Lời chúa mỗi ngày

Thứ Sáu 27/01/2023 – Thứ Sáu tuần 3 thường niên. – Nước Thiên Chúa phát triển.

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,967
  • Ngày đăng: 26/01/2023 10:00:00

Nước Thiên Chúa phát triển.

27/01 – Thứ Sáu tuần 3 thường niên.

"Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết".

 

LỜI CHÚA: Mc 4, 26-34

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Ðất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa".

Người còn phán: "Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được".

Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tuỳ sức họ có thể hiểu được, và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Bông lúa trĩu hạt

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Một người có cái nhìn bi quan về Hội Thánh

chắc sẽ tìm được nhiều dữ kiện để chứng minh.

Tại một số nước phương Tây, có nhiều nhà thờ vắng người,

chủng viện thiếu chủng sinh, tập viện tạm đóng cửa.

Kitô hữu càng lúc càng chiếm tỉ lệ nhỏ

trong tổng số dân trên thế giới.

Có những khủng hoảng đức tin trong giới trẻ.

Người ta tự hỏi Hội Thánh đã lỗi thời chưa.

Có cần phải tin vào Ðức Kitô nữa không?

Vào thời thánh Máccô viết sách Tin Mừng,

cũng có những Kitô hữu bi quan về Hội Thánh.

Hội Thánh ở Rôma chỉ là một thiểu số nhỏ nhoi

chịu bách hại dưới ách của bạo chúa Nêrô.

Liệu Hội Thánh có tồn tại và phát triển không

dưới sức mạnh hùng hậu của đế quốc?

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta niềm lạc quan.

Ðó là hai dụ ngôn về Nước Thiên Chúa,

cũng là hai dụ ngôn về hạt giống.

Trong dụ ngôn thứ nhất, hạt giống được gieo xuống đất

là bắt đầu nảy mầm và lớn lên,

theo một tiến trình không gì ngăn cản nổi.

Trước hết mọc lên thành cây lúa, rồi trổ đòng đòng

và sau cùng thành bông lúa trĩu hạt.

Tự nó, hạt giống mang một sức sống mạnh mẽ.

Nó lớn lên cả đêm lẫn ngày,

chẳng cần con người can thiệp.

Có cái gì mầu nhiệm trong sự tăng trưởng này

khiến chính người gieo cũng không sao hiểu nổi.

Một cách âm thầm, chậm rãi nhưng vững vàng,

hạt lúa đạt đến kết quả mỹ mãn.

Dụ ngôn thứ hai lại cho thấy một sự tương phản.

Nước Thiên Chúa như một hạt cải nhỏ xíu,

vậy mà theo thời gian, nó mọc lên thành cây,

và cây này lớn hơn mọi thứ cây cỏ khác.

Hạt bé nhất lại cho cây lớn nhất.

Nước Trời khởi đầu bằng Ðức Giêsu

và một nhóm nhỏ môn đệ làm nghề chài lưới.

Sau hai mươi thế kỷ,

Kitô giáo đã lan khắp thế giới, đến với mọi dân tộc.

Tuy nhiên, Nước Trời chỉ đến trọn vẹn vào ngày cánh chung.

Thái độ ta phải có là kiên nhẫn chờ đợi.

Hạt giống nào cũng phải vùi sâu dưới đất,

và phải đương đầu với những khó khăn khi thành cây.

Có lúc ta thấy nó như bị chững lại hay suy thoái.

Có lúc ta sợ nó không đứng vững trước bão bùng.

Ðây là lúc ta phải sống niềm tin:

tin rằng Thiên Chúa sẽ đưa Nước Ngài đến thành tựu,

bất chấp những khiếm khuyết và cản trở của con người.

Ðừng nản chí mà ngừng gieo vãi hạt giống Lời Chúa,

dù nhiều khi chúng ta không thấy hạt giống lớn lên.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin thương nhìn đến Hội Thánh

là đàn chiên của Chúa.

Xin ban cho Hội Thánh

sự hiệp nhất và yêu thương,

để làm chứng cho Chúa

giữa một thế giới đầy chia rẽ.

Xin cho Hội Thánh

không ngừng lớn lên như hạt lúa.

Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,

đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.

Ước gì Hội Thánh trở nên men

được vùi sâu trong khối bột loài người

để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.

Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp

để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.

Xin cho Hội Thánh

trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,

nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

Cuối cùng xin cho chúng con

biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,

nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,

nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

 

Suy Niệm 2: Hạt giống tự mọc

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Nước Thiên Chúa là công trình của Thiên Chúa. Không phải của con người. Như hạt giống tự mọc. Người gieo rồi về nằm ngủ. Hạt giống nảy mầm và mọc lên thế nào, không ai biết. Người gieo chỉ biết gieo và vun trồng. Nhưng không thể làm cho hạt giống nảy mầm và mọc lên. Vì đó là việc của Thiên Chúa. Việc Thiên Chúa làm rất khác với việc của con người. Như hạt cải gieo trong vườn. Khi gieo xuống là hạt bé nhỏ nhất. Chịu vùi lấp dưới lòng đất. Chịu huỷ hoại đi. Mất cả hình dáng. Nhưng khi mọc lên lại thành cây cao lớn, cành lá xum xuê. Đến nỗi chim trời đến trú ẩn.

Giáo hội, hình ảnh hữu hình của Nước Thiên Chúa, đã từng trải qua kinh nghiệm hạt giống tự mọc. Khởi đầu Giáo hội rất bé nhỏ. Nghèo hèn. Bị khinh miệt. Và bị bách hại. Tưởng như bị tận diệt. Điều đó khiến nhiều người chán nản. Nhưng thánh Phao-lô khuyên nhủ ta hãy tin tưởng vào lời Chúa hứa. “Xin anh em nhớ lại những ngày đầu: lúc vừa được ơn chiếu sáng, anh em đã phải đối phó với bao nỗi đau khổ dồn dập. Khi thì anh em bị sỉ nhục và hành hạ trước mặt mọi người, khi thì phải liên đới với những người cùng cảnh ngộ. Quả thật, anh em đã thông phần đau khổ với những người bị tù tội, và đã vui mừng để cho người ta tước đoạt của cải…Anh em cần phải kiên nhẫn, để sau khi thi hành ý Thiên Chúa, anh em được hưởng điều Người đã hứa” (năm lẻ).

Có khi đau khổ yếu đuối đến từ chính bản thân. Như trường hợp Đa-vít. Ông vóc người bé nhỏ. Nhưng phạm phải những lỗi lầm lớn lao. Cướp vợ của U-ri-gia. Lại còn giết chết U-ri-gia. Chúa trừng phạt ông vì tội lỗi của ông. Nhưng Chúa vẫn trung tín giữ lời hứa cho dòng dõi ông trường tồn. Cho Đấng Cứu Thế sinh bởi dòng dõi ông. Cho thấy đó là kế hoạch của Thiên Chúa. Đó là quyền năng của Thiên Chúa. Đó là lòng thương xót của Thiên Chúa (năm chẵn).

Hạt giống tự mọc. Vì thế tôi phải biết khiêm nhường nhận biết mình yếu hèn kém cỏi. Hạt giống tự mọc. Tôi không nản lòng khi sự ác có vẻ thắng thế, lấn át sự thiện. Hạt giống tự mọc. Tôi kiên trì khi những chương trình mục vụ truyền giáo thất bại, Hạt giống tự mọc. Tôi xin Chúa tha thứ những lỗi lầm của bản thân. Hạt giống tự mọc. Tôi vững tin rằng sau khi gặp nhiều thử thách thất bại Nước Chúa sẽ lớn mạnh. Trở thành nơi cho mọi người nương ẩn.

 

Suy Niệm 3: Hạt giống, hạt cải

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hạt giống và hạt cải làm ví dụ để nói về Nước Thiên Chúa.

Nước Thiên Chúa được thiết lập giống hệt như một tiến trình gieo gặt trọn vẹn: từ hạt giống, hạt nẩy sinh thành cây, rồi thành bông lúc. Như người dân Palestina, sau khi gieo hạt giống, họ âm thầm chờ đợi lúa chín để gặt hái, chứ không hề biết hạt giống được gieo xuống đất đã phát triển như thế nào: Chúa Giêsu cũng gieo hạt giống Nước Trời nơi tấm lòng con người, cùng với ơn Chúa, Nước đó âm thầm phát triển lan rộng khắp thế giới, tạo nên mùa gặt các linh hồn. Chúa Giêsu chỉ đích thân có mặt trong mùa gieo giống và mùa gặt hái. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chờ đợi, Ngài vẫn tiếp tục hoạt động một cách vô hình, qua Chúa Thánh Thần và Giáo Hội. Khi Nước Thiên Chúa đã phát triển đến mức tối đo, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang, thu hoạch mùa gặt của Ngài.

Dụ ngôn hạt cải là dụ ngôn cuối cùng trong năm dụ ngôn về Nước Thiên Chúa. Cũng như các dụ ngôn trước, dụ ngôn này được rút ra từ đời sống thôn dã. Nó đưa ra một nét tương phản hấp dẫn: hạt cải nhỏ xíu trở thành một cây to lớn. Nước Thiên Chúa cũng mang nơi mình một nghịch lý tương tự: Dưới cái nhìn của thánh Marcô, dụ ngôn hạt cải chứa đựng cách diễn tả tuyệt vời về bí mật Mêsia. Cho đến lúc này, hành vi của Chúa Giêsu có thể bị coi là vô nghĩa và Nước Thiên Chúa vẫn chỉ là một thực tế khiêm tốn. Dù vậy, các dân ngoại đang nhìn thấy sự tăng trưởng dị thường của nó như các Kitô hữu ở Rôma đã kinh nghiệm được điều này. Chính Giáo Hội tiên khởi, dù yếu đuối, vẫn ý thức được mình đang tham dự vào sự thành công của một công trình đã sẵn tiềm tàng nguồn sinh lực vô biên, công trình này sẽ đạt tới mức hoàn vũ vào cuối giai đoạn phát triển của nó.

Hạt giống đã trải qua một quá trình phát triển âm thầm trước khi tới mùa gặt; hạt cải được trồng dưới đất cũng phải trải qua một quá trình cho đến khi trở thành một cây lớn. Trong những bổn phận dù âm thầm hằng ngày, chúng ta hãy tin tưởng phó thác cho quyền năng yêu thương của Chúa, chính Ngài sẽ làm cho công việc chúng ta thực hiện theo ý Chúa đạt tới kết quả vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta, và như vậy chúng ta sẽ làm ích cho chính bản thân, cho tha nhân và cho Nước Chúa.

Xin Chúa củng cố chúng ta trong niềm xác tín đó.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Vấn đề thân cận

Người nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bắng cách nào thì người ấy không biết.” (Mc. 4. 26-27)

Phúc âm hôm nay lấy chủ đề là việc gieo giống. Nhưng những lời lẽ được dùng lại vang lên những âm điệu mới lạ đáng chúng ta quan tâm suy nghĩ: mầu nhiệm Đức Kitô có một sức mạnh âm thầm hằng thúc đẩy để mầu nhiệm ấy được thực hiện trọn vẹn; dầu có tính cách mong manh, mầu nhiệm ấy vẫn có một sức mạnh vô địch; sau cùng lòng gắn bó hoặc tin cậy vào Chúa Giêsu giúp ta hiểu biết đầy đủ về mầu nhiệm này.

Một sức mạnh âm thầm

Mỗi ngày ta khó nhọc vất vả gieo hạt giống Nước Trời, mong cho Nước Chúa trị đến. Nào là: kinh lễ, hội họp, thảo luận, phục vụ, thăm viếng tình nghĩa, dạy giáo lý, hoạt động nghề nghiệp, săn sóc bệnh nhân, dạy học, làm việc chân tay… Chúng ta tin rằng thực hiện một trong những công việc kể trên là làm cho chúng ta sống mầu nhiệm phục sinh, là đưa mọi loài thụ tạo đến sự phục hồi. Ta tin nhưng mắt không nhìn thấy gì cả. Những kết quả công khó của ta thường âm thầm kín đáo. Chúng ta phải khiêm tốn và có khi phải cay đắng chấp nhận những giới hạn của thân phận con người.

“Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như …”, Chúa Kitô nói với chúng ta như vậy mà, …

Ta hãy kiên nhẫn và tin tưởng!

Một sức mạnh vô địch

Chúa còn kể dụ ngôn thứ hai, dụ ngôn hạt cải, để ta thêm vững lòng. Thực vậy, Chúa đặt đối chọi nhau hai sự thể: một bên là cái mong manh bé nhỏ, bên kia lại là những kết quả to lớn đạt được. “Cây cải mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”.

Chúng ta không thường sống sự tương phản này sao, sự tương phản giữa một bên là những dấu chỉ mong manh, còn bên kia là những kết quả to lớn đạt được? Tất cả đời sống bí tích chỉ là việc xử dụng một loại hạt giống nhỏ nhất để rồi hạt giống đó trở thành một dấu chỉ sinh ân sủng vô vàn của Chúa.

Chỉ có ai yêu mến mới hiểu được

Sau cùng, những dụ ngôn này kết thúc với lời ghi nhận rằng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Chúa Giêsu giải nghĩa hết cho các Tông đồ. Sự gắn bó, gần gũi với Chúa giúp ta tiến tới Người vượt xa mức bình thường mà quần chúng có thể tiếp cận được, bởi vì xét cho cùng người ta chỉ có thể hiểu biết rõ được một người khi ta yêu mến người đó.

 

Suy Niệm 5: Muốn được cứu độ, phải kiên trì

Trong thời đại kinh tế thị trường, khái niệm “ăn sổi ở thì” rất quen thuộc. Quen đến độ đi đâu người ta cũng thích nhanh. Ăn gì cũng muốn có ngay. Làm gì cũng muốn thành công tức thời!

Sống trong thời đại chóng vánh như thế, con người luôn luôn bị đối diện với sự đổi thay, phải trái, trắng đen... từ thực tế cuộc sống, con người cũng phỏng chiếu đời sống tâm linh của mình theo khuôn mẫu đó.

Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu dùng dụ ngôn để rao giảng về Nước Trời. Nước Trời được ví như chuyện người gieo hạt giống, dù đêm hay ngày, người đó cứ gieo, hạt giống mọc lên lúc nào tùy ý, chỉ biết rằng, đến mùa là Chủ đi gặt lúa về. Đức Giêsu còn nói đến Nước Trời được ví như hạt cải nhỏ tý teo, nhưng khi gieo xuống, nó lớn mạnh đến nỗi chim trời đến làm tổ...

Qua hai dụ ngôn đó, Đức Giêsu cho thấy: trước tiên, Thiên Chúa là Đấng luôn kiên trì như người gieo giống. Người không trần trừ, không đòi hỏi... Người cứ gieo và kiên nhẫn chờ đợi. Tiếp theo, Nước Thiên Chúa lúc ban đầu thì khiêm tốn, nhỏ nhoi, nhưng với thời gian và ân sủng, nước ấy lớn mạnh đến phi thường.

Trong đời sống đức tin, nhiều khi chúng ta bị thử thách trong đêm tối! Có những điều chúng ta xin Chúa mà mãi không được, làm cho mình mất đức tin hay đức tin bị lung lay.

Tuy nhiên, chúng ta nhớ một chân lý muôn đời rằng: lửa thử vàng, gian nan thứ đức. Có cố gắng, kiên trì thì khi thành công mới thấy được ý nghĩa. Cũng vậy, đời sống đức tin cần phải được thanh luyện bằng sự kiên trì, trung thành và cố gắng, thì mới thực sự có giá trị cứu chuộc. Ơn cứu độ không đến như chuyện “ăn sổi ở thì” mà con người vẫn quan niệm.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa vì hôm nay Chúa dạy cho chúng con bài học về sự kiên trì, nhẫn nại, hy sinh. Xin Chúa ban cho chúng con biết trung thành với Chúa để được cứu độ. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Chúa vẫn hiện diện kín đáo và âm thầm hoạt động

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu đã gieo hạt giống Tin Mừng Nước Thiên Chúa vào trần gian. Chính Thiên Chúa đang âm thầm hoạt động để Nước Thiên Chúa lớn lên và đạt tới thành công. Thực tế đôi khi xem ra bi quan, nhưng ta phải biết tin tưởng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, thế giới ngày càng lao mình vào tương lai. Với sự phát triển không ngừng, những thành quả của khoa học kỹ thuật, nhiều người tự mãn, nghĩ mình có thể làm chủ được mọi sự mà không cần một bàn tay nào khác. Nhưng lạy Chúa, thật ra thế giới được Chúa tạo dựng để đi đến cùng đích dưới sự quan phòng của tình yêu Chúa. Dù con không nhận ra, nhưng Chúa vẫn luôn hiện diện và hướng dẫn lịch sử loài người chúng con.

Lạy Chúa, lịch sử nhân loại đã từng gây ra bao thảm họa cho con người: chiến tranh, hận thù, ích kỷ, giá trị đạo đức ngày càng đi xuống, con người đối xử với nhau thiếu tình người. Vì thế nhiều lúc con tự hỏi: Thiên Chúa đâu rồi trong thế giới này.

Lạy Chúa, Chúa không vắng mặt, Chúa không bỏ rơi thế giới chúng con. Chính Chúa vẫn hiện diện cách kín đáo và âm thầm hoạt động để cứu độ chúng con. Xin Chúa ban cho con đôi mắt đức tin để nhận ra tình thương và quyền năng Chúa vẫn đang âm thầm hoạt động biến đổi cuộc sống loài người mỗi ngày một tốt hơn. Tin Mừng Chúa ban cho Hội Thánh đang nâng cao thế giới. Bên ngoài thế giới dường như xuống dốc, Hội Thánh dường như nhỏ bé, Tin Mừng dường như bất lực. Nhưng dù vậy, xin Chúa đừng để con bi quan, xin giữ lòng con luôn tin tưởng. Xin Chúa giúp con biết kiên nhẫn và góp phần nhỏ bé để tình yêu và ánh sáng của Chúa mỗi ngày một lớn thêm lên trong thế giới này. Amen.

Ghi nhớ: “Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết”.

 

Suy Niệm 7: Dụ ngôn về nước Trời

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Nhà tâm lý học Weldon cho rằng, hạt giống kỳ lạ nhất thế giới là hạt giống của một giống tre bên Trung Quốc. Hạt giống nằm yên dưới lòng đất đến 5 năm, rồi mới nhú chồi non lên mặt đất. Suốt thời gian 5 năm này, người trồng phải vất vả chăm sóc tre, nào là tưới nước, nào là bón phân, mà họ không hề nhìn thấy hệ thống rễ phức tạp đang sinh sôi lan tràn trong lòng đất.

Cuối cùng, một sự sống đã vươn lên đầy kinh ngạc: Chỉ trong 6 tuần sau khi nhú lên khỏi mặt đất, cây tre đã mọc cao lên gần 3 mét... Một sức sống mãnh liệt đã vươn lên mạnh mẽ nhờ hệ thống rễ được nuôi dưỡng 5 năm trong lòng đất, chính những hệ thống rễ này tiếp sức cho mầm non để nó có thể tăng trưởng một cách mau chóng thần kỳ…

Hạt giống của cây tre lạ kỳ này lớn mạnh đầy sức sống gợi cho chúng ta hình ảnh của hạt giống nước Trời: Hạt gieo vào lòng đất được nuôi dưỡng bởi đất, nảy mầm và lớn lên với thời gian. Hạt giống nước Trời sẽ trưởng thành như là hạt cải - “hạt bé nhất” nhưng khi nảy mầm và lớn lên lại thành cây lớn nhất trong các loại rau. Nước Trời được khởi đầu rất nhỏ bé là Chúa Giêsu cùng nhóm nhỏ môn đệ. Sau 20 thế kỷ, Kitô giáo đã lan tràn khắp nơi, đến với mọi dân tộc…

Suy niệm

Tin Mừng theo thánh Máccô 4,26-34 thuật lại việc Chúa Giêsu giảng dạy về nước Trời qua hai dụ ngôn:

Dụ ngôn thứ nhất: Nước Thiên Chúa ví như một hạt lúa được gieo vào lòng đất tự nó nảy mầm, thành cây và trổ bông nặng trĩu hạt lúa mới cho mùa gặt bội thu (Mc 4,26-29). Trong ngữ cảnh so sánh với nước Thiên Chúa, hạt giống ẩn giấu và tiệm tiến trong sự quan phòng của Thiên Chúa cho nước Trời, không gì ngăn cản được, theo một tiến trình đưa hạt giống lớn lên cả đêm lẫn ngày để đạt tăng trưởng hoàn toàn.

Dụ ngôn thứ hai: Nước Thiên Chúa giống như hạt cải bé nhỏ, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng (Mc 4,30-32).

Cây cải ở xứ Palestine khác với cây rau cải ở Việt Nam. Ở xứ Palestine hạt cải mọc lên thành cây to đến nỗi chim trời có thể đến trú ẩn. Dụ ngôn cho thấy một sự tương phản về nước Thiên Chúa: Ban đầu như một hạt cải nhỏ xíu, theo thời gian mọc lên thành cây và cây này lớn hơn mọi thứ rau khác.

Qua hai dụ ngôn, dụ ngôn đầu tiên: Hạt giống tự nảy mầm mang lời kêu gọi cần có lòng trông cậy. Mặc dù hạt giống bị tiêu mất đi, nhưng đất màu mỡ đã cho nó hoa màu gấp trăm khi nảy mầm sinh hoa kết trái. Mặc dù gặp bao nhiêu thất bại, nước Chúa chắc chắn sẽ thành công. Dụ ngôn thứ hai: Hạt cải lớn thành cây đã minh họa sự tăng trưởng của nước Trời theo chiều rộng.

Cả hai dụ ngôn mang ý nghĩa: Nước Trời phát triển nhờ hoạt động và lời rao giảng của Đức Giêsu dù khiêm nhường, nhỏ bé và cộng đoàn các môn đệ của Ngài là Giáo hội. Và dù có yếu đuối, thất bại, thì tất cả đều đang tham gia vào thành tựu vẻ vang của một công trình tràn đầy sức sống và khi tới giai đoạn chung cuộc với sự phát triển toàn diện.

Thật thế, như hạt giống ngày đêm không ngừng lớn lên, ước chi những khó khăn không làm con chùn bước. Trước dễ dãi, thành công cũng không làm chúng con ngủ quên... Nhưng sẽ là hạt giống không ngừng lớn lên thành cây cao bóng cả...

Ý lực sống:

“Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.

Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả,

nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể” (1Cr 3,6-7).

 

Suy Niệm 8: Dụ ngôn hạt cải

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Hôm nay Đức Giêsu đưa ra hai dụ ngôn để nói về Nước Trời. Chúa ví Nước Trời như hạt giống được gieo xuống đất. Nó tự  mọc lên rồi trổ bông sinh trái, người gieo giống không hay biết gì hết. Còn dụ ngôn hạt cải nói lên sức phát triển mạnh mẽ của nó. Hạt cải là loại hạt nhỏ bé nhất trong các hạt giống nhưng khi nó mọc lên nó sẽ thành cây lớn đến nỗi chim trời có thể đến trú ẩn dưới bóng nó được. Đức Giêsu dùng hai dụ ngôn này để ví với Hội thánh. Lúc đầu chỉ có ít người tin theo, nhưng dần dần, Hội thánh sẽ lan rộng khắp nơi, làm chốn nương tựa cho mọi người được hạnh phúc và được rỗi. 

2. Nước Thiên Chúa được thiết lập giống hệt như tiến trình gieo gặt trọn vẹn: từ hạt giống, hạt nảy sinh thành cây, rồi thành bông trái. Như người dân Palestine, sau khi gieo hạt giống, họ âm thầm chờ đợi lúa chín để gặt hái, chứ không hề biết hạt giống được gieo xuống đất đã phát triển như thế nào: Đức Giêsu cũng gieo hạt giống Nước Trời nơi tấm lòng con người, cùng với ơn Chúa, Nước đó âm thầm phát triển lan rộng khắp thế giới, tạo nên mùa gặt các linh hồn. Đức Giêsu chỉ đích thân có mặt  trong mùa gieo giống và mùa gặt hái. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chờ đợi, Ngài vẫn tiếp tục hoạt động một cách vô hình, qua Chúa Thánh Thần và Giáo hội. Khi Nước Thiên Chúa đã phát triển đến mức tột độ, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang, thu hoạch mùa gặt của Ngài.

3. Đức Giêsu sánh ví Nước Thiên Chúa như hạt cải. Dụ ngôn này cho thấy vẻ tương phản rõ rệt giữa một bên là sự nhỏ bé, vô nghĩa lúc ban đầu, và bên kia là kết quả cuối cùng lại phong phú không ngờ. Chúng ta nên nhớ: cây cải ở xứ Palestine  khác với cây cải ở xứ ta. Ở Palestine hạt cải mọc lên thành cây to đến nỗi chim trời có thể đến trú ẩn.

Ông Thompson trong cuốn “Xứ thánh và Kinh thánh” đã viết: ”Tôi đã thấy cây này trong cánh đồng phì nhiêu ở Akka, nó cao bằng con ngựa và người cưỡi ngựa. Với sự giúp đỡ của người hướng dẫn, tôi đã nhổ được một cây cao hơn 4 mét”

Ví dụ này của Đức Giêsu không thổi phồng sự thật chút nào. Người ta vẫn thấy những loại cải hay cây cải to như vậy có bầy chim bu quanh, vì chim thích những hạt cải đen nên chúng đậu trên cây để ăn. Vì thế, Đức Giêsu mới nói rằng Nước Ngài giống như hạt cải lớn lên thành cây.

4. Dụ ngôn hạt cải là dụ ngôn cuối cùng về Nước Thiên Chúa. Cũng như các dụ ngôn trước, dụ ngôn này được rút ra từ đời sống thôn dã. Nó đưa ra một nét tương phản hấp dẫn: hạt cải nhỏ xíu trở thành một cây to lớn.

Nước Thiên Chúa cũng mang nơi mình một nghịch lý tương tự: Dưới cái nhìn của Marcô, dụ ngôn hạt cải chứa đựng cách diễn tả tuyệt vời về bí mật Messia. Cho đến lúc này, hành vi của Đức Giêsu có thể bị coi là vô nghĩa và Nước Thiên Chúa vẫn chỉ là một thực tế khiêm tốn. Dù vậy, các dân ngoại đang nhìn thấy sự tăng trưởng dị thường của nó như các Kitô hữu ở Rôma đã kinh nghiệm được điều này. Chính Giáo hội tiên khởi, dù yếu đuối, vẫn ý thức được mình đang tham dự vào sự thành công của một công trình đã sẵn tiềm tàng nguồn sinh lực vô biên, công trình này sẽ đạt tới mức hoàn vũ vào cuối giai đoạn phát triển của nó.

5. Qua bài Tin Mừng này, chúng ta hãy tin tưởng vào sức phát triển của Nước Thiên Chúa. Nước Chúa vẫn âm thầm phát triển, nhưng Chúa cũng cần chúng ta góp phần vào, dù ít dù nhiều như thánh Phaolô đã nói: ”Tôi trồng, Apollô tưới, nhưng chính Thiên Chúa cho mọc lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả. Nhưng Thiên Chúa Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể” (1Cr 3,6-7). Nếu chúng ta biết nghĩ như thánh Phaolô thì chúng ta không còn ngại gieo hạt giống Nước Chúa, cũng không vội ngã lòng khi thấy công gieo vãi của mình chưa sinh kết quả.

6. Truyện: Giải đáp ba thắc mắc.

Một hôm, cha Petitjean đến giảng đạo tại Nagasaki cho một số đông người Nhật. Nghĩ rằng họ đều là người bên lương nên sau bài giảng, ngài tươi cười hỏi:

- Anh em có thắc mắc gì không?

Một người đưa tay đặt câu hỏi:

- Chúng tôi muốn được hỏi ông ba điều, yêu cầu ông trả lời có hay không? Câu hỏi thứ nhất, các ông có tin Đức Mẹ Đồng trinh không?

- Có.

- Câu hỏi thứ hai: các ông có vâng lời và thông hiệp với Đức Thánh Cha không?

- Có.

- Câu hỏi thứ ba: Là Linh mục, các ông có giữ mình đồng trinh và sống độc thân không?

- Có.

- Vậy thì mấy trăm người chúng tôi đây với ông là đồng đạo. Chúng tôi là người Công giáo cả đây.

Cha Petitjean bàng hoàng như từ cung trăng rơi xuống. Cha con âu yếm ôm cổ nhau. Nhà truyền giáo hỏi:

- Bấy lâu nay, có ai giảng dạy cho các anh không?

- Thưa cha, không có ai suốt hai thế kỷ rồi! Đó là nhờ ông bà tổ tiên chúng con truyền lại, rồi chúng con âm thầm cầu nguyện, dạy giáo lý cho con em, đoàn kết đùm bọc nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ông bà chúng con trước khi chết có nhắn nhủ: Sau này có ai đến giảng đạo hãy cảnh giác, phải lấy ba tiêu chuẩn ấy mà nhận xem họ có phải là các cha đích thực, là người của Hội thánh sai đến.

Giáo hội Nhật Bản đã tái sinh.

 

Suy Niệm 9: Sức sống và sức lớn lên của Nước Thiên Chúa

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Những dụ ngôn về sức sống và sức lớn lên của Nước Thiên Chúa:

- Dụ ngôn hạt giống âm thầm: Nước Thiên Chúa cũng như hạt giống có sức sống và sức phát triển nội tại. Dù hoàn cảnh thuận tiện hay không thuận tiện (“đêm hay ngày”), dù người ta có chăm sóc hay không (“người ấy ngủ hay thức”, “bằng cách nào người ấy không biết”), Nước Thiên Chúa vẫn cứ phát triển.

- Dụ ngôn hạt cải: mới ban đầu, Nước Thiên Chúa rất nhỏ bé như hạt cải, nhưng rồi nó sẽ phát triển thành một cây to.

* Có lẽ những dụ ngôn này nhằm mục đích trấn an:

a/ Trấn an các môn đệ thời Chúa Giêsu: có lúc họ ngã lòng vì thấy mình chỉ là một nhóm người ít oi, nhỏ bé, sợ không đủ khả năng mở mang Nước Thiên Chúa nổi.

b/ Trấn an các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai: họ là một tập thể ít oi giữa lòng thế giới rộng lớn, họ lại gặp rất nhiều khó khăn. Chúa Giêsu muốn trấn an tất cả rằng chắc chắn Nước Thiên Chúa sẽ tồn tại và phát triển mạnh.

B. Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Chúa Giêsu cho biết hạt giống Lời Chúa có sức phát triển nội tại, tuy âm thầm nhưng liên lỉ và mạnh mẽ.

Nhiều khi vì cho rằng đọc và suy gẫm Lời Chúa không sinh kết quả gì cả nên tôi đã thôi không tiếp tục nữa. Dụ ngôn này dạy tôi hãy bỏ lối suy nghĩ ấy đi và kiên trì tiếp tục, vì kẻ làm cho hạt giống mọc lên không phải là tôi mà là chính Chúa.

2. “Tôi trồng, Apollo tưới, nhưng chính Thiên Chúa cho mọc lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả. Nhưng Thiên Chúa Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể” (1 Cr 3,6-7). Nếu chúng ta biết nghĩ như Phaolô thì chúng ta không còn ngại gieo hạt giống Nước Chúa, cũng không vội ngã lòng khi thấy công gieo vãi của mình chưa sinh kết quả.

3. Một ngày kia, một tông đồ giáo dân dẫn tôi đến gia đình của một người lương làm nghề kéo xe lôi. Đến đấy tôi nhận được một món quà rất bất ngờ và rất to lớn: cả nhà gồm vợ chồng và 7 đứa con xin theo đạo. Khi được tôi hỏi lý do thì người chồng cho biết: Mười mấy năm trước, khi còn nhỏ, anh học trường các sư huynh Lasan và đã có lòng mộ mến Đạo Chúa. Lòng mộ mến ấy vẫn âm ỉ trong lòng anh. Tuần trước, khi anh gặp người tông đồ giáo dân này, tàn lửa âm ỉ đó bỗng bùng lên thành một ngọn lửa thôi thúc anh phải xin theo Chúa. Nếu các sư huynh Lasan của trường kia và những tông đồ giáo dân nọ đã không chịu khó gieo giống vì nghĩ rằng có gieo cũng vô ích thì hôm nay tôi đã không gặt được thành quả này. “Người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa.” (câu 27-28) (Chia sẻ).

4. Hạt giống Nước Chúa mà chúng ta gieo vào lòng anh chị em quanh ta mọc lên rất nhiều cách và nhiều dạng: có thể thành những Kitô hữu như chia xẻ phía trên, có thể thành những người tuy còn là lương dân nhưng thiện cảm với Kitô giáo, có khi thành những ý lực hướng dẫn cuộc sống của những người vì lý do nào đó chưa thể theo đạo. Văn hào Tagore thuộc loại thứ ba: tuy ông không là Kitô hữu nhưng cuộc sống của ông được hướng dẫn bởi những giá trị Phúc Âm.

 

Suy Niệm 10: Chính Thiên Chúa cho mọc lên

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai dụ ngôn nhỏ. Qua hai dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta về sức sống và sức lớn lên của Nước Thiên Chúa. Lời của Chúa có một sức mạnh nội tại - không ai, không gì có thể cản trở được sự nảy mầm, bèn rễ, lớn lên rồi đơm bông kết trái theo trình tự của thời gian.

1. Trước hết, Chúa Giêsu cho biết Lời của Chúa có sức phát triển ngay từ bên trong, tuy âm thầm nhưng liên lỉ và rất mạnh mẽ.

Một giáo sư thực vật học kia tay cầm một hạt giống nhỏ màu nâu và nói với cả lớp rằng:

- Tôi biết rõ hợp chất của hạt giống này. Nó gồm hydro, carbon và nitro. Tôi biết đúng tỉ lệ và có thể tạo ra một hạt giống khác trông y như hạt giống này.

Một học sinh đứng lên hỏi: - Thưa thầy, nếu đem hạt giống thầy chế tạo đó mà gieo xuống đất, nó có thể mọc lên không ạ?

Giáo sư trả lời:

- Với hạt giống của tôi, điều đó không thể được. Nhưng nếu tôi đem hạt giống mà Thiên Chúa đã làm ra, nó sẽ mọc lên thành cây, vì nó chứa đựng nguyên tắc nhiệm mầu mà chúng ta gọi là nguyên tắc sinh tồn.

Hạt giống chứa đựng sự sống. Con người, dù có tài giỏi tới đâu đi nữa cũng chỉ có thể tạo ra những hạt giống tương tự hoặc tạo ra những người máy robot, nhưng không thể nào tạo ra sự sống được.

2. Thánh Phaolô đã nói rất hay: “Tôi trồng, Apollo tưới, nhưng chính Thiên Chúa cho mọc lên”. Kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, Thiên Chúa là Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể” (1Cr 3,6-7). Nếu chúng ta biết nghĩ như Phaolô thì chúng ta sẽ không còn ngại ngùng đi gieo hạt giống Lời Chúa và nhất là sẽ không vội ngã lòng khi thấy công gieo vãi của mình chưa sinh kết quả.

Đây là một câu chuyện có thật. Câu chuyện này nói về nguồn gốc của một khu rừng. Câu chuyện như sau:

Một ông lão người Pháp nọ, sau khi vợ qua đời đã mang đứa con trai duy nhất của ông đến một vùng đất khô cằn nhất của miền Trung nước Pháp để lập nghiệp. Thật ra, người đàn ông này chỉ muốn quên đi cái quá khứ quá khó khăn vất vả của mình. Miền đất khô cằn nơi ông đặt chân đến còn vỏn vẹn chỉ có 5 ngôi làng nhỏ, Dân cư thì thưa thớt. Họ sống trong những căn nhà xiêu vẹo đổ nát. Đa số đã bỏ đi đến những thành phố lớn để tìm công ăn việc làm.

Ông lão trên 60 tuổi đưa mắt nhìn khung cảnh chung quanh và đi đến kết luận như sau: “Nếu không có cây cối thì chỉ trong vòng một thời gian ngắn nữa, cả vùng này sẽ trở thành sa mạc hoang vu”. Sau khi đã dọn chỗ cho đàn cừu và một số gia súc khác, ông lão tự đi bộ dọc theo các lối đi và cúi xuống nhặt từng hạt dẻ. Ông lựa những hạt tốt để làm giống. Ông ngâm vào nước. Khi mặt trời vừa lên, ông dùng ruột thanh sắt nhọn moi những lỗ nhỏ và cứ mỗi lỗ ông đặt một hạt dẻ vào đó.

Ngày qua ngày, liên tiếp trong ba năm trời như thế, ông lão đã trồng được tất cả 100.000 cây dẻ con. Ông hy vọng rằng, dù chúng có chết đi thì ít ra cũng phải có 10 ngàn cây còn sống sót. Ông cũng hy vọng rằng, Chúa sẽ cho ông được sống thêm vài năm để làm cho xong công tác trồng cây này. Ông qua đời năm 1947, hưởng thọ 89 tuổi.

Từ những hạt dẻ ông đã cặm cụi moi từng lỗ nhỏ để đặt vào bây giờ nước Pháp có một trong những khu rừng đẹp nhất thế giới. Trong ba khóm rừng, mỗi khóm dài 1 cây số, rộng 3 cây số, những cây dẻ xinh tươi to lớn đã có mặt để chứa được nước mưa, làm cho cây cối xung quanh được xinh tươi và biến khu đồi khô cằn ngày xưa thành những dòng suối róc rách, chim chóc đã trở lại. Sự sống cũng bắt đầu chớm nở... Dân chúng từ từ trở lại với ngôi làng cũ để xây nhà và làm lại cuộc đời.

Lúc đầu hạt giống Nước Trời quả thật là khiêm tốn, nhỏ bé. Thế nhưng, ngày hôm nay thì nào có ai dám hồ nghi về những khu rừng Giáo Hội đang hiện diện trên hành tinh mà chúng ta gọi là thế giới kỳ diệu này.

Lạy Chúa,

xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa

và dạy con bước đi ngay trong đêm tối

cũng như giữa ban ngày.

Xin truyền cho con sức mạnh của Người.

Ước gì những cánh tay rã rời

vì thất bại của con tìm lại được sức trẻ

để gieo trồng hàng ngàn cây xanh

cho một thế giới mới.

Ước gì mồ hôi con pha lẫn mồ hôi của Chúa

trong Vườn Cây Dầu.

Ước gì máu con hòa lẫn với Máu Chúa

trên Núi Sọ để tưới gội cho mảnh đất

đã bị khô cằn vì bất công và ích kỷ.

Chúc tụng Chúa là Cha

đã dẫn con đi đến cùng,

đến tận Emmau, nơi Chúa hiển dung

và tràn trề bình an và niềm vui của Chúa. Amen.

(ĐHY Roger Etchegaray)

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 360)

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,695)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,187)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,737)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,420)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,810)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,804)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,909)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,193)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,577)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7