt Chúa, mọi hành vi của con đều được phơi bày một cách trung thực, hoặc đó là một việc tốt, hoặc đó là một việc xấu. Các việc làm của con đều biểu lộ con người thật của con. Qua ví dụ về cây vả, Chúa muốn con trở nên người tốt, sống tốt, sống ngay lành, để hoa quả cuộc đời con là những trái ngon, quả ngọt.
Với kinh nghiệm thông thường về trồng cây, con biết rằng muốn có trái ngon, quả ngọt, người làm vườn phải tốn bao công sức để phun thuốc, cuốc xới, bón phân, tưới tắm. Cũng vậy, để cho cuộc đời con được tốt đẹp, con cũng cần rất nhiều công chăm sóc. Là một học sinh, con sẽ phải hy sinh các thú giải trí để chăm chú vào việc học tập. Là người công nhân, con sẽ phải thể hiện tốt vai trò và trách nhiệm của bậc mình. Là người Kitô hữu, con sẽ phải sống tốt ơn gọi của mình theo tinh thần phúc âm.
Lạy Chúa, tất cả những điều ấy, sao con thấy nặng nề, khó khăn, cực nhọc, và có lúc con đã đặt ra câu hỏi: “Tại sao lại phải phấn đấu như vậy?”. Lời Chúa hôm nay đã đem lại cho con câu trả lời: “Muốn có quả tốt, đòi hỏi cây phải tốt; không thể có quả tốt nơi cây xấu được!”
Xin Chúa cho con biết xác tín vào Lời Chúa dạy để đời con không ngừng sống tốt trước mặt Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Hãy xem quả thì các con sẽ biết chúng”.
Suy Niệm 7: Đề phòng những tiên tri giả
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Chúa Giêsu bảo các môn đệ phải coi chừng tiên tri giả: bề ngoài thì họ giả bộ hiền lành như con chiên, nhưng thật sự họ ác ôn như sói dữ. Muốn biết họ thật giả, cần phải xem cách sống họ có phù hợp với giáo huấn của Chúa không? Vì cây tốt thì sinh trái tốt, cây xấu thì sinh trái xấu. Cũng vậy, người tốt thì lời nói việc làm của họ cũng tốt, còn kẻ bê tha thì lời nói việc làm của họ cũng bê bối. Vì lòng đầy tràn thì sẽ thố lộ ra bên ngoài bằng lời nói, việc làm và đời sống hằng ngày.
2. Lời Chúa hôm nay dạy cách nhận định khách quan. Nhưng trước hết ta cần lưu ý rằng lời dạy này không mâu thuẫn với lời dạy hôm thứ hai là đừng đoán xét người khác.. Đoán xét là chỉ mới thấy một số hiện tượng đã vội kết luận và kết án. Còn nhận định khách quan là căn cứ vào kết quả để biết con người. Đoán xét dễ chủ quan, còn nhận định thì phải khách quan. Đoán xét đưa đến việc lên án người khác, còn nhận định chỉ để rút ra suy nghĩ và chọn lựa cho chính mình. Trong cuộc sống, ta không nên đoán xét nhưng phải khôn ngoan nhận định cách khách quan.
Nhận định khách quan dựa trên tiêu chuẩn “Xem quả biết cây” (Carôlô).
3. Tiên tri theo đúng nghĩa là người nói thay Thiên Chúa, là người chỉ nói những gì Thiên Chúa truyền, và đôi khi biến cả đời mình thành sứ điệp của Thiên Chúa. Đó là trường hợp của Giêrêmia khi ông khoác vào người một cái ách và đi giữa phố chợ để gây ý thức nơi dân Israel về cái ách tội lỗi đang đè nặng trên họ. Đó cũng là trường hợp của Hôsê khi ông cưới một cô gái điếm để tố cáo sự bất trung của dân chúng.
Tiên tri giả là người nhân danh Thiên Chúa để nói những gì không phải là của Chúa và có cuộc sống không phù hợp với sứ điệp của Chúa. Chúa Giêsu đã so sánh tiên tri giả với một thứ cây xấu, cây xấu chỉ có thể sinh trái xấu, và người ta có thể xem quả để biết cây.
