Thứ Năm 16/03/2023 – Thứ Năm tuần 3 mùa Chay. – Nhận ra sự hiện diện và tác động của Chúa.
- In trang này
- Lượt xem: 8,801
- Ngày đăng: 15/03/2023 10:00:00
Nhận ra sự hiện diện và tác động của Chúa.
16/03 – Thứ Năm tuần 3 mùa Chay.
“Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta”.
Lời Chúa: Lc 11, 14-23
Khi ấy, Chúa Giêsu trừ một quỷ câm. Khi quỷ ra khỏi, người câm liền nói được và dân chúng đều bỡ ngỡ. Nhưng có mấy người trong bọn họ nói rằng: “Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ”. Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống. Nhưng Người biết ý của họ, liền phán:
“Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó, chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.
“Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn; nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tan hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán”.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy Niệm 1: Người mạnh hơn
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Đức Giêsu vừa mới trục xuất được một quỷ câm.
Khi quỷ xuất ra thì người câm nói ngay được (c. 14).
Cùng với sự ngạc nhiên thích thú của đám đông,
còn có sự vu khống xuyên tạc của một số người khác.
Họ cho rằng chẳng qua Đức Giêsu chỉ là kẻ dựa dẫm Bêendêbun.
Bêendêbun là tên của một vị thần ở vùng Canaan.
Người Do thái vẫn coi các thần dân ngoại là ma quỷ (1Cr 10, 19-20).
Ở đây, Bêendêbun chính là quỷ vương, là Xatan (c. 18).
Như thế Đức Giêsu bị tố cáo là người cùng phe với quỷ,
dùng tay tướng quỷ để trừ các quỷ nhỏ.
Đức Giêsu cho thấy sự sai lầm của lập luận này.
Ngài nhắc đến nước của Xatan, một nước hiện vẫn còn đứng vững (c. 18).
Nước ấy chưa sụp đổ vì không có sự chia rẽ giữa các quỷ với nhau,
nên không thể bảo là Ngài dùng quỷ vương để trừ quỷ nhỏ.
Vả lại, có những người Do thái khác cũng trừ quỷ như Ngài.
Có ai dám bảo là họ thông đồng với quỷ vương không? (c. 19).
Đức Giêsu vén mở cho thấy ý nghĩa của việc Ngài trừ quỷ.
“Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ,
thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (c. 20).
Nước Thiên Chúa đến qua việc Đức Giêsu giải phóng.
Ngài giải phóng con người khỏi bệnh tật thân xác.
Ngài trả lại cho con người khả năng nghe, nói, nhìn.
Ngài kéo người bất toại đứng lên, đi được, đưa tay ra.
Ngài trả người phong về với cộng đoàn, đưa người chết ra khỏi mộ.
Trên hết, Ngài giải phóng con người khỏi sự chật hẹp của lòng mình.
Ngài mở con người ra trước nỗi đau và cô đơn của anh em.
Ngài nâng con người lên tới tầm cao của trái tim Thiên Chúa.
Như thế là con người được thật sự tự do.
Chỗ nào có tự do thật sự, chỗ đó có Nước Thiên Chúa.
Chỗ nào có Nước Thiên Chúa, chỗ đó nước của Xatan phải lui đi.
Cuộc chiến giữa Nước Thiên Chúa và nước Xatan vẫn tiếp diễn,
nhưng Nước Thiên Chúa đã đến rồi, ngón tay Thiên Chúa ở đây.
Chúa Giêsu vẫn tiếp tục trừ quỷ và mời chúng ta cộng tác.
Làm sao để con người hôm nay không còn bị ám bởi bất cứ thụ tạo nào,
không sụp lạy trước bao ngẫu tượng mới của thời đại?
Quỷ vẫn là kẻ mạnh, được vũ trang đầy đủ, đứng canh nhà của nó (c. 21).
Nhưng Thiên Chúa và Chúa Giêsu lại là người mạnh hơn (c. 22).
Người mạnh hơn tấn công, tước vũ khí và phân chia chiến lợi phẩm.
Trong cuộc chiến này, chúng ta không có quyền mập mờ, hàng hai.
Mùa Chay mời chúng ta đứng hẳn về phía Giêsu,
vì ai không ở với Giêsu là chống lại Ngài,
ai không thu góp với Giêsu là phân tán (c. 23).
Hãy quyết định dứt khoát để cùng với Giêsu chiến đấu cho Nước Cha.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự:
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao. Amen.
Suy Niệm 2: Nghe và nói
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Con người là một sinh vật xã hội. Không thể sống một mình. Xã hội tính phát triển nhờ thông giao. Thông giao biểu hiện bằng nghe và nói. Nghe để tiếp nhận. Nói để thông tri. Nghe để hiều về người khác. Nói để người khác hiểu về mình. Nghe để cảm thông chia sẻ. Nói cũng để cảm thông chia sẻ. Như thế thông giao làm phong phú con người. Vì thế câm điếc là khuyết tật. Mất khả năng thông giao khiến con người không phát triển. Thông thường câm là do điếc. Vì không nghe nên không nói được.
