Thứ Tư 20/09/2023 – Thánh Anrê Kim Têgon, Phaolô Chung Hasan và các bạn, tử đạo. Lễ nhớ. – Thái độ thiếu nhất quán.
- In trang này
- Lượt xem: 4,962
- Ngày đăng: 19/09/2023 10:00:00
Thái độ thiếu nhất quán.
20/09 – Thứ Tư tuần 24 thường niên. – Thánh Anrê Kim Têgon, Phaolô Chung Hasan và các bạn, tử đạo. Lễ nhớ.
"Chúng tôi đã thổi sáo mà các anh không nhảy múa, chúng tôi đã hát những điệu bi ai mà các anh không khóc".
* Nhờ việc tông đồ của một số giáo dân, đức tin Kitô giáo đã đi vào Hàn Quốc đầu thế kỷ XVII. Dù thiếu các mục tử, giáo đoàn vẫn sống đức tin hăng say và mạnh mẽ. Cộng đoàn được hướng dẫn và xây dựng hầu như chỉ nhờ những người giáo dân, cho tới cuối năm 1836, khi những nhà truyền giáo đầu tiên người Pháp bí mật đến xứ này.
Giáo đoàn này, với những cuộc bách hại vào những năm 1839, 1846, 1866, 1867, đã sản sinh ra 103 thánh tử đạo, trong đó nổi bật là linh mục đầu tiên người Hàn Quốc, cha Anrê Kim Têgon. Cha là một mục tử hăng hái nhiệt thành. Kế đó là người tông đồ giáo dân, anh Phaolô Chung Hasan.
Còn những vị khác, đa số là giáo dân nam, nữ, độc thân, có gia đình, người già, thanh niên, thiếu nhi. Tất cả đều đã lấy máu mình để làm chứng cho Chúa Kitô, làm nên mùa xuân tươi đẹp của Giáo Hội Hàn Quốc.
Lời Chúa: Lc 7, 31-35
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng: "Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa. "Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc".
Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: "Người bị quỷ ám".
Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: "Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi".
Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy niệm 1: Lũ trẻ ngồi ngoài chợ
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Đức Giêsu ví những người thuộc thế hệ của Ngài
với lũ trẻ ngồi chơi ngoài chợ (cc. 31-32).
Các nhóm chơi với nhau, í ới gọi nhau.
Một nhóm bày ra trò chơi đám cưới,
thổi sáo, thổi kèn để mong nhóm kia nhảy múa.
Nhưng nhóm kia đã không tham gia.
Sau đó nhóm này bèn chơi trò đám ma, hát những bài ca buồn não nuột.
Nhưng nhóm kia vẫn chẳng khóc than thương tiếc.
Hẳn là chẳng vui gì khi có sự thụ động, lạnh nhạt như vậy.
Dụ ngôn trên đây nói đến một số người khó chiều, bướng bỉnh.
Dù thế nào thì họ cũng đứng ngoài, không chịu nhập vào cuộc chơi.
Họ chẳng thích cả trò đám ma lẫn đám cưới.
Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nói đến những người ở thời của Ngài.
Họ có nét tương tự như lũ trẻ ngồi ngoài chợ.
Khi Gioan Tẩy giả đến mời gọi họ sám hối ăn năn,
đời sống khổ hạnh của vị ngôn sứ này đã khiến họ từ khước (Lc 7, 30).
Đơn giản vì họ không thích khóc than hay hoán cải.
Gioan ăn chay nên không ăn bánh, không uống rượu (c. 33).
Lối sống của ông phù hợp với lời ông giảng về việc Nước Trời gần đến.
Nhưng lối sống khác thường ấy lại bị xem là một triệu chứng tâm thần.
Người ta đã coi ông là bị quỷ ám,
nên ít người tin vào lời giảng của một người như thế.
Khi Đức Giêsu đến với thế hệ này,
Ngài đã không mang dáng dấp của một ẩn sĩ nơi hoang địa.
Ngài đã sống như một người bình thường, ăn uống bình thường.
Lối sống của Ngài phản ánh Tin Mừng Ngài rao giảng,
một Tin Mừng đem lại niềm vui và sự giải phóng.
Những bữa ăn trong đời Ngài đóng một vai trò quan trọng.
Ngài ngồi ăn với những người bị xã hội loại trừ như người thu thuế.
Ngài đón nhận vào bàn ăn cả những tội nhân cần tránh xa.
Chính trong bầu khí vui tươi, ấm áp của bữa ăn
mà họ cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa.
Tiếc thay, Ngài cũng bị từ khước như Gioan,
bị coi là kẻ chỉ biết ăn với nhậu (c. 34).
Cả Gioan lẫn Đức Giêsu đều bó tay trước sự cố chấp của thế hệ này.
Cả hai người, với hai lối sống nghịch nhau, cũng không chiều được họ.
Khi sợ thay đổi chính mình, ai cũng có thể tìm ra được lý do để biện minh.
Khi cố chấp và ngụy biện để khỏi phải đối diện với chân lý,
con người chẳng được tự do.
Nguy cơ của con người mọi thời vẫn là ở lại trong tình trạng trẻ con ấu trĩ.
Làm sao để con người hôm nay có thể nghe được tiếng kêu của Gioan,
mời gọi người ta thay đổi cuộc sống bằng cách chia sẻ (Lc 3, 10-14)?
Làm sao thái độ bao dung của Đức Giêsu
ảnh hưởng trên một thế giới còn nhiều hận thù, chia rẽ, loại trừ nhau?
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau
trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.
Xin cho chúng con đến với nhau
không chút thành kiến,
và tin tưởng vào thiện chí của nhau.
Khi cộng tác với nhau,
xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,
nhờ đó chúng con vượt qua
những tự ái nhỏ nhen,
những tham vọng ích kỷ
và những định kiến cằn cỗi.
Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,
để tìm kiếm chân lý
ở mọi nơi và mọi người,
nhất là nơi những ai khác quan điểm.
Lạy Cha,
xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,
để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,
và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.
Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,
xin cho chúng con được triển nở không ngừng
và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.
Suy niệm 2: Trẻ thơ và trẻ con
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Chúa Giê-su khen ngợi trẻ thơ. Mời gọi ta phải nên như trẻ thơ. Để được vào Nước Trời. Nhưng Chúa dạy ta đừng cư xử như trẻ con. Trẻ con tính khí thất thường. Đòi hỏi theo ý mình. Không vừa ý là phá bĩnh. Không đón nhận người khác. Không cần lý lẽ. Chỉ theo cảm tính. Không hoà hợp với mọi người. Không thích trò chơi đám cưới thì nhất định không nhảy múa, dù bạn bè đã trổi đàn cất hát. Không chịu chơi trò đám ma thì nhất định không than khóc, dù cuộc chơi đã khởi sự tấu bài chia ly buồn thảm.
Người lớn mà cư xử như trẻ con thường hỏng việc. Hỏng cả đời. Nhưng nguy hại nhất là hỏng đời đời. Người Do thái bao năm chờ đợi Đấng Cứu Thế đến. Nhưng Chúa sai Gio-an đến dọn đường họ cũng không chấp nhận. Chính Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa đến họ cũng chối từ. Vì họ không muốn theo ý Chúa. Vì họ theo ý riêng. Không có lý lẽ gì hết. “Thật vậy, ông Gio-an Tẩy giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo: “Ông ta bị quỷ ám”. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”.
Thư Cô-rin-tô mời gọi ta phải lớn lên. Đặc biệt trong đời sống thiêng liêng. Đừng mãi mãi là trẻ con: “Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con”. Thành người lớn là biết phân định điều gì là quan trọng, cốt thiết trong đời sống. Như thánh Phao-lô dạy: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”. Đức mến sẽ giúp ta gặp được Chúa. Và sống hài hoà với anh em. Vì thế phải ưu tiên thực hành đức mến (năm chẵn).
Nhưng điều quan trọng nhất là nhận biết Chúa Giê-su Ki-tô. Đây là “mầu nhiệm cao cả của đạo thánh”. Nhưng việc nhận biết Chúa Giê-su thật khó khăn.Vì “Đức Ki-tô xuất hiện trong thân phận người phàm”. Sinh sống, ăn uống, giao tiếp với mọi người và như mọi người. Vì thế khó được chấp nhận như một Đấng Cứu Thế. “Người được Chúa Thánh Thần chứng thực là công chính; được các thiên thần chiêm ngưỡng”. Vì thế để nhận ra Người cần có ơn Chúa Thánh Thần. Để có ơn Chúa Thánh Thần, cần có tâm hồn trẻ thơ. Tâm hồn trẻ thơ như thiên thần. Sẽ được chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Sẽ nhận ra Đức Ki-tô (năm lẻ).
Cần phải lớn lên. Thoát khỏi thói trẻ con bướng bỉnh. Để có tâm hồn trẻ thơ ngoan ngoãn. Biết mở lòng ra với ơn thánh.
Suy niệm 3: Thái Ðộ Thiếu Nhất Quán
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Ngày nay, nhân danh dân chủ, tự do ngôn luận, nhiều người muốn có một Giáo Hội của mình, một Giáo Hội được định đoạt theo những suy nghĩ của mình, chứ không là giáo lý do Chúa mạc khải và ủy thác cho Giáo Hội nữa. Muốn là Kitô hữu, nhưng lại không muốn chấp nhận giáo huấn của Chúa Kitô được ủy thác cho Giáo Hội, đó là một thái độ thiếu nhất quán. Chúng ta có thể thấy được một thái độ như thế trong bài Tin Mừng hôm nay.
Chúa Giêsu mượn hình ảnh nhóm trẻ chơi ngoài phố chợ để nói lên thái độ ấy. Chấp nhận cuộc chơi, nhưng khi tiếng sáo thổi lên thì lại không nhảy múa; chấp nhận diễn kịch, nhưng khi bài hát đưa đám được cất lên thì lại không khóc theo. Những người Do thái thời Chúa Giêsu cũng có phản ứng đối với Ngài không khác nào đám trẻ chơi ngoài phố chợ này. Họ mong chờ Ðấng Cứu Thế, Gioan Tẩy Giả loan báo về Ngài, nhưng họ không chấp nhận nếp sống khổ hạnh của ông, họ bảo ông bị quỉ ám; Chúa Giêsu khai mạc thời cứu thế bằng yêu thương, phục vụ, tha thứ, thì họ lại bảo rằng Ngài là tên ăn nhậu, hòa nhập với phường thu thuế và tội lỗi.