4. Để phân định ai là tiên tri giả, ai là tiên tri thật, chúng ta hãy dựa vào tiêu chuẩn này: Có tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa như đức tin tông truyền từ các Tông đồ dạy không? Càng ngày càng xuất hiện nhan nhản những kẻ xưng mình là “thị nhân”, là “con gái yêu”, là tiên tri thật”, là “được Chúa sai đi” rồi tự cho mình được “mạc khải” nhưng thực tế lại rao truyền điều đi ngược lại với đức tin tông truyền mà Chúa Giêsu giao cho các Tông đồ truyền lại cho Giáo hội. Chẳng hạn, trong những năm gần đây có cái gọi là “sứ điệp từ trời” của một phụ nữ tự xưng là “con gái yêu” của Chúa, rao truyền những điều nghịch đức tin, dựa theo những con số tượng trưng trong Thánh Kinh rồi giải thích theo nghĩa đen, lên án Giáo hội trong công đồng Vatican II, bất phục và không tin vào sự kế vị hợp pháp của Đức Thánh Cha... Như thế, chính cái gọi là sứ điệp ấy tự mâu thuẫn với lời Chúa dạy (Hiền Lâm).
5. Người Kitô hữu nhờ phép rửa cũng tham dự vào chức vụ tiên tri của Đức Kitô. Một cách nào đó, qua ngôn từ và hành động, cuộc sống của họ cũng phải là một sứ điệp của Thiên Chúa cho những người chung quanh. Nếu cuộc sống người Kitô hữu không đủ sức là một sứ điệp của Thiên Chúa, thì hẳn người đó cũng có thể bị coi là một tiên tri giả. Như vậy, tiên tri giả hay Kitô hữu giả là người thiếu sự thống nhất hòa hợp giữa niềm tin và cuộc sống. Người Kitô hữu giả là người mang danh hiệu Kitô, nhưng lại không sống những cam kết của mình. Đó là người chỉ đóng khung niềm tin của mình trong bốn bức tường nhà thờ, mà không thể hiện niềm tin ấy trong cuộc sống hằng ngày qua những gặp gỡ với tha nhân. Đó là người không muốn sống như Đức Kitô, nhưng chỉ buông theo con người cũ của những xu hướng tội lỗi (Mỗi ngày một tin vui).
6. Chúa Giêsu tỏ lòng cảm thông và tha thứ cho những yếu hèn và vấp ngã của con người, nhưng Ngài không hề dung chấp cho thái độ giả hình của những người Biệt phái. Ngài gọi họ là những tiên tri giả, những người đội lốt chiên mà bên trong là lòng dạ của sói dữ. Họ trưng bầy một bộ mặt đạo đức, nhưng cuộc sống của họ gồm toàn những hành động xấu xa.
Về vấn đề này, cha ông chúng ta đã có kinh nghiệm và thường nói:
Mua cá thì phải xem mang,
Mua bầu xem cuống, mới toan khỏi lầm.
Con người muốn biết thâm tâm,
Nhìn vào công việc, chẳng lầm mảy may.
7. Truyện: Xem quả biết cây.
Nước Kinh có người xem tướng giỏi, nói câu nào trúng câu ấy. Trong nước, xa gần ai ai cũng biết tiếng. Vua Trang Vương thấy thế vời lại hỏi:
- Nhà ngươi dùng thuật gì mà xem tướng giỏi như thế?
Người xem tướng thưa rằng:
- Thần không có thuật gì lạ cả. Thần chỉ xem “bạn người ta” mà biết được người ta hay hoặc dở. Như thần xem cho thường dân, mà thấy họ chơi với những người bạn hiếu, đễ, huấn, cần, biết giữ phép nước thì thần đoán người ấy là người hay, thân tất một ngày vẻ vang, nhà tất một ngày thịnh vượng.
Như thần xem cho quan lại, mà thấy chơi với những người bạn thành, tín, có phẩm hạnh, thích điều phải thì thần đoán cho ông quan ấy là người tốt, làm quan tất mỗi ngày một cao thăng, giúp vua tất mỗi ngày một lợi ích.
Nếu thần xem cho vua chúa, mà thấy quan gần thì có lắm người hiền, quan xa có lắm người trung, lúc lỗi có nhiều người can ngăn thì thần đoán là ông vua giỏi, vua tất mỗi ngày một tôn trọng, nước tất mỗi ngày một trị yên, thiên hạ tất mỗi ngày một qui phục. Thần quả không có thuật gì lạ, chỉ xem người mà biết được người hay hay dở.
