Lời chúa mỗi ngày

Thứ Sáu 21/04/2023 – Thứ Sáu tuần 2 Phục Sinh. – Năm chiếc bánh và hai con cá.

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,247
  • Ngày đăng: 20/04/2023 10:00:00

Năm chiếc bánh và hai con cá.

21/04 – Thứ Sáu tuần 2 Phục Sinh.

"Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích".

 

Lời Chúa: Ga 6, 1-15

Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới. Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: "Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?" Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: "Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút".

Một trong những môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: "Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người". Chúa Giêsu nói: "Cứ bảo người ta ngồi xuống". Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã no nê, Người bảo các môn đệ: "Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi". Họ thu lại mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.

Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: "Thật ông này là Đấng Tiên tri phải đến trong thế gian". Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Ăn bao nhiêu tùy ý

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Có người coi tôn giáo như một thứ duy tâm, duy linh,

chỉ để ý đến chuyện linh hồn, chuyện đời sau,

mà hững hờ với cái đói cái no của thân xác, với chuyện áo cơm thường nhật.

Kitô giáo hẳn không phải là thế.

Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã khai mở Nước Thiên Chúa trên trần gian

không phải chỉ bằng việc rao giảng như một thầy dạy,

mà còn bằng việc chữa bệnh thân xác như một thầy thuốc.

Ơn cứu độ do Ngài mang lại có tính toàn diện, cả xác lẫn hồn,

và ơn cứu độ ấy đã bắt đầu ngay từ đời này rồi.

Trong Mùa Phục sinh, Giáo hội cho ta nghe đọc chương 6 của Tin Mừng Gioan,

bởi lẽ chương này nói về Đức Giêsu là Bánh hằng sống, Bánh ban sự sống.

Chương này khởi đầu bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều.

Phép lạ diễn ra ở bên kia hồ Galilê, vào mùa xuân, cỏ mọc xanh mướt.

Đám đông đến với Đức Giêsu đang ở trên núi với các môn đệ.

Tất cả bắt đầu bằng câu hỏi bất ngờ của Thầy Giêsu:

“Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”

Các câu trả lời của hai ông Philípphê và Anrê thật đáng thất vọng.

Hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ mỗi người một chút (c. 7).

Năm cái bánh lúa mạch và hai con cá khô thì thấm vào đâu (c. 9).

Nhưng Đức Giêsu lại cần năm cái bánh và hai con cá đó.

Ngài đón nhận sự đóng góp của con người, dù là rất nhỏ mọn.

Nhỏ mọn nhưng là tất cả những gì tìm được ở chốn hoang vu này.

Không có sự đóng góp của một em bé, không chắc phép lạ đã xảy ra.

Khi mọi người đã ngồi xuống trên cỏ theo lệnh các tông đồ,

Đức Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn và phân phát cho họ.

Chắc các tông đồ đã giúp Ngài phân phát đến tay dân.

Chính khi bẻ ra để phân phát thì bánh và cá hóa nhiều.

Chúng ta không hiểu được điều gì đang diễn ra.

Mầu nhiệm chia sẻ vẫn làm chúng ta ngỡ ngàng, sửng sốt.

Chia sẻ là biến điều ít ỏi ta đang có trở thành kho báu vô tận cho mọi người.

Chia sẻ làm chúng ta chẳng vơi đi, nhưng còn mãi.

Hơn năm ngàn con người đã được ăn tùy ý, được no nê, được dư thừa.

Gần một tỷ con người sống trên trái đất hôm nay cũng mong được như vậy.

Đức Thánh Cha coi việc liên đới chia sẻ

như một cách thức để thoát ra khỏi nạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Ước gì việc chúng ta chia sẻ Tấm Bánh thánh trong nhà thờ

giúp chúng ta tiếp tục chia sẻ những tấm bánh vật chất ngoài cuộc sống.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới:

Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này

là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.

Con mơ ước

không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng,

bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.

Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,

không còn những cô gái đứng đường

hay những người ăn xin.

Con mơ ước

những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng,

các ông chủ coi công nhân như anh em.

Con mơ ước

tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,

các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.

Lạy Chúa của con,

con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,

xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,

và xanh của bao niềm hy vọng

nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.

Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,

thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó. Amen.

 

Suy Niệm 2: Thật và giả

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Ga-ma-li-en thật là người khôn ngoan. Ông chưa tin Chúa. Nhưng ông có phân định sâu sắc. Đừng vội kết luận. Vội vã kết luận có thể sai lầm chống lại Thiên Chúa. Đó là lỗi lầm trầm trọng. “Nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa”. Qua phép lạ bánh hoá nhiều, ta có thể thấy một vài dấu chỉ của tiên tri thật.

Tiên tri thật quan tâm đến con người, đặc biệt người nghèo. Tiên tri giả chỉ quan tâm đến bản thân. Chúa Giê-su quan tâm đến những người đến với Chúa. Biết họ đói cần được ăn. Không chỉ quan tâm suông. Nhưng cụ thể bằng hành động. Thúc giục các tông đồ lo cho họ ăn. Tìm bánh. Và làm phép lạ.

Tiên tri thật làm việc vì nhu cầu. Tiên tri giả làm để phô trương. Chúa Giê-su chưa bao giờ muốn phô trương. Người hoá bánh ra nhiều vì dân đói đang cần được ăn. Chữa người bệnh vì họ đau khổ cần được cứu chữa.

Tiên tri thật tiết kiệm, trân trọng những gì nhỏ bé. Tiên tri giả hoang phí, chỉ chuộng những gì hoành tráng. Nên Chúa dạy các tông đồ đi thu lượm những mẩu bánh thừa.

Tiên tri thật không tôn vinh bản thân. Cũng không muốn người ta tôn vinh mình. Tiên tri giả luôn tìm nâng mình lên. Muốn được người ta ca tụng. Vì thế Chúa trốn đi khi họ muốn tôn Chúa làm vua.

Chính vì thế người dân tin nhận Chúa: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian”. Chính vì thế các tông đồ xác tín. Sống chết với Chúa. “Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su”.

Xin cho con nhận biết Chúa là Thiên Chúa thật. Và xin cho con trở thành chứng nhân thật sự của Chúa.

 

Suy Niệm 3: Đấng cứu rỗi thế gian

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Phép lạ bánh và cá được hóa ra nhiều là phép lạ duy nhất được tường thuật trong cả bốn Phúc Âm. Ðiều này chứng minh cho chúng ta biết tầm quan trọng của dấu lạ này trong toàn bộ giáo huấn của Chúa Giêsu, cũng như trong sinh hoạt của cộng đoàn Kitô tiên khởi thời các tông đồ. Những người Kitô đầu tiên thường dùng dấu hiệu bánh và cá để nói lên niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Ðấng cứu rỗi thế gian, và là của ăn ban sự sống đời đời. Chúa Giêsu sẽ giải thích điểm này rộng rãi hơn trong bài giảng tiếp sau biến cố phép lạ bánh và cá được hóa ra nhiều. Chúng ta sẽ lần lượt Suy Niệm về những lời giảng dạy này trong những ngày tới.

Trong những phút Suy Niệm hôm nay, chúng ta hãy chú ý đến thái độ của dân chúng đối với dấu lạ Chúa thực hiện. Có thể nói rằng dân chúng đã hiểu lầm ý định của Chúa Giêsu. Nói cách khác, chúng ta có thể nói rằng dân chúng đã trần tục hóa biến cố, họ hiểu biến cố trong lăng kính vụ lợi vật chất cho bản thân. Phúc Âm theo thánh Gioan ghi lại chi tiết này: "Sau biến cố, dân chúng muốn bắt Chúa đi mà tôn lên làm vua", có lẽ để tiếp tục phục vụ cho những lợi lộc vật chất, cho những tham vọng của họ. Thay vì biến đổi con người mình trở nên sẵn sàng hơn để lắng nghe sứ điệp của Chúa muốn nói với họ. Hãy cố gắng để được ăn của ăn không hư nát, để được sống đời đời, thì dân chúng lại giới hạn dấu lạ trong chiều kích trần tục của cơm bánh để nuôi sống thể xác mà thôi. Ðây có thể nói là một trong những cám dỗ thường hằng của con người qua mọi thời đại, cám dỗ bắt buộc Thiên Chúa phải và chỉ phục vụ cho những nhu cầu vật chất trần tục mà thôi.

Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi làm nô lệ cho những tham vọng trần tục. Chúa vẫn luôn tiếp tục thực hiện những dấu lạ trong đời sống của con, để mời gọi con luôn nâng tâm hồn lên mà nhìn nhận và tôn vinh Chúa hằng ngày. Xin cho con được luôn sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa dạy và sống thực hành trong mọi hoàn cảnh. Xin cho con biết đến gặp Chúa trong bí tích Thánh Thể để được Chúa soi sáng và bổ dưỡng thêm sức mạnh và chu toàn trọn vẹn hơn sứ mạng Chúa đã trao phó cho con.

 

Suy Niệm 4: Sự cộng tác của con người

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Kể từ năm 1891, sau khi Đức Lêô XIII ban hành thông điệp Tân sự, đã có nhiều thông điệp khác về vấn đề xã hội được công bố nhằm đánh dấu sự phát triển và đào sâu giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Năm 1931 có thông điệp kỷ niệm năm thứ 40 do Đức Piô XI ban hành; năm 1961 có thông điệp Mẹ và Thầy của Đức Gioan XXIII; năm 1981, Đức Gioan Phaolô II kỷ niệm 90 năm thông điệp Tân sự bằng Thông điệp về lao động; năm 1987 ngài ban hành thông điệp “Mối quan tâm về vấn đề xã hội” nhằm kỷ niệm 20 năm thông điệp Phát triển các dân tộc của Đức Phaolô VI; năm 1991 ngài ban hành thông điệp kỷ niệm năm thứ 100 thông điệp Tân sự.

Tuy với những hoàn cảnh cụ thể và dưới những góc độ khác nhau, những văn kiện trên của các Giáo Hoàng đều đề cập đến những vấn đề của thời đại, đó là tương quan giữa lao động và phát triển. Giáo Hội không đề cao bất cứ một thứ chủ nghĩa chính trị và kinh tế nào. Giáo Hội không ngừng cổ võ sự phát triển dựa trên công lý và tình liên đới. Theo giáo huấn của Giáo Hội, nếu trên thế giới còn có các quốc gia nghèo khổ, là vì những nước giầu còn quá ích kỷ chưa muốn san sẻ tài nguyên và sự phát triển của họ. Nếu trong cùng một quốc gia, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo càng lúc càng tăng, là bởi vì người giầu không muốn chia sẻ của cải mình cho người nghèo.

Tin mừng hôm nay là một trong những trang từ đó Giáo Hội mức lấy giáo huấn của mình về vấn đề xã hội. Chúa Giêsu là Đấng toàn năng, Ngài chỉ cần phán một lời thì đám đông hơn 5.000 người đi theo Ngài có thể ăn no nê. Nhưng chúa Giêsu đã không làm thế. Phép lạ Ngài thực hiện xem chừng chỉ có thể diễn ra nhờ 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé. 5 chiếc bánh và 2 con cá không là gì so với một đám đông như thế; vả lại trong xã hội Do thái thời đó, em bé vốn cũng chỉ là một con số không trong bậc thang xã hội; vậy mà từ con số không ấy, từ một sự đáp trả khiêm tốn ấy, đám đông hơn 5.000 người đã được ăn no nê.

Bài học mà Giáo Hội đón nhận từ phép lạ ấy thật rõ ràng: lòng quảng đại, sự san sẻ của con người là chìa khoá giúp giải quyết vấn đề nghèo đói. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hiện diện trong Giáo Hội của Ngài, vào Giaó Hội tin rằng Ngài vẫn tiếp tục nhân bánh và cá ra nhiều cho những người nghèo đói. Qua bao nhiêu thế kỷ, với những đóng góp và chia sẻ của các tín hữu, đã có biết bao người được ăn uống no nê. Những hoạt động từ thiện, những chương trình trợ giúp phát triển của Giáo Hội là những phép lạ mà Chúa Giêsu không ngừng thực hiện cho những người nghèo đói. Những mẹ Têrêxa Calcutta, những cha Pierre, những nữ tu Emmanuel và bao nhiêu gương mặt âm thầm khác trong Giáo Hội, đó là những em bé với 5 chiếc bánh và 2 con cá đã đóng góp vào việc thực hiện phép lạ.

Một em bé với 5 chiếc bánh và 2 con cá, chỉ với một đóng góp ít ỏi đó cũng đủ để Chúa Giêsu làm một phép lạ cả thể. Ngày nay liệu chúng ta có đủ lòng tin để tin rằng với một ít san sẻ do lòng quảng đại của chúng ta, Chúa Giêsu vẫn còn đó có thể làm phép lạ để bao người đói khổ chung quanh chúng ta được ăn no nê không?

 

Suy Niệm 5: Dự tính tương lai

Vậy Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý. Khi họ đã ăn no nê rồi thì Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiế bánh lúa mạch người ta đã ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” (Ga. 6, 11-14)

Đã bao giờ chúng ta Suy Niệm về điểm quan trọng này chưa? Giáo lý thuở ban đầu đã dạy về phép lạ bánh hóa nhiều bằng sáu câu chuyện tương tự được Tin mừng kể lại. Những câu chuyện này chắc chắn có một số nét chung. Hai lần Đức Giêsu đã làm phép lạ cho bánh hóa nhiều: Một lần từ năm chiếc bánh và hai con cá và thu được mười hai thúng còn dư. Một lần từ bảy chiếc bánh và vài con cá, còn thu được bảy thúng còn dư.

Sự dư thừa dồi dào còn được đối chiếu với câu chuyện Cựu ước trong sách Các Vua từ tám thế kỷ trước Đức Giêsu: Ngôn sứ Ê-li-sê đã làm cho hai mươi tấm bánh hóa ra nhiều cho một trăm người ăn, Chúa cũng đã nói với ngôn sứ: “Họ ăn và còn dư”. Cùng đề tài dồi dào dư thừa do lòng quảng đại của Chúa đã được thể hiện lại trong Tin mừng thánh Gio-an ở tiệc cưới Ca-na: Phép lạ nước biến thành rượu, dồi dào đầy những chum nước lớn chứ không chỉ đầy các chai trên bàn tiệc.

Chắc hẳn, việc Đức Giêsu ban dồi dào dư thừa đó không chỉ là rượu, bánh, của ăn vật chất, nhưng chính là Người nữa, vì Người đã nói: “Ta là cây nho thật” và “Ta là bánh ban sự sống”. Tất nhiên chúng ta phải nghĩ đến phép Thánh Thể. Toàn thể mầu nhiệm về Đức Kitô hàm chứa trong những câu: “Ta là” đã được Tin mừng thánh Gio-an ghi lại: “Ta là … ánh sáng thế gian, là mục tử tốt lành, là cửa chuồng chiên, là sự sống lại và sự sống, là đường, là sự thật và sự sống”. Phải là tất cả những gì chúng ta cần: bánh, rượu, ánh sáng, sự sống, che chở, hướng dẫn, Đức Giêsu là tất cả thứ đó. Thánh Gio-an thêm một định nghĩa nữa Đức Giêsu là Ngôi Lời, nghĩa là Lời Hằng Sống. Với Gio-an, Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, Đấng nói với chính Gio-an và với thế nhân, Đấng đã tự nói ra qua các tín hữu của mình … Như thánh Phao-lô đã gọi: Đức Kitô toàn diện, Đức Kitô phục sinh đã nhập thể vào tất cả các kẻ tin nhờ Thánh Thần.

Chúng ta cần phải sống với Đức Giêsu, Đấng đã nuôi dưỡng và tái tạo chúng ta trong Thánh Thần, Đấng đã ban Thánh Thần cho chúng ta, đổi mới chúng ta luôn mãi, Đấng là nguồn mạch sự sống không ngừng, đó là nguồn suối trường sinh khôn lường. Con người mới mà thánh Phao-lô nói với chúng ta, phải thanh tẩy không ngừng, làm việc không ngừng để phụng sự Thiên Chúa. Đấng là nguồn suối chặn đứng mọi cơn khát và mọi già nua, suy thoái của chúng ta.

L.P

 

Suy Niệm 6: Phép lạ do tình thương

Trong bài hát “để gió cuốn đi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ngay ở đầu bản nhạc có viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”.

Thật vậy, trong cuộc sống, nếu ai ai cũng có tấm lòng, dù chỉ một chút thôi, thì chắc con người sẽ sống với nhau trong cảnh hòa bình, ấm no và hạnh phúc! Nhưng tiếc thay, xã hội ngày càng phát triển, nhiều người giàu có, nhưng cùng lúc, phát sinh nạn phân biệt giàu nghèo rõ rệt hơn bao giờ hết! Vì vậy, vẫn còn đó chuyện “nơi ăn không hết, chỗ lần không ra”.

Hôm nay, Tin Mừng trình thuật việc Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Khởi đi từ lòng thương xót của Ngài: “Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philípphê: ‘Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?’" (Ga 6, 5).

Tiếp theo là tấm lòng quảng đại của một em bé: “Có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá”, và, Đức Giêsu đã tiếp nhận tấm lòng nhỏ bé nhưng tinh thần lớn lao của em để kết hợp với lòng thương xót của Ngài, Ngài làm nên chuyện phi thường là làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng (x. Ga 6, 11).

Ai nấy đều được no nê nhờ vào tấm lòng của vị Mục Tử Giêsu và sự quảng đại của em nhỏ.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết chia cơm sẻ bánh cho nhau, tức là sống với nhau trong tinh thần liên đới, trách nhiệm. Đạo Công Giáo không bao giờ chấp nhận chuyện mạnh ai nấy sống. Sống như thế là ích kỷ, là chỉ biết đến cái bụng mà không hề làm cho trái tim lớn lên trong tình yêu.

Bên cạnh đó, chúng ta còn học được bài học tin tưởng, phó thác nơi Chúa, vì có Chúa là có tất cả, không chỉ vậy, mà còn dồi dào. Hình ảnh các môn đệ “thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng” có ý muốn nói và củng cố cho chúng ta về lòng tín thác nơi Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết sống quảng đại, biết nghĩ đến người khác hơn là nghĩ đến bản thân mình. Biết sống tình bác ái huynh đệ để trở thành môn đệ của Chúa đích thực. Xin cũng ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con luôn vững tin vào quyền năng Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Chúa Giêsu mời gọi, chờ đợi sự đóng góp của con người

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Để làm phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi sống trên năm ngàn người ăn no nê, Chúa Giêsu cần đến sự đóng góp nhỏ nhoi của con người. Ngài mời gọi ta góp phần của mình trong công cuộc cứu độ nhân loại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, dù biết việc mình sẽ làm, Chúa vẫn hỏi ông Phi-líp-phê tìm đâu ra bánh. Chúa muốn các tông đồ cộng tác với Chúa. Và ông An-rê đã tìm được một bé trai có năm chiếc bánh và hai con cá. Đây là thức ăn của người nghèo, nhưng cậu bé cũng đã quảng đại dâng tất cả cho Chúa.

Lạy Chúa, với năm chiếc bánh và hai con cá đó, Chúa đã làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi sống trên năm ngàn người ăn no nê. Quyền năng của Chúa có thể làm được tất cả mọi sự, không cần ai góp sức. Thế nhưng Chúa vẫn mời gọi, vẫn chờ đợi sự đóng góp của con người, và sự đóng góp dù rất tầm thường nhỏ bé, Chúa vẫn nhận và làm phát sinh hậu quả dồi dào tốt đẹp.

Lạy Chúa, ngày nay, xuyên qua những biến cố trong cuộc sống hằng ngày, trong một thế giới còn rất nhiều người đang đói khát vật chất và tinh thần, con biết Chúa vẫn đang chờ đợi con đóng góp phần của mình để xoa dịu những cơn đói khát khổ đau ấy: có thể là một ly nước lã cho người đang khát, một chén cơm cho người đang đói, hay một chiếc áo cho người đang lạnh, có thể là một lời ủi an cho người đang đau khổ, một nụ cuời thân ái cho người bất hạnh, và ngay cả một lời thứ tha cho kẻ thù. Xin cho con luôn thiết tha cộng tác với Chúa trong công cuộc cứu độ nhân loại. Và xin cho con luôn ghi nhớ mỗi ngày ít ra con phải làm một việc thiện nào đó để góp phần xây dựng thế giới hoà bình hôm nay. Xin Chúa giúp con. Amen.

Ghi nhớ: “Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích”.

 

Suy Niệm 8: Thiên Chúa cứu chữa phần hồn, dưỡng nuôi phần xác.

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Tại góc đường của một thành phố lớn, có một người đàn bà quần áo rách tả tơi đứng xa ăn xin với đứa con trai nhỏ gầy ốm xanh xao của bà. Trong số những người đi qua đường phố, có một người đàn ông triệu phú bước qua, nhìn họ không nói tiếng nào, cũng chẳng giúp đỡ gì.

Nhưng khi trở về biệt thự sang trọng của mình rồi, nhìn vào bàn ăn với đủ mọi thứ cao lương mỹ vị, ông liên tưởng đến thằng bé còm nhom và người mẹ khốn khổ của nó. Càng nghĩ về họ ông càng tức giận Thiên Chúa.

Rồi ông nắm tay lại đưa quả đấm lên trời la to với Thiên Chúa: “Làm sao Ngài lại có thể để cho sự khốn khổ như thế này xảy ra cho được? Tại sao Ngài lại không làm gì để giúp đỡ những con người bất hạnh đó?”. Và từ một nơi nào đó, rất sâu tự bên trong tâm hồn của ông, có tiếng Thiên Chúa trả lời: “Ta đã làm. Ta đã dựng nên ngươi” (Nguyễn Văn Thái, Sống Lời Chúa giữa dòng đời, tr. 216).

Suy niệm

Dân Chúa đứng trước sự đói khát về nhu cầu thân xác, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?”. Các ông thưa lại rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Với sự lo toan của con người, các con không thể lo cho cả ngàn người, đó là sự phản ứng bất lực nơi con người trước những nhu cầu to lớn (lương thực cho năm ngàn người). Người bảo các ông: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”, có nghĩa là sửa soạn ăn, ngả lưng là tư thế để ăn, như là tư thế sẵn sàng để lãnh nhận hồng ân. “Cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn”. Bánh trao ban dư đầy thu được mười hai thúng đầy, ý muốn chỉ tới bữa tiệc sau này trên nước Trời (Mt 8,11-12; 22,1.10). Hành động trung tâm của nước Trời và mọi người đều ăn no. Sự dư dật là một dấu chỉ được báo cho thời kỳ của Đấng Mêssia trong Kinh Thánh (x. Đnl 6,11; Tv 132,15; Is 65,10).

Phép lạ bánh hóa nhiều của Chúa Giêsu gợi cho chúng ta sự việc: Tiên tri Êlisê ra lệnh cho các đầy tớ đa nghi mang hai mươi chiếc bánh nuôi cả trăm người (x. 2V 4,42-44). Các sách Tin Mừng thuật lại cho chúng ta sáu lần hóa bánh ra nhiều (Mt 14,13.21; 15,32-39; Mc 6,30-44; 8,1-9; Lc 9,10-17; Ga 6,1-15). Qua đó, cho chúng ta thấy Ngài yêu thương con người. Ngài cứu chữa phần hồn, dưỡng nuôi phần xác.

Ðược chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều, người Do Thái cho rằng Ðức Giêsu là vị ngôn sứ của thời cuối cùng được sai đến để giải phóng dân tộc và phục hồi sức mạnh nước Israel. Họ muốn tôn Ðức Giêsu làm vua với mục đích để Ngài bảo đảm đời sống cho họ bằng những phép lạ tương tự. Nhưng Ngài được Thiên Chúa sai đến thế gian không phải để làm chính trị mà để cứu vớt con người, dẫn đưa họ về với Thiên Chúa. Cho nên, Ðức Giêsu trốn lên núi một mình.

Xin cho chúng ta lòng khao khát tìm đến bên Chúa, lắng nghe Lời, được Ngài chạnh lòng thương và ban phát của ăn tinh thần là Thánh Thể, cũng như cả lương thực nuôi thân xác như Ngài ra tỏ tình thương qua phép lạ bánh hóa nhiều.

Ý lực sống: “Hãy tin tưởng những lời thầm thì của Thiên Chúa trong tâm hồn các con”. (Chân phước Mary MacKillop)

 

Suy Niệm 9: Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Thiên Chúa luôn quan tâm đến con người. Ngài ban cho họ của ăn dồi dào để dưỡng nuôi thân xác. Ngài không bỏ rơi ai mặc dầu người ta không quan tâm đến Ngài, như Đức Giêsu đã nói: “Ngài cho mặt trời của Ngài mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5,45). Phép lạ làm cho bánh hóa nhiều trong bài Tin Mừng hôm nay chứng tỏ lòng thương và quyên năng của Chúa. Đức Giêsu làm phép lạ để thỏa mãn cấp thời cơn đói khát phần xác của con người và sự quan phòng của Thiên Chúa.

2. Dân chúng đứng trước sự đói khát về nhu cầu thể xác, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Ta mua đâu được bánh cho những ngjười này ăn”? Các môn đệ thưa lại rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Với sự lo toan của con người, các con không thể lo cho cả ngàn người, đó là sự phản ứng bất lực nơi con người trước những nhu cầu to lớn (lương thực cho năm ngàn người). Ngài bảo các ông: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Chúa cho họ ăn uống no nê mà còn thu lại được 12 thúng đầy những mảnh vụn còn lại.

3. Đứng trước phép lạ này, chúng ta nên để ý đến thái độ của dân chúng. Có thề nói rằng dân chúng đã hiểu lầm ý định của Đức Giêsu. Nói cách khác, chúng ta có thể nói rằng dân chúng đã trần tục hóa biến cố trong lăng kính vụ lợi vật chất cho bản thân. Phúc âm thánh Gioan ghi lại chi tiết này: “Sau biến cố, dân chúng muốn bắt Chúa đi mà tôn lên làm vua”, có lẽ để tiếp tục phục vụ cho những lợi lộc vật chất, cho những tham vọng của họ, thay vì biến đổi con người mình trở nên sẵn sàng hơn để lắng nghe sứ điệp của Chúa muốn nói với họ.

4. Trong phép lạ bánh hóa nhiều, chúng ta không chỉ thấy tình thương và quyền năng của Đức Giêsu, mà chúng ta còn thấy giá trị của sự đóng góp của con người. Dĩ nhiên, nếu không có 5 chiếc bánh và 2 con cá của một cậu bé, Đức Giêsu vẫn có thể làm phép lạ ra nhiều bánh để nuôi dân chúng, như Thiên Chúa đã làm cho manna từ trời rơi xuống trong sa mạc nuôi dân Israel khi họ tiến về Đất Hứa. Nhưng ở đây có yếu tố 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé, và chi tiết này đáng chúng ta suy nghĩ để rút ra bài học hữu ích.

Trong lời giới thiệu cuốn sách “5 chiếc bánh và 2 con cá” của Đức cố Hồng y FX Nguyễn văn Thuận, Đức Hồng y Bernard Law (nguyên Hồng y giáo chủ giáo phận Boston, Hoa kỳ) đã viết: “Một cậu bé đã đem đến cho Đức Giêsu 5 chiếc bánh và 2 con cá, một tặng vật đơn sơ mà Đức Giêsu đã dùng để nuôi  một đoàn dân đông đảo. Chúng ta cũng thế, dù tặng vật của mình nhỏ bé, chúng ta cũng có thể dâng lên Thiên Chúa, Ngài sẽ dùng chúng để có một hiệu quả lớn lao trên đường của Ngài” (tr 5).

5. Một người đàn ông nghèo còn đúng 50 xu. Sáng Chúa nhật đi lễ, người lắc giỏ đi tới, ông bỏ hết vào giỏ. Tan lễ, ông được tin một xí nghiệp đang tuyển công nhân, nhưng phải đi xe lửa tới đó mất 1 đô. Không còn tiền, ông đi bộ tới xí nghiệp khác gần nhà thờ. May thay, ông tìm ngay được việc làm. Cuối tuần, ông lãnh được số tiền gấp 10 lần mà ông đã cho đi. Người đàn ông đó là chủ một thương hiệu giầy da nổi tiếng, tên là W.L. Douglas.

Dân chúng ngày xưa cũng như ngày nay luôn ở trong tình trạng đói khát lương thực, áo quần, thuốc men và sâu xa hơn nữa, đói khát sự sống đích thực mà chỉ có Thiên Chúa mới làm no thỏa. Thiên Chúa biết hết mọi điều thầm kín, bí ẩn trong tâm can con người, cũng như biết rõ những nhu cầu thiết yếu của họ.

6. Tóm lại trong sứ điệp Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hợp tác với Ngài thực hiện những phép lạ y hệt những phép lạ  Ngài đã làm trong Thánh Kinh. Bất cứ chúng ta trao tặng cho Ngài điều gì – chẳng hạn thời gian, tài năng, lời cầu nguyện, hy sinh và nguồn lực của chúng ta – Ngài sẽ sử dụng nó để đem lại kết quả vượt mọi kỳ vọng vĩ đại nhất của chúng ta. Ngài sẽ bội nhân chúng lên vượt khỏi bất cứ niềm mơ ước nào của chúng ta như Ngài đã biến đổi những chiếc bánh lúa mạch và hai con cá trong bài Tin Mừng hôm nay. Đấy chính là lời mời gọi mà Đức Giêsu ngỏ với chúng ta trong những bài đọc hôm nay.

7. Truyện: Biết cảm tạ và cộng tác với Chúa.

Việc tạ ơn Chúa trước khi ăn là một thói quen rất tốt, vì chúng ta bắt chước việc Đức Giêsu đã làm ngày xưa: “Ngài cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn”.

Một gia đình nọ có thói quen tốt, khi mọi người đã ngồi vào bàn ăn, ai nấy đều cúi đầu và đứa bé út trong nhà có nhiệm vụ đọc lời cầu nguyện. Hôm ấy nó đọc: “Lạy Chúa, chúng con cảm tạ ơn Chúa vì ơn lành Chúa đã ban cho chúng con. Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con có bữa ăn ngon này”.

Mỗi lần đứa con cất lên lời cầu nguyện như thế, người cha đều cảm thấy sung sướng trong lòng. Nhưng một hôm, lời cầu nguyện của đứa con lại khiến ông ray rứt.

Hôm đó, sau khi nghe con cầu nguyện, ông chợt nghĩ tới bài báo ông vừa đọc: Trên thế giới có 40 triệu người đói, và một phần ba trẻ em châu Phi bị suy dinh dưỡng.

Ông liền suy nghĩ: Bởi đâu mà gia đình ông no đủ đang khi biết bao người khác phải đói rách, bần cùng? Phải chăng gia đình ông tốt hơn hay xứng đáng hơn những người ấy? Phải chăng gia đình ông có ăn, vì gia đình ông được Thiên Chúa thương hơn những con người khác?

Và hôm đó, những câu hỏi như thế cứ ám ảnh tâm trí ông khiến ông ăn mà chẳng thấy ngon miệng tí nào.

 

Suy Niệm 10: Phép lạ hóa bánh ra nhiều

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Từ hôm nay sang bài giáo lý thứ hai về Bí tích Thánh Thể, dựa trên đơn vị phép lạ hóa bánh ra nhiều, bài trích Phúc Âm hôm nay tường thuật phép lạ ấy. Phép lạ này được cả 4 quyển Phúc Âm tường thuật. Nhưng bài tường thuật của Gioan có những chi tiết riêng biệt như sau:

- Xác định rõ nơi xảy ra là phía Đông hồ Galilê, tức là vùng đất của lương dân. Tại vùng đất này mà “đám đông dân chúng theo Người”, chứng tỏ lúc này uy tín và ảnh hưởng của Chúa Giêsu đang lên cao.

- Nhưng Gioan còn ghi thêm “vì họ đã thấy những phép lạ Người làm” chứng tỏ dân theo Ngài vì lòng vị lợi chứ không phải do đức tin thật.

- Các bài trình thuật trong Phúc Âm nhất lãm, các môn đệ nói cho Chúa Giêsu biết dân chúng đói bụng. Còn trong Gioan, chính Chúa Giêsu hỏi các môn đệ làm sao có bánh cho dân ăn.

- Trong nhất lãm, Chúa Giêsu bảo các môn đệ phân phát bánh và các cho dân. Còn trong Gioan chính Chúa Giêsu phân phát.

- Khác biệt quan trọng nhất là Gioan coi phép lạ này là dấu chỉ giúp người ta hiểu về mầu nhiệm bản thân Chúa Giêsu: Ngài chính là Bánh nuôi dưỡng sự sống trường sinh.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”. Trước sứ mạng Chúa giao, ai cũng thấy rằng mình không đủ khả năng. Không bao giờ chúng ta ngang tầm để có thể đáp ứng ý muốn của Chúa. Nhưng cũng như Philipphê và các môn đệ xưa, chúng ta cứ bắt đầu rồi Chúa sẽ tiếp tay cho đến hoàn thành. Thực ra, Chúa không đòi ta làm điều ta không thể, Ngài chỉ muốn chúng ta để Ngài hành động trong và qua chúng ta.

2. Đám đông dân chúng ngày nay vẫn còn đói khát: Đói khát lương thực, đói khát áo quần, đói khát thuốc men và sâu xa hơn nữa họ còn đói khát lẽ sống, đói khát chính sự sống thật mà chỉ có Chúa mới ban cho được.

3. Một lời cầu nguyện:

Lạy Chúa, trong tay chúng con, Chúa là bánh

Trong tay chúng con, Chúa là sự sống.

Xin hãy mở rộng tay chúng con, để ban bánh cho người khác 

Xin hãy mở rộng chúng con, để ban sự sống cho người khác.

4. “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”.

Hồi nhỏ, mỗi khi nghe đoạn Phúc Âm này tôi tự hỏi: nếu em bé kia cứ khư khư giữ lấy phần thức ăn ít ỏi của mình thì chuyện gì sẽ xảy ra ? Chợt tôi nghe như có tiếng đáp lại: “Điều ta muốn là tấm lòng quảng đại của con”.

Từ đó trở đi tôi thực sự mới cảm nhận được rằng: nếu tôi trao ban mà còn so đo tính toán thiệt hơn, nếu tôi không trao ban với tấm lòng quảng đại của mình, thì hành vi kia thật là vô nghĩa.

Em bé trong Phúc Âm Gioan hôm nay lại một lần nữa nhắc bản thân mỗi chúng ta về cách trao ban cho người anh em khác.

 Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại. (Epphata).

5. Một cậu bé nghe nói về Chúa, cậu thắc mắc: “Chúa là ai ?”

Một hôm cậu quyết định một mình đi tìm Chúa. Với cái túi nhỏ đựng ít bánh và nước ngọt, cậu bé đến một công viên gần nhà. Vừa bước vào công viên cậu đã gặp một bà cụ đang ngồi trên ghế đá. Cụ bà đang say sưa nhìn mấy con chim bồ câu đến nhặt thức ăn. Cậu bé liền đến ngồi bên cạnh bà, rồi mở cặp lấy bánh và nước ngọt ra.

Nhận thấy bà cụ như có vẻ như thiếu ăn, cậu bèn lấy bánh mời bà cụ. Bà cụ vui vẻ đón nhận và mỉm cười với cậu. Sau đó cậu lấy nước ngọt ra và cũng mời bà như thế. Một lần nữa bà lại đón nhận và mỉm cười. Chưa bao giờ cậu bé cảm thấy hân hoan như vậy. Cả buổi chiều hôm đó, bà cháu ngồi bên nhau, chia sẻ từng miếng bánh, từng hớp nước ngọt, mỉm cười với nhau mà không cần phải nói với nhau lời nào.

Chiều đã muộn, sợ cha mẹ sốt ruột, cậu bé đứng lên ra về. Vừa đi được một quãng, cậu lại quay lại bá cổ bà cụ, rồi hôn vào má bà cụ. Cụ bà đáp lại cái hôn ấy bằng một nụ cười đẹp như chưa bao giờ có. Khi cậu bé vừa mở cửa bước vào nhà, người mẹ nhận ra ngay trên gương mặt con mình một niềm vui mà bà chưa từng thấy bao giờ. Bà liền hỏi con:

- Hôm nay con làm gì mà vui thế ?

Cậu bé đáp:

- Hôm nay con ăn uống với Chúa.

Người mẹ ngỡ ngàng chưa hiểu gì thì cậu bé nói tiếp:

- Mẹ biết không, con chưa bao giờ thấy ai có nụ cười đẹp bằng nụ cười của Chúa.

Còn bà cụ, với một niềm vui rộn rã trong tâm hồn, bà thong thả trở về nhà. Vừa bước chân vào cửa thì người con út đã nhận ra ngay sự bình thản khác thường trên gương mặt mẹ mình cho nên cậu hỏi ngay:

- Hôm nay mẹ làm gì mà vui thế.

Bà cụ trả lời:

- Mẹ đã ăn bánh với Chúa.

Trước sự ngỡ ngàng của người con, bà giải thích:

- Con biết không. Chúa trẻ hơn là mẹ nghĩ rất nhiều.

6. Một tác giả vô danh đã tưởng tượng ra một câu truyện sau:

Khi Thiên Chúa tạo dựng xong vũ trụ cũng như muôn người muôn vật thì Ngài gọi các sứ thần lại để hỏi xem nên đặt cái bí ẩn của sự sống - tức là cái quí giá nhất trong chương trình sáng tạo của Ngài - ở đâu ?

Một sứ thần góp ý: “Nên chôn vùi nó dưới đất”

Một sứ thần khác: “Nên đặt nó dưới đáy biển”

Một vi nữa lại đề nghị: “Đặt nó trên núi cao là thượng sách”

Thế nhưng Thiên Chúa không đồng ý với những giải pháp kể trên. Ngài nói: “Phải làm thế nào để cho bất cứ người nào cũng có được cái bí ẩn của sự sống mới được”

Cuối cùng một sứ thần liền nói: “Nên đặt cái bí ẩn ấy nơi trái tim con người”

Thiên Chúa nhận thấy đó là điều tốt đẹp, Ngài liền đặt cái bí ẩn của sự sống vào trái tim con người. Và từ đó con người luôn thấy mình có một sức sống tuyệt vời hơn hẳn các loài thụ tạo khác.

 

Suy Niệm 11: Biết quảng đại trao ban như Chúa

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Vâng! Sau khi Chúa đã giúp chúng ta tìm lại được địa vị làm con Thiên Chúa qua bí tích Rửa tội, bắt đầu từ hôm nay chúng ta được Chúa nói cho chúng ta về lương thực Ngài ban cho chúng ta. Tôi muốn nói đến Bí tích Thánh Thể. Giáo Hội dựa trên bài tường thuật về phép lạ hóa bánh ra nhiều để nói về vấn đề này.

Phép lạ này được cả 4 quyển Tin Mừng ghi lại. Nhưng bài tường thuật của Gioan có nhiều chi tiết đặc biệt hơn:

Trước hết, Gioan xác định rõ nơi xảy ra phép lạ. Đó là phía Đông hồ Galilê, tức là vùng đất của lương dân. Tại vùng đất này mà “dân chúng theo Người đông lắm”, chứng tỏ lúc này uy tín và ảnh hưởng của Chúa Giêsu đang lên cao.

Gioan đã coi phép lạ này như một dấu chỉ giúp người ta hiểu về mầu nhiệm Chúa Giêsu: Ngài chính là Bánh nuôi dưỡng sự sống trường sinh.

2. Dân chúng ngày xưa cũng như ngày nay luôn ở trong tình trạng đói khát: Đói khát lương thực, đói khát áo quần, đói khát thuốc men và sâu xa hơn nữa họ còn đói khát lẽ sống, đói khát chính sự sống thật mà chỉ có Chúa mới ban cho được.

Vâng, chỉ có Chúa mới có thể thỏa mãn được những khát vọng, nhất là những khát vọng sâu xa và thầm kín nhất nơi con người, vì Chúa là chính sự sống mà con người hằng mong đợi.

Tấm lòng của Chúa Giêsu thật lớn lao, thật không có gì sánh kịp. Chúa ban phát và ban phát không có giới hạn. Ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Tất cả được ăn no nê mà vẫn còn dư.

“Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý”. (Ga 6,11)

Đọc lịch sử các thánh, tôi thấy thánh Gioan Don Bosco là một vị thánh có lòng sùng kính Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể một cách đặc biệt. Ngài đã rút ra được rất nhiều bài học từ bí tích này. Có lần ngài đã kể câu chuyện này cho các thiếu niên, con cái ngài yêu thương:

Một hôm, Chúa Giêsu gọi Phêrô và Gioan lại bảo hai ông cùng leo núi với Chúa.

Dọc đường, Chúa bảo hai ông mỗi người hãy mang theo cho Chúa một hòn đá. Phêrô suy nghĩ một lúc, rồi lặng lẽ nhặt một viên đá nhỏ bỏ vào túi. Gioan do lòng quảng đại tự nhiên, đã vác cả một tảng đá lớn. Đường dài, vác nặng, Gioan thở hổn hển, còn Phêrô vừa đi vừa huýt sáo thảnh thơi. Ông nói với Gioan:

- Sao anh nhọc công vác một tảng đá lớn như thế ?

Chúa Giêsu nghe tất cả nhưng Ngài vẫn giữ thinh lặng. Khi lên đến đỉnh núi, Chúa muốn dạy cho Phêrô một bài học về lòng quảng đại. Ngài bảo hai môn đệ ngồi xuống rồi đọc lời chúc tụng và biến hai viên đá ra thành bánh mì mà ăn.

Phêrô tiu nghỉu vì viên đá của ông chỉ biến thành một mẩu bánh mì nhỏ không đủ xoa dịu cơn đói của ông.

Rồi một lần khác, Chúa Giêsu cũng lại gọi hai môn đệ Phêrô và Gioan leo núi với Ngài. Dọc đường Ngài cũng bảo hai ông mang đá theo. Với kinh nghiệm của lần trước, Phêrô liền đi tìm một tảng đá bự cồ để vác. Cố gắng hết sức Phêrô mới vác được tảng đá lên đến đỉnh núi. Ông chờ đợi Chúa Giêsu sẽ nói như lần trước để thưởng ông. Thế nhưng, lần này Chúa Giêsu chỉ nói với họ:

- Nào chúng ta hãy đặt những viên đá chúng ta vừa mang theo xuống đất, ngồi lên mà nghỉ một chút. Không phải lúc nào ta cũng biến đá thành bánh mì cả đâu!

Phêrô thấy xấu hổ, ông trách Chúa:

- Đúng là Thầy đã chơi khăm con!

Nhưng Chúa Giêsu bảo ông:

- Lòng quảng đại đích thực không có sự tính toán.

Chúa Giêsu đã làm phép lạ từ “5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé dâng cho Ngài”. Phải nói rằng, em bé trong câu chuyện hôm nay là tấm gương cho mọi người về lòng quảng đại. Đúng là em đã không tính toán một chút nào khi em dâng cho Chúa 5 chiếc bánh và 2 con cá. Em đã dâng cho Chúa tất cả, chẳng giữ lại cho mình chút nào. Và Chúa Giêsu làm phép lạ biến bánh và cá ra nhiều từ 5 chiếc bánh và 2 con cá đó. Sau đó, mọi người đã được ăn no nê và thu lại được cả 12 thúng bánh vụn!

Công việc của Chúa quả là hết sức đặc biệt và ở đây chúng ta phải nhận rằng, việc Chúa làm còn quảng đại hơn nhiều, không phải chỉ với phép lạ hôm nay mà còn trong suốt lịch sử của loài người.

Lòng quảng đại đích thực không có sự tính toán.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn cảm nhận được niềm vui của sự trao ban.

Với Chúa, xin cho chúng con biết dâng trọn tấm lòng vâng phục, phó thác tri ân.

Với mọi người, xin cho chúng con luôn biết sống quảng đại, hy sinh, cảm thông, và tha thứ để chúng con hiểu được rằng, biết quảng đại trao ban như Chúa là một niềm hạnh phúc cho chúng con.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 1,184)

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,425)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,226)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,765)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,431)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,817)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,804)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,914)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,236)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,580)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7