Thứ Sáu 11/08/2023 – Thứ Sáu tuần 18 thường niên. – Theo Chúa, hãy vác thập giá.
- In trang này
- Lượt xem: 5,270
- Ngày đăng: 10/08/2023 10:00:00
Theo Chúa, hãy vác thập giá.
11/08 – Thứ Sáu tuần 18 thường niên. – Thánh Cơlara, trinh nữ. Lễ nhớ.
"Người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình".
* Thánh nữ sinh năm 1193 tại Átxidi. Năm 18 tuổi, chị xin thánh Phanxicô cho được theo nếp sống khó nghèo. Thánh Phanxicô đã cho chị ở trong một căn nhà tồi tàn, gần nhà thờ thánh Đamianô ở cửa ngõ thành Átxidi. Em của thánh nữ tên là Anê và một số thiếu nữ khác gia nhập nếp sống của chị: sống thanh bần triệt để. Đó là những nữ tu Phanxicô tiên khởi. Chị qua đời năm 1253.
Lời Chúa: Mt 16, 24-28
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?
"Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm. Thật, Thầy bảo các con: trong những kẻ đang đứng đây, có người sẽ không nếm sự chết trước khi xem thấy Con Người đến trong Nước Người".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy Niệm 1: Từ bỏ chính mình
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
Con đường của người môn đệ Thầy Giêsu là con đường không êm ả.
Ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần đầu về số phận sắp đến của mình,
Ngài đã nói đến số phận của các môn đệ (cc. 24-28).
Họ được mời chia sẻ cùng một thân phận với Thầy và như Thầy.
Thầy trò sẽ phải đi qua con đường hẹp, con đường của khổ đau và cái chết.
Nhưng cuối cùng con đường ấy dẫn đến phục sinh (Mt 16, 21).
Phục sinh, sự sống, niềm vui, sẽ chiến thắng.
Chiến thắng ấy chỉ mua được bằng khổ đau và cái chết tự nguyện.
Như thế điều kiện để giữ được sự sống đời sau là dám mất sự sống đời này.
Đây thật là một liều lĩnh của đức tin,
vì nếu không thực sự tin vào đời sau, thì chẳng ai muốn thả mồi bắt bóng.
Cuộc đời này có nhiều điều chân thiện mỹ, có nhiều giá trị đáng trân trọng.
Nhưng lắm khi cũng phải hy sinh chúng cho những giá trị lớn hơn,
cho Đấng là Chân Thiện Mỹ viết hoa, là Giá Trị của mọi giá trị.
Cái tôi của tôi là một giá trị lớn, là quà tặng độc đáo Chúa ban cho tôi.
Chẳng có hai cái tôi giống nhau dưới mắt Chúa.
Cùng với cái tôi, Chúa ban cho tôi tự do, lý trí, trái tim, thân xác…
Chúa còn ban cho tôi vũ trụ vật chất với bao tài nguyên để tôi sống nhờ,
và cả một thế giới với bao cái tôi khác, để tôi sống với như anh em.
Cái tôi là món quà quý nhất Chúa ban cho tôi.
Cái tôi cũng là món quà quý nhất tôi có thể dâng lại cho Chúa.
Nhiều tôn giáo nói đến từ bỏ cái tôi, phá chấp ngã.
Đức Giêsu cũng mời bất cứ ai muốn bước theo Ngài phải từ bỏ chính mình,
không phải vì cái tôi của mình là xấu xa, đáng ghét,
nhưng chỉ vì nó chỉ là thụ tạo trước mặt Đấng Tạo Hóa đã dựng nên nó.
Từ bỏ chính mình là đặt mình ở dưới Thiên Chúa, không coi mình là trung tâm,
và để cái tôi của mình trọn vẹn tùy thuộc vào ý muốn của Ngài.
Thầy Giêsu đã sống từ bỏ mình như vậy trong suốt cuộc đời trần thế.
Ngài luôn sống như một người con thảo, một người được Cha sai.
Lạ thay, chính lúc từ bỏ mình, múc cạn chính mình, hủy mình ra không,
thì Ngài lại được phục hồi chính mình và được siêu tôn trên mọi sự (Pl 2, 9).
Trong Kitô giáo, cái tôi được thanh luyện, nhưng không bị loại bỏ.
Cái tôi ấy cũng không bị Thiên Chúa nuốt chửng hay hòa tan.
“Ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (c. 25).
Như thế từ bỏ mình là cách duy nhất để giữ mình cho toàn vẹn.
Chẳng thể nào yêu mến và phục vụ lại không gắn liền với việc từ bỏ mình.
Có khi từ bỏ một định kiến hay tự ái, một quyền lợi hay ảnh hưởng riêng,
cũng khó như một hy sinh mạng sống.
Vác thập giá của mình là vác gánh nặng của bổn phận mỗi ngày,
vác yếu đuối của người anh em mỗi ngày, vác cuộc đời mình mỗi ngày.
Thầy Giêsu đòi chúng ta vác thập giá của mình mà theo Thầy cho đến chết.
Vì Thầy là Con Thiên Chúa, vì Thầy đã lấy lại được sự sống,
nên chúng ta tin tưởng vác thập giá bước đi sau Thầy.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
trước khi con tìm Chúa, Chúa đã đi tìm con.
Trước khi con thấy Chúa, Chúa đã nhìn thấy con.
Trước khi con theo Chúa, Chúa đã đi theo con.
Trước khi con yêu Chúa, Chúa đã mến yêu con.
Trước khi con thuộc về Chúa, Chúa đã thuộc về con.
Trước khi con phụng sự Chúa, Chúa đã phục vụ con.
Trước khi con từ bỏ mình vì Chúa, Chúa đã nộp mình vì con.
Trước khi con sống và chết cho Chúa, Chúa đã sống và chết cho con.
Trước khi con đặt Chúa lên trên hết,
Chúa đã coi con là hạnh phúc tuyệt vời của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu là Thầy của con,
Chúa luôn đi trước con.
Chúa làm trước khi Chúa dạy.
Con hiểu rằng mọi điều Chúa đòi hỏi nơi con
đều chỉ vì lợi ích vĩnh cửu của con mà thôi.
Xin cho con đón nhận những cắt tỉa của Chúa
với lòng biết ơn và rất nhiều tình yêu. Amen.
Suy Niệm 2: Được và mất
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Ai cũng muốn được. Không ai chịu mất. Nhưng thế nào là được và thế nào là mất thì không phải ai cũng hiểu. Nhất là vì con người có hai đời sống. Đời này và đời sau. Trong hai đời sống hai cách được và mất khác nhau. Được ở trần gian là thực tế trước mắt nên nhiều người tìm kiếm. Được ở Nước Trời xa vời nên nhiều người không thấy. Tuy nhiên được ở trần gian mau qua như trần gian. Được trên Nước Trời là vĩnh viễn. Được ở trần gian không bao giờ thoả mãn. Được trên Nước Trời là hạnh phúc trọn vẹn. Khác biệt lớn lao và khó khăn nhất là cách chiếm đoạt rất khác nhau. Được ở trần gian do vun quén cho bản thân. Được trên Nước Trời lại thủ đắc bằng từ bỏ hết những gì ở trần gian, kể cả bản thân và mạng sống mình. Như lời Chúa phán: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Cái được ở trên Nước Trời là sự sống vĩnh cửu, dù cả trần gian cũng không so sánh được. “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình”? chính Chúa mới là Chúa Tể trời đất, có quyền xét xử định đoạt số phận chúng ta. Trần gian chỉ chiếm được đời này. Phải bó tay trước đời sau. Thiên Chúa làm chủ cả đời này lẫn đời sau. Ai bỏ Chúa theo trần gian chỉ được một chút đời này. Ai bỏ trần gian mà theo Chúa chỉ bị thiệt thòi một chút đời này. Nhưng sẽ được đời sau vô cùng phong phú sung mãn không gì sánh được. Thiên Chúa làm chủ. Điều đó được chứng tỏ qua dòng lịch sử.
Thời Mô-sê Thiên Chúa đã cứu người Ít-ra-en khỏi ách nô lệ Ai cập. Ít-ra-en đang nô lệ bỗng thành tự do. Đang tản mát bỗng thành một dân tộc. Đang bơ vơ bỗng được đất chảy sữa và mật. Đang yếu ớt bỗng chiến thắng quân đội Ai cập hùng mạnh nhất thế giới thời ấy. Đó chính là vì Chúa là Thiên Chúa của họ (năm lẻ).
Ít-ra-en phản bội nên bị Chúa phạt. Phải làm nô lệ cho Ni-ni-vê. Nhưng rồi đến ngày Chúa phục hồi dân Chúa. “Phải, đức Chúa khiến cho Gia-cóp và Ít-ra-en lấy lại sức kiêu hùng”. Ngài cho Ni-ni-vê hùng mạnh một thời gian. Rồi trừng phạt vì họ không tuân hành thánh ý. “Bấy giờ, hễ ai nhìn thấy ngươi cũng đều phải tránh xa và nói: “Ni-ni-vê đã bị phá tan hoang!” Ai còn cảm thương nó? Ta tìm đâu cho ngươi những người an ủi”? (năm chẵn).
Hôm nay Chúa mời gọi tôi. Hãy khôn ngoan đừng khờ dại. Hãy biết chọn Thiên Chúa chứ đừng chọn thế gian. Hãy biết bỏ đời này để được đời sau. Được chính Chúa. Là hạnh phúc muôn đời.
Suy Niệm 3: Giá Trị Của Khổ Ðau
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về những điều kiện để được làm môn đệ Ngài: từ bỏ mình, vác Thập giá, và đi theo Chúa Giêsu. Cả ba kiểu nói đều đồng nghĩa với nhau, và đều nói lên cái cốt yếu của đời sống Kitô hữu, đó là đón nhận đau khổ như chính Chúa Giêsu đã đón nhận cuộc khổ nạn và cái chết dành cho Ngài.
Chúa Giêsu đã đưa ra những điều kiện trên đây liền sau khi Ngài loan báo về cuộc tử nạn của Ngài: Ngài sẽ bị đau khổ và bị treo trên Thập giá. Thập giá vốn là cái giá mà Chúa Giêsu phải trả vì cuộc sống và giáo lý của Ngài. Như vậy tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài đều phải trải qua con đường Thập giá ấy. Thật ra, đau khổ vốn là phần số chung của mọi người: đã mang tiếng khóc vào đời là mang lấy cả thân phận khổ đau, có khác chăng là thái độ của con người trước đau khổ mà thôi.
Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một thái độ mẫu mực. Ngài không bao giờ lý giải về nguồn gốc của khổ đau, nhưng Ngài đón lấy khổ đau và biến nó thành cội nguồn của yêu thương. Thập giá vốn là tận cùng sự bỉ ổi của con người, nhưng đã được Chúa Giêsu biến thành biểu tượng của tình yêu. Chúa Giêsu chịu treo trên Thập giá, không phải để đề cao đau khổ, mà chính là để biểu lộ tình yêu của Ngài. Như vậy, chính trong mầu nhiệm Thập giá, chúng ta đón nhận khổ đau; chính trong mầu nhiệm Thập giá Chúa Giêsu mà thái độ đón nhận đau khổ của chúng ta mang lấy ý nghĩa.
Bức tượng Mẹ Maria bồng xác Chúa Giêsu trên tay, do danh họa Michel-Angelo thực hiện và hiện được đặt tại Ðền thờ thánh Phêrô ở Rôma, là một trong những kiệt tác về sự đau khổ. Mẹ Maria ôm xác Chúa Giêsu trong vòng tay Mẹ, không gì buồn thảm bằng; thế nhưng đó cũng là một trong những kiệt tác về yêu thương. Tất cả đều tùy thuộc thái độ của con người trước khổ đau. Con người có thể trốn chạy khổ đau, con người có thể suốt một đời phàn nàn về khổ đau. Nhưng con người cũng có thể biến khổ đau thành một hành động yêu thương; đó là thái độ của Chúa Giêsu và cũng phải là thái độ của tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài.
Nơi nào có Thập giá, nơi đó có Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện yêu thương của Ngài ngay trong khổ đau, để giữa những giờ phút tăm tối và thử thách, chúng ta vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống.
Suy Niệm 4: Cần Phải Yêu Tôi
Rồi Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? hoặc người ta lấy gì mà đổi mạng sống mình? (Mt. 16, 24-26)
Đây là vấn đề lớn được Đức Kitô nói với mỗi người chúng ta! Bạn có yêu tôi không? Bạn có yêu tôi hơn những người kia không? tình yêu của bạn đối với tôi tới mức nào? bạn yêu tôi thì hiến trọn vẹn tình yêu của bạn, ai yêu như thế thì không còn là mình nữa, nhưng hoàn toàn là người mình yêu!
Yêu…
Bạn thấy không: Đức Kitô yêu chúng ta trọn vẹn. Người hiến thân trọn vẹn cho chúng ta và hỏi chúng ta có yêu Người trọn vẹn không? chúng ta hãy hiến dâng mình để sống được cảm nghiệm được tình yêu biết yêu mến độc nhất ấy! Hãy hỏi mình xem đã yêu bao nhiêu. Có giống Người không? có yêu đến cực điểm của con người mình không? có như Người yêu chúng ta đến giọt máu cuối cùng không?
Không phải chúng ta đã làm Đức Kitô chết, nhưng chính Người đã tự hiến mạng sống Người cho mỗi người chúng ta. Và Người có quyền hỏi chúng ta bằng câu cốt yếu độc nhất này: bạn có yêu tôi không?
Dù ở hoàn cảnh nào, nghề nghiệp nào, Đức Giêsu đều hỏi: bạn có yêu tôi không?
Không có thể so sánh với người khác. Đây là câu hỏi cho chính bản thân mình, mỗi cá nhân hãy tự hỏi và tự trả lời một cách tự do, một câu trả lời hợp với khả năng yêu mến của mình.
Ngày nay.
Phải nói rằng Thiên Chúa gần chúng ta một cách kỳ lạ, hằng ngày trong đời sống chúng ta, kích thích từng tiếng nói của chúng ta để lời Ngài 2000 năm được hiện tại hóa vào nếp sống con người chúng ta ngày nay.
Tình yêu không biên giới, không già, khắc phục mọi xa cách không gian và thời gian!
“Thiên Chúa của tôi nói với tôi,
Con ơi! cần phải yêu Cha…” (Verlaine)
J.M
Suy Niệm 5: Từ bỏ mình để đi theo Chúa
Xem lại CN 22 TN A.
Ngày nay, khi đi phỏng vấn để xin việc, người ta thường đòi hỏi những điều kiện về sức khỏe và chuyên môn, đồng thời tùy một số công việc đặc thù, cần phải có sự thỏa thuận cụ thể hơn. Cũng vậy, khi được gọi để trở thành môn đệ, Đức Giêsu cũng đòi hỏi người môn sinh phải hội đủ những điều kiện cần thiết để chu toàn bổn phận của người thừa sai, hầu những ai được gọi và chọn thì đều cảm thấy hạnh phúc khi thi hành sứ vụ của người sai đi.
Hôm nay, bài Tin Mừng kể lại việc Đức Giêsu đòi hỏi những người Ngài muốn gọi và chọn để ra đi thi hành sứ vụ cần phải “từ bỏ mình và vác thập giá theo Ngài”.
Thoạt nghe, chúng ta cảm thấy buồn cười và có sự mâu thuẫn! Tuy nhiên, nhìn dưới khía cạnh của Kinh Thánh, thì sự đòi hỏi này của Đức Giêsu mang tính tự do cho người đón nhận chứ không phải vì ép buộc. Tức là tự nguyện từ bỏ một cuộc sống dễ dãi, an nhàn, hay ăn trên ngồi trước, để lựa chọn một cuộc sống thiếu thốn, khổ hạnh vì ích lợi và niềm vui của kẻ khác.
Từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo, tức là chấp nhận đi trên con đường mà chính Đức Giêsu đã đi. Con đường đó là một con đường hẹp. Con đường của hy sinh, thiệt thòi. Con đường của tự hủy. Con đường khiêm tốn và là con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha hoàn toàn.
Thật vậy, từ bỏ chính mình quả là điều khó nhất, bởi vì: “Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước” (Đường Hy Vọng, số 3). Nhưng nhiều người lại có suy nghĩ là: bỏ tất cả, nhưng từ bỏ mình thì nhất quyết không, bởi vì họ từ bỏ cái tôi thì phải chăng họ không còn là họ nữa!
Tuy nhiên trong hoàn cảnh này, Đức Giêsu muốn các môn đệ ra khỏi sự ích kỷ, tự phụ, kiêu ngạo, để ý Chúa rợp bóng trên cái tôi của mình, và chính từ đó, tôi được trở thành tôi đúng nghĩa trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết an vui khi chọn Chúa làm gia nghiệp. Xin cũng cho chúng con được từ bỏ mọi sự, vác thập giá để theo Chúa trên con đường cứu độ mà Chúa muốn chúng con thi hành. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 6: Theo Chúa
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Để cứu chuộc nhân loại, Chúa Giêsu đã bằng lòng đón nhận khổ đau và chịu chết trên thập giá, nên Chúa đã được phục sinh vinh quang. Chúa mời gọi ta là môn đệ Ngài, hãy bước theo Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa đã yêu thương con và đã để lại cho con một mẫu gương yêu thương tuyệt vời. Cuộc đời của Chúa chiếu tỏa rạng ngời tình yêu cứu độ. Chúa đã yêu thương và yêu đến cùng, dù phải chịu bao gian nan, bao chống đối, bao khổ đau và cả cái chết trên thập giá.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã bằng lòng đón nhận tất cả vì yêu, vì Chúa mời gọi con chấp nhận cùng mang lấy thân phận tôi tớ với Chúa trong cuộc sống và trong cái chết.
Xin cho con hiểu và xác tín rằng phải qua thập giá mới được vinh quang phục sinh. Xin cho con can trường quảng đại trước gian nan khổ đau vất vả, để đem lại hạnh phúc, niềm vui và ơn cứu độ cho mình và anh em. Con sẽ chấp nhận khổ đau không chỉ vì khổ đau, nhưng vì muốn biểu lộ tình yêu cứu thế. Xin giúp con quảng đại hy sinh để cộng tác với Chúa làm cho Nước Trời lớn lên trong con, trong gia đình, trong xóm ngõ, trong giáo xứ, và góp phần làm cho bộ mặt trần thế nên trời mới đất mới.
Lạy Chúa, xin cho con ghi nhớ Lời Chúa: “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì?”. Con vẫn thường đi tìm những cái lợi mau qua trước mắt mà coi nhẹ sự sống linh hồn và chẳng quan tâm đến số phận đời đời. Xin Chúa giúp con hằng ngày biết hy sinh, từ bỏ chính mình để theo Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình”.
Suy Niệm 7: Mời gọi của Chúa
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Khi nhắc đến ông Leonardo da Vinci, chúng ta thường nghĩ đến những phát minh khoa học và những bức họa nổi tiếng của ông. Chúng ta không biết rằng để giải trí ông Leonardo de Vinci còn sưu tầm những chuyện cổ tích, hoặc đặt ra những câu chuyện vui sau đây về một cuộc đối thoại tưởng tượng giữa một tờ giấy trắng và cái bút:
Tờ giấy trắng từ lâu nằm ù lì trên bàn giấy cùng với những đồng bạn khác, nhưng bỗng nó được chọn đem ra nằm giữa bàn và chịu cảnh cây viết mực đen ngòm vẽ lên nó không biết bao nhiêu là dấu hiệu mà nó không hiểu gì cả. Nó phàn nàn với cái bút như sau:
- Tại sao anh lại làm thế? Anh vẽ trên mình tôi những dấu đen làm mất đi sự trong trắng ban đầu. Anh làm nhục tôi như thế này sao? Anh làm hư cả cuộc đời tôi rồi.
Nhưng cái bút trả lời:
- Không đâu anh giấy ạ, anh hiểu lầm tôi rồi. Tôi không bôi đen anh đâu, tôi vẽ lên anh những dấu hiệu, những dòng chữ kể từ nay anh không còn là tờ giấy vô dụng nữa, nhưng có mang trên mình những sứ điệp. Anh trở thành kẻ cộng tác với con người. Lưu giữ những tư tưởng cao siêu. Và vì thế được con người nâng niu, bảo vệ. Anh sẽ được sống mãi để trợ giúp cho con người.
Tờ giấy chưa kịp trả lời cái bút thì nó bỗng nhìn thấy một bàn tay người quơ lấy những tờ giấy khác, trước kia trắng tinh nay đã đổi màu, đầy bụi mà quăng vào ngọn lửa bên cạnh. Tờ giấy bị vẽ trên mình những lằn mực đen kia mới hiểu được hành động của cái bút và lấy làm sung sướng, vì được trở thành như người cộng tác lưu giữ trong kho tàng trí khôn con người (R.Veritas, Mạch nước trường sinh, tr 52).
Suy niệm
Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ, đồng thời cũng nói với mọi người chúng ta, người tin theo Ngài như môn sinh: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Mối tình thâm sâu của người môn sinh Chúa Giêsu được biểu tượng bằng hình ảnh thập giá, chính thập giá liên kết vận mệnh của môn đệ với vận mệnh của chính Thầy: Thầy sao trò vậy, như Chúa Giêsu đã từng quả quyết: “Môn sinh không hơn Thầy”, Thầy vác thập giá, trò cũng mang thập tự. Như lời Chúa mời gọi các môn đệ, chúng ta cũng được mời gọi đi theo bước chân Ngài: Bước đầu là từ bỏ và vô hiệu hóa những ràng buộc chính mình với thế gian, để được tự do thanh thoát dưới ân sủng của Thánh Linh và tình yêu, bước tiếp những bước đi mới, những bước đi huyền nhiệm thập giá để có thể tiếp nhận khổ đau và cái chết theo kế hoạch và tình yêu của Chúa Cha, như Thầy đã bước đi trong hành trình thập giá tiến về đồi Canvê. Trong thập giá, khám phá ra sự phục sinh vinh quang, mà Thầy Giêsu đã khai mở bằng sự phục sinh của chính Ngài khi bước qua thập tự.
Hình ảnh đó được ẩn dụ dưới hình ảnh chim cú đã phát triển được đôi mắt sáng nhờ “bị” đẩy vào bóng đen. Chính trong bóng tối, chim cú được khai mở khả năng thấy sáng của mình và bóng đêm không thể khuất phục được sức sống của chim cú ngay trong đêm. Hình ảnh chim cú sáng mắt trong đêm tối là biểu tượng của sự khám phá ra nét công hiệu của những “mũi tên ngược” trong cuộc sống của kiếp nhân sinh, cách đặc biệt của đời sống niềm tin đó là những thập giá mà chúng ta mang qua những thử thách, với những chén đắng mà chúng ta uống xuyên qua những nghịch cảnh xảy đến trong cuộc sống. Thập giá và chén đắng này làm bừng sáng con mắt đức tin và khai mở con mắt tình yêu nơi người sống trong huyền nhiệm thập giá. Chính họ có một nhãn quan mới nhìn vào cuộc sống với biết bao nhiêu biến động có thể mang dáng dấp của bóng tối.
Trong thập giá tình yêu trở nên hy lễ sống động: Hy lễ tình yêu mà Chúa Giêsu dâng tiến lên Chúa Cha để đền tội cho nhân loại. Hy tế đó luôn kéo dài trong lịch sử và mời gọi mọi người chúng ta bằng sự đóng góp của bản thân tham dự vào hy tế qua cuộc sống được thánh hóa dưới thập giá, như tâm tình thánh Phaolô khuyên tín hữu thành Rôma “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1).
Hãy cùng lên Giêrusalem để vác thập giá theo Chúa là lời mời gọi từ bỏ những thực tại hào nhoáng phù du lôi kéo con người đi vào thế gian với vỏ bọc an toàn tạm bợ “được cả thế giới”, nhưng lại đánh mất chính mình, mất tư cách bạn hữu, mất tư cách môn sinh. Từ bỏ tất cả để vác thập giá tiến lên Giêrusalem, để tôi và bạn được như thánh Phaolô: “Ðối với tôi, sống là Ðức Kitô” (Pl 1,21) và “biết Đức Kitô là một mối lợi” (Pl 3,8). Khám phá ra thập giá trong đời mà mỗi chúng ta mang và tiến đến đồi Canvê với một tinh thần “vượt qua” mang tình yêu Thiên Chúa.
Nơi thập giá, Ngài mời gọi tôi và bạn cùng xốc vác cuộc đời, trong đó có cái tôi của tài năng, thánh thiện, nhưng cũng có sự khiếm khuyết, bất toàn, đau khổ, thử thách… Ngài không ngừng cứu thoát chúng ta, và chúng ta vác thập giá là cùng Ngài chiến đấu như lời mời gọi của thánh Phaolô: “Anh em hãy cùng tôi chiến đấu...” (Rm 15,30).
Từ bỏ mình vác thập giá và nhờ đó mà thập giá của tôi và bạn trở nên hy lễ tình yêu, để xứng đáng tham dự vào hiến tế sống động của Chúa Kitô trên thập giá.
Ý lực sống:
“Vinh dự của tôi là thập giá” (Gl 6,14).
Suy Niệm 8: Điều kiện phải có để theo Chúa
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Sau khi quở trách Phêrô vì đã ngăn cản Ngài đi con đường Thập giá, Chúa Giêsu nói thêm rằng con đường ấy là con đường mà bất cứ ai muốn làm môn đệ Ngài đều phải đi theo: “Nếu ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo”.
Lời tuyên bố trên là một điều kiện Chúa đề ra và đòi ý chí tự do của mỗi người. Chúa không cưỡng bách ai, Chúa không ép buộc ai phải theo Chúa. Đây là quyền tự do của con người để có thể tự do lựa chọn hay từ chối, nhưng mỗi người phải chịu trách nhiệm về sự tự do lựa chọn của mình.
Đối với người Do thái thời ấy hằng ngày chứng kiến những tội nhân vác khổ giá ra nơi hành hình, thì chắc hẳn hình ảnh mà Đức Giêsu dùng trong Tin mừng hôm nay đã quá rõ ràng. Cuộc sống của những người theo Đức Kitô cũng như của chính Ngài là cuộc sống của từ bỏ, hy sinh, chấp nhận đau khổ. Chúa Giêsu không bảo chúng ta đi tìm thập giá, nhưng là hãy vác lấy thập giá mình.
Một cách nào đó, không ai có thể thoát khỏi thập giá trong cuộc sống. Tại sao con người phải đau khổ? Tại sao con người phải vác thập giá? Chúa Giêsu không đưa ra một giải đáp nào. Ngài vác lấy Thập giá. Ngài sống như một con người đau khổ, và Ngài nói với chúng ta: Thập giá là con đường giải thoát, con đường dẫn tới sự sống... (Mỗi ngày một tin vui).
“Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Qua câu nói này, Chúa muốn dạy các môn đệ cũng như mọi người thấy rõ những gì họ tin và bằng lòng trả giá. Chúa muốn những ai tin Chúa, phải quyết tâm đi vào con đường mà Chúa đã đi. Đó là con đường từ bỏ mình và vác thập giá. Từ bỏ mình là từ bỏ con người vị kỷ, nhỏ nhen, hẹp hòi, ti tiện, sai trái, từ bỏ tất cả những gì mình muốn nhưng Chúa không muốn để hoàn toàn trống rỗng mà chứa đựng một mình Chúa thôi. Còn vác thập giá mình là chấp nhận và chịu đựng những đau khổ tinh thần và thể xác của cuộc đời.
Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một thái độ mẫu mực. Ngài không bao giờ lý giải về nguồn gốc của đau khổ, nhưng Ngài đón lấy khổ đau và biến nó thành cội nguồn của yêu thương. Thập giá vốn là tận cùng sự bỉ ổi của con người, nhưng đã được Chúa Giêsu biến thành biểu tượng của tình yêu. Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá, không phải để đề cao đau khổ, mà chính là để biểu lộ tình yêu của Ngài. Như vậy, chính trong mầu nhiệm Thập giá, chúng ta đón nhận đau khổ, chính trong mầu nhiệm Thập giá Chúa Giêsu mà thái độ đón nhận đau khổ của chúng ta mang lấy ý nghĩa.
“Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất...”.
Muốn hiểu câu nói này, chúng ta phải biết thánh Mátthêu viết sách này vào khoảng năm 80-90 SC, nghĩa là ông viết vào những ngày cay nghiệt nhất. Những lời này có ý nói rằng: “Đã đến lúc con người có thể cứu mạng sống mình bằng cách chối bỏ niềm tin, nhưng như thế thì chẳng những không cứu được mạng sống mình theo đúng nghĩa thật sự mà là đánh mất nó”. Người giữ lòng trung tín có thể chết, nhưng chết để mà sống. Còn người bỏ đức tin mình để được an thân thì có thể sống để mà chết. Trong thời đại chúng ta, không có những cuộc cấm đạo khắt khe như thế, nhưng của cải vật chất, chức quyền, danh vọng... có thể làm cho chúng ta chết mà mất linh hồn.
Thánh Matthêu đã dùng từ “Sự sống” để nói lên hai thực tại khác nhau: sự sống trần gian và sự sống đời đời. Sứ điệp của Chúa xem ra ngược đời và chói tai, nhưng nếu không chế ngự tính ích kỷ và không dẹp bỏ những tham vọng của mình, chúng ta sẽ làm hư đi cuộc sống hiện tại lẫn cuộc sống tương lai. Nếu không dám liều, không thích nghi chương trình sống theo các bậc thang giá trị của Chúa, chúng ta sẽ đứng ngoài lề Tin mừng và tình yêu của Chúa.
Khi kêu gọi con người từ bỏ mình để đi theo Ngài, Chúa Giêsu cũng không mời gọi con người khinh chê hay ghét bỏ sự sống đến mức huỷ diệt sự sống, nhưng là đừng để mình làm nô lệ cho lợi lộc vật chất, trái lại đặt Chúa và tìm kiếm Nước Chúa trên hết mọi sự.
Truyện: Thánh giá vừa sức mình
Thánh giá ta đang mang là thánh giá vừa sức ta. Câu chuyện ngụ ngôn dưới đây chứng minh điều đó: có một người luôn than van những nỗi khổ cực của mình. Một ngày kia, thiên thần hiện đến phán bảo:
- Con hãy theo ta ra nghĩa địa, nơi đó người ta để lại thánh giá của mình. Con hãy mang thánh giá của con ra để đó và lựa chọn thánh giá vừa sức con.
Ông ta mang thánh giá của mình ra quăng nơi nghĩa địa, ông bắt đầu chọn cái khác nhẹ hơn, ông tìm kiếm mãi mà không được: có cây quá dài, cây quá ngắn, có cây thì nhẹ nhưng sù sì, khó vác, có cây thì trơn tru nhưng nặng quá, và sau cùng ông nói với thiên thần:
- Thưa thiên thần, cây nào cũng khó vác, chỉ có cây con định vứt đi là vừa với con thôi.
- Phải, Chúa đã trao cho con một cây thánh giá vừa sức, con hãy vui lòng vác đi, đừng than van gì nữa.
Suy Niệm 9: Con đường Thập Giá
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Sau khi quở trách Phêrô vì đã ngăn cản Ngài đi con đường thập giá, Chúa Giêsu nói thêm rằng con đường ấy là con đường mà bất cứ ai muốn làm môn đệ Ngài đều phải đi theo: “Nếu ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo”
Khi giải thích ý nghĩa con đường thập giá ấy, Chúa Giêsu đưa ra một nghịch lý: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ được sống”.
B.... nẩy mầm.
1. “Nếu ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo”: Chúa không ép tôi theo Ngài, Chúa không buộc tôi bỏ mình và vác thập giá. Ngài chỉ mời tôi thôi và cho tôi tự do. Nếu tôi muốn theo thì hãy bỏ mình và vác thập giá, nếu không thì thôi.
Nhưng vì thương tôi, nên Ngài cho biết những sự lợi hại: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ được sống”, và “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình thì được ích gì?”
2. Chúa không bảo chúng ta đi tìm thập giá, nhưng là hãy vác lấy thập giá mình. Một cách nào đó, không ai có thể thoát khỏi thập giá trong cuộc sống (…) Đau khổ không là một đày đoạ mà con người phải gánh chịu, mà là một phương thế nên thánh. Mỗi người một thập giá, mỗi ngày một thập giá. Ai trong chúng ta cũng đang chịu một đau khổ nào đó. Ước gì khổ đau thanh luyện chúng ta để mỗi lúc được kết hiệp với Chúa mật thiết hơn ("Mỗi ngày một tin vui")
3. Nơi nào có thập giá, nơi đó có Thiên Chúa.
4. Hai cách đi theo Chúa:
Chính Thánh Don Bosco đã tưởng tượng chuyện sau đây: Một hôm Chúa Giêsu bảo Phêrô và Gioan theo Ngài lên núi. Ngài dặn mỗi ông mang theo một hòn đá. Phêrô suy nghĩ một lúc rồi nhặt một hòn đá nhỏ bỏ vào túi; còn Gioan, do lòng quảng đại, vác cả một tảng đá to. Dĩ nhiên, đường dài, vác nặng, Gioan thở hổn hển và lên đến nơi sau cùng. Phêrô bước thảnh thơi và còn nói với Gioan: “Sao anh nhọc công vác tảng đá to như thế!”. Tới nơi, Chúa Giêsu bảo hai môn đệ ngồi xuống. Ngài đọc lời chúc tụng và biến hai viên đá thành bánh. Dĩ nhiên, Phêrô chỉ được một chiếc bánh nhỏ xíu không đủ cho cơn đói cồn cào của ông.
Lần khác, Chúa lại bảo hai ông theo Ngài lên núi và cũng mang theo đá. Rút kinh nghiệm lần trước, Phêrô mang một tảng đá thật to. Đến nơi, ông ngồi chờ phép lạ. Nhưng Chúa Giêsu chỉ nói “Nào, mỗi người hãy ngồi lên tảng đá mà mình mang theo. Không phải lúc nào Thầy cũng biến đá thành bánh đâu”. Rồi Ngài nói riêng với Phêrô: “Lòng quảng đại thật không phải là lòng quảng đại tính toán”.
Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại, biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu mà không sợ thương tích, và không chờ một phần thưởng nào khác hơn là biết mình đã làm theo ý Chúa. (Chờ đợi Chúa)
5. “Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được mạng sống ấy.” (Mt 16,25)
Thượng úy Tô Đức Thắng, người mới được đài truyền hình VTV1 ca ngợi về lòng can đảm, hy sinh quên mình vì những người hàng xóm. Vừa thấy tên cướp có súng vượt rào vào nhà bà hàng xóm, anh đuổi theo không chút sợ hãi, đồng thời báo cho những công an khác. Anh đã bị thương vì trúng đạn. Anh đã quên đi sự an bình của mình để lo an bình cho người khác. Ngay lúc ấy, anh đã thể hiện trọn vẹn con người và phẩm chất của mình. Phẩm chất ấy, ai cũng phải trân trọng.
Chính lúc hủy mình ra không, Chúa Giêsu cho thấy Ngài là thế đó, là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài đã huỷ mình vì Tình yêu, tình yêu với Cha và tình yêu với con người.
Lạy Chúa, xin dạy con hiểu được: Chính lúc quên mình là lúc con gặp lại được bản thân, vì khi cho đi là lúc con nhận lãnh. (Hosanna).
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,270)
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.
+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,701)
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,262)
Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,782)
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,439)
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,819)
Thứ Tư tuần 33 thường niên.
Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,808)
Thứ Ba tuần 33 thường niên.
Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,914)
Thứ Hai tuần 33 thường niên.
+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,256)
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,580)
Thứ Bảy tuần 32 thường niên.
-
Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa.
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.
- CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B....
- Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
-
Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh(phần 1)
Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô...
-
Đức Giesu Kito, một vị Vua khác
Hôm nay, “nếu bạn tin vào Chúa Kitô, hãy để Ngài là Vua trong cuộc đời bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn bạn sống theo sự thật, bởi vì Ngài là...
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất