Thứ Tư 04/10/2023 – Thứ Tư tuần 26 thường niên. – Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ. – Điều kiện theo Chúa Giêsu.
- In trang này
- Lượt xem: 4,920
- Ngày đăng: 03/10/2023 10:00:00
Điều kiện theo Chúa Giêsu.
04/10 – Thứ Tư tuần 26 thường niên. – Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ.
"Dù Thầy đi đâu, tôi cũng theo Thầy".
* Thánh nhân sinh năm 1182 tại Assisi. Từ ngày trở lại, gặp Chúa Kitô ở nhà thờ thánh Đa-mi-a-nô cho tới ngày từ trần ở Poóc-ti-un-cu-la (1226), thánh nhân -con người được mệnh danh là Người Nghèo thành Assisi- cùng với các anh em tu sĩ của mình sống nghèo khó, rảo khắp nơi loan báo tình yêu của Thiên Chúa. Người cũng đặt nền tảng cho ngành nữ đan sĩ của Dòng và huynh đoàn giáo dân hãm mình. Người còn tha thiết với việc giảng thuyết cho những người chưa tin.
Suốt đời, thánh nhân không có bận tâm nào khác ngoài mối bận tâm theo Đức Giêsu trong tinh thần vui tươi, đơn sơ, tha thiết phục vụ Hội Thánh và dịu dàng yêu thương mọi người.
Lời Chúa: Lc 9, 57-62
Khi ấy, đang lúc Chúa Giêsu và các môn đệ đi đường, thì có kẻ thưa người rằng: "Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy". Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu".
Người bảo một kẻ khác rằng: "Hãy theo Ta". Người ấy thưa: "Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã". Nhưng Người đáp: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa".
Một người khác thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã". Nhưng Chúa Giêsu đáp: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy niệm 1: Trước đã
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Theo một tôn giáo thường được gọi là theo đạo.
Theo đạo là theo một con đường.
Ðiều này đặc biệt đúng đối với Kitô giáo (x. Cv 9,2).
Làm môn đệ Ðức Kitô là theo Ngài trên con đường Ngài đi,
con đường đất quanh co trong xứ Palestine
hay con đường đầy chông gai nhọc nhằn của sứ vụ.
Ðức Kitô chẳng những dạy Ðạo, Ngài còn là Ðạo (x. Ga 14,6).
Theo đạo là theo một ngôi vị hơn là theo một giáo lý.
Sống đạo là sống như Ngài, với Ngài, cho Ngài và trong Ngài.
Đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyện ba người muốn theo Chúa.
Chúng ta chẳng biết họ là ai,
cũng chẳng rõ cuối cùng họ có theo Chúa hay không,
nên mỗi người chúng ta dễ thấy mình nơi hình ảnh họ,
để rồi chúng ta phải đưa ra lời đáp trả riêng của mình.
Người thứ nhất hăng hái xin theo Ngài đi bất cứ nơi đâu.
Ðức Giêsu không giấu anh hoàn cảnh bấp bênh của mình.
Ngài sống cuộc đời phiêu bạt, không mái nhà để trú,
lúc nào cũng ở trong tư thế lên đường.
Chấp nhận theo Ngài là chịu bỏ mọi an toàn, ổn định,
là sống thân phận lữ khách trên mặt đất (x. 1Pr 2,11).
Theo Ngài là theo Ðấng có chỗ tựa đầu,
chỗ tựa đầu tiên là máng cỏ, chỗ tựa cuối là thập giá.
Cuộc sống nghèo làm Ngài tự do hơn, sẵn sàng hơn
trước những đòi hỏi bất ngờ của Cha và nhân loại.
Người thứ hai chấp nhận theo Chúa với điều kiện
cho anh về chôn cất người cha mới qua đời trước đã.
Anh muốn chu toàn bổn phận thiêng liêng của người con.
Ðức Giêsu coi trọng việc hiếu kính mẹ cha (x. Mt 15,3-9),
nhưng Ngài đòi anh dành ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng.
Câu trả lời của Ngài làm chúng ta bị sốc.
Loan báo Tin Mừng ư? Cần gì phải vội vàng đến thế!
Dầu sao cái sốc giúp ta nhận ra mình vẫn quen thờ ơ
trước một bổn phận thiêng liêng và hết sức cấp bách.
Người chết nằm xuống thật đáng kính trọng.
nhưng có bao người sống đang cần phục vụ khẩn trương.
Người thứ ba xin về từ giã gia đình trước đã.
Ðức Giêsu đòi anh dứt khoát thẳng tiến như người cầm cày,
không quay lại với những kỷ niệm quá khứ,
cũng không bị cản trở bởi những ràng buộc gia đình,
để tận tâm tận lực lo cho Nước Thiên Chúa.
Trong đời sống, nhiều lúc ta phải chọn lựa.
Chọn lựa là chấp nhận hy sinh, bỏ một trong hai.
Ðức Giêsu không dạy ta sống vô cảm hay bất hiếu...
Ngài dạy ta can đảm tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã.
Có bao nhiêu cái trước đã chi phối đời ta?
Ðâu là lựa chọn ưu tiên một?
Chúng ta cần sắp xếp lại thứ tự các ưu tiên cho đúng.
Nếu Ðức Giêsu gặp tôi hôm nay và mời tôi theo Ngài,
tôi có xin phép Ngài để làm cái gì đó trước đã không?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
Suy niệm 2: Chúa Kitô là tất cả
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Trong đời thường có những giá trị cao quí. Như lòng yêu mến tôn kính ông bà tổ tiên. Lòng gắn bó với quê cha đất tổ. Đó là những giá trị văn hoá dân tộc rất đáng khích lệ. Những người có lý trí đều trân trọng những giá trị này. Chính vì thế, khi thấy Nơ-khê-mi-a buồn phiền vì phần mộ tổ tiên bị hoang phế. Quê hương bị điêu tàn. Vua Ác-tắc-sát-ta, một vị minh quân, đã cho phép ông trở về tái thiết quê hương và phần mộ tổ tiên. Thực ra Nơ-khê-mi-a mượn cớ xây mộ tổ tiên để tái thiết Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Và ông thờ kính Thiên Chúa hơn cả ông bà tổ tiên. Nên trước khi cầu xin vua trần gian, ông đã “cầu xin Thiên Chúa các tầng trời”. Và ông biết “Vua ban cho tôi như thế, vì bàn tay nhân lành của Thiên Chúa tôi che chở tôi” (năm lẻ).
Mọi quyền năng trên đời thuộc về Chúa. Đó là điều các thánh tổ phụ hằng tin tưởng. Đặc biệt thánh Gióp, bị thử thách, vẫn tin tưởng vào Thiên Chúa. Vì Người nắm giữ vận mạng phàm nhân và vũ trụ: “Người chuyển núi dời non mà chúng không hay… Người ra lệnh là mặt trời không mọc…Duy mình Người trải rộng các tầng trời, đạp lên trên ba đào biển cả”. Chính vì thế thái độ duy nhất đúng là vâng phục và xin Chúa xót thương: “Chẳng lẽ tôi lại tranh cãi, hay tìm lý để chống đối Người sao? Cho dù tôi có lý, tôi cũng không tranh cãi, nhưng sẽ xin Đấng xét xử tôi thương xót” (năm chẵn).
Đến thời Chúa Giê-su, chân lý này được minh nhiên công bố. Chúa Ki-tô là tất cả. Nhưng để đạt tới Người ta phải siêu thoát khỏi những dính bén trần tục. Người là quê hương. Đi theo Người là đi về quê hương đích thực. Người là gia đình đích thực. Vì nơi Người có Thiên Chúa là Cha của mọi người cha. Và là gia đình rộng lớn. Vì bất cứ ai nghe và giữ Lời Chúa đều là anh em với nhau. Người là tình yêu. Mọi tình cảm trên đời đều phát nguồn từ nơi Người.
Người là tất cả. Nên khi ta từ bỏ tất cả trần gian vì Người, ta lại được lại tất cả. Ở trần gian Người không có chỗ tựa đầu. Nhưng khi trần gian tan biến hết thì Người vẫn tồn tại và Người có cả vũ trụ là nhà. Ta bỏ tình cảm gia đình vì Chúa. Nhưng trong Chúa tình gia đình lại càng sâu xa bền chặt hơn. Vì chính Chúa là tình yêu sẽ làm cho tình yêu tầm thường của ta thành vĩnh cửu.
Suy niệm 3: Ðiều kiện theo Chúa
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Một linh sư Ấn đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông, có một người đàn ông nọ muốn xin làm đệ tử. Ông rón rén đến bên vị linh sư và đặt dưới chân vị tu hành hai viên ngọc quí nhất như của lễ ra mắt. Vị linh sư mở mắt ra, nhưng ông không để lộ một chút thích thú nào; không cần nhìn kỹ vào món quà quí giá ấy, vị linh sư cầm lấy một viên và ném xuống dòng sông.
Tiếc của, người đàn ông giầu có liền nhảy xuống sông để cố tìm lại viên ngọc, nhưng mất một ngày mà ông không tài nào tìm lại được. Chiều đến, mệt mỏi, chán nản, người đàn ông đến vị linh sư xin chỉ rõ nơi đã ném viên ngọc quí. Vị linh sư cầm viên ngọc còn lại ném xuống dòng sông và nói: "Ta đã ném vào chỗ đó, ngươi hãy lặn xuống mà tìm lại".
Chúa Giêsu cũng đòi hỏi môn đệ Ngài một thái độ từ bỏ và dứt khoát như thế. Thánh Luca trình bày cuộc đời Chúa Giêsu là một hành trình lên Giêrusalem mà đích điểm là cái chết trên thập giá. Trong hành trình ấy, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số người theo Ngài. Ðiều kiện đầu tiên là phải biết kiên nhẫn như đã được đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm qua.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca ghi tiếp những điều kiện Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ. Một trong những điều kiện đó là chia sẻ cuộc sống nay đây mai đó với Ngài. Không nhà không cửa, sống nhờ vào sự bố thí của người khác, sống không có lấy một tiện nghi tối thiểu, Chúa Giêsu muốn những kẻ theo Ngài chuẩn bị đương đầu với số phận bi thảm mà Chính Ngài phải trải qua. Cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài trên thập giá là một sự lột bỏ trọn vẹn đối với tất cả mọi an toàn trong cuộc sống.
Một điều kiện nữa Chúa Giêsu đòi nơi những kẻ theo Ngài, đó là dấn thân rao giảng Tin Mừng Nước Chúa. Một cuộc sống từ bỏ sẽ không có giá trị, nếu đó không là dấu chỉ của một cuộc đầu tư trọn vẹn vì Nước Trời. Cuối cùng, Chúa Giêsu đòi hỏi môn đệ phải cắt đứt ngay cả những liên hệ ruột thịt họ hàng. Ngài là tất cả đối với người môn đệ đến độ họ phải sẵn sàng hy sinh tất cả vì Ngài, Ngài phải được đặt vào trọng tâm cuộc sống của người môn đệ.
Môn đệ không phải là tước hiệu dành riêng cho một số người ưu tuyển. Mỗi Kitô hữu là một môn đệ của Chúa Kitô, và là môn đệ Chúa Kitô thiết yếu đi theo Ngài. Chúa Kitô cách đây 2,000 năm cũng là Chúa Kitô ngày nay mà mỗi Kitô hữu đang đi theo. Ngài đồng hành với họ và cũng đòi hỏi những điều kiện mà Ngài đề ra cho các môn đệ tiên khởi của Ngài. Cuộc sống có cách biệt, hoàn cảnh có xoay chuyển, sinh hoạt có thay đổi, nhưng những điều kiện ấy không hề đổi thay. Tựu trung, người môn đệ ngày nay phải đồng hành với Chúa Kitô để tiếp tục là dấu chỉ, là tín hiệu của Nước Trời cho mọi người.
Suy niệm 4: Không được phép ngoái lại
Đức Giêsu bảo: “Ai đã tra tay vào cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc. 9, 62)
Hôm nay Thánh Luca trình bày ba kiểu ơn gọi khác nhau.
Một người tự ý xin theo Đức Giêsu, anh nói với Người một cách tự tin, không mặc cảm sợ sệt nhút nhát: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu tôi cũng xin đi theo”. Anh tin tưởng vững chắc, có khả năng hoàn toàn. Sự nhiệt tâm của anh rất chân thành, đầy thiện chí, hiến thân vô điều kiện. Đức Kitô dường như không cảm động gì trước sự hiến thân tự phát này. Người trả lời một cách lạnh nhạt bất cần, đáng phải suy nghĩ: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu”. Câu đó phải chăng có nghĩa là: “Anh chàng bé bỏng của tôi ơi, anh chủ trương có thể theo tôi, được lắm! nhưng đừng quên rằng anh phải biết đón nhận: sự bất ổn hoàn toàn, mất mọi tiện nghi, chỉ có nghèo khó và còn hơn nữa đấy. Nghĩ kỹ đi trước khi tra tay vào cày, trước khi anh đáp tàu”. Thánh Luca không làm nổi bật cái con người có lòng quảng đại tự biên, tự diễn ấy tự hiến theo Thầy.
Một người khác được chính Đức Kitô kêu gọi trước: “Anh hãy theo Tôi”. Nhưng lần này, chính kẻ được mời gọi lại do dự, anh thưa với Ngài: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã”. Đức Giêsu bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết”. Lời đáp có vẻ cứng cỏi, khó hiểu cho những nơi coi việc an táng hiếu thảo là một bổn phận thánh. Có phải Đức Kitô thích đòi hỏi có vẻ thái quá như vậy không? hoàn toàn không! Người muốn giải thích cho anh biết, hãy tự mình giải thoát mình khi theo Người. Theo Người chính là chết đối với đời sống tự nhiên này để mở ra cho mình một đời sống khác, đời sống gia nhập vào một thế giới hoàn toàn khác với những giá trị khác hẳn giá trị đời này. Loan báo Tin Mừng của một thế giới thuộc triều đại Thiên Chúa, đó chính là điều căn bản, tuyệt đối. Điều đó giả thiết phải từ bỏ tất cả mọi sự thế gian.
Ứng viên thứ ba cũng thế, anh vui mừng đến xin làm môn đệ Chúa, nhưng trước tiên xin về từ giã gia đình rồi đến theo Chúa. Với Đức Kitô: “Ai đã tra tay cấm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích với nước Thiên Chúa”. Nhưng phải có tinh thần từ bỏ mới biết sống theo Đức Giêsu. Người không nói không được yêu những thân nhân mình, nhưng hy sinh vì Ngài là chứng tỏ đã yêu mến họ đầy đủ rồi, đó là yêu trong đức tin.
GF
Suy niệm 5: Từ bỏ mọi sự để theo Chúa trọn vẹn
Xem thêm thứ Hai tuần 13 TN
"Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu" (Lc 9, 58), đây chính là thân phận và tinh thần của Đức Giêsu và cũng là thái độ của người môn đệ cần có. Lần giở lại lịch sử cứu độ, chúng ta thấy khi Thiên Chúa muốn chọn và gọi ai để ra đi thi hành sứ vụ, hẳn Người đều muốn kẻ được chọn và gọi phải có thái độ dứt khoát và chấp nhận thiệt thòi, khổ đau.
Khởi đi từ tổ phụ Abraham: Thiên Chúa gọi ông và truyền cho ông phải rời bỏ xứ sở để lên đường đến một nơi Người sẽ chỉ cho. Rồi Người chọn dân riêng là Israel, Thiên Chúa cũng truyền cho họ ngay lập tức phải rời bỏ Aicập và lên đường tiến về Đất Hứa. Tiếp theo là các môn đệ, Đức Giêsu luôn mời gọi các ông lập tức lên đường và để lại mọi sự sau lưng.
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc hai thanh niên xin đi theo Đức Giêsu, Ngài cũng mời gọi họ phải từ bỏ tất cả, kể cả những cái gắn liền với cuộc sống của họ như công việc hay tình cảm: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, phần ngươi hãy theo Ta... ai tra tay cầm cày mà còn ngoảnh lại nhìn đằng sau thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa” (x. Lc 9, 59-62).
Mỗi người chúng ta, ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta từ bỏ những gì không phù hợp với tư cách làm con Chúa và sứ mạng được trao. Thật vậy, nếu không từ bỏ, chúng ta sẽ bị vướng víu vào những điều phụ thuộc và quên đi công việc chính yếu. Đồng thời, theo Chúa mà còn quá nhiều lỉnh kỉnh thì hẳn khó có thể chu toàn và dễ rơi vào tình trạng dở dang, chẳng khác gì kẻ "bắt cá hai tay".
Như vậy, chúng ta chỉ có thể an vui và hạnh phúc khi "là" môn đệ của Chúa thay vì "làm" môn đệ.
"Là môn đệ", chúng ta trở nên giống Thầy. "Là môn đệ", chúng ta từ bỏ như Thầy. "Là môn đệ", chúng ta sống chết như Thầy... Nhưng "làm môn đệ", chúng ta sẽ dễ bị rơi vào tình trạng thích thì làm, không thích thì thôi. Thuận thì dấn thân, khó thì lừng khừng. "Làm môn đệ", chúng ta dễ bị có cảm tưởng như một công việc được hợp đồng, nên có lợi thì làm mà không có lợi thì hủy..., không khác gì một nghề kinh doanh thuần túy.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: một khi đã đi theo, là môn đệ của Chúa thì phải từ bỏ mọi tham vọng, mọi ràng buộc, nhất là về của cải vật chất, danh vọng, địa vị và thỏa mãn cá nhân để tự do hiến thân mình cho Chúa, trọn vẹn thuộc về Chúa để làm công việc cho Chúa. Không có chuyện lừng khừng, do dự, tính toán. Sống phó thác và tin tưởng nơi Chúa trọn vẹn. Chấp nhận sự bấp bênh do con người gây nên cho mình. Ngay cả mối liên hệ tình cảm là gia đình, nếu vì đó mà ảnh hưởng và có nguy cơ làm cho chúng ta xa Chúa, thì buộc phải khước từ.
Có thế, chúng ta mới coi mọi người là anh chị em của mình, và mình phải có trách nhiệm lo lắng, giúp đỡ họ. Nếu không, chúng ta sẽ bị cám dỗ là: chuyện đó có người khác lo, không phải chuyện của ta; hay chỉ muốn hay đáp ứng cho một số người mà ta ưa thích, số còn lại, chúng ta vô cảm vì họ không phải thuộc phe ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sẵn sàng từ bỏ những quyến luyến của tình cảm, nếu điều này làm cho chúng con xa Chúa và phần rỗi của mình. Xin cho chúng con biết can đảm để tiếp bước theo Chúa trên con đường hoàn thiện. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 6: Theo Chúa, được Chúa ban cho chính Chúa
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Người môn đệ đi theo Chúa không có gì để bảo đảm an toàn cho cuộc sống trần thế, và không được để cho mình bận tâm vì bất cứ lý do gì.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, nhiều khi con nghĩ rằng theo đạo công giáo thì con sẽ được cái gì đó. Có thể là theo đạo sẽ nên giàu có hơn, sẽ đỡ túng cực hơn, sẽ được Chúa phù hộ làm ăn may mắn hơn… Trong thực tế, có khi con không còn tin vào Chúa nữa, bởi vì khi con xin một điều gì đó mà mãi không thấy Chúa ban; con cầu xin cho qua khỏi các khó khăn, ấy mà các khó khăn cứ dồn dập xảy đến, và con đã thất vọng.
Lời Chúa hôm nay muốn thay đổi suy nghĩ của con. Khi con theo Chúa, khi con tin vào Chúa, Chúa không hứa ban cho con một điều gì để bảo đảm an toàn cho cuộc sống ở đời này, bởi vì Chúa cũng không có một hòn đá để gối đầu. Vâng, con biết rằng con theo Chúa, con giữ Đạo, thì con không được Chúa ban cho một cái gì, nhưng con được Chúa ban cho một người, đó là chính Chúa. Chúa sẽ là người hiện diện trong cuộc sống con, chia sẻ cuộc sống của con. Chúa sẽ chia sẻ các khó khăn của con, của gia đình con. Chúa sống với con trong mọi tình huống vui, buồn, sướng, khổ. Cuộc sống của con là cuộc sống của Chúa, sự sống tình yêu Chúa đi vào cuộc sống của con.
Chúa còn muốn con đón nhận cuộc sống của Chúa, chia sẻ những thao thức của Chúa, thực hiện việc làm của Chúa một cách quảng đại.
Lạy Chúa, đời con có Chúa, đó là bảo đảm an toàn nhất. Xin giúp con hoàn toàn tin tưởng phó thác để bước theo Chúa và làm công việc của Chúa. Xin đừng để những bận tâm lo lắng công việc ở đời cản trở bước chân và khép kín cõi lòng con. Amen.
Ghi nhớ: “Dù Thầy đi đâu, tôi cũng theo Thầy”.
Suy niệm 7: Theo Chúa Giêsu
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Theo truyện thần thoại của Hy Lạp, Hercule là một vị thần, một lần đứng giữa ngã ba đường và tự hỏi xem mình nên đi về đâu. Có hai người chỉ cho ông.
Một người nói: “Hãy theo tôi, đây là con đường thoải mái, hạnh phúc và lối đi dễ dàng”.
Người thứ hai nói: “Đây là con đường cố gắng, nỗ lực, khó khăn. Tuy là đường khó khăn, nhưng đưa tới hạnh phúc”.
Hercule đã chọn con đường khó khăn và quả thực ông khôn ngoan, ông đã thành công.
Suy niệm
Tin Mừng ghi nhận cuộc đối thoại ngắn giữa Chúa Giêsu và người muốn theo Ngài. Theo Chúa không phải là cuộc tháp tùng, du ngoạn nhưng là chia sẻ vào cuộc sống và sứ vụ của Chúa Giêsu. Cho nên người muốn theo Chúa, trả lời và sống một cách cương quyết triệt để. Đức Kitô đã đề nghị người muốn theo Ngài những điều kiện mạnh mẽ cương quyết xem ra có vẻ phi nhân: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, còn ngươi hãy đi và loan báo vương quốc của Thiên Chúa” (Lc 9,59). Không phải là Chúa muốn chúng ta không còn sống nhân nghĩa, cũng không phải muốn tâm hồn người theo Chúa trở nên băng giá trước nhân loại. Nhưng cách nói của Đức Kitô biểu lộ một tính cương quyết theo Chúa, vượt lên trên mọi tình cảm nhân văn và ưu tiên hàng đầu trong mọi nấc thang giá trị của hành động.
Ngài muốn ai theo Ngài, phải dùng một quyết định mạnh và quyết tâm theo đến cùng, không màng đến những hoàn cảnh hào nhoáng xung quanh mà chỉ dấn thân cho Tin Mừng cho anh em. Trên bước đường theo Ngài, có những điều thiếu tiện nghi, có những xung đột về tinh thần, có những khó khăn về vật chất như chính Chúa đã nói: “Cáo có hang, chim trời có tổ nhưng Con Người không có nơi gối đầu” (Lc 9, 58). Chúng ta nhớ đến điều kiện triệt để theo Chúa khi chúng ta gặp và đối mặt với những mệt mỏi về thể lý và tinh thần. Những mệt mỏi đó như là những hạt giống được gieo trồng thầm lặng để Tin Mừng được trổ bông.
Thật thế, là môn đệ Chúa, chúng ta tự gắn mình vào cuộc đời, vào sứ mệnh của Ngài. Cuộc đời chúng ta sẽ phải dứt khoát với những đam mê phù hoa, những tương quan mật thiết, yêu thương nhất của chúng ta. Sự đòi buộc này giúp chúng ta có được Ðức Giêsu, Ðấng tuyệt đối trên đường sứ vụ. Nhờ Ngài, chúng ta mới được hạnh phúc trong nước Trời.
Ý lực sống:
“Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mọi ngày mà theo Thầy” (Lc 9,23).
Suy niệm 8: Những điều kiện để theo Chúa
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Lúc này danh tiếng Đức Giêsu đã lừng lẫy khắp nơi về những lời giảng và phép lạ Ngài làm, vì thế có nhiều người đến xin làm môn đệ Chúa. Trong tiểu đoạn này gồm ba chuyện nhỏ về ba người muốn đi làm môn đệ Chúa Giêsu. Điều quan trọng trong những chuyện này không phải là những nhân vật (vì không chi tiết nào mô tả các nhân vật ra sao), mà là giáo huấn của Đức Giêsu về những điều kiện để làm môn đệ Ngài.
2. Chúng ta hãy nghe Linh mục Carôlô Hồ Bạc Xái cắt nghĩa cho chúng ta ba câu chuyện này.
Người thứ nhất muốn theo Chúa Giêsu đến bất cứ nơi nào. Trường hợp này thường xẩy ra trong xã hội thời đó: có những người vì ngưỡng mộ một rabbi nào đó nên bỏ gia đình và xin theo ở với rabbi đó trong một thời gian vài ba năm (xem Ga 1,37-49).
- Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy Ngài không giống như các rabbi: cuộc sống của Ngài là cuộc sống lang thang rầy đây mai đó, vì Ngài là một con người bị từ chối (x. Chuyện trên, một làng Samaria không tiếp rước Ngài). Vậy điều kiện thứ nhất để làm môn đệ Chúa Giêsu là phải giống Ngài ở chỗ chấp nhận một cuộc sống vật chất không ổn định, có thể bị từ chối và có thể bị giết chết nữa.
3. Người thứ hai: không phải cha người này vừa chết, nhưng ông ta vẫn còn sống. Ý người này là tuy cũng muốn theo Chúa, nhưng xin một thời hạn chờ cho tới khi cha anh chết và được chôn cất xong xuôi rồi anh mới theo Ngài. Trong đầu anh đã có sẵn một ưu tiên: ưu tiên cho bổn phận hiếu thảo.
- “Mặc cho kẻ chết chôn người chết”: tiếng Pháp rõ nghĩa hơn “mặc cho les mortels chôn les morts”. Điều kiện thứ hai là phải dành ưu tiên cho bổn phận đối với Nước Thiên Chúa, trên cả những bổn phận đối với thân nhân. Không phải Chúa Giêsu coi nhẹ những bổn phận đối với gia đình (x.Mt 15,3-9) nhưng Ngài dạy rằng trong trường hợp có xung đột giữa hai bên thì môn đệ phải coi trọng Nước Thiên Chúa hơn.
4. Lời xin của người thứ ba cũng giống lời xin của Êlisê (1V19,19-21). Lời đáp của Chúa Giêsu cũng khiến ta nhớ đó là Êlisê đang kéo cầy “đầu ngoái lại sau”: còn luyến tiếc quá khứ. Như vậy, điều kiện thứ ba là phải dứt khoát với quá khứ (của cải, địa vị...), hơn nữa phải có một con tim không san sẻ để chỉ còn lo cho Nước Thiên Chúa mà thôi.
Theo văn mạch: Chúa Giêsu sắp đi vào giai đoạn quyết liệt là chịu chết, sống lại và lên trời. Ngài muốn các môn đệ mình phải đi cùng một hành trình như Ngài. Thế nhưng người ta có thể từ chối lời mời gọi của Ngài bằng nhiều cách: hoặc vì những thành kiến tôn giáo như dân làng Samaria; hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm vật chất, những quyến luyến gia đình và quyến luyến quá khứ (Lm Carôlô, Hạt giống nảy mầm, tuần 26, tr 213-214).
5. Một linh sư Ấn độ đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông. Có một người đàn ông nọ muốn xin làm đệ tử. Ông rón rén đến bên vị linh sư và đặt dưới chân vị tu hành hai viên ngọc quí như của lễ ra mắt. Vị linh sư cầm lấy một viên và ném xuống sông. Tiếc của, người đàn ông giầu có liền nhảy xuống sông để cố tìm viên ngọc. Nhưng mất một ngày mà không tài nào tìm lại được. Chiều đến, người đàn ông đến xin vị linh sư chỉ rõ nơi ông đã ném viên ngọc quý. Vị linh sư cầm viên ngọc còn lại ném luôn xuống sông và nói: “Ta đã ném vào chỗ đó. Ngươi hãy lặn xuống mà tìm”.
Chúa Giêsu cùng đòi hỏi môn đệ Ngài một thái độ từ bỏ dứt khoát như thế.
6. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: một khi đã đi theo. Là môn đệ của Chúa thì phải từ bỏ mọi tham vọng, mọi ràng buộc, nhất là về của cải vật chất, danh vọng, địa vị và thỏa mãn cá nhân để tự do hiến thân mình cho Chúa, trọn vẹn thuộc về Chúa để làm công việc cho Chúa. Không có chuyện lừng khừng, do dự, tính toán. Sống phó thác và tin tưởng nơi Chúa trọn vẹn. Chấp nhận sự bấp bênh do con người gây nên cho mình. Ngay cả mối liên hệ tình cảm là gia đình, nếu vì đó mà ảnh hưởng và có nguy cơ làm cho chúng ta xa Chúa, thì buộc phải khước từ (Ngọc Biển).
7. Truyện: Phải dứt khoát từ bỏ.
Một nhà buôn ở Francfurt muốn tìm một em bé trai để lo việc giao hàng. Có một người anh trưởng trong một gia đình gồm 07 người anh em 16 tuổi đến xin việc. Nhân viên tiếp tân ở phòng khách gật đầu nói: ”Cậu không có nhiều may mắn lắm đâu. Trước cậu đã có 52 người đến xin việc rồi. Tuy nhiên, cậu có thể thử thời vận”.
Nhân viên này dẫn cậu vào phòng ông chủ. Ông chủ tiếp chuyện thân mật với ứng viên, đặt nhiều câu hỏi với chàng trai.
- Mời cậu một điếu.
- Cám ơn ông, nhưng cháu không hút thuốc.
- Thế nào? Cậu không hút thuốc ư? Nhưng anh bạn của tôi ơi, để làm một người lớn, cần phải biết hút thuốc. Đừng rồ dại nữa!
- Không. Cháu cám ơn bác. Cho đến nay cháu vẫn không hút thuốc và cháu cũng không muốn bắt đầu.
Thế rồi ông chủ chìa tay ra cho anh.
- Tôi nhận cậu vào làm việc. Cậu là người thứ 53 đến gặp tôi xin việc, nhưng cậu lại là người đầu tiên không nhận điếu thuốc. Cậu thích hợp với tôi.
Và ném điếu thuốc đi, ông nói thêm: - Tôi cũng vậy, tôi không hút thuốc.
Sau đó, chàng trai được biết rằng người làm công trước đã bị sa thải vì anh ta hút thuốc quá nhiều và đã thâm hụt thụt quỹ để mua thuốc.
Vâng! Điếu thuốc không phải là nguyên nhân, nhưng làm chủ được bản thân mới chính là điểm son của chàng trai. Ông chủ đã phải nể phục trước sự can đảm chống trả với cơn cám dỗ và thái độ dứt khoát của anh.
Suy niệm 9: Điều kiện để làm môn đệ Chúa
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Tiểu đoạn này gồm ba chuyện nhỏ về 3 người muốn đi theo làm môn đệ Chúa Giêsu. Điều quan trọng trong những chuyện này không phải là những nhân vật (vì không chi tiết nào mô tả các nhân vật ra sao), mà là giáo huấn của Chúa Giêsu về những điều kiện để làm môn đệ Ngài.
1. Người thứ nhất muốn đi theo Chúa Giêsu đến bất cứ nơi nào. Trường hợp này thường xảy ra trong xã hội thời đó: có những người vì ngưỡng mộ một rabbi nào đó nên bỏ gia đình và xin theo ở với rabbi đó trong một thời gian vài ba năm (xem Ga 1,37-49)
- Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy Ngài không giống như các rabbi: cuộc sống của Ngài là cuộc sống lang thang rày đây mai đó, vì Ngài là một con người bị từ chối (x. chuyện trên, một làng Samaria không tiếp rước Ngài). Vậy điều kiện thứ nhất để làm môn đệ Chúa Giêsu là phải giống Ngài ở chỗ chấp nhận một cuộc sống vật chất không ổn định, có thể bị từ chối và còn có thể bị giết chết nữa.
2. Người thứ hai: không phải cha người này vừa chết, nhưng ông ta vẫn còn sống. Ý người này là tuy cũng muốn theo Chúa Giêsu, nhưng xin một thời hạn chờ cho tới khi cha anh chết và được chôn cất xong xuôi rồi anh mới theo Ngài. Trong đầu anh đã có sẵn một ưu tiên: ưu tiên cho bổn phận hiếu thảo.
- “Mặc cho kẻ chết chôn người chết”: tiếng Pháp rõ nghĩa hơn “mặc cho les mortels chôn les morts”. Điều kiện thứ hai là phải dành ưu tiên cho bổn phận đối với Nước Thiên Chúa, trên cả những bổn phận đối với thân nhân. Không phải Chúa Giêsu coi nhẹ những bổn phận đối với gia đình (x. Mt 15,3-9) nhưng Ngài dạy rằng trong trường hợp có xung đột giữa hai bên thì môn đệ phải coi trọng Nước Thiên Chúa hơn.
3. Lời xin của người thứ ba cũng giống lời xin của Êlisê (1.V 19,19-21). Lời đáp của Chúa Giêsu cũng khiến ta nhớ lúc đó Êlisê đang kéo cày “đầu ngoái lại sau”: còn luyến tiếc quá khứ. Như vậy điều kiện thứ ba là phải dứt khoát với quá khứ (của cải, địa vị vv...), hơn nữa phải có một con tim không san sẻ để chỉ còn lo cho Nước Thiên Chúa mà thôi.
Theo văn mạch: Chúa Giêsu sắp đi vào giai đoạn quyết liệt là chịu chết, sống lại và lên trời. Ngài muốn các môn đệ mình cũng phải đi cùng một hành trình như Ngài. Thế nhưng người ta có thể từ chối lời mời gọi của Ngài bằng nhiều cách: hoặc vì những thành kiến tôn giáo như dân làng Samaria; hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm vật chất, những quyến luyến gia đình và quyến luyến quá khứ.
B.... nẩy mầm.
1. Nhiều lần trong lúc sốt sắng, tôi cũng thưa với Chúa “Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy”. Thế nhưng trên thực tế con cũng như các nhân vật xưa đã không thực sự theo Chúa vì những thành kiến (như dân làng Samaria); hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm vật chất, những quyến luyến gia đình và quyến luyến quá khứ (3 người được kể trong Tin Mừng hôm nay).
2. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu”: đôi khi tôi cũng gặp cảnh thiếu thốn cả những tiện nghi cơ bản như thế. Cám ơn Chúa vì khi đó con đã không rút lui. Nhưng thú thật là tinh thần con đã bị chao đảo, nhiệt tình con đã bị nguội lạnh.
3. “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”: Tuy là môn đệ Chúa, tức là người chuyên lo những việc của Nước Trời, nhưng đầu óc tôi vẫn còn vấn vương những lo lắng thế tục, lo cho gia đình, cho những người thân. Chúa không cấm tôi nghĩ đến những việc đó và những người đó. Nhưng Chúa khuyên tôi đừng để những lo lắng ấy xâm lấn nhiệm vụ chính hiện tại của tôi, ngoài ra tôi còn phải biết phó thác vào Chúa quan phòng nữa.
4. “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng…”: quá khứ mà Chúa dạy tôi phải quên đi là những quyến luyến tình cảm thế phàm, những ước mơ thế tục, kể cả những mặc cảm tội lỗi xa xưa…
4. Một linh sư ấn độ đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông. Có một người đàn ông nọ muốn xin làm đệ tử. Ông rón rén đến bên vị linh sư và đặt dưới chân vị tu hành hai viên ngọc quý như của lễ ra mắt. Vị linh sư cầm lấy một viên và ném xuống sông. Tiếc của, người đàn ông giàu có liền nhảy xuống sông để cố tìm lại viên ngọc. Nhưng mất một ngày mà không tài nào tìm lại được. Chiều đến, người đàn ông đến xin vị linh sư chỉ rõ nơi ông đã ném viên ngọc quý. Vị linh sư cầm viên ngọc còn lại ném luôn xuống sông và nói: “Ta đã ném vào chỗ đó. Ngươi hãy lặn xuống mà tìm”.
Chúa Giêsu cũng đòi hỏi môn đệ Ngài một thái độ từ bỏ dứt khoát như thế. ("Mỗi ngày một tin vui").
Suy niệm 10: Theo Chúa -- hy sinh và dứt khoát
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Đọc trong Tin Mừng chúng ta thấy, Chúa đã kêu gọi rất nhiều người. Khi gọi những môn đệ đầu tiên, Chúa nói: “Hãy theo tôi” (Mt 4,19). Đứng trước bàn thu thuế của Lêvi-Matthêô Chúa cũng bảo: “Hãy theo tôi” (Mt 9,9). Hôm nay với một người Chúa cũng nói: “Hãy theo tôi” (Lc 9,59).
Được Chúa gọi, đó là một hồng ơn vô cùng cao quí. Vấn đề là con người có đáp lại lời mời gọi của Chúa hay không. Nếu biết đáp trả, cuộc sống chắc chắn sẽ thành công. Bằng không như cuộc đời của chàng thanh niên giàu có thì…thật là đáng tiếc.
Hai vợ chồng nhà báo người Hà Lan tên là Val Der Meer de Walcheren đã cùng xin chịu Bí tích Thánh tẩy vào năm 1911 để gia nhập Giáo Hội Công giáo. Sau đó, ông bà đã lần lượt khuyên các con cùng theo đạo, rồi lại cùng lần lượt theo đuổi ơn gọi Tận Hiến của các dòng tu. Người con trai lớn sau này trở thành một linh mục dòng Biển đức Nam (Bénédictin), người con gái kế làm nữ tu trong đan viện Biển đức nữ (Bénédictine).
Năm 1933, nhờ lòng khao khát tuyệt đối và ý chí tận hiến cho Chúa, Tòa Thánh đã chấp thuận đơn xin của hai ông bà để được phép chia tay nhau trong lòng mến đích thật. Ông xin được vào dòng Biển đức nam, nơi người con trai linh mục vừa sớm lìa đời, còn bà thì xin vào dòng Biển đức nữ chung với người con gái.
Trong thời kỳ tập tu, Bề Trên cả hai dòng chỉ định cho ông bà phải tiếp tục thường xuyên thư từ cho nhau. Sau hai năm, cả hai ông bà vẫn đầy thiện chí, sẵn sàng hy sinh dâng mình cho Chúa. Thế nhưng, Bề Trên của hai bên đều nhận thấy mối duyên tình của ông bà còn quá khăng khít, nên đã khuyên cả hai trở về với đời sống gia đình. Ông bà vâng lời trở về, tiếp tục sống hạnh phúc bên nhau, chan hòa lòng yêu thương bác ái đối với tha nhân, nhất là với những người nghèo khổ.
Đến năm 1954 thì bà Val Der Meer de Walcheren qua đời. Nối lại ý hướng từ 20 năm về trước, cụ ông 74 tuổi đã xin trở lại tu viện. Và vào ngày 22.12.1956, cụ được thụ phong linh mục tại nhà nguyện tu viện Đức Mẹ nơi người con gái của cụ vẫn đang sống cuộc đời đan tu gương mẫu đã hơn 40 năm qua.
2. Nhưng để được theo Chúa thì thái độ của con người phải như thế nào? - Thưa là phải hy sinh và dứt khoát. “Con chim có tổ, con chồn có hang nhưng Con Người không có nơi gối đầu” (Lc 9,58) - Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết” (Lc 9,60) - “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” (Lc 9,62)
Vào một ngày đẹp trời, ở một thôn nhỏ trên cao nguyên hẻo lánh, bỗng xuất hiện một chiếc xe con bóng nhoáng. Đây là chuyện hiếm thấy đối với một thôn nhỏ chưa từng nghe thấy tiếng động cơ ôtô. Hầu hết những người dân trong thôn đều chạy ra khỏi nhà, xúm quanh chiếc xe để xem có chuyện gì lạ xảy ra.
Khi cánh cửa xe được mở ra, có vài người bước xuống. Một người đàn ông trung niên đầu cắt trọc, mặc một bộ quần áo rằn ri cất tiếng hỏi:
- Có ai muốn đóng phim không? Ai muốn đóng phim thì lại đây đăng ký.
Tuy mỗi người dân trong thôn đều đã xem phim, nhưng đóng phim như thế nào thì họ biết rất ít. Tại sao lại đến nơi hẻo lánh này quay phim chứ? Đóng phim là đóng như thế nào? Rất nhiều người đều hỏi những người xung quanh hoặc tự lẩm bẩm một mình.
Người đàn ông trung niên ấy hỏi lại mấy lần, nhưng không có ai lên tiếng. Lúc đó, một cô bé khoảng mười ba tuổi bước lên trước một bước và nói: - Cháu muốn đóng phim.
Đó là một cô gái bình thường với đôi mắt nhỏ, một mí, cặp má đỏ au nhưng ánh mắt và gương mặt của cô toát lên vẻ hiền hậu và quả cảm của những đứa trẻ vùng sơn cước.
Người đàn ông trung niên hỏi cô: - Cháu có biết hát không?
Cô gái trả lời gãy gọn, dứt khoát: - Có biết.
- Vậy cháu hãy hát một bài cho chúng tôi nghe đi!
- Hát thì hát? - Cô bé không hề tỏ ra sợ sệt, cô vừa hát vừa nhảy – Đất nước chúng ta là một vườn hoa, những bông hoa trong vườn hoa thật đẹp.
Những người dân trong thôn không nhịn được cười, bởi vì giọng hát của cô thật khó nghe, không những sai nhạc, mà đến giữa chừng cô còn quên mất lời bài hát.
Nào ngờ, người đàn ông trung niên giơ tay chỉ vào cô: - Được rồi, chúng tôi chọn cháu.
Người đàn ông trung niên ấy chính là nhà đạo diễn điện ảnh lừng danh Trương Nghệ Mưu, còn cô gái dũng cảm bước về phía trước một bước ấy là Ngụy Mẫn Chi, nữ diễn viên chính trong bộ phim “Một người cũng không thể thiếu”.
Tuy Ngụy Mẫn Chi chỉ bước lên phía trước một bước, nhưng bước chân ấy đã thay đổi cuộc đời của cô.
J.J Rousseau nói: “Lòng dũng cảm là một chiếc thang, những đức tính tốt đẹp khác đều dựa vào đó mà leo lên cao.”
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,653)
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.
+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,763)
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,266)
Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,790)
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,440)
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,819)
Thứ Tư tuần 33 thường niên.
Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,811)
Thứ Ba tuần 33 thường niên.
Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,915)
Thứ Hai tuần 33 thường niên.
+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,263)
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,583)
Thứ Bảy tuần 32 thường niên.
-
Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa.
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.
- CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B....
- Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
-
Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh(phần 1)
Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô...
-
Đức Giesu Kito, một vị Vua khác
Hôm nay, “nếu bạn tin vào Chúa Kitô, hãy để Ngài là Vua trong cuộc đời bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn bạn sống theo sự thật, bởi vì Ngài là...
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất