Lời chúa mỗi ngày

Thứ Năm 19/10/2023 – Thứ Năm tuần 28 thường niên. – Dòng Máu Cứu Ðộ.

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,870
  • Ngày đăng: 18/10/2023 10:00:00

 Dòng Máu Cứu Ðộ.

19/10 – Thứ Năm tuần 28 thường niên.

"Sẽ bị đòi nợ máu của các tiên tri đã đổ ra, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria". 

 

Lời Chúa: Lc 11, 47-54

Khi ấy, Chúa phán: "Khốn cho các ngươi! Hỡi những người xây cất mồ mả các tiên tri, mà tổ phụ các ngươi đã giết chết. Thật, các ngươi làm chứng và tán thành những hành động của tổ phụ các ngươi: vì thực ra họ đã giết các vị tiên tri, còn các ngươi thì xây mồ mả cho họ. Bởi đó mà sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã nói: Ta sẽ sai đến với chúng các tiên tri và các tông đồ, trong số các vị đó, người thì chúng giết đi, người thì chúng bách hại, khiến cho dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu của tất cả các tiên tri đã đổ ra từ lúc tạo thành vũ trụ, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria, người đã bị sát hại giữa bàn thờ và thánh điện. Phải, Ta bảo các ngươi, dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu.

Khốn cho các ngươi! Hỡi những tiến sĩ luật, vì các ngươi cất giữ chìa khoá sự hiểu biết. Chính các ngươi đã không được vào, mà những người muốn vào, các ngươi đã ngăn cản họ lại".

Khi Người phán bảo cùng các biệt phái và tiến sĩ luật những lời đó, thì họ bắt đầu oán ghét Người một cách ghê gớm, và chất vấn Người về nhiều vấn đề, cố gài bẫy Người để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Người thốt ra chăng.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy niệm 1: Ngôn sứ và tông đồ

(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Ơn gọi ngôn sứ chưa bao giờ là một ơn gọi dễ dàng.

Ngôn sứ là người bất ngờ được Thiên Chúa kêu gọi,

để trở nên phát ngôn viên chính thức cho Ngài trước toàn dân.

Thiên Chúa nói qua trung gian con người,

nói bằng thứ ngôn ngữ con người để họ hiểu được.

Ngôn sứ đã là người nghe trước khi là người nói,

là cầu nối chuyển đạt cho dân sứ điệp mình đã lãnh nhận.

Sứ điệp của Thiên Chúa lắm khi là những lời cảnh báo, răn đe,

nên công việc của ngôn sứ không dễ được mọi người đón nhận.

Ngôn sứ có thể tố cáo tính vụ hình thức nơi phụng vụ trong Đền thờ,

những người dâng lễ vật cho Chúa, nhưng lại bóc lột anh em (Is 1, 11).

Ngôn sứ cũng dám nói lên những điều chưa tốt nơi hàng tư tế,

những hư hỏng, bất công của vua quan (2 Sm 12, 7),

và những bất trung của dân chạy theo ngẫu tượng dân ngoại.

Phải có đảm lược mới dám nói điều Chúa bắt mình nói.

Số phận của một ngôn sứ thường gắn liền với đau khổ và bách hại.

Môsê và Êlia đều đã có lúc xin được chết cho xong (Ds 11, 15; 1 V 19, 4).

Giêrêmia cũng chỉ muốn từ nhiệm, nhưng không được (Gr 20, 7-18).

Giacaria bị ném đá và giết trong sân Đền thờ (2 Sb 24, 20-22).

Vào thời Tân Ước các ngôn sứ cũng chịu chung số phận.

Gioan Tẩy giả, Đức Giêsu và các tông đồ đều nếm khổ đau và cái chết.

Bài Tin Mừng hôm nay nói đến máu mà bao ngôn sứ đã đổ ra.

Từ thời Hêrôđê đại đế, người ta bắt đầu xây lăng mộ cho các ngôn sứ,

nhưng chuyện bắt bớ và sát hại các ngôn sứ thì vẫn kéo dài.

“Thế hệ này sẽ phải trả lời về máu của mọi ngôn sứ đã đổ ra…” (c.50).

Như vậy thế hệ hiện tại cũng phải chịu trách nhiệm về tội ác quá khứ,

vì chính họ đang nhúng tay

vào việc bách hại các người được Thiên Chúa sai (c. 49).

Các nhà thông luật hay các kinh sư mà Đức Giêsu đang gặp gỡ

sẽ có mặt trong Thượng Hội Đồng để luận tội Đức Giêsu (Lc 22, 66).

Máu vô tội của Đức Giêsu sẽ đổ ra trên đồi Sọ (Lc 22, 20; Ga 19, 34).

Máu châu báu ấy thực ra không đòi nợ máu, không đòi trả thù.

Máu ấy đổ ra để xóa tội cho muôn người (Mt 26, 28),

để giao hòa con người với Thiên Chúa.

Một số người sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đổ máu Đức Giêsu,

nhưng ngay cả những người ấy cũng có thể thoát khỏi án phạt

nhờ chính dòng máu từ trái tim yêu thương của Đấng bị đóng đinh.

Đức Giêsu trên thập giá đã tha thứ cho những kẻ giết mình.

“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).

Đức Giêsu phục sinh đã sống sự tha thứ ấy

khi Ngài chẳng hề báo thù những kẻ can dự vào cái chết của Ngài.

Các tông đồ cũng lần lượt chia sẻ chén đắng của Thầy mình.

Kitô hữu tự bản chất là ngôn sứ cho thế giới mình đang sống.

Chỉ mong chúng ta cũng can đảm sống như Giêsu và chết như Giêsu.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,

Chúa đã làm người như chúng con,

nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.

Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc

mà con người lại yếu đuối mong manh.

Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,

và giữa ánh sáng, cũng có những bóng mờ đe dọa.

Lạy Chúa Giêsu,

nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,

xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu

Chúa đã buồn muốn chết được.

Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,

xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá

Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con?

Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.

Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.

Xin cho con yêu đời luôn

dù đời chẳng luôn đáng yêu.

Xin cho con can đảm

đối diện với những thách đố

vì biết rằng cuối cùng

chiến thắng thuộc về người

có niềm hy vọng lớn hơn.

 

Suy niệm 2: Vị tiên tri cuối cùng

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Tiên tri, một nhiệm vụ không dễ. Vì người ta không muốn nghe sự thật. Nhất là khi sự thật đó làm tổn hại đến quyền lợi, danh vọng. Và để chứng tỏ mình có lý, người ta giết các tiên tri. Hê-rô-đê giết Gio-an Tẩy giả là một bằng chứng. A-ben bị giết ám muội giữa đồng đã đành. Nhưng Da-ca-ri-a bị giết giữa thanh thiên bạch nhật. Giữa đền thờ. Tại bàn thờ. Người ta đã giết vị triên tri để chiếm đoạt sự thật. Thậm chí còn nhân danh Thiên Chúa và đạo giáo.

Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa thật vô biên. Người nhịn nhục tất cả. Tha thứ tất cả. Đến nỗi sai Con Một xuống trần. Đó là thời điểm quyết định. Đã đến thời cuối cùng. Vị tiên tri cuối cùng xuất hiện. Đó là cơ hội cuối cùng cho con người. Hoặc chọn sự sống. Hoặc chọn sự chết. Ván bài cuối cùng. Được ăn cả. Ngã về không. Chốt lại một vấn đề: tin hay không tin Chúa Giê-su Ki-tô.

Khi gửi Con Một xuống trần, Thiên Chúa làm mới lại tất cả. Thư Rô-ma cho biết: Vì Chúa Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa tha thứ tất cả tội lỗi xưa kia con người đã phạm. Vì Chúa Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa bãi bỏ tất cả Lề Luật. Chỉ cần một điều: Tin vào Chúa Giê-su Ki-tô: “Thưa anh em, ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Mô-sê. Điều này, sách Luật và các Ngôn Sứ làm chứng. Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô” (năm lẻ).

Thư Ê-phê-sô còn đi sâu xa hơn nữa. Cho biết Chúa Giê-su chính là trung gian duy nhất. Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Nhờ Người mà muôn vàn ơn phúc được ban cho ta. Nhờ Người ta được trở nên nghĩa tử. Nhờ Người ta được thứ tha tội lỗi. Đó chính là bí mật của kế hoạch Thiên Chúa. Là kế hoạch yêu thương. Sẽ đến thời cuối cùng. Thời viên mãn. Mọi sự được quy tụ trong Chúa Ki-tô: “Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu; thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô”(năm chẵn).

Đây là thời điểm cuối cùng. Đây là cơ hội cuối cùng. Nhưng cũng là cơ may cuối cùng. Ta sẽ được tất cả. Được tha thứ tất cả. Được ơn lành tất cả. Chỉ cần tin vào Chúa Giê-su Ki-tô. Vị tiên tri cuối cùng. Nhưng hãy cẩn thận. Mất lần này là mất tất cả. Không còn cơ hội nào nữa.

 

Suy niệm 3: Dòng Máu Cứu Ðộ

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Với lý thuyết: "Người chết không nói", các đối thủ của những người thường dùng bạo lực để thủ tiêu những người can đảm đóng vai trò tiên tri để nói lên sự thật chống lại kỳ thị bất công, bênh vực quyền lợi của những người nghèo khổ. Từ máu Abel, người vô tội đầu tiên đổ ra vẫn luôn nhuộm hồng với máu các tiên tri thuộc mọi màu da, tiếng nói: một Martin Luther King, mục sư chủ trương bất bạo động để tranh đấu cho sự phân biệt và kỳ thị mầu da ở xã hội Mỹ và bị bắn ngã ngày 4/4/1968; hay một Oscar Roméro, vị giám mục thật sự yêu mến người nghèo đã bị ám sát khi đang dâng Thánh Lễ tại một bệnh viện vào chiều ngày 23/4/1980.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến việc lấy máu đào làm chứng cho sự thật nơi các tiên tri, Ngài cũng nói đến việc phải trả nợ máu. Ðoạn Tin Mừng còn cho thấy lòng oán ghét của các Luật sĩ và Biệt phái đối với Chúa Giêsu ngày càng gia tăng, và chính lòng oán ghét này đã dẫn Chúa Giêsu đến cái chết đẫm máu trên Thập Giá, để Ngài thực sự chia sẻ số phận của các tiên tri. Những dòng máu chảy từ thân xác Chúa Giêsu đã không đòi nợ máu, trái lại còn giải nợ máu, bởi vì những dòng máu chảy ra vì tình yêu và vâng phục đối với Chúa Cha, đã phá tan vòng luẩn quẩn của hận thù và oán ghét, qua lời Chúa Giêsu xin Cha tha thứ cho những kẻ hành khổ và xử tử Ngài.

Cái chết vì tình yêu và vì vâng phục của Chúa Giêsu cũng đã phá tan lý thuyết "người chết không nói", bởi lẽ từ dạo ngài gục đầu tắt thở trên Thập Giá, cái chết của Ngài đã nói và vẫn tiếp tục nói trải qua gần 2,000 năm nay, nói với những người tin lẫn người không tin vào Ngài về độ sâu của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại và về độ dầy của tình yêu Ngài đối với mọi người. Qua đó, cái chết của Chúa Giêsu đã trở thành nguồn sống và trao ban cho cái chết của những người can đảm đóng vai trò tiên tri một ý nghĩa, một sức mạnh, để cái chết của họ cũng tiếp tục nói và gây ảnh hưởng cũng như thu lượm kết quả mỹ mãn hơn lúc họ còn sống. Cái chết của Mục sư Martin Luther King đã đẩy mạnh và đóng góp phần không nhỏ vào phong trào chống phân biệt, kỳ thị cho những người da mầu tại xã hội Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới. Cái gục đầu tắt thở trên bàn thờ đang lúc dâng Thánh Lễ của Ðức Cha Oscar Roméro đã gây niềm hy vọng và sức mạnh khôn lường cho bao nhiêu người dấn thân tranh đấu cho công bằng xã hội tại các quốc gia Mỹ Châu La Tinh.

Nợ máu vẫn đòi phải trả bằng máu. Nhưng từ dạo máu Chúa Giêsu chảy trên đồi Calvê và vẫn tiếp tục chảy trên bàn thờ mỗi ngày khắp nơi trên thế giới, những dòng máu hy sinh cho chính nghĩa, những dòng máu chảy ra vì tình yêu, đã trở thành khí giới sắc bén phá tan hận thù, bất công, để góp phần xây dựng một thế giới thấm nhuộm tình người, dẫn đến một nhân loại biết liên đới chia sẻ, yêu thương.

 

Suy niệm 4: Những Kẻ Vụ Hình Thức

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Những lời Chúa Giêsu khiển trách những người Pharisiêu và các vị thông luật như được ghi lại nơi Phúc Âm theo thánh Luca mà chúng ta vừa đọc lại trên đây được nói lên trong khung cảnh bữa tiệc tại nhà một người Pharisiêu, tức là trong khung cảnh thân tình của những người quen biết với nhau. Tuy nhiên, khung cảnh và bầu khí của bữa tiệc thân tình này đã bị làm hư đi, không phải vì Chúa Giêsu đã không rửa tay trước khi ăn theo như phong tục của người Do Thái thời đó mà vì thái độ nghi ngờ của người mời Chúa đến dự tiệc. Ông Pharisiêu lấy làm lạ vì Người đã không rửa tay trước khi ăn và đã lên án thái độ giả hình, lạm dụng Lề Luật, lạm dụng sự hiểu biết của mình mà khinh chê và đè bẹp anh chị em chung quanh của những người Pharisiêu và những luật sĩ được mời đến dự tiệc.

Những luật sĩ Do Thái, những nhà thông luật của dân Do Thái thời Chúa Giêsu là những kẻ có thể nói là nắm lấy kỷ cương cho sinh hoạt của dân chúng. Vai trò của những người thông luật này trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu giống như vai trò của những thần học gia, những nhà chú giải Kinh Thánh, những chuyên viên về luân lý. Họ nắm giữ sự hiểu biết về Kinh Thánh, giải thích giáo huấn của Môisen cho dân chúng sống, nhưng trớ trêu thay họ đã không chu toàn bổn phận làm người hướng dẫn chỉ đường mà đã trở thành kẻ cản đường vì các tật xấu của họ, những người nắm giữ chìa khóa. Chúa Giêsu không làm giảm giá trị sự hiểu biết Lề Luật của những luật sĩ này, nhưng Chúa Giêsu đã trách họ nặng lời vì thái độ sống phản chứng của họ: "Các ông không bước vào mà còn cản không cho kẻ khác bước vào". Họ không tin nhận Chúa mà còn cản trở không cho người khác gặp Chúa và tin nhận Ngài.

Lời trách của Chúa Giêsu có thể cũng thức tỉnh chúng ta ngày hôm nay, có thể là chúng ta hiểu biết Chúa, có chìa khóa để gặp Chúa nhưng chúng ta vì những tật xấu của mình, vì những tội lỗi của mình, chúng ta không đến với Chúa mà còn làm gương xấu cản trở không cho anh chị em đến với Chúa, vì thái độ sống phản chứng niềm tin Phúc Âm của chúng ta.

Lạy Chúa,

Xin Chúa giúp chúng con canh tân đời sống và khiêm tốn đến với Chúa, tin nhận Ngài và chu toàn giáo huấn của Ngài mỗi ngày một tốt đẹp hơn.

Lạy Chúa, Xin hãy ban ơn canh tân đời sống cho mỗi người chúng con.

 

Suy niệm 5: Làm câm miệng chân lý như thế nào?

Vì thế mà Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã phán: “Ta sẽ sai Ngôn Sứ và tông đồ đến với chúng: chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia.” (Lc. 11, 49)

Con tim loài người không hề thay đổi. Văn minh của chúng ta khá tiên tiến giúp cho con người nhiều phương tiện khéo léo bộc lộ dã tâm của mình hơn ngày xưa. Ngày nay hơn xưa, người ta không tha thứ cho những người nghĩ khác mình. Sách Khôn ngoan có lý: Chúng ta lùng bắt kẻ công chính vì nó làm phiền chúng ta và khiển trách đường lối suy nghĩ của chúng ta. “Nếu đúng là Con Thiên Chúa hẳn Ngài sẽ đến cứu nó. Chúng ta hãy kết án nó cho chết nhục nhã”.

Người ta hành quyết những chứng nhân:

Những ngôn sứ được sai đến để làm chứng về tình yêu Thiên Chúa và kêu gọi người ta trở về với Thiên Chúa. Người ta đã giết một số đông chứng nhân. Những người bị giết từ A-đam đến Gia-ca-ri-a: Người thứ nhất đến ngôn sứ cuối cùng đã được ghi trong kinh thánh Do thái. Đến thời Đức Giêsu, người Do thái đã xây mộ cho các chứng nhân chân lý đã bị cha ông họ giết bỏ. Nhưng, họ không khác gì cha ông họ, vì họ không thể nhận biết các ngôn sứ đang ở giữa họ. Đức Giêsu, Người là chứng nhân tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, đã bị họ kết án chết nhục nhã vì mặc khải của Người không thuận với đường lối tư tưởng của họ. Tư tưởng của họ về một Thiên Chúa báo oán, thế hệ Do thái thời Đức Giêsu đã phải trả giá cho lối sống vô đạo này bằng sự phá hủy thành Giê-ru-sa-lem và dân tộc bị phân tán tản mác khắp nơi. Những cuộc hành quyết những chứng nhân chân lý đang xảy ra hàng ngày sẽ đem đến những hậu quả nào cho thế hệ ngày nay?

Người ta bỏ tù chân lý:

Nguồn mặc khải cho Mô-sê đã mở đường dẫn tới chân lý nước trời. Các luật sĩ đã hội nhập mặc khải đó vào lề luật và đem ra dạy một lối sống đạo bên ngoài. Như vậy họ đã nhốt chân lý vào tù, chân lý không còn ăn sâu vào lòng người được nữa.

Đức Giêsu là vị thừa kế mọi nguồn mặc khải, cũng là chìa khóa mở mọi hiểu biết về mặc khải, nhưng nhiều người trong chúng ta đã từ chối dùng chìa khóa này. Chúng ta không còn muốn biết chân lý nữa, vì chân lý là lời khiển trách đường lối tư tưởng và hành động gian ác của chúng ta. Khi hành quyết các ngôn sứ và nhốt tù chân lý, người ta hy vọng làm câm họng kẻ kêu gọi tình thương.

RC

 

Suy niệm 6: Đừng phản bội sứ vụ làm chứng cho sự thật

Đức Giêsu đến để làm chứng cho sự thật. Vì thế, Ngài không bao giờ chấp nhận lối sống giả hình, gian dối... Chính vì điều này mà đã làm cho sự căng thẳng giữa Ngài và các người Pharisêu ngày càng leo thang!

Hôm nay, Tin Mừng trình thuật cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu thẳng thắn lên án nhóm Pharisêu và các Tiến Sĩ Luật về lối sống giả hình của họ cách nặng nề.

Ngài vạch trần tội ác của họ khi đồng lõa để giết các tiên tri là những người dám đứng lên loan báo và bênh đỡ sự thật. Họ còn là những người ngăn cản người khác trên con đường nhân đức nữa.

Những người này luôn coi mình là người lãnh đạo, nắm giữ chìa khóa hiểu biết, nhưng thực ra bên trong thì rỗng tuếch, chẳng qua chỉ như lớp sơn bôi bóng hay như mồ mả tô vôi với đầy dãy những sự ô uế. Họ không sống tinh thần của Chúa, mà luôn sống cuộc sống trịnh thượng, trưởng giả và bắt người khác thi hành lệnh của mình. Từ đó, họ đã trở thành những kẻ mù lại dắt kẻ mù, khiến những người được họ hướng dẫn cũng phải bơ vơ lạc lõng, mất phương hướng và không biết đi về đâu!

Khi Đức Giêsu khiển trách họ như thế, một sự đối đầu đã ập đến với Ngài. Vì thế, họ đã tìm mọi cách để bắt bẻ và tận dụng mọi cơ hội để tố cáo nhằm giết chết Ngài. Với họ, Đức Giêsu chẳng khác gì cái gai trong mắt, cái đinh trên đường, nên họ không thể đội trời chung.

Qua cung cách của họ, Đức Giêsu không phải không biết những đau khổ do những người này gây nên, nhưng trước sau như một, Ngài luôn trung thành với sứ mạng của mình. Dù đòn vọt, gươm đao, và chết chóc, không gì có thể làm cho Ngài phản bội sứ vụ của Thiên Chúa Cha đã trao phó nơi Ngài là: loan báo và làm chứng cho sự thật.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống trung thành với đường lối của Thiên Chúa là làm chứng cho sự thật. Chấp nhận mọi thử thách, dù là cái chết, miễn sao sự thật được lên tiếng. Không được sống kiểu ăn mày tiếng khen mà sợ tiếng chửi kiểu những người Pharisêu khi xưa. Cũng đừng lấy danh này tiếng kia để bắt người khác phải phục vụ mình. Cần trung thành với Giáo Huấn của Chúa trong khi phục vụ người khác.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng là đường là sự thật và là sự sống, xin hướng dẫn chúng con đi trên con đường Chúa đã đi để được sống đời đời. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 7: Thay đổi cách nhìn để nhận ra Chúa

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Tính tự tôn và lòng ích kỷ khiến cho người ta mù lòa không nhận ra Chúa. Hãy để cho con người ích kỷ và kiêu ngạo của mình chết đi, ta mới có thể đón nhận Chúa.

Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay cho con một cảm nghĩ: những người biệt phái và những thầy thông luật ngày xưa thật là quá quắt! Họ được phúc sống trong thời của Chúa, được nghe Chúa dạy bảo, được thấy những phép lạ Chúa làm, mà sao mà họ vẫn không chịu tin Chúa.

Con biết các biệt phái và luật sĩ không tin Chúa vì họ không muốn tin. Vì tin Chúa có nghĩa là họ phải chấp nhận những cái sai sót nơi họ. Mà họ không muốn nhìn nhận mình sai trái. Tính tự tôn là rào cản không cho họ gặp được Chúa.

Con cũng biết rằng những người biệt phái và luật sĩ không muốn đón nhận lời rao giảng của Chúa, và khi đó họ phải thay đổi cách sống của họ, một cuộc sống nhiều đặc quyền đặc lợi trong xã hội. Tính ích kỷ là một bức màn che mắt không cho họ nhận ra Chúa là Đấng Thiên Sai.

Xin Chúa giúp con đừng trở nên như những biệt phái và luật sĩ ngày xưa. Nếu con tự tôn coi thường người khác, con sẽ khó nhận ra được lời nhắc bảo của Chúa. Có thể Chúa đang nhờ một người con, một người em, một người bạn, hay một người nào đó để nhắc nhở con. Xin cho con biết khiêm tốn đón nhận.

Hôm nay, Chúa vẫn đang ẩn thân nơi những người nghèo khó và nhờ con giúp đỡ. Xin cho con đừng vì ích kỷ mà khép lòng mình lại và vô tình từ chối Chúa. Trái lại, xin giúp con biết mở rộng bàn tay để ban tặng, nhưng thật ra không phải là ban tặng, mà là đón nhận Chúa đến với con. Amen.

Ghi nhớ: “Sẽ bị đòi nợ máu của các tiên tri đã đổ ra, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria”.

 

Suy niệm 8: Thức tỉnh và từ bỏ tội lỗi để quay về với Chúa

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Vào năm 70 sau Công nguyên, vị tướng La Mã Titô đem đại quân vây hãm thành Giêrusalem. Ông ra lệnh không được đốt phá.

Thế nhưng, một quân nhân như bị thúc đẩy bởi một sức kỳ lạ đã cầm bó đuốc đang cháy ném vào bên trong đền thờ, lửa bốc cháy nhanh, không chữa được. Sau khi đám cháy tàn lụi, Titô ra lệnh phá hủy thành và đền thờ, ngoại trừ ba lều tháp và một bức tường, để cho hậu lai thấy sự kiên cố của thành đã bị phá. Tất cả những sự việc trên được sử gia Josèphe sống trong thời đó ghi chép lại cho hậu thế...

Suy niệm

Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Ðức Giêsu khóc thương thành vì sẽ có ngày thành huy hoàng bị phá huỷ… Sau này, trong cuộc thương khó, dân chúng đấm ngực và thương khóc khi thấy Chúa Giêsu vác thánh giá. Chúa Giêsu nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi, hãy khóc cho thân phận mình và cho con cháu” (Lc 23,27-28). Ngài yêu thương thành Giêrusalem. Nhưng dân thành cố tình chối bỏ Ngài để chạy theo những mê muội của trần gian. Ngài cảm thấy xót xa khi người ta từ chối tình yêu của Ngài. Ngài đến cho họ tình yêu nhưng họ không đón nhận cho nên họ phải đau khổ. Tất cả mọi sự đã xảy ra như lời Chúa Giêsu đã loan báo: Vào năm 70 sau Công nguyên quân đội Rôma do tướng Titô chỉ huy đã phá hủy và bình địa thành nguy nga này.

Ngày nay, chúng ta cũng như dân thành Giêrusalem ngày xưa: Cố tình chối bỏ Chúa để chạy theo những vật chất, quyền bính danh vọng trần gian. Ðức Giêsu vẫn đang than khóc và đau khổ vì tội lỗi con người...

Xin Chúa cho chúng ta luôn khao khát, nhận biết và đón nhận tình yêu của Thiên Chúa. Biết thức tỉnh và từ bỏ đời sống tội lỗi để quay về với Ngài. Khi đó chúng con sẽ được hưởng tình yêu, sự tha thứ và ơn cứu độ từ Thiên Chúa.

Ý lực sống

“Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người,

các bạn đừng cứng lòng”. (Tv 95,8)

 

Suy niệm 9: Đức Giêsu hạch tội các luật sĩ

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Bài Tin mừng hôm nay ghi lại việc Đức Giêsu tiếp tục khiển trách các luật sĩ về tội giả hình.

Họ đã xây lăng cho các tiên tri, cha ông của họ, đã giết hại các tiên tri. Theo một truyền thống truyền khẩu rằng các tiên tri thường bị bách hại: Isaia bị cưa làm hai khúc, Giêrêmia bị ném đá chết, Amos bị đập đến chết... Khi người Do thái thời Đức Giêsu xây lăng cho các tiên tri thì chứng tỏ: họ chẳng ăn năn gì về việc tổ tiên họ đã giết chết các vị ấy, trái lại còn tán thành. Thái độ ấy còn cho thấy rằng: sứ điệp của các vị ấy chẳng có ý nghĩa gì đối với họ, cùng lắm chỉ là những sứ điệp cho các thế hệ xa xưa thời trước (Lm. Carôlô).

Đọc Tin mừng, chúng ta thấy ngay thái độ vừa chứng thực vừa tán thành của các luật sĩ. Các luật sĩ Do thái lo xây cất lăng tẩm cho các tiên tri, nghĩa là chứng thực rằng cha ông họ đã sai khi giết các tiên tri. Đồng thời, họ cũng đang tán thành việc bách hại của cha ông, khi hiện tại họ đang tìm cách bắt bẻ hãm hại chính Đức Giêsu và các môn đệ Người. Đức Giêsu lên án họ, nhắc lại cho họ thấy họ thuộc dòng giống gian ác, giết người này lùng bắt người kia, từ máu ông Aben cho đến đổ máu tiên tri Giacaria... Và Đức Giêsu cũng tiên báo cho họ biết: họ sẽ bị đòi nợ máu. Điều này đã xảy ra khi đến năm 70 họ đã bị xóa sổ khỏi bản đồ và tản mác khắp nơi.

Suy nghĩ về điều này, trong chúng ta không thiếu những lần chê trách những thế hệ trước chúng ta thế này thế khác, nhưng nhìn lại, chính chúng ta thậm chí còn tệ hơn tổ tiên mình khi kết án (Hiền Lâm).

Và Tin mừng hôm nay tiếp tục ghi lại những lời Đức Giêsu khiển trách các người luật sĩ về tội giả hình. Kiểu nói “khốn” ở đây không có nghĩa như một lời nguyền rủa, một kiểu chúc dữ, nhưng có ý than trách như một lời thương tiếc. Các luật sĩ là những người có cơ hội tốt là được học biết Thánh kinh, lề luật của Chúa, có quyền giảng nghĩa Thánh kinh. Lẽ ra, họ phải tận dụng cơ hội để sống tốt, sống đúng theo thánh ý Chúa; trái lại sự hiểu biết đó không mang lợi ích gì cho họ.

Đôi khi chúng ta cũng ỷ lại vào danh nghĩa người Công giáo, nại vào đạo gốc, để rồi quên mất việc sống đạo trong hiện tại: công bình, bác ái với tha nhân (5 phút mỗi ngày).

“Các ngươi đã cất dấu chìa khóa của sự hiểu biết, các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi lại ngăn cản (Lc 11,52).

Các luật sĩ là những người hiểu biết luật lệ Thánh kinh. Họ được coi là những người lãnh đạo dân chúng, vì họ nắm giữ “chìa khóa của sự hiểu biết”. Thế nhưng “thay vì phục vụ, hướng dẫn người khác, họ đã sử dụng sự hiểu biết để bắt người khác phục vụ mình”. Một cách nào đó, ai trong chúng ta cũng có trách nhiệm hướng dẫn người khác... Cuộc sống hiện tại của chúng ta có sáng tỏ, để người khác có thể nhận ra chân lý đức tin không? Trong cách cư xử hằng ngày chúng ta có ý thức phải sống thế nào, để kẻ khác nhìn vào mà ngợi khen Cha trên trời không? (Mỗi ngày một tin vui)

Một quan chức bộ Giáo dục - Đào tạo nói: “Mỗi cán bộ hãy là một tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Khi đã trở thành một tấm gương “mù” thì không thể làm lãnh đạo được”. Vào thời Đức Giêsu, các nhà thông luật là những người được đào tạo và “nắm chìa khoá hiểu biết” luật Chúa, để giải thích cho dân, hướng dẫn dân tuân giữ và đi đúng huấn lệnh của Chúa. Thế nhưng, thay vì giải thích và hướng dẫn, họ đã bắt người ta phục vụ và làm nô lệ lề luật. Hơn nữa, qua lối sống ưa hình thức bề ngoài, họ đã làm gương mù khiến người ta lìa xa Chúa hơn. Vì thế, Đức Giêsu đã chỉ trích thái độ của những người thông luật và dạy cho chúng ta tinh thần mới của lề luật, chứ không phải con người lệ thuộc vào luật.

Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống trung thành với đường lối của Thiên Chúa là làm chứng cho sự thật. Chấp nhận mọi thử thách, dù là cái chết, miễn sao sự thật được lên tiếng. Không được sống kiểu ăn mày tiếng khen mà sợ tiếng chửi kiểu những người biệt phái khi xưa. Cũng đừng lấy danh này tiếng kia để bắt người khác phải phục vụ mình. Cần trung thành với giáo huấn của Chúa trong khi phục vụ người khác.

Truyện: Giá trị con người ở đâu?

Chuyện kể rằng: một người được mời đến dự buổi tiệc lớn. Ông vui vẻ nhận lời và khoác bộ áo xấu nhất. Đến nơi, không ai thèm cười và để ý đến ông. Ông quay về, khoác bộ áo đẹp có đính kim cương và các hạt nút bằng vàng. Trong khi ấy yến tiệc vẫn tiếp tục. Ông quay trở lại, lập tức bao lời mời đẹp nhất, danh dự nhất đều dành cho ông. Thịt béo rượu thơm lúc này được bày ra trước mắt ông và ông được mời chỗ nhất.

Ông liền đứng lên, cởi áo, trèo lên ghế, đoạn lấy thức ăn đưa cho cái áo và nói: “Mày ăn uống đi, người ta mời mày đó”. Mọi người hết sức ngạc nhiên, nhưng đều hiểu ý ông này. Ông muốn nói với mọi người rằng: giá trị của con người không ở bộ áo xúng xính hay cái mã bên ngoài, nhưng đó là tấm lòng bên trong, không ở những cái mình có nhưng ở cái mình là.

 

Suy niệm 10: Chúa Giêsu trách các luật sĩ

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Trong đoạn Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu trách các người biệt phái. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay Ngài trách các luật sĩ:

1. Câu 47-48 “Xây lăng cho các ngôn sứ”: Có một truyền thống truyền khẩu rằng các ngôn sứ thường bị bách hại: Isaia đã bị cưa làm 2 khúc, Giêrêmia bị dân ném đá chết, Amos bị đập đến chết (x. Dt 11,32-40  2Sb 24,22)... Khi người do thái thời Chúa Giêsu xây lăng cho các ngôn sứ thì họ chứng tỏ họ chẳng ăn năn gì về việc tổ tiên họ đã giết chết các vị ấy trái lại còn tán thành. Thái độ ấy còn cho thấy rằng sứ điệp của các vị ấy chẳng có ý nghĩa gì đối với họ, cùng lắm chỉ là những sứ điệp cho các thế hệ xa xưa thời trước.

  2. Câu 49-51 Chúa Giêsu duyệt lại lịch sử: chương trình của Thiên Chúa (“Đức Khôn ngoan của Thiên Chúa”) là gởi “các ngôn sứ và các tông đồ” đến với loài người để kêu gọi loài người ăn năn. Thế nhưng loài người đã chẳng đón nhận sứ điệp ấy, lại bách hại các vị ấy. Mặc dù Chúa Giêsu chỉ nêu tên hai người là Aben và Dacaria, nhưng vì trong Cựu Ước híp-ri, tên Aben ở đầu sách và tên Dacaria ở cuối sách, nên ý của Ngài là nói đến toàn bộ tội giết các ngôn sứ trong lịch sử. Và Chúa Giêsu cảnh cáo: nếu người do thái thời nay không chấm dứt thái độ ấy thì họ sẽ bị Thiên Chúa công bình hỏi tội (“thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu”)

3. Câu 52 “Cất giấu chìa khóa sự hiểu biết”: do những kiến thức về Thánh Kinh, các luật sĩ đã nắm trong tay chìa khóa mở cửa vào Nước Trời. Nhưng do thái độ của họ, chẳng những họ không vào đó được mà lại còn ngăn cản người khác vào.

B.... nẩy mầm.

1. Tội giết các ngôn sứ: Các ngôn sứ là những người nói thay Chúa. Lời các ngài nói nhiều khi chói tai dân do thái nên nhiều vị đã bị bách hại và giết chết. Không riêng gì dân do thái, chúng ta ngày nay cũng có thể phạm tội giết ngôn sứ nếu như chúng ta không tập cho quen lắng nghe sự thật Chúa nói trong lương tâm chúng ta hoặc qua những “lời thật mất lòng” của người khác.

2. Cất dấu chìa khóa sự hiểu biết: Các luật sĩ là những người hiểu biết luật lệ Thánh Kinh. Họ được coi là những người lãnh đạo dân chúng vì họ nắm giữ “chìa khóa của sự hiểu biết”. Thế nhưng “thay vì phục vụ, hướng dẫn người khác, họ đã sử dụng sự hiểu biết để bắt người khác phục vụ mình. Một cách nào đó, ai trong chúng ta cũng có trách nhiệm hướng dẫn kẻ khác... Cuộc sống hiện tại của chúng ta có sáng tỏ để người khác có thể nhận ra chân lý đức tin không? Trong cách cư xử hằng ngày, chúng ta có ý thức phải sống thế nào để kẻ khác nhìn vào mà ngợi khen Cha trên trời không?” (Trích "Mỗi ngày một tin vui").

3. “Khốn cho các ngươi! Các ngươi xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các ngươi đã giết chết các vị ấy!” (Lc 11,47)

Chúa khiển trách người Pharisêu và các kinh sư là giả hình. Họ giả hình bởi che đậy tội lỗi bằng cách xây dựng những nấm mộ hào nhoáng, bằng luật giữ luật từ ngoài, bằng cách lên án người công chính.

Còn tôi, vì sợ mất địa vị, đã lừa dối mọi người, vì sợ hổ thẹn, đã không dám nói sự thật, vì sợ liên lụy, đã bỏ mặc anh em, và vì ích kỷ, đã xa rời Chúa, xa cách anh em...

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con tự do, xin cho con biết lựa chọn và dám sống như Chúa dạy. (Hosanna).

 

Suy niệm 11: Chúa Giêsu khiển trách luật sĩ về tội giả hình.

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Bải Tin Mừng hôm nay tiếp tục ghi lại những lời Đức Giêsu khiển trách các thầy luật sĩ về tội giả hình.

Chúa khiển trách họ về hai tội:

- bách hại các tiên tri (Lc 11,47)

- và tội độc quyền về tri thức (Lc 11,49).

"Khốn cho các người...":

1. Kiểu nói "khốn" ở đây không có nghĩa như một lời nguyền rủa, nhưng một lời thương tiếc than trách. Chúa buồn vì thấy luật sĩ lo xây mộ cho các tiên tri xưa, để tỏ ra bất đồng với cha ông trước kia về việc họ đã giết các tiên tri.

Quả thực, nhiều tiên tri và những người công chính đã bị sát hại. Lịch sử Do Thái từ vụ sát hại Abilê được ghi ở đầu Sách Thánh đến vụ sát hại ngôn sứ Giacaria ở cuối sách (St 4,8-10; 2Chr 24,20-22) đã nói lên rằng lịch sử của họ là lịch sử nhuốm máu.

Thái độ của những người Do Thái thời của Chúa thật là mâu thuẫn vì đang khi họ hết lòng tôn kính các tiên tri ngày xưa bằng cách xây mộ, dựng bia cho các ngài thì họ lại bắt bớ và giết hại các tiên tri còn sống. Họ hết lời khen ngợi và ca tụng các tiên tri đã chết, nhưng khi gặp một đấng tiên tri còn sống thì họ lại tìm cách giết đi. Ngay trong thời của Chúa Giêsu bài học lịch sử cũng đã lặp lại. Các nhà lãnh đạo Do Thái đã không nhìn nhận những người mà Thiên Chúa sai đến với họ: họ đã từ chối không nhìn nhận Gioan Tẩy Giả (Lc 7,30); Hội đồng Tối cao Do Thái sai đại biểu đến hạch sách quyền hành của Chúa Giêsu (Lc 20,l-8) trước mặt quan tổng trấn Philatô, các đầu mục Do Thái đã xin quan lên án xử tử Chúa (Lc 9,15), rồi sau đó họ lại tiếp tục bách hại các Tông Đồ của Chúa, đúng như Lời Chúa tuyên bố với họ hôm nay (Lc 11,47-49).

2. Và Chúa bảo: "... thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu..." (Lc 11,50) và quả đúng như thế.

Lịch sử còn ghi lại: Năm 66, người Do Thái đã tàn sát những binh lính Rôma trong đồn binh Antônia. Lập tức, hoàng đế Néron gởi tướng Vespasiano với một đạo binh hùng hậu đến Giuđê. Giữa chiến dịch thì Néron chết và Vespasiano lên ngôi hoàng đế. Ông này trao quyền chỉ huy quân đội cho con là Titus. Titus vây hãm thành vào lễ vượt qua năm 70. Jêrusalem, lúc đó đang có khoảng một triệu rưỡi người Do Thái tụ họp lại nhân ngày lễ, bị vây hãm kín mít. Chẳng bao lâu, đói kém xảy ra và mỗi ngày có cả ngàn người chết đói.

Titus trả thù bằng cách cho đóng đinh 300 người Do Thái tại chân núi Sọ, sau đó mỗi ngày lại cho đóng thêm gần 500 người Do Thái. Nhiều người bị mổ bụng vì lính Rôma nghi họ nuốt vàng. Khi đã làm chủ được tình hình, người Rôma cho đốt thành phố lẫn đền thờ. Jêrusalem bốc cháy hai ngày hai đêm. Ngày thứ ba nó chỉ còn là một đống gạch vụn hoang tàn. Hơn 200.000 người bị chôn vùi dưới đó. 97.000 người bị bắt làm nô lệ ở Rôma, và bị bán với giá rẻ mạt cho hí trường để đánh nhau với thú dữ hoặc chiến đấu giết nhau làm trò vui cho người Rôma. 2.000 nhà quí tộc Do Thái phải dự buổi khải hoàn của Titus ở Rôma. Họ phải mặc áo trắng, phải vác lấy chiến lợi phẩm lớn lao mà người chiến thắng đem về từ Jêrusalem. Khi đến đền Chiếm Thần, thì họ bị giết và đó là lễ đăng quang của cuộc chiến đẫm máu được trả giá bằng mạng sống của hơn một triệu người Do Thái. Sử gia Josephus, một nhà biên niên sử thời đó, người đã kể lại sử truyền này, đã cho rằng những điều kinh tởm của cuộc vây hãm thành Jêrusalem kinh khủng đến nỗi thế giới sẽ không bao giờ chứng kiến những điều như vậy.

Thật là một điều hết sức lạ lùng: Những người Do Thái bị trừng phạt năm 70 giống như cách tội ác họ đã phạm, vì:

1- Chúa Giêsu bị gia hình vào lễ Vượt Qua, thì cũng chính vào vào lễ Vượt Qua mà họ bị tàn phá.

2- Những người Do Thái đã dùng lính Rôma để đóng đinh Chúa Giêsu thì chính những người lính Rôma lại thực hiện cuộc trả thù như Lời Chúa báo trước.

3- Những người Do Thái đã bắt Chúa Giêsu tại vườn Cây dầu và đóng đinh Ngài trên núi Sọ, thì cũng chính tại vườn cây dầu này, mà Titus đóng đại bản doanh và cũng chính tại núi Sọ, mà người Rôma đã đóng đinh hàng trăm người Do Thái.

4- Chúa Kitô bị bán với giá 30 đồng, thì Titus đã bán 30 người Do Thái với giá 1 đồng.

5- Chúa Giêsu bị trùm áo trắng trong cuộc tử nạn thì vào cuộc khải hoàn của Titus, 2.000 người Do Thái bị mặc áo trắng để cho người Rôma chế giễu.

6- Trước mặt Philatô, người Do Thái đã kêu to: "Ước gì máu nó đổ trên chúng tôi và trên con cháu chúng tôi". Lời ước này đã được thực hiện cách khủng khiếp năm 70. Đó là điều mà Chúa Giêsu đã nói: "Vì các ngươi đong bằng đấu nào thì cũng sẽ được đong bằng đấu ấy" (Lc 6,38).

Lạy Chúa,

Xin Chúa giúp chúng con biết sống xứng đáng với tình thương của Chúa. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,626)

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,761)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,266)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,790)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,440)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,819)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,811)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,915)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,263)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,583)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7