Lời chúa mỗi ngày

Thứ Năm 05/05/2022 – Thứ Năm tuần 3 Phục Sinh. – Tin vào Lời Chúa – cử hành Thánh Thể.

  • In trang này
  • Lượt xem: 7,541
  • Ngày đăng: 04/05/2022 08:00:00

Tin vào Lời Chúa – cử hành Thánh Thể.

05/05 – Thứ Năm tuần 3 Phục Sinh.

"Ta là bánh từ trời xuống".

 

Lời Chúa: Ga 6, 44-51

Khi ấy, Chúa Giêsu phán với dân chúng rằng: "Không ai đến được với Ta, nếu Cha, là Đấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: "Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo". Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Đấng bởi Thiên Chúa mà ra, Đấng ấy đã thấy Cha.

Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời. Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Đây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Chúa Cha lôi kéo

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Sống ở đời là phải chịu nhiều sự lôi kéo.

Thời nay sự lôi kéo lại càng mạnh mẽ và thô bạo.

Có sự lôi kéo của khuyến mãi, giảm giá,

khiến ta vui vẻ mua cả điều không cần.

Có sự lôi kéo của những sản phẩm thuộc đời mới hơn, nhiều chức năng hơn,

khiến chúng ta mê mải chạy theo và rượt đuổi không ngừng.

Có sự lôi kéo của hình ảnh quảng cáo, của thời trang, của sách báo,

khiến chúng ta chẳng làm chủ được cái nhìn, và dễ đi đến chỗ phạm tội.

Để chống lại được sự lôi kéo bên ngoài cần có nội lực bên trong.

Nhiều người sa ngã vì bị kéo bên ngoài, mà bên trong không vững.

“Không ai đến được với tôi, nếu Chúa Cha,

Đấng sai tôi, không lôi kéo người ấy” (c. 44).

Đức Giêsu khẳng định về sự lôi kéo của Chúa Cha trong đời từng người.

Cha lôi kéo chúng ta về phía Con của Ngài là Đức Giêsu,

bất chấp những lôi kéo ngược lại đến từ phía thế gian, ma quỷ, xác thịt.

Nếu chúng ta để cho Cha kéo đi mà không cưỡng lại,

thế nào ta cũng đến được với Giêsu.

Và Giêsu lại là Con Đường tuyệt vời dẫn ta đến với Cha.

“Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 13, 6).

Như thế Cha đưa ta đến với Con:

“Này là Con ta yêu dấu… hãy nghe lời Người” (Mt 17, 5).

Và Con đưa ta lại cho Cha

để hưởng sự sống đời đời trong ngày sau hết.

Cuộc sống người Kitô hữu là cuộc sống giữa những lôi kéo, giằng co,

giữa chính và tà, giữa thiện và ác, giữa Thiên Chúa và Xatan.

Tâm hồn con người là hiện trường của những cuộc giao đấu không ngơi nghỉ.

Hãy để cho Cha lôi kéo bằng cách nghe và đón nhận giáo huấn của Cha.

Lời dạy dỗ của Cha có khi chỉ nghe được trong thầm lặng.

Lời ấy đưa ta đến với Giêsu, Đấng duy nhất thấy Cha, biết Cha (c. 46).

Hãy tin vào Giêsu để được Sự Sống vĩnh cửu (cc. 44. 47).

Hãy ăn Tấm Bánh Giêsu để được Sự Sống ngay từ đời này (c. 51).

“Khi nào tôi được giương cao lên khỏi đất,

tôi sẽ lôi kéo mọi người đến với tôi” (Ga 12, 32).

Hãy để Giêsu lôi kéo chúng ta khỏi sự tầm thường của cái tôi ích kỷ.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,

Chúa đã muốn trở nên con của loài người,

con của trái đất, con của một dân tộc.

Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa

dù họ từ khước Tin Mừng

và đóng đinh Chúa vào thập giá.

Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,

một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu

sau những năm dài chiến tranh,

một quê hương đang mở ra trước thế giới

nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc

và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.

Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên

trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,

nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,

và làm một điều gì đó thật cụ thể

cho những đồng bào quanh chúng con.

Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước

bằng khối óc, quả tim và đôi tay.

Và ước gì chúng con biết khiêm tốn

cộng tác với muôn người thiện chí. Amen.

 

Suy Niệm 2: Ân sủng và tự do

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa Cha không ngừng lôi kéo con người hướng thiện. Hướng về Chúa Ki-tô là Đấng Chúa Cha sai đến để đưa nhân loại về với Người. Nhưng tại sao con người không đáp lại tiếng Chúa mời gọi? Thưa vì giữa ân sủng và con người Thiên Chúa còn để một khoảng trống: đó là tự do. Để ân sủng Thiên Chúa phát sinh hiệu quả con người phải sử dụng tự do của mình mà “lắng nghe” và “đón nhận”.

Để lắng nghe cần khiêm tốn. Lắng nghe là nhìn nhận mình không biết. Lắng nghe phải dẹp bỏ những ý kiến riêng của mình. Lắng nghe là trân trọng lời người nói. Ông quan lớn trong triều đình của nữ hoàng nước Ê-thi-óp là người có chức quyền cao trọng, có nhiều tiền nhiều của. Nhưng ông đã khiêm tốn lắng nghe. Lắng nghe tiếng Chúa nên chăm chỉ đọc Sách Thánh trên đường đi. Lắng nghe lời dẫn giải của Phi-lip-phê. Nhờ lắng nghe mà ông có đức tin. Và ông đón nhận được ơn cứu độ.

Để đón nhận cần từ bỏ mình. Để đón nhận Chúa cần từ bỏ cái tôi. Để đón nhận ân sủng cần từ bỏ tội lỗi. Để đón nhận Nước Trời cần từ bỏ thế gian. Viên quan lớn tổng quản kho bạc của nữ hoàng Ê-thi-óp đã từ bỏ mình nên chịu gìm mình xuống dòng nước để được rửa tội. Từ bỏ chỗ ngồi trên xe êm ấm. Từ bỏ quần áo khô ráo. Để chịu xuống xe. Để chịu xuống nước.

Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người về Chúa Ki-tô. Và Thiên Chúa không ngừng dạy bảo con người. Nhưng ma quỉ, xác thịt, thế gian cũng không ngừng lên tiếng và lôi kéo con người xa lìa Thiên Chúa.

Thiên Chúa lôi kéo ta về Chúa Giê-su. Ma quỉ xác thịt thế gian lôi kéo ta về vương quốc của nó. Thiên Chúa lôi kéo ta về sự sống đời đời. Ma quỉ xác thịt thế gian lôi kéo ta về sự chết. Thiên Chúa lôi kéo để nâng ta lên. Ma quỉ xác thịt thế gian lôi kéo ta xuống để gìm ta xuống bùn đen. Thiên Chúa không thể ép buộc ta. Người chỉ lôi cuốn. Ta có tự do. Nếu biết dùng tự do để lắng nghe và đón nhận Chúa Giê-su ta sẽ đạt tới sự sống đời đời.

 

Suy Niệm 3: Tin vào Lời Chúa

Rất nhiều khi chúng ta cũng có quan niệm sai lầm về Thiên Chúa. Nói khác đi, chúng ta thường quan niệm theo mẫu mực và lối suy tưởng riêng của chúng ta, do đó Thiên Chúa mà chúng ta muốn chối bỏ không phải là Thiên Chúa thật: chúng ta chối bỏ vị Thiên Chúa theo quan niệm của chúng ta chứ không phải vị Thiên Chúa được mạc khải cho chúng ta, và nhờ qua Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã quả quyết: "Ai thấy Ta là thấy Cha Ta". Chúa Giêsu là mạc khải hữu hình của Thiên Chúa vô hình, và Thiên Chúa được Chúa Giêsu mạc khải hoàn toàn khác với Thiên Chúa mà chúng ta thường quan niệm hoặc tự vẽ ra cho chính mình.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta đọc thấy lời mạc khải của Chúa Giêsu: "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời". Những lời giảng dạy của Chúa Giêsu nói lên sự thật quan trọng và là trung tâm của đức tin Kitô giáo: con người không những phải tin nhận, mà còn phải ăn thịt và uống máu của Chúa để có sự sống đời đời. Giáo Hội đã trải qua bao thử thách, chống đối, vẫn kiên trì trong niềm tin này: tin vào Lời Chúa và hàng ngày cử hành Thánh Thể để con người được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức hơn nữa về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Thể và được có tâm hồn xứng đáng mỗi khi cử hành bí tích Thánh Thể là bảo chứng cho sự sống đời đời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Tôi là Bánh Hằng Sống

Tôi là bánh trường sinh.

Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc,

nhưng đã chết.

Còn bánh này là bánh từ trời xuống.

Ai ăn bánh này thì sẽ được sống muôn đời.

Và bánh tôi sẽ ban tặng,

Chính là thịt tôi đây,

Để cho thế gian được sống. (Ga. 6, 48-51)

Tiếp theo bài giảng của Đức Giêsu về bánh ban sự sống dẫn đưa chúng ta chiêm ngắm một tiến độ khác trong hoạt động của Đức Giêsu, chúng ta nhớ đến những tiến triển của bài giảng này dần dần đào sâu đến đoạn này.

Lúc đầu là bánh hóa nhiều. Phép lạ nuôi một đoàn dân chúng dẫn họ đi tìm Đấng đã làm phép lạ. Rồi Đức Giêsu rời xa họ, để vào nơi thanh vắng đêm khuya và hôm sau trở lại với các môn đệ bên kia bờ hồ. Tới đây, Người tiếp tục bài giảng sâu hơn, ý nghĩa hơn. Sự thay đổi nơi chốn thể hiện ý nghĩa thay đổi của bài giảng.

Đức Giêsu đồng hóa mình với thứ bánh mới. Ai liên kết với Người sẽ được sống. Đức Giêsu mặc khải mục đích của sự liên kết này là: Cho con người được sống lại. Hôm nay Người nói cho ta biết: Người sẽ trở nên nguồn sống lại cho chúng ta bằng cách nào? Bằng cách hiến thịt mình cho chúng ta ăn. Ở cảnh này, Đức Giêsu còn nói rõ hơn: “Bánh Tôi ban tặng, chính là thịt Tôi đây để cho thế gian được sống”.

Cho tới nhà Tiệc ly, Đức Giêsu nói: “Đây là mình Tôi bị nộp vì anh em”. Tất cả hoạt động của Người, tất cả mọi sự in ấn trong thịt máu Người với những lao khổ, chống đối, những thao thức, những bước đi cho tới lúc chết: Tất cả là hồng ân ban tặng cho chúng ta.

Đức Kitô đã là Người hiến thân cho tha nhân, không phải chỉ trong ý tưởng hay tinh thần mà còn trong hành động cụ thể sống động để lấy thân xác mình là quà tặng cho muôn dân. Như vậy, ai kết hợp với Người là kết hợp với sự sống mạnh mẽ của Người và biểu lộ ra bằng thân xác, biến thân xác mình thành quà tặng ban sự sống như Đức Giêsu.

Phần chúng ta, được thông phần thịt máu Người và được tham dự sự sống lại của Người, đó là thực hiện thánh ý và việc làm của Đức Kitô để sẵn sàng hiến thân mình làm quà tặng cho tha nhân theo gương Người, với tất cả lao khổ, thống khổ của ta để làm tôi tớ mọi người.

Tế lễ của chúng ta là thực hiện những điều đó.

C.G

 

Suy Niệm 5: Thịt Máu Chúa Giêsu

Ở cổng nhà Dòng nọ có cậu bé bị bỏ rơi, một Thày dòng đã đem về nhà dòng nuôi. Với thời gian, cậu bé lớn lên, khôn ngoan và tinh nghịch. Vốn tính nghịch ngợm, cậu bé bị cấm không được leo lên kho trên gác. Nhưng vì tò mò, ngày nọ Marxellino đã leo lên gác. Cậu sửng sốt khi thấy có một người khổng lồ bị treo trên Thánh giá. Nghĩ rằng người này đang đói, nên ngay đêm đó, Marxellino đã lẻn vào bếp ăn cắp bánh và rượu đem lên cho người bị treo trên Thánh Giá. Từ đò, ngày ngày cậu bé cứ âm thầm tiếp tế lương thực cho con người khốn khổ ấy. Thế rồi, một ngày người khổng lồ ấy xuống khỏi Thánh Giá, đến bên cạnh cậu bé và hỏi: “Con thích điều gì nhất”. Cậu bé đáp: “Con muốn được thấy mẹ con”. Người khổng lồ liền nói: “Con hãy nhắm mắt lại và ngủ say”. Ngày hôm sau, các tu sĩ trong nhà không thấy Marxellino nữa, họ đi tìm và này cậu bé đã chết trong vòng tay của Chúa Giêsu trên Thánh giá.

Đối với Marxellino trong câu chuyện trên, bánh và rượu là ngôn ngữ cậu bé dùng để nói với Chúa Giêsu: “Con yêu mến Chúa”, “Con muốn được chăm sóc Chúa”.

Còn đối với Chúa Giêsu, bánh và rượu Ngài ban qua Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ của tình yêu hiến thân để trở thành lương thực nuôi sống chúng ta, và Ngài muốn chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận.

Mở rộng tâm hồn đón nhận Ngài trong Thánh Thể, con người mới có thể mở rộng trái tim và đôi bàn tay để đón nhận Ngài nơi tha nhân. Chúa Giêsu là Bánh từ trời xuống để lôi kéo con người lên với Chúa Cha, người tín hữu tiếp nhận Ngài trong Thánh Thể cũng được sai đến với tha nhân và lôi kéo họ về với Thiên Chúa. Chia sẽ sự sống thần linh nơi bàn tiệc Thánh Thể, người tín hữu được mời gọi chia sẻ cơm bánh hàng ngày với tha nhân. Và kỳ diệu thay, chính khi chia sẻ với tha nhân, người tín hữu cảm nhận được sự sống trường sinh và hạnh phúc đích thực tràn ngập tâm hồn.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 6: Bánh trường sinh là Đức Giêsu

Có một câu chuyện kể rằng: hai người yêu nhau tha thiết, nhưng chàng trai có lệnh lên đường đi nhập ngũ trong thời chiến. Bạn gái rất đau khổ, vì không biết đi như vậy, liệu có sống xót trở về không? Vì thế, nàng khóc lóc thảm thiết! Tuy nhiên, lệnh đã được ban, chàng không có cách nào khác, đành lòng rời xa nàng để đi thi hành nhiệm vụ. Trước khi chia tay, chàng tặng nàng một chiếc khăn mùi xoa với hoa văn thêu rất đẹp. Nàng trân trọng đón nhận và lưu giữ kỷ vật ấy như là vật thiêng thánh, và thi thoảng bỏ ra xem. Mỗi lần nhìn thấy khăn đó, nàng có linh cảm như chàng đang ở trước mặt mình. Vì thế, nàng có thể cười hay khóc rất tự nhiên, khiến nhiều người không khỏi thắc mắc!

Như vậy, qua câu chuyện trên, chúng ta thấy cô gái có một niềm tin mãnh liệt rằng: chiếc khăn ấy chính là hiện thân của người yêu mà mình hết mực thương mến.

Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng mời gọi dân chúng tin vào mình. Chỉ khi tin vào Ngài thì những lời Ngài dạy, mọi việc Ngài làm mới thực sự có giá trị đối với họ. Vì “ai tin thì được sự sống đời đời”.

Thật vậy, tin là điều kiện cần phải có để được lãnh nhận hiệu quả siêu nhiên. Nếu không tin, mọi chuyện trở nên vô bổ vì không có sự tương tác.

Khi mời gọi dân chúng tin vào mình để được sống đời đời, Đức Giêsu đã dần dần khai mở và dẫn họ đến xác tín vào Bí tích Thánh Thể mà Ngài sẽ thiết lập sau này.

Lời xác định “Tôi là bánh trường sinh” là lời mạc khải rất đặc biệt trong Tin Mừng Gioan. Bởi vì đây là lời quả quyết cụ thể, chính xác, chắc chắn.

Vì thế, ngày nay, nơi Bí tích Thánh Thể, chúng ta cần xác tín mạnh mẽ niềm tin vào sự hiện diện toàn vẹn của Đức Giêsu nơi hình bánh và hình rượu. Từ đó, chúng ta yêu mến, cung kính và đón nhận để chúng ta được sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Thịt Chúa thật là của ăn, Máu Chúa thật là của uống. Xin cho chúng con và mọi người biết siêng năng tôn thờ sự hiện diện của Chúa nơi Bí tích cao trọng này, để như một bảo chứng cho sự sống mai ngày trên Thiên Quốc. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Đức Kitô là Bánh Trường Sinh

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Đức tin là một ân huệ Thiên Chúa ban để chúng ta có thể đón nhận Đức Kitô là Bánh Trường Sinh.

Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa là Cha của con. Con dâng lời tán tụng. Con xác tín rằng mọi sự con đang có đều do Cha ban. Đức tin con đang sống là ân huệ kỳ diệu nhất, vì nhờ đức tin Cha đã cho con được thông phần vào chính sự sống của Cha. Tất cả những hồng ân ấy, Cha đã ban qua Người Con Một yêu quý là Chúa Giêsu.

Vâng, lạy Cha, khi đến sống với nhân loại, Con Cha đã mang sức sống mới từ chính Ngài: Ngài đã trở thành Bánh nuôi sống nhân loại, nuôi sống con. Vì thế, khi lãnh nhận Bánh Thánh- Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể- Cha kêu mời con sống như Con Cha: Đó là biết chia sẻ cho người khác chính sự sống riêng tư của con. Bánh Thánh được bẻ ra như một dấu chỉ quên mình. Từng mẩu bánh nhỏ trở thành sức sống mới. Từng việc làm vô danh âm thầm của con cũng trở nên hơi ấm, đủ sức làm vươn dậy những cuộc đời khác.

Lạy Cha, khi lãnh phần Bánh Đức Kitô, con được đón nhận trọn vẹn Thân Mình Ngài, nghĩa là con cũng đón nhận cả anh em con. Anh em chung quanh đã trở thành một phần cuộc sống của con. Xin Cha ban thêm đức tin để con vui lòng đón tiếp mọi người như Thân Mình của Con Cha. Xin mở rộng cõi lòng con để đón nhận không những các điều tốt mà cũng biết đón nhận cả những khuyết điểm của anh em nữa.

Lạy Cha, xin ban thêm đức tin để con luôn xác tín rằng: Đức Kitô là tấm bánh được bẻ ra cho một thế giới mới. Amen.

Ghi nhớ: “Ta là bánh từ trời xuống”.

 

Suy Niệm 8: Mầu nhiệm đức tin

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Phương Tây vào thế kỷ XVI sau khi Christophe Colomb khám phá châu Mỹ ít lâu, người ta đồn rằng ở Tân Thế Giới này có một ngọn suối trường sinh.

Nhà thám hiểm người Tây Ban Nha tên là Ponce de Léon… liền sắm thuyền vượt biển sang Nam Mỹ đi tìm con suối huyền thoại thần tiên đó, nhưng đó cũng chỉ là giấc mộng hão huyền…

Suy niệm

Chúa Giêsu trong diễn từ Thánh Thể ở Capharnaum nói về cuộc sống vĩnh cửu trường sinh khi Ngài đã tuyên bố: “Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6,47), lời hứa của giao ước mới đem lại sự trường sinh bất tử. Ai tin thì được Thiên Chúa cưu mang trong đời sống mới và được cứu.

Đức tin mà Đức Giêsu rao giảng là một hồng ân của Chúa Cha, như Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Không ai đến được với Ta, nếu Cha là Đấng sai Ta, không lôi kéo người ấy” (Ga 6,44). Nhờ đức tin để nhận ra Đức Giêsu là Đấng Mêssia, là Đấng Cứu Thế, được Thiên Chúa Cha sai đến, vượt trên mọi lý luận của con người. Chính Chúa Giêsu đã quả quyết, hành trình đi đến với Đấng Cứu Thế, là một ân huệ của “Chúa Cha là Đấng sai Ta”. Chúa Cha “lôi kéo” và “giáo hóa” con tim con người: “Ai nghe lời giáo hóa của Cha, thì đến với Ta” (Ga 6,45). Đức tin là hồng ân nhưng không của Chúa Cha ban cho những tâm hồn đơn sơ bé mọn, biết mở rộng tâm hồn để lắng nghe và để cho Chúa Cha “lôi kéo” và “giáo hóa”.

Người Pharisiêu thông thái, tự hào, không chịu mở lòng ra đón nhận ơn “lôi kéo” và “giáo hóa” của Chúa Cha, nên họ không nhận ra và tin vào Chúa Kitô, chính Ngài đã cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21).

Tin vào Chúa Kitô, chứng nghiệm những gì mà Ngài đang rao giảng về mình và máu Ngài dâng hiến. Chính trong niềm tin đó, người có niềm tin hằng ngày được nuôi dưỡng bằng thịt uống máu của Ngài mang lại sự sống đời đời: “Ta là bánh trường sinh. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát” (Ga 6,35). “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51-52).

Cho nên, bí tích Thánh Thể là bí tích của đức tin, vì chỉ có lòng tin là con đường duy nhất đưa ta đến bên bí tích mầu nhiệm thánh này. Cho nên, mỗi thánh lễ sau truyền phép, khi thừa tác viên của Giáo hội lập lại lời Chúa Giêsu: “Này là Mình Ta…, Này là Máu Ta…” bánh và rượu ngay lúc đó trở thành Mình Máu Chúa. Giáo hội hoàn toàn xác tín: “Đây là mầu nhiệm đức tin”.

Trong đức tin, nếu chúng ta sống kết hiệp với Thiên Chúa qua bí tích Thánh Thể, cuộc đời chúng ta sẽ trở nên tràn ngập hồng ân. Chính lúc đó, chúng ta mới cảm nghiệm được sâu sắc lời của thánh Augustinô: “Có đức tin là tin những gì chúng ta không thấy và phần thưởng của đức tin là thấy những gì chúng ta tin”.

Lạy Chúa con tin….

Ý lực sống: “Đức tin cần thiết cho con người. Thật thống khổ cho ai không tin” (Victor Hugo).

 

Suy Niệm 9: Bánh hằng sống từ trời xuống

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Bài Tin Mừng hôm nay vẫn tiếp tục triển khai diễn từ của Đức Giêsu về bánh hằng sống. Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: phần đầu, Đức Giêsu tiếp tục nói rõ hơn về nguồn gốc của Ngài; phần sau, Chúa khẳng định lại điều Ngài đã nói trước đó: “Ta là bánh từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ sống đời đời”.

2. Đức Giêsu tiếp tục nói rõ hơn về nguồn gốc của Ngài. Ngài bảo cho mọi người biết: Ngài bởi Chúa Cha mà đến, nên ai đến với Ngài và tin vào Ngài là nhận được ân huệ lớn nhất, ân huệ bao gồm mọi ân huệ mà Thiên Chúa ban cho loài người, đó là sự sống đời đời.

Chúa Cha không ngừng lôi kéo con người hướng thiện. Hướng về Chúa Kitô là Đấng Chúa Cha sai đến để đưa nhân loại về với Người. Nhưng tại sao con người không đáp lại tiếng Chúa mời gọi? Thưa vì giữa ân sủng và con người, Thiên Chúa để một khoảng trống: đó là tự do. Để ân sủng Thiên Chúa phát sinh hiệu quả, con người phải dùng tự do của mình mà “lắng nghe” và “đón nhận” Lời Chúa.

3. Sau khi nói cho mọi người biết rõ nguồn gốc của mình, Đức Giêsu mạc khải và khẳng định  điều Ngài đã quả quyết trước đó: “Tôi là bánh từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời”. Người Do thái phản đối, nhưng Chúa vẫn giữ nguyên lời quả quyết, rồi Chúa trở lại câu chuyện manna để làm nổi bật hiệu lực của manna mới: “Tổ tiên các ngươi trong sa mạc đã ăn manna, và đã chết. Còn bánh bởi trời là bánh hằng sống, ai ăn bánh này sẽ không chết”.

Những lời dạy của Đức Giêsu nói lên sự thật quan trọng và là trung tâm của đức tin Kitô giáo: con người không những phải tin nhận, mà còn phải ăn thịt và uống máu của Chúa để có sự sống đời đời. Giáo hội đã trải qua bao nhiêu thử thách, chống đối, vẫn kiên trì trong niềm tin này: tin Lời Chúa và hằng ngày cử hành Thánh Thể để con người được thông phần vào sự sống thần linh của Thiên Chúa.

4. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng mời gọi dân chúng tin vào mình. Chỉ khi tin vào Ngài thì những lời Ngài dạy, mọi việc Ngài làm mới thực sự có giá trị đối với họ. Vì “ai tin thì sẽ được sống đời đời". Thật vậy, tin là điều kiện cần phải có để được lãnh nhận hiệu quả siêu nhiên. Nếu không tin, mọi chuyện trở nên vô bổ vì không có tương tác.

Khi mời gọi dân chúng tin vào mình để được sống đời đời, Đức Giêsu dần dần khai mở và dẫn họ đến xác tín vào Bí tích Thánh Thể mà Ngài sẽ thiết lập sau này. Lời xác định “Tôi là bánh trường sinh” là lời mạc khải rất đặc biệt trong Tin mừng Gioan. Bởi vì đây là lời quả quyết cụ thể, chính xác, và chắc chắn.

Vì thế, ngày nay, nơi Bí tích Thánh Thể, chúng ta cần xác tín mạnh mẽ niềm tin vào sự hiện diện toàn vẹn của Đức Giêsu nơi hình bánh và hình rượu. Từ đó, chúng ta yêu mến, cung kính và đón nhận để chúng ta được sự sống đời đời.

5. Tóm lại, Đức Giêsu đã mạc khải cho người Do thái biết Ngài là Thiên Chúa, đến để ban ơn cứu chuộc cho họ cũng như mọi người, và Ngài ban chính thịt máu Ngài làm lương thực ban sự sống đời đời; nhưng họ nhất định không tin Ngài.

Đó là chuyện ngày xưa của người Do thái, còn chúng ta ngày nay, chúng ta có thái độ thế nào, chúng ta có tin mạnh mẽ, tin tuyệt đối vào Đức Giêsu hiện diện trong phép Thánh Thể không? Và chúng ta siêng năng tham dự Thánh lễ, dọn lòng sốt sắng để rước Chúa Giêsu Thánh Thể không? Xin Chúa ban cho chúng ta có lòng sùng kính và mến yêu phép Thánh Thể và tin thật đây là thần lương nuôi dưỡng để giúp chúng ta đến cuộc sống đời đời.

6. Truyện: Bí quyết trường sinh bất tử?

Tần Thủy Hoàng là vị vua Trung Quốc, sống trước Chúa Giáng Sinh khoảng 200 năm. Ông là người đã truyền xây Vạn Lý Trường Thành dài 2000 dặm. Đó là kiến trúc duy nhất trên trái đất, mà phi hành gia có thể nhìn thấy từ ngoài không gian.

Theo tạp chí National Geographic, Tần Thủy hoàng rất sợ chết, ông muốn được  trường sinh bất tử, nên ông tìm đủ mọi cách để được cải lão hoàn đồng.

Một ngày kia, các chiêm tinh gia kể cho ông nghe về một hòn đảo thần tiên ở biển Đông, dân cư ở đây đã khám phá ra bí quyết trường sinh. Tần Thủy Hoàng liền phái nhiều tầu thuyền chất đầy châu báu ngọc ngà quí hiếm để đi tìm, với hy vọng đổi được bí quyết trường sinh. Nhưng dân chúng không đổi cho ông bí quyết trường sinh của họ.

Thế rồi ông lo xây mồ như cung điện nguy nga, lấy châu ngọc làm tinh tú, lấy thủy tinh làm sông ngân hà, lấy vàng bạc lát tường và chôn sống hàng trăm cung nữ trong đó, để kiếp sau được sống như thần tiên. Nhưng kẻ tàn bạo ham sống ấy chỉ làm vua được hơn chục năm và sống trên 50 tuổi thì chết.

 

Suy Niệm 10: Hãy để cho tình thương của Chúa lôi kéo

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)        

A. Phân tích (Hạt giống...)

Tiếp tục ý tưởng hôm qua về “đến với” và “tin vào” Chúa.

Việc “tin vào” Chúa Giêsu, thể hiện bằng việc “đến với” Ngài là kết quả của sự hợp tác hai phía:

Phía Thiên Chúa: Thiên Chúa ban ơn “lôi kéo” con người người tin vào Chúa Giêsu và đến với Ngài: “Không ai đến được với Ta nếu Cha Ta là Đấng sai Ta không lôi kéo kẻ ấy “ (câu 44). Thực ra, Thiên Chúa luôn muốn lôi kéo con người đến với Chúa Giêsu để con người được sống. Nhưng con người ít ra phải ngoan ngoãn để cho Thiên Chúa lôi kéo. Nhiều người Do Thái đã không ngoan ngoãn như vậy nên đã không đến được với Chúa Giêsu.

Phía con người: Phải “nghe lời giáo huấn” của Thiên Chúa: “Ai nghe lời giáo huấn của Cha thì đến với Ta”(câu 45). Mà Thiên Chúa thì luôn giáo huấn con người: “Trong sách ngôn sứ đã chép rằng mọi người sẽ được Thiên Chúa giáo huấn” (câu 45). Câu nói này ngầm trích dẫn Is 54,13. Mà đại ý chương 45 sách Isaia là kinh nghiệm của dân Israel vào cuối thời lưu đày: họ đã thấy rằng Thiên Chúa luôn quyến luyến con người như một người chồng quyến luyến vợ. Đó chính là giáo huấn mà Thiên Chúa đã ban cho Israel qua dòng lịch sử. Như thế, “nghe lời giáo huấn của Thiên Chúa” nghĩa là ý thức rắng Thiên Chúa luôn yêu thương mình.

Tóm lại việc “tin vào” Chúa Giêsu và “đến với” Ngài là điều Thiên Chúa yêu thương và luôn tạo điều kiện để con người thực hiện được dễ dàng. Chỉ cần ngoan ngoãn phó thác vào tình thương Thiên Chúa thì con người có thể là được.

B. Suy Niệm (...Nẩy mầm)

1. Hôm qua chúng ta đã hiểu được ích lợi của việc đến với Chúa (“Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”). Nhưng xét lại mình, chúng ta thấy mình ít đến với Chúa. Ít đến vì một việc xem ra đơn giản như thế lại quá khó đối với bản tính của chúng ta. Hôm nay Chúa Giêsu dạy thêm: muốn đến với Ngài thì hãy để cho tình thương của Chúa lôi kéo và hãy nhớ giáo huấn của Ngài trong lịch sử là Ngài rất yêu thương loài người. Đừng lì lợm với tình thương ấy, đừng kháng cự với tình thương ấy.

2. Một buổi chiều rảnh rỗi, văn hào Paul Claudel thong thả dạo bước nhàn du. Khi đi ngang một nhà thờ, tiếng thánh ca tứ đó vọng ra đã lôi kéo bước chân ông đi vào nhà thờ. Ở đó ông đã gặp Thiên Chúa, gặp niềm tin. Đó là một cách lôi kéo của Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng dùng biết bao cách khác để lôi kéo chúng ta. Chỉ cần ta đừng cố chấp nhưng ngoan ngoãn bước theo, thì ta sẽ “đến” được với Ngài. Hãy nhớ lại xem đã bao nhiêu lần và những lần đó thế nào, tôi đã lỡ mất đã không ngoan ngoãn bước theo sự lôi kéo của Thiên Chúa.

3. Người câm không nói được nhưng có cách làm khác để cho người khác hiểu được họ, đó là dùng dấu hiệu bằng tay, bằng nét mặt, có khi cả bằng thân thể. Tuy nhiên, muốn hiểu được người câm thì ta phải chú ý từng động tác nhỏ của họ. Rất nhiều khi Thiên Chúa nói với ta bằng ngôn ngữ của người câm. Ta cần chú ý lắm mới hiểu được ý của Thiên Chúa.

 

Suy Niệm 11: Đến với Chúa Kitô là một ơn huệ Thiên Chúa thúc giục

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Tiếp tục ý tưởng hôm qua về “đến với” và “tin vào” Chúa.

Việc “tin vào” Chúa Giêsu, thể hiện bằng việc “đến với” Ngài là kết quả của sự hợp tác hai phía:

Phía Thiên Chúa: Thiên Chúa ban ơn “lôi kéo” để con người tin và đến với Ngài: “Không ai đến được với Tôi nếu cha Tôi là Đấng sai Tôi không lôi kéo kẻ ấy” (Ga 6,44).

Được lôi kéo rồi con người còn phải “nghe lời giáo huấn” của Thiên Chúa nữa: “Ai nghe lời giáo huấn của Cha thì đến với Tôi” (câu 45).

Tóm lại, việc “tin vào” Chúa Giêsu và “đến với” Ngài là điều Thiên Chúa muốn và luôn tạo điều kiện để con người thực hiện. Chỉ cần ngoan ngoãn phó thác vào tình thương Thiên Chúa thì con người có thể làm được.

2. Việc quan thái giám xứ Êthiốp được ơn trở lại với Chúa trong Sách Tông Đồ Công Vụ là một thí dụ. Qua sự việc này, ta thấy có hai yếu tố quan trọng: một là ông ta là người đang nghiên cứu Kinh Thánh, hai là thiên sứ sai ông Philipphê đến để giúp ông ta. Việc thiên sứ thúc giục ông Philipphê đến với quan thái giám cho thấy, đức tin là một ơn do Thiên Chúa ban, nhưng thường qua trung gian một con người. Con người làm trung gian ở đây là ông Philipphê.

Qua sự việc này chúng ta có thể hiểu được những gì Chúa nói hôm nay: “Chẳng ai đến với Tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Tôi, không lôi kéo người ấy” (Ga 6,44). Đến với Chúa Kitô là một ơn huệ Thiên Chúa thúc giục. Ai đến với Đức Kitô và tin vào Người, sẽ có sự sống đời đời. Có Đức Kitô trong mình là ta được sống trong thế giới của Thiên Chúa, được sống sự sống trường sinh.

Nếu xưa Philipphê đã là trung gian cho quan thái giám xứ Êthiốp để ông được Chúa ban cho ông ơn đức tin, thì ngày nay người Kitô hữu cũng phải làm trung gian để những người chung quanh mình tìm đến với Chúa, để họ cũng có được ơn đức tin như vậy.

Bà J. Scaggs, một giáo sĩ thuộc một giáo phái Tin lành ở Nigéria, châu Phi, đã kể lại câu chuyện cảm động sau đây:

Một ngày kia bà được mời đến dự lễ Giáng Sinh được tổ chức tại Grace Camp, một trung tâm điều trị bệnh cùi. Lần đầu tiên bà chứng kiến một số người cùi đông như vậy. Buổi lễ được tổ chức ngoài trời. Nhìn chỗ nào bà cũng thấy những người ngồi dự lễ. Gốc cây, ụ đất, bãi cỏ... chỗ nào cũng đông nghẹt người. Bà thấy họ thật đáng thương, bệnh tật gậm nhấm dần và hủy hoại thân thể họ, nhưng khuôn mặt người nào cũng bày tỏ niềm vui, mắt họ sáng ngời khi họ hát những bài thánh ca Giáng Sinh.

Đến phần công bố Lời Chúa, mục sư mời một người bị bệnh cùi ăn mất hết mấy ngón tay lên đọc sách Thánh, ông phải lật các trang sách bằng một cái que buộc vào cổ tay. Sau bài giảng, mục sư mời người đó chia sẻ về những ân phúc Chúa đã ban cho mình, người bệnh cùi ấy giơ bàn tay không còn ngón và đứng lên, ông nhỏ nhẹ nói:

- Tôi muốn cảm ơn Đức Chúa Trời vì Ngài đã cho tôi bị cùi.

Bà Scaggs lấy làm lạ, nói với người thông dịch rằng, anh ta dịch sai. Không ai lại có thể cám ơn Chúa vì “được cùi” bao giờ. Người thông dịch tiếp tục dịch lại lời người bệnh đang giải thích nguyên do:

- Nếu tôi không bị cùi, có thể tôi đã không bao giờ biết Chúa, không bao giờ cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho tôi sâu xa đến thế. Còn thực tế là bây giờ tôi đang bị bệnh cùi, có thể tôi sẽ không bao giờ được chữa lành, nhưng tôi lại cảm nghiệm được tình yêu của Chúa luôn đổ tràn trên tôi, qua biết bao người đang săn sóc trợ giúp tôi!

3. “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống”. (Ga 6,51)

Trong một cuộc họp mặt đông đảo của những người Kitô hữu, tại một nhà thờ ở Tây Đức, để tiếp đón mẹ Têrêsa Calcutta, người ta dâng lên cho mẹ một bó hoa tuyệt đẹp.

Bỡ ngỡ trước lòng quí mến và trọng kính mà cử tọa dành cho mình, mới đầu mẹ Têrêsa tỏ ra hơi lúng túng. Nhưng sau đó vài giây, với thái độ đơn sơ quen thuộc, mẹ đã ôm bó hoa, đi thẳng lên trên cung thánh, quì gối trước bàn thờ, rồi đặt bó hoa mà mẹ vừa được trao tặng, trước nhà tạm.

Cử chỉ này của mẹ Têrêsa cho thấy, Thánh Thể chính là nguồn tình yêu và nghị lực mà từ đó mẹ đã kín múc lấy cho cuộc sống dấn thân và phục vụ cách vô vị lợi của mẹ.

Thánh Gioan Tông đồ đã quả quyết: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một yêu dấu của Ngài cho thế gian” (Ga 3,16).

Thực vậy, còn hình thức nào để thể hiện sự chấp nhận tình thương của Thiên Chúa cho bằng ăn “bánh Giêsu”. Mà điều kiện duy nhất để được ăn bánh đó là tin và yêu.

Đó là điều chúng ta cần cầu xin cho nhau mỗi ngày.

 

Bài cùng chuyên mục:

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,313)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,031)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,669)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,389)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,800)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,796)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,895)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,134)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,566)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,957)

Thứ Sáu tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7