Lời chúa mỗi ngày

Thứ Năm 20/07/2023 – Thứ Năm tuần 15 thường niên. – Ách của Ta êm ái.

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,778
  • Ngày đăng: 19/07/2023 10:00:00

Ách của Ta êm ái.

20/07 – Thứ Năm tuần 15 thường niên.

"Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng".

 

Lời Chúa: Mt 11, 28-30

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an.

Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Hiền hậu và khiêm nhường

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Sống làm người ở đời ai tránh được gánh nặng.

Chẳng phải chỉ những người bốc vác ở cảng mới mang gánh nặng.

Gánh nặng gắn liền với phận người.

Có gánh nặng gia đình, gánh nặng nghề nghiệp, gánh nặng tuổi tác.

Có gánh nặng buồn đau của quá khứ, gánh nặng lo âu cho tương lai.

Xem ra mỗi người không vác nổi gánh nặng của mình.

Ai cũng thấy có lúc cần đến người khác.

Đức Giêsu nhìn thấy những ai đang mang gánh nặng vào thời của Ngài.

Đặc biệt những kẻ phải giữ chi li hơn 600 điều luật của phái Pharisêu.

Luật Chúa lẽ ra phải đem đến niềm vui hạnh phúc,

thì lại trở thành “những gánh nặng chất lên vai người ta” (Mt 23, 4).

Đức Giêsu mời đến với Ngài tất cả những ai đang vất vả,

tất cả những ai chưa là môn đệ của Ngài.

Ngài hứa sẽ cho họ được nghỉ ngơi trong tâm hồn (cc. 28. 29).

Sự nghỉ ngơi ở đây chính là sự bình an sâu xa của người được cứu độ,

được hưởng các mối phúc ngay từ bây giờ,

và bắt đầu được sống trong ngày Sabát vĩnh cửu với Thiên Chúa.

“Hãy đến với tôi; hãy mang ách của tôi; hãy học với tôi.”

Lời mời của Đức Giêsu lôi kéo những ai vất vả đến với Ngài.

Ngài mời họ làm môn đệ và sống theo giáo huấn của Ngài.

Trong Cựu Ước, ách tượng trưng cho Luật Thiên Chúa ban cho Môsê

Đi theo làm học trò Đức Giêsu, không phải là không có ách.

Ách của Đức Giêsu chính là lời giáo huấn của Ngài.

Lời giáo huấn ấy chúng ta đã được nghe trong Bài Giảng trên núi.

“Ách của tôi êm ái và gánh của tôi nhẹ nhàng” (c. 30).

Nhiều người không hiểu tại sao Đức Giêsu lại bảo ách mình êm ái,

khi mà Ngài đưa ra những đòi hỏi triệt để hơn,

tận căn hơn những đòi hỏi của Luật được giải thích bởi Môsê.

Thật ra sự êm ái nhẹ nhàng không bắt nguồn từ việc được đòi hỏi ít hơn,

nhưng đến từ tình yêu của tôi đối với Đức Giêsu.

Bài Tin Mừng hôm nay có 7 chữ tôi.

Cái tôi hiền hậu và khiêm nhường của Đức Giêsu thu hút tôi mến Ngài

Chính tình yêu làm cho ách và gánh của Ngài trở nên êm nhẹ.

Người ta thấy nặng nề khi bị áp lực phải giữ các luật lệ bên ngoài,

nhưng lại dễ làm theo sự thúc đẩy của một tình yêu bên trong.

Tự do hơn và vui tươi hơn, đó là điều ta cảm thấy khi sống cho Giêsu.

Làm sao để việc giữ đạo, theo đạo, sống đạo,

không trở thành một gánh nặng đè trên người Kitô hữu?

Làm sao để chúng ta tự do hơn và vui tươi hơn khi đến gặp Giêsu

và tìm được sự nghỉ ngơi cho tâm hồn mình?

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã yêu trái đất này,

và đã sống trọn phận người ở đó.

Chúa đã nếm biết

nỗi khổ đau và hạnh phúc,

sự bi đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời,

nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,

chúng con thấy mình được thêm sức mạnh

để xây dựng trái đất này,

và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,

xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời

không làm chúng con quên trời cao;

và những vẻ đẹp của trần gian

không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.

Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,

mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.

 

Suy Niệm 2: Hãy mang lấy ách của Ta

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Đời sống con người thật vất vả vì phải mang nhiều gánh nặng. Có thể là gánh nặng bản thân. Gánh nặng trách nhiệm. Và nhất là gánh nặng nô lệ.

Gánh thì nặng. Một cổ hai ba ách tròng vào. Người dân chỉ mong được hạnh phúc. Nhưng I-sa-i-a cho biết họ chỉ gặp đau khổ. Mà những đau khổ dường như vô nghĩa: “Như người đàn bà mang thai, lúc gần sinh nở, phải quằn quại, kêu la vì đau đớn, … Chúng con đã mang thai, đã quằn quại, nhưng chỉ sinh ra gió”. Thật là vô vọng (năm chẵn).

Gánh nặng trở nên tủi nhục đau thương khi phải sống dưới ách nô lệ. Như dân Do thái bên Ai cập. Tuy nhiên Thiên Chúa là tình yêu thương. Quan tâm đến thân phận con người. Hiểu thấu gánh nặng của con người. “Ta thật sự quan tâm đến các ngươi và cách người ta đối xử với các ngươi bên Ai cập”. Nên Chúa quyết định sai Mô-sê đến gặp Pha-ra-ô để giải phóng dân Chúa. Để đưa “lên miền đất tràn trề sữa và mật” (năm lẻ).

Miền đất chảy sữa và mật thực ra là chính Chúa. Vì chỉ nơi Chúa ta được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Bao lâu chưa đến với Chúa ta còn đuổi theo thế gian. Đuổi theo thế gian thì còn vất vả long đong. Ham mê quyến rũ. Nhưng tất cả chỉ là gánh nặng. Càng đuổi theo dục vọng càng thấy mệt mỏi chán chường. Như thánh Âu-tinh từng trải nghiệm. Chúa mời gọi mọi người đến với Chúa. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Đến với Chúa ta được bình an, thư thái, hạnh phúc. “Hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Chỉ Thiên Chúa mới thoả mãn mọi khao khát sâu xa của con người. Vì Chúa là nguồn sự sống. Nguồn hạnh phúc. Nguồn bình an. Nơi Người ta nếm cảm được hương vị dịu ngọt không bút nào tả xiết.

Hãy mau đến theo lời mời của Chúa. Chỉ nơi Chúa ta mới được giải thoát khỏi ách nô lệ. Chỉ nơi Chúa ta được gánh yêu thương nhẹ nhàng, êm ái và tràn đầy an ủi.

 

Suy Niệm 3: Hãy Ðến Với Chúa

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Những kẻ vất vả mang gánh nặng mà Tin Mừng hôm nay nhắc đến được các nhà chú giải hiểu là những con người đơn sơ khiêm tốn, sẵn sàng để Thiên Chúa dạy dỗ hướng dẫn, như được nói đến trong đoạn Tin Mừng trước đó. Tâm hồn họ đã sẵn sàng, giờ đây, Chúa Giêsu mời gọi họ đến với Ngài để được Ngài nâng đỡ bổ sức cho; hay nói theo một bản dịch Kinh Thánh khác: để được Ngài giải thoát khỏi gánh nặng. Gánh nặng nào? Ðó là gánh nặng của lề luật mà các nhà thông thái chất trên vai những con người đơn sơ, hèn mọn. Họ bó gánh nặng đặt lên vai người khác, còn chính họ thì không muốn động ngón tay vào, như lời Chúa trách cứ thái độ giả hình của những người Biệt Phái. Tinh thần vụ luật, vụ hình thức đã làm cho những vị lãnh đạo Do Thái giáo không còn quả tim để thông cảm nữa.

Chúa Giêsu mời gọi dân chúng đến với Ngài để được Ngài giải thoát khỏi gánh nặng và được nâng đỡ bổ sức. Chống lại những người Biệt Phái, Chúa Giêsu đề ra một cái ách mới cho những ai chấp nhận Ngài. Ðây chẳng phải là không còn lề luật, bởi vì giáo huấn của Chúa Giêsu đòi hỏi không thua gì lề luật của Môsê. Nhưng đối với Chúa Giêsu, những kẻ tuân giữ luật Chúa được sức mạnh tinh thần nâng đỡ ủi an, đó là sức mạnh của Thánh Thần mà Ngài đã ban cho các môn đệ để họ tuân giữ luật Chúa, và như vậy luật Chúa trở nên nhẹ nhàng, dễ chu toàn.

Người Kitô hữu không lẻ loi một mình, không tự sức mình tuân giữ luật Chúa. Hằng ngày họ được Chúa nuôi dưỡng bằng chính Mình Máu Thánh Ngài và được ban cho tràn đầy Thánh Thần. Sống theo ơn soi sáng của Thánh Thần, họ sẽ cảm nghiệm được rằng đời sống đức tin với tất cả những hệ lụy, những đòi buộc của nó, sẽ không còn là gánh nặng, mà là niềm vui và sức mạnh trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh cuộc đời.

Xin cho chúng ta biết lắng nghe lời mời gọi đến với Chúa, tin tưởng vào Chúa và lấy tình yêu đáp trả tình yêu để "ách Chúa trở nên êm ái và gánh Chúa trở nên nhẹ nhàng" cho chúng ta.

 

Suy Niệm 4: Gánh Nặng Cuộc Ðời

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Theo các nhà chú giải thì những kẻ mệt mỏi và vất vả mà đoạn Phúc Âm nhắc đến là những kẻ đã được nói đến trước đó như là những con người đơn sơ, khiêm tốn, sẵn sàng để cho Chúa dạy bảo, hướng dẫn. Tâm hồn họ đã được chuẩn bị sẵn sàng. Giờ đây, Chúa mời gọi họ một cách tha thiết hơn. Hãy đến với Ngài để được Ngài nâng đỡ, an ủi. Nơi bản văn Kinh Thánh khác, câu quả quyết của Chúa Giêsu: "Ta sẽ nâng đỡ, an ủi" được chuyển dịch là: "Ta sẽ giải phóng họ khỏi gánh nặng". Và gánh nặng nào đây? Thưa, đó là gánh nặng phức tạp mà các nhà thông luật đặt ra đè năng trên vai những con người đơn sơ bé nhỏ, bắt buộc họ phải tuân giữ hết điều này tới điều khác.

Chúa Giêsu đã trách những người biệt phái, thông luật và giả hình như sau: "Họ bó những gánh nặng đặt trên vai dân chúng. Còn họ thì không muốn đụng ngón tay". Tinh thần vụ hình thức, vụ Lề Luật Môsê, đã làm cho những vị lãnh đạo dân Do Thái không còn có một quả tim để thông cảm nữa. Chúa Giêsu mời gọi dân chúng đến với Ngài để được giải thoát khỏi những gánh nặng của cuộc đời, khỏi những gánh nặng của luật lệ, vụ hình thức.

"Hãy mang lấy ách của Ta, ách êm ái, gánh nhẹ nhàng". Chống lại những người Pharisiêu, Chúa Giêsu đề ra cho những ai chấp nhận Ngài một ách mới, nhưng đây không có nghĩa là không còn luật lệ gì nữa cả. Không phải vậy, giáo huấn của Chúa Giêsu rất đòi hỏi không thua gì những đòi hỏi của luật Môsê. Nhưng kẻ tuân giữ Luật Chúa thì còn được sức mạnh Chúa nâng đỡ an ủi, đó là Thánh Thần sự thật mà Chúa Giêsu hứa sẽ ban cho các đồ đệ, để giúp các ngài tuân giữ Luật Chúa và như vậy khiến Luật Chúa trở nên nhẹ nhàng, dễ chu toàn.

Người đồ đệ Chúa không lẻ loi, không tự sức mình mà tuân giữ các giới răn, có Chúa Thánh Thần ngự trong họ, giúp họ hướng về Thiên Chúa mà họ gọi là Cha "Abba". Sống theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, người đồ đệ sẽ cảm nghiệm được rằng đời sống đức tin với tất cả những hệ luận của nó sẽ không còn là gánh nặng nữa, nhưng là niềm vui, sự ủi an và cả những thử thách.

Lạy Chúa,

Con hết lòng cảm tạ Chúa, vì tình thương bao la Chúa không ngừng nâng đỡ con. Con cảm tạ Chúa vì đã ban cho con hồng ân của Chúa Thánh Thần, để soi sáng, nâng đỡ con trong những lúc gian nan thử thách. Xin cho con được tin tưởng đến với Chúa, lấy tình yêu đáp lại tình yêu.

 

Suy Niệm 5: Luật Đè Nặng, Luật Giải Thoát

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt. 11, 28-30)

Ách lề luật

Chúa Giêsu hay ngỏ lời với đám người bình dân, Người thường gặp trên các nẻo đường. Họ là những con người nghèo khổ, bé mọn mà Phúc Âm rất hay nói đến. Cuộc sống của đám người này chẳng có gì là sung sướng. Một trong những lý do thực tế là họ đã phải tuân thủ quá nhiều luật lệ mà giới chức sắc thời đó đã áp đặt lên họ. Và bởi không sao giữ nổi hết những luật lệ tỉ mỉ đó, lên lương tâm họ đâm ra bối rối. Họ đâu có biết rằng trong nhiều trường hợp người ta đã lợi dụng họ.

Thời ấy luật lệ thường quá tỉ mỉ và thường bất công. Những người thấp cổ bé họng cứ phải lầm lũi phục lụy. Còn kẻ có địa vị ăn trên ngồi trước lại khôn khéo tìm kẽ hở để được miễn trừ luật. Gánh nặng quả đã đè năng lên vai những người bé mọn ấy.

Ách tình yêu.

Chúa Giêsu muốn giải thoát họ, người mời gọi họ đổi cái ách ngăn cản họ sống lấy cái ách mới sẽ làm họ sống. Ách đó chỉ gồm có một luật mà thôi: Luật tình yêu.

