Thứ Sáu 30/09/2022 – Thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Lắng nghe và sám hối.
- In trang này
- Lượt xem: 5,720
- Ngày đăng: 29/09/2022 08:00:00
Lắng nghe và sám hối.
30/09 – Thứ Sáu tuần 26 thường niên. – Thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.
"Ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy".
* Thánh nhân sinh quãng năm 340 tại Xơtriđôn, Đanmaxia. Người đến Rôma học văn chương và đã lãnh bí tích Thánh Tẩy tại đó. Người sang Đông phương và làm linh mục. Trở lại Rôma, người làm thư ký cho Đức Giáo Hoàng Đamaxô. Thời gian này, người bắt đầu dịch Sách Thánh sang tiếng La tinh và cổ võ nếp sống đan tu. Nhưng nhất là người đã sống 35 năm cuối đời ở Bêlem, gần cái hang nơi Đức Giêsu ra đời. Ở đây, người cầu nguyện hãm mình, chăm chỉ nghiên cứu, dịch và chú giải Kinh Thánh. Người qua đời ở Bêlem năm 420.
Lời Chúa: Lc 10, 13-16
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho ngươi, hỡi Corozain, khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa: vì nếu tại Tyrô và Siđon đã xảy ra những phép lạ thực hiện nơi các ngươi, thì từ lâu, những nơi đó đã mặc áo vải thô và ngồi trên tro bụi mà sám hối. Cho nên trong ngày thẩm phán, Tyrô và Siđon sẽ được nhiêu dung hơn các ngươi. "
Còn ngươi nữa, hỡi Capharnaum, phải chăng ngươi sẽ được nâng cao đến tận trời? Ngươi sẽ phải hạ thấp xuống tới địa ngục. "Ai nghe các con, tức là nghe Thầy, và ai khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy là khinh dể Ðấng đã sai Thầy".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy niệm 1: Khốn cho ngươi
Suy niệm:
Tin Mừng hôm nay kể lại một kinh nghiệm không vui của Đức Giêsu,
Kinh nghiệm của một người tận tụy với công việc tông đồ
nhưng sau thời gian dài chờ đợi, kết quả lại không như ý.
Đức Giêsu là người vùng Galilê, hẳn Ngài yêu vùng đất này.
Ngài thường lui tới những thành phố quanh Hồ Galilê.
Khoradin, Bếtsaiđa, Caphácnaum nằm trong số đó.
Ngài đã rao giảng nhiều về sám hối (7, 36-50; 13, 1-5; 19, 1-10),
và Ngài cũng làm bao phép lạ kèm theo để gọi mời hoán cải.
Có thể nhiều người bị đánh động khi nghe lời Ngài giảng
và bị thu hút bởi các phép lạ Ngài làm.
Nhưng đối với Đức Giêsu, như thế vẫn chưa đủ.
Tất cả vẫn chỉ là hời hợt của cảm xúc bên ngoài.
Điều Ngài đòi hỏi là biến đổi tận căn bên trong cuộc sống.
“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtsaiđa!
Đức Giêsu đau đớn thốt lên như thế khi phải so sánh hai thành phố trên
với hai thành phố dân ngoại tội lỗi là Tia và Xiđôn (Is 23; Ed 26-28).
Hai thành phố ở Galilê chẳng đổi gì mấy dù đã biết Ngài từ lâu.
Dân ở đây sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn trong cuộc phán xét.
Thành phố Caphácnaum cũng chẳng khá hơn,
dù đây là nơi Đức Giêsu hay lui tới để phục vụ (Lc 4, 23. 31-37; 7,10).
Ngài đặt thẳng câu hỏi với thành phố này về tương lai của nó (c. 15).
Đừng mong được nâng đến tận trời, nhưng sẽ bị xuống tận âm phủ!
Đức Giêsu có kinh nghiệm về thất bại trong việc tông đồ.
Ngài cũng nhắc các môn đệ về chuyện đó (Lc 10, 10-12).
Không được tiếp đón, bị từ khước, không được người ta nghe (c.16),
thậm chí có khi bị bách hại, bị vu khống, bị giết chết.
Đó là những điều người môn đệ tín trung vẫn thường gặp,
vì Thầy của họ đã trải qua và vượt qua.
Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu nói chuyện với các thành phố,
những nơi thân quen, đã mang dấu chân Ngài.
Ngài lấy làm tiếc vì những gì Ngài làm chưa thấm vào bề sâu,
chưa tạo ra được những thay đổi nơi lòng thành phố.
Một sám hối thật sự không phải chỉ là một sám hối cá nhân,
nhưng là sám hối nơi sinh hoạt của cả một thành phố.
Nếu hôm nay Ngài đến với thành phố của chúng ta Ngài sẽ nói gì?
Ngài có chỗ không ở mọi nơi người Kitô hữu đang sống,
đang làm việc, đang học hành, đang vui chơi, đang cầu nguyện?
Sám hối là trả lại chỗ cho Ngài trong mỗi góc phố vắng,
là giữ cho thành phố xanh-sạch-đẹp theo nghĩa thiêng liêng nhất.
Ước gì chúng ta biết xây dựng quanh ta
những khoảng không gian tràn ngập sự hiện diện của Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
việc tông đồ của con phải là việc tông đồ diễn tả lòng tốt.
để khi thấy con, người ta phải nói:
“vì anh này tốt quá, nên đạo của anh phải là đạo tốt.”
Và nếu có ai hỏi con
tại sao con lại hiền lành và tốt như thế,
con sẽ trả lời
vì con là tôi tớ của một đấng tốt hơn con nhiều.
“Mong sao bạn biết được Chủ Giêsu của tôi tốt biết bao!”
Con muốn sống thật tốt, để người ta có thể nói:
“nếu tôi tớ mà tốt như vậy,
thì Chủ sẽ tốt đến ngần nào?” (Chân phước Charles Foucauld).
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy niệm 2: Chối từ sự sống
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Chúa Giê-su buồn phiền. Vì chính những nơi được nghe rao giảng Tin mừng, được chứng kiến nhiều phép lạ, lại không ăn năn sám hối. Chúa đặt Ca-phác-na-um làm trung tâm rao giảng Tin mừng. Chúa thường xuyên đi lại Kho-ra-din và Bết-xai-đa. Tại Bết-xai-đa có vài môn đệ theo Chúa. Nhưng đa số dân chúng cứng lòng không tin. Trong khi đó tại vùng dân ngoại Tia và Xi-đôn có người phụ nữ, dù bị Chúa xua đuổi, vẫn kiên trì tin tưởng. Chúa buồn không phải vì người ta chối từ Chúa. Nhưng vì người ta chối từ Chúa Cha. Chối từ tình yêu thương vô cùng sâu thẳm và bao la của Chúa Cha. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Người”. Còn tình yêu nào lớn lao hơn thế. Còn tấm lòng nào quan tâm hơn thế. Nhưng buồn là buồn cho chính họ. Chúa Cha là nguồn mạch sự sống. Khi chối từ nguồn mạch sự sống, họ đánh mất sự sống. Họ đi vào chỗ chết.
Đó chính là điều tiên tri Ba-rúc thú nhận. Trong thời kỳ lưu đầy, Ít-ra-en nhà tan cửa nát. Phải lưu đầy biệt xứ. Phải làm nô lệ. Vừa khổ cực vừa nhục nhã. Nhưng vị tiên tri phải thú nhận dân Ít-ra-en bị như thế là xứng đáng. Vì họ đã chối từ Thiên Chúa yêu thương. Thiên Chúa sức mạnh. Thiên Chúa ban sự sống. “Chúng tôi, những người Giu-đa và cư dân Giê-ru-sa-lem, các vua và thủ lãnh, tư tế và ngôn sứ cũng như các bậc cha ông, chúng tôi phải hổ ngươi bẽ mặt như ngày hôm nay thì cũng đáng, vì tất cả chúng tôi đã phạm tội trước nhan Đức Chúa, đã bất tuân, không nghe tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, không vâng theo các mệnh lệnh Đức Chúa đã đề ra trước mắt chúng tôi” (năm lẻ).
Chúa là nguồn mạch sự sống của toàn thể vũ trụ cũng như con người. Chúa đã chất vấn thánh Gióp. Và thánh Gióp không thể trả lời: “Có bao giờ ngươi đã đến tận nguồn biển cả và lang thang ở đáy vực sâu? Có ai từng mở cho ngươi lối vào âm phủ và ngươi thấy được cửa dấn tới âm ty? Có khi nào ngươi hiểu mặt đất rộng chừng nào? Nếu ngươi biết hết mọi điều đó thì cứ nói đi”. Và thánh Gióp chỉ biết thưa lại: “Vâng, con đây tầm thường bé nhỏ, biết nói chi để trả lời Ngài?” Thánh Gióp chỉ biết vâng theo ý Chúa. Chính vì thế ngài được Chúa yêu thương ban muôn hồng phúc (năm chẵn).
Chúng ta hãy noi gương thánh Gióp nhận biết Thiên Chúa là sự sống và là tất cả của chúng ta. Để luôn biết đón nhận Người. Đón nhận mệnh lệnh Người. Để chúng ta được sống.
Suy niệm 3: Nguy cơ của những tiện nghi vật chất
Có một hiện tượng chung tại các nước đang phát triển, đó là người dân nghèo từ thôn quê đổ xô ra thành thị. Tại đô thị dễ tìm được công ăn việc làm, đời sống nhiều tiện nghi, thú tiêu khiển cũng nhiều hơn. Nhưng hiện tượng đô thị hóa nào cũng có mặt trái của nó: người dân đưa nếp sống thôn dã lên thành thị, giao thông tắc nghẽn, việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè, trật tự công cộng không được tôn trọng, và trầm trọng hơn vẫn là đời sống luân lý đạo đức xuống cấp, nạn phạm pháp gia tăng.
Thời Cựu Ước, các Tiên tri đã không ngừng lên tiếng cảnh cáo dân chúng về cuộc sống đồi bại tại các đô thị. Chúc dữ các đô thị vốn là một đề tài quen thuộc trong lời rao giảng của các Tiên tri. Dường như có hai lý do khiến các Tiên tri lên án các đô thị: Một đàng các Tiên tri muốn nhắc nhở dân chúng về cuộc sống du mục trong sa mạc, tại đó họ đã nghe được tiếng Chúa và đã kết ước với Ngài, cuộc sống càng đơn giản, con người càng dễ kết thân với Chúa; nhưng đàng khác, nhận thấy cuộc sống đồi bại của các thành phố ngoại giáo trong vùng, các tiên tri muốn cảnh cáo dân chúng về mối nguy cơ có thể chạy theo một cuộc sống như thế. Sự đồi bại nguy hiểm nhất mà các Tiên tri không ngừng lên án một cách gắt gao, đó là việc tôn thờ ngẫu tượng và nếp sống vô luân của thị dân, điển hình nhất là của các đô thị sa đọa là Sôđôma, Gômôra, Babylon, Tyrô, Siđôn.
Trong Tin Mừng hôm nay, theo truyền thống các tiên tri Cựu Ước, Chúa Giêsu cũng nêu đích danh ba thành phố có nếp sống sa đọa nằm dọc theo bờ hồ, đó là Cozazin, Betsaiđa và Capharnaum. Những tiện nghi vật chất khiến con người dễ trở thành câm điếc trước Lời Chúa. Con người được tạo dựng không phải để sống đơn độc một mình, do đó, cô đơn vốn là điều con người sợ nhất, thành ra đi vào quan hệ với người khác là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Cuộc sống đô thị với nếp sống ồn ào náo nhiệt của nó dễ tạo cho con người cái cảm tưởng rằng ở đó họ dễ đi vào quan hệ với người đồng loại.
Tuy nhiên, như thực tế cho thấy, cuộc sống càng xô bồ, con người càng dễ rơi vào cô đơn. Kinh Thánh không ngừng nhắc nhở con người rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể mang lại bí quyết cho sự thông hiệp đích thực của con người, nghĩa là giúp cho con người ra khỏi nỗi cô đơn của mình; bí quyết đó chính là Lời của Ngài. Thật thế, khi con người sống kết hiệp với Chúa, thì dù có sống một mình, nó cũng sẽ không cảm thấy cô đơn; lại nữa, khi sống kết hiệp với Chúa, con người sẽ cảm thấy được thúc đẩy để đến với anh em của mình. Con người không thể kết hiệp với Chúa mà có thể khước từ người anh em của mình, và ngược lại, bất cứ một quan hệ chân thành nào với người anh em, cũng luôn gia tăng sự kết hiệp con người với Thiên Chúa.
Dù muốn hay không, những thay đổi trong cuộc sống do kinh tế thị trường mang lại không thể không ảnh hưởng đến cuộc sống đức tin của người Kitô hữu. Thật ra, cuộc sống đức tin không phải là một sinh hoạt phụ trong cuộc sống chúng ta; đức tin phải là chiều kích bao trùm toàn bộ cuộc sống của chúng ta: chúng ta là Kitô hữu trong mọi nơi, mọi lúc, mọi sinh hoạt, mọi hoàn cảnh. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đề cao cảnh giác trước nguy cơ có thể tách biệt niềm tin với những sinh hoạt hàng ngày và dần dà đẩy niềm tin ra bên lề cuộc sống. Niềm tin ấy có lẽ chỉ còn là Thánh Lễ Chúa Nhật, một vài sinh hoạt trong khuôn viên giáo đường, một số kinh kệ trong gia đình, chứ không ăn nhập gì đến cuộc sống mỗi ngày; niềm tin ấy có lẽ chỉ còn là một món đồ trang điểm cho cuộc sống và cần thiết cho một số dịp nào đó trong năm, chứ không liên hệ gì đến đòi hỏi công bằng bác ái, liên đới mà chúng ta phải thực thi hằng ngày.
Nguyện cho Lời Chúa luôn là động lực thúc đẩy và hướng dẫn chúng ta trong mọi sinh hoạt và quan hệ hằng ngày của chúng ta, để trong khi mưu cầu cho cuộc sống, chúng ta luôn tìm gặp Chúa trong tha nhân và trong mọi biến cố.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm 4: Nghe hay khước từ
“Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy, mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.” (Lc. 10, 16)
Hôm qua Đức Giêsu đã ban một số huấn lệnh cho các môn đệ đi truyền giáo. Trường hợp gặp thất bại, hãy đến nơi khác. Đức tin không cưỡng bức ai. Đàng khác, dù muốn hay không, nước Thiên Chúa vẫn đến! Người ta có thể khước từ nhưng sẽ có ngày họ sẽ gia nhập, vì đó là thành ý Thiên Chúa. Chính Ngài định đoạt ngày giờ, chứ không phải người ta. Ước mong họ sẽ tin cậy vào Ngài. Họ nghe lời Chúa không tùy thuộc vào tài khéo léo thuyết phục của loài người.
Chính Đức Kitô, là Con Thiên Chúa, cũng không thành công khi thuyết phục mọi người tin vào sứ điệp chân chính và cần thiết của Người. Bản tính nhân loại của Người như đã che lấp mọi may mắn làm cho người ta tin Người. Ba thành Kho-ra-zim, Bét-sai-đa và Ca-pha-na-um Người kể tên ra đây, là những vùng hoạt động của Người, được đặc biệt hưởng những ân huệ lời Người và tận tình cứu giúp của Người. Họ sẽ giầu có, phong phú biết bao về tinh thần, nếu họ lắng nghe và sống theo lời Người. Nhưng khốn thay! Họ đã cùng túng và thảm bại vì đã từ chối lời Người kêu gọi. Nếu các thành dân ngoại khác như Sô-đô-ma, Ti-a và Si-đôn đã được may mắn gặp gỡ Đức Kitô thì họ đã mặc áo nhặm ngồi trên tro tàn tỏ lòng ăn năn sám hối lâu rồi.
Chúa không chúc dữ đâu! Người chỉ than phiền về sự đui mù và vô ơn của mọi người, như Người khóc thương thành Giê-ru-sa-lem đã ruồng bỏ Người. Khi nghe những lời đau khổ của Đức Giêsu như thế, người ta không khỏi nghĩ đến những nước, những tỉnh thành, làng xã trong quá khứ đã nhận được dồi dào ơn lành và ánh sáng của Đức Kitô, nay họ đã ruồng bỏ Người, trong ngày phán xét, chúng ta sống hối hận chừng nào!
Hôm nay nghe các ngôn sứ của Đức Kitô, chính là nghe chính Đức Kitô. Nếu khước từ các Ngài là khước từ chính Người. Để lời khiển trách của Đức Giêsu xưa đem lại phúc lợi cho chúng ta, mỗi người và tất cả chúng ta hãy vui vẻ đón nhận lời Người để nghiêm chỉnh, thẳng thắn hồi tâm trở về với Đức Kitô. Đừng để lời cảnh giác của Người như tiếng vang ngoài tai rồi biến tan theo mây khói, thật khốn cho chúng ta!
GF
Suy niệm 5: Sám hối để được đón nhận tin mừng
Càng văn minh, tiến bộ, thì càng làm cho người ta được sung túc. Chuyện này là lẽ thường tình, và sống trong một xã hội thì sự phát triển của nó là điều mà ai cũng mong muốn! Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là ở chỗ: nó dễ làm cho tâm thức của con người rơi vào tình trạng bình thường hóa, tương đối hóa mọi chuyện, nhất là vấn đề giảm thiêng trong đời sống đạo đức. Vì thế, con người dễ bị sa vào những vòng vây của tội lỗi và tệ nạn... khiến nền tảng luân lý bị đe dọa và cuộc sống trác táng là điều dễ dàng xảy đến!
Hình ảnh sa đọa này thật rõ nét nơi các thành như: Sôđôma, Gômôra, Babylon, Tyrô, Sidon... Sang đến thời Đức Giêsu, diễn biến này cũng không thiếu, cụ thể là các thành: Bethsaida, Corozain, Caphanaum... Họ đã chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa, chối bỏ những chứng từ đức tin và tôn thờ ngẫu tượng. Trai lỳ trong tội và đi tìm sự thỏa mãn xác thịt để bù lấp khoảng trống trong tâm hồn.
Nhưng tiếc thay, họ càng đi tìm thì lại càng mất. Bởi vì họ đã không gặp được Thiên Chúa ở trong chốn ăn chơi, xa đọa, mà chỉ gặp toàn những đối tượng, phương tiện làm cho mình xa Chúa và băng hoại đời sống đạo đức mà thôi.
Sự lãnh đạm, chai lỳ của dân các thành Bethsaida, Corozain, Caphanaum, cũng chính là sự chai lỳ và lãnh đạm của dân Chúa ngày nay là chúng ta! Hẳn mỗi người chúng ta đều thấy tình thương của Thiên Chúa trong thế giới và nơi cuộc sống, thế mà chúng ta đã không trở về với phẩm giá đích thực của mình là con cái Chúa, con cái Sự Sáng, nhưng vẫn sống thờ ơ, lãnh đạm và vui hưởng những thú vui tội lỗi...
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy bám vào Thiên Chúa như là cứu cánh của mình. Chỉ có Thiên Chúa và trong Ngài, chúng ta mới tìm được niềm vui và hạnh phúc đích thực. Loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, con người không chỉ rơi vào sa đoạ mà còn cắt đứt mối tương quan với tha nhân.
Thật vậy, chỉ có lắng nghe Lời Chúa và thực hành, thì chúng ta mới trở nên người hoàn thiện, và xã hội, gia đình mới trở nên tốt mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu mến Lời Chúa và hân hoan thi hành, để Lời Chúa hướng dẫn chúng con biết làm điều thiện, tránh điều dữ. Có thế, Giáo Hội, xã hội và gia đình mới trở nên lành mạnh và chúng con mới có hy vọng được cứu độ. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 6: Đón nhận Tin Mừng là đón nhận Chúa
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Ai đón nhận Tin Mừng là đón nhận chính Thiên Chúa. Ai không tin, không đón nhận sẽ bị kết án và mất phần thưởng đời đời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, bài Tin Mừng hôm nay làm con phải sững sờ. Các thành phố Kho-ra-dim, Bet-sai-đa, Ca-phac-na-um đã được nghe Chúa giảng dạy và thấy các việc Chúa làm. Nhưng họ đã không nhận ra và thực thi điều Chúa truyền dạy. Họ không hối cải, và đã làm ngơ trước các đòi hỏi của Tin Mừng. Lòng họ đã nên chai cứng. Họ đánh mất ân huệ lớn lao mà bao nhiêu thế hệ trông chờ. Cuối cùng, thay vì ân phúc và trọng thưởng, họ đã bị kết án nặng nề và bị loại trừ khỏi hạnh phúc trường sinh.
Hình ảnh các thành phố ngoại giáo Ty-rô và Sy-đon sẽ được đối xử khoan dung hơn trong ngày phán xét làm con xác tín: Ai không tin, không đón nhận Tin Mừng là chối bỏ Chúa, và hơn thế nữa là chối bỏ chính Cha trên trời. Lạy Chúa, xin giúp con luôn nhận ra điều Chúa truyền dạy và quyết tâm thi hành. Việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa là lối mở dẫn đưa con về nhà Cha trên trời, là bảo đảm cuộc sống thật hạnh phúc đời sau.
Lạy Chúa, Giáo Hội đại diện Chúa tiếp tục loan báo Tin Mừng cứu độ. Ai tin, ai gắn bó, ai đón nhận giáo huấn của Giáo Hội là đi vào con đường cứu rỗi. Xin giúp con cởi mở nội tâm để sống tâm tình hiếu thảo trong lòng Giáo Hội. Xin thêm lòng yêu mến cho con, để Lời Chúa truyền và các điều Giáo Hội dạy, con thực hiện thật tốt đẹp. Xin đừng bao giờ để lòng con nên chai cứng trước những lời mời gọi sống cho Chúa, sống yêu thương phục vụ anh em hằng ngày. Amen.
Ghi nhớ: “Ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy”.
Suy niệm 7: Tin vào Thiên Chúa
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Tướng Carreau bị thương nặng, sắp chết. Sau khi được chịu các phép sau hết, ông cầm lấy thánh giá mà vợ ông đã mang vào cổ ông, nói với các bạn binh sĩ của ông:
“Các bạn hãy can đảm lên! Giữa các sự cực nhọc và đau khổ của mình, các bạn đừng quên rằng cuộc đời là vắn vỏi và ta thật vô phúc nếu khi chết, ta thấy rằng ta đã không hiểu biết, đã không thờ lạy và đã không bênh vực Chúa Giêsu”.
Suy niệm
Tyrô và Siđôn, những thành phố phồn thịnh, nổi tiếng thời Cựu ước, cũng là cửa ngõ bị ảnh hưởng của đời sống ngoại giáo xâm nhập vào Israel, nên các ngôn sứ hay phê phán nặng lời các thành phố này (x. Is 23; Ed 26-28; Ge 4,4-8; Am 1,9-10; Dcr 9,2-4). Riêng Sôđôma là thành phố tội lỗi đã bị Chúa hủy diệt bằng lửa… Các ngôn sứ lên án vì nếp sống thực dụng vật chất hưởng thụ dẫn tới những sa đọa luân lý, tôn thờ ngẫu tượng của ngoại bang tại các thành phố này.
Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum là những thành phố nằm trên bờ hồ Giênêgiarét. Chúa Giêsu và các môn đệ đã nhiều lần rao giảng Tin Mừng, cũng như làm nhiều phép lạ ở các nơi này. Cuộc sống vật chất sung túc, làm cho con người không chỉ sa đọa, mà còn chối bỏ tương quan với Ðấng Tạo Hóa qua việc họ không tin vào lời giảng dạy của Đấng Thiên Sai đang ở giữa họ. Thế mà dân ở đây vẫn cứng lòng không lãnh nhận giáo huấn Chúa. Chính sự chối bỏ, cứng tin của họ, làm cho họ bị phán xét nặng hơn vì ngoan cố không chịu nghe theo Chúa. Thế mà dân ở đây vẫn cứng lòng không theo Chúa. Hình phạt cho các thị trấn sẽ nặng hơn vì ngoan cố không chịu nghe theo Chúa.
Khi loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, đời người sẽ trở nên trống rỗng vắng bóng Ngài, dễ dàng rơi vào sa đọa... Chỉ tin vào Thiên Chúa, khi đó con người mới biết đặt Ngài vào trọng tâm cuộc đời, sống những giá trị thiêng liêng và xây dựng tình người với nhau.
Ý lực sống
“Con hy vọng rất nhiều vào Chúa,
linh hồn con trông cậy ở Lời Chúa” (Tv 130,5).
Suy niệm 8: Chúa than trách ba thành ở Galilê
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Sau khi sai 72 môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu liên tưởng đến các thành phố Khoradin, Betsaiđa và Capharnaum nằm ở bờ Ghênêdaret. Là những thành phố tương đối giầu có và trình độ văn hóa cao hơn những thành khác. Chúa Giêsu và các môn đệ đã nhiều lần rao giảng Tin Mừng cũng như làm phép lạ ở các thị trấn này, nhưng sự giầu có và kiến thức của họ đã khiến họ kiêu căng tự mãn nên không đón nhận Tin Mừng, không chịu hối cải, nên hình phạt cho họ sẽ nặng hơn hơn các thành phố khác.
2. Hôm nay Chúa Giêsu khiển trách các thành dọc bờ hồ Galilê là Khoradin, Betsaiđa và Capharnaum. Vì sao vậy? Vì các thành này đã chứng kiến “phần lớn các phép lạ và các lời giảng dạy” của Chúa; thế nhưng họ không đón nhận Tin Mừng, không chịu hối cải, họ đã đóng kín lòng mình, họ không để cho ơn Chúa được thể hiện trong cuộc đời. Họ đã không tận hưởng cái đặc ân, cái cơ hội mà thành Tia, Sôđôma và Gômôra không hề được. Và chính vì không đón nhận Chúa, nên họ cũng không thể thấy các phép lạ xẩy ra tiếp tục trong chính hành vi tiếp nhận của họ.
3. Cũng trong Tin Mừng hôm nay, sau khi chúc dữ các thành phố sa đọa, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng chỉ nhờ lắng nghe Lời Ngài, con người mới có thể thông hiệp và hiệp nhất với nhau. Niềm tin là men nối kết con người với nhau, niềm tin là sức bật đưa con người ra khỏi chính mình để đến với người khác, niềm tin là thuốc chữa trị con người khỏi vong thân. Phát triển kinh tế là một yếu tố cần thiết cho cuộc sống; thế nhưng con người không chỉ sống bằng cơm bánh. Ăn no, hưởng thụ, mà tinh thần trống rỗng thì cũng chỉ là mẫu người què quặt kém phát triển mà thôi. Một cuộc sống sung mãn đích thực phải là cuộc sống trong đó giá trị tinh thần và luân lý được đặt vào hàng trọng yếu (Mỗi ngày một tin vui).
4. Chúa Giêsu đến trần gian để cứu độ mọi người. Trước sự cứng lòng tin của một số dân thành đã từng chứng kiến phép lạ Chúa làm mà không tin, Chúa Giêsu dùng những lời lẽ than trách, khuyến cáo họ. Dầu vậy, Chúa không trừng phạt những kẻ lãnh đạm, cố chấp không đón nhận Tin Mừng, nhưng mời gọi, khuyến cáo họ nghe Lời Chúa mà ăn năn trở lại. Chúng ta cần khoan dung với kẻ ác, nhẫn nại với người cứng lòng, để tình yêu của Chúa được biểu lộ qua chúng ta, có sức lôi cuốn tội nhân hoán cải (5 phút Lời Chúa).
5. Chúng ta thấy tội lỗi là đáng sợ, mà đã có tội lại còn cố chấp thì càng đáng sợ hơn. Tục ngữ Ả Rập nói rằng: tội có năm ngón tay, nó dùng hai ngón bịt mắt chúng ta, để chúng ta không thấy được tội lỗi xấu xa chừng nào. Nó sợ nếu chúng ta biết tội lỗi xúc phạm đến Chúa nặng nề thế nào, thì chúng ta không dám phạm.
Nó dùng hai ngón khác bịt tai chúng ta, để chúng ta không còn nghe thấy tiếng Chúa mà ăn năn sám hối. Nó làm như vậy để giữ chúng ta ở trong tình trạng tội lỗi lâu ngày, lòng chúng ta trở nên chai đá, và chúng ta không muốn thống hối nữa.
Nó dùng ngón cuối cùng bịt miệng chúng ta, để chúng ta không đọc lời thống hối, không phàn nàn hối hận vì tội lỗi đã phạm (Phạm Văn Phượng).
6. Người xưa dạy: “Kẻ tự cho mình là tài giỏi thì tai không còn được nghe lời hay lẽ phải nữa”.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cảnh báo về số phận của những kẻ tự mãn. Họ giống như dân các thành Khoradin, Betsaiđa và Capharnaum sống trong sự sung túc về vật chất, trí thức và lấy làm thỏa mãn với sự thông minh trần thế của mình, để rồi họ khép kín lòng mình, và từ chối lời khôn ngoan của Chúa Giêsu. Bởi vậy, số phận dành cho những người đó là hố sâu của sự chết muôn đời.
Trong cuộc sống, chúng ta lắm khi cũng mắc phải những cám dỗ như thế. Ta thường tự cao tự đại về lượng tri thức đồ sộ đã thụ đắc và cảm thấy thỏa mãn với chúng, để rồi khép kín tâm hồn và xem thường lời chỉ dạy, khuyên nhủ của người khác. Ta đâu biết đó chính là những thông điệp mà Thiên Chúa đang muốn gửi đến cho ta (Học viện Đa Minh).
7. Truyện: Hai triết gia Jacques Maritain và Raissa.
Jacques Maritain và Raissa là hai triết gia của nước Pháp vào đầu thế kỷ này. Hồi còn trẻ, hai người đã hết lòng yêu thương nhau. Nhưng rồi sự vô tín ngưỡng đã đưa họ đến vực thẳm của thất vọng. Cuộc sống càng ngày càng trở nên nhạt nhẽo, vô nghĩa. Rồi một hôm kia, hai người dắt nhau đến một công viên ở Paris và thề thốt với nhau rằng, nếu trong vòng 12 tháng mà không tìm ra được một ý nghĩa nào cho cuộc sống thì cả hai sẽ cùng tự vẫn.
Rất may là sau 12 tháng họ đã tìm ra cho cuộc sống một ý nghĩa. Ý nghĩa ấy là tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa.
Sau đó cho đến cuối đời, họ đã giành tất cả cuộc sống của họ để làm chứng cho tình yêu và ân sủng họ đã nhận được.
Trong tác phẩm có tựa đề “Thủ lãnh của thế gian”, bà Raissa đã viết như sau: “Ma quỉ đã tung ra một mạng lưới ảo tưởng trên chúng ta. Mạng lưới này tuy vô hình nhưng rất mãnh liệt. Nó làm cho chúng ta yêu thích giây phút chóng qua hơn cuộc sống vĩnh cửu. Nó khuyến dụ chúng ta chạy theo sự vô định hơn chân lý. Nó bảo ta rằng, ta chỉ có thể yêu mến tạo vật bằng cách thờ lạy chúng mà thôi”.
Suy niệm 8: Khốn cho 3 thành phố Khôradin, Bétsaiđa và Caphácnaum
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Sau khi sai 72 môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu liên tưởng đến những thành phố đã không đón nhận Tin Mừng. Đó là Khôradin, Bétsaiđa và Caphácnaum. Những thành này đều ở ven biển hồ Galilê, đều tương đối giàu có và trình độ văn hóa cao hơn những thành khác.
Nhưng sự giàu có và kiến thức của họ đã khiến họ kiêu căng tự mãn nên họ không thèm đón nhận Tin Mừng. Bao nhiều lời rao giảng và phép lạ Chúa Giêsu đã làm ở những nơi đó đều hầu như hoàn toàn vô ích.
Bởi thế, lẽ ra họ được hạnh phúc, nhưng Chúa Giêsu bảo “Khốn cho họ”.
B.... nẩy mầm.
1. Trong những buổi chia sẻ Lời Chúa, nếu tôi nghĩ rằng mình đã biết nhiều hay mình đã đạo đức rồi, thì lời của những anh chị em khác chia sẻ sẽ chẳng mang lại ích lợi gì cho tôi. Bởi trí tôi quá đầy, lòng tôi quá đủ cho nên không gì có thể vào thêm được nữa.
2. Những kẻ bị chúc dữ trong đoạn Tin Mừng này là những người sống ở các thành phố. Nếp sống văn minh thành phố dễ đẩy người ta xa Chúa: do cám dỗ của vật chất, do tâm hồn quá ồn ào, do ý nghĩ mình thông giỏi…
Dù muốn dù không càng ngày chúng ta càng dấn sâu vào văn minh thành phố. Xin Chúa giúp chúng ta làm thế nào để vẫn giữ được tâm hồn sa mạc: hướng về siêu nhiên hơn tự nhiên, hướng nội hơn hướng ngoại, trọng tình yêu hơn hưởng thụ, xử dụng tiện nghi vật chất trong tình thần làm chủ hơn là tinh thần nô lệ…
3. “Ai nghe các con là nghe Thầy, và ai khinh dễ các con là khinh dễ Thầy. Mà ai khinh dễ Thầy là khinh dễ Đấng đã sai Thầy”: Chúa Giêsu đang nói về những sứ giả của Ngài, đem lời Ngài đi rao giảng. Nghe họ tức là nghe Chúa, từ chối họ tức là từ chối Chúa.
Dù tôi là kitô hữu, là tu sĩ, Linh mục, Chúa vẫn còn gởi các sứ giả của Ngài đến với tôi, để khuyên bảo, nhắc nhở tôi. Những người đó có thể là một người bạn của tôi, cấp trên của tôi hoặc cấp dưới của tôi nữa. Nghe họ là nghe Chúa, không nghe họ là không nghe Chúa!
4. Một nhà hiền triết đã nói với một ông vua rất giàu có như sau: Không ai có thể được xem là hạnh phúc thật khi trái tim người đó còn bị trói buộc với của cải vật chất. ("Mỗi ngày một tin vui")
5. “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy (Lc 10,16).
Lời Chúa hôm nay chỉ cho tôi một thái độ sống, đó là sống cho Đức Kitô, sống vì Đức Kitô. Tôi phải sống như thể tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Chúa Giêsu sống trong tôi, để bất cứ ai nghe tôi là nghe Chúa, và ai khước từ tôi là khước từ Ngài.
Thật là một vinh dự đáng tự hào, một trách nhiệm lớn lao. nhiều lúc tôi tự hỏi trong thực tế mình đã nghe Lời Chúa để có thể nói lời Ngài chưa? Tôi dám chịu khước từ vì Ngài không?
Lạy Chúa, xin cho biết lắng nghe Lời Ngài trong thế giới hôm nay để con nhận ra và sống Lời Ngài trong những giây phút hiện tại. (Hosanna).
Bài cùng chuyên mục:
+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 4,454)
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,117)
Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,705)
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,400)
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,805)
Thứ Tư tuần 33 thường niên.
Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,798)
Thứ Ba tuần 33 thường niên.
Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,903)
Thứ Hai tuần 33 thường niên.
+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,156)
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,573)
Thứ Bảy tuần 32 thường niên.
Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,963)
Thứ Sáu tuần 32 thường niên.
-
+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu.
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
- Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
- Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo....
-
Đức Giesu Kito, một vị Vua khác
Hôm nay, “nếu bạn tin vào Chúa Kitô, hãy để Ngài là Vua trong cuộc đời bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn bạn sống theo sự thật, bởi vì Ngài là...
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Đạo còn sống khi ta còn sống đạo
Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng...
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất