Thứ Năm 31/03/2022 – Thứ Năm tuần 4 Mùa Chay. – Chứng của Chúa Cha.
- In trang này
- Lượt xem: 9,679
- Ngày đăng: 30/03/2022 08:00:00
Chứng của Chúa Cha.
31/03 – Thứ Năm tuần 4 Mùa Chay.
"Có người tố cáo các ngươi, đó là Môsê, người mà các ngươi vẫn tin tưởng".
Lời Chúa: Ga 5, 31-47
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân Do-thái rằng: "Nếu chính Ta làm chứng về Mình, thì chứng của Ta sẽ không xác thực. Có một Ðấng khác làm chứng về Ta, và Ta biết chứng Người làm về Ta thì xác thực. Các ngươi đã sai người đi hỏi Gioan, và Gioan đã làm chứng cho sự thật.
Phần Ta, Ta không cần chứng của loài người, nhưng Ta nói những điều này để các ngươi được cứu thoát. Gioan là cây đèn cháy sáng. Các ngươi cũng muốn vui hưởng ánh sáng đó một thời gian.
Nhưng Ta có một bằng chứng hơn chứng của Gioan: vì công việc Chúa Cha đã giao cho Ta hoàn thành, là chính công việc Ta đang làm. Các việc đó làm chứng về Ta rằng Chúa Cha đã sai Ta. Và Chúa Cha, Ðấng đã sai Ta, chính Người cũng làm chứng về Ta. Nhưng chưa bao giờ các ngươi được nghe tiếng Người, chưa bao giờ nhìn thấy mặt Người, và lời Người, các ngươi cũng chẳng giữ lại được, vì các ngươi không tin Ðấng Người đã sai đến. Các ngươi tra cứu Sách Thánh, vì tưởng rằng trong đó các ngươi sẽ tìm thấy sự sống muôn đời; chính Sách Thánh lại làm chứng về Ta, vậy mà các ngươi vẫn không chịu đến với Ta để được sống.
Ta không tìm vinh quang nơi loài người. Nhưng Ta biết các ngươi không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Ta đến nhân danh Chúa Cha, nhưng các ngươi không chịu đón nhận. Nếu có một người nào khác nhân danh mình mà đến, các ngươi sẽ đón nhận nó. Các ngươi là những người nhận vinh quang lẫn nhau mà không tìm vinh quang do một Thiên Chúa, thì làm sao các ngươi có thể tin được? Các ngươi đừng tưởng rằng Ta sẽ tố cáo các ngươi với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ngươi là Môsê, tức là người mà các ngươi vẫn tin tưởng. Vì nếu các ngươi tin Môsê, thì có lẽ các ngươi cũng đã tin Ta, bởi vì chính Môsê đã viết về Ta. Nhưng mà nếu các ngươi không tin điều Môsê đã viết, thì làm sao các ngươi tin lời Ta được?"
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy Niệm 1: Chúa Cha làm chứng cho tôi
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Để hiểu được bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần đọc từ đầu chương năm.
Đức Giêsu chữa anh bất toại bên hồ nước gần Đền thờ Giêrusalem (cc. 1-9).
Anh được khỏi và vác chõng đi vào ngày sabát theo lệnh Đức Giêsu.
Chuyện đó dẫn đến việc người Do thái chống đối Ngài (c. 16).
Khi nghe Ngài nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc”
họ tìm cách giết Ngài, vì cho rằng Ngài mắc tội phạm thượng,
dám gọi Thiên Chúa là Cha và coi mình ngang hàng với Thiên Chúa (c. 18).
Không chút sợ hãi, Đức Giêsu khẳng định quyền mình đã nhận được từ Cha:
quyền làm cho kẻ chết sống lại và quyền phán xét trong ngày sau hết (cc. 19-30).
Dù có quyền, lúc nào Ngài cũng là Con làm theo ý Cha, Đấng sai Ngài.
Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu như người bị đứng trước tòa, bị kết án tử.
Vì không được tự làm chứng cho chính mình,
nên Ngài phải tìm những lời chứng để biện hộ cho lời nói, việc làm của Ngài.
Trước hết là lời chứng của Gioan Tẩy giả (cc. 33-35).
Ông là ngọn đèn làm chứng về ánh sáng, về Đức Giêsu (Ga 1, 8-9).
Nhưng người ta đã không đón nhận lời chứng ấy.
Kế đến là những công việc Cha giao mà Ngài đã hoàn thành (c. 36).
Lẽ ra chúng phải là lời chứng thuyết phục cho thấy Ngài được Cha sai.
Cuối cùng là lời chứng của Chúa Cha (cc. 37-40).
Cha làm chứng bằng những lời của Cha trong Kinh Thánh (c. 39).
Nhưng họ không giữ lời Cha ở lại trong lòng,
nên chẳng tin, cũng chẳng muốn đến với Đấng được Cha sai (c. 38. 40).
Những lời chứng trên đây trở nên vô ích
đối với những ai không có lòng yêu mến Thiên Chúa (c. 42),
không tìm vinh quang Thiên Chúa mà chỉ tôn vinh lẫn nhau (c.44).
Đức Giêsu đã phải chấp nhận sự từ khước này
mà Ngài biết cuối cùng sẽ dẫn đến cái chết.
Làm sao ta có thể ra khỏi những thành kiến để đón lấy sự thật,
ra khỏi những tư lợi ích kỷ để dám tin vào tình yêu,
ra khỏi cái tôi chật hẹp để dám sống cho người khác.
Hãy tin vào Giêsu, Đấng được Cha sai (c. 38).
Hãy đến với Giêsu để được sống (40).
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi
mọi biển lận tầm thường.
Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui.
Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác việc đời.
Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.
Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.
Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn. Amen.
R. Tagore (Đỗ Khánh Hoan dịch)
Suy Niệm 2: Cứng đầu, cứng cổ, cứng lòng
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Dân Do Thái thời Mô-sê bị Chúa trách mắng vì cứng đầu, cứng cổ. Người thời Chúa Giê-su thì cứng lòng. Họ đã thấy những dấu lạ lẫy lừng. Mười tai ương cho người Ai-cập. Vượt qua Biển Đỏ khô chân. Thấy vinh quang Thiên Chúa hiển hiện trên đỉnh núi. Sấm chớp ầm ầm. Khói lửa nghi ngút. Tiếng Chúa phán ầm ầm như tiếng sấm động. Chúa Giê-su cũng làm biết bao phép lạ. Nói những lời khôn ngoan. Nhưng họ vẫn không tin.
Ngoài ra Chúa Giê-su có biết bao chứng nhân. Khi gần qua đời, Mô-sê đã tiên báo: “Từ giữa anh (em), trong số các anh em của anh (em), ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh (em); anh (em) hãy nghe vị ấy…Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính ta sẽ hạch tội nó”( Đnl 18,15.19). Thánh Gio-an là chứng nhân trổi vượt. Đã công khai giới thiệu Chúa Giê-su: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Chúa Giê-su cho biết chính Thánh Kinh làm chứng về Người: “Hôm nay lời các ngươi vừa nghe đã ứng nghiệm”. Vậy tại sao người Do Thái từ xưa đến nay vẫn không tin?
Vì tuy họ thấy những điềm thiêng dấu lạ. Nghe những lời khôn ngoan. Nhưng họ chưa tiến vào mối tương giao thân tình với Thiên Chúa. Chưa có đời sống tôn giáo đích thực. Họ còn bề ngoài. Cư xử theo thói đời. Dừng lại ở ngưỡng cửa phàm tục. Chưa tiến vào thâm cung nhiệm mầu của tôn giáo thực sự để gặp gỡ và sống với Thiên Chúa.
Chúa Giê-su xuống thế làm người để dậy cho ta biết sống đạo đích thực. Là đi vào mối tương giao thân tình với Thiên Chúa. Là tin và yêu. Tin là phó thác trọn cuộc đời cho Thiên Chúa. Mô-sê đã nêu gương. Suốt đời chỉ sống cho Thiên Chúa. Yêu thương dân chúng đến dám chết vì dân. Chúa Giê-su là Mô-sê mới. Trổi vượt hơn. HIến toàn thân cho Chúa Cha. Chỉ làm công việc của Chúa Cha. Không màng đến vinh danh và sự chấp nhận của người đời. Chỉ cần làm đẹp lòng Thiên Chúa. Người đã tiến đến mối tương giao thật thân thiết với Chúa Cha. Nên một với Chúa Cha. Sẵn sàng chết vì vâng phục thánh ý Chúa Cha. Đó là sống đạo đích thực.
Mùa Chay là mùa cao điểm để ta noi gương Chúa Giê-su. Sống đức tin và tình yêu với Thiên Chúa. Không tìm thành công nơi trần gian. Không trông cậy vào những thế lực trần gian. Hoàn toàn hiến mình cho Chúa. Hoàn toàn quên mình. Chỉ tìm thi hành thánh ý Thiên Chúa. Chỉ tìm vinh danh nơi Thiên Chúa. Đó là ăn chay đích thực.
Suy Niệm 3: Chứng Của Chúa Cha.
Sau khi bị những người Do Thái chỉ trích Ngài vi phạm luật ngày Hưu lễ vì đã chữa bệnh cho một người bị liệt đã 38 năm, Chúa Giêsu đã chứng minh Ngài có quyền hành động như thế, bởi vì Ngài là cộng tác viên của Thiên Chúa. Và giờ đây Ngài nại đến một chứng từ mà người Do Thái không thể phủ nhận, đó là chứng từ của Thiên Chúa Cha được bày tỏ qua các phép lạ Ngài làm cũng như qua Lề Luật Môsê. Quả vậy, các phép lạ Chúa Giêsu làm chứng thực rằng chính Thiên Chúa đã sai Ngài đến, chính Thiên Chúa đã hành động với Ngài và trong Ngài. Do đó, đây là chứng từ không những do Chúa Cha mang đến, mà còn do ngay của Chúa Giêsu nữa, vì “cứ xem quả thì biết cây”.
Tiếp đến, chính qua Kinh Thánh, Chúa Cha cũng làm chứng cho Chúa Con một cách đặc biệt. Đây là một chứng từ có tính cách trực tiếp và có giá trị đối với người Do Thái, vì mọi người Do Thái đều công nhận Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa.
Trong khi toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước đều loan báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu thế, nhưng vì thiếu đức tin và lòng đạo đức chân thành, các người Do Thái đã không thực sự nhìn thấy Thiên Chúa và lắng nghe lời Ngài qua khuôn mặt và lời nói của Chúa Giêsu và do đó không đón nhận Ngài như Đấng được Thiên Chúa sai đến. Và không phải Chúa Giêsu là người sẽ tố cáo họ về tội bất trung này, nhưng là chính Môsê. Bởi vì qua Lề Luật, Môsê đã nói về Đấng Mêsia tức là về Chúa Giêsu, vậy mà về điểm căn bản này, họ cũng đã từ chối không chịu tin theo lời dạy bảo của ông.
Như vậy, điều cốt yếu để được cứu độ là tin vào Chúa Giêsu, nhận ra hình ảnh và lời nói của Chúa Cha nơi Ngài. Có tin vào Chúa Giêsu, lời Thiên Chúa mới ở trong chúng ta. Trong Mùa chay này, chúng ta hãy để cho Lời Chúa lưu lại trong chúng ta bằng cách năng suy gẫm Lời Chúa, để giữa cuộc sống của chúng ta và Lời Chúa biểu lộ được khuôn mặt, tinh thần và tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta một tình yêu nồng nàn để có thể nhận ra và lắng nghe được tiếng nói của Chúa và luôn sống trong đường lối của Ngài.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Tôi biết rõ các ông
Chúa Cha, Đấng đã sai tôi,
Chính Người cũng đã làm chứng cho tôi.
Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người,
Cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người.
Các ông không giữ lời Người ở lại trong lòng,
Bởi vì chính các ông không tin
Vào Đấng Người đã sai đến
Các ông nghiên cứu kinh thánh,
Vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được
Sự sống đời đời
Mà chính kinh thánh lại làm chứng về tôi!. (Ga. 5, 37-39)
Một lần nữa, Chúa còn làm cho chúng ta ý thức về sự thật tỏ tường mà chúng ta đã từ chối. Nếu chúng ta liệng bỏ đời sống do Thiên Chúa ban, thì chính chúng ta lên án chính mình. Đức Kitô sẵn lòng hiện diện và luôn hoạt động, dù Người không cần gì phải bảo vệ.
Tất cả sứ điệp của Đức Kitô tóm lại trong hai thái độ nền tảng và bất khả phân ly này là: đức tin và tình yêu. Hoặc là chúng ta đón nhận cả hai hoặc là không. Đó là điều căn bản. Đừng lấy làm lạ khi người ta thấy khó theo Đức Kitô. Thật đáng buồn khi bị Ngài từ chối do những thái độ sống nửa vời, sống khô khan, hòa hoãn bủn xỉn, hẹp hòi.
Đức tin đặt nền tảng trên sự thật vào Đấng chúng ta tin, vào Đức Kitô của Chúa Cha: “Lời Ngài làm chứng về Tôi là lời chứng thật”.
Đức tin đặt nền tảng trên công việc mà Đức Kitô đã hoàn tất nhân danh Chúa Cha: “Chính những việc Tôi làm đó làm chứng cho Tôi rằng Chúa Cha đã sai Tôi”.
Đức tin đặt nền tảng trên Kinh thánh, chúng ta biết rằng Thánh kinh đã được linh ứng bởi Thiên Chúa: “Chính Kinh thánh lại làm chứng về Tôi”.
Chúng ta có đức tin không? Làm sao chúng ta có thể nói: “Tôi tin”, nếu chúng ta không sống theo Đức Kitô, mà giáo huấn của Người từ Chúa Cha đến với chúng ta? Chúng ta không tin Thiên Chúa nếu không tin Đức Giêsu Kitô. Tóm lại, Đức Giêsu đã nói với chúng ta rằng: “Các ông không tin Chúa Cha vì các ông không tin Đấng Chúa Cha sai đến”.
Chúng ta nghe lời cảnh cáo của Đức Kitô, lời bày tỏ một lòng thương xót lớn lao đối với những người là anh em bạn hữu của Người. Và những lời này chắc chắn cũng nói với các bạn và tôi nữa. Chúng ta hãy nghe lời Đức Kitô sắp kêu lên một lời than thở dường như thất vọng: “Quả thật, Tôi biết rõ các anh, tình yêu Thiên Chúa không ở trong các anh”.
Và Người nói tiếp: “Không, các anh không tin Tôi, nhưng lại tin kẻ lường gạt đến đầu tiên”. Có phải Người đã chết vì điều đó chăng? Đức Kitô đã nói với chúng ta rằng: “Phải, Tôi chết vì những trò dại dột của các bạn, vì những mê tín dị đoan của các bạn, để các bạn có ánh sáng. Thật khó khăn tin vào Tôi, Tôi rõ ràng hiển nhiên như thế đó. Tôi chết đi để cho các bạn có thể được gặp Cha chúng ta, ước mong các bạn là tín hữu trung thành”.
J.M
Suy Niệm 5: Chứng bởi Gioan Tiền Hô
Mạng sống của Đức Giêsu ngày càng bị đe dọa cách quyết liệt! Lòng căm tức và chủ tâm loại trừ Đức Giêsu ra khỏi xã hội ngày càng leo thang! Đức Giêsu biết rõ điều đó, nhưng không vì thế mà Ngài im hơi lặng tiếng để yên thân! Không! ngược lại, Đức Giêsu luôn tìm dịp thuận tiện để đưa họ vào một thực tại vô cùng quan trọng.
Thực tại đó là: biết Ngài là Thiên Chúa; Thiên Chúa Cha với Ngài là một và Ngài có quyền như Thiên Chúa.
Khi mặc khải như thế, nỗi tức giận của những người Dothái nổi lên. Nhưng Đức Giêsu đã gợi lại cho họ về hình ảnh, vai trò và sứ vụ của Môisê, để họ thêm cơ sở nhằm xác tín về Ngài, nhưng lòng trai dạ đá đã làm cho họ lu mờ và cố chấp, nên Đức Giêsu đã khẳng định số phận của họ và kết án họ ngay tại chỗ đứng của họ. Ngài nói: “Kẻ tố cáo các ông chính là ông Môsê, người mà các ông tin cậy. Vì nếu các ông tin ông Môsê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi. Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói?".
Những người Dothái trong bài Tin Mừng hôm nay họ đã buộc Thiên Chúa vào chính những ý niệm của họ về Người, chứ không phải lòng mến của họ nơi Thiên Chúa. Họ thường xuyên dùng chính Kinh Thánh để bảo vệ lập trường của họ chứ không nhìn Kinh Thánh như là lời hướng dẫn họ phải làm!
Như vậy, dân Dothái được ân huệ lớn lao nhất là từ nơi ấy, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa xuất hiện, hơn nữa, họ được hưởng sự hiểu biết từ bao đời về Đức Giêsu, lẽ ra họ phải tin và trung thành với Giáo huấn của Ngài, đằng này họ lại bị lĩnh án gay gắt vì sự cứng lòng.
Ôi sự cứng lòng đã làm cho tâm hồn người ta ra mê muội, ù lỳ và cố chấp! Con người là thế! Không ai muốn người khác hơn mình!
Trong thực tế hôm nay vẫn thường xuyên xảy ra như vậy! Chính định kiến cá nhân, phe phái mà không ngừng xảy ra chiến tranh, bạo lực, đàn áp, bóc lột... Những người đó đã giết chết anh chị em mình, bóp chết sự thật để cho sự ích kỷ, bạo tàn hoành hành khắp nơi.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa ban cho mình, đó là được trở nên con cái Thiên Chúa, được Đức Giêsu đổ máu để cứu chuộc, thì chúng ta phải sống sao cho xứng đáng đặc ân cao quý này.
Đừng bao giờ đọc Kinh Thánh với thái độ khép kín hay biến Kinh Thánh để làm luận cứ để hậu thuẫn cho những lập trường bảo thủ của mình thay vì lòng yêu mến và mong được biến đổi nhờ Lời Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa là chân lý, là lời hằng sống. Xin cho chúng con biết tin tưởng, yêu mến và thực hành Lời Chúa dạy để được sống đời đời. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 6: Để chứng minh mình là con cái Thiên Chúa
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Để chứng minh mình là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã luôn thi hành Thánh Ý Cha. Đối với người Kitô hữu cũng vậy, thực thi Thánh Ý Chúa là cách thế biểu lộ chúng ta là con cái Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa được mọi người khen Chúa nói hay. Lúc Chúa làm phép lạ, mọi người trầm trồ thán phục Chúa. Nhưng dù nói gì, Chúa không bao giờ nói theo ý riêng mình, mà chỉ nói lời Tin Mừng phục vụ Ý Cha. Làm gì, Chúa cũng làm để tôn vinh Danh Cha. Ý Chúa Cha là kim chỉ nam cho cuộc đời của Chúa trên trần gian này. Xin Chúa cho con luôn biết nói sao cho phù hợp với Ý Chúa, làm gì cũng làm sao cho vừa lòng Chúa.
Chính nhờ sự tận hiến ý riêng để thi hành Ý Cha mà cuộc đời Chúa trở nên một hiến tế đẹp lòng Cha, có sức cứu độ toàn thế giới, trong đó có mỗi người chúng con. Chính nhờ cuộc đời tận hiến đó, tận hiến đến chết trên Thánh giá, mà Chúa được Cha siêu thăng phục sinh và cho vinh hiển bên Cha. Nhờ thấy vậy, các Tông đồ nhận ra Chúa thật là Chúa và họ đã dám sống chết theo Chúa.
Lạy Chúa, con biết mỗi Kitô hữu chúng con dù có nói hay, dù có làm giỏi, mà không nói và làm vì Danh Chúa và theo Ý Chúa, thì cũng tựa thùng rỗng kêu to, phèng la inh ỏi. Khi đó, đời con chẳng có giá trị gì trước mặt Chúa cũng như chẳng đủ sức thuyết phục đươc ai tin theo Chúa.
Xin Chúa cho con luôn biết nhìn lên Thanh giá Chúa, nơi Chúa biểu lộ tột đỉnh lòng vâng phục Ý Cha, để nhờ đó con thêm can đảm vâng theo Ý Chúa trong cuộc sống thường ngày. Xin cho con luôn nhớ tới sự phục sinh của Chúa để thêm dứt khoát và tin tưởng chọn lựa Ý Chúa hơn chọn ý riêng mình. Amen.
Ghi nhớ: “Có người tố cáo các ngươi, đó là Môsê, người mà các ngươi vẫn tin tưởng”.
Suy Niệm 7: Tin vào Con của Người
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Vị thẩm phán đến thi hành nhiệm vụ tại một thị trấn nọ, ông thường bị một luật sư kiêu căng ở đó chế nhạo, khích bác. Tại một bữa ăn tối, có người hỏi vị thẩm phán sao không có biện pháp mạnh đối với viên luật sư kia. Vị thẩm phán bèn dừng bữa, một tay chống cằm, một tay để trên bàn, kể chuyện: “Chỗ tôi ở có một bà góa nuôi một con chó. Con chó thật xinh, nhưng có tật là hễ thấy ánh trăng là nó tru lên. Có khi suốt cả đêm”. Kể tới đó, ông ngừng lại và ăn tiếp. Tò mò, một người hỏi: “Này ông thẩm phán, rồi con chó và mặt trăng ra sao?”. “Con chó cứ tru và mặt trăng cứ tiếp tục tỏa sáng”.
Suy Niệm
Chúa Giêsu chữa lành cho một người bại liệt vào ngày Sabát, đối với người Do Thái, Ngài đã phá bỏ truyền thống, vi phạm Lề Luật nên họ nghi ngờ sứ mạng Thiên Sai và con người của Ngài. Cho nên, người Do Thái không tin vào Ðức Giêsu, cũng chối từ Thiên Chúa và chỉ cầu vinh nơi người đời. Ðức Giêsu quở trách thái độ cố chấp của họ. Vì Ngài được chính Chúa Cha làm chứng, Ngài nói tới ba cách Thiên Chúa làm chứng về Người:
Lời chứng thứ nhất: Từ Ngài qua những phép lạ và những việc phi thường mà Người đã thực hiện.
Lời chứng của Chúa Cha mà ông Gioan Tẩy giả đã lãnh nhận khi Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,34). Gioan làm chứng ánh sáng như Tin mừng thứ tư xác nhận: “Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (Ga 1,8) và ánh sáng chính là Ngài như tuyên bố: “Ta là sự sáng trần gian” (Ga 8,12).
Lời chứng qua chính Kinh Thánh Cựu ước, như Chúa Giêsu đã nói, ông Môisê đã viết về Người khi ông nói về vị ngôn sứ đang tới (Đnl 18,15). Tuy nhiên, không phải chỉ có mình Môisê viết về Chúa Giêsu, mà còn nhiều lời tiên tri trong Cựu ước loan báo về Đấng Mêssia là chính Ngài được Thiên Chúa sai đến.
Không chỉ quở trách người Do Thái cố chấp không tin, hôm nay Chúa cũng đang chất vấn và quở trách chúng ta về cách sống “thực dụng” của mình mang những dấu ấn không tin một cách thực tiễn khi chúng ta khước từ Thiên Chúa để chạy theo vật chất, những danh vọng những đam mê trần thế làm chúng ta càng xa dần Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc đích thực.
Xin tha thứ cho chúng con và giúp chúng con thoát khỏi những ràng buộc của đam mê, tội lỗi của bóng tối thế gian. Ðể chúng con luôn đặt trọn niềm tin yêu vào Chúa.
Ý lực sống: “Ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Suy Niệm 8: Những chứng từ về Chúa Con
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Khi chữa bệnh cho người bất toại ở bờ hồ Betsaiđa vào ngày sabat, người ta hạch hỏi Đức Giêsu đã lấy quyền nào mà làm như vậy. Đức Giêsu trả lời cho họ biết: Ngài noi gương Thiên Chúa là Cha của Ngài mà làm như vậy. Họ không tin. Đức Giêsu lại nói: chính Thánh Kinh và Maisen (phải hiểu là Cựu Ước) làm chứng rằng Ngài chính là Messia, Con Thiên Chúa. Nếu họ tin Maisen thì họ phải tin lời chứng của Maisen.
2. “Trong toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước đều loan báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, nhưng vì thiếu đức tin và lòng đạo đức chân thành, các người Do thái đã không thực sự nhìn thấy Thiên Chúa, và do đó không đón nhận Ngài như Đấng được Thiên Chúa sai đến” (Mỗi ngày một tin vui).
Tại sao có thảm kịch này? Vì người Do thái nuôi sẵn một hình ảnh về Đấng Messia, hợp với sở thích của họ. Cái hình ảnh ấy che mất hình ảnh đích thực của Đấng Messia. Ta thấy đó, người ta có thể đọc Sách Thánh mà không tìm thấy Thiên Chúa nhưng chỉ thấy chính mình.
3. Người ta thường nói: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nắm được thiên cơ – thiên thời – là yếu tố quan trọng hạng đầu của sự thành công. Thực tế cho thấy, nhiều người, vì không biết tận dụng thời cơ, nên đã rơi vào thất bại đáng tiếc, dù họ có rất nhiều điều kiện thuận lợi.
Mọi người đều khao khát gặp Đấng Cứu Độ để được sự sống đời đời. Qua Kinh Thánh, người Do thái được Thiên Chúa ưu ái cho biết Đấng Cứu Thế sẽ xuất hiện trong dân tộc của họ. Vì thế, họ đã kiên nhẫn chờ đợi Người suốt cả hàng ngàn năm. Tuy nhiên, chỉ vì thành kiến sai lầm và cố chấp không chịu tin, nên khi Đức Giêsu, Đấng Cúu Độ đích thực đến, họ không nhận ra, nên đã bỏ lỡ cơ hội để gặp gỡ và yêu mến Người.
4. Mặc dù Đức Giêsu đã làm đủ cách để minh chứng Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Chúa Cha sai đến, nhưng người Do thái vẫn không chịu tin để được sống, để khỏi bị xét xử và bị luận phẹt. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Đức Giêsu phải nại đến ba nhân chứng có uy tín để làm chứng cho Ngài, đó là Chúa Cha, Gioan Tẩy Giả và Thánh Kinh, bởi vì theo luật thời đó, phải có hai ba nhân chứng thì mới được chấp nhận.
5. Trước hết, chính Thiên Chúa Cha làm chứng cho Đức Giêsu. Chúng ta thấy có hai lần Chúa Cha tuyên bố: “Đây là Con Ta rất yếu dấu”, một lần khi Đức Giêsu chịu phép rửa ở sông Giorđan, và một lần khi Đức Giêsu biến hình trên núi Taborê. Đó là bằng chứng hùng hồn cho thấy Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, và Chúa Cha muốn mọi người tin Đức Giêsu thật là Con Ngài.
6. Thứ đến, Gioan Tiền Hô làm chứng cho Chúa. Tin Mừng nói: “Có một người, tên là Gioan, ông đến để làm chứng, để chứng thật về ánh sáng, ngõ hầu mọi người nhờ ông mà tin”. Chính Gioan đã làm chứng cho Đức Giêsu bằng sự tự khiêm tự hạ: “Tôi không đáng cởi dây giầy cho Đấng đến sau, nhưng đã có trước tôi”. Rồi khi Đức Giêsu đến, Gioan đã chỉ vào Chúa và nói cho các môn đệ: “Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”. Sau hết, Gioan đã làm chứng cho Chúa bằng sự nhỏ đi, bằng cái chết của mình.
7. Sau cùng, Kinh Thánh chép về Đức Giêsu và chính Đức Giêsu đã thực hiện như lời Kinh Thánh chép về mình. Đáng lẽ Kinh Thánh là chứng từ có giá trị nhất để người Do thái tin nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, vì họ vẫn công nhận Kinh Thánh là lời hứa của Thiên Chúa; nhưng rất tiếc họ đã đọc Kinh Thánh hằng ngày, đã nghiền ngẫm Kinh Thánh mà không nhận ra rằng Đức Kitô đã được Chúa Cha sai đến để cứu họ.
8. Tóm lại, mặc dầu Đức Giêsu đã đưa ra những bằng chứng xác thực để minh chứng Ngài là Đấng Cứu Thế, nhưng người Do thái vẫn không nhìn nhận Ngài. Tại sao vậy? Thưa vì họ thiếu ý hướng ngay lành khi đi tìm Lời Chúa, rồi họ lại tự cao tự mãn, làm cho họ thành những người cố chấp không tin.
Không chỉ quở trách người Do thái cố chấp không tin, hôm nay Chúa cũng đang chất vấn và quở trách chúng ta về cách sống “thực dụng” của mình mang những dấu ấn không tin một cách thực tiễn, khi chúng ta khước từ Thiên Chúa để chạy theo vật chất, những danh vọng, những đam mê trên thế gian làm chúng ta xa dần Thiên Chúa – hạnh phúc đích thực.
9. Truyện: Chó cứ sủa, trăng vẫn sáng.
Vị thẩm phán đến thi hành nhiệm vụ tại một thị trấn nọ, ông thường bị một luật sư kiêu căng ở đó chế nhạo, khích bác.
Tại một bữa ăn tối, có người hỏi vị thẩm phán sao không có biện pháp mạnh đối với viên luật sư kia. Vị thẩm phán bèn dừng bữa, một tay chống cằm, một tay để trên bàn, kể chuyện:
- Chỗ tôi ở có một bà góa nuôi một con chó. Con chó thật xinh, nhưng có tật là hễ thấy ánh trăng là nó tru lên. Có khi suốt cả đêm.
Kể tới đó, ông ngừng lại và ăn tiếp. Tò mò, một người hỏi:
- Này ông thẩm phán, rồi con chó và mặt trăng ra sao?
- Con chó cứ tru và mặt trăng cứ tiếp tục tỏa sáng.
Suy Niệm 9: Noi gương Thiên Chúa là Cha
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
1. Bài đọc 1: mô tả ông Môisê là một người rất có uy tín đối với Chúa. Khi dân Israel đúc tượng con bê vàng, Thiên Chúa đã nổi cơn thịnh nộ muốn tiêu diệt họ. Nhưng nhờ Môisê cầu xin, Thiên Chúa đã nguôi giận và không phạt họ nữa.
2. Bài Tin Mừng: Chúa Giêsu tiếp tục tranh luận với những người biệt phái sau khi việc Ngài chữa một người bất toại vào ngày sabát. Ngài đã nói với họ rằng sở dĩ Ngài làm việc trong ngày sabát vì Ngài noi gương Thiên Chúa là Cha của Ngài (Bài Tin Mừng hôm thứ tư). Họ không tin, Chúa Giêsu lại nói: chính Thánh kinh và Môisê (phải hiểu trong Cựu ước) làm chứng rằng chính Ngài là Đấng Messia, Con Thiên Chúa. Nếu họ tin Môisê thì họ phải tin lời chứng của Môisê.
B. Nẩy mầm…
1a. “Trong khi toàn bộ Thánh kinh Cựu ước đều loan báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, nhưng vì thiếu đức tin và lòng đạo đức chân thành, các người Do Thái đã không thực sự nhìn thấy Thiên Chúa và lắng nghe lời Ngài qua khuôn mặt và lời nói của Chúa Giêsu, và do đó không nhận đón Ngài như Đấng được Thiên Chúa sai đến” (“Mỗi ngày một tin vui”). Tại sao có thảm kịch này? Vì người Do Thái luôn sẵn một hình ảnh về Đấng Messia, hợp với sở thích của họ. Cái hình ảnh ấy che mất hình ảnh đích thực của Đấng Messia. Ta thấy đó, người ta có thể đọc Sách Thánh mà không tìm thấy Thiên Chúa nhưng chỉ tìm thấy chính mình.
1b. Một thợ săn lạc trong rừng nhiều lần. Một người bạn mua cho anh ta một la bàn. Dù vậy anh thợ săn trẻ vẫn bị lạc. Khi tìm thấy, người bạn hỏi xem anh ta có mang theo la bàn không. Anh bảo có.
-Tại sao anh không dùng nó?
-Tôi không dám. Tôi muốn đi về hướng Nam và cố giữ cho kim chỉ hướng Nam. Nhưng không được. Nó luôn lắc qua và chỉ hướng Bắc.
Nhiều người mong Thánh kinh chỉ hướng họ muốn đi, hơn là hướng Thánh kinh muốn họ đi. (Góp nhặt).
1c. Có lần nhà văn Mart Twain nói: “Nhiều người lấy làm buồn phiền vì không hiểu một đoạn Thánh kinh nào đó. Phần tôi, tôi thấy rằng những đoạn Thánh kinh làm tôi bối rối nhất là những đoạn mà tôi cho là mình đã hiểu”.
2. Muốn đọc Sách thánh mà thấy được Chúa, ta phải bỏ đi hết mọi thành kiến có sẵn, phải khiêm tốn để cho Lời Chúa tra vấn mình, phải can đảm từ bỏ những gì Chúa đòi hỏi, và phải kiên trì thực hiện những điều Chúa dạy.
Suy Niệm 10: Lắng nghe tiếng Chúa
(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)
1. Bài Tin Mừng vừa nghe cho chúng ta thấy, giữa Chúa Giêsu và những người Do Thái đang có những hiểu lầm về nhau. Những người Do Thái trước đó đã có thật nhiều cảm tình với Chúa, nhưng bây giờ họ đã bắt đầu lạnh nhạt. Tuy đã đồng tình với Chúa về nhiều vấn đề, nhưng khi Chúa đề cập đến vấn đề nguồn gốc thần linh của Ngài thì lập tức, họ đã phản đối chống lại một cách quyết liệt.
Tại sao lại có thảm kịch này? Thưa, vì người Do Thái chỉ muốn có một Đấng Cứu Thế hợp với sự hiểu biết của họ. Như vậy, vấn đề ở đây là, dù có Kinh Thánh nhưng nếu đọc Kinh Thánh theo ý của ta thì chẳng bao giờ ta có thể thấy và hiểu được Thiên Chúa. Ngược lại, nếu ta đọc Kinh Thánh dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần thì mới có thể được Chúa giúp để nhận ra Người.
Tại một làng thuộc vùng Lorraine, miền Đông Bắc nước Pháp, có một nông dân không có niềm tin, một hôm gặp ông thầy giáo làng đang đi dạo mát, ông ta tiến lại trước mặt ông thầy này và gây sự bằng một giọng đầy khiêu khích:
- Hôm qua, thầy đã dạy cho bọn trẻ trong làng những điều hay quá: “Nếu ai đánh ngươi má bên mặt, thì hãy chìa luôn cả má trái cho nó”(Mt 5,39).
- Lời đó đâu phải là do tôi - Thầy giáo đáp - đó là điều Chúa nói trong Tin Mừng chứ!
Thầy giáo vừa dứt lời thì người nông dân kia bất ngờ tát cho thầy hai cái, vì từ lâu anh đã có nhiều điều tức khí với thầy giáo làng.
Cách đó không xa, ông chủ tịch xã đang đi với nhân viên, nhìn thấy cảnh đó, liền nói với một anh nhân viên:
- Joseph, anh lại đó xem, hai người đang tranh chấp với nhau chuyện gì vậy?
Lúc Joseph vừa đến gần hai người, thì cũng chính là lúc thầy giáo làng giơ tay giáng trả hai cái tát nẩy lửa vào mặt người nông dân, kèm theo lời trích dẫn của Kinh Thánh:
“Cũng có lời chép: Ngươi lấy đấu nào mà đong cho anh em, thì cũng sẽ được đong lại bằng đấu ấy. Một đấu được lắc, được dằn sẽ đổ xuống trên lưng ngươi”. (Lc 6,38).
Joseph vội vàng trở lại báo cho ông chủ tịch:
- Thưa ông, chẳng có chuyện gì đáng kể. Họ đang tranh nhau chú giải Kinh Thánh!
Vâng, nếu chúng ta đọc Kinh Thánh với một tà ý thì Kinh Thánh sẽ chẳng mang lại ích lợi gì cho chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta đọc với một sự thành tâm thì Lời Chúa sẽ trở thành luơng thực, thành ánh sáng cho cuộc đời của ta.
2. Như vậy, muốn đọc Sách Thánh để hiểu được Chúa, ta phải bỏ đi hết mọi thành kiến có sẵn, phải khiêm tốn để cho Lời Chúa tra vấn mình, phải can đảm từ bỏ những gì Chúa đòi hỏi, và phải kiên trì thực hiện những điều Chúa dạy.
Ngày nọ, có một nhóm người nghĩ là “Thiên Chúa đã chết” nên họ muốn cử hành lễ nghi an táng cho Người.
Họ nhờ bác phu già trông coi nghĩa trang đào sẵn cho họ một cái huyệt. Hiện diện trong buổi lễ, ngoài bác phu già, còn tất cả đều là những vị thuộc giai cấp tri thức trong xã hội: triết gia, giáo sư, văn sĩ, kỹ sư v.v…
Khi người chủ trì cất tiếng khai mạc lễ nghi an táng thì bác phu già kêu lên:
- Không thể được, vì quan tài chưa đến.
- Thiên Chúa vô hình thì cần gì đến quan tài để tẩm liệm.
Một vài người chạy lại kéo ông ra xa, nhưng vừa vùng vẫy ông vừa la lớn:
- Không, Thiên Chúa không chết! Thỉnh thoảng khi không ngủ được tôi vẫn hay ra đây ngồi và nghe tiếng tim Ngài đập. Nếu không tin, tối nay quí vị hãy tụ họp lại đây, quí vị sẽ thấy.
Động tính hiếu kỳ, họ bỏ dở buổi lễ và hẹn nhau ban tối sẽ quay trở lại. Tối hôm ấy, tiếng ồn ào bên ngoài vọng lại khiến cho họ không thể phân biệt đâu là tiếng đập của quả tim Thiên Chúa đâu là tiếng của những thứ khác. Sau đó họ dời điểm tụ họp đến một vùng quê. Thế nhưng, vắng tiếng động của thành phố thì lại có tiếng của côn trùng. Sau cùng, họ quyết định gặp lại nhau một đêm khác trong sa mạc. Giữa bầu khí tĩnh mịch của sa mạc về đêm, mọi người đều cảm thấy mình được cất khỏi những gánh nặng lo toan, cũng không bị chi phối bởi một tiếng động nào.
Trở về với cõi lòng, họ chăm chú lắng nghe. Tâm hồn họ như hòa nhập với không trung bát ngát. Ngồi thinh lặng nhưng họ cảm thấy gần nhau. Bỗng một người la to:
-Tôi đã nghe thấy!
Và, nhiều người khác phụ họa:
- Có, tôi cũng đã nghe.
Một người khác nữa phân tích:
- Âm thanh của nó giống như âm thanh của mỗi lần tôi cố gắng trở nên hoàn thiện.
Họ đã tin lời nói của bác phu già, và nhất là đã tìm lại được niềm tin nơi Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên thật đơn sơ bé nhỏ,
để có thể nghe được tiếng Chúa nói,
và thấy được hiện diện của Chúa trong suốt đời con. Amen.
Bài cùng chuyên mục:
+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,126)
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,971)
Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,660)
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,384)
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,796)
Thứ Tư tuần 33 thường niên.
Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,794)
Thứ Ba tuần 33 thường niên.
Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,889)
Thứ Hai tuần 33 thường niên.
+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,130)
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,565)
Thứ Bảy tuần 32 thường niên.
Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,956)
Thứ Sáu tuần 32 thường niên.
-
+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu.
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
- Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
- Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo....
-
Đức Giesu Kito, một vị Vua khác
Hôm nay, “nếu bạn tin vào Chúa Kitô, hãy để Ngài là Vua trong cuộc đời bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn bạn sống theo sự thật, bởi vì Ngài là...
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Đạo còn sống khi ta còn sống đạo
Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng...
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất