Lời chúa mỗi ngày

Thứ Tư 15/02/2023 – Thứ Tư tuần 6 thường niên. – Người mù Bếtsaiđa.

  • In trang này
  • Lượt xem: 6,308
  • Ngày đăng: 14/02/2023 10:00:00

Người mù Bếtsaiđa.

15/02 – Thứ Tư tuần 6 thường niên.

"Người mù khỏi hẳn và thấy được mọi vật rõ ràng".

 

Lời Chúa: Mc 8, 22-26

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ đến Bếtsaiđa, người ta dẫn tới Chúa một người mù và xin Chúa đặt tay trên người ấy. Chúa cầm tay người mù, dắt ra khỏi làng, Chúa phun nước miếng vào mắt anh và đặt tay trên anh mà hỏi: "Ngươi có thấy gì không?" Anh nhìn lên và trả lời: "Tôi thấy người ta như những cây cối đang đi".

Chúa lại đặt tay trên mắt người mù, anh liền thấy rõ và khỏi hẳn, thấy được mọi vật rõ ràng. Chúa Giêsu cho người ấy về nhà và căn dặn: "Ngươi hãy về nhà, và nếu có vào làng thì đừng nói với ai".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Anh có thấy gì không?

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Trong phong trào hướng đạo có ngành Ấu.

Các em thuộc ngành này được gọi là sói con.

Các em sói con qua hai giai đoạn huấn luyện: mở một mắt, rồi mở hai mắt.

Sau khi được mở hai mắt, các em đã tiến bộ về kỹ năng hơn trước nhiều.

Trong bài Tin Mừng hôm qua, Thầy Giêsu đã phàn nàn về sự mù lòa của môn đệ:

“Anh em có mắt mà không thấy sao?” (Mc 8, 18).

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu chữa anh mù ở vùng Bếtsaiđa.

Chuyện này có một số nét giống chuyện Chúa chữa người câm điếc (Mc 7, 31-37).

Cả hai anh đều được người ta đem đến cho Đức Giêsu và xin Ngài đụng đến.

Cả hai anh đều được dẫn đến một nơi riêng và được chữa lành bằng bôi nước miếng.

Chỉ mình Máccô kể lại hai câu chuyện lý thú trên.

Đức Giêsu đã không chữa người mù khỏi ngay lập tức.

Ngài phải chữa lần thứ hai anh mới thấy rõ hẳn.

Đây là chuyện lạ, vì nơi các sách Tin Mừng, chẳng bao giờ có chuyện như thế.

Đặc biệt nơi Tin Mừng Máccô, mọi sự đều xảy ra rất nhanh.

Trong chương 1, có 8 từ lập tức (euthus) ở các câu 12, 18, 20, 23, 28, 29, 30, 42.

Sau khi được Đức Giêsu bôi nước miếng trên mắt và đặt tay lần đầu

anh mù mới chỉ thấy lờ mờ, thấy người ta như những cái cây biết đi (c. 24).

Sau khi được Đức Giêsu đặt tay lần thứ hai trên mắt

anh mới thấy tỏ tường mọi sự (c. 25).

Đức Giêsu phải chữa đến hai lần, chắc không phải vì trường hợp này khó hơn.

Nhưng vì chuyện anh mù được sáng mắt ở đây

tượng trưng cho hành trình mở mắt đức tin của các môn đệ.

Họ sẽ phải đi từng bước một để nhận ra con người của Thầy Giêsu.

Lúc đầu họ chỉ thấy một phần con người Ngài, thấy không rõ như anh mù.

Phải đợi sau này, khi Thầy Giêsu được phục sinh, họ mới thấy Ngài trọn vẹn.

“Anh có thấy gì không?”

Hôm nay Đức Giêsu cũng hỏi chúng ta như vậy.

Hãy để tay Ngài nắm lấy tay ta mà dắt vào chỗ riêng tư kín đáo.

Hãy để Ngài chạm đến sự mù lòa của ta để ta được sáng mắt,

nhờ đó ta thấy được Ngài, thấy được sự thật về mình và về tha nhân.

Nhưng ta cũng cần kiên nhẫn vì con đường giác ngộ là con đường dài.

Chỉ mong hôm nay tôi sáng hơn hôm qua, và ngày mai hơn hôm nay.

 

Cầu nguyện:

Như thánh Phaolô trên đường về Đamát,

xin cho con trở nên mù lòa

vì ánh sáng chói chang của Chúa,

để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.

Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,

ánh sáng phá tan bóng tối trong con

và đòi buộc con phải hoán cải.

Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối

chỉ vì chút tự ái cỏn con.

Xin cho con khiêm tốn

để đón nhận những tia sáng nhỏ

mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.

Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý

để Chân lý cho con được tự do. Amen.

 

Suy Niệm 2: Sáng tạo mới

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Việc Chúa chữa anh mù thật kỳ công. Đưa anh riêng ra khỏi làng. Trộn bùn và nước bọt. Xức vào mắt anh. Cử chỉ này khiến ta liên tưởng cảnh sáng tạo con người. Thiên Chúa lấy bùn đất nặn nên con người. Thổi hơi vào lỗ mũi. Và con người có sự sống.

Anh mù chưa bao giờ nhìn thấy ánh sáng. Chưa bao giờ nhìn thấy thế giới. Hôm nay là lần đầu tiên anh thấy ánh sáng và anh thấy thế giới. Anh được thực sự có sự sống. Anh được tái tạo.

Nhưng ánh sáng trong anh tiệm tiến. Khởi đầu anh thấy lờ mờ. Sau này mới thấy rõ ràng. Ánh sáng chói lọi nhất là anh nhận biết Chúa là sự sáng. Và là sự sống. Anh sống trong một thế giới mới. Thế giới tự nhiên rực rỡ chan hoà ánh sáng. Và hơn nữa thế giới siêu nhiên trong Thiên Chúa tươi sáng hơn bội phần.

Tổ phụ No-e cũng đã có thứ ánh sáng đó. Bốn mươi ngày chìm trong bóng tối. Mưa gió đen tối. Cửa tầu đóng kín trong tăm tối. Chỉ khi chim bồ câu tha nhành ô-liu về tổ phụ mới thấy ánh sáng. Ánh sáng là trái đất có sự sống. Đây là sự sống mới. Tất cả sự sống cũ đã bị huỷ diệt. Tổ phụ tràn đầy niềm vui vì được sinh lại. Được sống một đời sống mới. Bắt đầu một thế giới mới. Tổ phụ ý thức sâu xa chính Thiên Chúa là ánh sáng ban sự sống. Trong thế giới mới được tái tạo, No-ê trở thành tổ phụ mới. Của mọi sự sống trên thế giới mới. Đó là năm 601. Và đó là tháng thứ nhất. Bắt đầu một lịch sử mới. Lịch sử đó do Thiên Chúa làm chủ. Nên No-e đã dâng lễ vật cho Chúa để tạ ơn và bắt đầu một thời kỳ mới. Thời kỳ của lòng thương xót. Vì Chúa sẽ không bao giờ trừng phạt thẳng tay như thế nữa (năm lẻ).

No-e sở dĩ tồn tại và trở thành tổ phụ cho thời kỳ mới vì ông không nói năng gì. Chỉ nghe và tuân giữ Lời Chúa truyền. Đó là điều thánh Gia-cô-bê dạy ta. Đừng ham nói. Hãy nghe. Và thực hành Lời Chúa. Nghe Lời Chúa mới chỉ hiểu biết lờ mờ. Như anh mù nhìn thấy người ta như cây cối đi đi lại lại. Chỉ tuân giữ Lời Chúa mới nhìn thấy rõ ràng. Vì hiểu biết thực sự về Chúa. Về vũ trụ. Về con người. Và về bản thân. Nghe và giữ Lời Chúa sẽ biến ta nên con người mới. Giúp ta xây dựng thế giới mới. Hài hoà. Yêu thương. Đức hạnh (năm chẵn).

 

Suy Niệm 3: Ðôi mắt đức tin

Có một người đàn bà đạo đức nọ suốt đời chỉ có một khát vọng, đó là được thấy dung nhan Chúa trước khi chết. Một đêm kia, trong giấc mơ, Thiên Chúa cho biết Ngài sẽ đến thăm bà nội đêm mai. Thế là ngày hôm sau, người đàn bà dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị bữa tiệc thịnh soạn để đón vị khách quý. Thế nhưng suốt buổi tối người đàn bà chờ đợi vẫn không thấy Chúa đến, bà thiếp ngủ đi trong chán nản. Bỗng có tiếng nói với bà rằng:

- Tại sao Ta đến mà con không đón tiếp Ta"

Người đàn bà giải thích cho Chúa là bà đã chờ Ngài ở trước cổng nhà. Người đàn bà ngạc nhiên khi Chúa nói là Ngài đã đến ở cửa sau.

Thế là cả ngày hôm sau, người đàn bà lại chuẩn bị với hy vọng sẽ gặp được Chúa. Ðêm đến, bà hết chạy ra cửa trước lại vào cửa sau, nhưng tuyệt nhiên vẫn không thấy Chúa. Lần này trong giấc mơ, Chúa lại hiện đến và trách người đàn bà. Ngài cho biết là Ngài đã đến qua cửa sổ. Ngài giải thích cho bà hiểu như sau:

- Nếu con chỉ muốn thấy Ta ở một nơi nào đó mà thôi, con sẽ không bao giờ có thể thấy Ta ở mọi nơi. Ta muốn cho con thấy Ta, nhưng không phải một lần trước khi con chết, mà là mỗi giây phút cuộc đời con. Và điều kiện để được thấy Ta là con hãy từ bỏ khát vọng được thấy Ta bằng con mắt xác thịt, vì con mắt ấy qua yếu ớt để có thể nhìn thấy sự vô biên của Ta. Con chỉ có thể xem thấy Ta bằng đôi mắt của quả tim mà thôi.

Con người chỉ có thể thấy Chúa bằng đôi mắt của quả tim, và đôi mắt này chính là đôi mắt đức tin mà chỉ Thiên Chúa mới có thể ban cho con người.

Tin Mừng theo thánh Marcô mà chúng ta lắng nghe hôm nay, thuật lại việc Chúa Giêsu cho một người mù được thấy. Ðặt câu truyện này vào bối cảnh cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với nhóm Biệt phái cũng như với các môn đệ, thánh Marcô muốn cho chúng ta thấy rằng đức tin tức ơn sáng mắt là một ơn nhưng không của Thiên Chúa. Những người Biệt phái đã tự giam hãm trong sự mù quáng tức trong ánh sáng riêng của họ để khước từ Chúa, đồng thời chối bỏ chính ánh sáng của Thiên Chúa; trong khi đó, các môn đệ lại lơ đễnh đến độ không thể thấy được ý nghĩa các phép lạ của Chúa Giêsu. Chữa lành cho người mù, Chúa Giêsu vừa tỏ quyền năng của Ngài, vừa cho thấy chỉ mình Ngài mới có thể ban cho con người ánh sáng mới, nhờ đó con người có thể thấy được Thiên Chúa.

Qua phép Rửa, chúng ta nhận được ánh sáng của Thiên Chúa, Ngài ban cho chúng ta chính đôi mắt của quả tim để có thể nhìn thấy Ngài trong mọi sự và trong từng phút giây cuộc sống. Ước gì chúng ta luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa, để chúng ta có thể vượt thắng mọi gian nan thử thách trong cuộc sống và luôn tin vững nơi tình yêu của Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Một sự chữa lành công phu

Người cầm lấy tay anh mù đưa ra khỏi làng, và nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và nói: “Anh có thấy gì không?” Anh ngước mắt lên và thưa: “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối đi đi lại lại.” (Mc. 8, 23-24)

Trang Phúc âm này của Maccô là độc nhất. Không có một thánh sử nào đã kể lại phép lạ được thực hiện từng giai đoạn này. Thực vậy, phần lớn các phép lạ của Phúc âm đều xảy ra ngay tức khắc; một số khác đòi hỏi một tiến trình từ phía những người được hưởng phép lạ, như trường hợp mười người phong hủi được lành khi đang trên đường đi trình diện với tư tế. Ở đây, trái lại, trình thuật nhấn mạnh đến vẻ từ từ, tiệm tiến và hơi công phu của việc làm cho anh mù dược sáng mắt. Bước đầu, Chúa nhổ nước miếng vào mắt người mù và đặt tay trên anh. Đoạn Chúa hỏi anh cho biết tình trạng mắt thế nào, thì được anh trả lời khoái chí: “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối đi đi lại lại”. Khi thấy cái nhìn của anh còn lờ mờ và không rõ nét, Chúa làm lại cử chỉ đặt tay trên mắt anh, tức thì anh được khỏi hẳn và trong rõ.

Khía cạnh biểu tượng của phép lạ

Việc khỏi bệnh này cũng nêu lên một khía cạnh biểu tượng, vì ngoài sự việc nhãn tiền, không gì thực hơn, nó còn để cho thấy một ý nghĩa kín đáo. Nói khác đi, ở đây không chỉ đơn thuần là việc làm sáng mắt người mù, mà chính là một mạc khải về Chúa Giêsu: Người là Đấng ban ánh sáng, giải thoát con người khỏi cảnh tối tăm. Thánh sử nhấn mạnh đến khía cạnh kín đáo của phép lạ này: Chúa Giêsu đưa anh mù ra khỏi làng, ở một nơi riêng, chữa anh khỏi mà không để cho những con mắt tò mò dòm ngó, và một khi anh đã thấy rõ rồi, Người dặn anh đừng có vào làng. Người không khua chiêng gõ mõ để phô trương như những kẻ làm được đôi ba điều lạ và những pháp sư. Việc chữa khỏi được diễn ra từ từ còn làm nổi bật tính thận trọng và kín đáo này. Âu đó cũng là một cách để nói không cho những người đòi được xem những dậu lạ từ trời. Đừng kêu gọi con mắt, nhưng hãy kêu gọi tâm hồn.

Việc chữa lành người mù một cách công phu cũng là dấu chỉ việc làm sáng mắt thiêng liêng cho các môn đệ, đồng thời làm nổi bật những nỗ lực của Chúa giúp cho các ông mở mắt ra. Chúa Giêsu vừa mới tố cáo các ông có mắt mà chẳng thấy, y hệt như người mù. Chịu khó và mất thời giơ một chút, Người đã trả lại cho người mù này ý thức về thị giác, về sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Cũng thế, Người sẽ dẫn đưa các tông đồ tới tin vào Người, mặc dầu trí tuệ các ông lúc này còn kém cỏi. Chỉ cần một điều là chính các ông cũng phải để cho Người cầm tay dẫn đi, và ở một nơi riêng biệt, gặp gỡ Đức Giêsu Kitô.

Chúng ta thường sống đức tin như những kẻ chỉ nhìn thấy lờ mờ. Cái nhìn và hiểu biết của ta về thế giới mới, về những thực tại siêu nhiên lại lu mờ và không rõ nét, nên càng trở nên xa lạ đối với ta. Ta đừng xao xuyến, đừng ngạc nhiên, cũng đừng quyết định ngớ ngẩn. Đúng hơn ta hãy cố gắng gặp gỡ Chúa Giêsu. Hãy để cho Người là Đấng có khả năng làm sáng mắt cầm tay dẫn dắt chúng ta.

 

Suy Niệm 5: Ánh sáng của niềm tin

Nếu bài Tin Mừng hôm qua Đức Giêsu cảnh báo các môn đệ của mình đừng rơi vào lối sống của những người Pharisêu; đồng thời Ngài củng cố đức tin của các ông và mặc khải cho họ biết rằng: có Chúa là có tất cả.

Hôm nay, sau một chặng hành trình lênh đênh trên biển khơi, và qua những tâm sự của thầy trò. Đức Giêsu và các môn đệ đã đáp bến.

Nghe thấy tin Đức Giêsu đến, dân chúng đã dẫn một người mù đến gặp để xin Ngài chữa lành.

Thực ra thì bệnh mù là một thứ bệnh rất phổ biến tại các nước Đông Phương. Kinh Thánh cũng thường xuyên nhắc tới bệnh mù. Riêng Tân Ước là 52 lần và toàn bộ Kinh Thánh là 80 lần. Nhưng điều quan trọng là ý nghĩa của sự kiện này.

Tình thương của người dân qua việc dẫn anh mù đến với Đức Giêsu và nhất là sự tín thác của chính anh vào Ngài cho thấy một thái độ hoàn toàn khác với những người Pharisêu. Sự khác biệt này đã là điều kiện cần và đủ để phép lạ xảy ra. Thật vậy, thấy được lòng tin mạnh mẽ nơi dân chúng và anh mù, Đức Giêsu đã chữa cho anh ta được sáng mắt.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mặc khải cho chúng ta một điều quan trọng: Đức Giêsu là ánh sáng thế gian. Ngài đến để đem lại cho con người ánh sáng ngõ hầu họ nhận ra chân lý và tình thương của Ngài. Ai nhận ra Đức Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống thì được nhìn thấy tình thương của Ngài trên cuộc đời của mình và được ơn biến đổi.

Mặt khác, Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy biết yêu thương, cảm thông như Đức Giêsu và những người có lòng tốt dẫn anh mù đến gặp Ngài. Hơn nữa, qua đó, Lời Chúa mời gọi chúng ta vững tin vào Chúa như anh mù.

Lạy Chúa Giêsu, nhiều khi chúng con sáng mà lại thành mù vì không nhận ra tình thương của Chúa. Xin Chúa giải thoát chúng con khỏi tình trạng mù tâm linh và cho chúng con ánh sáng của niềm tin và ân sủng. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Cần được Chúa mở con mắt tinh thần

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu chữa cho người mù được trông thấy. Tất cả mọi người môn đệ đều cần được Chúa mở con mắt tinh thần để có thể hiểu và chấp nhận đi theo Chúa trên con đường đau khổ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa thật gần gũi với chúng con, Chúa hòa nhập vào cuộc đời chúng con. Chúa ở bên chúng con và chữa trị cho chúng con. Chúa chữa lành cho người mù là Chúa đưa người ấy từ cõi tối tăm trở về cõi sáng, từ nơi đau khổ về với niềm vui. Chúa cho anh nhìn thấy chính mình và vạn vật.

Lạy Chúa, đôi mắt của các tông đồ và của con không mù tối, nhưng linh hồn của các ngài và của con mù tối. Chúa cho chúng con biết Chúa phải chịu đau khổ để cứu độ chúng con, và Chúa dạy chúng con bước theo Chúa trên con đường đau khổ và thánh giá.

Lạy Chúa, điều ấy đối với con thật bất ngờ và khó chấp nhận. Các tông đồ không hiểu, con cũng không hiểu. Nói đúng hơn, con không muốn hiểu. Con sợ khổ đau và thánh giá. Con luôn tìm cách tránh né và than phiền về những khổ đau con gặp. Không mấy khi con tự nguyện vác thánh giá hoặc tự ý bỏ mình, tự ý làm vài việc hy sinh. Con chưa hiểu được thánh giá và đau khổ cần thiết để cứu độ con và nhân loại. Chỉ có mình Chúa hiểu mà thôi.

Vì vậy, lạy Chúa, xin Chúa mở mắt linh hồn con để con nhận ra đường lối kỳ diệu của Chúa, tuy khó hiểu nhưng hiệu nghiệm. Xưa Chúa đã cầm tay người mù và dẫn anh đi. Xin Chúa cũng cầm tay con mà dắt con đi. Bàn tay con nằm trong bàn tay Chúa, thật hạnh phúc biết bao. Con cảm tạ và phó thác nơi Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Người mù khỏi hẳn và thấy được mọi vật rõ ràng”.

 

Suy Niệm 7: Đức Giêsu-ánh sáng thế gian

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Trước đại chiến năm 1914, có một người đã từng viết nhiều bài báo công kích và nhạo báng đạo Công giáo. Ông tên là Lavedan. Nhưng sau này, khi gặp nguy hiểm sắp chết, ông liền viết một bài cải chính lại tất cả những gì ông đã viết trước đây.

Trong bài này, có đoạn ông viết rằng: “Từ trước đến nay, tôi vẫn nhạo cười chế giễu người Công giáo và tôi tin rằng mình khôn ngoan, giỏi giang, song thật ra, tôi đã lầm và những ai đọc những tác phẩm và văn thơ của tôi cũng lầm nữa. Tất cả những gì tôi làm xưa nay, đều lầm lạc, say sưa và mơ hồ. Bỏ Thiên Chúa, tức là tự sát. Không biết ngày mai tôi có còn sống nữa chăng, nên giờ đây, tôi phải nói cho mọi người biết điều này là: tôi không dám chết trước lúc chối Chúa. Hỡi linh hồn tôi, hãy vui mừng và bây giờ tới lúc ngươi có thể quỳ gối xuống và xưng rằng: “Con tin, lạy Chúa, con tin!”.

Suy niệm

Đức Kitô là ánh sáng soi chiếu vào đêm tối. Anh mù đã được tình thương của Thiên Chúa chạm vào anh: Đức Giêsu phun nước miếng vào người mù (x. Mc 8,23). Tác giả J. Potin nghiên cứu môi trường văn hóa trong Kinh Thánh xác nhận việc chữa lành bằng cử chỉ đụng chạm với nước miếng là: “Những cách thức chữa bệnh này rất thông dụng trong các đền thờ ngoại giáo và vẫn còn thịnh hành trong các môi trường Kitô giáo” (Theo Đức Giêsu, Lịch sử đích thực, Centurion, tr.172). Chúa Giêsu lấy nước miếng là phương thế bình dân để tỏ bày quyền năng Thiên Chúa.

Ánh sáng tỏa tình thương của Thiên Chúa cho muôn dân như mặt trời của hừng đông chiếu rạng ngời:

“Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,

cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,

soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối

và trong bóng tử thần,

dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,77).

Anh mù cũng là hình ảnh của chúng ta trong thực tại mà Chúa Giêsu đã từng cảnh tỉnh các môn đệ là những người cứ “tưởng mình thấy rõ” (Ga 10,39-40). Thật thế, chúng ta mù khi: “Tính ích kỷ làm ta mù không thấy nhu cầu của tha nhân. Tính vô cảm làm ta mù không thấy những việc ta đã làm đau lòng tha nhân. Tính tự phụ làm ta mù không thấy tha nhân cũng có nhân phẩm như mình. Tính kiêu căng làm ta mù không thấy khuyết điểm của mình. Những thành kiến làm ta mù không thấy sự thật. Sự hối hả làm ta mù không thấy vẻ đẹp của vũ trụ chung quanh. Khuynh hướng duy vật làm ta mù không thấy những giá trị thiêng liêng. Sự hời hợt làm ta mù không thấy giá trị thật của con người và khiến ta hay lên án”. Hay cũng có thể chúng ta là những người sáng mắt như các biệt phái và luật sĩ vẫn tự khoe là thông thái và sáng suốt, tự hào với sự sáng của mình để rồi không thấy được Đấng đem ánh sáng cứu rỗi đến cho con người. Họ tự giam mình trong tối tăm của sự chết… Họ sáng nhưng trở nên mù…

Như anh mù, chúng ta tiếp nhận Đức Giêsu - ánh sáng thế gian, được chữa lành và sáng mắt bước vào một hành trình khẳng định đức tin mình vào Đức Giêsu: “Thiên Chúa quả là nguồn sống, nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36,10).

Ý lực sống: “Tin là gắn bó bản thân của con người với Thiên Chúa” (Giáo lý Công giáo).

 

Suy Niệm 8: Chúa chữa người mù ở Betsaiđa

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Sau những lời khiển trách các môn đệ và trước lời tuyên xưng đức tin đầu tiên của Phêrô, Đức Giêsu chữa bệnh cho một người mù. Khi ấy, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Betsaiđa, người ta dẫn người mù  đến xin Chúa cứu chữa. Chúa dẫn người đó ra ngoài làng rồi lấy nước miếng xức vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi anh có thấy gì chưa? Anh thưa mới thấy lờ mờ. Chúa lại đặt tay trên anh một lần nữa, thế là anh được thấy rõ ràng.

2. Đặt câu truyện này vào bối cảnh cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và nhóm biệt phái cũng như với các môn đệ, thánh Marcô muốn cho chúng ta thấy rằng đức tin tức ơn sáng mắt là một ơn nhưng không của Thiên Chúa. Những người biệt phái đã tự giam hãm trong sự mù quáng tức trong ánh sáng riêng của họ để khước từ Chúa, đồng thời chối bỏ chính ánh sáng của Thiên Chúa; trong khi đó, các môn đệ lại lơ đễnh đến độ không thấy được ý nghĩa các phép lạ của Đức Giêsu. Chữa lành cho người mù, Đức Giêsu vừa tỏ quyền năng của Ngài, vừa cho thấy chính mình Ngài mới có thể ban cho con người ánh sáng mới, nhờ đó con người có thể thấy được Thiên Chúa.

3. Để chữa anh mù hôm nay, Đức Giêsu đã làm một loạt các hành động: “cầm tay”, “đưa đi”, “nhổ nước miếng”, “đặt tay” và “hỏi”, thế mà hiệu quả là  anh ta chỉ thấy lờ mờ. Tại sao Đức Giêsu phải vất vả như vậy? Ở các lần chữa bệnh khác, Chúa chỉ cần nói một lời là đem lại hậu quả tức thì: kẻ què đi được, kẻ chết sống lại... Phải chăng vì ca bệnh hôm nay quá khó khiến Ngài phải đật tay trên mắt anh một lần nữa? Hẳn là không. Nhưng hành động như thế, Chúa muốn cho các môn đệ thấy hành trình mở mắt đức tin của họ cũng diễn ra như vậy. Họ đã theo Chúa bao năm nhưng con mắt đức tin của họ vẫn mù tối. Trước khi chữa lành cho anh mù, Chúa đã nặng lời trách các ông: “Lòng anh em ngu muội thế sao? Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư” (Mc 8,17-18)? Quả thế, các ông chỉ thực sự thấy và biết Chúa cách tỏ tường khi Ngài từ cõi chết sống lại  (5 phút Lời Chúa).

4. Việc khỏi bệnh này cũng nêu lên một khía cạnh biểu tượng, vì ngoài sự việc nhãn tiền, không gì thực hơn, nó còn để cho thấy một ý nghĩa kín đáo. Nói khác đi, ở đây không chỉ đơn thuần là việc làm sáng mắt người mù, mà chính là một mạc khải về Đức Giêsu: Ngài là Đấng ban ánh sáng, giải thoát con người khỏi cảnh tối tăm. Thánh sử nhấn mạnh đến khía cạnh kín đáo của phép lạ này. Đức Giêsu đưa anh mù ra khỏi làng, ở một nơi riêng, chữa anh khỏi mà không để cho những con mắt tò mò dòm ngó, và một khi anh đã trông thấy rõ rồi, Ngài dặn anh mù đừng vào làng. Ngài không khua chiêng gõ mõ để phô trương như những kẻ làm được đôi ba điều lạ và những pháp sư. Việc chữa khỏi được diễn ra từ từ còn làm nổi bật tính thận trọng và kín đáo này. Âu đó cũng là một cách để nói không cho những người đòi được xem những dấu lạ từ trời. Đừng kêu gọi con mắt, nhưng hãy kêu gọi tâm hồn.

5. Việc chữa lành người mù một cách công phu cũng là dấu chỉ việc làm sáng mắt thiêng liêng cho các môn đệ; đồng thời làm nổi bật những nỗ lực của Chúa giúp cho các ông mở mắt ra. Đức Giêsu vừa mới tố cáo các ông có mắt mà chẳng thấy, y hệt như người mù. Chịu khó và mất thời giời một chút, Ngài đã trả lại cho người mù này ý thức về thị giác, về sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Cũng thế, Ngài sẽ dẫn đưa các môn đệ tin vào Ngài, mặc dầu trí tuệ các ông lúc này còn kém cỏi. Chỉ cần một điều là chính các ông cũng phải để cho Ngài cầm tay dẫn đi, và ở một nơi riêng biệt, gặp gỡ Đức Giêsu Kitô.

Chúng ta thường sống đức tin như những kẻ chỉ nhìn thấy lờ mờ. Cái nhìn và hiểu biết của ta về thế giới mới, về những thực tại siêu nhiên lại lu mờ không rõ nét, nên càng trở nên xa lạ đối với ta. Ta đừng xao xuyến, đừng ngạc nhiên, cũng đừng quyết định ngớ ngẩn. Đúng hơn ta hãy cố gắng gặp Đức Giêsu. Hãy để cho Ngài là Đấng có khả năng làm sáng mắt cầm tay dẫn dắt chúng ta (Trích Xây nhà trên đá).

7. Truyện: Đôi mắt của quả tim.

Có một người đàn bà đạo đức nọ suốt đời  chỉ có một khát vọng, đó là được thấy dung nhan Chúa trước khi chết.

Một đêm kia, trong giấc mơ, Thiên Chúa cho biết Ngài sẽ đến thăm bà nội đêm mai, thế là ngày hôm sau, người đàn bà chờ đợi mà vẫn không thấy Chúa đến, bà thiếp ngủ đi trong chán nản. Bỗng có tiếng nói với bà rằng:

- Tại sao Ta đến mà con không đón tiếp Ta?

Người đàn bà giải thích cho Chúa là bà đã chờ Ngài trước công nhà. Người đàn bà ngạc nhiên khi nghe Chúa nói là Ngài đã đến ở cửa sau.

Thế là cả ngày hôm sau, bà lại chuẩn bị với hy vọng sẽ gặp được Chúa. Đêm đến, bà hết chạy ra cửa trước lại vào cửa sau, nhưng vẫn không thấy Chúa. Lần này trong giấc mơ Chúa lại hiện đến và trách người đàn bà. Ngài cho biết là Ngài đã đến qua cửa sổ. Ngài giải thích cho bà hiểu như sau:

- Nếu con chỉ muốn thấy Ta ở một nơi nào đó mà thôi, con sẽ không bao giờ có thể thấy Ta ở mọi nơi. Ta muốn cho con thấy Ta, nhưng không phải một lần trước khi con chết, mà là mỗi giây phút cuộc đời con. Và điều kiện để được thấy Ta là con hãy từ bỏ khát vọng được thấy Ta bằng con mắt xác thịt, vì con mắt ấy quá yếu ớt để có thể nhìn thấy sự vô biên của Ta. Con chỉ có thể xem thấy Ta bằng đôi mắt của quả tim mà thôi (Mỗi ngày một tin vui).

 

Suy Niệm 9: Chúa Giêsu chữa một người mù

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Muốn hiểu ý nghĩa phép lạ này (Chúa Giêsu chữa một người mù), ta phải đọc nó trong văn mạch những chuyện phía trước. Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (Mc 8,1-10), nhưng các người pharisêu chẳng những không tin vào quyền năng của Ngài mà lại còn thách Ngài làm một dấu lạ từ trời (Mc 8,11-13). Chính các môn đệ cũng không thấy được điều gì cao hơn là những miếng bánh (Mc 8,14-21). Họ đúng là những người mù không đọc ra ý nghĩa những dấu chỉ.

Người mù trong chuyện này là hình ảnh của những người không hiểu (pharisêu, các môn đệ, và chúng ta ngày nay)

- Việc làm cho họ hiểu rất là khó. Vì thế Chúa Giêsu phải đặt tay vào mắt anh mù tới hai lần thì anh mới thấy.

- Tuy nhiên phép lạ này cũng khuyến khích chúng ta nếu kiên trì tìm hiểu Chúa thì cuối cùng cũng sẽ thấy được Ngài: người mù ban đầu không thấy gì cả, sau khi được Chúa Giêsu sờ vào mắt thì anh thấy mờ mờ, sau khi Ngài đặt tay lần thứ hai thì anh hoàn toàn thấy rõ.

B.... nẩy mầm.

1. Ngày chúng ta được rửa tội, Linh mục cũng thay mặt Chúa nói với chúng ta "Epphata" nghĩa là hãy mở ra. Nhưng đức tin của chúng ta chỉ như một con mắt mới mở hé, cho nên phần nào đó chúng ta cũng còn giống như người mù. Hôm nay chúng ta hãy xin Chúa một lần nữa đặt tay Ngài trên mắt chúng ta, để cặp mắt đức tin của chúng ta được mở ra trọn vẹn để nhìn thấy Ngài.

2. Một học giả kia rất thông thái nhưng cũng rất đãng trí. Một hôm ông cỡi lừa đi thăm một người bạn. Dù đang cỡi lừa, ông vẫn cứ dán mắt vào quyển sách, tay buông lỏng dây cương. Do đó con lừa sau khi đi một đoạn đường đã quay trở lại chính ngôi nhà của ông. Ông tưởng đó là ngôi nhà của người bạn. Ông nhìn ngôi nhà từ trên xuống dưới, từ trước tới sau, và kết luận "Ông bạn của ta cẩu thả quá, nhà hư gần sập tới nơi mà không sửa sang gì cả." Vợ ông bước ra tiếp lời "Ông nhận xét đúng đấy. Nhưng đây là ngôi nhà của chính ông". Nhiều người rất sáng về chuyện người khác, nhưng rất mù về những khuyết điểm của chính mình. (Ernst Wilhelm Nusselein).

3. Hai ông cháu đi dạo trên hè phố. Họ đến cạnh hàng rào hoa hồng rất đẹp. Cô bé thở nhẹ nói "Nội ơi, nội có thể ngửi những bông hồng này? Chúng rất thơm phải không?" Rồi hai ông cháu nghe giọng nói của một bà từ trong mái hiên vọng ra "Cứ làm tất cả những gì các bạn muốn".

Hai ông cháu ngắt một bông hoa rồi cám ơn bà và khen luống hoa thật đẹp. Bà nói "Tôi trồng những bông hồng này mục đích là để những người khác được hạnh phúc. Tôi không thấy họ. Tôi mù" (Góp nhặt)

4. "Chúa Giêsu và các môn đệ đến Bétsaiđa. Người ta dẫn một người mù và xin Chúa Giêsu sờ vào anh ta… Người đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn" (Mc 8,22-25)

Tối 14-12-1995, hàng triệu người Việt nam hồi hộp đón xem trận đấu giữa Việt Nam và Mianma để tranh vào vòng chung kết Cúp vô địch Bóng đá Sea Games 18. Khoảng 22g30, đội tuyển VN đã làm nên một giây phút lịch sử khi ghi được tỉ số 2-1, thắng đội Mianma. Ngay lập tức, hàng vạn thanh niên thành phố đã tràn xuống đường trong niềm vui sướng tột độ. Họ diễn hành thành từng đoàn, cùng hô vang những khẩu hiệu "Việt nam vô địch. Việt nam chiến thắng".

Sài gòn một đêm tuyệt vời, một đêm không ngủ. Tuyệt vời vì những con người vốn xa lạ bỗng trở nên gần gũi thân quen. Muôn người như một hiệp nhất trong niềm vui. Hạnh phúc tưởng đâu xa, hóa ra thật gần khi con người yêu thương nhau.

Vậy mà đôi mắt con, vì bị che khuất bởi những tham vọng, bởi lòng hẹp hòi ích kỷ nên đã không nhận ra được hạnh phúc quanh mình.

Lạy Chúa, xin cho con có cái nhìn bao dung để có thể nhận ra những cái hay cái tốt nơi kẻ khác và cùng họ xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. (Epphata)

 

Suy Niệm 10: Epphata

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

1. Người mù trong câu chuyện của bài Tin Mừng hôm nay là hình ảnh của những người không thấy cũng như không hiểu được những gì xảy ra chung quanh mình.

Có một người kia sinh ra là đã bị mù. Sống trong một gian phòng, nhưng bởi anh không thấy gì cả, nên anh phủ nhận tất cả những gì người chung quanh quả quyết là có: “Tôi không tin, vì tôi không thấy”.

Một vị lương y đem lòng thương hại, đi tìm cho ra một thứ linh dược trên Hy Mã Lạp Sơn về trị lành bệnh, anh ta sung sướng tự phụ bảo: Giờ đây, tôi thấy được tất cả sự thật chung quanh tôi rồi!

Nhưng, có kẻ bảo với anh ta: Bạn ơi! Bạn chỉ thấy được những vật chung quanh bạn trong căn phòng này thôi: Có là bao. Ngoài kia, người ta còn thấy được mặt trời, mắt trăng cùng các vị tinh tú hằng hà đa số. Còn biết bao vật xấu, đẹp, lộng lẫy màu sắc huy hoàng mà bạn chưa thấy.

Anh chàng không tin. “Làm gì có được những cái đó! Tôi chưa thấy những cái đó. Cái gì có thể thấy được, tôi đã thấy tất cả rồi”.

Một vị y sĩ khác bèn lên tận núi cao gặp được sơn thần chỉ cho một thứ linh dược khác đem về giúp cho anh ấy được cặp mắt sáng hơn và thấy xa hơn những vật chung quanh trong căn phòng của anh.

Bấy giờ, anh ta thấy được mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú trên không trung, mừng quá, và lòng tự phụ tự đắc lại tăng thêm. “Trước đây tôi không tin, nhưng bây giờ tôi thấy, tôi tin. Như thế, giờ đây không còn có gì mà tôi chẳng thấy chẳng biết. Đâu còn ai hơn tôi được nữa!”

Nhưng, lại có một hiền giả có cặp mắt thần, bảo với anh ta: “Cậu ơi! Cậu vừa hết mù, nhưng cậu vẫn chưa biết gì cả. Tại sao quá tự phụ như thế? Cũng như khi cậu ở trong phòng và tầm mắt cậu không vượt khỏi bốn bức tường, cậu không tin có vật gì ngoài căn phòng của cậu. Giờ đây, tầm mắt cậu vượt khỏi bốn bức tường, thấy được nhiều vật xa hơn, nhưng với chừng mực của tầm mắt và lỗ tai của cậu, cậu làm gì biết có những vật ngoài ngàn dặm mà tai mắt cậu không làm sao mà nghe thấy được. Cậu có thấy những nguyên nhân nào đã cấu tạo ra cậu khi cậu còn nằm trong bào thai của mẹ cậu chăng? Ngoài cái vũ trụ nhỏ bé mà cậu đang sống đây, còn không biết bao nhiêu vũ trụ khác vô cùng to lớn và nhiều không thể kể như cát ở sông Hằng. Tại sao cậu dám tự phụ bảo rằng: Tôi thấy cả, tôi biết cả? Cậu vẫn còn là một anh mù, cậu vẫn còn lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối”.

Xét về phương diện nào đó thì mọi người chúng ta đều mắc bệnh mù, nhất là về phương diện tâm linh.

 2. Cách thức Chúa chữa anh mù tại Bethsaiđa thật đặc biệt: thay vì phán một lời hoặc làm một việc gì đó để phép lạ xảy ra, Chúa Giêsu lại đưa anh ra khỏi làng, Ngài bôi nước miếng vào mắt anh, Ngài đặt tay trên mắt anh và mắt anh mù được sáng lại.

Chúng ta thấy Chúa không chữa ngay cho anh mù, nhưng Chúa cho anh được thấy từ từ.

Báo Tuổi trẻ, số 144/91, ngày 7.12.91, tr.6 có đăng một câu chuyện với tựa đề “Nhân vật năm 91 của nước Anh”

Câu chuyện có liên quan đến một cô gái tên là Yuen Har Tsé, một cô gái mù người Trung quốc. Năm lên hai tuổi, Yuen đến nước Anh. Hơn 20 năm sau, cả nước Anh đã phải sửng sốt trước người con gái phương Đông này. Cô đã tốt nghiệp kỹ sư với số điểm cao nhất. Bất chấp tình trạng tật nguyền của Yuen, hãng Rolls-Royce nổi tiếng thế giới đã mời chị phụ trách một khâu quan trọng của hãng: vẽ bản thiết kế các bộ phận bên trong của máy. Công trình đầu tiên của Yuen là thiết kế động cơ nổ cho chiếc trực thăng quân sự mang tên “Con Hổ” sắp đưa vào sử dụng ở Châu Âu thời đó.

Ở vị trí này, công việc của Yuen đòi hỏi tính chính xác cao, nhưng chị đã hoàn thành xuất sắc các đồ án của mình, hoàn hảo đến từng chi tiết nhỏ.

Hiện nay, Yuen có thể phân biệt những hình thể lờ mờ qua một màn ảnh bằng kính lúp và vẽ bằng một loại mực nổi. Để phác thảo những bản vẽ, những đồ án trên từng milimét, Yuen đã phải tập trung cao độ, phải nhìn thấy sự vật bằng tâm trí.

Để tưởng thưởng cho một người công dân xuất sắc này, chính công nương Diana, đại diện hoàng gia Anh đã trao tặng cho Yuen Har Tsé, một cô gái mù danh hiệu “Người phụ nữ năm 1991”, một trong những danh hiệu cao quí nhất của nước Anh.

Vâng, sự kiên trì đã giúp người mù trong bài Tin Mừng hôm nay thành công. Sự kiên trì cũng đã giúp người con gái mù thành đạt được những ước vọng cao quí nhất của cuộc đời mình.

Xin Chúa cho chúng ta kiên trì trên con đường tập luyện cho đôi mắt được sáng ra, hầu có thể nhận ra được những hồng ân Chúa ban tặng mỗi ngày. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 358)

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,686)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,187)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,736)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,420)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,810)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,804)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,909)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,193)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,577)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7