Thứ Tư 12/04/2023 – Thứ Tư tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH. – Trên đường Em-mau.
- In trang này
- Lượt xem: 6,699
- Ngày đăng: 11/04/2023 10:00:00
Trên đường Em-mau.
12/04 – Thứ Tư tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH.
"Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh".
Lời Chúa: Lc 24, 13-35
Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Em-mau, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Đang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: "Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?" Một người tên là Clêophas trả lời: "Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay". Chúa hỏi: "Việc gì thế?" Các ông thưa: "Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp".
Bấy giờ Người bảo họ: "Ôi kẻ khờ dại, chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?" Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn". Người liền vào với các ông.
Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Đoạn Người biến mất.
Họ bảo nhau: "Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?" Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Các vị đó bảo hai ông: "Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon". Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy Niệm 1: Mời ông ở lại với chúng tôi
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Dưới dáng dấp một người khách lạ,
Chúa Giêsu phục sinh đến với hai môn đệ Emmau.
Ngài đến đúng lúc, đúng lúc họ đang bỏ cuộc,
quay quắt và ray rứt vì chuyện đã qua.
Ngài đi cùng với họ, đi gần bên họ,
khiêm tốn trở thành một người bạn đồng hành.
Ngài gợi chuyện, hay đúng hơn,
Ngài muốn tham dự vào câu chuyện dở dang của họ.
Chúa Giêsu không nản lòng trước câu trả lời lạnh nhạt:
“Chắc chỉ có ông mới không biết chuyện vừa xảy ra...”
Ngài không cắt đứt cuộc đối thoại: “Chuyện gì vậy?”
Ngài giả vờ không biết để họ nói cho vơi nỗi buồn.
Chúa Giêsu kiên nhẫn lắng nghe lời họ tâm sự.
“Trước đây, chúng tôi hy vọng rằng...”
Như thế niềm hy vọng này chỉ còn là chuyện quá khứ.
Cả niềm tin cũng trở nên chai lì,
họ đâu có tin vào lời của các bà ra thăm mộ.
Khi lắng nghe, Chúa Giêsu nhận ra cái gút của vấn đề,
những câu hỏi mà họ không tìm ra lời giải đáp.
Tại sao một người của Chúa, người mà họ tin là Ðức Kitô
lại bị đóng đinh như một kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ?
Chúa Giêsu vén mở ý nghĩa của mầu nhiệm đau khổ.
Ðau khổ là nhịp cầu mà Ðức Kitô phải vượt qua
để sang bờ bên kia là vinh quang bất diệt.
Ðau khổ không phải là chuyện xui xẻo, rủi ro,
nhưng nó có chỗ đứng trong chương trình cứu độ.
Lời của Chúa Giêsu là Tin Mừng ngọt ngào,
khiến nỗi đau của họ dịu đi, lòng họ như ấm lại.
Họ cố nài ép Ngài ở lại dùng bữa chiều.
Và chính lúc Ngài cầm bánh bẻ ra trao cho họ
thì họ nhận ra vị khách lạ chính là Thầy Giêsu.
Kinh nghiệm của hai môn đệ Emmau cũng là của chúng ta.
Lúc ta tưởng Ngài vắng mặt, thì Ngài lại đang ở gần bên.
Lúc ta nhận ra Ngài ở gần bên, thì Ngài lại biến mất rồi.
Nhưng chính lúc Ngài biến mất,
ta lại cảm nghiệm sâu hơn sự hiện diện của Ngài.
Ngài đến lúc ta không ngờ.
Ngài đi mà ta không giữ lại được.
Ngài ở lại với ta cả khi ta không thấy Ngài nữa.
Ðấng Phục Sinh vẫn đến với ta hôm nay
qua một người bạn hay một người lạ ta gặp tình cờ.
Qua họ, Ngài thổi vào lòng ta niềm hy vọng tin yêu.
Ngài vẫn đến với ta qua từng thánh lễ.
Ngài đích thân giảng Tin Mừng và bẻ bánh trao cho ta.
Sống như Chúa phục sinh là tập đến với tha nhân,
tập đồng hành, tập gợi ý, tập lắng nghe, tập soi sáng...
Hôm nay vẫn có nhiều người bạn đang lê gót về Emmau.
Cầu nguyện:
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện
để con khỏi quên Chúa.
Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con yếu đuối,
con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.
Không có Chúa,
con đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn,
cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.
Con cần được thêm sức mạnh
để khỏi ngừng lại dọc đường.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.
Con không dám xin những ơn siêu phàm,
chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.
Xin ở lại với con
vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa
và không đòi phần thưởng nào khác
ngoài việc được yêu Chúa hơn. Amen. (Cha Piô)
Suy Niệm 2: Trở nên khác biệt
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Thiên Chúa là Đấng Khác, Hoàn Toàn Khác. Vượt mọi tầm hiểu biết của con người. Vượt mọi định nghĩa, công thức của con người. Vượt mọi ý định thâu tóm của con người. Đó là kinh nghiệm của các môn đệ sau ngày Chúa Phục Sinh. Đặc biệt với các môn đệ đi đường Em-maus hôm nay. Quả thật Thiên Chúa Khác Biệt làm nên những khác biệt. Ai được gặp gỡ với Chúa cũng đều trở nên khác biệt. Hai môn đệ Em-maus gặp được Chúa đã trở nên khác. Bản thân đổi khác. Buồn bã bỗng biến thành mừng vui. Ê chề thất vọng bỗng trở thành tràn trề hi vọng. Âm thầm trốn chạy bỗng công khai quay về.
Bài sách Công vụ Tông đồ trình bày một Phê-rô hoàn toàn đổi khác. Một người nhút nhát chối Thầy, nay bỗng công khai rao giảng trong hội đường. Một người trốn tránh nay thành một chứng nhân kiên cường. Một bác thuyền chài dốt nát nay thành một nhà giảng thuyết hùng hồn. Nghe ngài nói xong hàng ngàn người xin rửa tội.
Thực ra Chúa Phục Sinh vẫn hiện diện bên ta. Nhưng làm sao cho sự hiện diện của Chúa trở nên sống động và cụ thể? Lời Chúa hôm nay hướng dẫn cho ta 3 cách.
