Lời chúa mỗi ngày

Thứ Sáu 24/03/2023 – Thứ Sáu tuần 4 Mùa Chay. – Nguồn gốc của Chúa.

  • In trang này
  • Lượt xem: 7,062
  • Ngày đăng: 23/03/2023 10:00:00

Nguồn gốc của Chúa.

24/03 – Thứ Sáu tuần 4 Mùa Chay.

"Chúng tìm cách bắt Người, nhưng chưa tới giờ Người".

 

Lời Chúa: Ga 7, 1-2. 10. 25-30

Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ Giuđêa, vì người Do-thái đang tìm giết Người. Lúc đó gần đến lễ Trại của người Do-thái. Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng không đi cách công khai, mà lại đi cách kín đáo.

Có một số người ở Giêrusalem nói: "Ðây không phải là người họ đang tìm giết sao? Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Ðấng Kitô? Tuy nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Ðấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu".

Vậy lúc bấy giờ Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, Người lớn tiếng nói rằng: "Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Ðấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta". Bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Giờ của Người chưa đến

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Lễ Lều là một đại lễ hàng năm qui tụ đông đảo dân chúng lên Đền thờ.

Đây là một lễ rất vui, kéo dài cả tuần (Lv 23, 34-36).

Mục đích chính là để tạ ơn Chúa vì hoa trái mùa màng Ngài ban,

và còn để nhớ lại tình thương Chúa trong thời gian 40 năm đi trong hoang địa.

Lễ Lều là một lễ hội tưng bừng và long trọng bậc nhất.

Những người tham dự cắm trại trong các lều làm bằng cành lá,

được dựng trên mái nhà, gần nhà hay ngoài đồng.

Mỗi buổi sáng có lễ rước nước từ hồ Silôam để rưới lên bàn thờ.

Mỗi tối, tiền đình phụ nữ nơi Đền thờ rực rỡ ánh nến và vang tiếng múa hát.

Đức Giêsu đã không muốn bỏ qua lễ hội này,

dù lên Đền thờ Giêrusalem bây giờ thật là nguy hiểm đến tính mạng,

vì người Do thái, nghĩa là giới lãnh đạo Do thái giáo, đang tìm cách giết Ngài.

Đức Giêsu đã chọn giải pháp lên Đền thờ một cách kín đáo (c.10).

Nhưng vào giữa kỳ lễ, Ngài đã giảng dạy công khai, không chút sợ hãi (c. 14).

Đức Giêsu dám đối mặt với thế lực đang đe dọa Ngài.

Ngài bình tĩnh giảng ngay nơi Đền thờ,

trước những thượng tế, những người Pharisêu, và dân cư ngụ ở Giêrusalem.

Họ chẳng dám làm gì Ngài, vì giờ của ngài chưa đến (c. 30).

Xảy ra cuộc tranh luận giữa Ngài với dân cư ngụ ở Giêrusalem.

Chẳng có chút thiện cảm nào với Ngài, họ chỉ muốn làm hại Ngài.

Họ tin vào điều này một cách vững chắc:

“Khi Đấng Kitô đến, chẳng ai biết Người đến từ đâu” (c. 27).

Nguồn gốc của Đấng Kitô, đối với họ, phải là một điều bí ẩn.

Họ không tin Đức Giêsu là Kitô, bởi lẽ họ “biết ông này đến từ đâu.”

Chắc họ đã nghĩ Đức Giêsu là dân vùng Nazareth,

làm nghề thợ mộc, sống với cha mẹ là Giuse và Maria.

Tự hào về cái biết đúng nhưng không đủ ấy của họ,

đã khiến họ ngừng lại nơi nguồn gốc trần thế của Đức Giêsu.

Đức Giêsu thật là Đấng Kitô.

Và đúng như dân Giêrusalem đã tin, nguồn gốc của Ngài thật không dễ biết.

Đức Giêsu biết nguồn gốc của mình.

Ngoài gốc nhân loại, Ngài còn gốc thần linh, gốc từ trời.

Ngài không tự mình mà đến, nhưng từ Thiên Chúa chân thật mà đến.

Ngài xuất thân từ Thiên Chúa và được Thiên Chúa sai đi (cc. 28-29).

Dân Giêrusalem không thấy được trọn vẹn con người Đức Giêsu.

Họ đã giết Đấng Kitô đang ở gần bên họ, vì họ mơ một Đấng Kitô bí ẩn khác.

Làm sao tôi có thể nhận ra Đức Kitô cao cả

đang ở bên những người tầm thường tôi gặp mỗi ngày?

 

Cầu nguyện:

Xin hãy dẫn dắt con

đi từ cõi chết đến sự sống,

từ lầm lạc đến chân lý.

Xin hãy dẫn dắt con

đi từ thất vọng đến hy vọng,

từ sợ hãi đến tín thác.

Xin hãy dẫn dắt con

đi từ ghen ghét đến yêu thương,

từ chiến tranh đến hòa bình.

Xin hãy đổ đầy bình an

trong trái tim chúng con,

trong thế giới chúng con,

trong vũ trụ chúng con. Amen. (Thánh Têrêxa Calcutta)

 

Suy Niệm 2: Âm mưu giết Chúa

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Ma quỉ luôn muốn thống trị thế giới. Nó khuất phục kẻ ác để tăng thêm quân số. Và tiêu diệt người lành để giảm bớt chướng ngại.

Thiên Chúa là nguồn mạch sự lành. Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế được Chúa Cha sai đến để giải thoát nhân loại khỏi ách thống trị của thần dữ. Nên một cuộc đối đầu là không thể tránh khỏi. Cuộc chiến càng quyết liệt. Vì thần dữ cảm thấy bị lâm nguy nên càng gia tăng sự độc ác. Âm mưu giết Chúa. Sách Khôn ngoan cho thấy những lý do khiến kẻ ác muốn giết kẻ lành.

Lý do đầu tiên là kẻ lành cản trở kẻ dữ làm điều ác: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo”.

Lý do thứ hai là vì đời sống của kẻ lành phê phán lối sống của kẻ dữ: “Nó như kẻ luôn chê trách tâm tưởng của ta,…lối cư xử của nó hoàn toàn lập dị. Nó coi ta như bọn lọc lừa, tránh đường ta đi như tránh đồ dơ bẩn”.

Lý do thứ ba là vì người lành thuộc về Thiên Chúa. Còn kẻ ác thuộc về ma quỉ. “Nó huênh hoang vì có Thiên Chúa là Cha. Ta hãy coi những lời nó nói có thật không, và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào”.

Lý do thứ tư là vì muốn thử thách xem người lành có thật hiền lành không. “Ta hãy hạ nhục và tra tấn no, để biết nó hiền hoà làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào”.

Nhiều phe nhóm toa rập với nhau để giết chết Chúa Giê-su. Tuy nhiên đó lại là ý định của Thiên Chúa. Chúa Giê-su tự nộp mình chịu chết để chuộc tội nhân loại. Vào âm phủ để chiến thắng tử thần. Chết đi để tiêu diệt cái chết. Vì là do ý định của Thiên Chúa. Nên dù kẻ ác mạnh thế. Và muốn giết Chúa. Nhưng bao lâu Chúa chưa cho phép. Chưa đến giờ thì họ chưa làm gì được. “Bấy giờ, họ tìm cách bắt Người; nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến”.

Màu Chay là mùa chiến đấu chống lại cái ác. Tôi phải chống lại thế lực sự dữ ngay trong lòng tôi. Không có phương thế nào hiệu nghiệm hơn đi vào con đường của Chúa Giê-su. Chịu khổ để làm theo ý Chúa. Từ bỏ chính mình để thoát ảnh hưởng của thần dữ. Chịu chết cho bản thân. Để tiêu diệt sự chết.

 

Suy Niệm 3: Xuất thân của Chúa

Không ai trong chúng ta đã chọn lựa được sinh ra; không ai trong chúng ta đã chọn lựa chủng tộc, cha mẹ, dân tộc để sinh ra. Nếu được chọn lựa để sinh ra một lần nữa, có lẽ đa số chúng ta sẽ chọn lựa cho mình một cuộc sống khác.

Thế nhưng, với Chúa Giêsu thì không như thế. Ngài là người duy nhất trên trần gian đã chọn lựa cho mình tất cả để sinh làm người. Ngài đã chọn một người mẹ, một nơi sinh và những hoàn cảnh trong đó Ngài sẽ trưởng thành. Nếu phải chọn lại một lần nữa, có lẽ Chúa Giêsu cũng sẽ không thay đổi cuộc sống ấy, một cuộc nghèo khổ, tăm tối. Dĩ nhiên, chúng ta không thể hiểu được hoàn toàn tại sao Chúa Giêsu đã chọn lựa một cuộc sống như thế.

Cuộc sống nào cũng là một mầu nhiệm. Cuộc sống của Con Thiên Chúa làm người lại càng là một mầu nhiệm đối với chúng ta hơn. Vào thời Chúa Giêsu, đa số những người Do Thái đều có một suy nghĩ giống nhau về thân thế của Chúa Giêsu. Họ biết rõ Ngài là con bác thợ mộc Yuse, và Mẹ Ngài là bà Maria. Họ cũng biết rõ từ Nazaret không bao giờ có thể xuất phát một nhân vật tài ba nào cho dân tộc. Họ biết quá rõ về Ngài, nhưng chỉ biết theo sự hiểu biết và phán đoán của con người mà thôi.

Qua các thời đại, nhiều người đã tốn hao bút mực để viết về cuộc đời Chúa Giêsu. Đối với nhiều người, Ngài có thể là một vĩ nhân, một con người ý thức mình có sứ mệnh đặc biệt. Nhưng Ngài cũng chỉ là một người như mọi người, nghĩa là cũng sinh ra, sống một thời gian rồi cũng qua đi như mọi người. Trong khi đó, đối với kitô hữu, Chúa Giêsu chính là Con Một Thiên Chúa. Họ tin ở lời Chúa như được ghi trong Tin Mừng hôm nay: “Ta không tự mình mà đến, nhưng có Đấng sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài và Ta bởi Ngài và chính Ngài đã sai Ta”. Tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người chính là biết nhìn xuyên qua cuộc sống lam lũ tăm tối của Ngài để nhận ra quyền năng Thiên Chúa của Ngài. Tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa cũng chính là nhận ra giá trị của cuộc sống âm thầm ấy như một thể hiện của tình yêu Thiên Chúa đối với con người.

Chọn lựa cuộc sống nghèo hèn ấy và sau này tiếp tục sống thiết thân với những người cùng khổ bất hạnh, Chúa Giêsu muốn bày tỏ cho chúng ta thấy phẩm giá cao cả của con người. Dù nghèo hèn đến đâu, mỗi người sinh ra trên đời cũng đều có giá trị cao cả bất khả nhượng. Chọn lựa cuộc sống nghèo hèn và chấp nhận cái chết thê thảm nhất, Chúa Giêsu cũng muốn nêu bật giá trị và ý nghĩa của cuộc sống con người. Cái nghèo hèn trở nên sự giầu sang, cái mất mát trở thành lợi lộc, cái yếu đuối trở thành sức mạnh mang lại sự sống.

Mùa chay, mùa của hoán cải, chúng ta được mời gọi thay đổi trước tiên cái nhìn của chúng ta. Tin nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa có nghĩa là đón nhận Ngài, là đi vào cái nhìn của Ngài. Mùa chay là mùa quay trở lại với anh em. Ước gì cái nhìn của chúng ta đối với anh em không dừng lại theo những tiêu chuẩn thông thường của người đời, nhưng được mặc lấy ánh mắt tôn trọng, cảm thông, bao dung, tha thứ của Chúa. Ước gì cái nhìn của chúng ta về cuộc sống không đóng khung trong những phán đoán thông thường của người đời, nhưng được hướng dẫn bởi những tâm tình tin tưởng, phó thác, lạc quan của chính Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Tin nhận Chúa Giêsu

Sự cứng lòng của những người Do Thái không tin đã nhốt kín họ trong những định kiến mê muội đối với những hành động khẳng khái của Chúa Giêsu. Thay vì khách quan đặt lại vấn đề để tìm ra nguyên do nào đã thúc đẩy Chúa hành động bất chấp nguy hiểm như thế, họ chỉ một mực bưng tai bịt mắt khư khư giữ lấy lập trường riêng của mình. Họ đem lòng dạ quanh co xấu xa của họ ra xét đoán tha nhân và những sự việc xảy ra chung quanh. Họ không nhận ra được sự thật mà Chúa Giêsu đã mang đến; cũng không nhìn thấy hình ảnh của Ðấng Thiên Sai nơi Chúa Giêsu. Thật ra, đó chỉ là những hình ảnh thô thiển do cái nhìn chủ quan của họ tạo ra. Còn Ðấng Cứu Thế đích thực đang đứng trước mặt họ thì họ lại khước từ.

Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát con khỏi sự mù quáng tinh thần, nhất là đừng để con vì những lợi lộc ích kỷ mà xa Chúa, hay tệ hại hơn chống đối và từ bỏ Chúa. Xin thương mở rộng tâm hồn và đôi mắt con cho con được nhìn ra Chúa. Xin Chúa thay đổi cái nhìn của con để con biết tôn trọng và lắng nghe tiếng Chúa nơi tất cả mọi người con gặp hàng ngày.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Các ông biết Tôi ư?

Lúc giảng dạy trong đền thờ, Đức Giêsu nói lớn tiếng rằng:

“Các ông biết tôi ư?

các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư?

Tôi đâu có tự mình mà đến.

Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật.

Các ông, các ông không biết Người.

Phần tôi, tôi biết Người,

Bởi vì tôi từ nơi Người mà đến

Và chính Người đã sai tôi,”(Ga. 7, 28-29)

Đây là một trong những điều chúng ta khó tin Đức Kitô: Chúng ta biết Người. Chúng ta biết lý lịch của Người theo khía cạnh nhân loại. Chúng ta biết chỗ sinh ra, cha mẹ và những nơi Người đã sống. Đấy là cái khó mà những người đồng thời của Chúa gặp phải: “Ông này chúng ta biết xuất thân từ đâu rồi. Còn Đấng Kitô khi Ngài đến thì chẳng ai biết Ngài xuất thân từ đâu cả”. Trước sự phản đối này, Đức Kitô đáp: “Tôi không tự mình mà đến: Đấng đã sai Tôi là Đấng chân thật. Các ông không biết Ngài!”.

Và Đức Kitô đòi chúng ta phải tin vào Người. Người có quyền đòi chúng ta tin vì Người thuộc phạm vi Thiên Chúa mà chúng ta không biết, nếu không có đức tin, không có lời Người.

Tính cách lưỡng diện này của Đức Kitô: vừa là loài người, vừa là Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta biết thế, nhưng cái gì ngăn cản chúng ta tin vào Người, cậy trông Người?

Nếu dừng lại một lát, chúng ta sẽ nhận ra rằng: Chúng ta biết rất ít về Đức Kitô, dù sau khi đã được Phúc âm mặc khải cho chúng ta. Điều chúng ta biết về Người là giáo huấn Người để lại cho chúng ta. Và giáo huấn đó thì quá giản dị, quá trong sáng, quá là là mặt đất đến nỗi làm chúng ta hơi thất vọng, nếu chúng ta đòi Người làm những điều phi thường! Những điều mà như chúng ta nghĩ sẽ có thể thành công dễ dàng nếu có một chút can thiệp siêu việt, siêu phàm của Thiên Chúa. Đây chính là phạm vi Đức Kitô đòi hỏi chúng ta phải sống để khám phá và phát triển trong tâm hồn chúng ta, nhưng chúng ta lại từ chối.

Đức Kitô nhắc nhở chúng ta không phải chỉ biết Người theo phạm vi loài người mà chính là theo phạm vi Thiên Chúa, như chúng ta, không phải chỉ sống theo khía cạnh là người này phải làm lụng vất vả để kiếm bánh ăn mỗi ngày: bánh cho xác, bánh cho con tim, cho trí óc mà còn cần thứ khác siêu việt hơn. Thứ khác đó thuộc phạm vi đức tin mà chúng ta phải khám phá. Thứ khác đó chính là Đức Kitô, Người đang sống trong chúng ta. Chính là ơn thánh, chân lý mầu nhiệm mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, Người an ủi chúng ta, không vượt xa mà hoàn toàn ở trong chính chúng ta.

J.M

 

Suy Niệm 6: Có đức, có tài và có hạnh

Hôm nay, Đức Giêsu trở lại Galilê vào một dịp Lễ Lều của người Do Thái.

Lễ Lều là một trong những lễ mà người Do Thái coi trọng, vì thế nó đã trở thành luật buộc đối với họ. Mục đích của Lễ Lều là tạ ơn Chúa sau vụ mùa, nhất là sau mùa hái nho. Tạ ơn Chúa vì Chúa cho vụ mùa bội thu. Hai là dịp nhắc cho con cháu nhớ lại những năm tháng ngược xuôi dòng rã trong sa mạc trước khi vào đất hứa. Họ thường mang những hoa màu ruộng đất do công khó của mình làm nên để tạ ơn và cầu xin cho vụ mùa tiếp theo được mưa thuận gió hòa.

Nhân dịp này, Đức Giêsu xuất hiện, và chẳng mấy chốc, Ngài đã lên tiếng giảng dạy trong đền thờ. Sự kiện Ngài xuất hiện đã làm cho dân chúng không khỏi ngạc nhiên và bàn tán xôn sao vì đã trở thành cái gai trong mắt những nhà lãnh đạo.

Tại sao biết bao nhiêu lời chứng mà Đức Giêsu đã trưng dẫn cho họ về Ngài mà họ cũng không tin? Nào là Gioan tiền hô; Thiên Chúa Cha; Kinh Thánh... Rồi đến ngay cả những việc Ngài làm minh định điều đó mà họ vẫn không tin.

Thưa! Đơn giản vì cái tôi của họ quá lớn. Họ tự tôn là thành phần đặc quyền đặc lợi, ưu tuyển, nên không thể chấp nhận được giáo huấn cũng như bản tính thần linh của Đức Giêsu. Ngược lại, họ đã kết tội Đức Giêsu, cái tội mà chắc chắn sẽ chết, đó là nói lộng ngôn, phạm thượng. Là kẻ phản loạn, không giữ luật ngày Sabát... Chính vì tâm trí họ ra mù quáng mà sự hiện diện và lời dạy của Đức Giêsu không hề thức tỉnh lương tâm của họ.

Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta cũng thấy không ít người có tâm tưởng như những người Do Thái, Họ học hỏi Kinh Thánh, giáo lý không phải vì lòng yêu mến và mong muốn được biến đổi cho bằng học để biết rồi sinh ra chê bai, trách móc và tự kiêu... hoặc đôi khi học để rồi tìm cách bách hại lại những người tin Chúa!

Những não trạng mù quáng ấy đôi khi lại là lựa chọn của mỗi chúng ta khi chúng ta tách rời hiểu biết ra khỏi cuộc sống.

Như thế, chúng ta hãy cẩn trọng vì: “Có học mà không hạnh là kẻ ác”; “Có hạnh có đức mà không có học là đần”.

Mong sao, chúng ta “có tài, có đức, có hạnh” trong việc giữ đạo và sống đạo trong thế giới hôm nay. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Chân lý là Chúa Giêsu

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu mạc khải cho nhân loại mầu nhiệm Thiên Chúa chân thật. Chúa muốn mỗi người chúng ta đón nhận và sống theo chân lý ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, người Do thái nghĩ rằng họ biết Chúa, nhưng thực ra họ biết theo cái nhìn tự nhiên rất nông cạn hời hợt. Hơn nữa thái độ cứng lòng cố chấp đã che lấp tâm hồn họ, không cho họ nhìn ra và đón nhận chân lý mà Chúa mặc khải cho. Họ tự hào biết rõ nguồn gốc lý lịch tầm thường của Chúa, nên họ khẳng định Chúa chẳng phải là Đức Kitô. Nhưng Chúa đã vạch trần cái biết lệch lạc cố chấp ấy để quả quyết rằng Chúa là Thiên Chúa, là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, Chúa đến để dẫn nhân loại về với Thiên Chúa hằng sống và chân thật.

Lạy Chúa, con tin rằng chính Chúa đã cho con nhận ra ý nghĩa đích thực của đời người, đã cho con gặp và đạt được sự sung mãn đích thực của cuộc sống là chính Chúa. Xin cho con xác tín mãnh liệt vào Chúa, để niềm tin nơi con không chỉ là theo Chúa cách cầm chừng có mức độ, hay chỉ sống những điều xem ra dễ dãi và cố tình bỏ qua những đòi hỏi của Tin Mừng.

Xin cho con thực sự thuộc về chân lý không phải chỉ trên đầu môi chót lưỡi, trên lý thuyết, nhưng bằng và qua chính cuộc sống. Xin cho đời sống con từ trong tư tưởng, lời nói, hành vi, cử chỉ…, tất cả hòa điệu tự nhiên với chân lý Phúc âm, để con được nên một với sự Thiện chân thật là chính Chúa. Thánh Phaolô qủa quyết: “Tôi sống mà không còn là tôi sống, nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi”. Con ước mong lời ấy trở thành câu tâm niệm sống của con. Xin Chúa giúp con. Amen.

Ghi nhớ: “Chúng tìm cách bắt Người, nhưng chưa tới giờ Người”.

 

Suy Niệm 8: Ta bởi Ngài, chính Ngài sai Ta

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Năm 1958, sau khi Đức Giáo hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài như một ngôi sao sáng chói đã lịm tắt, vì ngài xuất thân từ một gia đình quý tộc, hấp thụ một nền văn học uyên thâm và đã để lại bao nhiêu công trình lớn lao cho hậu thế, và cho Giáo hội.

Cơ Mật Viện đã bầu Đức Giáo hoàng Gioan XXIII lên kế vị. Giáo hoàng này xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, với hình dáng mập mạp, quê mùa, chất phác. Người ta bảo, đây chỉ là vị Giáo hoàng chuyển tiếp cho một vị Giáo hoàng khác có tầm cỡ như vị tiền nhiệm của ngài. Nhưng có ngờ đâu con người khiêm tốn, bình dân, giản dị và vui tươi ấy đã thu hút mọi người. Và nhất là với Công đồng Vaticanô II mà ngài đã triệu tập, Giáo hoàng Gioan XXIII đã trở thành một “siêu sao” của thời đại, vượt trội hơn các vị tiền nhiệm của mình.

Suy Niệm

Người Do Thái chỉ biết lý lịch trần thế của Ðức Giêsu: Con bác thợ mộc Giuse và bà Maria, xuất thân từ làng Nadarét miền Galilêa. Nhưng căn tính của Ngài không chỉ thuộc về Nadarét, Ngài là Đức Kitô đến từ Thiên Chúa Cha. Người Do Thái không biết Chúa Cha như Chúa Giêsu nhận định: “Ðấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài”. Cho nên, họ không tin nhận Đức Giêsu Kitô. Ngài đến từ Thiên Chúa Cha nên biết Cha, và Ngài là Ðấng Thiên Sai của Cha: “Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta”.

Biết Thiên Chúa Cha và biết Con Cha cùng Ngài sống trong Thiên Chúa, là đích điểm cuộc đời mỗi người Kitô hữu sống trên trần gian là cuộc lữ hành trở về với Ngài. Ðể biết Thiên Chúa, chúng ta phải chuyên cần tìm hiểu, gặp gỡ lắng nghe Ðức Giêsu trong Thánh Kinh, Ngài là Đấng trung gian với Cha, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần: “Xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa” (Thánh Augustinô).

Ý lực sống: “Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa, quên đi chính bản thân, yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa…” (Thánh Augustinô).

 

Suy Niệm 9: Nguồn gốc của Đấng Messia

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Bài Tin Mừng hôm nay kể lại: Đức Giêsu trở lại Galilê vào dịp Lễ Lều của người Do thái, đây là một trong những lễ lớn nhất và vui nhất của họ. Người ta mừng lễ này cả một tuần lễ, từ ngày 15 đến ngày 21 tháng Bảy.

Nhân dịp này người Do thái tranh luận về nguồn gốc của Đức Giêsu. Họ cho rằng Đấng Messia phải có nguồn gốc lai lịch rõ ràng, còn Đức Giêsu thì họ không biết  xuất thân từ đâu. Nhân đó Đức Giêsu nói cho họ biết lai lịch và nguồn gốc của Ngài là Chúa Cha: “Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta”. Nhưng nói như thế càng khiến họ muốn giết Ngài hơn. Tuy nhiên hiện giờ “họ chưa làm gì Ngài được vì chưa tới giờ Ngài”.

2. Sự kiện xẩy ra tại Giêrusalem vào dịp Lễ Lều và lễ tạ ơn sau ngày mùa, Đức Giêsu vào Đền thờ và giảng một cánh công khai, làm cho những người biệt phái tức giận vì họ không thể nào chấp nhận được những điều Ngài nói về bản tính thần linh của Ngài. Họ biết nguồn gốc lai lịch của Ngài: con bà Maria, con ông thợ mộc Giuse, quê ở làng Nazarẹth bé nhỏ, nghèo hèn, bản thân Ngài cũng chỉ là một anh thợ mộc, thế mà Ngài lại tự nhận mình là Con Thiên Chúa, từ Thiên Chúa Cha mà đến và ngang hàng với Chúa Cha. Họ cho là Ngài lộng ngôn phạm thượng, họ nhất định không tin Ngài, dù bao nhiêu chứng cớ Ngài đưa ra cũng không đánh động được lòng dạ chai đá của họ, họ nhất quyết từ chối, đó là quyền tự do của họ.

3. Họ thắc mắc với câu hỏi: Ông Giêsu là ai?  Họ thắc mắc và bàn tán theo quan niệm sai lầm của họ: “Ông này chẳng phải là Giêsu, con bác thợ mộc Giuse đó sao”?

Nhưng Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật”. Đó là tiếng kêu của một người không được người khác nhận biết đúng thực về mình, bởi vì Đức Giêsu không chỉ là người phàm như họ lầm tưởng, mà là Con Thiên Chúa, là Đấng được Chúa Cha sai đến cứu độ con người. Ngài chấp nhận sống nghèo hèn để đem lại giầu sang cho con người, Ngài chấp nhận đau khổ để đem lại hạnh phúc cho con người, một con người hiến thân để đem lại sự sống cho muôn người, thế mà không ai chịu tin theo Ngài.

4. Cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và những người biệt phái kéo dài rất dai dẳng, nhưng Ngài cũng chẳng làm cho họ tin Ngài được, trái lại càng ngày họ càng muốn giết Ngài. Cái gì đã khiến họ khó tin vào Đức Giêsu như thế? Thưa chính là vì họ tưởng họ biết quá rõ về Thiên Chúa và về Đấng Messia của Thiên Chúa: họ tưởng họ biết Thiên Chúa là ai, Đấng Messia từ đâu đến, biết rành Thánh Kinh, biết rõ luật Maisen... Tất cả những gì ở ngoài cái khung hiểu biết ấy của họ thì họ đều coi là sai lạc, là từ Satan...

Tôi có nghĩ rằng tôi đã biết tất cả về Chúa và về ơn cứu độ không? Tôi có sẵn sàng và ngoan ngoãn để Chúa dạy tôi những điều bất ngờ không?

5. Lý do sau cùng khiến họ không tin Ngài và tìm cách hại Ngài, không phải vì Ngài lỗi luật sabat, đó chỉ là cái cớ bên ngoài mà thôi, mà đúng ra Ngài là cái gai trước mắt họ, làm họ khó chịu: vì Ngài nguy hại cho họ, họ mất hết uy thế, mất miếng ăn. Họ ra tay bắt Ngài, nhưng họ không làm gì được Ngài vì giờ của Ngài chưa đến.

6. Truyện: Aristide người công chính.

Aristide là một tướng lãnh và chính trị gia nổi tiếng thanh liêm tại Hy Lạp vào thế kỷ V trước công nguyên.

Ông thanh liêm đến nỗi cả nước đã tặng cho ông một danh hiệu cao quí là “Aristide người công chính”. Nhưng ông càng được nhiều người ca tụng thì lại càng bị nhiều người ganh tị chống đối. Ông bị tướng Ténistoles âm mưu muốn triệt hạ ông. Người ta muốn cho Aristide bị kết án và bị lưu đầy trong vòng 10 năm. Bản án đã được thi hành bằng một trò chơi dân chủ quái ác.

Theo thể thức biểu quyết thông thường của người Hy Lạp thời cổ, mỗi một người công dân được phát cho một vỏ sò trên đó họ sẽ viết lên ý kiến của mình. Trong trường hợp của tướng Aristide, ai đồng ý cho ông bị lưu đầy, thì viết tên ông lên vỏ sò, và người ta sẽ đem nộp vỏ sò ấy tại một nơi công cộng giữa phố chợ.

Có một thị dân nọ không biết viết, thấy Aristide đang đứng ở một góc phố và chưa một lần biết mặt ông là ai. Thấy ông, người thị dân này  đến nhờ ông viết tên của người bị kết án lên vỏ sò. Aristide viết tên của mình lên vỏ sò theo yêu cầu của người lạ mặt. Ông trao vỏ sò lại cho thị dân và hỏi ông ta:

- Tại sao ông lại bỏ phiếu ủng hộ việc lưu đầy Aristide?

Người đàn ông mới trả lời như sau:

- Tại sao tôi bỏ phiếu ủng hộ việc lưu đầy ông ta ư? Bởi vì tôi không chịu nổi sự kiện ai cũng gọi ông ta là Người Công Chính, thế thôi!

 

Suy Niệm 10: Hiểu biết về Chúa thế nào?

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (hạt giống...)

1. Bài đọc 1 trích sách khôn ngoan nói lên một sự thật phũ phàng là kẻ gian ác không thích người công chính và bách hại người công chính. Bởi vì sự hiện diện và việc làm của người công chính càng lộ rõ sự gian ác của chúng, cũng như ánh sáng soi rõ những chỗ xấu xa trong các xó kẹt tối tăm.

2. Phúc Âm: Chúa Giêsu chính là người công chính bị quân gian ác bách hại. Để khỏi mang tội giết Đấng Messia, họ lý luận rằng Đấng Messia phải có nguồn ngốc lai lịch rõ ràng, còn Chúa Giêsu thì không biết xuất phát từ đâu. Nhân đó Chúa Giêsu nói cho họ biết nguồn gốc lai lịch của Ngài là Chúa Cha “Ta bởi Ngài và chính Ngài đã sai Ta”. Nhưng nói như thế càng khiến họ muốn giết Ngài hơn. Tuy nhiên hiện giờ “họ chưa làm gì được Ngài vì chưa tới giờ Ngài”.

B. Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Người công chính thường bị kẻ gian ác bách hại. Tôi có thể áp dụng cho mình câu này cả về hai vế:

- Hãy tự hỏi tôi có phải là kẻ gian ác đang bách hại những anh chị em tôi vì họ công chính hơn tôi không?

- Tôi có sẵn sàng chấp nhận những sự bách hại của kẻ khác để kiên trì sống theo lý tưởng công chính không?

2. Cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái kéo dài rất dai dẳng nhưng Ngài chẳng làm cho họ tin được, trái lại càng ngày họ càng muốn giết Ngài. Cái gì đã khiến họ khó tin vào Chúa Giêsu như thế? Thưa chính là vì họ tưởng họ biết quá rõ về Thiên Chúa và Đấng Messia của Thiên Chúa: họ tưởng họ biết Thiên Chúa là ai, Đấng Messia từ đâu đến, biết rành Thánh Kinh, biết rõ luật Môisê… Tất cả những gì ở ngoài cái khung hiểu biết đó thì họ đều coi là sai lạc, là từ Xatan… Tôi có nghĩ rằng tôi đã biết tất cả về Chúa và về ơn cứu rỗi không? Tôi có sẵn sàng ngoan ngoãn để Chúa dạy tôi những điều bất ngờ không?

3. Một lý do nữa khiên các thượng tế, luật sĩ và biệt phái tìm giết Chúa Giêsu là vì Ngài là một cái gai làm họ khó chịu. Phải chăng tôi không bị cám dỗ bởi ý muốn dẹp bỏ những người làm tôi khó chịu, vì họ không giống tôi, vì họ dám nói ra những chỗ yếu kém của tôi, hay chỉ vì họ khá hơn tôi khiến sự hiện diện của họ làm tôi bị lu mờ đi…?

 

Suy Niệm 11: Khó tin vào Chúa Giêsu, vì sao?

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

1. Cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu đã kéo dài rất dai dẳng nhưng vẫn chưa có hồi kết thúc và xem chừng sự đối kháng càng ngày càng quyết liệt hơn. Lý do nào đã khiến họ khó tin vào Chúa Giêsu như thế? Thưa, chính là vì họ tưởng họ biết quá rõ về Thiên Chúa và Đấng Messia của Người. Họ tưởng họ biết rành Thánh Kinh, biết luật Môisen là đã biết tất cả. Những gì ở ngoài cái khung hiểu biết đó thì họ đều coi là sai lạc, là từ Satan.

Một lý do khác nữa khiến các Thượng tế, luật sĩ và Pharisêu muốn tìm cách "hạ" Chúa Giêsu là vì Ngài là một cái gai, là chứng nhân cho sự thật làm cho họ khó chịu. Nhiều lần Chúa đã công khai vạch trần những sai trái và những việc làm giả đạo đức của họ trước mặt dân chúng. Vì sợ uy tín của mình vì thế mà bị giảm sút nên họ quyết tâm "thanh toán" Chúa.

2. Những người Do Thái ngày xưa là như vậy. Ngày nay, nhiều người cũng chẳng khác gì. Họ cũng muốn dẹp bỏ những người làm họ khó chịu. Lý do là vì những người này không giống họ, dám nói ra những chỗ yếu kém của họ, có một đời sống tốt hơn họ: Sự hiện diện của những người này làm họ bị lu mờ! Cái thói ghen ghét ở đời thì thời nào cũng có. Và cũng vì thói ích kỷ đó mà cuộc sống của con người trên trái đất này gặp không biết bao nhiêu là khổ đau.

Sáng ngày 19 tháng 3 năm 1994, tại phòng thánh nhà thờ xứ Casandi Pinsepê, gần thành Napoli miền trung nước Italia, cha Giuse Daiana đã bị sát hại bởi hai phát súng do bọn bất lương Camara bắn thẳng vào mặt đang lúc ngài sửa soạn cử hành thánh lễ kính thánh Giuse bổn mạng.

Cha Daiana là một linh mục trẻ mới ba mươi sáu tuổi. Tuy bị các băng đảng bất lương đe dọa, cha vẫn hăng say với sứ mệnh tông đồ của cha. Vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1991, cùng với các cha xứ khác trong vùng Casatano cha đã ký tên gia nhập vào hội quyết tâm chống lại mọi hình thức tội phạm bất lương, nhất là bọn Camara, những kẻ dã man đang gây tang tóc khắp miền đó.

Trước cái chết của cha Daiana, trong bài giảng lễ an táng, Đức Cha Lorenso Chiaradinali - Giám mục giáo phận Avesa đã tóm tắt sứ mệnh tông đồ của Cha như sau: "Đau khổ và tin tưởng. Một cái nhìn xuống đất nơi thân xác đẫm máu của cha an nghỉ và một cái nhìn hướng thẳng lên cao nơi có Đấng đã chết trên Thập Giá, nhưng đã chiến thắng hận thù và sự chết. Môi trường tông đồ của cha đầy khó khăn vì những hình thức vô luân đồi bại, những tổ chức bất lương và những sức mạnh dã man nấp sau bóng tối. Sứ mệnh tông đồ của cha là sứ mệnh bẻ gẫy xiềng xích của tội ác để xây dựng công bằng và tình thương. Hoạt động tông đồ của cha bắt đầu từ công tác giáo dục đức tin, nỗ lực sống chứng tá Kitô, bảo vệ quyền lợi của người tha hương, nâng đỡ tinh thần, an ủi các bệnh nhân, và nhất là huấn luyện tuổi trẻ qua các sinh hoạt hướng đạo".

Tinh thần hăng say và lòng quả cảm của cha Daiana đã cống hiến cho giới trẻ một lý tưởng cao thượng. Ngài đã biết gieo niềm vui và hy vọng nơi tâm hồn các bệnh nhân, biết chinh phục thiện cảm của giới trẻ bằng nụ cười dễ mến. Ngài cũng có tài hướng dẫn tinh thần, làm thay đổi các tâm hồn tận thâm sâu.

Với cái chết thảm thương của cha Daiana, bạo lực đã chạm tới bàn thánh. Bàn thờ của người tín hữu được dựng lên để tưởng nhớ cái chết của Chúa Kitô, Đấng đã chấp nhận chết vì tình yêu nhân loại. Cái chết của một linh mục cũng tương tự như thế. Đức Thánh Cha Gioan - Phaolô II đã nói về cái chết của cha Daiana như sau: "Như người công chính bị ngã gục, như tiếng kêu hùng hồn của lời tố cáo tội ác đã bị im bặt, như ngọn đèn sáng đã tắt lịm đi".

Cha Daiana đã chết nhưng cái chết của cha đã không vô ích hay uổng phí. Ngài đã ngã xuống và được chôn vùi trong lòng đất. Thân xác của ngài chẳng khác gì hạt giống được mục nát đi để đem lại một mùa gặt phong phú hơn, mùa gặt của công lý, của an bình và của tình thương. Thật vậy, mấy hôm trước khi bị ám sát, khi trả lời cho một hướng đạo sinh đến để bày tỏ cho ngài biết về nguyện vọng muốn được theo đuổi ơn gọi linh mục, cha Daiana đã nói với anh: "Nếu thực sự con muốn trở thành linh mục, con phải luôn nhớ rằng, con sẽ phải trả giá rất đắt, nếu không thì con nên gột bỏ ước nguyện đó đi"

Và sau đó, khi đứng trước thi hài cha Daiana, cậu hướng đạo sinh ấy đã thành thật nói: "Nếu trước kia tôi còn do dự nghi ngờ thì giờ đây trước sự việc vừa xảy ra hôm nay và trước cái chết của cha Daiana tôi đã có một xác tín mới: Tôi phải trở thành linh mục".

Lạy Chúa, xin cho con trở nên chứng nhân cho Chúa. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 636)

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,112)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,206)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,748)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,425)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,812)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,804)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,911)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,213)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,579)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7