Lời chúa mỗi ngày

Thứ Năm 24/02/2022 – Thứ Năm tuần 7 thường niên. – Quyết liệt theo Chúa.

  • In trang này
  • Lượt xem: 6,931
  • Ngày đăng: 23/02/2022 08:00:00

Quyết liệt theo Chúa.

24/02 – Thứ Năm tuần 7 thường niên.

"Thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn đủ cả hai tay mà phải vào hoả ngục".

 

Lời Chúa: Mc. 9, 41–50

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ai cho các con (uống) một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, thật Thầy bảo các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.

"Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt. Vì mọi người sẽ bị ướp bằng lửa.

"Muối là vật tốt, nhưng nếu muối ra lạt, các con lấy gì mà ướp nó cho mặn lại được? Các con hãy có muối ở trong mình và sống hoà thuận với nhau".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Làm cớ cho anh sa ngã

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Khi nghe một người chịu tháo khớp vì mắc bệnh tiểu đường,

chúng ta chẳng ngạc nhiên mấy.

Mất đi bàn chân mà kéo dài được sự sống

thì còn hơn là giữ lại mà phải chết.

Có bao nhiêu người chịu giải phẫu mỗi ngày.

Họ chấp nhận cắt bỏ một phần thân thể bị hư hoại,

để mong giữ lại được cả mạng sống.

Tuy việc cắt bỏ luôn đi kèm với đau đớn và mất mát suốt đời,

nhưng người ta vẫn vui vì thấy mình còn sống.

Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm ta ngạc nhiên và không vui.

Bài này có nhiều câu được lặp lại như một điệp khúc.

‘‘Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì anh hãy chặt nó đi…

Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì anh hãy chặt nó đi…

nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã thì anh hãy móc nó đi…”

Có cần phải chặt tay, chặt chân hay móc mắt không ?

Có cần phải hiểu các câu này của Chúa theo nghĩa đen không?

Nếu hiểu theo nghĩa đen, chắc khó mà có một kitô hữu lành lặn.

Bởi vậy chúng ta thường dễ bỏ qua hay hiểu theo nghĩa bóng,

và có nguy cơ làm yếu đi sứ điệp mà Đức Giêsu muốn chuyển tải.

Giá Trị tối hậu mà Đức Giêsu muốn chúng ta coi trọng

đó là Sự Sống vĩnh hằng, là Nước Thiên Chúa (cc. 43-47).

Để có được Giá Trị này, ta phải chấp nhận hy sinh nhiều giá trị khác.

Hơn nữa, chúng ta lại càng phải từ bỏ hy sinh

những gì cản trở khiến ta không thể đạt tới mục đích mình theo đuổi.

Tay, chân, mắt là những bộ phận rất quan trọng trong cơ thể.

Chúng là những chi thể không thể thiếu để có một đời sống bình thường.

Tuy nhiên, chúng có thể trở thành duyên cớ khiến ta vấp phạm, sa ngã.

Sa ngã ở đây là thứ sa ngã đưa chúng ta vào cõi chết đời đời,

nơi toàn bộ cuộc đời chúng ta bị đổ vỡ nát tan không sao hàn gắn.

Vì cuộc đời của chúng ta là vô giá,

một cuộc đời đã được chuộc bằng chính Máu Con Thiên Chúa,

một cuộc đời mà chính chúng ta đã dày công xây đắp,

nên việc cắt bỏ những điều phá hoại cuộc đời ấy là chuyện tự nhiên.

Chặt tay, chặt chân hay móc mắt là những điều kinh khủng, gây đau đớn.

Bị què tay, què chân hay chột mắt ở đời này là điều chẳng ai mong.

Nhưng Đức Giêsu mời chúng ta nghĩ đến giá trị của đời sống vĩnh cửu,

để có can đảm cắt đứt với những thụ tạo đang làm hư hỏng đời ta.

Cắt đứt với một thói quen xấu lâu năm,

hay cắt đứt tương quan tội lỗi với một người,

những điều ấy nhiều khi còn khó hơn việc móc mắt hay chặt tay.

Chúng ta chỉ có thể sống Lời Chúa hôm nay

nếu chúng ta không bị hút bởi khoái lạc trần gian ngay trước mắt.

Xin Chúa giúp ta thực hiện những cuộc giải phẫu mỗi ngày,

để đau đớn của đoạn tuyệt hôm nay đem lại hạnh phúc trọn vẹn mãi mãi.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

giàu sang, danh vọng, khoái lạc

là những điều hấp dẫn chúng con.

