Lời chúa mỗi ngày

Thứ Hai 25/10/2021 – Thứ Hai tuần 30 thường niên. – Đừng giả hình.

  • In trang này
  • Lượt xem: 8,595
  • Ngày đăng: 24/10/2021 08:00:00

Đừng giả hình.

25/10 – Thứ Hai tuần 30 thường niên.

"Chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc người con gái của Abraham này trong ngày Sabbat sao?"

 

Lời Chúa: Lc 13, 10-17

Khi ấy, nhân ngày Sabbat, Chúa Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Và đây có một người đàn bà bị quỷ ám làm cho bà đau yếu đã mười tám năm. Bà bị khòm lưng, hoàn toàn không thể trông lên được. Khi Chúa Giêsu xem thấy bà, Người liền gọi bà đến mà bảo rằng: "Hỡi bà kia, bà được khỏi tật của bà". Rồi Người đặt tay trên bà ấy, tức thì bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa.

Nhưng viên trưởng hội đường tức giận, vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat, nên ông cất tiếng bảo dân chúng rằng: "Có sáu ngày người ta phải làm việc: vậy thì các người hãy đến xin chữa bệnh trong ngày đó, chớ đừng đến trong ngày Sabbat".

Chúa trả lời và bảo ông ta rằng: "Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabbat, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã mười tám năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabbat sao?" Khi Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người đều hổ thẹn, và toàn dân vui mừng vì những việc lạ lùng Người đã thực hiện.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy niệm 1: Đứng thẳng được

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Trong dòng tiến hóa từ vượn lên đến người,

có một thay đổi bên ngoài khá rõ nét.

Càng tiến hóa thì lưng con vật càng thẳng hơn.

Khi con người có thể đứng thẳng, tầm nhìn sẽ rộng hơn, xa hơn.

Hai chi trước được tự do nên có thể làm được nhiều điều phức tạp.

Đứng thẳng đúng là một nét đặc trưng của con người

Người phụ nữ trong bài Tin Mừng hôm nay bị còng lưng đã lâu.

Mười tám năm không thể nào đứng thẳng lên được (c. 11).

Lưng bà còng hẳn xuống khiến tầm nhìn của bà bị giới hạn.

Có lẽ bà chỉ nhìn thấy mảnh đất nhỏ trước mặt hơn là thấy bầu trời cao.

Bệnh này thật khó chịu, khiến bà đi đứng khó khăn.

Vậy mà bà vẫn có mặt ở hội đường vào ngày sabát, khi Đức Giêsu giảng.

Dù bà thấp vì còng lưng, Ngài vẫn trông thấy bà.

Dù bà chẳng xin gì, Ngài vẫn chủ động gọi để gặp bà (c. 12).

Đức Giêsu nhìn thấy sự trói buộc do cơn bệnh dai dẳng.

“Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền.”

Chữa bệnh chính là đem lại giải thoát cho người phụ nữ.

Hơn nữa, Đức Giêsu còn đặt tay trên bà như một cử chỉ yêu thương.

Tức khắc bà còng lưng đã có thể đứng thẳng lên được.

Điều mơ ước từ mười tám năm, bỗng chốc thành hiện thực.

Bà có thể nhìn thấy bầu trời và cất lời tôn vinh Đấng ngự trên đó (c. 13).

Đức Giêsu coi bệnh của bà như một sự trói buộc của Xatan (c. 16).

Không phải chỉ là trói buộc bằng dây như người ta cột bò lừa (c. 15),

mà là trói buộc bằng xiềng xích.

Chính vào ngày sabát, Đức Giêsu đã cởi xiềng xích đó cho bà,

để bà được tự do, được đứng thẳng như một người bình thường.

Bà còng lưng bị trói buộc bởi gánh nặng của bệnh tật.

Nhưng có bao thứ trói buộc khác làm con người mất tự do.

Như người phụ nữ này, chúng ta muốn và cố làm cho mình đứng thẳng,

nhưng hoàn toàn bó tay từ nhiều năm qua.

Có những thứ trói buộc do tác động bên ngoài,

nhưng có thứ xiềng xích do chính chúng ta đúc nên để tự giam mình.

Tôi bị trói buộc bởi lòng ích kỷ, tham vọng, thèm muốn…

Chúng ta cần thú nhận mình không tự giải thoát mình được,

không tự đứng thẳng được, không tự cắt đứt những thứ trói buộc mình.

Chúng ta cần Đức Giêsu đặt tay của Ngài trên đời ta để ta được tự do.

Đâu phải chỉ người phụ nữ còng lưng mới bị trói buộc.

Tôi cũng bị trói buộc bởi những giá trị mập mờ của thế tục.

Làm sao để tôi được tự do với cái cell phone tôi đang dùng,

với những hình ảnh mà tôi tìm kiếm trên internet,

với lối sống mà ngày nay bao người coi là đáng ước mơ?

Xin cho tôi không chỉ cúi xuống nhìn thấy miếng đất be bé trước mặt,

nhưng có thể ngước lên để thấy bầu trời mênh mông trên cao.

 

Cầu nguyện:

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế Người là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,

đến với Người trong mọi sự,

và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,

nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người

và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi. Amen

 

Suy niệm 2: Giê-su giải thoát

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Đời sống con người bị nhiều thứ trói buộc khiến ta trở thành nô lệ. Trong đó có ma quỉ, xác thịt, thế gian. Ta không thể tự cứu mình. Nhờ Chúa Giê-su ta được giải thoát.

Chúa giải thoát khỏi nô lệ ma quỉ. Xa-tan là một ách nô lệ thống trị. Người phụ nữ này bị trói buộc 18 năm rồi. Nhưng không thể thoát ra. Chúa đến. Chúa là sức mạnh vô biên. Xua đuổi ma quỉ. Giải thoát để người phụ nữ trở thành con Thiên Chúa

Chúa giải thoát khỏi nô lệ xác thịt thế gian. Người phụ nữ bị tật còng lưng. Bị trói buộc khom lưng cúi đầu. Bị ràng buộc vào mặt đất. Không vươn lên trời cao được. Phải cúi đầu trước sự dữ. Chúa giải thoát. Để bà có thể mở rộng tầm mắt nhìn lên trời xanh. Để đứng thẳng hiên ngang tràn đầy phẩm giá.

Chúa giải thoát khỏi nô lệ lề luật. Nô lệ lề luật tạo nên một tôn giáo phi nhân. Có thể cởi dây cho thú vật. Mà không dám cởi trói cho con người. Chúa đem đến một tôn giáo mới. Tự do phóng khoáng. Tràn đầy tình thương. Nâng cao con người.

Trong Người ta trở thành con Thiên Chúa. Không còn là nô lệ. Nhưng được tự do. Được gọi Thiên Chúa là “Abba”. “Anh em không lãnh nhận Thần KHí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử”. Vì thế sống đạo không còn phải là nô lệ lề luật. Nhưng là sống mối tình cha – con với Thiên Chúa. Tự do nhưng yêu thương và hiếu thảo. Như thế ta không còn sống theo xác thịt. Nhưng sống theo Thần Khí. Ta sẽ nên sung mãn. Vì được đồng thừa tự với Chúa Giê-su. Thừa kế di sản vô cùng phong phú, vô cùng quí giá trên thiên đàng (năm lẻ).

Trong Người ta trở thành anh em với nhau. Vì thế phải “đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau” (năm chẵn).

Hôm nay thế giới còn bị nhiều trói buộc. Xin Chúa giải thoát ta khỏi mọi nô lệ. Nô lệ thần tượng. Dục vọng. Tội lỗi. Ý riêng. Tự ái. Quan niệm. Đó là những gánh nặng kéo ta cúi xuống. Không đứng thẳng lên được.

Xin giải thoát con. Để con đến với Chúa trong tự do. Trong tình con thảo. Và đến với anh em trong tình huynh đệ. Đạo trở thành gia đình yêu thương. Luật trở thành tình yêu tự do. Người trở nên cao cả. Vì phẩm giá lớn lao.

 

Suy niệm 3: Cốt Lõi Của Ðạo

Một đêm mùa Ðông lạnh như cắt, một vị ẩn sĩ không chịu nổi cái lạnh của sa mạc, đã tìm đến xin trú ẩn tại một ngôi chùa. Nhìn thấy gương mặt tiều tụy của vị ẩn sĩ, tu sĩ canh giữ ngôi chùa không nỡ để ông ta đứng mãi giữa trời. Vị tu sĩ cho ông vào, nhưng lại nói một cách cương quyết: "Ông có thể ngủ đêm trong chùa, nhưng chỉ một đêm thôi, ngày mai ông phải rời khỏi nơi này tức khắc, vì đây là nơi tu hành, chứ không phải là trại tế bần".

Giữa đêm, vị tu sĩ nghe thấy tiếng động kỳ lạ. Ông thức dậy và chứng kiến cảnh tượng khác thường: giữa ngôi chùa vị ẩn sĩ đang ngồi sưởi ấm bên một đống lửa cháy phừng. Nhìn lên bàn thờ, vị tu sĩ không còn thấy tượng Phật bằng gỗ nữa. Ông hỏi vị ẩn sĩ, vị này chỉ vào đống lửa điềm nhiên đáp: "Tôi không chịu nổi cái lạnh, nên đã dùng tượng Phật để nhóm lên đống lửa này". Nghe thế, vị tu sĩ quát lớn: "Ông khùng rồi sao? Ông có biết ông đã làm gì không? Ðây là tượng Phật, ông đã đốt cháy Ðức Thích Ca của chúng tôi".

Sáng hôm sau, vị tu sĩ trở lại để đuổi vị ẩn sĩ ra khỏi chùa; ông thấy vị ẩn sĩ đang bới đống tro như để tìm kiếm vật gì đó. Thấy vị tu sĩ thắc mắc, ông ta trả lời: "Tôi đang tìm kiếm những cái xương của Ðức Phật mà ngài bảo là tôi đã thiêu đốt tối hôm qua".

Về sau, vị tu sĩ canh giữ ngôi chùa kể lại câu truyện cho một Thiền sư, và Thiền sư đã trách ông như sau: "Ông là một tu sĩ xấu, bởi vì ông xem một tượng Phật chết trọng hơn một mạng người sống".

Một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu, chính là cuộc xung đột giữa Ngài và những người Biệt phái. Những người Biệt phái bám vào việc tuân giữ nghi thức và luật lệ đến độ dẫm lên trên cả mạng sống con người. Trong khi đó, đối với Chúa Giêsu, cốt lõi của đạo chính là tình yêu. Phân định về việc giữ ngày Hưu lễ, Chúa Giêsu tuyên bố dứt khoát: "Ngày Hưu lễ được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Hưu lễ". Ngài đã giải thoát một người đàn bà khỏi bị còng lưng trong ngày Hưu lễ, để chứng tỏ sự sống của con người, giá trị của con người, hay đúng hơn, tình yêu thương cao cả hơn tất cả những nghi thức và việc tuân giữ bên ngoài.

Xin cho chúng ta hiểu rằng cái cốt lõi của đạo chính là tình thương. Xin cho những lời cầu kinh, những việc tuân giữ luật lệ không là những cái vỏ hình thức bên ngoài, mà phải dẫn chúng ta đến những hành động cụ thể của tình yêu. Xin cho chúng ta luôn xác tín rằng sống cho tình yêu là được sống trong Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 4: Ngọn Lửa Nội Tâm

Thế vận hội năm 2000 dành cho những người khuyết tật đã kết thúc một cách tốt đẹp tại Sydney, Australia. Buổi lễ khai mạc hôm tối thứ Tư 18/10/2000 vẫn là biến cố được theo dõi nhiều nhất. Khi nữ lực sĩ ngồi xe lăn người Úc là cô Louis Xaviest châm ngọn đuốc vào vạc dầu nhỏ đặt giữa sân vận động, đám đông khán giả ngồi chật trong vận động trường đã đồng loạt đứng lên vỗ tay chào mừng. Louis Xaviest được chọn để châm ngọn lửa khai mạc thế vận hội gồm hơn bốn ngàn lực sĩ khuyết tật của một trăm hai mươi chín phái đoàn tham dự; ngọn lửa soi rọi vào tất cả mọi thành tích của những lực sĩ mà không gì có thể ngăn cản nổi quyết tâm thi đua của họ. Ðiểm xúc động nhất đối với mỗi người dĩ nhiên là hình ảnh của những con người ra sức chống chọi với mọi nghịch cảnh để thắng vượt chính mình.

Ngọn lửa nội tâm, chủ đề của đêm khai mạc thế vận hội dành cho người khuyết tật đã nói lên được tấm lòng hăng say và nhiệt tâm vươn lên ấy. Nét rạng rỡ hân hoan và đầy hưng phấn của hàng ngàn lực sĩ khuyết tật đã thể hiện được ý nghĩa của thế vận hội dành cho người khuyết tật lần thứ 11 vừa qua, đó là sự chiến thắng của ý chí con người.

Sự chiến thắng của ý chí con người chính là sứ điệp mà thế vận hội dành cho người khuyết tật muốn gởi đến cho thế giới. Nhưng cùng với sứ điệp ấy thế giới cũng đón nhận được một thông điệp khác không kém quan trọng, đó là sự tôn trọng và sự yêu mến cần phải có đối với người khuyết tật. Hàng ngàn lực sĩ được may mắn có mặt trong kỳ thi thế vận hội dành cho người khuyết tật là đại biểu của vô số những người khuyết tật trên khắp thế giới. Họ có thể là những người phải mang thương tật vì tai nạn. Nhưng có biết bao nhiêu người khuyết tật là nạn nhân của chính sự độc ác của con người, và nhất là đang đau khổ vì chính thái độ kỳ thị và dửng dưng của người đồng loại.

Tôn trọng và yêu thương những người anh chị em khuyết tật. Ðây là sứ điệp mà Tin Mừng hôm nay có thể gợi lên cho chúng ta để cùng đào sâu và sống. Chúa Giêsu luôn dành ưu ái cho những người nghèo khổ, những kẻ bé mọn, những người bị xã hội đẩy ra bên lề. Ðể đến với những người này, Ngài sẵn sàng vượt qua mọi thứ rào cản. Trong Tin Mừng hôm nay, để chữa bệnh cho một người phụ nữ bị còng lưng, Ngài đã vượt qua một trong những thứ rào cản gai góc nhất đối với người Do Thái là những cấm kỵ của ngày hưu lễ. Nhiều người Do Thái mà ông trưởng hội đường là điển hình nại đến những cấm kỵ của ngày hưu lễ để bắt bẻ Chúa Giêsu, nhưng Ngài đã vạch mặt chỉ tên những kẻ đạo đức giả. Ðạo đức giả là bởi vì họ vẫn lén lút làm việc xấu trong ngày hưu lễ nhưng lại ngăn cản không cho người khác được làm việc thiện trong ngày này.

Ðối với Chúa Giêsu, Lề Luật được làm ra vì và cho con người, chính vì thế mà Ngài đã khẳng định Lề Luật và sách các ngôn sứ đều qui về một mối duy nhất là yêu người. Vì yêu thương con người, Chúa Giêsu đã sẵn sàng vượt qua mọi thứ rào cản để đến với con người. Ngày nay, Ngài cũng mời gọi chúng ta bước theo Ngài, sẵn sàng vượt qua mọi chướng ngại và đạp rào cản trong cuộc sống để tìm đến với tha nhân, nhất là những kẻ bé mọn, những người bị đẩy ra bên lề cuộc sống do luật pháp và truyền thống của con người dựng lên nhưng cũng có vô số những rào cản do chính chúng ta dựng lên ngay trong tâm hồn và trong ánh mắt của chúng ta. Những rào cản đó là lòng hận thù, sự ích kỷ và nhất là thái độ dửng dưng của chúng ta trước nỗi khổ đau của người khác.

Nguyện xin Ðấng đã đến để xóa bỏ mọi ngăn cách giữa người với người và trở nên mọi sự cho mọi người, xóa bỏ mọi thứ rào cản trong tâm hồn chúng ta để chúng ta bước đi bước trước, tới với tha nhân, nhất là những kẻ bé mọn, những người bị đẩy ra bên lề cuộc sống.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 5: Ngày Sabát, Ngày Làm Vinh Danh Chúa

Ngày sa bát Đức Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Ở đó có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” (Lc. 13, 10-12)

Theo sách Thứ luật của Cựu ước, việc thánh hóa ngày thứ bảy (ngày Sa-bát) như là ngày của Chúa, để kỷ niệm ngày Chúa giải phóng dân Do thái khỏi nô lệ Ai cập. Ngày thứ bảy là dấu chỉ ngày dân Chúa được tự do. Tuy nhiên, nó đã trở thành ngày dân Do thái bị ràng buộc bởi rất nhiều giới luật cấm đoán hơn những ngày khác.

Đức Giêsu muốn phục hưng ý nghĩa chân thực của ngày Sa-bát, nó phải trở nên ngày con người thực hiện nhân phẩm và tự do của con cái Thiên Chúa và làm sáng danh Ngài.

Ngày giải phóng

Đức Giêsu đã chọn một dấu chỉ thế này: một người đàn bà bị quỷ ám từ mười tám năm, quỷ ngăn cản bà nhìn lên Thiên Chúa, hướng về trời, vì nó bắt bà phải còng lưng hẳn xuống, không thể nào đứng thẳng lên được. Bà không ngừng hy vọng được chữa lành, nhưng mọi phương thuốc loài người đều vô hiệu, không thể giải phóng bà khỏi tật gù lưng. Biết được nguyện vọng của bà, Đức Giêsu kêu gọi bà lại, đuổi quỷ ra, và đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày Sa-bát, ông đã lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh vào những ngày đó, đừng đến xin vào ngày Sa-bát”.

Đức Giêsu đáp lại: “Thế ngày Sa-bát, ai trong các ngươi lại không cởi giây, dắt bò lừa rời khỏi máng cỏ đi xuống nước? Còn bà này là con cháu Áp-ra-ham, là con cái Thiên Chúa, bị sa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày Sa-bát sao?”.

Ngày Sa-bát chính là ngày của Chúa đã giải phóng dân khỏi nô lệ thì bây giờ Ngài đã dùng quyền năng và lòng thương xót của Ngài mà cứu chữa bà này khỏi nô lệ sa-tan. Còn việc nào làm vinh danh Chúa hơn trong ngày Sa-bát, bằng việc chặt đứt cái giây buộc trói bà và cho bà thứ nước đức tin mà bà hằng cầu xin.

Ngày tạ ơn Thiên Chúa

Ngày Sa-bát là ngày tôn thờ, vâng phục Đấng toàn năng sáng tạo và ngợi khen cảm phục trước những công trình vĩ đại của Ngài, người đàn bà được giải thoát bắt đầu tôn vinh Thiên Chúa. “Còn dân chúng vui mừng vì những việc lạ lùng của Chúa”.

RC

 

Suy niệm 6: Đừng vì luật mà bất nhân với anh em

Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: vào một buổi chiều nọ tại một làng quê, người ta đem một người chết đi chôn. Trong khi chuẩn bị hạ huyệt, người nhà nghe thấy có tiếng động trong quan tài? Ngay lập tức, họ báo cho mọi người biết! Vì thế, người chủ sự lễ nghi truyền cho những người khiêng quan tài dừng lại và mở nắp quan tài ra. Mọi người ngỡ ngàng, xôn xao và sợ hãi vì thấy người chết ngồi dạy! Tuy nhiên, vị chủ sự nói với người trong quan tài rằng: “Thưa ông, theo nguyên tắc, việc ông chết đã được thông báo và chúng tôi đã có giấy báo tử của ông trong tay. Vì thế, cứ chiếu theo nguyên tắc, ông phải được chôn xuống. Vì thế, ông vui lòng để chúng tôi thi hành bổn phận”. Dứt lời, vị trưởng nghi truyền cho mọi người đóng nắp quan tài lại và tiếp tục lễ nghi, mặc cho lời van xin của người trong quan tài!

Trên đây chỉ là câu chuyện giả tưởng nhằm phê phán những người sống hình thức, vụ luật, bất nhân.

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Đức Giêsu lên tiếng chỉ trích rất nặng lời với những người sống vụ luật và bất nhân đối với người khác.

Câu chuyện được khởi đi từ việc Đức Giêsu chữa người đàn bà bị quỷ ám làm cho khòm lưng đã 18 năm vào đúng ngày Sabát. Thấy vậy, ông trưởng hội đường xem ra có vẻ khó chịu vì Đức Giêsu đã vi phạm luật ngày Sabát. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lên tiếng nói: "Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabát, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã 18 năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabát sao?". Qua câu hỏi đó, Đức Giêsu mặc cho luật một tinh thần mới, đó là: yêu thương, liên đới và tha thứ. Đây chính là cốt lõi của luật. Luật mà không có tình yêu lồng vào thì đó là luật chết, vì nó giết chết con người cách khủng khiếp nhất.

Ngày nay, vẫn có nhiều người xem ra rất đạo đức như: đọc kinh, xem lễ hằng ngày; lần hạt thì hết chuỗi này đến chuỗi khác. Điều này rất tốt và ích lợi cho đời sống thiêng liêng nếu người đó biết thực hành những điều Chúa và Giáo Hội dạy ngang qua những việc đạo đức đó, tức là “Lời nói đi đôi với việc làm”.

Nhưng chớ trêu thay, vẫn còn đó những cái xác không hồn khi không biết sống yêu thương, không có tấm lòng bác ái, nhân từ, vẫn sống man trá, lọc lừa nhân danh thứ đạo đức dởm bề ngoài. Lại có nhiều người đi lễ đâu phải vì lòng mến Chúa, mà chủ yếu là khoe mẽ quần là áo lượt! Vì thế, khi thấy cha giảng hơi dài một chút là khó chịu, bực tức, hoặc khi cha dẫn giải Lời Chúa mà đụng chạm đến lòng tự ái của mình là đùng đùng nổi giận và chỉ trích cha thế này, cha thế kia...! Tệ hơn nữa là đi lễ chỉ vì luật, nên không thiếu gì những bạn trẻ đi lễ “ôm” hay thuộc đạo “gốc”; đạo “ngắm”; đạo “dòng”!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần thoát ra khỏi những kiểu giữ đạo vì sợ điều này điều kia. Hay đi lễ nhà thờ chỉ vì thói quen, hoặc muốn chứng tỏ rằng mình đạo đức hơn người. Lời Chúa thôi thúc chúng ta rằng: khi giữ những luật lệ của đạo là điều cần thiết. Tuy nhiên, cần mặc cho nó một tình yêu. Nếu có tình yêu, chúng ta sẽ mến Chúa, yêu anh chị em mình cách chân tình. Luôn muốn và làm điều tốt nhất cho anh chị em chúng ta. Không còn chuyện bè phái, lươn lẹo, lật lường, nhưng ngay thẳng, chân thành và thánh thiện. Chỉ khi làm được chuyện đó, chúng ta mới thấy được luật của Chúa là luật làm cho con người được hạnh phúc, bình an và hoan lạc thực sự. Nếu không thì chỉ là chiếc xiềng quá nặng mà chúng ta vẫn cố đeo trên cổ đến nỗi bò lê lết để mang nó hằng ngày.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con yêu mến Luật Chúa; đồng thời, xin cũng cho chúng con biết đem luật yêu thương của Chúa ra thực hành trong cuộc sống nơi các mối tương quan. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 7: Không giữ luật lệ cách máy móc

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Lòng nhân từ bao dung của Chúa không bị giới hạn bởi những luật lệ. Chúa dạy ta không được tuân giữ luật lệ một cách máy móc, nhưng trên hết, phải có lòng thương xót.

Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, ông trưởng hội đường đã quá chú trọng tới việc tuân giữ lề luật, đến nỗi đã chống đối Chúa, không chấp nhận việc chữa bệnh trong ngày lễ nghỉ. Người ta an tâm cứu một con vật, mà lại để cho một người bệnh suốt mười tám năm phải tiếp tục đau khổ. Quả là nghịch lý và giả hình, vì hóa ra họ xem mạng sống con vật quý trọng hơn sự sống con người. Lạy Chúa, Chúa lên án họ, nhưng đồng thời cũng đang lên án chính con.

Biết bao lần, con đã cố gắng chu toàn mọi thứ lề luật, nhưng lại dửng dưng với những nỗi đau khổ của anh chị em chung quanh. Có thể con đã hết lòng bảo vệ luật Chúa nhưng lại thờ ơ lãnh đạm với nhau. Con cố gắng không gây phiền hà ai, không làm mất lòng ai, không cậy nhờ đến ai, với mục đích là cũng đừng ai làm phiền tới con. Con đã từng khó chịu khi phải giúp đỡ ai việc gì, hoặc là khi họ cần đến con.

Lạy Chúa, xin thương ban cho con một trái tim biết yêu mến, biết thương xót và quảng đại, xin giúp con từ nay biết giữ luật với tất cả lòng yêu mến. Xin dạy con biết đối xử với anh em bằng tình thương chân thành. Xin cho con một quả tim bén nhạy để kịp thời nhận ra những thiếu thốn, những nỗi đau khổ nơi anh em con. Xin cho con mau mắn tỏ lòng thương xót anh em và đừng khi nào bỏ qua một dịp sống bác ái. Amen.

Ghi nhớ: “Chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc người con gái của Abraham này trong ngày Sabbat sao ?”

 

Suy niệm 8: Ý nghĩa của luật Chúa: vì yêu mến

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Nhà chú giải Tin Mừng Barclay kể một câu chuyện như sau: Có một người Hồi giáo kia tìm cách giết một kẻ thù để giành quyền kết hôn với một cô gái đẹp. Một hôm, gặp kẻ thù ở chỗ vắng vẻ và nhân lúc kẻ kia không đề phòng, hắn ta rút đao chém một nhát khiến người kia bị thương rồi người kia vội vàng bỏ chạy. Người Hồi giáo liền tiếp tục truy đuổi quyết tâm tiêu diệt tình địch bằng được. Trong lúc đang hăng hái đuổi theo thì bỗng nghe thấy một hồi chuông báo giờ cầu kinh ban chiều, hắn ta lập tức nhảy xuống khỏi mình ngựa, trải chiếc chiếu luôn mang theo bên mình, quỳ hướng về thủ đô Mécca đọc bài kinh chiều thật mau, rồi lại leo lên mình ngựa tiếp tục cuộc truy đuổi!!!

Suy niệm

Chúa Giêsu đã khẳng định Ngài không đến để phá bỏ Lề Luật, nhưng là để kiện toàn (x. Mt 5,17-18), làm cho luật được trọn nghĩa, là đem cho Lề Luật một ý nghĩa tích cực, một nội dung tình yêu. Chúa không chấp nhận giữ luật theo nghĩa đen và câu nệ vào hình thức hơn nội dung. Nhất là giữ luật mình hơn luật của Thiên Chúa để rồi lỗi giới luật căn bản là công bình yêu thương và lòng tin.

Viên trưởng hội đường giống những người luật sĩ và biệt phái bắt lỗi Chúa Giêsu vi phạm luật nghỉ ngày Sabát (x. Lc 6,7-10) vì Người chữa lành cho người phụ nữ khòm lưng do bị quỷ ám.

Trong lúc họ giữ luật ngày Sabát, tuy nhiên họ vẫn có giải thích rộng rãi khác về luật nghỉ ngày Sabát: Cho phép cứu thoát con vật bị sa xuống giếng trong ngày Sabát (x. Mt 12,11) hay dẫn bò lừa đi uống nước... Như thế, trong ngày Sabát họ tự cho phép cứu, nuôi dưỡng con vật mà lại không cho phép cứu người chị em đang đau khổ vì bệnh tật, vì bị xiềng xích của ma quỷ. Ðức Giêsu buồn và giận vì họ cứng lòng, giữ luật vì hình thức và vụ lợi…

Qua hành động chữa lành người phụ nữ trong ngày Sabát, Chúa Giêsu biểu lộ tâm hồn tràn đầy yêu thương đối với con người, đặc biệt người khốn khổ. Qua đó, Ngài thổi tình yêu vào Lề Luật: Ngày Sabát được làm việc lành để thể hiện tình thương.

Xin Chúa cho chúng con có tâm hồn cao thượng, quảng đại, đó là trọng tâm của việc giữ đạo Chúa, giúp chúng con ý thức được ý nghĩa của luật Chúa và giữ luật vì yêu mến…

Ý lực sống

“Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống”. (Thánh Irênê)

 

Suy niệm 9: Phải thực thi bác ái ngày Sabat

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Đức Giêsu đã đi rao giảng được một thời gian, có rất đông người theo để nghe Chúa giảng. Hôm nay ngày Sabat, Ngài vào giảng trong hội đường và ở đó Ngài chữa một người đàn bà bị tật khòm lưng đã 18 năm. Vậy mà viên trưởng hội đường lại căm giận Chúa. Nhân dịp này, Chúa dạy bài học: luật giữ ngày nghỉ không quan trọng bằng luật yêu thương. Người Do thái chỉ tìm cách soi mói bắt bẻ, mà không biết cảm thương với người xấu số. Họ dựa vào Thiên Chúa để trách móc người khác. Điều đó cho thấy, họ không biết sống theo tinh thần bao dung, nhân hậu của Chúa.

Chúng ta nên biết: Bộ luật của người Do thái nhận tại núi Sinai khi Chúa truyền cho ông Maisen chỉ có 10 điều, nhưng được giải thích tỉ mỉ trong sách Lêvi và Đệ Nhị luật thành hơn 500 điều. Một trong những điều quan trọng là ngày nghỉ Sabat, thuộc giới răn thứ ba trong thập điều, được tuân giữ chi tiết, cặn kẽ và nếu phạm vào có thể bị ném đá chết.

Thực ra, khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần dà, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Đề rồi, các luật sĩ, biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy hai thái độ trái ngược nhau trước cảnh khổ của người lân cận. Đức Giêsu, Đấng là hiện thân của tình thương, đã nhìn thấy và hiểu rõ cảnh khổ của người phụ nữ bị còng lưng. Ngài đã vượt ra khỏi khung cảnh của luật Maisen, để giải thoát cho một con người. Trong khi đó, ông trưởng hội đường lại có thái độ vụ hình thức, vụ luật, lãnh đạm vô tâm, xem thường nỗi thống khổ của người lân cận. Ông tìm lý do biện hộ cho thái độ thiếu bác ái, thiếu thông cảm của mình nơi luật Maisen. Ông bực tức nói với đám đông: “Đã có sáu ngày phải làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày Sabat”.

Còn Đức Giêsu thì Ngài dành ưu ái cho những người nghèo khổ, những kẻ bé mọn, những người bị xã hội đẩy ra bên lề. Để đến với những người này, Ngài sẵn sàng vượt qua mọi thứ rào cản. Trong Tin mừng hôm nay, để chữa cho một người phụ nữ bị còng lưng, Ngài đã vượt qua một trong những thứ rào cản gai góc nhất đối với người Do thái là những cấm kỵ của ngày hưu lễ. Nhiều người Do thái mà ông trưởng hội đường là điển hình nại đến những cấm kỵ của ngày hưu lễ để bắt bẻ Đức Giêsu, nhưng Ngài đã vạch mặt chỉ tên những kẻ đạo đức giả. Đạo đức giả là bởi vì họ lén lút làm việc xấu trong ngày hưu lễ, nhưng lại ngăn cản không cho người khác được làm việc trong ngày này (Mỗi ngày một tin vui).

Hành động “giải thoát khỏi tật nguyền” của Đức Giêsu dưới cái nhìn của ông trưởng Hội đường là một “việc làm”, nên đã chỉ trích Đức Giêsu cách gián tiếp qua người phụ nữ được chữa lành bệnh tật: “... đừng có đến vào ngày Sabát”. Ngược lại, nếu ông mặc lấy cái nhìn của tình yêu thương con người, thì ông đã có thể biện hộ cho hành động “giải thoát” của Đức Giêsu là hành vì “giúp đỡ người bệnh tật...” mà luật Do thái cho phép làm cả trong ngày Sabát. Việc làm của Đức Giêsu trong ngày Sabát hôm nay muốn dạy người Do thái và chúng ta điều tốt có thể làm cho con người thì đừng để đến ngày mai (5 phút Lời Chúa).

Đối với Đức Giêsu, Lề Luật được làm ra vì và cho con người, chính vì thế mà Ngài đã khẳng định Lề Luật và sách các tiên tri đều quy về một mối duy nhất là yêu người. Vì yêu thương con người Đức Giêsu đã sẵn sàng vượt qua mọi thứ rào cản để đến với con người. Ngày nay, Ngài cũng mời gọi chúng ta bước theo Ngài, sẵn sàng vượt qua mọi chướng ngại và đạp rào cản trong cuộc sống để tìm đến với tha nhân, nhất là những kẻ bé mọn, những người bị đẩy ra bên ngoài cuộc sống do luật pháp và truyền thống của con người dựng lên, nhưng cũng có vô số những rào cản do chính chúng ta dựng lên ngay trong tâm hồn và trong ánh mắt của chúng ta. Những rào cản đó là lòng hận thù, sự ích kỷ và nhất là thái độ dửng dưng của chúng ta trước nỗi khổ đau của người khác.

Truyện: Giữ luật cách máy móc

Có một thầy tiến sĩ luật Do thái bị đi tù ở Rôma. Ông chỉ được ăn uống tối thiểu, nhằm mục đích kéo dài cuộc sống cho qua ngày. Thời gian trôi qua, thầy Luật sĩ yếu dần dần.

Cuối cùng, người ta phải mời một bác sĩ đến khám. Bác sĩ bảo rằng cơ thể ông ta bị thiếu nước trầm trọng. Các sĩ quan cai ngục không hiểu nổi tại sao ông ta lại có thể thiếu nước. Bởi vì khẩu phần nước mỗi ngày tuy là tối thiểu, nhưng vẫn tương đối đủ cho một cơ thể.

Thế là đám lính gác liền chú ý quan sát thầy Luật sĩ ấy một cách kỹ lưỡng hơn, xem ông ta đã làm gì với số nước ấy.

Cuối cùng, người ta khám phá ra bí mật. Thầy Luật sĩ ấy đã sử dụng phần lớn số nước để rửa tay theo nghi thức tôn giáo trước khi cầu nguyện và ăn uống. Như thế ông ta chỉ còn lại ít nước để uống.

 

Suy niệm 10: Ý nghĩa giải phóng của ngày Sabat

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Câu chuyện này cho thấy rõ ý nghĩa giải phóng của ngày Sabat:

Cách chung, Luật Chúa và luật Giáo Hội nhằm giải phóng con người khỏi mọi trói buộc của tội lỗi và tật xấu.

Cách riêng, luật thánh hóa ngày Sabat (nay đổi thành ngày Chúa nhật) cũng thế. Vậy phải hiểu luật và giữ luật theo tinh thần mới. Còn nếu cứ giữ luật vì luật, thì luật sẽ trở thành xiềng xích và sẽ là cớ cho nhiều lạm dụng bởi những động lực không tốt của con người.

Đã có một tín hữu nọ đi tới một quán ăn, anh biết quán ăn có nhiều món cá lạ, nhưng là ngày thứ sáu buộc phải kiêng thịt mà trong lòng thì lại thích ăn thịt. Vì thế, trước hết anh gọi những món cá mà anh biết chắc chắn chẳng bao giờ có, anh nói:

- Cho tôi đĩa cá sấu, cho tôi đĩa cá voi, cho tôi đĩa cá mập….

Chủ quán trả lời: - Không có! Không có! Không có!

Thế rồi anh tự nhủ:

- Lạy Chúa, Chúa biết cho con, con đã làm hết sức, đó là con đã gọi nhiều thứ cá mà chẳng có. Thôi, con đành phải gọi một tô phở thịt bò tái mà ăn trong ngày thứ sáu kiêng thịt vậy.

Cầu nguyện xong, anh thi hành liền, anh tự tạo ra những lý do, những hoàn cảnh để khỏi phải bị lỗi luật Chúa!

2. Ngày Chúa nhật phải là ngày giải phóng. Trong ngày đó tôi phải ca tụng tạ ơn Chúa vì đã giải phóng tôi. Tôi phải quan tâm giải phóng chính mình khỏi mọi thứ xiềng xích xấu xa đang trói buộc mình, và cũng phải quan tâm giải phóng người khác khỏi lao nhọc, buồn khổ.

Việc Chúa chữa người đàn bà trong bài Tin Mừng hôm nay cũng nằm trong ý nghĩa đó.

Chúa đối xử như vậy nhưng con người thì lại không được như Chúa.

Trong 40 chuyện rất ngắn do Hội Nhà văn xuất bản năm 1994, có một câu chuyện rất ngắn với tựa đề “Tính cách” của tác giả Nguyễn thị Hoài Thanh. Chuyện có nội dung như sau:

Mẹ tôi luôn chai lì trước cán cân cơm áo, nhưng mẫn cảm trong nghệ thuật. Những giọt nước mắt tình buồn phim ảnh, những sụt sùi số phận cải lương, bà đều hồn nhiên ăn theo một cách ngon lành. Có lần cha tôi nói giỡn:

- Coi chừng trôi tivi…

Một hôm, đang bữa ăn, bỗng nhiên mẹ tôi hối hả chạy ra chặn đường em bé bán trứng vịt lộn:

- Mày biến đâu tài thế! Có chui xuống đất rồi cũng gặp tao.

Bà vừa nói vừa dằn mũng trứng đếm lấy để trừ nợ.

- Dì ơi, cho con khất, mẹ con còn ốm.

Mẹ tôi cười:

- Nhà này cũng đang ốm đây, khỏi bẻm mép.

Con bé chưng hửng lã chã nước mắt nhìn cái mủng không, rồi bưng lên xiêu vẹo bước đi. Cha tôi cám cảnh, rút mùi xoa chấm mắt. Lâu lâu tivi phát vở kịch “Cô bé nghèo bán trứng vịt bị xiết nợ”. Lúc ấy, mẹ tôi lại khóc, còn cha tôi thì cười.

Chuyện ngắn trên đây có thể là bức tranh sống động hàng ngày. Người ta dành nước mắt cho những vở kịch trong phim ảnh, trên sân khấu hơn là cho những chuyện xảy ra mỗi ngày trước mắt ; người ta xót thương trên môi miệng hơn là bằng những hành vi cụ thể.

Thời Chúa Giêsu, có lẽ những người Pharisêu đã đối xử với người đàn bà trong Tin Mừng hôm nay như thế. Họ nhân danh lề luật, nhất là luật ngày hưu lễ, để biện minh cho thái độ sống ích kỷ của mình.

Một bà đạo đức kia rất có lòng quí mến và tôn trọng các vị tu hành. Bà đã nhận chu cấp cho một đệ tử có chí nguyện từ bỏ cuộc sống trần gian để dấn thân theo con đường tu thân tầm đạo.

Suốt hai mươi năm trường, bà không ngừng chăm lo và khuyến khích vị tu sĩ trẻ gắng công tu trì, tĩnh niệm, chuyên cần để hiểu pháp luật. Trong một khu vườn thanh tịnh âm u, xa khuất mọi tiếng ồn ào cõi thế, bà dựng một tịnh xá để ngày đêm vị tu sĩ chuyên tâm tu luyện.

Hai mươi năm trôi qua, một ngày nọ, người đàn bà đạo đức ấy muốn biết công trình tu thân luyện đức của nhà sư đã đạt tới mức độ nào, bà liền bày ra một cuộc thử thách thật cam go.

Bà nhờ một thiếu nữ xinh đẹp giúp bà trong cuộc thử thách này. Đúng nửa đêm, khi nhà sư đang trầm ngâm trong tĩnh niệm, thiếu nữ liền đẩy cửa tịnh xá tiến vào trước mặt nhà sư và bày trò cám dỗ ông. Đôi mắt nhìn xuống, nét mặt thanh thản, nhà sư vẫn bất động.

Nhưng sau một hồi lâu như không thể cầm mình được nữa, nhà sư liền nắm cây chổi quất lia lịa vào người thiếu nữ và xua đuổi nàng ra khỏi tịnh xá.

Khi nghe nàng kể lại sự kiện, người đàn bà đạo đức buồn rầu hỏi nàng:

- Thế ra hắn không nói với con được một lời cảm thông ư ? Hắn không tỏ dấu gì một tâm hồn đã siêu thoát và tự chủ ư ?

Rồi bà thất vọng thốt lên: - Ôi, hai mươi năm trường tu luyện, thật vô ích! Hai mươi năm ân cần săn sóc và mong đợi của ta, thật uổng phí!

 

Suy niệm 11: Ý nghĩa giải phóng của ngày sabát

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Câu chuyện này cho thấy rõ ý nghĩa giải phóng của ngày sabát:

- Đương sự là một người bị bệnh đến nỗi khòm lưng suốt 18 năm,

- mắt không thể nhìn lên được.

- Chính Chúa Giêsu nói bà đã bị xiềng xích trói buộc.

Việc chữa bệnh cũng là việc giải phóng:

- Chúa Giêsu nói bà là con cái của Abraham.

- Ngài coi việc chữa bệnh là “tháo xiềng” cho bà.

- Bà đã đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa.

B.... nẩy mầm.

1. Cách chung, Luật Chúa và luật Giáo Hội nhằm giải phóng con người khỏi mọi trói buộc của tội lỗi và tật xấu. Cách riêng, luật thánh hóa ngày sabát (nay đổi thành ngày Chúa nhật) cũng thế. Tuy nhiên, một cách hiểu luật và giữ luật hoàn toàn vụ luật khiến cho luật trở thành xiềng xích và con người thành nô lệ.

2. Truyện cổ Đông phương kể rằng: ngày xưa, có vị đạo sĩ dâng cho vua một chiếc nhẫn kì diệu và vô giá. Nó vô giá vì được làm bằng thứ kim loại quí hiếm và gắn nhiều kim cương lóng lánh. Nó kì diệu ở chỗ: nếu người đeo nó làm điều lành, thì nó rất vừa vặn và chiếu sáng. Nhưng nếu người đó làm điều ác, thì nó sẽ biến thành một cái máy xiết rất mạnh, ngón tay rất đau đớn.

Mỗi người chúng ta cũng có một chiếc nhẫn thần là lề luật của Chúa. (Góp nhặt)

3. Chứng bệnh của bà này cũng tượng trưng cho tội lỗi, cho nên thánh Luca nói bà này “bị quỷ ám”. Tội lỗi làm cho người ta “bị khòm lưng” và “không trông lên được.”

Xin Chúa hãy “nhìn thấy” hoàn cảnh khốn khổ của con vì tội lỗi, xin Chúa “đặt tay” lên con, làm cho con “đứng thẳng” và nhìn lên cao để tôn vinh Thiên Chúa.

4. Ngày Chúa nhựt là ngày giải phóng. Trong ngày đó tôi phải ca tụng tạ ơn Chúa vì đã giải phóng tôi, tôi phải quan tâm giải phóng chính mình khỏi mọi thứ xiềng xích xấu xa đang trói buộc mình, và cũng phải quan tâm giải phóng người khác khỏi lao nhọc, buồn khổ.

5. Truyện rất ngắn với tựa đề “Tính cách” của tác giả Nguyễn thị Hoài Thanh đăng trong 40 truyện rất ngắn do Hội Nhà văn xuất bản năm 1994 có nội dung như sau:

Mẹ tôi luôn chai lì trước cán cân cơm áo, nhưng mẫn cảm trong nghệ thuật. Những nước mắt tình buồn phim ảnh, những sụt sùi số phận cải lương, bà đều hồn nhiên ăn theo một cách ngon lành. Có lần cha tôi nói giỡn: “Coi chừng trôi tivi”…

Một hôm, đang bữa ăn, bỗng nhiên mẹ tôi hớn háo phớt ra chặn đường em bé bán trứng vịt lộn: “Mày biến đâu tài thế ! Có chui xuống đất rồi cũng gặp tao”.

Bà vừa nói vừa dằn mũng trứng đếm lấy trừ nợ.

“Dì ơi, cho con khất, mẹ con còn ốm”.

Mẹ tôi cười: “Nhà này cũng đang ốm đây, khỏi bẻm mép”.

Con bé chưng hửng lã chã nước mắt nhìn cái mủng không, rồi bưng lên xiêu vẹo bước đi.

Cha tôi cám cảnh, rút mùi xoa chấm mắt. Lâu lâu tivi phát vở kịch “Cô bé nghèo bán trứng vịt bị xiết nợ”. Lúc ấy, mẹ tôi lại khóc, còn cha tôi thì cười.

Truyện ngắn trên đây có thể là bức tranh sống động hàng ngày. Người ta dành nước mắt cho những vở kịch trong phim ảnh, trên sân khấu hơn là cho những chuyện xảy ra mỗi ngày trước mắt; người ta xót thương trên môi miệng hơn là bằng những hành vi cụ thể.

Thời Chúa Giêsu, có lẽ những người biệt phái cũng có một tính cách như thế. Họ nhân danh lề luật, nhất là luật ngày hưu lễ, để biện minh cho thái độ sống ích kỷ của mình. ("Mỗi ngày một tin vui")

 

Bài cùng chuyên mục:

+ Chúa Nhật 08/12/2024 – CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG năm C. – Dọn đường cho Chúa. (07/12/2024 10:00:00 - Xem: 355)

08/12 – CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG năm C.

Thứ Bảy 07/12/2024 – Thứ Bảy đầu tháng, tuần 1 mùa vọng. – Thánh Amrôxiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Lúa chín đầy đồng, thợ gặt thì ít.  (06/12/2024 10:00:00 - Xem: 2,368)

Thánh Amrôxiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

Thứ Sáu 06/12/2024 – Thứ Sáu đầu tháng, tuần 1 mùa vọng. – Chữa lành 2 người mù.  (05/12/2024 10:00:00 - Xem: 3,680)

Thứ Sáu đầu tháng, tuần 1 mùa vọng.

Thứ Năm 05/12/2024 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 1 mùa vọng. – Người khôn ngoan thực sự.  (04/12/2024 10:00:00 - Xem: 4,239)

Thứ Năm đầu tháng, tuần 1 mùa vọng.

Thứ Tư 04/12/2024 – Thứ Tư tuần 1 mùa vọng. – Hóa bánh ra nhiều lần 2.  (03/12/2024 18:07:00 - Xem: 3,763)

Thứ Tư tuần 1 mùa vọng.

+ Chúa Nhật 01/12/2024 – CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG năm C. – Tỉnh thức và cầu nguyện luôn. (30/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,975)

CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG năm C.

Thứ Bảy 30/11/2024 – Thứ Bảy tuần 34 thường niên – THÁNH ANRÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính. – Ngư phủ lưới người. (29/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,527)

THÁNH ANRÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.

Thứ Sáu 29/11/2024 – Thứ Sáu tuần 34 thường niên. – Nhận ra tiếng Chúa qua các biến cố. (28/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,665)

Thứ Sáu tuần 34 thường niên.

Thứ Năm 28/11/2024 – Thứ Năm tuần 34 thường niên. – Giờ cứu rỗi gần đến. (27/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,730)

Thứ Năm tuần 34 thường niên.

Thứ Tư 27/11/2024 – Thứ Tư tuần 34 thường niên. – Làm chứng về Chúa. (26/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,704)

Thứ Tư tuần 34 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7