Vua Trang Vương cho nói là phải. Bấy giờ liền kíp thu dùng những người tài giỏi, sau nước Sở cường thịnh nhất đời Chiên Quốc.
Chúng ta tự hỏi xem bạn bè chung quanh chúng ta là những người như thế nào? Từ đó mà chúng ta biết mình là ai?
Suy Niệm 8: Nhận định khách quan
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Phân tích
Lời Chúa hôm nay dạy cách nhận định khách quan. Nhưng trước hết ta cần lưu ý rằng lời dạy này không mâu thuẫn với lời dạy hôm thứ hai là đừng xét đoán người khác. Đoán xét là chỉ mới thấy một số hiện tượng đã vội kết luận và lên án. Còn nhận định khách quan là căn cứ vào kết quả để biết con người. Đoán xét dễ chủ quan, còn nhận định thì phải khách quan. Đoán xét đưa đến việc lên án người khác, còn nhận định dễ đưa tới suy nghĩ và chọn lựa cho chính mình. Trong cuộc sống ta không nên xét đoán nhưng phải khôn ngoan nhận định một cách khách quan.
Nhận định khách quan dựa trên tiêu chuẩn “Xem quả biết cây.”
Suy gẫm
1. Hãy xem “cây” đạo đức của chính bản thân mình. Hoa lá cành là những việc dự lễ, đọc kinh, cầu nguyện, lời tôi nói và dạy người khác. Còn “quả” là lòng yêu mến chân thành đối với Thiên Chúa và tha nhân thể hiện qua việc bác ái, là cách ứng xử của tôi trong những lúc khó khăn, là cách tôi lựa chọn. Phải chăng tôi là một cây hoa lá cành rất xum xuê mà “quả” thì không có được bao nhiêu.
2. Ta hãy nhớ bài ca bác ái của Thánh Phaolô: “Giả như tôi nói được các thứ tiếng, giả như tôi được ơn tiên tri như tôi có đem hết tài sản mà bố thí mà không có đức mến thì cũng chẳng có ơn ích gì cho tôi” (1 Cr 13, 1-3).
3. “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em, nhưng bên trong họ là sói dữ tham mồi” (Mt 7, 15).
Hồi lãnh nhận Bí tích rửa tội để trở thành người Kitô hữu, tôi được tham dự vào chức vụ: Tư tế, Vương Giả và Ngôn Sứ của Đức Kitô.
Một khi mang trong mình chức vụ Ngôn Sứ, tôi phải truyền đạt sứ điệp của Thiên Chúa cho những người chung quanh qua lời nói, hành động và cuộc sống của tôi.
Lắm lúc tôi chỉ là một tiên tri giả. Đó là lúc tôi không hòa hợp được niềm tin vào cuộc sống; mang danh Kitô nhưng không sống theo những cam kết của mình; đóng khung niềm tin của mình trong bốn bức tường Nhà thờ thay vì thể hiện niềm tin ấy qua những tiếp xúc hằng ngày với tha nhân.
Giờ đây, Lạy Chúa, xin giúp chúng con trở thành những ngôn sứ đích thực của Chúa, luôn biết nói những điều Chúa truyền dạy và sống những điều đó.
3. Một cuộc sống thánh thiện lúc nào cũng có âm hưởng trên người khác, một chứng tá đức tin luôn có sức đánh động người khác. Đó có thể là ý tưởng nổi bật trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói đến trái tốt từ cây tốt. Qua kiểu nói này, hẳn Chúa Giêsu muốn nói đến những thể hiện đích thực của lòng tin: một đức tin chân thật luôn đi đôi với việc làm cụ thể. Chính Ngài đã nói: “Không phải những ai nói: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời, mà chỉ những ai thực hành ý Chúa mới được vào mà thôi.” Thánh Giacôbê đã lấy lại giáo huấn này khi Ngài viết “Đức tin không việc làm là đức tin chết tận gốc rễ.”
Chúa Giêsu đã tỏ ra cảm thông và tha thứ cho những yếu hèn và vấp ngã của con người, nhưng Ngài không hề dung chấp cho thái độ giả hình của những người Biệt phái. Ngài gọi họ là những tiên tri giả, những người đội lốt chiên, nhưng bên trong là lòng dạ của sói dữ; họ trưng bày một bộ mặt đạo đức, nhưng cuộc sống của họ gồm toàn những hành động xấu xa.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đề cao cảnh giác trước thói giả hình. Bao lâu giữa niềm tin và cuộc sống còn có khoảng cách, thì bấy lâu chúng ta vẫn còn là những kẻ giả hình: trên cây đức tin của chúng ta chỉ có những quả xấu; cuộc sống chỉ còn là những phản từ, hay nói theo ngôn ngữ quen thuộc; chúng ta làm ố danh sự đạo.
Thánh Phaolô đã nhắn nhủ tín hữu Côrintô: những người rước Mình Thánh Chúa mà vẫn tiếp tục sống trong chia rẽ và kỳ thị là những người sống trong mâu thuẫn không thể chấp nhận được, và họ rước Mình Thánh Chúa một cách bất xứng. Bí tích Thánh Thể không thể tách rời khỏi giới răn yêu thương: người ta không thể rước Mình Thánh Chúa mà đồng thời sống xa lạ với anh em đang bị đói khát, đau yếu, tù đày. Từ việc rước lễ phải nẩy sinh trong chúng ta sức mạnh của niềm tin với những người sống trong túng thiếu và quẫn bách.
Ước gì chúng ta luôn biết thể hiện đức tin của chúng ta bằng những hành động cụ thể. Ước gì hoa trái của đức tin chúng ta trở thành của ăn có sức nuôi dưỡng bồi bổ đối với những người xung quanh.
Suy Niệm 9: Nhận định khách quan
(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)
1. Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta về cách nhận định khách quan. Trước hết, ta cần lưu ý lời dạy này không mâu thuẫn với lời dạy hôm thứ hai là đừng xét đoán người khác.
Xét đoán là chỉ mới thấy một số hiện tượng đã vội kết luận và lên án. Còn nhận định khách quan là căn cứ vào kết quả để biết nguyên nhân..
Xét đoán thì dễ chủ quan, còn nhận định thì khách quan.
Xét đoán thường dễ đưa chúng ta đến việc lên ánngười khác, còn nhận định thì giúp chúng ta suy nghĩ và lựa chọn ra những bài học sống cho chính mình. Trong cuộc sống, ta không nên xét đoán nhưng phải khôn ngoan nhận định một cách khách quan.
Nhận định khách quan dựa trên tiêu chuẩn "Xem quả để biết cây".
Cha Ông chúng ta thường nói:
"Mua cá thì phải xem mang,
Mua bầu xem cuống, mới toan khỏi lầm.
Con người muốn biết thâm tâm,
Nhìn vào công việc, chẳng lầm mảy may"
Nước Kinh có người xem tướng giỏi, nói câu nào trúng câu ấy. Trong nước, xa gần ai ai cũng biết tiếng. Vua Trang Vương thấy thế vời lại hỏi:
- Nhà ngươi dùng thuật gì mà xem tướng giỏi như thế?
Người xem tướng thưa rằng:
- Thần không có thuật gì lạ cả. Thần chỉ xem bạn người tamà biết được người ta hay hoặc dở. Như thần xem cho thường dân, mà thấy họ chơi với những người bạn hiếu, đễ, huấn, cẩn, biết giữ phép nước thì thần đoán người dân ấylà người hay, thân tất một ngày vẻ vang, nhà tất một ngày thịnh vượng.
Như thần xem cho quan lại, mà thấy chơi với những người bạn thành, tín, có phẩm hạnh, thích điều phải thì thần đoán cho ông quan ấy là người tốt, làm quan tất mỗi ngày một cao thăng, giúp vua tất mỗi ngày một lợi ích.
Như thần xem cho vua chúa, mà thấy quan gần thì có lắm người hiền, quan xa có lắm người trung, lúc lỗi có nhiều người can ngăn thì thần đoán là ông vua giỏi, vua tất mỗi ngày một tôn trọng, nước tất mỗi ngày một trị yên, thiên hạ tất mỗi ngày một qui phục. Thần quả không có thuật gì lạ, chỉ xem người mà biết được người hay hoặc dở.
Vua Trang Vương cho nói là phải. Bấy giờ liền kíp thu dùng những người tài giỏi, sau nước Sở thành cường thịnh nhất đời Chiến Quốc.
Chúng ta tự hỏi xem bạn bè chung quanh chúng ta là những người như thế nào? Từ đó mà chúng ta biết mình là ai?
2. Nhà tu đức học nổi tiếng người Ấn Độ là cha Anthony de Mello có kể câu chuyện dụ ngôn: Hai vợ chồng kia lấy nhau đã nhiều năm mà không được một đứa con nào cho vui cửa vui nhà. Năm ấy có một vị tư tế đến thăm, ông này đã được họ giúp đỡ nhiều lần. Sau khi đã cho vị tư tế ăn uống no nê, hai vợ chồng đã xin với ông:
- Khi ngài lên Đền thờ, làm ơn cầu nguyện với thần cho vợ chồng tôi có được đứa con.
Sau đó, vị tư tế lên đền thờ. Ông cầu nguyện cho vị ân nhân như sau:
- Tâu lạy Thần Linh, vợ chồng người đó rất tử tế với con, xin ngài thương xót họ và cho họ có con để cho vui cửa vui nhà.
Vị thần trả lời một cách nghiêm nghị và dứt khoát:
- Theo như số phận đã định, thì gia đình đó không bao giờ có con.
Năm năm sau, vị tư tế đó lại lên đường đi hành hương một lần nữa và cũng dừng lại ở gia đình ấy. Thấy có hai đứa bé đang nô đùa trước cổng nhà, ông hỏi:
- Con ai vậy?
Và người cha đáp:
- Con chúng tôi đấy.
Thấy vị tư tế bỡ ngỡ, người đàn ông nói:
- Năm năm trước, khi ngài từ biệt chúng tôi thì có một vị nổi tiếng thánh thiện đã đến làng này, chúng tôi đón tiếp ông, ông đã chúc lành cho hai vợ chồng chúng tôi và những đứa bé này là kết quả của sự chúc lành đó.
Nghe thế vị tư tế hối hả lên Đền thờ và trách vị thần:
- Tại sao ngài đã bảo tôi là số họ không con, mà bây giờ họ có hai đứa?
Vị thần nghe xong thì cười và nói:
- Có lẽ một thánh nhân nào đã làm như thế, các thánh nhân có thể làm thay đổi số mệnh người đời.
Mẹ Têrêsa nói: "Hãy cố gắng làm sao để cho ân sủng Chúa tác động trong linh hồn chúng ta, bằng cách chấp nhận tất cả những gì Ngài trao ban cho và dâng cho Ngài tất cả những gì Ngài muốn lấy đi. Sự thánh thiện đích thực hệ tại ở chỗ thi hành Thánh Ý của Thiên Chúa với nụ cười trên môi".
Vâng, cuộc sống thánh thiện lúc nào cũng có âm hưởng trên người khác. Một chứng tá đức tin luôn có sức đánh động mọi người. Chúng ta hãy cố gắng sống thánh thiện, tốt lành để đem lại những hoa trái tốt đẹp cho gia đình chúng ta, cho giáo xứ chúng ta. Trái tốt sinh từ cây tốt; cây tốt sinh trái tốt là lẽ đương nhiên.
Lạy Chúa, xin cho chúng con trở nên những nhân chứng cho tình yêu Chúa. Amen.
Bài cùng chuyên mục:
+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,643)
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,073)
Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,683)
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,395)
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,803)
Thứ Tư tuần 33 thường niên.
Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,798)
Thứ Ba tuần 33 thường niên.
Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,896)
Thứ Hai tuần 33 thường niên.
+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,136)
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,568)
Thứ Bảy tuần 32 thường niên.
Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,960)
Thứ Sáu tuần 32 thường niên.
-
+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu.
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
- Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
- Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo....
-
Đức Giesu Kito, một vị Vua khác
Hôm nay, “nếu bạn tin vào Chúa Kitô, hãy để Ngài là Vua trong cuộc đời bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn bạn sống theo sự thật, bởi vì Ngài là...
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Đạo còn sống khi ta còn sống đạo
Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng...
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất