Lời chúa mỗi ngày

Thứ Tư 04/01/2023 – Thứ Tư trước lễ Hiển Linh. – Gặp Ðấng Cứu Thế.

  • In trang này
  • Lượt xem: 11,577
  • Ngày đăng: 03/01/2023 10:00:00

Gặp Ðấng Cứu Thế.

04/01 – Thứ Tư trước lễ Hiển Linh.

"Chúng tôi đã gặp Ðấng Cứu Thế".

 

LỜI CHÚA: Ga 1,35-42

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: Ðây là Chiên Thiên Chúa.

Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Chúa Giêsu, Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo mình, thì nói với họ: "Các ngươi tìm gì?"

Họ thưa với Người: "Rabbi, nghĩa là thưa Thầy, Thầy ở đâu?"

Người đáp: "Hãy đến mà xem".

Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.

Anrê, em ông Simon Phêrô, một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: "Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô". Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: "Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Hãy đến mà xem

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Suy niệm:

“Đây là Chiên Thiên Chúa” (c. 35).

Gioan Tẩy giả nói với hai anh môn đệ đang đứng với mình như thế

khi ông thấy Đức Giêsu tình cờ đi ngang qua.

Gioan đã gặp Ngài, đã thấy Thần Khí ngự xuống trên Ngài (Ga 1,32).

Ông biết Ngài là Đấng đến sau ông, nhưng lại có trước ông (1,15. 30).

Trong một cử chỉ khiêm hạ làm cho mình nhỏ lại,

ông đã giới thiệu cho các môn đệ mình một vị Thầy cao trọng hơn.

Ông để cho họ đi theo vị Thầy mới, còn ông đứng lại đó một mình.

“Các anh tìm gì thế?”: Đức Giêsu là người mở lời với hai bạn trẻ

đang đi theo mình, lúng túng vì chưa biết cách làm quen.

Câu hỏi này chờ một câu trả lời nói lên điều mình thao thức.

“Thưa Rabbi, Thầy đang ở lại đâu?”

Họ muốn biết nhà của Thầy, cũng là biết chính bản thân Thầy.

“Hãy đến và các anh sẽ thấy”.

Thầy Giêsu mời các bạn ấy đến thăm nhà mình.

Căn nhà ở Galilê xưa thường chỉ có một, hai phòng nhỏ.

Ngài mời họ đi vào thế giới riêng tư của mình.

Và họ đã mau mắn đáp lời, đã đến, và đã thấy nơi Ngài đang ở lại.

Lúc đó đã bốn giờ chiều rồi.

Thầy Giêsu hẳn đã giữ họ lại, vì sợ họ về trời tối đường xa.

Ngày hôm ấy họ đã ở lại với vị Thầy mới quen.

Qua cuộc chuyện trò suốt đường đi, nhất là khi về nhà,

họ đã có kinh nghiệm cá nhân về con người Thầy Giêsu,

kinh nghiệm đầu tiên, chưa thật sâu, nhưng không sao quên được.

Họ đã ở lại nhà Thầy, đã bị lôi cuốn bởi nhân cách của Thầy,

và thấy Thầy chính là Đấng mà họ đang tìm kiếm.

“Chúng tôi đã tìm thấy Đấng Mêsia” nghĩa là Đấng Kitô.

Anrê vui sướng reo lên như vậy khi ông gặp Simon trước tiên.

Anrê là một trong hai người đã đi theo và ở lại nhà Đức Giêsu.

Bây giờ ông coi Thầy Giêsu là Đấng Mêsia, chứ không chỉ là một rabbi,

nên ông nóng lòng muốn đưa Simon đến tiếp xúc với Ngài.

Thầy Giêsu đặt cho Simon một tên mới, tên này người Do Thái ít dùng.

Anh sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá, là Thạch (c. 42).

Không thấy Simon nói gì hay dẫn ai đến gặp ngay Đức Giêsu.

Phải đợi sau này ta mới nghe ông đại diện anh em tuyên xưng:

Chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa (6,69).

Chúng ta sắp mừng Lễ Hiển Linh, Lễ Chúa tỏ mình cho con người.

Chúa đã tỏ mình cho Gioan, Anrê và Simon qua gặp gỡ trực tiếp,

nhưng Chúa cũng tỏ mình cho họ qua người khác giới thiệu.

Chúng ta cần những người có kinh nghiệm sâu lắng với Đức Giêsu,

để giúp Ngài được hiển linh trong thế giới hôm nay.

 

Cầu nguyện:

Lạy Thầy Giêsu,

Thầy là vị Tôn Sư tuyệt vời.

Thầy gọi các môn đệ theo Thầy

đi trên những nẻo đường quanh co của xứ Pa-lét-tin.

Thầy không mở trường, không viết sách.

Thầy giúp môn đệ học bài học của Thầy,

bài học của trái tim, hiền lành và khiêm tốn.

Thầy dạy học trên đường.

Thầy tập cho môn đệ nhìn những biến cố mỗi ngày

với cái nhìn của Thiên Chúa.

Thầy giúp họ thấy giá trị nơi đồng xu nhỏ của bà góa nghèo,

thấy vẻ đẹp của hoa huệ, và sự vô tư của chim trời.

thấy nét cao quý của trẻ thơ, và phẩm giá của người phụ nữ.

Thầy tập cho họ trưởng thành,

tập đương đầu ban đêm một mình với sóng gió,

tập tin vào Thiên Chúa khi phải nuôi ăn đám đông,

tập can trường đối diện với cái chết nhục nhã và đau đớn.

Thầy kéo họ ra khỏi cái tôi háo danh

khi họ cãi nhau trên đường xem ai là người lớn nhất,

Thầy đòi họ bỏ mọi sự mà theo Thầy,

và đặt Thầy lên trên cả mạng sống và tình ruột thịt.

Lạy Thầy Giêsu,

Khoa sư phạm của Thầy là huấn luyện môn đệ bằng tình yêu.

Một tình yêu kiên nhẫn khi họ yếu đuối và cứng lòng.

Một tình yêu bênh vực và bảo vệ lúc họ bị tấn công.

Một tình yêu chia sẻ khi cho họ cộng tác trong sứ vụ.

Thầy đã diễn tả tình yêu đến cùng của Thầy

khi cúi xuống rửa chân cho họ.

Xin cho chúng con suốt đời học với Thầy,

nhận Thầy mãi mãi là vị Tôn Sư của chúng con.

Và cùng với Thầy, chúng con đi khắp thế gian,

để làm cho muôn dân thành môn đệ.

 

Suy Niệm 2: Đấng công chính

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Công chính là trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Ma quỉ muốn chiếm đoạt quyền Thiên Chúa. Luôn cám dỗ loài người đi theo chúng. Bà E-và là điển hình. Đó là tội lỗi. Chúa Giê-su là Đấng Công Chính. Đến để tái lập sự công chính. Để “phá huỷ công việc của ma quỉ”. Chúa Giê-su công chính vì được Thiên Chúa sinh ra. “Mầm sống của Thiên Chúa ở lại trong người ấy, và người ấy không thể phạm tội, vì đã được Thiên Chúa sinh ra”. Từ đây thế giới phân định rạch ròi. Ai theo Chúa Giê-su thì sống công chính và trở thành con Thiên Chúa. “Căn cứ vào điều này mà người ta phân biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma quỷ: phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa”.

Không chỉ sinh ra bởi Thiên Chúa, Chúa Giê-su còn sống công chính trọn đời. Vì luôn làm theo ý Chúa Cha. Vâng phục Chúa Cha trong mọi sự. Cho đến nỗi chết trên thánh giá. Nhận tất cả từ Chúa Cha. Dâng hiến tất cả cho Chúa Cha. Chúa Giê-su thật là Đấng Công Chính.

Vì vâng phục Chúa Cha mà Chúa Giê-su trở thành “Chiên Thiên Chúa” như lời thánh Gio-an Tẩy giả giới thiệu. Là Chiên Thiên Chúa để tự hiến thân mình làm của lễ dâng lên Chúa Cha. Là Chiên Thiên Chúa để gánh lấy tội nhân loại. Làm cho nhân loại nên công chính. Làm cho nhân loại trở nên con Thiên Chúa. Sinh lại nhân loại trong đức công chính.

Thánh Gio-an Tẩy giả sống công chính. Vì giới thiệu Chúa Giê-su cho các môn đệ của mình. Trả các môn đệ mình cho Chúa. Vì tất cả là của Chúa.

An-rê và Gio-an sống công chính. Vì bỏ tất cả mà theo Chúa. Bỏ cả người thầy yêu quí. Vì Chúa Giê-su mới là đường thật. Mới thật là Thầy. Dạy chân lý. Dẫn đến sự công chính đích thực. Đến sự sống đời đời. An-rê sống công chính nên đã dâng cho Chúa cả người em của mình. Vì Si-mon cũng thuộc về Thiên Chúa. Si-mon sống công chính. Vì từ bỏ tất cả. Từ bỏ cả con người cũ. Cả tên họ. Tên là người. Chúa đặt tên mới. Vì ông là con người mới. Thuộc về Chúa. Tên mới của Si-mon là Phê-rô. Là đá tảng xây toà nhà mới. Là đầu trong dân mới. Dân được Chúa sinh ra để sống công chính. Để dâng hiến cho Chúa tất cả cuộc đời.

Xin cho con được sinh lại. Được đặt tên mới. Được trở thành con Chúa. Được dâng hiến mọi sự cho Chúa. Để thuộc về dân mới. Sống công chính thánh thiện.

 

Suy Niệm 3: Chúng Tôi Ðã Gặp Ðấng Cứu Thế

Nhìn nhận khả năng của người khác đó là một điều mà ít ai trong chúng ta cũng muốn. Việt Nam chúng ta thường nói: "Mỗi người có một ông quan trong bụng". Ai cũng muốn mình hơn kẻ khác, nổi hơn và trội hơn kẻ khác nhiều, ít ai chịu lép vế, chịu thua kẻ khác. Tự cao tự đại, ưa chỉ tay năm ngón, đó là thói thường của con người.

Kiêu ngạo là tội đứng đầu trong bảy mối tội đầu. Có lẽ người ta thấy tội kiêu ngạo là đầu dây mối nhợ sinh ra mọi tội lỗi khác. Tự đưa mình lên cao, không xem ai ra gì và theo như câu nói dân gian của người Việt Nam: "Coi trời bằng vung" hay "coi trời bằng ngọn rau má" là thế. Tâm trạng đó làm cho con người khó chấp nhận nhau về khả năng, về tài khiếu hơn thua.

Bài Tin Mừng hôm nay nói việc thánh Gioan Tẩy Giả cũng có những môn đệ tìm theo học hỏi và muốn tôn ông làm thầy, ít ra là phải hai hoặc ba người, vì sách ghi rằng: "Gioan đang đứng và nói chuyện với hai trong nhóm môn đệ của ông", chứng tỏ là Gioan cũng có nhiều môn đệ khác nữa ngoài hai người đó.

Và tâm trạng chung khi một người có nhiều môn đệ đi theo thì không muốn một môn đệ nào của mình bỏ mình đi mà theo một người khác. Lý do đó có thể là mình kém tài giỏi, đạo đức hơn người kia chăng? Sự việc đó phải chăng đã làm mất sĩ diện cho mình? Vậy mà chúng ta thấy Gioan không nghĩ đến điều đó, ông vẫn chỉ cho các môn đệ của mình về Chúa Giêsu: "Ðây là Chiên Thiên Chúa". Hai môn đệ của Gioan nghe nói liền đi theo Chúa Giêsu nhưng Gioan cũng không ngăn cản hai môn đệ mình, vì ông đã thấy sự thật nơi Chúa Giêsu là Con Thên Chúa, là Ðấng ông loan báo, Ðấng cứu chuộc tội lỗi nhân loại. Ông không mê hoặc người khác để cho họ nhắm mắt theo ông nhưng ông chỉ cho người khác thấy sự thật, thấy chân lý, thấy Ðấng Cứu Thế.

Mỗi người trong chúng ta đôi lúc cũng có thái độ ngược hẳn lại: theo Chúa, tuân giữ luật Chúa, đôi lúc chúng ta muốn người khác nhìn vào và khen chúng ta là ngưòi đàng hoàng, tốt lành, đạo đức và chúng ta hãnh diện vì điều đó. Như thế chúng ta đã che mất hình ảnh của Thiên Chúa trong chúng ta, người khác tìm đến chúng ta chứ không phải họ tìm đến với Thiên Chúa qua sự tốt lành đạo đức đó. Mọi lời khen thưởng, ca ngợi thay vì dành riêng cho Thiên Chúa, người ta lại dành hết cho chính mình. Bài học của Gioan Tẩy Giả hôm nay là một bài học thực tế cho mỗi người trong chúng ta.

Khi hai môn đệ Gioan đi theo Chúa Giêsu. Anrê sau khi đã biết Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, là Ðấng Messia thì ông giới thiệu với anh mình là Simon Phêrô đến gặp Chúa Giêsu. Anrê nói với anh mình: "Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô" và rồi ông đã dẫn Simon Phêrô đến với Chúa Giêsu.

Mỗi người trong chúng ta khi biết được Thiên Chúa, biết được ơn cứu rỗi của Ðức Kitô, chúng ta có can đảm mạnh dạn giới thiệu Ngài với mọi người chăng? Chúa không đòi hết thảy trong mọi người chúng ta phải từ bỏ cha mẹ, anh em và mọi sự để theo Ngài. Nhưng Ngài đòi mỗi người trong chúng ta tùy khả năng, tùy môi trường nơi chúng ta đang sống mà giới thiệu Chúa cho mọi người biết. Chúa không đòi hỏi chúng ta phải rao giảng, phải nói về Chúa thật hay như các nhà hùng biện để lôi cuốn người khác. Nhưng Ngài chỉ mong ước trong cách sống đạo của mỗi người chúng ta, như là lời mời gọi tha thiết mọi người tìm đến Thiên Chúa tình thương. Mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, mỗi hành động của chúng ta đều thể hiện lời Chúa trong Phúc Âm như thánh Phaolô đã thúc nhắc chúng ta: "Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".

Có khi nào chúng ta làm một việc gì mà chúng ta suy nghĩ và thành thực hỏi Chúa: Chúa muốn con làm gì bây giờ đây? Hay ý Chúa muốn con thực hiện như thế nào? Có lẽ chưa hoặc ít khi chúng ta hỏi Chúa Giêsu như vậy. Nếu chúng ta thực sự yêu Chúa, Chúa luôn hiện diện trong chúng ta và chúng ta luôn luôn muốn làm đẹp lòng Chúa, như một người muốn làm đẹp lòng người yêu của mình thì khi nào họ cũng tìm hiểu xem người yêu của họ thích gì rồi mua một món quà tặng đúng như ý người yêu mong ước.

Chúng ta yêu Chúa, chúng ta cũng phải tìm xem Chúa yêu thích nhất điều gì và chúng ta phải cố gắng lo làm đẹp lòng Ngài theo như điều Ngài mong muốn. Thật vậy, món quà đó không gì khác hơn là món quà của đức "Mến Chúa và Yêu Người".

Lạy Chúa, xin cho mỗi người trong chúng con biết sống khiêm nhượng như Gioan Tẩy Giả. Xin Chúa cho mỗi người trong chúng con biết giới thiệu Chúa cho mọi người qua lời ăn, tiếng nói và nhất là cách sống đạo của mỗi người chúng con trong cuộc sống hằng ngày.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

 

Suy Niệm 4: Hãy đến mà xem.

Tin Mừng thứ tư không ghi lại một cuộc đối thoại nào giữa Chúa Giêsu và Gioan Tẩy giả. Gioan thấy Chúa Giêsu, ông chỉ cho thấy Ngài, ông nói về Ngài. Ông là chứng nhân, là người bạn, là tiếng kêu. Những gì ông phải nói, ông đã học được từ Đấng đã sai phái ông. Ông không phải là môn đệ Chúa Giêsu, nhưng là vị tiền hô. Sau ông, với Chúa Giêsu là một thời đại mới đang bắt đầu, sau phép rửa trong nước là phép rửa trong Thánh Thần. Gioan vừa là người chiêm ngưỡng sự mới mẻ ấy, vừa là người chỉ cho thấy sự mới mẻ ấy. Thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên của Thiên Chúa”. Hai môn đệ đã nghe lời ông nói và đi theo Chúa Giêsu. Gioan phải có khả năng lột bỏ bản thân lắm mới có thể làm điều đó. Không những dọn đường cho Chúa, ông còn chuẩn bị để có những người nhận biết và đi theo Ngài. Chính khi đón nhận các môn đệ của Gioan mà Chúa Giêsu khởi sự sứ mạng của Ngài.

Cuộc đối thoại thật ngắn gọn, dứt khoát: “Các ngươi tìm gì? Thưa Thày, Thày ở đâu? Hãy đến mà xem. Họ đi với Ngài và đã ở lại với Ngài ngày hôm ấy”.

Như thế, bước đầu tiên của những người sẽ là Tông đồ và chứng nhân của Chúa Giêsu chính là biết Ngài, đi theo Ngài, ở lại với Ngài, chỉ sau đó chúng ta mới là chứng nhân của Ngài. Nếu chúng ta nghĩ rằng chính chúng ta sẽ đi cứu độ thế giới, thì chúng ta lạc đường rồi. Chỉ có một Đấng Cứu thế là Chúa Giêsu, chẳng ai là chứng nhân nếu trước đó không là môn đệ.

Ở đây, cuộc gặp gỡ đầu tiên mau chóng đưa tới việc làm chứng đầu tiên. Anrê đi gặp anh mình trước hết và nói: “chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia, tức là Đức Kitô”, và ông đưa anh mình đến với Chúa Giêsu.

Ba môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu đã được một người khác dẫn đến với Ngài như thế. Đó không là những điều vẫn xảy ra cho chúng ta sao? Có biết bao người trên đường chúng ta đi đã giúp chúng ta đi đã giúp chúng ta biết được Ngài.

Suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, xin cho chúng ta cũng biết tìm Chúa, sống thân mật với Chúa và đem Chúa đến cho mọi người.

 

Suy Niệm 5: Truyền giáo bằng đời sống

Có một hôm, cha bề trên của một hội dòng muốn cho các đệ tử của mình sống đức khó nghèo! Tuy nhiên, thao thức của ngài, ngài không chỉ nói, mà hôm ấy, ngài đã dẫn một nhóm đi đến thăm một cha xứ tại một họ đạo ngay tại trung tâm thành phố.

Khi đến nơi, nhóm đệ tử không khỏi ngạc nhiên về lối sống giản dị, nghèo khó của cha xứ ấy! Phòng của ngài chỉ vỏn vẹn có khoảng 6 mét vuông, trong đó, sách vở và những vật dụng cần thiết khác đã chiếm hết chỗ ngủ của ngài. Trong phòng chỉ còn có một lối đi nhỏ bé chừng 40cm. Đêm về, ngài thường thu gọn sách vở lại và ngủ ngay trên lối đi.

Sau cuộc gặp gỡ đó, khi trở về, các đệ tử đã không dám đòi hỏi điều gì nữa, ngược lại, sẵn sàng vui vẻ sống khó nghèo, bởi vì những gì đang có thì đã hơn hẳn cha xứ của một họ đạo rồi!

Tin Mừng hôm nay thuật lại: sau khi nghe Gioan giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa bỏ tội trần gian”, ngay lập tức đã có hai môn đệ đến gặp Đức Giêsu, khi thấy họ, Ngài đã hỏi họ đi đâu và tìm ai? Họ đã thưa với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”; Đức Giêsu đã mời họ đến và xem chỗ của Ngài, họ đã đi và ở lại ngày hôm ấy, sau đó một trong hai người là Anrê đã đi theo Đức Giêsu.

“Hãy đến mà xem”, ấy là lời mời gọi của Đức Giêsu dành cho hai môn đệ của ông Gioan. Khi nói: “Hãy đến mà xem”, Ngài muốn các ông phải có kinh nghiệm thực sự về Ngài, chứ không phải chỉ có nghe Gioan nói rồi đi theo... Vì khi đến và xem, các ông sẽ thấy tận mắt đời sống và việc làm của Đức Giêsu. Như thế, lựa chọn đi theo Chúa hay không là tùy thuộc vào quyết định của các ông sau khi đã cảm nghiệm.

“Hãy đến mà xem”, Đức Giêsu không muốn họ chỉ tin rằng “có” Ngài, mà khi đến và xem, Đức Giêsu muốn các ông tin “vào” Ngài. Bởi tin “vào” Đức Giêsu không có nghĩa thuần túy là chấp nhận một giáo điều nào đó, mà là chấp nhận chính Ngài cũng như sứ vụ của Ngài.

Nói khác đi, tin “vào” Đức Giêsu chính là có một kinh nghiệm sống động, gần gũi đến riêng tư về Ngài. Khi tin “vào” Ngài như thế, Đức Giêsu muốn các môn đệ đặt Ngài làm trung tâm cuộc đời và sứ vụ của họ. Nếu không có một kinh nghiệm thì trong khi thi hành sứ vụ, các ông sẽ tìm cách làm theo ý riêng và quy chiếu mọi sự về phía các ông thay về Chúa.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: “Hãy đến mà xem” để có kinh nghiệm thực sự về Thiên Chúa. Bởi nếu có đến tận nơi và xem cho kỹ thì mới có những lời chứng hùng hồn về Thiên Chúa trong cuộc đời và sứ vụ của mình được! Nếu không, lời chứng của chúng ta có khi chỉ dừng lại trên giấy tờ, những khái niệm trừu tượng, không ăn nhập gì với con người và cuộc sống hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho tinh thần của hai môn đệ Gioan khi xưa được trở nên lựa chọn của chính chúng con ngày hôm nay khi chúng con sẵn sàng “đến và xem” rồi ở lại với Chúa để được hạnh phúc đời đời. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Giới thiệu Chúa cho người khác

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Qua lời giới thiệu của Gioan, hai môn đệ của ông đã đi theo Đức Giêsu. Anrê, một trong hai vị tiên khởi, sau khi đã gặp được Đức Giêsu rồi lại giới thiệu cho em mình là Simon Phêrô. Philipphê cũng giới thiệu cho Nathanaen sau khi ông đã đi theo Chúa. Động lực thúc đẩy người môn đệ đi làm chứng là tình yêu Đức Giêsu, sau khi đã gặp được Ngài.

2. Lại một lần nữa chúng ta gặp ông Gioan. Phải nói ông là người luôn ý thức được sứ mạng của mình là người luôn “đi trước mở đường cho Chúa”, chính vì thế mà hôm nay ông đã khuyên các môn đệ của mình hãy lìa bỏ ông  để đi theo vị Thầy mới là Chúa Giêsu. Gioan là người rất quảng đại, không ganh tị. Rõ ràng ông là người đến để đưa người khác đến với Chúa Giêsu chứ không phải với chính ông. Khi Chúa Giêsu đã xuất hiện trên sân khấu thì Gioan hiểu rằng vai trò của ông cần phải dần dần  chấm dứt để cho Chúa được nổi bật lên.

Chúng ta cũng thế, mỗi người đều nhận một sứ vụ và một giai đoạn trong chương trình của Thiên Chúa. Lời Chúa mời gọi chúng ta  hãy ý thức chỗ đứng của mình và biết mình là một giai đoạn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Cũng như thánh Gioan, chúng ta biết giới thiệu Chúa  cho những ai chúng ta gặp gỡ (Mỗi ngày một tin vui).

3. Hôm nay Anrê lại giới thiệu Phêrô  em mình cho Chúa Giêsu: “Chúng tôi đã gặp Đức Messia (Ga 1,41). Rồi dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. Anrê là người luôn đứng ra giới thiệu người khác cho Chúa Giêsu. Trong Tin mừng, ba lần nhắc đến Anrê đến với Chúa, thứ đến ông dẫn em bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ, cuối cùng ông đưa những người Hy Lạp thắc mắc đến với Chúa. Anrê rất vui đưa được người khác đến với Chúa. Ông nổi bật như là một người chỉ có mong muốn là chia sẻ vinh quang, ông là người có tâm tình truyền giáo. Sau khi chính mình đã được ở gần Chúa, ông dành trọn đời mình để dẫn đưa người khác bước vào tình yêu thương đó.

Khi Anrê đưa Phêrô đến với Chúa Giêsu, Ngài nhìn ông, đó là một cái nhìn tập trung chăm chú, chẳng những thấy mặt bên ngoài mà còn đọc được cả tâm trí bên trong nữa. Khi nhìn Simon, tên của ông lúc bấy giờ, Ngài bảo: “Ngươi là Simon, ngươi sẽ được gọi là Kê-pha” (nghĩa là đá). Khi một người có mối liên hệ mới đối với Chúa, cuộc đời người ấy như được bắt đầu lại, trở thành một người mới, nên cần một tên mới...

4. Bài Tin mừng hôm nay  mời gọi chúng ta xem xét kỹ lại lý do tại sao chúng ta còn miễn cưỡng không muốn chia sẻ đức tin của mình với kẻ khác?  Nếu chúng ta gọi Phúc âm là Tin Mừng và nếu chúng ta tin Đức Giêsu là kho báu to lớn nhất mà con người có thể chiếm  hữu, thì tại sao chúng ta lại miễn cưỡng không muốn chia sẻ đức tin của mình với con cái chúng ta, với bạn bè chúng ta và với những người mà chúng ta biết  đang tìm kiếm một niềm tin.

Chúng ta có nhiều cách giới thiệu Chúa cho người khác, tùy theo sáng kiến mà Chúa soi sáng cho mỗi người. Nhưng giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác tốt nhất, cụ thể nhất, hữu hiệu nhất là bằng chính đời sống gương mẫu, đời sống tốt đẹp của chúng ta. Thực tế đã chứng minh: nhiều người trở lại tin Chúa vì thấy đời sống gương mẫu, bác ái của các tín hữu. Chính nếp sống đạo đức, thánh thiện, ngay thẳng, chân thành của chúng ta  là một tấm gương trước mặt mọi người. Một đời sống tốt đẹp có sức lôi cuốn hơn nhiều bài giảng hùng hồn.

Người ta thường nói: “Trăm nghe không bằng một thấy”, chính cái hình ảnh tốt đẹp in sâu vào tâm hồn người ta, khiến họ phải suy nghĩ và có một sứ lôi kéo mãnh liệt khiến họ không thể chống lại được. Vì thế người ta thường nói:

Lời nói như gió lung lay,

Gương bày như tay lôi kéo.

5. Truyện: Chúa tin tưởng nơi con người.

Có một câu truyện ngụ ngôn rất hay về vấn đề giới thiệu Chúa cho người khác.

Chuyện kể rằng: sau khi chịu nạn chịu chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã phục sinh trở về Thiên đàng trong uy nghi hiển vinh. Dầu đã được vinh quang nhưng tay chân Ngài vẫn còn mang thương tích. Các thiên sứ hân hoan đón chào Chúa. Quang cảnh đang nhộn nhịp vui tươi bỗng có một thiên sứ đặt vấn đề:

- Chắc là Chúa đã phải chịu thống khổ vô cùng vì loài người dưới đó?

Chúa đáp:

- Đúng vậy.

Thiên sứ hỏi tiếp:

- Có phải tất cả mọi người đều đã biết những gì  Chúa làm cho họ không?

Chúa Giêsu trả lời:

- Chưa, chỉ mới có một số ít người biết mà thôi.

Thiên sứ hỏi tiếp:

- Thế thì Chúa làm gì để giúp cho mọi người được biết?

Chúa Giêsu đáp:

- Ta đã trao cho Phêrô, Giacôbê, Gioan và các đồ đệ của Ta  trách nhiệm đi nói  với những người khác, rồi những người khác lại nói cho những người khác nữa, rồi cho những người này lại nói cho những người kia, cho đến lúc những người ở nơi xa xôi nhất trên địa cầu cũng đều được nghe.

Thiên sứ nhìn Chúa với vẻ nghi ngờ. Vị này đã quá hiểu rõ lòng dạ con người như thế nào nên nói tiếp:

- Vâng, nhưng nếu như Phêrô, Giacôbê, Gioan và các môn đệ của Chúa quên đi thì sao? Hoặc nếu họ mệt mỏi không còn tha thiết gì đến việc loan báo nữa thì sao? Hay như những người ở thế kỷ 21 này không chịu thực hiện trọng trách việc thuật lại câu chuyện tình yêu của Chúa cho những người khác nữa thì sao? Liệu Ngài có lập một chương trình nào khác không

Chúa Giêsu trả lời:

- Không! Ta không sắp đặt một chương trình nào khác. Ta đặt tin tưởng nơi họ.

Chúa vẫn tin tưởng những ai tin Chúa.

 

Suy Niệm 7: Ơn gọi như một cuộc hành trình

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Tin Mừng thứ tư trình bày ơn gọi như một cuộc hành trình qua nhiều giai đoạn:

1- Trước hết được giới thiệu cho biết Chúa (câu 36)      

2- Tiếp đó là “đi theo” Chúa (câu 37)

3- Tìm đến tận “địa chỉ” của Chúa (câu 38)

4- “Lưu lại” với Chúa (câu 39)

5- Rồi tới phiên mình, giới thiệu cho người khác nữa được biết Chúa (các câu 40-42)

B.... nẩy mầm.

1. Hình như cuộc hành trình của chúng ta chỉ mới đi được 2 giai đoạn đầu.

2. Để thuyết phục các môn đệ, Chúa Giêsu không nói nhiều, Ngài mời họ “Đến mà xem”. Phải đến tận nơi Chúa ở, phải xem thật rõ con người của Ngài thì mới có thể trung thành đi theo Ngài.

3. “Hai ông lưu lại với Ngài ngày hôm ấy”: Có những việc diễn ra một lần nhưng ảnh hưởng đến suốt đời, chẳng hạn như một cuộc tĩnh tâm sốt sắng, một cuộc linh thao nghiêm túc, hoặc một giờ cầu nguyện thực sự kết hợp với Chúa.

4. “Đức Giêsu quay lại thấy hai môn đệ của Gioan đi theo mình thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người bảo họ: “Đến mà xem” (Ga 1,38-39)

Sáng thứ hai vừa qua, một đoàn tiếp thị đã đến xưởng tôi làm việc để quảng cáo cho dầu gội đầu Pantene, với những kiểu cách hết sức sinh động hấp dẫn. Đặc biệt, còn tặng cho mỗi người một món quà lưu niệm. Nhờ quảng cáo, to được biết nhiều cái mới, cái hay, cái lạ. Nhưng quảng cáo cũng chi phối khi tôi phải lựa chọn.

Chúa Giêsu của tôi thì khác. Ngài mời gọi tôi theo Ngài, nhưng chỉ bảo “Đến mà xem”. Ngài không quảng cáo ồn ào, cũng không phô trương để mê hoặc tôi, vì Ngài muốn tôi theo Ngài với chọn lựa tự do.

Lạy Chúa, xin ban cho con, như hai người môn đệ hôm nào, biết “đến và ở lại với Ngài”, vì chỉ nơi Chúa con mới tìm được hạnh phúc đích thực. (Epphata).

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Bảy 27/04/2024 – Thứ Bảy tuần 4 Phục Sinh. – Cầu nguyện nhân danh Chúa. (26/04/2024 10:00:00 - Xem: 1,153)

Thứ Bảy tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Sáu 26/04/2024 – Thứ Sáu tuần 4 Phục Sinh. – Ðường về quê trời. (25/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,372)

Thứ Sáu tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Năm 25/04/2024 – Thứ Năm tuần 4 Phục Sinh – THÁNH MÁCCÔ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính. – Sư Tử Có Ðôi Cánh.  (24/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,466)

THÁNH MÁCCÔ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính.

Thứ Tư 24/04/2024 – Thứ Tư tuần 4 Phục Sinh. – Ðức tin là ánh sáng. (23/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,872)

Thứ Tư tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Ba 23/04/2024 – Thứ Ba tuần 4 Phục Sinh. – Sự thật cứu rỗi. (22/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,954)

Thứ Ba tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Hai 22/04/2024 – Thứ Hai tuần 4 Phục Sinh. – Chúa chiên lành. (21/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,662)

Thứ Hai tuần 4 Phục Sinh.

+ Chúa Nhật 21/04/2024 – CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH năm B. CHÚA CHIÊN LÀNH. Cầu cho ơn thiên triệu Linh mục và tu sĩ – Mục tử tốt lành. (20/04/2024 10:00:00 - Xem: 6,150)

CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH năm B. CHÚA CHIÊN LÀNH. Cầu cho ơn thiên triệu Linh mục và tu sĩ

Thứ Bảy 20/04/2024 – Thứ Bảy tuần 3 Phục Sinh. – Biết chọn lựa. (19/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,271)

Thứ Bảy tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Sáu 19/04/2024 – Thứ Sáu tuần 3 Phục Sinh. – Con đường hiến thân. (18/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,997)

Thứ Sáu tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Năm 18/04/2024 – Thứ Năm tuần 3 Phục Sinh. – Tin vào Lời Chúa – cử hành Thánh Thể. (17/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,898)

Thứ Năm tuần 3 Phục Sinh.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7