Thứ nhất: Biến hiện diện của Chúa thành sống động và cụ thể bằng cách sốt sắng dâng thánh lễ. Trình thuật Em-maus chính là một cử hành Thánh Thể. Chúa giải nghĩa Thánh Kinh. Chúa làm phép và bẻ bánh.
Thứ hai: Làm cho Chúa hiện diện bằng thực hành bác ái. Chính lòng hiếu khách, sự chia sẻ huynh đệ, đã giữ chân Chúa ở lại. Nhờ đó các ngài đã thấy Chúa hiển hiện cụ thể sống động trước mặt các ngài.
Thứ ba: Thánh Phê-rô, siêu thoát tất cả những giá trị trần gian, để chỉ có Chúa Phục Sinh ngự trong ta như thánh nhân nói: Tình, tiền, tài thì tôi không có. Nhưng tôi chỉ có Chúa Giê-su trong tôi. Khi ngài không có gì hết, sức mạnh của Chúa hoạt đông, chữa lành người què bẩm sinh.
Xin cho tất cả chúng ta được Chúa Phục Sinh làm cho nên khác biệt. Cho chúng ta biết dâng thánh lễ sốt sắng như chính Chúa Giê-su dâng lễ. Biết có lòng hiếu khách, bác ái chia sẻ như hai môn đệ Em-maus. Biết siêu thoát của cải danh vọng chức quyền như thánh Phê-rô. Để biến sự hiện diện của Chúa Phục Sinh thành cụ thể và sống động. Thế giới hôm nay như người què đang cần Chúa Phục Sinh đến chữa lành để có thể bước đi trên con đường ngay chính và hạnh phúc.
Suy Niệm 3: Trên đường Emmaus
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Tin Mừng hôm nay ghi lại cảm nghiệm về Ðấng Phục Sinh của hai người môn đệ đang trên đường đi về lành Emmaus. Cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Kitô Phục Sinh đã diễn ra trong lúc họ đang trên đường trở về làng cũ trong tâm trạng chán nản, buồn bã. Chúa Giêsu đã xuất hiện, không phải để mang lại giải đáp cho những câu hỏi được đặt ra, mà trái lại, Người gây nên thắc mắc và dẫn họ đi cho đến cùng sự tìm kiếm của mình.
Cảm nghiệm về Ðấng Phục Sinh của hai người môn đệ đang trên đường đi về làng Emmaus cũng có thể diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người tín hữu Kitô. Ðấng Phục Sinh luôn là người đồng hành với chúng ta. Trên mọi nẻo đường của cuộc sống chúng ta, Ngài luôn đi bên cạnh kể chuyện, hỏi han, tra vấn và tham dự vào mọi sinh hoạt của chúng ta. Cuộc sống của mỗi ngày chính là nơi Ngài đến để gặp gỡ con người. Cuộc sống mỗi ngày mới là nơi hẹn hò của Ðấng Phục Sinh với con người, là bởi vì cuộc sống ấy không bao giờ có thể làm cho con người thỏa mãn. Bên kia niềm vui và nỗi khổ, bên kia thành công và thất bại, con người vẫn nhận ra sự vong thân và thân phận nghèo hèn của mình. Nỗi khao khát về tuyệt đối con người không thể thỏa mãn được trong cuộc sống này, hoặc nếu có tìm cách xoa dịu thì lại tuyệt đối hóa những giá trị chóng qua của cuộc sống, để rồi cuối cùng vẫn thấy mình bị vong thân và bất lực. Bất lực trước cảnh khốn cùng, bất lực trước chiến tranh nghèo khổ, bệnh tật, bất lực trước hận thù, ích kỷ và nhất là bất lực trước cái chết. Sống trong thân phận ấy, con người không khỏi nêu lên câu hỏi: "Ðâu là ý nghĩa của tất cả những điều đó? Ðâu là ý nghĩa của thân phận con người?"
Chính lúc ấy, Chúa Kitô Phục Sinh xuất hiện, Ngài đến không phải để mang lại câu giải đáp, mà trước hết, như một con người giữa chúng ta, một con người cũng từng nêu lên những câu hỏi ấy, và cũng đã từng nổi loạn trước những nghiệt ngã của thân phận con người. Ngài đã từng mơ ước về một nhân loại tốt đẹp hơn. Ngài đã nói tất cả và đã làm hết sức có thể để xây dựng nhân loại ấy. Và cuối cùng, với cái chết đau thương trên thập giá, xem ra Ngài cũng đành bó tay bỏ cuộc. Nhưng chính lúc ấy, vì đã vâng phục Chúa Cha một cách tuyệt đối để sống tận kiếp người và sống trọn vẹn cho con người, Ngài đã mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.
Ðây chính là kinh nghiệm mà người bạn đồng hành, Chúa Giêsu Phục Sinh, đã chia sẻ cho hai người môn đệ trên đường Emmaus. Tâm hồn họ nóng bừng lên khi Ngài chia sẻ kinh nghiệm của Ngài, và nhất là khi Ngài nói lên ý nghĩa về cái chết của Ngài qua cử chỉ bẻ bánh và trao ban. Mắt của hai người môn đệ đã mở ra để nhận biết Ngài, hiểu được các biến cố vừa xảy ra, và dĩ nhiên thấy được ý nghĩa của chính cuộc sống của họ.
Ngày nay, trong từng biến cố của cuộc sống chúng ta, Chúa Kitô Phục Sinh cũng đang đến và đồng hành với chúng ta trong từng sinh hoạt và gặp gỡ của chúng ta. Ngài có mặt trong từng niềm vui và nỗi khổ của chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận Ngài như người bạn đồng hành, chuyện vãn và chia sẻ với chúng ta, đôi mắt đức tin của chúng ta sẽ mở ra, và lúc đó, trong ánh sáng Phục Sinh của Ngài, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.
Ước gì sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh và hai người môn đệ trên đường Emmaus cảm nhận được lấp đầy tâm hồn chúng ta, để trong mọi cảnh huống của cuộc sống, chúng ta không lẫm lũi bước đi trong đơn độc mà trái lại, hân hoan tiến bước với Ngài.
