Lời chúa mỗi ngày

Thứ Hai 08/05/2023 – Thứ Hai tuần 5 Phục Sinh. – Những giới hạn.

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,574
  • Ngày đăng: 07/05/2023 10:00:00

Những giới hạn.

08/05 – Thứ Hai tuần 5 Phục Sinh.

“Đấng Phù Trợ mà Cha sẽ sai đến, Người sẽ dạy các con mọi điều”.

 

Lời Chúa: Ga 14, 21-26

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy, và ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy cũng yêu mến và tỏ mình ra cho người ấy”.

Ông Giuđa, không phải Giuđa Iscariô, thưa Người rằng: “Lạy Thầy, tại sao Thầy sẽ tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ cho thế gian?” Chúa Giêsu trả lời: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời mà các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Đấng Phù Trợ, là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy niệm 1: Yêu mến, đến và ở lại

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

 “…Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn.

Linh hồn phải giữ linh hồn, đến khi gần chết được lên thiên đàng.”

Đó là phần cuối của một bài đồng dao quen thuộc cách đây mấy chục năm.

Bài hát này đi kèm với trò chơi thiên đàng hỏa ngục hai bên của trẻ nhỏ.

Thiên đàng là điểm đến tối hậu của đời người kitô hữu.

Nhưng mô tả thiên đàng lại là điều vượt sức con người.

Thánh Phaolô đã được nghe những lời khôn tả ở đó,

nhưng tiếc là ngài không được phép nói lại (2 Cr 12, 4).

Đức Giêsu đã dùng hình ảnh bữa tiệc để nói lên bầu khí thiên đàng,

nơi có niềm vui, hạnh phúc và sự hiệp thông

giữa Thiên Chúa và những người từ bốn phương thiên hạ (Mt 8, 11).

Nếu coi thiên đàng là nơi con người được hạnh phúc bên Thiên Chúa,

trong một tương quan tình yêu, diện đối diện và vĩnh viễn,

thì thiên đàng ấy đã chớm nở ngay từ đời này rồi.

Khi yêu Thầy Giêsu, người môn đệ sẽ được Thầy yêu lại.

Hơn nữa, chính Chúa Cha cũng yêu mến người ấy (c. 21).

Và điều con người không dám mong sẽ xảy ra sau Phục sinh:

“Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy và sẽ ở lại với người ấy” (c. 23).

Thiên đàng bắt đầu với sự trao đổi tình yêu qua lại

giữa người môn đệ với Cha và Con.

Nơi nào có Thiên Chúa cư ngụ, nơi đó là thiên đàng.

Khi Cha và Con đến dựng nhà nơi người môn đệ trung tín,

tâm hồn người ấy trở thành thiên đàng.

Hạnh phúc đã được nếm cảm trong giây phút hiện tại rồi

trước khi được hưởng trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa.

Nhưng không phải chỉ có sự hiện diện của Cha và Con,

Người môn đệ còn có Thánh Thần ở với và ở trong mình (Ga 14, 16-17).

Như Cha đã sai Con, nay Cha lại sai Thánh Thần (c. 26).

Thánh Thần sẽ là thầy dạy và là người gợi cho các môn đệ

nhớ lại và hiểu thấu những gì Đức Giêsu đã làm (x. Ga 2, 22; 12,16).

Vậy nơi tâm hồn người môn đệ, có sự hiện diện của cả Ba Ngôi Thiên Chúa.

Một thiên đàng nho nhỏ ngay ở đời này!

Muốn cho thiên đàng ấy tồn tại,

cần giữ các điều răn của Thầy Giêsu với rất nhiều tình yêu.

Hãy yêu bằng hành động hơn là bằng cảm xúc.

và để cho tình yêu Giêsu chi phối mọi chi tiết của đời ta.

 

Cầu nguyện:

Ngài đã xuống tận đáy lòng con,

xin cho con chỉ tập trung

vào tận đáy lòng con.

Ngài là thượng khách của lòng con,

xin cho con bước vào nhà

là chính đáy lòng con.

Ngài chọn cư ngụ trong lòng con,

xin cho con biết ngồi yên

ngay tại đáy lòng con.

Duy Ngài ở lại trong con,

xin cho con biết chìm sâu

xuống tận đáy lòng con.

Duy Ngài hiện diện trong lòng con,

xin cho con biết xóa mình

khi Ngài ở bên con.

Khi con đã gặp Ngài,

không còn con và Ngài nữa.

Con chẳng là gì cả,

và Ngài là tất cả. Amen. (Theo Swami Abhisiktananda)

 

Suy niệm 2: Bỏ điều hão huyền

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Con người thiện chí. Nhưng dễ rơi vào những điều hão huyền. Dân chúng và các tư tế đền thờ thần Dớt tại Ly-cao-ni-a là một bằng chứng. Họ nghĩ tưởng về thần thánh theo phạm trù khái niệm họ tự đặt ra. Quả quyết Phao-lô và Bar-na-ba là thần Dớt và thần Hẹc-mét. Trong khi đó không tin lời của chính đương sự nói. Nên Phao-lô khuyên nhủ họ phải từ bỏ những điều hão huyền để trở về với Thiên Chúa là đường ngay nẻo chính.

Thực ra không ai có thể biết Thiên Chúa. Trừ khi Thiên Chúa tỏ mình cho. Thiên Chúa vượt xa mọi tầm hiểu biết của con người. Vượt xa mọi khái niệm của con người. Vượt xa mọi điều con người có thể suy nghĩ và mường tượng ra. Nhưng Thiên Chúa cũng không thể tỏ mình cho bất cứ ai. Thiên Chúa không tỏ mình một cách vô lý cưỡng ép. Nhưng chỉ có thể tỏ ra với những điều kiện phải có. Điều kiện đó là tình yêu.

Thiên Chúa là Tình Yêu. Chỉ những ai yêu mới đón nhận được Thiên Chúa. Không phải yêu lý thuyết nhưng là yêu thực sự cụ thể. Đó là tuân giữ giới răn như Chúa Giêsu đòi hỏi: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ đượ Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy”. Thiên Chúa tình yêu tỏ mình ra cho người có tình yêu. Và chỉ người có tình yêu mới hiểu và đón nhận được Thiên Chúa là Tình Yêu.

Còn hơn cả tỏ mình ra, Thiên Chúa sẽ ở lại và kết hợp với ta trong tình yêu. “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. Đó chính là lúc ta cảm nhận được tình yêu thực sự. Đó chính là ta đón nhận được tình yêu thực sự. Tình yêu cụ thể. Tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Tình yêu tuyệt hảo giữa Cha và Con trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần.

Ta hãy từ bỏ những điều hão huyền. Lối sống hão huyền. Mơ ước hão huyền. Tình yêu hão huyền. Hạnh phúc hão huyền. Yêu mến và tuân giữ Lời Chúa ta sẽ có tình yêu thực sự. Được Thiên Chúa Ba Ngôi Tình Yêu đến ở với ta, ta sẽ cảm nhận được tình yêu thực sự. Sẽ có niềm vui chan chứa. Sẽ hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.

 

Suy niệm 3: Những giới hạn

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Hôm nay, bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc là những lời tâm sự của Chúa Giêsu cho các tông đồ trong một khung cảnh hết sức quan trọng là bữa tiệc ly của Chúa với các môn đệ trước khi thực hiện biến cố vượt qua. Cấu trúc của toàn chương 14 này của Phúc Âm thánh Gioan được xoay quanh ba câu hỏi của các tông đồ. Câu hỏi thứ nhất là của tông đồ Thomas: “Thầy đi đâu chúng con không biết thì làm sao chúng con biết đường đi?” Và câu hỏi thứ hai của tông đồ Philípphê: “Lạy Thầy, xin chỉ cho chúng con nhìn thấy Thiên Chúa Cha và thế là đủ cho chúng con rồi.”

Trong Phúc Âm Chúa Nhật hôm qua chúng ta đã nghe những lời Chúa Giêsu trả lời cho hai câu hỏi trên và từ đó chúng ta được Chúa cho biết mục đích của đời sống con người là gì và đâu là con đường để đạt tới mục đích đó. Con đường đó không là gì khác hơn là chính Chúa Giêsu Kitô, Ðấng mạc khải Thiên Chúa Cha cho con người và dẫn đưa con người về cùng Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu đã quả quyết mạnh mẽ với các tông đồ: “Thầy là Ðường, là Sự Thật, và là Sự Sống”, và hôm nay chúng ta đọc và Suy niệm những câu kế tiếp, trong đó chúng ta sẽ nghe thấy những câu Chúa Giêsu trả lời cho câu hỏi thứ ba của tông đồ Giuđa Tadeo: “Lạy Thầy, tại sao Thầy lại tỏ mình ra cho chúng con mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Xem ra như Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp cho câu hỏi của Giuđa Tađeo nhưng Chúa nhắc tới thái độ tự nguyện tự quyết của kẻ muốn theo Chúa: “Ai lắng nghe lời Thầy, ai yêu mến và tuân giữ lời Thầy thì người đó là kẻ yêu mến Thầy, và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy”.

Qua câu trả lời này chúng ta hiểu về những giới hạn trong mạc khải của Chúa và từ phía con người chấp nhận hay không chứ không phải từ Thiên Chúa, là Ðấng muốn cứu rỗi tất cả mọi người. Con người chúng ta có tự do khước từ ơn cứu rỗi của Thiên Chúa, giới hạn tác động cứu rỗi của Thiên Chúa. Quả thật đây là một mầu nhiệm, mầu nhiệm của sự tự do con người và sự hữu hiệu của ân sủng Thiên Chúa. Con người cần được trợ giúp để quyết định cho đúng và nguồn trợ lực đến từ Chúa Thánh Thần là Ðấng tiếp tục soi sáng cho các tông đồ, hướng dẫn họ đến sự thật trọn vẹn mỗi ngày một hơn. Và cũng qua đoạn Phúc Âm trên chúng ta thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn những ai yêu mến Người là một sự hiện diện Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Lạy Chúa, xin gìn giữ con trong tình thương của Chúa. Xin cho con luôn sống theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để mọi nơi và mọi lúc con luôn được lớn lên trong tình yêu Chúa và anh chị em chung quanh.

 

Suy niệm 4: Muốn lòng mến tồn tại

Chúng ta không xét đến những bất trung của chúng ta đối với Chúa. Chúng ta phạm pháp, phạm giới luật nhiều và cũng không thấy một thứ trung thành với Thiên Chúa, chỉ có bề ngoài, thứ trung thành lắt léo khi giữ luật: luật nói gì thì tôi làm thế, luật cấm gì thì tôi không thể dám làm, nếu không tôi mắc lỗi nặng.

Nếu chúng ta trở về với trọng tâm của Tin mừng, chúng ta sẽ thấy một hướng khác, điều quan trọng nhất là cần liên đới với Thiên Chúa như điều răn nói: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”. Chính tình yêu là trung tâm sự liên kết với Thiên Chúa. Không có tình yêu này, sự nhận thức của chúng ta về Thiên Chúa sẽ bất chính, như thấy Thiên Chúa là Đấng báo oán quá trớn và công thẳng quá độ.

Quá nhiều Kitô hữu còn sợ Thiên Chúa theo lối giữ lời Chúa vì sợ Thiên Chúa báo thù, chứ không vì yêu mến Chúa. Không có lòng yêu mến, những đòi hỏi thánh thiện trở thành gánh nặng không thể chịu nổi: Đó là ách quá nặng làm cho tâm thần bấn loạn.

Trái lại, nếu những liên kết với Chúa được xây dựng trên tình yêu, tình yêu này sẽ thúc đẩy sống trung thành bền vững. Thiên Chúa sẽ đáp lại lòng trung thành này bằng ở lại với người ấy: “Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. Thiên Chúa không áp đặt sự hiện diện của Ngài. Ngài không đến như kẻ đi nghỉ mát. Nhưng Ngài đến ở với tấm lòng ưu ái nồng nàn, đó là nơi tình yêu và lòng trung tín gặp nhau, sống với nhau.

Một đứa trẻ sẽ cảm thấy bị áp đặt sống trong một gia đình khi nó không có lòng yêu mến, cũng thế, chúng ta sẽ thấy bị bó lòng phải giữ giới răn Chúa, khi chúng ta chưa yêu mến Ngài. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta biết đáp lại bằng một tình yêu cụ thể trước khi Ngài đến. Như vậy, khi chúng ta tin tưởng yêu mến và trông cậy Ngài, Ngài đã ở trong chúng ta rồi. Thực vậy, đức tin, đức cậy và đức ái là ba nhân đức đối thần, là của cải của Thiên Chúa ban cho chúng ta, cho chúng ta thấy hình ảnh Ngài trong chúng ta.

C.G

 

Suy niệm 5: Để được ở với Chúa

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Một tu sĩ Dòng Tên đã chia sẻ kinh nghiệm:

Sau những ngày bố ráp căng thẳng, ông và một số anh em bị bắt giữ. Một viên công an nói với các tu sĩ bằng một giọng đắc thắng: “Trong những ngày qua chắc các ông đã cầu nguyện nhiều để thoát khỏi tay chúng tôi. Nhưng các ông thấy đó, làm sao có thể thoát khỏi tay chúng tôi được”. Nghe thế, vị tu sĩ điềm nhiên trả lời: “Quả thật chúng tôi đã cầu nguyện nhiều, nhưng chúng tôi không cầu nguyện để thoát khỏi tay các ông, mà để được ở trong tay Chúa”.

Để được ở trong tay Chúa, để được ở với Chúa, để được Chúa cư ngụ trong tâm hồn, đó là mục đích của cuộc sống đức tin mà người Kitô hữu phải không ngừng theo đuổi. Đó cũng là một trong những ý tưởng nổi bật trong Tin mừng Gioan. Những môn đệ đầu tiên đã đến xem nơi Chua Giêsu cư ngụ và đã ở lại với Ngài. Chúa Giêsu đã kêu gọi họ trước tiên là đến và ở với Ngài.

Bài Tin mừng hôm nay cũng muốn đào sâu ý tưởng ấy. “Ai yêu mến Ta, Ta sẽ yêu mến nó và sẽ tỏ mình ra cho nó”. Trong Cựu ước, Đền thờ vốn được quan niệm như nơi cư ngụ của Thiên Chúa. Nhưng với Chúa Giêsu, Đền thờ Thiên Chúa từ nay sẽ là tâm hồn con người; từ nay nhờ phép rửa, người Kitô hữu trở thành đền thờ của Chúa. Nhưng sự hiện diện ấy của Thiên Chúa, người Kitô hữu chỉ cảm nhận được khi họ yêu mến Chúa Giêsu và tuân giữ giới răn của Ngài. Sự hiện diện ấy, người Kitô hữu chỉ có thể làm lan tỏa chung quanh bằng việc tuân giữ giới răn của Chúa Giêsu, nghĩa là sống theo Ngài, sống với Ngài, sống bằng chính sức sống của Ngài.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở người Kitô hữu về sứ mệnh làm chứng cho sự hiện diện của Chua trong trần thế. Người ta không thể cho đi điều mình không có. Nguyên tắc này càng đúng hơn trong đời sống đức tin: người Kitô hữu sẽ không là chứng nhân sự hiện diện của Chúa, nếu cuộc sống của họ không có sức tỏa lan sự hiện diện ấy. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta cách làm chứng cho sự hiện diện ấy, đó là tuân giữ các giới răn của Ngài. Khi những người ngoài nhìn vào cộng đoàn Kitô tiên khởi, họ đã phải thốt lên: “Kìa xem họ yêu thương nhau dường nào! Đó cũng là thách đố đang được đặt ra cho người tín hữu chúng ta: chúng ta phải sống thế nào để sự hiện diện của Chua không chỉ giới hạn trong nơi thờ phượng hay trong những sinh hoạt tôn giáo, mà phải được thể hiện bằng cả cuộc sống chúng ta nữa.

“Chúng tôi không cầu nguyện để thoát khỏi tay các ông, mà để được ở trong tay Chúa”. Ước gì, qua cuộc sống mỗi ngày, chúng ta luôn cảm nhận được sự hiện diện yêu thương của Chúa, và đáp trả tình yêu ấy bằng những cố gắng sống yêu thương, quảng đại để sự hiện diện và tình yêu của Chúa cũng được người khác cảm nhận.

 

Suy niệm 6: Hãy làm mới lại tình yêu “Yêu sẽ giữ lời”

Trong tình yêu, hẳn ai cũng hiểu rằng: “Yêu ai thì đều muốn cho người mình yêu được hạnh phúc và tìm mọi cách để cho người yêu của mình được hài lòng...”.

Đây là tình yêu tự nhiên của con người dành cho nhau. Nhưng tình yêu giữa ta và Chúa thì hoàn toàn khác. Khác ở chỗ: nếu ta nói mình yêu Chúa, thì Lời Chúa phải ở trong ta và sẽ chi phối mọi lời nói, hành động và việc làm của ta.

Vì thế, Đức Giêsu nói: “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Như vậy, yêu mến Chúa là giữ lời Chúa truyền, và người yêu mến Thiên Chúa thì sẽ được: “Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy".

Khi yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu Ngài bằng một tình yêu đơn sơ chân thành. Tình yêu của người con đối với người cha. Tuy nhiên, để tình yêu được nên trọn, chúng ta còn phải có chiều kích thứ hai, đó là yêu tha nhân như Chúa yêu. Tức là yêu hết mọi người không phân biệt. Yêu người thương mình và yêu cả người ghét mình. Chỉ có tình yêu như thế, mới đem lại cho ta hạnh phúc thực sự. Ngược lại, nếu chỉ yêu kẻ làm ơn cho mình, thì phải chăng là thứ tình yêu tự nhiên thuần túy.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy làm mới lại tình yêu của mình với Chúa. Tức là lấy Lời Chúa làm lẽ sống, làm định luật và tiêu chuẩn để ta yêu và yêu bằng tình yêu của chính Chúa. Sống và giữ Lời Chúa cách trung thành, không bóp méo và ngụy biện hay lấy Lời Chúa làm bình phong cho những hành động đen tối của mình.

Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa đem lại cho chúng con niềm vui và bình an đích thực. Xin Chúa ban cho chúng con luôn yêu mến và tuân giữ Lời Chúa, để Lời Chúa trở thành lẽ sống và lý tưởng vươn tới sự hoàn thiện của chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 7: Yêu Chúa, sẽ vâng phục và thi hành Thánh Ý Chúa

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu chứng tỏ tâm tình yêu mến Chúa Cha qua việc luôn vâng phục và thi hành Thánh Ý Chúa Cha. Ngài cũng đang mời gọi chúng ta: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi con yêu mến Chúa. Nhưng đối với Chúa, tình yêu không chỉ là một cảm xúc mau qua, mà còn phải được chứng tỏ qua việc thi hành Ý Chúa. Chính Chúa đã yêu mến Chúa Cha và thi hành Ý Chúa Cha. Chúa cũng mời gọi con yêu mến Chúa và chứng tỏ tình yêu ấy bằng việc thi hành Ý Chúa. Còn ai không giữ Lời Chúa tức là không yêu mến Chúa. Vâng, con hiểu rằng tuân giữ Lời Chúa và yêu mến Chúa liên kết với nhau và làm nên đời sống Kitô hữu.

Lạy Chúa, nhiều lần con cảm thấy tâm hồn thật sốt sắng, tâm trí lâng lâng bay bổng, tưởng chừng như đang say đắm trong tình yêu mến Chúa hết lòng hết sức. Thế nhưng, những giây phút ấy qua đi, tâm hồn con không còn những xúc cảm nồng nàn nữa. Nhưng con biết đó chưa phải là yêu mến Chúa thật. Dù con không có những rung cảm sốt sắng ấy, con cũng sẽ cố gắng luôn thi hành Ý Chúa, tuân giữ Lời Chúa, để chứng tỏ lòng mến Chúa đích thật. Biết bao lần con đã sốt sắng nồng nàn, nhưng con lại cứ sống theo ý con, coi thường Lời Chúa, không đón nhận Thánh Ý Chúa. Xin Chúa đừng để con yêu mến Chúa cách hời hợt giả tạo như vậy. Xin đừng để con ảo tưởng.

Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì được biết Chúa và yêu mến Chúa. Yêu mến Chúa là hạnh phúc của con. Và con sẽ cố gắng trung thành tuân giữ Lời Chúa mỗi ngày. Qua việc giữ Lời Chúa, xin Chúa ban cho con niềm vui chân thật vĩnh cửu. Amen.

Ghi nhớ: “Ðấng Phù Trợ mà Cha sẽ sai đến, Người sẽ dạy các con mọi điều”.

 

Suy niệm 8: Yêu là tuân giữ Lời Chúa

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Thánh Phanxicô Assisi có lòng mến Chúa và yêu người rất sâu xa. Một hôm, ngài gặp một người bạn, có lẽ anh đã gặp nhiều thử thách trong đời, vì thế anh chia sẻ với Phanxicô rằng anh không thể nào yêu mến Thiên Chúa được.

Đang khi hai người đi đường thì gặp một người hành khất vừa mù vừa què ngồi bên lề đường. Ngài dừng lại hỏi người hành khất: “Này anh, nếu tôi chữa cho anh thấy được và đi được thì anh có yêu mến tôi không?”.

Người hành khất trả lời: “Dạ thưa ngài, không những tôi yêu mến ngài, mà tôi còn xin dâng hiến trọn phần còn lại của đời tôi để phục vụ ngài”. Nghe câu trả lời của người hành khất, thánh Phanxicô quay sang nói với người bạn: “Đấy anh thấy không, người hành khất này chỉ thấy được, đi được mà còn hứa với tôi như thế huống hồ là anh, anh không những được Chúa dựng nên với chân tay mắt mũi lành lặn, Ngài còn chịu chết để cứu chuộc anh nữa, đang khi đáng lý ra anh phải chết vì tội của anh, vậy mà anh lại không yêu mến Chúa sao?”.

Suy niệm

Yêu là tuân giữ Lời của Thầy: Tình yêu không dừng lại ở cái nhìn thấy hay chỉ là tình cảm suông hoặc xúc động thuần túy như là một cảm xúc chỉ lưu lại ở trong trái tim. Tình yêu là nội lực và luôn thúc đẩy dẫn tới hành động. Tình yêu không có hành động là tình yêu không sức sống, là tình yêu lý thuyết, tình yêu chết… Hành động là bằng chứng của tình yêu đích thực như thánh Grégôriô le Grand đã khẳng định: “Bằng chứng của tình yêu là chứng nhân qua những công trình. Không bao giờ tình yêu của Thiên Chúa cư ngụ trong nhàn rỗi. Khi tình yêu hiện hữu, tình yêu luôn làm những sự việc lớn lao”.

Yêu thương là giữ các giới răn, là chúng ta ở với Chúa và Chúa ở với ta, là lưu lại trong tình yêu của Chúa. Người theo Chúa Kitô làm thành đạo của tình yêu: Yêu Chúa và yêu người. Tình yêu sẽ chắp cho chúng ta đôi cánh để bay cao.

Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ các giới răn của Thầy. Ai giữ các giới răn của Thầy mới là người yêu mến Thầy”, giới răn mà Ngài mời gọi tuân giữ, theo văn mạch của Tin Mừng Gioan, Ngài vừa trao ban cho các môn đệ, và qua các ông cho tất cả chúng ta qua mọi thời đại: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34), và Ngài nhắc lại rất trang trọng trong Gioan 15,12. Đức Kitô nhấn mạnh: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Cho nên, yêu thương anh chị em và tất cả những người lân cận là người giữ giới răn Chúa và thật sự yêu mến Ngài. Mến Chúa dẫn đến yêu anh em, thánh Gioan diễn giải nhân quả sự yêu mến này rõ hơn nữa khi xác tín: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20).

Đức Giêsu khẳng định: “Ai giữ các giới răn của Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến. Cha và Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ đến và ở trong người ấy” (Ga 14,21). Sự yêu mến và giữ giới răn làm thành mối tương quan thẳm sâu giữa Chúa Giêsu với chúng ta: Tình yêu gắn bó và tình yêu Thầy - Trò cấu tạo nên tương quan với Chúa Cha trong chính Chúa Giêsu.

Xin cho chúng con, một tình yêu sắt son, theo lệnh truyền của Đức Kitô: Yêu Chúa là tuân giữ Lời, là sống bằng con tim với đời, với anh em bằng một tình yêu sắt son và mãnh liệt. Tình yêu được biểu hiện cụ thể qua hành động tuân giữ giới răn trong sự tự nguyện.

Ý lực sống: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa Kitô, phải chăng là gian truân, khắc khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?… Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta…” (Rm 8,35-37).

 

Suy niệm 9: Bằng chứng lòng mến Chúa

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Đức Giêsu tiếp tục cho các môn đệ biết hoàn cảnh sinh hoạt sau khi Ngài ra đi: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”. Đức Giêsu muốn nhấn mạnh mối liên kết giữa lòng yêu mến và sự trung thành với giáo huấn của Ngài. Không thể nói yêu Ngài nếu không nghe lời Ngài. Không thể thì hành Lời Ngài trọn vẹn nếu không vì yêu Ngài. Tình yêu biểu hiện cụ thể qua hành động tuân giữ trong sự tự nguyện.

Điều khát mong của Đức Giêsu được bầy tỏ qua lời trăng trối: “Hãy yêu thương nhau”. Nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa thật sự, chúng ta có thể yêu người khác như chính mình.

2. “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”.

Lắng nghe và thực hành Lời Chúa là bằng chứng của lòng yêu mến Chúa và được Chúa yêu thương. Đức Giêsu nhắc lại cách tích cực về điều kiện để được Chúa yêu mến và tỏ mình cho, đó là tuân giữ Lời Chúa. Kiểu nói “ở lại” diễn tả hiệu quả của sự liên hệ mới: không chỉ đơn thuần là sự kết hợp với Chúa Giêsu, nhưng còn sát nhập những kẻ giữ Lời Chúa vào trong mối liên hệ mới với Chúa Cha nữa. Như vậy, Ngài trả lời cho ông Giuđa biết: Chúa tỏ mình ra cho hết bất cứ ai tuân giữ Lời Chúa, chứ không chỉ riêng các môn đệ.

3. Trong cuốn sách “The living stone” có một câu chuyện như sau: Jonathan làm được những việc phi thường, phần lớn vì hấp thụ được từ  vị thầy khả kính. Ngày vị thầy sắp lìa trần, ngài cho gọi Jonathan trở về để gặp thầy lần cuối. Jonathan hy vọng thầy sẽ truyền cho bí quyết đặc biệt mà suốt đời thầy còn cất giữ. Nhưng lời trăn trối cuối cùng của ông chỉ vỏn vẹn mấy chữ: “Hãy hành động vì yêu mến”.

Chúa Giêsu trước khi giã biệt các môn đệ cũng nhắn nhủ các ông về điều căn bản: “Ai nghe và giữ giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Chúa Giêsu không đòi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc cảm tính... Tuy nhiên một tình yêu đúng nghĩa là luôn luôn tìm cách làm đẹp lòng người yêu sẵn sàng cho đi tất cả vì người yêu, chứ không dừng lại ở những rung động của thân xác phần nào nói lên tính vị kỷ của mình (Mỗi ngày một tin vui).

4. Tình yêu không bao giờ  chỉ là một thứ tình cảm thuần túy, nhưng tình yêu đòi buộc phải có hành động. Chẳng ai có thể nói “yêu” người khác mà không có bất cứ một ‘hành động” nào để biểu lộ tình yêu của mình. Mà “hành động” ở đây có nghĩa là tất cả con người của mình, cả hồn lẫn xác, cả khối óc và con tim, cả tình cảm cũng như việc làm. Chúng ta có thể tìm thấy gương mẫu diễn tả tình yêu bằng “hành động” như vậy nơi Chúa Giêsu. Ngài yêu mến Chúa Cha bằng việc vâng lời chấp nhận nhập thể, chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá. Trước lúc chia ly các môn đệ, Chúa Giêsu cũng đòi hỏi các ông phải diễn tả tình yêu của mình  bằng hành động cụ thể, đó là: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”(Ga 14,23).

5. Yêu là tuân giữ Lời của Chúa:  Tình yêu không dừng lại ở cái nhìn thấy hay chỉ là tình cảm xuông hoặc xúc động thuần túy như là một cảm xúc chỉ lưu lại ở trong trái tim. Tình yêu là một nội lực và luôn thúc đẩy dẫn tới hành động. Tình yêu không có hành động là tình yêu không sức sống, là tình yêu lý thuyết, tình yêu chết... Hành động là bằng chứng của tình yêu đích thực như thánh  Grégoire le Grand đã khẳng định: “Bằng chứng của tình yêu là chứng nhân qua những công trình. Không bao giờ tình yêu của Thiên Chúa cư ngụ trong nhàn rỗi. Khi tình yêu hiện hữu, tình yêu luôn làm những sự việc lớn lao”.

6. Khi yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu Ngài bằng một tình yêu đơn sơ chân thành. Tình yêu của con người đối với người cha. Tuy nhiên, để tình yêu được nên trọn vẹn, chúng ta còn phải có chiều kích thứ hai, đó là yêu tha nhân như Chúa yêu. Tức là yêu hết mọi người không phân biệt. Yêu người thương mình và yêu cả người ghét mình. Chỉ có tình yêu như thế, mới đem lại cho ta hạnh phúc thực sự. Ngược lại, nếu chỉ yêu kẻ làm ơn cho mình, thì phải chăng là thứ tình yêu tự nhiên thuần túy.

7. Truyện: Thánh Phanxicô Assisi và người bạn.

Thánh Phanxicô Assisi có lòng mến Chúa và yêu người rất sâu xa. Một hôm, ngài gặp một người bạn, có lẽ anh đã gặp nhiều thử thách trong đời, vì thế, anh chia sẻ với Phanxicô rằng anh không thể nào yêu mến Thiên Chúa được.

Đang khi hai người đi đường thì gặp một người hành khất vừa mù vừa què ngồi bên lề đường. Ngài dừng lại hỏi người hành khất: “Này anh, nếu tôi chữa cho anh thấy được và đi được thì anh có yêu mến tôi không”?

Người hành khất trả lời: “Dạ thưa ngài, không những tôi yêu mến ngài, mà tôi còn xin dâng hiến trọn phần còn lại của đời tôi để phục vụ ngài”.

Nghe câu trả lời của người hành khất, thánh Phanxicô quay sang nói với người bạn: “Đấy anh thấy không, người hành khất này chỉ thấy được, đi được mà còn hứa với tôi như thế huống hồ là anh, anh không những được Chúa dựng nên với chân tay mặt mũi lành lặn, Ngài còn chịu chết để cứu chuộc anh nữa, đang khi đáng lý ra anh phải chết vì tội của anh, vậy mà anh không yêu mến Chúa sao”?

 

Suy niệm 10: Ba Ngôi Thiên Chúa

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống)

Đoạn Tin Mừng này là một bài giáo lý về Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ… Ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến… Đấng phù trợ, là Cha Thầy mà Cha Thầy sẽ đến nhân danh Thầy, chính Ngài sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”.

Như thế, giáo lý cơ bản về Chúa Ba Ngôi trong đoạn này là:

- Chúa Cha là Đấng sai Chúa Con đến với loài người.

- Chúa Con vâng lời Chúa Cha đến với loài người để dạy loài người những lệnh truyền.

- Chúa Thánh Thần lại được Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Con, để dạy loài người hiểu sâu hơn những lệnh truyền của Chúa Con. 

- Thái độ con người phải có đối với Ba Ngôi: Yêu mến Chúa Con nên tuân giữ những điều Ngài dạy. Chúa Thánh Thần sẽ giúp đỡ họ làm điều đó. Kết quả: Ba ngôi sẽ ““yêu mến”, “tỏ mình ra” và “ở trong” người ấy.

B. Nẩy mầm …

1. Làm Kitô hữu là được gia nhập gia đình yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi. Mỗi Ngôi Thiên Chúa đều yêu thương và chăm sóc chúng ta. Đó là một vinh dự và là một hạnh phúc to lớn. Cám ơn Chúa.

2. Thái độ đối xử đúng nhất của Kitô hữu với Ba Ngôi Thiên Chúa là “nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ”, vì thế tỏ ra mình yêu mến Thiên Chúa, và được Ngài yêu mến, tỏ mình ra và ở trong ta. 

3. Hai cha con thoả thuận: ông sẽ mua cho cậu một chiếc xe đẹp hơn nếu cậu cạo râu, cắt tóc dài và đọc Thánh kinh mỗi ngày. Xe mua về, cậu đọc sách nhưng không cắt tóc và cạo râu. Khi ông đe dọa, cậu nói: “Con đang đọc về Chúa Giêsu, Ngài để tóc dài và râu dài”. Ông bố nói: “Đúng, Ngài đã để râu và tóc, nhưng Ngài luôn thi hành ý Cha”. (Góp nhặt).

4. Trong cuốn sánh 'The Living Stone' có một câu chuyện như sau: Jonathan là được những việc phi thường, phần lớn vì hấp thụ được từ vị thần khả kính. Ngày vị thần sắp lìa trần, ông gọi Jonathan về để gặp lần cuối. Jonathan hy vọng thầy sẽ truyền cho bí quyết đặc biệt mà suốt đời thầy còn cất giữ. Nhưng lời trăn trối của ông chỉ vỏn vẹn có mấy chữ “Hãy hành động vì lòng yêu mến”.

Chúa Giêsu trước khi giã biệt các môn đệ cũng nhắn nhủ các ông về điều căn bản “Ai nghe và giữ giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Chúa Giêsu không đòi hỏi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc cảm tính… Tuy nhiên một tình yêu đúng nghĩa là luôn luôn tìm cách làm đẹp lòng người mình yêu, sẵn sàng cho đi tất cả vì người mình yêu, chứ không dừng lại ở những rung động ở thân xác phần nào nói lên tính vị kỷ của mình (Mỗi ngày một niềm vui). 

5. “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại nơi người ấy”.

Mỗi lần, bạn ấy xin cha mẹ đi chơi, chúng tôi đều cười nhạo: “Lớn rồi mà còn xin với xỏ. Mình trưởng thầnh rồi, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm tuỳ ý”. Bạn ấy đã giải thích một cách đơn sơ nhưng hợp lý hợp tình: “Hẳn ba má không cần tôi xin, nhưng chắc chắn ba má tôi rất vui khi tôi xin phép như vậy. Tôi làm thế để được làm con và làm con thảo của ba mẹ tôi”.

Hẳn Chúa cũng rất vui khi tôi quan tâm lắng nghe và tuân giữ lời Ngài, để Ngài có thể đưa tôi vào sự hiệp thông tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến và thực hành Lời Chúa để luôn được hiệp thông với Ngài. (Epphata)

 

Suy niệm 11: Kitô hữu là gia nhập gia đình yêu thương của Chúa Ba Ngôi

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta về Thiên Chúa Ba Ngôi.

1. Sách Giáo Lý Chung số 234 dạy: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, cội nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo “phẩm trật các chân lý đức tin” (DCG 43). “Trọn lịch sử cứu độ chỉ là lịch sử về đường lối và các phương tiện mà Thiên Chúa chân thật và duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dùng để tự mặc khải, để giao hòa và kết hợp với Người những ai từ bỏ tội lỗi” (DCG 47).

Làm Kitô hữu là được gia nhập gia đình yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi. Mỗi Ngôi Thiên Chúa đều yêu thương và chăm sóc chúng ta. Đó là một vinh dự và là một hạnh phúc to lớn. Chúng ta hãy hết lòng cảm tạ ơn Chúa.

Thái độ đối xử đúng nhất của Kitô hữu với Ba Ngôi Thiên Chúa là nghe các giới răn Chúa truyền và tuân giữ.

Trong cuốn sách Tảng Đá Sống Động “The living stone”, có một câu chuyện như sau: Gionathan làm được những việc phi thường, phần lớn vì hấp thụ được từ vị thần khả kính. Ngày vị thần sắp lìa trần, ông gọi Gionathan về để gặp lần cuối. Gionathan hy vọng thầy sẽ truyền cho bí quyết đặc biệt mà suốt đời thầy còn cất giữ. Nhưng lời trăn trối của ông chỉ vỏn vẹn có mấy chữ “Hãy hành động vì lòng yêu mến”.

Chúa Giêsu trước khi giã biệt các môn đệ cũng nhắn nhủ các ông về điều căn bản “Ai nghe và giữ giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy” (Ga 14,23). Chúa Giêsu không đòi hỏi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc cảm tính. Tuy nhiên, một tình yêu đúng nghĩa là một tình yêu luôn luôn tìm cách làm đẹp lòng người mình yêu, sẵn sàng cho đi tất cả vì người mình yêu, chứ không dừng lại ở những rung động có tính cách xác thịt đầy lòng vị kỷ của mình (Mỗi ngày một niềm vui).

2. “Ai yêu mến Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại nơi người ấy” (Ga 14,23).

Thánh Phanxicô Assisi có lòng yêu mến Chúa và yêu người rất sâu xa. Một hôm, ngài gặp một người bạn, người này nói với thánh nhân rằng, ông ta không thể nào yêu mến Thiên Chúa được.

Đang khi hai người đi đường thì gặp một hành khất vừa mù, vừa què. Thánh nhân hỏi người hành khất:

- Nếu tôi chữa cho anh để anh thấy và đi được thì anh có yêu mến tôi không?

Người hành khất trả lời:

- Thưa Ngài, không những tôi yêu mến Ngài mà xin dâng hiến trọn phần còn lại của đời tôi để phục vụ Ngài.

Nghe câu trả lời của người hành khất, thánh nhân quay sang người bạn đang đứng bên Ngài nói:

- Đấy anh thấy không, người hành khất này chỉ thấy được, đi được, thế mà còn hứa với tôi như thế, huống hồ là anh, không những anh được Chúa dựng nên với chân tay mắt mũi lành lặn, Ngài lại còn chịu chết để cứu chuộc anh nữa, đang khi đáng lý ra anh phải chết vì tội của anh. Vậy mà anh lại không yêu mến Ngài sao?

Yêu Chúa, đó là bổn phận của mỗi người chúng ta. Nhưng thế nào là yêu Chúa?

Yêu mến Chúa không phải chỉ là làm một số việc đạo đức bên ngoài như đọc kinh dâng lễ, còn cuộc sống thì sao cũng được. Yêu Chúa như thế chưa đủ mà còn phải sống nữa.

Một người thanh niên có lòng yêu mến cha mẹ nên mỗi lần, bạn ấy đi đâu bạn ấy đều xin phép cha mẹ. Một số bạn bè thấy thế liền cười nhạo:

- Lớn rồi mà còn xin với xỏ. Mình trưởng thành rồi, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm tuỳ ý.

Người bạn ấy đã giải thích một cách đơn sơ nhưng hợp lý hợp tình như thế này:

- Hẳn ba má đã không cần tôi xin, nhưng chắc chắn ba má tôi sẽ rất vui khi tôi xin phép như vậy. Tôi làm thế để được làm con và làm con thảo của ba mẹ tôi.

Hẳn Chúa cũng rất vui khi chúng ta biết quan tâm lắng nghe và tuân giữ lời Ngài, để Ngài có thể đưa chúng ta vào sự hiệp thông sâu xa với tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Lạy Chúa!

Con đã yêu Chúa quá muộn màng!

Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa luôn mới mẻ,

con đã yêu Chúa quá muộn màng!

Con thật hư hỏng,

khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.

Chúa đã gọi con, đã gọi to

và phá tan sự điếc lác của con.

Chúa đã soi sáng

và xua đi sự mù lòa của con.

Chúa đã tỏa hương thơm ngát

để con được thưởng thức,

và giờ đây hối hả quay về với Chúa.

Con đã nếm thử Chúa

và giờ đây con đói khát Người.

Chúa đã chạm đến con,

nên giờ đây con nóng lòng

chạy đi tìm an bình nơi Chúa. (Augustinô)

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 1,355)

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,515)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,241)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,769)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,434)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,817)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,804)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,914)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,241)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,580)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7