Chúng trói buộc chúng con

và không cho chúng con tự do ngước lên cao

để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con

khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,

nhờ cảm nghiệm được phần nào

sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi

bán tất cả những gì chúng con có,

để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng

trước những lời mời gọi của Chúa,

không bao giờ ngoảnh mặt

để tránh cái nhìn yêu thương

Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

 

Suy Niệm 2: Mục đích và phương tiện

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Cần biết phân biệt mục đích và phương tiện. Vì phương tiện là để sử dụng. Mục đích là để đạt tới. Phải dùng phương tiện để đạt tới mục đích. Không phải ngược lại. Đừng vì tiếc phương tiện mà để lỡ mục đích. Đừng dừng lại phương tiện. Nếu phương tiện cản trở. Phải mạnh dạn gạt bỏ. Để đạt tới mục đích.

Đời sau là mục đích. Đời này là phương tiện. Linh hồn là mục đích. Thân xác là phương tiện. Phải biết dùng đời này để đạt được đời sau. Phải biết dùng thân xác để đạt tới linh hồn. Hi sinh đời này sẽ đạt được đời sau. Hi sinh một phần thân thể, kể cả mạng sống, sẽ đạt được Nước Trời. “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt”.

Vì thế đừng cậy vào của cải. Đừng chiều theo dục vọng. Tất cả đều chóng qua. Phải mau sám hối. Đừng đợi đến lúc Chúa nổi lôi đình. Sẽ kinh khủng. Và không còn kịp nữa. “Đừng trì hoãn, hãy trở về với đức Chúa đi; đừng lần lữa hết ngày này qua ngày khác, vì thình lình Đức Chúa sẽ nổi cơn thịnh nộ, và trong thời trừng phạt, con sẽ phải tiêu vong. Đừng cậy dựa vào của cải bất chính, vì điều đó chẳng ích gì cho con ngày con gặp bất hạnh” (năm lẻ).

Của cải là phương tiện chứ không phải mục đích. Của cải để sử dụng chứ không phải để tích trữ. Nếu không biết dùng của cải sẽ là bằng chứng tố cáo. Nhất là đừng chiếm đoạt của cải cách bất công. Bất công sẽ bị kết án. Bấy giờ sẽ phải than van khóc lóc. “Giờ đây, hỡi những kẻ giầu có, các người hãy than van rên rỉ về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các người….Vàng bạc của các ngươi đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người…Các người đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các người. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các người, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh” (năm chẵn).

Đừng vì thân xác mà mất linh hồn. Đừng vì vật chất mà mất Nước Trời. Hãy hi sinh thân xác để được linh hồn. Hãy quảng đại chia sẻ tài sản. Để mua lấy Nước Trời. Đó là thái độ khôn ngoan cần thiết.

 

Suy Niệm 3: Sẵn sàng hy sinh

Vào thời trước, có một đoàn thám hiểm từ Âu Châu lên đường đi tìm vùng đất mới. Vị trưởng đoàn cho mọi người biết hễ ai chạm đến vùng đất mới trước tiên, người đó sẽ làm chủ vùng đất ấy. Một người trong nhóm quyết chiếm vùng đất mới bằng mọi giá. Ông tận lực chèo thuyền, nhưng một chiếc thuyền bạn đã bắt kịp và đang tiến lên phía trước gần sát bờ. Là một con người có ý chí sắt đá và gan dạ, ông đã can đảm lấy chiếc rìu chặt đứt bàn tay trái của ông, rồi ném lên bờ. Thế là bàn tay ông đã chạm đến đất trước tiên, do đó vùng đất này thuộc về ông.

Câu truyện trên đây giúp chúng ta hiểu rõ hơn Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay: "Nếu tay con làm cớ cho con sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt tay mà được vào cõi trường sinh, còn hơn có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục". Ðiều Chúa muốn nhấn mạnh ở đây là cần phải sẵn sàng hy sinh những gì gần gũi thân thiết nhất, hơn là phạm tội mất lòng Chúa. Như thế, việc chặt chân, chặt tay, móc mắt, không thể hiểu theo nghĩa đen được. Chúa không có ý bảo chúng ta hủy bỏ một phần thân thể, nhưng qua cách nói ấy, Ngài có ý nói rằng Nước Trời đáng cho chúng ta hy sinh tất cả để chiếm hữu, cho dù phải đau đớn như việc chặt chân, chặt tay. Chẳng hạn, hy sinh của cải vật chất cho sự sống và hạnh phúc của đồng loại, cũng đau đớn như hy sinh một phần thân thể, nhưng sẽ chiếm hữu được Nước Trời. Chính Chúa Giêsu đã nói: Ai cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ không nhà trú ngụ, người ấy sẽ được Nước Trời làm cơ nghiệp. Cũng vậy, chúng ta sẽ chiếm hữu Nước Trời, nếu chúng ta dám hy sinh của cải, sức lực để hỗ trợ Giáo Hội và phục vụ cho công cuộc truyền giáo.

Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta, Ngài không chỉ hy sinh một phần nào thôi, mà là dâng hiến toàn thân Ngài. Mỗi ngày trong Thánh Lễ, chúng ta cử hành việc hy hiến của Chúa Giêsu, chúng ta hãy xin Ngài ban sức mạnh để chúng ta cũng biết trao ban chính mình để làm vinh danh Chúa và đem lại hạnh phúc cho đồng loại.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Nước, gương xấu và muối

“Ai cho anh em uống một chén nước lã vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em người đó không mất phần thưởng đâu. Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” (Mc. 9, 41-42)

Bài Phúc âm ngày hôm nay có vẻ như rất rời rạc. Tuy gồm những câu rời rạc, nhưng tất cả đều liên hệ tới việc gia nhập và đón nhận sư sống Nước Trời. Tiên vàn, đó là chuyện cho các môn đệ uống một chén nước. Trong cuộc đời truyền giáo, các môn đệ sẽ gặp phải những đắng cay, khó khăn và chống đối đủ thứ ngay cả từ nơi những người thân của mình. Nhưng cũng sẽ có những người tử tế sẽ đón tiếp các ông. Chúa Giêsu hứa trước với những tấm lòng hiếu khách này rằng lòng tốt của họ sẽ được trọng thưởng, cho dầu lòng tốt ấy chỉ được biểu lộ bằng một chén nước. Ở đây Chúa Giêsu muốn các môn đệ ghi lòng tạc dạ điều này là các ông được đồng hóa với Người: một việc nhỏ nhất người ta làm cho các ông, là một việc tốt người ta làm cho chính bản thân Người vậy.

Một thái độ triệt để

Về vấn đề gương xấu, Chúa Giêsu tỏ ra một thái độ cương nghị hiếm có, nếu không phải nói là một sự tàn bạo khác thường: phải chết và chặt chân chặt tay. Ý niệm về gương xấu của Người khác với của ta: Đối với chúng ta, chúng ta nghĩ đó là một cử chỉ, một lời nói đụng chạm mạnh đến ý kiến chung, xúc phạm đến những người lành; còn đối với Người thì gương xấu là những gì gây nguy hiểm cho phần rỗi của người ta, chẳng hạn như làm cho những tâm hồn đơn sơ phải lo lắng bối rối về lòng tin của họ đối với Chúa Kitô. Kẻ nào gây một gương xấu như thế, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Cái chết thể lý đối với người ấy còn ít nguy hiểm hơn là đe dọa, làm hại đức tin của người khác. Chúa Giêsu dùng hình ảnh dữ tợn này không phải để chỉ sự kết án và hành hình như vậy, nhưng để diễn tả cái trách nhiệm nặng nề đáng sợ mà người gây nên gương xấu phải gánh lấy.

Đức Kitô nói tiếp về gương xấu của bản thân mỗi người, nghĩa là sự đe dọa, làm hại cho phần rỗi do chính những phàn thân thể của mình gây nên như: tay, chân, mắt… Ở đây lệnh truyền vẫn còn mạnh mẽ: “Hãy chặt, hãy móc”. Tuy nhiên ai cũng biết những phần thân thể này quan trọng như thế nào đối với cuộc sống. Mất một chân, một tay, một mắt, đối với một người là mất đi một phần con người của mình, điều mà ai cũng cảm thấy rất xót xa. Phải mất mát, thiệt thòi sự sống như vậy, chỉ đến nước cùng, người ta mới đành phải chịu vậy mà thôi. Và y khoa góp phần xoa dịu nỗi đau phần nào cho con người kém may khi dự liệu những bộ phận giả thay thế.

Vậy mà Chúa lại lệnh cho phải bỏ đi phần mình gây gương xấu. Chắc chắn là tính cách triệt để này không thể được hiểu theo nghĩa đen, bởi lẽ những tín hữu chúng ta sẽ không muốn được liệt vào hàng những kẻ què cụt, đui mù.

Nhưng Chúa chỉ muốn chúng ta ghi tâm khắc cốt điều này là những thái độ nửa vời, không kiên quyết, khi sự sống Nước Trời bị đe dọa, đều là ngoài đề và không thể chấp nhận được.

 

Suy Niệm 5: Thà mất mà được còn hơn không

Trong cuộc đời sứ vụ của Đức Giêsu, nhiều lần Ngài đã nói đến quy luật được và mất. Chẳng hạn như: hạt lúa mỳ có thối đi thì mới sinh bông hạt; muốn theo Chúa thì phải bỏ mình; con người có chịu đau khổ mới được vinh quang...

Thánh sử Máccô trình thuật bài huấn dụ của Đức Giêsu về cái được và mất như sau: cái được mà Đức Giêsu nói ở đây là Nước Trời; còn cái mất chính là tay, chân, mắt khi chúng gây dịp tội...

Ngài nói: nếu tay con làm cớ cho con sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt tay mà vào cõi trường sinh, còn hơn có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục; với con mắt, Ngài cũng nói như vậy...

Tại sao Đức Giêsu lại cất lên lời dạy dỗ các môn đệ mạnh mẽ như vậy? Thưa là vì tới giờ này, các ông vẫn còn đang hoang tưởng về thân thế và sự nghiệp của Đức Giêsu theo kiểu trần gian. Các ông không chú trọng đến cốt lõi của vấn đề và chẳng hề có cái nhìn Thiên Giới khi chứng kiến những dấu lạ của Đức Giêsu.

Nếu cứ để các môn đệ bám víu vào những chuyện trần tục, thì viên ngọc quý là Nước Trời làm sao các ông có được nếu không chấp nhận đánh đổi bằng những hy sinh. Vì thế, thà mất tất cả mà được hạnh phúc đời đời thì hơn là có mọi thứ mà mất sự sống trường sinh.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết chú trọng đến sự sống mai hậu. Được lợi lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích gì? Ta lấy gì để bù lại? Bởi vì sự sống đời đời mới là nơi mối mọt không thể đục khoét. Còn danh dự, chức quyền, giàu có... chỉ là phương tiện, khi ta chết, nó chào và tiễn ta ngay tại nấm mồ, để lại nơi chúng ta hai bàn tay trắng!

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu thấu quy luật được - mất khi kiếm tìm hạnh phúc đích thực là Nước Trời. Xin cho chúng con cũng sẵn sàng thà mất tất cả mà được Nước Trời thì cũng chấp nhận. Ước gì, sau cuộc đời tại thế, chúng con có được gia tài đích thực là Nước Trời làm gia nghiệp. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Giáo huấn của Chúa

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Trong đoạn này, Mc gom chung những giáo huấn mà có lẽ ngày xưa Chúa Giêsu đã dạy trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, do đó ta không thấy được mối liên hệ mạch lạc giữa các ý tưởng.

Có cả thảy 3 giáo huấn:

1. Ai giúp đỡ môn đệ Chúa thì sẽ được Chúa thưởng, dù sự giúp đỡ đó rất nhỏ.

2. Sự tai hại trầm trọng của việc làm gương xấu gây vấp phạm cho "những kẻ bé mọn".

- "Những kẻ bé mọn" không hẳn là trẻ con, mà còn là những người mà đức tin còn non yếu. Ai gây cớ vấp phạm cho họ thì thà buộc cối đá vào cổ nó rồi xô nó xuống biển còn hơn.

- Ngay cả bản thân mình mà gây cớ vấp phạm cho mình thì mình cũng phải tự khắt khe với mình để diệt trừ nguy hiểm tận gốc: "Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt nó đi…"

3. Các môn đệ Chúa phải có "muối" trong mình (Nhóm CGKPV giải thích là "sự từ bỏ") và phải sống hoà thuận với nhau.

B.... nẩy mầm.

1. "Ai cho các con một ly nước lã…": Tục ngữ VN có câu "nước lã mà khuấy nên hồ", nghĩa là từ không có gì cả mà làm nên chuyện. Vậy cho "một ly nước lã" nghĩa là hầu như chẳng cho gì cả, thế mà Thiên Chúa vẫn kể và vẫn thưởng công. Giá trị của tấm lòng kẻ biết phục vụ là như thế.

2. Trong dụ ngôn về ngày phán xét chung, Chúa Giêsu cũng thưởng các kẻ lành vì những việc nhỏ mọn họ đã làm cho "những kẻ bé mọn". Như thế nghĩa là trước mặt Chúa, một việc nhỏ bé nhất làm cho một kẻ nhỏ bé nhất cũng có giá trị rất cao cả. Hay nói cách khác, dưới con mắt Chúa, không có việc làm nào vì tình thương mà nhỏ bé cả.

3. "Ai làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin vào Thầy, thà buộc thốt cối xay vào cổ nó…": Cớ vấp phạm là những lời nói và hành động nhiều khi rất vô tình. Ai ngờ hậu quả chúng gây ra cho người khác và cho chính mình lại to lớn như thế.

Tôi đâu có biết rằng một lời nói của tôi chỉ để chơi thôi nhưng làm cho anh chị em tôi đau lòng đến cả đêm không ngủ. Huống chi một lời nói vì nóng giận mà tôi không kềm lại được…

Chúa dạy tôi phải quan tâm tới anh chị em. Trước khi làm gì hay nói gì tôi cũng phải suy nghĩ xem lời nói và việc làm đó sẽ có tác động gì nơi người anh chị em tôi.

4. "Nếu tay con nên dịp tội, hãy chặt đi… Nếu chân con… Nếu mắt con… Thà có một tay… một chân… một mắt mà được vào Nước Thiên Chúa": Được vào Nước Thiên Chúa là điều quý giá nhất, so với nó không có hy sinh từ bỏ nào là quá đáng cả.

Hiện giờ tôi cần phải "chặt" cái gì?

5. Có một thuyền trưởng ghé tàu qua đảo hoang, bắt gặp một khối lượng nam châm rất lớn. Ông đem hết lên tàu để về làm giàu. Nhưng tàu bị lạc giữa biển không sao định hướng được, kim nam châm hải bàn lúc nào cũng chỉ về phía khoan tàu chứa khối nam châm. Cuối cùng lương thục thiếu, nhiên liệu cạn dần, người thuyền trưởng phải quyết định vất bỏ khối nam châm để hải bàn có thể định hướng đúng mà cứu sống cả con tàu. (Trích "Phúc")

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Bảy 04/05/2024 – Thứ Bảy đầu tháng, tuần 5 Phục Sinh. – Chấp nhận lội ngược dòng. (03/05/2024 10:00:00 - Xem: 565)

Thứ Bảy đầu tháng, tuần 5 Phục Sinh.

Thứ Sáu 03/05/2024 – Thứ Sáu đầu tháng, tuần 5 Phục Sinh. – THÁNH PHILIPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ, Tông Đồ. Lễ Kính. – Ðến với Chúa. (02/05/2024 10:00:00 - Xem: 3,416)

THÁNH PHILIPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ, Tông Đồ. Lễ Kính.

Thứ Năm 02/05/2024 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 5 Phục Sinh. – Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Niềm vui được trọn vẹn. (01/05/2024 10:00:00 - Xem: 4,073)

Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

Thứ Tư 01/05/2024 – Thứ Tư tuần 5 Phục Sinh. – Thánh Giuse thợ. – Người thợ vô danh: Thinh lặng, cầu nguyện và xin vâng. (30/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,698)

Thánh Giuse thợ.

Thứ Ba 30/04/2024 – Thứ Ba tuần 5 Phục Sinh. – Hiệp nhất và bình an. (29/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,703)

Thứ Ba tuần 5 Phục Sinh.

Thứ Hai 29/04/2024 – Thứ Hai tuần 5 Phục Sinh. – Thánh Catarina Siêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Những giới hạn. (28/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,047)

Thánh Catarina Siêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

+ Chúa Nhật 28/04/2024 – CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH năm B. – Cây nho nối kết cành nho. (27/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,231)

CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH năm B.

Thứ Bảy 27/04/2024 – Thứ Bảy tuần 4 Phục Sinh. – Cầu nguyện nhân danh Chúa. (26/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,195)

Thứ Bảy tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Sáu 26/04/2024 – Thứ Sáu tuần 4 Phục Sinh. – Ðường về quê trời. (25/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,891)

Thứ Sáu tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Năm 25/04/2024 – Thứ Năm tuần 4 Phục Sinh – THÁNH MÁCCÔ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính. – Sư Tử Có Ðôi Cánh.  (24/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,688)

THÁNH MÁCCÔ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7