Thứ Tư 14/06/2023 – Thứ Tư tuần 10 thường niên. – Kiện toàn lề luật.
- In trang này
- Lượt xem: 4,836
- Ngày đăng: 13/06/2023 10:00:00
Kiện toàn lề luật.
14/06 – Thứ Tư tuần 10 thường niên.
"Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn".
Lời Chúa: Mt 5, 17-19
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn.
Vì Thầy bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy Niệm 1: Để kiện toàn
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Đã có thời người ta nghĩ rằng theo Công giáo là bất hiếu,
vì phải từ bỏ việc cúng giỗ cha mẹ tổ tiên.
Nếu người chết cũng có nhu cầu ăn uống tiêu dùng như người sống,
thì hiếu thảo đòi phải lo cho người đã khuất được đầy đủ, ấm no.
Nhiều người không dám theo đạo,
vì sợ theo đạo thì không được cúng giỗ tổ tiên, phải bỏ ông bà.
Vào thời thánh Mátthêu, một số người Do thái cũng có nỗi sợ tương tự.
Họ tin vào Đức Giêsu và muốn trở thành môn đệ của Ngài,
nhưng họ lại sợ làm thế là bỏ đạo của cha ông, bỏ Do thái giáo.
Họ sợ giáo huấn mới mẻ của Đức Giêsu làm họ bỏ Luật Môsê,
và không còn thuộc về dân Thiên Chúa nữa.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu khẳng định:
“Đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hay lời các Ngôn sứ.
Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (c. 17).
Luật Môsê thật ra là Luật của Thiên Chúa trao qua trung gian ông Môsê.
Môsê đã làm nhiệm vụ trao lại cho dân Do thái và giải thích Luật ấy.
Người Do thái từ bao đời đã giữ Luật theo lời giải thích của Môsê.
Bây giờ có một Đấng mới xuất hiện, là Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa.
Ngài biết rõ ý định của Thiên Chúa mà Ngài âu yếm gọi là Cha.
Đức Giêsu không gạt bỏ Luật của Thiên Chúa được trao cho Môsê.
Nhưng Ngài sẽ giải thích lại Luật ấy cho đúng với ý Thiên Chúa,
vì chẳng ai biết rõ ý Cha bằng Con.
Trong Bài Giảng trên núi mà ta sắp nghe trong những ngày tới,
ta sẽ thấy Đức Giêsu giải thích lại Luật Môsê như thế nào.
Hành vi đó được gọi là kiện toàn hay hoàn chỉnh.
Một giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ đã được mở ra với Đức Giêsu.
Giai đoạn chung cục này vừa liên tục, vừa vượt quá giai đoạn cũ.
Đức Giêsu mời chúng ta tuân giữ nghiêm túc Luật Thiên Chúa đã ban,
nhưng theo cách giải thích mới mẻ, hoàn chỉnh và có thẩm quyền của Ngài.
Muốn trở nên hoàn thiện, muốn đón nhận Nước Trời do Ngài khai mở,
cần sống Luật Tôra đã được Ngài giải thích lại.
Người Kitô hữu gốc Do thái khi theo Đức Giêsu thì chẳng sợ mình bỏ đạo,
bỏ Lề Luật, bỏ các Ngôn sứ hay truyền thống của cha ông
Giáo huấn của Đức Giêsu đã chứa đựng cốt lõi tinh túy của Luật ấy rồi.
Làm thế nào để các Kitô hữu Á Châu cảm thấy đức tin của mình
không tạo ra sự xung đột hay đoạn tuyệt
với những giá trị của nền văn hóa mình đã lãnh nhận và đã sống?
Làm sao để mình sống viên mãn là một Kitô hữu, một người Công Giáo Rôma,
mà vẫn chẳng mất căn tính là người Việt Nam hay người Châu Á?
Chỉ cần một điều kiện, đó là thấy Kitô giáo không phá bỏ, nhưng kiện toàn
tất cả mọi giá trị cao quý có trong các nền văn hóa và tôn giáo khác.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,
Chúa đã muốn trở nên con của loài người,
con của trái đất, con của một dân tộc.
Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa
dù họ từ khước Tin Mừng
và đóng đinh Chúa vào thập giá.
Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,
một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu
sau những năm dài chiến tranh,
một quê hương đang mở ra trước thế giới
nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc
và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.
Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên
trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,
nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,
và làm một điều gì đó thật cụ thể
cho những đồng bào quanh chúng con.
Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước
bằng khối óc, quả tim và đôi tay.
Và ước gì chúng con biết khiêm tốn
cộng tác với muôn người thiện chí. Amen.
Suy Niệm 2: Kiện toàn lề luật
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Thấy Chúa Giê-su hành xử khá tự do. Chữa bệnh ngày sa-bát. Không ăn chay. Lui tới với người tội lỗi, phong cùi. Nhiều người nghĩ rằng Chúa đến để phá huỷ Lề Luật. Nhưng hôm nay Chúa minh định: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”. Chúa kiện toàn thế nào? Có ba yếu tố cơ bản. Kiện toàn bằng tình yêu. Xưa kia luật là cứng ngắc. Khắt khe. Không nhân nhượng. Nhưng Chúa đã cho biết nền tảng của Lề Luật là tình yêu. Phải giữ luật vì lòng yêu mến. Mến Chúa và yêu người. Như Chúa dạy: “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ”. Thậm chí Người còn ban hẳn một điều răn mới thay cho các điều răn cũ. Đó là phải thương yêu. Kiện toàn bằng lòng thương xót. Xưa kia máy móc nghĩ rằng cứ giữ luật là nên công chính. Tôi có thể tự mình nên công chính. Nay phải cậy nhờ lòng thương xót của Chúa. Chỉ nhờ lòng thương xót của Chúa tôi mới có thể được ơn cứu độ. Kiện toàn bằng Thần Khí. “Lời Chúa là Thần Khí và là sự sống”
Ê-li-a là người đầy Thần Khí và có lòng yêu mến lớn lao nên dám hi sinh tính mạng khi chống lại hoàng hậu I-de-ven độc ác. Cả nước đã theo hoàng hậu mà thờ thần Ba-an, nhưng Ê-li-a, với lòng yêu mến Chúa trung tín, vẫn tuân giữ lề luật của Chúa. Ông tin tưởng vững vàng vào lòng thương xót của Chúa nên dám thách thức các sư sãi của Ba-an trong một buổi cầu nguyện dâng hi lễ công khai trước mặt toàn dân. Tin tưởng và khiêm nhường, ông đã cầu nguyện: “Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en! Ước chi hôm nay người ta biết rằng trong Ít-ra-en Ngài là Thiên Chúa, và con là tôi tớ Ngài. Cũng vì lời Ngài phán mà con đã làm tất cả các việc này”. Vì thế Chúa đã nhận lời ngài. Cho lửa bởi trời xuống thiêu đốt lễ vật ông dâng. Và toàn dân đã lấy lại được niềm tin. “Toàn dân thấy vậy, liền phủ phục sát đất và nói: “Đức Chúa quả là Thiên Chúa!” (năm chẵn).
Thánh Phao-lô cho biết Chúa kiện toàn bằng Thần Khí. Giao Ước cũ căn cứ trên chữ viết. Giao Ước dựa vào Thần Khí. Chữ viết thì giết chết. Thần Khí mới ban sự sống. Chữ viết thì mau qua. Thần Khí thì vĩnh cửu. Vì thế Giao Ước mới là hoàn hảo. Và người phục vụ Giao Ước mới cũng sẽ được vinh quang. “Nếu việc phục vụ Lề Luật – thứ Lề Luật chỉ đưa đến sự chết và được khắc ghi từng chữ trên những bia đá – mà được vinh quang đến nỗi dân Ít-ra-en không thể nhìn mặt ông Mô-sê được, vì mặt ông chói lọi vinh quang – dù đó chỉ là vinh quang chóng qua -, thì việc phục vụ Thần Khí lại không được vinh quang hơn sao…Thật vậy nếu cái chóng qua mà còn được vinh quang, thì cái còn mãi lại chẳng vinh quang hơn sao”? (năm lẻ).
Suy Niệm 3: Kiện toàn lề luật
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Luật cơ bản nhất trong đời sống tu trì vốn là luật bác ái và nền tảng của luật này là sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Sự kiện này tiêu biểu cho chính sự tuân hành luật lệ trong Giáo Hội. Giáo Hội có luật lệ, nhưng không bao giờ dùng sức mạnh đe dọa để cưỡng bách người tín hữu tuân hành. Tinh thần đích thực của việc tuân hành luật lệ trong Giáo Hội chính là tình mến; không có tình mến, thì một bộ luật, dù hoàn hảo đến đâu, cũng không khác gì một cây khô héo.
Ý nghĩa và tinh thần ấy của luật lệ, chúng ta có thể đọc được trong Tin Mừng hôm nay. Những người Biệt phái, nhất là các Luật sĩ, vốn là những người rất trung thành với lề luật, họ tuân giữ luật lệ không thiếu một chấm, một phết. Nhưng đàng sau sự trung thành ấy có hàm ẩn tự mãn: họ cho rằng trung thành với lề luật là đương nhiên trở thành người công chính, và vì nghĩ mình là người công chính, nên họ lên mặt khinh dễ những người không tuân giữ luật lệ một cách nghiêm chỉnh như họ.
Chúa Giêsu không phải là người vô kỷ cương và luật pháp. Ngài đã sống như một người Do thái, nghĩa là tuân giữ luật lệ của Môsê truyền lại. Chỉ có điều khác biệt giữa Ngài và các người Biệt phái, đó là tinh thần: nếu những người Biệt phái tự cho mình là người công chính nhờ tuân giữ lề luật, thì Chúa Giêsu lại khẳng định rằng chỉ nhờ ơn Chúa, con người mới có thể nên công chính. Chúa Giêsu tuân giữ lề luật để kiện toàn nó, kiện toàn theo nghĩa thực hiện chính những lời loan báo của các tiên tri liên quan đến Ngài, kiện toàn đến độ mặc cho lề luật một tinh thần mới, tức là tình mến.
Luật lệ vốn là lời loan báo của các tiên tri về Ðấng Cứu thế, do đó luật lệ có tính tiên tri. Khi chu toàn lề luật, Giáo Hội chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng các tiên tri đã loan báo. Như vậy, một cách nào đó, khi người Kitô hữu tuân hành lề luật, họ cũng loan báo chính Chúa Kitô, nhưng dĩ nhiên, họ chỉ có thể loan báo về Ngài khi việc tuân giữ của họ thể hiện được chính tinh thần của Ngài. Xét cho cùng, đối với người Kitô hữu, tuân giữ lề luật là mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, là sống như Ngài, là trở thành hiện thân của Ngài.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn ý thức sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của chúng ta và ban sức mạnh để chúng ta chu toàn lề luật của Ngài.
Suy Niệm 4: Rắc rối yêu thương
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ. Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt. 5, 17)
Quá nhiều luật lệ!
Hai mươi hoặc ba mươi năm vè trước, người Kitô hữu phải tuân giữ nhiều luật lệ và điều răn hơn hôm nay. Điều gì phải làm hay không được làm đều đã được phân định rạch ròi đến từng chi tiết. Thời ấy người ta rất tỉ mỉ, phải nói là quá tỉ mỉ nữa.
Khoảng mấy năm gần đây, nhiều sự đã thay đổi. Hôm nay người ta thường nghe nói rằng chẳng còn luật lệ gì nữa. Có người tiếc rẻ, người khác lại vui mừng. Những người luyến tiếc mạnh miệng nói rằng Giáo hội bây giờ dễ dãi quá, để mặc cho ai nấy muốn làm gì thì làm.
Đức Giêsu với lề luật
Chúa Giêsu bảo ta rằng “dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, cũng không được bãi bỏ”. Nói được rằng Chúa Giêsu ủng hộ việc có nhiều luật lệ và điều răn chăng? Chắc chắn là không.
Như ta biết, đối với Chúa Giêsu chỉ có một điều răn thâu tóm mọi điều răn khác. Đó là điều răn dạy phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như chính mình. Nhưng bởi chỉ có một điều răn nền tảng, thì không có nghĩa là không có điều răn nào khác cũng quan trọng.
Để yêu thương như Chúa muốn, người ta không thể giữ mực chung chung, mà phải đi vào cụ thể, phải chú ý đến cả những điều nhỏ nhặt. Tình yêu được hình thành từ vô vàn những sự chăm chú, từ vô số những cái tế nhị, từ ngàn lẻ một những chuyện nhỏ nhặt. Ta đừng tin những ai nói mình yêu Chúa yêu anh em mà lại bất chấp mọi điều khác.
Những điều răn nhỏ nhất phải tuân giữ mà Chúa nói đến ở đây, chính là những điều tế nhị phải có trong khi yêu thương vậy.
Suy Niệm 5: Giữ luật theo tinh thần của Chúa
Xem lại CN 6 TN A, Thứ Tư tuần 3 MC
Chuyện cổ Đông phương kể rằng: ngày xưa, có một vị đạo sĩ dâng cho vua một chiếc nhẫn thần kỳ và vô giá. Nó vô giá vì được làm bằng thứ kim loại quý hiếm và gắn đầy kim cương lóng lánh: nó kỳ diệu ở chỗ nếu người đeo nó làm điều lành, thì nó rất vừa vặn và chiếu sáng. Nhưng nếu người đó làm điều ác, thì nó sẽ biến thành một cái máy xiết rất mạnh, làm cho ngón tay trở nên đau đớn.
Mỗi người chúng ta cũng có một chiếc nhẫn thần là Lề Luật của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chiếc nhẫn thần đó mang lại cho chúng ta niềm vui, hạnh phúc hay đau khổ là do thái độ của chúng ta với chúng. Thái độ đó là yêu mến hay bị ép buộc?
Hôm nay, khi thấy Đức Giêsu làm phép lạ trong ngày Sabát, giới lãnh đạo Dothái tỏ vẻ khó chịu và nghi ngờ việc Đức Giêsu bất chấp Lề Luật. Thấy được sự sầm sì của họ, Đức Giêsu lên tiếng dạy các môn đệ và cũng một cách gián tiếp giáo huấn những người Pharisêu: "Các con đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Lề Luật hay Lời các ngôn sứ; Thầy không đến để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn" (Mt 5,17). Khi nói như thế, Đức Giêsu muốn mặc cho Lề Luật một ý nghĩa mới, đó là Luật vì con người chứ không phải con người vì Luật. Khi Luật vì con người, thì tình yêu sẽ vượt lên trên Lề Luật, còn khi con người vì Luật, thì chính Luật sẽ đè bẹp và giết chết con người trong sự vô nhân đạo.
Lạy Chúa Giêsu, xin đừng để chúng con tuân giữ Lề Luật của Chúa trong sự ép buộc, nhưng là trong lòng mến, để qua đó, nhờ Lề Luật mà làm cho chúng con được gần Chúa và anh chị em chúng con hơn. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 6: Giữ luật theo ý Chúa
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu kiện toàn luật Cựu ước, vì Người cho ta hiểu được ý nghĩa của lề luật, và vì Người thực hiện những lời tiên báo trong Cựu ước. Phải giữ luật theo ý hướng của Chúa Giêsu thì mới trở nên công dân Nước Trời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa ban lề luật cho con là để con được tự do, được nên thánh, lề luật của Chúa là những bậc thang vững chắc đưa con đến với Chúa, đưa con vào Nước Trời.
Thế nhưng nhiều khi con có cảm tưởng luật Chúa ràng buộc con, làm con mất tự do thoải mái trong cuộc sống. Nhiều khi con cảm thấy nặng nề khi đi lễ ngày Chúa nhật. Nhiều khi con thấy luật hôn nhân công giáo giới hạn tự do của con. Nhiều khi luật Chúa đưa con đến những chọn lựa khó khăn và ngăn cản con chọn những giải pháp dễ dãi.
Với Lời Chúa hôm nay, con muốn đặt niềm tin vào Chúa. Chính vì yêu thương mà cha mẹ cấm cản hoặc truyền dạy con cái làm điều này điều nọ. Cũng vậy, con xác tín rằng chính vì yêu thương và muốn con sống tốt mà Chúa ban luật Chúa cho con. Xin cho con biết tin vào Chúa và vào tình thương của Chúa để con yêu mến và sống theo luật Chúa.
Lạy Chúa, xin ban cho con tinh thần tôn trọng lề luật Chúa. Chắc chắn con sẽ phải hy sinh ý riêng mình rất nhiều, nhưng con tin rằng khi con hết lòng với Chúa, Chúa sẽ ban cho con cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc. Đời con sẽ như cây trồng bên bờ suối và trổ sinh hoa trái đúng mùa. Amen.
Ghi nhớ: “Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn”.
Suy Niệm 7: Giữ Luật Chúa với tình yêu mến
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Cổ ngôn Đông phương có nói: “Nhân vô thập toàn”, nghĩa là con người không đủ mười phần hoàn toàn, lời của cổ nhân xác nhận sự chưa hoàn thiện của con người để khích lệ mọi con cháu thăng tiến thêm trên đường cải thiện. Các luật lệ đã được quy định để định hướng giúp con người làm việc thiện tránh điều ác. Thánh Tôma Aquinô định nghĩa: “Luật pháp là những quy định của lý trí nhằm công ích, được ban hành do người điều khiển cộng đồng”. Thánh Giacôbê khẳng định Đấng Tối Cao tức Thiên Chúa tạo tác mọi quyền hành và luật lệ khi viết: “Chỉ có một Đấng làm ra Luật Lệ” (Gc 4,12).
Có Thiên luật và Nhân luật.
Thiên luật là luật thiên nhiên, luật phát sinh từ tâm linh của Thiên Chúa, chi phối mọi hành động và sinh hoạt (Summa Theologia, I-II, q. 93, a). Là luật tự nhiên được ban cho con người cùng với những hợp lý như những quy tắc của các hành vi tự do. Hay luật Thiên Chúa ban hành qua con người là những luật lệ được mạc khải trực tiếp cho nhân loại. Loại luật này được phân làm hai: Luật Cũ, cũng gọi là Cựu ước (ban hành qua Abraham, Môisê và các ngôn sứ) và Luật Mới, cũng gọi là Tân ước (ban hành cho con người qua Đức Giêsu).
Nhân luật được coi phát sinh từ Thiên Chúa khi giải thích những luật lệ do Thiên Chúa mạc khải, khuyến dụ mọi người tuân giữ để đạt tới cứu cánh thiện hảo, là luật dân sự hay Giáo luật.
Suy niệm
Ngay từ thời xa xưa, Thiên Chúa đã ban cho con người luật pháp. Luật này càng phát triển và hoàn thiện dần trong lịch sử cứu độ.
Khổng Tử dạy các môn đệ rằng: “Trước hết hãy có sẵn một nền trắng, rồi sau mới vẽ thành bức họa” (Luận ngữ II, 8). Phải có phông nền rồi mới có thể tiếp tục công trình hội họa. Công trình hoàn thiện Luật được theo một tiến trình phát triển được Chúa mạc khải sơ khởi phông nền với các tổ phụ, đặc biệt là Môisê qua mười điều răn, được các ngôn sứ phát triển và được chính Con Thiên Chúa, Đức Giêsu hoàn thiện.
Thật thế trong Đức Giêsu Kitô, Giáo huấn của Ngài làm nên Luật Kitô giáo: Tân ước hoàn thành các Lề luật đã được mạc khải sơ khởi mà ta gọi là Luật Do Thái giáo: Cựu ước. Tân ước là một chồi non làm sinh hoa kết trái nhưng được nuôi từ gốc và bằng nhựa của cây ôliu cũ tức “Cựu ước”, để làm cho cây sinh ra nhiều quả (x. Rm 11,17-24). Chính Đức Giêsu là Đấng đã được loan báo và chuẩn bị cả ngàn năm mong đợi của dân Do Thái khi chờ đón Đấng Cứu Thế, Đấng đến cứu họ được tự do và để kiện toàn Luật và lời các ngôn sứ đã loan báo trước làm hoàn thành toàn bộ Kinh Thánh với hai phần rõ rệt: Tân ước và Cựu ước. Luật cũ cho ta ý niệm là dân được tuyển chọn phải sống qua mười điều răn, là những hướng dẫn con người cách thức mến Chúa và yêu người bằng cách chỉ rõ thánh ý Chúa đối với thái độ và hành động trong đời sống thường nhật.
Các kinh sư và biệt phái giữ luật rất đúng, nhưng giữ “luật vì luật” và kiên định tới mức trở thành câu nệ hình thức cứng nhắc, khắt khe: Luật là cứu cánh. Cách sống của họ trong tư cách bậc thầy và mô phạm làm cho mọi người nghĩ rằng đức công chính chỉ gói gọn trong việc chu toàn Lề Luật: Tất cả vì luật. Chúa Giêsu lên án cách giữ luật hình thức, vì thế biệt phái và luật sĩ đã liệt Ngài vào hạng tội lỗi, khi cho rằng Ngài có thái độ coi thường, bất tuân luật thánh, cụ thể trong việc giữ ngày Sabát (x. Lc 6,8-11; 13,14; 14,1-6; 6,1-2…). và các nghi thức thanh tẩy trước khi ăn (x. Lc 11,38). Họ cho rằng: Ngài muốn phá bỏ Lề Luật, nhưng Chúa Giêsu tuyên bố: “… đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môisê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).
Xin Chúa thổi tình yêu của Ngài vào trong cuộc sống chúng ta, để khi tuân giữ giới răn Đạo Chúa và giáo huấn của Giáo hội Chúa Kitô, chúng ta giữ Luật Chúa không chỉ vì sợ và tỏ lòng kính tôn, nhưng thực thi với tinh thần của tình yêu.
Ý lực sống:
“Hãy yêu mến Chúa rồi làm điều bạn muốn” (thánh Augustinô).
Suy Niệm 8: Kiện toàn lề luật
(Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Chúa Giêsu tuyên bố cho mọi người biết: Ngài đến không phải để bãi bỏ luật Maisen và lời dạy của các tiên tri trong Cựu ước, nhưng làm cho hoàn hảo và đầy đủ hơn.
Vì Chúa Giêsu dạy một số điều xem ra không đúng với luật Maisen và giáo huấn của các tiên tri theo lối giải thích của những người Biệt phái, nên nhiều người tưởng Ngài muốn hủy bỏ Luật Maisen. Vì thế Ngài phải giải tỏa sự hiểu lầm ấy: Ngài không huỷ bỏ mà là kiện toàn chúng. Kiện toàn bằng cách dạy người ta hiểu những khoản luật đó là ý muốn của Cha trên trời nên phải sống những khoản luật đó trong tinh thần Cha – Con.
Hôm nay, khi thấy Chúa Giêsu làm phép lạ trong ngày Sabat, giới lãnh đạo Do thái tỏ vẻ khó chịu và nghi ngờ việc Chúa Giêsu bất chấp Lề luật. Thấy được sự xầm xì của họ, Chúa Giêsu lên tiếng dạy các môn đệ và cũng một cách gián tiếp giáo huấn những người Biệt phái: “Các con đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Lề luật hay lời các tiên tri; Thầy không đến để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Khi nói như thế, Chúa Giêsu muốn mặc cho Lề luật một ý nghĩa mới, đó là Luật vì con người chứ không phải con người vì Luật. Khi Luật vì con người, thì tình yêu sẽ vượt lên trên Lề luật, còn khi con người vì Luật, thì chính Luật sẽ đè bẹp và giết chết con người trong sự vô nhân đạo.
Chúa Giêsu không phải là con người vô kỷ cương và luật pháp. Ngài đã sống như một người Do thái, nghĩa là tuân giữ luật lệ của Maisen truyền lại. Chỉ có điều khác biệt giữa Ngài và các người Biệt phái, đó là tinh thần: nếu những người Biệt phái tự cho mình là người công chính nhờ tuân giữ Lề luật, thì Chúa Giêsu lại khẳng định rằng chỉ nhờ ơn Chúa, con người mới có thể nên công chính. Chúa Giêsu tuân giữ Lề luật để kiện toàn nó, kiện toàn theo nghĩa thực hiện chính những lời loan báo của các tiên tri liên quan đến Ngài, kiện toàn đến độ mặc cho Lề luật một tinh thần mới, tức là tình mến (Mỗi ngày một tin vui).
Ngay những năm đầu của lịch sử Giáo hội đã xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng có nguy cơ làm tan nát Giáo hội còn non trẻ: đó là có cần phải tuân giữ những truyền thống của Luật Maisen hay không. Luật giữ ngày hưu lễ có còn đòi buộc nữa không, một khi người ta đã trở nên môn đệ của Chúa Giêsu? Đó cũng là những vấn nạn của mọi thời: trung thành bảo vệ truyền thống hay cách mạng đổi mới tận căn? Người ta nghĩ rằng đối với người môn đệ của Chúa Giêsu, mọi giáo huấn Cựu ước không còn giá trị nữa. Chúa Giêsu đã trả lời: “Thầy không đến để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn”.
Đối với Ngài, vấn đề không hệ tại ở việc bảo thủ một ý hướng cứng nhắc, cũng chẳng phải là lật đổ đổi mới, mà là trao ban cho quá khứ một sự sống mới. Vì đâu có phải mọi truyền thống đều tốt và nên bảo vệ cả đâu. Cũng chẳng phải hễ cái gì mới cũng quí cả đâu! Điều mà các bậc tổ tiên đã sống, đã hệ thống hóa trong những thời xa xưa là điều đáng quí, nhưng chúng cần được Chúa Giêsu kiện toàn bằng cách lột bỏ sự khô cứng của Lề luật (5 phút Lời Chúa).
Chuyện cổ Đông phương kể rằng: ngày xưa, có một vị đạo sĩ dâng cho vua một chiếc nhẫn thần kỳ và vô giá. Nó vô giá vì được làm bằng thứ kim loại quí hiếm và gắn đầy kim cương lóng lánh: nó kỳ diệu ở chỗ nếu người đeo nó làm điều lành, thì nó rất vừa vặn và chiếu sáng. Nhưng nếu người đó làm điều ác, thì nó sẽ biến thành một cái máy xiết rất mạnh, làm cho ngón tay trở nên đau đớn.
Mỗi người chúng ta cũng có chiếc nhẫn thần là Lề luật của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chiếc nhẫn đó mang lại cho chúng ta niềm vui, hạnh phúc hay đau khổ là do thái độ của chúng ta đối với chúng. Thái độ đó là yêu mến hay bị ép buộc.
Truyện: Tiếng nói lương tâm của một vị vua
Dạo tháng 4 năm 1990 để khỏi ký đạo luật cho phép phá thai do Quốc hội thông qua, vua nước Bỉ đã từ chức trước đó hai ngày, vì với tư cách là Kitô hữu, lương tâm không cho phép ông ký nhận. Theo hiến pháp Bỉ, do sự từ chức của Nhà vua, Hội đồng Bộ trưởng sẽ thay nhà vua để công bố đạo luật. Theo đạo luật này, nếu gặp khủng hoảng khó khăn và có chứng nhận của bác sĩ, người phụ nữ có quyền phá thai trong 12 tuần lễ đầu. Nhà vua từ chức được đúng hai ngày, Quốc hội tuyên bố việc từ chức của ông chấm dứt, và ông lại tiếp tục cai trị.
Một ông vua từ chức để một luật lệ bất nhân ra đời, đó là hình ảnh của luật pháp loài người: hoặc con người tìm kẽ hở của luật pháp để thủ lợi và hành động ngược với tiếng lương tâm, hoặc do con người nhân danh pháp luật để chà đạp người khác. Mục đích của luật pháp là để phục vụ con người, do đó nếu luật pháp đi ngược lại con người và chối bỏ Thiên Chúa, thì lúc đó thà vâng lời Thiên Chúa còn hơn vâng lời loài người (Mỗi ngày một tin vui).
Suy Niệm 9: Chúa Giêsu không hủy bỏ Luật nhưng kiện toàn
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Vì Chúa Giêsu dạy một số điều xem ra không đúng với luật Môisê và giáo huấn của các ngôn sứ theo lối giải thích của người Pharisêu, nên nhiều người tưởng Ngài muốn hủy bỏ luật Môisê. Vì thế Ngài phải giải tỏa sự hiểu lầm ấy: Ngài không hủy bỏ chúng mà là kiện toàn chúng.
Kiện toàn bằng cách dạy người ta hiểu những khoản luật đó là ý muốn của Cha trên trời nên phải sống những khoảng luật đó trong tinh thần Cha - Con.
B. Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Cuộc sống xã hội cần được luật pháp bảo đảm. Cuộc sống càng phức tạp thì mạng lưới pháp luật càng gia tăng. Một đàng con người cảm thấy được pháp luật bảo vệ, nhưng đàng khác cũng cảm thấy bị luật pháp đe dọa. Và sự đe dọa đáng sợ nhất là cái chết của tình người. Chúa Giêsu đến để chỉ cho con người đâu là giá trị cao cả nhất và cũng là quy luật cao cả nhất của cuộc sống. Giá trị và quy luật ấy chính là tình yêu. Một ngôi nhà đẹp đẽ đến đâu mà thiếu vắng tình người thì cũng giống như một nghĩa địa; một xã hội tiến bộ tới đâu mà thiếu vắng tình người thì chẳng khác nào một bãi sa mạc. Chúa Giêsu đến không phải để dẹp bỏ pháp luật nhưng là để kiện toàn, bằng cách đem lại cho nó một linh hồn, một sức sống. Linh hồn và sức sống ấy chính là tình yêu thương. (Trích “Chờ đợi Chúa”)
2. Chuyện cổ Đông phương kể rằng: ngày xưa, có một vị đạo sĩ dâng cho vua một chiếc nhẫn thần kì và vô giá. Nó vô giá vì được làm bằng thứ kim loại quý hiếm và gắn đầy kim cương lóng lánh: nó kì diệu ở chỗ nếu người đeo nó làm điều lành, thì nó rất vừa vặn và chiếu sáng. Nhưng nếu người đó làm điều ác, thì nó sẽ biến thành một cái máy rất mạnh, ngón tay rất đau đớn.
Mỗi người chúng ta cũng có một chiếc nhẫn thần là lề luật của Thiên Chúa. (Góp nhặt)
3. Có hai thái độ quá khích với lề luật: một là thái độ vụ luật, vụ nguyên tắc, giữ luật một cách nô lệ không chút tình cảm; hai là thái độ bất chấp ngang tàng sống như không có luật.
4. “Ta không đến để hủy bỏ lề luật nhưng đến để kiện toàn”: trước một khoản luật mà tôi cảm thấy khó chịu vì xem ra không còn thích hợp nữa, tôi phải làm gì? Lời Chúa Giêsu dạy rằng tôi không nên hủy bỏ khoản luật ấy, nhưng tôi hãy tìm cách kiện toàn: kiện toàn bằng cách tìm hiểu tinh thần và ý nghĩa của nó, kiện toàn bằng cách đặt vào đó một tình thương.
5. “Ai bãi bỏ dù là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước trời”. (Mt 5,19)
Một ngày nọ các dấu chấm câu nghĩ rằng mình chẳng được đọc lên thành lời như các từ, nên buồn bã rủ nhau bỏ đi hết. Thế là có người đọc như sau:
“Nàng có ba người anh đi bộ đội những em nàng”
Chẳng phải tôi đã từng tự nhủ mình như thế này sao:
Tội nhẹ! chẳng sao cả!
Một lần nữa thì đã sao!
Mình chỉ thử một lần thôi!
Lạy Chúa, xin cho con luôn nhớ rằng: “Ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16,10) (Hosanna).
Suy Niệm 10: Giá trị và quy luật cao cả nhất, chính là tình yêu
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Vì Chúa Giêsu dạy một số điều xem ra không đúng với luật Môisen và giáo huấn của các ngôn sứ theo lối giải thích của người Pharisêu, nên nhiều người tưởng Ngài muốn hủy bỏ luật Môisen. Thí dụ, Ngài đã không giữ tục rửa tay như luật pháp đặt ra. Ngài chữa lành người đau trong ngày Sabat dù luật pháp không cho phép. Thế mà ở đây Chúa lại nói về luật pháp với một sự tôn kính, mà không một luật sĩ hay đạo sĩ Do Thái nào có thể nói hay hơn được.
Như chúng ta biết, cuộc sống xã hội cần phải được luật pháp bảo đảm. Cuộc sống càng phức tạp thì mạng lưới pháp luật càng chặt chẽ.
Chúa Giêsu đến để chỉ cho con người biết đâu là giá trị cao cả nhất và cũng là quy luật cao cả nhất của cuộc sống. Giá trị và quy luật ấy chính là tình yêu. Một ngôi nhà đẹp đẽ đến đâu đi nữa mà thiếu vắng tình người thì cũng giống như một nghĩa địa; một xã hội tiến bộ tới đâu mà thiếu vắng tình người thì chẳng khác nào một bãi sa mạc. Chúa Giêsu đến không phải để dẹp bỏ pháp luật nhưng là để kiện toàn, kiện toàn bằng cách đem lại cho lề luật một linh hồn, một sức sống. Linh hồn và sức sống ấy chính là tình yêu thương. (Chờ đợi Chúa)
2. Người ta kể lại rằng, một lần kia một vị giáo sư của đại học Baltimore, Hoa Kỳ, yêu cầu các sinh viên đang theo lớp giảng huấn của ông về xã hội học, hãy đến một xóm nghèo của thành phố để nghiên cứu về cơ may được thăng tiến trong xã hội của hai trăm em học sinh trong xóm. Vị giáo sư không khỏi ngạc nhiên khi đọc những bản báo cáo của các sinh viên sau thời gian nghiên cứu báo cáo lại. Các sinh viên cho rằng, không em nào trong hai trăm em của xóm nghèo này được xét là có cơ may phát triển.
Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Hồ sơ của hai trăm em được lưu giữ cẩn thận tại trường để rồi lại hai mươi năm sau, một vị giáo sư khác đem ra nghiên cứu lại và lần này giáo sư yêu cầu các sinh viên của mình hãy đến xóm nghèo trên, để điều tra lại xem hai trăm em đã được phỏng vấn cách đây hai mươi năm hiện đang như thế nào. Bản tường trình thứ hai này cho biết một kết quả hết sưc bất ngờ và tích cực:
“Ngoại trừ hai mươi em chết hoặc đã cùng gia đình dọn đi nơi khác không để lại địa chỉ, còn lại 180 em thì có một trăm bảy mươi sáu đã thành công trên đường đời, vượt xa mức tiên đoán của bản phúc trình thứ nhất đã được thực hiện hai mươi năm trước. Các em đó đã trở thành: người thì luật sư, kẻ thì bác sĩ, người khác là những nhà kinh doanh nổi tiếng”.
Vừa bỡ ngỡ, vừa tò mò muốn biết tại sao các em trước kia bị thẩm định như là không có cơ may nào để tiến lên trong xã hội, nhưng nay đã thành công như vậy thì vị giáo sư này mới cho các sinh viên đi gặp từng người đã thành công để hỏi lý do. Tất cả đều nói đến một con người còn sống đã ảnh hưởng sâu xa đến đời sống của họ, con người đáng kính đó chính là thầy giáo của ngôi trường họ đã học. Vị giáo sư tìm đến người thầy giáo già để hỏi xem đã ông dùng bí quyết nào mà những học trò của ông lại thành công như vậy.
Thầy giáo già trả lời: “Bí quyết của tôi đơn sơ lắm: tôi đã lấy tình yêu thương giáo dục những trẻ đó”.
Tôi đã lấy tình yêu thương mà giáo dục những trẻ đó. Đấy là bí quyết của giáo dục. Và chỉ có tình yêu mới có thể giúp con người phát triển.
Không có tình yêu trong gia đình, cha mẹ không thể giúp con cái phát triển. Không có tình yêu trong xã hội, xã hội đó không thể đem lại sự phát triển đích thực cho con người. Con người cần đến tình yêu nhiều hơn của cải vật chất. Mẹ Têrêsa Calcutta đã có lời khuyên rất đơn sơ nhưng cũng rất căn bản cho mọi công cuộc phát triển và cho hạnh phúc của con người. Mẹ nói:
“Hãy phổ biến tình yêu khắp nơi bạn sinh sống, trước hết là trong gia đình: cha mẹ hãy yêu thương con cái, vợ chồng yêu thương nhau, mọi người yêu thương người thân cận, đừng để bất cứ ai đến với bạn mà lúc ra về lại không cảm thấy mình được trở thành tốt hơn, hạnh phúc hơn. Hãy biểu lộ hình ảnh sự tốt lành của Thiên Chúa trong ánh mắt, nụ cười, trong lời nói việc làm”.
Chỉ tình yêu thương mới giúp con người phát triển. Thiên Chúa đã đối xử với chúng ta như vậy. Ngài là tình yêu và không ngừng yêu thương chúng ta. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận tình yêu của Ngài, đồng thời đối xử như thế đối với anh em chung quanh. Yêu mến Chúa và yêu thương anh em, đó là trọn cả lề luật.
Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu mọi người như anh em.
Và cho chúng con biết yêu như Ngài. Amen.
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 1,545)
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.
+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,595)
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,247)
Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,770)
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,435)
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,818)
Thứ Tư tuần 33 thường niên.
Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,805)
Thứ Ba tuần 33 thường niên.
Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,914)
Thứ Hai tuần 33 thường niên.
+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,246)
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,580)
Thứ Bảy tuần 32 thường niên.
-
Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa.
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.
- CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B....
- Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
-
Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh(phần 1)
Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô...
-
Đức Giesu Kito, một vị Vua khác
Hôm nay, “nếu bạn tin vào Chúa Kitô, hãy để Ngài là Vua trong cuộc đời bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn bạn sống theo sự thật, bởi vì Ngài là...
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất