Lời chúa mỗi ngày

Thứ Năm 05/12/2024 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 1 mùa vọng. – Người khôn ngoan thực sự.

  • In trang này
  • Lượt xem: 1,675
  • Ngày đăng: 04/12/2024 10:00:00

 Người khôn ngoan thực sự.

05/12 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 1 mùa vọng.

"Ai thực hiện ý Chúa Cha, sẽ được vào nước trời". 

 

LỜI CHÚA: Mt 7, 21. 24-27

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không phải tất cả những ai nói với Ta, 'Lạy Chúa, lạy Chúa!', là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời.

"Vậy ai nghe những lời Ta nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá.

Và hễ ai nghe những lời Ta nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Xây trên nền đá

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ. )

Sau khi một cơn bão đi qua thành phố,

người ta ngạc nhiên khi thấy những căn nhà sụp đổ

lại là những công trình mới xây chưa được bao lâu.

Còn những công trình xưa lại hiên ngang đứng vững.

Cũng có khi sau một cơn dông,

một cây còn xanh bỗng nhiên ngã đổ.

Người ta lại gần và thấy ruột của cây đã bị mục từ lâu.

Dông bão làm lộ ra sự thật, vén mở chân tướng,

vì khi biển lặng, ai cũng có thể là hoa tiêu.

Đời con người tránh sao khỏi những dông tố.

Ai cũng mong xây căn nhà đời mình cho kiên cố vững vàng,

đứng được trước bão táp phong ba.

Nhà càng cao, nền càng phải chắc chắn.

Xây trên cát hay trên đá cho thấy ai dại, ai khôn.

Thầy Giêsu dạy các môn đệ biết thế nào là xây đời mình trên đá.

Đó là đem ra thực hành những lời Thầy dạy

mà họ đang nghe trong Bài Giảng trên núi (Mt 5-7).

Sống lời Thầy dạy là chọn đi vào con đường hẹp, ít người đi,

với những thách đố và thiệt thòi, những hiểm nguy và nhục nhã.

Chỉ ai dám sống như thế mới đứng vững khi dông bão bất ngờ ập tới.

Lúc ấy người bị coi là ngu vì sống lời Thầy, mới lộ ra là người khôn.

Vì lời của Thầy Giêsu diễn tả ý muốn của Cha trên trời,

nên thi hành lời Thầy cũng là thi hành ý muốn của Cha.

Đây là điều kiện cần thiết để được vào Nước Trời,

vì tuyên xưng trên môi Thầy Giêsu là Chúa, vẫn chưa đủ (c. 21).

Chúng ta đang sống trong Mùa Vọng, mùa ngóng đợi Nước Chúa đến.

Đây là thời gian thuận tiện để suy nghĩ về cái nền của căn nhà mình,

cái nền của những công trình ta đang đầu tư xây dựng.

Có khi chúng ta thấy nó sao quá mong manh.

Chúng ta không đợi đến lúc dông bão mới gia cố nền móng.

Căn nhà của giáo xứ, giáo phận hay Giáo Hội cũng vậy.

Xây nhà cao tầng mà nền không chắc thì nhà dễ nghiêng.

Đối với ngôn sứ Isaia,

“Chính Đức Chúa là Đá Tảng bền vững ngàn năm” (Is 26, 4).

Tin vào Ngài, ta sẽ được bảo vệ chở che và thêm mạnh sức.

Ngoài Đức Chúa, chẳng có gì vĩnh hằng.

Cuộc sống hôm nay có vẻ ổn định hơn xưa.

Thật ra số phận con người hôm nay bấp bênh hơn nhiều.

Chỉ một sai sót nhỏ cũng kéo theo một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Chỉ một tranh chấp nhỏ cũng có thể làm bùng lên một cuộc chiến.

Hãy xây tương lai của xã hội và Giáo Hội trên Đá Tảng.

Hãy xây những dự tính của đời mình trên nền đá.

Nhờ đó những công trình của chúng ta trở thành vĩnh cửu.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,

vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,

nhưng lại không dám đem ra thực hành.

Chính vì thế

Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con

đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,

đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,

để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con

được xây trên nền tảng vững chắc,

đó là Lời Chúa,

Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

 

Suy Niệm 2: Vương quốc của Chúa

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa sẽ đến thiết lập vương quốc của Người. Chúa sẽ mở cửa đón nhận thần dân vào trong nước của Người. Nhưng để được tuyển chọn phải trải qua thử thách. Thử thách khốc liệt giống như những trận mưa sa bão táp, cuốn đi hết những gì giả trá, phù phiếm, hời hợt bên ngoài. Chỉ những gì có nền tảng vững chắc mới tồn tại.

Hôm nay Chúa cho biết nền tảng vững chắc chính là thực hành Lời Chúa. Bình thường mọi người đều kính mến Chúa như nhau. Ai cũng thưa với Chúa: Lạy Chúa, lạy Chúa, con yêu mến Chúa. Nhưng trải qua khó khăn thử thách, qua bão táp mưa sa, mọi sự mới phân rõ trắng đen, mới tách bạch thực hư, mới hiện rõ đá vàng. Người nghe Lời Chúa mà không thực hành giống như người xây nhà trên cát. Chỉ có bề mặt mà không có bề sâu. Chỉ có vẻ đẹp bên ngoài mà không có vẻ đẹp bên trong. Chỉ có phần trên mà không có nền tảng. Khi gặp mưa sa bão táp, sẽ đổ nát tan tành và sóng nước cuốn đi mất tăm mất tích.

Người nghe Lời Chúa và đem ra thực hành giống như người xây nhà trên đá, có nền móng vững chắc, như cây cổ thụ đâm rễ sâu trong lòng đất, dù mưa sa bão tố đến, dù những khó khăn thử thách dập vùi, vẫn đứng vững kiên cường.

Tiên tri Isaia cho biết những người xây nhà trên đá là những người đặt niềm tin tưởng nơi Chúa. Còn những người xây nhà trên cát là những người tin vào thế lực phàm trần. Thế lực trần gian tưởng vững chắc nhưng sẽ bị Thiên Chúa lật nhào, thành trì trần gian tưởng kiên cố nhưng sẽ bị Thiên Chúa triệt hạ. Còn những ai tin vào Thiên Chúa, sống “công chính và trọn niềm trung nghĩa” với Chúa, sẽ được Chúa xây dựng cho “thành trong lũy ngoài che chở” cho họ. Họ sẽ kiên vững vì “Đức Chúa là Núi Đá bền vững” che chở họ đến muốn đời. Đó cũng là giáo huấn của Thánh vịnh đáp ca: “Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian”.

Mùa Vọng chính là mùa cho tôi thực hành Lời Chúa dậy. Âm thầm nhưng kiên cường. Như người thợ xây hì hục đào móng, âm thầm xây gạch. Như người nông phu thức khuya dậy sớm, âm thầm gieo hạt, âm thầm cày xới. Để tôi thực sự được gặp Chúa. Được biết đến niềm vui hoàn thành ngôi nhà đẹp đẽ vững chắc. Được như người nông phu tưng bừng rộn rã trong mùa gặt trĩu nặng kết quả.

 

Suy Niệm 3: Người Khôn Ngoan Thi Hành Ý Chúa

Ở bất cứ một xã hội nào, một quốc gia nào, một thời đại nào, người ta vẫn trọng chữ "Tín", nghĩa là tin tưởng nhau, đặt trọn niềm tin ở nhau. Ai cũng muốn sống chân thật, không lừa dối, phỉnh phờ ... Khi tìm bạn để kết nghĩa, ai cũng muốn sống với nhau bằng trái tim chân thành. Không lạ gì khi người ta có quan niệm: "Một túp lều tranh, hai quả tim vàng". Người ta sợ nhất những người ăn nói dẻo miệng, ăn nói ngọt ngào, vì ai cũng cho là "mật ngọt chết ruồi". Những người có khoa ăn nói dễ thành công khi ngoại giao tiếp xúc với bên ngoài nhưng không mấy ai kết thân trong tình nghĩa.

Và hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta một nhận xét: "Không phải những ai nói Lạy Chúa! Lạy Chúa là được vào Nước Trời nhưng chỉ có những người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời". Chúa Giêsu cũng thường lên án những người Do Thái bấy giờ: "Dân này thờ Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta".

Chúng ta đi tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật để thờ phượng Thiên Chúa, thế nhưng chúng ta đã không hẳn hoàn toàn nhớ đến Chúa. Chúng ta vẫn để ý những câu chuyện đâu đâu, từ nhà đến phố chợ, từ công sở cho đến những việc giải trí. Chúng ta không tìm hiểu Thánh Lễ là gì đối với những phần chính yếu trong Thánh Lễ mang một ý nghĩa nào. Qua các phần đó, Chúa Giêsu muốn nói gì với chúng ta qua Giáo Hội. Chúng ta giữ đạo chứ chúng ta chưa sống đạo: giữ đạo tức là chúng ta giữ các giới răn của Chúa như người thanh niên trong Tin Mừng thuật lại rằng: "Khi anh đến xin cùng Chúa Giêsu nhân lành: Lạy Thầy, con phải làm gì để được sống đời đời. Chúa Giêsu đã bảo anh ta: Hãy thờ phượng Thiên Chúa, hãy thảo kính cha mẹ, chớ ngoại tình, chớ gian tham, chớ làm chứng dối ... Người thanh niên đó thưa: Lạy Thầy, những điều ấy tôi đã giữ từ thuở nhỏ. Chúa Giêsu liền nói với anh: Vậy anh hãy về bán tất cả của cải rồi đến đây theo Ta. Vì nhiều của cải nên anh không thể bỏ mà đi theo Ngài được". Như vậy anh thanh niên đó đã giữ trọn lề luật cho chính bản thân mình mà thôi, còn đối với những người khác, anh vẫn chưa thực hiện được việc yêu người.

Chúng ta cũng thế, chúng ta có thể giữ trọn Mười Ðiều Răn của Chúa, vẫn không trộm cắp, không ngoại tình, vẫn đi nhà thờ theo luật Chúa dạy. Thế nhưng người bên cạnh tôi không có gì ăn tối, tôi đang dư phần cơm nguội nhưng vẫn điềm nhiên như chẳng liên can gì đến tôi. Trên đường đi đến nhà thờ dự thánh lễ là nguồn mạch yêu thương, thế nhưng có người đang bị trúng gió ngã bên đường, liếc mắt qua, nhìn lại không thấy ai tôi cũng nhanh chân bước vội vì sợ trễ thánh lễ. Vào nhà thờ, người vào trước ngồi trên, chúng ta vẫn cứ ngồi cuối nhà thờ mặc cho ai kêu gọi lên trên. Có lẽ chúng ta sợ Chúa phạt nên ngồi xa xa chăng.

Tình yêu Thiên Chúa cơ mà. Chúng ta sống đạo, sống luật Chúa trong tình yêu thương. Thiên Chúa thực sự và gần anh chị em trong tâm tình con một Cha chung trên trời, khi chúng ta cùng nhau đọc lời kinh Lạy Cha, có như thế chúng ta mới thực sự sống đạo, có như thế chúng ta mới xây nhà trên đá được. Dù sóng gió, bão táp của cuộc đời, ngôi nhà sống đạo của chúng ta vẫn vững bền, dù sóng gió có lùa vào thì cũng không thể làm sập nổi, dù có mưa sa nước lũ, căn nhà đức tin của chúng ta cũng không hề hấn gì, vì được bao bọc bằng tình thương quan phòng của Thiên Chúa che chở. Ðó là người khôn ngoan mà Chúa Giêsu đã nói hôm nay: "Ai nghe và giữ lời Ta nói đây mà đem ra thực hành thì giống như người khôn ngoan xây nhà trên đá". Nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, đó là một cần thiết cho mọi Kitô hữu. Và Chúa Giêsu còn quả quyết thêm: "Ai nghe và giữ lời Ta thì là Mẹ Ta, là anh em Ta".

Bàn Tiệc Lời Chúa và Bàn Tiệc Mình Máu Thánh Chúa quan trọng như nhau. Trong Thánh Lễ nhắc nhở cho chúng ta hai phần quan trọng nhất là Bàn Tiệc Lời Chúa, Bàn Tiệc Mình Máu Chúa. Lời Chúa là của ăn bổ dưỡng tinh thần cho chúng ta, Mình Chúa là của ăn thần linh nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho chúng ta ý thức được điều đó.

Lạy Chúa, xin cho chúng con chuẩn bị mừng Chúa đến trong tâm tình yêu mến và ý thức cảm nghiệm được thức ăn bổ dưỡng tâm linh cho chúng con, đó là thức ăn Lời Chúa và Mình Máu Chúa. Amen.

 

Suy Niệm 4: Thực thi chân lý

R. Khrisna, nhà thần bí Ấn độ, có kể câu chuyện như sau:

Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagayad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sự đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho nhà vua nghe, và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi: “Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không?” Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời: “Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã”.

Dĩ nhiên, thái độ của vua làm cho nhà sư buồn không ít. Ngày nào ông cũng miệt mài tra cứu cốt để giúp nhà vua hiểu được lời kinh trong sách thánh của Ấn giáo. Nhưng mỗi ngày ông có cảm tưởng như mình đang làm một công việc dã tràng.

Ngày nọ, giữa lúc đang định tâm, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sự quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua: “Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ thần đã hiểu được”.

Sự giác ngộ của nhà sư trên đây có thể gợi lên cho chúng ta lời nhắn nhủ của thánh Gioan Tông đồ. Trong thư thứ nhất, ngài lặp đi lặp lại nhiều lần: “Chúng ta phải thực thi chân lý, chúng ta phải sống chân lý. Ai thực thi chân lý sẽ đến với ánh sáng”. Giác ngộ đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý.

Giáo huấn của thánh Gioan chính là âm vang của lời Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay: “Không phải những ai nói: Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời, nhưng chỉ những ai thực thi ý Cha Ta trên trời, những người ấy mới được vào Nước Trời”.

Chúa Giêsu không bao giờ dạy điều gì mà chính Ngài không sống và thực thi trước. Cả cuộc sống Ngài là một tiếng xin vâng với thánh ý Thiên Chúa, cả cuộc sống Ngài là một thể hiện lời Ngài giảng dạy.

Ước gì lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về sứ mệnh của người Kitô hữu, đó là làm chứng cho Đức Kitô, không những bằng những tuyên xưng hay biểu dương bên ngoài, mà bằng cả cuộc sống của chúng ta.

 

Suy Niệm 5: Giấc mơ tồn tại vững chắc

 “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi”. (Mt. 7, 21)

Một Lời

Thiên Chúa khác với các thần tượng ở sự tồn tại vững chắc muôn đời của Thiên Chúa, còn các thần tượng khác thì chóng qua, chóng hết. Lời Thiên Chúa thì kiên cố vì Ngài đã thực hiện những việc kỳ diệu. Hành động của Ngài mạnh mẽ vô song đã đánh bại quân thù. Sự trung tín của Ngài được thể hiện mãi mãi. Tình yêu của Ngài tồn tại đến muôn đời.

Tin mừng hôm nay nói cho chúng ta biết sự tồn tại vững chắc của Thiên Chúa như tảng đá cho chúng ta xây nhà. Ngài quả quyết ai xây nhà trên tảng đá này sẽ được hoàn toàn bình an vững chắc. Tảng đá đó chính là Đức Kitô.

Trong Xã Hội Chúng Ta

Xã hội tân tiến của chúng ta luôn luôn phô trương quảng cáo mọi cái đều vững chắc lâu bền. Những công ty quảng cáo đều nhấn mạnh việc thành lập đã nhiều năm. Người ta tuyên bố một công ty bảo hiểm vững chắc như “Hòn đảo Gibraltar” trên Đại tây dương ngoài biển khơi Châu Phi. Trái lại, chính những công ty đó lại sụp đổ khi nền kinh tế bị khủng hoảng. Thế mà chúng ta vẫn bị quảng cáo lừa dối, dù chúng ta biết rõ những loại đó chỉ tồn tại được vài năm như máy giặt, máy sấy, ô tô.

Còn chúng ta, chúng ta tưởng mình đang an toàn khi có việc làm vững chắc bảo đảm, khi mọi liên hệ của chúng ta với bà con thường gần gũi nhau. Chúng ta còn đề phòng cho tương lai mình được vững chắc bằng số tiền dự trữ gửi vào ngân hàng hay cho vào quỹ hưu bổng.

Thế Nào Mới Là Tồn Tại Vững Chắc Thật

Hôm nay Tin Mừng dạy ta biết thế nào là tồn tại vững chắc thật. Nếu người ta chỉ nói, chỉ hô hào, chỉ đọc kinh, chỉ la ó phản đối bất công, chỉ tố cáo giả hình thì người ta đã xây nhà trên cát. Chỉ nói suông không đủ làm nền móng vững chắc cho đời sống. Phải hành động, phải sống thực với lời cầu nguyện, phải sống công bằng và thực thi bác ái. Phải thực hiện như thế mới thực sự xây nhà trên đá.

Vậy hôm nay tôi sẽ làm gì?

C. G

 

Suy Niệm 6: Sống và thi hành

Cuộc đời môn đệ là một cuộc đời đi theo Đức Giêsu. Tuy nhiên không chỉ có cái ”mác”, mà còn phải có cái ”cốt”; cái ”chất” của người môn đệ nữa. Người môn sinh hoàn hảo là người để cho Lời Chúa soi dọi, thấm đượm vào từng hành vi, cử chỉ ... , đồng thời phải là người trung thành và thi hành theo giáo huấn của Đức Giêsu cách cụ thể chứ không phải trên giấy tờ, sách vở ... .

Hôm nay, Đức Giêsu nhấn mạnh đến căn tính của người môn đệ và mời gọi phải sống triệt để thì mới được chung hưởng phần phúc Nước Trời với Ngài, đó là: "Không phải tất cả những ai nói với Ta, ‘lạy Chúa, lạy Chúa!’, là được vào Nước Trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào Nước Trời”. Như vậy, người được tuyển chọn chính là những người dám sống những đòi hỏi của Tin Mừng cách thực tế chứ không phải chỉ trên đầu môi chót lưỡi. Không chỉ hiểu mà còn phải sống và thi hành những gì đã cảm nghiệm.

Điều đó đã được Đức Giêsu vạch ra trong bài giảng trên núi. Thi hành như thế là người khôn ngoan, biết lo cho cuộc sống mai hậu, biết xây đời mình trên đá chứ không phải trên cát.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần tránh lối sống giả hình, đạo đức hão huyền. Không thể sống mãi kiểu đạo đức hình thức bên ngoài. Những chuyện bên lề đó chỉ là khởi điểm để dẫn ta đi đến cốt lõi của đạo. Nếu không sống cốt lõi của nó, thì mãi mãi chúng ta chỉ là kẻ dựa dẫm, lăng xăng mà thôi.

Hãy tránh cho xa những thói giả hình như: phô trương, hình thức; quá lo lắng đến tiếng tăm bề ngoài; hay xét đoán người khác trong sự nông nổi, nhẹ nhạ ... .

Cần phải thi hành cho được những đức tính tốt như: phục vụ anh chị em cách vô vị lợi; chia sẻ cơm bánh cho người nghèo cách quảng đại; khiêm tốn khi thành công; vững tin khi thất bại và phó thác trong mọi hoàn cảnh; đồng thời, làm mọi việc là vì vinh danh Chúa chứ không phải vinh thân chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa tha thứ cho chúng con vì những lần chúng con hời hợt mà bỏ qua tinh thần của Chúa là thi hành và yêu mến luật Chúa. Xin cho chúng con biết sống thật tình với Chúa và anh chị em trong cuộc đời và nhất là trong Mùa Vọng này. Amen.

Ngọc Biển, SSP

 

Suy Niệm 7: Thi hành Ý Cha

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Muốn được vào Nước Trời, tuyên xưng ngoài môi miệng không đủ, nghe và tin Lời Chúa không đủ, còn phải đem Lời Chúa ra thực hành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con là người tin Chúa, con mang danh hiệu là Kitô hữu, là môn đệ Chúa. Đã bao nhiêu lần con được nghe Lời Chúa. Đã bao nhiêu lần con đọc kinh Tin kính. Đã bao nhiêu lần con kêu cầu Danh Chúa. Điều đó thật là dễ, Chúa ơi. Tuyên bố mình là kẻ có đạo, tuyên xưng Danh Chúa, đọc hoài câu kinh, nghe hoài câu Phúc âm, đôi lúc cũng thật là khó, như hoàn cảnh các thánh tử đạo. Còn ngoài ra điều đó quá dễ, vì con nghĩ rằng nó không đòi hỏi nhiều cố gắng, và chẳng ảnh hưởng gì tới cuộc sống con. Những mẫu kinh có sẵn, con cứ đọc chẳng cần suy nghĩ, chẳng cần thay đổi cuộc sống. Lạy Chúa, quá dễ. Và điều đó ru ngủ lương tâm con và làm con ảo tưởng tự mãn.

Còn việc thực hành Lời Chúa, thì quả thực là khó. Lạy Chúa, bởi vì nó đòi hỏi con phải thay đổi cuộc sống, buộc con phải bỏ mình, hy sinh, phải từ bỏ ý riêng, tập quán xấu, những đam mê lầm lạc. Điều đó thật là khó.

Chính vì con thích dễ dãi và ngại khó khăn nên con đã trở thành kẻ khờ dại xây nhà trên cát. Lạy Chúa, con không muốn xây dựng đời mình trên sự ảo tưởng, trên sự tự mãn, để rồi cuối cùng phải chứng kiến đời mình sụp đổ tiêu tan.

Nhưng con muốn đời mình vững vàng trung kiên nhờ đem Lời Chúa thực hành. Con muốn sống Lời Chúa. Xin Chúa ban cho con lòng can đảm để sống Lời Chúa, dù phải hy sinh, dù phải từ bỏ, dù phải sống khác người, dù phải lội ngược dòng. Như vậy, dẫu muôn ngàn cám dỗ khổ đau, thánh giá, hoạn nạn tấn công đời con, như phong ba bão táp trút lên căn nhà, con vẫn đứng vững trên Đá Tảng. Lạy Chúa, xin cho con sự trung tín và khôn ngoan. Amen.

Ghi nhớ: ”Ai thực hiện ý Chúa Cha, sẽ được vào nước trời”.

 

Suy Niệm 8: Dựa trên chính Đức Kitô là đá tảng

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Đầu tháng 5/2009, cơn bão Nargis đổ bộ vào châu thổ Irrawaddy của Miến Điện (Myanma) với những cơn lốc xoáy làm nước dâng lên sau bão với mức 3,5 m. Nước tràn vào khu vực đồng bằng làm cho hàng triệu ngôi nhà sụp đổ và gây ra cái chết cho 78.000 người.

Theo Đài BBC, ngày 19 tháng 5/2009, ý kiến của các chuyên gia cho rằng: Châu thổ Irrawaddy của Miến Điện có nhiều nét tương đồng với đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá dễ bị thiệt hại nặng nề trong trường hợp các cơn bão mạnh cấp 14 đổ bộ vào, châu thổ rộng lớn này đa số là nhà cửa sơ sài, tạm bợ với những mái tranh, vách đất, không có nhiều các công trình kiên cố như đổ móng, cột bê tông…

Chúng ta muốn xây nhà thì phải có nền móng, cột bê tông để nhà thêm vững chắc, trước phong ba bão tố, lụt lội có thể trụ vững... Cho nên ông bà ta có dạy: “Nhà có nền ắt phải vững” (Tục ngữ).

 Lời khuyên của cha ông về nhà xây trên nền vững đưa chúng ta về với bối cảnh Tin Mừng Mt 7,21-27: “Nhà xây trên nền đá và nhà xây trên cát”. Nhà ở đây là tượng trưng cho cuộc đời, tượng trưng cho ý nghĩa nơi nương thân cả cuộc sống trong Chúa. Nếu như ngôi nhà vật chất cần được xây dựng trên nền móng bê tông bền vững như đá tảng để có thể đứng vững trước phong ba bão tố lũ lụt…, thì cuộc sống nhân sinh cũng phải được xây dựng trên nền móng đá vững chắc, nền móng đó là niềm tin, tin vào chính Thiên Chúa. Niềm tin vào Ngài là lắng nghe lời Ngài và đem ra thực hành như Chúa Giêsu đã dạy: “Ai nghe những lời Ta nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá” (Mt 7,24-25). Nghe lời Thầy đem ra thực hành là tạo nền móng vững chắc cho cuộc sống, vì thế Chúa Giêsu đã nói: “Phúc cho ai nghe lời Chúa và đem ra thực hành” (Lc 11,28).

Tin Mừng nhắc nhớ chúng ta hãy tìm lại Đức Kitô là nơi nương náu, là nền móng để chúng ta xây cuộc đời như Thánh Vịnh đã cất tiếng ca nguyện: “Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn” (Tv 30,3b). Xây nhà của kiếp nhân sinh trên đá là khi nghe và sống Lời Chúa, chúng ta hãnh diện xác tín vào Đức Kitô - Đá tảng. Với niềm tin mà chúng ta sống khởi sắc vui tươi. Dựa trên chính Đức Kitô không thể hoài nghi là tiến bước hy vọng trong cuộc đời, không hề thất vọng trước những chờ đợi nơi Thiên Chúa 

Xây cuộc sống của kiếp nhân sinh trên đá tảng đó là đứng vững trong đức tin. Tất cả những hoài nghi, ngập ngừng của niềm tin đặt vững vàng trên Đá tảng - Đức Kitô - “Người là  đá tảng vững vàng, ở bên Thiên Chúa tôi hằng ẩn thân” (Tv 62,8).

Chính vì thế, chúng ta đặt nền móng đời của kiếp nhân sinh nơi Đức Kitô như Thánh Phaolô đã dạy: “Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Ðức Giêsu Kitô” (1Cr 3,11).

Ý lực sống

“Duy Người là Đá tảng, là ơn cứu độ của tôi,

là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng” (Tv 62,3.7).

 

Suy Niệm 9: Phải thực hành Lời Chúa

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Đức Giêsu đưa ra nguyên tắc để đo lường sự hoàn thiện của người môn đệ để xứng đáng vào Nước Trời, đó là “Thi hành ý muốn của Thiên Chúa”. Điều này chứng tỏ Đức Giêsu đòi hỏi phải sống, phải làm, phải thực hiện trong đời sống, chứ không chỉ biết, chỉ hiểu và nói suông ngoài môi miệng: lời nói phải đi đôi với việc làm.

2. Muốn thực thi Lời Chúa, trước hết phải yêu mến Lời Chúa, lắng nghe, học hỏi và suy niệm: nghe Lời Chúa với tấm lòng ngưỡng mộ và đơn sơ như đám dân lành đơn sơ, chất phác theo Chúa khắp nẻo đường Palestina. Học hỏi Lời Chúa như Maria ở Bêtania, ngồi bên chân Chúa, lắng nghe để múc lấy nguồn an vui và ơn soi sáng. Suy niệm Lời Chúa như Đức Mẹ đã kính cẩn ghi nhớ và suy nghĩ trong lòng để biết thánh ý của Thiên Chúa.

3. Thứ đến phải hiểu Lời Chúa, càng ăn sâu vào lòng, Lời Chúa càng phát triển và càng thêm sức mạnh cho tâm hồn. Rồi phải tin Lời Chúa, vì Lời Chúa là kho tàng sự thật, trong đó có nhiều mầu nhiệm vượt trên và ngoài lý trí cũng như  sự hiểu biết của con người. Cho nên, cần phải có lòng tin mới chấp nhận được những mầu nhiệm ấy.

4. Sau hết, không những phải lắng nghe, phải hiểu, phải tin mà còn phải thực hành Lời Chúa. Bởi vì Lời Chúa, dù có tốt đẹp và quí giá đến đâu mà không thực hành thì cũng vô dụng. Đức Giêsu cho chúng ta thấy điều đó qua hình ảnh  của hai người xây nhà mà Chúa gọi là người khôn và người dại.

5. Nhằm diễn tả giá trị của việc thực thi Lời Chúa để được vào Nước Trời, và để được gọi là hoàn thiện, Đức Giêsu đã ví  với việc xây nhà. Xây dựng nhà cửa là một công việc hết sức quan trọng và được tượng trưng cho việc xây dựng cuộc đời. Điều này đã được thánh Gioan diễn tả: “Và thế gian đang qua đi cùng với đam mê của nó, còn kẻ làm theo ý Thiên Chúa thì lưu tồn vạn đại” (1Ga 2,17).

Như vậy, Đức Giêsu có ý nói với thính giả vừa nghe bài giảng trên núi của Chúa để xác định rằng người môn đệ nghe Lời Chúa giảng mà đem ra thực hành, thì xứng đáng là người khôn ngoan, biết lo cho đời sống hạnh phúc và phải coi những người như vậy là người khôn khéo, biết đặt nền móng vững chắc mà xây dựng nhà, dù mưa to gió lớn  không làm đổ được tòa nhà thiêng liêng ấy, vì xây trên sự thực hành giáo huấn của Chúa. Nếu chỉ nghe mà không tuân giữ thì người đó là kẻ dại dột, như kẻ xây dựng nhà cửa trên bãi cát, khi có mưa to gió lớn, tức là khi gặp thử thách, thì tòa nhà thiêng liêng của họ bị sụp đổ (Mỗi ngày một tin vui)

6. Trong cuộc sống phải làm sao cho tri và hành phải đi đôi với nhau như người ta thường nói: tri hành đồng nhất. Ta biết là thuốc tốt cho sức khỏe, nhưng không chịu uống thì cũng chẳng ích lợi gì, dự án có tuyệt vời mà không thực hiện trong thực tế thì cũng kể bằng không. Lúc nào cũng hứa mai tôi sẽ nên thánh, mốt tôi sẽ giữ đạo ... Nhưng chẳng bao giờ thực hành thì cũng vô ích.

7. Bài Tin mừng hôm nay dạy cho ta biết thế nào là tồn tại vững chắc thật. Nếu người ta chỉ nói, chỉ hô hào, chỉ đọc kinh, chỉ la ó phản đối bất công, chỉ tố cáo giả hình thì người ta đã xây nhà trên cát. Chỉ nói xuông không đủ làm nền móng vững chắc cho đời sống. Phải hành động, phải sống thực với lời cầu nguyện, phải sống công bằng và thực thi bác ái. Phải thực hiện như thế mới thực sự xây nhà trên đá.

8. Truyện: Giác ngộ đích thực.

R. Khrisna, nhà thần bí Ấn độ có kể câu chuyện như sau: một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagavad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi:

- Bệ hạ có hiểu những gì  thần vừa dẫn giải không?

Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời:

- Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã.

Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả  mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua:

- Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng, hạ thần đã hiểu được ... .

 

Suy Niệm 10: Thi hành ý muốn của Cha Thầy

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống ...

Câu chủ yếu của đoạn này là câu 21: “Không phải bất cứ ai thưa “Lạy Chúa, lạy Chúa” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi”.

Các câu 24-27 là những hình ảnh minh hoạ cho câu trên: người nghe Lời Chúa rồi thi hành giống như người “khôn” xây nhà trên đá; kẻ nghe Lời Chúa nhưng không thi hành giống như người “ngu” xây nhà trước cát.

B ... nẩy mầm.

1. Chủ đề của bài đọc Cựu Ước, và sẽ được bài TM nhắc lại: “Dân công chính biết giữ sự trung tín, hãy tiến vào”

2. Tri phải đi đôi với hành. - Ta biết là thuốc tốt những không chịu uống thì cũng chẳng ích lợi gì. - “Hoả ngục được lát toàn bằng những thiện chí”: mai tôi sẽ nên thánh, mốt tôi sẽ giữ đạo…. Những chẳng bao giờ thực hành.

3. Chúng ta thường xây nhà trên cát, vì chúng ta xây dựng cuộc sống đạo của mình trên những luật lệ, những nghi lễ, trên những câu kinh “Lạy Chúa, lạy Chúa”. Chúng ta ít quan tâm xây dựng cuộc sống trên việc tìm và thi hành ý Chúa, trên việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa.

4. Muốn biết ngôi nhà đức tin của ta được xây trên cát hay trên đá, hãy coi những lúc “mưa sa, nước cuốn, bão táp” dập vùi xem đức tin ta có còn đứng vững hay không.

5. “Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagavad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi “Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không?”. Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời “Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã” ... Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua “Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ thần đã hiểu được” ... Giác ngô đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý”. (Trích "Mỗi ngày một tin vui")

6. “Chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời thì mới được vào Nước Trời mà thôi” (Mt 7,21)

Có lần tôi xem được một chương trình trên tivi về những người cùng khổ trong xã hội. Họ không có lấy một chỗ dựa, một ai nâng đỡ để hòa nhập cuộc sống của mọi người. Họ đang cần sự giúp đỡ của bạn, và của chính tôi. Đã bao nhiêu lần, tôi khước từ lời kêu cứu của họ. Tôi dửng dưng trước lời họ mời gọi. Và như thế, tôi cũng khước từ ý muốn của Cha. Ý muốn của Cha là “anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu anh em”, nghĩa là sẵn sàng hiến mạng sống vì anh em. Vậy, tôi phải cứu lấy những anh em tôi, phải thi hành ý muốn của Cha.

Lạy Chúa, xin cho con biết yêu thương anh em như Chúa đã yêu con, để người ta nhận biết chúng con là môn đệ của Ngài (Epphata).

 

Suy Niệm 11: Thi hành ý muốn của Cha

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Câu chủ yếu của đoạn này là câu 21: "Không phải bất cứ ai thưa: "Lạy Chúa, lạy Chúa" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi".

Vâng! Biết phải đi đôi với làm. Ta biết là thuốc tốt nhưng không chịu uống thì cũng chẳng ích lợi gì. Người Tây Phương có câu châm ngôn: "Hoả ngục được lát toàn bằng những thiện chí"

Cha Jean Weslay là một nhà giảng thuyết nổi tiếng. Một hôm có một bác nông phu người Anh đến nghe cha giảng. Hôm đó, cha giảng về đề tài dùng của cải. Ông nhà quê này chăm chú nghe.

Bài giảng chia làm 4 phần:

Phần 1: Hãy tìm cho được của cải. Đầu đề này làm ông kia hài lòng quá, thúc tay vào người ngồi cạnh ông nói nhỏ: hay quá, thật tuyệt.

Phần 2: Hãy tiết kiệm: người kia sung sướng ngồi thẳng lên, chăm chú nhìn cha và nuốt lấy từng lời cha nói. Ông nghĩ cha nói đúng quá. Chính mình cũng vẫn chủ trương như vậy.

Phần 3: Đừng xài phí: Người nhà quê gật gù hài lòng. Ông nghĩ mình phải thầm cám ơn Chúa vì mình vẫn nghĩ và hành động đúng như vậy.

Phần 4: Hãy rộng rãi làm phúc.

Nghe đến đây, ông nhăn mặt khó chịu, thở dài đứng lên bỏ về.

Ở đời rất đông người hành động theo bác nhà quê này: lý thuyết nhiều nhưng thực hành ít, lý thuyết thì rất hay nhưng thực hành thì chẳng có gì.

2. Chúng ta thường xây nhà trên cát, vì chúng ta hay xây dựng cuộc sống đạo của mình trên những luật lệ, những nghi lễ, trên những câu kinh "Lạy Chúa, lạy Chúa". Chúng ta ít quan tâm đến việc xây dựng cuộc sống đạo đức của mình trên việc tìm và thi hành ý Chúa, hay trên việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

Muốn biết ngôi nhà đức tin của chúng ta được xây trên cát hay trên đá, hãy coi những lúc "mưa sa, nước cuốn, bão táp" dập vùi xem đức tin ta có còn đứng vững hay không.

Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagavad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi:

- Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không?

Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời

- Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã.

Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua:

-  Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng, hạ thần đã hiểu được... Giác ngộ đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý. (Trích "Mỗi ngày một tin vui").

Có thực thi chân lý thì chân lý mình hiểu biết mới đem lại kết quả tốt cho cuộc sống bằng không thì chân lý sẽ chẳng khác gì những dòng chữ chết.

3. "Chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời thì mới được vào Nước Trời mà thôi" (Mt 7,21)

Ý muốn của Thiên Chúa thì đã quá rõ, chỉ có điều là chúng ta có chịu đem áp dụng vào cuộc sống của mình hay không. Thí dụ Chúa dạy chúng ta phải hiền lành. "Chúng con hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng". Nhưng trong cuộc sống chúng ta đã sống theo Lời Chúa dạy chưa.

Có một đứa bé lẻn vào nhà ăn trộm tiền của Cha Jean Marie Vianney, cha sở họ Ars. Hai  thầy giúp việc cho Cha sở coi đây là việc hệ trọng nên báo cáo cho xã trưởng biết. Ông này bèn cho gọi em nhỏ ấy đến làm bộ tra vấn răn đe cốt để em nhỏ sợ sau không dám tái phạm nữa. Bà mẹ em nhỏ nghi ngờ chính là cha sở đã tố cáo con bà, bà hùng hổ chạy thẳng ra nhà thờ, đến chỗ cha đang ngồi giải tội. Nhìn thấy điệu bộ bà hằm hằm cơn lôi đình, hai thầy bảo nhau:

- Nguy đến nơi rồi.

Rồi cả hai cùng chạy ra nhà thờ xem sự thể ra sao.

Đang lúc quá giận, bà tiến thẳng đến tòa giải tội, gọi cha ra ngay. Vừa giải tội xong một người, cha bước ra. Bà này liền nói một thôi một hồi:

- Con tôi còn nhỏ tuổi, có tinh nghịch chăng nữa thì đã đến nỗi nào mà cha nộp nó cho xã trưởng?

Bà nhiếc móc một hồi cho hả giận. Cha Vianney đứng khoanh tay nghe phán xét, rồi bình tĩnh trả lời vắn tắt:

- Bà nói phải đấy, xin bà cầu cho cha sửa mình lại!

Nói thế rồi, Ngài lại vào tòa tiếp tục giải tội như trước.

Vâng! Thật là tấm gương cho ta.

Biết Lời Chúa dạy nhưng phải sống thì Lời Chúa mới đem lại niềm vui cho mình.

Lạy Chúa, xin cho con biết yêu thương anh em như Chúa đã yêu con, để người ta nhận biết chúng con là môn đệ của Ngài (Epphata).

 

Suy Niệm 12: Thực hiện ý Chúa Cha sẽ được vào Nước Chúa

(Lm. Micae Võ Thành Nhân)

Người Việt Nam chúng ta thường nói: “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư” (CD TN VN). Nghĩa là phận làm con, muốn nên người có ích cho gia đình, cho xã hội thì phải vâng lời cha mẹ, bề trên, những người hướng dẫn dạy dỗ mình, còn nếu bất tuân thì mình sẽ là một con người hư đốn, làm khổ người khác. Như vậy, chúng ta là con cái Chúa, muốn vào nước trời sau này, chúng ta phải nghe và thực hiện lời Chúa dạy thì mới được. Kinh nghiệm lịch sử là ông Adong và bà Evà không nghe lời Chúa dạy để rồi ăn trái cấm và loài người chúng ta phải chịu hậu quả như thế này đây.

Đạo của Chúa là đạo nhập thế, đạo thực hành chứ không phải là đạo trên văn bản giấy tờ chữ viết. Điều ấy Chúa muốn chúng ta không phải là một Kitô hữu trên danh nghĩa mà là một Kitô hữu trên thực tế, đích thực. Là người có đạo thì chúng ta phải sống đạo, ví dụ Chúa dạy chúng ta “Mến Chúa, yêu người”, ở đây chúng ta chỉ nói một khía cạnh của lời Chúa là “Yêu người“ mà thôi. Yêu người là chúng ta biết tha thứ cho họ, cầu nguyện cho họ, chia cơm sẻ áo cho họ, lấy lời lành mà khuyên bảo nhau ….(xMt 5, 42 – 48), vì như thánh Giacôbê đã nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chêt” (Gia 2, 17). Do đó, tât cả các nhân đức mà chúng ta thực hiện được theo lời Chúa dạy trong cuộc sống thì nó như chất liệu dầu thắp sáng ngọn đèn đức tin để khi Chúa đến dẫn chúng ta vào nước trời thì chúng ta sẽ được gặp Chúa: “Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: Không phải tất cả những ai nói với Ta, Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời” (Mt 7, 21).

Khi chúng ta nghe và thực hiện lời Chúa dạy, chúng ta sẽ trưởng thành hơn trong đời sống đức tin, chúng ta sẽ dễ dàng vượt qua những gian nan thử thách hơn. Những thử thách này được Chúa ví như những cơn mưa sa, nước lũ, gió bão dữ dội lùa vào nhà. Nhưng rồi không hề hấn gì,vì có Chúa phù hộ chúng ta. Và đó mới là người khôn ngoan thực sự, vì người khôn là người biết làm theo thánh ý Chúa: “Con được thông suốt hơn các thầy dạy, vì con thường gẫm suy thánh chỉ; am hiểu hơn các bậc lão thành, bởi huấn lệnh Ngài, con đã tuân theo” (Tv 118, 99 – 100). Như thế, thánh ý Chúa là đá tảng vững chắc cho chúng ta tựa nương, cậy nhờ, cho chúng ta trú ẩn. Cho nên thực hành thánh ý Chúa dạy như việc hệ trọng nhất trong đời, nhưlà việc chúng ta xây dựng tòa nhà đức tin trên tảng đá vững chắc, kiên cố: “Để loan truyền rằng: Chúa thật là ngay thẳng, là núi đá cho con trú ẩn, nơi Người chẳng có chút bất công” (Tv 92, 16). Như thế, Chúa nói: “Vậy ai nghe những lời Ta nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá. Và hễ ai nghe những lời Ta nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn” (Mt 7, 24 – 27). Như vậy, ai trong chúng ta cũng muốn mình là người khôn chứ không phải là người ngu đần. Do đó phải sống đạo, phải thực thi lời Chúa dạy.

Lạy Chúa, trong lúc chúng con sống tỉnh thức và cầu nguyện chờ Chúa đến, xin Chúa dùng sức mạnh của Chúa nâng đỡ chúng con, mặc dù chúng con quá tội lỗi, nhưng xin Chúa đừng bỏ rơi chúng con, xin Chúa mở rộng lòng từ ái thương xót chúng con, giúp chúng con sống tốt hơn. Amen.

 

Suy Niệm 13: Giữ vững lòng trung tín

(Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB)

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm Tuần 1 Mùa Vọng hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa biểu dương uy quyền, và lấy thần lực mà nâng đỡ chúng ta, để mặc dầu tội lỗi chúng ta cản trở, Chúa vẫn mở lượng khoan hồng sớm thực hiện chương trình cứu độ chúng ta.

Chúa mở lượng khoan hồng sớm thực hiện chương trình cứu độ, cho hết thảy mọi người, kể cả dân ngoại, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Xion, chốn ẩn thân của quân Môáp, Épraim quay đầu trở lại. Thiên Chúa là Chủ toàn cõi đất. Người không chỉ lo cho dân Người, mà lo cho cả các dân khác nữa. Người thường lên án những cuộc tấn công của các dân khác hãm hại dân Người, đồng thời cũng dùng những cuộc tấn công đó để trừng phạt dân riêng, nhưng, Người cũng rộng lòng thương, cho kẻ thù của dân Người tìm được nơi trú ẩn trong cơn hoạn nạn. Ta sẽ cho mọc lên một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavít; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực. Đây là tên sẽ đặt cho Người: “Đức-Chúa-là-sự- công-chính-của-chúng-ta.” Ngai báu sẽ được vững bền nhờ lòng nhân nghĩa. Một vị thẩm phán sẽ ngự trên ngai nhờ đức tín thành. Vị ấy lo tìm kiếm điều chính trực.

Chúa mở lượng khoan hồng sớm thực hiện chương trình cứu độ, phần của chúng ta là tỉnh thức chờ đợi Chúa thực hiện giao ước của Người, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Éprem phó tế nói: Chúa truyền cho chúng ta phải tỉnh thức cả thể xác lẫn tinh thần; về thể xác để tránh sự ươn ái trễ nải; về tinh thần để tránh sự bạc nhược và nhút nhát… Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, để giữ trọn tình thương dành cho Đavít. Này, Ta đã đặt Đavít làm nhân chứng cho các dân, làm thủ lãnh chỉ huy các nước. Ơn cứu độ này của Thiên Chúa đã được gửi đến cho các dân ngoại, và họ sẽ nghe.

Chúa mở lượng khoan hồng sớm thực hiện chương trình cứu độ, phần của chúng ta là giữ vững lòng trung tín với Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Isaia: Mở cửa ra cho dân tộc công chính bước vào, một dân tộc trọn niềm trung nghĩa. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 117, vịnh gia đã kêu xin: Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh Chúa. Xin mở cửa công chính cho tôi để tôi vào tạ ơn Đức Chúa. Đây là cửa dẫn vào nơi Chúa ngự, chỉ những người công chính mới được qua. Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài vì đã đáp lời con và thương cứu độ.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Hãy tìm gặp Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Tìm kiếm Chúa, kêu cầu Chúa, và thực hiện thánh ý Chúa, tất cả những điều này cho thấy lòng trung thành của chúng ta đối với Chúa. Chúa đến bất ngờ, vì thế, chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện: Phải tỉnh thức vì khi thân xác ngủ, thì tính tự nhiên khống chế chúng ta và hoạt động của chúng ta không phải do ý chúng ta muốn, nhưng, do tính tự nhiên thúc đẩy. Khi sự ươn ái trễ nải khống chế linh hồn: tính hèn nhát và sự buồn phiền, là kẻ thù khống chế, khiến linh hồn chúng ta làm điều nó không muốn. Khi sức mạnh của bản tính tự nhiên khống chế, thì đó là kẻ thù của linh hồn chúng ta khống chế. Vậy, chúng ta phải tỉnh thức cả thể xác lẫn tinh thần, để tránh sự ươn ái trễ nải về thể xác, và tránh sự bạc nhược nhút nhát trong linh hồn. Ước gì Chúa biểu dương uy quyền, và lấy thần lực mà nâng đỡ chúng ta, để mặc dầu tội lỗi chúng ta cản trở, Chúa vẫn mở lượng khoan hồng sớm thực hiện chương trình cứu độ chúng ta. Ước gì được như thế!

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Tư 04/12/2024 – Thứ Tư tuần 1 mùa vọng. – Hóa bánh ra nhiều lần 2.  (03/12/2024 18:07:00 - Xem: 3,321)

Thứ Tư tuần 1 mùa vọng.

+ Chúa Nhật 01/12/2024 – CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG năm C. – Tỉnh thức và cầu nguyện luôn. (30/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,730)

CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG năm C.

Thứ Bảy 30/11/2024 – Thứ Bảy tuần 34 thường niên – THÁNH ANRÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính. – Ngư phủ lưới người. (29/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,487)

THÁNH ANRÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.

Thứ Sáu 29/11/2024 – Thứ Sáu tuần 34 thường niên. – Nhận ra tiếng Chúa qua các biến cố. (28/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,631)

Thứ Sáu tuần 34 thường niên.

Thứ Năm 28/11/2024 – Thứ Năm tuần 34 thường niên. – Giờ cứu rỗi gần đến. (27/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,701)

Thứ Năm tuần 34 thường niên.

Thứ Tư 27/11/2024 – Thứ Tư tuần 34 thường niên. – Làm chứng về Chúa. (26/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,686)

Thứ Tư tuần 34 thường niên.

Thứ Ba 26/11/2024 – Thứ Ba tuần 34 thường niên.– Gắn bó với Chúa từng giây phút. (25/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,797)

Thứ Ba tuần 34 thường niên.

Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,798)

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 7,629)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,449)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7