Người Do thái cho khuyết tật đó là do ma quỉ. Ma quỉ trói buộc con người trong ích kỷ cá nhân. Để tàn lụi. Chúa Giêsu chữa lành người câm điếc khi trục xuất quỉ câm. Nhưng Chúa lại không thể chữa người mắc bệnh câm điếc thiêng liêng. Người câm điếc thiêng liêng là người tự ý không nghe không nói.
Giê-rê-mi-a cho biết những người Do thái thời ông là những người câm điếc. Vì họ không chịu nghe lời Thiên Chúa. Chỉ cần mở lòng ra nghe lời Thiên Chúa họ sẽ trở thành Dân Thiên Chúa, sẽ được hạnh phúc. Nhưng gọi không trả lời. Nói không nghe. Vì thế họ không phát triển. Chúa nói họ đi thụt lùi. Và còn tệ hơn nữa khi cố tình giả điếc thì họ không có sự thật: “sự chân thật đã tiêu tan và biến khỏi miệng nó”.
Đó chính là tình trạng của những người chống đối Chúa hôm nay. Khép kín tâm hồn nên không nghe được Thiên Chúa. Dù phép lạ rành rành không thể chối cãi. Vì không nghe nên miệng họ nói lời gian dối. Bóp méo sự thật. Xuyên tạc cho rằng Chúa dùng quyền tướng quỷ mà trừ quỷ. Đó chính là tác động của ma quỉ. Thứ quỉ ám này còn nặng hơn quỉ gây nên câm điếc thể lý.
Thế giới đang hỗn loạn vì người ta không lắng nghe. Không nghe Chúa. Không nghe nhau. Không nghe lịch sử. Không nghe vũ trụ. Không nghe thiên nhiên. Và vì thế người ta nói theo ý riêng. Nói sai sự thật.
Mùa Chay Chúa mời gọi ta trở về sự thánh thiện nguyên thủy. Biết mở lòng, mở tai lòng lắng nghe. Biết mở miệng nói lời chân lý, lời xây dựng, lời yêu thương. Biết tái lập khả năng thông giao. Ta sẽ trở nên phong phú. Thế giới sẽ sống trong hòa bình.
Suy Niệm 3: Nhận ra sự hiện diện và tác động của Chúa
Một nhà truyền giáo nọ kể lại sự kiện sau: một hôm tôi đang giảng dạy cho một nhóm người tại Nagasaki. Sau bài giảng một người đứng lên hỏi tôi ba điều: “Tôi có tin Đức Mẹ đồng trinh không? Tôi có vâng lời và hiệp thông với Đức thánh cha không? Tôi có giữ mình trinh khiết và sống độc thân không?”. - Tôi xác nhận cả ba điều trên và hỏi lại: “Tại sao ông lại đặt ra ba câu hỏi vừa rồi?”
Người đó trả lời: “Vì ông bà chúng con trước khi chết có nhắn nhủ chúng con rằng sau này có ai đến giảng đạo, chúng con phải lấy ba tiêu chuẩn ấy để đánh giá xem đó có phải là vị thừa sai chân chính không. Nay chúng con vui mừng vì cha đích thực là người được Hội thánh sai đến, chúng con sẽ nghe lời cha và giữ vững đức tin tổ tiên chúng con truyền lại”.
Những giáo dân Nhật Bản đã dùng ba tiêu chuẩn để thẩm định đâu là nhà truyền giáo đích thực. Ngược dòng thời gian trở về thời Chúa Giêsu, chúng ta cũng được chứng kiến một biến cố tương tự. Các tiên tri đã báo trước cho Dân Chúa là khi Đấng Cứu Thế đến, Ngài sẽ thực hiện những dấu lạ: cho kẻ câm được nói, kẻ què được đi, người bị quỉ ám được chữa lành. Chúa Giêsu đã thực hiện lời tiên tri đó trước mặt nhiều thành phần trong dân để chứng minh Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng muôn dân mong đợi. Tuy nhiên có những người không nhìn nhận sự hiện diện và tác động của Chúa, họ cố tình giải thích sự lệch lạc để khỏi phải tin và làm cho người khác đừng tin, như được trình thuật trong Tin mừng hôm nay.
Quả thật, đứng trước Chúa Giêsu, con người phải có thái độ hoặc tin nhận hoặc chối từ. Đó cũng là thái độ mà người Kitô hữu chúng ta phải có đối với Chúa Giêsu. Ngài đến với con người qua Giáo Hội, qua những sứ giả được tuyển chọn và sai đi làm chứng cho Ngài nhưng liệu chúng ta có thành tâm và can đảm cộng tác với ơn soi sáng của Thánh Thần để tin nhận Ngài không? Tác giả tập sách Đường Hy Vọng đã chia sẻ kinh nghiệm như sau:
“Chúa hiện diện không phải là lý thuyết. Ngài là Cha ở bên con với tất cả quyền năng và tình thương. Ngài là tất cả của con, là cùng đích trong ý hướng, là lý do các quyết định, là động lực các tình cảm, là gương mẫu các hành động của con. Hãy sống bên Chúa, con sẽ nên thánh. Thiên đàng không gì khác hơn là Thiên Chúa hiện diện”.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Đuổi quỷ
Rồi Đức Giê-su trừ một tên quỉ, và nó là quỉ câm. Khi quỉ xuất rồi, thì người câm nói được. Đám đông lấy làm ngạc nhiên. Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỉ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỉ.” (Lc. 11, 14-15)
Theo một số ý kiến chú giải thời nay thì những người quỷ ám trong Tin mừng là bệnh nhân của cảm cúm. Sự đuổi quỷ của Đức Giê-su được giải thích khéo léo hóa thành vô nghĩa. Những người bị quỷ ám, hầu hết được họ giải thích là những người mắc bệnh động kinh, bệnh thần kinh hay bị ám ảnh bởi hình ảnh quỷ ma trong họ, người bị quỷ câm trong Tin mừng hôm nay đơn giản chỉ là bệnh câm thôi, không bị quỷ ám nào hết.
Theo ý kiến số đông thời đại đó, một nửa bị quỷ thần ám hại cần phải cải cách và Tin mừng đã đến thanh tẩy những thần thoại chồng chất trong đời sống dân Ít-ra-en.
Cách giải thích đó có thật hữu ích không? Tin mừng có thanh tẩy phong tục tin tưởng vào quỷ thần không?
Thứ nhất, giải thích của một số người quá ngang ngược với cách trừ quỷ rõ ràng của Chúa, biến Chúa thành nạn nhân của hạng trí thức dổm. Thực ra, thời đại của Đức Giê-su đã có nhiều người khá thông minh để nhận định về thế giới quỷ thần.
Thứ đến, họ muốn kéo nhân loại ra khỏi những sức mạnh siêu nhiên để khỏi nỗi lo sợ bị phán xét về tội con người.
Theo ý số đông trên mặt đất này, có đầy những sự xấu xa, nếu chỉ gán tội cho loài người thôi thì thật bất công, phải tin rằng còn có ma quỷ ném đá dấu tay đã gây ra tội lỗi nữa. Sự hỗn độn của nhân loại được chia thành nhiều loại: loại người ăn nhậu nhồi nhét quá lẽ một bên, loại đói ăn túng cực một bên. Đó không phải do Thiên Chúa Cha dựng nên, cũng không phải hoàn toàn do con người tổ chức thiết kế những thứ ô nhục đó. Cần phải nhìn nhận rằng có hàng triệu người thiện chí hoạt động, tổ chức lấy lại quân bình phân chia của cải vũ trụ, tuy có vô ích.
Thật bất công tin rằng tính dã man do lòng dạ con người bình thường sinh ra, khi thấy nhiều người sống trên hành tinh này ném hàng tấn bom lân tinh xuống dân lành mà lương tâm lầm lạc của họ vẫn bình an. Nhận có tội lỗi, chính là tin có một Thiên Chúa có thể giải thoát chúng ta khỏi thế lực quỷ dữ mà con người không thể tự giải thoát được. Đức tin đòi chúng ta liên tục cầu nguyện xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tay quỷ dữ. Không có Thiên Chúa, chúng ta liều mình bị quỷ dữ ám hại đời đời.
J.G
Suy Niệm 5: Đừng “chụp mũ” nhau như thế
Có một tu sĩ đảm trách công việc mục vụ bệnh nhân Sida. Tuy nhiên, do sơ xuất, ngài đã bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này qua người bệnh trong khi chăm sóc họ. Nhưng thật trớ trêu, thay vì được mọi người nâng nỡ, khích lệ, thì họ lại bàn tán, gán ghép những chuyện không mấy tốt đẹp cho vị tu sĩ nhiệt tình vì sứ vụ này!
Đây cũng chính là căn bệnh truyền kiếp ở mọi thời, đó là, người ta không thích ai, hay ai đó uy tín hơn mình, thì họ sẵn sàng dùng đến biện pháp nói hành, hay chụp mũ để hạ gục đối phương!
Hôm nay, Đức Giêsu cũng rơi vào tình trạng trên khi bị dân chúng chụp cho Ngài thứ mũ hết sức đê hèn như:
Ngài trừ được quỷ là do liên minh với quỷ khi nhân danh tướng quỷ để trừ quỷ!
Tại sao họ lại vu khống và nói hành Đức Giêsu như vậy?
Thưa chỉ vì một chuyện rất đơn giản, ấy là: Đức Giêsu ngày càng uy tín trước mặt dân chúng vì những việc tốt đẹp và lời dạy khôn ngoan của Ngài, khiến dân chúng tôn vinh Ngài là một tiên tri vĩ đại. Vì thế, những Luật Sĩ và Phairisêu bối rối, hoang mang và sinh lòng ghen tuông, tức tối đối với Ngài.
Họ đã dùng đến trò thâm hiểm nhất để bêu rếu và mục đích nhằm hạ gục Đức Giêsu khi nói là Ngài “nhờ tướng quỷ để mà trừ quỷ”.
Khi gán cho Đức Giêsu như thế, họ muốn nói với dân rằng: Đức Giêsu là người thuộc về thế giới của ma quỷ. Khi Ngài đã thuộc về ma quỷ, thì lẽ đương nhiên không nên tin vào con người này cũng như những lời dạy dỗ của Đức Giêsu.
Đây là một phương pháp triệt hạ đối phương bằng cách đánh vào uy tín.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã đặt ngược lại vấn nạn với hai câu hỏi để lật tẩy trò đê hèn của chúng, Ngài hỏi: “Nếu Xatan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?”; và: “Nếu tôi dựa thế Bêendêbun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ?”!
Khi hỏi như thế, Đức Giêsu một mặt cho thấy lý chứng của những Luật Sĩ và Pharisêu tự mâu thuẫn, khập khiễng, không ăn khớp với nhau, bởi vì cứ theo lập luận của họ, thì phải chăng một nước mạnh lại dùng chính kẻ mạnh để tiêu diệt kẻ yếu cùng đồng minh với mình hay sao? Hay nếu Quỷ Vương cho mượn quyền lực của hắn để tiêu diệt tay chân của hắn thì nước đó đã đến thời mạt vận?
Trong đời sống của chúng ta hôm nay nhiều khi rơi vào tình trạng của những Luật Sĩ và Pharisêu khi sử dụng những chiêu thức bỉ ổi là nói hành, nói xấu để bôi nhọ thanh danh tiếng tốt của anh chị em mình.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đứng về phía sự thật để trả lại cho anh chị em mình những giá trị đích thực, khi họ vì lòng yêu mến Chúa mà thi hành những bổn phận của họ để loan báo tình thương của Thiên Chúa cho mọi người. Đồng thời chúng ta biết cộng tác với nhau để làm cho triều đại của Thiên Chúa mau đến.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con trong Mùa Chay thánh này, luôn biết yêu thương, nâng đỡ nhau để cùng nhau loan truyền và làm chứng cho Chúa bằng đời sống bác ái, yêu thương. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 6: Hãy nhìn nhau bằng đôi mắt của Chúa
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Để nhận ra triều đại của Thiên Chúa, phải thành tâm và có ý ngay lành. Hãy nhìn nhau bằng đôi mắt của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, ngày xưa Chúa đã trở thành nạn nhân của lòng đố kỵ. Trước phép lạ trừ quỷ câm, Chúa được dân chúng ngưỡng mộ. Nhưng khi thấy Chúa thành công, một số người tỏ ra bực tức ghen tị. Sự ghen tị làm lòng người ra hẹp hòi, trí óc ra mù quáng và họ giải thích cách ngu xuẩn: “Ông ấy dựa vào quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ”.
Ngày hôm nay, nhân loại chúng con đang thoái hóa về tinh thần vì không biết nhìn nhau bằng tinh thần của Chúa. Tình thân ái nơi loài người đang đổ vỡ vì chúng con nhìn nhau bằng cặp mắt của Xa-tan, con mắt ích kỷ tị hiềm.
Xin Chúa dạy con biết cảm thông với anh chị em con: biết vui với người vui và nhất là biết buồn với người buồn. Xin đừng để con vui khi thấy anh chị em khổ, đừng để con mừng khi thấy anh chị em khốn khó. Đừng để con khó chịu khi thấy anh chị em thành công. Ngược lại, xin Chúa dạy con biết coi nỗi khổ của anh chị em là nỗi khổ của chính mình để con mau mắn giúp đỡ gỡ khó cho họ.
Lạy Chúa, xin dạy con biết nhìn nhau bằng ánh mắt của Chúa: luôn tôn trọng người khác, không khinh thị bất cứ ai, kể cả những người tội lỗi. Cái nhìn của Chúa đã biến đổi ông Giakêu thành người thực thi công bình bác ái. Cái nhìn của Chúa biến đổi Thánh Matthêu thành tông đồ cho Chúa. Cái nhìn của Chúa cũng biến đổi Thánh Phêrô từ kẻ chối Chúa thành người nâng đỡ đức tin cho anh em. Xin dạy con lối nhìn của Chúa để con biết nâng dậy những anh em vì hoàn cảnh đã đi xa đường lối Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta”.
Suy Niệm 7: Đức Giêsu trừ quỷ câm
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Việc Đức Giêsu trừ quỷ câm là nguyên cớ sinh ra cuộc tranh luận giữa phe chống đối gồm các luật sĩ, biệt phái với Đức Giêsu. Qua phép lạ trừ quỉ, Đức Giêsu chứng tỏ Ngài là Đấng Cứu Thế đến giải thoát dân khỏi ách thống trị của Satan. Từ sự kiện này, đáng lẽ người Do thái nhận ra ánh sáng của Thiên Chúa, nhận ra uy quyền nơi Đức Giêsu, nhưng họ lại cắt nghĩa phép lạ theo một ý lệch lạc. Họ nói Đức Giêsu dùng quỉ vương mà trừ quỉ con, chỉ vì ghen tương và cố chấp. Họ không nhận ra vương quyền của Đức Giêsu. Chính do thái độ cố chấp ấy, họ sẽ phải chịu trách nhiệm và chịu xét xử.
2. Đức Giêsu đã rao giảng và đã thực hiện những dấu lạ khắp nẻo đường Palestin: Ngài đã chữa người bại liệt để chứng minh Ngài có quyền tha tội. Hôm nay Đức Giêsu lại chữa người bị câm do quỉ ám... Tất cả chứng tỏ quyền năng thánh linh của Ngài. Nhưng một số người đã nghe Chúa giảng, đã thấy phép lạ tỏ tường không tin nhận Chúa lại còn cho rằng Ngài dùng quyền năng của tướng quỉ mà trừ quỉ con. Nhưng Đức Giêsu đã khẳng định: Ngài lấy quyền từ Thiên Chúa. Ngài mạc khải rõ sứ mạng của Ngài khi Ngài dùng quyền năng Thiên Chúa mà trừ quỉ, bảo vệ bênh vực con người, cứu chúng ta khỏi ách thống trị của ma quỉ và tội lỗi.
3. Thật vậy, Đức Giêsu là Thiên Chúa, Ngài đã dùng quyền năng mà trừ quỉ câm, dân chúng thấy vậy thì hết sức khâm phục Ngài; còn những kẻ cứng lòng tin lại cho rằng Ngài lấy quyền đầu mục quỉ mà trừ quỉ, họ không hiểu rằng nếu quỉ mà trừ quỉ thì chúng đã chia rẽ nhau và như thế sẽ phải tiêu vong, bởi vì “chia rẽ là chết”. Như vậy, nếu Đức Giêsu dùng quyền năng cao cả của mình để khử trừ ma quỉ, thì tức là Ngài mạnh hơn quỉ, chiến thắng ma quỉ, do đó ai tin theo Ngài sẽ được cứu thoát khỏi mọi sự dữ; ai tin theo Ngài sẽ cùng Ngài cộng tác để tiêu diệt các mưu mô độc hại của ma quỉ, của thế gian, của xác thịt, và đem nhiều linh hồn về cho Nước Chúa. Còn ai không tin theo Ngài tức là chống đối Ngài, là tự phân tán và như thế dẫn tới cái chết.
4. Tội ngoan cố là thế nào?
Tội ngoan cố là khi thấy rõ con đường Chúa chỉ dạy nhưng vẫn cố tình không đi theo, tuy thấy rõ sai lầm của mình nhưng vẫn cố tình không chịu sửa. Người ngoan cố kể như “hết thuốc chữa”.
Bởi vậy Đức Giêsu nói đó là tội chống Chúa Thánh Thần và là tội duy nhất Thiên Chúa không tha. Chúa sẵn sàng tha nếu ta yếu đuối, Chúa sẵn sàng tha nếu ta sai lầm. Nhưng Chúa không tha nếu ta ngoan cố.
4. “Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta”.
Đứng trước Đức Giêsu, con người phải có thái độ hoặc tin nhận hoặc từ chối. Đó cũng là thái độ mà người Kitô hữu chúng ta phải có đối với Đức Giêsu.
Đây là một sự lựa chọn dứt khoát cho chúng ta, là Kitô hữu, chúng ta không thể cứ sống cách nửa vời. Việc sống đức tin là có hoặc không? Chọn Chúa hay theo Satan; sống theo giáo lý và lề luật đạo, hay thỏa hiệp với thế gian xác thịt..? Chứ không thể bắt cá hai tay, đạo nào cũng muốn mà đời cũng muốn.
- Không thiếu những người, đạo cũng muốn giữ mà cứ để mình sống trong tình trạng hôn nhân bất hợp pháp.
- Làm người tu cũng muốn mà tình lứa đôi cũng không dứt bỏ dứt khát, khấn nghèo khó mà lại sống trưởng giả.
- Có những người đạo cũng muốn giữ mà vẫn thề thốt để được “kết nạp” và giữ được những cái nọ cái kia...
5. Bài Tin Mừng hôm nay thúc giục chúng ta vững tin vào uy quyền của Thiên Chúa. Thế lực của ma quỉ tuy mạnh mẽ nhưng quyền năng của Thiên Chúa còn mạnh mẽ hơn. Đức Kitô đã dùng cái chết và sự sống lại của Ngài để chiến thắng Satan, Ngài đã trở thành lá cờ đầu để chúng ta đi theo. Hãy gia nhập vào cộng đoàn những kẻ theo Ngài, và hãy vững tin rằng nếu chúng ta cùng chết với Ngài, ta sẽ sống với Ngài; nếu ta cùng đau khổ với Ngài, ta sẽ thống trị với Ngài.
6. Truyện: Mưu mô ma quỉ.
Ngày xưa có một con qủi hiện về báo cho người đàn ông biết là gã sắp chết. Nhưng nó lại bảo gã rằng nó có thể cứu gã nếu gã chịu làm một trong ba điều sau: một là giết tên đầy tớ của gã, hai là gã đánh đập vợ, ba là gã hãy uống rượu.
Gã kia nghĩ: Ta không thể giết tên đầy tớ trung thành, đánh vợ thì vô lý quá, vậy ta uống rượu. Rồi gã lấy rượu uống. Đến chừng say quá, gã đánh vợ, tên đầy tớ nhào vô can bị gã cho một dao chết tươi (Trích “Phúc”).
Suy Niệm 8: Ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
1. Bài đọc Cựu Ước nói đến sự cứng đầu cứng cổ của dân Israel: Thiên Chúa dẫn đường chỉ lối cho dân để họ được hạnh phúc. Thế nhưng họ đã chẳng nghe theo. Thiên Chúa lại sai các ngôn sứ đến nhắc nhở họ. Nhưng họ vẫn không nghe.
2. Thời Chúa Giêsu, thái độ ngoan cố ấy vẫn tiếp tục: khi Chúa Giêsu làm phép lạ trục xuất quỷ câm khỏi người bị nó ám, lẽ ra người ta phải hiểu đó là dấu chỉ rằng Nước Thiên Chúa đã đến. Nhưng những người biệt phái lại không muốn hiểu như vậy, họ còn cố tình xuyên tạc rằng Ngài đã dùng thế lực của quỷ vương để trừ quỷ nhỏ. Tin Mừng Mát-thêu (Mt 12, 22-32) coi đây là tội chống Thánh Thần và là tội duy nhất không được tha. Bởi vì nếu do yếu đuối hay sai lầm mà phạm tội thì dù tội có nặng hay nhiều đến đâu đi nữa Thiên Chúa vẫn rộng lượng tha thứ. Còn kẻ ngoan cố đã thấy sự thật nhưng cố tình không nhìn nhận, lại còn xuyên tạc cho nên họ không được tha. Nói đúng ra, họ không được tha vì họ không muốn được tha.
B. Suy Niệm (...nẩy mầm)
1. Tội ngoan cố là tuy thấy rõ con đường Chúa chỉ dạy nhưng vẫn cố tình không đi theo, tuy thấy rõ sai lầm của mình nhưng vẫn cố tình không chịu sửa. Người ngoan cố kể như “hết thuốc chữa”. Bởi vậy Chúa Giêsu nói đó là tội chống Thánh Thần và là tội duy nhất Thiên Chúa không tha. Chúa sẵn sàng tha nếu ta yếu duối, Chúa sẵn sàng tha nếu ta sai lầm. Nhưng Chúa không tha nếu ta ngoan cố.
2. Ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần rất hữu ích và quan trọng. Nhưng có lẽ quan trọng hơn nữa là con người có nghe theo ơn soi sáng đó hay không. Hằng ngày, Chúa Thánh Thần ban cho ta biết bao ơn soi sáng, nhưng ta nghe theo được mấy lần?
3. Nguỵ biện là thấy rõ sự thật nhưng cố ý giải thích sai đi cho hợp với sở thích. Người nguỵ biện tưởng rằng nhờ ngụy biện mình sẽ được sống thoải mái, nhưng thực ra họ tự hại chính mình. Chúa Giêsu đã nói “Sự thật mới giải thoát”.
4. Một cô gái biện hộ cho việc mình đến những nơi giải trí khả nghi: “Tôi nghĩ một người công giáo có thể đi bất cứ đâu”. Bạn cô đáp: “Tất nhiên, nhưng lời bạn làm tôi nhớ một chuyện: lần đó, tôi và một số người đến thăm một mỏ than. Một cô gái mặc bộ đồ trắng đẹp. Cô hỏi người hướng dẫn: - Tôi có thể mặc đồ trắng xuống hầm mỏ không? - Được, không có gì ngăn cản cô mặc áo trắng xuống đó, nhưng điều đáng ngại là khi trở lại, áo cô không còn trắng nữa (Góp nhặt).
Suy Niệm 9: Kitô-hữu đích thực phải giống Chúa Giêsu
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Qua bài Tin Mừng vừa nghe, chúng ta thấy sự cố chấp của những người luật sĩ và Pharisêu đã lên tới mức độ thật cao. Trước một sự thật ai cũng thấy: Chúa vừa chữa lành một người bị quỉ câm ám hại, mọi người đều thấy phấn khởi…, vậy mà những người luật sĩ và Pharisêu lại cố tình muốn bẻ cong sự thật… Đây là tội ngoan cố. Tội ngoan cố là tội tuy thấy rõ con đường Chúa chỉ dạy nhưng vẫn cố tình không đi theo, tuy thấy rõ sai lầm của mình nhưng vẫn cố tình không chịu sửa. Tội ngoan cố là tội kể như “hết thuốc chữa”. Bởi vậy, đã có lần Chúa gọi tội đây là tội chống lại Chúa Thánh Thần và là tội duy nhất Thiên Chúa không tha. Chúa sẵn sàng tha nếu ta yếu đuối, Chúa sẵn sàng tha nếu ta sai lầm. Nhưng Chúa không thể tha nếu ta ngoan cố.
Thánh Macariô tu hành ở Ai-Cập, lần kia gặp một chiếc đầu lâu của người chết, ngài mới hỏi:
- Cái sọ này của ai ?
Cái sọ trả lời: - Thưa cha, cái sọ này là của một ngoại giáo.
Thánh Macariô hỏi thêm: - Linh hồn mày hiện giờ ở đâu ?
Cái sọ trả lời:
- Thưa cha, linh hồn tôi ở dưới hỏa ngục, vì khi còn sống, thấy giữ đạo phải hy sinh nhiều quá, nên tôi không chịu trở lại.
Thánh Macariô lại hỏi:
- Hỏa ngục có sâu lắm không ?
Cái sọ trả lời: - Thưa cha, hỏa ngục sâu lắm, sâu bằng khoảng cách giữa trời và đất.
Thánh Macariô hỏi tiếp:
- Dưới hỏa ngục, có ai khổ hơn mày nữa không ?
Cái sọ trả lời: - Có các người Do Thái, đã cố chấp không chịu tin Chúa mặc dầu đã xem thấy bao nhiêu phép lạ Chúa làm.
Thánh Macariô lại hỏi thêm:
- Dưới hỏa ngục, còn ai khổ hơn người Do Thái không ?
Cái sọ trả lời:
- Có những người Công giáo xấu, đã giày đạp lên lòng thương xót Chúa đã đổ máu ra cứu chuộc họ. Rồi cái sọ nói thêm: “Còn phần cha, cha hãy lợi dụng lòng thương xót Chúa nghĩa là hãy sử dụng ơn Chúa cũng như hãy lợi dụng thời giờ Chúa ban mà lập công phúc, để khỏi phải khổ cực dưới hỏa ngục, nhưng được vinh hiển trên Trời”
Vâng, chúng ta hãy biết lợi dụng lòng thương xót của Chúa để lập thêm công phước, phải lợi dụng lòng thương xót của Chúa để xin ơn tha thứ như vậy.
2. Chúa nói: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán” (Lc 11, 23).
Đi với Chúa là chọn Chúa, là đứng về phía của Chúa. Nhưng làm cách nào biết rằng, chúng ta đã thực sự chọn Chúa và đứng về phía Chúa.
Chúng ta hãy nghe lời giải thích của Mirjana, cô gái được chính Đức Mẹ hiện ra dạy bảo tại Mễ Du. Khi người ta hỏi cô:
- Bằng cách nào chúng ta chọn Chúa Giêsu ?
Cô trả lời:
- Đức Mẹ nói rằng: muốn chọn Chúa Giêsu, ta phải nên giống Chúa. Nhiều người cho mình là tín hữu nhưng lại sống như người ngoại đạo. Kitô hữu chân chính phải là người được Kitô-hóa. Một người Kitô-hữu đích thực phải giống Chúa Giêsu.
Và khi được hỏi:
- Nên giống Chúa Giêsu như thế nào ?
Cô nhắc lại lời Đức Mẹ dạy:
- Chúa Giêsu là đường đi, là sự thật và là ánh sáng cho cuộc sống chúng ta. Đường đi thì đã được vạch rõ trong Kinh Thánh. Còn sự thật thì nằm ở cả trong Kinh Thánh và trong Giáo Hội. Ánh sáng thì từ Thiên Chúa mà đến cho những ai trung tín.
Mẹ luôn xin các con cái của Mẹ hãy đọc Sách Thánh, có như vậy ta mới biết về Thiên Chúa. Vì thế, Đức Mẹ xin những ai nói mình là tín hữu hãy sống cuộc sống của Chúa Giêsu như khi Chúa sống ở trần gian. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường về Thiên Đàng. Cuộc đời của Ngài là mẫu mực cho các tín hữu noi theo. Nếu tín hữu sống theo mẫu mực đó, họ sẽ là những môn đệ trung thành của Tin Mừng. Đời sống của họ sẽ nêu gương cho thấy có một vị Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chăm sóc dưỡng nuôi ta, đỡ nâng ta trong hết mọi sự. Nhưng Mẹ cũng không quên nhắc: “ngày nay, có nhiều người đã quên, nhiều người đã chọn lựa những điều phù phiếm mau qua, nhiều kẻ không hề quan tâm tới chân lý, chỉ biết say mê những lạc thú trần gian, trí khôn đâm mù tối và sống co rút lại trong ích kỷ”.
Cha Gioan Maria Vianney nói: “Chẳng có gì làm cho chúng ta nên giống Chúa bằng cách vác lấy Thánh Giá của Người. Đẹp thay bao linh hồn biết kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu qua việc yêu mến Thánh Giá của Ngài! Cha thật không tài nào hiểu được một Kitô-hữu mà không yêu mến và chạy trốn Thánh Giá! Như vậy, chẳng phải chúng ta đang chạy trốn Chúa Giêsu, Đấng đã hạ mình xuống ôm chặt lấy Thánh Giá, và chịu chết cho chúng ta sao ?
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Ước gì khi sống như thế, con giống Chúa hơn. Amen.
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Năm 10/10/2024 – Thứ Năm tuần 27 thường niên. – Hiệu Lực Của Lời Cầu Nguyện. (09/10/2024 10:00:00 - Xem: 530)
Thứ Năm tuần 27 thường niên.
Thứ Tư 09/10/2024 – Thứ Tư tuần 27 thường niên. – Chúa Giêsu dạy lời cầu nguyện. (08/10/2024 10:00:00 - Xem: 3,138)
Thứ Tư tuần 27 thường niên.
Thứ Ba 08/10/2024 – Thứ Ba tuần 27 thường niên. – Con đường yêu Chúa. (07/10/2024 10:00:00 - Xem: 3,832)
Thứ Ba tuần 27 thường niên.
Thứ Hai 07/10/2024 – Thứ Hai tuần 27 thường niên. – Đức Mẹ Mân Côi. Lễ nhớ. – Tôi tớ Chúa xin vâng. (06/10/2024 10:00:00 - Xem: 3,536)
Đức Mẹ Mân Côi. Lễ nhớ.
+ Chúa Nhật 06/10/2024 – CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN năm B. – Kính trọng thể ĐỨC MẸ MÂN CÔI. – Tôi tớ Chúa xin vâng. (05/10/2024 10:00:00 - Xem: 6,875)
CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN năm B. – Kính trọng thể ĐỨC MẸ MÂN CÔI.
Thứ Bảy 05/10/2024 – Thứ Bảy đầu tháng, tuần 26 thường niên. – Mừng vui đích thực. (04/10/2024 10:00:00 - Xem: 3,709)
Thứ Bảy đầu tháng, tuần 26 thường niên.
Thứ Sáu 04/10/2024 – Thứ Sáu đầu tháng, tuần 26 thường niên. – Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ. – Lắng nghe và sám hối. (03/10/2024 10:00:00 - Xem: 5,100)
Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ.
Thứ Năm 03/10/2024 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 26 thường niên. – Sai bảy mươi hai người rao giảng. (02/10/2024 10:00:00 - Xem: 4,252)
Thứ Năm đầu tháng, tuần 26 thường niên.
Thứ Tư 02/10/2024 – Thứ Tư tuần 26 thường niên. – Các thiên thần hộ thủ. Lễ nhớ. – Thiên thần bảo trợ. (01/10/2024 10:00:00 - Xem: 4,920)
Các thiên thần hộ thủ. Lễ nhớ.
Thứ Ba 01/10/2024 – Thánh TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ kính. Bổn mạng các xứ truyền giáo. – Con đường thơ ấu thiêng liêng. (30/09/2024 10:00:00 - Xem: 5,786)
Thánh TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 28 TN năm B - 2024
Không thể có chuyện lựa chọn mà lại không từ bỏ, muốn được mà lại không chịu mất. Không chịu mất điều chi thì cũng chẳng được điều gì.
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 142 - Tình yêu nam nữ
Thưa cha, con thấy tình yêu thì giống nhau. Trong khi đó, đạo Công giáo có vẻ đề cao tình yêu hơn, nghĩa là có cả một bí tích liên quan...
-
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng…
Chức tước, danh xưng trong Giáo hội VN vẫn là cơn cám dỗ rất lớn nơi người tu. Nó ít nhiều trở thành đặc ân ban phát, hay cơ cấu và thân...
-
Tại sao hôn nhân dễ tan vỡ? 10 nguyên nhân chính và cách ngăn ngừa
Dưới đây là cách đảm bảo cho cuộc hôn nhân của bạn có thể phát triển bất chấp mọi khó khăn mà nó có thể gặp phải.
-
Di sản của chúng ta: sinh lực chúng ta để lại
Nếu chúng ta sống trong cay đắng giận dữ, trong ghen tương và không sẵn lòng chấp nhận người khác, nếu cuộc sống chúng ta gieo hỗn loạn...
-
Đọc kinh Mân côi có thực sự cần thiết nữa chăng ?
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chia sẻ : “Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng và trong những giai đoạn rất khó...
-
Hội chứng “Burn Out” – Người tông đồ nên làm gì ?
Burn out là hội chứng thường được nhắc tới trong đời sống xã hội hiện đại với dòng chảy quá nhanh và hối hả, với quá nhiều giao động cùng...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN lễ Đức Mẹ Mân Côi - 2024
Đối với người trẻ hôm nay đang sống trong một thời đại tốc độ, nghĩ rằng đọc kinh như thế thật mất giờ. Đó là một suy nghĩ cạn cợt và hời...
-
Gia vị cho bài giảng lễ Chúa nhật lễ Đức Mẹ Mân Côi - 2024
Chúng ta hãy luôn sống trong niềm vui mừng và tạ ơn nhớ đến sự hiện diện của Đức Maria và Con của Mẹ là Chúa Giêsu đã biến đổi cái thế...
-
Chuỗi Mân Côi – Chuỗi ngày sống
Chuỗi Mân Côi như chuỗi ngày sống của một đời người. Chuỗi Mân Côi có thể dùng để gột bỏ những đam mê, gạn lọc những tình cảm, và kết nối...
-
Câu chuyện chiều thứ bảy: Sự cần thiết của việc lắng nghe
Lắng nghe đòi hỏi chúng ta phải chú tâm để nghe, hiểu và thấu cảm. Như vậy, lắng nghe cũng là yếu tố quyết định cuộc sống của mỗi người.
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất
- Câu chuyện truyền cảm hứng về...