Nếu Chúa Giêsu bảo người ta phải mang ách là vì điều Người kêu gọi là đòi hỏi cấp bách phải thi hành. Con đường Người đặt cho ta đi quả là gay go, cánh cửa Ngài mở ra cho ai sẽ đi theo Người là cánh cửa hẹp. Thế nhưng Chúa bảo đó là ách êm ái nhẹ nhàng. Tất nhiên là người ta mang ách đó bởi vì tình yêu.

Khi ta cảm thấy ngột ngạt vì phải chu toàn những bổn phận, phải giữ những điều trung tín, phải tôn trọng những lời nói, phải thực hành những điều Phúc Âm truyền buộc thì chỉ có một lý do: Là vì không có tình yêu ở đấy. Khi không có tình yêu, chẳng có gì ý nghĩa. Khi có tình yêu trong công việc, mọi việc đều mang ý nghĩa. Và điều gì có thể coi như nặng nề, bỗng nhiên hóa ra nhẹ nhàng hơn nhiều.

J.Y.G

 

Suy Niệm 6: Mang “ách” và “gánh” của Chúa để được bình an

Xem lại CN 14 TN A // lễ Thánh Tâm A // lễ thánh Phan-xi-cô At-si-di ngày 4/10

và thứ Tư tuần 2 MV.

Trong xã hội ngày nay, số người tự tử khá cao. Điều đáng nói là những người tự tử ở độ tuổi thanh thiếu niên lại nhiều nhất. Tại Nhật Bản, người ta ước tính cứ 16 phút lại có một người tự tử. Tự tử chiếm tỉ lệ cao hơn cả tại nạn giao thông ở đất nước này.

Khi tìm hiểu nguyên nhân, người ta nhận thấy nhiều bạn trẻ bế tắc trong công việc, thất bại trong tình yêu, không tìm ra ý nghĩa, giá trị của cuộc sống, nên đã tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Nói chung, họ thấy gánh nặng cuộc đời quá lớn, khiến không thể mang vác nổi, vì thế đành “hạ gánh buông trôi” cho dòng đời đưa đẩy.

Hôm nay, Đức Giêsu mời gọi hãy mang lấy “ách” và “gánh” của Ngài để được bình an và hạnh phúc, vì “ách” của Ngài thì êm ái và “gánh” của Ngài thì nhẹ nhàng. Đồng thời Đức Giêsu cũng mời gọi mỗi chúng ta hãy học với Ngài vì Ngài hiền hậu và khiêm nhường trong lòng.

“Ách” của Đức Giêsu chính là  sự “hiền hậu”, “khiêm nhường”. Khi mang lấy trong mình sự “hiền hậu”, “khiêm nhường”, chúng ta sẽ thấy mọi chuyện chở nên êm ái và nhẹ nhàng.

Còn “gánh” của Đức Giêsu chính là “luật yêu thương”.

Trong đời sống của người tín hữu, chúng ta sẽ gặp không ít những khó khăn bên trong và bên ngoài. Khó khăn về thể lý lẫn tinh thần. Khó khăn về những hiểu lầm, cố chấp, bất công. Khó khăn về sự chung thủy... Những cái đó chính là những “ách” và “gánh” của cuộc đời.

Khi mang “ách” và “gánh” cuộc đời như vậy, chúng ta cảm thấy nặng nề và muốn buông xuôi, bỏ cuộc, bởi vì chúng ta đối diện và phải mang cái “ách” đó bằng sự kiêu ngạo, tự phụ, ích kỷ chứ không phải là hiền hậu và khiêm nhường theo tinh thần của Chúa. Hơn nữa,“gánh” của cuộc đời mà chúng ta vẫn mang theo chính là sự bảo thủ, ghen ghét, không thông cảm và cố chấp chứ không phải là “luật yêu thương”!

Mong sao mỗi chúng ta hãy mang lấy “ách” và “gánh” của Đức Giêsu và hãy học cùng Ngài để được bình an.

Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống, chúng con luôn phải đối diện với những lo toan như cơm, áo, gạo, tiền, khiến đôi khi chúng con cảm thấy nặng nề và thất vọng. Xin Chúa ban cho chúng con biết đến với Chúa để được Chúa cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Ách êm ái, gánh nhẹ nhàng

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu mời gọi mọi người hãy mang lấy ách êm ái và gánh nhẹ nhàng của Người giữa cuộc sống khổ ải trần gian.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, có những lúc con gặp sự chẳng lành, những lo lắng khổ đau. Có lúc người thân nhất cũng không hiểu và thông cảm với con, lòng con chán chường thất vọng. Lúc đó, Chúa nhìn thấy và mời gọi con đến nương tựa vào Chúa. Chúa đến chia sẻ cuộc sống với con, Chúa đem bình an và sự vững tin cho con giữa cảnh đời đen trắng, tối tăm. Con cảm nhận tình yêu thương Chúa muôn đời. Xin đừng để con bao giờ quên chạy đến cậy nhờ lòng yêu thương của Chúa.

Lạy Chúa, từ lúc mở mắt chào đời cho đến hơi thở cuối cùng, con được nhiều người nâng đỡ ủi an như cha mẹ, vợ chồng, anh em, bạn hữu… Nhưng sự nâng đỡ ấy còn nhiều giới hạn, và thường ngắn ngủi mau qua. Chỉ nơi Chúa con mới tìm được sức nâng đỡ lâu dài và niềm an ủi vô tận, vì tình thương Chúa vô bờ và tồn tại đến muôn đời.

Lạy Chúa, xin dạy con biết chạy đến với Chúa. Con sẽ tìm được bình an khi đến với Chúa nơi tòa Cáo giải. Con sẽ tìm thấy sức mạnh để chịu các thử thách hy sinh nhờ ơn bí tích, nhất là sức sống thần thiêng của Thánh Thể Chúa. Chúa hằng nuôi dưỡng và bổ sức con, nâng con dậy khi con xiêu té. Con nương tựa trọn vẹn vào Chúa.

Xin ban cho con hoa trái của tình yêu là sự dịu hiền, là lòng khiêm cung. Xin dạy con học nơi tình yêu Chúa lòng khiêm nhường và sự dịu ngọt; và xin Chúa giúp con hiến trọn đời mình để mang lấy ách êm ái và gánh nhẹ nhàng của Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”.

 

Suy Niệm 8: Thiên Chúa luôn thương yêu

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Khi Đức Giám mục Watts còn nhỏ, ngày nọ chạy sang nhà một bà già hàng xóm. Bà nhờ ngài đọc cho bà nghe một đoạn Kinh Thánh rồi nói: “Khi con lớn chút nữa, người ta sẽ bảo con rằng Thiên Chúa luôn rình xem khi nào con phạm lỗi để trừng phạt. Nhưng ta không muốn con nghĩ như thế, mà ta muốn con chăm đọc Kinh Thánh để luôn nhớ rằng Thiên Chúa luôn thương yêu con, Ngài luôn để mắt nhìn đến con”.

Suy niệm

Trong cuộc sống hằng ngày, ai trong chúng ta cũng đã cảm nghiệm được vất vả, mang gánh nặng, chịu gian nan thử thách, chịu đau khổ cả tinh thần lẫn vật chất, từ bản thân đến gia đình và xã hội.

Bên Chúa, con người hôm nay tìm được thấy một nơi ngơi nghỉ sau những giây phút mệt mỏi của đời sống và đặt tất cả mọi nỗi lo âu, những gánh nặng trần thế như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28). “Các con hãy mang lấy ách của Ta”. Đây là kiểu nói bóng trong truyền thống Kinh Thánh nơi các thầy rabbi xưa quen dùng, hàm ý nhìn nhận ai là thầy (Hc 51,31; Is 55,1). Chúng ta nhìn nhận và học nơi Thầy Giêsu hiền lành và khiêm nhu, tràn đầy tình thương, nhân từ, tha thứ và liên đới như Thầy đã dạy.

Con người sẽ tìm thấy bình an, khi nhìn nhận sự bé nhỏ của mình trước Đấng Tạo Hóa và phó thác vào Ngài, họ được chính nước Trời khi giữa phong ba cuộc đời giữa những mỏi mệt của cuộc sống đó là mầu nhiệm nước Trời mà người không tin vào Chúa Giêsu không thể cảm nghiệm.

Chúng ta mang tâm tình tín thác trong cuộc sống: “Hãy trao phó mọi việc trong tay Chúa, thì bạn sẽ thành công, Ngài sắp xếp mọi sự để thực hiện ý Người (Cn 34,4).

Ý lực sống:

“Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28).

 

Suy Niệm 9: Hãy đến với Chúa

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa Giêsu kêu gọi những kẻ khổ cực lầm than đến với Ngài để được nâng đỡ giúp sức. Chúa Giêsu ở giữa con người, sống kiếp con người. Ngài cảm thông với tất cả những lao đao, khốn cùng của con người. Ngài muốn chúng ta đến với Ngài để được an ủi, đỡ nâng. Hãy đến với Chúa là mạch tình yêu. Tình yêu ban sức mạnh để ách trở nên êm ái và gánh được nhẹ nhàng.

“Đang vất vả mang gánh nặng nề (Mt 11,28)

Gánh nặng nào đây? Đó là lề luật thời Chúa Giêsu. Do thái giáo có lề luật phải giữ chi li hơn 600 điều, mà Biệt phái đè nặng trên vai những con người đơn sơ bé nhỏ, bắt buộc họ phải tuân giữ hết điều này tới điều khác. Luật Chúa lẽ ra phải đem đến niềm vui hạnh phúc, thì lại trở thành “những gánh nặng”chất lên vai. Chính vì thế, mà Chúa Giêsu kêu gọi dân theo Ngài vượt qua tinh thần câu nệ lề luật, đặt niềm tin vào luật mới yêu thương, để tìm được “sabat” đích thực là được nghỉ ngơi trong tâm hồn, được hưởng sự bình an sâu xa của người được cứu độ, để bắt đầu cuộc sống mới trong Thần khí.

“Tất cả những ai đang vất vả... hãy đến” (Mt 11,28)

Thường tình khi gặp gian nan thử thách buồn phiền, con người hay tìm giải sầu cách tự nhiên trong men rượu, cà phê, thuốc lá, hay tệ hơn nữa trong xì ke ma tuý. Có một cách thanh tao hơn để con người giải sầu là tìm đến bạn hữu chân tình để tâm sự cho vơi đi những nỗi buồn phiền.

Bài Tin mừng hôm nay giới thiệu cho mọi người Kitô hữu chúng ta một phương thế siêu nhiên, để vượt qua những thử thách, buồn phiền để được an bình tươi vui trong tâm hồn, đó là đến với Chúa: “Hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.

- Đến với Chúa để học cách sống của Ngài.

- Đến với Chúa để sống như Ngài giảng dạy.

- Đến với Chúa để đón nhận tình thương của Chúa: vì Chúa là nguồn an ủi.

“Anh em hãy mang lấy ách của Tôi” (Mt 11,29)

Mang lấy ách của tôi là một kiểu nói bóng các thầy Ráp-bi xưa quen dùng, hàm ý nhìn nhận ai là thầy.

Trường học của Chúa Giêsu, người theo học được mời gọi sống theo gương mẫu của Ngài: hiền lành và khiêm nhường, nghĩa là bất bạo động, tràn đầy tình thương, nhân từ, tha thứ và liên đới giữa mọi người, đặc biệt là những người bé mọn, bị bỏ rơi, bị khinh miệt, kỳ thị và đàn áp.

Khi biết cách sống tình yêu thương đại đồng và phát huy tình yêu thương không biên giới đó, nghĩa là không hận thù, không bạo động, con người sẽ đạt được bình an nội tâm và thể hiện nó ra trong cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội (Trần Hữu Thành).

“Vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29)

Thực ra, trước Chúa Giêsu mấy trăm năm, nhà hiền triết Lão Tử cũng đã đưa ra chủ trương: “Nhu nhược thắng cương cường”: lấy mềm dịu thắng cứng rắn (nhu thắng cương, nhược thắng cang). Đây là một chủ trương mới lạ, khó được chấp nhận, chỉ những người có tâm hồn cao thượng mới hiểu và chấp nhận được chủ trương này. Hôm nay chúng ta thấy lời khuyên của Chúa Giêsu rất gần với chủ trương của Lão Tử. Và trong thực tế, có rất nhiều người đã thực hiện lời khuyên của Chúa Giêsu. Họ đã thành công và đã để lại tấm gương sáng muôn đời cho nhiều người. Chúng ta hãy nhớ lại lời khuyên của Chúa Giêsu trong Tám mối phúc thật: “Phúc cho ai có tinh thần hiền lành vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.

Truyện: Lạn Tương Như và Liêm Pha

Lạn Tương Như được phong làm tướng quốc. Liêm Pha cậy mình có nhiều công hơn mà lại bị đứng dưới, nên tức giận hăm he hễ gặp mặt Tương Như là giết đi. Tương Như vì thế cứ lánh mặt mãi... Một hôm Tương Như ra ngoài, gặp toán lính tiền đạo của Liêm Pha, vội sai tên đánh xe đi tránh vào trong ngõ, đợi Liêm Pha đi qua rồi mới đi ra. Bọn xá nhân thấy thế càng giận bèn họp nhau hỏi Tương Như:

- Chúng tôi bỏ nhà cửa, xa thân thích đến đây hầu ngài, tức coi ngài là bậc thượng phu nên mến mà theo. Nay ngài cùng Liêm tướng quân cùng hàng mà hạng thứ lại ở trên. Liêm Pha dọa, ngài đã không báo lại, đã tránh ở triều, nay lại tránh ở ngoài đường. Sao ngài lại sợ quá như vậy? Chúng tôi lấy làm xấu hổ, vậy xin đi thôi, không ở nữa.

Tương Như nói: - Các ngươi xem tướng quân có hơn được vua Tần không?

Bọn xá nhân đáp: - Không.

Tương Như nói:

- Lấy cái oai của vua Tần, thiên hạ ai dám chống, mà Tương Như này dám mắng giữa triều đình, lại làm nhục cả quần thần nữa. Tương Như dẫu hèn, há lại sợ một Liêm tướng quân ư? Nhưng ta nghĩ, Tần sở dĩ không dám đánh Triệu là vì e có ta và Liêm tướng quân. Nay hai con hổ tranh nhau, thế không cùng sống. Tần nghe tin, tất thừa cơ đánh Triệu. Ta sở dĩ chịu nhục tránh Liêm tướng quân là coi việc nước là trọng và thù riêng là khinh vậy thôi.

Bọn xá nhân mọp lạy mà rằng:

- Tiểu nhân chúng tôi trí hẹp làm gì hiểu nổi đại chí của tướng công.

Liêm Pha khi nghe thuật lại việc làm của Tương Như cả thẹn mà rằng: “Ta thật còn kém Lạn Tương Như xa lắm”. Bèn đến tạ tội với Tương Như, quì mọp mà rằng: “Tôi tính thô bạo, đội ơn tướng quân bao dung, nghĩ lấy làm hổ thẹn quá”. Tương Như đỡ dậy, nắm tay cùng khóc và kết làm bạn sống chết với nhau (Nguyễn Duy Cần, Cái DŨNG của thánh nhân, 1958, tr 162-163).

 

Suy Niệm 10: Học với Chúa Giêsu và đón nhận luật của Ngài

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, ”gánh” chỉ luật lệ, và ”mang lấy ách” là chỉ học với. Chúa Giêsu kêu mời chúng ta học với Ngài và đón nhận luật của Ngài.

Học với Chúa Giêsu là học được tính hiền lành khiêm tốn.

Luật của Ngài là luật yêu thương.

Bởi thế ai mang lấy ách của Ngài và học với Ngài thì tâm hồn người đó sẽ được bình an.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. “Hãy đến với Ta hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng”: Ôi một lời kêu gọi xuất phát từ một tấm lòng yêu thương bao la! Chúa rất quan tâm lo lắng khi thấy tôi đau khổ và mệt mỏi. Ngài rất muốn nâng đỡ và xoa dịu tôi nên mới lên tiếng kêu mời tôi. Lẽ ra tôi phải tìm đến Ngài trước, thế mà Ngài lại kêu mời tôi trước.

Mà sở dĩ Ngài kêu mời tôi là vì rất nhiều lần khi tôi gặp khốn khổ tôi đã không chạy đến Ngài, tôi đã chạy đến với ai khác, tôi ngã lòng không muốn cầu nguyện nữa.

2. “Ta hiền lành và khiêm tốn”: Hẳn là 2 đức tính này quý giá đặc biệt lắm nên Chúa mới mô tả mình như thế.

Tôi có hiền lành không? Tôi còn phải học gì thêm ở tính hiền lành của Chúa?

Tôi có khiêm tốn không? Tôi còn phải học gì thêm ở tính khiêm tốn của Chúa?

3. “Ách của Ta êm ái”: Điều làm cho Luật của Chúa trở nên êm ái là tình yêu. Nếu tôi không yêu Chúa thì việc tôi giữ luật sẽ trở thành nặng nề. Nếu tôi không yêu thương anh chị em thì việc tôi sống chung với họ sẽ làm cho cả tôi và họ khổ sở. Xin giúp con ngày càng yêu thương nhiều hơn.

Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm được: chỉ nơi Ngài con mới kín múc được niềm vui và sự an bình đích thực. (Hosanna)

 

Suy Niệm 11: Học suốt đời với Chúa

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. “Hãy đến với Tôi hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng” (Mt 11,28).

Chúa kêu gọi những ai khó nhọc và gánh nặng đến với Chúa.

Thường tình thì chẳng có ai mà lại kêu gọi những người vất vả khó nhọc và đầy những gánh nặng đến với mình. Những loại người này đến chẳng những không có lợi gì, mà còn có thể gây ra những phiền hà rắc rối cho mình là đàng khác.

Chỉ có Chúa mới kêu gọi như thế, bởi vì Ngài không đến để được phục vụ mà là để phục vụ và đã gọi là phục vụ, thì bao giờ cũng có yếu tố thua lỗ ở trong đó. Chúa Giêsu phục vụ không công. Ngài ban phát thật nhiều mà nhận lại chẳng có gì. Chính vì thế mà Ngài mới kêu gọi những đối tượng chẳng được mấy ai lưu tâm đến với Ngài. Tất cả chỉ vì tình thương mà thôi.

Mỗi khi chúng ta gặp khốn khổ chúng ta hãy chạy đến với Chúa. Chắc chúng ta sẽ không phải thất vọng.

2. “Hãy học với Tôi” (Mt 11,29).

Học ở đây không giống như học chữ mà là học làm người.

Công Minh Tuyên đến học thầy Tăng Tử. Ở nhà thầy đã ba năm mà không mấy khi đọc sách.

Thầy Tăng Tử hỏi: “Ngươi đến đây học đã ba năm nay, ta xem ý ngươi không mấy khi học tập sách vở như các anh em khác, là tại làm sao?

- Công Minh Tuyên nói: Thưa thầy, con vẫn học. Con thấy: thầy ở trong nhà, trước mặt song thân, lúc nào cũng hiếu thuận, hoà nhã, cho đến giống vật như chó, mèo, thầy cũng không quở mắng bao giờ; - thầy ứng tiếp bạn bè cung kính ung dung, rất có lễ độ, kẻ dở người hay, ai nấy đều nể phục; - Thầy ở triều đình, đối với kẻ dưới, bề ngoài rất là nghiêm trang, mà trong bụng rất là nhân từ, không có ý hại ai bao giờ cả. Ba điều ấy con lấy làm vui lòng học mãi mà chưa được. Con đâu dám không học mà cứ ở cửa nhà thầy”.

Thầy Tăng Tử nghe đoạn, tạ lại Công Minh Tuyên và nói rằng: “Ta nay thật không bằng con”.

Đó là học làm người. Học làm người thì phải học suốt đời. Có lẽ suốt cuộc đời cũng chưa xong. Phải học hoài học mãi.

 3. “Tôi hiền lành và khiêm tốn” (Mt 11,29).

Hẳn là 2 đức tính này quý giá một cách đặc biệt lắm cho nên Chúa mới bảo với các môn đệ như thế.

Lịch sử cho chúng ta thấy: sự kiêu ngạo đã gây nên bao thảm họa:

 - Satan nguyên là một thiên thần nhưng vì kiêu ngạo mà đã thành quỉ sứ.

 - Tổ tông loài người chúng ta cũng chỉ vì kiêu ngạo mà gây ra biết bao nhiêu đau khổ cho cả loài người.

 - Ngược lại, những người biết sống hiền lành và khiêm nhường sẽ là những người đẹp lòng Chúa.

“Chúa hạ kẻ quyền thế xuống và nâng người hèn mọn lên.” (Lc 1,52).

Bởi vậy chúng ta hãy cố học cho bằng được hai đức tính này.

Vua Philipphê nước Macedonia là cha sinh ra vua Alexandre le Grand, hằng ngày có các thiếu niên quí phái hầu cận. Sáng sáng, họ có bổn phận phải vào tận long sàng đánh thức nhà vua mà tâu:

- Xin bệ hạ nhớ cho: “Vua cũng là người”.

 Vua sai người nhắc mình mỗi ngày như thế là để chế ngự tính khí kiêu ngạo, là thói thường làm hư hoại cuộc sống con người.

Vua chẳng qua cũng chỉ là một người. Chúng ta cũng hãy nên tự nhắc cho mình hoặc viết chữ lớn dán ở phòng ngủ: Ta nên nhớ ta là một người, phận sự ta phải ăn ở cho xứng đáng.

Đối với bản thân hay tha nhân, ta phải luôn sống cho xứng nhân vị là bậc làm người.

Thánh Philipphê Nêri biết tính mình rất nóng và trước Mình Thánh Chúa, ngài xin Chúa giúp ngài chữa lành tính nóng nảy này. Chúa hứa giúp ngài.

 Sau đó Nêri bước ra khỏi nhà thờ và chỉ công việc cho giáo dân. Hôm đó một anh thanh niên xưa nay rất thân với ngài bỗng dưng không chịu nghe lời lại còn dám cãi to tiếng với ngài nữa. Nêri nổi giận “sạt” anh ta một trận. Nhưng sau đó, ngài nghĩ lại, hối hận vì sự nóng nảy của mình, và xin Chúa tha. Cuối ngày hôm đó, lại có một giáo dân bình thường, rất hiền lành, dễ bảo, nay bỗng trở chứng, làm Nêri nổi cơn thịnh nộ một lần nữa.

 Tối đó, trước Mình Thánh Chúa, Nêri cúi đầu thưa Chúa:

- Con xin lỗi Chúa vì con đã nóng nảy. Mà tại sao Chúa lại không giúp con sửa tính xấu này?

 Chúa trả lời thánh nhân rằng:

 - Con ạ, con xin Ta giúp sửa đổi tính nết và Ta đã giúp con bằng cách cho hai người bạn thân tốt của con tạo dịp cho con sửa mình, thế mà con đâu nhận ra đó là ơn của Ta!

Vâng, đừng quá quan trọng chính mình. Hãy coi mình chỉ là một con người...

Lạy Chúa,

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì

nhận lấy những thất bại trong cuộc đời

cũng như mọi đau khổ của thập giá,

xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách

chúng con phải gánh chịu mỗi ngày,

thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến

và trở nên giống Chúa hơn. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 1,635)

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,619)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,248)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,772)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,435)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,819)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,807)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,914)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,247)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,580)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7