Suy Niệm 4: Sao các bạn buồn
Cùng ngày hôm ấy hai môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc vừa mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. (Lc. 24, 13-16)
Hai môn đệ trở về Em-mau, con đường quê cũ, con đường đời thường đều đều. Nhưng hôm nay như đầy hố sâu, vắng lạnh, như kẻ đưa ma trở về, như gặp tai nạn, như cơn bệnh tái phát, lớp trẻ như thấy tương lai đen tối, như cảnh cô đơn hiu quạnh mất bạn chăn gối. “Các bạn có vẻ bi thảm, cái gì đã xảy ra vậy?”.
Đó chính là những cái chết tuyệt vọng. Người ta phải biết xây dựng lại cái đời sống chán đời và cái tương lai chôn chết đời mình để đừng sống trong những cái chết đó nữa.
Đó là điều không thể tha thứ được khi đánh mất hy vọng giải thoát như các môn đệ trên đường Em-mau: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng cứu thoát Ít-ra-en”. Chúng ta cũng nói đúng như thế khi chúng ta gặp thất bại: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng kế hoạch đó sẽ thành công, thì chúng tôi sung sướng biết mấy, nhưng nay đầy những trắc trở”. Ai đánh mất hy vọng, không còn ước muốn gì nữa, thì đã biến mình thành con vật rồi. Thật khốn khổ!
Bao nhiêu Kitô hữu trong chúng ta đang đi trên đường Em-mau như vậy? Con đường dẫn tới hố tuyệt vọng. Họ đã không bao giờ sống hy vọng được giải thoát, được cứu độ, được vinh quang. Họ đã quay lưng đi, đi trong buồn thảm như hai môn đệ.
Chính lúc này, người khách bộ hành trở nên quan trọng, ông đến đồng hành với họ, nói với họ, đàm đạo với họ và giải thích lời Chúa cho họ.
Chính lúc này cần đón nhận họ, làm cho họ thấy những dấu chỉ của lòng thương yêu, của sự chia sẻ bánh thánh cùng với cộng đoàn trong ngày Chúa nhật để ánh sáng phục sinh soi sáng cho họ qua các dấu chỉ được nghe lời Chúa và được bẻ bánh.
Được đón tiếp vào nơi bình an như vậy, đức tin và đức cậy sẽ nẩy sinh trong họ, nếu họ biết mở lòng, mở con tim, xả hết nỗi buồn sầu u ám ra, cho niềm vui phục sinh tràn vào.
Suy Niệm 5: Chúa Ðã Sống Lại
(‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)
Trên đường về làng Emmau có hai kẻ song hành. Họ âm thầm bước đi bên nhau, mỗi người một suy nghĩ nhưng có cùng một mẫu số chung là tuyệt vọng. Và tuyệt vọng cũng là điều dễ hiểu vì Thầy họ, một người đầy uy quyền mà phải đầu hàng trước hội đường Do Thái, phải gục ngã trước uy quyền của thần chết.
Bởi thế, dù bước đi bên nhau mà tưởng chừng như độc hành. Cùng trên đoạn đường đi ấy, một người thứ ba xuất hiện đi cùng và đối thoại trao đổi cách thân tình. Vì thế, lòng họ ấm áp lại và rồi tâm hồn họ đã hồi sinh thực sự khi Ngài bẻ bánh trao cho họ. "Trao bánh" là ban một cử chỉ thông hiệp thân mật và là mối dây thông cảm thân tình giữa Thầy và Trò.
Thế giới hôm nay cũng không thiếu những tâm hồn cô độc tuyệt vọng. Tuyệt vọng vì mất niềm tin, vì không thấy ý nghĩa cuộc đời. Tuyệt vọng vì chiến tranh bạo lực, vì những cấu xé tranh giành giữa con người cùng chung một dòng máu. Tuyệt vọng vì nghèo đói, bị khinh bỉ, bị đặt ra ngoài lề xã hội.
Giữa những cảnh tuyệt vọng ấy, bổn phận người Kitô hữu là gì nếu không phải là đốt lên ngọn lửa yêu thương để sưởi ấm tâm hồn. Bổn phận này không đòi hỏi phải có những tổ chức rộng lớn, nhưng phương tiện tân kỳ hoặc những khả năng phi thường, nhưng chỉ cần những đối thoại trao đổi đơn sơ nhưng đầy tình Chúa và tình người cũng mang lại những giá trị của nó: "Phải chăng trong lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong khi Ngài đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?"
Một cử chỉ cầm tay và ngồi bên giường bệnh nhân hàng giờ của người nữ y tá chẳng là gì, nhưng nếu không có cử chỉ ấy thì giá trị của cuộc giải phẫu sẽ chẳng lường trước được.
Lạy Chúa, nếu cuộc sống đã làm cho con đau lòng tuyệt vọng thì xin Chúa cho con biết tìm về Lời Chúa và Mình Chúa để lấy lại sức mạnh cho tâm hồn. Vì Lời Chúa sẽ hâm nóng tâm hồn giá lạnh của con; và bàn tiệc Thánh Thể sẽ cho con được hồi sinh. Ðể như hai môn đệ trên đường Emmau, một khi đã được hồi sinh, con sẽ đến với người anh em để nói cho họ về niềm tin vui Phục Sinh, về tình thương của Chúa. Amen.
Suy Niệm 6: Lời Chúa đem lại niềm vui và hy vọng
Xem lại CN III Phục Sinh A
Có những dấu chỉ, biến cố, sự kiện, khi nhắc đến, người ta nghĩ ngay tới một người hay nhóm người liên hệ.
Cũng vậy, hôm nay, khi nói đến làng Emmaus, người ta nghĩ ngay đến sự kiện, biến cố liên quan trực tiếp đến Đức Giêsu phục sinh. Emmaus cách Giêrusalem khoảng 29 km. Đây là đoạn đường mà hai môn đệ đã đi sau cái chết của Đức Giêsu.
Con đường Emmaus mà hai môn đệ hồi hương lần này là con đường mang đậm tâm trạng buồn chán và côi cút của hai môn đệ khi các ông trở về trong nỗi thất vọng vì lý tưởng sụp đổ. Buồn vì người Thầy quý yêu đã bị người ta giết chết cách oan nghiệt, phũ phàng. Thất vọng vì Thầy mình đã bị ngã gục cách ê chề dưới bàn tay hung ác của con người. Vì thế, tương lai, lý tưởng, vận mạng của mình cũng sụp đổ tan tành.
Những bước đi thất thểu và lầm lũi khi trời đã về chiều, cộng thêm sự cực nhọc, đói khát đã làm cho tinh thần và thể xác, cả hai cùng uể oải.
Đang mang tâm trạng u ám như vậy, Đức Giêsu đã hiện ra với hai ông và bộ hành cùng họ. Ngài nhỏ to chuyện đời, chuyện đạo với các ông. Tuy nhiên, vì nỗi kinh hoàng của cuộc khổ nạn, và nhất là cái chết tức tưởi trên thập giá của Thầy mình, nên các ông không hề nghĩ rằng Đấng đã chết thì cũng là Đấng Phục Sinh đang hiện ra và trò chuyện với các ông.
Tuy nhiên, lòng họ chỉ bừng sáng lên khi Ngài kể chuyện Kinh Thánh, và nhất là niềm hy vọng được nhóm lên nhờ việc Ngài soi sáng để các ông hiểu được về sứ vụ của Đấng Cứu Thế qua những đoạn Thánh Kinh nói về Ngài. Nhưng lòng họ vẫn nặng trĩu u buồn, nên Đức Giêsu giờ này vẫn chỉ là một vị khách quý trong tâm tưởng của họ.
Chỉ khi trời đã tối và các ông mời Ngài ở lại với và dùng bữa với tư cách là khách mời, rồi cũng lúc này, Đức Giêsu làm những cử chỉ quen thuộc như lúc sinh thời, khi ấy họ mới nhận ra và lòng họ bừng cháy lên niềm tin tưởng, hân hoan vì những lời Kinh Thánh nói về Ngài đã thực sự ứng nghiệm.
Tâm trạng của hai môn đệ này được ví như thửa đất khô cằn nay được nước tưới..., nên lập tức, họ đã quay lại với cộng đoàn và không ngừng tuyên tín những điều đã thấy, đã nghe cho những anh em còn ở lại Giêrusalem.
Sứ điệp lời Chúa hôm nay dạy cho ta những bài học sau:
Lời Chúa là đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng chỉ đường chúng ta đi.
Thánh Thể là niềm hy vọng, an ủi, là chóp đỉnh của cuộc đời chúng ta.
Khi đã lãnh nhận được niềm vui của Lời Chúa và sức sống nơi bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cũng hãy lên đường để làm chứng và loan báo về Chúa cho người khác như hai môn đệ trên đường Emmaus hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin hãy đến và hiện diện trong cuộc đời chúng con, để cuộc đời chúng con có Chúa là niềm vui, bình an, hạnh phúc. Xin cũng cho chúng con biết sẵn sàng lên đường loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Chúa đến với những người đang thất vọng và đau khổ. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 7: Chúa Giêsu thuyết phục 2 môn đệ Emmaus
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Trong tăm tối hãi hùng của bản án tử Thập giá, Tin mừng Phục Sinh vừa lóe sáng, nhưng không đủ sức thuyết phục những con người thất vọng đang trở về quê cũ. Chúa Phục Sinh đã đến để họ nhận ra Ngài và nên nhân chứng cho Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Phục Sinh, điều chắc chắn nơi các môn đệ của Chúa, là tận mắt chứng kiến Chúa chết trên thập giá, còn việc Chúa sống lại đối với họ chỉ là một tin đồn, không có chứng cớ thuyết phục. Để chọn lựa giữa cái chắc chắn và tin đồn, các tông đồ đã chọn cái chắc chắn, một cái chắc chắn đưa đến thất vọng và thối lui. Nhưng Chúa đã sống lại và đã hiện diện giữa nỗi thất vọng của các môn đệ, đã chia sẻ nỗi lòng của họ, đã dùng Lời Kinh Thánh soi sáng cõi lòng họ và nhất là đã dùng dấu chứng của phép Thánh Thể để tỏ mình cho họ, để đem họ trở về, để kéo họ ra khỏi vũng lầy thất vọng. Chúa đã làm cho buổi chiều tối âm u ấy bừng sáng một sức mạnh diệu kỳ. Chúa đến biến đổi đôi chân nặng nề thành nhanh lẹ để vụt dậy chạy về Giêrusalem hô to Tin mừng Phục Sinh.
Lạy Chúa Giêsu, cuộc sống của con có những cái chắc chắn trước mắt, cái chắc chắn đầy tăm tối của ngày mai, cái chắc chắn của một cơn bệnh nan y kéo dài, cái chắc chắn của cuộc sống gia đình lắm bất hòa chia rẽ … Bao nhiêu cái chắc chắn làm cho cuộc sống con ra tăm tối, bấp bênh, bất ổn … Xin Chúa cho con nhận ra Chúa đã phục sinh và đang hiện diện giữa chúng con. Xin cho con biết đến với Lời Chúa và nhất là bí tích Thánh thể để kín múc ánh sáng niềm vui, hy vọng và sức mạnh. Xin Chúa ở lại với con luôn mãi. Amen.
Ghi nhớ: “Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh”.
Suy Niệm 8: Chúa Phục sinh hiện diện trên đường Emmaus
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Cộng đoàn Emmaus khởi sự bằng một căn nhà đổ nát ở vòng đai của thành phố Paris trong đệ nhị thế chiến. Ban đầu quy tụ những người đầu tiên là các thanh thiếu niên bụi đời, những người không nhà không cửa, hoặc các tù nhân vừa được phóng thích, nói chung là tất cả những người thiếu thốn, khốn khó trong cuộc sống hằng ngày… Đấng sáng lập là cha Phêrô (Pierre), là một nhân vật sau này đầu thế kỷ XXI được nhân dân Pháp yêu mến nhất trong các nhân vật nổi bật của nước Pháp. Cha Phêrô thường nói với những người mới đặt chân đến cộng đoàn: “Bạn không được may mắn, nhưng tôi cần bạn để giúp đỡ những người khác…”. Dù khổ sở đến đâu, ai cũng muốn người khác nhìn nhận giá trị của mình, ai cũng muốn mình trở thành hữu ích cho người khác. Đó là sự khích lệ mà cha Phêrô luôn khơi dậy nơi những người đã mất tất cả hy vọng, một cái nhìn rất nhân bản, khuyến khích mọi người bất hạnh luôn vươn lên trong cuộc sống…
Hơn cả một ý nghĩa nhân bản, khi cha Phêrô đặt tên Emmaus cho cộng đoàn, ngài và cộng đoàn nhớ lại câu chuyện hai môn đệ của Chúa Giêsu trong buổi chiều Phục sinh: Nhận ra Chúa đồng hành với môn sinh trên đường Emmaus. Cũng như hai môn đệ này, giữa lúc họ tưởng như mất tất cả, Chúa Giêsu đã hiện đến mang lại niềm tin cho họ trong con đường Emmaus cuộc đời. Cha Phêrô và các anh em cộng sự đã tìm gặp Đấng Phục Sinh trong lữ hành cuộc đời, như hai môn đệ trên đường Emmaus, đó là tất cả hứng khởi, niềm tin yêu giữa những mất mát ê chề của cuộc sống, nhưng vẫn thăng tiến bước về Giêrusalem với niềm hân hoan Chúa Phục Sinh hiện diện…
Suy niệm
Sau ngày Sabát, nghĩa là ngày thứ ba từ khi Chúa Giêsu chịu chết, hai môn đệ trong nhóm 72 của Ngài, trong tâm trạng buồn rầu chán nản vì niềm tin vào Thầy bị dập tắt, họ đã rời bỏ Giêrusalem về lại quê hương là một làng mang tên Emmaus. Bản văn Tin Mừng xác định cụ thể Emmaus là một ngôi làng cách Giêrusalem về phía tây bắc khoảng 60 dặm, dặm - đơn vị đo lường của Hy Lạp cổ (stadious - một dặm = 192m), khoảng cách đó có thể ước lượng với đơn vị đo lường hiện đại là khoảng 11,5 cây số.
Trên đường về Emmaus, Đức Giêsu Phục Sinh đã đến bên cạnh họ, nhưng họ không nhận ra Ngài. Thấy họ buồn rầu vì cái chết gây xôn xao của Thầy mà họ tin là Đấng Mêssia, Chúa đã giải thích cho họ, dựa theo Kinh Thánh, rằng Đấng Mêssia phải chịu đau khổ và chết để đi vào vinh quang. Sau đó, theo lời nài nỉ của hai môn đệ, Ngài cùng vào nhà với các ông. Ngài ngồi vào bàn, đọc lời chúc lành trên bánh, bẻ ra và trao cho các ông. Chính lúc ấy, hai môn đệ mới nhận ra Thầy, nhưng Ngài đã biến mất, để lại cho họ sự ngỡ ngàng trước tấm bánh được bẻ ra, dấu chỉ của sự hiện diện. Lập tức hai người đã trở về Giêrusalem loan báo Chúa Phục sinh mà họ đã thấy và thuật lại tất cả điều đã xảy cho các môn đệ.
Đường Emmaus của các môn đệ tượng trưng cuộc lữ hành của chúng ta trên dương thế. Tâm trạng của các ông là hình ảnh điển hình cho những kinh nghiệm về cuộc khủng hoảng đức tin của mỗi người chúng ta đối diện hằng ngày làm cho chúng ta mệt mỏi thất vọng và bào mòn niềm tin. Nhưng trên đường cuộc sống, giữa những thử thách khủng hoảng, Chúa Giêsu đến bên cạnh và giúp cho các môn đệ thanh luyện đức tin trong ý nghĩa của các Lời Kinh Thánh quy về Đấng Thiên Sai - Giêsu.
Toàn bộ diễn tiến của trình thuật lại đường Emmaus, chúng ta nhận thấy phác hoạ cuộc sống hàng ngày với trung tâm điểm là thánh lễ. Cuộc lữ hành của hai môn đệ, Chúa đến và dẫn đưa các ông vào thánh lễ trung tâm điểm của cuộc đời mà Ngài luôn hiện diện: Tin mừng Luca nhấn mạnh các ông lắng nghe Tin Mừng: “Đoạn Người bắt đầu từ Môisê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người”. Sau đó Ngài cử hành Thánh Thể: “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho hai ông” (Lc 22,19-20. Chúa Giêsu đã làm những cử chỉ như trong bữa tối cuối cùng lập ra bí tích Thánh Thể và truyền cử hành cho đến ngày tận thế chính là thánh lễ hằng ngày. Chúng ta thông hiệp vào bí tích Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu. Trong thánh lễ giữa cuộc đời chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Kitô Phục sinh giữa chúng ta.
Giữa những bước đi thăng trầm của cuộc đời, chúng ta xin cùng Chúa rằng: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Chiều về, ngày sắp tàn là lúc bóng đêm buông xuống, và sự dữ cùng bóng tối hoành hành; thế lực bóng tối mà chúng con phải chiến đấu. Xin Chúa luôn ở lại với chúng con trên đường đời đầy chông gai và thử thách. Xin Chúa lưu lại với chúng con, để dạy chúng con biết sống như những Kitô hữu “biết trỗi dậy” và “hồi sinh”.
Chúa Phục sinh hiện diện trên đường Emmaus, là niềm tin chúng ta cần phải bám lấy, tín thác trong hành trình của cuộc đời. Dù đang sầu khổ, thất vọng vì những mất mát ê chề trong cuộc sống. Dù đang quằn quại trong đau khổ của thể xác và tinh thần. Dù đang cảm thấy mình ở dưới vực thẳm của tội lỗi… Bám vào Chúa đang hiện diện một cách huyền nhiệm.
Ý lực sống: “Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh” (Tv 15,11a).
Suy Niệm 9: Trên đường đi Emmaus
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Sau Matthêu và Gioan, đến phiên thánh Luca tường thuật. Tin Mừng Luca được gọi là “Tin Mừng của người môn đệ”, Luca tường thuật tác động việc Đức Giêsu chết và sống lại nơi các môn đệ. Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau, biến đổi con người từ thái độ ngờ vực đến thái độ tin nhận một cách xác tín và làm chứng cho Tin mừng Phục sinh.
2.Trên đường về Emmau, Đức Giêsu Phục sinh đã đến bên cạnh họ, nhưng họ không nhận ra Ngài. Thấy họ buồn rầu vì cái chết gây xôn xao của Thầy mà họ tin là Đấng Messia. Chúa đã giải thich cho họ, dựa theo Kinh Thánh, rằng Đấng Messia phải chịu đau khổ và chết để đi vào vinh quang. Sau đó, theo lời nài nỉ của hai môn đệ, Ngài cũng vào nhà với các ông. Ngài ngồi vào bàn, đọc lời chúc lành trên bánh, bẻ ra và trao cho các ông. Chính lúc ấy, hai môn đệ mới nhận ra Thầy, nhưng Ngài đã biến mất, để lại cho họ sự ngỡ ngàng trước tấm bánh được bẻ ra, dấu chỉ của sự hiện diện. Lập tức hai người đã trở về Giêrusalem loan báo Chúa Phục sinh mà họ đã thấy và thuật lại tất cả cảc điều đã xẩy ra cho các môn đệ.
3. Đức Giêsu đã nhận lời mời của hai ông, dừng lại ở quán trọ Emmau, Ngài quan tâm đến nhu cầu của các ông. Ngày nay cũng vậy, Ngài luôn luôn dừng lại khi được yêu cầu và sẵn sàng ở lại với những ai cần đến Ngài. Đúng thế, Đức Giêsu là Đấng luôn luôn biết dừng chân khi được mời gọi, Ngài là Đấng luôn luôn hiểu thấu khi được cầu cứu, Ngài là Đấng luôn luôn chữa lành khi được đụng tới, Ngài là Đấng luôn luôn ở lại với những ai cần đến Ngài, Ngài là Đấng luôn luôn quan tâm và thương xót tất cả mọi người, chẳng trừ ai.
4. Đường Emmau của các môn đệ tượng trưng cho cuộc lữ hành của chúng ta trên dương thế. Tâm trạng của các ông là hình ảnh điển hình cho những kinh nghiệm về cuộc khủng hoảng đức tin của mỗi người chúng ta đối diện hằng ngày làm cho chúng ta mệt mỏi thất vọng và bào mòn niềm tin. Nhưng trên đường cuộc sống, giữa những thử thách khủng hoảng, Đức Giêsu đến bên cạnh và giúp cho các môn đệ thanh luyện đức tin trong ý nghĩa của các Lời Kinh Thánh quy về Đấng Thiên Sai – Giêsu.
5. Để làm sống lại đức tin đã bị lung lay, người môn đệ cần có ba yếu tố: Kinh Thánh, Bí tích Thánh Thể, cộng đoàn sống đức tin.
Lời Chúa là của ăn nuôi sống đức tin. Toàn bộ Kinh Thánh đều qui về Đức Giêsu Kitô. Khi bị thử thách, người môn đệ không nên cắt đứt với Lời Chúa, nhưng hãy kiên trì đọc, Suy Niệm và khiêm tốn xin Chúa giải thích lời Chúa cho mình hiểu. Tâm hồn hai môn đệ Emmau đã bừng cháy lên khi nghe Chúa giải thích Kinh Thánh.
Nhưng Kinh Thánh mới chỉ là khởi đầu của một cuộc trở về, một cuộc phục hồi đức tin còn được thể hiện khi hai môn đệ nhận ra Đức Giesu lúc Ngài bẻ bánh. Từ ngữ “Bẻ bánh” trong cộng đoàn Kitô tiên khởi có nghiã là cử hành Bí tích Thánh Thể: Bí tích Thánh Thể hoàn tất điều mà Lời Chúa khơi dậy trong tâm hồn con người.
Cuối cùng, đích điểm của cuộc trở lại là cộng đoàn đức tin: đức tin được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Mình Chúa không thể chỉ dừng lại hoặc giới hạn nơi cá nhân, mỗi môn đệ là thành phần của cộng đoàn đang tuyên xưng đức tin: đức tin không bao giờ chỉ là đức tin riêng rẽ, nhưng là đức tin trong một cộng đoàn: “Tôi tin”, đồng thời cũng là “Chúng tôi tin” (Mỗi ngày một tin vui)
6. Giữa những bước đi thăng trầm của cuộc đời, chúng ta xin cùng Chúa rằng: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Chiều về, ngày sắp tàn là lúc bóng đêm buông xuống, và sự dữ cùng bóng tối hoành hành, thế lực bóng tối mà chúng con phải chiến đấu. Xin Chúa ở luôn với chúng con trên đường đầy chông gai và thử thách. Xin Chúa lưu lại với chúng con, để dạy chúng con biết sống như những Kitô hữu “biết chỗi dạy” và “hồi sinh”.
7. Truyện: Cộng đoàn Emmau của cha Phêrô.
Cộng đoàn Emmau khởi sự bằng một căn nhà đổ nát ở vòng đai của thánh phố Paris trong đệ nhị thế chiến. Ban đầu qui tụ những người đầu tiên là các thanh thiếu niên bụi đời, những người không nhà không cửa, hoặc các tù nhân vừa được phóng thích, nói chung là tất cả những người thiếu thốn khốn khổ trong cuộc sống hằng ngày...
Đấng sáng lập là cha Phêrô (Pierre), là một nhân vật sau này đầu thế kỷ XXI được nhân dân Pháp yêu mến nhất trong các nhân vật nổi bật của nước Pháp. Cha Phêrô thường nói với những người vừa đặt chân đến cộng đoàn: “Bạn không được may mắn, nhưng tôi cần bạn để giúp đỡ những người khác...”. Dù khổ sở đến đâu, ai cũng muốn người khác nhìn nhận giá trị của mình, ai cũng muốn mình trở nên hữu ích cho người khác. Đó là sự khích lệ mà cha Phêrô luôn khơi dậy nơi những người đã mất tất cả hy vọng, một cái nhìn rất nhân bản, khuyến khích mọi người bất hạnh luôn vươn lên trong cuộc sống.
Hơn cả một ý nghĩa nhân bản, khi cha Phêrô đặt tên Emmau cho cộng đoàn, ngài và cộng đoàn nhớ lại câu chuyện hai môn đệ của Đức Giêsu trong buổi chiều Phục Sinh. Nhận ra Chúa đồng hành với môn sinh trên đường Emmau. Cũng như hai môn đệ này, giữa lúc họ tưởng như mất tất cả, Đức Giêsu đã hiện đến mang lại niềm tin cho họ trong con đường Emmau cuộc đời. Cha Phêrô và các anh em cộng sự đã tìm gặp Đấng Phục Sinh trong lữ hành cuộc đời, như hai môn đệ trên đường Emmau, đó là tất cả hứng khởi, niềm tin yêu giữa những mất mát ê chề của cuộc sống, nhưng vẫn tiến bước về Giêrusalem với niềm hân hoan Chúa Phục Sinh hiện diện.
Suy Niệm 10: Chúa Giêsu phục sinh tác động nơi các môn đệ
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Sau Mát-thêu và Gioan, đến phiên thánh Luca tường thuật. Tin mừng của Luca được gọi là “Tin mừng của người môn đệ”, nên thánh Luca tường thuật tác động việc Chúa Giêsu chết và sống lại nơi các môn đệ.
1. Có hai môn đệ, nhưng Lu-ca chỉ nêu tên một người là Clêôpha, người kia không tên, có lẽ Lu-ca muốn độc giả hiểu người vô danh ấy là bất cứ môn đệ nào, độc giả có thể coi mình là chính môn đệ ấy và chia sẽ cảm nghiệm của người môn đệ ấy.
2. Cái chết của Chúa Giêsu đã khiến người môn đệ hoang mang, bỏ cuộc hành trình theo Chúa để trở về quê của mình.
3. Nhưng Chúa Giêsu Phục sinh không bỏ họ. Ngài vẫn đồng hành với họ dù họ không nhận ra Ngài.
4. Chúa Giêsu cùng Thánh kinh và việc “bẻ bánh” (bí tích tạ ơn) để làm sống lại niềm tin nơi họ.
Ý chính của tường thuật này: Chúa Giêsu Phục sinh vẫn đang sống, Ngài ở kề bên chúng ta. Hai nơi thuận tiện nhất để tôi nhận ra Ngài là Thánh kinh và dự lễ.
B. Suy Niệm (...nẩy mầm)
1. Khi không nêu tên người môn đệ kia, thánh Luca muốn tôi hiểu rằng mỗi người chúng ta có thể là người môn đệ ấy, nên cũng có thể chia sẻ cảm nghiệm của người môn đệ ấy với Chúa Giêsu Phục sinh: Chúa Giêsu Phục sinh vẫn đang sống và đang đồng hành với chúng ta trong hành trình đời ta mặc dù con mắt xác thịt ta không nhận ra Ngài. Những nơi ưu tiên ta có thể gặp thấy Ngài là Thánh kinh và Thánh lễ.
2. “Xin Ngài ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày đã sắp tàn”. Một lời rất hay, ta có thể dùng làm lời cầu nguyện mỗi khi cảm thấy cảnh đời như màn đêm tăm tối đang phủ đầy xuống chúng ta.
3a. Muốn đọc Thánh kinh với một tâm hồn cháy bừng lên, ta hãy đọc với Chúa Giêsu Kitô.
3b. Một bà kia rất thường đọc Sách Thánh và đọc rất sốt sắng. Khi được hỏi tại sao bà dùng một thí dụ để giải thích:
Một hôm tôi nhận được một bức thư của một người tôi rất quý mến. Tôi đã đọc rất kỹ và đọc đi đọc lại 5 lần. Không phải vì tôi không hiểu lời lẽ trong thư vốn đã quá rõ, nhưng là vì tôi biết đó là lời của một người rất thương tôi và tôi cũng rất thương người đó (United Presbyrian).
4. “Để làm sống lại đức tin đã bị lung lay, người môn đệ cần có 3 yếu tố: Thánh kinh, Bí tích Thánh Thể, cộng đoàn sống đức tin…Khi đức tin của chúng ta bị lung lay, bị thử thách, chúng ta cần kiểm điểm lại xem chúng ta có thái độ nào đối với Lời Chúa. chúng ta sống Bí tích Thánh thể ra sao, chúng ta hiệp nhất với cộng đoàn tin xưng đức tin thế nào” (“Mỗi ngày một niềm vui”).
5. Tôi rất quý bạn bè. Chỉ mong sao bạn được hạnh phúc: những gì có thể làm cho bạn vui hơn được một chút, là tôi nguyện cố gắng. Nhưng trước nỗi buồn chán, thất vọng của bạn, tôi thật lúng túng, vụng về cũng khi cũng “xìu” luôn.
Hôm nay thánh Lu-ca cho thấy Chúa Giêsu Phục sinh là người bạn tuyệt vời.
Hai môn đệ trên được Emau cũng là người bạn của Chúa. Họ đang chán trường, thất vọng, buông xuôi tất cả. Thế mà Chúa Giêsu đã giúp vui mừng chỗi dậy, quay lại Giê-ru-sa-lem…thất vọng thành hy vọng tràn trề.
Chúa Giêsu đã làm gì ?
Ngài đến và cùng đi với họ. Gợi cho họ thổ lộ nỗi lòng và giải thích Thánh kinh cho họ nghe, cảm thông, đồng bàn với họ. Chia sẻ cơm bánh với họ. Ngài đã đồng hành với họ trong vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của họ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con là người bạn tốt lành của anh em, bằng cách đồng hành với họ trên mọi nẻo đường cuộc sống. (Epphata).
Suy Niệm 11: Chúa Giêsu Phục Sinh đang sống, ở kề bên ta
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Sau Mátthêô và Gioan, đến phiên thánh Luca tường thuật. Tin Mừng của Luca được gọi là “Tin Mừng của người môn đệ”.
Có hai môn đệ, nhưng Luca chỉ nêu tên một người là Clêôpha, người kia không tên, có lẽ Luca muốn độc giả hiểu người vô danh ấy là bất cứ môn đệ nào của Chúa. Độc giả cũng có thể coi mình là chính môn đệ ấy để được chia sẻ với người môn đệ này những cảm nghiệm thật thú vị trên đường.
Hai môn đệ này là những người đã có một thời theo Chúa. Thế nhưng, cái chết của Chúa đã khiến họ hoang mang và bỏ cuộc. Họ đang cùng nhau trên đường trở về quê quán của mình.
Hai môn đệ đã bỏ Chúa nhưng Chúa không bỏ họ. Ngài vẫn đồng hành với họ dù họ không nhận ra Ngài.
Để làm sống lại niềm tin nơi hai môn đệ này, Chúa Giêsu đã dùng hai phương thế: Thánh Kinh và việc “bẻ bánh”. Thánh Kinh và Bí tích Tạ ơn đã giúp họ tìm lại được niềm tin và cuộc đời của họ đã được đổi mới.
Như vậy, chúng ta có thể nói: Ý chính của bài tường thuật này là: Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn đang sống, Ngài ở kề bên chúng ta. Hai nơi thuận tiện nhất để chúng ta nhận ra Ngài là Thánh Kinh và Thánh Lễ.
2. Khi không nêu tên người môn đệ kia, thánh Luca dường như muốn cho chúng ta hiểu rằng, mỗi người chúng ta là người môn đệ ấy. Hãy đặt mình vào con người của người môn đệ ấy để cảm nghiệm được niềm vui khi nhận ra Chúa Phục Sinh.
Khi đức tin của chúng ta bị lung lay, bị thử thách, chúng ta hãy chạy đến với Thánh Kinh, Bí tích Thánh Thể, cộng đoàn sống đức tin để xây dựng lại. Thánh Kinh, Thánh Thể và cộng đoàn đức tin là ba cột trụ vững chắc để nâng đỡ niềm tin của chúng ta.
Jacques Loew là người phu khuân vác ở bến tàu. Anh là đảng viên của đảng Lao Động Thụy Sĩ. Bỗng một hôm anh nảy ra ý định thử đi tìm hiểu điều mà những người Công giáo vẫn tin tưởng là có thực đó là “có một Thiên Chúa”. Anh muốn biết điều đó có thực hay không ? Muốn là làm. Anh tìm đến một dòng khổ tu và nói rõ ý định của mình với cha bề trên của dòng. Với nụ cưới thật tươi trên môi, cha bề trên rất cảm động nói với anh những lời này:
- Anh đã đi đúng đường rồi đó, anh cứ tiếp tục đi đi. Anh hãy coi tu viện đây như là nhà của anh.
Rồi cha bề trên giơ tay chỉ nhà nguyện và nói:
- Đây là nhà nguyện, nếu anh muốn xin mời anh vào.
Lúc ấy nhà nguyện đang có Thánh lễ. Jacques Loew đi vào. Anh quì xuống như bao người khác. Rồi anh cứ quì mãi trong khi những người khác đã thay đổi vị thế, khi ngồi, khi đứng. Đến lúc đã mỏi gối, anh ngồi lên thì lúc đó lại là lúc mọi người khác trong nhà nguyện đều quì sụp xuống vì đó là lúc truyền phép Mình Máu Thánh Chúa.
Đến lúc rước lễ, hầu như tất cả đều lên rước lễ, trừ anh thì cứ ngồi lại tại chỗ. Anh nghĩ thầm trong lòng: Mình thật không giống ai.
Ngồi ngó những người lên rước lễ đi xuống, anh nhận ra có rất nhiều khuôn mặt khác nhau: người học thức, kẻ có địa vị cao ngoài xã hội, và dĩ nhiên cũng có cả những người bình dân nữa. Jacques Loew tự hỏi: Sao những người này mê tín thế ? Ăn miếng bánh nhỏ bằng đồng xu kia để làm gì ? Họ có điên không ?
Nhưng rồi ý tưởng trên đây của Loew đã bị một tư tưởng khác tấn công: không lẽ tất cả những người học thức, có địa vị ngoài xã hội hơn mình, họ lại điên, còn mình thì lại khôn sao ? Hay là ngược lại, tôi điên ?
Thế rồi, Jacques Loew bắt đầu đi tìm hiểu về phép Thánh Thể với cha bề trên. Sau một thời gian, anh đã tâm sự: “Bây giờ tôi có thể nói như hai môn đệ Emmau: “Tôi nhận ra Ngài lúc Ngài bẻ bánh”. Chính lúc bẻ bánh chúng tôi mới biết là chúng tôi là anh chị em với nhau trong Chúa Kitô. Có những người mà trước đó gặp ở ngoài đường, chúng tôi dửng dưng như người xa lạ, nhưng trên bàn tiệc thánh, chúng tôi thấy gần gũi với nhau. Tôi gặp Chúa Kitô nơi họ, cũng như họ gặp Chúa Kitô nơi tôi, bởi chúng tôi cùng tin Tin Mừng, cùng lãnh nhận một của ăn là Mình và Máu Chúa Kitô”.
Sau này Jacques Loew đã trở thành một linh mục. Ngài đã hoạt động rất tốt trong phong trào Linh Mục thợ.
Lạy Chúa,
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện
để con khỏi quên Chúa.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con yếu đuối,
con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn.
Cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.
Con cần được thêm sức mạnh
để khỏi ngừng lại dọc đường.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.
Con không dám xin những ơn siêu phàm,
chỉ xin ơn được Ngài hiện diện. Amen.
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 1,093)
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.
+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,391)
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,225)
Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,764)
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,428)
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,816)
Thứ Tư tuần 33 thường niên.
Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,804)
Thứ Ba tuần 33 thường niên.
Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,914)
Thứ Hai tuần 33 thường niên.
+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,233)
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,580)
Thứ Bảy tuần 32 thường niên.
-
Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa.
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.
- CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B....
- Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
-
Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh(phần 1)
Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô...
-
Đức Giesu Kito, một vị Vua khác
Hôm nay, “nếu bạn tin vào Chúa Kitô, hãy để Ngài là Vua trong cuộc đời bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn bạn sống theo sự thật, bởi vì Ngài là...
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất