Lời chúa mỗi ngày

Thứ Năm 06/04/2023 – THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY – Thánh Thể Bí Tích Phục Vụ

  • In trang này
  • Lượt xem: 9,295
  • Ngày đăng: 05/04/2023 10:00:00

Thánh Thể Bí Tích Phục Vụ

06/04 – THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY

"Ngài yêu thương họ đến cùng".

 

Lời Chúa: Ga 13, 1-15

Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa.

Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?" Chúa Giêsu đáp: "Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu". Phêrô thưa lại: "Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con". Chúa Giêsu bảo: "Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy". Phêrô liền thưa: "Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa". Chúa Giêsu nói: "Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu". Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: "Không phải tất cả các con đều sạch đâu".

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: "Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

* Các BÀI SUY NIỆM

 

1. Phải rửa chân cho nhau--Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu SJ.

Người biết mình sắp qua đời thường để lại di chúc cho con cái.

Di chúc nói lên ước nguyện, lời nhắn nhủ hay lệnh truyền của người sắp ra đi.

Có thể nói Thầy Giêsu khi biết cuộc Khổ Nạn gần đến

cũng đã để lại một di chúc kép cho các môn đệ dấu yêu:

Ngài đã rửa chân cho các môn đệ và nhất là Ngài đã lập bí tích Thánh Thể.

Thứ Năm Tuần Thánh là ngày chúng ta đặc biệt nhớ đến di chúc ấy.

Sống di chúc của Chúa Giêsu là cách biểu lộ tình yêu đối với Ngài.

Có nhiều điểm giống nhau nơi việc Rửa chân và lập Bí tích Thánh Thể.

Cả hai đều là những cử chỉ Thầy Giêsu làm lúc cận kề cái chết.

Cả hai đều được làm trong bầu khí một bữa ăn tối gần lễ Vượt Qua.

Vào lúc cuối đời, sau bao năm tận tụy với sứ mạng phục vụ,

Thầy Giêsu muốn gói ghém trong hai cử chỉ đơn giản ấy lễ hiến dâng đời mình.

Cả hai đều tượng trưng cho cái chết tự hạ trên thập giá.

Rửa chân đòi Thầy phải cúi xuống rất sâu, phải trở thành tôi tớ phục vụ.

Rửa chân là điều mà tôi tớ không hẳn phải làm cho chủ,

thì bây giờ Thầy làm cho trò.

Cái chết trên thập giá là sự phục vụ cao nhất được diễn tả qua việc rửa chân.

Bí tích Thánh Thể còn diễn tả cách tuyệt vời hơn cái chết hy sinh ấy.

Trong bí tích này, tấm bánh trở nên Mình Thầy bị bẻ ra và trao đi.

Rượu trở nên Máu Thầy, Máu sẽ bị đổ ra cho muôn người trên thế giới.

Trong cả hai biến cố Rửa chân và Bí tích Thánh Thể,

Thầy Giêsu đều mời các môn đệ tham dự cách tích cực.

Tham dự vào cái chết của Thầy bằng cách để cho Thầy rửa chân,

hay tham dự bằng cách ăn uống Mình và Máu Ngài.

Hai biến cố trên không phải là chuyện chỉ xảy ra một lần bởi Thầy Giêsu.

Thầy mời các môn đệ cũng làm như Thầy, và lặp đi lặp lại những cử chỉ đó.

“Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14).

“Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy (Lc 22, 19).

Cúi xuống phục vụ tha nhân và lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể

sẽ giúp chúng ta tham dự vào cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu.

Muốn ở lại trong tình thương của Thầy Giêsu,

cần giữ lệnh Thầy truyền (Ga 15, 10).

Mà “đây là lệnh truyền của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau

như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).

Hơn nữa, Thầy Giêsu còn cho ta một cách khác để ở lại trong Thầy:

Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì ở lại trong tôi,

và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56).

Thứ Năm Tuần Thánh là ngày lễ của Tình Yêu theo đúng nghĩa nhất.

Yêu là cúi xuống phục vụ, yêu là bẻ đời mình cho tha nhân như Thầy Giêsu.

Ước gì chúng ta được ở lại trong tình yêu của Giêsu nhờ biết yêu.

 

Cầu nguyện:

Lạy Thầy Giêsu,

khi Thầy rửa chân cho các môn đệ

chúng con hiểu rằng

Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.

Thày dạy chúng con một bài học rất ấn tượng

khi Thầy bưng chậu nước,

bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,

khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình

để rửa chân rồi lau chân cho họ.

Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ

và gọi tên từng người.

Giây phút được rửa chân

là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.

Lạy Thầy Giêsu,

thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.

Chúng con vẫn xâu xé nhau

chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.

Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.

Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi

bất chấp lương tri và lẽ phải.

Khi nhìn Thầy rửa chân,

chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.

Không phải là ban bố như một ân nhân,

nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.

Từ khi Thầy cúi xuống

rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,

chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.

Lạy Thầy Giêsu,

Thầy để lại cho chúng con

một di chúc bằng hành động.

Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,

để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.

Xin cho chúng con thấy

Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,

để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống

trên đời những ai khổ đau bất hạnh.

 

2. Yêu thương cho đến cùng--TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Tin mừng theo thánh Gioan không tường thuật việc Chúa lập Bí tích Thánh Thể, nhưng lại tường thuật việc Chúa rửa chân. Điều đó cho thấy việc rửa chân có một tầm vóc rất quan trọng. Theo thánh Gioan việc rửa chân nói lên tình yêu đến tận cùng của Chúa Giêsu. Chiêm ngắm việc Chúa rửa chân cho các Tông đồ, ta có thể thấy có 3 cuộc thanh tẩy.

Thanh tẩy thể lý. Rửa chân là việc mỗi người phải làm hằng ngày. Bàn chân là vị trí thấp nhất trong cơ thể nên dễ bị nhiễm bẩn và vì thế cần được rửa ráy nhiều nhất. Nhưng cũng vì thế mà rửa chân là công việc tầm thường nhất, đây là công việc của người đầy tớ. Hôm nay Chúa Giêsu tự nguyện đảm nhiệm công việc của đầy tớ. Chúa bắt đầu bằng cởi áo choàng. Áo choàng tượng trưng cho địa vị cao cả, cho phẩm giá con người. Khi cởi áo choàng, Chúa cởi bỏ địa vị làm Chủ, làm Thầy, làm Chúa để làm đầy tớ cho các môn đệ. Chúa lấy khăn thắt lưng. Thắt lưng là thái độ của người lao động, buộc áo cho gọn gàng để việc phục vụ nhanh nhẹn hữu hiệu hơn. Chúa bưng chậu nước. Đây là thái độ của người đầy tớ phục vụ. Và đến rửa chân cho từng môn đệ. Rửa chân nói lên cử chỉ chăm sóc yêu thương. Vì yêu thương nên khiêm nhường hạ mình chăm sóc phần thấp hèn nhất của cơ thể.

Tuy việc rửa chân có ý nghĩa yêu thương phục vụ, nhưng với Chúa Giêsu và trong bữa Tiệc Ly, việc rửa chân còn mang ý nghĩa cao sâu hơn vì nhằm thanh tẩy tâm hồn.

Thanh tẩy tâm hồn. Khi nói với Phêrô: “Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu”, Chúa Giêsu có ý nói đến việc thanh tẩy tâm hồn các tông đồ khi rửa chân cho các ngài. Bữa Tiệc ly là bữa tiệc Vượt Qua mới. Để tham dự bữa tiệc Vượt Qua cũ, người Do Thái buộc phải tẩy rửa thân xác cho thanh sạch, dù trong tiệc Vượt Qua cũ, người Do Thái chỉ tưởng niệm một biến cố đã qua và ăn thịt con chiên một tuổi vô tì tích. Vì thế khi tham dự tiệc Vượt Qua mới, ta càng cần thanh tẩy tâm hồn cho thanh sạch vì ta được gặp gỡ trực tiếp Chúa Giêsu Thánh Thể và được lãnh nhận Con Chiên Thiên Chúa vô cùng thánh thiện, vô cùng tinh tuyền.

Nhưng đi xa hơn nữa, Chúa còn muốn qua cuộc rửa chân này, thanh tẩy toàn diện cuộc đời các tông đồ.

Thanh tẩy cuộc sống. Bữa Tiệc Ly tiên báo cái chết của Chúa. Phép Thánh Thể là lễ hi sinh trên thánh giá. Việc cởi áo tiên báo Chúa Giêsu sẽ bị lột áo. Việc thắt lưng tiên báo Chúa bị bắt và bị giết. Nước rửa tiên báo nước và máu từ cạnh sườn Chúa đổ xuống. Thật vậy chẳng có nước nào thanh tẩy được con người nếu không phải là nước và máu tuôn ra từ Trái Tim của Chúa. Cái chết của Chúa chính là phép rửa mà Chúa đã nói trước: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đên khi việc này hoàn tất” (Lc 12, 50). Như thế, Chúa Giêsu dùng chính cái chết của mình để rửa chân cho các tông đồ, để thanh tẩy các tông đồ và để biến đổi đời sống của các ông. Đây quả là một tình yêu cho đến tận cùng, yêu thương nên phục vụ đến hiến cả mạng sống.

Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu mời gọi các ông: Như Thầy đã rửa chân cho anh em, anh em cũng hãy rửa chân cho nhau. Để rửa chân, phải quì xuống. Thế giới hôm nay tràn đầy sự kiêu hãnh, hợm mình và muốn chèn ép người khác để nâng mình lên. Người môn đệ hãy noi gương Chúa từ bỏ chính mình, tự hạ mình, quì gối khiêm nhường phục vụ. Để rửa chân, phải cởi bỏ áo ngoài. Thế giới hôm nay muốn tô điểm mình bằng đủ mọi thứ hình thức vỏ bọc bên ngoài. Người môn đệ phải theo gương Chúa cởi bỏ áo choàng, cởi bỏ hết những gì giả tạo bên ngoài, khiêm nhường sống với con người thực của mình. Để rửa chân phải lấy khăn thắt lưng. Thế giới hôm nay thường muốn trói buộc người khác và tự buông thả chính mình. Người môn đệ Chúa hãy biết thắt lưng, tự chế bản thân. Để chân sạch, phải lau sau khi rửa. Thế giới hôm nay thường đổ lỗi cho người khác. Người môn đệ hãy biết noi gương Chúa, lau sạch lỗi lầm của anh em, nhận lấy lỗi lầm của anh em và đeo vào thắt lưng, đảm nhận những yếu đuối của anh em.

Khi rửa chân, Chúa nói với thánh Phê rô: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”. Lời này làm ta nhớ lại khi hai môn đệ Giacôbê và Gioan xin được ngồi bên tả và bên hữu, Chúa đã hỏi: “Các con có thể uống chén ta sắp uống và chịu phép rửa ta sắp chịu không?” (Mc 10, 38). Hôm nay Chúa muốn rửa chân cho các tông đồ để các ngài được “chung phần với Chúa”. Chung phần cao nhất là cùng uống chén Chúa sắp uống và chịu phép rửa Chúa sắp chịu nghĩa là cùng chết với Chúa, chết cho con người tội lỗi, chết cho đời sống xác thịt, chết cho trần gian, để sống một đời sống mới của con người mới thánh thiện, theo thần khí trong cuộc sống cho Nước Trời.

Chung phần như thế là một vinh dự lớn lao. Chung phần như thế là được cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ thế giới.

 

3. Mình Thánh Chúa, món quà quý giá cho nhân loại--TGM Giuse Nguyễn Năng

Sứ điệp: Chúa đã ban quà cho nhân loại bằng chính Mình Thánh Chúa. Biết ơn Chúa, chúng ta phải trân trọng hưởng dùng và sống bác ái như Chúa đã làm gương.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, nếu ai đó nói con không có đức tin, con sẽ cự lại ngay. Thật ra con có đức tin đó nhưng còn yếu kém lắm. Yếu kém nên con chưa nhận ra phép lạ Chúa hằng quảng đại thực hiện trên các bàn thờ trong mỗi thánh lễ: biến bánh rượu thành Mình Máu Thánh Chúa. Chẳng ai nói một lời mà biến hóa cái này thành cái khác. Thế mà nhờ quyền năng Chúa, vị linh mục phán một lời thì bánh rượu trở nên Mình Thánh Chúa.

Con chưa đủ tin nên con chưa cảm thấy hứng khởi khi tham dự thánh lễ, không cảm thấy khao khát được rước Mình Thánh Chúa, và nhất là không sốt sắng cám ơn Chúa khi Chúa đang ngự trong lòng con qua bí tích Thánh Thể.

Con hăm hở làm việc cật lực cả ngày để kiếm tiền nuôi thân xác. Thế nhưng con thường có cảm giác mất giờ khi đi tham dự thánh lễ. Thời giờ con dành để tôn thờ Chúa và mưu ích cho linh hồn có đáng gì đâu so với thời giờ con lo cho thân xác. Vậy mà con hay so đo tính toán. Rõ ràng con còn yếu kém lòng tin. Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho con. Xin Chúa nâng đỡ tính xác thịt vốn yếu hèn của con. Xin cho con được cảm thấy sự an ủi của Chúa, được hưởng nếm sự bình an khi con có Chúa ở với con nhờ bí tích Thánh Thể.

Xin cho con biết cám ơn Chúa hằng ngày bằng cả ngày sống của con. Nhờ được kết hiệp với Chúa và được hưởng trọn tình yêu của Chúa, xin cho con biết sống hiệp nhất với tha nhân và chia sẻ tình yêu của con chan hòa đến cho mọi người. Amen.

Ghi nhớ: ”Ngài yêu thương họ đến cùng”.

 

4. Yêu là trao ban--Lm Giuse Đinh Lập Liễm

Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,10), Ngài là nguồn gốc tình yêu nên Ngài ban cho ta có tình yêu để yêu Ngài và yêu nhau. Chính vì thế Ngài nhắc lại lời Chúa Giêsu: “Đây là giới răn của Thầy: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12).

Không ai có thể định nghĩa được tình yêu mà chỉ để cho con tim cảm nghiệm được nó. Hoặc có theo định nghĩa thần học thì yêu là “diffusivum sui boni”: thông ban sự tốt lành của mình cho người khác; do đó, ta sẽ dễ hiểu được lời của thánh Gioan tông đồ: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết tình yêu là gì: đó là Đức Kitô phó mạng vì chúng ta” (1Ga 3,16)

I. TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA.

Thánh Gioan tông đồ khẳng định rằng Thiên Chúa là tình yêu nên mọi tình yêu phải bắt nguồn từ Ngài và cũng phải qui hướng về Ngài như một nguồn suối duy nhất. Nếu tình yêu của chúng ta bắt nguồn từ Ngài thì chúng ta cũng phải yêu Ngài. Chính vì thế Ngài nói: “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức ngươi và hãy yêu anh em như chính mình”(Mt 28,37.39). Ngoài ra, Chúa Giêsu còn nhắc nhở tình yêu này cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,24; 15,12).

Trong tuần thánh này và hôm nay chúng ta hãy về tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người trong công cuộc cứu chuộc này. Tình yêu ấy đã được thánh Gioan tông đồ ghi lại trong Tin Mừng: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người xuống trần gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,16-17).

II. TÌNH YÊU CỦA ĐỨC KITÔ.

Nếu đọc đoạn thư của thánh Phaolô tông đồ gửi cho tín hữu Philipphê, chúng ta mới thấy Đức Giêsu yêu thương chúng ta đến mức nào: “Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất quyết giữ lấy địa vị ngang hàng với Thiên Chúa mà lại trút bỏ vinh quang của Thiên Chúa, lại còn mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống người phàm như chúng ta. Hơn nữa, Ngài còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và còn muốn nhận lấy cái chết ô nhục trên thập giá” (Pl 2,6-11).

Ta thử hỏi: vì lý do nào mà Chúa đã xuống thế làm người chịu chết chuộc tội cho chúng ta?  Có lẽ không có câu trả lời nào khác mà chỉ có thể nói vì yêu thương chúng ta: “Không có tình yêu nào lớn lao cho bằng mối tình của kẻ chết vì người mình yêu” (Ga 15,13).

Ngoài ra, như người ta thường nói: “yêu nhau thì muốn kết hợp với nhau”. Đức Giêsu vì yêu chúng ta, không những Ngài đã hy sinh chết trên thập giá mà còn muốn ở cùng ta mọi ngày cho đến tận thế, cho nên Ngài đã thiết lập bí tích Thánh Thể.

III. THÁNH THỂ, BÍ TÍCH CỦA TÌNH YÊU.

Thánh Phaolô tông đồ trong thư gửi cho tín hữu Corintô nói: “Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con: các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cr 11,23). Chúa Giêsu đã biến mình máu Ngài làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta. Ngài chỉ có thể ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế trong bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu hiện diện trong phép Thánh Thể không phải là sự hiện diện tượng trưng nhưng là sự hiện diện thực sự với mình máu, với cả nhân tính và thần tính của Ngài.

Động cơ nào đã thúc đẩy Đức Giêsu hành động như vậy?  Đó là tình yêu! Đức Giêsu đã yêu chúng ta hết mức, Ngài đã tự vắt cạn kiệt con người của Ngài để phục vụ người khác, không còn gì để mà cho nữa mà chỉ còn cách là biến chính thịt máu mình làm của ăn nuôi linh hồn chúng ta. Đặc tính của tình yêu là muốn cho đi:

Yêu nhau cởi áo cho nhau,

Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay. (ca dao)

Cho đi là một sự mất mát, mất mát là một hy sinh, mà hy sinh là đau khổ, nhưng đau khổ vì tình yêu lại là một sự sung sướng vì đem lại niềm vui cho người mình yêu. Có một sự tương quan biện chứng giữa đau khổ và tình yêu, giữa mất và còn: hễ mất cái này thì còn cái khác. Điều kiện ắt có là hễ muốn còn cái này thì phải mất cái kia như hạt lúa phải thối đi để cho những bông lúa vàng nuôi sống con người. Con vật phải chết đi mới đem lại lương thực cho con người. Sự sống của con vật cũng như của thảo mộc phải mất đi để bảo đảm sự sống của con người.

Hy sinh cho người yêu những gì càng thiết yếu cho mình bao nhiêu thì quà tặng đó càng có giá trị. Thánh Têrêsa Calcutta nói: “Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với chúng ta, thì đó mới thật là món quà”. Đức Giêsu không những đã trao ban mọi vinh quang trên trời, lại còn trao ban cả con người của Ngài thì món quà đó quí giá dường nào (x. Mt 26,26-28).

Truyện: Giới Tử Thôi cắt thịt đùi mình.

Trên bước đường lưu vong, trốn ra nước ngoài, Công tử Trùng Nhĩ và bọn bề tôi trải qua rất nhiều cam go, lầm than, đói khổ. Không tiền bạc, hết lương thực, bọn người này phải đi ăn xin.

Một hôm đói quá, đói đến lả người, cả bọn cơ hồ không còn đi được nữa. Trùng Nhĩ phải kiếm gốc cây có bóng mát gối đầu vào đùi Hồ Mao mà nằm. Bọn bề tôi bảo nhau đi bứt rau sam về luộc ăn. Trùng Nhĩ nuốt không trôi! Bỗng Giới tử Thôi mang một bát thịt nóng hổi đến dâng.

Trùng Nhĩ ăn ngon lành! Ăn xong, khỏe khoắn liền hỏi Giới tử Thôi:

- Nhà ngươi lấy đâu được thịt ngon như thế?

Giới tử Thôi chỉ vào đùi mình, thưa:

- Ấy là thịt đùi của tôi đó. Tôi nghe rằng: nguời hiếu tử bỏ thân thờ cha, người trung thần bỏ thân để thờ vua. Nay Công tử đói không có gì ăn nên tôi phải cắt thịt đùi dâng Công tử.

Trùng Nhĩ ứa nước mắt, nói:

- Ân này, biết bao giờ ta đáp được. (Thanh Lan Võ ngọc Thành, Nhân vật Đông châu, 1968, tr 324-325)

IV. BÀI HỌC CHO TA.

về việc Chúa Giêsu lập Bí tich Thánh Thể để làm của ăn nuôi linh hồn chúng ta và muốn ở với chúng ta hằng ngày cho đến tận thế trong phép Thánh Thể, chúng ta có thể rút ra được những bài học cụ thể để áp dụng vào đời sống hằng ngày.

1. Yêu là trao ban.

Một trong các  đặc tính của tình yêu là trao ban, là cho đi. Yêu thì không muốn giữ cho mình mà muốn chia sẻ cho người khác. Chính trong việc cho đi mà người ta tìm được hạnh phúc trong tình yêu: “Không khi nào người ta yêu như người ta đã được yêu, vì vậy muốn đạt được hạnh phúc trong tình ái, chúng ta phải cho tất cả mà không đòi hỏi gì cả” (Paul Bourget).

Nếu tu viện trưởng Saint-Pierre quả quyết rằng: “Yếu tính của mọi tôn giáo, nền tảng của mọi chân lý, vương miện của mọi nhân đức căn cứ trên sự CHO và tha thứ” thì thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu đã thực hiện trong tình yêu đối với Chúa Giêsu trong mấy vần thơ do thánh nữ sáng tác:

Sống yêu đương chính là cho tất cả,

Trên đời này không đòi hỏi công lao.

Không tính toán, không kể cho là bao,

Vì đã yêu có khi nào suy tính. (Têrêsa Hài đồng)

2. Trao ban là hy sinh.

Tục ngữ Tây phương nói: “Partir c’est mourir un peu”: ra đi là chết trong lòng một ít. Lìa xa nhau là một sự hy sinh, hy sinh làm ta đau khổ, và đau khổ được coi như là chết trong lòng một ít. Vậy cho đi là cái gì đó phải lìa xa ta làm cho ta phải hy sinh, hay nói cách khác là chết trong lòng một ít. Tình yêu chân thật đòi hỏi phải hy sinh, mà hy sinh càng lớn thì tình yêu càng cao như Pierre l’Ermite nói: “Nếu biết tình yêu có chân thật hay không, hãy bỏ tình yêu vào máy ép, nếu nó tiết ra chất nước hy sinh vô vị lợi, đó là tình yêu thật”.

3. Trao ban là phục vụ.

Trao ban là cho đi, cho đi cái mình có và cái đó không còn thuộc về mình nữa mà thuộc về người khác. Như vậy, cho đi là chỉ nhằm phục vụ, phục vụ là nhằm mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Chúng ta hãy nhìn lên ngọn nến lung linh trên bàn thờ. Cây nến phải hao mòn đi để trao ban ánh sáng và sức nóng cho con người. Nếu cây nến không chịu hao mòn đi thì không có ánh sáng mà không có ánh sáng thì không phục vụ cho con người được. Lúc đó cây nến chỉ còn là đồ trang hoàng chứ không cung cấp ánh sáng cho con người được.

4. Trao ban và cô đơn.

Yêu nhau thì người ta muốn gần nhau, muốn kết hợp với nhau để không bị cô đơn, nhiều khi phải bỏ tất cả để đi theo nhau. Theo nhau không phải chỉ chấp nhận một chủ thuyết, một chủ trương hay một khuynh hướng mà là muốn nối kết với nhau trong cuộc sống, bước theo nhau, coi người kia như lẽ sống của mình tựa như: ”thuyền theo lái, gái theo chồng” (Tục ngữ):

Yêu nhau chữ vị là vì,

Chữ dục là muốn chữ tùy là theo. (ca dao)

Saint-Exupéry nói: “Cho, tức là bắc một nhịp cầu trên sự cô đơn”. Tự bản thân, con người sống cô độc, khép kín vào bản ngã mình, giới hạn vào những kiến thức, rối ren trong những khó khăn của mình. Nếu xa cách tha nhân, hoặc không có ai tới nâng đỡ, thì lại càng cô đơn thêm.

Cho, tức là bắc cầu, là mở đường giao thông. Cho cái gì? Không nhất thiết phải cho tiền bạc, của cải vật chất bởi vì ai cũng có cái gì để cho. Chúng ta có thể cho “đôi mắt” khi thấy một cụ già đang bối rối muốn băng qua đường, ta biết giúp đỡ cụ. Chúng ta có thể cho một lời nói để khích lệ hay chia buồn, một lời cám ơn, một lời khen ngợi. Chúng ta có thể cho nhau một nụ cười thông cảm, một cử chỉ thân thiện... Thử lập một danh sách xem tôi đã cho những gì và đã nhận được nhừng gì nơi người khác.

Chúa Giêsu đã trao ban cho ta chính con người của Ngài trong phép Thánh Thể, Ngài không bao giờ cô đơn vì Ngài luôn luôn biết cho đi, cho đi một cách quảng đại, cho đi không có giới hạn, cho đi mãi mãi. Nhưng chúng ta không đáp lại sự cho đi của Ngài, chúng ta thờ ơ trước sự trao ban vô vị lợi của Ngài, làm cho Ngài phải cô đơn. Để tránh sự cô đơn của chúng ta đối với Chúa và với tha nhân, ta hãy biết cho đi bằng cách phục vụ Chúa trong tha nhân, càng cho đi thì càng gần Chúa, càng sống thân mật với Ngài vì “cho đi thì có phúc hơn là nhận” và nếu yêu mà chỉ nhận thì tình yêu sẽ chết.

 

5. Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ--Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

A. Phân tích (Hạt giống...)

Chỉ một mình Thánh Gioan ghi lại cảnh Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Nhưng Gioan không chỉ tường thuật, mà còn chen vào những chi tiết rất có ý nghĩa:

- “Ngài yêu thương họ đến cùng”: đây là hành động biểu lộ tình thương.

- “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”: việc này làm có nhiều ý nghĩa sâu sắc.

- “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”: việc làm này còn có “phần” trong màu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu.

- “Nếu Ta là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho các con, thì…”: đây là cung cách của người làm lớn.

- “Các con cũng phải rửa chân cho nhau”: việc làm này hàm chứa một lệnh truyền.

B. (...nẩy mầm)

1. Ta đã cảm nhận tình thương của Chúa Giêsu. “Ngài vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình…thì đã yêu thương đến cùng”. Cũng giống như một người mẹ sắp đi xa, còn làm gì được cho con cái thì tận dụng thời gian còn lại để làm, như quét căn phòng, vá chiếc áo, để sẵn thuốc uống bên cạnh giường con…và lặp đi lặp lại những lời dặn dò…

2. ”Tuy chúng con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”: ngay trong hàng ngũ các tông đồ mà còn có kẻ không sạch. Huống chi trong tập thể của chúng ta. Thái độ đối với người không sạch ấy phải thế nào? Chúa Giêsu không dạy lên án, khai trừ; nhưng dạy phải rửa. Dòng nước tẩy rửa thì nhẹ nhàng, ên ái chứ không gay gắt, nặng nề…

3. Khi tay chân giơ, ta làm gì? Tôi không chặt bỏ, nhưng rửa cho sạch. Bởi vì phần dơ đó là chi thể của ta. Cũng thế, ta sẽ không “chặt bỏ” nhưng nhẹ nhàng “rửa sạch” một người sai lỗi trong tập thể của ta nếu ta biết coi họ là tay chân, là chi thể cả ta.

4. Cha Doncoeur, khi giải thích một bức họa nhỏ trong tập thánh vịnh của Chantilly, đã diễn tã rất đúng ý nghĩa của hoạt cảnh này: “Hai tay (của Đức Kitô) đã khéo léo hành sự là lau chân Phêrô với chiếc khăn ở thắt lưng. Ngài đứng hơi nghiêng xuống như một người đầy tớ, vai trò Ngài muốn đóng lấy lúc bấy giờ. Điều quan trọng không phải là rửa chân, nhưng là phục vụ các môn đệ và phá đổ nơi họ cái tâm thức huênh hoang tự phụ vẫn chưa nhường bước chịu thua. Chúng ta hiểu tại sao mắt của họ như nói lên một nỗi bối rối, bởi lẽ trong họ một tấm kịch đang diễn ra” (Le Christ dans l’art francais, I, Paris,Plon, 1939, trang 104). Chúng ta sẽ không thể hiểu được cuộc khổ nạn trong Tin Mừng của Gioan nếu không hình dung ra tấm kịch này và nếu không nhớ tới sự đảo lộn đang diễn ra trong tâm hồn của Gioan cũng như Phêrô, gây nên bởi câu nói của Đức Giêsu: “Nếu Thầy không rửa chân con, thì con không có phần nào với Thầy”. Trong hoạt cảnh Đức Giêsu đã hạ giáng, đã bước xuống chỗ thấp nhất này, tất cả đều trái ngược với ý nghĩ mà xưa nay các ông có về Đấng Messia. Đến nỗi các ông thấy như bị thách đố. Cách đây không lâu, Gioan đã chẳng mưu tính với anh mình là Giacôbê để vận động cho hai người được cái vinh dự là ngồi bên Đức Giêsu trong ngày Ngài được quang vinh hay sao? Thế mà bây giờ Đấng là “Chúa và Thầy” của các ông đang ăn mặc như một nô lệ và đang phục vụ dưới chân các ông! Tệ hơn nữa, Ngài còn lấy đó làm quy luật cho các môn đệ: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để theo như Thầy đã làm như thế nào thì anh em cũng làm y như vậy” (13,15). Có lẽ cũng như Phêrô, “sau này” Gioan mới hiểu được điều đó (13,7). Như một bài học đã được ghi khắc bằng những nét giống như lửa vào trong tâm hồn tự cao tự đại này: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga4,8). Để giải cứu con người, Thiên Chúa đã hạ mình đến mức đó. Từ đây tất cả mọi sự đều thay đổi ý nghĩa: tự hạ trở thành “nâng cao”. Bước xuống chỗ thấp nhất là leo lên chỗ cao nhất. Tự huỷ của một tên nô lệ chính là sự siêu tôn Con Người (“Tìm hiểu Tin Mừng theo Thánh Gioan. Trang 177-178).

 

6. Bữa tiệc Vượt qua-- Sợi chỉ đỏ--Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

– Bài đọc I: Lễ vượt qua đầu tiên của dân do thái.

– Đáp ca: Lời nguyện tạ ơn sau bữa ăn vượt qua.

– Bài đọc II: Bữa ăn vượt qua của các kitô hữu

– Tin Mừng: Tường thuật bữa tiệc vượt qua của Chúa Giêsu với các môn đệ.

*I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến.

Ba ngày Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh được gọi là Tam Nhật Vượt Qua và là đỉnh cao của năm phụng vụ. Thời gian cao điểm này bắt đầu bằng Thánh lễ chiều hôm nay, nhắc lại việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh thể và Chức Linh mục. Mỗi lần chúng ta dâng Thánh Lễ là chúng ta hiện tại hóa hy tế Thập giá, nhất là Thánh lễ chiều hôm nay.

Ngày xưa các tông đồ đã vây quanh Chúa Giêsu bên bàn Tiệc ly. Chiều nay chúng ta cũng thế. Chúng ta hãy có cùng một tâm tình, cùng một đức tin và cùng một lòng mến như các tông đồ để dâng Thánh lễ này.

*II. GỢI Ý SÁM HỐI

– Mỗi khi dâng Thánh lễ, chúng ta tuyên xưng rằng “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết”. Nhưng chúng ta có dâng Thánh lễ với tâm tình của người chứng kiến cái chết đau đớn của Chúa Giêsu không ?

– Mỗi khi dâng Thánh lễ, chúng ta tuyên xưng tiếp rằng “… và tuyên xưng việc Chúa sống lại”. Nhưng chúng ta có thực sự xác tín rằng Chúa đã sống lại và đang sống với chúng ta cách thân thiết trong Thánh Thể không ?

– Mỗi khi dâng Thánh lễ, chúng ta còn tuyên xưng tiếp rằng “… cho tới khi Chúa lại đến”. Nhưng chúng ta có thực sự hợp tác với Chúa để biến đổi thế giới này trong khi chờ đợi ngày Chúa lại đến không ?

*III. LỜI CHÚA

*1. Bài đọc I: Xh 12,1-14

Hàng năm dân do thái vẫn kỷ niệm ngày họ được giải phóng khỏi ách nô lệ ai cập bằng một bữa tiệc gọi là Tiệc Vượt qua. Đoạn sách Xuất hành này ghi lại những quy định tỉ mỉ về việc chọn con chiên vượt qua và về những nghi thức trong bữa ăn đó.

Thánh lễ mà Chúa Giêsu lập làm cho bữa tiệc vượt qua thêm đầy đủ ý nghĩa: chính Chúa Giêsu là Con Chiên vượt qua, cái chết của Ngài đã giải thoát toàn thể nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi.

*2. Đáp ca: Tv 115

Tv này là lời cầu nguyện sau bữa tiệc vượt qua. Tín hữu tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành đã lãnh nhận.

Lời nguyện tạ ơn này có được trọn vẹn ý nghĩa trong Thánh lễ, vốn được gọi là “Lễ Tạ ơn”.

*3. Tin Mừng: Ga 13,1-5

Trong bữa tiệc vượt qua cuối cùng Chúa Giêsu ăn với các môn đệ, Ngài đã rửa chân cho họ. Việc này có rất nhiều ý nghĩa:

– Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ “đến cùng”, nghĩa là yêu thương cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời trần thế của Ngài, mà cũng là yêu thương đến mức không thể nào yêu thương hơn được nữa: Vì yêu thương Ngài đã hiến mình làm lương thực cho họ ; vì yêu thương, Ngài đã chịu chết cho họ.

– Tình yêu thương phải được biểu lộ ra bằng hành động. Vì thế, Ngài không ngại quỳ xuống trước các môn đệ và rửa chân cho họ như một người đầy tớ quỳ xuống rửa chân cho chủ.

*4. Bài đọc II: 1 Cr 11,23-26

Có nhiều lệch lạc trong cộng đoàn Côrintô trong việc cử hành bữa tiệc vượt qua kitô giáo, tức là Thánh lễ. Thánh Phaolô viết đoạn thư này để nhắc các tín hữu ý nghĩa của Thánh lễ: Thánh lễ vừa là tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu, vừa là hiện tại hóa những ơn ích của cái chết đó. Vì thế ta phải dâng Thánh lễ với tâm tình yêu mến và biết ơn Chúa, đồng thời phải yêu thương đoàn kết với nhau.

*IV. GỢI Ý GIẢNG

*1. Những bài học từ bữa tiệc ly

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu dạy các môn đệ mình những bài học sâu sắc bằng việc làm và lời nói của Ngài:

– Bằng việc làm: Trước khi hiến thân chịu chết trên thập giá và trước khi hiến mình làm của ăn, Chúa Giêsu đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. 3 việc làm này liên kết với nhau và đều dạy bài học phục vụ: phục vụ như Người Tôi tớ mà ngày xưa ngôn sứ Isaia đã tiên báo ; phục vụ cách khiêm tốn, phục vụ với tình yêu và phục vụ đến nỗi hy sinh bản thân mình.

– Bằng lời nói: trong bầu khí thân mật của gia đình, Chúa dạy một điều răn mới. Điều răn này mới không phải ở nội dung (“chúng con hãy thương yêu nhau”) mà ở cách thức và mức độ thi hành (hãy yêu hương nhau “như Thầy yêu thương chúng con” ; “Thầy đã làm gương để chúng con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho chúng con”).

Cử hành Lễ Vượt qua với Chúa Giêsu trước hết là chấp nhận để cho Chúa Giêsu phục vụ chúng ta và yêu thương chúng ta. Có như thế chúng ta mới được thực sự rửa sạch, như lời Chúa Giêsu đã nói với Phêrô xưa.

Cử hành lễ Vượt qua với Chúa Giêsu còn là phải noi gương Ngài để trở thành người tôi tớ yêu thương và phục vụ những người khác theo cách của chính Chúa Giêsu.

*2. Hai chiều kích của bữa tiệc ly

Thánh lễ ngày nay là hiện tại hóa bữa tiệc ly đêm thứ năm tuần thánh đầu tiên. Nó có hai ý nghĩa chính:

– Đó là một bữa ăn gia đình: mọi người cùng ngồi một bàn với nhau, cùng ăn những món chung nhau, cho nên phải đoàn kết yêu thương nhau. Đó là chiều ngang. Nhưng nếu chỉ lưu ý tới chiều ngang này thì Thánh lễ hầu như chỉ còn như một bữa giỗ.

– Thánh lễ còn loan báo việc Chúa Giêsu chịu chết và sống lại và hiện tại hóa những ơn sủng dồi dào do việc Chúa Giêsu chết va sống lại ban cho loài người. Đó là chiều đứng.

Khi dâng Thánh lễ chúng ta phải để ý đến cả hai chiều kích ấy và phải có đủ cả hai tâm tình ấy: vừa liên kết với Chúa vừa liên kết với anh em. Sai lầm thường mắc phải là chỉ chú ý đến chiều kích này mà quên đi chiều kích kia.

*3. Rửa chân không phải chỉ là một việc vệ sinh

Phêrô không hiểu ý nghĩa việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, nên Chúa Giêsu nói “Việc Thầy làm, bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”.

Về sau, Phêrô đã hiểu gì ? Thưa hiểu rằng đó không phải chỉ là một việc làm vệ sinh, mà ý nghĩa còn sâu sắc hơn nhiều.

Khi tay chân mình dơ thì mình làm gì ? Chặt bỏ đi ư ? Không, không ai muốn chặt tay chặt chân mình bao giờ cho dù nó dơ bao nhiêu đi nữa. Nó dơ thì mình rửa cho sạch. Bởi vì nó là một phần của thân thể mình, một phần của sự sống mình.

Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, bời vì họ là anh em của Ngài (“Anh em như thể tay chân”). Ngài dạy chúng ta rửa chân cho nhau vì chúng ta cũng là anh em của nhau, tay chân của nhau.

Khi chúng ta chặt bỏ ai thì đó là dấu chúng ta không còn coi người đó là anh em của mình nữa. Chặt bỏ bằng kết án, khai trừ.

Còn nếu chúng ta vẫn còn coi người đó là anh em của mình thì dù người đó dơ bao nhiêu đi nữa, mình sẽ cố gắng rửa cho sạch.

Dòng nước tẩy rửa rất nhẹ nhàng, trong lành, êm ái…

*V. TRONG THÁNH LỄ

– Trước kinh Lạy Cha: Mọi người chúng ta là anh em của nhau, Chúa Giêsu là anh cả, và Thiên Chúa là Cha. Trong tâm tình gia đình thân thiết, chúng ta hãy dâng lên Cha chúng ta lời kinh mà chính Chúa Giêsu đã dạy.

– Trước lúc rước lễ: Thánh lễ hôm nay diễn lại đúng nghĩa nhất Thánh lễ đầu tiên của Chúa Giêsu trong đêm Thứ Năm tuần Thánh đầu tiên. Chúng ta hãy rước lễ sốt sắng như các tông đồ ngày xưa.

*VI. GIẢI TÁN

(Hôm nay không có)

 

7. Giới luật yêu thương--Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Hôm nay là ngày Thứ năm Tuần Thánh, ngày Chúa Giêsu ngồi thật gần các môn đệ của Ngài để mừng lễ Vượt Qua cổ xưa của người Do Thái.

Chúng ta tham dự vào bữa tiệc hôm nay để tưởng niệm đến cái chết và sự Phục Sinh của Chúa.

A. Trong Thánh lễ hôm nay, Giáo Hội còn muốn chúng ta nhớ lại giới luật yêu thương mà Chúa Giêsu đã đặc biệt trối lại như một lệnh truyền: ”Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

Chúa Giêsu đã chẳng có gia sản gì để trối lại cho các môn đệ của Ngài, nhưng Ngài lại để lại cho các môn đệ và những người đi theo Ngài một lời trối đặc biệt này. Đây là giới răn, là lệnh truyền chính Chúa nói ra cũng như đã thực hành trong phòng tiệc ly.

Ngài cũng không quên cho các môn đệ của Ngài biết lý do tại sao Ngài lại để lại cho họ giới răn yêu thương đó. Đó chính là vì Ngài đã yêu thương mọi người trước.

Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một điều hết sức lạ lùng.

Tiếc rằng, ngày hôm nay, nhiều người chưa thấy được điều đó. Thiên Chúa yêu thương con người. Ngài muốn được gần gũi với con người: ”Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20)

Phần chúng ta, chúng ta có tin rằng, Thiên Chúa là Đấng thật sự đang yêu thương mỗi một người trong chúng ta hay không? Ngài yêu thương con người một cách sâu sắc và thân mật còn hơn cả tình yêu của bất cứ người mẹ nào yêu thương con mình, hay như bất cứ người tình nào yêu người yêu của mình.

Chỉ khi nào chúng ta xác tín được như thế, thì chúng ta mới có thể đáp trả lại tình yêu Chúa đúng phép.

Khi Chúa Giêsu nói: ”Thầy ban cho anh em một điều răn mới: anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34). Đây không phải là một điều luật được áp đặt lên trên chúng ta từ bên ngoài, nhưng đây là phương thức giúp cho cuộc sống của chúng ta được tốt đẹp hơn, hài hòa hơn.

Thế giới này sẽ tốt đẹp biết bao nếu giới luật này được mọi người đưa ra thực hành. Cuộc sống sẽ hạnh phúc biết bao khi không còn chiến tranh, không còn bạo lực, không còn độc ác, không còn nô lệ. Lúc đó mọi người sẽ được giải thoát khỏi sự hận thù và tranh chấp.

B. Một điểm khác cần được đề cập tới trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay: Đó là việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Chỉ có một mình Thánh Gioan ghi lại cảnh này: Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ của Ngài.

Cha Doncoeur đã diễn tả thật khéo sự việc này như sau “Hai tay (của Đức Kitô) đã khéo léo lau khô hai bàn chân của Phêrô với chiếc khăn ở thắt lưng. Ngài đứng hơi nghiêng xuống như một người đầy tớ, vai trò Ngài muốn đóng lấy lúc bấy giờ. Điều quan trọng không phải là rửa chân, nhưng là phục vụ các môn đệ và phá đổ đi cái tâm thức huênh hoang tự phụ đang còn bao trùm lên tâm trí của họ. Chúng ta hiểu tại sao mắt của họ như nói lên một nỗi bối rối, bởi lẽ trong họ một tấm kịch đang diễn ra” (Le Christ dans l’art franҫais, I, Paris, Plon, 1939, trang 104). Chúng ta sẽ không thể hiểu được cuộc khổ nạn trong Tin Mừng của Gioan, nếu không hình dung ra được màn kịch này và nếu không nhớ tới sự đảo lộn, đổi ngôi đang diễn ra trong tâm hồn của Gioan cũng như Phêrô, do một câu nói của Đức Giêsu như một lời cảnh cáo: ”Nếu Thầy không rửa chân con, thì con không có phần nào với Thầy”(Ga 13,8).

Quả thực, Đức Giêsu đã tự hạ, đã bước xuống chỗ thấp nhất. Tất cả đều trái ngược với những ý nghĩ mà xưa nay các ông có về Đấng Messia, đến nỗi các ông ấy cảm thấy như bị thách đố.

Chúng ta còn nhớ cách đây không lâu, Gioan đã chẳng mưu tính với anh mình là Giacôbê để vận động cho hai người ngồi hai bên tả bên hữu Đức Giêsu trong ngày Ngài được quang vinh hay sao? Thế mà bây giờ Đấng là “Chúa và Thầy” của các ông ấy lại ăn mặc như một nô lệ và đang phục vụ dưới chân các ông! Và còn kinh khủng hơn khi Ngài còn coi việc đó như một quy luật và bảo họ phải theo: ”Thầy đã nêu gương cho anh em, để như Thầy đã làm như thế nào thì anh em cũng làm y như vậy” (13,15). Việc làm của Chúa quả thực là khó hiểu. Mãi ”sau này” Gioan mới hiểu được điều đó (13,7), và ông đã phải viết lên “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8).

Vâng! Để giải cứu con người, Thiên Chúa đã hạ mình như thế. Từ đây tất cả mọi sự đều thay đổi ý nghĩa: tự hạ trở thành “nâng cao”. Bước xuống chỗ thấp nhất là leo lên chỗ cao nhất. Tự huỷ của một tên nô lệ chính là sự siêu tôn Con Người.

Đó là con đường Chúa đã đi. Những ai muốn đi theo Ngài không có quyền đi ra khỏi đường đó.

 

8. Bài học rửa chân (Ga 13,1 – 15)--Lm Giuse Đinh Tất Quý

Chiều thứ Năm Tuần Thánh là một buổi chiều của tình yêu. Cả bầu không khí thấm đẫm tình yêu. Từng lời nói, từng cử chỉ của Chúa Giê-su đều trang trọng và đậm đặc sứ điệp tình yêu làm cho phòng Tiệc ly hôm nay thật ấm cúng. Hai cử chỉ nổi bật trong bữa Tiệc ly là việc Chúa Giê-su lập Phép Thánh Thể và rửa chân cho các Môn đệ.

Thánh Gio-an không tường thuật việc lập Phép Thánh Thể, nhưng chỉ tập trung vào việc rửa chân. Việc rửa chân được miêu tả rất tỉ mỉ, rành rọt, từng chi tiết, bằng lời văn trang trọng. Ta hãy đọc lại đoạn tả Chúa Giê-su chuẩn bị rửa chân cho các môn đệ: ”Chúa Giê-su đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Người đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ.”

Chúa Giê-su cử hành việc rửa chân một cách trang trọng như cử hành một bí tích. Vì việc rửa chân bổ túc cho bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể được cử hành trong nhà thờ. Việc rửa chân được thực hiện ngoài cuộc đời. Khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giê-su có ý dạy ta hãy thực hành đạo không chỉ trong nhà thờ mà còn ngoài xã hội nữa. Bí tích Thánh Thể hướng lòng ta về Chúa. Việc rửa chân hướng lòng ta về con người. Khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giê-su có ý dạy ta rằng chỉ mến Chúa thôi thì chưa đủ, cần phải yêu người nữa mới trọn vẹn điều răn Chúa truyền. Bí tích Thánh Thể được cử hành trên bàn thờ. Việc rửa chân được cử hành trên con người. Khi rửa chân cho các môn đệ Chúa Giê-su dạy ta rằng con người chính là đền thờ, là bàn thờ của Chúa.

Chúa Giê-su cử hành nghi thức rửa chân một cách trang trọng vì Người kính trọngcon người. Đang ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài, lấy khăn thắt lưng, đó là cử chỉ của người đầy tớ. Khi chủ đang ngồi ăn, đầy tớ phải đứng phục vụ. Để việc phục vụ được dễ dàng đầy tớ phải cởi bỏ áo ngoài, thắt lưng cho gọn gàng. Hãy xem, Người quỳ gối xuống trước mặt môn đệ. Ai nhìn cảnh tượng này mà không xúc động đến ứa lệ. Thiên Chúa quỳ đối trước mặt con người. Thiên Chúa hạ mình phục vụ con người. Thật là một cảnh tượng mà không trí óc nào có thể tưởng tượng nổi. Thật là một sáng kiến mà không có nhà phát minh nào dám ngờ tới. Chưa hết, khi Phê-rô lên tiếng hỏi, Chúa Giê-su ngẩng mặt lên để trả lời. Một cảnh tượng khiến những tâm hồn kiêu căng phải vỡ ra tan nát. Thiên Chúa phải ngẩng đầu lên mới đối diện được với con người. Thiên chúa hạ mình thẳm sâu để tôn vinh con người. Thiên chúa trân trọng con người, biến con người thành đối tượng phục vụ.

Có thứ phục vụ vì bắt buộc. Có thứ phục vụ vì yêu thương. Chẳng ai có thể bắt buộc Thiên chúa phục vụ con người. Chính tình yêu thương đã thúc đẩy Người làm điều ấy. Hãy nhìn Người nâng niu bàn chân nhân loại. Những bàn chân đã lầm đường lạc lối. Những bàn chân mang đầy thương tích. Những bàn chân cáu bẩn bụi trần. Người âu yếm kỳ cọ cho sạch mọi đau thương. Người nhẹ nhàng tẩy rửa mọi vết nhơ phản bội. Người dịu dàng phủi đi lớp bụi kiêu căng. Người lặng lẽ xoá đi những dấu vết mặc cảm. Người rửa sạch đôi chân để từ nay nhân loại có thể đứng thắng lên. Người uốn nắn đôi chân để từ nay con người biết đi vào đường nay nẻo chính.

Chúa Giê-su không giải thích trước khi rửa chân cho các môn đệ. Làm rồi Người mới nói. Việc làm của Người không chỉ đi đôi mà còn đi trước lời nói. Người muốn dậy tôi hiểu rằng việc làm quan trọng hơn lời nói. Việc phục vụ tự nó đã là một giải thích sâu xa, dễ hiểu và có sức thuyết phục. Chính việc làm minh chứng một tình yêu chân thành tha thiết.

Chiêm ngắm Chúa rửa chân cho các môn đệ, tôi hiểu rằng: Thánh lễ không kết thúc ở nhà thờ mà còn phải tiếp tục trong cuộc sống. Thánh lễ ngoài cuộc đời cũng quan trọng không kém gì thánh lễ trong nhà thờ, nên cũng phải cử hành một cách trang nghiêm kính cần. Lễ vật dâng trên bàn thờ còn thiếu sót nếu tôi chưa dâng trong đền thờ thân xác con người lễ vật yêu mến phục vụ anh em. Cuộc kết hiệp với Chúa trong bí tích Thánh Thể chưa trọn vẹn nếu tôi không kết hiệp với anh em trong tình yêu thương được biểu lộ trong sự phục vụ khiêm nhường. Việc giữ đạo sẽ khập khiễng nếu tôi chỉ tạo được mối liên hệ tốt với Chúa mà không có mối liên hệ tốt với anh em. Tôi sẽ không thực hành ý Chúa nếu tôi chỉ thờ phượng Thiên chúa mà không kính trọng con người. Trân trọng con người, quan tâm phục vụ anh em đó là tất cả ý nghĩa của bài học rửa chân mà chúng ta sắp cử hành theo gương Chúa Giê-su Kitô Thầy Chí Thánh.

Xin được kết thúc bằng một câu truyện có thật do Mẹ Têrêsa Calcutta kể nhân dịp trả lời cho một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình.

Ở châu Úc có một người thuộc thổ dân Aborigine sống trong cảnh cô độc thật thảm thương. Ông sống trong một túp lều xiêu vẹo khi tuổi đã già nua. Khởi đầu câu chuyện cho lần gặp đầu tiên, tôi đã đề nghị:

- Để tôi dọn dẹp nhà và sửa soạn giường ngủ cho ông.

Ông ta trả lời hững hờ:

- Tôi đã quen sống như vậy rồi.

- Nhưng ông sẽ cảm thấy dễ chịu hơn với căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp.

Sau cùng ông ta bằng lòng để tôi dọn dẹp lại nhà cửa cho ông. Trong khi quét dọn tôi thấy một cái đèn cũ đẹp nhưng phủ đầy bụi bặm và bồ hóng. Tôi hỏi ông:

- Có bao giờ ông thắp đèn này chưa?

Ông ta trả lời cộc lốc:

- Nhưng thắp đèn để cho ai? Có ai bước chân vào nhà này bao giờ đâu? Tôi sống ở đây đã từ lâu không hề trông thấy mặt người nào cả.

Tôi hỏi ông:

- Nếu như có người tình nguyện đến thăm ông thường xuyên, ông có vui lòng thắp đèn lên không?

- Dĩ nhiên.

Từ ngày đó, các nữ tu quyết định mỗi chiều sẽ ghé qua nhà ông. Ông ta bắt đầu thắp đèn và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ hơn. Ông còn sống thêm hai năm nữa. Trước khi qua đời ông nhờ các nữ tu ghé thăm nhắn tin giúp ông:

- Xin nhắn với mẹ Têrêsa, bạn tôi, rằng ngọn đèn mà mẹ thắp lên trong đời tôi vẫn còn chiếu sáng. Đó chỉ là một việc nhó mọn, nhưng trong bóng tối cô đơn của đời tôi, một tia sáng đã thắp lên và vẫn còn tiếp tục chiếu sáng mãi.

Ngọn đèn cũ không được thắp sẽ trở nên vô dụng và quên lãng nơi một xó xỉnh nào đấy, nhưng khi được châm vào một chút dầu tình yêu và sự bao dung thì nó đem đến sự sáng và sưởi ấm lòng người. Giờ đây, con người dù phải sống cô độc nhưng không còn cô đơn nữa vì bóng tối đã bị đẩy lui và nhường bước cho tình yêu và lòng bao dung của những đốm sáng nhỏ nơi con người, nơi nhân loại.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã yêu thương đến nỗi quỳ xuống phục vụ. Chúa còn sẵn sàng hi sinh hiến mạng sống cho con, xin cho con biết yêu mến Chúa thành thực, biết phục vụ Chúa trong anh em của con. Amen.

 

9. Hãy yêu thương như Thầy--Lm. Đan Vinh

(Xh 12, 1-8. 11-14; 1 Cr 11, 23-26; Ga 13, 1-15)

Tin Mừng Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay cho chúng ta thấy tình yêu tột đỉnh của Đức Giê-su qua ba sự kiện như sau:

1) Yêu thương là hiến thân phục vụ cho người mình yêu:

Yêu thương bằng lời nói có thể bị coi là yêu bằng đầu môi chót lưỡi. Yêu thương bằng cử chỉ có thể bị coi chỉ là giả hình bề ngoài. Còn khi yêu thương bằng hành động mới chứng tỏ một tình yêu thực sự.

Vì thế, Đức Giê-su không những dạy các môn đệ yêu thương nhau: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, mà Người còn đòi các ông phải yêu thương bằng hành động cụ thể noi gương Người làm: cởi bỏ chiếc áo cao quý của thân phận Thiên Chúa đế đeo chiếc khăn thấp hèn của người phàm và cúi mình rửa chân hầu hạ các ông.

Rửa chân xong, Người tiếp tục dạy môn đệ bài học phục vụ: “Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm... Vậy Thầy là “Chúa” là “Thầy” mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”.

Qua hành động này, Đức Giê-su muốn mỗi tín hữu cũng phải yêu thương bằng hành động rửa chân phục vụ tha nhân. Rửa chân bao gồm những việc như: lắng nghe để cảm thông với nhu cầu của tha nhân, rồi đáp ứng bằng việc chia sẻ cơm áo cho người đói rét, băng bó những vết thương và góp phần chữa lành bệnh nhân liệt giường, an ủi những người đau khổ vì bị áp bức kỳ thị, thăm viếng những cụ già neo đơn bị bỏ rơi trong các nhà dưỡng lão…

2) Yêu thương là muốn hiệp nhất với người mình yêu:

Khi yêu thương người ta không những hy sinh phục vụ nhau, mà còn muốn nên một với nhau như có người đã nói: “Mình với ta tuy hai mà một. Ta với mình tuy một mà hai”. Vì thế, Đức Giê-su đã thiết lập bí tích Thánh Thể, để biến tấm bánh trong bữa ăn thành Thân Mình của Người sắp bị nộp và biến chén rượu trở thành Máu thánh Người sắp đổ ra trong cuộc khổ nạn làm của ăn của uống cho các môn đệ hầu ban sự sống muôn đời cho những ai lãnh nhận: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em” (1 Cr 111,24); vì “Ai ăn thịt và uống máu Thầy, thì sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,5a).

3) Yêu thương là muốn được ở mãi với người mình yêu:

Đức Giê-su đã hứa trước khi lên trời: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế “ (Mt 28,20). Để có thể ở cùng các môn đệ luôn mãi, Đức Giê-su đã thiết lập bí tích truyền chức thánh để trao ban chức linh mục cộng đoàn cho các tín hữu, và chức linh mục thừa tác cho những người được tuyển chọn: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).

Khi tham dự thánh lễ Tiệc Ly chiều Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay, ước gì mỗi tín hữu chúng ta hiểu được bài học khiêm tốn phục vụ qua nghi thức rửa chân và cảm nhận được tình thương tột cùng của Chúa qua bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng ta sẵn sàng đáp lại tình Chúa yêu thương bằng sự kết hiệp mật thiết với Chúa khi dự lễ rước lễ, rồi sẵn sàng quên mình để phụng sự Chúa và tha nhân, hầu nên chứng nhân cho Chúa trước mặt người đời (x. Cv 1,8).

 

10. Dấu hiệu của một tình yêu tuyệt đỉnh--Lm. Đan Vinh

(Xh 12,1-8.11-14; 1 Cr 11,23-26; Ga 13,1-15)

1. Thế nào là một tình yêu tột đỉnh:

Ngày nọ, một đôi vợ chồng bướm tranh cãi nhau. Con nào cũng cho rằng tình yêu của mình nhiều hơn bạn kia không ai chịu thua ai. Sau cùng để xác định hơn thua, bướm đực đề nghị: “Ngoài vườn có một cây hoa hồng mỗi sáng đều có nở một bông hồng rất đẹp. Vậy sáng mai chúng ta sẽ thi nhau xem: ai sẽ đến ngồi vào trong bông hoa hồng trước, khi nó vừa nở ra sẽ chứng tỏ mình có tình yêu nhiều hơn". Bướm cái gật đầu đồng ý.

Hôm sau, ngay từ sáng sớm bướm đực đã bay đến đứng chờ ngay bên bông hoa sắp nở, chờ khi nó vừa nở ra là chú sẽ chui vào trước bướm cái. Có điều khi sắp tới lúc hoa nở mà vẫn chưa thấy bướm cái xuất hiện. Rồi cuối cùng thì cũng tới lúc hoa nở, chú bướm liền nhanh chân chui vào. Nhưng chú rất ngạc nhiên khi thấy bướm cái đã có mặt trong bông hoa rồi. Có điều khi nhìn kỹ thì chú thấy bướm cái đã bị chết khô. Thì ra để nắm chắc phần thắng, bướm cái đã bay đến cây hoa hồng ngay từ tối hôm trước. Cô bướm đã chui qua kẽ hở vào ngồi trong bông hoa. Cô định sáng sớm hôm sau khi hoa nở và gặp bướm đực cô sẽ chứng tỏ tình yêu cô dành cho chú thật lớn lao. Nhưng chẳng may cô lại bị chết ngạt trong bông hoa khi nó chưa nở!

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy tình yêu của bướm cái dành cho bướm đực thật tuyệt vời. Đối với loài người chúng ta cũng vậy: tình yêu thật cần thiết để chúng ta được sống vui tươi hạnh phúc. Khi có tình yêu người ta sẽ cảm thấy cuộc đời thật đáng sống. Khi tình yêu biến mất thì cuộc sống cũng bị chìm trong nỗi buồn chán cô đơn và tuyệt vọng.

2. Đức Giê-su đã làm gì để chứng tỏ tình yêu tột đỉnh dành cho chúng ta?:

Phụng Vụ Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta về tình yêu cao cả của Chúa Giê-su dành cho chúng ta. Đức Giê-su đã thể hiện tình yêu tột đỉnh khi sẵn sàng quỳ gối rửa chân hầu hạ môn đệ để dạy các ông bài học khiêm nhường phục vụ; Sẵn sàng trở thành của ăn của uống thiêng liêng nuôi dưỡng đức tin của chúng ta qua việc thiết lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly. Còn các tín hữu chúng ta sẽ làm gì để đáp lại tình thương vô biên của Chúa Giê-su, nhất là trong những ngày Tam Nhật Thánh và trong mùa Phục Sinh sắp tới?

3. Lời cầu quyết tâm:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương chúng con bằng một tình yêu tột đỉnh, thể hiện qua hành động khiêm tốn rửa chân cho môn đệ và sau đó thiết lập bí tích Thánh Thể để trở thành lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng đức tin của chúng con. Xin gia tăng lòng tin yêu trong chúng con, để chúng con noi gương Chúa quan tâm đến người chung quanh, sẵn sàng phục vụ cộng đoàn, nhất là thăm viếng những người nghèo đói bệnh tật và đau khổ bất hạnh gần bên chúng con, hầu chúng con trở thành dấu chỉ môn đệ đích thực của Chúa.- Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 1,014)

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,347)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,221)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,763)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,428)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,815)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,804)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,914)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,230)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,580)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7