Lời chúa mỗi ngày

Thứ Năm 01/02/2024 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 4 thường niên. – Chúa Giêsu sai đi mười hai tông đồ.

  • In trang này
  • Lượt xem: 235
  • Ngày đăng: 31/01/2024 10:00:00

 Chúa Giêsu sai đi mười hai tông đồ.

01/02 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 4 thường niên.

"Người bắt đầu sai các ông đi". 

 

Lời Chúa: Mc 6, 7-13

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế.

Và Người truyền các ông đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: "Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ".

Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Không được mang gì

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Đức Giêsu đã chọn nhóm Mười Hai

để họ ở với Ngài và để được Ngài sai đi rao giảng và trừ quỷ (Mc 3, 14-15).

Bây giờ, sau một thời gian sống gần gũi bên Thầy,

đã đến lúc họ được sai đi để làm những điều họ thấy Thầy làm:

kêu gọi người ta hoán cải, trừ quỷ, xức dầu chữa bệnh nhân (cc. 12-13).

Các môn đệ trở nên cánh tay nối dài của Thầy.

Họ được Thầy Giêsu tin tưởng cho chia sẻ cùng một sứ mạng.

Các môn đệ mang gì khi lên đường?

Một lệnh sai đi, một người bạn đồng hành, một quyền lực trên thần ô uế.

Đức Giêsu cho phép họ mang một cái gậy và đôi dép để đi đường xa.

Tất cả hành trang chỉ có thế!

Những thứ bị cấm mang khi đi đường

là những thứ vốn tạo ra sự bảo đảm hay dư thừa không cần thiết:

lương thực, bao bị, tiền giắt lưng, hai áo trong.

Như thế người được sai đi phải hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa lo liệu,

và phải hoàn toàn cậy dựa vào lòng tốt mỗi ngày của tha nhân.

Nhẹ nhàng, đơn sơ là thái độ của người luôn sẵn sàng ra đi.

Siêu thoát, vô vị lợi là thái độ của người không dính bén với vật chất.

Người tông đồ cũng không dính bén đến cơ sở hay tiện nghi.

Họ không tìm cách đổi chỗ ở để có chỗ tốt hơn (c. 10).

Hơn nữa họ chấp nhận sự thất bại, sự từ chối không muốn đón tiếp (c.11),

vì chính Thầy của họ cũng đã chịu cảnh ngộ tương tự ở quê nhà.

Nhóm Mười Hai đã ra đi theo lệnh Thầy Giêsu

và đã làm được những điều họ không dám mơ (cc. 12-13).

Họ đã học được kinh nghiệm về tin tưởng, khó nghèo, siêu thoát.

Họ đã thấy sức mạnh của Nước Trời đang thu hẹp lại mảnh đất của Satan.

Họ đã đem lại niềm vui cho bệnh nhân và người khao khát Tin Mừng.

Giáo Hội mọi thời vẫn được nhắc nhở từ đoạn Lời Chúa trên đây.

Chẳng ai giữ từng chữ của bản văn, nhưng tinh thần thì không được bỏ.

Sự nhẹ nhàng, cơ động của một Giáo Hội đến phục vụ con người,

luôn kéo chúng ta ra khỏi những nặng nề, trì trệ dễ vướng phải.

Hôm nay Chúa cho phép tôi được mang gì

và cấm tôi mang gì?

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin sai chúng con lên đuờng

nhẹ nhàng và thanh thoát,

không chút cậy dựa vào khả năng bản thân

hay vào những phương tiện trần thế.

Xin cho chúng con làm đuợc những gì Chúa đã làm:

rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,

chữa lành những người ốm đau.

Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng

với niềm vui của người tìm đuợc viên ngọc quý,

biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.

Xin ban cho chúng con khả năng

đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.

Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ

của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu,

thế giới thật bao la

mà vòng tay chúng con quá nhỏ.

Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau

mà tin tưởng lên đuờng,

nhẹ nhàng và thanh thoát.

 

Suy Niệm 2: Vương quyền

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Đa-vít là vị vua đạo đức. Chúa hứa cho dòng dõi ông trường tồn. Vương quyền thuộc về nhà ông mãi mãi. Nếu con cháu ông đi trong đường lối của Chúa. Ý thức điều đó nên trước khi lìa đời Đa-vít kỹ lưỡng dặn dò Sa-lô-môn: “Hãy tuân giữ các huấn lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa của con, mà đi theo đường lối của Người, là giữ các giới răn, mệnh lệnh, luật pháp, và chỉ thị của Người, như đã ghi trong Luật Mô-sê. Như thế con sẽ thành công trong mọi việc con làm và trong mọi hướng con đi, và Đức Chúa sẽ thực hiện lời Người đã phán với cha rằng: “Nếu con cái ngươi sống cho phải đạo, là hết lòng hết dạ bước đi trung thực trước nhan Ta, thì ngươi sẽ không bao giờ thiếu người ngự trên ngai Ít-ra-en”“(năm chẵn).

Lời hứa đó đã ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su. Nhưng đã đổi mới. Chúa Giê-su thuộc dòng tộc Đa-vít. Nhưng khai mạc một vương quốc mới. Không phải vương quốc trần thế. Nhưng vương quốc trên trời. Không còn cai trị Ít-ra-en cũ với 12 chi tộc. Nhưng một dân mới đặt trên nền tảng 12 tông đồ. Không còn chiến đấu với các dân nước lân bang. Nhưng chiến đấu với thần ô uế, với quỉ dữ. Không còn giữ luật Mô-sê. Nhưng tuân giữ Lời Chúa. Không cậy dựa vào sức mạnh trần gian. Nhưng tin vào sức mạnh của Thiên Chúa. Không chỉ làm cho dân được an cư lạc nghiệp. Mà còn cho dân được an vui hạnh phúc. Nhưng để được làm dân trong vương quốc mới của Thiên Chúa, ta phải ăn năn sám hối. Từ bỏ lối sống cũ trong tội lỗi. Để sống đời sống mới trong ân sủng, thánh thiện. “Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh”.

Vương quyền của Chúa Giê-su bền vững muôn đời. Vương quyền Người nhận được vì đã đổ máu ký kết giao ước mới: “Máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu A-ben”. Ta được trở thành công dân mới. Sống trong “thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giê-ru-sa-lem trên trời”. Nơi đó ta không còn bị tà thần ám ảnh. Vì ta sống “với muôn vàn thiên sứ”. Nơi đó ta “tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện”. Ta tới vương quốc hạnh phúc muôn đời: “Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời”.

 

Suy Niệm 3: Sứ mệnh tông đồ

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Một tôn giáo chỉ tồn tại, nếu mỗi ngày một phát triển và có thêm người gia nhập. Kitô giáo do Chúa Giêsu thiết lập cũng nằm trong diện đó. Dưới con mắt Chúa, mỗi linh hồn đều có giá trị như nhau và mỗi người đều được sai đi tìm những con chiên lạc và dẫn chúng về đồng cỏ xanh tươi. Ngài ý thức rằng Thiên Chúa đã tạo dựng con người, không phải để bị vất vào lò lửa đời đời, nhưng là để được thu vào kho lẫm. Do đó, mối bận tâm lớn nhất của Ngài khi đến thế gian chính là đem Tin Mừng cứu độ cho mọi người.

Từ trước tới giờ, Ngài vẫn làm việc đó một mình, nhưng nay vì tính cách khẩn thiết của việc tông đồ, Ngài cần có những con người cộng tác: Mùa gặt bề bộn, mà thợ gặt thì ít. Sứ mệnh tông đồ từ nay được trao cho họ. Sứ mệnh đó thật cao cả và cấp bách, vì thế Chúa đòi hỏi nơi họ sự thoát ly trọn vẹn, hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa quan phòng. Ra đi một cách thảnh thơi, không bồn chồn, không bối rối, không bận tâm đến bị, đến tiền. Không những thế, họ còn phải hy sinh tất cả cho sứ mệnh, đo lường mọi sự theo lợi ích của Nước Thiên Chúa. Họ chấp nhận giao tiếp với thế gian nếu đó là cơ hội để phổ biến sứ điệp, họ không mưu cầu tư lợi, nhưng dũ bỏ hết những gì không liên quan đến sứ mệnh, chỉ như thế, họ mới có thể đạt tới trình độ siêu thoát và dễ dàng chinh phục các linh hồn về cho Nước Chúa.

Mỗi người chúng ta cũng được kêu gọi vào sứ mệnh tông đồ, chúng ta có ý thức sứ mệnh cao cả ấy không? Các linh hồn được cứu rỗi hay bị luận phạt, một phần lớn tùy thuộc vào đời sống của chúng ta. Ðiều đó có thể làm chúng ta run sợ, nhưng nếu chúng ta nhiệt tâm mở rộng Nước Chúa nơi các tâm hồn, chúng ta sẽ được an tâm, không ai có thể trách chúng ta đã đùa giỡn với số phận đời đời của họ, và các linh hồn sẽ là triều thiên cho chúng ta trong ngày Chúa vinh quang ngự đến.

Chúng ta hãy sống kết hiệp với Chúa. Tất cả hoạt động của chúng ta sẽ chẳng có giá trị gì, nếu không bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa. Càng kết hiệp với Chúa, chúng ta càng có khả năng chu toàn bổn phận người tông đồ giữa dân Chúa, và như vậy chắc chắn chúng ta sẽ nhận được phần thưởng Chúa hứa cho người thợ tận tâm, nhiệt tình cho Nước Chúa trị đến.

 

Suy Niệm 4: Nếp sống nghèo cần thiết

Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng. (Mc. 6, 7-8)

Hôm nay các Tông đồ bắt đầu thực tập công việc truyền giáo. Các ông đã được thấy Chúa làm, nghe Chúa nói, thì giờ đây đến lượt các ông nói và làm. Tuy thời kỳ huấn luyện các ông còn chưa xong – chỉ đến ngày Lễ Hiện Xuống công việc này mới kết thúc – nhưng các ông đã có thể thử nghiệm cho biết cuộc đời truyền giáo là thế nào.

Khi sai đi truyền giáo, Đức Giêsu đã dặn dò, chỉ thị cho các Tông đò nhiều điều. Chúng ta sẽ lưu ý hai sự kiện có ý nghĩa này: dặn dò sống khó nghèo và làm cho xong công việc.

Đừng mang theo gì cả

Chúa Giêsu căn dặn các Tông đồ không được mang theo gì cả; các ông phải ra đi không cồng kềnh vướng vít, không mang theo ngay cả đồ ăn thức uống nữa.

Tôi nghĩ: xem ra đây là một điều kiện để người truyền giáo có được thảnh thơi. Ra đi không hành lý, chính là từ chối kéo theo mình những gì là riêng tư, là không khui và phô ra trước mặt người khác, tiền bạc, của cải, uy thế của mình… Ra đi không hành lý là muốn nói lên rằng chỉ có bản thân, tư cách con người truyền giáo mới là chiếc xe tốt cần thiết cho việc đi rao giảng Tin mừng. Làm chứng là nói bằng chính con người và đời sống của mình, chứ không phải bằng nhừng lời nói xuông mà thôi, nghĩa là sống sao thì dạy vậy, và dạy sao thì sống vậy.

Một khía cạnh khác nữa của nếp sống nghèo cần có đối với người truyền giáo là chấp nhận lòng hiếu khách của người ta, sẵn lòng khi được người ta mời. Người ta dễ đón nhận mình hơn khi ta không choán hết chỗ của họ!

Ta đến không mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh, người ta sẵn lòng đón tiếp ta; hai việc này thường đi đôi với nhau. Ai cũng biết rõ rằng nếu ta tới nhà họ với đôi bàn tay trống – ngoại trừ chứng từ của đời sống ta - thì sự tiếp đón của họ mới thật trong sáng: người ta sẽ tỏ ra quan tâm đến chứng từ, chứ không phải vì món đồ nào đó được cất dấu trong những chiếc va-li của ta.

Làm cho xong công việc

Các Tông đồ đều là những người mới vào nghề; việc các ông làm chẳng phải là điều mắt thấy tai nghe: xức dầu cho vài người bệnh, săn sóc cho mấy bệnh nhân, úy lạo những người khốn khổ, thất vọng.

Có lẽ chúng ta quá tán dương việc các Tông đồ làm, nên đâm ra nhát sợ không có khả năng làm chứng như các ngài. Lần này, ta hãy cứ tạm biết rằng các ngài cũng đã chỉ làm những việc bình thường mà ta có thể làm được, và trước hết các ngài đã trở thành những bàn tay săn sóc, trước khi miệt mài với công việc rao giảng.

Lúc này đây, Chúa Giêsu đang bảo ta: “Nào con, ta đi làm việc thôi, và hãy làm với tinh thần đơn sơ mà can đảm!”.

 

Suy Niệm 5: Giảng gì? Giảng như thế nào?

Sau khi được Đức Giêsu gọi và chọn các môn đệ, các ông đã ở lại với Ngài một thời gian, nay Ngài sai họ đi để rao giảng Tin Mừng.

Đức Giêsu truyền cho họ đi rao giảng, và không những thế, Ngài còn dạy cho họ biết giảng điều gì, và giảng như thế nào!

Về nội dung lời giảng: “Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối”. Đây cũng chính là sự tiếp nối lời giảng dạy của Đức Giêsu và của Gioan Tiền Hô.

Về cách giảng:

- Trước tiên, để lời giảng của các ông có giá trị, họ phải là chứng nhân.

- Thứ đến, chữa lành thể xác bằng việc chữa bệnh.

- Cuối cùng, giải thoát con người khỏi xiềng xích trói buộc của Ma Quỷ.

Về thái độ, tác phong của người môn đệ: người thừa sai phải là người nghèo. Nghèo để thanh thoát; để liên đới; để tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đi loan báo Lời Chúa cho mọi người, nhất là những người đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần.

Người đi theo Chúa phải là người luôn luôn xây dựng và cổ võ sự hiệp nhất, sống tình huynh đệ và yêu thương, trở nên chứng nhân cho Lời Chúa bằng hành động.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi người, nhất là những người nghèo. Nhưng trước tiên, xin cho chúng con biết sống nghèo, tin tưởng, phó thác nơi Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Được Chúa sai đi rao giảng

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Tông đồ là người được Chúa sai đi, được giao nhiệm vụ rao giảng ơn cứu độ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên thế giới và dựng nên con. Con thật nhỏ bé giữa vũ trụ mênh mông rộng lớn này. Ai cũng có một mảnh đời riêng, một khoảng hẹp riêng cho đời mình. Dù không là gì so với vô tận không gian, con vẫn biết rằng Chúa không bỏ quên mỗi một người trong chúng con. Đàng khác, dù con có muốn lẩn trốn vào góc quên lãng, muốn cuộn mình vào trong lớp vỏ lặng câm, vì mặc cảm nhỏ nhoi hèn kém, thì con vẫn không thể tránh khỏi cái nhìn yêu thương của Chúa.

Chúa đã sai các tông đồ đến với chúng con, gọi chúng con bước ra khỏi vỏ bọc của mình, khiến trái tim khép kín phải mở cửa nhảy mừng, khiến môi miệng lặng câm phải cất vang lời hát, và khiến mọi khao khát được no thỏa niềm vui. Các mục tử chính là sự hiện diện sống động của Chúa giữa đàn chiên, là những người được Chúa sai đến tới mọi ngõ ngách của thế giới này. Qua các ngài, chính con cũng được sai đi để đến với anh em mình, nhìn vào mắt nhau để nói lời yêu thương, cầm tay nhau mà sánh bước về Nước Chúa. Như vậy, con sẽ chìm lặng trong sự hủy diệt nếu con quay mặt làm ngơ trước sự săn sóc của Chúa. Trái lại, khoảng hẹp đời con sẽ rộng mở thênh thang nếu con đón lấy ánh lửa yêu thương Chúa gửi đến với con.

Lạy Chúa, con mong sao được là ngọn lửa thắp lên từ lửa tình yêu của Chúa, và được sai đi để thắp sáng cuộc đời anh em, biến những khoảnh khắc thành vĩnh cửu, biến những vui buồn mau qua thành hạnh phúc đời đời. Xin Chúa chúc lành cho ý nguyện của con. Amen.

Ghi nhớ: ”Người bắt đầu sai các ông đi”.

 

Suy Niệm 7: Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai đi

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Cha Piô Ngô Phúc Hậu vị tông đồ truyền giáo vùng sông nước mênh mông, đất đai thẳng cánh cò bay hiu quạnh ở vùng cực nam của Tổ quốc, cha chia sẻ về một trong những kinh nghiệm truyền giáo: Mình xách môbylét đi một đường, vừa đi vừa liếc, lòng thầm cầu nguyện để Chúa chọn cho người truyền giáo một nơi dừng chân. Tự nhiên lòng mình thấy ấm hẳn lên khi nhác thấy một căn nhà lá có trồng cây lựu ở phía trước. Trái lựu to bằng nắm tay đang đánh đu theo gió. Như một phản xạ, mình lái môbylét vào tới hàng ba, làm bộ ngắm nghía cây lựu. Bà chủ nhà, nét mặt hiền từ, mái tóc muối tiêu, nghe tiếng xe nổ và tắt máy vội vàng chạy ra.

- Thầy kiếm ai đó?

- Chào bác. Cây lựu nhà bác dễ thương quá, cho tôi ngắm một tí.

- Thì vô trong nhà uống nước đã.

- Bác thứ mấy để tôi xưng hô cho dễ.

- Tôi thứ năm. Thứ của ông nhà tôi.

- Thế bác trai đi đâu rồi, bà Năm?

- Ông tôi mất từ lâu rồi.

- Bây giờ bà Năm ở với ai?

- Có hai bà cháu à. Thầy ở đâu mà vô đây?

- Tôi ở Ô Môn vô đây dạy giáo lý. Sáng vô, chiều về. Đi tới đi lui thấy bất tiện quá. Tôi muốn ở lại đây luôn, mà chưa kiếm được chỗ nào ở cho thuận lợi.

- Thì thầy ở đây với tôi. Nhà rộng rinh à. Thầy ở đây thì cũng như con cháu trong nhà chứ gì.

- Thế bà Năm theo đạo nào?

- Tôi chẳng theo đạo nào hết. Thờ ông bà vậy thôi.

- Cám ơn Chúa. Cám ơn bà Năm. Vậy ngày mai tôi vô ở luôn nhá.

- Ừa (Trích Nhật ký Truyền giáo, Bà Năm).

Suy Niệm

Người môn đệ được sai đi, hành trang duy nhất là sự nhiệt thành và lòng tin thác cậy trông. Mang tâm tình của Đức Kitô truyền cho các môn đệ: “Đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo”. Người lại bảo: “Đến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi”...

Thánh Gioan Kim Khẩu Suy Niệm lệnh truyền của Chúa trên các tông đồ: “Ngài phòng giữ cho các môn đệ khỏi mọi sự nghi ngờ của những ý niệm trần gian lưu tâm; Ngài cất đi nơi các ông khỏi mọi sự lo toan trần thế, để toàn tâm lo việc Lời Chúa, và Ngài làm cho các ông biết quyền năng và sự chăm sóc mà Ngài dành cho họ”. Thật thế, đêm hôm trước cuộc tử nạn, Ngài chất vấn các ông về sự quan tâm của chính Ngài: “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không?” (Lc 22,35)… Sau khi đã trang bị cho các ông những quyền lực cần thiết cho sứ vụ, Ngài ra lệnh cho các ông để lại tất cả những gì không cần thiết” (Theo Homélie XXXII sur l’évangile selon saint Matthieu, 4). Để lại những lo toan trần thế, không cần thiết để làm “nhẹ bớt”, sẵn sàng theo sự thúc đẩy của Thánh Thần như Đức Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận nhận định: “Hãy cắt đứt xích xiềng ràng buộc con, dù là xích vàng, để tiến tới. Cuối đường có Chúa đón chờ con” (ĐHV số 179).

Làm việc tông đồ một tay nắm lấy tay Chúa, một tay nắm lấy tay anh em. Vì thế Chúa Giêsu nói đến hình ảnh sai hai người ra đi. Trong Công vụ sứ đồ, các thừa sai luôn luôn đồng hành với nhau: Phêrô và Gioan (x.Cv 3,1; 4,13); Phaolô và Barnabê (x.Cv 13,2); Giuđa và Sila (x.Cv 15,22b)…

Chúa gọi và sai người môn đệ. Người tín hữu qua bí tích Rửa Tội cũng được gọi sai đi. Mỗi ngày, hay ít là Chúa nhật, chúng ta tham dự thánh lễ, Missa – Messe, chữ Messe- Missa - thánh lễ có nghĩa là “sự sai đi” như lời truyền: “Anh hãy đi! Anh em được sai đi” “Ite, Missa est”. Chính Chúa đã thiết lập nhịp sống sai đi và trao cho mọi người chúng ta. Sai đi để sinh hoa kết quả tôn vinh Thiên Chúa như lời mời gọi: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15,8), đó là ơn gọi chung của mọi Kitô hữu như Chúa nói: “Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại”(Ga 15,16).

Thật thế, đời con là một sự ra đi, ra đi tiến vào đời vì được sai như lời ca được tấu lên tiễn bước con: “Ngài sai tôi đi vào đời, niềm tin vui gieo lòng người, Ngài sai tôi đi mọi nơi…”.

 

Suy Niệm 8: Chúa sai các Tông đồ đi truyền giáo

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Sau một thời gian huấn luyện, hôm nay Chúa Giêsu sai các Tông đồ đi thực tập truyền giáo. Chúa sai các ông đi từng hai người một, ban cho các ông có quyền chữa bệnh và khử trừ ma quỉ. Người không cho các ông mang theo gì, trừ ra cây gậy và đôi dép, để các ông hoàn toàn phó thác vào Người. Người dặn bảo các ông: đến nơi nào thì cứ kiên trì ở đó giảng  và làm phúc cho họ. Nếu nơi nào người ta không chịu nghe lời thì hãy đi nơi khác, nhưng hãy cảnh cáo cho họ biết lỗi của họ.

2. Hôm nay các Tông đồ bắt đầu thực tập công việc truyền giáo. Trong thời gian qua, các ông đã được trong thấy việc Chúa làm, Chúa giảng dạy... thì giờ đây đến lượt các ông phải nói và làm. Tuy thời kỳ huấn luyện  các ông còn chưa xong – chỉ đến ngày lễ Hiện Xuống việc này mới kết thúc – nhưng các ông có thể thử nghiệm cho biết cuộc đời truyền giáo là thế nào.

3. Chúa muốn các ông sống khó nghẻo và đơn sơ phó thác.

Chúa Giêsu căn dặn các tông đồ không được mang theo gì cả, các ông phải ra đi không cồng kềnh vướng vít, không mang theo ngay cả đồ ăn thức uống nữa.

Xem ra đây là một điều kiện để người truyền giáo có được thảnh thơi. Ra đi không hành lý, chính là từ chối kéo theo mình những gì là riêng tư, và phô ra trước mặt người khác, tiền bạc, của cải, uy thế của mình... Ra đi không hành lý là muốn nói lên rằng chỉ có bản thân, tư cách con người truyền giáo mới là chiếc xe tốt cần thiết cho việc đi rao giảng Tin Mừng. Làm chứng là nói bằng chính con người và đời sống của mình, chứ không phải bằng những lời nói xuông mà thôi, nghĩa là sống sao thì dạy vậy, và dạy sao thì sống vậy.

4. Một khía cạnh khác của nếp sống nghèo cần có đối với người truyền giáo là chấp nhận lòng hiếu khách của người ta, sẵn lòng khi được người ta mời. Người ta dễ nhận mình hơn khi ta không choán hết chỗ của họ. Ta đến không mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh, người ta sẵn lòng đón tiếp ta; hai việc này thường đi đôi với nhau. Ai cũng biết rõ rằng nếu ta tới nhà họ với đôi bàn tay trống – ngoại trừ chứng từ của đời sống ta – thì sự tiếp đón của họ mới thật trong sáng: người ta sẽ tỏ ra quan tâm đến chứng từ, chứ không phải vì món đồ nào đó được cất giấu trong những chiếc Va-li của ta.

5. Chúa muốn các nhà truyền giáo làm chứng cho Người.

Mỗi người chúng ta có trách nhiệm phải thi hành sứ mạng tiên tri nghĩa là phải làm chứng cho Chúa Giêsu như lời Người dạy: “Các con là chứng nhân của Thầy”. Rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa không phải chỉ dùng lời nói suông nhưng phải dùng cả đời sống, cả con người của mình để làm chứng, vì con người chúng ta là phương tiện hữu hiệu để chỉ cho người ta biết Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi người phải có đời sống gương mẫu để xứng đáng là “chứng nhân” của Chúa, ngược lại chỉ là những”phản chứng” thôi. Cho nên chúng ta có thể nói: cách giảng hữu hiệu nhất là làm chứng, và cách làm chứng hữu hiệu nhất là cuộc sống nghèo, không cần gì khác ngoài ơn Chúa.

Về phương diện này có người kể lại rằng: “Đã có lần Lénine nói về thánh Phanxicô Assisi: “Để có thể thay đổi bộ mặt thế giới, có lẽ chỉ cần 10 con người như vậy” (Trích Mỗi ngày một Tin vui”).

6. Chúa cũng muốn chúng ta phải làm chứng nhân cho Chúa.

Mỗi công việc đều có phương tiện để đạt tới mục đích. Trên thế giới này có biết bao nhiêu ngàng nghề, biết bao lãnh vực cho nên có vô vàn vô số những phương tiện thích hợp. Trong lãnh vực truyền giáo, Chúa cũng dùng đủ mọi phương tiện để nhờ đó người ta có thể nhận biết Chúa, nhưng phương tiện sống động và hữu hiệu nhất là chính con người chúng ta, chính con người chúng ta là dấu ấn của Thiên Chúa để người ta trông thấy chúng ta thì đồng thời cũng nhìn ra Chúa.

Trong việc phong thánh cho linh mục Gioan Vianney, cha sở xứ Ars, một nhà điều tra phong thánh có hỏi một người trong giáo xứ về đời sống của Ngài, thì người giáo dân ấy chỉ trả lời vỏn vẹn bằng mấy chữ: “Tôi đã trông thấy Thiên Chúa trong một con người”.

7. Truyện: Thánh Phanxicô Assisi giảng đạo.

Ngày kia, thánh Phanxicô Assisi nói với thầy dòng: “Nào chúng ta cùng đi phố và giảng đạo”. Hai người ra đi, hết con đường trước mặt, quẹo sang đường khác rồi về nhà. Thầy dòng thắc mắc hỏi: “Con nghe ngài nói là mình đi phố và giảng đạo cơ mà”!

Thánh Phanxicô đáp: “Chúng ta đã giảng đạo rồi đó! Khi chúng ta đi đường. Mọi người nhìn ta, thấy phong cách của ta, nghĩ về đời sống của ta và rồi họ sẽ thắc mắc về nguồn sống linh hồn của họ. Như thế chẳng phải là ta đã giảng đạo cho họ rồi sao”?

Câu nói của thánh nhân quả là khôn ngoan. Người Kitô hữu không có cách truyền giáo nào hay hơn là chính đời sống chứng tá của họ (Góp nhặt).

 

Suy Niệm 9: Để họ đi rao giảng

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Trước đây Chúa Giêsu đã chọn 12 tông đồ, mục đích là “để họ ở với Ngài và để Ngài sai họ đi rao giảng” (Mác Cô 13,14). Vậy sau khi họ đã “ở với Ngài” một thời gian, nay Ngài “sai họ đi rao giảng”. Đây Là những người còn non yếu, cho nên trước khi họ ra đi, Chúa chỉ dẫn họ những điều cần thiết.

Mục đích lần sai đi này là “để họ đi rao giảng”. Họ phải giảng điều gì và giảng thế nào?

- Về nội dung lời giảng, Thánh Marcô tóm lược trong công thức rất gọn “các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối”. Như thế, đây là nôi dung chính, tất cả những lời rao giảng khác đều qui về nội dung chính này. Hơn nữa, đây cũng chính là nội dung rao giảng của Chúa Giêsu (x. Mác Cô 1, 15) và của Gioan Tiền Hô (x. Mác Cô 1,14).

- Về cách giảng: họ không chỉ giảng bằng lời kêu gọi, mà còn bằng

a/ việc làm chứng (c7: họ đi từng nhóm hai người, đúng qui định của luật lệ Môisê và điều kiện để sự làm chứng có giá trị);

b/ việc giải thoát người ta khỏi xiềng xích của thế lực gian tà (“trừ Quỷ”);

c/ việc giải thoát người ta khỏi đau khổ thể xác (“chữa bệnh”).

- Những chỉ dẫn về tác phong người rao giảng có thể toám lại trong hai điều: nghèo và tin tưởng vào Chúa quan phòng.

B. Suy Niệm (...nẩy mầm)

1. Cách giảng hữu hiệu nhất là làm chứng, và cách làm chứng hữu hiệu nhất là một cuộc sống nghèo, không cần gì khác ngoài ơn Chúa.

Đã có lần Lênin nói với thánh Phanxicô Assisi “Để có thể làm thay đổi bộ mặt Thế giới, có lẽ chỉ cần 10 con người như vậy” (Trích “mỗi ngày một tin vui”)

2. Chúa Giêsu sai các môn đệ đi “từng hai người một”. Việc truyền giáo là việc là của tập thể và phải làm trong tinh thần cộng tác với nhau.

Có những người làm việc Chúa những không theo tinh thần ấy: họ làm theo chủ nghĩa anh hùng cá nhân, không thích bị người khác kiểm soát, không muốn người khác chia sẽ thành công…

Ngày kia, Thánh Phanxicô Assisi nói với một thầy dòng: “nào chúng ta cùng đi phố và giảng đạo”. Hai người ra đi, hết con đường trước mặt, quẹo sang đường khác và về nhà. Thầy dòng thắc mắc hỏi: “Con nghe Ngài nói là mình đi phố và giảng đạo cơ mà!”

Thánh Phanxicô đáp: “Chúng ta đã giảng đạo rồi đó! khi chúng ta đi đường. Mọi người nhìn ta, thấy phong cách của ta, nghĩ về đời sống của ta và rồi họ sẽ thắc mắc về nguồn sống nơi linh hồng của họ. Như thế chẳng phải là ta đã giảng đạo cho họ rồi sao?”

Câu nói của thánh nhân quả là khôn ngoan. Người Kitô hữu không có cách truyền giáo nào hay hơn là chính đời sống chính tá của họ. (Góp nhặt)

3. ”Nơi nài người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì ra khỏi nơi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ” (Mc 6,11)

Để tiện việc ôn thi đại học của đứa em, tôi phải thuê nhà trọ ở gần trường và ở chung với nó. rồi một buổi tối, trời mưa như trút nước, ba mẹ con hành khất đến xin chủ nhà cho ngủ trọ. Người chủ nhà từ chối và tìm cách đuổi khéo.

Nhìn bóng ba mẹ con hành khất khuất dần trong bóng tối, tôi cảm thấy sức nặng của Tin Mừng và những đòi hỏi quyết liệt của nó. Giả như các môn đệ của Chúa đến với tôi không bị, không bánh, không tiền, liệu tôi có thể tiếp nhận các Ngài không? Rất có thể một lần nữa, các Ngài sẽ bị xua đuổi hay khước từ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết nhận ra Chúa nơi tất cả mọi người nhất là những người cùng khổ, để luôn ân cần đón tiếp mọi người. (Epphata)

 

Suy Niệm 10: Nội dung, tác phong và cách rao giảng

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

Chúa Giêsu đã chọn 12 tông đồ, mục đích là ”để họ ở với Ngài và để Ngài sai họ đi rao giảng”.

Họ phải giảng điều gì và giảng thế nào?

- Về nội dung lời giảng, Thánh Marcô tóm lược trong công thức rất gọn: “Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối” (Mc 6,12).

Về cách giảng: họ không chỉ giảng bằng lời kêu gọi, mà còn bằng những việc làm cụ thể.

Tác phong của người rao giảng: Biết sống nghèo và tin tưởng vào Chúa quan phòng.

Cách giảng hữu hiệu nhất là làm chứng, và cách làm chứng hữu hiệu nhất là một cuộc sống nghèo, không cần gì khác ngoài ơn Chúa.

Đức Thánh cha Phaolô VI: ”Con người thời đại chúng ta thích nghe các chứng nhân hơn là các bậc thầy, hoặc nếu có nghe các bậc thầy thì vì những vị thầy này là những chứng nhân”.

Đã có lần Lênin nói về thánh Phanxicô Assisi như thế này: “Để có thể làm thay đổi bộ mặt thế giới, có lẽ chỉ cần 10 con người như vậy” (Trích “mỗi ngày một tin vui”).

Ngày kia, Thánh Phanxicô Assisi nói với một thầy dòng:

- Nào chúng ta cùng đi phố và giảng đạo.

Hai người ra đi, hết con đường trước mặt, quẹo sang đường khác rồi về nhà. Thầy dòng thắc mắc hỏi:

- Con nghe cha nói là mình đi phố và giảng đạo cơ mà!

Thánh Phanxicô đáp:

- Chúng ta đã giảng đạo rồi đó! Khi chúng ta đi đường. Mọi người nhìn ta, thấy phong cách của ta, nghĩ về đời sống của ta và rồi họ sẽ thắc mắc về nguồn sống nơi linh hồn của họ. Như thế, chẳng phải là ta đã giảng đạo cho họ rồi sao?

Câu nói của thánh nhân quả là khôn ngoan. Người Kitô hữu không có cách truyền giáo nào hay hơn là chính đời sống chứng tá của họ. (Góp nhặt)

Người rao giảng Tin Mừng phải thực sự là người cảm nghiệm được một cách sâu xa niềm vui của một cuộc sống siêu thoát. Có như vậy, họ mới có thể thanh thản sống cuộc đời làm chứng cho Tin Mừng

Một ngày nọ, người cha giàu có dẫn con trai đến vùng quê để thằng bé thấy những người nghèo ở đây sống như thế nào. Họ tìm đến nông trại của một gia đình nghèo nhất nhì vùng.

Đây là một cách để dạy con biết quí trọng những người có cuộc sống cơ cực hơn mình – Người cha nghĩ đó là bài học thực tế tốt cho đứa con bé bỏng của mình.

Sau khi ở lại và tìm hiểu đời sống tại đây, họ lại trở về nhà. Trên đường về, người cha nhìn con trai mỉm cười:

- Chuyến đi như thế nào hả con?

- Thật tuyệt vời bố ạ!

- Con đã thấy người nghèo sống như thế nào rồi đấy!

- Ô, vâng rất tuyệt!

- Thế con rút ra được điều gì từ chuyến đi này?

Đứa bé không ngần ngại:

- Con thấy chúng ta có một con chó, họ có tới bốn con. Nhà mình có một hồ bơi dài đến giữa sân, còn họ thì có cả một con sông dài bất tận. Chúng ta phải đưa những chiếc đèn lồng vào trong vườn, còn họ thì có cả một bầu trời sao lấp lánh suốt đêm. Mái hiên nhà mình chỉ đến trước sân, còn họ thì nhà cửa rộng tít đến cả chân trời. Chúng ta có một miếng đất để sinh sống, còn họ thì có cả những cánh đồng trải dài. Chúng ta phải có người phục vụ, còn họ lại phục vụ người khác. Chúng ta phải mua thực phẩm, còn họ lại trồng ra những thứ ấy. Chúng ta có những bức tường bảo vệ xung quanh, còn họ có những người bạn láng giềng che chở nhau…

Đến đây người cha không nói gì cả.

- Bố ơi, con đã biết chúng ta nghèo như thế nào rồi. Cậu bé nói thêm.

Rất nhiều khi chúng ta đã quên mất những gì mình đang có và chỉ luôn đòi hỏi những gì mình chưa có hay không có. Có những thứ không giá trị với người này nhưng lại là mong mỏi của người khác, điều đó còn phụ thuộc vào cách nhìn và cách đánh giá của mỗi người. Xin Chúa cho chúng ta đừng quá lo lắng, chờ đợi vào những gì chúng ta không có hay sẽ có, mà bỏ quên những điều chúng ta đang có, dù chúng là những gì rất nhỏ nhoi. Có như thế chúng ta mới thấy cuộc đời có nhiều niềm vui và mới hăng say trong sứ mạng tông đồ.

W. Goethe nói: “Sự chiếm hữu có ý nghĩa gì đâu. Sự ưng thuận mới là tất cả”

Giữa một thế giới

chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,

xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.

Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,

xin cho con đừng thu tích của cải.

Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,

xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.

Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,

xin cho con biết xây lại niềm tin.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con cảm được cơn đói đang giày vò bao người,

xin cho con nghe được lời mời của Chúa:

“Các con hãy cho họ ăn đi”.

Ước gì chúng con dám trao

tất cả những gì chúng con có cho Chúa,

để Chúa trao tất cả những gì Chúa có

cho chúng con và cho cả nhân loại. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 310)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,438)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,528)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,332)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,781)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,784)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,877)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,082)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,559)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,949)

Thứ Sáu tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7