Mong chờ Ðấng Cứu Thế, nhưng không chấp nhận những thể hiện của thời cứu thế; trông đợi Ðấng Cứu Tinh, nhưng phải là Vị Cứu Tinh do mình tạo ra, đó là thái độ của những người Do thái thời Chúa Giêsu. Thái độ ấy cũng là cơn cám dỗ triền miên của các Kitô hữu thời đại chúng ta. Chúa Giêsu đã nói: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta". Chúng ta mang danh hiệu Kitô, chúng ta muốn làm môn đệ Ngài, nhưng có lẽ chúng ta chưa từ bỏ chính mình để chấp nhận và sống theo giáo huấn của Ngài.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mặc lấy sự khôn ngoan của con cái Chúa, đó là sự khôn ngoan của trẻ thơ luôn biết sống khiêm tốn và tin tưởng. Xin Ngài củng cố chúng ta trong tâm tình ấy, để chúng ta luôn được trung thành với giáo huấn mà Ngài đã ủy thác cho Giáo Hội.
Suy niệm 4: Bất tín kinh niên
“Vậy tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống ai?
Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói:
Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa;
tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than.” (Lc. 7, 31-32)
Dù là ai, dù làm thế nào cũng luôn luôn có những kẻ chối bỏ mọi thứ, chối bỏ tất cả. Đó là trường hợp một số những kẻ đồng hương của Đức Kitô, họ mang bệnh kinh niên không tin gì hết, chối bỏ mọi chứng cớ hiển nhiên tới cùng. Đức Kitô gọi họ là “Dòng giống này”, một từ ngữ mang tính chất phán xét. Họ vẫn có ảo tưởng về một dân tộc được tuyển chọn, nhưng trong bốn mươi năm vượt sa mạc dầu được hưởng bao nhiêu phép lạ họ chứng kiến rõ ràng, họ vẫn không muốn theo Chúa.
Đức Giêsu so sánh họ với lũ trẻ ranh con quậy phá cứng đầu ngoài chợ. Chúng chơi dỡn để làm cho nhiều người múa nhảy, mà không ai theo, chúng hát bài đưa ma để làm cho người ta khóc, mà không ai thèm khóc. Chắc hẳn Đức Kitô muốn nói quá về những quậy phá của hạng người tai to mặt lớn quá ngu muội trong dụ ngôn nực cười này.
Khi kém lòng tin, không gì có thể mở tai mở mắt cho họ được. Ngôn sứ Gio-an Tẩy Giả đến và sống khắc khổ đến nỗi không ăn bánh, không uống rượu, họ xử với ông như kẻ bị quỷ ám. Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế đến ăn uống như mọi người, không phải để hùa theo kẻ mê ăn uống, nhưng họ coi Người là tay ăn nhậu và họ xỉ nhục tố cáo Người là bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi. “Bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” đó là điều Đức Kitô muốn và đó là lý do Người đến trần gian: để cứu chữa những người tội lỗi và tật xấu. Người không ngừng nhắc đi nhắc lại điều đó, nhất là bằng việc làm. Điều đó làm cho kẻ chống đối và bất tín kinh niên giận dữ cho đến tận thế, những ai muốn theo Đức Kitô trên con đường này, đều vấp phải tâm thức trẻ con cố chấp này. Họ không bao giờ có lòng thương xót tha thứ. Giáo Hội biết rõ thế và đã quyết chí trở về với con đường của Đức Giêsu.
GF
Suy niệm 5: Hãy tôn trọng sự thật
Xem lại thứ Sáu tuần 2 MV
Gioan Tiền Hô là một người cao trọng hơn hết mọi người nam. Đây chính là lời khen ngợi của Đức Giêsu dành cho ông. Tuy nhiên không phải ai cũng là người nghe ông, cụ thể là các người Pharisêu và Luật sĩ đã khước từ lời của Gioan.
Trước tình trạng đó, Đức Giêsu đã nhận định về lập trường và thái độ của các người Pharisêu và Luật Sĩ như sau: họ giống như lũ trẻ ngồi ở ngoài phố chợ, gọi nhau mà bảo:
"Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa!”.
"Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc"!.
Hình ảnh của lũ trẻ và lời nói của Đức Giêsu, hẳn cho chúng ta thấy Ngài lên tiếng khiển trách nặng nề về sự mập mờ, gian dối và hay đổi trắng thay đen, nói một đàng làm một nẻo của các người Pharisêu và Luật Sĩ. Họ giống như lũ trẻ nơi phố chợ. Vì thế, những lời họ nói chẳng đáng tin tưởng vì không có giá trị.
Hình ảnh của các người Pharisêu và Luật Sĩ hẳn cũng còn đầy dẫy trong xã hội của chúng ta hiện nay. Khi thì chỗ này, lúc chỗ kia, vẫn còn đó những con người luôn tìm mọi cách bóp méo sự thật, bẻ cong ngòi bút để chụp mũ người lương thiện, công chính. Họ thuộc hạng nói dối chuyên nghề, nên đâu còn chỗ cho Lương Tâm lên tiếng!!! Vì thế, chúng ta không lạ gì khi vẫn thấy xuất hiện những hạng người “nổ” rất lớn với những lời lẽ “đao to búa lớn”; “rất kêu”, nhưng thực ra những lời đó chẳng khác gì lời nói của con nít, không đáng để chúng ta tin tưởng, bởi lẽ họ “nói mà không làm”; hay “nói một đàng, làm một nẻo”.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống và làm chứng trong sự thật, có thế, chúng ta mới được người khác tôn trọng, bằng không, chúng ta chỉ như bọn trẻ nơi phố chợ mà thôi!
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đừng rơi vào tình trạng của các người Pharisêu và Luật Sĩ khi xưa là: cố chấp, bảo thủ, lập lờ và gian dối. Xin cho chúng con biết sử dụng trí tuệ Chúa ban để phục vụ cho công lý và sự thật. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 6: Nhận biết chân lý
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chỉ vì ngoan cố và vì thiếu thiện cảm mà người ta đã xuyên tạc cuộc sống và việc làm của Chúa Giêsu. Nhưng dù vậy, chân lý về Ngài vẫn rực sáng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, bài Tin Mừng hôm nay cho con thấy đã có lần những lời kêu mời của Chúa không được người đời đáp trả. Con người đã tỏ ra dửng dưng với Tin Mừng, không nhận ra Tin Mừng được loan báo cho họ. Người đời đã hiểu sai cách sống của Chúa và của Thánh Gioan Tẩy giả. Cuộc sống khắc khổ nhiệm nhặt bị coi là lập dị lạ đời. Nhưng tiếp xúc, gặp gỡ kẻ khác thì lại bị xem là xu thời nông nổi.
Lạy Chúa, con là người Kitô hữu, là người tin vào Chúa. Thế nhưng đôi khi cuộc sống con đã có những lần làm cho Chúa buồn và thất vọng.
Tuy rằng con không là kẻ đối kháng lại Chúa, nhưng con vẫn không đủ dứt khoát để dấn bước theo Chúa, con chưa đủ xác tín vào Lời Chúa. Con chưa đủ sức bước theo Chúa với cây thập giá trên vai. Con không dám thực hiện các mối phúc mà Chúa đã công bố… Nói chung, cuộc sống con vẫn còn những vướng mắc, ngăn cản con đón nhận sứ điệp cứu độ.
Hôm nay, xin Chúa giúp con xác định thái độ đón nhận Lời Chúa. Con không đủ can đảm để mạnh dạn bước theo Chúa, chỉ biết trông nhờ ơn Chúa. Xin tình yêu của Chúa thấm nhập vào cuộc sống con, để Chúa trở nên sức mạnh lôi kéo con đến với Chúa. Ước gì khi con cảm nhận được những việc kỳ diệu Chúa thực hiện nơi cuộc đời con, con càng vững tin vào Chúa hơn – Lạy Chúa, con tin, xin đón nhận con. Amen.
Ghi nhớ: “Chúng tôi đã thổi sáo mà các anh không nhảy múa, chúng tôi đã hát những điệu bi ai mà các anh không khóc”.
Suy niệm 7: Sống ngay chính
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Gioan Tẩy giả sống rất thánh thiện đến nỗi dân chúng cho ngài là chính Đấng Mêssia tức là Đấng Cứu Thế đang đến. Ngay cả những người biệt phái, luật sĩ, tư tế cũng ngạc nhiên, sai người đến hỏi ông có phải là Đấng Cứu Thế không.
Mặc dầu người ta kính nể, Gioan Tẩy giả vẫn luôn khiêm nhượng, mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và mật ong rừng, tự xưng mình chỉ là tiếng kêu trên rừng, là người đầy tớ hèn mọn nhất của Đấng Cứu Thế.
Mặc dù bị người biệt phái, luật sĩ, tư tế từ chối không tin, Gioan Tẩy giả vẫn nêu cao con đường ngay chính của Chúa và nói cho họ biết cơn giận của Chúa sẽ đến tiêu diệt những hạng người cố chấp và kiêu ngạo….
Suy niệm
Gioan, vị tiền hô của Đấng Cứu Thế rao giảng sám hối cho dân chúng, sống rất giản đơn: “Mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da” (Mc 1,6), khác hẳn với cách ăn mặc của các kinh sư cùng là những người rao giảng lời Chúa: “Đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài” (Mt 23,5) hay “ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng” (Mc 12,38). Gioan khó nghèo, thanh đạm: “Ăn châu chấu và mật ong rừng”, còn các kinh sư thì giàu sang nhờ “nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ” (Mt 23,14). Nhưng người biệt phái cho Gioan là: “Người bị quỷ ám!”.
Đức Giêsu hoà mình với mọi người để chia sẻ, kể cả đồng bàn với những người thu thuế, tội lỗi... thì họ lại nói: “Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”. Cùng đồng bàn với người thu thuế nghĩa là Đức Giêsu đã hòa mình với tội nhân để gắn bó sẻ chia kêu gọi trở về chính lộ. Người biệt phái lại cho là: “Người mê ăn mê uống, là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi”.
Ðức Giêsu so sánh họ với bọn trẻ ngoài chợ không hiểu biết gì về sự khôn ngoan và tình yêu của Thiên Chúa. Họ chỉ biết chú trọng đến bản thân, nên không mở tâm hồn đón nhận lời rao giảng của Gioan, không đón nhận lời rao giảng, giáo huấn tình thương của Ðức Giêsu, Ðấng Cứu Thế. Họ cũng là hình ảnh của mỗi người chúng ta, nếu chúng ta bướng bỉnh, kiêu căng, không muốn đón nhận Chúa và anh em, luôn chỉ trích phê bình dựa trên suy nghĩ và cảm xúc bản thân.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn sẵn sàng mở ra Lời Chúa mạc khải và tiếp nhận, mở ra với mọi người anh em trong tinh thần sẻ chia…
Ý lực sống:
“Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống” (Ed 18,23).
Suy niệm 8: Đức Giêsu phê phán về thế hệ của Người
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Đức Giêsu phê phán sự cứng lòng và kiêu ngạo của người Do thái, đặc biệt các luật sĩ và biệt phái. Họ luôn tìm cách biện minh cho mình và trốn tránh sự thật. Ông Gioan Tẩy giả sống khắc khổ, họ bảo là quỷ ám. Còn Đức Giêsu sống giản dị, gần gũi, hòa đồng với dân, họ lại cho là một tay ăn nhậu, bê tha. Thế nhưng, sự hiện diện và yêu thương của Đức Giêsu càng chứng tỏ cho thấy họ thật ngoan cố và ác tâm. Nếu chúng ta cứng lòng không tin vào Đức Giêsu chúng ta cũng sẽ không nhận ra Người.
Đức Giêsu trách dân chúng thời đó, nhất là các biệt phái và luật sĩ thờ ơ lãnh đạm với Gioan Tẩy giả và đối với Ngài. Vì thế, Đức Giêsu dùng dụ ngôn lũ trẻ chơi ngoài đường phố để nói lên điều ấy. Cũng giống như ở Việt Nam, trẻ em Do thái thường có những cuộc hát đối hơi khác Việt Nam một chút. Các trẻ em thường chia làm hai phe: một bên xướng tiểu khúc hoặc vui hoặc buồn, còn bên kia hoạ lại điệu vui hay buồn với câu điệp khúc của những bài ca dao có sẵn. Nhưng nhiều khi gặp những kẻ nghịch ngợm, không cứ theo lệ quen, bên xướng, ca hát vui vẻ thì chúng lại phá đám bằng giọng bi ai, than khóc, hoặc ngược lại. Đôi khi có những đứa ương ngạnh đứng đấy mà không chịu làm theo. Thật là trống đánh xuôi kèn thổi ngược.
Đức Giêsu mượn hình ảnh nhóm trẻ chơi ngoài đường phố, để nói lên thái độ trái nghịch của người Do thái. Chấp nhận cuộc chơi, nhưng khi tiếng sáo thổi lên thì lại không nhảy múa; chấp nhận diễn kịch, nhưng khi bài hát đưa đám được cất lên thì lại không khóc theo. Những người Do thái thời Đức Giêsu cũng có phản ứng đối với Ngài không khác nào đám trẻ chơi ngoài đường phố này. Họ mong chờ Đấng Cứu Thế, Gioan Tẩy giả loan báo về Ngài, nhưng họ không chấp nhận nếp sống khổ hạnh của ông, họ bảo ông bị quỷ ám; Đức Giêsu khai mạc thời cứu thế bằng yêu thương, phục vụ, tha thứ, thì họ lại cho rằng Ngài là tên ăn nhậu, hoà nhập với phường thu thuế tội lỗi (Mỗi ngày một tin vui).
Thói thường, con người ta dễ lấy mình làm trung tâm và muốn áp đặt tư tưởng và hành động của mình lên người khác. Vì thế mà qua bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy chúng ta đừng áp đặt người khác phải theo tư tưởng của mình.
Giống như bọn trẻ thổi sáo giả bộ đám cưới đòi người khác hát, ca bài đưa đám giả bộ buồn bắt người khác khóc theo... với một hoàn cảnh không thực tế. Trong ý thức hệ của người Do thái, họ vẽ ra trong tư tưởng của mình một lối sống kiểu biệt phái giả hình và đòi dân theo, họ quan niệm một thời kỳ cứu độ và một Đấng Messia giàu sang, chứ không khắc khổ kiểu Gioan Tẩy giả và làm bạn với bậc đế vương, chứ không phải hoà đồng chung bàn với người hèn kém. Từ đó họ không nhận ra được Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Với ý thức hệ như thế, họ không những bị trói buộc trong tư tưởng thiển cận của họ, không nhận ra được dấu chỉ của thời đại, mà còn bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như họ, kể cả Đức Giêsu (Hiền Lâm).
Lối sống của Gioan Tẩy giả và của Đức Giêsu thật khác nhau. Gioan nhiệm nhặt, còn Đức Giêsu thông thoáng cởi mở. Buồn cười là cả hai đều bị người Do thái chỉ trích, do chính lối sống của mỗi vị. Vạch ra cái “buồn cười” ấy ở đây, Đức Giêsu không chỉ nhằm xác nhận một kinh nghiệm về nhân tình thế thái: Ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê. Phải chăng Ngài còn hàm ý rằng: không có một lối sống duy nhất tốt, mà có nhiều: mỗi người, theo ơn gọi của mình, sẽ đảm nhận một lối sống phù hợp với ơn gọi đó? Điều cốt yếu là cái động lực, cái hồn của lối sống mà mình đảm nhận (5 phút Lời Chúa).
Khi trò chơi Flappy Bird và tác giả của nó trở nên nổi tiếng, được giới truyền thông thế giới quan tâm, thì có hàng loạt ý kiến trái ngược như “ăn may chứ có gì hay” hoặc “game ngớ ngẩn thế mà sao lắm kẻ thích”.
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy những người Do thái đã có thái độ ghen tị với Đức Giêsu. Họ không những từ chối sứ điệp Tin mừng của Đức Giêsu, mà còn có những lời chê bai, nhận xét xấu xa về Ngài. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cũng dễ xét đoán và đánh giá người khác theo cái nhìn chủ quan của mình. Tệ hơn nữa, lắm khi vì đố kỵ trước những thành công của người khác mà chúng ta tìm mọi cách để bôi nhọ và làm suy giảm danh tiếng của họ.
Truyện: Chủ quan, phiến diện
Lúc 11 tuổi, đứa bé thường bảo rằng: “Cha mẹ của tôi rất vĩ đại. Không có gì mà cha mẹ tôi không biết. Không có gì mà họ không làm được”. Lên 16 tuổi nó nói: “Cha mẹ tôi không vĩ đại như tôi tưởng, không phải cái gì họ cũng biết hoặc cũng có thể làm”. Ba năm sau, nghĩa là khi lên 19 tuổi, học Đại học, nó phát biểu: “Cha mẹ tôi thường cho rằng họ đúng, kỳ thực, kiến thức của họ so với kiến thức của tôi thì thua kém xa”. Sau khi lập gia đình, nó được 24 tuổi, tốt nghiệp Đại học, nó phát biểu: “Cha mẹ tôi không hiểu tuổi trẻ; thanh niên thì tiến bộ, còn họ lại bảo thủ”.
Năm 30 tuổi, có con cái, nó khám phá ra chân lý sau: “Ở nhiều sự việc, cha mẹ thường có lý”. Đến lúc nó được 50 tuổi, khi cha mẹ nó đều đã qua đời, nó không cầm được lòng và tuyên bố: “Cha mẹ tôi đúng là những nhân vật tuyệt vời! Họ có đầu óc rất minh mẫn, xử sự rất hợp lý, hợp thời. Cha mẹ ơi, cha mẹ là các vị thần!”
Suy niệm 9: Chúa Giêsu khiển trách thế hệ đương thời
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Chúa Giêsu trách thế hệ của Ngài:
- Không chịu nghe lời giảng của Gioan Tẩy giả và của Chúa Giêsu mà hoán cải,
- Lại còn viện cớ đổ thừa rằng bởi vì Gioan là người bị quỷ ám, và Chúa Giêsu là tay ăn nhậu, tội lỗi.
B.... nẩy mầm.
1. Viện cớ đổ thừa là điều người ta thường làm để tự biện hộ cho những việc làm xấu xa của mình:
- Chúa nhựt không đi lễ: tại vì trời mưa.
- Đi ngủ không đọc kinh tối: tại quên, tại bệnh…
- Không giúp đỡ người khác: tại vì nó không nói…
2. Lắm khi, để biện hộ cho mình, người ta không ngại đổ tội cho người khác: “Gioan là người bị quỷ ám”, “Giêsu là tay ăn nhậu”.
3. Chúng ta chỉ mong ước Chúa thực hiện chương trình của chúng ta. Chúng ta chán nản buông xuôi thất vọng vì thấy công việc của Chúa không đúng như chúng ta mong muốn. Xin Chúa giúp chúng ta biết sống hòa hợp với chương trình của Chúa. ("Mỗi ngày một tin vui")
4. “Ông Gioan Tẩy giả đến không ăn bánh, không uống rượu thì các ông bảo ‘Ông ta bị quỷ ám’. Con Người đến, cũng ăn cũng uống giống như ai thì các ông lại bảo ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế, phường tội lỗi” (Lc 7,33-34)
Trong làng kia có một nông dân rất khô khan nguội lạnh, không sống đạo theo đức tin của mình. Một sáng Chúa nhựt nọ ông bảo đứa con trai rằng:
- Sáng nay con ra đồng làm việc với ba nhé.
Cậu điềm tĩnh trả lời:
- Thưa ba, hôm nay là ngày Chúa nhựt mà.
- Chúa nhựt thì sao? Bộ Chúa nhựt không làm việc được hả? Ý con thế nào?
- Thưa ba, con muốn nói giới răn thứ ba Chúa dạy phải thánh hóa ngày Chúa nhựt và phải cầu nguyện.
Nghe vậy người cha bực tức gắt lên:
- Giới răn là cái quái gì !
Một ý tưởng loé lên trong trì, cậu con nhanh nhẩu thưa lại:
- Thưa ba, nếu ba nói như vậy thì con không tuân giữ các giới răn của Chúa, kể cả giới răn thứ tư là giới răn Chúa dạy vâng lời cha mẹ !
Lạy Chúa, xin ban cho con có được sức mạnh của lòng tin, để con đón nhận tình yêu của Chúa. (Hosanna)
Suy niệm 10: Chúa khiển trách thái độ viện cớ đổ thừa
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Chúa Giêsu trách thế hệ của Ngài:
- Không chịu nghe lời của Gioan Tẩy Giả và của Ngài mà hoán cải.
- Lại còn viện cớ đổ thừa là vì Gioan là người bị quỷ ám, còn Ngài là tay ăn nhậu, tội lỗi.
Viện cớ đổ thừa là điều người ta thường làm, để tự biện hộ cho những việc làm xấu xa của mình:
Chúa nhật không đi lễ: tại vì trời mưa.
Đi ngủ không đọc kinh tối: tại quên, tại bệnh.
Không giúp đỡ người khác: tại vì nó không nói.
Một cha xứ gặp chị đàn bà chồng mới chết mấy tháng, ngài hỏi:
- Chắc con còn nhớ bạn con lắm, con nên xin lễ cầu nguyện cho bạn con.
- Thưa cha, con vẫn nhớ bạn con hằng ngày. Nếu bạn con nay đã lên Thiên Đàng rồi, con tưởng chẳng cần phải xin lễ nữa.
- Phải, nhưng nếu bạn con chưa lên Thiên Đàng?
- Nếu không lên Thiên Đàng, bạn con đã phải sa hỏa ngục. Sa hỏa ngục mà xin lễ, thì vô ích.
- Con nói đúng, song nếu bạn con đang phải giam trong luyện tội?
- Thưa cha, nhà con rượu chè, bê tha nếu phải giam trong luyện ngục thì cũng đáng lắm.
Thế là cả đời, chị ta không hề xin lễ cho chồng.
Đúng như sách gương phúc đã nói: “Ai sẽ thương con sau khi đã chết. Người ta quên con chóng hơn con tưởng nhiều. Con không thương con thì ai sẽ thương con. Nào được mấy người con mỗi năm xin cho cha mẹ được vài ba lễ. Người ta tưởng mình đã làm đầy đủ nghĩa vụ người con thảo, vợ hiền. Chúa đã ban cho người ta cái quyền cứu thoát, như xin lễ, ngắm đàng Thánh Giá, ân xá, mà người ta không dùng để cứu, thì người ta có phải là con thảo và người vợ hiền chăng”.
2. Lắm khi, để biện hộ cho mình, người ta không ngại đổ tội cho người khác:
“Gioan là người bị quỷ ám”.
“Giêsu là tay ăn nhậu”.
Chúng ta chỉ mong ước Chúa thực hiện chương trình của chúng ta. Chúng ta chán nản buông xuôi thất vọng vì thấy công việc Chúa làm không như chúng ta mong muốn. Ông Gioan Tẩy Giả đến không ăn bánh, không uống rượu thì các ông bảo “Ông ta bị quỷ ám” (Lc 7,33). Con người đến, cũng ăn cũng uống giống như ai thì người ta lại bảo “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thế, phường tội lỗi” (Lc7,34).
Nhà hùng biện Démosthène trổ tài ngôn ngữ hoạt bát vốn có của mình để biện hộ cho một bị cáo. Ông nói năng rất hùng hồn và đưa ra nhiều lý luận rất đanh thép, nhưng những người nghe vẫn không mảy may quan tâm chú ý. Thấy thế ông bèn thuật câu chuyện dưới đây:
Có một du khách kia thuê một con lừa để đi ngoạn cảnh. Lối giữa trưa, mặt trời đứng ngay đỉnh đầu, ông ta không tìm đâu ra một bóng mát để tránh nắng. Bỗng dưng, ông ta nảy ra một ý nghĩ. Ông nhảy xuống khỏi lưng lừa và ngồi dưới bụng của con vật. Nhưng người chủ lừa đi theo để hướng dẫn ông ta trong cuộc du ngoạn, tỏ ý không bằng lòng, viện cớ bóng mát của con lừa không có tính trong giá tiền cho thuê. Hai bên cãi vã, ban đầu nhỏ, sau to dần và rốt cuộc họ đánh đấm với nhau, đến nỗi cả hai phải đưa ra trước quan án để nhờ xét xử.
Démosthène ngưng câu chuyện tại đó và tiếp tục bào chữa cho thân chủ của ông. Những thính giả tỏ ý phản đối. Họ nhất định đòi ông cho biết quan tòa tuyên án thế nào trong vụ bóng của con lừa. Ông chụp ngay cơ hội ấy quở trách họ cách nặng nề rằng, họ giống như con trẻ, chỉ thích để ý đến một câu chuyện phù phiếm về cái bóng của một con lừa mà không chịu để ý lắng tai nghe lời bênh vực của ông đối với mạng sống của một con người.
Chúng ta nói thế nào về những kẻ để thì giờ của mình hơn thua về những việc sẽ qua đi, chỉ tồn tại một thời gian ngắn, mà bỏ quên vấn đề quan trọng hơn tất cả, đó là sự sống đời đời (Croire ét Sevir).
Khi tin vào Chúa Giêsu, thì chúng ta phải biết lắng nghe với lòng chân thành. Có thế, ta mới nhận ra được tiếng của Ngài, bằng không thì Lời Chúa có sức mạnh đến đâu, linh nghiệm đến đâu cũng chẳng sinh ích gì cho chúng ta.
Xin được trích ra đây lời cầu nguyện của một linh mục:
Lạy Chúa, xin ban cho con tính Ngay Thẳng,
biết tôn trọng chân lý,
để không bao giờ con hiểu theo nghĩa xấu,
điều mà có ai đó đã làm phiền lòng con.
Xin ban cho con một tấm lòng Khiêm Tốn,
để con không trở nên cứng cỏi, bất chấp những lời chỉ dạy,
những lời phê bình, những lời kết án khắt khe từ mọi phía.
Xin ban cho con một tấm lòng Quả Cảm,
chịu đựng anh em con một cách lâu bền,
để giúp họ được bình an hạnh phúc,
dầu cho họ còn yếu đuối và đầy khuyết điểm.
Xin ban cho con ơn Sáng Suốt,
đừng dễ tin vào điều xấu mà người ta đã nói về kẻ vắng mặt;
và nhất là cương quyết không kể lại cho ai khác
những điều xấu đã lọt vào tai con. Amen.
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Tư 18/09/2024 – Thứ Tư tuần 24 thường niên. – Thái độ thiếu nhất quán. (17/09/2024 10:00:00 - Xem: 13)
Thứ Tư tuần 24 thường niên.
Thứ Ba 17/09/2024 – Thứ Ba tuần 24 thường niên. - TẾT TRUNG THU. CẦU CHO THIẾU NHI – Người chết thành Naim. (16/09/2024 10:00:00 - Xem: 2,625)
Thứ Ba tuần 24 thường niên. - TẾT TRUNG THU. CẦU CHO THIẾU NHI
Thứ Hai 16/09/2024 – Thứ Hai tuần 24 thường niên. – Thánh Cornêliô, giáo hoàng, và thánh Cyprianô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ – Niềm tin vững mạnh. (15/09/2024 10:00:00 - Xem: 3,576)
Thánh Cornêliô, giáo hoàng, và thánh Cyprianô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ
+ Chúa Nhật 15/09/2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN NĂM B. – Đấng Kitô chịu đau khổ. (14/09/2024 10:00:00 - Xem: 4,768)
CHÚA NHẬT TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN NĂM B.
Thứ Bảy 14/09/2024 – Thứ Bảy tuần 23 thường niên – SUY TÔN THÁNH GIÁ. Lễ kính. – Phải được giương cao. (13/09/2024 10:00:00 - Xem: 4,812)
SUY TÔN THÁNH GIÁ. Lễ kính.
Thứ Sáu 13/09/2024 – Thứ Sáu tuần 23 thường niên. – Thánh Gioan Kim Khẩu, gm, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Nhận biết chính mình. (12/09/2024 10:00:00 - Xem: 4,232)
Thánh Gioan Kim Khẩu, gm, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.
Thứ Năm 12/09/2024 – Thứ Năm tuần 23 thường niên. – Bắt chước Thiên Chúa Cha. (11/09/2024 10:00:00 - Xem: 3,860)
Thứ Năm tuần 23 thường niên.
Thứ Tư 11/09/2024 – Thứ Tư tuần 23 thường niên. – Phúc thật và khốn thay. (10/09/2024 10:00:00 - Xem: 3,953)
Thứ Tư tuần 23 thường niên.
Thứ Ba 10/09/2024 – Thứ Ba tuần 23 thường niên. – Chọn Nhóm Mười Hai. (09/09/2024 10:00:00 - Xem: 4,019)
Thứ Ba tuần 23 thường niên.
Thứ Hai 09/09/2024 – Thứ Hai tuần 23 thường niên. – Làm việc tốt ngày Sabbat. (08/09/2024 10:00:00 - Xem: 3,734)
Thứ Hai tuần 23 thường niên.
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: bài 138 - Tình yêu thúc bách tôi
Xin quý Tu sĩ giải đáp cho con về việc làm sao mình có thể giữ lửa yêu mến đời tu như thủa ban đầu đến nhà dòng ạ? Bởi con đã ở nhà dòng...
-
Điều hầu hết mọi người hiểu sai về hôn nhân
Chúng ta về bản chất có xu hướng ích kỷ, và khi đang sống trong một xã hội ích kỷ và duy vật chất chỉ làm tăng cám dỗ sự ích kỷ.
-
Ảo tưởng về chính lòng tốt của chúng ta
Với hầu hết chúng ta, khi điều này xảy ra, chúng ta vẫn là những người tốt và hào phóng, ngoại trừ chúng ta trở nên cay nghiệt, hoài nghi...
-
Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 24 TN năm B -2024
Đức tin của chúng ta không phải là vấn đề biết về Chúa Giêsu. Đó là một hành trình khám phá để biết Người.
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 24 TN năm B - 2024
Phêrô trả lời hoàn toàn đúng, nhưng hình ảnh của ông về Đức Kitô vẫn không khác với quan niệm của đám đông: là một Đức Kitô oai phong lẫm...
-
Đừng để ngày sống qua đi mà thiếu nụ cười có Chúa trên môi
Đừng để ngày sống qua đi, mà thiếu nụ cười có Chúa trên môi. Bạn hãy trao bảy nụ cười có Chúa đến với những anh chị em bạn gặp hôm nay!
-
Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3)
Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên...
-
5 sự thật thú vị về Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta
Mẹ Têrêsa đã được trao hơn 120 giải thưởng và danh hiệu, cả khi sinh thời lẫn sau khi qua đời. Trong đó có thể kể đến giải thưởng Padma...
-
Chữa lành là khi trái tim được tự do
Bạn xứng đáng khi coi trọng trái tim mình một cách nghiêm túc và cả khi chạy nước rút hướng tới sự chữa lành cùng với tự do mà Cha chúng...
-
Ly hôn không phải là một lựa chọn
Trong cuộc hôn nhân của bạn, đừng ngại nhờ giúp đỡ – có rất nhiều nhà tư vấn, linh mục và những vị linh hướng, và các cặp vợ chồng dày...
-
Nhận nhưng không, cho nhưng không
Xin ngài hãy nói cho con biết nên sử dụng số tiền này như thế nào để gia tăng lợi ích cho con!
- Niềm tin lớn nhất
- Câu chuyện truyền cảm hứng về...
- Câu chuyện chiều thứ bảy: Đừng...
- Bát mì tôm trứng và bài học